TỲ KHEO BODHICITTO
Trong 45 năm hoằng pháp
độ sinh, Đức Phật đã du hành khắp miền Bắc Ấn độ để giảng dạy con đường giải
thoát mà Ngài đã tìm ra. Rất nhiều người đã quy y với Ngài, trở thành các tu sĩ
nam và nữ hoặc các đệ tử cư sĩ. Trong một thời gian dài như thế và với rất
nhiều đệ tử có nhiều nguồn gốc khác nhau, Ngài đã để lại một kho tàng các lời giảng
quý báu với nhiều chủ đề, công dụng khác nhau. Tuy nhiên, cốt tủy của các lời
giảng đó lúc nào cũng giống nhau:
--"Nầy
chư Tỳ kheo, bây giờ cũng như trước đây, Như Lai chỉ dạy về Khổ và Con đường
Diệt khổ".
Đức
Phật
Danh
từ "Buddhism" là một danh từ phương Tây dùng để gọi tập hợp các lời
dạy của Đức Phật, để gọi một tôn giáo xây dựng trên nền tảng của các lời dạy
đó. Tuy nhiên, tại các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á, danh từ nguyên thủy thường
dùng là "Buddha-Sasana", có nghĩa là lời dạy của Đức
Phật, hay Phật Giáo.
"Buddha",
Phật-đà, không phải là tên riêng. Đó là một quả vị, có nghĩa là người Giác ngộ
(Giác giả), người Tỉnh thức, hoặc là người Biết như thật. Tên riêng của Đức
Phật là Sĩ-đạt-đa Cồ-đàm (Siddhattha Gotama). Tuy nhiên, ngày nay có rất ít người
dùng tên gọi nầy. Chúng ta thường gọi Ngài là Đức Phật, hoặc Đức Phật Cồ-đàm.
Đức
Phật sống vào khoảng 25 thế kỷ trước tại vùng Bắc Ấn độ. Ngài sinh ra là một vị
hoàng tử của vương quốc Thích-ca (Sakya) tại vùng chân núi Hy mã lạp sơn, ngày
nay thuộc nước Nepal. Ngài sống trong nhung lụa, có một thời niên thiếu cao
sang, kết hôn với công chúa Da-du-đà-la (Yasodhara), và có một người con trai
tên là La-hầu-la (Rahula).
Đời
sống nhung lụa đó không che được mắt của một người hiền triết và thông minh như
Ngài. Mặc dù vị vua cha đã gắng công tạo các thú vui giải trí để Ngài đắm say
vào các cảnh vui sướng trong hoàng cung, Ngài Sĩ-đạt-đa cũng bắt đầu nhận thức
được bề mặt đen tối của cuộc đời, nỗi khổ đau của đồng loại và tính chất vô
thường của mọi sự việc.
Một
lần nọ, khi Ngài đánh xe ngựa dạo chơi trên đường phố, Ngài thấy được bốn cảnh
vật làm thay đổi các tư duy của Ngài. Ngài thấy một cụ già run rẩy, một người
bệnh rên siết, và một tử thi sình thối. Ba cảnh nầy khiến Ngài suy nghĩ rất
nhiều và quyết tâm tìm một phương cách để giúp nhân loại và để tìm một ý nghĩa
chân thật của đời sống. Cảnh vật thứ tư là cảnh của một vị du tăng bình an tĩnh
lặng đã khiến cho Ngài có một niềm hy vọng là đó có thể là một con đường để tìm
ra Chân Lý, thoát khỏi hoạn khổ.
Vào
lúc 29 tuổi, thái tử Sĩ-đạt-đa rời hoàng cung, rời gia đình vợ con, gia nhập
đời sống của một đạo sĩ khất thực trong 6 năm, đi tìm con đường diệt khổ. Vào
đêm trăng rằm tháng Tư, khi ngồi thiền dưới cội cây Bồ đề ở Gaya, Ngài tìm được
lời giải đáp và giác ngộ. Lúc đó, Ngài được 35 tuổi. Đấng Giác Ngộ giờ đây được
gọi là Đức Phật. Ngài đi đến Sa-nặc (Sarnath) gần thành phố Ba-na-lại (Benares)
và thuyết giảng bài pháp đầu tiên - Chuyển Pháp Luân - tại khu vườn nai (Lộc
Uyển). Trong 45 năm tiếp theo, Ngài du hành từ nơi nầy sang nơi khác, giảng dạy
về con đường giác ngộ cho những ai hữu duyên và sẵn sàng tu học, và Ngài thành
lập một giáo đoàn các vị tỳ kheo (nam tu sĩ) và tỳ kheo ni (nữ tu sĩ) thường
được gọi là Tăng đoàn (Sangha).
Trong
suốt cuộc đời hoằng hóa, dù phải đối phó với nhiều trở ngại, Đức Phật lúc nào
cũng giữ một phong thái an nhiên tự tại, và ngay cả trong giờ phút lâm chung,
Ngài vẫn bình thản cho dù thân xác đã suy yếu. Ngay trong giờ phút cuối cùng
đó, Ngài vẫn tiếp tục giảng dạy và khuyên bảo các đệ tử để họ tiếp tục tu tập
theo giáo pháp của Ngài: --"Nầy các tỳ kheo, Như Lai khuyên quý vị rằng
mọi pháp hữu vi đều vô thường, quý vị hãy tinh tấn với chánh niệm". Đó là
những lời cuối cùng của đức Phật, và Ngài nhập diệt vào năm 80 tuổi, trong năm
543 trước Công Nguyên.
