Ngày xưa, thi sĩ Nguyên Sa gọi ông là
Kinh Kha. Trên báo Ðời số đặc biệt năm 1982 xuất bản ở quận Cam, nhà văn Hư
Trúc gọi ông là Mặt Trời Không Bao Giờ Lặn. Ðồng bào Việt ở Úc Châu gọi ông là
Chiến Sĩ. Báo chí Hoa Kỳ gọi ông là Người Tù Anh Hùng. Trên tờ báo lớn ở miền
Tây Úc, ký giả nổi tiếng Norman Aisbett gọi ông là Ðại Tá Cô Ðơn. Trong quân
đội tên ông là Võ Ðại Tôn, với bí danh Wòng-A-Lìn. Ngoài văn giới ông mang bút
hiệu Hoàng Phong Linh. Và sau cùng, khi tìm đường gai góc mà đi, ông tự coi
mình là Viên Gạch Lót Ðường.
Với chuyến trở về vào đầu thập niên
80, viên gạch quý của chúng ta được sản xuất tại miền đất Quảng anh hùng đã làm
nên lịch sử. Khi tin tức về cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 13-07-1982 được loan
báo trên hầu hết các hệ thống truyền thông thế giới, đồng bào Việt Nam hải
ngoại lập tức coi Võ Ðại Tôn như là một biểu tượng chung của người quốc gia
đang tìm đường quang phục quê hương.
Ðoạn phim ngắn của truyền hình Nhật
Bản đã làm nhỏ lệ biết bao khán giả xen lẫn niềm hãnh diện vốn đã vắng bóng từ
lâu. Từ màn ảnh nhỏ, Võ Ðại Tôn xuất hiện vĩ đại, bất khuất. Một trận thư hùng
đã mở màn. Một bên là toàn thể bộ máy cầm quyền, cao ngạo, hùng mạnh, khốc liệt
và vô cùng hiểm độc. Một bên là người tù biệt giam, cô đơn, đói khát, tuyệt
vọng. Ðây là cuộc chiến của một người chống một chế độ trước ống kính của
truyền hình, máy ảnh và những cây bút ghi chép đại diện cho hàng trăm cơ sở
truyền thông trong và ngoài nước. Trong số này có trên 10 phóng viên ngoại quốc
đã được Hà Nội triệu tập khẩn cấp từ Vọng Các qua. Không ai biết chuyện gì sẽ
xảy ra. Trong khi đó, nhà cầm quyền Hà Nội úp mở nói rằng sẽ cho trình diện một
gián điệp của Hoa Kỳ và của tình báo Thái, xâm nhập vào làm công tác phá hoại
Việt Nam.
Từ loa phóng thanh, tiếng viên Thứ
Trưởng Bộ Văn Hóa Thông Tin Cộng Sản Hà Nội, Lê Thành Công, chủ tọa và điều hợp
buổi họp báo vang lên: Ðây là tên tay sai của trung ương tình báo Hoa
Kỳ CIA.
Với gương mặt khắc khổ và cặp mắt
cương nghị, người đàn ông họ Võ, sinh năm 1936 tại Ðà Nẵng cúi đầu chào cử tọa.
Tiếp theo ông đứng lên phía sau một chiếc bàn gỗ ghé đầu xuống micro:Tôi, Võ
Ðại Tôn, chỉ huy trưởng Chí Nguyện Ðoàn Phục Quốc, tôi xác nhận hoàn toàn chịu
trách nhiện về dự mưu xâm nhập Việt Nam...Tôi xin các nhà báo vì lương tâm chức
nghiệp của người cầm bút, xin hãy tường thuật trung thực.
