Thursday, April 30, 2015

ĐÈN CÙ - TRẦN ĐỈNH - PHẦN 4

1     2     3     4     5    6    7    8
CHƯƠNG 21
 Rồi chúng tôi thở phào. Cụ Hồ đã lên tiếng. Có lẽ là tháng 4 hay 5 năm 1963. Bài báo của Cụ đăng trang nhất báo Nhân Dân. Ký tên Nguyễn Thanh Long. Ở đúng chỗ sau này đăng bài Nguyễn Chí Thanh chất vấn dân tộc “sao phải ăn bún?”
Nói rõ Đảng ta phải biết ơn ba đảng cộng sản Pháp, Liên Xô và Trung Quốc. Vậy là Cụ công khai phản đối Mao. Đám xét lại rất mừng. Cụ Hồ nhất đinh phải là thích cộng sản văn minh hơn rồi. Chúng tôi hy vọng Cụ ngăn được Đảng ngả theo Bắc Kinh. Không tán thành Mao chống xét lại để bảo vệ chủ nghĩa, Cụ đã nói có nên vì đuổi một con chuột (xét lại) mà đang tâm ném vỡ một cái bình quý không?
Ngờ đâu theo dạy dỗ của Cụ, trong đầu nhiều người cộng sản Việt Nam đã thành một tôn ty trên dưới như sau: Stalin, Mao Trạch Đông rồi mới Hồ Chí Minh.
Thời gian Nghị quyết 9, Lê Duẩn viết “Mấy vấn đề quốc tế và Đảng ta” đã gọi Mao Trạch Đông là Lê-nin của thời đại ba dòng thác cách mạng Á - Phi - La. Còn đảng viên, cán bộ thì đang coi Duẩn khẩu khí giống Mao mới là cây lý luận của đảng. Tôi đã thấy sức hấp dẫn ma mị của lời lẽ Duẩn ở trong cuộc chỉnh huấn xây dựng tư tưởng chống địa chủ tháng 5 năm 1953.
Chả ai ngờ tới việc Mao sẽ cho Cụ Hồ hiểu không theo kim chỉ nam thì khốn khổ thế nào.
Tháng 4 năm 1964, Lưu Thiếu Kỳ, vợ ông, bà Vương Quang Mỹ (học ở Mỹ) và nguyên soái Trần Nghị, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc sang thăm Việt Nam. Báo Nhân Dân lập một tổ phóng viên đặc biệt do tôi phụ trách theo dõi và viết sự kiện quan trọng này. Tổ gồm toàn Mao-nhều Anh Vũ, Hữu Thọ, Đặng Phò… và vài người nữa.
Tôi rất không vui. Việt Nam thế là dấn thêm một bước vào quỹ đạo Bắc Kinh chủ chiến. Tôi tán thành Khruschev vì ông chống sùng bái cá nhân và chủ hoà. Trần Châu bảo tôi: Định nghĩa cách mạng là dám đánh Mỹ, Mao đẩy Khruschev vào ngõ cụt bằng phát động vũ trang đánh Mỹ, phá “chung sống hoà bình” của Khruschev đồng thời bắt Liên Xô chết ngộp bởi gánh nặng chạy đua vũ trang.
Ở sân bay, đám nhà báo đứng thành một ô, ai đã vào là không được ra khỏi. Khi Cụ Hồ và đoàn khách quý đi qua, đám nhà báo mừng quá nhoài người ra hô, reo, vẫy. Liền bị an ninh nắm cổ đẩy xô dúi dụi. Tôi không nhiệt tình nghển cổ thò đầu nên không bị đụng vào người.
Tội nhất một chị ở Việt Nam thông tấn xã, hình như Duyên, vợ Đặng Quốc Bảo, bị đẩy bung hết cả tóc, mặt thì nhợt đi, sợ phạm phải tội lỗi gì lớn đây. Tôi bèn đẩy lại anh an ninh, gắt giọng hỏi:
- Được mời đến đây là lưu manh cả hay sao mà anh xua đẩy như vịt cả thế?
Nhắc to lại:
- Là lưu manh cả sao hả?
Sau đó về họp với Nguyễn Thành Lê. Cả tổ phóng viên, trừ tôi, sướng ra mặt - được đón tiếp và tuyên truyền cho thủ lĩnh Mác-xít thế cơ mà. Tôi nói:
- Viết xong tường thuật đón sáng nay là tôi xin rút. Tôi không làm được. Tôi không chịu được mạng lưới an ninh khinh nhà báo đến thế. Tôi còn đi thì e có ngày mất bình tĩnh sẽ nói những cái nặng hơn câu tôi hỏi an ninh sáng nay, anh em thấy cả đấy.
Anh Vũ thay tôi phụ trách. Hữu Thọ đầy nhiệt tình chống xét lại nhưng là cán sự 5 chưa gánh được. Nhờ rút đi, tôi không phải dự một mít tinh trong đó Lưu Thiếu Kỳ yêu cầu đứng về một bên trong đấu tranh cách mạng và Cụ Hồ khen Lưu Thiếu Kỳ trăm phần trăm Mác-Lênin.
Sao lại khen thế? Thế ra Cụ phủi tay với bài báo của Nguyễn Thanh Long mất rồi. Ôi, chiếc cầu bập bênh.
Tình cờ sau đó gặp Hồ Bản Anh, Tân Hoa Xã thường trú Hà Nội. Trò chuyện vài câu gần Thuỷ Tạ, Hồ Bản Anh chợt hỏi:
- Anh không đi viết Lưu Chủ tịch? Tôi nghĩ phải là anh chứ nhỉ?
Toan phản ứng “Sao lại phải là tôi?”, tôi chỉ nói:
- A, tôi đang bận việc khác…
- Nhưng tôi có thấy anh ở đâu cơ mà, à, ở sân bay nhỉ? (Vỗ vỗ trán). À, trong hội kiến, đồng chí Lê Duẩn đề nghị Lưu Chủ tịch một việc… Tuyệt mật nhá, khà khà khà, đồng nghiệp ruột với nhau mà… (Nắm tay tôi kéo lại gần, thì thào): Đề nghị Trung Quốc gửi phi công quân sự và bộ binh sang Việt Nam… Nhưng tuyệt mật hả, khà khà khà…
Anh đinh ninh tôi học Bắc Kinh thì tất theo Bắc Kinh hay anh muốn thăm dò tôi? Nghe anh, tôi chợt hiểu vì sao Cụ Hồ, ông Lưu Mác-ít trăm
phần trăm. Sẵn sàng viện trợ cho mà đánh Mỹ mà. Đồng thời cũng hiện ra ở trong đầu tôi một bãi chọi trâu là đất nước nghèo khó này. Nhưng tôi lại nghi anh nhà báo nay muốn moi tin ở tôi. Duẩn nào dại mà đề nghị thế? Đồng thời cũng thấy có nên nói hẳn với anh rằng tôi không tán thành “đại loạn” hay là cứ ú ớ cho qua chuyện?
Sau này, đọc nhà báo Mỹ Stanley Karnow, tôi mới biết lần sang Việt Nam đó, Lưu đã đẩy tình hình ở Việt Nam tiến lên một bước phát triển quyết định. Lưu cam kết: các đồng chí phát động chiến tranh thì Trung Quốc sẽ tình nguyện làm đại hậu phương lo lắng hậu cần chu tất cho Việt Nam. Nếu cần thì chu toàn cho cả khâu binh lính nữa! Lưu nhận sẽ viện trợ vũ trang không hoàn lại cho 230 tiểu đoàn bộ binh của “quân nổi dậy” ở miền Nam.
1961, Bắc Kinh chưa muốn nổ chiến tranh lớn thì Diệp Kiếm Anh sang nói các đồng chí đánh với cỡ tiểu đoàn như mấy trận Bình Giã, Vạn Tường vừa qua là phải. Lúc ấy việc Mỹ gửi cố vấn sang được gọi là “chiến tranh đặc biệt”. Đến 1963, bị ba bề Tây Tạng, Ấn Độ, Đài Loan ép mạnh, Bắc Kinh cần cho nổi lửa lớn ở Việt Nam để bắt Mỹ đem quân vào làm “chiến tranh đặc biệt” tạo nên “cuộc đại loạn toàn thiên hạ cho Trung Quốc được nhờ”. Dĩ nhiên trăm tội đổ hết vào đầu thằng Mỹ nó kéo bè lũ tay sai ở Đông Nam Á xâm lược Việt Nam.
Nên biết qua về sự giúp đỡ quân sự của Trung Quốc. Từ 1950 đến 1954, Trung Quốc đã giúp Việt Nam 116.000 khẩu súng các loại, 420 khẩu pháo, nhiều khí tài thông tin và công binh. Năm 1956, Trung Quốc ưu tiên viện trợ Việt Nam 50.000 khẩu tiểu liên và súng trường nửa tự động vừa định hình sản xuất, chưa kịp trang bị cho quân đội Trung Quốc. Từ năm 1953 đến 1963, Trung Quốc đã giúp Việt Nam xây dựng 6 tiểu đoàn pháo cao xạ, 1 trung đoàn công binh, 1 trung đoàn cầu nổi, 1 trung đoàn xe tăng, 1 trung đoàn máy bay tiềm kích, bổ xung nhiều vũ khí trang bị quân sự khác. Trung Quốc còn giúp 90.000 khẩu súng máy và súng trường để triển khai chiến tranh du kích ở miền Nam. Nhằm lôi kéo Việt Nam ủng hộ Trung Quốc trong cuộc đấu tranh với Liên Xô, Mao cử Đặng Tiểu Bình sang Hà Nội, mang theo lời hứa giúp Việt Nam 20 tỉ Nhân Dân Tệ, tương đương 20% thu nhập quốc dân hoặc 60% thu nhập tài chính của Trung Quốc năm 1963. Mao Trạch Đông nói với Cụ Hồ: “Chúng ta là một nhà, cần người có người, cần vật tư có vật tư, cần bao nhiêu có bấy nhiêu”.
Ngoái lại đoạn lịch sử này, tôi hay nghĩ tới một vỉa hè được người ta bỏ tiền ra thuê làm bãi bán cao mãi võ và anh chủ mảnh vỉa hè bỗng hoá đàn anh đàn yêng.
***
Tháng Sáu, Nguyễn Thành Lê triệu tập cuộc họp của toàn đảng bộ báo Nhân Dân để “anh em ta trao đổi quan điểm và giúp đỡ xây dựng cho nhau”.
Thành Lê vừa dứt lời, Hữu Thọ liền đứng ngay lên. Rút mùi-soa xỉ mũi, quệt quệt mũi, ngoẹo đầu sụt sịt:
- Tôi xin lỗi hội nghị…, là vì tôi đang sốt ạ, vâng ốm to đấy, nhưng đảng có cuộc họp quan trọng thế này thì cứ phải dự thôi. Cũng vì ốm cho nên tôi xin phép được nói trước ạ. (Lại lau mắt lau mũi). Thưa các đồng chí, chúng ta đều biết đi đường thì có luật giao thông, thấy đèn đỏ bắt dừng, anh không dừng là anh phạm tội, anh sẽ bị trị. Vâng, nhưng còn một loại đường đi nữa quan trọng hơn rất nhiều, đó là con đường cách mạng. Nó có đèn đỏ đèn xanh không? Có, vâng, có quá chứ, còn ngặt nhiều hơn nữa cơ đấy ạ. Đèn xanh đèn đỏ này từng giờ từng phút chỉ cho chúng ta đi như thế nào, tiếp tục đi hay dừng ngay lại kẻo không toi mạng. Thưa các đồng chí, con đường cách mạng của đất nước ta hiện đang bật đèn đỏ. Nghĩa là ai vượt qua nó thì là phản cách mạng! Vâng, phản cách mạng. Vâng, thế mà trong chúng ta ngồi đây đã có kẻ bất chấp đèn đỏ cứ ngang nhiên vượt qua… Thưa các
đồng chí…, kẻ đó là… (Lại ngừng, lại xỉ mũi, lau mặt…, lau xong còn gấp mùi-soa làm tư tử tế đút túi, chuẩn bị cho cú hạ màn đánh thịch), thưa các đồng chí, kẻ đó là… (thình lình thẳng người lên, nghiêm mặt chĩa tay vào tôi):
- Kẻ đó là Trần Đĩnh.
Kể ra các thứ xấu: Ngạo mạn, coi trời bằng vung, coi kỷ luật đảng như trò đùa, chửi tất cả những ai bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lê, sặc sụa quan điểm Khruschev, một điều chung sống hoà bình, hai điều thi đua kinh tế, ba điều chống sùng bái cá nhân, độc ác lên án đại nguyên soái Stalin và Mao Chủ tịch độc tài… Lôi ra cả việc “ngông nghênh không thích phục vụ Lưu Chủ tịch” rồi nói năng bừa bãi với an ninh đang bảo vệ cho hai vị lãnh tụ…
Hữu Thọ ngồi xuống, Trần Châu đứng lên hỏi nhẹ nhàng:
- Anh Thành Lê nói họp để thân ái giúp đỡ nhau nhưng anh Hữu Thọ lại đả kích, mạt sát Trần Đĩnh.
Tôi đứng lên nói. Nhìn quanh mới thấy thời gian qua đội ngũ Mao-nhều đông ra nhiều quá. Nhiều con mắt tức tối nhìn tôi. Trong con mắt họ, tôi đang là kẻ đầu hàng Mỹ, không dám chiến tranh giải phóng miền Nam rên xiết đau thương.
- Tôi không nói chuyện quan điểm. Tôi nói điều còn quan trọng hơn quan điểm rất nhiều, đó là lòng trung thực, nhân cách của mỗi người, trước hết của mỗi người cộng sản. Tôi chỉ xin nói câu chuyện mới xảy ra sáng hôm qua thôi. Ăn bánh mì ngoài vỉa hè kia, anh Hữu Thọ chửi bài anh Thép Mới viết trên báo. Tôi tránh dây vào cái câu lạc bộ bồi dưỡng nghiệp vụ vắng mặt đồng chí nên vào ngồi chuyện với anh Thép Mới ở gốc đa. Lát sau, anh Hữu Thọ dắt xe vào. Nhác thấy anh Thép Mới, anh Hữu Thọ liền từ xa cúi rạp xuống ghi đông rón rén đi đến trước mặt anh Thép Mới rồi bật thẳng người lên xúc động nói: - Bài viết hay quá! Văn như thế thì đúng chỉ có Thép Mới viết nổi!… Đấy, tôi nói nhân cách mà trước tiên là ở lòng trung thực, cái này tôi cho là còn cao hơn cả quan điểm.
(Đến thế kỷ 21, những khi gặp tôi ở sân báo Nhân Dân, biên tập viên Vũ Hải vẫn hay diễn lại tư thế của Hữu Thọ khom lưng khuỷnh tay dắt xe cho rạp người xuống đến mức thấp nhất để rồi vươn lên thật cao mà ca ngợi cấp trên, tư thế tôi tái hiện trong cuộc họp đầu tiên phân chia cách mạng và phản cách mạng ở báo đảng).
Một giọng uất ức trong hội trường lại nghẹn ngào:
- Còn nói láo là Bác Hồ ta lẩm cẩm.
Lưu Động toan đứng lên thanh minh thì Thành Lê giơ tay:
- Chuyện này thuộc bên an ninh làm, miễn bàn ở đây.
Trưởng ban nông nghiệp Phan Quang mới xuống Hưng Yên cùng Tố Hữu, nghe Tố Hữu nói với báo Hưng Yên là từ nay cần đề cao anh Lê Duẩn nhiều lên, anh sẽ là lãnh tụ, Bác Hồ lẩm cẩm rồi. Phan Quang thuật lại với
ban nông nghiệp.
Trần Châu nói với Lưu Động học ở Nguyễn Ái Quốc (để có chỗ trống cho Phan Quang lên). Lưu Động nói lại với Dương Bạch Mai. Mai chất vấn Cụ Hồ. Nghe đâu Cụ đã hỏi Tố Hữu và nó biến ra thành “xét lại tung tin chia rẽ ngay Bác với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt”.
Hai tháng sau, Hoàng Tùng xuất kích.
Lúc này ở ta những chữ con người, nhân dân - phải nói rõ nhân dân lao động - hoà bình, hoà hợp, đàm phán đều là những biểu hiện cần thủ tiêu sạch sành sanh của thế lực phản động muôn xoá bỏ đấu tranh giai cấp. Đâu cũng nhai lại lời Mao Chủ tịch dạy không được lơ là việc cách cái mạng của đế quốc tư bản. Lão thành cách mạng và hay đọc kinh điển, Lưu Cộng Hoà bảo tôi:
- Nay nhận mình là con vật mới đúng đấy.
- Điên hết rồi, - tôi ngao ngán nói - Hồi nào đuổi chim sẻ, nay đuổi chữ có hại… Thành “Buồng số 6” của Tchekhov hết.
Nói câu này, tôi cố hình dung ra Bác Hồ sẽ làm gì ở trong gian phòng số 6 điên loạn này. Tôi cho Cụ xoa trán bệnh nhân đang lên cơn đòi xung phong tiêu diệt đế quốc mà nói: “Cháu anh hùng thế là rất tốt nhưng cháu cần nghe theo chỉ đạo của Bác. Bác bảo đánh thì đánh, Bác bảo thôi thì thôi, chú Tố Hữu đã có thơ đó. Bây giờ Bác bảo thôi. Bác cháu mình còn phải thở cái đã chứ!”. Nghĩ bịa ra cho Bác thế thôi mà thấy nhẹ cả người.
Tối hôm ấy, chủ trì cuộc họp đảng bộ. Hoàng Tùng tuyên bố mở hội nghị này để các tướng xét lại cứ việc nói hết y mình. Cứ nói không sao hết, tôi đây, Hoàng Tùng bảo đảm là sẽ không có kỷ luật gì cả. Cho tha hồ nói.
Rồi Hoàng Tùng tóm tắt vài quan điểm cơ bản của đảng lúc đó. Hỏi tại sao sinh ra chủ nghĩa xét lại? Liên Xô rất tinh thông lý luận Mác-Lê, đúng không? Ai dám bảo không nào? Tinh thông lắm! Thế mà lại thành ra xét lại sợ Mỹ. Vì sao? Vì mặt nhiệt tình cách mạng, có thế thôi. Anh Duẩn phân tích chỗ này rất hay. Đời sống mấy tướng lãnh đạo nay sướng rồi, xa cách nhân dân và thực tiễn cách mạng rồi thì tất nhiên nhiệt tình cách mạng sa sút… Đây, xem anh em lao động chân tay đây (quay về những Quang Thụ ở báo từ thời trên rừng gánh báo vượt đường 5 đường 6 xuống Khu 3) các tướng này có lý luận gì đâu nhưng bảo đánh Mỹ là đánh tắp lự ngay à, chả phải lý luận gì cả. Bởi vì nhiệt tình cách mạng sẵn nên hành động luôn theo lẽ sống…
Chắc coi tôi đáng chiêu hồi nhất để còn cộng tác hú hí với nhau, Hoàng Tùng gọi to lên:
- Nào, mời! Thôi, Trần Đĩnh mở màn đi nào.
Tôi toan nói: “Ai chả biết Lê-nin đã nói hai câu ngang như bùa chú là “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng” và “Nhiệt tình cộng với ngu dốt là phá hoại cách mạng!”. Cho nên bên kia sau đại tếu “Nhảy vọt” ngã chổng vó lên với nhau, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình đã đặc biệt phê phán nhiệt tình duy ý chí, đầu óc bình quân, đòi phải suy nghĩ khoa học.
Tôi đã sắp đứng lên thì bỗng nghĩ rất nhanh đến Hoàng Tùng với tôi vốn chỗ “cánh hẩu” - đó, anh chiêu hồi tôi đầu tiên có lẽ vì muốn tôi vẫn được đảng trọng dụng - nếu tôi nói ra thì bằng là choang chính Hoàng Tùng cho nên lại chỉ buông một câu cụt lủn:
- Tôi chẳng có quan điểm, lý luận gì. Chỉ thấy Trung Quốc không dân chủ, cả nước như cái trại lính.
Đặng Phò, anh Hà Đăng (tức Đặng Há) gầm lên ngay:
- A, nói láo, không dân chủ mà hắn lại được mở mồm ra kêu là không dân chủ thế kia hả?
