Tổng Thống NGÔ ĐÌNH DIỆM |
Luật sư Lâm Lễ Trinh mạn đàm với cựu đổng lý Quách Tòng Đức
Tuy là bạn tâm giao với người viết
từ lâu, ông Quách Tòng Đức luôn luôn tỏ ra dè dặt và thận trọng khi nhắc đến những
năm dài làm Đổng lý Văn phòng cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, vị lãnh tụ khai
sáng nền Đệ nhứt Cộng hoà Việt Nam. Sau chính biến 1.11.1963, ông Đức trở lại
ngành Tư pháp và được thăng chức Chủ tịch Tham Chính Viện 1969. Tháng 4.1975,
Sàigòn thất thủ, ông và gia đình xin tị nạn chánh trị tại Paris. Chánh phủ Pháp
tuyển dụng ông vào Phòng Tố tụng Tổng quát của thị xã Paris, thời Thị trưởng
Jacques Chirac. Ông về hưu đầu năm 1984. Nay 89 tuổi, trí tuệ còn minh mẫn tuy
sức khoẻ không tốt như trước. Gần đây, trong những lần gặp nhau lại ở Pháp cũng
như qua nhiều cuộc điện đàm có ghi âm, ông Đức đã chịu thố lộ với người viết
nhiều điều liên hệ đến giai đọan chín năm phục vụ vị nguyên thủ quốc gia
bị sát hại năm 1963.
Lần
đầu gặp chí sĩ Ngô Đình Diệm
Ông Quách Tòng Đức (QTĐ) sanh tại An xuyên năm
1917, thuộc một gia đình trung lưu, đậu cử nhân và Cao học Luật Đông Dương năm
1941, Đại học Hà nội, sau khi lấy bằng tú tài tại trường Pétrus Ký, Sài gòn.
Ông thuộc toán cử nhân đầu tiên gồm có Nguyễn Thành Cung và Lê Văn Mỹ thi đậu
năm 1942 vào ngạch huyện, phủ tại Miền Nam VN mà cấp bậc cao nhứt là Đốc phủ sứ
thượng hạng ngoại hạng tương đương với chức Tổng Đốc đứng đầu tỉnh ở ngoài
Trung và Bắc. Khi vua Bảo Đại chỉ định Trần Văn Hữu lập Chánh phủ, Thủ hiến Nam
Việt Thái Lập Thành (xuất thân là một Đốc phủ sứ như các ông Nguyễn Ngọc Thơ,
Lê Tấn Nẩm, Dương Tấn Tài, Lê Quang Hộ …) bổ nhiệm ông QTĐ năm 1951 làm
Chánh Văn phòng và thiếu tá Dương Văn Minh, Chánh Võ phòng. Năm 1953, thủ
hiến Thành và Thiếu tướng Chanson bị nhóm Cao Đài kháng chiến của Trình Minh
Thế ám sát tại Sa déc trong một cuộc kinh lý.
49 ngày sau Điện Biên Phủ thất thủ, tức là
26.6.1954, Bảo Đại giao cho cựu Thượng thơ Ngô Đình Diệm lập chánh phủ, thay
thế hoàng thân Bửu Lộc. Trước đây, ông Diệm đã ba lần từ chối lời mời của Bảo
Đại: năm 1937, 1945 và 1948. Ông giao thiệp thân tình với nhà cách mạng Phan
Bội Châu lúc sanh tiền, có ghé Nhựt năm 1950 để hội kiến với Kỳ ngoại hầu Cường
Để và, theo một số sử liệu, từng lãnh đạo Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội
trong nước. Có lúc ông bị Việt Minh bắt giữ và – khác với Bảo Đại - đã
cương quyết bác bỏ lời mời của Hồ Chí Minh làm Cố vấn cho Chánh phủ do Hồ dựng
ra.
Hiệp định Genève, ký ngày 20.7.1954, chia đôi VN
nơi vĩ tuyến 17. Trong đám đông quần chúng đón tiếp nồng nhiệt Thủ tướng
Diệm tại phi trường Tân Sơn Nhứt có ông Nguyễn Ngọc Thơ, nguyên bí thơ của Toàn
quyền Decoux, cùng đi với ông QTĐ. Thủ tướng Diệm – kiêm luôn Quốc phòng và Nội
Vụ – mời ông Thơ tham gia Nội các với tư cách Bộ trưởng Nội vụ. Ông Thơ chọn
ông Đức làm Đổng lý Văn phòng năm 1954. Ngày 23.10.1955, một cuộc trưng cầu dân
ý truất phế Bảo Đại. Ngày 26.10.1956, từ Thủ tướng trở thành Tổng thống,
ông Diệm thiết lập nền Đệ nhứt Cộng hoà VN. Quân đội tổ chức một cuộc diễn binh
huy hoàng tại đại lộ Trần Hưng Đạo Sàigòn dưới quyền điều khiển của Dương Văn
Minh, vừa vinh thăng Thiếu tướng sau khi tảo thanh xong Bình Xuyên taị Rừng
Sát. Ông QTĐ thay thế Đổng lý Tôn Thất Trạch cuối năm 1954 và
giữ chức vụ này cho đến ngày Quân đội đảo chánh năm 1963.
Nhận xét về mối liên hệ của TT Diệm với gia đình.
Theo ông QTĐ, năm 1954 chánh phủ Pháp trả trước
dinh Gia Long ở đường Gia Long, và sau khi quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam, nhà
cầm quyền Đệ nhứt cộng hoà mới thu hồi Dinh Toàn quyền Norodom, đổi tên thành
Dinh Độc lập, trên đại lộ Thống nhứt. Dinh này đươc kiến trúc sư Ngô Viết Thụ,
khôi nguyên La Mã, xây cất lại hoàn toàn sau ngày 27.2.1962 vì Dinh bị hai phi
công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử dội bom hư hại khá nặng.
Dinh Độc lập chia làm hai tầng: tầng dưới có hai
phòng khánh tiết tráng lệ và các Văn phòng của Cố vấn Ngô Đình Nhu, Bộ trưởng
Phủ Tổng thống, Đổng lý Văn phòng, Tổng thơ ký Phủ Tổng thống và nhân viên.
Tầng trên chia làm ba phần: phía trái dành làm Văn phòng và phòng ngủ của Tổng
thống, phòng sĩ quan tuỳ viên; ở giữa có hai phòng tiếp tân khang trang; phiá
phải là nơi cư ngụ của gia đình ông bà Nhu gồm có hai trai, hai gái. Tổng thống
Diệm thích làm việc trong phòng ngủ, trang trí sơ sài với một cái giường
nhỏ bằng gỗ, một bàn tròn và ba ghế da. Nơi đây, Tổng thống thường dùng cơm và
tiếp các Bộ trưởng và tướng lãnh.
Gia đình Tổng thống rất trọng Nho giáo. Hằng năm
vào Tết Nguyên đán, luôn luôn tụ họp đông đủ ở Phủ Cam, Huế, để chúc thọ bà cụ
Ngô Đình Khả giao cho người con áp út Ngô Đình Cẩn săn sóc ngày đêm. Ông bà Ngô
Đình Khả có chín người con: 6 trai, 3 gái. Trưởng nam, Tổng đốc Ngô Đình Khôi
và con trai là Ngô Đình Huân bị CS giết năm 1945. Ba người con gái là bà Ngô
Đình Thị Giao tức bà Thưà Tùng, bà Ngô Đình Thị Hiệp tức bà Cả Ấm, thân mẫu của
Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận và bà Ngô Đình Thị Hoàng tức bà Cả Lễ, mẹ vợ của
Nghị sĩ Trần Trung Dung. TT Diệm là người con trai thứ ba trong gia đình nhà
Ngô, sanh năm 1901 taị Huế, được vua Bảo Đại bổ nhiệm năm 1933, Thượng thơ đầu
Triều lúc 33 tuổi nhưng ông Diệm sớm rũ áo từ quan vì thực dân Pháp không
chấp nhận chương trình cải tổ rộng lớn của ông.
Sau ngày ông Khôi qua đơì, Tổng giám mục Ngô
Đình Thục, trở nên người anh cả “quyền huynh thế phụ”. Đức cha được kính nể và
có nhiều ảnh hưởng đối với TT Diệm. Ông QTĐ cho biết, lúc còn ở Vĩnh Long, Giám
mục Thục vài tuần có về Saigon ngụ trong Dinh. Ông Ngô Đình Luyện, con út trong
gia đình, đại sứ ở Luân Đôn, năm khi mười họa mới về nước nghỉ phép hay để dự
các phiên họp của Hội đồng Tối cao Tiền tệ mà ông là một thành viên, hay để dự
các phiên họp của Hội đồng Tối cao Tiền tệ mà ông là một thành viên. Ông Đức
không nhớ có lần nào gặp ông Cẩn trong Dinh Độc Lập.
Văn phòng Đổng lý không làm việc thẳng với Cố
vấn Nhu. Ông Nhu có nhân viên riêng trong Sở Nghiên cứu Chánh trị Phủ Tổng
thống mà người giám đốc đầu tiên là đốc phủ sứ Vũ Tiến Huân, Tham lý
Nội An Bộ Nội vụ, về sau thay thế bởi bác sĩ Trần Kim Tuyến. Văn phòng
của Sở Nghiên cứu xử dụng một ngôi nhà riêng trong hàng rào Dinh Độc lập. Vài
tháng trước vụ binh biến 1.11.1963, Tuyến bị thất sủng, trung tá Phạm Thư
Đường thay thế. Tuyến được bổ nhiệm làm Tổng lãnh sự (hụt) tại Le Caire,
trở lại VN và liên hệ đến một nhóm âm mưu đảo chánh. Đảo chánh thành công, bs
Tuyến bị Hội đồng Cách mạng đày ra Côn Đảo (tỉnh trưởng là trung tá Tăng Tư)
trên một năm cùng với lối 200 nhân vật chế độ cũ gồm có Ngô Trọng Hiếu, Cao
Xuân Vỹ, đại tá Nguyễn Văn Y, Hà Như Chi, Dương Văn Hiếu…. Ông QTĐ không thể
xác nhận tin nói rằng trước ngày 1.11.1963, ông Nhu đã giao cho người em vợ là
Trần Văn Khiêm điều khiển cơ quan mật vụ. Khiêm bị nhiều tai tiếng, từng cộng
tác với Văn phòng của luật sư Trương Đình Dzu, ứng cử viên Tổng thống thời
Thiệu-Kỳ. Vụ Khiêm giết cha mẹ là ông bà cựu đại sứ Trần Văn Chương taị Hoa kỳ
sau 1975 làm dư luận xôn xao. Toà án Mỹ tha Khiêm với lý do Khiêm bị bịnh tâm
thần và trục xuất Khiêm khỏi Hoa kỳ. Khiêm hiện sống bình thường ở Pháp. Có sự
điều đình chánh trị gì bên trong vụ án này?