Một cách gián tiếp, Võ đại Tôn bác bỏ
vai trò của trung ương tình báo Hoa Kỳ. Ông xác nhận đã là người chủ dộng và
chấp nhận tất cả mọi hậu quả. Như chúng ta đã thấy, hậu quả tàn khốc nhất là
ông đã làm mất mặt toàn thể guồng máy công an và tình báo Hà Nội. Sau khi thấy
Võ đại Tôn nói không đúng bài bản dự trù là sẽ thành khẩn thú nhận tội lỗi, lập
tức cộng sản cúp điện, và lôi ông vào.
Sau đó khán giả không được thấy hình
ảnh tiếp theo. Bình luận gia của đài truyền hình cho biết là người ta đã đem
ông Võ đi và cuộc họp báo chấm dứt. Cuộc chiến đã ngưng ở đây. Một người đã
thắng một chế độ. Kinh Kha của Việt Nam đã hoàn tất sứ mạng và không
ai nghĩ rằng người tráng sĩ đó lại có ngày trở về.
Trần Bình Trọng của lịch sử Việt Nam,
lúc sa cơ trong tay giặc đã bày tỏ tâm nguyện không làm vương đất Bắc. Người
chiến sĩ họ Võ ra đi năm 1975, trở về năm 1981 vỏn vẹn với hai chiến hữu, sa cơ
ở miền biên giới, đã đành quyết một lòng làm quỷ nước Nam. Sau này,
khi đã xin tỵ nạn tại Pháp, nguyên đại tá cộng sản Bùi Tín kể lại rằng năm 82
Võ đại Tôn đã đem chính thân xác ra hy sinh để đánh lừa cả bộ chính trị Hà Nội
một quả vô tiền khoáng hậu. Ai cũng biết rằng ông đã phải trả giá cho cuộc họp
báo quốc tế phi thường như thế nào.
Tại San Jose, những thước phim ngắn
trên truyền hình Nhật Bản được in ra phổ biến trong cộng đồng và một cuộc biểu
dương hàng ngàn người đã được tổ chức tại công viên St James
Từ đó đến nay, giữa ngục tù Cộng Sản,
ông Tôn đã đếm được 10 năm 1 tháng và 17 ngày. Báo chí ở Úc nói rằng: Mr. Võ có
một trí nhớ sắc bén như lưỡi dao cạo. Ông nhớ rằng với trọn năm tù đầu tiên ông
bị đánh suốt 45 ngày. Biệt giam trong một xà lim 3 thước và 2 thước rưỡi. Suốt
10 năm ông đã bị đánh đập 96 lần.
Sau ngày 13-7-1982, khắp thế giới
nói đến Võ Ðại Tôn, nhưng cũng từ ngày ấy không một ai biết thêm tin tức gì về
viên gạch lót đường yêu quý đó nữa.
Tại Úc châu, tiểu bang New South
Wales, nơi cộng đồng ViệtNam thân yêu mà ông từ giã, vẫn mòn mỏi chờ đợi
là một người vợ trẻ và đứa con trai 3 tuổi.
Năm 1990, khi có cơ hội qua Úc châu
thăm bà Võ Ðại Tôn, chúng tôi đã tìm thấy một gia đình rất bình thường như bất
cứ một gia đình tỵ nạn nào của cộng đồng Việt Nam. Bà Tuyết Mai, vợ Võ Ðại
Tôn đi làm công chức và thay chồng nuôi con. Trong căn nhà nhỏ bé, có treo một
tấm chân dung vĩ đại của người chồng và người cha ngàn trùng xa cách. Trở về
Hoa Kỳ, chúng tôi đã bắt đầu công cuộc vận động với các giới lập pháp Hoa Kỳ,
kể cả việc gửi người trong phái đoàn về đấu tranh với Hà Nội. Cuối thập niên 80,
các hội đoàn tại San Jose hòa nhịp với người Việt toàn thế giới cùng
lên tiếng đấu tranh cho tù tập trung “Lao Cải”. Tên của Phan nhật Nam và
Võ đại Tôn dược nhắc nhở nhiều lần. Sau đó, đại diện cơ quan IRCC là ông phó
giám đốc Nguyễn đức Lâm trong phái đoàn quốc hội California đã về Sài gòn trong
sứ mạng thăm dò với cùng muc đích của bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Cũng vào thời gian
đó, Phan Nhật Nam vừa được tự do và IRCC đã có dịp phỏng vấn trực tiếp ông tại
Sài Gòn đem về phát lại trên radio San Jose. Nhưng trường hợp Võ đại Tôn hy
vọng rất mong manh.