Tôi nghĩ ngay: Loa Mao-nhều cỡ bự đây.
Xì xào đâu như anh là tác giả bài vè xếp hạng phân loại xét lại ở báo đảng. Kiểu sắp đến đâu thì đoàn uỷ cải cách ruông đất đã lên danh sách đối tượng đấu tố ở đấy. Sau này lúc học Nghị quyết 9, một bữa thảo lụân ở tổ, tôi phát biểu xong ra giải lao ở sân, anh đã xô đến giơ hai quả đấm lên toan đánh vào hai thái dương tôi… Từ ngày đảng coi tư tưởng Mao là chính thống, mặt anh nom lúc nào cũng như diều được gió.
Giá hồi ấy đã có video clip!
Khánh Căn, Nguyễn Hữu Chỉnh lần lượt được mời lên. Các anh trình bày quan điểm của mình tức là tinh thần Tuyên bố chung 81 đảng và Đại hội III Đảng cộng sản Việt Nam mà nay đã được Mao Chủ tịch vạch ra là xét lại, tuy đảng chưa hề có nghị quyết nào chính thức bác bỏ chúng.
Hoàng Tùng tưng tửng chêm vào móc máy các anh. Mặt hai anh tái đi nhưng vẫn tiếp tục nói…
- Nào, Hồng Hà! - Hoàng Tùng nói.
Trước đây ít lâu, trong vụ Nguyễn Chí Thanh gọi báo Quân đội Nhân dân bênh Liên Xô trong cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba là báo găng-xtơ Si-ca-gô (kẻ cướp Mỹ) thì Hồng Hà đã nói: “Báo găng-xtơ này có đại tướng của nó đấy chứ (tức là có tướng Giáp, tướng Thanh sao dám qua mặt tướng Giáp?)” và nhờ đó mà nổi tiếng xét lại.
Nghe Hoàng Tùng mời, Hồng Hà thiểu não đứng lên. Rồi nghẹn ngào như mếu:
- Tôi xin cảm ơn Mao Chủ tịch vĩ đại đã mở mắt ra cho tôi thấy Liên Xô, Khruschev là phản bội, đầu hàng, xét lại. Hôm nay ngồi đây tôi thấm thía như dự một cuộc chỉnh huấn lớn. Thật ra khi học ở Liên Xô, tôi đã ngờ ngợ nhiều cái, cho nên gặp các anh trong Trung ương qua thăm, tôi vẫn nói cần phải cảnh giác với Liên Xô, Khruschev…
Trong tôi vụt hiện lên hình ảnh tướng de Castries đầu hàng ở Điện Biên Phủ. Ông ta vẫn đàng hoàng ngậm píp và chống can… Nhưng Đặng Phò đã cười khẩy khinh bỉ:
- Anh em, cảnh giác! Chớ để rồi mai kia Mác-xít thắng, anh ta cũng xơi mà xét lại thắng anh ta cũng xài.
Nghĩ tới chia quả thực sớm thế chứ. Mà hơi bị đúng! Hồng Hà tuy khóc mếu quay giáo trở cờ quá dở nhưng sau vào Ban bí thư, trèo lên trên tất cả những Mao-nhều thực thụ Hữu Thọ, Hà Đăng, Đặng Phò… từng bủa vây tiễu trừ anh. Vì Hồng Hà không hề kém nhiệt tình - khóc nhận tội là quá nhiệt tình - lại còn hơn đám Mao-nhều chính cống ở khoản lý luận học ở tận trường đảng Liên Xô.
Nhưng Hoàng Tùng đã vỗ tay nói:
- Nào tốt thôi, ai chuyển cũng đều hoan nghênh.
Thật ra Hoàng Tùng mở hội nghị này chỉ cốt để chiêu hồi nội bộ và đối ngoại: đấy, ở tiệm này, tôi đã trấn áp xét lại, tôi đã có đe nẹt, có trao đổi dân chủ cả rồi nhé. Địa bàn báo đảng im ắng thì ông yên. Còn đúng ra mới năm ngoái, ông thiếu “nhiệt tình” ghê gớm - tương lên báo hàng mấy trang nguyên văn các diễn văn của Khruschev! Những hôm có Khơ nói, báo đắt như tôm tươi.
Thép Mới đứng lên luôn:
- Tôi tán thành ý anh Tùng. Cần tăng cường đoàn kết nên ai chuyển ta cũng hoan nghênh. Trước đây thấy Hồng Hà, Trần Đĩnh ngồi với nhau cứ hết khen Khơ lại khen cô đào xi-nê Kirienko, tôi đã ngại nhưng nay tôi thấy là chúng ta có thể chuyển biến được hết trong trận giao chiến mới này.
Rõ ràng bảo vệ em trai và dụ tôi hàng. Mới hôm nào hỏi tôi:
- Mày có thấy cái Châu (vợ Thép Mới) hơi giống giống Kirienko không mày?
… Từ đấy Mao-nhều thường từng đám túm tụm chửi Khruschev rồi hễ thấy chúng tôi thì lại cố tình liếc liếc và ré lên cười. Tôi ngỡ thấy lại Kiêu binh phủ Trịnh chắc từng đã ở trên nền toà báo này và ngày ngày ra đường bóp vú thả cửa đàn bà con gái của cả cái huyện Tho Xương thuộc phủ Hoài Đức đây.
Gần tháng sau, Hoàng Tùng thăm Trung Quốc, mang theo Hồng Hà, Phan Quang. Một anh vốn kiên trung, một anh vừa đầu hàng kết thành bè… Ai đi Trung Quốc lúc này đều mặc nhiên được gài ở trên ngực huy chương phẩm tiết “trò Tàu” cực ngoan.
Trở về, viết “Vĩ đại Trung Quốc” dài hết trang báo, Hồng Hà đưa tôi để đăng lên trang Chủ nhật tôi phụ trách nhưng tôi đẩy nó cho Quang Đạm duyệt. Trả lại tôi, Quang Đạm chỉ cho xem mười mấy dòng anh dập:
- Mình phải cắt vì chửi Liên Xô dữ hơn cả Trung Quốc mà Trung ương thì vẫn chưa cho chửi công khai. - Ngừng lại cười - Hồng Hà thế mà hăng quá.
- Biết sẽ bị cắt nhưng em xin cứ viết ra để các anh chứng giám em chuyển lập trường sâu sắc và bền vững lắm ạ. - Tôi nói.
Quang Đạm cười huých tôi một cái:
- Cái tay này!
Khánh Căn ít lâu sau báo tôi anh bị phê bình ghi lý lịch vì đã mượn diễn đàn hội nghị của đảng bộ để tuyên truyền quan điểm xét lại!
- Sao thế được? - Tôi hơi cáu, rất không thể ngờ.
Còn một chuyện không thể ngờ bằng vạn. Giữa 1963, Cụ Hồ bị một vố bút sa. Tuyên bố chung Hồ Chí Minh - Novotny, Chủ tịch Tiệp Khắc vừa lên báo thì Lê Duẩn bắt bỏ ngay: xét lại! Lập tức huỷ, bất chấp xúc phạm đến nước bạn Tiệp và lãnh tụ. Người ta giải thích vụ này như sau: nhận được bản Tuyên bố để ký, Bác hỏi chú Ba, ý là chú Ba Duẩn, xem chưa. Thư ký Bác lầm là hỏi chú Ba Khiêm, Bộ trưởng ngoại giao chịu trách nhiệm thảo văn kiện cho nên đáp là đã. Thế là Bác ký. Thì ra tội nợ chính là vì trong đảng quá nhiều Ba… Ba phải, ba ba ba…
Ung Văn Khiêm, tác giả bản Tuyên bố sau đó bảo tôi:
- Trong vụ Bác bút sa mà Ung Văn Khiêm chết đầu nước, có ba anh Ba tham gia. Ba Duẩn, Ba Khiêm và Ba Hồ.
Tôi ngạc nhiên thì anh nói:
- Ủa, đọc anh Ba của Trần Dân Tiên chưa? Anh Ba Tất Thành đấy thôi. Ba anh Ba dính vào và anh Ba Duẩn phang hai anh Ba kia bằng Sáu Búa (Lê Đức Thọ). Theo họ giải thích thì hoá ra Lê Duẩn hơn Hồ Chí Minh về tất cả quyền hành, tư tưởng, lập trường. Đã kém Duẩn thế, Hồ Chí Minh lại mắc bệnh quan liêu, không xem văn kiện mà cứ ký bừa trong lúc tình hình phe bí bét. Ba là Hồ Chí Minh đã sa sút đến bước để cho Ba Duẩn nói sao cũng nín… Phe Duẩn đông miệng hơn mà. Nào, thử xem nhá. Có phải đến tận cuối năm 1963 mới có Nghị quyết 9 chống xét lại không? À, thế thì họ dựa vào cái gì mà đè Cụ ra hoạnh là sai nào? Dựa vào đường lối quan điểm Mao! Đúng thế không? Còn sự thật thì thế nào? Là mình thảo bản tuyên bố đó rồi đưa cho Cụ. Và chính tay Cụ viết thêm bằng mực đỏ vào đó mấy ý kiến còn sặc “hoà bình chủ nghĩa” và bảo vệ phe xã hội chủ nghĩa hơn nữa. Mình đọc mà. Mình đã phải giấu đi để họ không nắm được mà hành thêm ông cụ nữa mà. Họ đụng đến Cụ cũng là nhằm hạ uy thế Cụ và cô lập Cụ trong hội nghị 9 sắp họp cuối năm, để cho trong đảng không còn ai dám theo Cụ nữa.
- Thế mà Bác im? - tôi hỏi.
- Trong tập sách “Mấy vấn đề quốc tế và Đảng ta” xuất bản dịp ra Nghị quyết 9, Lê Duẩn công khai suy tôn “tư tưởng Mao Trạch Đông là tư tưởng Lê-nin thời đại này”, như vậy chẳng phải là yêu cầu đảng nghe Mao, thôi nghe Hồ đó ư?
Duẩn soạn thảo Nghị quyết 9 theo tư tưởng Mao Trạch Đông chứ còn gì? Mà Hồ không biểu quyết cũng là tỏ thái độ với Mao quá rõ rồi còn gì! Nội bộ lãnh đạo cao nhất tan nát đến thế! Mà nhân sự và tư tưởng đều trong tay Sáu Thọ và Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu…, hỏi Hồ làm gì lại được họ?
Nhưng mình thấy cũng tại Cụ đã xuê xoa. dĩ hoà vi quí… (Tôi hơi ngẩn ra). Cụ biết, biết rõ Liên Xô, Trung Quốc hầm hè nhau từ 1957-1958 rồi cơ. Năm 1958, Cụ dẫn một đoàn sang Trung Quốc, Liên Xô. Cụ tới Bắc Kinh, các cháu thiếu nhi khăn quàng đỏ ra đón chỉ tặng hoa và quàng khăn đỏ cho Cụ và Hoàng Văn Hoan, uỷ viên Bộ chính trị phụ trách đối ngoại.
Sáng sau Cụ bảo mình chú ở nhà, Bác với chú Hoan đi hội đàm với bác Mao. Hội đàm xong về Cụ hỏi mình chú ở nhà công tác sao? Mình ngớ ra hỏi ủa, công tác gì chứ Bác?
- Kìa, đâu có quần chúng thì đảng viên ở đấy có công tác chứ? Thì các ông Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Phan Anh… đó!
Mình ớn quá. Cụ lảng sang chuyện công tác quần chúng vì không muốn mình thấy là Trung Quốc không thích mình. Nhưng khi ta đến Mát-
xcơ-va thì thiếu nhi khăn quàng đỏ lại chỉ tặng hoa và thắt khăn quàng đỏ cho Cụ và mình. Chắc đại sứ quán Nga ở Bắc Kinh đã mách chuyện Hoan được khăn quàng đỏ. Lần này Cụ bảo Hoàng Văn Hoan ở nhà, Bác và chú Khiêm đi hội đàm với đồng chí Khruschev. Hai bên giành ta trắng trợn đến thế, thì theo mình Cụ nên nói từ đầu với Trung ương lập trường của Cụ, đặt ra cái ngưỡng để sau này Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh khó kéo Trung ương ngoặt theo Mao tức là Lê-nin của thời đại, vũ trang đánh Mỹ hổ giấy.
- Nhiều người nói Duẩn kêu Cụ ký Hiệp định sơ bộ với Pháp (6-3-1946) cũng như năm 1954, mới được nửa nước đã hoà bình là hữu khuynh, vậy sao Cụ lại để Duẩn làm Tổng bí thư?
- Lê Duẩn có lợi thế lớn là không dính sai lầm cải cách ruộng đất, cái làm cho uy tín đảng sứt mẻ dữ. Rồi sau hoà bình Cụ lại chịu sức ép từ chính Cụ - và cả từ cánh Lê Duẩn - tức là bị mặc cảm mắc nợ miền Nam. Ừ! ngay sau hoà bình đã có dư luận “Lẽ ra cứ đánh thốc xuống thì lại đi ngừng bắn!”
Đó! Luận điểm này là của Duẩn. Cho là Cụ Hồ đứt gánh giữa đường! Ở Đại hội III để những người gắn bó với Nam bộ, Trung bộ như Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng. v.v… vào Bộ chính trị đông là Cụ muốn tỏ ý gửi gắm công cuộc giải phóng miền Nam cho họ và đền bù cho Thành đồng Tổ quốc cứ phải đi trước về sau. Với lại, Cụ đâu ngờ rồi trượt theo Mao, Duẩn sẽ đến nước xổ toẹt chữ ký của Cụ ở ngay trước toàn thế giới… Phải nhận là từ tuyên bố Hồ-Novotny đến việc không biểu quyết ở Hội nghị 9, Ông Cụ nhất quán về quan điểm.
Ung Văn Khiêm nói với tôi những điều này năm 1982.
Đến nay tôi vẫn thấy rõ cảm giác ngạt thở lúc đó. Ngỡ cỗ xe lu bạo quyền đang đè lên chính mình. Nhớ cả băn khoăn dai dẳng của tôi: điều gì khiến Cụ trở thành yếu kém trong lãnh đạo dễ thế?
1984, một hôm tôi hỏi Khiêm:
- Cái bản thảo tuyên bố mà Ông Bác cho thêm quan điểm xét lại vào anh có giữ lại không?
- Khi sang Ban Nội chính, mình để nó lại ở Bộ ngoại giao, theo đúng kỷ luật văn kiện.
- Có khi vẫn còn, đến lúc nào đưa ra công khai khéo mà rất hay!
Khiêm lắc đầu:
- Anh định nói ta đem bút tích Bác ra để làm rõ vấn đề phải không? Chả lại được với họ! Họ sẽ bảo bút tích này là giả… Thế đấy! Họ sẽ nói Vũ Kỳ đã lợi dụng viết giống Ông Bác để tuyên truyền tư tưởng xét lại… Ai bênh nổi cho Vũ Kỳ lúc đó!
***
Trường Chinh lên án Liên Xô cho tên lửa vào Cuba làm tôi sụp đổ, cảm thấy như thất tình thì sau đó Hoàng Tùng cho tôi một nhát choáng váng.
Đó là vào nửa sau năm 1963, Việt Nam ngày càng theo Mao đả Liên Xô. Trưởng ban ý hệ Ponomariev và Andropov (lúc ấy mới phụ trách Đoàn Thanh niên Komsomol, chưa tổng bí thư) đã sang tìm hiểu, hy vọng có thể níu Việt Nam lại. Tất nhiên phải đến Nhân Dân, tờ báo xưa ca ngợi Khruschev mà bây giờ nín bặt. Hoàng Tùng và khoảng bảy tám người trong có tôi tiếp đón. Phía Liên Xô ngoài hai vị trên còn thêm ba bốn thanh niên đều mặc sơ mi trắng cụt tay, quần xanh hải quân mà tôi ngờ là KGB. Hoàng Tùng tỏ ra khá hờ hững.
Chuyện rời rạc chừng mươi mười phút, Hoàng Tùng giọng ế ẩm, chỉ thiếu cái ngáp, nói to:
- Thôi, còn có cái gì cho các đồng chí xem nhỉ? À, ngoài vườn có con bò cái sắp đẻ, các đồng chí có thích xem bò sắp đẻ thì mời ra!
Tôi không ngờ khinh “thành trì cách mạng vô sản” lẹ đến thế. Ngày nào họp chi bộ phê phán Như Phong hút thuốc lá Tổng biên tập báo Sự Thật Liên Xô mời là mạn thượng với “cấp trên”. Tôi ngại đám trẻ đại sứ quán Liên Xô dịch lời lẽ Hoàng Tùng sẽ làm cho Liên Xô nghĩ không hay về Việt
Nam trong khi đảng vẫn chưa dứt khoát đả Liên Xô. Tôi còn hy vọng ở Cụ Hồ, ở Trường Chinh. Dù mong manh.
Sau đó buồn, tôi đến Trần Châu ở Hàng Chuối thì gặp một chị bạn làm báo. Tôi ngán ngẩm kể lại chuyện mời xem bò đẻ.
Chị nói ngay:
- Đó là vì cậu không thấy bọn khốn Liên Xô này chúng nó sợ Mỹ thế nào đâu. Làm cách mạng mà sợ thì thôi rồi nói làm quái gì? Tớ vừa sang Bắc Kinh, các chị Phụ vận bên đó bảo tớ là chớ để Khruschev lấy vũ khí luận ra doạ mà không dám đánh Mỹ. Đánh Mỹ đang là ánh sáng chiếu soi cho thời đại. Các chị ấy nói thế này cơ mà. Biết Trung Quốc không có tên lửa, U2 Mỹ vào do thám. Lúc này mà nghĩ đến tên lửa là mắc mưu đế quốc và “xét lại” cho nên chúng tôi bèn cho MiG 15 từ thời chiến tranh Triều Tiên bay lên ngang nó (tôi hỏi làm sao mà lên tới 20 cây số được?). À, khó gì? Muốn lên cao thì vất các thứ thừa đi thôi, rồi chỉ thị thế này mới ghê: bay sát bên cạnh mà dùng tiểu liên Tom-xơn, nhớ là phải Tom-xơn cũ rích thời thế chiến hai, bắn hạ.
Đảng xây dựng nhiệt tình cách mạng ghê quá. Và người ta sẵn sàng diễn nhiệt tình. Một hôm Hữu Thọ như rồ như dại nhào chạy ra giữa sân báo, khuỵu chân xuống, giơ hai quả đấm lên (kiểu cầu thủ làm bàn), hét:
- Hoan hô… ô… ô… hai con Tô Tô chế… ế… ết rồ… ồ… ồi…
Tưởng Hữu Thọ có thể chết sặc vì sung sướng. Anh vừa đọc tin Thông tấn xã biết hai Tổng bí thư Tô-rê và Tô-gli-a-ti của Đảng cộng sản Pháp và Ý mới chết. Thế là ứng khẩu thành văn tế chửi độc đáo ngay. Tiếp theo một lời bình: “Đấy, trời cho ngay bọn phản bội hai cú pê nan ti 11 mét đứ đừ đừ!”
“Ngọn đèn xanh cách mạng” đã bật lên cho người ta phát huy bất nhân bất nghĩa mà đầu tiên là lật lọng, vu cáo và phét lác.
Những ngày hun đúc nhiệt tình đánh Mỹ, những ngày mà báo Nhân Dân ca ngợi bom nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc là bom đạo đức, bom văn minh, đám Mao-nhều ở báo cho lưu hành một bài thơ của Đinh Đức Thiện:
Trời sinh ra tướng để đánh giặc,
Tướng sợ không còn quần đùi mặc,
Ối giời ơi tướng ơi là tướng,
Tướng không bằng cái con củ c…”
Đồn rằng một đoàn tướng lĩnh Liên Xô sang thăm Việt Nam đã khuyên đừng đánh Mỹ vì e sẽ không còn quần đùi mà mặc nên tác già văng c. ra tặng.
Một tối tôi xuất khẩu đọc cho Kỳ Vân nghe luôn một bài vè hoạ lại:
Tướng ông là tướng đếch cần cả quần mặc,
Vì ối giời ơi ông là tướng lủng liểng những hai c…,
Một nòi Việt cho và một Hoa cài,
C. của Hoa cài to gấp mười c. nòi Việt lắp,
Nó vốn được nuôi bằng sâm Cao li tẩm đẫm Mao Đài”.
Kỳ Vân kêu to:
- Hay, rất hay. Đọc cho tớ chép! Dân háo chiến là thích văng tục nhất.