Khi được hỏi cách cư xử của TT Diệm với bà Nhu
(nhũ danh Trần Lệ Xuân), ông Đức cho biết “ông cụ có vẻ nể và ủng hộ bà Nhu”
trong vụ tổ chức Phong trào Phụ nữ Liên đới và vận động Quốc hội ban hành Bộ
Luật Gia đình cấm ly dị. Tổng thống cho rằng bà Nhu hành động như vậy là giúp
cải tổ xã hội. Tuy nhiên, những kẻ xấu miệng lại cho rằng Bộ Luật Gia đình nhằm
mục tiêu riêng: ngăn luật sư Nguyễn Hữu Châu ly dị với vợ là Trần Lệ Chi, chị
của bà Nhu. Ngoài chức vụ dân biểu Quốc hội, bà Nhu còn là chủ tịch Phong trào
Phụ nữ Liên đới. Khi tiếp quốc khách, bà Nhu đóng vai trò Đệ nhứt Phu nhân vì
Tổng thống độc thân. Tuy bất bình về những lời tuyên bố châm dầu vào lửa của
người em dâu trong vụ Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 11.6.1963 (đặc biệt với câu
“monks’ barbecue”), ông Diệm không công khai phủ
nhận vì ngại đụng chạm đến ông Nhu vào một giai đoạn rối như tơ vò. Chính ông
Nhu, với tánh hay nhường nhịn cho yên nhà yên cửa, cũng không kiểm soát nổi lối
phát ngôn của vợ. Bà Nhu hiện có một cuộc sống kín đáo, đơn sơ, nặng về tôn
giáo, qua lại giữa Paris và Rome, tất cả con cái đều thành tài [tác giả viết
bài này năm 2005]. Trưởng nữ Ngô Đình Lệ Thủy chết trong một tai nạn lưu thông
sau 1975. Sự bất hạnh không ngớt đeo đuổi gia đình nhà Ngô. Thời gian gần đây,
bà Nhu thay bà Luyện để tổ chức hằng năm tại Paris một lễ cầu hồn cho TT
Diệm và ông Nhu. Trong số ít người còn lui tới với bà Nhu, có vợ chồng cựu bộ
trưởng Lao động Hùynh Hữu Nghiã. Ông Nghĩa qua đời năm vừa rồi [2004].
Về tin đồn Đức cha Thục làm kinh tài (khai thác
lâm sản, mua thương xá Tax, làm chủ nhà sách Albert
Portail..v..v..), ông Đức cho rằng TT Diệm tin TGM Thục không làm điều gì quấy,
ngài phải kiếm tiền nuôi sống trường Đại học Đà Lạt do Ngài thành lập. Trải qua
một cuộc đời sóng gió và gặp nhiều hiểu lầm với Toà thánh Vatican sau 1975,
TGM Ngô Đình Thục được Giáo hoàng phục hồi chức tước, về hưu ở Hoa kỳ và
đã ra đi bình yên tại một Viện dưỡng lão công giáo thuộc tiểu bang
Missouri.
Ông QTĐ xác nhận ông Ngô Đình Nhu chẳng những là
lý thuyết gia mà còn là bộ óc của Đệ nhứt Cộng hoà, “l’homme
indispensable, nhân vật cần thiết”. Ông xuất thân từ ÉØcole des
Chartes Paris, trầm tĩnh, ít nóí, lạnh nhạt bên ngoài, thích nghiên cứu lịch
sử, có nhiều sách hơn đồng chí. Trong lối ba năm chót của chế độ, dù giữ quyền
quyết định cuối cùng trong mọi việc, TT Diệm thường phê chuyển các hồ sơ chánh
trị quan trọng qua cho ông Nhu để lấy ý kiến, không kể những cuộc gặp mặt thảo
luận riêng hằng ngày. Ông Nhu làm việc âm thầm, cần mẫn, hút thuốc liên hồi
(mỗi lần nửa điếu, do sự can ngăn của bà Nhu) trong một văn phòng không rộng,
đầy ngập sách vở, ánh sáng mờ mờ, ở tầng dưới Dinh Độc lập, có gắn máy lạnh và
interphone với bên ngoài. Ông thường phê vào các công văn với một cây bút
chì mỡ màu xanh lá cây. Ông là cha đẻ của Đảng Cần Lao, dựa vào thuyết Nhân
Vị, Personnalisme, đúc kết hai xu hướng của triết gia
công giáo Emmanuel Mounier (1905-1950) và Jacques Maritain (1882-1973).
Ông phát động và thực hiện kế hoạch quốc phòng Ấp chiến lược từng gây
khiếp đảm cho CS Bắc Việt. Quốc sách này được thành lập bởi Nghị định số 11-TTP
của Tổng thống và ông Nhu là Chủ tịch Uy ban Liên bộ đặc trách Ấp chiến lược.
Ông Nhu cũng cho thành lập Phong trào
Thanh niên và Thanh nữ Cộng hoà giao cho Cao Xuân Vỹ phụ trách. Ông đẩy mạnh tổ
chức Lao động ở Việt nam và nâng đỡ Trần Quốc Bửu. Đại tá CIA
Lansdale (người đã ủng hộ Magsaysay trở thành Tổng thống Phi Luật Tân năm 1952)
giúp ông móc nối với Lực lương kháng chiến Cao Đài để đưa tướng Trình Minh Thế
về với Quốc gia. Ngoài chức Tổng Bí thơ Đảng Cần Lao (tổ chức theo mô
hình đảng Cộng sản, với một Quân ủy trong Quân đội), có một lúc ông Nhu là dân
biểu Quốc hội. Ông không bao giờ tháp tùng Tổng thống trong các cuộc kinh lý.
Săn bắn là thú tiêu khiển yêu chuộng của ông và đồng thời là cơ hội tìm nơi yên
tịnh để suy nghĩ.
Ông đại sứ Luyện, gốc kỹ sư, tánh tình cởi mở,
thích giao du với bạn bè mỗi khi về VN nhưng không có nhiều ảnh hưởng vì không
xen vào vấn đề nội trị. Ông là bạn học của cựu hoàng Bảo Đại, sống taị Luân đôn
và đại diện VNCH ở nhiều xứ Âu châu và Phi châu. Sau khi vợ trước qua đời, ông
Luyện tục huyền với em vợ và có rất đông con. Bà Luyện sống ở ngoại quốc nhiều
hơn và ít khi xuất hiện. Sau 1963, ông Luyện daỵ toán taị một trường tư
thục Paris, sau đó sang Phi châu làm việc một thời gian, tình trạng khá
chật vật khi về hưu. Ông có qua Hoa Kỳ vài lần để thăm Đức TGM Thục, không có
liên lạc với bà Nhu, và ông đã quá vãng ở Pháp năm 1982.
Cho đến cuối năm 1961, vai trò của ông Ngô Đình
Cẩn, Cố vấn lãnh đạo Miền Trung, trái lại, rất hệ trọng về mặt an ninh và đoàn
thể. Ông Cẩn không ăn học cao nhưng nắm vững tình hình địa phương, có óc tổ
chức, luôn luôn trang phục theo lối Việt, áo dài, khăn đống, ăn trầu, (từ đó
biệt danh “Ông Cố Trầu”), độc thân, thích hút thuốc Cẩm Lệ, đan
rổ, làm vườn, nuôi thú, nuôi chim. Ảnh hưởng của ông lan vào Miền Nam với những
điệp vụ mang danh nghĩa chiêu hồi của Đoàn Công tác Đặc biệt do Dương Văn Hiếu
quán xuyến, sự hiện diện của Nguyễn Văn Hay trong cương vị phó TGĐ taị Tổng nha
Cảnh sát Công An Sàigòn và các hoạt động của cánh Cần Lao do nha sĩ thân tín
Phan Ngọc Các điều khiển. Sau 1.11.1963, viên lãnh sự Mỹ Helble taị Huế
không cho Cẩn và thân mẫu được tị nạn chánh trị taị Toà lãnh sự trong khi trước
đó, cơ quan USAID Sàigòn chứa chấp Trí Quang nhiều ngày. Lúc vừa bị bắt, ông
Cẩn có chỉ cho tướng Đỗ Cao Trí tịch thu tại nhà ông ở Phú Cam, dưới gầm
giường, “một bao bố và một va-li đựng quý kim” (đọc hồi ký Dòng họ Ngô Đình của
Nguyễn Văn Minh, bí thơ của N Đ Cẩn, trang 307). Ông Cẩn bị Hội đồng Quân
nhân Cách mạng, thời Nguyễn Khánh, xử tử vào lúc 6 giờ 30 chiều ngày 9.5.1964
taị sân sau khám Chí hoà, Sàigòn. Luật sư bào chữa là Võ Văn Quan. Cố vấn
Cẩn tỏ ra bình tĩnh tại pháp trường, tuyên bố tha thứ cho các người tuyên án
ông và xin đừng bị bịt mắt nhưng không được chấp nhận. Nếu gia đình thỏa
thuận lấy của đổi mạng, ông Cẩn có thể đã thoát chết. Vụ tống tiền này đã được
cố nghị sĩ Trần Trung Dung và cố trung tướng Lâm Văn Phát xác nhận với người
viết sau 1975.
