Trung tuần tháng
10/2013 vừa qua, tổ chức phi chính phủ Walk Free Foundation (WFF), có trụ sở
tại Úc, công bố một bản báo cáo về thực trạng « nô lệ hiện đại » toàn cầu với
bảng xếp hạng 162 quốc gia (Global Slavery Index). Những điều gì đáng chú ý qua
thống kê nghiên cứu của WFF và đặc biệt là thực trạng nô lệ hiện đại tại Việt
Nam ? Đây là các câu hỏi chính đặt ra trong tạp chí Xã hội tuần này của RFI.
Theo
tổng kết của WFF (do Ngoại trưởng Hoa Kỳ Clinton, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair
và tỷ phú Bill Gates đồng sáng lập), gần 30 triệu con người trên thế giới hiện
nay đang phải sống trong vòng nô lệ, trong đó 76% tập trung tại 10 quốc gia :
Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Nigeria, Ethiopia, Nga, Thái Lan, Cộng hòa dân chủ
Congo, Miến Điện và Bangladesh. Việt Nam đứng thứ 15 trong bảng xếp hạng về số
lượng người phải sống trong cảnh nô lệ và đứng thứ 64, nếu căn cứ theo tỷ lệ
phần trăm người bị ép làm nô lệ trên tổng dân số.
Theo
đánh giá của một số chuyên gia, lần đầu tiên xuất hiện một bảng xếp hạng toàn
cầu bao gồm hầu hết các hình thức nô dịch con người tàn bạo nhất trong xã hội
hiện nay, từ nạn buôn người, nạn cưỡng bức lao động dưới các hình thức khác
nhau, như lao động xí nghiệp, đồng áng, tình dục hay tại gia… đến nạn tảo hôn,
làm thuê để trả nợ... Nô lệ, một hiện tượng tưởng như đã lùi xa vào quá khứ,
với việc hủy bỏ chế độ nô lệ về mặt pháp lý, nay vẫn là một hiện thực phổ biến
với vô vàn phương thức, ngày càng được công luận quốc tế nhìn nhận.
Bản đồ về số lượng
người bị bắt làm nô lệ dưới mọi hình thức, phân bố theo quốc gia.
Xác định số lượng những
người lâm vào cảnh nô lệ hiện đại phụ thuộc rất nhiều vào cách nhìn. Ấn tượng
nổi bật mà bản báo cáo của tổ chức phi chính phủ đem lại là chỉ riêng Ấn Độ đã
có gần 14 triệu người nô lệ, chiếm khoảng 1% dân số nước này, và chiếm đến gần
một nửa tổng số nô lệ hiện đại toàn cầu. Số lượng người lâm vào cảnh nô lệ chủ
yếu do mắc nợ tại Ấn Độ là điều gần đây được biết đến nhiều, nhưng với bảng xếp
hạng này, công chúng mới ý thức được tầm mức khổng lồ của hiện tượng hết sức
phổ biến này tại Ấn Độ, quốc gia được coi là nền dân chủ có dân số lớn nhất thế
giới.
Một điểm đáng
ngạc nhiên khác liên quan đến thực trạng nô lệ tại Trung Quốc. Trong bảng xếp
hạng của WFF, tại Trung Quốc có gần 3 triệu người sống như nô lệ. Tuy nhiên,
theo tổ chứcLaogai Research Foundation, chỉ riêng hệ thống trại cải tạo lao
động tàn bạo nổi tiếng (laogai), với khoảng 1.000 trại trên khắp Trung Quốc, đã
giam giữ khoảng từ 4 đến 6 triệu người. Chưa kể đến hệ thống nhà tù khổng lồ,
các trại giam chính thức hay trá hình do nhiều thế lực khác nhau của chế độ độc
tài toàn trị lập ra để nô dịch dân chúng.
Nghiên cứu về nô lệ
toàn cầu của tổ chức phi chính phủ WFF, lần đầu tiên được công bố, cùng lúc gây
những ngạc nhiên và đặt nhiều dấu hỏi. Trong cuộc trả lời phỏng vấn RFI, Tiến
sĩ Nguyễn Đình Thắng, Liên minh Bài trừ Nô lệ mới ở Châu Á (CAMSA), cho biết sự
ra đời bản thống kê toàn cầu về các hình thức nô lệ hiện đại của WFF, với những
khiếm khuyết khó tránh khỏi của lần công bố đầu tiên, có mục tiêu trước hết là
để đánh động lương tri của nhân loại trước một thảm nạn hết sức phổ biến, nhưng
không được chú ý đúng tầm mức.