CHƯƠNG 22
    
Chế Lan Viên và tôi một dạo dài quấn quít. Tôi hay đến Chế, gian giữa trong ba gian nhà gia nhân bồi bếp trong sân sau ở bên phải ngôi biệt thự 51 Trần Hưng Đạo xưa của Tây và cựu hoàng Bảo Đại. Anh ở kẹt giữa Bảo Định Giang và Xuân Tửu. Trần Hữu Thung thì ở hầm dưới cầu thang trời lên nhà chính.
Tôi đến là Chế lại khiêng chiếc ghế mây dài ra kê ở sân cho tôi “nằm hay ngồi tuỳ”, còn Chế thì ngồi trên cái ghế con con bên cạnh. Giữa lúc “ngổn ngang thế sự”, “ai giáo điều, ai xét lại, trong trần ai, ai dễ biết ai”, chúng tôi giống nhau có thể nói là hoàn toàn: cự tuyệt thẳng thừng mọi tư tưởng Mao, đường lối chính sách Mao. Tôi tiếc không thể nhắc lại những hình ảnh anh chửi Mao và đám Mao-nhều “tụt quần đái ị chùi chùi vẩy vẩy theo lệnh Thiên triều”. Những lúc chửi ấy, Chế cười rất nở, rất hết lòng dạ, đường môi lượn cong hết cỡ dẻo mềm và không thành tiếng, chỉ xí xí xí như rúc, như dụ dỗ. Đặc biệt, con mắt nghịch ngợm thông minh của anh lại có vẻ như đang liếc trộm lên trên - đấy, trên ấy đấy…
Chiều tháng 11 năm 1963 ấy, khiêng ghế cho tôi xong, anh ngồi xuống, một tay đặt lên đùi tôi, im lặng, đôi mắt thông minh nghịch ngợm cười tít lên một lúc với cái tiếng xí xí xí rất đều ở miệng (nó cứ khiến tôi nghĩ tới một hỗn hợp hoá chất đang trộn vào nhau và tác động đặc biệt không ra khói), nói:
- Này, - bàn tay Chế miết trên đùi tôi - hôm qua còn ôm hôn đồng chí một trăm cái hôn, hôm nay đéo mẹ cha đồng chí rồi đấy.
Cụ Hồ thường kết thúc các điện gửi Khruschev bằng câu “gửi đồng chí một trăm cái hôn”.
Tôi ngỡ Chế đùa. Vì sau đó, vẫn như thường lệ chúng tôi chửi Mao “hiếu chiến”, “phiêu lưu”, “đói rồi điên bỏ cha lại muốn làm cha tất cả…”
Ra về, tôi vẫn không nghĩ Chế vừa rủ tôi cùng làm một bước valse vĩnh biệt để cho ra mắt những câu thơ như: “Hỡi những con thỏ hoà bình, ta chiến đấu chính vì ngươi đó, ngươi nghịch tuyết trong khi ta chịu lửa” và “Con cúi xuống hôn bàn tay Người (Mao Chủ tịch) không chút vẩn bụi cá nhân…”
Phải nói Chế Lan Viên đoạ không đến nỗi quá lâu. Rồi anh lại đã viết “chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ. Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn. Cầm lên nhấm nháp. Chả là nếu anh từ chối. Chúng sẽ bảo anh phá rối… Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn. Như không có gì xảy ra hết. Và những người khác thấy anh ngồi. Họ cũng ngồi thôi. Nhai nhồm nhoàm. (Bánh Vẽ)
Tóm lại theo thì được hít bã mía là ngồi vào bàn cùng nhai và không bị chụp cho tội phá rối. Được gọi bất cứ ai là chúng.
Cũng nên nói khi đọc “Di cảo”, tôi rất thương Chế. Vậy Chế là người đầu tiên cho tôi biết đảng “theo Mao”. Còn người đầu tiên cho biết Nghị quyết 9 đã ra đời là Kỳ Vân.
Tôi vừa leo cầu thang trời lên đã thấy anh đứng chờ ở cửa, nụ cười hơi cưng cứng trên môi.
- Thông qua rồi đấy, anh nói!
- Thông qua? Sao lại thế? Lạ nhỉ? Đại hội III đề ra ưu tiên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và do đó chiếu cố miền Nam thôi.
- Duẩn theo Mao hẳn hoi rồi. Có cậu bảo tớ là ở Hội nghị 9 đã phổ biến ý Duẩn nói tư tưởng Mao Trạch Đông là tư tưởng Lê-nin của thời đại ba dòng thác cách mạng Á - Phi - La.
Tôi văng ngay ra:
- Thế thì ra cái đếch gì nữa chứ!
- Mình nghĩ thấy chuyện ấy đúng đấy. Theo Mao đứt đuôi rồi. Phát động chiến tranh đánh Mỹ rồi. Sẽ tuồn người với súng ống vào Nam ghê gớm hơn… Phần hai tối mật của Nghị quyết 9 là nghị quyết chiến tranh! Theo Mao, chủ trương vũ trang để thống nhất đất nước của Duẩn, Chí Thanh đã thắng. Trường Chinh đầu hàng Duẩn là cánh chủ hoà quỵ. Chiến tranh thì sẽ áp dụng chính sách cộng sản thời chiến, hết dân chủ.
Tôi chợt mệt tưởng như có thể khuỵu xuống. Vốn đã biết Nghị quyết 9 là nhằm chuẩn bị đánh Mỹ nhưng nghe Kỳ Vân, tôi ngỡ nghe thấy lần đầu. Không muốn hỏi thêm nữa. Mới nhận thấy vì quá sợ, quá ghét cái triển vọng bom đạn ùng oàng nên lâu nay tôi cố tin hết từ Trường Chinh, Cụ Hồ đến lương tri của Trung ương để rồi nay thì chiến tranh nó đang lù lù ở trước mặt. Một cuộc chiến tranh mà người ta đã đem trang hoàng như cỗ xe hoa lộng lẫy trong hội lễ hoá trang carnival… với bầu khí quyển khủng bố mà bọn chúng tôi đang được nếm trước.
Ở tôi lúc này trùm lên trên tất cả là tâm trạng thua. Đúng hơn, một không gian thua, một trận địa thua, một đời vét sạch cho thua, thua nhẵn, thua nhục, thua rã rượi mênh mang toàn diện và nó đang dìm tôi ngập lút vào trong nỗi tự ái cay đắng. Tôi thấy tôi bơ vơ, côi cút trong đêm đen ngòm ở giữa một sa mạc hoang vắng là thế giới hung hãn khát máu này. Sao hoà bình, dân chủ không lay động nổi lương tri người ta? Tôi thở dài.
- Cụ Hồ không bỏ phiếu, - Muốn đỡ tôi, Kỳ Vân nói.
Anh đâu ngờ tôi lại càng muốn đổ sập xuống vì người mà tôi hy vọng cuối cùng thế là cũng thua nốt: thua đám con em của Cụ trong cơn nguy cấp ầm ầm sấm sét này. Thì ra thường là Cụ thua. Cụ đã từng thua những Trần Phú, Hà Huy Tập. Và có lẽ cả Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp. Cái án Stalin quàng vào Cụ nó vẫn lơ lửng trên đầu Cụ và Cụ chiến đấu với đằng lưng hở toang hoác…
Hai chúng tôi ngồi im lặng. Như một phút tưởng niệm. Tưởng niệm cái gì không rõ? Có thể vô thức báo trước là nên tưởng niệm quãng ngày ngây dại ú ớ đã qua và chấm dứt mãi mãi từ nay… Lúc ấy tôi đâu thấy về khách quan mà nói, nhờ Mao đánh xét lại mà thế giới sẽ sang một vận hội mới, hết phe và chiến tranh lạnh. Hết cả quan hệ phên giậu, môi răng…
Thật ra tôi đang bị hai nỗi sợ ám dữ: chiến tranh sắp nổ ra và tới đây tôi sẽ bị như thế nào nên đầu óc tôi gần như mụ mị.
Kỳ Vân nói:
- Cụ Hồ, Trường Chinh, Giáp không muốn ngả theo Mao, nhưng Duẩn tin rằng theo sấm sét của tư tưởng “Lê-nin thời ba dòng thác cách mạng” thì sẽ giải phóng thống nhất đất nước và vượt lên trên công tích Cụ Hồ. Bắc Kinh phát động chiến tranh nhưng phất cái chiêu bài nghe rất cao thượng là bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác. Nói “thiên hạ đại loạn thì Trung quốc được nhờ”, Mao đã rất mẹo là nâng nhiệt tình đánh Mỹ lên thành chuẩn cao nhất ở trong sự nghiệp “bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa”, thế là anh nào cũng nổi máu đánh đấm để tỏ ra trung thành với chủ nghĩa.
Đã ngờ cái chữ “Trung Quốc được nhờ” nhưng lúc ấy chúng tôi vẫn chưa bắt được trúng nọc của nó: có xúi và giúp thiên hạ đổ máu đuổi Mỹ đi khỏi vùng này, Trung Quốc mới quàng lấy được hết Biển Đông và châu Á.
Tối ấy, nghe Kỳ Vân, tôi bỗng thấy đầu óc trống rỗng chẳng còn gì nữa. Và kỳ quái, tôi lại hình dung ra rõ ràng trên bốn bức vách của cái không gian trống rỗng kinh hoàng là đầu óc tôi ấy đang đầy những vi ti huyết quản đen ngòm chằng chịt như ở mặt trong của vỏ trứng vịt lộn. Hơn nữa chúng như như đang lớn lên, cứng đanh ra…
Rồi chẳng biết nói gì hơn, chúng tôi chia tay nhau.
Quay lại cười (để tỏ ra vẫn bình tĩnh) với Kỳ Vân đứng tiễn ở đầu ngõ, tôi chợt thấy miệng khô khốc, đắng chát.
Tôi đạp xe về qua quãng Hội nhà văn, Nhà khách Chính phủ đường Nguyễn Du ngào ngạt suốt một đoạn dài mùi hoa sữa - mùi trầu cau nồng nàn say ở miệng người con gái - rồi mùi hoa hoàng lan ở một ngôi nhà gần toà soạn báo Thống Nhất. Chợt nhận ra mấy câu hỏi đang chen lấn nhau để trình diện với tôi: “Thế là thế nào? Còn tin vào ai?”, “Sao lại là thế được?”, “Ừ, có khi mai Trung ương lại ra một nghị quyết khác. Chả lẽ lại chọn phang cặp díp một lúc cả Mỹ lẫn Liên Xô hay sao?”. Cái lô gích sách lược này làm đầu tôi dịu đi được một ít. Tự khen: khá lắm! Chủ hoà chắc vẫn nhiều sức thuyết phục hơn. Dẫu sao hoà bình cũng là lương tri vượt trội mà.
Nhưng thình lình nói sợ như một cơn lũ ở đau ục ra tràn đi rất nhanh choán hết tâm trí tôi: tự nhiên cái đèn đỏ báo hiệu tôi là phản cách mạng mà Hữu Thọ đã cảnh cáo hôm nào chợt treo lên lù lù. Đúng thế, ngọn đèn cấm đi tới đang là một tâm điểm bất động treo lơ lửng đỏ lừ, ở cách tôi chừng dăm mét, nằm chính giữa trục ghi-đông trước mặt kia, rất to, rất rõ, rất đỏ, một màu đỏ kỳ lạ, đặc bíệt rất hằn học, rất hể hả, rất hiểm ác nữa. Nó là dòng chữ “Tư tưởng Mao Trạch Đông là tư tưởng Lê-nin của thời đại ba dòng thác cách mạng…”. vỡ đê rồi. Lụt to rồi… Tôi chợt rùng mình lẩm bẩm… Ngỡ như nước đang ngập lên đến tận cổ.
Có lẽ cái rùng mình này đã bất chợt cho vụt hiện trở lại rõ như mới hôm qua hình ảnh một cuộc đấu tố ở Bắc Kinh hí kịch học viện, ngách Trống Thanh La, luo gu xiang, ngõ Bông Sợi, Mian hoa hu tung. Tối hôm ấy tôi sang đấy chơi với bạn bè Việt Nam. Qua một hội trường đặc người tôi dừng lại nhìn vào: tất cả sinh viên, những nghệ sĩ tương lai, cùng giáo sư, giảng viên, công nhân viên chức đang hung hãn đấu một chú bé chừng mười ba tuổi đứng run cầm cập trước cử toạ lần lượt lên quát mắng, dí trán, đẩy ngực: phạm nhân tí hon này ăn cắp mấy tem phiếu mua được chừng nửa cân Trung Quốc dầu ăn…
Tôi ngờ rằng nhờ chính hình ảnh người đồng đội thiếu nhi bị đấu tố kia sống lại ở trong tôi giây phút ấy mà sau này tôi đã không run, không líu lưỡi. Khi chú phạm nhân bật khóc thì các nghệ sĩ tương lai lại hét ầm ầm:
- Đừng hòng dùng nước mắt giả dối để trốn tránh sức mạnh chuyên chính!
Phản ứng gì của đối tượng cũng là lừa dối hết. Nhìn chú bé lúc ấy tôi chợt thấy sức co giãn của các cơ bắp mặt người có thể làm cho tất cả méo xệch đi ghê gớm đến đâu. Tôi bàng hoàng: sao tập thể trí thức, nghệ sĩ lại có thể tàn bạo như thế kia với trẻ con? Cái dớp chống phái hữu diễn ra trước đây ít lâu đã có sức “cảm hoá” con người trở thành hung hãn đồng đều như thế kia ư?
***
Chưa có cuộc học tập nào nghiêm trọng, căng thẳng và rợn bằng học Nghị quyết 9.
Ngành báo chí, tuyên truyền học ở hội trường Đài phát thanh trung ương. Đông cả hàng nghìn con người. Và cả hàng nghìn con người ấy đều cùng bày ra một khuôn thước mặt không giấu đi nổi nét lo âu, phiền muộn. Trong bài “Cô du kích Lai Vu”, Tố Hữu chẳng đã đe đánh thắng Mỹ sẽ quay sang trị những con rắn độc xét lại đó sao? Thế mà hình như tôi lại chỉ mải bận rộn với cái bụng đầy bất bình ngổn ngang của mình, không chú ý tới giữ gìn cái mặt.
Một tuần đến nghe toàn những nguỵ biện, xuyên tạc, hung hăng gây gổ và ngạo mạn ta đây cách mạng duy nhất, đúng đắn duy nhất, cứu tinh duy nhất của phong trào cộng sản và giải phóng dân tộc… bởi lẽ đơn giản là ta kiên trì cách mạng vô sản, ta kiên trì đấu tranh giai cấp, ta dám chiến tranh cách mạng. Tóm lại, xây dựng cho bằng được ý chí quyết thực hiện khẩu lệnh kích động Mao vừa đề ra có sức kích động những người vừa nghèo vật chất lại vừa trắng trợn học thức, nhất cùng nhị bạch, nghĩa là những người chả có gì để mất ngoài cái mạng sống khốn khổ: đánh Mỹ là bảo vệ sư trong sang của chủ nghĩa.
Tố Hữu kháy vào tự ái dân tộc:
- Đồng chí Lê Duẩn đang trình bày quan điểm của đảng ta thì Khruschev lại hỏi Souslov cái giống cá gì ở hồ gì ăn ngon nhỉ. Lại hỏi tôi, đồng chí Tố Hữu, chắc là thuộc thơ Mao Trạch Đông lắm?
Ức thế nhưng Tố Hữu cho qua được. Tố Hữu chỉ bật nghẹn ngào khi than lên rằng Trung Quốc hoà bình như thế mà Khruschev hắn ta nỡ bảo Trung Quốc là hiếu chiến… Nghe những tiếng nấc nghẹn ngào khi than thở đó, tôi rất muốn phì cười. Không hiếu chiến mà lại phát lệnh “Thiên hạ đại loạn, Trung Quốc được nhờ!”
Sau này, tháng 2-1979 Trung Quốc đánh sang sáu tỉnh biên giới Việt Nam, Tố Hữu không nức nở. Chỉ làm thơ trách ai đã dại đem tim đặt lên đầu, quên rằng chính Việt Cộng đã đem cả tâm can đặt vào đầu Mao Chủ tịch. Cũng không tuyên bố thủ tiêu bài thơ rủ Cuba “Có về Nam Hải với anh thì về”, nhiệt thành lấy tên Nam Hải của Trung Quốc để gọi Biển Đông, coi là biểu tượng của mối liên minh vô sản mới ở phương Đông.
Vụ trưởng báo chí Lưu Quý Kỳ nhay nháy mắt khẳng định hùng hồn trước cả hàng trăm dân tuyên huấn học Nghị quyết 9, rằng: các đồng chí ơi, đánh Mỹ chỉ cần một hậu phương tám trăm triệu dân là đủ rồi, mong nhiều làm gì, nhiều mà lại hại đấy. Kìa, sợ Mỹ xón vó lại, muốn lấy lòng Mỹ, chúng lộ bí mật của ta cho Mỹ biết ngay đấy à!
Gốc Minh Hương, vị vụ trưởng tự khoe quê Hồ Nam với các nhà báo Trung Quốc này nêu rõ nguyên nhân thiếu thốn của Việt Nam. Sao chị em không có lụa đen may quần, không có guốc đi? Chuyên gia Liên Xô chúng nó bê hết cả về bên đó mất cả. Chúng hết sức đói nghèo. “Khổ lắm, đi đường trông chị em ta hết cái dáng thướt tha vì không có lụa may quần, tôi thấy căm thù bọn xét lại vơ vét của ta ghê quá…”.
Tôi đứng lên, mở cửa ra. Lấy xe đạp đi. Đến Cửa Nam bỗng thấy Chính Yên lặng lẽ đạp ở bên. Anh khẽ thở dài:
- Mình đi theo… Sợ Đĩnh làm một cái gì!
- Cảm ơn… Đã định cho một lựu đạn rồi đấy… Là đứng lên nói thật to: Này anh Minh Hương nhận vơ là cùng quê với Mao Trạch Đông… hãy im đi!
Sáng hôm ấy, bỏ nghe Quý Kỳ, tôi lên Hồ Tây có Chính Yên hộ tống nghe sóng vỗ oàm oạp giữa trời mà lòng nguôi dịu. Xa xa, đằng Bắc Ninh hay Cổ Loa lờ mờ hiện lên mấy nét thanh thoát của mấy tháp điện cao thế. Tôi lại thấy chúng giống những vết ríu vá cho vòm trời đang bị bục. Một cái gì tốt đẹp đang biến hình, tự huỷ từ nay ở trong tôi. Trời mà còn rách còn vá víu thì thôi rồi…
Một lúc, lắng lại, tôi kể Chính Yên nghe chuyện hôm nào Thép Mới phàn nàn với tôi: Đang họp ngành tuyên giáo báo chí, buổi trưa thằng Lưu Quý Kỳ đi xe đến nhà tao rủ tao đi.
Biết đâu nó cho xe đến nhà Tố Hữu vào đón Tố Hữu. Tố Hữu lạnh ngay mặt bảo:
- Lần sau các anh đừng phải đến nhắc bảo tôi!
Thằng Kỳ nhay mặt da liên hồi, quay ra. Kiếp, tao xấu hổ quá. Nó ra xe lại bảo đến đỗ ở góc Đặng Dung chờ xe Tố Hữu đi qua thì bám sát. Khi Tố Hữu vào hội trường, nó theo ngay sau Tố Hữu. Hội trường vỗ tay, nó nhay nháy mắt vỗ tay trả lại. Sư nó, may quá, tao lỉnh ngay từ ngoài cửa…
Sáng sau, giải lao, xếp hàng chờ quanh rãnh đái dài ba bốn mét chạy dọc bức tường ngăn đôi Đài phát thanh với báo Chính Nghĩa, tôi nói:
- Ơ, Đài phát thanh đái vào lưng Chính nghĩa kìa?
Chờ một phản ứng dữ. Nhưng vài chục người túm tụm chờ ở đấy đều tủm tỉm cười. Có mù mới không thấy sự thật địa chính trị thù lù này.
Đã biết Trung Cộng đàn áp “phái hữu” như thế nào, đã biết Nghị quyết 9 là theo Trung Cộng nhưng tôi không nghĩ Đảng sẽ lại đàn áp những người không tán thành chiến tranh.
Chúng tôi nghe nói Cụ Hồ không biểu quyết. Nhiều lần giơ tay toan nói, Cụ đều bị Lê Đức Thọ ngăn, bảo nhường cho người khác. Theo tôi lãnh tụ đảng mà không biểu quyết thì là thách thức dữ dội đầu tiên một mất một còn Cụ đưa ra với đàn em và Bác sẽ quyết đương đầu đây. Nhưng rồi Trường Chinh mà tôi rất tin là chống Mao đã cuốn cờ… Và Bác cũng lui vào sau cánh gà nốt, góp phần vào cuộc diễn tấu hùng ca bằng những bài thơ thúc trống trận.
Đến Liên Xô hội đàm nhạt nhẽo xong, đoàn đại biểu Việt Cộng sau Hội nghị 9 ghé qua Bắc Kinh về nước, báo Nhân Dân Hà Nội đón bằng bài xã luận ca ngợi vai trò Bắc Kinh lãnh đạo phong trào cách mạng thế giới. Gio Đông Mao đã chính thức thổi bạt Gió Tây Xô!
Bấm nút cho Nghị quyết 9 ra mắt chắc phải là Lê Duẩn. Với Lê Duẩn bây giờ, Mao còn quăng quắc hơn cả Lê-nin.
Các tư liệu ngày ấy tôi cho vào thúng chị ve chai cả, giữ lại có “Mấy vấn đề quốc tế và Đảng ta” - trong đó nổi bật tư duy “Tư tưởng Mao Trạch Đông là tư tưởng Lê-nin trong thời ba dòng thác cách mạng” - và Báo cáo chính trị Đại hội 4 (1976) của Lê Duẩn (chỉ ra thế giới đứng trực tiếp trước cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đang trào dâng sôi sục và Hà Nội nay chỉ còn con người yêu thương nhau vì đã xoá bỏ được chế độ người bóc lột người). Học Nghị quyết 9, tôi đã ngờ vực sao người ta ít nêu Cụ Hồ ra. Tôi chưa thấy Hồ Chí Minh không biểu quyết là đã ngụ ý không chấp nhận Mao hay “tư tưởng Lê-nin thời ba dòng thác cách mạng” và Mao sẽ chấp nhận Lê Duẩn mà gạt Hồ Chí Minh… Duẩn hoan nghênh quá chứ? Tư tưởng Lê-nin cơ mà.

