Chân thành tri ân và ngưỡng mộ những
tù nhân chính trị, tôn giáo, tù nhân lương tâm; những người đã và đang
chịu muôn vàn thống khổ trong cảnh
lao ngục bởi bạo quyền cộng sản gian ác độc tài.
Thành kính đốt nén tâm hương để tưởng
niệm những hương
hồn bất hạnh đã mãi mãi ra đi!
Mục lục
Lời giới thiệu 7
Thay lời tựa
19
1.
Mái chùa xưa
25
2.
Chinh chiến và sự chia lìa 30
3.
Ngày hội ngộ và những hệ lụy của nhà sư
39
4.
Vị pháp vong thân 43
5.
Sự đàn áp bởi bạo quyền cộng sản
48
6.
Nhà sư viên tịch 54
7.
Cuộc tuyệt thực và lễ trao chúc thư 62
8.
Phục hoạt Giáo hội 75
9.
Cảnh lao lung
79
10.
Lá rách đùm lá nát 90
11.
Trước vành móng ngựa 100
12.
Trại giam Z30A Xuân Lộc 112
13.
Kiếp lao ngục đọa đày 118
14.
Án lệnh quản thúc 124
15.
Trở về quê cũ 134
16.
Cuộc đàn áp nước lũ 140
17.
Lánh nạn tại xứ Chùa Tháp 145
18.
Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc phỏng vấn
154
19.
Được hưởng quy chế tỵ nạn
164
20.
Những mối âu lo 171
21.
Mật vụ cộng sản bắt cóc 174
22.
Bị cưỡng bức hồi hương 183
23.
Biệt tăm
189
24.
Dã tâm cộng sản 200
25.
Đàm phán với bị can 206
26.
Trò hề xét xử 218
27.
Bến bờ tự do 224
Phụ lục
Cuộc
điều trần tại Quốc hội châu Âu về
tình
trạng nhân quyền tại Cam Bốt, Lào
và
Việt Nam
230
Thảm
trạng nghiệt ngã của người Việt
tỵ
nạn tại Cam Bốt 251
Suy
nghĩ từ vụ án cứu lụt giúp dân
266
Xin
đừng lãng quên Lê Trí Tuệ 280
Lời giới thiệu
Khi được tin ông Trí Lực đi qua Thụy Điển
tị nạn chánh trị, người bạn của tôi ở Sài Gòn ân cần nhắn tin nhờ tôi lúc nào
có cơ hội tìm hỏi thăm sức khỏe và đời sống mới của ông Trí Lực. Anh chỉ biết ông Trí Lực đi tị nạn ở
Thụy Điển vì trước khi đi, ông Trí Lực ghé qua thăm anh bạn của tôi lần cuối,
căn dặn sẽ không liên lạc nhau để tránh cho người ở lại những phiền phức vô
ích.
Nhớ lời bạn dặn, tôi điện thoại cho ông Võ
Văn Ái nhiều lần, có lẽ chẳng may, nhằm những lúc ông đi vắng. [ … ]. Một hôm,
tôi may mắn gặp được bà Ỷ Lan qua điện thoại. Quả nhiên tôi được bà Ỷ Lan trả
lời bà không biết địa chỉ, chỉ biết ông Trí Lực tị nạn ở Thụy Điển mà thôi. Tôi
hỏi thêm vậy ông Ái có biết không ? Bà quả quyết ông Ái cũng không biết .
[ … ]
Vẫn tiếp tục hỏi thăm về ông Trí Lực, một
hôm tôi được một người bạn làm việc ở đài Á châu Tự do giới thiệu cho tôi ông
Phạm Trần Anh, hội trưởng Hội cựu tù nhân chánh trị và tôn giáo Việt Nam ở Huê
Kỳ. Ông Phạm Trần Anh đã sốt sắng cho tôi đầy đủ địa chỉ của ông Trí Lực ở Thụy
Điển. Tôi vội liên lạc và nhận được thư trả lời của ông Trí Lực. Lập tức, tôi
báo tin với cả địa chỉ điện thư của ông Trí Lực cho người bạn ở Sài Gòn. Từ
đây, tôi quen biết ông Trí Lực và thỉnh thoảng thư từ qua lại.
Sau đó ít lâu, một hôm ông Trí Lực ngỏ ý
muốn tôi đọc hồi ký Bao nỗi tang thương của ông viết xong đầu xuân Ất Dậu tại Thụy
Điển với gợi ý, nếu có thể được, cho phổ biến để giúp ông bày tỏ nỗi lòng đối
với thầy Đôn Hậu và các thầy đồng viện.
Vâng lời ông, tôi gởi đến vài báo quen và
hồi ký của ông được đăng tải hằng ngày và hằng kỳ.
Nhiều độc giả đọc xong, ngỏ ý muốn có được
tập hồi ký giữ trong tủ sách gia đình. Tác giả sốt sắng đồng ý cho in và phổ
biến dưới dạng ấn tống, hoàn toàn không bán.
