Friday, January 3, 2014

NHỮNG MÙA LỄ TẠ ƠN ĐỊNH MỆNH CHO LỊCH SỬ VIỆT-MỸ - KỲ V


Nguyễn Việt Nữ

Hôm nay là ngày chót của năm 2013 nên chuyện “tranh cãi” của năm cũ phải kết thúc để chúng ta còn đi ngắm người tây phương bắn pháo bông chào mừng năm mới 2014. Nhưng viết xong lại thấy quá nhiều tài liệu, phải cắt bớt nên đã qua đầu năm mới rồi.

Vừa qua ta đã nghe chuyện Giáo Hoàng Biển Đức có những phát ngôn khiêu khích các tôn giáo khác nên bị phản đối khắp thế giới; mà ngay hồi còn là Hồng Y Joseph Ratzinger lời lẽ cũng gây nhiều tranh cãi.
Giáo Hoàng Benedicto 16 thoái vị ngày 28 tháng 2 năm 2013. Hồng Y Jorge Mario Bergoglio,  người xứ Á Căn Đình (Argentina,  Nam Mỹ), được bầu lên ngôi ngày 13/3/2013, tức Giáo Hoàng Francis (Phanxicô) , năm nay 76 tuổi, chỉ ngự trị Tòa Thánh Vatican mới 9 tháng cũng gây nhiều tranh cãi.

 Ly kỳ là, một Tông huấn gây tranh cãi do Tân Giáo Hoàng người Nam Mỹ vừa công bố vào tháng 11, mùa Lễ Tạ Ơn, bị chỉ trích là có tư tưởng Mác-Xít lại rơi đúng vào điểm mà Ngài Benedicto 16 (vốn người Đức của Âu châu), thời còn là Hồng Y Ratzinger thường chỉ trích Nam Mỹ Latinh là khối theo chủ nghĩa Marxist!

Vậy ra như hai Đức Thánh Cha của Tòa Thánh La Mã “đấu tố” lẫn nhau!

II. Giáo Hoàng Francis gây tranh cãi giữa Tư Bản và Vô Sản Marxist
Ngày 16 tháng 11 năm 2013 tại một nhà thờ ở ngoại ô Vatican của nước Ý, Đức Giáo Hoàng Francis công bố Tông Huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng) dài 81 trang, đã tạo tranh cãi sôi nổi.

Để làm sáng tỏ vấn đề liên quan đến thời sự quốc tế kể cả Việt Nam, chúng tôi xin chọn ba phe: Bênh, chống, và phe thứ ba là vừa chống, vừa bênh.

Xin chọn quan điểm của Tạp chí Time. Bởi Đức Thánh cha Phanxicô mới tại vị chỉ được 9 tháng, ít bình luận gia nào biết nhiều chi tiết bằng tờ Time, vì năm nào tạp chí uy tín nầy cũng công bố ai là nhân vật nổi nhất trong năm. Đức Tân Giáo Hoàng được chọn là “Nhân Vật của Năm 2013” (Pope Francis, Person of The Year) coi như phe bênh Ngài với nhiều lý do:

 A. Tạp chí Time: Giáo Hoàng Phanxicô là “Nhân Vật của Năm 2013”
Hình Ngài ở trang bìa số báo Time Double issue ngày 23 tháng 12 năm 2013 với nội dung bên trong,  tờ Time đánh giá: "Những gì khiến Giáo hoàng trở nên đặc biệt quan trọng chính là việc Ngài đã xây dựng được lòng tin của hàng triệu người đã từng mất niềm tin vào Giáo hội."

Thư ký tòa soạn tạp chí Time Nancy Gibbs nhận định kết quả cuộc bình chọn nhân vật của năm nay thực sự rất thú vị. Kết quả cuối cùng do các biên tập viên nòng cốt của tạp chí uy tín này quyết định sau khi tham khảo hàng loạt cuộc trưng cầu ý kiến độc giả.

Bà Nancy Gibbs khẳng định hiếm có một nhân vật mới nổi nào trên thế giới lại gây chú ý nhanh chóng từ già, trẻ, những tín đồ Thiên Chúa Giáo và cả những người ngoại đạo, như Giáo hoàng Phanxicô. Chỉ trong vòng 9 tháng, ông trở thành trung tâm trong tất cả những cuộc nói chuyện nổi bật nhất của thế giới về thịnh vượng và nghèo đói, công bằng và công lý, sự minh bạch, hiện đại hóa, toàn cầu hóa, vai trò của nữ giới, bản chất của hôn nhân và sự cám dỗ của quyền lực.