Được hỏi về tin đồn có sự cạnh tranh ảnh hưởng
chánh trị giữa Nhu và Cẩn, ông QTĐ nói chỉ nghe nói phong thanh. Vào tháng
10.1963, ông Cẩn nhận được lệnh của TT Diệm ngưng mọi hoạt động về đoàn thể và
đóng cửa Văn phòng Cố vấn chỉ đạo ở ngoài Trung gồm có Hồ Đắc Trọng và đại úy
Nguyễn Văn Minh. Hình như sự hiện diện của TGM Ngô Đình Thục tại Huế đã bó tay
ông Cẩn phần nào. Ông Cẩn không dám phê bình chị dâu tuy không ưa bà Nhu. Trong
phạm vi cá nhân, ông Cẩn giữ liên lạc tốt với Thượng tọa Trí Quang nhưng điều
này không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Phật giáo. Hoa kỳ và Cộng sản đã
nhúng tay quá sâu.
Người viết có yêu cầu ông QTĐ cho biết trong gia
đình họ Ngô, ai là người gây tiếng tăm bất lợi cho chế độ. Suy nghĩ một
phút, ông Đức đáp: TGM Thục và bà Nhu. Đặc biệt trong giai đọan Phật giáo. Đức
cha ảnh hưởng quá nặng ngoài lãnh vực tôn giáo. Bà Nhu xen quá sâu vào chính
trị, điều ít thấy trong giới phụ nữ VN. Ngó từ bên ngoài, năm anh em Ngô Đình
rất khắng khít, mỗi người giúp tay tích cực xây dựng chế độ trong một lãnh vực.
Sự đoàn kết ấy được diễn tả trong huy hiệu Đệ nhứt cộng hoà: năm cành trúc kết
thành một bó, dưới khẩu hiệu “Tiết trực Tâm Hư.” Tuy
nhiên, mỗi nhân vật có cá tánh riêng, nhận định không luôn luôn nhất thống, đôi
khi còn mâu thuẫn. Đó là hậu quả khó thể tránh trong một chế độ dựa vào gia tộc
để lãnh đạo. Phe chống đối cũng như Hoa kỳ và Cộng sản đều khai thác
triệt để và dễ dàng nhược điểm này.
Dư luận cho rằng trong năm chót của chế độ,
trước cuộc binh biến 1.11.1963, ông Nhu – trên thực tế – là một “Tổng thống
không ngôi” vì có nhiều quyền lực, làm lu mờ vai trò của ông Diệm nhưng quyền
bính hiến định vẫn ở trong tay ông Diệm bị tấn công tứ phiá, bên trong lẫn
ngoài nước. Không có một văn kiện chánh thức nào bổ nhiệm ông Nhu lẫn ông Cẩn
làm Cố vấn Chánh phủ. Chính các đoàn thể chánh trị ở Miền Trung mời ông Cẩn
làm “Cố vấn Chỉ đạo” và
dành cho ông danh xưng nầy. Có lúc dư luận cảm thấy ông Diệm cần ông Nhu hơn là
ông Nhu cần ông Diệm. TT Diệm không thể tách rời khỏi ông Nhu đóng vai
trò “l’âme damnée, linh hồn đày đọa”. Đó là đầu
mối thảm trạng xảy ra cho hai người vào giờ phút chót.
TT Diệm tưởng lầm có thể dùng uy tín cá nhân để
bảo vệ sanh mạng của bào đệ. TT Diệm cũng tưởng lầm khối tướng lãnh chấp nhận
điều đình với ông. Phần đông tướng lãnh kính nể TT Diệm nhưng tất cả ngán sợ
ông Nhu vì ông Nhu lắm mưu mô, nhiều bản lãnh. Sự ngán sợ đã trấn áp lòng
nể trọng và dẫn đến quyết định hy sinh vị nguyên thủ quốc gia. 3 giờ trưa ngày
1 tháng 11, lúc tiếng súng đang nổ lớn, TT Diệm điện thọai cho đại sứ Lodge:
Một cuộc điện đàm ngắn ngủi, đầy phẫn nộ trong khuôn khổ ngoại giao. Khi
hay hai ông Diệm, Nhu thoát khỏi Dinh Gia Long đêm1.11.1963, nhóm phản lọan “run đến phát rét” và một tướng cầm đầu định “trở cờ”, theo sự tiết lộ của Tổng thống Thiệu
trước khi qua đời với người viết. Conein thúc phe phản lọan phải bắt sống cho
kỳ được hai ông Diệm, Nhu. Conein nói suồng sã: “On ne fait pas l’omelette sans
casser les oeufs, Không thể rán trứng mà không đập bể trứng
!”, theo Trần Văn Đôn kể lại trong Hồi ký.
TT Diệm không chiụ ra lệnh cho một số đơn vị võ
trang trung thành phản công quân đảo chánh vì muốn tránh cảnh nồi da xáo thịt,
làm suy giảm tiềm năng kháng cộng. 4 giờ sáng ngày 2.11.1963, hai tư lệnh
Quân khu thân tín ở Vùng I và II là tướng Đỗ Cao Trí và Nguyễn Khánh tuyên bố
ủng hộ Hội đồng Cách Mạng. Hy vọng cuối cùng tan biến. Hai giờ sau, Tổng
thống cho phép đại úy Đỗ Thọ, sĩ quan tùy viên, điện thoại cho chú y là đại tá
Đỗ Mậu yêu cầu cho xe đến đón tại Nhà thờ Cha Tam Chợ lớn. Lúc 6 giờ và 6 giờ
45 sáng ngày 2.11.63, TT Diệm đích thân điện thoại cho các tướng Minh,
Đôn và Khiêm để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Dương Văn Minh chỉ định Mai
Hữu Xuân, Nguyễn Văn Quang, Dương Ngọc Lắm, Dương Hiếu Nghĩa và Nguyễn Văn
Nhung (tên vệ sĩ đã từng thủ tiêu xác của Ba Cụt) đi đón, với chỉ
thị riêng thanh toán hai ông Diệm, Nhu, trước khi về tới Bộ Tổng tham mưu. Thái
thú Cabot Lodge nhắm mắt trước vụ mưu sát bỉ ổi này mà ông có dư quyền chận lại
nếu muốn. Đây là một vết nhơ không bao giờ rửa sạch trong lịch sử đại cường Hoa
kỳ. Tổng thống Kennedy (lãnh tụ đảng Dân chủ) quá yếu đuối, để cho thuộc hạ lật
đổ ông Diệm một cách vô trách nhiệm, với sự a tùng của viên đại sứ đồ tể Cabot
Lodge (thuộc đảng Cộng hoà). Mai Hữu Xuân (đồ đệ của tên Cò khát
máu Pháp Bazin) sống cô đơn, qua đời tại vùng Bắc Californie vì bịnh tim, nhiều
hôm sau lối xóm mới khám phá được, báo cho cảnh sát. Đại tá Quang (gốc Đaị Việt
và cấp trên của Dương Văn Minh trong Quân đội Pháp) thăng thiếu tướng, một thời
gian ngắn thì chết vì bịnh lao phổi.
Ông Nhu có thiện cảm với Pháp hơn với Mỹ, yếu tố
văn hoá/ giáo dục ảnh hưởng nặng. Ông Diệm lại e dè với Pháp (qua kinh
nghiệm thất vọng thời làm quan dưới triều thực dân) nhưng rốt cuộc, oái oăm
thay, ông trở thành nạn nhân của Mỹ mà ông nghĩ là văn minh và nhân đạo hơn!
Con người của chí sĩ Ngô Đình Diệm.
Nhiều sách vở và tài liệu đã nóí về cuộc đời
chánh trị và riêng tư của TT Ngô Đình Diệm. một lãnh tụ cương trực, khí khái,
chống cộng cố hữu (anti-communiste invétéré) cũng như bướng bỉnh
với đế quốc, bất luận Pháp, Tàu hay Mỹ. Theo ông QTĐ, TT Diệm có cái uy nghiêm
riêng phát xuất từ một gương mặt phúc hậu, một tác phong cương nghị, một giọng
Huế ấm áp, một lối nhìn thẳng vào người đối thoại. Một nốt ruồi đen thấy rỏ
trên gò má dưới mắt trái của Tổng thống được các nhà tử vi xem như báo
hiệu một số mạng nhiều buồn phiền và tang tóc. Ông không nặng lời hay gắt
gỏng với cấp thừa hành, khi không vừa ý.
Phong cách của TT Diệm làm cho những người tiếp
xúc với ông phải kính nể. Sau cái bề ngoài trầm tĩnh, TT Diệm là một con
người cuồng nhiệt, một hỏa diệm sơn, kiên trì trong mục đích, không nhân nhượng
trên những đức tin căn bản. Trong chín năm làm việc tại Dinh, ông Đức cũng có
dịp chứng kiến một ít trường hợp – vì lý do đặc biệt – Tổng thống thịnh nộ,
quát tháo, đập bàn … Những “trận bão” này, tuy nhiên, qua mau, Tổng thống tự
kềm chế cấp thời vì bản tánh của ông bộc trực, không cố chấp, không thâm độc
như Hồ Chí Minh. Ông có thể độc thoại hàng giờ khi nói đến những đề tài mà ông
nghiền ngẫm như chủ thuyết cộng sản, ấp chiến lược, khu trù mật,
dinh điền, cải tổ hành chánh, hay văn hoá Khổng Mạnh. Mái tóc đen nhánh,
dáng người thấp, chân đi hai hàng lạch bạch nhưng mau lẹ. Rất sùng đạo, xem lễ
mỗi buổi sáng tại hoặc một phòng riêng trong Dinh, hoặc nhà nguyện Dòng Chúa
Cứu thế. Trang phục màu trắng, cà vạt đen quanh năm, không thay đổi. Làm việc
bất chấp giờ giấc, với nhịp độ làm các người thân cận mệt nhoài. Khi có vấn đề
khẩn, ông cho mời nhân viên hữu trách vào Dinh để đàm đạo thâu đêm. Bằng không,
ông đọc phúc trình, hồ sơ đến khuya, uống trà, hút thuốc nhưng không bao giờ
hút hết phân nửa điếu thuốc.