Riêng
về Việt Nam, trong bản báo cáo thường niên về tình trạng buôn người trên thế
giới 2013 được Bộ Ngoại Giao Mỹ công bố hồi tháng 6/2013, Việt Nam tiếp tục bị
xếp vào Bậc 2 (Tier 2), tức các quốc gia có vấn đề trong địa hạt buôn người (so
với Bậc 2 cần quan tâm theo dõi/Tier 2 Watch List. Nếu nằm trong danh sách này
quá 2 năm, sẽ bị đưa vào Bậc 3, tức nhóm các quốc gia tồi tệ nhất). Còn trong
cuộc đối thoại nhân quyền Việt Nam – Liên hiệp Châu Âu trung tuần tháng
09/2013, EU nhấn mạnh đến việc Việt Nam cần phải « cải thiện điều kiện nhà tù
».
Buôn
người, lừa đảo, để cưỡng ép lao động tại một quốc gia khác, cùng việc cưỡng bức
lao động tại các trung tâm giam giữ là hai thực tế trong số các hình thức nô lệ
hiện đại chủ yếu tại Việt Nam.
Nhận
lời mời của RFI, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng (từ Virginia) và hai cựu tù nhân
chính trị, bà Phạm Thanh Nghiêm (Hải Phòng) và ông Nguyễn Bắc Truyển (Vũng Tàu)
sẽ chuyển đến quý vị một số nhận định, chia sẻ trong vấn đề này.
Trước
hết xin mời quý vị theo dõi các nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng về cuộc
điều tra của WFF, đặc biệt là tình trạng nô lệ hiện đại nói chung ở Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Đình
Thắng (Virginia - Hoa Kỳ)
Nghiên cứu rất kỹ lưỡng
và bao quát, nhưng mọi số liệu vẫn là phỏng đoán
TS
Nguyễn Đình Thắng : Đây là một trường hợp rất ngoại lệ, bởi vì đây là một tổ
chức đầu tiên mà có một công trình nghiên cứu rất là kỹ lưỡng và có cả bề rộng,
về vấn đề buôn người lao động trên toàn thế giới. Trước đến giờ, gần như không
có con số nào đáng tin cậy, hoặc có thể dùng để so sánh và đối chiếu giữa những
vùng khác nhau, hoặc là các quốc gia khác nhau.
Thực
sự ra không ai biết đích xác được con số thực sự của các nạn nhân của tình
trạng buôn người thời đại mới, bởi vì buôn người thời đại mới, nó không có rõ
ràng, không có hiển lộ ra, đi ra ngoài đường là biết ngay là người đó bị buôn
làm nô lệ. Các hình thức buôn người, bóc lột người lao động một cách thậm tệ
rất là tinh vi. Tất cả các con số đều chỉ là phỏng đoán. Cách đây khoảng 5 năm,
thì tổ chức lao động quốc tế (ILO), họ ước lượng khoảng 21 triệu. Cách đây hai
năm, họ đã điều chỉnh lại là 27 triệu, do đó xấp xỉ 30 triệu như tổ chức ở bên
Úc vừa công bố, con số có cao hơn, nhưng không khác biệt nhiều lắm so với những
con số ước lượng trước đây.
Con
số người nô lệ tại Trung Quốc và Việt Nam có thể cao hơn nhiều
RFI
: Tiến sĩ có những ghi nhận gì từ bản nghiên cứu thống kê của WFF ?
TS
Nguyễn Đình Thắng : Điều trùng hợp là chúng tôi cũng đã từng nhận định từ lâu
rồi, là tình trạng buôn người rất là nặng, rất là trầm trọng tại vùng Châu Á.
Thành ra, năm 2008 mới thành lập « Liên minh bài trừ nô lệ mới ở Á Châu ». Lý
do là vậy. Ở Á Châu, phần lớn các quốc gia đang phát triển đã là cái nôi để
cung cấp những người nô lệ, gởi đi khắp nơi trên thế giới, mà trong đó, một
trong những quốc gia có tình trạng rất trầm trọng, đó là Việt Nam. Ngoài Việt
Nam, còn có Cam Bốt, còn có Lào, còn có Phi Luật Tân, còn có Pakistan, Nepal…
Đó là những quốc gia ở Châu Á, chưa kể Trung Quốc. Trung Quốc là cả một vùng
không ai biết được, đen nghịt, ánh sáng không soi thủng qua được, để mà có được
con số chính xác. Nhưng mà chúng tôi tin rằng, qua các hồ sơ đã can thiệp,
Trung Quốc là một trong các quốc gia có tình trạng buôn người rất là trầm
trọng. Những con số của quốc tế có được, có lẽ còn là rất nhỏ so với thực tế ở
tại Trung Quốc, cũng như ở tại Việt Nam.