Tạp chí Time đánh giá: “Khi sức mạnh của giới lãnh đạo đang bị thử thách ở nhiều nơi trên thế giới, Giáo hoàng Phanxicô trong tay không hề có vũ khí hay những nắm đấm thép vẫn vượt qua tất cả thử thách một cách ngoạn mục… Khi ông hôn những người bệnh thiệt thòi về ngoại hình hay rửa chân cho một phụ nữ Hồi giáo, hình ảnh đó đã vượt ra khỏi ranh giới của Nhà thờ Thiên Chúa Giáo.”

Về Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng)  

Tạp chí Time  lượng giá: “Thật vậy, các bài viết cũng như các diễn từ công khai của Đức Thánh Cha biểu lộ một con người có một sự quan tâm sâu sắc, và lòng nhiệt huyết với trọn cả con tim. Trong Tông huấn Evangelii Gaudium, được công bố vào cuối tháng vừa qua, Đức Thánh Cha than phiền tình trạng bất bình đẳng, đói nghèo, và bạo lực trên thế giới….. Luận điểm của Evangelii Gaudium rất đơn giản: chủ nghĩa tư bản “bất kham” làm giàu cho thiểu số, không phải cho người nghèo. Ngài viết, “Chúng ta phải nhớ rằng hầu hết những người nam nữ ở thời đại chúng ta đang sống trong sự bất ổn mỗi ngày, với những hậu quả tai hại. Bệnh tật ngày càng lây lan.

Sợ hãi và tuyệt vọng chiếm đóng trái tim của nhiều người, ngay cả trong những nước gọi là giàu có. Niềm vui của đời sống thường xuyên bị dập tắt, không có sự tôn trọng người khác và bạo lực gia tăng, và sự bất bình đẳng ngày càng trở nên rõ ràng. Chúng ta phải đấu tranh để sống, và thường sống với một chút nhân phẩm.” (Hết trích)

B. Phe chống, Rush Limbaugh: Giáo Hoàng Francis có tư tưởng Marxist.

Nhà bình luận siêu bảo thủ cánh hữu và hay gây tranh cãi của Hoa Kỳ trên Radio Talk Show có 15 triệu người nghe là Rush Limbaugh đã phản đối nội dung Tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Giáo Hoàng Francis kêu gọi giúp đỡ người nghèo vì “Tư Bản Chủ Nghĩa tham lam, ích kỷ chỉ lo hưởng thụ, không chia sẽ cho người nghèo...".  Rush Limbaugh gọi đó là "chủ nghĩa Mác Xít tinh ròng".

Ông lại đưa lý luận của các chính khách hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ của Mỹ về ngân sách, kinh tế, tài chánh để phê phán quan điểm một Đức Thánh Cha nên rất khó  có sự công bình.

Nên xin tóm tắt thêm quan điểm vừa chống vừa bênh Tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Thánh Cha rất hay

C.  Phe vừa chống vừa bênh Đức Phanxicô: Michael Novak
Thêm một ly kỳ nghịch lý nữa là Michael Novak, một cây bút Công giáo từng là một giáo sư , triết gia, ký giả, diễn giả, tiểu thuyết gia, còn Rush Limbaugh, Radio talk  Show Host có cả 15 triệu thính giả, tiếng nổi như cồn; cả hai đều cùng là người Hoa Kỳ cánh hữu, nên nhiều thập niên nay họ vẫn cho rằng hình thức tư bản của Hoa Kỳ “bao gồm” người nghèo hơn mọi quốc gia khác và giải quyết tốt nhất nền kinh tế chính trị; họ cực lực chỉ trích bất cứ ai nói ngược lại.  

