BÍ MẬT
CHẾT NGƯỜI
Chi đội
trưởng Chi đội 7 Hai Vĩnh đang họp với Khu trưởng Nguyễn Bình thì được điện khẩn
của Trịnh Văn Tài, chi đội phó Chi đội 7, báo tin vừa bắt được Phán Huề.
- Phán
Huề nguyên là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Bà Rịa khi ta cướp
chính quyền ngày 25. 8.1945. Tên ông ta là Lê Văn Huề, thời Pháp thuộc là thư
ký hành chính ngoại ngạch (seerétaire d'administration hors - classe) tại dinh
Phó soái Sài Gòn (tức dinh Thống đốc Nam Kỳ). Năm 1945, Phán Huề về hưu và được
tín nhiệm giao chức chủ tịch tỉnh. Khi Tây đánh chiếm Bà Rịa vào tháng 10.1945,
các cơ quan tỉnh dời về vùng Phước Bửu, Long Ðiền, Ðất Ðỏ, Phán Huề đề nghị cho
ông nghỉ việc để lên núi Dinh tu hành. Ông là người theo đạo Cao Ðài. Sau đó
nghe tin ông bị Tây bắt đưa về thành. Nay không hiểu sao ông lại bí mật vào khu
và bị Chi đội 7 bắt ở vùng Phước Hòa.
Khu
trưởng Nguyễn Bình đã nhận được nhiều tin tình báo cho biết địch bí mật cho người
kháng chiến cũ vô khu kêu gọi anh em trở về với chính phủ quốc gia do Bảo Ðại
làm Quốc trưởng.
Nghi
đây là người của chính phủ Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Bình cùng đi với Hai Vĩnh về
Bà Rịa để điều tra.
Hai
Vĩnh bàn kế với Nguyễn Bình:
- Anh
Ba nên để một mình tôi tiếp xúc với Phán Huề. Nếu đúng y là người của địch thì
tôi sẽ đóng vai chiến sĩ bất mãn về nạn độc quyền lãnh đạo của Việt Minh, sẵn
sàng kéo quân về thành, ủng hộ chính phủ quốc gia của cựu hoàng, nay là Quốc
trưởng Bảo Ðại. Ðể màn kịch xúc tiến êm thắm, anh Ba chớ cho Phán Huề thấy mặt
tại Chi đội 7.
Nguyễn
Bình gật gù:
- Kế của
anh hay. Làm sao cho Phán Huề tin anh mà khai hết những ai đã hưởng ứng lời dụ
dỗ của hắn, trong đó biết đâu có Bảy Viễn?
Vừa về
tới nơi, Hai Vĩnh khiển trách Trịnh Văn Tài trước mặt Phán Huề:
- Ðây
là khách quý của chúng ta. Tôi xin lỗi ông chủ tịch về sự đối xử không được lịch
sự của anh chi đội phó. Chiều nay, tôi và ông chủ tịch vừa ăn cơm vừa bàn chuyện
quan trọng.
Trong
lúc thưởng thức vịt áp chảo nhậu rượu chát, Hai Vĩnh mở lời:
- Tôi
chưa biết ông chủ tịch vô đây tìm chúng tôi về việc gì, nhưng tôi xin nói trước
là tôi cũng như đa số anh em chiến sĩ gốc giang hồ rất khó chịu về nạn độc quyền
yêu nước của Việt Minh. Nghe nói có một số anh em có tinh thần quốc gia đã chán
ngấy cuộc sống gian khổ và thiếu tự do trong khu. Nếu có ai phát pháo đề cờ thì
anh em chúng tôi theo ngay.
Phán
Huề cảnh giác:
- Tôi
không ngờ một vị chỉ huy có công trận như ông chi đội trưởng lại nói như vậy!
Tôi không dám tin.
Hai
Vĩnh nghiêm nét mặt nói:
- Ông
chủ tịch không tin? Tôi sẽ viết thư cho Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân ngỏ ý muốn
kéo quân về thành ủng hộ chính phủ quốc gia của Quốc trưởng Bảo Ðại, với điều
kiện là Thủ tướng Xuân phải dành cho chúng tôi một nơi đóng quân riêng biệt.
Nghe tới
đây, Phán Huề tươi tỉnh hẳn:
- Tôi
rất vui mừng được nghe những lời gan ruột của ông. Thú thật với ông là tôi vô
đây tìm người đồng tâm đồng chí. Tôi đã gặp một số chiến hữu quốc gia hưởng ứng.
Tôi đã được ông Lai Hữu Tài, cố vấn của Khu bộ phó Bảy Viễn tiếp đón và hứa hẹn
sẽ nói lại với ngài Khu bộ phó...
Nói tới
đây, Phán Huề móc túi lấy mẫu giấy đã in sẵn trao cho Hai Vĩnh.
Hai
Vĩnh lấy giấy mực ra viết thư cho Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân theo mẫu đã in. Anh
trao cho Phán Huề xem rồi ký tên, đóng dấu. Ðêm đó Phán Huề yên tâm ngủ ngon,
không hề biết mình đã tự tiết lộ bí mật chết người. Phán Huề ngủ rồi, Hai Vĩnh
ngồi viết lại lá thư khi nãy, trao cho Nguyễn Bình biết là mình đã viết thư giả
cho Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân để lừa Phán Huề vào tròng.
Sáng
hôm sau, Nguyễn Bình mới "xuất đầu lộ diện".
Phán
Huề tái mặt khi nghe Khu trưởng nói:
- Anh
Lê Văn Huề. Anh đã bị bắt về tội bí mật vô khu rủ rê anh em binh sĩ bỏ ngũ trở
về thành theo chính phủ bù nhìn Bảo Ðại. Thật đáng tiếc một người tu hành như
anh lại chọn con đường phản dân hại nước. Ðể chứng tỏ lòng ăn năn hối hận, anh
nên khai những người anh đã dụ dỗ để giúp cách mạng tránh được tổn thất lớn
lao. Sanh mạng của anh tùy thuộc nơi lòng thành khẩn của anh.
Phán
Huề cặm cụi trước trang giấy trắng trước mặt.
Trong
danh sách những người dao động có cố vấn của Bảy Viễn là Lai Hữu Tài.
Trên
đường giải Phán Huề về Nam Bộ để đưa ra tòa án tối cao, Nguyễn Bình nói với Hai
Vĩnh:
- Từ một
năm nay, tình báo ta cho biết Phòng Nhì ráo riết nắm Bảy Viễn, trước nhất là ký
kết nhẹ nhàng như án binh bất động dể dần dần tiến tới lập chiến khu quốc gia,
biến Rừng Sác thành căn cứ của địch. Thực dân khôn khéo "chơi chữ",
không gọi là "đầu hàng", "theo Tây" mà là "trở về với
chính nghĩa quốc gia", "đi theo Thế giới Tự do". Do vậy, nhiều
người cạn suy mắc bẫy. Vấn đề Bảy Viễn, ta phải khéo léo giải quyết. Nếu nóng vội,
sẽ đổ máu vô ích và thất lợi lớn cho kháng chiến.
Thuyết
khách
Ðã nắm
tương đối đầy đủ bằng chứng về việc Bảy Viễn "đi đêm" với Phòng Nhì,
Trung tướng Nguyễn Bình - bấy giờ được đề bạt Ủy viên quân sự Nam bộ, Phó chủ tịch
Ủy ban Kháng chiến - Hành chính (UBKH - HC) Nam Bộ - họp thường vụ Nam bộ bàn
giải quyết vấn đề Bảy Viễn.
Trước
các ủy viên trong UBKC - HC Nam bộ, Trung tướng Nguyễn Bình trình bày những tin
tình báo về việc Bảy Viễn liên hệ chặt chẽ với Phòng Nhì. Ông gút lại:
- Lâu
nay ông Khu bộ phó Lê Văn Viễn tránh né không về họp cho nên hai bên không hiểu
nhau. Nay tôi có sáng kiến này: Tôi vừa được đề bạt Ủy viên quân sự Nam bộ, chức
Khu trưởng Khu 7 bõ trống. Tôi đề nghị ta đưa ông Bảy Viễn lên chức Khu bộ trưởng.
Khi nhậm chức, ông ta phải về Nam Bộ. Ðó là cách hay nhất để chúng ta gặp nhau,
giải quyết những mối bất đồng âm ỉ lâu nay.
Mọi
người yêu tán đồng ý đó. Quyền Chủ tịch Phạm Ngọc Thuần thảo quyết định phong Bảy
Viễn chức Khu trưởng khu 7.
Ðiện
đánh đi mấy ngày mà không thấy Bảy Viễn hồi âm. Sau đó, tình báo cho biết Bảy
Viễn được tin vui mà không mừng như năm trước; lúc được phong Khu bộ phó. Thì
ra hai tên Tư Sang và Năm Tài cho biết đây là kế "điệu hổ ly sơn",
kéo ngài Khu bộ phó ra khỏi giang sơn Rừng Sác.
Bản
thân Bảy Viễn cũng lờ mờ hiểu như vậy. Ðúng ra kế "dụ cọp về đồng"
quá lộ liễu, ai cũng có thể thấy được. Làm sao đây? Ðưa Tám Nghệ lên làm Khu
trưởng thì quá hợp lý - vì Tám Nghệ chiến công vang lừng, hơn xa Bảy Viễn - và
nhất là Tám Nghệ vốn là đảng viên. Nhưng không lẽ bỏ rơi Bảy Viễn.
Quan
điểm của lãnh đạo Nam bộ là "còn nước còn tát". Bảy Viễn chưa đến nỗi
tồi tệ như tư lệnh Ðệ tam Sư đoàn Nguyễn Hòa Hiệp hay đám Vũ Tam Anh, Bùi Liễu
Phiệt. Ta nên giúp đỡ lôi kéo, tránh sự sa ngã đáng tiếc.
Chính ủy
Hai Trí (Nguyễn Văn Trí) chỉ Tám Nghệ nói:
- Bảy
Viễn là dân giang hồ, quen thói anh hùng cá nhân, cần phải khích tướng mới
xong. Anh Tám Nghệ không phải dân giang hồ, nhưng lại là một hảo hớn khét tiếng
miền Ðông. Tôi đề nghị anh Tám xuống Rừng Sác làm thuyết khách.
Nguyễn
Bình gật gù:
- Anh
Tám đã xuống dự lễ tấn phong Khu bộ phó của Bảy Viễn. Nay xuống lần nữa xem sao?
Tám
Nghệ đắn đo:
- Năm
trước tôi có xuống Rừng Sác, nhưng ngày đó Bảy Viễn chưa sanh tâm phản bội
kháng chiến. Nay xuống chắc là không êm thắm như trước.
Hai
Trí chụp ngang:
- Anh
Tám muốn đem theo bao nhiêu hộ vệ quân? Một trung đội hay một đại đội?
Tám
Nghệ cười:
- Một
chi đội mạnh như chi đội 10 của tôi cũng chẳng thấm vào đâu; Bảy Viễn có cả
Liên khu Bình Xuyên gồm bảy chi đội. Không? Tôi không lấy một cận vệ nào hết.
Nghe
Tám Nghệ nói, biết anh đồng ý xuống tổng hành dinh Khu phó Bảy Viễn thuyết phục
lãnh chúa Bình Xuyên về Nam bộ lãnh chức Khu trưởng Khu 7, ai nấy đều mừng.
Nguyễn Bình bắt tay, siết chặt:
- Xin
chúc anh Tám thành công và hy vọng sẽ gặp lại anh Tám với Bảy Viễn tại lễ tấn
phong Khu trưởng Lê Văn Viễn tại dòng kinh Nhơn Hòa Lập.
Tám
Nghệ "đơn thương độc mã" đi từ Lạc An xuống Bàu Bông xã Phước An, từ
đó đi ghe mui ống tới Tất Cây Mắm gặp Bảy Viễn.
Huyện
đội trưởng Long Thành Phạm Tự Do lo lắng hỏi:
- Anh
Tám đi có một mình sao? Ðể tôi cho một tiểu đội hộ tống.
Tám
Nghệ khoát tay:
- Cám
ơn anh. Một tiểu đội không đủ đâu. Tôi đi một mình, dễ xoay xở hơn.
Hay
tin Tám Nghệ một mình xuống Rừng Sác, hai tên Sang, Tài bàn nhau:
- Thằng
nay muốn chết nên mới dẫn xác xuống đây. Anh em mình thủ tiêu nó ngay đi, đừng
để nó gặp ông Bảy.
Tư
Sang cho ba tay thiện xạ thủ tiểu liên núp trong một ghe mui ống bám sát con mồi.
Tám Nghệ ung dung bước vô tổng hành dinh Bảy Viễn, thân ái như một chiến hữu. Bảy
Viễn cả mừng khi được Tám Nghệ tới thăm.
Tám
Nghệ tháo súng ngắn ném xuống bàn rồi giang hai cánh tay ra ôm choàng lấy Bảy
Viễn:
- Tôi
tới mừng anh Bảy được vinh thăng Khu trưởng.
Bảy Viễn
lắc đầu:
- Tôi
tự thấy không xứng đáng. Chức đó phải về tay anh Tám.
- Sao
anh Bảy nói vậy? Anh là đệ nhất Khu bộ phó. Người được "đôn" lên Khu
trưởng phải là anh. Lý do thứ hai, anh Bảy tiêu biểu cho giới giang hồ Nam bộ.
Anh lên chức Khu trưởng Khu 7 là một vinh dự cho cả giới hảo hán miền Nam.
Trung ương và Nam bộ làm việc gì cũng nghiên cứu kỹ càng, thấu lý đạt tình.
Bảy Viễn
thở dài:
- Với
anh Tám, tôi nói thật. Tôi không vui vẻ gì khi được đề bạt Khu trưởng. Tôi nghĩ
có điều gì bí ẩn đằng sau bức điện. Có thể là "độc kế" của Nguyễn
Bình.
Tám
Nghệ vào hang cọp
Bảy Viễn
đem rượu Tây đãi Tám Nghệ:
- Nói
thật với anh Tám, tôi không khoái Nguyễn Bình. Nó là thằng trôi sông lạc chợ vô
đây làm cha mình. Ai chịu được!
Tám
Nghệ đặt mạnh ly Cognac xuống, cắt lời:
- Xin
phép anh Bảy cho tôi nói. Nam Trung Bắc gì cũng là người Việt Nam. Dân Nam Kỳ
mình đây chính là cháu chắt chia dân Ngũ Quảng theo lệnh Nguyễn Hoàng vào Nam
sinh cơ lập nghiệp. Kỳ thị Nam Bắc là ta mắc mưu chia để trị của thực dân.
Bảy Viễn
hậm hực:
-
Nhưng anh Tám thấy Nguyễn Bình hơn mình chỗ nào mà chỉ huy mình?
Tám
Nghệ nghiêm chỉnh:
- Hơn
nhiều chớ! Trước nhất là bản lĩnh. Miền Nam mình, ai có bộ đội trong tay cũng
làm trời, cá lớn nuốt cá bé. Như thời Thập nhị sứ quân, không ai phục ai. Vậy
mà Nguyễn Bình chân ướt chân ráo tới miền Ðông Nam bộ đã mở hội nghị An Phú xã
(Gò Vấp) thống nhất các đơn vị bộ đội địa phương, lập ra mười mấy chi đội,
trong đó có 7 chi đội của Liên khu Bình Xuyên. Nếu không phải Nguyễn Bình, ai
làm được việc lớn lao đó? Rồi còn lập ra các ban Công tác thành, đem chiến
tranh vào tận hang ổ Sài Gòn bị địch chiếm... Các danh tướng Leclerc, Nyo đều nể
mặt Nguyễn Bình.
Bảy Viễn
lắc đầu:
- Tôi
không nhận chức Khu bộ trưởng đâu! Ðây là kế "điệu hổ ly sơn". Tôi đã
quen giang san Rừng Sác của mình rồi. Xuống Ðồng Tháp Mười, đồng không mông quạnh,
lạnh lưng lắm!
Tám
Nghệ cười lớn:
- Người
ta tặng anh danh hiệu Hắc Hổ tướng quân. Anh là cọp mun, chúa tể sơn lâm. Sao
hôm nay nói nghe yếu xìu vậy? Cọp ở đâu cũng là cọp. Không lẽ xuống đồng, cọp
biến thành chồn cáo hay sao?
Bảy Viễn
đang nâng ly vụt đặt mạnh xuống bàn, mắt long lanh hai bàn tay nắm chặt lại:
- Anh
Tám nói đúng! Cọp ở đâu cũng là cọp, cũng là chúa tể sơn lâm! Bảy Viễn này là Hắc
Hổ tướng quân thì sợ ai mà không dám về Nam bộ... Nhưng mà...
Tám
Nghệ hiểu ý, nói ngay:
- Anh
Bảy sợ mắc kế "điệu hổ ly sơn" chớ gì? Không có chuyện ấy đâu! Tôi
nghĩ anh Bảy và Nguyễn Bình không hiểu nhau vì đóng quân cách xa. Thêm nữa,
chung quanh lại có người ác ý nói vô nói ra nhằm chia rẽ. Theo tôi, anh Bảy nên
về Nam bộ nhậm chức. Trong lễ sẽ có đủ mặt anh em, có chuyện gì chưa thông, ta
bàn bạc, thậm chí tranh luận để xóa bỏ mọi hiểu lầm. Nếu anh Bảy chưa an tâm
thì cứ đem theo vài đại đội cứng.
Bảy Viễn
gật gù:
- Ý
hay! Mình sẽ đưa hai đại đội súng lớn theo, trước nhất là để bảo vệ an toàn
trên đường đi sau nữa là thị uy Nguyễn Bình.
Tám
Nghệ vui mừng khi thấy Bảy Viễn chịu về Nam bộ nhậm chức Khu trưởng. Anh chồm
qua bắt tay Bảy Viễn:
- Anh
Bảy xứng đáng là Hắc Hổ tướng quân. Tôi rất hãnh diện được kết bạn với anh Bảy.
Bảy Viễn
hứng khởi bá vai Tám Nghệ:
- Anh
Tám không phải dân giang hồ, nhưng anh Tám là một hảo hán khét tiếng ở Chiến
khu Ð. Tôi cũng rất hãnh diện được kết nghĩa huynh đệ với anh Tám.
Tiệc tàn,
trời nóng, lại thấm hơi men, Tám Nghệ đứng lên cởi áo:
- Xin
phép anh Bảy cho tôi xuống sông nhúng nước một lúc. Nóng quá!
- Anh
Tám cứ tự nhiên? Coi đây như nhà của anh Tám.
Trong
khi Tám Nghệ vẫy vùng trên sóng nước, ba tên com măng đô thiện xạ chĩa mũi tiểu
liên vào con mồi. Chúng núp trong mui ghe chỉ thò họng súng qua kẽ lá.
Tư
Sang hồi hộp hỏi Năm Tài:
- Sao
mầy Năm? Có cần hỏi ý ông Bảy không?
Năm
Tài đắn đo:
- Hỏi
chắc ông Bảy không cho phép. Hay là mình làm ẩu? Tiền trảm hậu tấu?
Tư Sang
thở ra:
- Nên
hỏi! Làm ẩu, coi chừng cả bọn chết theo Tám Nghệ!
Năm
Tài lật đật chạy vô tìm Bảy Viễn:
- Ông
Bảy. Dịp may hiếm có, chớ nên bỏ qua. Tám Nghệ là thằng Cộng sản. Nó là cánh
tay mặt của Nguyễn Bình. Nó xuống đây để thi hành độc kế "điệu hổ ly
sơn". Tự nó dẫn xác tới đây. Chúng tôi đã cho ba tay súng phục sẵn. Nếu
ông Bảy cho phép...
Bảy Viễn
nạt lớn:
- Im?
Ai cho phép tụi bây làm ẩu? Tám Nghệ là thượng khách của tao. May cho bây đó. Nếu
bây làm ẩu thì tao sẽ tế cờ năm mạng tụi bây...
Năm Tài
sượng sùng lui ra, khoát tay bảo Tư Sang:
- Dẹp
ngay! Ông Bảy hăm tế cờ năm mạng bọn mình nếu ta làm ẩu.
Cái chết
rình rập Tám Nghệ suốt thời gian anh nô đùa với nước. Chừng lên bờ, một đội
viên nói:
- Khúc
sông này có sấu. Tôi thưa kịp nói thì ông đã "long" xuống nước rồi.
Tám
Nghệ cười:
- Tôi
biết ở đây có sấu, nhưng sấu không gắp được người lội đứng.
Chịu về
Nam Bộ
K hu
phó Tám Nghệ vừa rời Rừng Sác thì Bảy viễn lại tiếp hai vị khánh quý: Mười Trí
và Bảy Trấn.
Lại
đem rượu Tây ra thết đãi bạn rừng năm cũ, tay bắt mặt mừng.
Bảy Viễn
ôm vai Bảy Trấn:
- Chào
thầy Bảy Dầu Tiếng.
Bảy Trấn
cười ha hả:
-
Bông-giua mông xừ Hoảnh-Xăng.
Mười
Trí nâng ly:
- Chúc
mừng ngày tái ngộ của ba tên sống ngoài vòng pháp luật. Mau quá, mới đó mà đã
năm sáu năm trời.
Bảy Trấn
cụng ly Bảy Viễn, Mười Trí:
- Tụi
mình có số làm lớn. Hồi "chém vè" ở nhà Hội đồng Thì, có ai dám nghĩ
rằng sau này mình là dân tai to mặt lớn đâu. Ðúng là ba đứa mình toàn số đỏ.
Bảy Viễn
khoái chí nhưng làm bộ chưa hiểu:
- Số đỏ
là sao hả anh Bảy?
Bảy Trấn
nói:
- Theo
thứ tự thì mông-xừ Hoảnh-xăng giữ nhiều chức: chỉ huy Chi đội 9 kiêm Khu bộ phó
Khu 7, nay lại được "đôn" lên Khu bộ trưởng. Ông Năm Mắm cũng nắm hai
chức: chỉ huy Chi đội 4 kiêm ủy viên trong Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Sài
Gòn - Chợ Lớn. Còn mình cũng được phong chức Chính ủy Khu 9.
Bảy Viễn
ngạc nhiên:
- Sao ở
Khu 9 mà thầy Bảy lên đây?
Bảy Trấn
cười:
- Nhớ
bồ quá lên thăm được không? Nói chơi chớ mình lên đây là theo lệnh của ông Lê
Duẩn.
Bảy Viễn
càng không hiểu:
- Ông
Lê Duẩn muốn gì mà phái thầy Bảy lặn lội lên đây gặp tôi?
Mười
Trí liền nói:
- Trước
đây Nguyễn Bình đã phái Tám Nghệ xuống đây mời anh Bảy về Nam bộ lãnh chức Khu
trưởng. Lê Duẩn nghĩ rằng anh Bảy không ưa Nguyễn Bình nên sợ chuyến đi của Tám
Nghệ không có kết quả. Do đó anh Ba mới nhờ đến tôi, lại tăng cường thêm thầy Bẩy
vì biết hai anh rất thân nhau.
Bảy Viễn
gật gù:
- Thì
ra vậy. Nhưng nói gì thì nói, tôi không nhận chức Khu trưởng đâu. Ðây là kế
"điệu hổ ly sơn", con nít cũng biết. Tôi có hứa với Tám Nghệ sẽ cử đại
đội hùng binh xuống Tháp Mười để chứng tỏ "Hắc Hổ tướng quân" chẳng
ngán ai, nhưng nhận chức thì để còn xét lại.
Bảy Trấn
làm mặt giận:
- Anh
Bảy coi thằng bạn rừng năm cũ này như một con chim mồi hay sao mà nói vậy? Nếu
là độc kế "điệu hổ ly sơn" thì thằng chính ủy cáo già này ở lỳ dưới
Khu 9 cho yên thân. Nhớ lại coi, Bảy Trấn này đâu phải là thằng phản bạn!