Đó là cơ duyên có tập Bao nỗi tang thương đang
trong tay quí bạn.
Một
lòng với Ân Sư
Qua tập hồi ký, tác giả ghi lại những kỷ
niệm của thời gian dài ông sống bên cạnh Huề thượng Đôn Hậu tại chùa Linh Mụ,
với lòng thương nhớ không nguôi từ lúc Huề thượng bị Việt cộng Hà Nội tổ chức
bắt cóc dẫn đi ra Hà Nội. Ông quả quyết Huề thượng Đôn Hậu trước sau vẫn là kẻ
chơn tu, đạo hạnh viên mãn. Theo ông, Huề thượng Đôn Hậu sở dĩ đã phải đi theo
Việt cộng Hà Nội vì không thể làm gì khác hơn được trong hoàn cảnh bản thân bị
khống chế, trong lúc đó nhiều đệ tử và phần lớn Phật tử của ngài đang nằm trong
vòng kiểm soát của giặc . Hơn nữa, kẻ tu hành không thể không chấp nhận nghiệp
quả của thân tứ đại đang mang.
Sau 30-04-1975, được trở về chùa Linh Mụ,
Huề thượng đã nhiều lần cự tuyệt những đề nghị một số việc làm của nhà cầm
quyền Hà Nội nhằm phục vụ chánh quyền. Trước khi viên tịch, Huề thượng căn dặn
tổ chức tang lễ của ngài trong vòng nghi lễ tôn giáo đơn giản, từ chối nghi lễ
của nhà cầm quyền có tính cách tuyên truyền chánh trị. Và các vị đệ tử của ngài
đã vâng lời thực hiện nghiêm chỉnh di chúc. Từ chối ông Nguyễn Hữu Thọ làm
trưởng ban tang lễ và đọc điếu văn, từ chối huy chương của Hà Nội...
Về tác giả, bản thân là kẻ tu hành, tác
giả cũng đã nhiều lần vào tù ra khám, bị công an làm thầy chùa trù dập, không
có chùa nương tựa, không có hộ khẩu của một người dân bình thường của xã hội xã
hội chủ nghĩa. Bị lâm vào thế cùng đường, ông Trí Lực trốn được qua Miên, bị
công an mật vụ Hà Nội ở Nam Vang rình bắt cóc sau khi ông được qui chế tị nạn
của Liên Hiệp Quốc. Ông bị công an đẩy lên xe bịt bùng chở thẳng về Tây Ninh,
đưa ra tòa án nhân dân xét xử về tội “Trốn
ra nước ngoài nhằm mục đích chống lại chánh quyền nhân dân”.
Nhờ hải ngoại tố cáo Hà Nội vi phạm Công
ước Quốc tế, và mặt khác, Hà Nội sợ ông khai trước tòa có báo chí và công chúng
theo dõi mà biết những điều đình mờ ám của chánh quyền với ông, như chánh quyền
đề nghị ông phủ nhận những lời của ông khai trong hồ sơ tị nạn, ông nên ở lại
Việt Nam, … chánh quyền sẽ cấp cho ông một ngôi chùa lớn, khang trang, với đầy
đủ bổng lộc và quyền uy . Ông từ chối tất cả. Thế là ông chọn ở tù . Ông chỉ bị
xử 20 tháng tù ở. Ra tù, ông được Thụy Điển nhận làm người tị nạn cộng sản theo
hồ sơ đã thiết lập ở Nam Vang tháng 6 năm 2002.
Bao
nỗi tang thương không riêng gì là những tháng năm đầy gian truân, khốn khổ
của Huề thượng Đôn Hậu, mà cũng là thực tế cuộc sống của ông Trí Lực từ sau
30-04-1975 nữa. Phải chăng hai kẻ tu hành cùng mang chung một nghiệp chướng thế
gian?
Dư
luận về Huề thượng Đôn Hậu
Sau 30-04-1975, Huề thượng Đôn Hậu làm
chánh thư ký Viện Tăng Thống. Tại tang lễ, ngày 02-05-1992, Huề thượng Nhật
Liên quì gối trình chúc thư của Huề thượng Đôn Hậu và ấn dấu Lưỡng viện cho Huề
thượng Huyền Quang. Trong chúc thư, Huề Thượng Đôn Hậu ủy nhiệm Huề thượng
Huyền Quang điều hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt cho tới khi nào có
đủ điều kiện thuận lợi tổ chức được Đại hội VIII. Năm 1977, Đại hội VII đề cử
Huề thượng Đôn Hậu làm chánh thư ký Viện Tăng Thống. Khi đệ II Tăng Thống, Huề
thượng Giác Nhiên viên tịch, chiếu theo Hiến chương, Huề thượng Đôn Hậu kiêm
nhiệm xử lý Viện Tăng Thống.