Ðối với gia đình của ông Tôn, tin tức
ghi nhận được ngày 13-7-1982 cũng là tin tức chính thức cuối cùng. Ít
nhất cho đến 9 năm sau, với sự vận động rất tích cực của chính phủ Úc Ðại Lợi,
Hà Nội đã cho phép ông nhận quà và gửi thư về. Rồi đến áp lực chung của toàn
thế giới và sự lưu tâm đặc biệt của Úc châu. Sau cùng Cộng Sản Việt Nam quyết
định trả tự do cho ông Võ Ðại Tôn ngày 10-12-1991.
Ông trở về Úc châu với cả một cộng
đồng thân yêu chào đón. Với người vợ đỏ mắt chờ mong và đứa con trai mà người
cha như là một huyền thoại. Hà Nội đã giam giữ ông trên 10 năm, từ 72 kg xuống
còn 48 kg. Thân hình tiều tụy trông già hơn 20 tuổi. Tuy nhiên, trí óc sắc bén
còn nhớ hàng trăm bài thơ dài ngắn và 3 cuốn sách mà ông đã viết bằng ký ức
trong thời gian biệt giam, vì không có ánh đèn và giấy bút. Ngay như cuốn hồi
ký Tắm Máu Đen (đường về quê hương và cuộc chiến cô đơn trong lao tù Hà Nội)
dày hơn 500 trang, ngay sau khi ra khỏi tù trở về Sydney, đã được đánh máy
trong vòng một tuần lễ và phát hành ngay tại Úc, 1992. Tái bản tại Hoa Kỳ năm
2000. Như vậy là, sau cùng người chiến sĩ xuất thân từ biệt kích đã có nhiều
lần đảm nhận nhiều công tác tình báo đặc biệt, nay đã trở về. Lần cuối cùng ông
đi vào lòng địch không hề có lệnh công tác mà cũng không có được một tiểu đội
xung kích. Nếu không kể toán lính kháng chiến Lào hộ tống đã tan hàng, thì thầy
trò chỉ vỏn vẹn có 3 người. Một người là Vũ Ðình Khoa đã hy sinh tại chỗ, một
người thứ hai đã bị bắt cùng một lượt với Võ Ðại Tôn và được thả năm 1987.
Năm 1981, khi ông Võ Ðại Tôn lên tiếng
với toàn thế giới là ông đang tìm đường trở về quang phục quê hương, trong
chúng ta đã có nhiều người bày tỏ sự hoài nghi rất hợp lý.
Dứt bỏ cuộc sống ổn định, bỏ gia đình
vợ con đơn chiếc để tìm con đường về mịt mù vô vọng. Quyết định này không dễ gì
thực hiện. Mở cuộc thánh chiến cô đơn để chống chế độ Hà Nội lúc đó còn đầy đủ
sắt máu và phong độ vào thập niên 80, rõ ràng đối với nhiều người thì đây là
một hành động không khôn ngoan và thiếu thực tế.
Nhưng chúng ta không thể lấy tri thức
của mọi người mà đo lòng của một người. Không thể lấy bụng dạ của thường nhân
mà đo lòng chiến sĩ. Và không thể lấy đất mà đo với gạch. Vì vậy mới có Võ Ðại
Tôn. Con người này khi đi làm anh hùng thể hiện sứ mạng lịch sử, quả thực đã
thiếu sự khôn ngoan của đa số bình thường. Chúng ta đâu có biết ông đã nghĩ gì
khi quyết “Tìm đường gai góc mà đi”.