Mười
Trí cũng nói vô:
- Anh
Bảy à. Mấy năm trước tôi cũng nghi ngờ Nguyễn Bình. Nhưng nhờ đóng gần nhau mà
bớt hiểu lầm. Nguyễn Bình là người Bắc, là Cộng sản, nhưng chơi được. Chắc anh
Bảy còn nhớ vụ thằng Sáu Section giả chữ ký của tôi mời Nguyễn Bình tới nhà tôi
ăn cơm. Anh Ba Bình đi một mình một xuồng, bị bộ ba Sáu Section, Bùi Hữu Phiệt
và Vũ Tam Anh phục kích ở lò đường, sát bên nhà tôi rồi xả tiểu liên. Rất may
anh Ba chỉ bị thương nhẹ. Vậy mà sau đó, anh Ba vẫn không làm lớn chuyện với
tôi.
Bảy Viễn
không nói gì thêm, cứ nốc rượu liền miệng. Hết chai này, khui chai khác. Mười
Trí chận lại:
-
Thôi? Ðủ "đô" rồi! Ðể đầu óc minh mẫn bàn chuyện lớn.
Bảy Viễn
trợn mắt:
- Anh
Mười uống rượu như hũ chìm, sao nay lại yếu vậy?
Mười
Trí cười:
- Ðời
sống mới, người Việt Nam mới. Cái gì cũ mà dở thì bỏ. Tao với mày nên ngoéo tay
với nhau: tao bỏ rượu, còn mày bỏ gái, chịu không?
Buổi
tiệc kết thúc vui vẻ. Bảy Viễn chịu về Nam Bộ, còn nhậm chức hay không sẽ tính
sau.
Hai sứ
giả Mười Trí và Bảy Trấn đành hài lòng với kết quả nửa vời như vậy. Gặp nhau
trước đã. Còn chuyện gay cấn lâu năm sẽ hồi sau phân giải.
Ngày họp
trọng đại
Hai đại
đội "cứng" trang bị đại liên hộ tống Khu bộ phó Lê Văn Viễn vượt sông
Soài Rạp qua lộ 4, băng Vườn Thơm tới Cần Vè, Vàm Cỏ Tây xuôi dòng kênh Dương
Văn Dương tới làng Nhơn Hòa Lập, nơi đóng quân của các cơ quan kháng chiến Nam
bộ.
Tư
Sang chọn xóm Nhà Thờ đóng quân.
Trước
sân, bộ đội Bình Xuyên đặt súng nòng chĩa lên trời, đạn treo chạy dài từng
băng, đỏ au dưới ánh mặt trời. Dân làng rủ nhau đi xem súng lớn của bộ đội miền
Ðông.
Chiều
chiều, ban nhạc Chi đội 9 kéo nhau ra cầu ván trước nhà thờ hòa nhạc.
Trong
khi đó Bảy Viễn tới Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam bộ họp.
Ðây là
một ngày trọng đại trong lịch sử kháng Pháp - ngày 26.5.1948.
Có mặt
đầy đủ Ban Thường vụ với các ông Phạm Ngọc Thuần, Nguyễn Bình, Ung Văn Khiêm,
Nguyễn Thành Vĩnh, Kha Vạn Cân, Lê Quẩn, Diệp Ba, Lê Ðình Chi, Trịnh Ðình Trọng,
Phan Văn Chương.
Phía
Bình Xuyên có Lê Văn Viễn, Huỳnh Văn Trí, Trần Văn Ðối, Nguyễn Văn Hoạnh. Thêm
hai vị Khu phó Khu 7 Huỳnh Văn Nghệ và Chính ủy Khu 9 Nguyễn Văn Trấn.
Ông
Thuần chủ tọa hội nghị, hai ông Trấn và Diệp Ba làm thư ký.
Ông
Thuần vô đề ngay:
- Pháp
đang đánh lá bài chia rẽ, chúng ta cố gắng củng cố nội bộ của mình. Tôi đề nghị
chúng ta thẳng thắn nêu ra những thắc mắc, nghi ngờ để giải quyết một lần cho
xong hầu chung sức đánh Tây.
Bảy Viễn
liền đứng lên nói ngay:
- Anh
em chiến sĩ Bình Xuyên luôn luôn chiến đấu cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc,
luôn luôn tuân lệnh chính phủ.
Nguyễn
Bình đứng lên trình bày cảm nghĩ của mình trong cuộc họp lần đầu tiên có Khu bộ
phó Bảy Viễn tham dự. Ông nói:
- Trước
khi rời Khu 7, tôi muốn giải quyết dứt khoát những chuyện lủng củng giữa Khu và
anh em Bình Xuyên. Khu 7 là chiến khu đàn anh với nhiều chiến công. Rất tiếc giữa
ông Bảy và tôi lâu nay không được gần gũi, do đó mà có nhiều việc hiểu lầm. Hôm
nay, tôi rất cám ơn ông Tám Nghệ đã mời ông Bảy xuống đây họp để xóa tan những
nghi kỵ. Anh em chỉ huy Bình Xuyên ngại về Khu vì sợ bị thủ tiêu. Hai anh Năm
Hà và Sáu Ðối đòi phải có sự bảo đảm như Khu phải đưa người xuống Rừng Sác làm
con tin thì mới dám về Nam bộ. Dù sao thì hai ông Năm Hà và Sáu Ðối cũng đã về
Khu gặp tôi. Duy có ông Bảy là chưa. Và đây là lần đầu tiên tôi hân hạnh được gặp
ông Khu bộ phó. Nhân đây, tôi xin nêu ra những việc cần bàn cãi: Thứ nhất, Lai
Hữu Tài đã mạt sát tôi, ủy viên quân sự Nam bộ trong một bức thư ngỏ, vậy mà
ông Bảy ký tên thị chứng bức thư đó. Thứ hai, Lâm Văn Hậu trong ban chỉ huy Ðệ
tam sư đoàn vô khu vực Bình Xuyên tuyên truyền lôi kéo anh em binh sĩ về thành
đầu hàng Pháp, vậy mà ông Bảy làm ngơ. Thứ ba, ba tên Nguyễn Thành Long, Bùi Hữu
Phiệt, Lai Hữu Tài âm mưu ám sát tôi rồi chạy trốn trong Chi đội 9 lại được ông
Bảy bao che, không bắt. Thứ tư, Lâm Ngọc Ðường, Tư Thiên là dân mật thám, lấy
danh nghĩa Bình Xuyên làm tiền bạc triệu, chỉ đóng góp cho Chi đội 9 một phần
trăm. Càng nguy hiểm hơn là hai tên này giăng lưới bắt nhân viên chính phủ hoạt
động nội thành.
Trên
đây là những vụ nổi cộm, tôi nói ra để từ nay hai bên hiểu nhau, giữ uy tín và
danh dự cho nhau trước âm mưu chia rẽ của địch mà thắt chặt tình đoàn kết.
Sau
cùng, đây là một giải pháp mà Thường vụ Nam bộ đã nhất trí, xin quý vị đặc biệt
quan tâm: Từ lâu, ta được tin Pháp cố nắm các phần tử quốc gia trong kháng chiến,
dụ dỗ đưa về thành đầu hàng Tây dưới danh nghĩa là về với chính phủ quốc gia của
Bảo Ðại.
Ta vừa
bắt được Phán Huề, đại diện Chính phủ Nguyễn Văn Xuân ra bưng tìm Khu bộ phó Lê
Văn Viễn để thành lập chiến khu quốc gia Rừng Sác. Ðịch đã bố trí nhiều tay
Phòng Nhì vô Chi đội 9 như Tư Sang, Năm Tài nên nghĩ rằng chúng dễ nắm anh em
Bình Xuyên.
Ðể phá
tan âm mưu chia rẽ quốc gia và Việt Minh của tên cáo già Bollaert, Nam bộ quyết
định giải tán tổ chức Bình Xuyên, bỏ hẳn Bộ Tư lệnh Bình Xuyên, quân đội Bình
Xuyên. Các đơn vị Bình Xuyên trở thành các trung đoàn Vệ quốc đoàn trong quân đội
quốc gia.
Các chỉ
huy Bình Xuyên đỏ mặt tía tai khi nghe Nam bộ quyết định giải thể Bình Xuyên.
Bảy Viễn
đứng phắt dậy, hét lớn:
-
Không? Chúng tôi phản đối quyết định trên! Ba năm nay, bộ đội Bình Xuyên đã đổ
máu cho lá cờ đỏ sao vàng, noi gương anh Ba Dương - người đã trở thành vị tướng
lãnh liệt sĩ đầu tiên của giới giang hồ theo kháng chiến.
Nguyễn
Bình khoát tay:
- Xin
ông Bảy bình tĩnh nghe tôi nói tiếp. Chiến khu Rừng Sác theo cách tổ chức mới sẽ
là một chiến khu đặc biệt, một thành trì kháng chiến. Thưa các ông, tiền muôn bạc
triệu dễ tìm, còn danh dự chiến sĩ cách mạng, anh hùng cứu quốc mà các ông hiện
đang có không thể mua bằng vàng, bằng địa vị hư danh. Tôi mong các ông giữ gìn,
nâng niu danh dự đó. Có như vậy tôi cũng được hãnh diện là người biết chọn lựa
người có tài, có đức đưa vào chức vụ xứng đáng. Tôi rất sung sướng có những đồng
đội, những người bạn quý như các ông.
Cọp về
đồng
Bài diễn
văn của Trung tướng Nguyễn Bình đọc trước cuộc họp của Ban Thường vụ Ủy ban
Kháng chiến - Hành chính Nam bộ ngày 26. 5.1948 để giải quyết các vấn đề Khu 7
mà nổi cộm là những mối bất hòa giữa hai vị Khu trưởng và Khu phó thứ nhất dài
tới bốn trang rưỡi.
Lời lẽ
thật ôn tồn, độ lượng, đúng là giọng văn của người chỉ huy dầy tinh thần
"huynh đệ chi binh" dù đề cập tới những vấn đề cực kỳ quan trọng thuộc
về đường lối chính sách của kháng chiến.
Ba
nhân vật Bình Xuyên được Nguyễn Bình chất vấn là Bảy Viễn, Mười Trí và Tư Ty.
Mười
Trí và Tư Ty bình tĩnh thanh minh những việc làm của mình, riêng Bảy Viễn thì
ngồi không yên, có lúc muốn nhảy dựng lên xin "ăn miếng trả miếng",
nhưng chủ tọa cuộc họp là luật sư Phạm Ngọc Thuần với kinh nghiệm điều khiển những
cuộc họp đầy sóng gió trước đó đã xử lý êm thắm.
Sau
khi trình bày xong, Nguyễn Bình giao bài nói chuyện của mình cho chủ tọa.
Ông
Thuần để nó qua một bên, đọc trong sổ tay của ông những vấn đề cần tranh luận:
- Bây
giờ xin ông Khu phó Lê Văn Viễn trả lời những vấn đề ông Khu trưởng nêu lên, cụ
thể là:
Một -
sự nghi ky giữa. Bình Xuyên và Khu 7;
Hai -
việc dùng tên Lai Hữu Tài là người của Phòng Nhì;
Ba -
việc giao du với Maurice Thiên là người của trung tá Phòng Nhì Savani;
Bốn -
việc ông chứa chấp các tên phản động như Nguyễn Thành Long, Bùi Hữu Phiệt, Lai
Hữu Tài can tội mưu sát trung tướng Nguyễn Bình mà không bắt giải giao cho
ngành tư pháp.
Bảy Viễn
đứng thẳng lên, không nhìn chủ tọa mà ngó ngay Nguyễn Bình:
- Trước
khi trả lời bốn điều thắc mắc của Khu trưởng Nguyễn Bình, tôi xin nói thẳng điều
này: cá nhân Bảy Viễn không tin người Bắc. Tôi cũng không khoái mấy cha chính
trị viên. Khi mới lập bộ đội, gian khổ, chết chóc thì không thấy các cha đâu;
khi bộ đội thành nề nếp rồi, có đại đội, có tiểu đoàn rồi thì các cha vác mặt tới
đòi chia quyền chỉ huy...
Mười
Trí tằng hắng như nhắc bạn chớ sa đà chuyện cá nhân nhưng Bảy Viễn cứ thao thao:
- Trả
lời câu thứ nhất, tôi khẳng định có sự nghi kỵ giữa Bình Xuyên và Khu 7. Có quá
nhiều vụ nổ súng do tranh nhau thu thuế thì làm sao cán bộ cấp chỉ huy bên này
dám đi qua bên kia? Mặc áo có đường biên hai màu xanh đỏ cũng bị cho "mò
tôm" vì nghi là gián điệp. Tôi không tin Khu, nhưng kỳ này về đây không phải
là vì cái chức Khu trưởng Khu 7 các ông dành cho tôi.
Thật
ra đây là kế "điệu hổ ly sơn" nhằm tách tôi ra khỏi chiến khu Rừng
Sác. Ðây là kế hạ sách, đứa con nít cũng biết, Bảy Viễn biết mà vẫn về đây là
vì mến mộ tính cách hảo hớn của anh Tám Nghệ. Một ngựa một thương mà dám xuống
tổng hành dinh Chi đội 9, anh Tám đâu có biết cái chết đang rình rập anh ở từng
khúc quanh, ở từng con rạch. Nhưng Bảy Viễn không thể cho thủ hạ làm hỗn một
thượng khách của dân giang hồ Bình Xuyên ngay trên lãnh địa của mình.
Tám
Nghệ đã khích tướng Bảy Viễn: "Cọp ở rừng là cọp. Không lẽ về đồng lại là
chồn cáo sao?"
Bảy Viễn
về đây cũng là vì tấm lòng thân ái của thầy Bảy Dầu Tiếng cùng anh Mười Trí.
Nhân
đây xin cám ơn ba anh Tám Nghệ, Mười Trí và Bảy Trấn...
Xin trả
lời thắc mắc thứ hai: Tôi có dùng hai anh em họ Lai, thằng anh là Tư Sang, thằng
em là Năm Tài. Hai tên này chữ nghĩa khá, biết làm việc nên tôi giao chúng lo mọi
thứ để mình rảnh rỗi chỉ huy chung. Nếu có bằng chứng hai thằng này là người của
Phòng Nhì thì chính tôi sẽ xử chúng chớ không cần phải giao cho ai.
Câu thứ
ba: Về Maurice Thiên, tôi biết thằng Chệt lai này đã gần 20 năm. Nó con nhà
giàu, học giỏi cưới vợ giàu, chơi thể thao hay. Khi Tây trở qua tháng 9.1945,
tôi biết nó bị Tây bắt, buộc phải làm việc cho Tây nhưng nó chỉ hụ hợ, dựa bệ
ăn lương chớ không bắt bớ ai. Các ông nói tôi bị Tư Thiên lợi dụng song thật ra
thì chính Bảy Viễn lợi dụng bình phong của Tư Thiên.
Tôi có
chứa chấp ba tên Nguyễn Thành Long, Vũ Tam Anh và Lai Hữu Tài trong vài ngày,
nhưng chúng có cho tôi biết là chúng đã mưu sát ông trung tướng Nguyễn Bình đâu
mà biểu tôi bắt chúng nó.
Trả lời
xong, Bảy Viễn thấm mệt, rút khăn tay lau mặt, cổ và cánh tay.
Chủ tọa
Phạm Ngọc Thuần nói:
-
Chúng ta nghỉ xả hơi rồi chiều tiếp tục.
Trong
khi đại biểu nghỉ ngơi, ông Ðốc phủ Phan Văn Chương tới ngồi bên Bảy Viễn, vừa
quạt vừa nói:
- Lâu
nay nghe danh ông Bảy, nay mới được vinh hạnh gặp. Nếu hai ông Khu trưởng và
Khu phó mà thông cảm với nhau trong hội nghị này thì tôi thật tình vô cùng sung
sướng. Cả hai ông mà đều đặt quyền lợi Tổ quốc lên trên hết thì mặc dầu đã già
yếu, tôi sẵn sàng làm thân trâu ngựa để phục vụ các ông.
Mọi
người đều xúc động trước lời lẽ chân tình đó.
Giải
thể lực lượng Bình Xuyên?
Buổi
chiều, cuộc họp vẫn do luật sư Phạm Ngọc Thuần chủ tọa.
Với
tài điều hành nhanh gọn, ông đề nghị Mười Trí giải đáp những thắc mắc của Trung
tướng Nguyễn Bình:
Một:
ông đã chứa Vũ Tam Anh sau khi tên này đánh chết một lính gác rồi cùng Trần
Quang Vinh vượt ngục từ miền Tây lên tá túc trong Chi đội 4 của ông.
Hai:
ông bao che cho Nguyễn Hòa Hiệp khi Ðệ tam sư đoàn bị bộ đội Huỳnh Văn Một xé lẻ
bắt gọn từng trung đội bằng cách tổ chức cho ăn cơm, sau đó cho dân quân giả
làm dân đi xem súng, rồi bất ngờ cướp súng bọn này. Bộ tham mưu Nguyễn Hòa Hiệp
đã chạy vô Chi đội 4 ẩn núp vài ngày rồi kéo ra thành đầu Tây.
Ba:
ông đã để Vũ Tam Anh và Bùi Hữu Phiệt công khai nói xấu Chính phủ Hồ Chí Minh
trước mặt tôi, Trung tướng Nguyễn Bình và các ông Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Kim
Cương, đồng thời ca ngợi Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam trong khi tôi tới viếng
thăm ông sau trận đánh ấp số 10.
Bốn:
Việc Chi đội phó Sáu Section giả chữ ký của ông mời tôi tới nhà ông ăn cơm thân
mật để cho người nã tiểu liên dọc đường. Rất may tôi chỉ bị thương nhẹ ở vai và
tay.
Xin mời
ông Mười Trí có ý kiến về bốn điểm trên.
Mười
Trí đứng lên, nhìn trung tướng Nguyễn Bình nói với giọng thân tình:
- Nhờ
Chi đội 4 đóng gần Khu 7 nên tôi là người hiểu anh Ba Bình hơn nhiều chỉ huy
Bình Xuyên khác. Bao giờ tôi cũng xem anh Ba là người chỉ huy tài ba, xứng đáng
là Khu bộ trưởng Chiến khu 7 - chiến khu đàn anh của cả Nam bộ. Thử nhìn lại
xem, khi quân đội viễn chinh của tướng Leclerc đánh chiếm các tỉnh miền Trung
và miền Tây, khí thế như chẻ tre, có lúc có người chủ trương xuyên Ðông và
xuyên Tây (tức là chạy lên miền Ðông hay xuống ghe chạy qua Xiêm) thì anh Ba
Bình vẫn vững vàng, chủ trương ăn miếng trả miếng như Tết Tây năm 1946 đã đánh
lớn vô thị xã Biên Hòa làm cho Tây cực kỳ hoang mang.
Bây giờ
tôi xin trả lời thắc mắc của anh Ba.
Câu thứ
nhất: Hai thằng tù vượt ngục từ khám đường miền Tây, chúng giấu biệt làm sao
tôi biết? Lúc đó thông tin liên lạc của mình kém quá. Nếu biết thì tôi đâu chứa
trong nhà: tốn gà vịt nhậu nhẹt ngày đêm!
Câu thứ
hai: vụ Nguyễn Hòa Hiệp bị Huỳnh Văn Một tước súng chạy vô chỗ tôi xin tá túc,
mình là người quen kiểu mạnh thường quân, ai tới ở nhờ ăn chực vài ngày là chuyện
thường. Ðến hồi nó kéo ra đầu Tây, mình mới tá hỏa thì chuyện đã rồi. Có bị phê
bình thì đành nhận khuyết điểm.
Chuyện
thứ ba: Bọn Vũ Tam Anh, Nguyễn Hòa Hiệp nói xấu Chính phủ cụ Hồ là chuyện dĩ
nhiên vì hai cha này theo Việt Nam Quốc Dân đảng. Tôi có lỗi là không kịp ngăn
chặn hai đứa đó lại, cũng xin nhận khuyết điểm.
Còn
chuyện thứ tư: mới là chuyện động trời. Thằng Sáu Section là Chi đội phó của
tôi, theo tôi từ đầu. Nó chữ nghĩa đâu có bao nhiêu. Vì vậy nó nghe hai cha Vũ
Tam Anh và Bùi Hữu Phiệt dụ dỗ "bắn một mũi tên rơi hai con nhạn" - một
là diệt trung tướng Nguyễn Bình, hai là tôi bị nghi phải vô trại giáo hóa không
biết bao giờ mới được minh oan. Cũng may là nhờ anh Ba sáng suốt biết phân tách
chữ ký giả của Sáu Section, nếu không thì tôi cũng mang họa!
Nguyễn
Bình đưa tay xin nói:
- Từ
lâu tôi biết anh Mười mang tánh mạnh thường quân, một đức tính cần thiết cho những
người biết tập hợp chung quanh những đồng chí đồng đội. Nhưng anh Mười đi hơi lố.
Nên suy xét bạn trước khi giao du. Người xưa có nói "phải ăn hết một đấu
muối mới biết bạn hiền".
Luật
sư Thuần tiếp tục với Tư Ty:
- Xin
anh Tư Ty trả lời những thắc mắc của trung tướng Nguyễn Bình:
Một: Về
vụ anh hất Bảy Quái, chỉ huy bộ đội An Ðiền (Thủ Ðức) để chiếm đoạt Chi đội 25.
Hai: Về
việc anh che chở tên giáo sư Trần Quốc Bửu - kẻ sau này nhảy ra thành làm tay
sai cho địch.
Tư Ty
lắc đầu:
- Về
việc Bảy Quái, anh ta được ông Lê Ðình Chi mời lên Nha Quân pháp để tăng cường
cho ngành. Còn về Trần Quốc Bửu thì nó khóc lóc than thở nhờ tôi che chở, không
thì có thể bị Việt Minh bắt oan. Mình vốn anh hùng cá nhân, thấy ai gặp hoạn nạn
thì thương. Có vậy thôi!
Cuộc
kiểm thảo tới đây tạm nghỉ để sau đó bàn chuyện quan trọng nhất: giải thể hay
không giải thể lực lượng Bình Xuyên?
Buổi
sáng, trong mấy lời tâm tình của trung tướng Nguyễn Bình, vấn đề đã được đề cập
phớt qua, dù sao cũng làm nháng lửa với phản ứng dữ dội của Bảy Viễn, Sáu Ðối,
Năm Hà, Mười Trí...
Chiều
nay, quyền Chủ tịch Phạm Ngọc Thuần trình bày vấn đề toàn diện hơn. Do vậy thái
độ của Bảy Viễn và các chỉ huy Bình Xuyên có phần bình tĩnh, lịch sự hơn.
Với giọng
hùng hồn của một luật sư, ông Thuần phân tích lợi và hại của việc duy trì chiến
khu Rừng Sác theo kiểu Bảy Viễn. Cái hại trông thấy khá rõ. Từ lâu Phòng Nhì
giao hảo với Bảy Viễn, hai bên ngầm ký hiệp ước bất tương xâm. Anh không đánh
tôi, tôi không đánh anh. Như vậy chúng đã biến Rừng Sác thành một con đường để
vận tải, tiếp tế vũ khí lương thực, tự do đi lại. Càng nguy hiểm hơn, chúng xem
như đã nắm được Liên khu Bình Xuyên là các đơn vị thiện chiến ở miền Ðông Nam bộ
và chúng sắp biến nơi đây thành chiến khu quốc gia ủng hộ Bảo Ðại chống Chính
phủ Hồ Chí Minh. Còn giải thể Bình Xuyên thì ta tránh được âm mưu thâm độc của
địch như đã kể trên. Thứ nữa, danh dự Bình Xuyên không bị ô uế vì sự mua chuộc
bằng tiền và gái.