Cho tới ngày viên tịch, Huề thượng Đôn Hậu
là một vị tiền nhiệm của Huề thượng Huyền Quang và Quảng Độ, hai vị kế nghiệp
lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhứt ngày nay.
Qua vài bài báo đăng tải đây đó trong thời
gian qua, Huề thượng Đôn Hậu bị phê phán là đã đi theo Việt cộng. Gần đây,
quyển sách Biến động miền Trung của ông Liên Thành xuất hiện tiếp theo vài bài
báo viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của ông cáo buộc Huề thượng Đôn Hậu theo
Việt cộng gay gắt hơn. Ông Liên Thành, với tư cách thiếu tá cảnh sát đặc biệt
Huế, trưng dẫn nhiều “ bằng chứng theo hồ sơ cảnh sát đặc biệt ”
để củng cố quan điểm của ông. Những dẫn chứng của ông Liên Thành đầy đủ chi
tiết như lý lịch cá nhân đương sự, ngày giờ, địa điểm hoạt động, những quan hệ
với người khác... Theo tiết lộ của những nguồn thông tin này, thì hầu như tất
cả thầy chùa gốc miền Trung đều hoạt động cho Việt cộng trong thời gian qua.
Quyển sách Biến động miền Trung của ông
Liên Thành được một bộ phận độc giả ở hải ngoại nhiệt liệt hưởng ứng đã làm
thỏa mãn tác giả về mặt thành công tuy viết sách vốn không phải là khả năng sở
hữu của ông Liên Thành từ trước giờ như chính tàc giả nhiều lần thừa nhận trong
các buổi giới thiệu sách.
Trong những dư luận phản bác, chúng tôi để
ý bài trả lời của ông Nguyễn Đắc Xuân, với tư cách một Việt cộng đảng viên do
chính ông xác nhận, người cùng thế hệ với ông Liên Thành và có mặt cùng thời
điểm và tại chỗ, về những điều ông Liên Thành viết về ông ấy, cũng với “ hồ sơ cảnh sát đặc biệt ”, chi tiết
cụ thể về thời gian, địa điểm và sự việc. Nhưng theo ông Nguyễn Đắc Xuân, với
dẫn chứng nhân chứng sống còn ở hải ngoại, thì những chi tiết của ông Liên
Thành viết về ông lại không đúng sự thật phải làm cho chúng ta suy nghĩ lại về
những lời của ông Liên Thành tố cáo các vị tu sĩ Phật giáo trong sách Biến động
miền Trung. Tại sao cho tới ngày nay, bỗng nhiên ông Liên Thành viết sách, nhắc
lại giai đoạn nhiễu nhương ấy và cực lực tố cáo các chức sắc Phật giáo miền
Trung?
Vậy những điều khác ông Liên Thành nói
thiếu “ hồ sơ cảnh sát đặc biệt ” liệu có đủ giá trị thuyết phục
không? Mà hồ sơ của ông Liên Thành là hồ sơ nào ? Hồ sơ thiệt của cảnh sát
mà ông Liên Thành mang theo được lúc chạy ? Hay thứ hồ sơ mà ông Liên Thành kín đáo có được lúc gần
đây?
Trước đây, ông Lữ Giang ở Californie, Huê
kỳ, viết quyển sách “ Đằng sau những
cuộc thánh chiến ” công kích tu sĩ Phật giáo đi theo Việt cộng . Cái
tựa ” Thánh chiến ” gợi lại
những cuộc chiến tranh tôn giáo ở Âu châu của Công giáo La-mã đã khiêu khích sự
tò mò của độc giả tìm đọc để cho biết ở Việt Nam cũng có thánh chiến nữa? Nên
nhớ suốt dòng lịch sử, các hệ tư tưởng Lão, Nho hay Phật giáo lần lượt tới Việt
Nam đều hòa nhập vào nhau nhuần nhuyễn trở thành văn hóa dân tộc. Kịp đến Thiên
Chúa giáo sau này, vào thế kỷ XVI đã có mặt giáo sĩ truyền đạo, tới Việt Nam
tuy trong hoàn cảnh lịch sử gay cấn, vẫn trở thành một đóng góp hài hòa bổ sung
cho dòng văn hóa Việt Nam thêm phong phú. Tức ở Việt Nam hoàn toàn chưa bao giờ
có xảy ra những xung đột mang tính cách hay màu sắc tôn giáo. Vả lại, trong
lịch sử mấy ngàn năm của Phật giáo chưa
hế có thánh chiến, tuy Phật giáo cũng có nhiều hệ phái.
Thế mà có những người gốc thẩm phán như
ông Lữ Giang, vội quên đi thiên chức thẩm phán của mình, đã dám nghĩ ra “ Những cuộc thánh chiến ở Việt Nam ”
sặc mùi La-mã thời Trung cổ? Khi viết lấy được những điều quái đản này, hẳn ông
Lữ Giang nuôi dưỡng những hậu ý gì thầm kín?