Nhưng về tông huấn Evangelii Gaudium thì Rush Limbaugh gọi hẳn hòi là “Giáo Hoàng Francis Đỏ” (Red Pope Francis). Còn Michael Novak, ,  tuy cũng đồng ý về “tư tưởng Đỏ” như Rush Limbaugh, nhưng lại đứng về phe bênh vực Giáo Hoàng Francis ra mặt trên National Review Online (www.nationalreview.com), ngày 7 tháng 12 năm 2013 như lời giới thiệu:

“Có người gọi Đức Giáo Hoàng Francis là người theo chủ nghĩa Mác. Có người thậm chí còn bảo Ngài đừng nên pha mình vào lãnh vực kinh tế là lãnh vực ngài không những không hiểu biết mà còn chẳng ăn uống gì tới thừa tác vụ của Ngài cả. Họ khuyên Ngài, trong lãnh vực này nên nhường bước cho những người Công Giáo như Michael Novak, và khuyên nên đọc bài nhận định rất dài với nhiều tình tiết của tác giả trên “National Review Online” với bài tựa là “Agreeing with Pope Francis: The exhortation looks very different read through the lens of Argentine experience” (Đồng Ý Với Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Tông Huấn Có Dáng Rất Khác Khi Đọc Qua Lăng Kính Kinh Nghiệm Á Căn Đình”. (Dịch giả: Vũ Văn An)

Tóm tắt, Michael Novak cho rằng tình yêu là nguyên tắc tối hậu của tư tưởng xã hội Công Giáo, một tư tưởng đặt người nghèo ở tâm điểm, không giúp đỡ người nghèo là không yêu mến Thiên Chúa. Một cách mặc nhiên, ông thừa nhận Đức Phanxicô đúng cả trong việc phê phán chủ nghĩa tư bản, trên quan điểm mục tử, vì ngài đâu có đứng trên quan điểm kinh tế chính trị, cũng không nói về kinh tế chính trị, mà nói về Niềm Vui Tin Mừng.

· Phải là cây bút Công Giáo “cao cấp” như Michael Novak mới biết đọc tông huấn bằng con mắt của vị giáo sư – giám mục – của giáo hoàng từng lớn lên ở Á Căn Đình (Nam Mỹ), mặc dù nó “có tới 5 hay 6 câu của nó sao mà phe phái và vô căn cứ về thực nghiệm”, mà Michael Novak  lại có cảm tình hơn với các câu chữ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô sử dụng!

Nguyên văn:

“Đọc tông huấn mới của Đức GH Phanxicô sau các trình bày hết sức sai lạc về nó của Guardian và Reuters (cả hai đều thuộc phe tả của báo giới Anh), và đọc nó bằng lỗ tai ngôn ngữ Hoa Kỳ, thoạt đầu tôi rất ngỡ ngàng về việc có tới 5 hay 6 câu của nó sao mà phe phái và vô căn cứ về thực nghiệm đến thế.

Nhưng đọc tông huấn trong bản dịch tiếng Anh đầy đủ của nó, và đọc nó bằng con mắt của vị giáo sư – giám mục – của giáo hoàng từng lớn lên ở Á Căn Đình này, tôi bắt đầu có cảm tình hơn với các câu chữ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô sử dụng.”  

Ý kiến:

Như vậy người bình thường  của xứ tư bản chủ nghĩa Hoa Kỳ, đương nhiên phải đọc  tông huấn bằng lỗ tai ngôn ngữ Hoa Kỳ, nếu cho là Giáo Hoàng có tư tưởng Marxit hay như Rush Limbaugh gọi thẳng là “Giáo Hoàng Francis Đỏ”  cũng đúng thôi.

Bài phê phán rồi bênh vực tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin  Mừng) của Michael Novak đưa ra nhiều chi tiết, nhiều nhân vật lịch sử đạo lẫn đời từ xưa đến nay, nhưng tưu trung cho thấy: kiến thức con người bị ép khuôn trong môi trường sống, nói nôm na là “Ở bầu thì tròn, ở óng thì dài”, dù là Giáo hoàng Vatican đi nữa,  nên phát biểu dễ gây tranh cãi khi người phê phán đứng từ một gốc độ khác để nhìn. Cố GH Gioan Phaolô II, người mà khi được gọi về nước Chúa thì đương kiêm GH Danh Dự Benedicto 16 lên ngôi thay thế, là điển hình.