CHƯƠNG 23
    
Trong Hội nghị trung ương 9 khoá 3, có hai chuyện đụng đến Lê Liêm, chính uỷ của chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh tham luận phản đối đường lối Mao. Mở đầu anh nói ngay: “Phát biểu thế này là chết tôi đây…”
Biết chết vẫn nói vì anh tin rằng làm thế mới đúng “lương tâm trung thực của người cộng sản”. Nhưng với trung ương uỷ viên thứ trưởng công an Lê Quốc Thân thì lương tâm trung thực của người cộng sản lúc ấy lại là tuyên bố giữa hội nghị rằng chỉ cần Trung ương ra lệnh là trong vòng bốn mươi lăm phút công an chúng tôi tóm cổ hết bọn xét lại.
Cụ Hồ bèn nói:
- Chú hãy tóm cổ Bác trước!
“Lương tâm cộng sản” không được thể hiện đầy đủ, về tổ thảo luận, Thân chỉ vào mặt Lê Liêm nói tiếp:
- Mày còn thở ra cái hơi xét lại, tao lập tức tóm cổ mày.
Ngày 20-4-1981, Lê Liêm viết một thư gửi Trung ương nhắc lại chuyện này và hỏi: “Hội nghị trung ương mà để cho trung ương uỷ viên giở giọng lưu manh nói với trung ương uỷ viên như thế hay sao?”
Thể nghiệm của Lê Liêm còn sót bỏng đó. Nhờ chuyên chính mà trong Hội nghị trung ương 9, người ta mới vặn hỏi Lê Liêm tại sao hay gặp Bùi Công Trừng, Ung Văn Khiêm.
Liêm hỏi lại:
- Trung ương uỷ viên gặp nhau thì phạm kỷ luật gì mà chất vấn tôi? Tôi cũng gặp các anh Nguyễn Chí Thanh, Trần Quốc Hoàn ở tại nhà tôi thì sao các anh không hỏi?
Nhờ chuyên chính vô sản mà Song Hào, Phạm Ngọc Mậu, đàn em xa của anh mới nổi tiếng là rất cách mạng với phương châm bất hủ đào tạo chỉ huy trong quân đội : tiểu tư sản mười năm đề bạt một cấp là nhanh, bần cố nông đề bạt một năm một lần là chậm. Đó chính là phát triển chỉ thị của Mao Chủ tịch: nhất cùng nhị bạch, quần chúng nghèo khổ nhất, vô học nhất nên cách mạng nhất và đảng phải dựa vào hơn cả.
Lê Liêm rồi không gửi thư kia nữa. “Chả làm gì lại được đâu mà…”
Nhưng tôi giữ một bản sao.
Xong Nghị quyết 9, tôi được nghe truyền đạt rằng từ nay Cụ Hồ thôi họp Bộ chính trị - vì “sức khoẻ” - còn Võ Nguyên Giáp, Lê Liêm thì ngồi chơi xơi nước và học nhạc lý cùng piano. Đảng ra tay trấn áp rất nhanh. Nghe nói lục soát cả chỗ làm việc.
Đến tận sau này, thỉnh thoảng Lê Liêm lại quàng vai tôi nhăn mặt kêu tiếc:
- Công an tịch thu mất tổng phổ bản giao hưởng Điện Biên Phủ do anh Giáp với mình làm chung.
- Lễ mất đằng lễ, nhạc mất đằng nhạc, nghĩa cũng mất nốt, - tôi thở dài nói.
Lễ là lon tướng của các anh, nhạc thì giao hưởng Điện Biên Phủ, nghĩa là ba ông tướng làm nên Điện Biên Phủ đều tong…
Trên đây là chuyên chính với Cụ Hồ, Võ Nguyên Giáp, Bùi Công Trừng, Lê Liêm. v.v… Còn chuyên chính với Ung Văn Khiêm?
Chính Khiêm cau mày bảo tôi:
- Mình sắp lên xe ra sân bay đi Liên Xô thì công an bắt mở va li ra để khám. Khám trung ương uỷ viên, khám bộ trưởng ngoại giao… Merde, mais c’ est ínsultant… (Mẹ, thật là nhục mạ).. Công an mật bố trí đầy ở quanh nhà mình phố Cao Bá Quát. Với uỷ viên trung ương còn khinh như rác thế thì dân đen ra cái cứt gì với họ?
Bốn uỷ viên trung ương bị khai trừ khỏi đảng. Toàn những bậc đại công thần. Võ Nguyên Giáp còn trong đảng nhưng cũng bị bêu trong nghị quyết 20 của Trung ương khoá III về “Vụ án chống đảng” với cái tên gọi tắt thành X. Tin này được truyền đạt cho cán bộ từ trung cấp trở lên và tai tôi nghe. Rồi đủ mọi tin đồn: Giáp là con nuôi mật thám Marty, vào đảng man, nịnh Cụ Hồ để Cụ o bế. Đáng nói nữa là người ta chuẩn bị đày toàn gia Giáp già trẻ lớn bé ra đảo Tuần Châu. Và hơn mười năm trời bị bong lon đại tướng trên báo chí…
Trong vụ lột lon Giáp phải nói tới công mở đường lột ngầm dai dẳng của báo đảng. Bản tin Thông tấn xã vẫn viết đại tướng Võ Nguyên Giáp như thường lệ. Một hôm, Thịnh, tay súng thiện xạ của Hà Nội, một anh sửa mo-rát nhà in bảo tôi dạo này em thấy trên bản tin Việt Nam thông tấn xã toà soạn đưa sang cứ chỗ nào có đại tướng Võ Nguyên Giáp thì thủ trưởng Hoàng Tùng lại giập hai chữ “đại tướng” đi!
Tôi hỏi sao biết là Hoàng Tùng?
- Ô, lâu nay lệnh là chỉ Tổng biên tập mới chữa bài bằng mực đỏ thôi mà…
Quá siêu! Ít lâu, nhận ra hiệu lệnh, các báo nhất tề lột nhẵn.
Quả đấm này xảy ra sau buổi Lê Duẩn đến báo Nhân Dân nói với các trưởng phó ban trở lên, rủa Giáp là đồ hèn, nghe tôi nói đánh Mỹ là tay cứ run lên như thế này (giơ tay ra run, minh hoạ sống động).
Đến chiếc mũ phớt Giáp đội từ lúc dạy học ở trường Thăng Long rồi tha sang Tàu để cuối cùng diện trái khoáy trong lễ ra mắt Giải phóng quân cũng bị chê nốt. Sáng ấy, báo Nhân Dân đăng bài kỷ niệm thành lập quân đội, có bức ảnh đơn vị Giải phóng quân đầu tiên với Giáp đội mũ phớt. Họp toàn cơ quan, Hoàng Tùng giơ bức ảnh lên nói với tất cả hội trường:
- Lại còn đi bê cái mũ phở này lên làm gì nữa đây? - Giọng đầy miệt thị.
Dân có những ca dao hay vào bậc nhất trong kho tàng ca dao Dân chủ Cộng hoà:
Chiến trận ba mươi năm,
Tướng võ không còn nguyên mảnh giáp
Trước kia đại tướng cầm quân,
Bây giờ đại tướng lột quần chị em.
Hay
Ngày xưa đại tướng công đồn,
Nay thì đại tướng bít l. chị em.
Giá trị hai câu thơ này bị giảm qua nhiều vì văn hoá đòi phải viết tắt một chữ vồn là linh hồn, hơi thở, lá cờ soái của tác phẩm.
Một thày giáo ở Nam Định bảo tôi:
- Không ngờ ông tướng này lại Vỡ Vụn Giáp. Có thơ rồi đấy: Nhờ Tây thành nguyên giáp. Nhờ Duẩn, Giáp vụn tan…
Sau này dân Quảng Bình tổng kết năm 1963 hai “thánh nhân” của mảnh đất này bắt đầu lụn bại. Đó là Võ Nguyên Giáp và Ngô Đình Diệm. Diệm bị mất mạng, Giáp còn mạng nhưng nhục. Diệm bị Mỹ không ưa nên quân tướng của ông xơi, Giáp bị Mao Chủ tịch ghét nên các đồng chí thân thiết của ông bôi nhọ cho bằng đủ kiểu. Sáng kiến cải tạo thuỷ lợi, đào kênh Đại Phong cho Quảng Bình lên 5 tấn là của ông Nguyễn Chí Thanh phụ trách nông nghiệp - việc này có thật - nhưng con kênh này về mặt phong thuỷ đã chặt đứt mất long mạch ở quê của hai vị Diệm và Giáp (việc này thì dân đồn).
Đánh bằng đường âm nữa thế này thì liệu có phải nhờ thày Tàu?
***
Ở báo Nhân Dân, một số kiện tướng chống xét lại thăng chức. Phan Quang lên trưởng ban nông nghiệp thay Lưu Động rồi cùng Hồng Hà theo Hoàng Tùng thăm ngay Trung Quốc, tổng hành dinh của trận địa chống xét lại, nhận hào quang vẻ vang Mao - ít từ ngay trong lòng nôi cách mạng.
Hữu Thọ vượt ba cấp từ cán sự 5 lên phó ban nông nghiệp. Đám xét lại bị xua quét. Lưu Cộng Hoà, Hồng Thao sang Ban nghiên cứu lịch sử đảng. Tại đấy, trong một cuộc họp, vừa phát biểu ý kiến xong, Lưu Cộng Hoà bị ngay vị phó ban cựu bí thư tỉnh Kiến An ném luôn chiếc gạt tàn thuốc lá pha lê Tiệp nặng nửa ký vào mặt.
- Này, bây giờ mà còn thở ra giọng xét lại này!
Ông già tránh kịp nhưng cái kính lão vỡ tan. Vụ này lên tới Trường Chinh, người trông coi cả Ban nghiên cứu lịch sử đảng. Nhưng Trường Chinh có lẽ nghĩ ai lại đi dội nước lạnh vào nhiệt tình của cán bộ và quần chúng trong khi nguyên nhân khiến Liên Xô, thành trì cách mạng hoá thành phản bội chính là do thiếu nhiệt tình nên Chinh không can thiệp.
Trần Châu, Lưu Động vào tù. Tôi và Chính Yên qua thẩm vấn rồi đi lao động cải tạo. Hồng Hà, Hữu Chỉnh “chuyển biến tốt” đều theo Sáu Thọ sang hội nghị Paris. Một trưa, vợ Hữu Chỉnh đến tìm tôi ở báo. Rơm rớm nước mắt đưa cho tôi một trăm đồng.
- Anh Chỉnh ở bên Paris báo về là đem trả anh món nợ quá lâu này và xin cảm ơn anh.
Tôi nghĩ mãi không hiểu tại sao mắt chị lại đỏ hoe. Hai năm trước, quãng cuối 1963, một buổi trưa Chỉnh và tôi cùng ở cơ quan về. Đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hai chúng tôi đứng lại dưới bóng cây si già vài trăm năm có lẻ. Chỉnh thở ngắc, cổ cứ vươn cứ dướn lên:
- Tối qua chi bộ họp, ông Thành Lê tố cáo tôi thèm bơ sữa phản động đã chạy xin một giấy mời chiêu đãi kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga ở
đại sứ quán Liên Xô. Đáng sợ chưa? Ai? Ai? Tôi có đòi đâu? Tôi có thèm khát vật chất đâu? Ai tung ra cái tin này để giết tôi? Ai định hại tôi? Ai định giết diệt tôi đây mà… Ông Lê còn nói là đang nhờ công an điều tra đến tận nơi vụ này…
Hai tiếng giết, diệt kéo dài và rít lên thê thảm. Hai con mắt nhớn nhác sợ hãi. Hình như có cả giậm chân, đấm ngực.
Nghe Chỉnh rên rỉ, tôi nghĩ đến tác phẩm “Số không và vô hạn” (Le éro et l’infini) của Arthur Koestler. Khi đọc những trang ngột ngạt của nó, tôi cứ hình dung ra những con mắt nhớn nhác trên các trang giấy mà lúc này tôi lại thấy giống hệt con mắt quay đảo rất nhanh của Chỉnh.
Khi Kỳ Vân bảo tôi đã có Nghị quyết 9, thực chất là nghị quyết chiến tranh, tôi đã sợ. Nhưng rồi tôi vẫn “nhơn nhơn cái mặt” và như các bạn giỏi tử vi nói, tôi hoạch phát nhưng cũng rơi tõm rất nhanh vào đống rác bên đường tiến quân của đảng.
Nhưng chính những ngày ấy, tôi nói:
- Này, nên nhớ cho kỹ rằng chỉ cần mày tưởng bở bước ra khỏi bản chất trí tuệ mày chỉ một nửa cái ngón chân thôi là mày lập tức biến ra thành thằng hề.
***
Bây giờ, gần bốn chục năm đã trôi qua, viết lại những chuyện này tôi thấy thế nào? Thấy với Việt Cộng, Liên Xô mà Hồ Chí Minh coi là quê hương cách mạng, nơi lãnh tụ Lê-nin vạch ra cho Nguyễn Ái Quốc “con đường cứu nước” để cho Việt Nam rẽ theo cộng sản, té ra rồi cũng không bằng Trung Quốc, răng của Việt Nam, nơi đã cho Hồ Chí Minh chiếc kim chỉ nam quý báu chỉ đạo cụ thể từng bước đi lên của cách mạng, kể cả phản đối chính ngay “đầu tàu cách mạng”.
Như tôi đã viết trên kia, có một người thâm hiểm đầy dã tâm, mưu mẹo coi thiên hạ quá lắm chỉ bằng một chậu nước có thể dễ dàng lắc cho chòng chành nghiêng ngửa rồi hắt đi.
Bởi vì “thiên hạ đại loạn, Trung Quốc được nhờ”. Trong chậu sóng gió nhân tạo đục ngầu đó, những con rối - mà tôi ở trong, mà tôi cuồng nhiệt - la hét, chửi rủa, hiểm độc hãm hại nhau, ngỡ đang sắt son bảo vệ chân lý trong sáng vì lợi ích của nhân dân cần lao toàn thế giới…
Rồi ruồi muỗi chết.