Mặc
dù giờ đây đã hơn 2 500 năm từ khi Đức Phật nhập Đại Niết bàn, lời dạy của
Ngài, hay là Phật Pháp (Dhamma), vẫn còn hữu ích cho chúng ta và Giáo Pháp đó
chính là vị Thầy của chúng ta. Tăng đoàn là cộng đồng những người quyết tâm học
hỏi, thực hành và truyền dạy Chánh Pháp, đã nhận ngọn đuốc từ vị Thầy khai sáng
và tiếp tục truyền giữ ngọn đuốc đó qua nhiều quốc độ và nhiều thế kỷ. Ba yếu
tố nầy -- Đức Phật, người khai sáng đạo; Pháp, lời dạy
của Ngài; và Tăng, cộng đồng các tu sĩ -- lập thành Tam Bảo mà
các Phật tử tôn kính, và cũng là Ba Nơi Nương Tựa (Tam Quy Y) để hướng dẫn
người con Phật trên Con đường đưa đến hạnh phúc và an lành tối hậu. Mỗi năm,
vào ngày rằm tháng Tư âm lịch (ngày Vesakha), hằng triệu tín đồ Phật giáo -- trong
truyền thống Nguyên thủy -- trên toàn thế giới cùng nhau cử hành đại lễ Tam
Hợp, kỷ niệm ngày sinh (Phật Đản), ngày Thành Đạo, và ngày Đại Niết Bàn của
người Cha Lành kính yêu.
Căn
bản đạo Phật
Các
ý tưởng chính yếu của đạo Phật được thu gồm trong Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu
Đế) và Con Đường Trung Dung (Trung Đạo) mà Đức Phật đã giảng trong bài pháp đầu
tiên tại vườn nai sau ngày thành đạo. Bốn sự thật đó là:
1. Sự thật về Khổ (Khổ đế): Đây là sự thật
về các vấn đề của đời sống, qua sinh, già, bệnh, và chết, và những ưu sầu, thất
vọng. Dĩ nhiên những điều nầy là bất toại ý và người ta luôn cố gắng tránh né,
không muốn dính vào chúng. Hơn thế, tất cả những việc gì trên đời, do các điều
kiện mà có, thường có mầm mống đau khổ vì chúng không thường tồn, chỉ tạm bợ,
xung khắc và giả tạo, không có một chủ thể lâu bền. Chúng tạo sầu khổ và thất
vọng cho những ai vì vô minh mà chấp chặt vào chúng. Những ai muốn tự do thoát
khỏi các khổ đau cần có một thái độ đúng đắn, một tri kiến và trí tuệ để nhìn
mọi sự vật trên đời. Cần phải học tập để nhận định sự vật đúng theo bản chất
của chúng. Các sự cố bất toại ý của đời sống cần phải được quán sát, nhận định
và thông hiểu.
2. Sự thật về Nguồn gốc của Khổ (Tập đế): Trong sự thật
nầy, Đức Phật quán xét và giải thích sự khởi sinh của hoạn khổ từ nhiều nguyên
nhân và điều kiện. Đây là sự thật sâu xa về luật Nhân-Quả và Duyên Nghiệp. Tất
cả các loại hoạn khổ trên đời đều bắt nguồn từ lòng tham thủ, và các tham muốn
ích kỷ đều bắt nguồn từ si mê, vô minh. Vì không biết rõ bản chất thật sự của
mọi đối tượng trên đời nên con người tham muốn chiếm đoạt và làm nô lệ chấp
chặt vào chúng. Vì các tham muốn đó không bao giờ được thỏa mãn và qua những
phản ứng không thích nghi, họ lại tạo ra sự buồn khổ và thất vọng cho chính họ.
Từ các tham thủ biểu hiện qua lời nói, cử chỉ hoặc trong tâm ý, họ tạo ra các
nghiệp hành gây đau khổ cho chính họ và cho người khác, và đau khổ đó ngày càng
chồng chất.
3. Sự thật về sự Diệt Khổ (Diệt đế): Đây là sự thật
về mục đích của người con Phật. Khi vô minh hoàn toàn được phá tan qua trí tuệ
chân thật và khi lòng tham thủ và ích kỷ bị hủy diệt và thay thế bằng thái độ
đúng đắn của từ bi và trí tuệ, Niết Bàn -- trạng thái của an bình tối hậu, hoàn
toàn giải thoát khỏi mọi khổ đau và lậu hoặc -- sẽ được thực chứng. Đối với
những ai vẫn còn đang tu tập, chưa đến giải thoát rốt ráo, họ sẽ thấy rằng khi
sự vô minh và tham thủ được giảm thiểu thì các phiền não cũng theo đó mà giảm
thiểu. Khi đời sống của họ được hướng về từ bi và trí tuệ, đời sống đó sẽ tạo
ra nhiều hạnh phúc và an lành cho chính họ và những người chung quanh.