TT Diệm kinh lý không biết mệt, có khi mỗi tuần
đi suốt hai ba ngày, đến các tiền đồn hẻo lánh, làng Thượng xa xôi, sử dụng mọi
phương tiện chuyên chở: máy bay, ghe, tàu, xe jeep, trực thăng… Ông không hùng
hồn trước đám đông nhưng rất thoải mái và thân mật ở giữa những nhóm nhỏ, không
quan cách, không mị dân.
Khi nhóm Hội đồng Nội các, Tổng thống Diệm
thường ra ngoài chương trình ấn định, nếu tình cờ gặp một đề tài gây chú ý. Ông
nói say mê, không đầu không đuôi, lắm khi không kết luận. Với tư cách thơ ký
phiên họp, ông QTĐ ghi mệt tay. Lúc bế mạc, các bộ trưởng thường phải nhờ ông
Đức tóm tắt vì suốt chín năm trời làm việc bên cạnh Tổng thống, ông Đức đã quen
và rút kinh nghiệm, tuy đôi lúc cũng đoán lầm.
TT Diệm sống rất nặng về lý tưởng. Con người
Khổng giáo nghiêm khắc và Công giáo khổ hạnh nơi ông có những nhận xét lắm khi
không sát thực tế. Ông thường nhắc rằng người cán bộ trung thành luôn luôn hy
sinh vì đại cuộc mà không cần đến cơm áo, danh vọng và chức tước, một lời khen
của lãnh tụ đủ gây mãn nguyện. Khổ nỗi, không phải cán bộ nào cũng thánh thiện
như thế. Cuộc nổi loạn năm 1963 là một sự cải chính xót xa. Sánh với Hồ Chí
Minh, ông Diệm là một lãnh tụ đức độ thiếu mưu lược, ghét xảo quyệt.
Thú tiêu khiển của TT Diệm không nhiều vì
thiếu giờ rảnh. Ông thích cỡi ngựa ở Đà lạt hay trong vòng rào của Dinh Độc Lập
trong những năm yên ổn. Ông sưu tập máy ảnh, thích chụp hình và rất vui khi
nhận được một máy lọai mới. Chủ tiệm chụp hình Hà Di thường được gọi vào Dinh
về vấn đề chuyên môn. Tổng Thống ăn uống thanh đạm, thường bữa dùng tại ngay
phòng ngủ, do ông già An và đại uý Nguyễn Bằng phục dịch, thực đơn ít khi
thay đổi gồm có cơm vắt, muối mè, cá kho và rau. Tổng thống ít khi đau, lâu lâu
cảm cúm, có bác sĩ Bùi Kiện Tín chăm sóc. Phòng nội dịch không đông nhân viên,
do ông Tôn Thất Thiết phụ trách. Vấn đề tiền bạc riêng của Tổng thống thì giao
trọn cho Chánh văn phòng đặc biệt Võ Văn Hải, ông Diệm không có nhu cầu
lớn. Ông Hải, học trò cũ của GM Ngô Đình Thục, tốt nghiệp Trường Khoa học
Chính trị Paris, cử nhân Hán học, rể của cựu Thượng thơ Nguyễn Khoa Toàn, theo
sát Tổng thống Diệm từ lúc còn bôn ba ở hải ngoại và được ông Diệm thương
như con. Ông Hải chính là người được TT Diệm chỉ định ngày11.11.1960 ra trước
cổng Dinh Độc Lập tiếp xúc với các sĩ quan phản lọan Nguyễn Chánh Thi – Vương
Văn Đông để tìm hiểu yêu sách của họ. Hải chống ông bà Nhu và bác sĩ Tuyến,
giám đốc Sở Mật vụ và cũng không thích ông Cẩn.
Ông Đức còn thêm: Vài hôm sau 1.11.1963, ông có
chứng kiến vụ Hải lập biên bản trao cho đại úy Đặng Văn Hoa, chánh văn phòng
của tướng Trần Văn Đôn số tiền của TT Diệm giao cho Hải cất giữ. Ông Đức
không biết số tiền này được bao nhiêu và lọt vào túi của ai. Nôi hai trang cuối
cùng của hồi ký Việt Nam Nhân chứng, Trần Văn Đôn có ghi rõ Hải đã trao hai số
bạc mặt 2.390.000 đồng và 6.297 Mỹ kim, Dương Văn Minh lấy 6.000 đô và chia cho
Trần Thiện Khiêm 297 đô. Số bạc VN được phân phát cho Tôn Thất Đính, Lê Văn
Kim, Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, Nguyễn Hữu Có, Nguyễn Văn Thiệu, Phạm Ngọc
Thảo, Trần ngọc Tám và Trần Thiện Khiêm, riêng Đôn có nhận 24.500 đồng.
Khi phe quân nhân lên cầm quyền, Võ Văn Hải có
can đảm tổ chức nhóm “Tinh thần Ngô Đình Diệm” và ra
ứng cử dân biểu taị Sàigòn nhưng thất cử. Năm 1974, không hiểu vì sao Hải lại
xoay qua, cùng với Tôn Thất Thiện, ủng hộ nhiệt tình tướng Dương Văn Minh là
người ra lệnh hạ sát hai ông Diệm, Nhu. Hải qua đời trong một trại giam Bắc
Việt sau 1975, đem theo nhiều điều bí mật chưa hề tiết lộ.
Về câu hỏi TT Diệm liên hệ ra sao với đảng Cần
Lao, ông QTĐ cho biết ông Diệm chỉ để ý theo dõi hoạt động của Phong Trào Cách
Mạng Quốc gia (tổ chức nồng cốt của chế độ từ lúc đầu) và Liên đoàn Công
chức Cách mạng, một tổ chức ngoại vi của Chánh phủ. Về chuyện thành lập và sinh
hoạt của đảng Cần Lao, TT Diệm giao hết cho hai ông Nhu và Cẩn. Trong các năm
chót của chế độ, kế hoạch Ấp chiến lược cũng do ông Nhu hoàn toàn phụ trách,
Tổng thống không lưu ý đến như đã từng lưu ý đến kế hoạch Dinh điền hay Khu Trù
mật. Các gương mặt nổi trong hoạt động Cần Lao gồm có các ông Huỳnh Văn Lang,
Trần Kim Tuyến, Lê Văn Đồng, Huỳnh Hữu Nghĩa, Lê Quang Tung, Đỗ Mậu, Nguyễn Văn
Châu, Đỗ Kế Mai, Nguyễn Trân ..v..v.. Bs Tuyến làm việc với ông Nhu, ít khi gặp
Tổng thống, trừ trường hợp đặc biệt. Quyết định đưa Cần Lao vào Quân đội –
tức là chính trị hoá Quân đội – làm yếu Quân đội vì phá vỡ hệ thống quân
giai và làm nản lòng các sĩ quan chuyên nghiệp. Quân đội chỉ biết có Tổ Quốc.
Và phục vụ tổ quốc mà thôi
.
Vụ công điện số 9159
cấm treo cờ Phật giáo và sự trở mặt của các sĩ quan thân tín.
Trong quyển hồi
ký “Dòng họ Ngô Đình”, xuất bản năm 2003 taị Californie, tác giả
Nguyễn Văn Minh, nguyên bí thơ (1956-1963) của cố Ngô Đình Cẩn, ghi nơi trang
164-165: Lối 10 hôm sau vụ nổ lựu đạn giết 7 em bé và một số Phật tử tại đài
phát thanh Huế nhân ngày lễ Phật Đản 1963, Dương Văn Hiếu, trưởng đoàn Công tác
đặc biệt Miền Trung, vào Dinh để phúc trình với TT Diệm, ông Diệm nói với Hiếu
như sau về vụ treo cờ Phật giáo: “Sau đó tôi mới bảo Quách Tòng Đức gởi công
văn nhắc các Tỉnh, chứ tôi có cấm chi mô! Không hiểu taị răng hắn để tới ngày
chót mới gởi công điện. Khi xảy chuyện, tôi kêu vô hỏi, hắn xin thôi. Công
chuyện đổ bể như ri rồi, xin thôi thì ích chi?”. Nguyễn Văn Minh còn viết
thêm ý kiến của Tôn Thất Đính: “Ông Đức đã gởi đi một công điện mà không
tham khảo ý kiến ông Cố vấn Ngô Đình Nhu… Lẽ nào lại tự tiện đánh đi một công
điện như vậy nếu không được tình báo Mỹ tổ chức?”
Được hỏi nghĩ sao về
những đoạn trích dẫn trên đây, ông QTĐ tỏ vẻ rất ngạc nhiên. Ông xác quyết
không bao giờ nhận được lệnh của ông Diệm thảo và gởi cho các Tỉnh trưởng công
điện số 9159 đề ngày 6.5.1963 do ông Nguyễn Văn Minh nêu ra, với nội dung“chỉ
thị cho các cơ quan phụng tự (nhà thờ, chùa chiền… chỉ treo cờ Quốc gia mà
thôi” (nguyên văn). Trước đó, việc treo cờ được giải quyết bởi hai nghị
định số 78 và 189 của Bộ Nội vụ (năm 1957 và 1958) và một sắc lệnh đầu năm 1962
của Phủ Tổng thống nhắc nhở quần chúng tôn trọng Quốc kỳ.
Ông Đức kể lại: Tháng
tư 1963, sau một cuộc thị sát vào mùa lễ Phục Sinh, TT Diệm có chỉ thị cho ông
Đức gởi thông tư lưu ý các giới chức Tỉnh về thể thức treo quốc kỳ VN trong các
ngày lễ đạo, không phân biệt tôn giáo nào: treo trước cổng giáo đường, ở chính
giữa và phiá trên, đúng kích thước, còn các cờ đạo và cờ đoàn thể thì ở vị trí
thấp hơn. Thông tư nhấn mạnh: phiá trong các giáo đường, chùa chiền và những
nơi thờ phượng, giáo kỳ được treo tự do, không giới hạn. Lệnh của Tổng thống
được phổ biến ngay ngày hôm sau.