Tháng 4 năm 1992, miền đất ấm
California đã có dịp chào đón Võ Ðại Tôn trên đường từ Úc Châu qua Hoa Kỳ. Lúc
đó phong độ vẫn quả cảm quyết liệt, nhưng già dặn chín chắn hơn. Chúng ta
thường có thói quen dành hết lòng thương yêu thành kính cho những người liệt sĩ
ra đi vĩnh viễn vào cõi vô cùng. Trong khi đó cộng đồng và quê hương thực sự
rất cần những anh hùng còn tồn tại.
Hai mươi năm trước San Jose đã
lên tiếng cảm ơn đất Quảng đã sản xuất ra một Võ Ðại Tôn trước sau như một.
Chúng ta đã ca ngợi cộng đồng Việt tại Úc châu có được một Võ Ðại Tôn hơn một
lần bước chân đi, lẫm liệt đường hoàng.
Con đường đấu tranh cho tự do, dân chủ
và nhân quyền dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn luôn mở rộng trong một cuộc
chiến mới đầy hy vọng cho quê hương và dân tộc.
Trên con đường đó
vẫn cần rất nhiều viên gạch lót đường. Trong đó, chúng ta đã có sẵn một viên
gạch bất khuất. Viên gạch lót đường mang họ Võ.
Tháng 4 năm nay,
chúng tôi lại mời ông Võ Ðại Tôn qua Mỹ.
Ngày thứ bẩy 15 tháng 5-2010 lúc 1 giờ
trưa ông sẽ có dịp gặp gỡ đồng hương và chiến hữu tại San Jose. Tại hội
trường Santa Clara County số 90 W. Hedding. Ông sẽ giới thiệu
những cuốn sách mới viết xong, trong đó có cuốn hồi ký “Tuổi thơ và
chiến tranh” và quan trọng hơn hết là ông sẽ trải rộng tâm tình với bà
con San Jose, nơi cũng đã trải tấm lòng ra với ông suốt 30 năm qua.
Rồi một tuần sau, đến ngày chủ nhật 23
tháng 5-2010 trong chương trình văn nghệ 35 năm nhìn lại tại đại hí viện CPA,
nhà thơ Hoàng Phong Linh, bút hiệu văn nghệ của Võ Ðại Tôn sẽ cất tiếng hát lời
thơ do chính ông sáng tác (Nguyễn Ánh 9 phổ nhạc):” Mẹ Việt Nam ơi, chúng
con vẫn còn đây...
Tháng tư 1975, cách đây 35 năm miền Nam đã
có biết bao nhiêu anh hùng tuẫn tiết. Tình cờ chúng tôi ghi nhận được tướng
Nguyễn Khoa Nam của đất Thần kinh, Trung Việt. Tướng Lê Nguyên Vỹ,
quê Sơn Tây, Bắc Việt và tướng Lê văn Hưng, NamViệt. Quả thực anh
hùng ở khắp mọi nơi và hào kiệt thời nào cũng có.
Trên con đướng đấu tranh phục quốc
Trần văn Bá về từ Âu Châu, Hoàng cơ Minh về từ Mỹ Châu và Võ Ðại Tôn về từ Úc
Châu. Trên sân khấu lịch sử 35 năm nhìn lại ngày 23 tháng 5-2010, chúng tôi ước
mong có đại diện sinh viên Trần Văn Bá, có người con trai của tướng Hoàng cơ
Minh. Liệt sĩ Trần văn Bá đã bị cộng sản xử tử hình tại Sài Gòn. Ðề đốc Hoàng
cơ Minh đã hy sinh miền biên giới. Ta nỡ lòng nào đề một mình viên gạch lót đường
cô đơn Võ Đại Tôn đứng đó mà hát rằng:” Mẹ Việt Namơi, chúng con vẫn
còn đây...
Giao Chỉ - San Jose.
No comments:
Post a Comment