4. Sự thật về Con đường đưa đến tận diệt Khổ đau (Đạo đế): Đây là sự thật
về con đường hành đạo của mọi Phật tử, là đường hướng sinh hoạt của người con
Phật, bao gồm các căn bản chính yếu của lời Phật dạy và đường lối thực hành để
tiến đến Niết Bạn, giải phóng khỏi mọi ràng buộc vào cuộc sống luân hồi trong
thế gian. Con đường nầy gọi là Con Đường Tám Chánh(Bát Chánh Đạo),
gồm có 8 yếu tố chân chánh và chia thành 3 nhóm (Tam vô lậu học, 3 nhóm học để
diệt trừ phiền não):
- Giới: Chánh
ngữ, Chánh nghhiệp, Chánh mạng
- Định: Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định
- Tuệ: Chánh kiến, Chánh tư duy
Theo
sự thật nầy, một đời sống tốt đẹp không phải chỉ do gắng công cải thiện các yếu
tố ngoại vi liên quan đến xã hội và thiên nhiên. Cần phải phối hợp với sự tu
tập và cải thiện bản thân như trình bày qua Bát Chánh Đạo, có liên quan đến
việc giữ gìn giới hạnh, huân tập tâm ý, và khai phát trí tuệ. Nói cách khác:
-
Không làm điều gì gây đau khổ cho mình và cho người khác;
- Nuôi dưỡng điều thiện tạo an vui cho cá nhân và cho mọi người; và
- Thanh lọc tâm ý, loại trừ những bợn nhơ của tham lam, sân hận, và si mê.
Con
đường Tám Chánh nầy gọi là Trung Đạo, vì đây là một đường lối thăng bằng, không
có những cực đoan của sự hành hạ xác thân hoặc nô lệ dục lạc. Đây là con đường
duy nhất để giác ngộ giải thoát. Đức Phật dạy rằng nơi nào các đệ tử của Ngài
luôn gắng công hành trì trên con đường nầy thì nơi đó sẽ không bao giờ thiếu
vắng các bậc thánh trí giác ngộ. Sự phân tích thành 8 yếu tố hoặc 3 nhóm tu học
là để cho dễ hiểu. Tuy nhiên, các yếu tố đó cần phải được hành trì đồng đều -
không thiếu sót một yếu tố nào - để bổ sung, hỗ trợ cho nhau, thì con đường đó
mới trọn vẹn và mang đến ích lợi, giải thoát thật sự.
Trên
đây là một thái độ sống của đạo Phật, một con đường rộng mở cho tất cả mọi
người, không phân biệt màu da, giới tính, giai cấp. Đức Phật tuyên bố rằng mọi
người đều bình đẳng, và chỉ được đánh giá qua hành động và phong cách của họ,
qua những gì họ suy nghĩ và thực hành, không phải qua màu da và quê quán. Mỗi
người lãnh chịu hậu quả về hành động của mình theo luật nhân quả. Mỗi người là
chủ của mình. Con đường tu học là con đường tự nỗ lực, không cần các điều cầu
xin thần linh hay mê tín dị đoan. Con người có khả năng cải thiện cho đời sống
của chính họ và đạt đến mục đích tối hậu qua các cố gắng tinh tấn của chính họ.
Ngay cả Đức Phật cũng không bao giờ tuyên bố Ngài là đấng cứu rỗi. Ngài chỉ là
người tìm ra Con đường giải thoát, và Ngài chỉ dạy cho chúng ta về con đường
đó. Ngài hướng dẫn và khuyến tấn chúng ta, nhưng chúng ta phải tự mình tiến
bước trên con đường đó. Khi ta tiến bước được trên những chặng đường thì ta có
thể khuyến khích và hướng dẫn những người bạn đồng hành của ta.
Cho
những ai đang đi trên con đường thanh lọc bản thân, Đức Phật dạy rằng tri thức
và trí tuệ là chìa khóa quan yếu. Trí tuệ chỉ có thể được khai phát qua hành
trì thiền quán. Hành giả cần phải quán soi thâm sâu vào nội tâm, để trạch vấn
và thông hiểu cho chính mình. Các nguyên tắc của đạo Phật là phải tự mình chứng
ngộ, chứ không phải những giáo điều để mù quáng tin theo.
Phương
pháp Đức Phật dạy qua Tứ Diệu Đế có thể xem như là những lời dạy của một vị y sĩ:
định bệnh (Khổ đế), xác định nguyên nhân của bệnh (Tập đế), mô tả trạng thái
khi lành bệnh (Diệt đế), và cách thức trị bệnh (Đạo đế).
Có
rất nhiều người ưa thích bàn luận, dò đoán, bình giải về các lời dạy của Đức
Phật, qua lăng kính triết lý, luận lý, tâm lý, tâm linh, v.v. Tuy nhiên, đó chỉ
là những kiến thức đầu tiên, phiến diện, qua sách vở và suy luận, thường gọi là
Văn huệ và Tư huệ. Thêm vào đó, đạo Phật cần phải được thực chứng để phát triển
trí tuệ thật sự, gọi là Tu huệ, chứ không phải chỉ để lý luận, tranh cãi suông.
