Theo nguồn tin từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đánh đi từ Washington DC hôm
nay 25 tháng 9 năm 2014 thì ông Trần Tư, một tù nhân chính trị với bản án
chung thân, chấp hành án tại trại giam Ba Sao, Nam Hà đã được phóng thích vào
ngày 24 tháng 9 và vừa về đến gia đình tại số nhà 23 Đường Số 10, khu phố 4,
phường An Phú, quận Hai, Sài gòn vào lúc 5 giờ sáng hôm nay, giờ Việt Nam. Điện Thoại: (+84)942 305 591
Xin được nhắc lại rằng Ông Trần Tư sinh ngày 20
tháng 01 năm 1941 trong một gia đình Công Giáo tại làng Phủ Cam, xã Thủy Trường
quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, nay là phường Phước Vĩnh, thành Phố Huế. Là
cựu học sinh trường Pellerin từ năm 1952 cho đến năm 1959, là một trong những
học trò cưng của ba vị Bề trên Frère Jérôme, Frère Antonin, và Frère
Camille.
Năm 1960, ông Trần Tư nhập ngũ, được huấn luyện thành hạ sỹ quan thông dịch viên tùng sự trong một đơn
vị thuộc Lực Lượng Đặc Biệt của Quân Đội Đồng Minh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt
Nam. Sau năm 1975, ông Trần Tư không ra trình diện ban quân quản Sài gòn để tập
trung cải tạo mà trốn về Miền tây tìm đường vượt biên và ông đã bị bắt, bị đưa
đi cải tạo tại trại giam K1, Cái Tàu, thuộc V 26 Bộ Công An, nằm trên địa bàn
huyện U Minh, tỉnh Minh Hải từ năm 1976 cho đến năm 1981.Thầy Giáo Anh Ngữ Trần Tư tại trại tỵ nạn Panatnikhorn, Thái Lan |
Năm 1986 ông Trần Tư vượt biên thành công đến
trại tỵ nạn Panatnikhom Thái Lan, nơi ông đã phục hoạt Liên Đoàn Hướng Đạo Sinh
La Vang để trợ giúp đồng bào tỵ nạn trong trại, đặc biệt, với sự trợ giúp của
tổ chức COERR, ông Trần Tư đã thành lập Trung Tâm Giảng Dạy Tiếng Anh cho người
tỵ nạn tại các trại Panatnikhom, Sathu và Sikiw trước khi ông được đến định cư
tại Ontario, California, Hoa Kỳ vào cuối năm 1986.
Ông Trần Từ tại California |
Không lâu sau khi được định cư tại Hoa Kỳ, ông Trần Tư đã thành
lập công ty dịch vụ du lịch ASIA TRAVEL nhằm tạo lợi tức để giúp đỡ cho các
thuyền nhân còn kẹt lại tại các trại tỵ nạn ở Thái Lan.
Sau 4 năm định cư tại Hoa Kỳ, vào năm 1990 ông Trần Tư nhập nội
trong vai một nhà từ thiện, về ủy lạo quần áo, thuốc Tây và sữa bột cho các bệnh
nhân Phong đang điều trị tại trại phong Thanh Bình, xã An Khánh, Thủ Thiêm, bên
kia sông Sài gòn. Trong chính thời gian về nước làm từ thiện này, ông Trần Tư
đã xây dựng và phát triển được Liên Đảng Cách Mạng Việt Nam, một tổ chức chính
trị xã hội nhằm tập hợp những người yêu nước có khát vọng chấn hưng dân tộc,
quang phục quê hương và đấu tranh một cách ôn hòa nhằm giành lại tự do dân chủ
và nhân quyền cho dân tộc Việt Nam.
Năm 1993, lần thứ hai ông Trần Tư trở về Việt
Nam để tiếp tục kiện toàn tổ chức và phát triển đội ngũ của Liên Đảng Cách Mạng
Việt Nam cũng như để phổ biến phương hướng đấu tranh mới trong tình hình thế
giới có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là sự sụp đổ hoàn toàn của các nước
cộng sản ở Đông Âu. Không may là ngay sau khi về đến Sài gòn chưa hoạt động
được bao lâu thì ông Trần Tư đã bị bắt giữ.
Cơ quan an ninh của CSVN tiến hành khám xét
nhà của ông ở gần Giáo Xứ Thiên Thần, tại số 354 thuộc Khu An Bình, An Phú, quận
Thủ Đức, và đã tịch thu một số tài liệu của tổ chức cùng số hiện kim là 195.000
Đô La Mỹ. Với chứng cứ là các tài liệu về dân chủ, nhân quyền và về phương
hướng đấu tranh ôn hòa cùng với số tiền gần 200.000 Mỹ Kim được phát hiện tại
nhà, ông Trần Tư bị tòa án của CSVN tại Sài gòn xét xử và kết án tù chung thân
với tội danh âm mưu lật đổ chính quyền.
Sau khi bị kết án tù, ông Trần Tư bị đưa ra thi hành án tại trại
tù A20 Xuân Phước, ở một thung lũng Tử Thần tại huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
Đến ngày 28 tháng 10 năm 1994 sau một vụ nổi dậy của các tù nhân chính trị tại
đó, bộ công an CSVN đã chuyển ông Trần Tư cùng một số tù chính trị trọng phạm
như Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt, Giáo Sư Nguyễn Đình Huy, Thượng Tọa Thích Hải Đăng,
ông Trương văn Sương, ông Lê Trọng Quang, Trần Mạnh Quỳnh, Lý Tống cùng hàng
trăm tù chính trị khác ra Bắc, giam giữ tại trại tù Ba Sao, Nam Hà. Với chế độ
tù đày khắc nghiệt, đói khát triền miên, bệnh tật không thuốc men điều trị,
trong điều kiện thời tiết quá cực đoan, không ít tù nhân đã vĩnh viễn gởi lại nắm
xương tàn ở nhà tù nhỏ đó.
