Monday, March 31, 2014

“KÝ ỨC VỀ CỤ PHAN BỘI CHÂU”

- Cố GS Nguyễn Thiệu Lâu (1916-1967) 

Cách đây thấm thoát đã hai mươi năm rồi (1), tôi có ở Huế, nhà ở trên dốc Bến Ngự, gần nhà cụ Phan.
Tôi đã được cụ cho hầu chuyện nhiều lần.
Trước đây, mười mấy năm, tôi có dịp vào Huế, có lên viếng mộ cụ, đặt ngay trong vườn nhà cụ ở trước.
Bây giờ, nhớ tới cụ, tôi chép ra đây một vài ký ức.
* * *
Hồi đó tôi giảng học ở Trường Khải Định (1939), giảng về môn Sử ký và Địa lý. Vốn ngưỡng mộ cụ đã lâu, nhưng không biết làm thế nào được cụ cho tiếp kiến, tôi bèn nhờ một vị phụ huynh học sinh nói trước xem cụ có cho tôi được gặp cụ không. Cụ trả lời tương tự như sau này:

“ Các ông Tây học như bây giờ, khó nói chuyện với các ông ấy lắm, vả lại tôi già rồi, lẩm cẩm, lỡ có câu gì lầm, không những người ta sẽ cười mà còn có thể mang vạ đến mình”.
Vị đó khẩn khoản mãi Cụ mới ưng thuận cho tôi đến hầu một buổi sáng Chủ nhật.
Lên khỏi dốc Bến Ngự, đến chỗ đất bằng qua ngã ba chùa Từ Đàm, ở bên tay trái, bên cạnh đường là nhà Cụ.
Một cái cổng tre con, ở giữa một hàng rào cây xanh, một cái sân đất, ở giữa có trồng mấy cây cảnh lơ thơ, rồi đến một cái nhà tranh, ba gian hai trái.
Trước khi tôi lên trên hè thì thấy một thanh niên độ hai mươi lăm tuổi, chân đi đất, quần nâu, áo cánh trắng, ở cửa bên, trong căn nhà đi ra.
-“ Thưa, ông lại gặp Cụ tôi?
-“ Thưa vâng.
-“ Mời ông vào chơi, Cụ tôi có nhà.
Qua cửa, tôi thấy ở gian giữa, trên một bộ ván thấp, có trải một cái chiếu đã cũ, ngồi tựa lưng vào bàn thờ gỗ mộc, trên có bộ đồ thờ gỗ mộc, giữa chiếu đặt tích nước, đĩa chén, ngọn đèn hoa kỳ và cái điếu cầy: Đó là Cụ Phan.
Cụ mặc cái quần nâu đã cũ, cái áo cánh kiểu Huế, có nút cài dưới nách. Cụ ngồi, nhưng tôi nhận thấy Cụ, thân hình vạm vỡ, trán hói thật cao, bộ râu dài, đôi mắt sang quắc…
Tôi vái chào Cụ, Cụ vẫn ngồi, nhưng ngẩng đầu về đằng trước, miệng nói “Chào ông”, và tay chỉ chỗ cho tôi ngồi trên chiếu.
-“ Thưa Cụ, con không giám thất lễ.
Rồi tôi tìm một cái ghế đẩu, đem lại ngồi né một góc bộ ván.
Người thanh niên lúc nẫy rót nước mời tôi.
Cụ rít một điếu thuốc lào rồi thở khói lên trần nhà. Tôi không quên được bức tranh tuyệt đẹp là cái gương mặt phương phi, cái trán cao, bộ râu dài và bạc phơ của Cụ, lộ dần ra…Trong đám khói trắng.
Rồi Cụ hỏi tôi về việc dậy học ra làm sao, học trò có đông không, có chịu học không, vân vân…
Xong tôi vấn an Cụ. Trong mấy câu Cụ trả lời, tôi còn nhớ câu: “ Ông trông, tôi chưa chết ”.
Câu chuyện chẳng có gì đặc biệt, nhưng cũng kéo dài đến nửa giờ.