Michael Novak viết: Tôi từng nghiên cứu cẩn thận các trước tác đầu tiên của Đức GH Gioan Phaolô II, tức các trước tác phát sinh từ kinh nghiệm sống lâu dài với chế độ cộng sản hà khắc, một chế độ tự cho mình là người hoàn toàn tranh đấu cho “bình đẳng” nhưng lại cưỡng chế việc kiểm soát hoàn toàn chính sách cai trị, kinh tế, và văn hoá bằng một nhà nước toàn trị và tàn ác. Từ 1940 (dưới sự chiếm đóng của Quốc Xã và Xô Viết) cho tới 1978 (khi ngài di chuyển về Vatican), Karol Wojtyla hầu như không có bất cứ một kinh nghiệm nào về nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và chính sách cai trị dân chủ/cộng hòa.”(Hết trích)

Rõ ràng khi Hồng Y Karol Wojtyla ở Ba Lan trong “cái óng” Quốc Xã và Xô Viết dài 38 năm (1940—1978) cho tới khi được bầu về Vatican, thủ đô nước Ý của Âu châu, Đức Gioan Phaolô II là Giáo Hoàng toàn vũ – nhưng theo Michael Novak—không có bất cứ một kinh nghiệm nào về nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và chính sách cai trị dân chủ/cộng hòa của Bắc Mỹ châu, tức Hoa Kỳ.

Tác giả còn cho biết Giáo Hoàng Francis trong “cái óng” Nam Mỹ La Tinh thì khác hẳn!

Michael Novak viết tiếp: Các kinh nghiệm buổi đầu của hai vị giáo hoàng này rất khác nhau. Thành thử, sau khi đã thuyết trình lâu năm tại Á Căn Đình và tại Chilê từ cuối thập niên 1970, tôi đọc toàn bộ tông huấn này bằng một lỗ tai từng có được các vang vọng của đời sống kinh tế và chính trị hàng ngày tại Á Căn Đình.


Trong các cuộc viếng thăm Á Căn Đình của mình, tôi nhận thấy một phân rẽ hết sức rõ nét giữa giai cấp thượng trung lưu và giai cấp nghèo hơn hẳn bất cự sự phân rẽ nào tại Hoa Kỳ. Tại Á Căn Đình, tôi thấy rất ít nẻo đường để người nghèo theo đó thoát khỏi cảnh nghèo của họ. Tại Hoa Kỳ, nhiều người, hiện nay giầu có hay thuộc giai cấp trung lưu, trước đây từng đến (hay cha mẹ họ từng đến) Mỹ Châu này khố rách áo ôm, nhiều người trong chúng ta còn không nói được tiếng Anh, được đi học rất ít, và chủ yếu chỉ có kỹ năng tay chân. Nhưng trước mặt chúng ta trải dài nhiều nẻo đường đi lên. Như Hernando de Soto của Peru từng nhấn mạnh, Hoa Kỳ có thượng tôn pháp luật và các quyền tư hữu rõ ràng, dựa vào đó, người ta có thể an tâm xây dựng tương lai qua nhiều thế hệ.

Hầu như mọi người tôi quen biết lúc lớn lên đều trải nghiệm cảnh nghèo ở buổi đầu. Cha ông chúng ta có thể làm nghề may vá, thợ sắt, thư ký cửa tiệm, làm vườn, làm thợ sửa vặt, công nhân cổ xanh đủ loại, không có bảo hiểm xã hội, Medicaid, phiếu thực phẩm, phụ cấp nhà ở, hay những thứ tương tự. Nhưng họ chịu khó làm việc và phần nào đã có khả năng gửi con cái tới cao đẳng và đại học. Bây giờ thì con cái họ là bác sĩ, luật sư, giáo sư, chủ bút, chủ nhân tiểu thương khắp nước.

Trong cuốn Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations (1776), Adam Smith so sánh lịch sử kinh tế của Châu Mỹ La Tinh với lịch sử kinh tế Bắc Mỹ. Ông nhận định rằng ở Châu Mỹ La Tinh vẫn còn nhiều định chế của một Âu Châu phong kiến: các chủ đất lớn, các đồn điền lớn, các nhân công đồn điền. Ở Bắc Mỹ, chỉ các tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ mới có các đặc điểm này.” (Ngưng trích)

Việt Nam học được gì? Chúng tôi nhấn mạnh phần nầy để đảng Cộng Sản Việt Nam sống trong “cái bầu” của nền kinh tế chỉ huy hay sau nầy nới lõng thành kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa” và cai trị bởi điều 4 HP vừa mới lập lại trong Hiến Pháp sửa đổi năm 2013 với Luật rừng thì làm sao đưa con người an tâm xây dựng tương lai?