Một số tù nhân khác còn sống sống sót đã lần lượt đã mãn án tù
và đã trở về với gia đình. Một số khác có quốc tịch Mỹ đã được sự can thiệp của
chính phủ Mỹ và đã được trở về Mỹ như các anh Lý Tống, Jimmy Quỳnh. Riêng ông
Trần Tư, vì mới là thường trú nhân của Hoa Kỳ, nhưng chưa nhập quốc tịch, nên
không được sự can thiệp của chính phủ Mỹ, lại do tinh thần quật cường, bất khuất
của một cựu quân nhân QLVNCH cùng chí hiên ngang của một tù nhân chính trị, ông
Trần Tư đã không cúi đầu trước bạo quyền, không khuất phục trước chế độ cộng sản,
và luôn nêu cao dũng khí của một huynh trưởng Hướng Đạo trước các tên giám thị
và cán bộ quản giáo, nên ông vẫn tiếp tục bị giam cầm bị hành hạ tại nhà tù nhỏ
Ba Sao, khi đến nay ông đã bước sang tuổi 72, với ngót 20 năm tù đày lao lý.
Có một điều cần được minh bạch ở đây là khi ông Trần Tư bị cơ
quan an ninh của cộng sản bắt giam và kết án tù chung thân với tội danh âm mưu
lập đổ chính quyền, dù không có bất cứ bằng chứng nào mang tính chất bạo lực về
hoạt động lật đổ chính quyền của ông Trần Tư mà chỉ có một số tài liệu về các
cuộc Cách Mang Nhung ở Ba Lan và Đông Âu và cùng với số tiền 195.000 Mỹ Kim mà
cơ quan an ninh đã thu giữ như là một bằng chứng để chúng buộc tội ông âm mưu lật
đổ chính quyền. Trong khi đó, những người thuộc tổ chức của ông Trần Tư ở hải
ngoại thì hoàn toàn làm ngơ trước bản án tù chung thân mà nhà cầm quyền CSVN đã
tuyên phạt ông, bởi trong tổ chức đã một số người đã vu cáo rằng ông Trần Tư đã
biển thủ số tiền 195.000 Mỹ Kim đó để mua đất, sắm nhà cho vợ con ở Sài gòn, thật
oan khuất cho một chính khách đã dấn thân, đã hy sinh tất cả mọi phúc lợi của bản
thân, của gia đình khi đã định cư trên đất Mỹ, đã thành lập được ASIA TRAVEL với
lợi tức hàng trăm ngàn Mỹ kim mỗi năm, để trở về xây dựng cơ sở, kiện toàn tổ
chức để đấu tranh cho quê hương được tự do, cho dân tộc hưởng đầy đủ các quyền
làm người.
Để minh oan cho tù nhân chính trị Trần Tư, chúng tôi đã liên lạc
với các tổ chức Human Rights Watch Asia và với Amnesty International và được họ
cung cấp biên bản tịch thu số hiện kim khi họ tiến hành khám xét tư gia của ông
tại Sài gòn. Chúng tôi xin phép được đăng tải biên bản khám xét và tịch thu tài
liệu và tiền bạc của cơ quan an ninh Việt Nam khi họ bắt giam ông Trần Tư với
mong mỏi các chiến hữu của tù nhân Trần Tư xóa bỏ định kiến và những nghi hoặc
về hành động biển thủ số tiền 195.000 Mỹ kim của tổ chức mà suốt cả một thời
gian dài họ đã nghi oan cho ông Trần Tư. Ngay khi chưa nhận được biên bản khám
xét và tịch thu tang vật này, chúng tôi đã hoàn toàn tin vào sự trong sáng của
tù nhân chính trị Trần Tư, bởi một người đã từng thừa hưởng một nền giáo dục
căn bản của các frère ở trường Pellerin, là một giáo dân có lòng tin kính như
ông lại được trưởng thành trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa và khá thành đạt
trong lĩnh vực kinh doanh du lịch tại Hoa Kỳ thì ông Trần Tư không phải là hạng
người “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” để đổi lấy cuộc đời tù ngục bằng một
số tiền không bằng lợi tức hàng năm của ông như thế.
Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị Và Tôn Giáo Việt Nam hân đón mừng
chí sỹ Trần Tư, một người tù xuyên thế kỷ vừa rời khỏi địa ngục trần gian, Xin
chúc mừng bà Nguyễn Ngọc Hoa và đại gia đình sắp được đoàn tụ với người chồng,
người cha vì đáp đền nợ non sông mà đã lụy vòng lao lý ngót phần tư thế kỷ.
Cũng theo nguồn tin từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thì Tổng Lãnh Sự
Quán Hoa Kỳ đã đến thăm hỏi sức khỏe và đang hoàn thiện hồ sơ xuất cảnh để người
tù bất khuất Trần Tư được sớm trở về Hoa Kỳ đoàn tụ với gia đình
Mong rằng các tổ chức và cá nhân đang hoạt động vì dân chủ nhân
quyền cho Việt Nam, các cựu tù nhân chính trị kịp thời ghé qua thăm gặp và chúc
mừng chí sỹ, người bạn tù bất khuất Trần Tư trước khi ông rời Việt Nam vào những
ngày sắp tới
Nguyễn
Thu Trâm, 8406
No comments:
Post a Comment