Đạo Phật là những hướng dẫn để chúng ta thực hành, tu tập thanh lọc tâm ý, để
chúng ta thấy được lợi ích qua kinh nghiệm thực tế của chính bản thân trong đời
sống hằng ngày. Đức Phật đã từng dạy rằng:
--"Giáo
pháp của Như Lai được giảng rõ ràng, để thực chứng với kết quả hiện tiền, vượt
thời gian, mời mọi người đến xem, đưa đến giải thoát, được người trí thông
hiểu, tự mỗi người phải thực hiện cho chính mình".
Tỳ kheo Bodhicitto, "Introducing Buddhism"
Sau đó, Đức Thế Tôn bảo các vị tỳ kheo: "Nầy các tỳ
kheo, bởi vì không thông hiểu, không thấu đạt Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế)
mà ta cũng như quý vị từ lâu đã phải trải qua nhiều kiếp luân hồi trong vòng
sinh tử. Bốn sự thật ấy là gì?
Vì không thông hiểu Sự Thật về Khổ (Khổ Đế) mà
chúng ta luân hồi, không thông hiểu Sự Thật về Nguồn Gốc của Khổ (Tập Đế),
không thông hiểu về Sự Thật về Đoạn Diệt Khổ (Diệt Đế), không thông hiểu Sự
Thật về Con Đường Diệt Khổ (Đạo Đế), mà chúng ta đã phải luân hồi trong vòng
sinh tử. Bằng cách thông hiểu, bằng cách thấu đạt Sự Thật về Khổ, Sự Thật về
Nguồn Gốc của Khổ, Sự Thật về Đoạn Diệt Khổ, Sự Thật về Con Đường Diệt Khổ,
lòng tham thủ về sinh hữu được đoạn tận, sự hỗ trợ để sinh hữu được phá hủy, và
từ đó không còn phải tái sinh nữa."
-- Kinh Đại Niết Bàn (Trường Bộ, 16)
Đức Phật giảng về sự Giác Ngộ của Ngài:
"Tri kiến phát sinh, minh sát phát sinh,
tuệ giác phát sinh, hiểu biết phát sinh, minh kiến phát sinh trong ta, về những
điều mà từ trước ta chưa từng nghe đến:
-- Đây là Sự Thật Tuyệt Đối về Khổ ... Khổ nầy
phải được thông hiểu ... Khổ nầy vừa được thông hiểu.
-- Đây là Sự Thật Tuyệt Đối về Nguồn Gốc của
Khổ ... Nguồn Gốc nầy phải được đoạn tận ... Nguồn Gốc nầy vừa được đoạn tận.
-- Đây là Sự Thật Tuyệt Đối về Sự Diệt Khổ ...
Diệt Khổ nầy phải được trực nghiệm ... Diệt Khổ nầy vừa được trực nghiệm.
-- Đây là Sự Thật Tuyệt Đối về Con Đường Diệt
Khổ ... Con Đường nầy phải được thực chứng ... Con Đường nầy vừa được thực
chứng.
Nầy các vị tỳ kheo, khi nào mà sự hiểu biết và
nhận thức nầy của ta -- với ba vòng chuyển và mười hai kết hợp về bốn Sự Thật
Tuyệt Đối đó -- không tinh thuần, ta không thể khẳng định rằng ta là Bậc Chánh
Đẳng Chánh Giác, vượt hơn tất cả mọi loài trong vũ trụ, chư thiên, ma quỷ, phàm
phu, tu sĩ, vua chúa và thường dân. Tuy nhiên, ngay khi sự hiểu biết và nhận
thức nầy của ta -- với ba vòng chuyển và mười hai kết hợp về bốn Sự Thật Tuyệt
Đối đó -- hoàn toàn thật sự tinh thuần, ta đã khẳng định rằng ta là Bậc Chánh
Đẳng Chánh Giác, vượt hơn tất cả mọi loài trong vũ trụ, chư thiên, ma quỷ, phàm
phu, tu sĩ, vua chúa và thường dân. Tuệ giác và tri kiến phát khởi trong ta:
'Sự Giải Thoát đã xảy ra. Đây là kiếp sống cuối cùng. Không còn phải tái sinh
nữa.' "
-- Kinh Chuyển Pháp Luân (Tương Ưng, LVI-11)
TỨ DIỆU ĐẾ
CATTARI ARIYA SACCANI
1. Diệu Đế về Khổ - Dukkha Ariya Sacca
Định nghĩa:
"Nầy các vị tỳ kheo, đây là Diệu Đế về
Khổ: Sinh là khổ, già là khổ, chết là khổ; ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn
rầu, và tuyệt vọng là khổ; liên kết với những điều không ưa thích là khổ, cách
ly những điều ưa thích là khổ; không đạt được những gì mong muốn là khổ; tóm
lại, cả năm uẩn (*) để tham thủ là khổ"
-- Kinh Chuyển Pháp Luân (Tương Ưng, LVI-11)
(*) Năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
Sáu căn:
"Và thế nào là Diệu Đế về Khổ? Câu trả lời
phải là sáu căn đều khổ. Sáu căn đó là gì? Là căn của mắt (nhãn căn), căn của
tai (nhĩ căn), căn của mũi (tỷ căn), căn của lưỡi (thiệt căn), căn của thân
(thân căn), và căn của ý (ý căn). Đây là Sự Thật Cao Quý về Khổ."