CHƯƠNG 24
    
Nghị quyết 9, thông báo dù quan điểm thế nào anh cũng không bị kỷ luật, nghĩa là anh không bị mất chức, không bị thay đổi công việc! Nhử cho anh tuôn hết ra và không chống lại. Kiểu sau 1975 bảo binh lĩnh Sài gòn “đi học” chỉ mười ngày.
Nhưng vừa ra Nghị quyết 9, Bộ chính trị liền có quyết định bốc các phần tử xét lại đi khỏi các vị trí lãnh đạo từ thấp đến cao. Cụ Hồ thôi họp Bộ chính trị; Võ Nguyên Giáp, Lê Liêm ngồi chơi xơi nước, học piano, nhạc lý; Ung Văn Khiêm thôi ngoại giao… và Hoang Minh Chính, Kỳ Vân nằm khàn; phó bí thư thành uỷ Hà Nội Minh Việt sang Vụ tài chính Bộ công nghiệp vân vân và vân vân…
Về nước mới hai năm tôi sa ngay vào hãm địa tối tăm nhất không lối thoát: phần tử trong tổ chức chống đảng, lật đổ, tay sai nước ngoài. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy le lói trong mình một ánh sáng của riêng tôi nó làm cho tôi đứng vững được.
Ở báo Nhân Dân, ngoài mấy anh phải sang ngành khác, tôi là người ở lại bị thay đổi mạnh. Không phó ban văn nghệ nữa (Hoàng Tùng đầu năm đã báo tôi sẽ là trưởng ban thay Như Phong) mà đến làm phóng viên dưới quyền Phan Quang vừa đi Bắc Kinh nhận xức dầu thánh về mới lên trưởng ban thay Lưu Động (từ nay được bảo không đến cơ quan cũng được) và Hữu Thọ một nhất vượt hai ba cấp lên phó trưởng ban nông nghiệp.
Cuộc bộc lộ căm thù xét lại vừa qua đã giúp đảng nhận ra các con tim nhất trí và thừa thãi nhiệt tình cách mạng. Nhất trí là vô cùng quan trọng nên tường thuật Đại hội 4 (1976), Hồng Hà đã cho lên đầu đề chữ “Đại hội nhất trí” rực rỡ to tướng. Tôi bảo Chính Yên:
- Nếu cần cả âm thanh học để diễn đạt thì chữ sánh ngang với rực rỡ là gì? Là ỏm tỏi, nhất trí rực rỡ và ỏm tỏi!
Báo đảng cách chức tôi còn để bôi nhọ tôi: đấy, xưa ngang và hơn cấp người ta thì nay bị người ta quản lý, lãnh đạo.
Lần đầu tiên tôi hiểu phương châm gao chou, - cảo xú - của Trung Quốc, làm cho đối tượng đấu tố thối um lên. Hạ uy thế tư tưởng, tổ chức lại phải hạ cả thể diện chúng nữa.
Trần Châu và tôi từ nay phải trình bày ý kiến, suy nghĩ của mình ở chi bộ hay ban chuyên môn trước mọi chuyện thời sự quan trọng. Xưa tù chính trị đến sở mất thám trình diện sinh học thì nay chung tôi trình diện cả tư tưởng tại nơi lam việc.
Đánh Tết Mậu Thân 1968 được hai ba ngay, chi bộ Ban nông nghiệp yêu cầu tôi nói cảm nghĩ về “chiến thắng lớn”.
Trên mặt mọi người lúc ấy, tôi đọc thấy: “Xem mày nói sao? Mày đã thấy mày sai bố mày chưa hả?”
Tôi bèn nói:
- Sáng nay đến vườn hoa Cửa Nam, tôi đã dừng xe lại. Tấm bản đồ nước ta to bằng một phần tư hội trường cơ quan mà đỏ rực hết, chỉ còn Sài gòn một màu trắng bằng cái nhị sen. Dân xem đều nói thế này thì chỉ phủi là hết.
Ở ban văn hoá, Lưu Động nói tôi thấy có vẻ như tiền khởi nghĩa liền bị phê phán tơi bời: giờ phút nay mà vẫn mơ hồ, coi như tổng khởi nghĩa xong rồi mà con tiền với hậu! Lưu Động bảo tôi sau đó:
- Tớ nói phóng lên là tiền khởi nghĩa mà vẫn bị phê phán.
Phải nói ở tôi nảy ra cái ý ị xong không chùi đít là kể từ chiến thắng hụt của Tổng tiến công, Tổng nổi dậy Tết Mậu Thân. Còn sửa sai Cải cách Ruộng đất thì tôi cho là có chùi nhưng quệt quáo quào bằng cái que nứa bẻ vội ở bờ rào.
Một lần họp ban, Phan Quang nói vừa gặp anh Tố Hữu, anh Tố Hữu nói ở báo Nhân Dân có những “phần tử ba lăng nhăng mắt đục lờ lờ nước cống”.
Rất khó chịu, tôi chất vấn ngay phó Tổng biên tập Nguyễn Thành Lê cùng dự họp:
- Sao trưởng ban tuyên huấn lại dùng chữ “cống rãnh” với những người làm báo đảng?
Một tuần sau, Phan Quang truyền đạt ý Nguyễn Chí Thanh:
- Người ta cứ mang B52 ra doạ, tôi xin nói nó là thằng Bê Quăng Sai. Sai, rất sai! Năm ngoái tôi trong Rờ ra tới một quãng bị B52 ném và rải chất độc. Tưởng tan nát hết, ai ngờ vào thì thấy tiếng hát rất hay giữa rừng cây ngổn ngang. Một trung đội nữ thanh niên đang vừa gội đầu ở bên suối vừa hát. Năm nay tôi lại ra qua chỗ đó. Thì sao? Thì tại chỗ bị bom và chất độc khai quang đó, sắn được mùa mà lại còn ngon hơn trước nhiều nữa.
Đáng lẽ ồ ồ to lên sung sướng như mọi người thì tôi lại đề nghị Nguyễn Thành Lê nên xin Trung ương nhập ngay chất khai quang của Mỹ này để tăng năng suất nông nghiệp cho dân ta đỡ vất vả.
Tôi nói móc quá lộ.
Tuy không nói tuột ra rằng những Bê Quãng Sai, những chất khai quang làm tốt hoa mầu chỉ là ánh sáng cận thải của đế quốc Mỹ là con cọp giấy mà thôi.
Qua những năm Đại Nhảy vọt, Chống phái hữu. v.v… ở Bắc Kinh, tôi đã thấy cái thói xấu gần như trở thành phong cách tư duy chính thống đề cao nhiệt tình cách mạng, bất chấp khoa học, hay môn “nước bọt học” như tôi đặt tên, miễn sao khích dân xông lên vô tội vạ cho nên nghe những lời lẽ phản khoa học như “chất độc khai quang làm cho mùa màng tốt”, tôi ghê rợn chẳng khác nào giẫm phải một bãi người ta vừa mửa ra. Một bài học rõ như ban ngày là mình càng dướn cổ lên nghe điều bậy bạ thì mình càng ngu dốt.
Ở đây còn thêm một lẽ về cảm tính nữa: tôi không xài được cái vẻ xúng xính hớn hở ta đây của Phan Quang được chuyển tải ý kiến Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu hai vị đang cầm cân nảy mực về tinh thần tiến công và đạo đức xả thân vì nước. Kiểu anh tài mở cửa xe cho thủ trưởng mà vênh mặt lên với mọi người.
Tôi đã chọc tổ vò vẽ. Đụng vào các Người hùng thời đại của Phan Quang. Quên mất sau đó chi bộ kiểm điểm đảng viên mà tôi là trọng điểm. Không biết người ta phân hạng tôi là phần tử ngoan cố phản ứng láo nhất ngay ca sau khi đa được giáo dục.
Tôi vừa đọc xong bản tự kiểm thảo, Phan Quang lập tức quật sổ tay đánh đét một cái xuống bàn, rồi ngả ật ra lưng ghế hầm hầm nói:
- Nghe đồng chí Trần Đĩnh trình bay mà tôi chịu không nổi nữa, nhức hết cả đầu lên…, thôi, nghỉ đã, lát họp.
Tự nhiên tôi nghĩ đến The Revisor, - Quan khâm sai của Gogol. Được Hoàng Tùng kéo đi xức dầu thánh ở Bắc Kinh ngay sau trận đàn áp thoả thuê bọn xét lại ở cơ quan song vẫn nguyên vẹn cái kiểu hách lác phố huyện.
Họp lại, bí thư chi bộ Lê Giang nói:
- Có hiện tượng đáng chú ý là vừa rồi khi nghỉ, nhiều anh em trong đảng bộ đến hỏi tôi là đã tẩn Trần Đĩnh chưa, ai cùng muốn tham đấu để góp ý xây dựng đồng chí Trần Đĩnh… Anh Hoàng Tuấn Nhã nói là thằng này, tiên sư nó, lý sự làm đ. gì, cứ nện cho một trận bỏ bầm nó đi mà.
Tôi lại chất vấn Nguyễn Thành Lê dự họp:
- Đồng chí Lê, bí thư đảng uỷ, đảng có khoản tẩn bỏ mẹ và tiên sư đồng chí ư?
- Không, không… - Lê Giang vội nói - Có… nhưng nhưng… cũng chửi nhẹ thôi.
Tôi đã được xây dựng hết hai giờ buổi chiều và sang cả hai giờ rưỡi buổi tối. Chả nhớ gì vì họ lôi ra đúng những điều tôi nói - có điều là họ phê phán tôi theo cái nhìn Mao-nhềucủa họ.

Chỉ nhớ một ý của Phan Quang. Vì bịa đặt vô liêm sỉ. Các ý khác trượt đi vì đều một kiểu to mồm cho giàu nhiệt tình cách mạng.
- Chưa ở Trung Quốc về - Phan Quang hầm hầm nói - đồng chí Trần Đĩnh đã viết thư cho anh Trường Chinh để lo lót ghế trước. Còn có trò kỳ dị không hiểu nổi nữa là cứ tối nào hễ vợ đến, đồng chí Trần Đĩnh cũng lại đấm cửa anh Hoàng Tùng đòi chỗ ngủ…
Thư tôi gửi Trường Chinh phê bình ta mót Trung Quốc quá nhiều cũng như phải tránh tả khuynh và Trường Chinh thừa nhận là đúng thì nay đã thành thư chạy ghế. Tôi chỉ cần hỏi Phan Quang anh Trường Chinh đưa thư tôi cho Phan Quang đọc bao giờ là lòi ra chuyện nói sằng nhưng đang ngán Trường Chinh, tôi không thiết thanh minh. Vả chăng lô gich đã quá rõ, nếu tôi hám ghế như Phan Quang bịa ra thì gặp dịp “đổi giọng” lớn này tôi phải “phất cờ” dữ ở báo đảng để mà nhót còn phải cao hơn khối chàng. Tôi chỉ trả lời vu cáo thứ hai vì nó quá bẩn. Phan Quang đã cho tôi biến hoá từ văn viết thư - sang võ - đấm cửa!
Tôi nói:
- Phê bình tôi đấm cửa anh Hoàng Tùng đòi chỗ ngủ với vợ, anh Phan Quang đã biến Tổng biên tập thành… chủ khách sạn (cố không buột ra “bồi săm”). Sao lại có được chuyện hễ đêm nào vợ đến, tôi đều đấm cửa đòi chỗ làm trò kia và Trung ương uỷ viên Tổng biên tập lại vội chấp hành liền chứ? Tôi gặp khó trong chuyện này là vì anh Phan Quang chiếm mất Nhà Hạnh Phúc ở ngõ Lý Thường Kiệt làm nhà riêng.
Việc chiếm công vi tư này quá lộ liễu và tai tiếng, Phan Quang ngồi im re. Tài thật. Chân mình thì lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người sạch bong. 

Khi bị vu đấm cửa Tổng biên tập đòi chỗ giải quyết sinh lý, tôi thật sự choáng: không ngờ người ta có thể dựng không tôi thành một kẻ cuồng rồ tính dục đến ngỗ ngược sai phái cả Tổng biên tập tìm bãi xả dục như thế! Mà sao Tổng biên tập lại cung cúc tận tuỵ với tôi như thế!
Sự thật thế này: một tối, đi chơi về, tôi cùng vợ qua vườn cơ quan để lên ngủ ở buồng làm việc của tôi như thường lệ thì tình cờ Hoàng Tùng gặp và chuyện trò. Biết tôi chưa có nhà ở riêng trong khi Phòng hạnh phúc bận - tôi không tiện nói nó đã bị Phan Quang chiếm - thì Hoàng Tùng cứ lẩm bẩm “Bệ rạc, bệ rạc!”. Mà lật đật đi tìm. Tất nhiên khi tôi nói đã có bãi cỏ vòm tự cung tự cấp rồi thì thôi. Để tỏ ra xót thủ trưởng lắm, Phan Quang tố tội của tôi nặng lên thành ra đấy, nó láo thế, nó bắt đồng chí làm bồi săm!
Trước đây trong các đợt chỉnh huấn, phê bình tự phê bình xây dựng tư tưởng, tôi vẫn tự nguyện phanh phui mình cũng như sẵn sàng nhận phê phán của tập thể tuy bụng không vui.
Lần đầu tiên tôi cưỡng lại “xây dựng” của đảng là từ đấu đá xét lại. Nghe thiên hạ lật lọng (phái hữu Trung Quốc nói là “nhổ rồi lại liếm”) và phán vô tội vạ mình, tôi không dám thẳng thừng bác bỏ mà vờ chấp nhận. Nhưng tôi rất đau.
Thấy rõ là từ nay Tôi, Ngôi Nhà này sẽ bị kẻ phàm hay đội cải tạo tư tưởng tha hồ đột nhập, tha hồ phóng uế như các đội cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp…

Bốn chục năm sau, đầu thế kỷ 21, có một chuyện trao đổi ý kiến nho nhỏ giữa Phan Quang và tôi. Lẽ ra có thể không kể ra ở đây nhưng tôi muốn tả cụ thể thói ưu việt cảm khá đáng sợ ta vẫn thấy ở nhiều quan chức. Đó là họ luôn đúng không sai do đó họ được thả cửa, phê phán, nhất là vu cáo người với cái mặt hầm hầm lên vì quá tải lập trường cách mạng.

Phan Quang viết một bài trên báo Nhân Dân, nói châu Âu có chữ denkies chỉ “những người có thu nhập gấp đôi”. và anh còn chú thêm “double income” tiếng Anh. (Mà thú thật tôi khá ngờ vốn tiếng Anh của anh và xin lỗi nếu sai, có lẽ cả tiếng Pháp nữa). Tôi bảo anh double income nên là thu nhập kép hay hai thu nhập chứ đừng là gấp đôi.
Phan Quang rất tự tin trả lời:
- Tôi hiểu là gấp đôi, theo nguyên văn của ông Bertrand viết: deux revenus.
Khổ, sao không đưa ngay nguyên văn tiếng Pháp mà phải bỏ công mạ kền thành tiếng Anh?
Để rút lui cho lẹ, tôi bèn trả lời:
- Vâng, vậy theo tiếng Pháp của anh, deux nghĩa là gấp đôi, thì từ nay hễ nghe anh nói J’ ai deux enfants tôi sẽ hiểu là “Tôi có gấp đôi con” “J’ai deux amours” là “Tôi có gấp đôi tình yêu” Hay “J’ ai deux bouches” là “Tôi có gấp đôi mồm”.
Tôi còn muốn nói thêm với anh rằng chú lính lệ xưa khi thày cai hô ắng đơ (un, deux) cũng thừa biết là một, hai bước, chứ không phải một, gấp đôi này bước.

Tôi có phần xấu vì thù dai ở chuyện này. Nói cho rõ: là thù dai tấm huân chương Mao-nhều Phan Quang được gắn lên trong chuyến đi Bắc Kinh ngay khi khói súng của cuộc trấn áp xét lại ở báo Nhân Dân vẫn còn dầy đặc. Ai đeo nó đều từng và sẽ đấu tố tư tưởng phản động rất mãnh liệt. Như những ai đã đấu tố anh bạn Thượng Hải cùng cô bạn gái tóc đuôi ngựa Picasso khiến cho họ chia lìa và…
Một lần khác, trong chuyện thanh minh với tôi về dư luận anh chiếm Nhà khách Đài phát thanh, Phan Quang bảo:
- Tôi nay là bộ trưởng rồi cơ mà, anh Đĩnh.
Anh nói quá đúng. Chính cái tâm thức chức tước mới đẻ ra tệ chiếm công vi tư. Nhưng nếu biết trong nghị quyết khai trừ tôi, đảng kết luận tôi lăng mạ lãnh tụ, chắc Phan Quang sẽ không phô ra với tôi cái hàm bộ (trưởng). Ở điểm này, phải nhận Hữu Thọ khéo giấu chức quan đi hơn. Tuy ghế to hơn Phan Quang nhiều.
Qua việc Phan Quang chiếm Nhà Hạnh Phúc rồi lại bịa chuyện tôi - nạn nhân của chính anh hạch Tổng biên tập chỗ ngủ - tôi chợt phát hiện ra cái ưu việt cảm đặc biệt của các chiến sĩ đang kiên cường bảo vệ tư tưởng, kỷ luật, tôn ti trong cơn bão tố cách mạng. Bảo vệ cách mạng và đảng là anh cao quý nhất rồi và đã cao quý thì anh tha hồ giẫm đạp lên kẻ đang phá cách mạng và đảng. Mà giẫm đạp là cách thể hiện rõ nhất, dễ nhất lập trường cao quý cũng như mang lại lợi nhuận nhanh nhất, nhiều nhất.

Ngay sau Nghị quyết 9, từ cứ địa là căn buồng hạnh phúc mười sáu mét vuông chiếm đoạt cùng cái ghế phó ban nông nghiệp, cộng chiến công đấu gục xét lại, Phan Quang làm bước nhảy đầu tiên sang Trung Quốc, cùng Hồng Hà vừa quay súng trở cờ, rờ rỡ với tư cách Vệ Binh Đỏ của Mao Chủ tịch do Hoàng Tùng gắn cho. Từ đấy ông đi khắp thế giới, trừ Nam Cực, như ông tự giới thiệu trong bài báo “Cách một mái chèo” đăng ở Kiến thức Ngày nay số 1-4-2010 trong đó ông viết: hồi thế kỷ 14, vào lúc Nguyễn Huệ đánh tan quân Tôn Sĩ Nghị thì dân Myanmar cũng đánh lùi bốn cuộc xâm lược của Mãn Thanh. Đường đất ông đi chỉ còn thiếu có Nam Cực nhưng vẫn không dài bằng con đường lịch sử mà ông đem đảo ngược: Nguyễn Huệ thành tiền bối của Lê Lợi và nhà Thanh là tiên triều của nhà Minh.
Kiến thức ngày nay trả lời thắc mắc của bạn đọc: “Đây chắc là viết lầm”. Các quan bút như Phan Quang, Đào Huy Quát… được bộ máy tuyên huấn bảo vệ quá hay!
Hôm ấy, sau khi Phan Quang ngửa mặt lên trần nhà nhăn mặt khinh khỉnh kêu “Ôi trời, tôi nghe cái bản kiểm thảo của anh Trần Đĩnh mà đau đầu quá”, chi bộ om tôi hai buổi. Đồng chí trưởng ban vừa tham quan Bắc Kinh về đã nổ phát pháo mở đầu rồi kia mà: “Cha này ngoan cố và phản động lắm!”.
Xong trận đấu, tôi kéo Trần Châu - nhân thể anh về nhà anh ở Hàng Chuối - đi ăn mì ở một hàng nổi tiếng gần ngã tư Bà Triệu và Hai Bà Trưng. Thì tình cờ Tô Hoài, Nguyễn Tuân đang ăn ở đấy. Tôi ghé sát đầu vào mặt Tô Hoài hỏi: “Có thấy mùi xà phòng không? Mình vừa bị họ sát xà phòng rất dữ xong…”
Tôi thật sự thấy oải. Khó sống quá.

Sau hội nghị chi bộ hùa nhau đả tôi trên kia, tôi đề nghị Hoàng Tùng cho tôi đi thường trú ở Thái Bình. Tôi nói họ săn lùng tôi như săn lùng phù thuỷ thời Trung cổ, khó sống nổi.
Y hẹn, đầu giờ lam việc chiều, Hoàng Tùng đã đứng sẵn bên cửa sổ trên gác chờ tôi vào cổng là vẫy. Nghe tôi xong, anh nói:
- Các tướng ấy tưởng ta giống hoàn toàn Trung Quốc là lầm. Ta khác… Cái anh Hoàng Tuấn Nhã ấy thì lập trường gì…
Tôi vui vui vì cái giọng ngán ngẩm của anh.
Tôi sực nhớ trước đó nửa năm, đến nhà ông chú ruột Hồng Linh, nghe bà con người Hoa kháo là họ vừa “học tập phê phán truy theo bản Tuyên bố hữu khuynh, không triệt để của Hồ Chí Minh và Novotny”. Còn nói nếu mở biên giới thì người Hoa về hết, sống ở đây “xét lại” quá, khó thở lắm. Lại bảo Trung Quốc bắn rơi sáu máy bay Mỹ nhưng Việt Nam ăn gian, chỉ thông báo có một… Tôi nói lại với Hoàng Tùng.
Không ngờ Hoàng Tùng đem ra nói ở hội nghị trưởng phó ban mà hai năm nay tôi không được dự nữa. Hoàng Tùng còn lệnh một số anh em đi điều tra dư luận. Ban thống nhất cử Đặng Phò, anh ruột Đặng Hà thì Hoàng Tùng gạt:
- Anh này đi rồi về chỉ tương ra ý của anh ấy thôi…
Thường trú chính là đi lánh nạn. Tổ tôm đánh như cơm bữa ở văn phòng tỉnh uỷ. Đến nỗi sau này, Lương Quang Chất, bí thư Thái Bình đến báo có việc xẹt qua báo thường hỏi thăm tôi:
- Gớm, Trần Đĩnh tổ tôm thì nhất.
Nhưng có một chuyện tôi khó quên.
Lần ấy tôi đến một hợp tác xã, gần thị trấn Quỳnh Côi. Vừa tới đầu làng, thấy một nhóm bà con trục lúa, tôi đứng lại xem. Liền bị chửi tức thì - nhanh hơn cả pháo phòng không sau này: “Kìa, gớm chưa, thính hơi thế!”, “về đánh hơi rình mò mà”, “Này, con đốm nhà tôi nó đã hít hít hực hực ở đâu là y như có cáo…”, “Nào, cót kiếc, thúng mủng chuyến này đem đốt mẹ nó hết đi mà hun chuột đồng, nó về thì còn cái đ. gì để mà cần cót, cần thúng nữa?”
Bà con cho là tôi về đánh giá sản lượng để bóp nặn thuế nông nghiệp.
Tôi quay ra cổng làng. Biết thua dân.
Tiếng người cười liền ran ran ở đằng sau. “Quắp đuôi đi rồi…”
Một ai đó véo von: “Đi làm hợp tác hợp te, Không đủ miếng giẻ mà che cái l…”.
Một ông:
- Để l. ra cho cán bộ nó thấy rõ, nó đỡ phải vành ra khám xem có giấu chúng nó cái gì không.
Một ông khác:
- Nó thấy nó thèm nó cứ về luôn để dân vành ra thì ông lại phải nuôi báo cô lũ con rơi của nó mất thôi!
- Ối chà, bụng lép thì có phô cái l. quắt ra cũng chả đứa nào nó thiết nhòm… Nó về vạch đùi vợ nó có tem gạo ra cứ là phải trắng như thân cây chuối hột ấy chứ!
Thì ra từ lâu chuyện trò với đảng, dân đã quen dùng câu chữ thế này.
Quay đi là phản ứng tốt, chịu thua dân.
Nhưng quay đi rồi lên huyện nói lại chuyện này thì dở.
Bởi lẽ không thể không cho đảng biết thực hư dân tình! Sau rồi mãi mới thấy có lẽ cái động cơ thúc đẩy nằm trong vô thức lại chính là cái thứ mà bà con thoải mái lôi ra còn tôi thì phải viết tắt ở đây. Cay vì bị bêu với nó? Như kiểu Đồng Đức Bốn kêu: “Con vợ tôi nó khờ, Xem thơ nó lại úp lờ vào thơ, Con vợ tôi nó ngu ngơ, Xem thơ nó lại úp thơ vào lờ”. Hay vì đạo đức giả: thích nó mà lại làm ra thanh cao?
Tôi về huyện uỷ báo lại chuyện. Chả biết sau ra sao nhưng ứng xử của tôi hoàn toàn cộng sản, mọi sự đều vì lợi ích đảng và đảng viên có toàn quyền đánh giá dân tốt xấu, đảng viên phải có trách nhiệm quản lý toàn bộ tư tưởng, tinh thần của dân.
Một lần tôi kể lại với một cụ bạn chuyện xã viên chửi tôi về “hít cạp váy” đàn bà để vét thóc lúa…
Cụ bạn cười bảo:
- Còn nữa cơ. Một năm hai thước vải thô, Làm sao che nổi gì gì (tên một vị tôi không tiện nói ra) hỡi em… Mà cái này mới kinh cơ. Dịch lợn rồi tiếp dịch gà, Bao giờ dịch đảng dân ta reo mừng.
Tôi lè lưỡi ra.