Về ông Lữ Giang, một nhà báo kỳ cựu, người Bắc, lớn tuổi, tín
đồ Thiên Chúa giáo, ở Los Angeles nói với chúng tôi sách của ông Lữ Giang được
tái bản tới lần thứ 5. Sách loại này bán chạy có làm chúng ta ngạc nhiên không?
Việt cộng luôn luôn dứt khoát không đội
trời chung với tôn giáo khi tôn giáo không bị họ khống chế. Tìm cách ám hại,
bức bách tôn giáo vốn là chánh sách xuyên suốt về tôn giáo của đảng Cộng sản Hà
Nội từ xưa nay. Tuy nhiên, cũng không hẳn thiếu những trường hợp việt cộng Hà
Nội tìm cách thỏa hiệp với thế lực tôn giáo khi quyền lợi của đôi bên được thỏa
mãn mặc tình cho quyền lợi đất nước Việt Nam bị tổn hại về lâu về dài. Chúng ta
đừng vội quên chánh quyền nào cũng chỉ là giai đoạn. Riêng chế độ cộng sản Hà
Nội ngày nay đang chờ đi hết chu trình tồn tại của nó.
Hoàn cảnh lịch sử chánh trị Việt Nam từ
sau 1954 vô cùng phức tạp, do các cường quốc với thế đồng minh gây áp lực theo
quyền lợi của họ. Phía Việt Nam thiếu người lãnh đạo. Chỉ có người của thời
cuộc được đưa lên nắm chánh quyền.
Những mâu thuẫn địa phương, di sản của
dòng lịch sử lập quốc trên một địa lý dài mà hẹp, những tranh chấp phe cánh,
não trạng người cầm quyền hẹp hòi do quá khứ phục vụ quan trường, vận dụng ảnh
hưởng tôn giáo cho mục tiêu chánh trị cầm quyền…, tất cả đã di hại cho đến tận
ngày nay, đã không tránh khỏi làm mờ nhạt đi những nỗ lực tranh đấu khôi phục
đất nước của những người Việt Nam ái quốc lương thiện, mà Biến động miền Trung
là một hiện tượng cuối mùa.
Chúng tôi xin quả quyết Phật giáo không có
thời mạt pháp. Chỉ có con người đánh mất đi con người thiệt của mình, cái tự
tánh. Khi con người thiệt bị đánh mất, thì Phật, Chúa cũng không còn. Con Phật
(Phật tử) trở thành “ con của ma ”.
Con của Chúa trở thành con của Sa-tăng thôi.
Và về mặt xã hội, có điều may mắn là chưa
có ai thấy thầy chùa đi làm cộng sản, mà chỉ có cộng sản lãnh nhiệm vụ đi làm
thầy chùa để phá đạo, hủy diệt lòng tin tôn giáo để phục vụ cộng sản.
Mời bạn đọc mở sách ra để lần bước theo
dõi, chia sẻ với tác giả Trí Lực những nỗi tang thương của chính tác giả và
đồng thời của ân sư của ông.
Kính bút
Nguyễn Văn Trần
Đã gần bốn mươi năm trôi qua dưới chế độ
cộng sản độc tài toàn trị, kể từ khi bộ đội miền Bắc
cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam vào năm 1975, chính quyền cộng sản đã đặt ách
thống trị hà khắc lên toàn dân Việt, chưa có một ngày nào dân chúng hai miền
Nam Bắc được hít thở bầu không khí tự do. Hẳn chúng ta còn nhớ, hàng trăm hàng
nghìn nhà tù lớn nhỏ do chính quyền cộng sản lập ra để giam hãm và cưỡng bức
lao động khổ sai các viên chức dân sự và quân sự của chế độ Việt Nam Cộng Hòa,
với tên gọi là trại tập trung cải tạo.
Từ cấp quận, đến cấp tỉnh hoặc thành phố
đều có trại giam, số lượng không biết bao nhiêu mà tính. Ngoài ra, còn có rất
nhiều trại giam trực thuộc bộ Công an, tất cả đều đặt dưới sự quản lý của cục
V26. Có bao nhiêu tù nhân bị giam giữ cải tạo sau tháng tư đen 1975? Khi ký giả
Jean Claude Labbe của tuần báo Paris Match - số ra ngày 22.09.1978 - hỏi ông
Thủ tướng Phạm Văn Đồng về số lượng tù cải tạo, ông Đồng không ngần ngại trả
lời rằng, chính phủ chúng tôi đã trả tự do cho hơn một triệu người được trở về
với gia đình họ!!