-- Tương Ưng, LVI-14
Khổ như lửa cháy:
"Tất cả đều là lửa cháy. Cái gì là lửa
cháy?
-- Mắt là lửa cháy. Hình sắc là lửa cháy. Nhận
thức từ mắt là lửa cháy. Tiếp cận qua mắt là lửa cháy. Những gì sinh khởi tùy
thuộc vào sự tiếp cận qua mắt, cảm giác như là khoái lạc, đau đớn, hoặc không
lạc không đau, đều đang thiêu cháy. Thiêu cháy với gì? Thiêu cháy với ngọn lửa
tham, lửa sân, và lửa si. Ta nói với quý vị rằng tất cả đều đang thiêu cháy với
sinh, già, chết, ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn rầu, và tuyệt vọng.
-- Tai là lửa cháy. Âm thanh là lửa cháy. Nhận
thức từ tai là lửa cháy. Tiếp cận qua tai là lửa cháy. Những gì sinh khởi tùy
thuộc vào sự tiếp cận qua tai, cảm giác như là khoái lạc, đau đớn, hoặc không
lạc không đau, đều đang thiêu cháy. Thiêu cháy với gì? Thiêu cháy với ngọn lửa
tham, lửa sân, và lửa si. Ta nói với quý vị rằng tất cả đều đang thiêu cháy với
sinh, già, chết, ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn rầu, và tuyệt vọng.
-- Mũi là lửa cháy. Mùi hương là lửa cháy. Nhận
thức từ mũi là lửa cháy. Tiếp cận qua mũi là lửa cháy. Những gì sinh khởi tùy
thuộc vào sự tiếp cận qua mũi, cảm giác như là khoái lạc, đau đớn, hoặc không
lạc không đau, đều đang thiêu cháy. Thiêu cháy với gì? Thiêu cháy với ngọn lửa
tham, lửa sân, và lửa si. Ta nói với quý vị rằng tất cả đều đang thiêu cháy với
sinh, già, chết, ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn rầu, và tuyệt vọng.
-- Lưỡi là lửa cháy. Vị nếm là lửa cháy. Nhận
thức từ lưỡi là lửa cháy. Tiếp cận qua lưỡi là lửa cháy. Những gì sinh khởi tùy
thuộc vào sự tiếp cận qua lưỡi, cảm giác như là khoái lạc, đau đớn, hoặc không
lạc không đau, đều đang thiêu cháy. Thiêu cháy với gì? Thiêu cháy với ngọn lửa
tham, lửa sân, và lửa si. Ta nói với quý vị rằng tất cả đều đang thiêu cháy với
sinh, già, chết, ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn rầu, và tuyệt vọng.
-- Thân là lửa cháy. Vật xúc chạm là lửa cháy.
Nhận thức từ thân là lửa cháy. Tiếp cận qua thân là lửa cháy. Những gì sinh
khởi tùy thuộc vào sự tiếp cận qua thân, cảm giác như là khoái lạc, đau đớn,
hoặc không lạc không đau, đều đang thiêu cháy. Thiêu cháy với gì? Thiêu cháy
với ngọn lửa tham, lửa sân, và lửa si. Ta nói với quý vị rằng tất cả đều đang
thiêu cháy với sinh, già, chết, ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn rầu, và tuyệt
vọng.
-- Ý là lửa cháy. Tư tưởng là lửa cháy. Nhận
thức từ ý là lửa cháy. Tiếp cận qua ý là lửa cháy. Những gì sinh khởi tùy thuộc
vào sự tiếp cận qua ý, cảm giác như là khoái lạc, đau đớn, hoặc không lạc không
đau, đều đang thiêu cháy. Thiêu cháy với gì? Thiêu cháy với ngọn lửa tham, lửa
sân, và lửa si. Ta nói với quý vị rằng tất cả đều đang thiêu cháy với sinh,
già, chết, ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn rầu, và tuyệt vọng."
-- Tương Ưng, XXXV-28
2. Diệu Đế về Nguồn Gốc của Khổ - Dukkha
Samudaya Ariya Sacca
"Nầy các vị tỳ kheo, đây là Diệu Đế về
Nguồn Gốc của Khổ: lòng tham thủ làm cho sinh hữu -- kèm theo với ham muốn và
ưa thích, thêm vào chỗ nầy chỗ kia , nghĩa là tham thủ các dục lạc, tham thủ
thường sinh, tham thủ đoạn sinh."
-- Kinh Chuyển Pháp Luân (Tương Ưng, LVI-11)
Ai sống trong đời này,
Bị ái dục buộc ràng
Sầu khổ sẽ tăng trưởng,
Như cỏ Bi gặp mưa.