Tại
Việt Nam, riêng về tình trạng buôn người theo dạng cưỡng bắt lao động, để sản
xuất hạt điều thôi, ước lượng đã có 300.000 nạn nhân, nằm ở trong những trung
tâm cải huấn của nhà nước, chưa kể rất nhiều tù hình sự và tù chính trị cũng bị
cưỡng bức lao động, sản xuất hạt điều, chế biến hải sản, làm những đồ thủ công,
mỹ nghệ để xuất cảng… cũng rất nhiều. Cho nên chúng tôi ước lượng là, chỉ riêng
hình thức buôn lao động trong nội địa Việt Nam thôi, cũng phải từ 300 đến 400
nghìn người rồi, chứ không phải chỉ là 250 nghìn, như bản phúc trình ước lượng.
Đó là chưa kể những người lao động bị xuất cảng đi bao nhiêu quốc gia khác
nhau, thì chúng tôi ước lượng hiện nay, có khoảng 600 nghìn người lao động Việt
Nam làm việc tại nhiều quốc gia, đi theo con đường chính thức trong chương
trình xuất khẩu lao động của nhà nước, cộng vào đó một con số tương đương như
vậy là những người đi không chính thức, tức đi « lậu ». Chúng ta không biết
được chính xác con số này, không biết được họ ở đâu. Tổng cộng lại, khoảng 1
triệu người Việt Nam đi lao động nước ngoài, trong số 1 triệu người này, chúng
tôi e rằng một tỷ lệ rất cao đang bị bóc lột sức lao động một cách thậm tệ, đến
nỗi có thể gọi họ là những người nô lệ thời đại mới.
Tầm
hoạt động của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam bị giới hạn rất nhiều
RFI : Thưa Tiến sĩ, về các
biện pháp của các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực này tại Việt Nam có những bước
tiến gì mới trong thời gian gần đây ?
TS
Nguyễn Đình Thắng : Các tổ chức quốc tế làm việc ở Việt Nam chỉ đếm được trên
đầu ngón tay, và họ bị hạn chế rất nhiều trong tầm vóc hoạt động của họ. Ví dụ
như, không một tổ chức nào, nội địa hoặc quốc tế, đang hoạt động ở Việt Nam, có
thể đụng đến chương trình xuất khẩu lao động, nghĩa là họ không được quyền can
thiệp vào bảo vệ cho những nạn nhân sau khi đã hồi hương, hoặc là giúp các nạn
nhân để truy tố, thưa kiện các công ty xuất khẩu lao động, bởi vì các công ty
này được sự bảo vệ của chính quyền Việt Nam, cũng như chương trình xuất khẩu
lao động là chương trình của nhà nước. Đây là vùng cấm địa, không tổ chức nào
được đụng đến, nếu như không được phép của chính quyền Việt Nam để hoạt động
trong nước.
Hiện
nay, cũng có một vài cuộc nghiên cứu, mà cuộc nghiên cứu có quy củ nhất, có quy
mô nhất và đáng tin cậy nhất là của tổ chức Human Rights Watch. Họ đã làm một
nghiên cứu này một cách rất âm thầm. Nếu như chính quyền Việt Nam biết được,
thì đã bị cản chặn. Tổ chức này đã ra một bản phúc trình. Ở họ có những thông
tin rất là chính xác và đi sâu, không nằm trong bản phúc trình, nhưng chúng tôi
biết được là những khu nào, những công ty nào, dính dự đến tình trạng cưỡng bức
lao động, trong vấn đề chế biến hạt điều.
Chúng
tôi đã theo dõi, nhưng không thấy có tổ chức nào ở trong nước đã dám đứng lên
để đặt vấn đề cưỡng bức lao động ở trong nước. Chỉ có một tổ chức ở bên Úc
(Blue Dragon/Rồng Xanh), họ tập trung vào nạn lao động của các thiếu niên. Tầm
hoạt động của họ cũng bị hạn chế rất nhiều, tuy nhiên đây là tổ chức độc nhất
dám lên tiếng về tình trạng buôn trẻ em vào con đường lao động, còn bất kỳ vấn
đề nào liên quan đến chương trình xuất khẩu lao động của nhà nước, thì tuyệt
nhiên không có tổ chức nào, hoặc là chương trình cưỡng bức lao động trong các
trại cải huấn.