Ngày 25 tháng 1 năm 2006, Quốc hội châu Âu
tại Strasbourg đã thông qua Nghị quyết 1481 lên án tội ác chống lại loài người
của các chính thể cộng sản Liên Xô và các quốc gia khác như Trung Quốc, Việt
Nam, Cu Ba, Bắc Triều Tiên… Tội ác chà đạp quyền con người một cách có hệ thống
của chủ nghĩa cộng sản cần phải đem ra xét xử tại tòa án quốc tế.
Đức Phật chỉ dạy nguyên lý vô thường, vũ
trụ vạn vật trên thế
gian chỉ là hư ảo. Kiếp nhân sinh mong manh tụ tán và hoàn
cảnh đổi thay khác nào dâu bể. Bể dâu là nghĩa của hai chữ tang thương, nói
trọn câu là tang điền thương hải,
thửa ruộng dâu bỗng chốc hóa thành biển xanh.
Bao nỗi tang thương là tập hồi ký ghi lại
trung thực những sự biến tại ngôi chùa Thiên Mụ cố đô Huế, là nơi tôi xuất gia
tu học từ thuở nhỏ, cho đến khoảng thời gian phục hoạt Giáo hội, sau tang lễ
bổn sư chúng tôi là trưởng lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu viên tịch năm 1992.
Chính quyền cộng sản Việt Nam đã đang tâm đàn áp nghiệt ngã chư tôn Giáo phẩm
thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, điển hình là Hòa thượng Thích
Thiện Minh bị tra tấn đến chết trong trại giam ở đường Nguyễn Trãi, Sài
Gòn; hai vị Hòa thượng Thích Huyền Quang
và Thích Quảng Độ bị đưa đi quản thúc
lưu đày qua bao tháng năm dằng dặc.
Sau khi mãn hạn tù vì những hoạt động phục
hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bản
thân tôi vẫn bị cộng quyền tiếp tục đàn áp vô cùng nghiệt ngã, các quyền sống
căn bản của một con người hầu như mất trắng, bao nỗi thăng trầm vinh nhục đè
nặng lên kiếp sống đọa đày! Không còn sự chọn lựa nào khác, tôi đã bạch lên chư
Tăng làm lễ xả giới đàng hoàng và đành chọn con đường lánh nạn cộng sản. Thế
nhưng, bạo quyền cộng sản nào có nương tay, chúng ra lệnh cho đám công an mật
vụ đang hoạt động tình báo tại xứ Chùa Tháp tổ chức bắt cóc tôi giữa phố chợ
đông người, mặc dầu tôi đã được Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc bảo vệ quyền tỵ
nạn chính trị. Toán mật vụ áp giải tôi trở lại biên giới Việt Miên qua cửa khẩu
Mộc Bài, rồi giao cho đám công an đứng chờ sẵn. Chính quyền cộng sản tiếp tục
giam cầm tôi một cách nghiêm ngặt tại trại giam B34, Sài Gòn. Suốt hơn cả năm
trời bặt vô âm tín, khác nào bóng chim tăm cá, người thân và bạn bè của tôi
chẳng hề hay biết, rằng tôi còn sống hay là đã chết. Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, các tổ chức nhân quyền và chính phủ
thuộc cộng đồng các quốc gia dân chủ không ngừng lên tiếng đòi hỏi nhà cầm
quyền cộng sản Việt Nam hãy trả lời về vụ bắc cóc phi pháp này. Thế nhưng nhục
nhã làm sao, cả một thể thống quốc gia bịp bợm chối cãi, rằng họ không hề hay
biết gì về vụ việc mất tích này.
Khi giáo sư Võ Văn Ái - giám đốc Phòng
Thông tin Phật giáo Quốc Tế - lên tiếng báo động và cáo buộc cơ quan mật vụ
cộng sản Việt nam bắt cóc tôi tại Nam Vang đêm 25 tháng 7 năm 2002, thì người
phát ngôn bộ Ngoại giao nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tại Hà Nội - bà Phan
Thúy Thanh - bác bỏ bản tin và trả lời với các hãng thông tấn báo chí quốc tế,
rằng đây là sự vu khống bỉ ổi. Cuối cùng, trước nhiều áp lực, cộng quyền đành
phải thừa nhận và đưa tôi ra xét xử với một bản án hai mươi tháng tù với tội
danh ”Trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân”.
Ấn bản Bao nỗi tang thương lần đầu tiên
hân hạnh được nhóm Thiện Ý tại Pháp quốc ấn hành và kính
biếu đến quý độc giả xa gần. Vừa qua, trong dịp Hội Phật tử người Việt tỵ nạn
tại Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức Đại lễ Vu Lan thắng hội - Phật lịch 2555 -
tôi được duyên lành sang tham dự và góp phần cầu nguyện. Ngoài lễ kỳ siêu pháp
giới đa sinh phụ mẫu, trong dịp này, quý Phật tử ở Đức quốc đã không quên công
ơn của các bậc anh hùng tử sĩ, vị quốc vong thân, các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh
trong các trận hải chiến ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đạo tràng thành
tâm cầu nguyện siêu độ liệt vị anh linh. Hiện nay Trung Quốc đã xâm chiếm hai
quần đảo này, mà cụ thể là, tập đoàn độc tài toàn trị cộng sản tại Hà Nội đã
bán đứng đất liền và biển đảo cho quan thầy Bắc Kinh.