Ông
Thuần nhấn mạnh một điều thuyết phục mọi người: lâu nay ta dung dưỡng Bình
Xuyên, khiến tổ chức này có giang san riêng, quân đội riêng, tài chính riêng,
thu thuế riêng. Như vậy là một quốc gia trong một quốc gia, một điều thậm vô lý?
Từ nay
giải tán Bình Xuyên, không còn Bộ tư lệnh Bình Xuyên, không còn bộ đội Bình
Xuyên mà tất cả hòa đồng trong đại gia đình Vệ quốc đoàn.
Trời
đã nhá nhem tối, nhưng ai cũng thấy được nét bất mãn từ Bảy Viễn tới người ngồi
cuối bàn.
Trúng
Kế
Sau
khi quyền chủ tịch ủy ban Kháng chiến - Hành chánh Nam bộ Phạm Ngọc Thuần trình
bày vấn đề cần thiết phải giải thể lực lượng Bình Xuyên, các chỉ huy Bình Xuyền
đều ngơ ngác đến sững sờ.
Ai
cũng bán tín bán nghi. Có lẽ chỉ một mình Bảy Viễn là biết mà thôi.
Bảy Viễn
liền nói:
- Ðây
là vấn đê quan trọng, chúng tôi cần phải hội ý đêm nay rồi sáng hôm sau sẽ cho
quý anh biết ý kiến.
Ðêm đó
Bảy Viễn, Sáu Ðối, Mười Trí, Tư Hoạnh họp tại nơi Bảy Viễn đóng quân.
Bảy Viễn
mặc xà rông, áo thun tơ, tay cầm quạt giấy quạt lia:
- Ð. mẹ,
mình đã biết trước là cộng sản chơi kế "điệu hố ly sơn" mà mình vẫn bị
mắc mưu như thường! Mình cứ thắc mắc mãi, thằng Tám Nghệ với cha Bảy Trấn lại nỡ
lòng nào hại mình?
Mười
Trí lắc đầu:
- Hai
cha đó không hại anh Bảy đâu. Theo tôi biết, hai cha đó cũng thật tâm muốn mời
anh Bảy về Nam bộ gặp Nguyễn Bình một lần để giải quyết những lủng củng, bất
hòa giữa hai bên. Tám Nghệ thì tôi không rành bằng anh Bảy, nhưng Bảy Trấn thì
tụi mình quá biết ở Bến Tranh, Dầu Tiếng, khi ba đứa "chém vè" sau vụ
Nam kỳ khởi nghĩa.
Sáu Ðối
sốt ruột:
- Nam
bộ giải thể Bình Xuyên, mình tính sao đây?
Tư Hoạnh
cũng nóng nảy:
- Tôi
không đồng ý giải thể Bình Xuyên. Gia tài có một cái tên mà giải thể sao được?
Bộ cha người ta sao?
Bảy Viễn
cười gằn:
- Các
cha chớ nóng. Ở đây không ai chịu cho tụi nó giải thể hay giải tán gì ráo. Ðể
nguyên thì chơi, còn dẹp bỏ thì đường ai nấy đi. Mình cũng có móng có mỏ, sợ gì
chớ?
Mười
Trì đấu dịu:
- Ðó
là tụi mình nói với nhau; còn sáng mai anh Bảy nên lựa lời mà nói cho êm. Còn
nước còn tát. Cố nói sao cho mấy chả không giải thể Bình Xuyên là được.
Bảy Viễn
cho anh em ai về nhà nấy rồi gọi Tư Sang, Năm Tài tới:
- Nguyễn
Bình một hai tố tụi bây là nhân viên Phòng Nhì, đòi tao giao nộp tụi bây cho
nó. Tụi bây phải nói thiệt cho tao biết để tao liệu.
Tư
Sang và Năm Tài đều tái sắc, quỳ xuống ôm gối, giọng ỉ ôi:
- Nguyễn
Bình nói đúng đó ông Bảy. Hai anh em tôi là nhân viên Phòng Nhì do hai ông Lâm
Ngọc Ðường và Tư Thiên giới thiệu vô Chi đội của ông Bảy.
Bảy Viễn
kêu lên:
- Vậy
sao? Ð. mẹ tình báo Nguyễn Bình hay thiệt! Bây giờ tao phải làm sao đây? Giao nộp
tụi bây cho nó, có nên không? Mà không nộp thì rắc rối lớn? Ngày mai tao ăn làm
sao nói làm sao với Nguyễn Bình đây?
Năm
Tài run như thằn lằn đứt đuôi:
- Ông
Bảy giao tụi tôi cho nó thì kể như đời tụi tôi tàn rồi. Chi bằng ngay đêm nay
tôi sẽ biến và đưa một tiểu đội về thành. Ngày ra đi tôi có hỏi ý ông Tư Thiên,
ổng nói nếu suôn sẻ thì thôi, còn đúng là mắc kế thì tôi phải cấp tốc về ngay
báo cáo để sắp xếp cho ông Bảy đưa hết Liên khu Bình Xuyên về thành.
Bảy Viễn
giật mình:
- Tao
chưa nghĩ tới chuyện đó đâu. Nếu tao không nhận chức Khu trưởng Khu 7 thì tao
rút quân về Rừng Sác. Tội gì phải về Sài Gòn (cười). Tao ra đi có hẹn "một
ra đi là không trở về". Nay không lẽ nửa chừng, không ra cơm mà cũng chẳng
ra cháo gì lại muối mặt trở về, bà con Phú Thọ coi tao ra cái đách gì hả mậy?
Năm
Tài uốn lưỡi Tô Tần:
- Ông
Bảy ơi, ông đã mắc kế Việt Minh mà không biết sao? Họ mời ông Bảy xuống đây
phong Khu trưởng Khu 7, nhưng lại giải thể tổ chức Bình Xuyên. Tôi hỏi ông Bảy:
giữa hai chức Khu trưởng với Tư lệnh Bình Xuyên, cái nào lớn hơn cái nào? Khu
trưởng Khu 7 còn dưới quyền Nam bộ, còn Bình Xuyên thì dọc ngang trên đầu còn
có biết ai!
Bảy Viễn
gật gù. Năm Tài nói tiếp:
- Biết
mình trúng kế rồi thì phải hành động ngay. Tôi cấp tốc ngay đêm về thành báo động,
ngày mai ông Bảy rút quân. Hẹn gặp tại vùng Phú Lâm - Bình Chánh, sẽ tùy cơ ứng
biến.
Bảy Viễn
thở ra, lắc đầu rồi khoát tay:
- Thôi
mày đi trước dọn đường. Ðể tao xem ngày mai ra sao sẽ tính tiếp.
Không
nhận chức Khu Trưởng khu 7
Giữa Ðồng
Tháp Mười, trong đêm khuya thanh vắng, Năm Tài chỉ huy tiểu đội bơi tam bản bốn
chèo đôi phóng như tên bắn. Mấy tên ngồi không thủ súng tiểu liên, hễ đụng trạm
kiểm soát là nổ cả băng để thoát nhanh về vùng ven Sài Gòn. Trong khi đó, Tư
Sang đi kiểm tra từng nhà Chi đội 9 đóng, cắt gác cẩn thận, sợ bị Việt Minh
"chụp" vào lúc nửa đêm.
Sáng
hôm sau, cuộc họp lại tiếp tục.
Bảy Viễn
trả lời rất đanh thép những điều tướng Nguyễn Bình chất vấn:
- Thưa
ông Khu trưởng, hôm qua ông tố cáo trong Chi đội 9 của tôi có tên Lai Hữu Tài
là nhân viên Phòng Nhì. Tôi đã cho điều tra đúng nó là tay chân của Tư Thiên,
mà Tư Thiên là bạn chí thân của tôi. Lúc tôi nghèo, nó giúp vốn làm ăn. Khi Tây
trở qua, tôi biết nó bị bắt buộc phải làm việc cho Tây, nhiệm vụ là chỉ chọc ai
theo Việt Minh trong giới người Hoa buôn bán lớn trong Chợ Lớn. Mục đích là thằng
Tây muốn làm tiền người Tàu có máu mặt. Lúc đó tôi thường gặp nó mà có bao giờ
nó chỉ tôi cho Tây bắt đâu? Các ông nói Tư Thiên lợi dụng tôi, thật ra thì
chính tôi lợi dụng thế công khai hợp pháp của Tư Thiên.
Trở lại
thằng Năm Tài, trong chuyến đi này hình như thằng Tài có linh tính sao đó nên
nó xin ở lại thủ trại. Nếu như ông Khu trưởng muốn bắt nó thì xin cho người về
Rừng Sác mà bắt!
Sáu Ðối,
Tư Hoạnh, Mười Trí cố nhịn cười vì cái trò tráo bài ba lá của Bảy Viễn không lừa
được ai, ngay cả trung tướng Nguyễn Bình, vì ai cũng biết trong hai đại đội
"cứng" của Bảy Viễn hôm trước "có mặt" ông Năm tả thừa tướng
của ông Bảy.
Tướng
Nguyễn Bình cười lạt, nói qua chuyện khác:
- Hôm
nay chúng ta làm lễ bàn giao chức Khu trưởng Khu 7. Tôi muốn trong dịp này bàn
giao cho ông Bảy một gia tài đồ sộ, có nhiều chiến công nhất trong ba khu của
Nam bộ. Chiến công đã nhiều rồi, nếu nội bộ chúng ta đoàn kết tốt hơn nữa thì
chiến công sẽ nối tiếp chiến công.
Cho
nên trước nhất, tôi muốn ta đánh tan mọi hiểu lầm, giải quyết mọi bất hòa. Tôi
tin tưởng các ông là những tay giang hồ mã thượng đã tự giác tự nguyện bỏ hết
tánh hư tật xấu thời thực dân để toàn tâm, toàn ý đi theo cách mạng. Tôi biết
thực dân không bỏ một dịp tốt nào để kéo các ông trở về con đường tối tăm khi
xưa. Chúng tung tiền, xa xỉ phẩm, kể cả gái giang hồ vô khu để lôi kéo các ông.
Nhưng tôi biết thực dân đã thất bại, vì các ông hiểu danh dự của người giang hồ
đi theo kháng chiến đã được nhân dân khắp nước, nhất là dân Sài Gòn - Chợ Lớn xem
các ông như những bậc hào kiệt, những bậc quân tử, tiền bạc không mua được, uy
vũ không khuất phục được và gian khổ không làm các ông nao núng.
Tôi hết
sức quý trọng các ông. Tiền muôn bạc triệu dễ tìm, địa vị hư danh dễ kiếm,
nhưng tên tuổi anh hùng nghĩa sĩ các ông đang giữ trong tay thật khó mà có được?...
Chọn được người để bàn giao chức Khu trưởng, tôi rất hãnh diện.
Lời lẽ
của trung tướng ủy viên quân sự Nam bộ thật tình cảm, ấy vậy mà Bảy Viễn vẫn giữ
nét lạnh lùng:
- Tôi
rất xúc động trước những lời lẽ chân tình của ông ủy viên quân sự Nam bộ
nhưng... rất tiếc là chúng tôi, toàn bộ chỉ huy Bình Xuyên thắc mắc một điều.
Có giải quyết được điều này thì mới tiến hành việc bàn giao chức khu trưởng được
- Ðó là quyết định giải tán Bình Xuyên.
Ðêm qua,
chúng tôi đã hội ý cẩn thận. Không ai trong chúng tôi chịu giải thể hay giải
tán Bình Xuyên (nghỉ một chút, Bảy Viễn lên giọng) Bình Xuyên, cái tên này có lịch
sử oai hùng của nó. Biết bao chiến sĩ đã ngã gục vì lá cờ Bình Xuyên do cố Thiếu
tướng Ba Dương đã giương cao ngay trong giờ đầu giành chính quyền tại Sài Gòn
ngày 25.8.1945
Chúng
tôi - Bảy Viễn, Sáu Ðối, Mười Trí - có thể chết đi, chớ hai tiếng Bình Xuyên
không thể bức tử nó được. Xin các ông suy nghĩ kỹ lại đi. Có thể nào rút lại
quyết định giải thể Bình Xuyên được không?
Im lặng
một lúc khá lâu, tướng Nguyễn Bình hướng về quyền chủ tịch Phạm Ngọc Thuần như
nhường lời. Ông Thuần sửa lại gọng kiếng đôi mồi ngay ngắn trên sống mũi rồi trịnh
trọng nói:
- Thưa
các ông chỉ huy Bình Xuyên. Hôm qua tôi đã trình bày cặn kẽ rồi. Hôm nay chiều
theo ý các ông, tôi lặp lại các ý chính. Sau khi cân nhắc cẩn thận, Thường vụ
Nam bộ quyết định giải thể tổ chức Bình Xuyên. Vì sao? Vì nhiều lý do sau đây:
Một -
Không thể có một quốc gia trong một quốc gia. Lâu nay Nam bộ nể tình các ông
nên không đề cập tới chuyện trái nguyên tắc tổ chức hành chính này.
Hai -
Ðã sai về nguyên tắc tổ chức hành chính, lại kéo theo nạn mất đoàn kết trầm trọng.
Bình Xuyên không tôn trọng cấp trên của mình là Quân khu 7 và cả Nam bộ nữa.
Lệnh
trên ban hành, tất cả các nơi đều thi hành, như giải thể các chi đội để lập
trung đoàn theo biên chế chính quy. Rồi còn nạn thu thuế, mạnh ai nấy thu, làm
dân thương hồ khổ sở. Tôi biết trong Chi đội 9, ông Bảy không chịu áp dụng chế
độ chính trị viên và kỳ thị cán bộ miền Bắc...
Bây giờ
tới chuyện nghiêm trọng đây.
Tình
báo cho biết trùm Phòng Nhì là trung tá Savani đã biệt phái hai tên Lâm Ngọc Ðường
và Maurice Thiên bám sát Khu bộ phó Lê Văn Viễn. Chúng còn đặt Tư Sang và Năm
Tài làm "tả hữu thừa tướng" của ngài Khu bộ phó. Chính tên Tài đã đại
diện Khu bộ phó Bảy Viễn đi dự các cuộc họp thành lập Mặt trận Quốc gia Liên
minh chống Việt Minh.
Phán
Huề vừa bị bắt ở Chi đội 7 của anh Hai Vĩnh cũng khai đã tiếp xúc với Năm Tài
trong chủ trương lập chiến khu quốc gia Bình Xuyên...
Bởi những
lẽ ấy, Nam bộ quyết định giải thể Bình Xuyên để tránh những đồ vỡ sau này.
Im lặng
khá lâu, Bảy Viễn vẫn trở lại điệp khúc cũ:
- Tôi
linh tính chuyến đi này là chuyến đi quyết định cuộc đời tôi. Tôi dư biết đây
là kế "điệu hổ ly sơn", nhưng tôi vẫn đi để cho mọi người biết Bảy Viễn
không phải là thằng hèn. Còn chuyện Tây mua chuộc tôi thì đó là chuyện nhận định
của các ông. Các ông đã nắm chắc bằng chứng gì về Bảy Viễn phản bội kháng chiến
hay chưa? Tôi nói ngay là không nhận chức Khu trưởng Khu 7 nếu các ông giải thể
Bình Xuyên.
Bản án
Quyết
định không nhận chức Khu trưởng Khu 7 của Bảy Viễn là một bất ngờ lớn đối với
Thường vụ Nam bộ. Muốn giữ Bảy Viễn chỉ có nước rút lại quyết định giải thể tổ
chức Bình Xuyên. Nhưng điều này không thể nhân nhượng được vì Pháp đã quyết tâm
biến Bình Xuyên thành đồng minh và đang tiến tới lập chiến khu quốc gia theo chỉ
thị của Cao ủy Émile Bollaert. Vậy giải quyết rắc rối này như thế nào đây? Thường
vụ Nam bộ họp khẩn ngay trong đêm đó. Có hai ý kiến trái ngược nhau: Trung tướng
Nguyễn Bình nhân danh ủy viên quân sự Nam bộ kiêm Phó thủ tịch ủy ban Kháng chiến
- Hành chính Nam bộ chủ trương bắt Bảy Viễn đưa ra tòa án tối cao xét xử, ông
nói:
- Tôi
là quân nhân, khẩu hiệu của bộ đội cách mạng là "công thưởng tội trừng".
Chúng ta đã có nhiều bằng cớ chứng tỏ Bảy Viễn "đi đêm" với Phòng
Nhì. Vụ Phán Huề bị bắt ở Chi đội 7 cho thấy chính phủ bù nhìn Nguyễn Văn Xuân
với Thủ hiến Trần Văn Hữu quyết tâm ve vãn Bảy Viễn để nắm Bình Xuyên. Ðây là dịp
may hiếm có Bảy Viễn đã về Nam bộ lần đầu tiên mà cũng có thể là lần duy nhất.
Ta nên bắt y và đưa ra xét xử đúng luật công minh.
Nhiều
vị ủy viên gật gù tán đồng ý kiến này.
Nhưng
Trưởng phòng Dân quân Nam Bộ Lê Duẩn lại đưa ý kiến trái ngược lại:
- Tôi
đề nghị cứ để Khu phó Lê Văn Viễn tự do về Rừng Sác. Ta không nên làm lớn chuyện
vụ nầy.
Anh Ba
Bình liền cật vấn anh Ba Duẩn.
- Tại
sao lại tha Bảy Viễn trong khi chúng ta nắm đủ bằng cớ phản cách mạng của y?
Anh Ba
Duẩn nhìn mọi người một lúc rồi thong thả trình bày:
- Bắt
thì quá dễ, nhưng sẽ đổ máu, vì Bảy Viễn đã phòng thân khi mạo hiểm về đây. Ta
đã phái hai ba sứ giả chí thân với Bảy Viễn thuyết phục ông ta về đây nhưng ông
ta tin chắc sẽ mắc kế "điệu hổ ly sơn" nên đưa theo hai đại đội
"cứng" có cả khẩu đại bác 20 ly mượn của Chi đội 4.
Nguyễn
Bình cắt ngang:
- Hai
đại đội cứng có nghĩa gì với cả chục trung đoàn chúng ta đang đóng rải rác khắp
hai khu 7 và 8!
Anh Ba
Duẩn liền nói tiếp:
- Cho
tôi nói hết ý. Trung tướng ủy viên quân sự xử sự đúng cương vị quân sự của đồng
chí, còn tôi là cán bộ chính trị nên tôi trình bày quan điểm của tôi về chính
trị. Trước đây, đối với giáo phái, ta phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng như tảo
thanh Cao Ðài, Hòa Hảo. Rất may là ta kịp thời nhận ra âm mưu chia để trị của
thực dân nên đã cố gắng sửa sai. Bây giờ lại xảy ra vụ Bình Xuyên. Nếu ta bắt Bảy
Viễn đem ra xử - mà tội ông ta chắc chắn phải là tử hình - thì hậu quả sẽ như
thế nào? Thực dân vỗ tay khoái trá hò hét:
- Thấy
chưa, tụi tôi nói có sai đâu! Việt Minh độc quyền yêu nước, Việt Minh tiêu diệt
giáo phái. Bảy Viễn theo Việt Minh ba năm, leo lên tới thức Khu trưởng Chiến
khu 7 mà vẫn bị bắt giết như thường?...
Ðó,
quan điểm của tôi về vấn đề Bảy Viễn là như vậy, các đồng chí thấy thế nào?
Vài
người gật gù tán thưởng.
Một
người nói:
- Ý kiến
của hai anh Ba đều hay, mỗi người theo cương vị mà phát biểu. Bên quân sự quyết
định bắt đưa ra tòa xét xử cũng hay, bên chính trị lo ngại thực dân tuyên truyền
ta độc quyền yêu nước, tàn sát giáo phái cũng chí lý...
Có tiếng
cười:
- Nói
như đồng chí thì ba phải quá? Tôi đề nghị biểu quyết đúng theo nguyên tắc Ðảng.
Anh Ba
Duẩn nói:
- Trước
khi biểu quyết, cho tôi nói một câu chót: Bảy Viễn kéo quân về thành đầu Tây là
tự y ký bản án kết thúc sinh mạng chính trị của y. Lâu nay y theo cách mạng thì
được nhân dân kính yêu vì tấm lòng yêu nước của y. Nay đột nhiên y bỏ về thành
là tự y vạch trần cái mặt nạ y đeo trong 3 năm qua. Theo tôi nghĩ, bản án tử
hình đã do chính Bảy Viễn tự ký, chúng ta không phải bận tâm đưa y ra xử làm gì
cho thêm rắc rối!
Cuối
cùng, biểu quyết theo thể thức đưa tay và đa số ngả theo ý kiến của anh Ba Duẩn.
Cũng
trong đêm đó, hai liên lạc viên của Chi đội 9 là Hoằng và Cung hỏa tốc xuống
Nam Bộ báo cho Bảy Viễn biết tổng hành dinh của Bảy Viễn đã bị tảo thanh.
Vừa
nghe tin dữ, Bảy Viễn thất sắc, hai chân như lảo đảo. Giọng hổn hển, Bảy Viễn nạt:
- Tảo
thanh làm sao? Nói kỹ cho tao nghe?
Hai
tên Hoằng, Cung tranh nhau nói:
- Hai
đại đội của mình vừa tới Ðồng Tháp Mười thì có lệnh tảo thanh. Chi đội nào làm
theo chi đội nấy. Mấy cha chính trị viên cầm đầu bộ máy tảo thanh. Tại Chi đội
9 của mình thì thằng Tám Tâm cầm đầu. Nó có một vài trung đội trung thành chận
hết các con rạch ra vô thành phố. Tư Ty vừa đưa vợ về thành thì bị Trần Công Ðức
và Lưu Quý Thoái chận bắt. Tám Tâm lùng bắt mấy người thân tín của ông Bảy như
ông Lâm Ngọc Ðường. Nghe nói ông Ðường nhanh nhân xuống tam bản chống vô rừng.
Chưa biết có trốn thoát được không. Ba Rùm phụ trách binh công xưởng cũng bị
Tám Tâm bắt. Nghe nói Ba Rùm cự nự dữ và yêu cầu ông Năm Hà can thiệp.
Bảy Viễn
chửi thề:
- Đ. mẹ
thằng Tám Tâm? Nếu thủ tiêu nó ngay từ đầu thì đã tránh được hiểm họa ngày nay.
Tư
Sang vội nói:
- Ông
Tư Thiên nhận định thật là tài. Ông nói đi Nam bộ là mắc kế "điệu hổ ly
sơn". Nhưng ta tương kế tựu kế. Nhân dịp này mình kéo rốc về thành. Nghe
nói Thiếu tướng De la Tour sẽ dành cho mình một vùng đất bên Chánh Hưng để tạm
đóng quân.
Bảy Viễn
thở dài:
- Ngu
quá sức ngu! Ðã nghi gian kế mà vẫn bị mắc kế như thường. Tình thế đã vậy thì mầy
cho rút quân càng nhanh càng hay!
Âm thầm
rút quân
Hai đại
đội cứng của Bảy Viễn giữa đêm rút quân lặng lẽ trên dòng kênh Dương Văn Dương.
Khẩu hiệu của Tư Sang là khẩn trương và tuyệt đối im lặng. Tuy vậy trên bờ kênh
luôn luôn có ánh đèn pin thỉnh thoảng nhấp nháy trong đêm đen chứng tỏ các đội
trinh sát các Trung đoàn chung quanh đã được báo động và âm thầm theo dõi cuộc
tháo chạy trong vòng trật tự của nguyên Khu phó Bảy Viễn. Bảy Viễn vốn thích mặc
xà rông và áo thun tơ ba lỗ cho mát, nhưng trong đêm lịch sử này, ông Bảy phải
mặc quân phục, nai nịt súng đạn hẳn hoi, phòng khi hữu sự. Có lúc lính Bình
Xuyên thấy thấp thoáng các đội trinh sát các trung đoàn vẫn cứ bám sát mà không
nổ súng. Về sau mới biết tuy Trưởng phòng Dân quân Nam bộ Lê Duẩn ra lệnh cứ để
Bảy Viễn rút quân về Rừng Sác, nhưng Trung tướng ủy viên quân sự Nam Bộ kiêm
Phó chủ tịch ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ ra lệnh cho các Trung đoàn phải
bám sát vì biết quá rõ là Bảy Viễn không về Rừng Sác mà rút về thành.