Ai sống trong đời này
Ái dục được hàng phục
Sầu rơi khỏi người ấy
Như giọt nước lá sen. (Pháp
Cú, 335-336)
Như cây bị chặt đốn,
Gốc chưa hại vẫn bền
Ái tùy miên chưa nhổ,
Khổ này vẫn sanh hoài. (Pháp
Cú, 338)
3. Diệu Đế về Sự Diệt Khổ - Dukkha Nirodha
Ariya Sacca
"Nầy các vị tỳ kheo, đây là Diệu Đế về
Diệt Khổ: sự tàn lụn và ngưng không còn tàn dư, sự xuất ly, sự từ bỏ, sự giải phóng,
và sự buông bỏ lòng tham thủ"
-- Tương Ưng, XLVI-11
Tháo gỡ các nguyên nhân về khổ:
"Ta bảo với các vị tỳ kheo, việc chấm dứt
các lậu hoặc không thể nào có được nơi những người không thấy và không biết.
Thấy gì và biết gì? 'Đây là sắc, đây là nhân của nó, đây là sự tan biến của nó.
Đây là cảm thọ, đây là nhân của nó, đây là sự tan biến của nó. Đây là tưởng,
đây là nhân của nó, đây là sự tan biến của nó. Đây là hành, đây là nhân của nó,
đây là sự tan biến của nó. Đây là thức, đây là nhân của nó, đây là sự tan biến
của nó.' Việc chấm dứt các lậu hoặc chỉ có thể xảy ra nơi những người thấy và
biết như thế.
Tuệ giác về sự đoạn diệt khi đoạn diệt hiện hữu
là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của
nó là gì? Đó là sự giải phóng.
-- Giải phóng là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do
duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Đó là sự lạnh nhạt.
-- Sự lạnh nhạt là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh.
Duyên sinh của nó là gì? Đó là sự chán chường.
-- Chán chường là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh.
Duyên sinh của nó là gì? Đó là tri kiến về bản chất của sự vật.
-- Tri kiến về bản chất của sự vật là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu
không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Đó là tâm định tĩnh.
-- Tâm định tĩnh là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh.
Duyên sinh của nó là gì? Đó là thư thái.
-- Thư thái là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh.
Duyên sinh của nó là gì? Đó là khinh an.
-- Khinh an là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh.
Duyên sinh của nó là gì? Đó là hỷ.
-- Hỷ là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh
của nó là gì? Đó là lạc.
-- Lạc là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên
sinh của nó là gì? Đó là tín tâm.
-- Khổ là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên
sinh. Duyên sinh của nó là gì? Đó là tái sinh.
-- Tái sinh là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh.
Duyên sinh của nó là gì? Đó là hữu.
-- Hữu là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên
sinh của nó là gì? Đó là thủ.
-- Thủ là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên
sinh của nó là gì? Đó là tham muốn.
-- Tham muốn là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh.
Duyên sinh của nó là gì? Đó là thọ.
-- Thọ là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên
sinh của nó là gì? Đó là tiếp xúc.
-- Tiếp xúc là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh.
Duyên sinh của nó là gì? Đó là sáu xứ (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).
-- Sáu xứ là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên
sinh của nó là gì? Đó là danh sắc.
-- Danh sắc là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh.
Duyên sinh của nó là gì? Đó là thức.
-- Thức là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên
sinh của nó là gì? Đó là nghiệp hành.
-- Nghiệp hành là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh.
Duyên sinh của nó là gì? Đó là vô minh.
Cũng như khi chư thiên làm mưa sấm, trút nước
vào vùng núi cao, nước nầy chảy xuống theo triền dốc, làm đầy các khe núi, hang
động. Khi các khe và hang động đầy tràn, nước sẽ chảy xuống các hồ nhỏ. Khi các
hồ nhỏ đầy tràn, nước sẽ chảy xuống các hồ lớn. Khi các hồ lớn đầy tràn, nước
sẽ chảy xuống các dòng suối. Khi các dòng suối đầy tràn, nước sẽ chảy xuống các
sông lớn. Khi các sông lớn đầy tràn, nước sẽ chảy ra đại dương. Cùng thế ấy:
Hành có vô minh là duyên,
Thức có hành là duyên
Danh sắc có thức là duyên
Sáu xứ có danh sắc là duyên,
Tiếp xúc có sáu xứ là duyên,
Thọ có tiếp xúc là duyên,
Tham muốn có thọ là duyên,
Chấp thủ có tham muốn là duyên,
Hữu có chấp thủ là duyên,
Sinh có hữu là duyên,
Hoạn khổ có sinh là duyên,
Tín tâm có hoạn khổ là duyên,
Lạc có tín tâm là duyên,
Hỷ có lạc là duyên,
Khinh an có hỷ là duyên,
Thư thái có khinh an là duyên,
Tâm định tĩnh có thư thái là duyên,
Tri kiến về bản chất của sự vật có tâm định tĩnh là duyên,
Chán chường có tri kiến về bản chất của sự vật là duyên,
Lạnh nhạt có chán chường là duyên,
Giải phóng có lạnh nhạt là duyên,
Tuệ giải thoát có giải phóng là duyên."