Phật sự trong mùa Vu Lan báo hiếu tại Đức
quốc viên mãn trong niềm hỷ lạc của quý đạo hữu Phật tử . Nhiều vị thân hữu có nhã ý muốn tái bản tập hồi ký Bao nỗi tang thương, đó là khởi duyên để ấn bản lần thứ hai được
trở thành hiện thực và trân trọng kính biếu quý độc
giả.
Về nội dung, so với bản in đầu tiên, lần
này chúng tôi có viết thêm lời tựa, sửa chữa vài ý văn và bổ sung một số hình
ảnh được lấy từ nguồn trên mạng lưới điện toán toàn cầu.
Tác giả kính nguyện hồi hướng công đức và
chân thành cảm ơn quý vị thân hữu trong nhóm Thiện Ý, Hội Phật tử người Việt
quốc gia tỵ nạn tại Cộng hòa Liên bang Đức, quý vị thân hữu trong cộng đồng
người Việt quốc gia tỵ nạn tại châu Âu, châu Úc và Hoa Kỳ, cùng quý thiện tín
đạo hữu gần xa, đã hoan hỷ phát tâm đóng góp tịnh
tài, cũng như đem hết đạo tình hổ trợ để hoàn thành ấn phẩm này.
Sự hiểu biết về những giai đoạn lịch sử của đất nước, người viết chẳng khác nào lấy ống dòm trời. Thiển nghĩ, thiên hồi
ký cũng chỉ là lời quê dông dài góp nhặt, thuật lại lắm
nỗi thăng trầm hay sự đổi thay chớp nhoáng tựa hồ bức tranh vân cẩu, hoặc như
cảnh bãi biển nương dâu. Kính trông mong
chư vị cao minh thức giả hoan hỷ lượng thứ và sẵn sàng chỉ bày cho những điều còn
thiếu sót, ngõ hầu làm sáng tỏ lịch sử. Nếu được
như thế, thật hân hạnh lắm thay!
Thụy Điển, buổi tàn thu 2011
Tác giả cẩn chí
1
Mái chùa xưa
Hơn bốn trăm năm lịch sử, kể từ khi Ðoan
Quốc Công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa, dựng lập chùa Thiên Mụ vào
năm 1601, ngôi cổ tự này đã trải qua bao cuộc bể dâu, sao dời vật đổi.
Chùa Thiên Mụ bên dòng sông Hương |
Hòa thượng Thích Ðôn Hậu nối dòng pháp Lâm
Tế đời thứ bốn mươi hai, pháp danh Trừng Nguyên, pháp tự Giác Thanh, ôn[1] là đệ tử của Tổ sư húy Thanh Ninh, tự Tâm
Tịnh, khai sơn Tổ đình Tây Thiên, cố đô Huế. Là một vị Tăng xuất chúng trong
chốn thiền môn, ôn được Giáo hội đương thời bổ nhiệm trú trì quốc tự Linh Mụ
vào khoảng năm 1945, thời điểm mà đất nước Việt Nam bước qua giai đoạn lịch sử
cực kỳ đen tối - Việt Minh cướp chính quyền. Chẳng bao lâu, thực dân Pháp quay
trở lại Việt Nam, Việt Minh rút lên chiến khu Việt Bắc, tiếp tục chín năm kháng
chiến chống Pháp. Ðến năm 1954, hiệp định Genève được ký kết, dòng sông Hiền
Lương ở vĩ tuyến 17 chia đôi hai miền Nam Bắc, chế độ cộng sản cai trị miền
Bắc, chính thể đệ nhất cộng hòa ở miền Nam.
Ôn đảm nhiệm trụ trì quốc tự Linh Mụ trong
cảnh hoang tàn, bởi một thời đây là chiến địa. Năm 1947, thực dân Pháp càn quét
vùng này, chúng tình nghi ôn hoạt động cho Việt Minh nên đã bắt ôn cùng với hai
người nữa rồi chuẩn bị hành quyết. Quân lính Pháp buộc người này đào huyệt chôn
người kia, vụt chốc hai người ngã gục. Ðến lượt ôn là người sau cùng, họng súng
của chúng chực chờ nhả đạn, hầu kết liễu oan uổng mạng sống của một nhà sư.