Tôi thấy các trẻ em độ mười đến mười lăm tuổi, chân đi đất, đầu húi trọc, áo cánh, cắp mấy quyển vở giấy bản, tốp hai, tốp ba, qua cổng đi vào.
-“ Ấy, mấy cậu học trò tôi.
-“ Thưa, Cụ dậy học?
-“ Có chứ! Dạy cho vui, Vả lại, tôi biết dăm ba chữ, bảo lại cho lũ trẻ…
Tôi muốn ở lại xem Cụ dạy học, nhưng lại sợ đột ngột quá, nên tôi xin Cụ cho phép được về.
Cụ dặn rằng: “Đã biết tôi, thỉnh thoảng ông sang chơi bên tôi cho vui.”
Tôi chắp tay vái Cụ xin về. Cụ vẫn ngồi yên, tựa vào bàn thờ, rít một hơi thuốc lào thật dài; rồi vừa thở khói, vừa gật đầu.
Sau cuộc gặp Cụ đầu tiên, tôi thường cứ dăm ngày lại hầu chuyện Cụ. Cụ coi tôi như con cháu trong nhà.
Buổi chiều thường về mùa Hạ, từ bốn năm giờ cho đến tối, Cụ ngồi uống rượu một mình.
Mâm rượu thường chỉ có vài bìa đậu phụ, quả khế, quả ớt, thỉnh thoảng vài ba miếng thịt.
Nhiều khi tôi sang, thuờng gặp Cụ đương uống rượu, Cụ cho ngồi vào hầu và thật là những dịp rất may mắn cho tôi, để nghe Cụ kể những mảnh đòi bôn ba chìm nổi của một nhà cách mạng, trong khoảng ba mươi năm hoạt động, lúc thăng lúc trầm…
Tôi nghe Cụ chỉ thấy tâm hồn tôi dần dần thu thập được ý nghĩa Quốc gia, và Dân tộc; phải gian lao mới có thể dành độc lập cho quốc gia, và giải phóng được dân tộc.
Nhưng tôi đã rất tiếc là đã không ghi được những tài liệu lịch sử Cụ cho về Hoàng Hoa Thám, về đời cách mạng của Cụ ỏ Tàu, ở Nhật, về Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, về các vụ bạo động ở Hànội.
*  *  *
Một hôm Cụ đang nhắm rượu với mấy quả mơ xanh chấm với muối, Cụ hỏi tôi tựa như sau này:
“ Trong Tam-Quốc có đoạn nói về Tào-Tháo uống rượu nóng với mơ xanh mà bàn luận anh hùng với Lưu-Bị.
Ý ông về quan niệm của Tào-Tháo như thế nào?”.
Tôi không biết trả lời ra sao.
Cụ tiếp: “ Tào-Tháo hẹp hòi lắm. Người anh hùng là người có chí lớn và có lòng kiên nhẫn và có tài để thực hiện chí đó. Nhưng thành hay bại, không do mình định trước được. Nếu thành thời lịch sử ghi tên, nếu bại thời là vô danh anh hùng…”
-“ Thưa, chắc Cụ đã biết nhiều vị cách mạng của ta bị thất bại.
-“ Tất cả các nhà cách mạng là anh hùng…
Hai con mắt mơ màng, Cụ đã không trả lời câu hỏi của tôi, chắc Cụ đã nghĩ tới các vị đồng chí của Cụ.
Rồi, chậm rãi Cụ tiếp: “Thất bại là lỗi tại mình. Nhưng cũng vì thời cơ chưa đến…Vả lại, người ta quá khôn, dân ta quá dại.”
Tôi hiểu Cụ ám chỉ “người ta” là ai? (2)
Cụ không nói thêm nữa.
Tôi hiểu Cụ ám chỉ “người ta” là ai?