Trong
tình hình rất bị hạn chế ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi có những cách thức
khác. Thay vì đi vào Việt Nam để bị đặt điều kiện, những việc gì được làm,
những việc gì không được làm, và chúng tôi nhận xét thẩy rằng, những việc cần
làm thì lại không được làm, thành ra chúng tôi có một công thức khác. Đó là
giải cứu các nạn nhân ở các quốc gia tiếp nhận, chẳng hạn ở Mã Lai, ở Nga, ở
Đài Loan… và qua đó, chúng tôi thu thập được rất nhiều thông tin về những đường
dây buôn người, về những tổ chức buôn người như thế nào, về những mưu mô của họ
ra sao, chúng tôi mới chắt lọc thành những điều tâm niệm, những điểm rất đơn giản,
rất là cụ thể, ví dụ như, nếu như mà đi Nga, được hứa hẹn đồng lương cao, thì
chớ có bao giờ đi với chiếu khán du lịch. Có những điểm rất dễ để người dân nhớ
được, dù là trình độ học vấn không cao, thì như vậy, họ có thể bảo vệ được cho
mình. Thứ hai, những ai có thân nhân đã là nạn nhân rồi, thì chúng tôi cung cấp
một số điện thoại, gọi là đường dây khẩn cấp. Thì họ có thể gọi đến đó, hoặc
gởi email cho chúng tôi, hoặc lên facebook để báo động cho chúng tôi biết. Qua
công thức như vậy, chúng tôi đã giải cứu được khá nhiều những nạn nhân người
Việt ở khá nhiều nơi trên thế giới.
Các
khó khăn của một văn phòng chống buôn người tại Hà Nội
Anh Nguyễn Tiến Đạt,
phụ trách Văn phòng chống buôn người (Dòng Chúa cứu thế - Thái Hà – Hà Nội) cho
biết cơ sở này được thành lập từ năm 2011 và trong thời gian hoạt động đã giải
cứu và hỗ trợ được cho hàng trăm trường hợp nạn nhân buôn người, bị lừa đảo để
cưỡng ép lao động hay bóc lột tình dục. Theo chúng tôi được biết, Văn phòng
Thái Hà là cơ sở dân lập duy nhất hoạt động trong lĩnh vực chống buôn người tại
Việt Nam. Anh Nguyễn Tiến Đạt cho biết các khó khăn trong hoạt động này.
Anh
Nguyễn Tiến Đạt : (…) đa số các nạn nhân bị như vậy, đa số gia đình rất nghèo
khó, họ ở những vùng núi, vùng nông thôn, họ không được học hành mấy. Khi biết
người thân bị bán như vậy, thì họ liên hệ với Văn phòng, nhưng vì họ ở xa và vì
điều kiện, nên họ không đến ngay được với Văn phòng. Về phần chúng em, thì cũng
do điều kiện quá xa nên không thể đến nơi để thu thập thông tin trực tiếp.
Anh Nguyễn Tiến Đạt (Hà
Nội)
Thứ hai là, khi nhận
được thông tin và lời kêu cứu, thì các nạn nhân đã bị bán sang một quốc gia
khác, trong quá trình liên lạc với các NGO và các văn phòng luật sư nước sở
tại, thì cũng do quá xa không tới tận nơi được, nên gặp khó khăn về không đủ
thông tin tại chỗ.
Chúng
em là một Văn phòng không chính thức, nên có nhiều hạn chế trong việc quảng bá
thông tin và hỗ trợ về truyền thông. Đáng ra những trường hợp người ta bị nạn
như vậy, thì chúng em phải có những thông tin rất nhanh chóng, được các cơ quan
chức năng hỗ trợ, thì việc giải cứu sẽ nhanh hơn.
Đặc
biệt khó khăn trong các trường hợp giải cứu những người bị bán sang Trung Quốc.
Ở Malaysia hay Đài Loan, thì dễ dàng hơn, vì khi các tổ chức phi chính phủ, văn
phòng luật sư liên hệ với chính quyền, thì có thể người ta cộng tác ngay. Ở
Trung Quốc, thì Văn phòng cũng chưa có được các mối liên lạc, vì chính quyền ở
Trung Quốc họ cũng không cộng tác nhiều. Hơn nữa Trung Quốc thì quá rộng, và
vấn đề buôn người, thì hầu như nó trở thành chuyện bình thường đối với họ. Ví
dụ như trường hợp em Hoa, ở Quế Phong (Nghệ An). Về gia đình kêu cứu, thì đã
nhận được rất đầy đủ các thông tin bị bán như thế nào, bắt được cả người là thủ
phạm vụ buôn người này, nhưng khi báo cho chính quyền địa phương, thì người ta
cũng trả lời một cách chung chung. Chúng em nhận định rằng, hầu như chính quyền
ở Việt Nam cũng cảm thấy như là bất lực trước tệ nạn buôn người, đặc biệt là
bán sang Trung Quốc. (…) Chúng em cũng giới thiệu gia đình lên công an C45, lên
đó để kêu, để nộp đơn, lên nhiều nơi như Hội Phụ nữ, lên cả Bộ Ngoại giao… Cho
đến bây giờ gần một năm rồi, nhưng trường hợp đó vẫn chưa giải cứu được.