-- Tương Ưng, XII-23
Lý Duyên Sinh:
"Phương cách cao quý nào cần phải được
nhận thấy đúng đắn và phân biệt rõ ràng bằng trí tuệ? Đây là lúc một người đệ
tử cao sang quán xét được rằng:
Khi cái nầy hiện hữu thì cái kia hiện hữu
Từ việc khởi sinh cái nầy thì có khởi sinh cái kia.
Khi cái nầy không hiện hữu thì cái kia không hiện hữu,
Từ việc đoạn diệt cái nầy thì có đoạn diệt cái kia."
Nói cách khác:
"Vô minh là duyên của hành,
Hành là duyên của thức,
Thức là duyên của danh sắc,
Danh sắc là duyên của sáu xứ,
Sáu xứ là duyên của tiếp xúc,
Tiếp xúc là duyên của thọ,
Thọ là duyên của tham,
Tham là duyên của chấp thủ,
Chấp thủ là duyên của hữu,
Hữu là duyên của sinh,
Sinh là duyên của già, chết, ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn rầu, và tuyệt
vọng
Đó là nguồn gốc rốt ráo của hoạn khổ.
Giờ đây, chấm dứt và đoạn diệt vô minh, đưa đến đoạn diệt hành.
Đoạn diệt hành đưa đến đoạn diệt thức,
Đoạn diệt thức đưa đến đoạn diệt danh sắc,
Đoạn diệt danh sắc đưa đến đoạn sáu xứ,
Đoạn diệt sáu xứ đưa đến đoạn diệt tiếp xúc,
Đoạn diệt tiếp xúc đưa đến đoạn diệt cảm thọ,
Đoạn diệt cảm thọ đưa đến đoạn diệt tham muốn,
Đoạn diệt tham muốn đưa đến đoạn diệt chấp thủ,
Đoạn diệt chấp thủ đưa đến đoạn diệt hữu,
Đoạn diệt hữu đưa đến đoạn diệt sinh
Đoạn diệt sinh đưa đến đoạn diệt già, chết, ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn
rầu, và tuyệt vọng.
Đó là sự chấm dứt rốt ráo các hoạn khổ.
Đây là phương cách cao quý cần phải được nhận
thấy đúng đắn và phân biệt rõ ràng bằng trí tuệ"
-- Tăng Chi, X-92
4. Diệu Đế về Con Đường Diệt Khổ - Dukkha
Nirodha Gamini Patipada Ariya Sacca
Bát Chánh Đạo:
"Nầy các vị tỳ kheo, đây là Diệu Đế về Con
Đường Diệt Khổ, đó chính là Con Đường Tám Chánh (Bát Chánh Đạo): Chánh Kiến,
Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm,
Chánh Định."
-- Kinh Chuyển Pháp Luân (Tương Ưng, LVI-11)
Bát Chánh Đạo là Pháp
Thừa (Dhammayana):
"Này Ananda, Con Đường Tám Chánh nầy là
đồng nghĩa với cỗ xe tối thượng, là cỗ xe Pháp, là sự chiến thắng vô thượng
trong mọi chiến trận nhiếp phục tham, sân, si."
-- Tương Ưng, V-4
Định nghĩa về tám chi
phần:
"Này các vị tỳ kheo, thế nào là chánh tri kiến?
Đó là sự thông hiểu về khổ, sự thông hiểu về nguyên nhân của khổ, sự thông hiểu
về sự diệt khổ, và sự thông hiểu về con đường diệt khổ.
Thế nào là chánh
tư duy? Đó là tư duy về sự xuất ly, tư duy về vô sân, tư duy về vô
hại.
Thế nào là chánh
ngữ? Đó là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc
ác, từ bỏ nói lời phù phiếm.
Thế nào chánh
nghiệp? Đó là từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ hành
động tà dâm.
Thế nào là chánh
mạng? Đó là đoạn trừ tà mạng, nuôi sống với chánh mạng.
Thế nào là chánh
tinh tấn? Đó là tinh tấn ngăn chận không cho khởi sanh các bất
thiện pháp chưa sanh, tinh tấn trừ diệt các bất thiện pháp đã sanh, tinh tấn
phát khởi các thiện pháp chưa sanh, và tinh tấn duy trì các thiện pháp đã sanh.
Thế nào là chánh
niệm? Đó là sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, điều
phục mọi tham ưu trên đời; sống quán thọ trên thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, điều
phục mọi tham ưu trên đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, điều
phục mọi tham ưu trên đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác,
điều phục mọi tham ưu trên đời.
Thế nào là chánh
định? Đó là ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền-na thứ
nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ; rồi làm cho tịnh chỉ
tầm và tứ, chứng và trú vào Thiền-na thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định
sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm; rồi ly hỷ trú xả, chánh niệm,
tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng
và trú vào Thiền-na thứ ba; rồi xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước,
chứng và trú vào Thiền-na thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh
tịnh."