Vậy mà Việt Nam đã ở trong “cái bầu” tròn của Hồ Chí Minh từ năm 1945 đến năm 2013 lại lăn vào cái bầu tròn “mới như cũ” nữa thì thân phận người nghèo  Việt Nam sẽ như tại Á Căn Đình, rất ít nẻo đường để thoát khỏi cảnh nghèo của họ. Trong khi đó tại Hoa Kỳ, nhiều người, hiện nay giầu có hay thuộc giai cấp trung lưu, trước đây từng đến (hay cha mẹ họ từng đến) Mỹ Châu này khố rách áo ôm…” Dân Việt Nam, nhất là đảng Cộng Sản hãy đọc kỷ để đừng thù hận Mỹ tại sao phải dội bom Hồ Chí Minh trong chiến tranh??

Cá tánh, sự lầm lẫn, và thuốc chữa.

Bất cứ lãnh đạo tôn giáo hay chính trị gia nào dù tài giỏi đến đâu cũng có nhiều nhân vật vì những cá tánh, những lầm lẫn nhỏ nhưng lại gây những rối rấm hay thất bại đáng tiếc.

Như tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” của Đức Giáo Hoàng Francis, tuy hết lòng đọc bằng tâm thức con chiên Ki-Tô, nhưng Michael Novak vẫn không thể bỏ qua (Nguyên Văn): khoảng sáu "cú đấm" (swipes) của Ngài có tính phe phái và thiên vị đến độ hình như vượt ra ngoài sự thanh thản và tinh thần đại lượng thông thường của Ngài. Nói một cách chính xác, những kiểu nói có tính phe phái (partisan) này tự nhiên bị những cơ sở truyền thông như Reuters và Guardian túm lấy. Trong số này, có “các lý thuyết nhỏ giọt” (trickle-down theories), “những bàn tay vô hình”, “thờ ngẫu thần tiền bạc”, “bất bình đẳng” và lòng tin vào nhà nước “được trao cho việc canh chừng ích chung”.

--Michael Novak: Cá tánh của Đức Giáo Hoàng chủ trương vội vàng, bất cẩn:

“Ở đây, tôi chỉ xin phép tập chú vào các thiếu sót của một trong các chủ trương vội vàng của Đức Giáo Hoàng mà thôi: Ngài đã bất cẩn nhắc tới “các lý thuyết nhỏ giọt”. Thực ra sự lầm lẫn ở đây hình như đã bị cường điệu hóa bởi lối dịch nghèo nàn, như thấy rất rõ giữa bản dịch Anh Ngữ chính thức của Vatican và nguyên bản Tây Ban Nha của Đức Giáo Hoàng.”

Thì ra cả hai vị  Giáo Hòang tại tòa Thánh Vatican là Francis và Benedicto 16 vốn kêu gọi hòa bình nhưng đều gây tranh cãi vì cách phát biểu ngôn ngữ của mình “không chính ngôn, chính tâm” mà Linh Mục Tadeo Nguyễn Văn Lý trực thuộc hệ thống Vatican nhưng địa phương Việt Nam của phương Đông dặn dò  Người chiến sĩ Dân Chủ Hòa Bình cần “Chính ngôn, chính tâm” mới “chính hành hòa đồng tôn giáo”  thực sự và thương yêu bất vụ lợi.

Nếu tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Giáo Hòang Francis, theo Tác giả Nowak, thực sự không nói về kinh tế chính trị, mà nói về “Niềm Vui Tin Mừng”. Ông Nowak cho nguyên nhân gây tranh cãi chỉ vì sự hiểu lầm, người dịch ngôn ngữ lầm lẫn giữa hai thứ tiếng nên Thánh ý Giáo Hoàng bị hiểu lầm.

Nếu phát ngôn của Giáo Hoàng Danh Dự Benedicto 16 có thực tâm không thóa mạ Phật giáo là “Tự Thủ-dâm” hay chỉ lo “hưởng lạc” (xem phần IV, cột I về Benedicto 16) mà chỉ vì công luận hiểu lầm Ngài thì:

Thử tìm cách chữa sự lầm lẫn bằng “Kinh Người Bắt Rắn” của Phật giáo?