Tới
Quân khu Ðông Thành, nơi Chi đội 4 của Mười Trí đóng quân, Bảy Viễn mừng rỡ ra
lệnh hai đại đội kéo vô tá túc.
- Anh
Mười có cách gì dể mình rút quân an toàn không? Bọn trinh sát các Trung đoàn của
Nguyễn Bình cứ bám sát, mình sợ không biết lúc nào hai bên nổ súng.
Mười
Trí gật gù gọi Ba Chiêu là Chánh văn phòng Chi đội 4 tới nói:
- Mày
ra nói với mấy anh bên ngoài là chú Mười sẽ thuyết phục ông Bảy không rút quân
về thành. Xin các anh cho rút quân đi. Có gì chú Mười xin hoàn toàn chịu trách
nhiệm.
Mười
Trí bảo vợ làm gà vịt đãi Bảy Viễn. Hai anh em tâm tình.
Mười
Trí thăm dò:
-
Chính ủy Hai Trí đã phát lệnh tảo thanh Rừng Sác. Bây giờ anh Bảy tính sao?
Bảy Viễn
thở ra:
- Tính
sao gì nứa? Nó lừa mình xuống Tháp Mười để tảo thanh căn cứ của mình. Bây giờ
căn cứ không còn, chỉ có nước về thành mượn đất thằng Tây ở tạm rồi sẽ tính sau.
Mười
Trí lắc đầu:
- Ðã
tính kỹ chưa? Nhớ mùa thu rồi, hai đứa có lời thề "Một ra đi là không trở
về" hay không?
Bảy Viễn:
- Sao
không nhớ? Nhưng mà bây giờ tình hình đã đổi khác rồi (thở dài). Mình già mà dại!
Phạm một sai lầm chết người!
- Sai
lầm gì?
- Là
hành động mà không suy nghĩ chín chắn. Mình theo kháng chiến mà không hiểu mấy
cha mưu sĩ lợi hại như thằng Hai Trí.
Mười
Trí nói:
- Chuyện
về thành, nên suy nghĩ kỹ lại. Còn nước còn tát...
Bảy Viễn
lắc đầu:
-
Không còn con đường nào khác. Tắc Cây Mắm của tao đâu còn mà mầy khuyên tao đừng
về thành?
Mười
Trí đặt mạnh ly rượu xuống bàn:
- Nhục
lắm? Tôi khuyên anh nên nghĩ lại. Với thằng Tây, tụi mình là cái gì? Là những
thằng du đãng, là những thằng ăn cướp, là những thằng tù khổ sai, đày ra Côn Ðảo
đập đá, xeo san hô, lên núi đốn củi. Chỉ có theo kháng chiến mình mới là ông nọ
bà kia, tao với mầy đều là chỉ huy. Mầy còn ngon lành hơn tao: Khu bộ phó rồi
Khu bộ trưởng...
- Tao
đâu có ham ba cái bánh vẽ đó. Tao thà làm đầu gà hơn đuôi phụng. Khu bộ trưởng
làm cái con mẹ gì? Tao chỉ khoái làm lãnh tụ Bình Xuyên. Vậy mà tụi nó chủ
trương giải tán Bình Xuyên. Chơi vậy chơi với ai?
Mười
Trí gật:
- Tao
cũng không đồng ý giải tán Bình Xuyên. Cho rằng Tây lợi dụng Bình Xuyên thì
mình phải cao tay ấn hơn. Tội gì giải tán? Cứ để Bình Xuyên đó, thằng Phòng Nhì
nào léng phéng tới thì mình chộp ngay. Chính quyền trong tay mình mà sợ cái gì?
Bảy Viễn
lắng nghe Mười Trí nói, có vẻ nghĩ ngợi nhưng giữ im lặng.
Chuyện
lạ là lâu nay bỏ rượu, nhưng trong tiệc này Mười Trí lại uống quá chén.
Một
lúc sau, Mười Trí nói giọng lè nhè:
- Bảy
Viễn, chuyện về thành mầy nghe tao, suy nghĩ lại. Về đầu Tây thì nhục lắm? Tu mấy
kiếp, rốt cuộc cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ?
Bảy Viễn
buồn bã:
- Mầy
phải đặt địa vị mầy như tao. Tao mất hết trơn, còn gì mà ở lại?
-
Nhưng đầu Tây là nhục muôn đời? Ðúng là đốn củi ba năm đốt một giờ. Mấy không
còn Tắc Cây Mấm thì mầy cứ ở lại đây với tao. Tao sẽ bảo lãnh cho mầy. Hai đứa
sẽ gầy dựng lại. Có gì đâu!
Thôi mầy
đi ngủ đi. Tao mong ngủ một đêm, sáng mai mầy sẽ đổi ý.
Ðại tá
Bảy Viễn
Khi
Maurice Thiên đưa Năm Tài tới gặp trung tá Savani báo tin Bảy Viễn đột ngột rút
quân về thành vì chiến khu Rừng Sác bị tảo thanh, tên trùm Phòng Nhì nhún vai lộ
vẻ thất vọng. Hắn lẩm bẩm:
- Thất
bại đi đôi với thất bại! Trước đây, trong vụ tàu Thanh Vân bị đánh trong lãnh
thổ của Bảy Viễn. Công an Ðặc khu Sài Gòn đã phá thế "án binh bất động"
của Savani và Bảy Viễn. Nay trong vụ Bảy Viễn bất ngờ về thành, Nguyễn Bình đã
phá kế hoạch lập chiến khu quốc gia Bình Xuyên tại Rừng Sác của ta. Rõ ràng Bảy
Viễn không làm được trò trống gì? Ông Maurice có thấy như vậy không?
Tư
Thiên ở trong thế phải "cứu bồ":
-
Trung tá không nên vì bực bội mà đánh giá Bảy Viễn quá thấp. Trong giới giang hồ
Sài Gòn, phải nói Bảy Viễn là tay có bản lĩnh dư sức làm thủ lĩnh Bình Xuyên.
Nhưng...
Savani
cười lạt:
-
Nhưng sao?
- Sách
có câu "mãnh hổ nan địch quần hổ". Một mình Bảy Viễn làm sao đương cự
cả bộ máy cầm quyền Việt Minh? Lẽ ra chúng ta phải can thiệp ngay để giúp Bảy
Viễn đối phó kịp thời, nhưng tiếc rằng chúng ta cánh xa Rừng Sác cả mấy chục
cây số đường sông. Ði ca-nô cũng phải mất một buổi. Nước xa không cứu được lửa
gần. Bảy Viễn thất bại là chúng ta thất bại.
Savani
gật gù:
- Ông
nói đúng. Bảy Viễn thất bại là chúng ta - Phòng Nhì - thất bại. Về thành với
hai đại đội thì quá yếu? Làm sao mình dám báo cáo với Thiếu tướng Tư lệnh Nam
phần Việt Nam?
Ông De
la Tour sẽ vô cùng thất vọng khi thấy Bảy Viễn về thành với hai đại đội. Với
cương vị Khu phó hay Khu trưởng Chiến khu 7, phải về thành với năm bảy chi đội,
quân số cả chục ngàn người.
Savani
cười lạt:
- Ông
tướng sẽ bật cười mà rằng "trái núi có con chuột". Lâu nay mình bị
huyền hoặc bởi các giai thoại về ông tướng Bình Xuyên trong hàng ngũ Việt Minh.
Bây giờ ta tính sao đây?
Tư
Thiên chỉ Năm Tài:
- Cậu
này vừa đưa ý khá hay: Bảy Viễn về thành trong tình thế bị động. Chiến khu Rừng
Sác bị Việt Minh bất ngờ tấn công. Vì vậy Bảy Viễn chỉ có hai đại đội bảo vệ
khi về Nam Bộ nhận chức Khu bộ trưởng. Ta không nên báo cáo cho Thiếu tướng tư
lệnh biết mà nên tạm thời đưa lực lượng Bình Xuyên của Bảy Viễn về miệt Chánh
Hưng, vùng chợ Phạm Thế Hiển để ổn định nơi ăn chốn ở. Sau đó quân đội Pháp sẽ
hành quân vô Rừng Sác đưa các chi đội Bình Xuyên về thành.
Nếu
không dủ quân số, ta mở các phòng tuyển mộ tân binh, trang bị quân phục, súng ống,
huấn luyện trong vòng vài tháng, sau đó sẽ làm lễ ra mắt nhà chí nguyện chính
phủ quốc gia.
Savani
nhìn Năm Tài gật gù tán thưởng:
- Ý
hay! ít ra cũng phải có một hai nhân viên biết làm việc như cậu này. Tôi hoàn
toàn đồng ý và tôi giao cho ông thay mặt tôi lo mọi việc giúp Bảy Viễn trong
lúc đầu.
Tư
Thiên, Năm Tài tức tốc sang Chánh Hưng nghiên cứu thực địa. Ðây là một vùng ngoại
ô, bán công bán nông, đa số dân lao động làm thuê làm mướn trong lúc nông nhàn.
Chợ Phan Thế Hiển mới lập, phố lầu vươn cao, trông có vẻ sung túc. Ðất trống
còn nhiều, Tư Thiên cho xây cất ngay một dãy phố kiểu khu gia binh để giải quyết
nhu cầu ăn ở cho hai trung đội trung thành với Bảy Viễn.
Năm
Tài góp ý:
- Anh
Tư Sang sẽ ở khu gia binh Phạm Thế Hiển để nắm anh em binh sĩ. Còn ông Bảy,
mình cũng phải lo cho ổng một văn phòng ở nơi thị tứ, vì dù sao ông Bảy cũng là
lãnh tụ Bình Xuyên về với Chính phủ trung ương Nguyễn Văn Xuân.
- Tất
nhiên! Ðể tôi mướn cho ông Bảy một căn phố ở đường Marins (Thủy binh), gần Ðèn
ba ngọn.
Như
Năm Tài hiến kế, Pháp tổ chức cuộc hành quân đánh vô Rừng Sác để tạo điều kiện
cho bộ đội Bình Xuyên còn bị kẹt trong vùng Việt Minh rút Về thành. Nhưng lúc
đó, các chi đội Bình Xuyên được phiên chế lại theo hình thức trung đoàn như khắp
các khu trong cả nước, không còn chi đội Bình Xuyên nào mà không bị xé ra để
xáp nhập với các đơn vị khác, trở thành một trung đoàn chính quy có tổ chức chặt
chẽ và vững vàng.
Thế
nên các cuộc hành quân của Pháp coi thật rầm rộ nhưng không thu được kết quả gì.
Bảy Viễn
ngày ngày đóng quân phục sĩ quan quân đội quốc gia ka - ki trắng nhưng chưa đeo
cấp bậc vì còn chờ quyết định của tướng De la Tour.
Bảy Viễn
không vui khi các cuộc hành quân qui mô của quân đội Pháp kết thúc mà không có
một đơn vị Bình Xuyên nào về thành. Chỉ còn cách duy nhất là mở các phòng mộ
tân binh. Tại các chợ Phạm Thế Hiển, Xóm Củi, Xóm Chỉ, cầu Chữ Y, cầu Tân Thuận,
cầu Ông Lãnh, chợ cầu Muối đều có các bàn mộ lính Bình Xuyên. Ai ghi tên đều được
lãnh tiền thưởng ngay. Ðích thân đại úy Năm Bé trông coi việc tuyển mộ tân binh
Bình Xuyên. Mộ tân binh được bao nhiêu thì giao cho Tư Sang đảm trách huấn luyện.
Công việc này làm cấp tốc để chạy đua với thời gian. Hoàn thành sớm chừng nào
thì lễ ra mắt được tổ chức sớm chừng đó.
Thấm
thoát ngày lễ ra mắt đã tới. Quân đội Bình Xuyên mặc đồng phục ka-ki mới toanh,
còn thơm mùi long não từ trong kho quân nhu mới lấy ra. Nhưng dân Chánh Hưng,
Phạm Thế Hiển, cầu ông Lãnh đều không lạ đám quân này. Toàn là dân "đá cá
lăn dưa" các chợ, túng quá đâm liều, đăng lính để kiếm tiền thưởng.
Tướng
De la Tour gắn lên vai áo Bảy Viễn lon đại tá.
Vì bạn
mắc nàn
Ðúng
như Bảy Viễn tiên đoán, vì bịn rịn tiễn đưa Bảy Viễn mà Mười Trí bị nạn. Khuyên
can Bảy Viễn không được. Mười Trí quay về Chi đội 4 thì thấy chung quanh văn
phòng có các Trung đoàn bạn canh gác. Vừa về tới nơi thì đại đội trưởng Ly, con
đầu lòng của anh mặt mày quàu quạu:
- Ba
mà không về kịp thì con đã nổ súng rồi. Tại sao họ dám bao vây căn cứ của mình?
Mười
Trí đã buồn lại thêm bực. Anh không nói gì, ra bờ sông rửa mặt cho khỏe rồi trở
vô nhà, bảo chị Mười:
- Bà
châm cho tôi bình trà quạu...
- Ông
về thật là đúng lúc. Chi đội mình bị bao vây suốt đêm. Thằng Ly đòi "mạng
đổi mạng", tôi khuyên nó "hãy chờ ba mày về đã?
Vừa thổi
trà, anh Mười Trí thong thả nói:
- Hai
mẹ con bà đừng có nóng. Lỗi tại tôi thôi. Vì tình bạn, tôi tiễn đưa Bảy Viễn một
chặng đường. Chuyện mình, mình biết. Còn người ta, làm sao họ biết được. Thấy
mình đi với Bảy Viễn, người ta nghĩ là mình bàn tính chuyện về thành nên người
ta bao vây chi đội mình là phải. Nếu tôi đi luôn thì họ sẽ tấn công, tước khí
giới, rồi hốt hết đem về điều tra... Nhưng mình là vàng thiệt, đâu sợ lửa!
Uống
xong chén trà, anh gọi Ba Chiêu tới:
- Mày
ra nói với mấy anh đang bao vây bên ngoài là chú Mười đã về rồi. Chú Mười
khuyên bảo Bảy Viễn ở lại, nhưng đã thất bại. Như vậy là chú Mười chịu khuyết
điểm: đã hứa mà không giữ được Bảy Viễn. Nhờ các đồng chí báo cáo với Khu và
Nam bộ là Mười Trí sẵn sàng chịu trách nhiệm và vui lòng nhận kỷ luật.
Ba
Chiêu đi khá lâu mới trở vô:
- Mấy ổng
hội ý khá lâu mới chịu cho liên lạc hỏa tốc về Khu và Nam Bộ báo với cấp trên
những lời chú Mười nói. Nhưng họ vẫn để lại một bộ phận canh gác chung quanh
đây.
Mười
Trí quay lại nói với Ly:
- Cho
đại đội của mày nghỉ xả hơi đi. Lo cơm nước ăn sớm cho chắc bụng. Mọi việc để
tao lo.
Ba
Chiêu thấy tình hình dễ thở, ngồi bên cạnh chú Mười:
- Chú
Mười bình tĩnh quá? Chuyện nghiêm trọng mà chú giải quyết thật là gọn!
Mười
Trí cười:
- Tụi
bây phải bình tĩnh. Mà muốn bình tĩnh thì trước nhất rửa mặt cho mát mẻ. Sau đó
uống một chén trà nóng. Vừa thổi vừa uống. Trong khi thổi, mình suy nghĩ xem phải
làm gì, cái nào chính, cái nào phụ. Cái chính làm trước, cái phụ làm sau. Như vụ
này, cái chính là người ta nghĩ mình về thành theo Bảy Viễn. Mình phải xử sự
như thế nào đây để chứng tỏ mình là trong sáng, phái độ phải thật bình tĩnh, tư
cách phải thật tự tin. Như vàng thiệt thì đâu sợ lửa. Người ta nghi mình gian,
mình phải chứng tỏ mình không gian.
Thằng
gian thì con mắt láo liên, tướng đi lạng quạng, bộ vó thất thần. Còn người
trung thì đâu đó chững chạc, ăn nói rốn rang, cứ chỉ oai phong... Coi hát bội
mày thấy Tào Tháo khác xa Quan Công, phải không?
Chị Mười
lắc đầu:
- Chuyện
không hay sắp xảy ra mà ở đó nói chuyện Quan Công với Tào Tháo. Tôi lo cho ông
quá mà ông sao cứ tỉnh như sáo.
- Bà
lo cái gì?
- Khu
hay Nam Bộ sẽ mời ông lên trên đó để điều tra...
- Chuyện
đó là tất nhiên thôi! Tôi đang chờ giấy mời của Nguyễn Bình đây. Nếu bà lo cho
tôi thì nấu cơm sớm đi. Cứ thủ ba chén cơm trong bụng cho chắc ăn.
Ðúng
như Mười Trí đoán, vài giờ sau có thư mời của Ủy viên quân sự Nam Bộ Nguyễn
Bình.
Cả nhà
đều lo nhưng Mười Trí cười nói:
- Gặp
anh Ba Bình dễ ăn nói hơn gặp thằng Hai Trí. Mà gặp ai cũng vậy, vàng thiệt
không sợ lửa! Ba Chiêu, mày lo tam bản đưa tao đi, để còn trở về đây nữa chớ.
Mười
Trí không đi tam bản của Nam Bộ mà đi tam bản của mình, đây là chuyện nhỏ nhưng
giúp gia đình bớt lo cho anh.
Tại
văn phòng Nguyễn Bình, Mười Trí được đối xử như đồng chí chứ không phải là người
bị tình nghi.
Anh Ba
Bình hỏi:
- Anh
Mười tiễn đưa Bảy Viễn cả đêm có mệt không?
Mười
Trí thở dài:
- Mệt
tinh thần nhiều hơn. Tôi xin chịu lỗi đã không giữ lại được Bảy Viễn như đã hứa
với các anh. Tôi đã khuyên nó cả đêm, nhưng các anh tảo thanh Rừng Sác thì nó
đâu còn chỗ nào để ở lại. Tôi cũng không tán thành việc giải tán Bình Xuyên của
Nam Bộ. Vì quyết định đó mà Bảy Viễn không nhận chức Khu trưởng Khu 7.
Nguyễn
Bình gật gù khuyến khích:
- Anh
Mười cứ nói hết những thắc mắc của mình đi. Rồi ta sẽ bàn cãi sau.
Mười
Trí:
-
Trong đêm nghỉ tại nhà tôi, Bảy Viễn tâm tình: "Tao đi kháng chiến là quyết
một ra đi là không trở về". Nó là bạn tôi, tôi hiểu nó hơn ai hết. Nó
không bao giờ muốn về thành trong khi đi kháng chiến cuộc đời nó mới lên hương.
Còn về thành, Tây coi nó ra cái gì. Một thằng du đãng nhiều tiền án, ba lần bị
đày ra Côn Ðảo, tóm lại là cặn bã dưới đáy xã hội. Vậy mà nó phải về thành vì
hai lẽ: thứ nhất, các anh giải tán Bình Xuyên, thứ hai, các anh tảo thanh Rừng
Sác...
Hòa Hảo
vận
Thảo
xong lời thanh minh Mười Trí rất vui khi thấy Nguyễn Bình khen "anh Mười
viết rất hay" rồi cho liên lạc đưa ngay xuống nhà in xếp chữ và in để gửi
về thành.
- Anh
Ba còn cần giữ tôi lại đây về việc nào nữa không?
Nguyễn
Bình gật:
- Mình
sẽ bàn một công việc vô cùng hệ trọng, nhưng trước khi làm việc, mình nhậu lai
rai chút đã. Tôi biết anh Mười đã bõ nhậu, còn tôi thì từ ngày đi đảo về cũng
kiêng rượu. Nhưng mình làm cương sương cho vui miệng.
Chị
Trinh mật mã đem ra một đỉa lòng xào, một chai rượu nếp than và hai cái ly nhỏ.
Vừa
nhâm nhi, Nguyễn Bình nói:
- Khi
nãy anh Mười nói Bảy Viễn về thành chỉ vì hai sai lầm của ta là giải tán Bình
Xuyên và tảo thanh Rừng Sác. Tôi nói rõ về hai chủ trương này: Ðây không phải
là chủ trương của một cá nhân mà là quyết định của tập thể. Vì sao phải giải
tán Bình Xuyên thì anh Mười đã nghe anh Phạm Ngọc Thuần trình bày cặn kẽ rồi.
Không thể có một quốc gia trong một quốc gia. Bảy Viễn đã thực sự làm vua một
cõi trong lãnh thổ Rừng Sác của ông ta. Những người lạ tới đó đều bị thủ tiêu
ngay. Bảy Viễn không khoái chính trị viên là vì không muốn có người lạ dòm ngó
lối sống đế vương của hắn ta. Phòng Nhì đã thâm nhập khá sâu, không phải mới
đây mà ngay trong lễ tấn phong chức Khu phó của Bảy Viễn trước đây hai năm. Ðến
dự có cả Lâm Ngọc Ðường, Tư Thiên, Hộ pháp Phạm Công Tắc và Giáo chủ Huỳnh Phú
Sổ. Anh Mười có dự, chắc là có thấy các nhân vật đó, Phòng Nhì ngày càng nắm chắc
Bảy Viễn. Cho nên phải giải tán Bình Xuyên. Anh Mười nên hy sinh tình cảm nhỏ
nhen để thấy sự cần thiết của quyết định này.
Mười
Trí gật gù:
-
Nhưng còn vụ tảo thanh Rừng Sác?
- Ðó
cũng là điều cần thiết. Anh Mười thử tưởng tượng xem nếu ta không tảo thanh Rừng
Sác thì Bảy Viễn sẽ về đó, củng cố giang san của mình, và càng mạnh dạn đi với
Phòng Nhì. Chừng đó ta sẽ khó mà đối phó. Chi bằng ta bóp nát sự bội phản từ
trong trứng nước. Chúng tôi có tài liệu đầy đủ từng vụ một về việc Bảy Viễn
"đi đêm" với Phòng Nhì, như việc Bảy Viễn tham gia Mặt trận Quốc gia
Liên hiệp có đủ các giáo phái Cao Ðài Hòa Hảo... Vụ Bảy Viễn ký mật ước bất
tương xâm với Savani đã bị chính anh Mười phá vở với trận đánh tàu Thanh Vân.
Trong vụ này anh Mười đóng vai chính nhưng "quân sư" lại là anh Sáu
Hoàng, Phó giám đốc Sở Công an Nam bộ kiêm Trưởng ty Công an Ðặc khu. Chắc anh
Mười biết rành vụ này hơn tôi.
Mười
Trí cười thích thú:
- Tôi
chọn hai ba điểm phục binh nhưng anh Sáu Hoàng bác hết và gợi ý cho tôi mượn
Vàm Sác của Chi đội 9 làm nơi tấn công và chia chiến lợi phẩm. Sau đó tôi mới
biết mình tiếp tay anh Sáu Hoàng phá tan âm mưu Phòng Nhì nắm Bảy Viễn.
Nguyễn
Bình:
- Bây
giờ anh Mười đã hiểu vì sao phải giải tán Bình Xuyên và tảo thanh Rừng Sác.
Ðánh với một kẻ thù lộ mặt dễ hơn đối phó một đồng minh rắp tâm phản bội. Bây
giờ bàn tới việc của anh Mười đây.
Mười
Trí bỏ đũa xuống lặng nghe.