May thay! Giữa lúc tính mạng của ôn như
nghìn cân treo sợi tóc, thì đức Từ Cung[2] được tin cấp
báo, lập tức can thiệp với tòa Khâm sứ Pháp tại Huế, yêu cầu ngưng ngay cuộc
hành hình thầy Ðôn Hậu. Chính phủ Pháp đành phải nhượng bộ, bởi lẽ họ cũng
chẳng có bằng cớ gì để chứng minh rằng, ôn hoạt động cho Việt Minh. Thế là, cây
cỏ đồi Hà Khê dường như bừng sống dậy, nước Bình Hồ không thể nào nhuốm máu oan
khiên! Thoát đại nạn trong đường tơ kẻ tóc, ôn Linh Mụ xem đức Từ Cung chẳng
khác nào một vị cứu tinh cao cả, ân nghĩa sâu nặng ấy, ôn luôn luôn canh cánh
bên lòng. Sau này, thỉnh thoảng ôn đến cung An Ðịnh để thăm hỏi sức khỏe của
bà, hai vị hàn huyên tâm đắc.
2
Chinh chiến và sự chia
lìa
Chứng tích tội ác cộng sản – Oan hồn xứ Huế
trong cuộc thảm sát Tết Mậu Thân
1968
Hẳn người dân xứ Huế không ai
là không kinh hoàng mỗi khi hồi tưởng thảm cảnh Tết Mậu Thân (1968). Quân cộng
sản miền Bắc chiếm giữ cố đô gần một tháng trời. Binh lửa ngút ngàn, cảnh vật
tang thương! Và còn biết bao người bị chôn sống một cách thê thảm, nhiều nhất
là ở vùng Bãi Dâu, Gia Hội.
Tội ác cộng sản-Thảm sát Tết Mậu Thân 1968
Ngày ngày có những người vợ
đi kiếm xác chồng, những đứa con tìm nhận xác cha. Than ôi! Nỗi oán hờn chất
ngất, lời lẽ nào kể sao cho xiết; niềm đau thương tràn ngập, bút mực nào viết
lên cho tận! Sau khi cố đô Huế được bình định trở lại, hàng trăm thi thể bị
trói gô được khai quật từ các hầm hố, rồi đưa về an trí tại trường trung học
Gia Hội. Giáo hội tỉnh nhà công cử Thượng tọa Thích Chơn Thức tại Tổ đình Tường
Vân và ban kinh sư làm lễ siêu độ vong linh và chẩn tế cô hồn. Mấy hôm sau, dân
chúng cố đô ngậm ngùi tiễn đưa những quan tài không ai thừa nhận đến nơi an
nghỉ nghìn thu tại nghĩa trang Ba Ðồn.
Thấm thoát đã gần bốn mươi năm trôi qua,
chiến cuộc mùa xuân Mậu Thân hãy còn làm cho người dân xứ Huế bàng hoàng mà cứ
ngỡ như mới xảy ra hôm nào!
Ngày mồng hai Tết Nguyên đán
xuân Mậu Thân, chiến sự bắt đầu nổ ra ác liệt, dân chúng ở các vùng lân cận như
An Ninh Hạ, An Ninh Thượng, Trúc Lâm, An Bình, Long Hồ… nườm nượp tản cư đến
chùa Linh Mụ. Ngôi Ðại hùng bảo điện rộng năm gian hai chái không đủ cho mọi
người trú ẩn; tam quan, nhà Hộ pháp, nhà bia, lầu chuông trống ở phía trước đầy
ắp những người; phía sau là điện Ðịa Tạng, Quán Âm cũng không còn chỗ trống.
Không những khi xảy ra chiến sự mọi người mới tìm chốn nương thân ở cảnh chùa,
mà còn năm nào bão lụt lớn, dân chúng cũng tìm đến Linh Mụ để lánh nạn, bởi địa
thế ngôi chùa tọa lạc trên ngọn đồi cao.
Vào đầu xuân năm ấy, tiết
trời xứ Huế rét mướt, cảnh cơ hàn đè nặng lên cuộc sống người dân thời ly loạn.
Ôn Linh Mụ san sẻ cho mọi người từng lon gạo, nắm rau, khoai sắn trong vườn
chùa đã nhổ sạch mà chẳng đủ lót dạ cho đàn trẻ con nheo nhóc. Lúc ấy, quân
cộng sản miền Bắc đang kiểm soát vùng này, chúng cử người đến gặp ôn, buộc phải
mở cửa tháp Phước Duyên cho chúng treo cờ Mặt trận giải phóng miền Nam trên
tầng thứ bảy. Hầu như ôn lường trước được hậu quả thảm khốc, nên mặc dù họ yêu
sách năm lần bảy lượt, nhưng ôn vẫn một mực chối từ.
Phước Duyên bảo tháp |
Ôn nêu lý do rằng, hiện giờ
trong chùa đang có hàng trăm đồng bào đến tá túc, nếu máy bay quân đội đồng
minh phát hiện cờ địch quân trên ngọn tháp, thì nơi đây không làm sao tránh
khỏi những trận mưa bom. Chùa tan nát không nói làm gì, nhưng hãy còn bao nhiêu
mạng sống dân lành vô tội.