Thường lãnh tụ chính trị nào cũng dứt khoát cho rằng chủ thuyết của mình là tuyệt vời nhất. Như chủ thuyết Marxít-Lêninít thì người Cộng Sản nhất định cho là con đường duy nhất đem lại thiên đàng cho hạ giới như Cố Thánh Cha Joan Phao Lồ II thời Xô Viết-Ba Lan nói trên đây.  

Còn lãnh tụ tôn giáo như Ki-Tô giáo, Hồi giáo.. v.v.. thì cho Chúa của mình là đấng toàn năng, là đấng Phán quan trọn quyền phán xét cho con người lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục đời đời.  Nhưng Đức Thích Ca thì trái lại.

Đức Phật không cho mình có quyền ban ơn giáng họa cho ai, Ngài chỉ là người chỉ cho nhân loại con đường giải thoát khỏi khổ đau thôi, tùy họ tự quyết định nghe thì nhờ, không thì chính họ gánh chịu hậu quả do chính mình làm. Nên Đức Phật thường nhắc nhở rằng giáo pháp của Ngài có thể trở nên nguy hiểm nếu học hỏi không nghiêm chỉnh và thực hành không chính xác.

Mặc dù khi Thành Ðạo, đức Thích Ca giảng pháp thu hút được nhiều vì Vua các nước qui y nhưng Ngài không bao giờ cho giáo lý của mình là một chủ thuyết, mà nói đó chỉ là một phương tiện hướng dẫn thực hành. Ðức Phật như một lương y mà giáo lý của Ngài là lương dược để chữa khổ đau, tạo hòa bình, hạnh phúc. Nhưng thuốc men cần biết dùng cho đúng bệnh thì mới chữa lành bệnh tật, nếu không thì cũng có thể nguy hiểm cho tánh mạng bệnh nhân.

Với kinh “Người bắt Rắn”, dân gian thường thực hành rất giản dị đối với con Rắn độc Cộng Sản: “Đập rắn phải đập cái đầu trước”..Nhưng ở đây Đức Phật không nói đến “Đập chết” mà chỉ đưa ra cách “bắt sống” khi gặp nó hầu tránh hại tánh mạng con người ở nhiều khía cạnh khác. Ở đây xin nêu thuốc chữa “bệnh” hiểu lầm khi nghe lầm từ  “An lạc” thành “dục lạc” như Giáo hoàng Benedicto 16 phán, còn  GH  Francis thì vì chuyển ngữ lầm. Đức Phật không tự mình độc quyền phán quyết mà trên hai ngàn năm trước công nguyên Ngài người Đông phương đã biết lập một phiên tòa có Bồi Thẩm Đoàn như các nước văn minh Tây phương ngày nay vậy.

Kinh Phật kể lại rằng tại tu viện Trùng Các trong rừng Ðại Lâm gần thành phố Vaisali, trong một mùa an cư kiết hạ đã có mấy thầy tự tử vì đã nghe Phật giảng về vô thường, vô ngã và bất tịnh. Còn có một bài giảng bị đệ tử nghe lầm là “Hưởng thụ dục lạc không trở ngại cho sự tu tập” rồi đi giảng lại cho các sư đệ khác. Lâu dần nhiều người ngạc nhiên, đã đến chất vấn: “Có thật Sư huynh dạy Đức Thế Tôn giảng như vậy không”? Vị Sư huynh nầy đã nghe “An lạc” thành “dục lạc”.

Các Thầy nầy đã trực tiếp nghe Phật giảng mà còn hiểu lầm Phật, huống hồ gì nghe gián tiếp, là cách nghe qua kinh sách của chúng sinh hiện tại. Dân gian ta hiểu nôm na là “Tam sao thất bổn”. Chính vì có những thầy hiểu lầm Phật nguy hiểm như vậy mà Ngài giảng “Kinh Người Bắt Rắn”. Vì khi hiểu lầm rồi thì cứ cố chấp vào đó mà đưa đến sự sai lầm khác thành to chuyện. Đức Phật dùng ví dụ Bắt Rắn để diễn tả sự hiểm nguy của cái học thiếu thông minh và khéo léo.