- Tôi
rất hiểu anh, nhưng thiên hạ đa số nghi oan cho anh. Sự nghi ngờ này càng tăng
thêm khi anh đứng ra bảo lãnh cho Bảy Viễn, rốt cuộc anh để hắn đi tuốt ra
thành. Chuyện đó càng làm cho thiên hạ nghi là đích thân anh đã đi tiễn Bảy Viễn
đến tận ngoại vi Sài Gòn. Hai người bàn với nhau những gì? Nhiều ủy viên trong Ủy
ban Nam Bộ cả quyết sớm muộn gì Mười Trí cũng theo Bảy Viễn.
Mười
Trí gật gù:
- Ðúng
là tôi vì tình bạn mà hành động, không nghĩ tới sự nghi kỵ của những người
chung quanh. Bây giờ thì các anh tính thế nào về tôi đây?
Ba
Bình đưa ly rượu lên:
- Cứ
bình tĩnh. Chúng tôi đã có cách giải quyết thật êm thấm cho anh Mười là đưa anh
về miền Tây.
- Ðưa
tôi về miền Tây? Ðể làm gì? A, thì ra các anh sợ Mười Trí sẽ theo Bảy Viễn nên
tách cho xa ra. Cũng được! Tôi sẳn sàng về miền Tây, nhưng tôi sẽ làm gì đây?
Tôi có thể đưa theo Chi đội 4 của tôi...
Anh Mười
chỉ có thể đưa theo một bộ phận nhỏ thôi, chừng một đại đội. Anh quên rằng tất
cả các chi đội Bình Xuyên đều bị xé ra để phiên chế thành các trung đoàn? Chúng
tôi cũng đã bố trí một công tác hết sức thú vị cho anh.
- Công
tác gì vậy?
- Hòa
Hảo vận. Tức là vận động tín đồ Hòa Hảo theo Việt Minh chống Pháp.
Mười
Trí trố mắt nhìn Ba Bình, lắc đầu:
- Tôi
không làm được công tác đó đâu. Thứ nhất, tôi không phải là người tu hành. Một
câu kinh, một lời kệ, tôi cũng không thuộc. Mà công tác này khó lắm. Hòa Hảo
đang theo Tây chống ta ở miền Tây cũng như Cao Ðài Tây Ninh theo Tây đánh ta ở
miền Ðông.
Ba
Bình:
- Bởi
khó mới nhờ tới anh Mười. Cũng như đánh trận lớn phải xuất tướng. Tôi tin rằng
anh Mười sẽ làm được công tác mới này. Không biết kinh kệ thì học. Có gì khó
đâu? Anh có một ưu thế rất lớn mà chính anh lại không thấy. Nhờ Chính ủy Khu 9
gợi ý, chúng tôi mới bố trí công tác đó cho anh.
Mười
Trí càng ngạc nhiên:
-
Chính ủy Khu 9. Bảy Trấn hả? Anh Bảy gợi ý thế nào?
Sư
Thúc Hòa Hảo
Thường
vụ Nam bộ đang phân vân chưa biết giao công tác gì cho Mười Trí điều anh xuống
miền Tây để cho xa Bảy Viễn, thì Chính ủy Khu 9 Bảy Trấn góp ý:
- Tại
sao không giao cho Mười Trí công tác Hòa Hảo vận?
Mọi người
đều ngạc nhiên, Bảy Trấn cười nói:
- Mười
Trí đã có lần được giáo chủ Huỳnh Phú Sổ tặng danh hiệu Sư thúc Hòa Hảo. Mình
nghĩ rằng với danh hiệu đó, Mười Trí sẽ làm tốt công tác vận động Hòa Hảo theo
ta đánh Tây.
Trước
vẻ ngạc nhiên của mọi người, Bảy Trấn giải thích:
- Chuyện
này tôi nghe chị Mười Trí kể. Tôi phối kiểm với anh Nguyễn Văn Tây, Thanh tra
chính trị miền Tây thì ăn khớp. Vậy là có thể tin được.
Vị
giáo chủ họ Huỳnh đã có lúc chạy lên Bà Quẹo tá túc với Mười Trí. Hai ông này
quen nhau khi Nhật quản thúc họ Huỳnh tại Sài Gòn vì Pháp định đưa họ Huỳnh qua
Lào để ngừa hậu họa. Khi Tây đánh ra ngoại vi Sài Gòn, bộ đội Mười Trí rút về
quân khu Ðông Thành. Một ngày kia, máy bay bắn vào khu vực đóng quân của Chi đội
4. Ðại đội tiếp tế của Giáo chủ chạy lung tung. Anh Mười mới nói: "Anh em
cứ theo Thầy. Ðừng chạy bậy bạ. Mười Trí đưa họ Huỳnh tới một ngôi nhà khá rộng
tạm ẩn náu. Máy bay bắn vài nơi nhưng không bắn vào ngôi nhà nói trên. Trong
lúc phấn khởi, họ Huỳnh chỉ anh Mười nói với đám đệ tử do Năm Lửa chỉ huy:
"Ðây là Sư thúc của bây đó. Khi nào thầy đi xa thì Sư thúc bây lên thay thầy".
Từ đó
Năm Lửa xem anh Mười như là Sư thúc của mình.
Mọi
người bật cười khi nghe Bảy Trấn kể chuyện đời xưa. Một người nói: "Chuyện
như đùa".
Nhưng
Bảy Trấn nghiêm giọng nói: "Không đùa đâu Ðức tin quan trọng lắm. Làm dân
vận phải tôn trọng đức tin của người ta".
Nghe
Nguyễn Bình nhắc lại giai thoại "Sư thúc Hòa Hảo", Mười Trí gật đầu:
Chuyện
anh Bảy Trấn kể đó là chuyện có thật. Năm Lửa nghe tận tai và thấy tận mắt lời
dạy của Thầy nên xem tôi, trọng tôi như Sư thúc.
- Vậy
thì anh Mười nghĩ sao khi chúng tôi giao công tác Hòa Hảo vận cho anh?
Mười
Trí thở ra:
- Làm
sao tôi dám từ chối? Tôi đang ở trong thế kẹt, các anh đã tìm cho tôi một lối
thoát êm thấm. Dù không... thích lắm, tôi cũng cảm ơn các anh.
Khi tiễn
Mười Trí ra về, Nguyễn Bình nói:
- Anh
Mười về, chọn một đại đội cùng đi với anh về miền Tây. Nam Bộ đã điện cho tỉnh
Long Châu Hà giúp đỡ Trung đoàn 304 của Sư thúc Hòa Hảo xây dựng cơ ngơi. Chừng
an cư lạc nghiệp mới bắt tay vô công tác.
Mười
Trí bắt tay Ba Bình:
- Cám
ơn anh Ba đã hết lòng giúp đỡ.
Ba
Bình vỗ vai Mười Trí, nói nhỏ:
- Còn
chuyện này nữa. Anh Mười cho chúng tôi mượn đại đội trưởng Ly một thời gian...
- Cho
mượn thằng Ly? Ðể làm gì? Trong một thời gian là bao nhiêu lâu?
Ba
Bình:
- Chuyện
lớn mình giải quyết êm đẹp rồi, chẳng lẽ lại bất đồng về chuyện nhỏ? Vì sao
chúng tôi mượn thằng Ly hả? Thằng nhỏ quen chiến trường trên này, nó đã có lần
cứu tôi tại ấp 10 Vĩnh Lộc, lúc tụi com - măng - đô chỉ cách tôi có hai tầm ruộng.
Không có loạt FM của thằng Ly bắn xuyên hông là bọn chó đó làm thịt tôi rồi.
Anh Mười cho tôi mượn. Tôi sẽ chịu trách nhiệm về nó. Còn trong bao lâu thì khó
nói trước được.
Có lẽ
trong một hai mùa chiến dịch là tôi trả lại cho hai vợ chồng anh.
Mười
Trí gật đầu lui ghe. Nhưng cái gật đầu chỉ có nghĩa xã giao, còn trong thâm tâm
Mười Trí vẫn cứ thắc mắc về chuyện này.
Chị Mười
không bình tĩnh như chồng. Khi nghe anh kể lại mọi chuyện, chị kêu lên:
- Thấy
rõ quá mà! Người ta nghi anh sẽ theo Bảy Viễn nên tống anh đi cho xa. Long Châu
Hà là xa nhất rồi. Miệt khỉ ho cò gáy đó về Sài Gòn đi xe đò cũng mất một ngày
trời. Vậy mà chưa đủ, người ta còn mượn thằng Ly của mình. Họ bắt nó làm con
tin đó ông. ông mà theo Bảy Viễn là họ cắt cổ mổ bụng thằng nhỏ, cục cưng của
tôi.
- Tôi
cũng biết như bà nghĩ. Nhưng làm gì có chuyện đó. Làm sao tôi lại bỏ kháng chiến
về thành đầu Tây nhục nhã như Bảy Viễn?
Ðêm đó
Mười Trí lại uống rượu rồi hí hoáy ghi chép gì đó trong sổ tay.
Bài
thơ duy nhất
Sống hết
mình với bạn, tận tình khuyên bảo lúc bạn hư hỏng, đem sinh mệnh chính trị cá
nhân mình ra bảo đảm cho bạn, tiễn đưa mấy dặm đường và kiên trì thuyết phục bạn
nhưng hoàn toàn thất bại, Mười Trí buồn cho cuộc đời của Bảy Viễn, lại bực vì
mình bị mọi người nghi oan. Giờ đây Mười Trí phải xuống miền Tây làm một công
tác hoàn toàn xa lạ: vận động Hòa Hảo theo Việt Minh chống Pháp.
Càng bực
về chuyện bố trí công tác "tréo ngoe", Mười Trí càng buồn người bạn từng
thề nguyền sanh tử giữa biển khơi. Nỗi buồn khó tả ấy đã biến một con người ít
học, xa lạ với Văn thơ lại "đẻ" ra được những vần thơ rung động lòng
người. Bài thơ duy nhất trong đời Mười Trí được ghi sổ tay ngay trong đêm đau
khổ nhất đời: mất một người bạn nối khố và buồn cho tương lai mờ mịt của thính
mình.
Ba
Chiêu là đại đội trưởng kiêm Chánh văn phòng Chi đội 4 được Mười Trí coi như
con cháu trong nhà nên đôi khi tự cho phép mình lục lạo hồ sơ trên bàn chú Mười.
Tình cờ mở sổ tay chú Mười Ba Chiêu đọc được bài thơ Gởi Bảy Viễn, nguyên văn
như sau:
Thế là
hết, tôi với anh đành đoạn tuyệt
Vì anh
ơi, đời hồ hải hết tung hoành
Anh
giam mình vào lưới sắt, bả hư danh
Thân lồng
chậu, anh mong nằm trên nệm ấm
Anh có
biết tay quân thù còn đỏ thắm
Máu đồng
bào ngùn ngụt lửa căm thù
Kiếp
tôi đòi anh nhớ lại mùa thu
Mùa lịch
sử đã mở tù cho dân tộc.
Thế là
hết. Tôi với anh, người một góc
Hai
phương trời, hai lẽ sống chẳng dung nhau
Giữa
đôi ta một vực thẳm ba đào
Chia
đôi bạn đứng nhìn nhau thế trận
Xe trước
gãy, xe sau chẳng tránh
Riêng
tôi niệm chút tình xưa xin nhắn
Vì tin
rằng anh còn giữ chút lương tâm
Máu
giang hồ mã thượng phải tung hoành
Phải
biết sống đời trai hùng oanh liệt...
Mười
Trí chỉ có một tuần để thu xếp đưa cả gia đình về miền Tây công tác.
Anh chọn
đại đội của Ba Chiêu đi cùng. Hai chú cháu bàn chuyện công tác mới rất tâm đắc.
Ba
Chiêu nói:
- Chú
Mười được phân công Hòa Hảo vận, theo cháu thì tuy có bất ngờ, nhưng nghĩ lại
mình có lợi thế hơn, người khác.
- Lợi
thế ở chỗ nào?
- Hồi
thầy Tư Hòa Hảo tá túc chi đội mình, miền Tây có gửi lên một đại đội tiếp tế mà
đứng đầu là Năm Lửa. Trong đó có tiểu đội nữ binh chuyên ngón song kiếm... Khi
thầy Tư quy tiên, Hòa Hảo ở miền Tây nổi lên, theo Pháp đánh phá kháng chiến
thì đại đội tiếp tế Hòa Hảo bị gom lại giam tại nhà Hội đồng Sầm. Vài tháng sau
chú Mười tới lãnh một tiểu đội trong đó có Tư Ðốc, Hồng Anh và hai cô Lan, Ðiệu,
chú Mười nhớ không?
- Rồi
sao?
- Tiểu
đội Hòa Hảo này sẽ giúp chú Mười liên lạc với các nhóm Hòa Hảo ở miền Tây như
nhóm Cái Vồn của Năm Lửa, nhóm Chợ Mới của Ba Ngộ, nhóm Cái Dầu của Hai Ngoan,
nhóm Bằng Tăng của Ba Cụt...
Mười
Trí gật gù:
- Hay!
Nhờ mày nhắc mà tao sáng ra. Mày mời mấy người đó tới để mình bàn chuyện. Nhưng
cấp bách là mày do xem Ba Rùm hiện ở đâu để mời về miền Tây với mình. Ba Rùm là
thợ mộc, thợ nề, thợ nguội, giỏi lắm? Xuống miền Tây, công việc đầu tiên là phải
cất nhà, miệt dưới đất thấp, hằng năm dều bị lụt ba tháng, phải cất nhà sàn, Phải
là thợ giỏi như Ba Rùm mới đảm trách được.
Ba Chiêu
cố mới óc, giây lâu mới nhớ:
- Khi
tảo thanh Chi đội 9, Tám Tâm bắt hết những người thân tín của Bảy Viễn - đứng đầu
là Ba Tuấn, phụ trách thuế vụ; kế là Ba Rùm, trông coi binh công xưởng. Hai anh
này nắm áo chú Năm Hà nhờ can thiệp.
- Năm
Hà có chịu bảo lãnh không?
- Chú
Năm Hà là người nhân đức nên thấy ai bị bắt oan là lãnh. Theo tin cháu nhận được
thì chú Ba Rùm đang ở với chú Năm Hà. Nếu chú Mười sai người tới bảo lãnh thì
chú Năm Hà giao ngay, mà chú Ba Rùm cũng khoái.
Mười
Trí liền mở sổ tay, xé giấy viết thư tay cho Năm Hà, giao Ba Chiêu chọn liên lạc
hỏa tốc tìm Năm Hà.
Ngày
Mười Trí về miền Tây với một đại đội nhưng được ưu tiên giữ chức cũ là Trung
đoàn trưởng Trung đoàn 304 là ngày Mười Trí nhớ đời.
Ðúng
là tai bay vạ gió nhưng Mười Trí cố làm mặt vui để cả đại đội hăng hái lên đường.
Chỉ có chị Mười là đội khăn rằn phủ đầu che mặt để không ai thấy nét cau có bất
mãn vì đại đội trưởng Ly, con trai đầu lòng bị người ta "mượn" đã đi
công tác trước đó vài ngày.
Ðịch vận
Cuộc
thanh trừng Bình Xuyên phản động tháng 6.1948 như một trận bão dữ thổi ngang Rừng
Sác.
Các
chi đội 9 của Bảy Viễn, 21 của Tư Hoạnh và 25 của Tư Ty là mục tiêu chính của
cuộc thanh trừng, vì Tư Hoạnh và Tư Ty là đàn em của Bảy Viễn.
Còn
Liên chi 2 của Năm Hà, Chi đội 4 của Mười Trí và Chi đội 7 của Hai Vĩnh thì được
xếp ở vòng ngoài, vì bốn chi đội này không ăn cánh với Bảy Viễn.
Tuy
nhiên trong từng chi đội nói trên có vài phần tử bị "ông già râu kẽm"
Hai Ðại tức Nguyễn Ðức Huy, Chính ủy Phân khu Duyên Hải, đặc biệt theo dõi. Ðó
là Mười Lực, Bảy Môn, Tư Huỳnh - những người từng giao du thân thiết với Bảy Viễn.
Hàng ngày Hai Ðại giờ quyển sổ bìa đen, tay quơ cây bút đầu sanh đầu tử điểm
danh những phần tử khả nghi là người của Bảy Viễn cài lại.
Mười Lực
được mời lên văn phòng "ông già râu kẽm" để "làm việc":
- Anh
Mười chơi thân với Bảy Viễn quá mà sao không biết Bảy Viễn toan tính về thành?
- Ðó
là ông Chánh ủy nhận xét chứ thật ra tôi đâu có chơi thân với Bảy Viễn. Mười Lực
và Bảy Môn là bộ đội Thủ Thiêm, ngay từ đầu đã liên kết với anh em ông Ba
Dương, Năm Hà; về sau liên quân Thủ Thiêm - Tân Quy trở thành Liên chi 2. Tôi
chỉ huy Chi đội 2, anh Hai Lung chỉ huy Chi đội 3.
- Bảy
Môn và Tư Huỳnh cùng ở trong chi đội của anh Mười, trước đây có giao du với Bảy
Viễn?
- Tư
Huỳnh thì tôi không biết vì anh ta là dân Phú Nhuận, còn Bảy Môn thì cũng như
tôi, không hề giao du thân mật với Bảy Viễn.
-
Thôi, cám ơn anh Mười. Tôi cần hiểu thêm về Bảy Viễn mà anh Mười không biết thì
tôi sẽ hỏi người khác. Anh Mười về nghỉ.
Bảy
Môn cũng được mời lên. Vẫn cách hỏi đón đầu xưa cũ, Hai Ðại thăm dò Bảy Môn biết
ai là người thân thiết với Bảy Viễn còn kẹt lại sau khi Bảy Viễn về thành. Cũng
như Mười Lực, Bảy Môn nói rõ mình khác phe nhóm. Hai Ðại nhếch mép cười:
- Tôi
hỏi chơi hai anh thôi chớ tôi được nhiều báo cáo nói về sự thân mật giữa hai
anh và Bảy Viễn. Nói vậy để hai anh biết mà xử sự cho quang minh chính đại.
Thôi anh Bảy về nghỉ.
Ðến lượt
Tư Huỳnh.
Tay
anh chị gốc Phú Nhuận này đã dũng cảm nhìn nhận trước đây từng trích huyết ăn
thề với Bảy Viễn.
Hai Ðại
mừng rỡ, cười vểnh râu:
- Anh
Tư đúng là em út của Bảy Viễn. Không tra mà khai!
Tư Huỳnh
cau mày khó chịu:
- Có
gì xấu mà phải che giấu? Thời nô lệ, chúng tôi lập nhóm "Thế thiên hành đạo"
theo gương 108 hảo hớn Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy Hử là chuyện dám nghĩ
dám làm. Ðây, dấu tích kết nghĩa còn đây - Tư Huỳnh đưa ngón út còn vết thẹo nhỏ
cho Hai Ðại xem.
Hai Ðại
chợt lóe lên một sáng kiến:
- Tình
báo mình cho biết Bảy Viễn về thành chi có hai trung đội, bị Tây khinh rẻ, ngày
đêm ray rứt. Mình muốn mở đường danh dự cho Bảy Viễn, anh Tư có thể giúp tôi
trong kế hoạch này chăng?
Tư Huỳnh
ngạc nhiên:
- Kế
hoạch gì?
- Anh
nên về thành, nói nhỏ với ông ta là Hai Ðại, Chính ủy Phân khu Duyên Hải mời Bảy
Viễn trở về chiến khu. Bao nhiêu hiểu lầm trước đây đều được xóa bỏ.. .
Tư Huỳnh
suy nghĩ:
-
Chính ủy phân công thì tôi chấp hành, nhưng khó lắm? Tư Huỳnh mà lò mò ra thành
thì Phòng Nhì tóm ngay.
Hai Ðại
cười:
- Chuyện
đó dễ thôi. Trong này sẽ tung tin Tư Huỳnh bỏ Khu về thành theo Ðại tá Bảy Viễn.
Với tin này, Phòng Nhì sẽ đón mừng anh Tư chớ làm sao chúng dám bắt anh! Mà nếu
chúng không tin là anh đào ngũ thì chính Bảy Viễn sẽ cho người tới bảo lãnh anh
ngay.
Vài
ngày sau có tin Tư Huỳnh trốn về thành.
Tư Huỳnh
là người đầu tiên thi hành kế địch vận mà mục tiêu chính nhắm vào Bảy Viễn.
Ðúng
như Hai Ðại nhận định, Tư Huỳnh vừa về thành thì bị bọn Phòng Nhì tóm cổ.
Tư Huỳnh
bình tĩnh nói:
- Tôi
là em út ngài Ðại tá Bảy Viễn, bỏ Khu về với ông Bảy. Các anh báo ngay là Tư Huỳnh
đang chờ ông Bảy cho người tới đón tại bót Phú Xuân - Nhà Bè.
Vài giờ
sau, một xe Jeep tới trình giấy của Ðại tá Lê Văn Viễn, tư lệnh quân đội Bình
Xuyên, tới rước Tư Huỳnh.
Ðêm đó
Bảy Viễn đưa Tư Huỳnh đến tửu lầu sang trọng trong Chợ Lớn, chỉ hai người mà
chiếm một phòng rộng lớn.
Tư Huỳnh
ngạc nhiên trước cảnh sung mới của Bảy Viễn:
- Mừng
cho anh Bảy được thoải mái như thế này. Chớ trong đó người ta cứ nói là anh Bảy
về thành chỉ có hai trung đội nên bị Tây coi thường...
Bảy Viễn
cười:
- Tất
nhiên muốn thịt con chó, người ta phải hô to lên là con chó điên. Chú Tư nó là
dân giang hồ tứ chiếng, còn lạ gì miệng lưỡi người đời.
Vừa ăn
nhậu, Bảy Viễn vừa hỏi thăm tình hình trong khu.
Tư Huỳnh
trình bày cặn kẽ:
- Những
người thân của anh Bảy như Bảy Môn, Mười Lực đều bị Lão già râu kẽm dòm ngó.
Lão mời lên mời xuống, tra gạn đủ điều...
Bảy Viễn
nghe một lúc vụt hỏi:
- Chú
Tư nó tự ý về đây hay là lãnh công tác của Lão già râu kẽm? Ðưa bàn tay mặt đây
cho mình xem ngón út. Dấu thẹo thích máu ăn thề còn đây, lẽ nào Tư Huỳnh phản Bảy
Viễn được?
Tư Huỳnh
thú nhận:
- Anh
Bảy nói đúng. Tôi về đây là do Hai Ðại bố trí, gọi là "địch vận" Bảy
Viễn.
Ðá giò
lái
Bảy Viễn
nắm lấy bàn tay Tư Huỳnh đưa ra trước mặt cười đắc chí:
- Thằng
già râu kẽm là thằng điếm, nhưng làm sao chơi lại thằng điếm thúi Bảy Viễn này.
Nó nhè thằng em út của mình mà sai đi "địch vận" Bảy Viễn. Nè mầy Tư,
hai anh em mình "đá giò lái" thằng già râu kẽm chơi. Bây giờ mình
tương kế tựu kế: mày trở vô trong, bí mật gặp Mười Lực với Bảy Môn, nói nhỏ là
anh Bảy nhắn hai anh về thành với ảnh. Ở lại không sống nổi với thằng già râu kẽm
đâu.
Tư Huỳnh
suy nghĩ hồi lâu:
- Nói
thật với anh Bảy là tôi không có ý định về thành với anh Bảy. Nhưng chính thằng
già râu kẽm bố trí công tác "ngang xương". Không ai dám chống cãi với
nó. Vậy là tôi phải đi, dù biết đây là công tác nguy hiểm, sống chết như chơi.
Bây giờ gặp anh Bảy, tôi quyết định ra thành luôn, vì không thể sống với thằng
già râu kẽm. Nhưng trước khi về thành, mình phải giúp hai anh Mười Lực và Bảy
Môn thấy hiểm họa và sớm thoát thân ngày nào hay ngày ấy.