Theo ông QTĐ, đầu
tháng 5.1963, tại Huế, xảy ra một điều đáng tiếc: Để lấy điểm trong lễ Ngân
khánh 25 năm thụ phong giám mục của Đức cha Ngô Đình Thục, nhà chức trách hành
chánh địa phương đã cho treo cờ Vatican “loạn xạ”, bất chấp thông tư
nói trên. Một tuần sau – ngày 8.5.1983 – vào lễ Phật Đản, các Phật tử cũng tự
tiện treo cờ Phật giáo như thế. Hôm sau, Tỉnh trưởng Thừa Thiên trở lại thi
hành thể thức treo cờ trong thông tư của Phủ Tổng thống nên gây sự phẫn nộ của
Phật tử vì họ cho rằng đây là một biện pháp bất công, kỳ thị. Tại Miền Nam,
theo ông Đức, với 4.800 chùa Phật, không có xảy ra vấn đề như ở Huế.
Ông Đức còn nhớ rất
rành mạch rằng, sau thảm kịch tại Đài Phát thanh Huế chiều ngày 8.5.1963, Tổng
thống có đòi ông vào Văn phòng để đưa cho ông xem, với một gương mặt “mệt
nhọc, buồn rầu và chán nản”, công điện ngày 6.5.1963 nói trên và hỏi “một
cách sơ sài” ai đã gởi đi chỉ thị ấy. Ông Đức trả lời không biết vì trong
sổ công văn gởi đi không có dấu vết của tài liệu vưà kể. Theo ông QTĐ, trong
hoàn cảnh chánh trị dồn dập sôi động lúc đó (Thích Quảng Đức tự thiêu, Quách
Thị Trang bị bắn chết tại chợ Bến Thành, lựu đạn nổ ở Huế, tướng lãnh lập kiến
nghị đòi cải tổ, việc kiểm soát chùa v.v…), TT Diệm rối trí, không còn màng đến
việc ra lệnh điều tra. Ông có lẽ dư biết việc giả tạo công điện 9159 là một đòn
phép mới của phe chống Chánh phủ ( Phật giáo Ấn quang? Tình báo Hoa kỳ? Đảng
phái đối lập? hay Cộng sản?). Vậy việc ông Đức xin từ chức là một điều thất
thiệt. Nghi “tình báo Mỹ tổ chức”ông Đức – như tướng Đính ỡm ờ xuyên
tạc – là một chuyện tưởng tượng rẻ tiền.
Để tỏ thiện chí dàn
xếp, Chánh phủ đồng ý cho hai Ủy ban Liên bộ và Liên phái công bố một thông cáo
chung ngày 16.6.1963 xác định những điểm đã thỏa hiệp về việc treo cờ Phật giáo
và Quốc kỳ, hưá xét lại Dụ số 10 trước Quốc hội vào cuối 1963, tạm ngưng áp
dụng Nghị định của Phủ Tổng thống số 116/TTP/TTK ngày 23.9.1960 ấn định thể
thức mua bán bất động sản và đất đai của Phật giáo, hứa sẽ trừng trị nhân viên
có lỗi và bồi thường các gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, mọi việc đã quá trễ đối
với Hoa kỳ và Bắc Việt.
Trong hồi ký “Ngô
Đình Diệm, Nỗ lực hoà bình dang dở”, (nxb Xuân Thu Californie 1989), nơi
trang 189-190, Nguyễn Văn Châu, nguyên giám đốc Nha Chiến tranh Tâm lý Quân đội
VNCH, trở thành đối lập với Chánh phủ trước cuộc binh biến 1.11.1963, có ghi
lại: Sau 1975, một cựu đại uý Hoa kỳ tên James Scott, liên hệ với CIA và từng
làm cố vấn cho Tiểu đoàn 1/3 thuộc Sư đoàn 1 Bộ binh, thú nhận trong một lá thơ
đăng trên một tuần báo Mỹ rằng chính y đã gài một trái bom nổ chậm chiều
8.5.1963 taị Huế. Sự kiện này cũng được Trần Kim Tuyến, dưới bút hiệu Lương
khải Minh, ghi lại trong hồi ký Làm thế nào giết một Tổng thống? (tập
2, trang 366-370). Theo trung tướng Trần Thiện Khiêm xác nhận với Marguerite
Higgins, tác giả quyển sách Vietnam, Our nightmare, chương VI, Nguyễn Khánh
(nắm quyền sau cuộc chỉnh lý 30.1.1964) đã hy sinh thiếu tá Đặng Sỹ, phó Tỉnh
trưởng Nội an Thừa Thiên, để Thích Trí Quang trì hoãn chống đối. Toà án Mặt
trận xữ Sỹ khổ sai chung thân.
Tình trạng giữa TT
Diệm và Mỹ căng thẳng kể từ muà hè 1962, nổ lớn taị Huế với vụ Phật giáo
8.5.1963. Qua tháng 7, tin đồn đảo chánh lan rộng. Ngày 21.8.1963, đại sứ Lodge
trình ủy nhiệm thơ và bắt đầu móc nối với tướng lãnh. Sau ngày Lực Lượng Đặc
Biệt của đại tá Lê Quang Tung lục soát chùa chiền, các tướng tin cẩn của TT
Diệm đều đổi lòng, theo phe phản loạn, trừ ông Cao Văn Viên trước sau như một.
Ông Đức cảm động khi được biết đại tướng Viên (hiện ở Hoa Thịnh Đốn) đã xác
nhận với người viết rằng sau ngày 30.1.1964 Nguyễn Khánh chỉnh lý ê-kíp Dương
Văn Minh, Nguyễn văn Nhung, kẻ giết hai ông Diệm-Nhu, – từ đại úy thăng thiếu
tá – bị An ninh Quân đội bắt vào giao cho Lực lượng Nhảy Dù của Tư lệnh Cao Văn
Viên canh giữ. Nhung “đã tự treo cổ bằng một sợi giây giày trong khám
đường”, theo lời tướng Viên.
Được hỏi: trong các
tướng thường vô ra Dinh Độc lập, ai là người được sủng ái nhứt, ông QTĐ đáp
không do dự: “Tôn Thất Đính và Trần Thiện Khiêm, mà Tổng thống xem như
người nhà!” Điều này không ngăn Đính và Khiêm đóng vai trò chính yếu
trong cuộc đảo chánh 1.11.1963, hệ trọng hơn cả Dương Văn Minh được chọn làm
bình phong. Chính Trần Văn Đôn, với tư cách người móc nối, đã tiết lộ trong hồi
ký “Việt Nam Nhân Chứng”, rằng Đôn có dò xét tâm ý của Đính và đến
gặp Khiêm bốn lần, lần đầu vào tháng 9.1963, và Khiêm có cho Đôn biết “ông
ta cũng có một kế hoạch riêng do Mỹ chủ trương”. Đôn viết (nguyên
văn): “Tôi khuyên ông ta không nên bàn với Mỹ một việc quan trọng như vậy,
nên bỏ kế hoạch ấy đi!”(trang 193). Trong những biến cố quân sự liên tiếp làm
hỗn loạn Miền Nam từ 1.11.1963 cho đến ngày Tổng thống Thiệu cầm quyền, tướng
Trần Thiện Khiêm đứng sau màn giựt giây chiếu theo lời xác nhận của một số nhân
chứng hàng đầu khả tin. Tới nay, ông Khiêm không đính chánh mà cũng không tiết
lộ gì cả. Liệu tướng Khiêm sẽ ra đi như tướng Thiệu, mang xuống tuyền đài những
bí ẩn đau thương của Đệ nhị Cộng hoà Miền Nam?
Theo QTĐ, Dương Văn
Minh không sâu sắc về chánh trị tuy thời cuộc đưa lên ghế Quốc trưởng hai lần:
sau 1.11.1963 (nhờ Mỹ giúp) và tháng tư 1975 (với sự đồng ý của Bắc Việt). Lần
đầu, Minh tại chức ba tháng; lần sau, được 40 giờ, rồi đầu hàng địch vô điều
kiện. Với tư cách Bộ trưởng Nội vụ, tác giả bài này được chỉ thị đích thân điều
tra mật về trường hợp tẩu tán kho vàng Bảy Viễn chứa trong một thùng kẽm lớn,
theo phúc trình của đại tá Nguyễn Văn Y, Tỉnh trưởng Chợ lớn, phụ tá hành quân
cho ông Minh trong cuộc tảo thanh Rừng Sát. Người viết có mời tướng Minh đến
giải thích. Vì lý do chánh trị, hồ sơ tạm xếp. Bộ Tư lệnh Hành Quân bị giải
tán, tướng Minh được cử làm Cố vấn Quân sự Phủ Tổng thống, một chức vụ tượng
trưng. Từ đó, ông cảm thấy không yên tâm với “chiếc gươm Damoclès treo trên
đầu”, ông hận chế độ – đặc biệt cố vấn Nhu – vô ơn sau khi ông đã chống Nguyễn
Văn Hinh, ủng hộ Thủ tướng Diệm, giúp dẹp Bình Xuyên và bắt nạp Ba Cụt. Một lý
do khác gây nghi ngờ đối với tướng Minh là cơ quan tình báo quốc gia bắt đủ
bằng chứng về mối liên hệ thầm lén giữa ông Minh và người em CS là thiếu tá
Dương Văn Nhựt, bí danh Mười Ty. Một người em khác của tướng Minh là Trung tá
QĐVNCH Dương Văn Sơn cũng đã chứa chấp vợ chồng Nhựt và đóng vai trò liên lạc ở
trong và ngoài xứ. Cục trưởng Trung ương Tình báo và Tổng giám đốc Cảnh sát
Công an Nguyễn Văn Y, hiện ở Virginia, đã xác nhận với người viết có đích thân
trình hồ sơ Dương Văn Minh cho TT Diệm xem. Tổng thống liền ra lệnh hủy bỏ hồ
sơ nầy “trước mắt ông” vì không muốn cho Hoa kỳ biết, “xấu hổ.” (sic).