Ôn viện lẽ nhà chùa không cất
giữ chìa khóa tháp, các ông muốn mở cửa tháp thì cứ việc liên hệ với văn phòng
Giáo hội tại chùa Từ Ðàm. Ôn nhất mực chối từ, thế là bộ đội cộng sản không sao
thuyết phục được tấm lòng vị tha độ lượng của bậc cao Tăng.
Vào đêm 19 tháng giêng năm
ấy, mưa phùn lạnh buốt thấu xương, chứng bệnh dạ dày mãn tính của ôn tái phát,
lại thêm cơn hen suyễn hành suốt đêm ngày. Liêu phòng bên trái ngôi chính điện
chùa Linh Mụ tuy đã đóng kín các cửa để ngăn chặn những cơn gió lùa, thế nhưng
không làm sao dứt được những cơn ho ngất từng hồi, lại thêm chứng xuất huyết dạ
dày đang hành hạ thân tứ đại của ôn. Mọi người trong chùa thay phiên nhau chăm
sóc ôn tận tình.
Hoàng hôn phủ xuống vạn vật,
từng tiếng chuông ngân hòa lẫn với tiếng đại bác trong đêm dội về thành phố,
làm tăng thêm nỗi buồn man mác trong lòng người. Ðêm dần khuya, bỗng nhiên bên
ngoài liêu phòng có tiếng gõ cửa, ôn bèn hỏi:
- Ai đó? Có việc gì giữa đêm hôm khuya khoắt thế này?
Bên ngoài, một giọng nói
người miền Bắc vọng vào:
- Bẩm cụ, chúng cháu là bộ đội giải phóng, nay xin vào gặp cụ Ðôn Hậu.
Không có cách nào từ chối, ôn
ra hiệu cho chú Tâm Kiến đốt đèn rồi ra mở cửa. Vài người mặc trang phục bộ đội
cộng sản miền Bắc lần lượt bước vào phòng, vai mang súng AK. Sau khi mời ngồi,
ôn cất tiếng hỏi:
- Các ông cần gặp tôi có chuyện gì?
- Bẩm cụ, chúng cháu vâng lệnh ban chỉ huy vùng mới giải phóng, đến mời
cụ đêm nay xuống đình làng Xuân Hòa để họp.
- Họp hành gì thì để sáng mai hẵng tính,
tôi đang bị xuất huyết dạ dày và lên cơn suyễn nên không thể nào đi được.
- Bẩm cụ, xin cụ gắng sức đi một chốc rồi
về ạ.
Ôn nhất định từ chối, các
người ấy bèn từ giã ra về. Khoảng nửa giờ sau, toán bộ đội quay trở lại dường
như đông hơn, họ gõ cửa đòi vào. Ôn tiếp họ và vẫn dùng lời lẽ chối từ giống
như lần trước. Một người trong số ấy hình như là cấp chỉ huy dùng lời lẽ thuyết
phục ôn, rằng họ chỉ mời ôn về đình làng Xuân Hòa để họp bàn việc dân một chốc,
rồi sẽ tiễn ôn trở về chùa ngay. Cuối cùng, không thể nào trái ý họ, ôn đành
miễn cưỡng choàng áo ấm vào người, rồi bảo chú Tâm Kiến đi theo và không quên nhắc
chú ấy soạn một ít thuốc men.
Ngoài cửa, dưới giàn hoa lý,
có mấy người khác đứng chờ và đã chuẩn bị chiếc võng có đòn gánh. Họ mời ôn nằm
lên võng, phủ kín tấm vải dù che mưa. Ðoàn người lặng lẽ gánh ôn ra hướng cửa
tả chùa Linh Mụ rồi mất hút trong bóng đêm.
Trời vẫn mưa lâm thâm, cơn
gió lùa thấm lạnh. Xa xa, vài đóm hỏa châu lập lòe trong màn đêm u tịch, ánh
lửa từ từ hắt xuống dòng Hương rồi vụt tắt. Tiếng súng đì đùng từ phía làng
Nguyệt Biều bên kia sông vọng lại, hòa lẫn tiếng côn trùng rả rích canh thâu.
Ðâu đây xao xác tiếng gà gáy đầu báo hiệu giờ gióng đại hồng chung sắp đến.
Thời gian lặng lẽ trôi giữa
dòng đời bất tận…
[1] Từ đây trở xuống,
tôi dùng chữ ôn tức là Hòa thượng Thích Ðôn Hậu, trú trì chùa Linh Mụ, Huế. Ðây
là từ xưng hô rất mực tôn kính của Tăng Ni và Phật tử xứ Huế để bạch với các
bậc Hòa thượng, hoặc các vị trưởng lão tôn túc.
No comments:
Post a Comment