Bảy Viễn
nâng cao ly rượu:
- Mầy
xứng đáng là em út của Bảy Viễn. Xin chúc mã đáo thành công.
Tư Huỳnh
lại trở vô Khu và báo cáo tình hình Bình Xuyên cho Hai Ðại:
- Thi
hành mật kế địch vận của đồng chí chính ủy, tôi về thành, bị bót Phú Xuân bắt,
Bảy Viễn cho người tới lãnh... ở với Bảy Viễn ba ngày, tôi thấy tình hình khác
xa tin tức mình có trước đây. Bảy Viễn được Tây phong Ðại tá, lực lượng Bình
Xuyên hiện nay gồm ba tiểu đoàn được Pháp trang bị đầy đủ súng ống, quân phục
ka ki xám...
Hai Ðại
vẩy tay:
- Bỏ mấy
cái râu ria đó đi? Hãy báo cáo thái độ của Bảy Viễn trước đề nghị của tôi.
Tư Huỳnh
lắc đầu:
- Chuyện
quan trọng sống chết, làm sao Bảy Viễn quyết định ngay được. Sau khi nghe tôi
trình bày, Bảy Viễn suy nghĩ khá lâu mới nói: Việt Minh chơi gác kèo trên, mời
mình về Ðồng Tháp Mười giao chức Khu bộ trưởng Khu 7 mà lại tuyên bố giải tán
Bình Xuyên. Tụi nó biết ngay là Bảy Viễn nhất định không đồng ý mất chức Tư lệnh
Liên khu Bình Xuyên nên chúng tảo thanh Rừng Sác. Nếu Tắc Cây Mắm còn thì mình
không về thành.
Hai Ðại
nhăn mặt:
- Vậy
là nó không chịu trở vô dây?
Tư Huỳnh
cười lạt:
- Làm
sao Bảy Viễn lại bỏ thành trở vô đây được! Anh ta đã mắc kế "điệu hổ ly
sơn" rồi, đời nào anh ta phạm sai lầm lần nữa. Ngay khi nghe đồng chí phân
công, tôi đã biết là mình sẽ thất bại, nhưng để tỏ thiện chí, tôi vẫn vui vẻ nhận
công tác.
Hai Ðại
gật gù:
- Ðồng
chí về nghỉ đi. Coi như đã hoàn thành công tác.
Ðêm đó
Tư Huỳnh bí mật tới thăm Mười Lực và Bảy Môn.
Gặp lại
nhau, hai người mừng rỡ kêu lên:
- Tư
Huỳnh. Tụi tao tưởng mày nhảy theo Bảy Viễn, sao nay trở về đây? Hay là.. ..
Tư Huỳnh
gật lia:
- Ðúng
là tôi lãnh công tác của lão già râu kẽm về thành "địch vận" Bảy Viễn.
Bảy
Môn cười lớn:
- Ðồ
ngu! Phân công địch vận mà chọn thằng em út của Bảy Viễn thì nói làm sao nó
nghe? Muốn địch vận, mình phải "trùm phè", nghĩa là trên chân đủ mọi
mặt.
Mười Lực
gục gặc:
- Vậy
là thất bại?
Tư Huỳnh
gật:
- Ðúng
là thất bại (nói nhỏ lại, chỉ vừa đủ nghe). Thất bại là thằng cha Hai Ðại thất
bại, còn mình thì thắng lợi. Anh Bảy nhờ tôi nhắn hai anh nên vọt nhanh về
thành, ở lại đây không sống được với cha già râu kẽm đâu!
Bảy
Môn giật mình ngó Mười Lực dò ý.
Mười Lực
gật:
- Bảy
Viễn nói đúng. Mình đang lo nghĩ về chuyện đi hay ở lại đây.
Bảy
Môn ngó Tư Huỳnh:
- Còn
mầy, Tư Huỳnh?
- Tôi
cũng vọt ngay thôi. Hai anh tính ngay đi. Mình cùng đi một đêm thì tốt nhất.
Cả hai
nhất trí " lui ghe " vào đầu con nước lớn đêm sau.
Oái
oăm là cả ba anh bạn tuy cùng chung một ý định nhưng lại gặp ba số phận khác
nhau.
Bảy
Môn về thành xuôi chèo mát mái. Mười Lực thì bị Tây đón ghe bắt đưa về bót.
Túng thế, anh khai tên thật và yêu cầu sếp bót liên lạc với Bảy Viễn để cho người
tới nhận. Trong thâm tâm, Mười Lực muốn "rửa tay gác kiếm" vì đã ngán
chuyện đánh đấm quá rồi. Nhưng tình thế bắt buộc phải dựa vào Bảy Viễn. Còn Tư
Huỳnh thì đã bị Hai Ðại nhận định sẽ về thành với Bảy Viễn nên bí mật cho người
bám sát. Ghe Tư Huỳnh vừa mới ra tới trạm gác thì đã bị bắt giữ lại.
Hai bản
án
Tòa án
Phân khu Duyên Hải làm to chuyện Tư Huỳnh.
Hai Ðại,
Chính ủy Phân khu trong vai công tố viên lên án Tư Huỳnh là người của Bảy Viễn
cài lại để lôi kéo cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn và tiểu đoàn như Mười Lực, Bảy
Môn trốn ra thành theo chân Bảy Viễn. Nhân dịp này Hai Ðại khuyên các Trung
đoàn có bộ đội Bình Xuyên tháp ghép nên đề cao cảnh giác với các tay giang hồ
còn kẹt lại trong khu.
Tư Huỳnh
phát biểu trước vành móng ngựa:
- Tôi
là dân giang hồ chính hiệu, nhưng đó là trước ngày Nam bộ kháng chiến. Từ khi
theo cách mạng, Tư Huỳnh là cán bộ chỉ huy cấp tiểu đoàn, luôn luôn nêu gương
dũng cảm, trước quân thù. Ra trận, bao giờ Tư Huỳnh cũng đứng thẳng lưng mà chỉ
huy, vậy mà nay bị tố là đào ngũ theo Bảy Viễn? Vô lý! Người ta giao công tác về
thành "địch vận" Bảy Viễn cho tôi, một công tác hết sức vô lý vì Tư
Huỳnh là em út của Bảy Viễn, làm sao Tư Huỳnh nói mà Bảy Viễn nghe? Huống chi Bảy
Viễn nào có xa lạ gì cấp lãnh đạo Việt Minh...
Chánh
án Năm Hà cắt lời Tư Huỳnh:
- Bị
can chỉ được nói về việc lôi kéo Mười Lực và Bảy Môn theo Bảy Viễn.
Tư Huỳnh:
- Tôi
nhìn nhận có chuyển lời của Bảy Viễn tới hai anh Mười Lực và Bảy Môn. Còn chuyện
đi hay ở là chuyện riêng của hai anh ấy.
Trong
phiên xử Tư Huỳnh có một đồng phạm, đó là Ba Bay.
Công tố
viên hỏi:
- Anh
Ba Bay, tại sao anh biết ba người tính chuyện về thành mà không khai báo?
Ba Bay:
- Tình
cờ tôi đi ngang qua nhà anh Mười Lực. Lúc đó ba anh đang nhậu. Tôi có nghe bàn
chuyện đi hay ở, nhưng tôi cho đó là chuyện rượu nói chớ không phải ba anh ấy
nói. Vì sao? Cả ba đều là đàn anh của tôi, là chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn chứ
đâu phải trẻ con! Tôi nghĩ là ba anh nói cho vui. Mà dù ba anh nói thật lòng
thì đó là chuyện riêng của người ta.
Công tố
viên:
- Biết
mà không khai báo, kể như đồng lõa.
Ba Bay:
- Tôi
ít học, không biết luật. Tôi chỉ nói trước tòa như thế này: Ba Bay là dân giang
hồ, từng cho nhiều Việt gian "mò tôm" vào những ngày đầu kháng chiến.
Tuy ít học nhưng tôi thù ghét nhất trong đời cái nghề làm điểm chỉ. Cho nên dù
biết họ bàn bạc chuyện về thành theo Bảy Viễn, tôi vẫn giữ bí mật cho họ. Tùy
tòa muốn phạt bao nhiêu cũng được!
Phiên
tòa kết thúc nhanh với hai bản án: tử hình cho Tư Huỳnh và ba năm tù cho Ba Bay.
Tư Huỳnh
chỉ cười lạt:
- Tội
tôi làm tôi chịu. Xin tòa cho tôi một đặc ân: xin cho tôi tự xử.
Chánh
án Năm Hà chưa có ý kiến thì công tố viên Hai Ðại nghiêm giọng:
-
Không được? Tử tội không xứng đáng hưởng đặc ân tự xử.
Vụ
hành quyết diễn ra ngay sau đó tại hàng điều xã Phước An.
Chủ
trương "lấy gai lể gai" "lấy độc trừ độc" của Hai Ðại ngay
trận ra quân đầu tiên đã dẫn đến kết quả: Tư Huỳnh bị xử tử, Mười Lực và Bảy
Môn bỏ bưng về thành.
Hai Ðại
sau đó đưa thêm một số người nữa, trong đó có Năm Chàng và Bảy Rô, nhưng cả hai
đều không "địch vận" nổi Bảy Viễn. Trái lại mạng sống cả hai còn bị
đe dọa hằng ngày vì bọn Thái Hoàng Minh luôn luôn rình mò. Nhờ thân thiết với Bảy
Viễn mà Năm Chàng được yên thân, những lời sàm tấu của Thái Hoàng Minh bị Bảy
Viễn gạt bỏ.
Theo Bảy
Viễn, cháu vợ không đáng tin cậy hơn bạn giang hồ.
Riêng
Bảy Rô thì vừa tới tư dinh của Bảy Viễn đã được bạn cũ nhắn nhỏ:
- Vọt
ngay đi, coi chừng ông Năm bắt" (ông Năm là Năm Tài, bí thư của ông Bảy).
Bảy Rô liền nhảy xuống miền Tây, đầu quân sư thúc Hòa Hảo là Mười Trí.
Hai Ðại
thấy Bảy Viễn làm trời ở Rừng Sác trong thời kỳ hậu thanh trừng. Chỉ có Tám
Tâm, nhờ bén nhạy trong nhận xét và dám nghĩ dám làm, là thấy được "tim
đen" của Hai Ðại mà ít người trông thấy, mà dù có thấy cũng không dám vạch
ra.
Phái
đoàn ra Bắc
Bảy Viễn
chạy về thành với thân phận hàng thần lơ láo, các bộ hạ của Bảy Viễn bị tảo
thanh hàng chục, kẻ ưng người oán. Tài sản Bảy Viễn để lại quá lớn. Tất cả đều
tập trung giao cho Chính ủy Hai Ðại trông coi. Trong chiến khu nghèo khổ, số
tài sản lớn này làm tối mắt kẻ có lòng tham: 15 ký vàng, hai triệu bạc xanh. Thời
đó, bạc xanh rất quý vì tiền Ðông Dương ngân hàng lưu hành ở mọi miền, còn tiền
cụ Hồ chỉ dùng trong khu.
Tám
Tâm đảm trách công tác thanh trừng trong Chi đội 9 của Bảy Viễn. Số tiền và
vàng này anh phải giao tận tay Chính ủy Hai Ðại.
Ðứng
chờ hoài mà không thấy Hai Ðại làm giấy biên nhận, anh nói lớn:
- Ðồng
chí ký cho tôi giấy biên nhận.
Hai Ðại
nhìn Tám Tâm trân trân:
- Anh
không tin Ðảng sao?
- Tin
chớ!
- Tin
sao bắt Ðảng phải làm biên nhận?
- Xin
lỗi, đồng chí không phải là Ðảng... Tôi rất tin đồng chí, nhưng người khác
không tin tôi. Số tiền và vàng đó, tôi phải có biên nhận để khi cấp trên hỏi,
tôi trưng ra là đã giao cho Chính ủy.
Thấy
Tám Tâm nói cứng, Hai Ðại tức lắm, nhưng không làm gì được. Tám Tâm nổi tiếng
là thiện xạ số 1 của Chi đội 9 và của cả phân khu.
Hai Ðại
đành nhân nhượng:
- Tôi
chỉ thử đồng chí thôi. Ðể tôi làm biên nhận như đồng chí yêu cầu.
Thủ tờ
biên nhận, Tám Tâm ra về lẩm bẩm:
- Thằng
cha già râu kẽm này đáng nghi lắm? Cặp mắt lão ta lóe lên khi thấy số tiền và đống
vàng mình giao cộng với thái độ làm lơ không chịu biên nhận. Ðáng nghi lắm?
Mình sẽ theo dõi cha này thật kỹ mới được?
Do
nghi ngờ Hai Ðại nên Tám Tâm thấy rõ sự thảm bại trong chủ trương đưa dân giang
hồ Bình Xuyên về thành địch vận Bảy Viễn. Theo Tám Tâm, đó là đẩy đồng chí mình
vào chỗ chết.
Em út
làm sao nói Bảy Viễn nghe? Huống chi Bảy viễn như con chim mới bị tên, thấy cây
cong là sợ.
Liền
sau khi tảo thanh, Hai Ðại hốt hết văn phòng Bảy Viễn. Tất cả giấy tờ, hồ sơ, kể
cả mấy cô thư ký văn phòng trẻ đẹp. Cũng từ đó, nếu để ý sẽ thấy Chính ủy chăm
sóc kỹ hơn dung nhan của mình. Bộ râu kẽm được cắt tỉa sắc lém. Thay cho bộ bà
ba mốc cời là những bộ quân phục cắt may thẳng thơm hơn. Trông người trẻ trung
và rắn rỏi hơn trước nhiều. Có người khen nịnh, Hai Ðại cười vểnh râu:
- Lúc
này mình khỏe ra nhờ cơ thể cắt bỏ được khối ung nhọt Bảy Viễn.
Tám
Tâm cố giấu nụ cười chế nhạo. Ðể rồi xem! Cha này rồi cũng chết vì tiền bạc và
đàn bà như Bảy Viễn.
Ðúng
như Tám Tâm nghi, Hai Ðại "hốt ổ" Bảy Viễn. Vài cô không chịu được sự
thân mật quá trớn của ông Hai đã xin đổi cơ quan khác.
Tám
Tâm đang ngày đêm rà soát sinh hoạt của Chính ủy thì được tin mình có chân
trong phái đoàn ra Bắc báo cáo về vụ Bình Xuyên. Trưởng đoàn là đồng chí Phạm
Hùng. Dân Bình Xuyên được chọn ra Bắc có Hai Vĩnh - Chi đội trưởng Chi đội 7,
người có công trong vụ bắt Phán Huề, qua đó nắm chắc bằng cớ Bảy Viễn đi đêm với
Phòng Nhì. Ngoài Tám Tâm còn có Chính trị viên Lưu Quý Thoái và thư ký riêng của
Trung tướng Nguyễn Bình phụ trách liên lạc giữa Bộ Tư lệnh Khu 7 với Liên khu
Bình Xuyên là Lương Văn Trọng. Trong chuyến đi này, trách nhiệm của Hai Trọng rất
quan trọng. Trước đó một tuần, Trung tướng Nguyễn Bình đã cùng Hai Trọng bàn thảo
đề cương báo cáo về công tác lãnh đạo các đơn vị bộ đội giang hồ theo kháng chiến
dưới cái tên Bình Xuyên. Cả hai đều mệt nhoài nhưng hết sức phấn khởi.
Nguyễn
Bình nói:
- Ðúng
là lịch sử thường lặp lại. Chuyện thập nhị sứ quân thời Ðinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn
nay lại tái diễn tại miền Ðông Nam Bộ này. Chung sống với dân giang hồ trong thời
đánh Tây này, mình phải là hảo hớn mới gây được lòng tin của các thủ lĩnh Bình
Xuyên. Vụ xử Ba Nhỏ ở Long Thành, nếu mình không có dũng khí thì có thể cục diện
sẽ đổi khác.
Trước
ngày lên đường một hôm, phái đoàn ghé văn phòng Chi đội 4, nay là Trung đoàn
304.
Mười
Trí đang chuẩn bị xuống miền Tây cũng đãi đoàn một bữa tiệc.
Ngôn
ngữ giang hồ
Mười
Trí muốn báo cáo với Trung ương về việc anh không giữ được Bảy Viễn. Lòng dạ
anh đang rối bời, muốn bày tỏ cùng thượng cấp. Trong khi anh em trong đoàn dùng
bữa, Mười Trí chỉ gắp vài miếng rồi xin phép vào trong thảo bức tâm thư gửi lên
Hồ Chủ tịch. Chừng anh em ăn xong, ngồi uống trà khá lâu anh Mười mới hấp tấp bỏ
lá thư vào phong bì trao cho trưởng đoàn Phạm Hùng:
- Anh
Hai, đây là bức tâm thư của Mười Trí gửi Bác Hồ, nhờ phái đoàn chuyển giúp.
Phạm
Hùng cầm bức thư, nói:
- Sao
không dán lại, anh Mười?
Mười
Trí lắc đầu:
- Gửi
thư tay mà dán sao được! Phải để người cầm thư coi, hễ thấy lời lẽ trong thư
coi được thì họ mới chuyển giúp, còn viết coi không được thì họ có quyền xé bỏ.
Phạm
Hùng cười:
- Anh
Mười không dán bức thư lại là có ý để cho phái đoàn kiểm duyệt, phải không?
Mười
Trí gật:
- Ðúng
vậy? Ngay bây giờ anh Hai có quyền mở ra đọc trước.
Phạm
Hùng cười và chào từ biệt:
-
Thôi, xin chào anh Mười và chị Mười, chúc xuống miền Tây cộng tác tốt. Tụi này
ra Trung ương họp Ðại hội rồi cũng trở về Nam. Hẹn gặp lại một hai năm sau.
Lên tới
miền Ðông, Tám Tâm nhắc chuyện lá thư:
- Mình
muốn biết anh Mười viết gì về vấn đề Bình Xuyên, nhất là về Bảy Viễn. Hai người
đó là bạn chí thân.
Lưu
Quý Thoái cũng nói vô:
- Anh
Hai nên mở ra xem. Anh Mười không dán phong bì là có ý để cho đoàn xem trước
như là kiểm duyệt.
Phạm
Hùng gật đầu tán đồng và lấy bức thư trong xắc ốt ra đọc.
Mọi
người nhìn sắc mặt trưởng đoàn để theo dõi. Bỗng họ thấy trưởng đoàn lắc đầu,
óc tò mò như muốn đẩy họ chồm tới, nhưng vì lễ phép họ gượng lại.
Phạm
Hùng nói:
- Anh
Mười viết thế này, ai dám chuyển tới Hồ Chủ tịch?
Tám
Tâm đứng gần trưởng đoàn đưa tay xin lá thư, đọc ngấu nghiến rồi lắc đầu:
- Tôi
cũng đồng ý với trưởng đoàn là không thể chuyển bức tâm thư này lên Hồ Chủ tịch.
Lá thư
lần lượt được chuyền tay tất cả các thành viên trong đoàn. Ða số đều lấn cấn,
không biết có nên chuyển tới Bác Hồ hay không.
Người
đọc sau cùng là anh Hà Huy Giáp. Anh Giáp suy nghĩ một lúc rồi hỏi:
- Mình
hội ý về lá thư này. Xin anh em cho biết ý kiến.
Ða số
lặp lại ý mình là không nên trao thư cho Bác Hồ.
Hà Huy
Giáp im lặng một lúc rồi nói:
- Ý
tôi khác với ý các anh. Tại sao lại không chuyển giúp lá thư của anh Mười Trí tới
Bác? Tôi thấy không có vấn đề gì. Ðây tôi đọc lớn để anh em cùng nghe rồi có ý
nghĩ sau cùng.
Anh tằng
hắng lấy giọng đọc to:
Bức
tâm thư kính gửi anh Hồ Chí Minh.
Thằng
em của anh là Mười Trí gửi thư này chúc anh khỏe mạnh... Thằng Bảy Viễn đã đầu
Tây rồi, thằng em của anh rất lấy làm buồn vì không ngăn cản được nó. Nhưng thằng
em của anh xin hứa chắc với anh là thằng em của anh sẽ tiếp tục kháng chiến cho
tới thắng lợi cuối cùng.
Dân
giang hồ một khi đã theo cách mạng là nhất định sẽ đi tới cùng, không bao giờ
sanh nhị tâm.
Ký
tên: Huỳnh Văn Trí
Trung
đoàn trưởng Trung đoàn 304.
Lá thư
được đóng dấu đỏ chói.
Ðọc
xong, Hà Huy Giáp nói thêm:
- Các
anh thấy cách anh Mười xưng hô với Bác khác với mọi người nên các anh thấy kỳ.
Nhưng với giới giang hồ của anh Mười, viết như vậy là chuyện thông thường, Bác
Hồ hơn anh Mười 13 tuổi, anh Mười gọi Bác là anh cũng không gì thất lễ. Huống
chi giới giang hồ xưa nay vẫn quen mầy tao. Chỉ với những người thật đáng tôn
kính, họ mới gọi là anh và xưng thằng em của anh...
Mọi
người im lặng, anh Giáp nói tiếp:
- Còn
về nội dụng thì bức thư cho Bác biết Bảy Viễn đã đầu Tây. Anh Mười cũng thú nhận
là rất buồn và hứa vẫn tiếp tục kháng chiến tới cùng. Như vậy là quá hay rồi.
Phải không anh Hai?
Phạm
Hùng gật:
- Anh
Giáp đúng là nhà lý luận. Mình có phản ứng đầu tiên là thấy "dội" vì
cách xưng hô. Gọi Bác bằng anh là chuyện lạ, ít ai xưng hô như vậy. Rồi còn
"thằng em của anh", nghe "giang hồ" quá!
Hai
Vĩnh cười:
- Dân
giang hồ chính cống mà không cho nói giọng giang hồ làm sao được anh Hai?
Hà Huy
Giáp lên tiếng
- Vậy
ý kiến chung của đoàn là sao đây? Chuyển thư hay không chuyển? Bây giờ chắc đa
số đồng ý với tôi là nên chuyển. Qua bức thư này, Bác Hồ hiểu thêm tâm tình anh
em giang hồ theo kháng chiến. Chỉ một mình Bảy Viễn là gãy gánh giữa đường
thôi. Còn tất cả đều vững vàng theo cách mạng tới cùng. Phải vậy không?
Bắt bò
lạc
Ngày
13.6.1948 là ngay trọng đại đối với Bảy Viễn: Tướng De la Tour gắn lon đại tá
cho tư lệnh quân đội Bình Xuyên. Cũng từ ngày này, ba tiểu đoàn Bình Xuyên được
cấp lương hàng tháng. Bảy Viễn mừng rỡ biết chắc tương lai hàng thần của mình
đã được bảo đảm. Lập tức ngài Ðại tá làm hai việc dự định từ lâu:
- Thứ
nhất, làm lễ cầu siêu cho các đồng đội đã chết trong cuộc thanh trừng... Ngôi
chùa nhỏ dưới dạ cầu Chứ Y, sát văn phòng Bình Xuyên được giao làm lễ cầu siêu
thật trịnh trọng. Các chỉ huy đều tham gia. Maurice Thiên đến chùa cúng vái cẩn
thận.
- Việc
thứ hai là tổ chức tiệc thết đãi các chiến hữu đã vượt qua thử thách lớn trong
đời. Các binh tôm tướng cá trung thành với Bảy Viễn được mời tới tửu lâu Ðại La
Thiên sống một đêm "Nhất dạ đế vương".
Mỗi
người được quyền mời một "người đẹp không khó tánh" - chữ của Bảy Viễn
tặng cho các em vũ nữ trong Chợ Lớn.
Trước
thái độ chịu chơi của đại ca, đám em út của Bảy Viễn đều vui vẻ hứa hẹn sẽ hết
lòng phò tá đàn anh.