(…)
Trên thực tế, từ khi Văn phòng ở đây hoạt động, về mặt chính thức, chính quyền
không thấy có động thái gì với Văn phòng. Chúng em cũng làm những tờ rơi, đưa
về các giáo xứ. Cái này, có lẽ chính quyền cũng biết cả. Chúng em phát một cách
rộng rãi ở các nhà thờ, vào dịp các khách hành hương đến. Nội dung tờ rơi là
kêu gọi mọi người cộng tác chống buôn người. Tuy nhiên, khi xem trên một số tờ
báo của Nhà nước, cụ thể là tờ Quân đội Nhân dân, có đăng một số bài có thể nói
là phê phán một số tổ chức mang tính chất « giải cứu » nạn nhân này, nạn nhân
kia. Chúng em cũng không hiểu đây có phải là một thông điệp hoặc một lời nhắn
gửi gì đó, sợ rằng chúng em có thể cộng tác thế nọ thế kia, để làm công việc «
nói xấu » chính quyền, hoặc đụng đến mặt trái của xã hội. Về điều này chúng em
không rõ, nhưng thực tế là như vậy (...).
Nạn
cưỡng bức lao động tại các cơ sở giam giữ
Trong số các hình thức
nô lệ hiện đại rất phổ biến ở Việt Nam, nhưng gần như rất ít được truyền thông
Nhà nước thông tin, là tình trạng những người bị cưỡng ép lao động và bị bạo
hành trong những không gian khép kín với bên ngoài như trại cai nghiện hay nhà
tù. Một báo cáo của tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW, công bố năm 2011, cho thấy
quy mô lớn của thực trạng cưỡng ép lao động tại các trại cai nghiện. Tháng
7/2013, HRW ra báo cáo lên án Ngân hàng Thế giới đầu tư cho việc chữa trị các
nạn nhân HIV tại các trại cai nghiện ở Việt Nam, trong khi có nhiều thông tin
cho thấy tại các trại này phổ biến hiện tượng các trại viên bị cưỡng bức lao
động và bị tra tấn hành hạ. Chỉ mới đây thôi, hồi tháng 9/2013, tại Trung tâm
chữa bệnh giáo dục lao động xã hội Hải Dương, một người nghiện ma túy mới nhập
trại đã bị ba cán bộ đánh chết. Hiện tượng bạo hành người nghiện là điều được
báo chí thông tin khá nhiều (Từ một vài năm trở lại đây, theo một số nguồn tin
tại chỗ, hiện tượng này có thể giảm bớt với việc Nhà nước Việt Nam tăng cường
các biện pháp điều trị cai nghiện tại cộng đồng).
Một
cảnh các tù nhân đi làm. Ảnh báo trong nước
Bên cạnh các trung tâm
cai nghiện, các nhà tù, trại giam, trại cải tạo, trại tạm giam là những nơi mà
tình trạng cưỡng bức lao động có thể diễn ra hết sức phổ biến. Các nhân chứng
cho thực trạng này là không ít, tuy nhiên, rất hiếm khi người chứng kiến sẵn
sàng lên tiếng. Bao oan ức, đau đớn, khổ nhục sẽ mãi mãi chìm vào quên lãng,
nếu không có những tiếng nói gần đây của các cựu tù nhân chính trị, tù nhân
lương tâm.
Nhiều
tù nhân tự sát hay tự gây thương tích để tránh phải lao động
Sau đây là một số mô tả
của ông Nguyễn Bắc Truyển, một cựu tù chính trị, thành viên Hội Ái Hữu Tù nhân
Chính trị và Tôn giáo Việt Nam :
Ông
Nguyễn Bắc Truyển (Vũng Tàu)
Ông Nguyễn Bắc Truyển :
Cuối năm 2006, tôi bị bắt. Đến tháng 8/2007, tôi lên trại giam Xuân Lộc để thi
hành bản án 3 năm 6 tháng tù. Trong thời gian ở tại đây, tôi và một số tù nhân
chính trị khác đã bị cưỡng bức lao động, cùng với tù thường phạm. Tại phân trại
số 1, có khoảng 1.000 tù nhân, tù chính trị có khoảng 10 người. Trong thời gian
đầu, tù chính trị và tù thường phạm đều bị đi lao động tại các xưởng điều để
bóc vỏ hạt. Tại đây, công việc rất nặng nhọc, vì số lượng giao rất nhiều. Tôi
phải bóc vỏ điều 17 tiếng/ngày. Khi làm lao động tại đây, chúng tôi, một số tù
chính trị, đã đấu tranh để phản đối việc cưỡng bức lao động, do đó họ cũng
không dám ép chúng tôi lao động, nhưng người tù lao động, thì thực sự rất khổ
sở, vì bị giao rất nhiều. Tất cả công sức họ làm ra, trại giam đều thu hết và
họ không được thu một đồng bạc nào cho cuộc sống của họ.