Ngày càng hiểu vì sao phương tây gọi cộng sản là hỗn.
Hỗn với tất cả. Như Việt Cộng trèo hỗn lên đầu tất cả hét lớn:
“Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam là nơi hội tụ của ba dòng thác cách mạng. Lịch sử đã chọn Việt Nam là nơi tập trung của những mâu thuẫn thời đại”. và Việt Nam tự hào là “Ngọn cờ tiên phong của phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới”. May mà phải vác rá đi xin gạo tiền súng đạn. Nếu dồi dào hết thì chết với ông.
Vậy mà tôi đã chứng kiến sự hỗn hào thành văn thành luật đó từng nghiễm nhiên trở thành hào quang chói loà trong lòng dân.
Ở ngay đầu Khai Trí Tiến Đức, mặt sau báo Nhân Dân, hai người đi xe đạp đâm nhau. Vênh vành. Cãi cọ kéo dài, để chấm dứt, người bạn của người trong cuộc nhưng yên lành hết bèn tặc lưỡi: “Thôi, lộ bí mật một tí hả, anh ấy đảng viên đấy!”
Thế là xong. Người bị vênh vành lặng lẽ khiêng xe đi tìm chỗ nắn.
Có mặt tình cờ lúc ấy tôi đã rất ngạc nhiên về độ nhiệm màu ngang với mật gấu xoa tan vết bầm của lời nói này. Và nghĩ ngay đến một truyện ngắn. Sau khi anh bạn kia giới thiệu tư chất cần được kính nể của đảng viên, tôi liền đến trước mặt người bị đâm vênh vành xe, đưa anh ta ít tiền và nói:
- Tôi là đảng, đảng đền cho anh đã bị thiệt, anh hãy cầm lấy tiền này đi sửa xe…
Anh đảng viên đâm xe dân bèn đến vặn tôi: anh cho xem bằng chứng anh là đảng viên đi nào. Tôi nói: tôi là đảng dân, đấy, bằng chứng đây, anh xem bà con đây có tán thành việc tôi làm không?
Đồng thời tôi cũng nhớ tới Kabir, nhà thơ Ấn Độ 500 năm trước từng viết: “Ở trong nước, khát nước, con cá cần sự hướng dẫn nghiêm túc và thành tâm (để uống)…”
Cá khiêm nhường, nhỏ mọn như thế mà chú ý tu dưỡng đến cả hành vi bản năng nhất. Thế nhưng tôi? Nhìn người, nói với người, cư xử với người…, tôi đều hỗn xược. Vì chủ nghĩa đã trao cho tôi nghĩa vụ cầm cân nảy mực, vạch lối chỉ đường, quản lý giáo dục cho dân.
***
Tôi thường trú được vài tháng thì Hoàng Tùng gọi về. Bảo tôi đưa hai nhà báo Trung Quốc vào Vĩnh Linh.
Đang Nghị quyết 9 bão táp, Hoàng Tùng cho Hồng Hà, Phan Quang đi Bắc Kinh để lấy thẻ Mao-nhều. Nay cho tôi đi với nhà báo Mao-ít, ông muốn nhân dịp này tẩy bớt cho tôi cái tiếng phản động xét lại. Phải tư cách chính trị thế nào mới được tháp tùng các đồng chí Trung Quốc chứ!
Lúc ấy Johnson vừa cho máy bay đánh ba căn cứ hải quân và một kho dầu của ta sau vụ tàu ta và USS Maddox và USS Turner Joy đánh nhau.
Đi thì thích nhưng cũng khó chịu cái đầu. Đoàn nhà báo Trung Quốc đến đâu cũng được đặc biêt trọng vọng. Dù chỉ đón tiếp ở chặng dừng chân cũng lại y lệ diễn ra một cuộc ca ngọi Mao Chủ tịch sáng suốt đã vạch mặt tên phản bội Khơ mà lúc ấy có tên Thằng Trọc. Trong bữa tiệc quá thịnh soạn của Bộ tư lệnh Quân khu 4, tướng Nam Long, người Tày, liên tục nâng cốc với phó Tổng biên tập báo Giải phóng quân Trung Quốc hô đả đảo Thằng Trọc dữ đến mức ngỡ lên cơn mê sảng: “Các đồng chí Trung Quốc hãy yên tâm. Chúng tôi luôn ở bên các đồng chí. Chúng ta là chiến hữu chung chiến hào! Đả đảo Thằng Trọc!”
Tôi thấy La Liệt, chủ nhiệm khoa báo chí Đại học Nhân Dân hơi khép mắt lại, quay đầu đi. Sau này, Cách mạng văn hoá ông bị đấu khốn khổ.
Hôm sau, qua một bãi biển rất đẹp ưng ửng hồng khêu gợi ven đường số 1 quãng dưới Đèo Ngang, Quảng Bình, tôi hỏi nhà báo nhà binh:
- Anh nom bãi biển kia giống cái gì? - Rồi nói luôn - mei ren di da tuei, đùi mỹ nhân!
Ghẹo ông nhà binh thích Việt Nam nện Mỹ. Ông lầm lì quay đầu đi. Mỹ nó xâm lược thế kia mà còn đùi mỹ nhân với vế mỹ nhân Đêm đầu tiên ở nhà khách Đồng Hới bị bão lớn. Mất điện. Gió quật đùng đùng và sóng biển gào thét. Phạm Phú Bằng vốn trọng tình hữu nghị nên ngủ chung phòng với hai đồng chí Trung Quốc. Sợ dột, anh dậy lò dò tìm đèn pin. Nằm buồng bên tôi bỗng nghe tiềng hét thất thanh: “Shei? Ai? Lai ren a. Người đâu?” Phú Bằng sau nói anh lạnh toát người. Bật đèn pin, anh thấy đồng chí nhà binh bạn co rúm lại ở một góc. Hồi chiều đoàn vừa nghe hai phó bí thư tỉnh uỷ Đặng Tất và Cổ Kim Thành nói người nhái Sài Gòn đã có lần lội vào tận đây.
Tôi viết một ký về đầu cầu Hiền Lương: Nghe ba người đàn bà bờ Nam vỗ quần áo giặt bên sông, và trong ống nhòm thấy các bọt xà phòng trôi man mác, tôi buồn, nghĩ giá như chúng dạt sang đây mà xem bọt xà phòng Mỹ khác bọt xà phòng Trung Quốc ra sao để rồi tôi chợt lại thấy hết sức ân hận, giống một đứa con về bên giường mẹ đau yếu do chính mình đã có lỗi gây nên. Bảo Định Giang không đăng cũng chẳng đáp.
Về lại Hà Nội đúng lúc xảy nhiều sự kiện lớn. Diệm chết, Kennedy bị ám sát, Khruschev bị đảo chính. Và sự kiện được đón nhận tưng bừng nhất là Trung Quốc nổ quả bom nguyên tử đầu tiên. Báo Nhân Dân ca ngợi nó là “bom đạo đức, bom văn minh”. Tôi cho vài người biết là theo báo Time thì Mỹ đã cho Tiền Học Thâm, đại tá gốc Hoa ở Bộ quốc phòng Mỹ - từng tham gia Kế hoạch Manhattan làm bom nguyên tử của Mỹ - hồi hương với hơn một tấn tư liệu khoa học.
Tháng 7 tôi đi thường trú Thái Bình thì đầu năm 1965, Hoàng Tùng gọi về. Anh không muốn tôi lâm mãi cảnh bị hai kiện tướng Mao-nhều Phan Quang, Hữu Thọ hành tỏi kiểucoup bas - đòn bẩn, (chắc anh cũng nghe thấy chuyện phê bình tôi bắt anh làm bồi săm), anh cho tôi một việc thích hợp: viết hồi ký và do đó - Hoàng Tùng nhấn rõ - anh chỉ làm việc với tôi. Anh bảo tôi viết một cơ sở thời bí mật để kỷ niệm Đảng. Hoàng Tùng không thể quên tôi với anh từng hẩu như thế nào, trước hết ở món chế Mao xếnh sáng. Anh thừa hiểu: không biết lủi giỏi hay kịp chùi mép, tôi không thể sống sót.
Cuộc thanh lọc nhân sự ở trận đấu xét lại vừa qua thực chất chỉ là công trình kiểm tra chất lượng miệng và lưỡi của đảng viên: có giỏi uốn và khéo liếm sạch nhẵn không mà thôi.
Nhận thức này đã là cơ sở để cho tôi kết luận đảng không cần đạo đức mà chỉ cần nhất trí, do đó làm đảng hư hỏng đi như sau này tôi khai lúc bị thẩm vấn…
Tôi về Cổ Loa. Ở bài này, tôi viết cả những giọt sương đêm rơi góp lặng lẽ vào lòng Giếng Ngọc một cái gì “Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch”. Nơi ngổn ngang sử tích này đã khai thông lối cho hư vô ngấm vào tôi. An Dương Vương mặt ngôi và con gái, Mỵ Châu mất bố và chồng, Trọng Thuỷ mất vợ và bố. Một hiện trường toàn mất mát lớn kiểu Shakespeare. Hai triều vua đều Hán chiếm nước ta nhưng ta lại yêu ông Hán đến trước, ghét ông đến sau. Yêu ngoại tộc như yêu mình chẳng phải là hư vô đó ư?
Đã ký duyệt cho đảng, Hoàng Tùng lại bảo tôi làm việc khác…