Hoa kỳ và Cabot Lodge
đã khai thác mối thù riêng của tướng Minh đối với cá nhân hai ông Diệm, Nhu để
lật đổ Đệ nhứt Cộng hoà và thay ngựa giữa giòng. Hoa kỳ cũng dư biết Minh có
liên hệ với Bắc Việt nên áp lực Trần Văn Hương trao quyền gấp lại cho D V Minh
– trái với Hiến pháp – hầu tạo lý do cho Mỹ chuồn sớm khỏi VN. Nguyên đại tá
Nguyễn Linh Chiêu, hiện ở Huntington Beach, Californie, kể lại với tác giả bài
này: Năm 1983, ông có gặp tướng Minh tại Paris, hỏi vì sao thủ tướng Vũ Văn Mẫu
cuối tháng 4.1975 lại hấp tấp ra thông cáo buộc quân Mỹ phải rút trong vòng 24
giờ? Tướng Minh đáp – trước mặt nhân chứng Trần Văn Đôn – đã làm“theo lời yêu
cầu của đại sứ Mỹ Graham Martin.” Các sự kiện trên đây cho thấy tướng
Dương Văn Minh chỉ là một con rối trong tay Hoa kỳ, Pháp và Bắc Việt. Minh đã
giúp Hoa kỳ tràn vào VN bằng cách tuân lệnh đảo chánh ông Diệm. Mười hai năm
sau, cũng chính Minh giúp Quân đội Mỹ tháo chạy. Nguyên TT Trần Văn Hương đã
thẳng thắn phát biểu: “Minh không phải là con người thích hợp với cảnh dầu
sôi lửa bỏng của Đất nước!”.
Năm 1988, đại tướng
Minh được Hoa kỳ cho phép rời Paris qua Pasadena, Californie, sống với người
con gái. Phải chăng đây là một cách trả ơn? Ông Minh quá vãng ngày 6.8.2001,
thọ 86 tuổi. Trước đó, Võ Văn Kiệt cũng có đến thăm ông taị Pháp, theo Lý Quý
Chung tiết lộ trong quyển “Hồi ký Không Tên” vưà xuất bản taị Saigon.
Với vài người thân tín, tướng Minh nói ông không tiếc hối đã đóng vai trò của
một Pétain Việt Nam!
Nguyễn Khánh là một sĩ
quan thân tín có công “cứu Chúa” trong vụ binh biến 11.11.1960 khi giữ
chức Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu. Ông nuôi cao vọng thay thế Tổng tham mưu
trưởng Lê Văn Tỵ. Sau khi thăng Thiếu tướng tạm thời taị mặt trận, ông được đưa
lên Cao nguyên hẻo lánh để trấn Quân khu 2 và Vùng 2 chiến thuật. Ông Khánh
sanh bất mãn, vì thế tuyên bố trên đài phát thanh lúc bốn giờ sáng ngày
2.11.1963 ủng hộ phe đảo chánh. Theo tướng Khánh kể lại với người viết: đêm
1.11.1963, ông Diệm và ông Nhu có điện thoại từ Chợ Lớn lên Pleiku cố thuyết
phục ông Khánh cầm quân về Sàigòn giải cứu nhưng ông Khánh trả lời “Quá
trễ và ở quá xa.”. Câu hỏi đặt ra: Nếu tướng Khánh nhận về “cứu giá”,
nếu TT Diệm trì hưỡn xuất hiện sáng 2.11.1963 và nếu sự cứu giá thành công, thì
thời cuộc liệu thay đổi ra sao? Mọi việc tùy thuộc biết bao nhiêu chữ “nếu”!
Sau hết, với người viết, tướng Khánh còn than phiền TT Diệm không giữ lời hứa
(viết tay) trao quyền lại cho Quân đội sau cuộc binh biến 11.11.1960. Đây là
một sự kiện khác mà tướng Khánh hẳn không quên. Trong một buổi lễ long trọng
truy điệu cố TT Ngô Đình Diệm taị thủ phủ Little Sàigòn, Californie, tướng
Nguyễn Khánh không tiếc lời ca tụng TT Diệm như một anh hùng dân tộc mà ông
ngưỡng mộ và quyết chí noi gương. TT Diệm nể trọng đại tướng Lê Văn Tỵ, người
duy nhứt trong Quân đội được kêu bằng Ngài. Phiá dân sự, cách xưng hô này
chỉ áp dụng đối với Phó TT Nguyễn Ngọc Thơ và Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Văn Mẫu,
nhân vật cạo đầu năm 1963 để phản đối trong vụ Phật giáo.
Tướng nào giỏi đóng
tuồng và chuyên “trở cờ”? Tuy không thân cận với giới tướng lãnh, ông Đức
có thể trả lời theo một nhận định chung: Trần Văn Đôn (em út của Tây con Nguyễn
Văn Hinh và là người từng công khai đốt lon sĩ quan Pháp để tỏ lòng trung thành
với TT Diệm) và Tôn Thất Đính (con cưng của chế độ trở giáo đâm sau lưng chế
độ. Một Brutus hay một Juda? ). Ai thâm độc nhứt? Đỗ Mậu. Ông Mậu – một cột trụ
Cần Lao – thú nhận đã mọp lạy trước ông Đính (cũng là Cần lao gộc) để van xin
Đính theo quân nổi loạn. “Đại tá muôn năm” Đỗ Mậu hận vì TT Diệm cho rằng ông
không đủ văn hoá để tiến cao hơn. Người viết có dịp hỏi nguyên Thủ tướng Nguyễn
Khánh nghĩ sao khi chọn Mậu lãnh đạo Bộ Văn hoá không thích hợp chút nào với
trình độ của y thì tướng Khánh nheo mắt cười, trả lời: Mậu tự ti mặc cảm nhưng
đầy cao vọng và được một số Phật tử ủng hộ lúc đó. Việc bổ nhiệm này khuyến
khích Mậu cộng tác sốt sắng và đồng thời biến Mậu thành trò cười của quần
chúng! Đây là một “đòn chánh trị” quen thuộc của Nguyễn Khánh, kịch sĩ từng đả
đảo Hiến chương Vũng Tàu do chính ông cho thảo ra. Một đòn khác của tướng
Khánh: móc nối với Huỳnh Tấn Phát, lãnh tụ Mặt trận Giải phóng Miền Nam, với
chủ đích – theo lời tuyên bố của Khánh – kéo Phát về phiá Quốc gia. Điều này bị
Nguyễn Thị Bình phủ nhận hoàn toàn trong hồi kýChung Một Bóng Cờ, (nxb
Chính trị Quốc gia, Hànội 1993). Chẳng những thế, trang 453-454 của hồi ký còn
tiết lộ Nguyễn Khánh đã vận động Hoa kỳ cúp viện trợ và bỏ rơi TT Thiệu, Khánh
công khai đi đêm với Mặt trận trong giai đoạn chót của Hiệp định Paris.
“TT Diệm có thích được
nịnh hót hay không?” Ý kiến của Ông Đức: Tại Bắc Việt, Cộng sản đã thần
tượng hoá Hồ Chí Minh. Trong Nam, cũng có khuynh hướng ấy đối với ông Diệm,
dưới nhiều hình thức, đặc biệt trong Phong trào Cách mạng Quốc gia với số đoàn
viên tăng từ 10,000 năm 1955 lên đến 2 triệu năm 1963, tổ chức đến tận xã,
phường. Bộ trưởng Thông tin Trần Chánh Thành bỏ hàng ngũ kháng chiến về cộng
tác với ông Diệm từ lúc đầu như Trần Hữu Phương, Trần Lê Quang… Ông có công xây
dựng Phong trào CMQG, tổ chức Chiến dịch tố cộng và đề xướng “Suy tôn Ngô
Tổng thống”. Bất thuận với Trần Kim Tuyến, Thành rời Nội các cuối năm
1959. Ba bộ trưởng khác ra đi cùng một lúc vì, với ông Thành, lập hồ sơ truy tố
một số cán bộ Cần lao dân sự và quân sự lộng quyền: Trần Trung Dung (Quốc
phòng), Nguyễn Văn Sĩ (Tư pháp) và người viết (Nội vụ). Bộ Thông tin bị đổi
thành Nha Tổng Giám đốc Thông tin do bác sĩ (Cần lao) Trần Văn Thọ phụ trách.
Ngày 30.4.1975, ông Thành (Nghị sĩ và Ngoại trưởng thời Nguyễn Văn Thiệu) tự tử
bằng thuốc độc tại nhà để tránh sa vào tay CS còn bs Tuyến thì được nhà báo
điệp viên Việt cộng nằm vùng Phạm Xuân Ẩn lấy xe chở đến một địa điểm dùng trực
thăng Mỹ thoát khỏi VN. Tuyến định cư tại Anh quốc nhờ bà Tuyến làm việc cho
Tòa Đại sứ Anh ở Sàigon. Tuyến làm chủ một nhà trọ bed and breakfast gần
Cambridge và qua đời cách đây vài năm, sau khi phát hành với Cao Vĩ Hoàng quyển
hồi ký “Làm thế nào giết một Tổng thống?”
Theo ông QTD, TT Diệm
cởi mở, bình dân trong những năm đầu chấp chánh nhưng về sau, trở nên khó tánh
và khép kín hơn. Ảnh hưởng của quyền lực? hoàn cảnh ? giới cận thần a dua? Qua
ba giai đọan Quốc Hội Lập Hiến, Quốc Hội Lập Pháp kỳ 1 và Quốc Hội Lập Pháp kỳ
2, nền Đệ nhứt Cộng hoà đi lần vào bế tắc. Trong gia đình, ông bà Trần Văn
Chương, nhạc gia của ông Nhu, – chồng, đại sứ VNCH taị Hoa Thịnh Đốn và vợ,
quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc – lợi dụng chức vụ để phản tuyên truyền và đả
kích kịch liệt Chánh phủ Sàigòn và luôn cả vợ chồng ông Nhu. Bác sĩ Trần Văn
Đỗ, chú vợ của cố vấn Nhu, và luật sư Nguyễn Hữu Châu, nguyên bộ trưởng Phủ
Tổng thống kiêm Bộ trưởng Nội vụ, anh em bạn cột chèo với ông Nhu, cũng không
còn ủng hộ ông Diệm. Ls Châu đào thoát qua Paris ngang con đường Nam Vang nhờ
sự giúp đỡ của bạn học cũ là Quốc vương Sihanouk. Ông đã trình luận án Thạc sĩ
luật chỉ trích chương trình viện trợ Hoa kỳ ở VN và sau đó, dạy luật taị Đại
học Paris. Ls Châu như khoa học gia Bửu Hội, năm 1972, cũng ngả theo ủng hộ Mặt
trận Giải phóng Miền Nam. Trần Văn Đôn- người chủ trương đảo chánh – nhìn nhận
một cách thương hại: Tội nghiệp, mọi người đều bỏ TT Diệm!