-- Tương Ưng, V-8
Tìm lại Con Đường Cũ Xa
Xưa:
"Có một người đang đi theo một con đường
mòn trong rừng. Đột nhiên người ấy tìm ra được một con đường cũ xa xưa mà các
vị tiền nhân thường dùng. Người ấy liền đi theo con đường ấy. Sau đó, người ấy
tìm lại được thành phố cổ xưa mà ngày trước đã có nhiều người trú ngụ, với các
công viên, vườn cây, hồ ao, đền đài tráng lệ. Người ấy trở về, báo cáo với vua
và các quan đại thần: 'Thưa bệ hạ, khi thần dân đi theo con đường mòn trong
rừng, thần dân đã tìm lại được một con đường cũ xa xưa. Thần dân liền đi theo con
đường ấy. Sau đó, thần dân tìm lại được thành phố cổ xưa mà ngày trước đã có
nhiều người trú ngụ, với các công viên, vườn cây, hồ ao, đền đài tráng lệ. Kính
xin bệ hạ hãy trùng tu lại thành phố ấy.' Sau đó, nhà vua và các quan đại thần
quyết định trùng tu thành phố cổ đó, và về sau, thành phố nầy trở nên phồn
thịnh, đông dân cư, phát triển lớn mạnh và giàu có.
Cùng thế ấy, ta đã tìm lại con đường cũ xa xưa,
một con đường mà các Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác đều đi qua trong các thời kỳ
trước. Con đường cũ xa xưa đó là gì? Đó là Con
Đường Tám Chánh: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp,
Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Ta đã đi theo con đường ấy.
Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về
già và chết, tri kiến về nguyên nhân của già và chết, tri kiến về đoạn diệt già
và chết, tri kiến về con đường đoạn diệt già và chết.
Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về
sinh, tri kiến về nguyên nhân của sinh, tri kiến về đoạn diệt sinh, tri kiến về
con đường đoạn diệt sinh.
Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về
hữu, tri kiến về nguyên nhân của hữu, tri kiến về đoạn diệt hữu, tri kiến về
con đường đoạn diệt hữu.
Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về
chấp thủ, tri kiến về nguyên nhân của chấp thủ, tri kiến về đoạn diệt chấp thủ,
tri kiến về con đường đoạn diệt chấp thủ.
Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về
tham muốn, tri kiến về nguyên nhân của tham muốn, tri kiến về đoạn diệt tham
muốn, tri kiến về con đường đoạn diệt tham muốn.
Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về
thọ, tri kiến về nguyên nhân của thọ, tri kiến về đoạn diệt thọ, tri kiến về
con đường đoạn diệt thọ.
Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về
tiếp xúc, tri kiến về nguyên nhân của tiếp xúc, tri kiến về đoạn diệt tiếp xúc,
tri kiến về con đường đoạn diệt tiếp xúc.
Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về
sáu xứ, tri kiến về nguyên nhân của sáu xứ, tri kiến về đoạn diệt sáu xứ, tri
kiến về con đường đoạn diệt sáu xứ.
Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về
danh sắc, tri kiến về nguyên nhân của danh sắc, tri kiến về đoạn diệt danh sắc,
tri kiến về con đường đoạn diệt danh sắc.
Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về
thức, tri kiến về nguyên nhân của thức, tri kiến về đoạn diệt thức, tri kiến về
con đường đoạn diệt thức.
Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về
nghiệp hành, tri kiến về nguyên nhân của nghiệp hành, tri kiến về đoạn diệt
nghiệp hành, tri kiến về con đường đoạn diệt nghiệp hành.
Tri kiến được như thế, ta đã truyền dạy lại cho
các nam và nữ tu sĩ, nam và nữ cư sĩ, để đời sống thánh thiện nầy được trở nên
hùng mạnh, huy hoàng, quảng bá sâu rộng cho chư thiên và loài người".
-- Tương Ưng, XII-65
Con đường giải thoát:
Nầy Subhada, nếu giáo pháp nào mà không hàm
chứa Bát Chánh Đạo thì giáo pháp đó không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ
nhất (Dự lưu, Tu đà hoàn), không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ hai
(Nhất lai, Tư đà hàm), không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ ba (Bất lai,
A na hàm), không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ tư (Vô sanh, A la hán).
Nầy Subhada, nếu giáo pháp nào có hàm chứa Bát
Chánh Đạo thì giáo pháp đó sẽ đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ nhất (Dự
lưu, Tu đà hoàn), sẽ đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ hai (Nhất lai, Tư đà
hàm), sẽ đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ ba (Bất lai, A na hàm), sẽ đào
tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ tư (Vô sanh, A la hán).
Nầy Subhada, giáo pháp của Ta có hàm chứa Bát
Chánh Đạo nên giáo pháp đó đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ nhất (Dự lưu,
Tu đà hoàn), đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ hai (Nhất lai, Tư đà hàm),
đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ ba (Bất lai, A na hàm), đào tạo các vị sa
môn đạt đạo quả thứ tư (Vô sanh, A la hán). Các hệ giáo pháp khác đều không đào
tạo các vị sa môn đạt đạo quả thánh, đắc tuệ giải thoát. Nầy Subhada, khi nào
các vị sa môn tu tập và truyền giảng Chánh Pháp một cách đúng đắn thì thế giới
nầy sẽ không bao giờ trống vắng các bậc A la hán giải thoát.
-- Kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường Bộ Kinh, 16:214
(Bình Anson trích dịch,
Perth, Western Australia, tháng 11-1998)
No comments:
Post a Comment