Nó
làm cho người tù cảm thấy rất nặng nề khi mỗi buổi sáng họ phải tới phân xưởng
để làm việc. Tôi chứng kiến những trường hợp người tù tự sát, bằng treo cổ, để
khỏi phải lao động nữa. Hay là tự gây ra thương tích cho mình để đi nằm viện,
và từ đó tránh được lao động, dù là chỉ trong thời gian ngắn. Có người đã gây
gổ với bạn tù, rồi đánh nhau, để sau đó bị đi kỷ luật, cùm chân, biệt giam, ăn
uống thiếu thốn, nhưng vẫn còn đỡ hơn là lao động trong những điều kiện rất
khắc nghiệt. Không có một chế độ bảo hiểm lao động nào. Cái mủ hạt điều rất độc
hại, khi nó văng trúng người mình sẽ gây ra phỏng, gây ra lở loét, trong khi đó
hoàn toàn không có bảo hộ lao động. Chưa kể những phân xưởng sấy hạt điều gây
ra những mùi ô nhiễm.
Mặc dù, ra tù vào tháng
5/2010, nhưng tôi vẫn thường xuyên liên hệ với các gia đình tù nhân. Những
người thường phạm giam giữ chung với tôi, khi đi về họ có liên hệ với tôi, khi
tôi hỏi thăm tình trạng lao động, thì họ nói vẫn không có gì thay đổi. Người tù
vẫn bị cưỡng bức lao động với những công việc hết sức nặng nhọc, và không được
nhận thù lao và các chế độ bảo hiểm (...).
"Phòng
kỷ luật" : Nơi đánh gục tù nhân về sức khỏe và tinh thần
Tiếp
theo đây, là tiếng nói của cựu tù chính trị Phạm Thanh Nghiêm về những trải
nghiệm của bà khi còn bị giam giữ tại trại số 5 – Thanh Hóa :
Bà
Phạm Thanh Nghiên (Hải Phòng)
Bà Phạm Thanh Nghiêm :
Hai năm rưỡi sau, tôi được chuyển lên trại 5 Thanh Hóa. Ở đây tôi được xếp vào
một đội lao động, sinh hoạt ở chung với những tù hình sự khác, thì tôi cũng có
quan sát, thì được biết tất cả tù nhân đều phải « lao động ». Mọi định mức mà
trại giam đưa ra vượt quá khả năng lao động của họ. Một tháng có khoảng 25
công. Người tù phải làm đủ 25 công đó. Nếu không để bù vào số lượng, số ngày
công mà họ không đáp ứng được. Bằng cách nào ? Bằng tiền ! Nhưng có điều phi lý
là trong trại giam, họ cấm không được xài tiền mặt. Nhưng những quản giáo, tức
là những người đứng đầu các đội lao động, được bên trên chỉ thị là phải quản lý
tù nhân làm sao phải đủ định mức. Cho nên, tù nhân, một mặt bị cấm dùng tiền
mặt, nhưng mặt khác, phải làm thuê, làm mướn. Bởi vì nếu không đủ định mức ngày
công đưa ra, thì người tù sẽ không được giảm án.
Hầu
hết, ngay từ đầu, không có ai – tôi nói là - từ chối lao động. Họ thì dùng một
cụm từ khác «chống đối lao động ». Tôi chưa thấy một tù nhân hình sự nào dám «
chống đối lao động » cả. Và có những người dám cãi cự lại, thì phải bị chịu
hình phạt giam vào phòng kỷ luật.
Những
người đã bị giam vào phòng kỷ luật, họ kể lại với tôi là đó là một cái buồng
rất chật hẹp. Hoặc họ bị ký lệnh giam 7 hay 10 ngày, hoặc có thể là những lệnh
giam dài hạn, từ 1 tháng, 3 tháng hay 6 tháng trở lên. Nó khác nhau ở một chỗ
là, những người bị tạm giam 7 đến 10 ngày, thì trong thời gian bị tạm giam, thì
người tù không được đánh răng, không được rửa mặt, không được thay quần lót mặc
dù là phụ nữ. Nghĩa là hoàn toàn không được làm vệ sinh. Trong đó, chỉ được mặt
một cái quần dài, áo dài tay của trại phát, bất chấp đó là mùa đông hay mùa hè,
và không được mang dây buộc tóc hay kẹp tóc, dù có tóc dài. Mỗi bữa cơm được ăn
một bát cơm vơi, với một chút muối và một chút nước rau của trại phát. Đó là
hình phạt với những người bị tạm giam, kỷ luật 7 đến 10 ngày. Cho dù bị kỷ luật
bao nhiêu ngày đi nữa, thì hầu hết những người khi rời khỏi buồng kỷ luật, thì
cũng đều rất là suy kiệt về mặt sức khỏe, cũng như tinh thần.