CHƯƠNG 25
http://vnthuquan.net/userfiles/images/chu%20cai/cotich_DD.png    
Đó là viết Nguyễn Đức Thuận, tù Côn Đảo vừa ra Bắc.
Tôi đón Nguyễn Đức Thuận đến báo và cùng với Hoàng Tùng tiếp anh. Hai người xưa cùng tù Sơn La. Thuận bị đưa ra Côn Đảo, cùng công voa với Trần Độ nhưng đến Hoà Bình, Độ được lệnh vượt ngục. Tùng nói theo chỉ thị Trung ương, báo Nhân Dân lo cho anh một hồi ký về chiến đấu trong tù, báo phân công anh Trần Đĩnh viết giúp anh…
Sau tôi biết giữa lúc tôi cùng Hoàng Tùng tiếp Nguyễn Đức Thuận, Mao-nhều ở cơ quan xì xào dữ lắm. “Lại cho viết nhân vật anh hùng thì còn ra làm sao? Ông này nói ở trường đảng Nguyễn Ái Quốc hay lắm! Phải kén người tử tế viết ông ấy chứ”.
Tôi tiễn Thuận về, đến Cửa Nam, Thuận nói sau khi ra tù, anh dưỡng bệnh ở Campuchia, Chủ tịch Hội văn nghệ giải phóng L.V.S. đã viết cho anh một hồi ký cho nên không cần phải viết thêm nữa. Khiêm tốn, Thuận không muốn làm om xòm quá về bản thân. Nhưng chắc cũng do anh không tin tôi viết được. Tôi đâu có nếm cơm tù, đòn tù như L.V.S.
Tôi nói tôi không viết cũng không sao nhưng anh muốn kiếu thì nên đề nghị với Trung ương. Thuận xin kiếu nhưng sau đó đã phải nghe Lê Đức Thọ, chánh trùm tổ chức và Tố Hữu chánh trùm tư tưởng, hai người cùng với Hoàng Tùng, chánh trùm báo chí duyệt trực tiếp hồi ký nay. Trong mắt các vị, tôi viết hồi ký thì ít người bì. Lúc ấy đang trong thời kỳ đảng thẩm tra thời gian tù, Thuận cũng khó lòng bướng. Tên sách tựa là “Bất Khuất” là do Tố Hữu đặt.
Sao lại dính Lê Đức Thọ? Vì ông phải lo đến mất còn của đảng bộ miền Nam đang trong cơn tơi tả, rồi lại phải lo bảo đảm tư cách chính trị của các nhân vật quan trọng xuất hiện trong hồi ký. Ai ra tù cũng đều phải đình chỉ sinh hoạt đảng chờ thẩm tra. Và ông muốn mượn Thuận kích tinh thần đảng viên trong Nam đang sa sút đáng sợ.
Ở đây tôi muốn nói một chuyện. Cuối 2004, chị Phương Nhu, vợ Nguyễn Đức Thuận, đưa tôi xem một bài của Trần Bạch Đằng in trong một quyển sách nói ông “không bằng lòng tinh thần đề cao cá nhân” của Nguyễn Đức Thuận, ông đã nói với Nguyễn Văn Linh, bí thư xứ uỷ lúc đó và Linh “tán thành” ông. Chỗ này không sao. Đó là ý nghĩ của ông Bạch Đằng. Vấn đề ở dưới đây. Nó đụng đến sự thật và lòng trung thực. Bạch Đằng viết ông ta là trưởng tuyên huấn miền, ông đã “có bản thảo hồi ký này ở trước mặt” và ông “rất lấy làm lạ tại sao (ông) phản đối mà nó cứ được in ra và còn in rất nhiều nữa là khác”. (Tôi nhấn mạnh).
Tôi hỏi chị Nhu có cần tôi viết thư cho Trần Bạch Đằng không? Chị nói thôi, chỉ cần tôi xác nhận giúp chị rằng hồi ký của Thuận là do Trung ương và cụ thể là Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Hoàng Tùng quyết định từ đầu đến cuối. Tôi đã viết. Nói rõ ngay từ đầu Thuận đã xin kiếu. Do đó tôi không hiểu cái việc Trần Bạch Đằng viết ông “rất lay lam lạ” về chuyện ông đã phản đối mà Bất Khuất vẫn cứ được in văng tê. Lam trưởng ban tuyên huấn miền mà Trần Bạch Đằng không biết rằng không phải anh ất ơ nào cũng ra lệnh cho in Bất Khuất được.
Và in rất nhiều và bắt thanh niên cùng quân đội cả nước học tập rộng rãi nữa. Và gã nào xui Song Hào mua cho quân đội 160.000 quyển trong tổng số phát hành 210.000? Là cấp dưới nhưng ông Bạch Đằng lại coi ông là người tối hậu quyết định những gì thuộc về tư tưởng, tuyên huấn vậy. Thật ra ông Bạch Đằng chỉ cần minh bạch một chút tí teo rằng “bản thảo ở trước mặt ông”, bản thảo ông cho khai tử kia là bản của L.V.S., nhà văn giải phóng thì ông sẽ không phải trút bất bình phi thần thánh vào sách, lên án Nguyễn Đức Thuận, làm khó bà Thuận goá và các con của ông bà.
Sáu Thọ, Tố Hữu, Hoàng Tùng, những cấp trên của Bạch Đằng chắc chắn không có gửi bản thảo của tôi vào để xin Bạch Đằng tối hậu quyết định rồi cũng chắc chắn không phải cho xuất bản lén lút sau lưng Bạch Đằng.
Tôi kể ra ở đây chuyện này vì lẽ thấy Trần Bạch Đằng luôn xuất hiện với diện mạo một nhà tư tưởng dạy bảo mọi người sống và chiến đấu.
Xin thêm một chuyện minh hoạ chút nào quan hệ Sáu Thọ và Trần Bạch Đằng. Sau 1975 ít lâu, một lần Sáu Thọ mời vợ chồng Trần Bạch Đằng ăn cơm. Sáu Thọ bỗng nói:
- Nghe đâu cậu dạo này ăn nói lộn xộn lắm phải không?
Trần Bạch Đằng dĩ nhiên dạ thưa đâu có ạ. Sáu Thọ bèn quay sang nói với vợ Trần Bạch Đằng:
- Cậu này ở gần bọn tôi thì khá chứ ở xa lạ dễ hư…
Lửng lơ con cá vàng. Nhưng hôm sau Trần Bạch Đằng liền khăn gói ba lô lên vai ra Chu Văn An Hà Nội sống bốn năm ròng phòng tránh… hư hỏng.
Khi chia tay ra Bắc, Trần Bạch Đằng tâm sự với nhà văn Anh Đức. Sau đó Anh Đức kể lại cho Nguyễn Khải và Khải cho tôi hay.
Khải còn cho hay một lần Trần Bạch Đằng hỏi Khải cấp gì, Khải nói đại tá thì Đằng nói: “Ơ, ở dưới tôi nhiều đến thế cơ nhỉ!”
2004 hay 2005, Mỹ tuyên bố giúp Việt Nam chống bệnh AIDS. Trần Bạch Đằng viết bài đăng báo Phụ nữ phản đối, nói ông nhục với chuyện này. Tôi viết cho ông - nhờ báo Phụ nữ đưa hộ - nói “ông thay nhục hơi ít và quá muộn. Tôi từ lâu đã thấy nhục cả về nghèo nàn lạc hậu. v.v… Trong việc tự thiện này nếu ông thay nhục thật thì nên xin chính phủ từ chối Mỹ giúp để nhường ông đứng ra kêu gọi những người giàu trong nước, trong đó có ông, quyên tiền chữa lấy cho dân ta. Bệnh Nam hãy chữa bằng tiền dân Nam”.
***
Viết “Bất Khuất” tôi không ký tên. Nhiều người nói vì tôi là xét lại. Tôi không thể nói rõ lúc ấy tôi không ký vì không muốn Hoàng Tùng, người muốn kéo tôi ra khỏi hang hùm những Mao-nhều Phan Quang, Hữu Thọ bị nói này nói nọ. Và không chỉ không ký. Tôi đã từ chối tất cả các nơi mời tôi đến nói chuyện về quyển hồi ký. Kể cả những lần Hoàng Tùng, Nguyễn Đức Thuận ở bên cứ vun vào. Lý do là tôi không thích om xòm về chuyện viết quyển sách này. Viện văn học mời Nguyễn Khải, Hữu Mai và tôi đến nói kinh nghiệm viết “người thật việc thật”. Một hôm gặp nhau trên đường Hoàng Hoa Thám, Hữu Mai hỏi tôi nói chưa, tôi bảo không. Vì sao? Vì không thích nói dối. Tớ không thích nói dối mình ghi lại như cỗ máy từng chấm phẩy, chấm câu của người kể là anh hùng.
Tâm linh sâu xa có lẽ đã cảm thấy cái sự tầm phào rồi thì phải.
Không chỉ thế, tôi đã ủng hộ gần hết nhuận bút.
Một hôm, sách sắp phát hành, Trần Thế Tuấn, biên tập viên nhà xuất bản đến bảo tôi:
- Anh Thuận muốn cúng hết nhuận bút của anh ấy cho Mặt trận Giải phóng miền Nam nhưng nhuận bút của người kể thì ít lắm.
Tôi nói ngay:
- Thì đổi nhuận bút tôi sang làm của anh ấy, tôi đã lĩnh một ít lo cho vợ con sơ tán, vậy xin hãy coi là tôi đã lĩnh hết phần.
Thuận lái Volga đến báo rủ tôi cùng đến ký tên váo Sổ vàng Mặt trận Giải phóng. Tôi xin kiếu.
- Nhưng có tiền của anh mà, mà tiền của anh là chính chứ!
- Thôi anh ký cả cho là được rồi mà.
Vài anh em lúc ấy bảo với nhuận bút thường tình lĩnh được, tôi mua bay hai căn nhà hai tầng ở phố Huế. Thép Mới ở Bê (B, miền Nam) ra bảo tôi:
- Tiền mày gửi khéo nứt mẹ nó cả ngân hàng rồi đấy nhỉ?
Tôi cười.
***
Lê Đức Thọ trực tiếp làm việc và làm việc nhiều với tôi về hồi ký này. Hay gọi lên. Có lúc tôi ngơ tôi là một ngả đi lạ để ông tạt vào kiếm chút gì đó khác với những cái ông luôn tắm mình ở trong. Ít ra ông con nghe được cái giọng điệu ông ít nghe thấy ở quần thần quen thuộc. Hay chuyện phiếm. Có hôm cả quyết: thằng tù nào nói vào tù không khai là nói phét.
Tớ nói đây coi như tổng kết, có bằng chứng. Thằng nào cũng khai. Da thịt chứ sắt với đồng chó gì mà nó quạng vãi cứt vãi đái ra lại không đau, mà đau lại không khai. Vấn đề lầ ở khai làm hại nhiều hay ít thôi.
Thế là vấn đề nảy ra từ đây: ai xác nhận thằng tù khai hại nhiều hay ít? Cuối cùng lắc hay gật do một người: Lê Đức Thọ!
Ân oán đều ở một tay. Dĩ nhiên lúc đó tôi chưa lần ra điều này.
Một lần Sáu Thọ nói đừng tưởng nhà văn các cậu mới là kỹ sư tâm hồn nhá. Bọn tổ chức chúng tớ cũng kỹ sư tâm hồn. Tớ nói này, sáng chủ nhật nào chúng nó cũng đến ngồi đầy ở phòng khách tớ, có đứa đem cả vợ đến, mất thì giờ nhưng sau nghĩ ra mới biết chúng nó đến cốt là để mình nhớ tên, nhớ mặt, ở đâu khuyết người thì mình nhớ nó mình đưa nó vào đấy. Thế nên trông thằng nào là phải biết bụng nó thích gì, muốn gì, kỹ sư tâm hồn đấy chứ là gì nữa? Hay như vợ con mình. Bà Chiếu lúc mới lấy nhau, mình mời bà ấy sô cô la bà ấy chê, lại tưởng bà ấy cảnh vẻ nhưng rồi sau mới biết tạng bà ấy không thích của ngọt.
Hoàng Tùng hay hỏi tôi ông Sáu nói gì. Rất hồn nhiên tôi kể lại. Cả chuyện thằng nào tù cũng khai. Bảo không là nói phét. Bảo có lúc phởn lên tôi đã định hỏi: “Thế Bác nhà mình thì sao?” Một lần Hoàng Tùng tủm tỉm bảo tôi lên ông Sáu tán gì thì tán chứ đừng tán chuyện sợ vợ. Sợ vợ, tôi hỏi lại?
Hoàng Tùng nói, tối nào đi ngủ ngài cũng phải mắc màn. Vợ trẻ lại đẹp mà…
Một lần Thọ khoác vai tôi đi vòng quanh sân, nói:
- Cậu viết giỏi lắm, tớ rất thích. Không ở tù mà viết y như thằng đã ở tù, y như thằng đã bị xăng-tan nó tẩn. Nhiều nhà văn tên tuổi viết không bằng cậu đâu. (Ông kể tên một lô ra nhưng tôi kể theo thì tôi là thằng ngu!) Tớ sẽ nhờ cậu viết hồi ký cái đoạn tớ chuẩn bị tổng khởi nghĩa rất hay. Tới đấy tớ sẽ lấy cậu theo sang Paris đàm phán, làm báo cho đoàn ta…
Nếu như không có vụ chống đảng lật đổ, nếu như đầu những năm 1990, Lê Giản không nói cho tôi biết Lê Đức Thọ đã ra lệnh thủ tiêu mười mấy cán bộ đảng viên Trung Quốc, chắc có nhiều khả năng tôi sẽ viết hồi ký cho Lê Đức Thọ.
Ca ngợi người đã giết bố vợ tôi, ông ngoại con gái tôi, ca ngợi đao phủ đàn áp “xét lại”. v.v… Tôi sẽ đeo nỗi nhục đó ra sao?
Hú vía!
***
Nguyễn Đức Thuận được chọn viết hồi ký vì đảng đang cần giáo dục tinh thần bất khuất, tiết tháo cộng sản trong lúc chính sách của Ngô Đình Diệm tố Cộng, xé cờ búa liềm, xé ảnh Hồ Chí Minh gọi là ly khai tỏ ra lợi hại. Có thể nói lúc ấy đảng bộ miền Nam đã tan vỡ lớn. Không thế mà đại tá Lam Sơn theo Sáu Thọ vào Nam đã phản lại. Nấp trong Sở thú Sài gòn, chỉ bắt Nguyễn Đức Thuận.
Thanh minh vì đó là sự thật. Và nay ở đây, tôi cũng muốn phơi trần ra một sự thật nữa tôi dần dà thấy: Tôi bồi bút thực thụ. Bồi bút nên biết là sai vẫn nghe theo! Thà nhận dốt khoa học còn hơn.
Một đồng đội quan trọng của Thuận trong Chuồng Cọp là Phan Trọng Bình. Anh rất ngay thẳng, bảo tôi trong tù bọn mình đâu có dám nhìn vào mặt chúng nó (chúng nó bảo thế là nhận diện mai kia trả thù), bọn mình đều để râu tóc bờm xờm bù xù che kín cả mặt, thậm chí có cả anh bôi cứt đái lên người cho chúng nó sợ bẩn không đến đánh. Nhưng tôi, lời Phan Trọng Bình, xem kịch Nguyễn Văn Trỗi về đã bị mất ngủ cả đêm. Chúng tôi làm cho mình xấu xí, bẩn thỉu, không dám cả nhìn mặt chúng cho khỏi bị đòn là đúng hay hiên ngang quắc mắt chửi lại địch đôm đốp như Trỗi trên sân khấu là đúng? Sau những dây phút hiên ngang anh hùng ban đầu rồi đầu hàng, thương tâm lắm…
Về Sài Gòn sau 1975, Phan Trọng Bình đã viết chạy dài hết hai trang giấy khổ giấy học trò dòng chữ: Tôi, Phan Trọng Bình ra đảng!
Anh bảo tôi:
- Không thể ở lại thêm dẫu chỉ một ngày.
Bình đã leo đến bên chảo chì rực lửa của tôi ở tận tầng 5 Nhà in báo Nhân Dân để “thông báo rằng tôi đã lấy vợ và cái sự anh thương mà lo cho tôi thì nó ổn!”
Đã lâu trước đó, một hôm chị Kỳ, vợ Văn Tiến Dũng nói cho vợ chồng Nguyễn Đức Thuận, Phan Trọng Bình và tôi hay “các anh ở trên” đã mai mối mấy đám cho Bình. Nào là con gái chị Th., 28 tuổi, nhưng có cái phốt vướng với một tay văn nghệ sĩ tập kết. Nào là Nguyễn Thị Hằng, cô gái bắn máy bay nổi tiếng đẹp ở cầu Hàm Rồng. Cô này quá trẻ và lại sợ người ta dị nghị tuy biết trách nhiệm mình là phải chăm sóc anh Bình. Tôi sau đó có bảo Bình rằng có tuổi lại tù đày, sợ cái khoản kia không hợp với vợ quá trẻ.
Tất nhiên lúc khuyên Bình điều này, tôi không thể biết rồi Bình sẽ xin ra đảng còn Hằng thì đường mây thăng thiên vào Trung ương đảng và nội các.
Viết Bất Khuất, cố nhiên tôi không kể chuyện Thuận nói trong khi đánh anh, nhiều cảnh sát gầm lên: “Thế này cũng chưa ác bằng thằng Lý Bá Sơ của mày đâu. Những cái này là chúng tao học của thằng Sơ đấy…”. Thì ra tra tấn là môn khoa học và nghệ thuật có tính chan hoà giai cấp, cách mạng với thực dân đế quốc, quốc gia với cộng sản đem truyền cho nhau…
Tôi cũng không viết như Thuận nói, rằng trừ khi địch tra tấn ra còn nói chung cơm ăn nước uống của tù rất khá. Mỹ cho mỗi tù mỗi ngày một đô-la ăn uống cơ mà. Thuận đã so sánh cụ thể:
- Ra đây tôi thấy cơm vụ trưởng không bằng cơm tù chúng tôi những ngày không bị đánh đập. Lại việc nhà báo Mỹ vào thăm tù xong viết bài lên án chính phủ Diệm.
Một chuyện tù Côn Đảo nói lên sự phức tạp của con người. Mỹ Điền bảo tôi:
- Mình có ông bạn Tám Lái cũng tù Côn Đảo. Tám Lái nói trong tù anh em yêu thương nhau rất cảm động. Chìa thân ra hứng đòn cho đồng chí, nhường nhau từng mẩu khoai mì… Nhưng khi nhà tù cho ra ngoài sản xuất cải thiện đời sống, tức là mỗi người bắt đầu có thu nhập riêng thì liền ghen tức nhau, tranh từng cục phân bón mà choảng nhau…
Tây nó nói đúng: l’homme n ‘est ni ange ni bête, con người chẳng phải thánh thần mà cũng chẳng phải thú vật.
Có một chuyện nghĩ đến tôi lại ân hận. Một hôm sách đã đóng gáy, chỉ còn chờ dán bìa, Sáu Thọ cười cười bảo tôi mang một quyển sang cho Trường Chinh.
- Chết, quên mất anh Năm, thôi, cậu đưa bảo anh ấy duyệt nhé.
Trường Chinh nhận sách, cầm xem, giở vài tờ rồi nhíu mày hỏi tôi:
- Chỉ còn dán bìa là xong?
- Vâng. - Tôi cố nói càng ngắn càng tốt.
- Thế thì đưa tôi duyệt làm gì? Ngộ tôi không bằng lòng ba trang mà bỏ đi thì các anh có thể để trắng tinh ba trang như bị kiểm duyệt được không?
Bài học cuối cùng về báo chí xuất bản anh cho tôi đây. Từ bài học đầu “ngày sinh nhật” đến bài học này đã gần ba chục năm. Mà khoảng tôi xa cách anh có lẽ còn gấp ba thế!
Tôi vẫn nói cụt lủn:
- Vâng, anh Thọ bảo mang sang cho anh duyệt.
- Thôi được, anh để đấy tôi xem…
Mối thất tình của tôi lớn quá. Gặp lại Trường Chinh tôi chẳng thấy gợn một xúc động nào. Anh khen hay chê cũng thế cả thôi.
Dắt xe ra tới cổng, tôi bỗng nghe thấy Trường Chinh gọi ở sau lưng. Anh đã ngồi ở ghế đá gần cầu tháng Tám cấp, dưới một bóng cây, ôm trong lòng một cháu bé một hai tuổi.
- Anh Trần Đĩnh, cháu đích tôn này! - Trường Chinh cười rạng rỡ.
Tôi lệt xệt chân cố thong thả dắt xe quay lại. Đến trước mặt Trường Chinh, tôi cúi xuống nhìn cháu bé nói lửng khửng:
- Hơi xanh, thôi ạ, chào anh tôi về.
Lại lừng khừng dắt xe ra cửa thật chậm. Ý là tôi chán anh lắm.
Bây giờ, ở trang giấy này, tôi thành thật xin lỗi người ông và người cháu đích tôn. Tôi đã phản ứng sặc mùi cộng sản: oán hận dai bền. Hôm ấy Trường Chinh có tình người hơn tôi.
Nay tôi thật lòng xấu hổ. Nhất là khi đọc Cioran: “Hận thù có thể khiến con người dũng cảm nhưng chỉ bao dung mới làm cho con người có đạo đức”.
Tôi quay về thuật lại chuyện gặp Trường Chinh với Sáu Thọ.
Lê Đức Thọ cười như không có gì đáng ân hận hết:
- Thì đã nói là quên mất anh ấy mà.
Nhưng nay Trường Chinh biết sớm thì để làm gì?
Ba chục năm trước, ở An toàn khu, chân Núi Hồng, Trường Chinh truyền cho chúng tôi kinh nghiệm giữ vững khí tiết cách mạng. Cốt tử là không lùi. Lùi rồi là lùi đến hết. Các anh đã đọc “Khi chiếc yếm rơi xuống” của Trương Tửu chưa?
Đấy, người đàn bà chống cự mãi nhưng khi đã để cho yếm tụt ra rồi thì thôi mất sạch.
Tôi nhớ. Người kể chắc quên.
***
Viết Bất Khuất tôi đã được hưởng không khí ca ngợi đặc biệt. Tôi đi đường vẫn thấy người ở trên hè thân thiện chỉ vào tôi cười nói gì với nhau. Kiểu như phụ nữ chân dài, vòng một khủng bây giờ. May sao tôi luôn cảm thấy ở sâu thẳm mình một tình ý là: tôi muốn lánh cái không khí này. Và quả là tôi chưa hề vênh váo.
Nhưng Trần Dần khen thì tôi thích. Đêm 29 Tết, theo lệ, đến nhà Hoàng Yến ăn nhậu, trên đường đạp xe về, qua Chợ Mơ, đã rất khuya, mưa lất phất, ngược gió bấc đường ray xe điện có lúc như thuỷ tinh, Trần Dần bảo tôi:
- Mày viết cái Bất Khuất ấy, tao thích cái grammaire
Tôi mừng. Dạo đó, chúng tôi đang say sưa với cấu trúc luận, tín hiệu học thì grammaire, mẹo viết là tất cả. Hãy để cho chữ phát nghĩa trong cấu trúc mới, trong gá ghép mới giữa chữ với chữ. Trần Dần đã dịch un blanc cheval ra thành một con trắng ngựa.
Còn nhận xét của Nguyên Hồng, Tô Hoài cũng thú vị. Chúng tôi uống bia Thuỷ Tạ, quầy cô Dinh Gốc Liễu. Nguyên Hồng bậm môi vuốt râu nói:
- Mày, Trần Đĩnh à, mày có tâm hồn, mày có nghệ thuật nên mày viết cái ấy cho Thuận rất hay. - Lúc có rượu Nguyên Hồng thường bị cao giọng.
Tô Hoài tủm tỉm:
- Hay chính vì nó đã kéo tai các vị lên cho cao ngang với nó, chứ nó đếch cúi xuống để kính ghi, của này mà bẩm anh, em kính ghi anh đây thì hỏng.
Cuối 2002, Trần Thế Tuấn, biên tập viên nhà xuất bản làm hồi ký Thuận mò đến nhà tôi. Mấy chục năm xa rồi. Té ra rồi Tuấn cũng lao đao. Bị nghi là chịu ảnh hưởng xét lại của tôi và kỳ thị, Tuấn bèn xung phong vào B5, vùng giới tuyến ác liệt.
Tôi nghe mà thấy rợn. Nếu Tuấn vào B5 mà hi sinh thì chắc tôi ân hận lắm. Nay anh làm thơ. Có in sách. Sống ở Sài Gòn.
Thôi dù sao, ở Bất Khuất, tôi đã bỏ qua được nhẹ nhàng hai cửa ải danh lợi.
Tôi vẫn mong rồi có một quyển sách của thật tôi, của chính tôi.
Viết Bất Khuất, tôi không một lời chửi Mỹ, trong khi đặc trưng của văn học cách mạng là phải tìm mọi dịp lên án nó, thằng đế quốc kẻ thù của loài người và nhân dân Việt Nam.
Ngược lại, tôi đã tước bỏ hết mọi màu sắc, mùi vị đề cao Trung Quốc ở trong cuốn sách. Với cây bút của tôi, Nguyễn Đức Thuận không còn tôn thờ Lôi Phong, Lưu Hồ Lan nữa.
Trước khi làm việc với Nguyễn Đức Thuận, tôi đã bỏ ba buổi nghe hết băng ghi âm bài nói của anh ở trường Nguyễn Ái Quốc. Rồi sau đó có một buổi làm việc khá căng với anh. Tôi đưa ra ba ý kiến: một, viết hồi ký của anh, tất nhiên tôi tôn trọng sự thật anh đã trải nhưng tôi được độc lập xử lý kinh lịch của anh theo nhận thức và cảm xúc của tôi và anh hãy yên tâm, tôi đã làm như thế khi viết cho Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Bùi Lâm; hai, nghe anh nói ở Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy anh chỉ nhấn đến tinh thần quyết tử nhưng theo tôi, chúng ta cần ca ngợi cả tinh thần quyết sống, bởi nếu chỉ quyết tử không thôi thì có lẽ chúng ta sẽ giống như lính Lê Dương, tôi cần nói rõ như thế với anh vì tôi sẽ hỏi anh nhiều cái về đời sống tình cảm yêu ghét của cá nhân anh (chính với tinh thần này mà tôi đã viết Phan Trọng Bình có thói quen rằm nào cũng cố nhòm trăng sáng qua mái nhà tù); ba, anh nói mỗi khi gần bên cái chết anh lại thấy Lưu Hồ Lan đứng ở trên đỉnh vinh quang chói loà giơ tay vẫy và anh thì cố gắng trườn lên, theo tôi như thế mà vào sách thì không ổn một chút nào. Hiểu chuyện Thuận trong lúc thập tử nhất sinh thấy Lưu Hồ Lan như tấm gương sáng cũng chỉ là sản phẩm của tinh thần noi gương, học tập Trung Quốc mà xưa nay đảng ra sức giáo dục cho toàn đảng mà thôi, tôi nói hơi mạnh:
- Tôi nghĩ ở các bộ mặt Việt Nam, chúng ta không thiếu hình tượng anh hùng để học hỏi đâu. Vả chăng tại sao chúng ta không đề cao một anh hùng Việt Nam cho nước ngoài cũng học tập chứ? Kết quả Võ Thị Sáu đã ra mắt thay cho Lưu Hồ Lan trong Bất Khuất.
Năm 2008 trong một quyển sách xuất bản về Nguyễn Đức Thuận, người ta đã đăng một bài của Nguyễn Đức Thuận viết năm 1964: “Sống như Lôi Phong, chết như Ruồi Trâu, Võ Thị Sáu”. Theo Bất Khuất, biên tập viên mới chỉ thay Lưu Hồ Lan bằng Võ Thị Sáu chứ chưa tước bỏ Lôi Phong…
Một điều cần nói nữa: 1965, viết Bất Khuất tôi ngỡ lên án việc đày đoạ con người. Thì hai năm sau nổ vụ án xét lại và tôi là nạn nhân.
Và tôi bắt đầu lờ mờ nhận thấy ngoài bồi bút, tôi mang hai bộ mặt lệch nhau: om xòm ở tư cách kẻ lên án và câm nín với vai tội phạm bị đàn áp man rợ của chính bản thân.
Thêm nữa, đảng đang chuẩn bị đánh Mỹ ở cả nước, cần ra Bất Khuất rồi phát động thanh niên, quân đội học tập để đề cao tinh thần hy sinh, chịu đựng gian khổ, hăng hái lên đường vào chiến trường. Ba thế hệ đẻ vào những thập niên 40, 50 và 60 đều học mệt.
Theo lời Hai Khuynh, cựu bí thư Sóc Trăng rồi thư ký Nguyễn Văn Linh và cuối cùng Tổng biên tập báo Đại đoàn kết thì lúc đang rầm rộ li khai, xé cờ, tố Cộng (chính đảng viên tố cáo cộng sản), Lê Đức Thọ ra một nghị quyết hình như là BCT/01 nói phàm đảng viên li khai, chào cờ, tố Cộng là phải khai trừ. Nhưng bí thư Trung ương cục miền Nam (Cục R) Nguyễn Văn Linh thảo một nghị quyết (hình như số 03) chủ trương ai khai báo để tổn thất nghiêm trọng cho đảng và quần chúng thì mới bị khai trừ.
Cho nên một hôm Lê Đức Thọ bảo tôi rằng, Hai Khương, cũng nguyên phó bí thư Xứ uỷ, sắp ra Hà Nội, có lẽ cậu phải ký tên cậu để nếu Hai Khương chửi Thuận đã phê phán nó li khai thì cậu đứng ra nhận hết thay cho thằng Thuận. Khương là người ở trong tù tranh luận với Thuận về ly khai hay không đấy.
Hai điều bị thắc mắc nhiều ở hồi ký là việc Thuận đứng đèn mấy nghìn oát và nhịn uống 18 ngày. Tôi đã phải nói cái này là do Sáu Thọ. Bắt phải giữ bí mật thủ đoạn của anh chị em tù. Cấu viết là khi bắt đứng đèn, hai cảnh sát trong nhóm tra tấn thường bỏ đi thì Thuận liền lăn ra chân tường, thằng cảnh sát còn lại không thể vào ôm tù để giữ cho đứng đèn tiếp cho nên chỉ chửi bới với đấm đá thôi, cậu viết thế chúng nó rút kinh nghiệm đem trói gô thằng tù vào ghế đặt vào dưới đèn thì có chết chúng nó không? Còn khi tù tuyệt thực thì nhà tù cấm uống nước, lúc ấy anh em tù thường mượn cớ đi làm cỏ vê ném vào cho những bao bố tẩm đẫm nước. Thọ bảo cậu viết thế nó rào nghiến dây thép gai lại thì đám tuyệt thực chết hết!