Tướng
De la Tour giao ngay công tác cho Bảy Viễn:
- Ngày
nay, Bình Xuyên chính thức là quân đội bổ túc của chính quyền cựu hoàng Bảo Ðại,
các ông được hưởng tiền lương hàng tháng như lính thân binh. Quyền lợi đi đôi với
nghĩa vụ. Tôi chính thức giao vai trò bảo vệ an ninh thành phố Sài Gòn - Chợ lớn
cho Bình Xuyên các ông.
Bảy Viễn
vui vẻ dáp:
- Anh
em Bình Xuyên đang mong được Thiếu tướng giao nhiệm vụ. Bảo vệ an ninh Sài Gòn
- Chợ Lớn là công tác thích ứng với anh em Bình Xuyên, vì đa số đều là dân thành
phố trước khi tham gia kháng chiến.
Tướng
De la Tour nói tiếp:
- Các
ban Công tác thành của Việt Minh thường ra đây quyên góp tiền bạc, thuốc men
đưa vô khu. Các ông phải diệt cho được những đầu mối tiếp tế đó. Ðó là nhiệm vụ
thứ nhất. Thứ hai, các ông phải cung cấp tin tức của Việt Minh cho nhà binh
Pháp. Về phương diện này, các ông liên hệ với Phòng Nhì mà chỉ huy là thiếu tá
Savani.
Bảy Viễn
gật:
- Xin
nhận hai nhiệm vụ Thiếu tướng giao.
Từ
ngày ấy, dân Sài Gòn thấy lính Bình Xuyên tụ tập ở các ngã ra vào thành phố. Tiếng
là đón bắt những cán bộ Việt Minh len lỏi ra vô thành nhưng trên thực tế thì
đám lưu manh này dòm ngó những nhà có máu mặt để làm tiền, đón đường phụ nữ đẹp
di chợ để trêu ghẹo, cợt nhả.
Nhiều
vụ ẩu đả trong quán nhậu xảy ra chỉ vì tranh giành gái. Lính Bình Xuyên trở
thành mối lo sợ của người dân lương thiện.
Một
hôm Maurice Thiên tới bàn với Bảy Viễn:
- Công
việc đã ổn rồi, bây giờ ta nên tìm cánh làm áp phe đi Ðại tá.
- Làm
áp phe là sao? Nói cụ thể nghe?
- Sài
Gòn - Chợ Lớn có hai "máy đẻ tiền": khu Ðại Thế Giới và sòng bạc Kim
Chung. Lâu nay Ðại Thế Giới do mấy tay tài phiệt Ma cao đấu thầu khai thác.
Chúng giàu "nứt trứng".
Bảy Viễn
gật:
- Lớn
thuyền lớn sóng. Nghe nói đóng thuế nhà nước hàng ngày mấy trăm ngàn.
Maurice
Thiên cười:
- Ðóng
thuế và trừ mọi chi phí, mỗi tháng chúng vẫn còn lời nữa triệu bạc. Nguyên tắc
làm ăn của chúng là "moitié moitié" (chia đôi) - nhà nước một nửa,
chúng một nửa.
Bảy Viễn
lắc đầu:
- Mình
không có tiền đấu thầu với chúng nó.
Maurice
Thiên khoát tay:
- Tiền
bạc không thành vấn đề. Cái chính là Ðại tá có chịu đứng ra khai thác Ðại Thế
Giới và Kim Chung hay không?
Bảy Viễn
đắn đo:
- Thấy
tiền thì ham, nhưng nghe nói có ngày xảy ra mấy vụ tự tử vì thua tài xỉu. Mình
sợ mang tiếng...
Tư
Thiên cười:
- Ðã
muốn làm giàu thì phải gác bỏ lương tâm ra ngoài. Sánh có chữ "Vi nhân bất
phú" và "Vi phú bất nhân".
Bảy Viễn
im lặng, Tư Thiên nói tiếp:
- Mình
khai thác hai cái máy đẻ tiền này còn hơn là để nó trong tay mấy thằng xì thẩu
Ma cao. Hàng tháng nó gửi bạc triệu về xứ. Còn nếu tiền đó trong tay mình thì
mình có thể dùng vào việc nghĩa như xảy cất tổng hành dinh Bình Xuyên cho khang
trang thay vì ở phố nhỏ hẹp trong Chợ Lớn. Có số vốn đó, ta còn làm được nhiều
việc hữu ích khác nữa.
Thấy Bảy
Viền có vẻ xuôi theo, Maurice nói thêm:
- Tối
nay tôi mời Ðại tá vô Ðại Thế Giới chơi, đại tá sẽ quan sát và quyết định có
nên khai thác cái máy đẻ tiền này hay không. Nội chuyện "bắt bò lạc"
trong đó cũng thú vị tuyệt trần rồi?
Nghe
nói "bắt bò lạc", Bảy Viễn cười tươi rói:
- Ðược!
Tối nay mình đi "bắt bò lạc" chơi!
Duyên
nợ
Thực
dân Pháp rất tự hào về sòng bạc lớn nhất Sài Gòn mà cũng lớn nhất Ðông Dương nằm
giữa Chợ Lớn (Q. 5), gồm rất nhiều gian hàng, rạp hát, sân khấu xiếc, nhà hàng
- vũ trường, quán giải khát lộ thiên. Ðặc biệt là dãy dài các gian hàng rộng lớn,
trang trí sáng trưng, mỗi gian một vẻ: chơi theo người Việt là hốt me, chơi
theo Pháp là roulette, chơi theo Tàu là tài xỉu. Ai thích món nào cứ tới gian
hàng mình thích.
Gian
roulette có mướn mấy cô đầm thứ thiệt, đầm lai cũng có. Còn gian tài xỉu thì có
các cô xẩm Hồng Kông trẻ đẹp, mặc áo sường sám cổ cao, sát nách, bó sát ngực và
mông, hai bên hông xẻ cao để lộ cặp đùi thon dài, trắng nõn. Các cô này đứng
sau quầy số, tay cầm chiếc cào để vùa tiền và chung tiền cho khách chơi...
Dạo một
vòng, Bảy Viễn và Tư Thiên vô quán giải khát lộ thiên nghỉ chân. Hai cô gái tới
chào khách, đem thức uống tới và xin phép được ngồi cùng bàn để phục vụ.
Tư
Thiên nhã nhặn cảm ơn để hai cô lui ra:
-
Chúng tôi cần bàn chuyện riêng.
Bảy Viễn
vui vẻ nói:
- Mấy
năm mình vô khu, Ðô thành thay đổi nhiều quá. Các quán giải khát trang hoàng
xinh đẹp hơn, người phục vụ cũng hấp dẫn hơn. Ðặc biệt là các gian hàng tài xỉu.
Toàn xẩm Hồng Kông, xinh đẹp và thơm như múi mít.
Tư
Thiên cười:
- Có vậy
mới trút túi thiên hạ chớ Ðại tá.
Mấy
con xẩm và Ðại tá khen đó chính là những com chim mồi, cất tiếng hót dụ các cha
có máu đỏ đen vô bẫy đó Ðại tá.
Bảy Viễn
cười:
-
Khách tới gian hàng tài xỉu là dân có máu cờ bạc. Họ lo ăn thua chớ không khoái
"đá lông nheo" với mấy con chim mồi đó đâu.
Tư
Thiên bảo thủ:
- Ðành
rằng vậy, nhưng ở đây quá nhiều gian hàng nên phải dùng chim mồi để thu hút dân
chơi. Vừa thử thời vận vừa ngắm người đẹp, dù cớ thua cũng mát dạ.
Bảy Viễn
gật gù:
- Anh
Tư nói có lý: Còn chuyện "bắt bò lạc"?
Tư
Thiên cười thật tươi:
- Tôi
biết có nhiều "con bò lạc" đẹp dễ sợ. Ðó là mấy bà Thông, bà Phán trốn
chồng vô đây chơi tài xỉu. Khi thua hết tiền thì đứng xớ rớ đâu đó chờ gặp người
quen mượn tiền để gỡ gạc hoặc có tiền đi xích lô về nhà. Nếu không gặp người
quen thì túng quá, các bà làm liều, bắt bồ với mấy tay hảo ngọt...
Bảy Viễn
cười vểnh râu:
- Ðàn
ông bọn mình cha nào cũng hảo ngọt, phải vậy không thầy Tư?
Maurice
gật lia:
- Ðúng!
Chỉ có mấy thằng liệt dương mới hết hảo ngọt! Thôi mình đi đi Ðại tá. Mình đánh
cá chơi cho vui. Trong vòng mười lăm phút, ai bắt được "bò lạc" thì kể
như thắng cuộc. Người thua phải đãi người thắng một chầu tại vũ trường. Ðồng ý
chớ?
Bảy Viễn
vẫy tay:
- Mười
lăm phút sau, hẹn tại vũ trường đằng kia nghe.
Bảy Viễn
trở lại gian hàng tài xỉu với nụ cười thật tươi:
-
Trong đám say này chỉ có một mình ta là tỉnh. Thiên hạ đua nhau sát phạt, còn
mình đứng ngoài vòng cương tỏa. Mình chỉ đi tìm người đẹp đi lạc vô đám mê muội
này.
Bỗng Bảy
Viễn trở lại trang nghiêm, anh ta vừa trông thấy một gian nhân sắc nước hương
trời đang tiến về gian hàng tài xỉu gần đó. Chưa bao giờ anh ta thấy ai ăn mặc
đúng thời trang như thế. Người đẹp đã xấp xỉ bốn mươi nhưng vóc mình thon eo,
ngực nở, mông tròn. Nàng mặc áo dài màu khói nhang làm nổi hẳn lên màu đen mướt
của chiếc quần lãnh đen. Nàng tới gần, Bảy Viễn càng thú vị được chiêm ngưỡng
khuôn mặt trái xoan thanh tú, đôi mắt to, hàng mi dài, sống mũi cao, đôi môi mọng
hình quả tim.
Người
đẹp không biết có người đứng ngắm mình. Nàng tới trước quảy tài xỉu, móc bóp lấy
xấp tiền đặt vào một con số.
Bảy Viễn
như chợt tỉnh, chen vô và móc tiền đặt kế bên người đẹp, cười nói:
- Cho
phép tôi chia cái hên của bà!
Người
đẹp mải nhìn tên lắc bông vụ trong cái chén, không quan tâm tới người đứng kế
mình.
Ả xẩm
cất tiếng hót "Hốt a" báo hiệu hết giờ đặt tiền. Tên lắc bông vụ hạ
chén xuống. Ba con xúc xắc quay tít một lúc trước khi đứng yên. Kết quả được
công bố.
Ả xẩm
đưa chiếc cào ra kéo tiền thua vào hộc tủ rồi chung tiền những người thắng.
Thiếu
phụ lắc đầu thở ra, nhìn số tiền của mình bị cào vô hộc tủ của ả xẩm rồi lại
móc tiền ra đặt tiếp.
Bảy Viễn
cũng móc tiền đặt theo:
- Mình
nuôi con số này đi. Thế nào nó cũng "tái xuất giang hồ".
Thiếu
phụ nghe mấy tiếng "tái xuất giang hồ", lộ vẻ vui, nhưng kín đáo
không quay lại người đứng sau lưng mình. Lần này thì họ thắng.
Bảy Viễn
chủ động làm quen:
- Tôi
đề nghị ta đánh hết số tiền vừa thắng, cũng nuôi con số này. Theo tôi đó là con
số hên...
Lần
này thiếu phụ mới quay lại nhìn Bảy Viễn.
Nàng
chưa kịp nói gì, Bảy Viễn tấn công luôn:
- Ta
đánh ba ván là biết thời vận như thế nào. Nếu ván này thắng, tôi xin phép đãi
bà một tiệc sơ giao.
Thiếu
phụ ngạc nhiên:
-
Nhưng tôi chưa quen ông.
- Tôi
nghĩ rằng chung số phận trong ba ván vừa rồi là chúng ta quen nhau rồi đó. Ðể
xem ván thứ ba này có thuận với lời mong ước của tôi không.
Ả xẩm
hô to "Hốt a". Lần này hai người lại thắng.
Bảy Viễn
dùa tiền, trao hết cho người đẹp, hớn hở nói:
- Mời
bà qua vũ trường bên kia để ta đánh dấu ngày tao ngộ.
Chuyện
"bắt bò lạc" lại thành duyên nợ.
Thiếu
phụ đó tên Hà Thị Tám, làm kế toán hãng thuốc lá MIC. Bà Tám sau đó trở thành
người vợ sau cùng của Bảy Viễn.
Tổng
hành dinh Bình Xuyên
Sau
chuyến tham quan Ðại Thế Giới, Bảy Viễn quyết định đấu thầu tranh ăn với đám xì
thẩu Ma Cao mà đứng đầu là Lâm Giống. Cuộc tranh ăn diễn ra quyết liệt, nhưng về
sau Ma Cao tự thấy yếu thế trước lực lượng Bình Xuyên vì Pháp giao Bình Xuyên
giữ an ninh thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn tức là giao quyền sinh sát cho Bảy Viễn.
Lâm Giống
chẳng ăn thua gì so với Tư lệnh Bình Xuyên? Ðám vệ sĩ toàn võ sư Thiếu Lâm làm
sao đương cự nổi đội công an xung phong Bình Xuyên với lựu đạn và tiểu liên.
Lâm Giống
rút lui, Bảy Viễn trúng thầu khai thác Ðại Thế Giới. Thật là một cuộc đổi đời,
từ một kẻ "ăn đong" của nhà binh Pháp, hàng tháng lãnh tiền trợ cấp,
nay quân đội Bình Xuyên có nguồn thu nhập nữa triệu bạc mỗi ngày. Mạnh vì gạo,
bạo vì tiền, Bảy Viễn có quyền ngẩng cao đầu trước tướng De la Tour, Niềm vui của
Bảy Viễn giờ đây là vào xế chiều nhìn các nhân viên tài chính, kế toán chở bạc
về văn phòng. Có cả nữa tiểu đội thư ký đếm bạc, ghim thành xấp cho vào tủ sắt
Cứ mỗi tuần phải đi ngân hàng gửi tiền.
Ðám
nhân viên này toàn là nữ, trẻ đẹp.
Bảy Viễn
tự cho mình là người hạnh phúc nhất đời: vừa có thu nhập bạc tỉ, vừa được ngắm
các nàng tiên đếm tiền nhanh như máy.
Maurice
Thiên liền bàn với Bảy Viễn:
- Nay
ta có vốn rồi, nên xảy dựng tổng hành dinh cho nguy nga, lộng lẫy.
Bảy Viễn
gật:
- Tôi
đang có ý đó. Mình nên chọn chỗ nào cho đắc địa hả thầy Tư?
Tư
Thiên kéo Bảy Viễn tới bản đồ thành phố treo trên tường:
- Mình
là dân Bình Xuyên, là vùng nằm dọc con kênh Tẻ chạy cặp đường Trần Xuân Soạn và
Phạm Thế Hiển. Ta nên mua miếng đất này, nó nằm dưới dạ cầu Chữ Y. Khu này ít
dân cư, mình không phải bồi thường nhiều.
Bảy Viễn
ngắm nhìn vùng đất mà Tư Thiên khoanh tròn trên bản đồ, gật gù:
- Ðược!
Thầy Tư mướn kiến trúc sư thiết kế đi văn phòng phải vẽ kiểu cho xôm, mình làm
khác các doanh trại của Pháp.
Tư
Thiên suy nghĩ:
- Muốn
chơi trội thì Ðại tá nên giữ cái ao trên miếng đất này. Mình làm một cái hồ
nuôi cá sấu đúng như ở Rừng Sác.
Bảy Viễn
reo lên:
- Hay,
hay? Sáng kiến bằng vàng? Mình sẽ làm mấy thằng Tây choa mắt. Bình Xuyên là Rừng
Sác, mà Rừng Sác thì phải có sấu... Bây giờ Bình Xuyên lên bờ rồi, phải có cọp
beo cho xôm tụ. Bên hồ sấu, mình làm chuồng sắt nuôi beo.
Trong
lúc cao hứng, Bảy Viễn kéo Tư Thiên lên xe Jeep hối tài xế chạy tới miếng đất
được chọn.
Cả hai
xuống xe, đứng nhìn toàn cảnh, trao đổi:
- Mình
ưng ý miếng đất này. Nó là đất thuộc vùng Bình Xuyên mà nằm sát nách thành phố.
Nhưng có một chút thất lợi...
- Thất
lợi chỗ nào?
- Nó nằm
sát dạ cầu. Kẻ địch ở trên cầu chiếm thế thượng phong.
Tư
Thiên gật gù:
- Ðúng
là Ðại tá có con mắt nhà binh? Mình ở dưới thấp, địch có thể tấn công bằng lựu
đạn. Nhưng... mình sẽ lập bót gác trên cầu. Nếu tình hình lộn xộn, mình sẽ gắn
bảng "Khu quân sự" kiểm soát xe cộ qua lại. trên cầu. Dễ thôi, Ðại tá!
Bảy Viễn
cùng đi bách bộ với Tư Thiên vòng quanh miếng đất rồi dừng lại trước ao rau muống:
- Biến
chỗ này thành hồ cá sấu thì hết sẩy! Bình Xuyên là Rừng Sác, Rừng Sác là sấu.
Ha! ha!
Vài tháng
sau, dân cầu Chữ Y ngạc nhiên thấy tổng hành dinh Bình Xuyên xuất hiện trên miếng
đất gần như bỏ hoang. Cái ao rau muống hiền lành bỗng trở thành hồ sấu với hàng
cây tràm, đước và dưới gốc cây mấy con sấu to bằng chiếc xuồng ba lá ngóc mỏ.
Khu vực Yổng hành dinh được rào cẩn thận. Trên đầu cầu có một bót gác kiểm soát
xe cộ qua lại.
Ngày
khánh thành Tổng hành dinh quân đội Bình Xuyên, Bảy Viễn mời tướng De la Tour tới
dự và trong dịp lễ chơi trội, Bảy Viễn tuyên bố:
- Kể từ
nay, quân đội Bình Xuyên đã tự lực được rồi, không còn sống nhờ tiền trợ cấp của
nhà binh Pháp. Kể từ tháng này, chúng tôi không nhận lương nữa. Dù sao cũng cám
ơn Thiếu tướng đã hào phóng giúp đớ chúng tôi trong những ngày đầu
Trong
bữa tiệc nội bộ đêm đó, Bảy Viễn hân hoan tuyên bố:
- Từ
lâu mình rất hận về thái độ thằng Pháp coi Bình Xuyên mình chẳng ra gì. Mà trò
đời là như vậy: bàn tay xin luôn luôn đặt dưới bàn tay cho. Tây chơi gác kèo
trên mình là chuyện dễ hiểu. Cho đến nay, mình mới trả được mối hận lòng.
Thằng
De la Tour giật mình khi nghe Bảy Viễn không nhận tiền trợ cấp hàng tháng của
nhà binh Pháp nữa. Ðiều này bắt nó phải suy nghĩ, Với Bình Xuyên, không thể ném
tiền ra là tự do sai khiến.
Cũng
trong dịp này, Bảy Viễn hết lời ca ngợi Tư Thiên: nhờ sáng kiến tranh thầu với
bọn tài phiệt Ma Cao của Tư Thiên mà Bình Xuyên ăn nên làm ra. Bảy Viễn nghĩ
cách đền ơn Maurice Thiên cho xứng đáng. Sẽ đề nghị Trung tá Savani giao cho Tư
Thiên chức vụ cao như là Giám đốc công an - cảnh sát đô thành. Nhưng Tư Thiên
không được may mắn hưởng hồng ân của Bảy Viễn.
Ai giết
Tư Thiên?
Dân
sài Gòn - Chợ Lớn có cái thú sáng sôm ngồi uống cà phê trên vỉa hè. Nắng ban
mai vừa ấm vừa mát. Ngồi quán cà phê vỉa hè lại còn được nghe đủ tin tức thế giới
và trong nước.
Maurice
Thiên là một trong những người ghiền ngồi cà phê vỉa hè và quán quen thuộc của
sệp Tàu lai này nằm ngay ngã tư, trước cổng Ðại Thế Giới. Chủ quán ưu tiên cho
"ông Tư" bàn số 1.
Sáng sớm
là ông Tư tới, tay ôm vài tờ báo. ông Tư chỉ lướt qua hàng tít lớn chứ không đọc
nội dung chi tiết. Với bạn thân, ông Tư cười nói:
- Mình
ít thì giờ nên đọc báo chỉ đọc tít chớ không đọc tét (texte)".
Một
sáng sớm, Tư Thiên đang ngồi tại tiệm cà phê nói trên thì một chiếc Traction
màu đen chạy ngang qua, ôm sát cua.
Tư
Thiên tay bưng tách cà phê nhìn lên. Chiếc xe chạy tới tốc độ khá nhanh - vượt
tốc độ quy định trong thành phố là 40km/giờ. Ðúng lúc đó xe quẹo mặt, chỉ cách
bàn Tư Thiên ngồi ba bốn mét. Một người ngồi băng sau chĩa tiểu liên xả đạn vào
ngực Tư Thiên. Chiếc Traction tăng tốc độ vọt mạnh.
Tư
Thiên chết ngay tại chỗ.
Mọi
người la hoảng lên. Cảnh sát chạy tới làm biên bản. Xe cứu cấp đưa Tư Thiên vào
bệnh viện. Cái chết của Tư Thiên khiến dân Sài Gòn - Chợ Lớn bàn tán sôi nổi.
Ai giết Maurice Thiên? Nhiều người suy đoán nhưng nhà chức trách chưa nắm đủ
nhân chứng và vật chứng để kết luận ai là thủ phạm.
Tin
Maurice Thiên bị ám sát tới tai Ðại tá Bảy Viễn. Lập tức Bảy Viễn đến ngay gia
đình Tư Thiên. Thi thể nạn nhân đã được đưa từ bệnh viện về. Các bác sĩ không
làm gì được vì Tư Thiên chết ngay sau loạt tiểu liên của hung thủ. Cái khó là
Sài Gòn lúc đó có cả ngàn chiếc Traction do hãng xe Citroen sản xuất. Chính Tư
Thiên cũng có một chiếc Traction màu xanh.
Bảy Viễn
chia buồn với gia đình Tư Thiên:
- Anh
Tư là bạn lâu đời của tôi từ hai ba chục năm. Anh Tư còn là ân nhân của tôi và
cả quân đội Bình Xuyên nữa. Ngày nay chúng tôi ăn nên làm ra cũng nhờ anh Tư.
Tôi định đề nghị với người Pháp phong anh Tư làm Giám đốc Nha Cảnh sát đô
thành, nhưng chưa kịp thì anh Tư đã ra đi. Thật tôi vô cùng ân hận!
Có dư
luận cho rằng thủ phạm giết Tư Thiên là Tư Sang. Ðúng hay sai chưa biết, nhưng
trong dịp này, người ta đưa ra lai lịch của hai anh em họ Lai: Lai Văn Sang quê
Cao Lãnh, đi lính cho Pháp, đánh giặc bên Xiêm tháng 2. 1941, chức trung đội
trưởng, học nghề sửa radio, rồi học Trường Thể dục Thể thao Phan Thiết, sau đó
làm huấn luyện viên. Tham gia Thanh niên Tiền phong. Lúc xảy ra án mạng, Tư
Sang là phụ tá quân sự của Ðại tá Bảy Viễn, có tiểu liên Ten. Lai Hữu Tài quê
Cao Lãnh, có tú tài. Học Trường TDTT Phan Thiết. Nhân viên Nhà Hình chuyên sưu
tra tội phạm. Nhân viên mật thám Pháp.