Thực
ra trong ít phút vừa qua tôi chỉ nói được một phần nào đó của việc tôi đã chứng
kiến trong một lĩnh vực cụ thể, đó là vấn đề lao động thôi, còn xung quanh trại
giam là một thế giới thu nhỏ, là một nơi đọa đầy rất là kinh khủng. Tôi cũng
mong muốn công luận chú ý hơn nữa về vấn đề lao động trong tù, đặc biệt là
những tù nhân nữ. Bởi vì thiên bẩm của họ cũng rất là yếu ớt. Có những tù nhân
nữ phải làm những công việc vô cùng nặng nhọc. Chưa kể, trong trại tù, tôi
chứng kiến rất nhiều người bị bệnh, những bệnh hiểm nghèo, nhưng mà họ vẫn phải
đi làm cho đến gần như những ngày cuối cùng của cuộc đời. Đó là những thân phận
vô cùng éo le, mà tôi tin chắc rằng bản thân tôi không thể nào hình dung được,
nếu như tôi không từng chứng kiến (...).
Hiện tại trong một số
lĩnh vực như lao động trong các doanh nghiệp tại Việt Nam, lao động trẻ em hay
nạn cưỡng ép phụ nữ bán dâm tại Việt Nam, theo một số đánh giá, nhìn chung đã
có một số cải thiện trên phương diện luật pháp (với những thay đổi như Luật Lao
động sửa đổi2012 đưa thêm điều khoản về « cưỡng ép lao động » hay Luật xử lý vi
phạm hành chính [2012] đối với hành vi bán dâm, thay vì bắt người bán dâm vào
trại giáo dưỡng, phục hồi nhân phẩm như trước đây…). Sự hợp tác của chính quyền
Việt Nam với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực này cũng đã mang lại một số
tiến bộ căn bản. Về tình hình cưỡng bức trong lĩnh vực mại dâm, chị Ngô Thị
Mộng Linh - trưởng nhóm « Bình minh đêm » hỗ trợ những người nghiện ma túy và
hành nghề mãi dâm, thành viên mạng lưới hỗ trợ những người lao động tình dục ở
Việt Nam (VNSW) – ghi nhận một số tiến bộ đạt được trong năm qua (xin nghe phần
âm thanh ở dưới bên phải).
Chị
Ngô Thị Mộng Linh (Sài Gòn)
Buôn người ra nước
ngoài để cưỡng ép lao động hay bán dâm là một chủ đề ngày càng được công luận
Việt Nam chú ý hơn. Đầu mùa hè năm ngoái, Ca sĩ Mỹ Tâm - đại sứ của MTV Exit
(Chương trình chống buôn người và các hình thức nô lệ hiện đại của tổ chức MTV
Europe Foundation) tại Việt Nam - cho ra mắt cuốn phim tài liệu « Enslaved/Làm
Nô lệ » (phim tiếng Việt, với phụ đề tiếng Anh) tiếng để cảnh báo về nạn buôn
người nói chung, đặc biệt là việc lừa gạt để buôn bán phụ nữ qua biên giới.
Nhìn
chung, cho dù chính quyền Việt Nam đã ban hành Luật về phòng chống buôn người,
theo ghi nhận của nhiều người am hiểu, dường như vẫn còn rất nhiều đất sống cho
tình trạng nô lệ hiện đại, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Sự yếu
kém của các mạng lưới tổ chức thuộc xã hội dân sự, khả dĩ giúp cho cơ thể xã
hội có thể tự đề kháng trước các mưu đồ lừa đảo, lạm dụng và khống chế của
những đường dây buôn người, cùng không khí dung túng cho một hệ thống các hoạt
động làm giàu trên sinh mạng của những người lao động cả tin, và thường có học
vấn thấp, là những điều thường được các chuyên gia nói đến như là những nguyên
nhân trực tiếp để cho một tình trạng như vậy kéo dài.
Các hình thức nô lệ mới
thách thức lương tri của nhân loại hiện đại. Cưỡng bức lao động nghiêm trọng
tại các trại tù Việt Nam, qua một số nhân chứng kể trên cũng như nhiều nhân
chứng khác trong thời gian qua, là một thực tế nhức nhối. Trong vấn nạn nô lệ
hiện đại, bên cạnh những nguyên nhân đến từ bên ngoài, rất nhiều cội rễ nằm
trong chính xã hội, trong bộ máy quyền lực. Thảm trạng của các tù nhân bị cưỡng
bức lao động có liên quan đến một chế độ xã hội, đang tiếp tục duy trì sự ổn
định của mình dựa trên sự sợ hãi và khuất phục. Bên cạnh trường hợp các nạn
nhân do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bị đẩy vào bước đường cùng, bị lừa đảo mà
rơi vào cạm bẫy của các đường dây buôn người, lao động cưỡng bức trong các trại
giam, nhà tù, vừa mang lại nguồn thu kinh tế quan trọng, vừa là phương tiện đè
bẹp nhân phẩm của các tù nhân, và thông qua các tù nhân là thân nhân và những
người gần gũi với họ, là xã hội xung quanh.