Bây giờ sau hai mươi lăm năm Cụ dạy, tôi nhận thấy là “người ta”, vì quá khôn nên đã thất bại nhục nhã, còn dân ta, sau khi dại, đã trở nên khôn.
Nhưng sự khôn này đã phải trả bằng biết bao nhiêu thế hệ, và thứ nhứt, mới đây, biết bao hy sinh sương máu mà trong hơn muời năm trời dân chúng điêu linh. Mà số các vị anh hùng nam, nữ đã có hàng triệu là vô danh anh hùng. “Người ta” quá khôn, nhưng cái khôn này là cái tham vô độ, thời tham mãi sao được?
Một buổi chiều mùa Hạ, tôi sang hầu Cụ, thấy Cụ ngồi ở ngoài sân. Trên một cái chõng.
Cụ đang đọc sách.
Tôi mạn hỏi sách gi.
Cụ nói bộ sách Xuân Thu
Rồi Cụ giảng cho tôi rất nhiều về Hán học.
Cụ ngồi tựa vào cái gối gỗ, dưới đất là ấm nước và một cái tô. Cụ uống một tô đầy, rít một điếu thuốc lào, trong cái điếu cầy tre, rồi Cụ bảo:
- “Tôi không mời ông sang uống nước, vì là nước vối. Nhà hết trà. Có người bà con ở Hànội vào cho ít lá vối khô và vài bánh thuốc lào Vĩnh Bảo.”
Cụ nói câu đó rất tự nhiên, vì tính Cụ tự nhiên lắm.
Bây giờ tôi mới thấm thía.
Được Cụ giảng cho ý nghĩa kinh Xuân Thu, nhưng Cụ không cho uống nước vối vì Cụ nghĩ rằng nước vối là thứ nước của người nghèo.
Nghèo như Cụ mới thật là sang.
Tôi nhân dịp hỏi Cụ về các sách Cụ trước tác, về bộ Ngục Trung thư  và bộ An nam vong quóc sử
Cụ trả lời, và hai con mắt sáng quắc trở nên mơ màng:
- “Tôi trót đã viết hai bộ sách đó vì nó ghi tên tôi để lại…Nhưng ông kiếm mà xem kể cũng không vô ích…
Các con Cụ có cho tôi biết là Cụ để lại một chúc thư mà Cụ Huỳnh Thúc Kháng giữ.
Chúc thư này đã được đăng ngay trên báo Tiếng Dân ở Huế.
Tôi có lại tòa báo, xin yết kiến Cụ Huỳnh và xin Cụ cho biết vài đoạn bị kiểm duyệt.
Cụ Huỳnh bảo tôi:
-“ Đây là chúc thư của Cụ cho dân tộc. Người ta kiểm duyệt vài đoạn, ông chưa nên biết vội.”
Năm 1946, Cụ Huỳnh ở Quảng-Nam ra Hànội, tôi có được Cụ Huỳnh cho tiếp kiến và tôi cũng có dịp được gần Cụ.
Có một lần, nhắc lại chuyện xưa và xin Cụ cho biết sơ qua mấy đoạn bị kiểm duyệt. Cụ trả lời:
-“ Biết làm gì? Hành động là đủ, theo gương Cụ.”
Cụ Huỳnh mất vào năm 1947, nghĩa là bẩy năm sau Cụ Phan. Chắc ở dưới suối vàng, Cụ đã kể cho Cụ Phan tất cả những sự gì xẩy ra trên đất Việt Nam, từ ngày kẻ khuất người còn…từ năm 1940 đến năm 1947.
Mộ Cụ Huỳnh đặt trên núi Thiên-Ấn (Quảng Ngãi).
*  *  *
Tang thương biến cải, con người trôi nổi như cái bèo, cái bọt trên dòng nước lũ, lắm khi nhớ tới người xưa, tôi nghe văng vẳng bên tai câu của Cụ Phan: “người ta quá khôn, dân ta quá dại” và câu của Cụ Huỳnh :” Hành động là đủ, theo gương của Cụ.”

No comments:

Post a Comment