Việc hiểu lầm và hành lầm giáo lý của Đức Phật đã xãy ra ngay trong thời Ngài còn tại thế. Nên mục đích Ngài giảng thủ thuật bắt Rắn là giúp con người Làm sao tránh Hiểu lầm và Cố chấp (vướng mắc)? Tránh được hai vấn đề nầy, là giúp chính gia đình biết tha thứ, không gây gổ, hạnh phúc; xã hội, đất nước an vui và thế giới hòa bình vì tránh được chiến tranh.







Ðức Phật với “Kinh Người Bắt Rắn” (Alagaddupamasutta) và đặc biệt nhấn mạnh về thủ thuật bắt Rắn sao cho không nguy hiểm?  Rằng người đi bắt rắn khôn ngoan và khéo léo, khi gặp rắn lớn họ biết sử dụng một cây có nạng sắt, ấn nạng ngay xuống cổ rắn và lấy tay bắt ngay đầu rắn. Rắn kia tuy có thể quẩy đuôi, quấn tay, quấn chân hoặc một bộ phận khác của cơ thể người bắt rắn, nhưng không thể nào mổ người ấy được. Bắt rắn như vậy không cực khổ mà cũng không lao nhọc, chỉ vì người ấy biết rõ thủ thuật bắt rắn.

Ðây là lời được dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán đời Ðông Tấn vào khoảng năm 397- 398 của “Kinh Người Bắt Rắn”. Xưa nay ít nghe ai đem Con Rắn để thí dụ cho giáo pháp hay chủ thuyết của mình.

Chuyện chiếc bè và  pháp buông bỏ, đừng cố chấp  Ngoài vấn đề hiểu lầm, Đức Thích Ca giảng “Kinh Người Bắt Rắn”còn dạy về pháp buông bỏ, tức đừng cố chấp. Ngài dùng thí dụ về Chiếc bè. Mùa nước lũ cuốn sập cả cầu kỳ, không tàu thuyền; muốn qua sông, ta dùng cây lá kết lại thành chiếc bè để qua bên kia sông. Khi lên được bờ, ta tiếc núi công lao không thể bỏ chiếc bè, nên vác nó lên vai mà đi. Tức không chịu buông bỏ. Đức Phật hỏi các đệ tử: Người lữ hành nầy có làm việc lợi ích cho mình hay tha nhân không? Hay là phải khôn ngoan để lại bên bờ nầy cho người tới sau có bè mà dùng đưa lại bờ kia? Vậy nhờ biết buông bỏ, không bám chặt vào công trình cũ mà chính mình đi thêm trên đường được nhẹ nhàng hơn? Y như một người trèo thang, muốn lên được nấc thứ sáu, phải đừng cố chấp, cố bám vào mà  phải bỏ đi nấc thang thứ năm. Nhưng đừng coi nấc thứ sáu là cao nhất, vì còn nhiều nấc khác cao hơn. Có phá chấp được thì dễ phá bỏ hiểu lầm, đưa đến dễ tha thứ và thực hành được hạnh từ bi khiến mọi người thương yêu nhau, xã hội yên bình.  

 Nguy hiểm của bệnh “Thành kiến”.  Đức Phật  còn nhắc đến một thành kiến, cố chấp gây khổ đau thật sự mà người học đạo cần nghiền ngẫm để tìm thấy niết bàn trong ta chứ không cần tìm kiếm ở đâu xa xôi. Cũng trong. kinh Bách Dụ:  Người lái buôn góa vợ có một đứa con trai và coi nó là lẽ sống của đời mình. Một hôm nọ anh ta đi vắng nhà, kẻ cướp tới đốt xóm đốt làng và bắt đứa con trai anh ta đi theo chúng. Khi trở về nhà, thấy thi hài một em bé cháy đen nằm chết bên căn nhà đã cháy rụi của mình, anh tin ngay là con mình đã chết. Anh khóc lóc thảm thiết rồi làm lễ hỏa thiêu thân xác đứa bé; rồi vì thương con quá, anh ta cất tro vào một túi gấm và đi đâu cũng mang theo bên mình, như lúc nào cũng có con bên cạnh. Mấy tháng sau, đứa con anh ta thoát được tay kẻ cướp và tìm về được vào lúc nửa đêm. Nó gõ cửa đòi vào. Lúc ấy người cha trẻ đang ôm chiếc túi gấm đựng tro và than khóc một mình. Anh ta không chịu đứng dậy mở cửa. Anh tin rằng con anh đã chết thật rồi, và đứa bé đang gõ cửa ngòai kia là con người hàng xóm mất dạy nào đó đang cố tình trêu ghẹo anh. Vì vậy đứa con thật của anh ta phải thất thểu ra đi và người cha khốn khổ kia mất vĩnh viễn đứa con yêu duy nhất của đời mình.       Do đó Phật dạy: "Nếu ta cố chấp vào một chủ nghĩa (hay một định kiến, một tin tưởng) và cho đó là chân lý tuyệt đối, ta sẽ lâm vào tình trạng của người cha trẻ kia. Ta sẽ không mở lòng ta ra để đón nhận chân lý. Ta có cảm tưởng rằng ta không cần đi tìm sự thật nữa, vì ta đã có sự thật rồi. Lúc ấy nếu sự thật có tới gõ cửa tìm ta, ta cũng sẽ từ chối không mở cửa.”