Ông QTĐ tỏ ra dè dặt
đối với dư luận cho rằng TT Diệm kỳ thị Phật giáo. Ông cho biết TT Diệm thường
tiếp xúc với các vị tu hành thuộc mọi tôn giáo, đặc biệt Phật giáo; không bỏ
qua dịp viếng thăm một số chùa như chùa Sư Nữ của Sư bà Diệu Huệ (mẹ giáo sư
Bữu Hội) ở Phú Lâm, chùa Diệu Đế ở Huế v.v… Chính ông Đức đã nhiều lần chuyển
đến tay ông Mai Thọ Truyền, chủ chùa Xá lợi và Hội trưởng Hội Phật giáo Nam
Việt những số tiền giúp đỡ. Một chuyện mà ít người biết là TT Diệm đã hiến cho
Đức Đạt Lai Lạt Ma trọn số tiền 15.000 mỹ kim, giải thưởng Leadership
Magsaysay tặng cho Tổng thống. Vì lý do chánh trị, quyết định này không
được công bố.
Ủy ban tôn giáo Liên
Hiệp Quốc được Chánh phủ Saigòn mời đến điều tra năm 1963 cũng đã phúc trình –
sau ngày hai ông Diệm, Nhu bị giết – rằng Đệ nhứt Cộng hoà không kỳ thị tôn
giáo. Mặt khác, TT Diệm đã từng thẳng thắn bác bỏ những yêu sách quá đáng của
các giáo phẩm di cư, bởi thế nên có sự bất mãn ngấm ngầm. Hai Giám mục Phát
Diệm, Bùi Chu Lê Hữu Từ và Phạm Ngọc Chi chống đối ra mặt.
Cho đến ngày TT Diệm
qua đời, phần đông các người phục vụ sát cạnh bên Tổng thống hàng ngày đều
thuộc thành phần Phật giáo: Đổng lý (QTĐ), Tổng thơ ký Nguyễn Thành Cung, Chánh
văn phòng Võ Văn Hải, bí thơ Trần Sử, nội dịch Tôn Thất Thiết, cận vệ Nguyễn
Bằng…..
Vấn đề thủ tiêu các
người đối lập và việc tiếp xúc của ông Nhu với đối phương Cộng sản.
Sau chánh biến
1.11.1963, Hội đồng Quân nhân Cách Mạng tố cáo chánh quyền Diệm đã thủ tiêu một
số ngưới đối lập như Nguyễn Bảo Toàn, Tạ Chí Diệp, Vũ Tam Anh, Hồ Hán Sơn, v.v…
QTĐ tuyên bố không biết gì về những chuyện này thuộc thẩm quyền các cơ quan
công an, tình báo. Tuy nhiên, ông tin chắc rằng ông Diệm không bao giờ đích
thân chủ trương như vậy vì Tổng thống là một tín đồ Công giáo thuần thành, phân
biệt tội phước, không khát máu như Cộng sản mà ông tích cực chống đối. Có thể
một số nhân viên an ninh cuồng tín đã hành động để lấy điểm (excès de zèle) hay
giải thích sai lầm chỉ thị cấp trên. Một bằng chứng cụ thể là TT Diệm chỉ ra
lệnh giam chớ không cho xử tử Hà Minh Trí, một cán bộ Cao Đài, mưu sát hụt ông
tại Ban Mê Thuột và gây thương tích cho Bộ trưởng Đỗ Văn Công. Hà Minh Trí được
Hội đồng Cách Mạng trả tự do khi họ đã giết TT Diệm. Câu hỏi nêu ra là cuối
cùng, TT Diệm có hay biết các vụ thanh toán đối lập hay không và phản ứng thế
nào? Dù sao, lịch sử vẫn đặt vấn đề trách nhiệm tinh thần đối với ông.
Trong giai đoạn chót
của chế độ, có tin đồn trong quần chúng và báo giới Mỹ rằng cố vấn Ngô Đình Nhu
đi đêm với CS kháng chiến để tìm ra giải pháp giữa Nam, Bắc. Chính ông Nhu có
đề cập đến chuyện này trong vài phiên nhóm với tướng lãnh tại Bộ Quốc phòng và
ngày 23.7.1963 taị suối Lồ Ồ khi nóí chuyện với các cán bộ xây dựng Ấp Chiến
lược khoá 13. Một nguồn tin khác cho biết ông Nhu xử dụng trung gian cuả bốn
đại sứ Roger Lalouette (Pháp), d’Orlandi (Ý), Goburdhun (Ấn dộ) và Manelli (Ba
Lan), (hai ông sau là thành viên của Ủy ban Quốc tế kiểm soát đình chiến) cũng
như Tổng lãnh sự Pháp ở Bắc Việt Jacques de Buzon để liên lạc với Hànội.
Ông QTĐ nói có nghe dư
luận này nhưng không biết rõ chi tiết. Ông cũng có nghe xầm xì rằng ông Nhu đã
gặp một đại diện Văn phòng Chính trị CS (Phạm Hùng?) trong lần đi săn tại Quận
Tánh Linh, Bình Tuy. Ông Đức nghĩ đây chỉ là một đòn chiến thuật của ông Nhu để
dằn mặt Hoa kỳ, Tổng thống Diệm không bao giờ chấp nhận giải pháp điều đình với
Hồ Chí Minh. Hơn nữa, Hiến pháp VNCH có ghi rõ chủ trương của Miền Nam Việt Nam
chống chủ nghĩa vô thần. Ông Đức còn xác nhận: một Tết Nguyên Đán trước 1963,
một cành đào đỏ lộng lẫy được trưng bày nơi phòng khánh tiết Dinh Độc lập với
tấm thiệp in tặng của “Chủ tich Nhà nước Cộng hoà Xã hội Miền Bắc”.
Những ngày chót của
Tổng Thống Diệm. Các cận thần cuối cùng.
42 năm trôi qua
[2005], mọi công dân VN, ủng hộ hay chống đối ông Diệm, đều cảm thấy nhục nhã
khi đọc lại những lời thú nhận sống sượng của tướng Trần Văn Đôn, đầu não trong
chánh biến 1.11.1963 và tác giả của quyển hồi ký “VN Nhân Chứng” (nxb
Xuân Thu, Californie, 1989) về vai trò Hoa kỳ chỉ huy vụ lật đổ và sát hại một
lãnh tụ đồng minh. Đôn viết: “Đúng 1 giờ 30 trưa, (trùm Xịa) Conein vào bộ
Tổng Tham mưu, (nơi đặt văn phòng của Đôn)mang theo một máy truyền tin đặc
biệt để liên lạc với Toà Đại sứ Mỹ và một bao tiền là ba triệu bạc
VN” (trang 211). Đôn còn tuyên bố khi y thậm thọt gặp riêng Thái thú Cabot
Lodge để thỉnh thị: “Chúng tôi (nhóm đảo chính) không bao giờ có tham vọng cá
nhân, chỉ muốn cứu nước!” (trang 210).
Trong hồi ký VN
Nhân Chứng, đọan chót, Trần Văn Đôn cho biết ba triệu bạc -cái giá rẻ mạt để
thay đổi một thế cờ! – đã chia cho Dương Văn Minh, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính,
Nguyễn Hữu Có, Đỗ Cao Trí, Nguyễn Khánh , Trần Ngọc Tám và Lê Nguyên Khang.
Ông Đức tỏ ra ngán
ngẩm khi được hỏi nghĩ gì về sự tự thú trên đây. Theo ông, trong những ngày
chót của một cuộc đời đấu tranh gian khổ, TT Diệm là con người cô đơn nhứt trên
thế gian: dân tộc bỏ rơi, đồng minh phản bội, gia đình chia cách, kẻ thù cộng
sản reo hò chiến thắng, sự nghiệp chính trị ra tro, uất hận ngất trời vì tương
lai mù mịt của Đất nước, một quốc gia bị sức mạnh chèn ép. Với ông Nhu quỳ bên
cạnh cầu nguyện trong Nhà thờ Cha Tam Chợ Lớn sáng ngày 1.11.1963. không chắc
TT Diệm đồng một tâm tư với người em.
Ông Đức bùi ngùi nhắc
lại: Tối 1.11.1963, khi tiếng súng nổ rền khắp nơi, ông và gia đình rời khỏi
nhà riêng ở số 8 đường Lê Văn Thạnh, Sàigòn, ngủ đêm tại Chợ Lớn, không xa căn
phố lầu của Mã Tuyên, nơi Tổng thống và ông Nhu tạm ngụ. Sáng hôm sau 2 tháng
11, trở lại nhà thì được hay Tổng thống có điện thoại tối hôm trước nhưng người
giữ nhà trả lời không biết ông Đức ở đâu. Vài giờ sau, ra-dô báo tin hai ông
Diệm, Nhu “tự tử”, điều mà Đức không tin chút nào. Đến nay, ông Đức vẫn ân hận
vì không được tiếp xúc lần chót với Tổng thống.
Hỏi: Trong Nội các, ai
được Tổng thống Diệm tin cậy nhứt những ngày, tháng cuối cùng? QTĐ đáp: Nguyễn
Đình Thuần và Trương Công Cừu. Thuần kiêm ba trọng trách: Bộ trưởng taị Phủ
Tổng thống, Bộ trưởng phụ tá Quốc phòng, và Bộ trưởng Đặc nhiệm Phối hợp An ninh.
Cừu là Bộ trưởng Đặc nhiệm Phối hợp Văn hoá Xã hội. Ngoài ra, còn có Ngô Trọng
Hiếu, Bộ trưởng Công dân vụ, từng là đại sứ VNCH ở Nam Vang, bị Chánh phủ Cam
bốt trục xuất vì giúp cho tướng Đap Chuon đảo chánh (hụt) Quốc vương Sihanouk.