CHƯƠNG 26
http://vnthuquan.net/userfiles/images/chu%20cai/cotich_C.png    
Con gái tôi ra đời lúc 3 giờ 15 phút chiều. Đúng 3 rưỡi, Tuyết Minh, vợ Lê Vinh Quốc, bí thư đảng uỷ Bệnh viện C điện thoại báo tin cho tôi ngay. Chị bị đưa về bệnh viện C làm bí thư đảng uỷ vì tội “bỏ Tổ quốc” của chồng.
Sáng sau tôi vào thăm. Con gái nằm ở một phòng tập trung nhiều cháu sơ sinh khác. Hồng Linh bảo tôi nom con xấu lắm. Mắt sưng như hai quả nhót còn môi thì như có hai con đỉa bám vào… Tôi không thấy sao hết. Vừa mừng vừa thẫn thờ. Thương con rồi sẽ chịu đựng bom đạn ra sao…
Đến trưa, tôi rủ Trần Châu tới Bách hoá Tràng Tiền mua cái chậu tắm tráng men trắng tinh cho con gái. Hai anh em sắp bước xuống đường sang bên hè nhà Lafont Lacaze xưa, tôi chán nản nói: Je maudis la guerre, elle abrutit l’ homme. Mình nguyền rủa chiến tranh, nó vũ phu hoá con người. Nói tiếng Pháp như sợ có người nghe thấy. Chiến tranh đang là nguyện ước nung nấu sôi sục, rủa nó là nguy hiểm. Phẩm chất cao quý nhất bây giờ là dám đánh nhau, hy sinh tất cả mà.
Lúc ấy giữa ngã tư rộng vắng trưa hè, tôi thấy bơ vơ lạ lùng. Tôi không thích Mao, mặc dù ông người Hồ Nam, cũng là con cháu của Thần Nông, cụ năm đời của Lạc Long Quân đẻ ra vua Hùng, mặc dù trong con gái tôi có một nửa máu Hán, tôi ngờ ông ta ầm ầm phèng la cổ động cho việc mở cái sòng bài máu này là có dụng ý thâm hiểm không thể nói ra, cái dụng ý mà lúc ấy tôi ngu không nhìn ra nổi. Cứ ngỡ ông bảo vệ nhắng chủ nghĩa. Ông thiết cái miếng cho dân tộc ông chứ đâu phải là giữ cái tiếng trong sáng cho Mác, Lê-nin. Anh nào ngây ngô thì mắc bả ông.
Sáng hôm sau Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang. Con gái tôi ra đời trúng vào vận hội “nghìn năm có một” quật ngã đế quốc đầu sỏ nên rửa tội trong khói lửa!
Nghe Nguyễn Thành Lê, phó Tổng biên tập nói đến chữ “cơ hội ngàn năm” trong cuộc họp nghiêm trọng và lặng như tờ của toà soạn đêm hôm thông báo Việt Nam chiến tranh với Mỹ, tôi hết sức phản cảm. Ôi, chiến tranh mà là cơ hội nghìn năm có một! Và tôi liền nghĩ ngay: ý này chắc chắn của Mao Trạch Đông!
Ngay hôm sau, Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang, trận bom đầu tiên vào sát Hà Nội. Tôi tự rủa thầm: Đúng là ghét của nào trời trao của ấy! Anh ghét bom đạn thì đó, cho anh nếm mùi ngay sau hôm con anh ra đời!
Cháy rần rật mấy ngày. Khói đen đầy trời. Tàu sân bay Mỹ Constellation ở cách Đức Giang 150 dặm (240 km) mà trông thấy khói đám cháy.
Tối tôi đến Kỳ Vân. Thì báo động. Hai đứa xuống đứng ở ngõ hông nhà. Tôi hỏi làm thế nào cho đất nước khá ra chứ cứ vác rá đi xin về đánh nhau mãi hay sao?
- Kinh tế tự do thì khá!
Tôi nhìn anh. Kỳ Vân cười:
- Nông dân vừa được giải phóng đã tước luôn ruộng đất và cùm ngay chân tay họ ở trong hợp tác xã. Nghe Mao nói tiến lên hợp tác hoá không được chậm như bà già bó chân mà. Tàu nó bảo sao là bào hao làm vậy. Đánh Mỹ là gây đại loạn như Mao hô để cho Trung Quốc được nhờ mà. Cách mạng là đại loạn, không phải là ăn tiệc, nhảy đầm nhưng Mao vẫn ăn tiệc, nhảy đầm.
Nhìn khói đầy trời, tôi rất chán, tự nhiên đâm ra tầm thường muốn bên xứ sở của Mao cũng khói bom dầy đặc thế này.
Sáng sau vào bệnh viện thăm vợ con. Gặp báo động - ngày mười mấy lần báo động. Tôi đứng ở bậc lên xuống toà nhà chính bệnh viện sát đường Trường Thi. Dưới bậc tam cấp là một dẫy hầm gạch nửa ngầm nửa lộ có nắp bê tông. Các cô y tá theo nhau khiêng từng cáng lội xuống hầm ngập nước đến đầu gối, hơn một chục cháu sơ sinh nằm ngang thân cáng, những mảnh gạc nhuộm mầu cỏ úa phủ kín đi tất cả. Ngỡ như đang cố tình từ bỏ con, tôi rớm nước mắt nhìn đám rước nhếch nhác những thiên thần giấu mặt thiêm thiếp hưởng cơ hội nghìn năm có một trong tiếng vo ve của đám mây muỗi bé xíu, những con muỗi cũng lần đầu ra trận.
Để lên dây cót cho dân Hà Nội sau trận bom Đức Giang, ta làm một cuộc thị uy sức mạnh bằng hạ uy thế kẻ thù: tổ chức toà án nhân dân xét xử phi công tù binh Mỹ tại sân vận động Hàng Đẫy. Trước đó cho áp giải tù binh đi diễu qua nhiều đại lộ. Đồn rằng đây là sáng kiến của Tố Hữu. Khi Mỹ ném bom Thanh Hoá và đe ném Hà Nội, Tố Hữu nói một câu xanh rờn chủ nghĩa lạc quan cách mạng: Ra đây, giỏi thì cứ ra đây, xin mời, sẵn sàng đón đây, nào! Tôi rất khó chịu nghe báo Nhân Dân truyền đạt hào khí này.
Chiều hôm ấy, hai ba ngày sau bom Đức Giang, Nguyễn Tuân và tôi ra Cổ Tân uống bia. Chợt người ào ào từ sau Nhà hát lớn chạy tới. Giải tù binh! Chúng tôi bèn về quán bia ngã tư Tràng Thi - Quang Trung, chỗ sau này là nơi bán vé của hãng Air France. Tình cờ Tô Hoài cũng vừa đến. Cùng lúc, đoàn tù binh hiện ra ở đầu ngã tư công an Hàng Trống.
Khoảng hai trăm tù binh phi công Mỹ xếp hàng đầy hết lòng đường đi tới. Quần áo bà ba mầu xám khói nhạt. Tôi giật mình: tất cả đoàn người bị trói kia sao quá giống hệt nhau? Ở chiều cao, ở khổ người, ở dáng đi, ở nét mặt, ở tư thế và thần thái. Lầm lũi ngửng đầu nhìn thẳng vào cái không gian bao quanh đằng đằng sát khí và tiếng la ó. Thoáng rất nhanh tôi ngỡ xem một tập quần tượng đài di động được một đạo diễn tài ba điều khiển. Nhà đạo diễn đó là ý thức về giá trị tự thân.
Và rất nhanh lại nghĩ ai đó đã dựng nên tập thể điêu khắc này để đối lại tượng đài Nạn nhân các trại tập trung Quốc xã.
Dân hai bên đường hò hét, đánh đấm, ném đá. Những cái đầu tù binh quay ngoắt tránh đá, tránh đấm rất nhanh. Những con mắt không một lúc nào cầu van, nao núng…
Ba chúng tôi đứng lặng trên hè. Tương quan sức mạnh quá chênh nhau tự nhiên làm se lòng. Đoàn tù binh đã đến đoan cuối, chợt Tô Hoài nhào xuống đường, nhảy vội lên đấm một cái trượt vào mặt một người tù binh đi ở ngoài cùng.
Anh trở lại, tôi hỏi khẽ:
- Đánh người ta làm gì?
- Xung quanh căm thù như thế chả lẽ ba đứa mình đứng yên? - Tô Hoài che miệng tủm tỉm cười.
Tôi biết anh muốn tránh đòn dư luận cho cả ba. Anh rất hiểu đời. Anh biết cần yên để viết, chớ trêu ngươi, trêu là toi sự viết đấy. Trên cái bàn con con rất thấp của anh ở ngay bên trái cửa vào nhà, cạnh bức chân dung anh do Nguyễn Sáng vẽ - mà bàn tay rất được chú ý đặc tả - anh để tấm huân chương kháng chiến chống Pháp trong khung kính. Cười bảo tôi: “Công an đến thấy thì đỡ lôi thôi”.
“Toà án nhân dân” kiểu cải cách ruộng đất kịp thời giải tán ngay sau cuộc bêu tù binh. Sài Gòn đe trả miếng y như thế. Cũng bêu tù Việt Cộng. Thế giới tố cáo Hà Nội vi phạm luật quốc tế về tù binh. Còn tù binh Mỹ về trại nhất tề tuyệt thực.
Sau ta đưa họ đến giam ở gần những trọng điểm hoặc sơn cầu Long Biên để Mỹ không dám đánh phá. Mấy cô diễn viên trong Khu văn công đến biểu diễn cho các mâm pháo gần nhà máy điện Yên Phụ về nói: Đang hoá trang cho tiết mục sắp diễn cứ thấy, hế lô hế lồ gọi. Nhìn sang bên nhà máy điện thì thấy mấy chú Mẽo bị giam trong đó. Các chú bám mép tường nhoi lên gọi, vẫy, hôn gió. Đồ quỷ, vào tù còn hám gái thế chứ lại.
- Mà phải là gái đẹp và gái chiến thắng cơ! - tôi nói.
Phải nhận là Mỹ kỳ quặc! Sau khi bình thường hoá bang giao năm 1995, bổ nhiệm đại sứ đầu tiên sang mà kén một tù binh cũ từng bị giam sáu năm rưỡi ở Hà Nội. Không ngại mất thể diện ư? Mà ông đại sứ vừa sang là te te lao xuống ngay Hải Dương tìm cảm ơn người du kích năm nào bắt được mình.
Và ông ta thì mới giải lời thề để từ căm thù Việt Nam chuyển sang hữu ái, thân thiện với ngay những người từng đã hành hạ ông cực kỳ độc ác.
***
Suốt 1966, tôi bận với Bất Khuất. Ngoài làm việc với Thuận, còn gặp khoảng bốn chục anh chị em tù như Phan Trọng Bình, Trần Quốc Hương, chị Khánh Phương… Nghe anh Bửu, quê Hoài Nhơn, Bình Đình kể đời anh, tôi vừa ghi vừa khóc ròng. Xen giữa là những chuyến thăm vợ con sơ tán trên tận Ca Sơn, Chợ Đồn, Phú Bình, Thái Nguyên. Cụ Bồ râu năm chòm như sóng dào dạt cho mượn một góc vườn hoang để Linh tự tay dựng lấy một gian lều. Cái lều này một tuần liền trống hoác, Linh chưa pha tre kịp để đan cửa. Con cụ Bồ đi lính vào Bê. Cụ thì thào:
- Đài ta chỉ thấy nói nó chết… nhưng mà đánh nhau thì cũng như xay lúa ấy chứ anh nhỉ, cả hai má cối đều cùng mòn chứ phải không anh? Lâu quá chẳng thấy thư thằng con tôi…
- Cụ ơi, má cối cũng có số. Trời thương thì rồi về.
Có chuyện trời thương thật. Máy bay Mỹ một hôm ầm ầm bay qua, rất thấp. Có lẽ nhòm xem các băng rôn lính Trung Quốc căng trắng sườn đồi: Kháng Mỹ viện Việt, Đả đảo đế quốc Mỹ. Linh vội bế con gái nhảy xuống hố cá nhân ở đầu giường. Chợt Linh giơ con gái lên trên miệng hố và theo bản năng tôi vội đỡ lấy. Linh đu người lên mặt đất. “Rắn! Bò vào chân Linh, còn ướt đây này”. Tôi nhìn xuống. Một con rắn lục dài khoảng 25 phân đang ngóc đầu. Trời lạnh có lẽ nó rơi xuống hố ngủ đông…
Và con cụ Bồ về thật. Gần vĩ tuyến, đi cùng hai anh lính thì bị pháo 105 li bắn. Một quả pháo nổ bên cạnh. Hai anh đi đầu và đuôi chết, mình con cụ Bồ sống.
Chủ nhật 22 tháng 4, tôi đến thăm mẹ vợ chữa lao ở bệnh viện Thái Nguyên sơ tán về giữa rừng Phúc Trừu vùng chè Tân Cương. Vừa đến chân dốc thấy bệnh nhân ngồi chồm hỗm trên đỉnh đồi đồng loạt nhìn tôi cười thì ngờ ngay là có tin xấu. Quả vậy. Mẹ Linh chết thứ Sáu, ngày 20, bệnh viện đoán con rể Chủ nhật lên thăm nên hoãn chôn.
Cùng bệnh viện làm biên bản trao nhận các thứ sơ sài còn lại của người chết. Lật chiếu đầu gường thấy tờ giấy bạc năm đồng gấp tư như một chúc thư tối giản gửi lại, tôi bật khóc.
Kiên cường sống, kiên cường chịu đựng, chống đỡ rồi nghèo đói, hoạn nạn tay trắng vô cố nhân ra đi.
Tôi mang về cho Linh một hộp sắt chữ nhật cũ đựng ít đồ khâu trong có một hộp sắt nhỏ tròn mầu đỏ trước đựng thuốc ho pastille và một chiếc kéo mạ kền xinh xinh. Nhìn hai cánh kéo, tôi nghĩ đến một thế đứng ba lê. Cho rằng mẹ cất riêng vào đấy để thỉnh thoảng mở ra nhìn cho đỡ nhớ con gái. Lần trước tôi lên, mẹ hỏi: “Linh rồi đẻ con gái hay con trai?” cái cười quá hiền lành. Như lép vế nữa, không biết tại sao… hay người ốm nặng đều thấy kém phận như thế?
Rời bệnh viện sau khi chôn cất, tôi về tới lều nhà thì trời xẩm tối. Má nói gì? Linh hỏi. À, má lại hỏi rồi đây Linh đẻ con trai hay con gái. Má có vẻ yếu đi, tôi nói.
Tuần sau, đúng ngày Quốc tế Lao động, tôi đạp xe lên. Thấy dân chạy đông bên đường kháo: “Đánh nhau ầm ầm”.
Mấy cái máy bay rơi, ta lại tưởng nó nên cứ vỗ tay hoan hô. Ai ngờ ta. Mấy anh lái cháy ra than cả. Tôi là lạ vì nghe trong lời nói như có vẻ cười cười. Giống các bệnh nhân cười khi tôi đến bệnh viện thì lại gặp mẹ đã chết.
Chập choạng tối tới nhà. Linh đang ngồi làm cá trước lều. Những con cá lành canh bé tí teo. Linh khẽ lấy hai ngón tay nặn ruột cá. Những mảnh vẩy li ti lấp lánh - mà tôi nghĩ là chất liệu của các vì sao sớm trên kia - lẫn vào những bọng ruột nhỏ như chiếc đầu kim mọng đỏ. Tôi ngồi xuống bên.
Như linh tính báo trước, Linh hỏi khẽ:
- Má làm sao phải không?
- Má mất rồi. Ngày 20 tháng 4 tây.
Một tiếng “ớ!”. Bàng hoàng một tiếng. Như túm níu hẫng phải một cái gì. Rồi hai ngón tay dừng nặn. Những vẩy cá chợt càng lấp lánh, các đầu kim mọng đỏ càng bụ hơn, bóng đẹp, tròn xoe hơn, nữ trang hơn. Rồi rơi lên tất cả những lấp lánh chất liệu của sao, của những nụ hoa đỏ bầm là hai giọt nước mắt. Hai giọt nữa. Hai giọt nữa… Trong vắt. Nhỏ nhoi. Không một tiếng kêu. Không một tiếng nức nở. Im lặng hoàn toàn. Thanh lọc…
Hai tháng sau cháu ngoại của bà ra đời là gái. Linh thích chữ Mây. Cố giữ cho tên thuần Việt, tôi bèn đệm Áng. Cháu sống ở vùng Chợ Đồn, Ca Sơn, Phú Bình, Thái Nguyên hơn một năm trời. Cho tới lúc nghe mẹ nói ông trăng kìa thì ngửa mặt lên cười. Biết ngửa mặt nhìn trời nữa khi nghe nói máy bay. Lúc ấy không cười mà hơi rúm người lại quờ quờ hai tay giơ về phía mẹ.
Tôi rất buồn bảo Linh:
- Từ bé đã thế này thì dân ta giỏi sợ nhất thế giới rồi đây.
Cách Trường múa sơ tán nửa cây số, quân đội Trung Quốc kháng Mỹ viện Việt đóng khá đông. Người con rể thứ hai của má Linh, anh em cọc chèo với tôi lúc đó ở đơn vị này. Cái gì run rủi khiến Lương Cơ Văn ở Phúc Kiến lại về quanh quẩn ở cả đây khi mẹ vợ chết? Sau này Cơ Văn bảo tôi: Chúng em sang thấy người Việt Nam khổ quá…, em vẫn dấm dúi cho họ. Có người nhận còn chắp tay vái.
Lương Cơ Văn không biết dân Việt sau này nhất tề nói quân Trung Quốc mượn cớ chống Mỹ sang vét về nước kho vàng châu báu ông cha ngày xưa chôn giấu lại. Đào công sự trong lòng núi là để moi vàng. Không, còn chôn giấu súng ống ở dọc hai bên đường họ mới mở để phòng sau này cần đến thì móc lên dùng với ta.
Dân, tai mắt của đảng nhưng khác đảng. Không biết “bốn phương vô sản đều là anh em”. Mà có biết thì cũng không dại tin như đảng.

No comments:

Post a Comment