Cho nên dù giáo lý của Đức Phật rất “ngoằn ngoèo khó hiểu” như khi biết một người hỏi pháp chỉ để đi tranh luận giành phần thắng chứ không thật sự muốn học để hiểu chân lý, Ngài im lặng hoặc chỉ đáp: “Dù ta nói pháp rất nhiều, nhưng coi như ta chưa nói gì cả”. Với người hay cố chấp, Ngài nói: “Pháp mà còn phải buông bỏ, huống hồ những gì không phải pháp, hay phi pháp.”

Chúng ta nghe khuyên dạy đúng, nhưng vì thiếu thông minh, thiếu khéo léo, lại hay ưa lý thuyết, ưa hý luận, ưa khoe khoang và không thành khẩn bao nhiêu trong công việc đi tìm thuốc chữa khỏi bệnh mà Phật pháp goi là tìm giải thoát khỏi sự khổ đau. Chúng ta bị kẹt rất nhiều ở khái niệm và danh từ. Học hỏi đã vậy mà hành trì cũng vậy. Quán từ bi hay niệm Phật, chúng ta cũng có thể thực tập một cách thiếu thông minh và khôn khéo vì bị vướng mắc vào hình thức thực tập cho nên tuệ giác không dễ dàng phát sinh. Lời Chúa Jesus trong Bible hay đấng Mohammet trong kinh Qur’an.. v.v  đều nói đến yêu thương, thiện, ác,… nhưng mấy giáo đồ thực hành nghiêm chỉnh?

Nên Đức Phật Thích Ca không tự cho mình cao hơn ai, không dành quyền trừng phạt ai, mà chỉ dùng Phật pháp như một chiếc bè đưa con người vượt qua bể khổ, ai thực hành theo thì được giải thoát khỏi khổ đau, còn không, tự họ gánh chịu hình phạt do chính mình làm. Như vậy là công bình nhất. Ngoài hạnh Từ Bi, Vị tha, Ngài còn có hạnh Bình Đẳng đến độ tuyên dạy đầy khích lệ người hành đạo: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sắp thành!”

Có lẽ vì như sơ lược một ít những giáo lý vừa cao thâm, vừa gần gủi với mọi người không phân biệt tín ngưỡng như trên nên năm 2009, Phật giáo được Tổ chức Liên Minh Thế Giới Về Sự Phát Triển Tôn Giáo Và Tâm Linh bầu chọn là tôn giáo vĩ đại nhất thế giới? (Freedom From Religion: Buddhism Wins Best Religion in the World Award)

Và hôm nay, ngày 1 tháng 1 năm 2014, Đức Thánh Cha Francis trong Thông Điệp đầu năm mới, Ngài kêu gọi thế giới đoàn kết hơn, xây dựng một cộng đồng hòa bình và hạnh phúc.

Đức Đạt Lai Lạt Ma nơi lưu vong ở Ấn Độ cũng chúc trong năm mới 2014 thế giới hòa bình, mọi người Hạnh phúc;  và giảng rằng “Hạnh phúc hay bất hạnh là do tâm của chúng ta”.

Xin tiếp tiếp phần VI.

Happy New Year 2014

(Ngày 2/1/2014)

Nguyễn Việt Nữ

​​

No comments:

Post a Comment