Tên ông Hiếu nằm trong bản danh sách của Cabot Lodge ghi các nhân vật cần thanh
toán, theo hồi ký nêu trên của trung tá Nguyễn Văn Châu.
Ông Đức không ngạc
nhiên cho lắm khi được người viết cho biết một số tài liệu giải mật taị Hoa kỳ
tiết lộ Thuần là tay trong thân tín của CIA, theo dõi để phúc trình từng phản
ứng của hai anh em Diệm-Nhu. Thuần từng được Mỹ chấm như một “Thủ tướng có
triển vọng” nếu TT Diệm chịu sửa Hiến pháp để đặt thêm chức vụ này
(đọc The Storm has many eyes, A personal narrative của Henri
Cabot Lodge, NY 1973, trang 62 và Lodge in Vietnam, A
Patriotabroad của Ann Blair, nxb Yale University Press, New Haven 1995,
trang 92).
Một số nhân vật rất
gần Dinh Độc lập cho biết Thuần dùng đủ mưu chước để thu hút cảm tình của TT
Diệm và từ đó, tìm cách ly gián ông Diệm và ông Nhu trong giai đọan chót của
chế độ. Ông QTĐ ngạc nhiên khi hay chính Đệ nhị Phòng Pháp đã giúp Thuần trốn
khỏi VN. Cố Ứng Thi, chủ của Khách sạn Rex và bạn thân của Thuần, xác nhận với
người viết điểm vừa nói. Thuần hiện sống thong dong taị Paris.
Tác giả bài này thắc
mắc: không lẽ một ngưởi tinh vi như ông Nhu mà không nhận ra mặt trái của
Nguyễn Đình Thuần? Ông Đức trả lời: Có thể ông Nhu không mù quáng nhưng ở vào
thế kẹt lúc đó, không còn ai liên lạc để dò xét âm mưu đen tối của Hoa kỳ, ông
Nhu phải “tương kế, tựu kế” xử dụng Thuần. Ông Nhu cũng đã áp dụng chiến thuật
này (kế hoạch chống đảo chánh Bravo) để tìm cách chi phối nhóm tướng bị Mỹ mua
chuộc.
Ông Đức cho biết thêm:
Linh mục Cao Văn Luận cũng là một cố vấn thân tín của Tổng thống được giao phó
ra nước ngoài xin tài trợ về giáo dục, tìm kiếm trí thức Việt đưa về nước và tổ
chức Viện Đại học Huế mà ông là Viện trưởng đầu tiên. Trong giai đoạn khủng
hoảng Phật giáo, dư luận cho rằng cha Luận đã trở mặt, ngả theo phe chống chánh
quyền. Chẳng những thế, ông còn viết hồi ký “Trong giòng lịch sử “ để nói
xấu TT Diệm và đề cao Hồ Chí Minh. Tình đời đen bạc!
Ông QTĐ quả quyết
không bao giờ gặp Vũ Ngọc Nhạ (mà CS tuyên bố phịa trong quyển sách và bộ phim
giả tưởng Ông Cố Vấn gài được vào Dinh Độc Lập!) Trả lời về các cán bộ gốc Cộng
sản cộng tác với chế độ, ông Đức cho biết Kiều Công Cung – nguyên tư lệnh một
sư đoàn Việt cộng – đã tỏ ra xứng đáng đến cùng trong chức vụ Đặc ủy chiêu hồi.
Phạm Ngọc Thảo – mà Tổng Nha Công an có hồ sơ – được bổ nhiệm đại úy Bảo An,
sau đó Tỉnh trưởng Kiến Hoà và thanh tra dinh điển. Hai chuyên viên Mỹ về Giáo
dục và Dinh điền thường lui tới Dinh và ăn sáng với Tổng thống là giáo sư
Wesley Fishel thuộc Đại học Michigan và Ladejinsky mà Tổng thống quen từ lúc
bôn ba ở Hoa kỳ. Về sau, được hay hai chuyên viên này làm việc cho CIA. Đặc
biệt, Fishel đã ra mặt chống phá ông Diệm taị Hoa Thịnh Đốn trước ngày đảo
chánh.
Trần Văn Đôn ghi nơi
trang 182 của hồi ký “Việt Nam Nhân Chứng”: Trong một buổi học tập chính trị
taị bộ Tổng Tham Mưu trước chính biến 1.11.1963, ông Nhu nói, sau khi nghe các
tướng lãnh trình bày thỉnh nguyện : “Mấy anh muốn cải tổ chánh phủ mà xin
như vậy đâu có nhiều. Muốn làm cách mạng thật sự, tôi tưởng các anh phải xin
nhiều hơn. Ông Diệm bị kẹt với một số Bộ trưởng thối nát bất tài. Trong lúc này
Quân đội phải nhận rõ vai trò của mình để cứu nước, nên đảo chánh một đêm bắt
mấy ông Bộ trưởng đó rồi hôm sau trao quyền lãnh đạo lại cho Tổng thống. Nếu có
vị tướng nào muốn đảo chánh thì quân đội phải chống lại, phải bắt người đó mà
treo cổ trên đường Công Lý.”
Đâu là sự thật? Nếu
đúng, thì đây có phải là ván bài tố xả láng của ông Nhu để dò xét và sập bẫy
nhóm tướng tạo phản? Hay một nhìn nhận chua chát chế độ đang tuột dốc thê thảm,
đưa dân tộc vào một trận đại hồng thủy? Tổng thống Ngô Đình Diệm có thể đã phạm
một số sai lầm nguy hại khi cầm quyền – điều này sẽ được sử sách phê phán công
và tội – nhưng không một ai – từ đồng minh Hoa kỳ cho đến Hồ Chí Minh – chối
cãi rằng ông là một lãnh tụ yêu nước, trong sạch, có khí phách và không làm dân
tộc VN hổ thẹn vì ông đã cố bảo vệ đến cùng thể diện và quyền uy quốc gia.
Không một gia đình Việt Nam nào mà lại hy sinh nặng như thế cho Đất nước, mất
một lần bốn người con ưu tú, một vì tay Cộng sản và ba vì tay quốc gia. Ông
Diệm ra đi, Hồ Chí Minh không còn đối thủ, Mỹ rảnh tay Việt nam hoá chiến
tranh, Miền Nam sụp đổ mau lẹ.
Hay tin TT Diệm bị sát
hại, Mao Trạch Đông phản ứng bằng nhận xét: “Chính quyền Kennedy hạ
ông Ngô Đình Diệm là một thất sách, một sai lầm rõ rệt!” Và Hồ Chí Minh
tuyên bố: “Ông Diệm là một nhà yêu nước, theo lối của ông ấy!” Trong
hồi ký The Real War, chương V, Richard Nixon viết: Tổng thống
Pakistan Ayub Khan nói với tác giả vài ngày sau vụ đảo chánh
1.11.1963: “Việc Tổng thống Diệm bị giết có ba ý nghĩa đối với nhiều người
Á Đông: trở thành bạn Hoa kỳ là một nguy hiểm, trung lập có giá hơn và đôi khi
tốt hơn là kẻ thù.” Riêng về De Gaulle thì ông nhận định: ‘Sau Diệm,
không phải là một khoảng trống mà là một sự quá đầy!” De Gaulle muốn nói:
Miền Nam lạm phát lãnh tụ, trở thành một giỏ cua và một hí trường tranh dành
địa vị, ngôi thứ.
Đối với thế hệ lãnh
đạo mai sau, sự thất bại của TT Diệm – mà đồng minh Hoa kỳ lẫn kẻ thù Cộng sản
đều xem như một mối đe dọa cần triệt hạ – là một bài học quý báu về kinh nghiệm
chống Đế quốc, về Nhân tình thế thái và thân phận của một nước nhược tiểu. Học
giả Denis Warner từng cho ông biệt danh “The Last Confucian, Người
hiền triết Khổng giáo cuối cùng”. TT Diệm là một thầy tu lạc lõng giữa chính
trường gió tanh mưa máu, gánh trên vai thánh giá của Quê hương đau khổ. Lịch sử
trước sau gì cũng sẽ ban cho ông Công Lý.
Sau tháng 4.1975, hai
ngôi mộ của TT Diệm và Cố vấn Nhu được cải táng từ nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi,
Saigon, về quận Lái thiêu, tỉnh Bình Dương. Mộ bia của TT Diệm có khắc chữ
Huynh. Mộ bia của Cố vấn Nhu khắc chữ Đệ. Hai nắm mồ khiêm nhường, quạnh hiu,
thiếu người chăm sóc, kết thúc một cuộc đời đấu tranh khắc nghiệt, đầy oan trái
nhưng chắc chắn không phải là một hy sinh vô bổ trên bàn thờ Tổ Quốc.
Kết luận
Ông bạn Quách Tòng Đức
chấm dứt buổi nói chuyện thân tình bằng một lời than chua xót: Dĩ vãng buồn
nhiều hơn vui, phá hoại nhiều hơn xây dựng, hận thù thay vì đoàn kết. Đến nay,
Đất nước chưa thấy lối thoát, những bài toán của Xứ sở chưa tìm ra đáp số. Ngày
nào Cộng sản vẫn bám víu vào quyền lực thì quốc nhục chậm tiến còn kéo dài. Thế
cuộc xoay vần. Lý thuyết chánh trị, chế độ, lãnh tụ,… rồi cũng phải trở về với
cát bụi. Vanitas vanitatum, omnia vanitas, Hư danh, tất cả đều là hư
danh! Cuối cùng chỉ còn lại Dân tộc, Dân tộc trường tồn, Dân tộc bất diệt.
Lưu đày, dù trên mảnh
đất dân chủ, chưa phải là Tự do. Người Việt tha hương, vào tuổi gần đất xa
trời, vừa đau buồn hướng về Đất Mẹ, vừa thao thức tự vấn như Thôi Hiệu trong bài
thơ Đường Hoàng Hạc Lâu:
Chiều xuống, Quê nhà
đâu đó tá?
Bên sông khói toả, não
lòng ai.
(Chi Điền dịch)
© Lâm Lễ Trinh
Ngày Quốc
khánh Hoa kỳ 2005
No comments:
Post a Comment