Vì sao
Lai Văn Sang bị nghi đã giết Tư Thiên? Tư Thiên và em là Năm Tài theo phò Bảy
Viễn sau khi Nguyễn Hòa Hiệp rút Ðệ Tam sư đoàn bỏ chạy khỏi Cao Lãnh. Hầu hết
các đơn vị Ðệ Tam sư đoàn bị Chi đội 15 của anh Huỳnh Văn Một tước súng tại Ðức
Hòa, bộ tham mưu của Nguyễn Hòa Hiệp chạy về thành đầu Tây. Trong số này có hai
anh em họ Lai. Sang, Tài được Tư Thiên giới thiệu vô Chi đội 9 của Bảy Viễn. Khi
Bảy Viễn về thành, cả hai anh em họ Lai cũng theo về, tiếp tục phò tá Bảy Viễn.
Từ ngày về thành, Tư Sang ngắm nghé chức Giám đốc Nha Cảnh sát đô thành. Khi thấy
Bảy Viễn tính ban chức này cho Tư Thiên thì Tư Sang sợ mất chức nên ra tay khử
đối thủ nặng ký.
Phòng
Nhì quả quyết thủ phạm giết Tư Thiên là Bảy Viễn. Phòng Nhì đưa ra chi tiết sau
về cái chết của Tư Thiên: Khi Bảy Viễn được Tướng De la Tour, tư lệnh quân đội
Pháp kiêm chức ủy viên Cộng hòa Nam phần Việt Nam giao quyền kiểm soát khu Chợ
Lớn. Bảy Viễn trở thành nhân vật quan trọng trong giới Hoa thương triệu phú ở
Chợ Lớn. Nhiều người ủng hộ Bình Xuyên hàng triệu, hàng tỉ bạc để dễ làm ăn. Số
tiền này được giao cho Tư Thiên chuyển về Bảy Viễn. Tư Thiên tối mắt đã biển thủ
ba triệu. Không may mưu gian bị lộ. Cả năm bang trưởng người Hoa ở Chợ Lớn đều
tố Tư Thiên. Bảy Viễn lập ban điều tra giao cho Năm Tài và con ruột mình là thiếu
tá Lê Paul thẩm tra. Kết luận của ban thẩm tra là Tư Thiên có biển thủ ba triệu
đồng. Vậy là Bảy Viễn ra lệnh thủ tiêu Tư Thiên. Phòng Nhì còn dẫn lời của Bảy
Viễn khi ra lệnh khai tử một người mà ông ta nhiều lần gọi là ân nhân. Câu
nói đó
như sau: "Ngày xưa, khi kết bạn, ta có lời thề ai phản thì phải chết. Nay
mày phản tao, tao phải giết mày rồi mang hoa tới viếng mộ mày".
Do các
nguồn tin trái ngược nhau nên cái chết Maurice Thiên đến nay vẫn còn là một
nghi vấn.
Sau
cái chết của Tư Thiên, Tướng De la Tour lại giao cho Bình Xuyên một trọng trách
khác: giải tỏa đường 15 nối liền Sài Gòn với Vũng Tàu.
Con lộ
15
Ðầu
kháng chiến, dân quân hai tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa thi đua phá đường 15 nối liền
Sài Gòn Vũng Tàu dài 120 cây số để cắt đứt mạch giao thông của kẻ địch. Quãng
đường từ Long Thành tới Bà Rịa bị phá nặng nhất. Dân quân cuốc tróc lớp nhựa,
cào bỏ đá xanh rồi trồng tre lên. Sau vài mùa mưa, các bụi tre lên xanh kịt, đường
15 biến mất. Ðã vậy, dân quân còn đốn cây hai bên vệ đường cho ngã chụm vào
nhau ở những nơi không kịp trồng tre. Còn cầu sắt hay xi măng gì cũng phá hết.
Cầu sắt Cỏ May - chiếc cầu dài nhất trên tuyến đường Sài Gòn - Vũng Tàu cũng bị
phá sập nhịp giữa.
Ði khảo
sát con lộ 15, Bảy Viễn nói với tướng De la Tour:
- Cầu
cống mấy chục cái đều bị phá hoại, bộ đội Bình Xuyên đâu phải là công binh mà
tái thiết được?
De la
Tour nhún vai:
- Xây
cầu đã có công binh. Các ông chỉ giữ trật tự an ninh trong vùng cho công binh
làm việc. Giải tỏa tới đâu các ông xây lô cốt tới đó để giữ đường, không cho Việt
Minh ban đêm ra cuốc đường hay đào hố.
Bảy Viễn
giao cháu vợ là Thái Hoàng Minh là chỉ huy trưởng. Nghe tin này, Mười Lực và Bảy
Môn cười với nhau:
- Thằng
lính kiểng này mà làm được thì Mười Lực chịu đứt đầu.
Bảy
Môn thở ra:
- Thằng
Tây độc thiệt. Nó gây ra chuyện nồi da xáo thịt?
Ðúng
như Bảy Môn nhận định, lính Bình Xuyên giải tỏa đường 15, đi sâu vô vùng giải
phóng là bị bắn sẻ, đạp phải lựu đạn gài, thương vong ngày càng nhiều. Có toán
bị phục kích khi thọc sâu vào hậu phương.
Ðám
Bình Xuyên mới mộ của Bảy Viễn là dân "đá cá lăn dưa" các chợ, làm
sao rành địa hình địa vật trong vùng bằng du kích địa phương.
Số
thương vong càng tăng thì tinh thần càng xuống. Thái Hoàng Minh nhiều phen muốn
xin từ chức sợ thiên hạ chê cười, lại thêm một lý do nữa để giữ chân hắn lại: mỗi
cây số đường giải tỏa là một cúp rừng thuận lợi cho việc khai thác. Mấy năm giặc
giã, các tay khai thác rừng không hoạt động được, rừng lên xanh um gỗ tạp xen kẽ
gỗ quý.
Thái
Hoàng Minh kém về mặt quân sự nhưng lại giỏi về kinh tế. Nhờ khai thác lâm sản
mà họ Thái phát tài. Giải tỏa tới đâu, hắn cho lính đốn cây cưa củi mướn ghe chở
về thành bán. Suốt đường Trần Xuân Soạn chạy cặp con kênh Tẻ mọc lên nhiều vựa
củi. Cơ sở kinh tài của Bình Xuyên đem lại lợi nhuận khá lớn.
Chuyện
làm ăn này tới tai Phòng Nhì. Tướng De la Tour lại khiển trách Bảy Viễn:
- Tôi
giao con đường 15 cho các ông không phải để các ông đốn cây cưa củi làm giàu. Mục
đích của việc giải tỏa đường 15 vô cùng quan trọng. Khai thông con đường Sài
Gòn - Vũng Tàu là đem sinh khí cho thủ đô Nam phần Việt Nam.
Ðó là
con đường giải trí cuối tuần của công chức, của ngoại giao đoàn. Nó cũng như
con lộ số 4 đảm bảo cái bao tử cho cả triệu dân chúng Sài Gòn - Chợ Lớn.
Bảy Tiễn
bị Tây nẹt, quay lại "xạc" Thái Hoàng Minh:
- Chấm
dứt chuyện phá rừng lấy củi đi mày! Tao vừa bị thằng De la Tour nẹt.
Thái
Hoàng Minh mất ăn đâm bực. Chịu đấm ăn xôi, xôi lại hẩm, vậy thì tội gì ở đây
mà chịu chết. Trước tình thế như vậy, họ Thái nghĩ ra một kế: tự bắn vào cánh
tay mình rồi xin dượng rể cho qua Pháp điều trị.
Chuyện
bịp trẻ con đó làm sao qua mắt được cáo già nhưng Bảy Viễn nghĩ tình dượng cháu,
chấp nhận cho Thái Hoàng Minh qua Pháp điều trị và chỉ định con mình là thiếu
tá Lê Paul thay Thái Hoàng Minh.
Họ
Thái thở phào nhẹ nhõm: đã trút được gánh nặng lại còn được sang Pháp du hí bằng
tiền bán củi trước đây.
Phải mất
ba năm, đường 15 mới được giải tỏa.
De la
Tour mừng rỡ tổ chức trọng thể lễ giải tỏa lộ 15 và ngay buổi chiều hôm ấy Pháp
tổ chức một đoàn xe du lịch xuống Vũng Tàu nghỉ cuối tuần. Thành phố Vũng Tàu
lâu nay êm ả như một làng chài, nay bỗng tưng bửng nghênh đón đoàn du khách toàn
tai to mặt lớn Tây có, ta có và một số phú thương người Hoa lâu nay "kẹt
giò" trong thành phố Sài Gòn. Ði tắm biển cuối tuần là thú vui của đám tư
sản có chút ít văn hóa Pháp.
Không
có Tư Thiên làm cố vấn kinh tài thì đã có bà vợ biết làm ăn - đó là bà Lúa, con
gái "rượu" của ông Hội đồng Ðống.
- Du
khách tới Vũng Tàu rần rần, mình có sáng kiến này, ông nghe coi được không?
- Sáng
kiến gì?
- Mình
sang vài cái khách sạn ngoài đó, tân trang lại để đón khách.
Bảy Viễn
gật:
- Hay.
Ý hay. Còn gì nữa không?
- Còn
nữa. Mình nên mua xe đò, đưa khách Sài Gòn - Vũng Tàu. Ai đi xe của mình, khỏi
phải xuống ở bến xe rồi đi xích lô tới khách sạn.
Bảy Viễn
ôm đầu bà Lúa:
- Một
nhà kinh tài lỗi lạc sống kế bên mà lâu nay mình không biết. Hay, hay? Tôi giao
cho bà hai việc đó: mở khách sạn ở Vũng Tàu và lập hãng xe đò chở khách từ Sài
Gòn ra.
Một
tháng sau, du khách thấy trương bảng hiệu "Khách sạn Hòa Bình" giữa
trung tâm Vũng Tàu. Du khách Sài Gòn đi xe đò Nghĩa Hiệp được đầy đủ tiện nghi
hơn các hãng xe khác và được chở ngay tới khách sạn Hòa Bình.
Ném đá
giấu tay
Cặp
bài trùng Mười Lực và Bảy Môn nghe Bảy Viễn nhắn bèn cùng nhau trốn về thành. Ở
lại sợ "lão già râu kẽm" kiếm chuyện ám hại. Bảy Môn may mắn đi trót
lọt, còn Mười Lực thì bị Tây bắt, phải ngồi trong bót Phú Xuân chờ Bảy Viễn cho
người tới rước. Cả Mười Lực và Bảy Môn đều được Bảy Viễn tin tưởng giao công
tác. Bọn lính kiểng Thái Hoàng Minh sợ mất quyền lợi kiếm cách nói xấu hai người.
Năm
Tài cảnh giác, "sàm tấu" với ông Bảy:
- Coi
chừng hai anh đó do trong kia đưa về đây "nằm vùng" đó ngài Ðại tá.
Bảy Viễn
cười:
- Mầy
đừng nói bậy? Tố cáo phải trưng bằng chứng. Mầy làm sao biết hai anh này rành bằng
tao?
Năm
Tài bị Bảy Viễn "bụm miệng" tức lắm, bèn chạy qua Phòng Nhì gợi ý nên
"mượn" Mười Lực và Bảy Môn để khai thác tình hình trong khu.
Hôm
sau Phòng Nhì gửi công văn qua Bảy Viễn xin mượn hai cán bộ Việt Minh vừa bỏ
khu về với Ðại tá tư lệnh Bình Xuyên.
Bảy Viễn
tức lắm nhưng cũng phải chịu:
- Hai
anh cứ qua đó, ehlêu tôi sẽ cho xe tới rước về.
Sĩ
quan điều tra Phòng Nhì thẩm vấn riêng từng người một. Bảy Môn và Mười Lực lựa
lời mà khai báo những nơi đóng quân cũ, vì biết sau khi có người đào ngũ thì lập
tức cơ quan phải di chuyển nơi khác.
Tới
chiều, xe tới rước về đúng như Bảy Viễn hứa.
Vừa gặp
Bảy Viễn, Mười Lực cự nự ngay:
- Tụi
này về đây là tin tưởng anh đủ sức bao che, ai ngờ bị mấy thằng Tây đòi tới thẩm
vấn, hạch hỏi lung tung.
Bảy Viễn
cũng nổi nóng:
- Ð. mẹ,
đây là cú "ném đá giấu tay" của thằng Năm Tài. Chính nó bày đặt ra vụ
Phòng Nhì "mượn" hai anh. Mượn cái gì? Con người chớ phải đồ vật đâu
mà mượn?
Biết
Mười Lực buồn bực, đêm đó Bảy Viễn xách chai Martell tới:
- Mình
biết hai anh buồn bực về chuyện vừa rồi. Mình có buồn bực gấp mười hai anh vì
mình là Ðại tá tư lệnh Bình Xuyên mà không bảo lãnh cho hai anh được. Thật ra
thì thằng Tây làm đúng luật. Nhưng người trong khu ra thành, chúng có quyền điều
tra, đề phòng trong đó phái người về đây "nằm vùng". Mình tin hai
anh, nhưng Phòng Nhì với mật thám thì cha vợ nó, nó cũng không tin.
Mười Lực
cười lạt:
- Cha
ruột chúng nó còn không tin, nói gì cha vợ?
Nói tới
vợ, Bảy Viễn bỗng đổi sắc mặt. Ðăm chiêu một lúc, y hỏi:
-
Trong cuộc tảo thanh, mấy mẹ con thằng Hoảnh kẹt trong đó có bề gì không hả anh
Mười?
- Chị
Bảy và mấy đứa nhỏ vẫn bình yên vô sự. Chuyện anh làm, ai lại bắt vợ con anh chịu.
Lúc đầu,
chị Bảy tá túc với gia đình anh Năm Hà. Chừng Mười Trí cho người lên rước Ba
Rùm về miền Tây thì chị Bảy cũng xin về dưới đó sống với vợ chồng Mười Trí.
Bảy Viễn
gật đầu:
- Vậy
thì tôi yên tâm. Mười Trí có gửi tôi một bài thơ hủy bỏ chuyện thề nguyền trên
biển cả, nhưng tôi biết anh Mười là người bạn tốt vô cùng. Tuy không coi tôi là
đồng chí, anh Mười vẫn vui lòng đùm bọc vợ con tôi.
Trong
men rượu, Mười Lực vụt nói:
- Anh
Bảy nhiều bà quá. Có khi nào anh Bảy tính sổ coi được bao nhiêu bà và bao nhiêu
con không?
Bảy Viễn
cười nói:
- Ít
khi mình tính sổ như anh Mười nói. Nhân đây thử tính xem. Mình vốn là đa thê, tới
nay có tới năm bà chính thức, không kể "chơi qua đường". Bà thứ nhất
quê ở Cần Ðước, là mẹ hai đứa nhỏ, đứa lớn tên là Tính, đứa nhỏ tên Ðịnh. Bà
Hai ở An Phú là mẹ của thằng Lê Paul. Còn bà Ba là mẹ của thằng Hoảnh (tên Tây
là Vincent) với ba đứa em gái: bé Ba, bé Tư và bé Năm. Bà Tư là bà Lúa, con gái
Hội đồng Ðống mình cưới sau ngày cướp chính quyền. Bà Năm là bà lấy sau khi về
thành, gặp nhau trong gian hàng tài xỉu ở khu Ðại Thế Giới. Tính "bắt bò lạc",
ai dè thành duyên nợ.
Mười Lực
lắc dầu:
- Anh
Bảy thâm quá. Không sợ nằm chuồng heo sao?
Bảy Viễn
cười:
- Dân
mình thâm thúy thiệt? "Một vợ nằm giường lèo, hai vợ nằm chèo queo, ba vợ
nằm chuồng heo. " Mình tới năm bà, biết nằm đâu đây, hả anh Mười?
Không
đợi Mười Lực đáp, Bảy Viễn nói tiếp:
- Ngủ
chuồng heo là số phận dành cho mấy cha nghèo mà ham. Chớ còn mình thì đủ sức
mua cho mỗi bà một ngôi nhà khang trang. Hai bà ở Cần Ðước và An Phú đã có nhà ở
dưới quê. Má con thằng Hoảnh tá túc với gia đình Mười Trí. Còn hai bà sau thì
mình mua cho mỗi bà một cái vi la...
Mười Lực
trêu Bảy Viễn:
- Cũng
may là đời nay không còn vua chúa. Nếu anh Bảy làm vua thì không kém Minh Mạng
bao nhiêu đâu!
Bảy Viễn
cười ha hả:
- Cha
đó tới một trăm ấy chục bà xếp hạng từ chánh cung tới thứ phi. Mình có bài thuốc
rượu của Minh Mạng, bửa nào mình đãi anh Mười để xem coi có đúng không?
- Ðúng
cái gì?
- Ðúng
như lời loan truyền: "Nhất dạ ngũ giao sanh tứ tử" - một đêm ngủ năm
bà sanh bốn con trai.
Mười Lực
xô ghế đứng lên:
- Thôi
đi cha? Mình có một bà mà còn ngất ngư đây! Làm gì có tới năm bà để thử như ông
vậy!
Nhờ rượu
vào lời ra, nói chuyện tào lao mà Mười Lực tạm quên nỗi buồn của một người
kháng chiến bỏ trốn về thành.
Tại
sao sợ ông Năm?
Nghe Bảy
Viễn nói Năm Tài bày mưu cho Trung tá Savani "mượn" Mười Lực với Bảy
Môn về điều tra, Mười Lực sôi máu anh chị lên. Anh quyết trừng trị Năm Tài cho
nó biết "Mười Lực không phải dễ giởn mặt". Anh bàn với Bảy Môn.
Bảy
Môn vẫn chậm rãi:
- Thằng
Năm Tài xấc láo, nên cho nó một bài học. Nhưng mà khó đó nghe.
- Sao
khó? Nói coi?
- Trên
ông Bảy, dưới ông Năm. Không nghe binh sĩ nói hay sao?
- Ông
Năm kệ mẹ ông Năm. Mình là ông Mười, tại sao sợ ông Năm? Càng nói, Mười Lực
càng nóng.
Mười Lực
chưa kịp ra tay thì xảy ra một vụ khiêu khích khác mà Năm Tài đứng sau giật dây.
Ðối tượng
cũng là Mười Lực.
Câu chuyện
như sau:
Bảy Viễn
làm một tiệc mừng hai bạn Bảy Môn và Mười Lực về với Bình Xuyên. Tiệc chỉ mời từ
tiểu đội trưởng trở lên. Không biết ai sắp xếp chỗ ngồi mà Mười Lực lại ngồi đối
diện với Savani, hai bên chỉ cách một với tay.
Qua
vài tuần rượu, Savani giở giọng châm chọc hỏi Mười Lực:
- Giọng
Tây nói tiếng Việt lơ lớ nghe dễ ghét:
- Ông
Mười Lực về đây, tiệc tùng hoài hoài, Martell, Cognac uống thay nước lạnh, ông
có còn tính trở vô khu nữa không?
Mười Lực
tái mặt. Rõ ràng là thằng trùm Phòng Nhì này khiêu khích anh đây. Anh đứng bật
dậy, xô ghế ra xa, nhìn thẳng vô mặt Savani và nói như hét:
- Tôi
về thành vì những I. ý do riêng của tôi, nhưng dứt khoát không phải vì tiệc
tùng có Martell, Cognac như ông Trung tá nói. ông Trung tá nên bỏ tánh khinh
người đó đi! Mười Lực này là người Việt Nam, nhưng khi cần bảo vệ danh dự của
mình, Mười Lực cũng dám "harakiri" như người Nhật.
Vừa
nói, anh vạch nghe áo, chụp con dao trên bàn đưa lên.
Bảy
Môn ngồi kế bên vội chụp con dao lại.
Mọi
người trong bàn tiệc giật mình sửng sốt trước phản ứng dữ dội của Mười Lực.
Savani
cũng bất ngờ, vội phân bua:
- Tôi
chỉ nói đùa thôi, không ngờ ông Mười Lực chạm tự ái. Vậy tôi xin lỗi ông Mười.
Hắn
đưa cốc rượu lên cho Mười Lực chạm để làm lành, nhưng anh làm lơ.
- Ðùa
cái gì kỳ cục vậy? Nói trên đầu cha người ta rồi thôi sao?
Mười Lực
xô ghế bỏ ra.
Bảy
Môn chạy theo:
- Anh
Mười, nguội lại đi! Nên nhớ hai đứa mình là khách quý của tiệc vui này. Anh bỏ
đi là anh Bảy buồn lắm đó!
Trong
khi Bảy Môn níu kéo Mười Lực thì Năm Tài tới nói nhỏ gì đó với Bảy Viễn, nhưng
Bảy Viễn nạt:
- Mày
im đi! Tại thằng sếp của mày xấc láo nên Mười Lực mới nổi ôn lên. Mày về chỗ ngồi
di! Không có gì đâu!
Bảy Viễn
vỗ tay khi Bảy Môn kéo Mười Lực trở lại chỗ cũ. Tiệc lại tiếp tục nhưng mất vui.
Bảy Viễn
cho dàn nhạc tấu lên vài bản giật gân để xua không khí lạnh nhạt do cuộc đấu lý
gây ra.
Ðêm
đó, Mười Lực ở lại sau cùng để hỏi Bảy Viễn:
- Ai xếp
đặt chỗ ngồi vậy? Có phải thằng Tài không? Nó đã bày kế cho thằng Savani mượn
tôi với Bảy Môn để điều tra như mấy thằng đào ngũ, rồi còn tính mượn lưỡi thằng
Savam mắng mỏ tôi nữa. Có phải nó không anh Bảy?
Bảy Viễn
đưa Mười Lực ra hồ sấu tâm tình:
- Ðúng
là nó lo mọi thứ trong tiệc vui hôm nay. Mình không biết nó có ý đồ gì khi để
hai người ngồi đối diện nhau.
Nó nói
gì với anh khi tôi nẹt thằng sếp của nó? Có phải nó biểu anh rầy tôi không?
-
Thôi, bỏ quá đi anh Mười. Chấp nhất làm chi thằng đó.
Mười Lực
lắc đầu:
-
Không! Tôi không thể bỏ qua được đâu? Nó làm nhục tôi hai lần rồi. Tôi phải trị
nó mới được.
Sòng bạc
Kim Chung đêm nay đông khách đỏ đen. Lính Bình Xuyên vừa lãnh tiền là tới đây
thử thời vận.
Ðang
lúc buồn phiền, Mười Lực cũng tới đây chơi.
Bảy Viễn
nghe Năm Tài báo cáo về nạn cờ bạc trong quân đội Bình Xuyên, thấy trước các hậu
quả tai hại nên ra lệnh cấm. Ai bị bất tại trận sẽ bị kỷ luật. Chính Năm Tài
làm trưởng ban kỷ luật.
Một
đêm, Mười Lực đang chơi đề thì một binh sĩ chạy tới nói nhỏ:
- Ông
Năm tới, ông Mười ơi?
Mười Lực
ngó lên thấy Năm Tài đang xăm xăm đi tới. Anh mỉm cười nói với thằng lính:
- Ông
Năm kệ mẹ ông Năm. Tao là ông Mười, tại sao lại sợ ông Năm?
Và
nhanh như chớp, trong đầu anh lóe ra ý đồ "ăn miếng trả miếng" Năm
Tài. Anh làm như mải mê ăn thua, không quan tâm tới bất kỳ ai.
Năm
Tài tới kế bên, vỗ vai Mười Lực:
- Tôi
bắt được tại trận...
Ðúng
lúc đó, Mười Lực thúc mạnh cùi chỏ vào hông Năm Tài. Hắn kêu một tiếng "hự"
rồi cúi xuống ôm hông. Mười Lực đóng kịch thật tài:
- Trời
ơi, ông Năm? Tôi tưởng thằng lính nào hết tiền tới hỏi mượn... Ðang ăn thua
mà...
Năm
Tài ôm hông thật lâu, chừng bớt đau mới lủi thủi ra về. Từ đó hắn ta tránh xa
Mười Lực.
No comments:
Post a Comment