Việt
Nam đang ở trên bước chuyển biến lớn trong nỗ lực nhận dạng và xóa bỏ các hình
thức khác nhau của nô lệ thời mới. Vấn đề là những người cầm quyền có thiện chí
và quyết tâm đi hẳn về phía Ánh sáng hay không ; bộ phận đa số trong xã hội có
coi việc xóa bỏ hoàn toàn các hình thức nô lệ mới là thách thức thiết thân hay
không ?
Nói đến các hình thức
nô lệ mới, các bạo lực trong hình thức trần trụi nhất, khi cái Ác muốn áp đặt
sự thống trị tuyệt đối, không thể không nhớ đến những con người xả thân vì
nghĩa cả. Khi hàng chục, hàng trăm ngàn thân phận bị đày đọa trong bóng
tối-trong sự thờ ơ, ở tận cùng của những nơi tăm tối nhất-bất công nhất, vẫn có
những tâm hồn bừng cháy cho một niềm hy vọng vào một ngày mai, xóa tan hoàn
toàn mọi hình thức nô lệ-nô dịch con người. Với niềm tin rằng xuyên qua bóng
tối ấy, mà con người đi đến một tương lai.
Xin
chân thành cảm ơn bà Phạm Thanh Nghiêm, chị Ngô Thị Mộng Linh, ông Nguyễn Bắc
Truyển, anh Nguyễn Tiến Đạt và Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đã dành thời gian cho
Tạp chí.
Mời quý thính độc giả
nghe thêm toàn phần phỏng vấn với các khách mời trong các hộp âm thanh gắn kèm
với bài viết.
Các tin bài liên quan
Cúp Thế giới Qatar 2022
và nạn lao động nô lệ
4 thủy thủ Việt Nam tố
cáo bị tàu Đài Loan đối xử như ''nô lệ''
Chiến dịch giải cứu nô
lệ tình dục trẻ em chưa từng có ở Mỹ
Tù nhân nổi loạn ở trại
Xuân Lộc, bắt giám thị làm con tin
Thảm
cảnh của lao động Việt bất hợp pháp tại Nga
Nạn
buôn phụ nữ Đông Nam Á làm gái mại dâm ngày càng nghiêm trọng
Trung
Quốc : Sự nổi dậy của các nữ tù lao cải
Châu Âu : Kiến nghị một
ngày tưởng nhớ nạn nhân chế độ nô lệ và thực dân
Mỹ
tố cáo Trung Quốc và Nga không nỗ lực chống nạn buôn người
Django
Unchained, khi nô lệ bứt gông xiềng
Một
tổ chức nhân quyền mở chiến dịch tẩy chay hạt điều từ Việt Nam
Người
bệnh tâm thần Trung Quốc bị bán làm nô lệ
Lao
động Việt Nam tại Malaysia đang chịu nhiều bất công
Việt
Nam chưa có đủ quyết tâm chống nạn buôn người
Nô
lệ hiện đại là vấn đề "hệ thống", rất cần đến xã hội dân sự tham
gia
TS
Nguyễn Đình Thắng : Tình trạng buôn người, buôn lao động ở Việt Nam là một vấn
đề có hệ thống. Muốn giải quyết một vấn đề có hệ thống như vậy, thì bắt buộc
phải có sự tham gia của xã hội dân sự, còn gọi là xã hội công dân, nghĩa là ở
trong một môi trường mà mọi người dân, hễ thấy những chuyện bất nhẫn, những vấn
nạn của xã hội, thì được quyền tập hợp lại với nhau, để giải quyết vấn đề ở mức
địa phương hoặc trong vùng, hoặc toàn quốc, nơi mà tầm hoạt động của mình cho
phép, thì họ phải được quyền và được khuyến khích để mà ngăn ngừa, cũng như bài
trừ nạn nô lệ. Hiện nay, đất nước Việt Nam, xã hội Việt Nam chưa cho phép sự
phát triển của xã hội công dân, chưa cho phép người dân và những tổ chức ngoài
chính phủ tự động đứng ra để giải quyết những vấn nạn có hệ thống, thành ra
chúng tôi thấy rằng rất khó để bài trừ được tình trạng buôn bán người trong mọi
lĩnh vực, dù là vấn đề tình dục hoặc lao động, nội địa hoặc ở nước ngoài. Chỉ
khi nào mọi người dân, mọi tổ chức dân sự đều có quyền nhập cuộc, thì lúc đó
chúng ta mới có quyền thấy được ánh sáng cuối đường hầm.
No comments:
Post a Comment