Bàn về chuyến Mỹ du của Trương Tấn Sang
Chuyện Chủ Tịch nước Việt Nam Cộng Sản đến Hoa Kỳ gây sôi nổi
trong cộng đồng người Việt mấy ngày qua. Nhưng hoá ra đối với Mỹ, chẳng có chút
gì đáng lưu tâm. Báo chí, truyền thanh, truyền hình Mỹ không thấy đưa tin, phát
hình, coi như còn thua kém những tin hiếp dâm, giết người, đụng xe…
Hình ảnh đầu tiên của Trương Tấn Sang trên đất Mỹ là lúc bước
xuống phi cơ, chỉ được ông Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear cùng vài viên
chức nhỏ ra đón (ảnh bên). Thông thường, theo thủ tục ngoại giao, mỗi khi một
nhân vật lãnh đạo của quốc gia đến viếng, thì phải được vị lãnh đạo ngang cấp
đón tại phi trường. Đối với nguyên thủ quốc gia, còn phải đuợc chào đón bằng 21
phát đại bác, có một toán quân danh dự dàn chào. Nguyên thủ nước chủ nhà phải
đón tận phi trường để cùng nhau bước lên bục chào quốc kỳ hai nước. Sau đó là
thăm viếng chính thức, có dạ tiệc khoản đãi với sự tham dự của các giới chức
cao cấp ba ngành Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp, và các đại sứ các nước…
Chợt nhớ lại những hình ảnh và đoạn phim thời sự chuyến viếng
thăm Hoa Kỳ của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm mà hãnh diện cho một nước Việt Nam
Cộng Hoà son trẻ ngày ấy. Dù là nguyên thủ một nước nhỏ, chưa mấy tiếng tăm
trên thế giới, nhưng cố Tổng Thống Diệm đã được chính cố Tổng Thống Eisenhower
đón tận chân cầu thang với đầy đủ lễ nghi (xem ảnh). Trên đuờng về toà Bạch Ốc,
dân chúng thủ đô đã dứng chen nhau từ trên các đại lộ, trên các ban công các
cao ốc tung hoa, vẫy cờ khi chiếc xe Cadillac mui trần chở hai vị Tổng Thống đi
qua. Tổng Thống Diệm đã được vinh dự đọc diễn văn tại Quốc Hội Lưỡng Viện Hoa
Kỳ, Những vinh dự này trên, TT Diệm cũng nhận được khi công du nước Úc, Ấn Độ
và nhiều quốc gia khác.
Lúc xem đoạn phim đoàn xe chở phái đoàn Trương Tấn Sang chạy đến
Toà Bạch Ốc, không có rừng người tung hoa chào đón, mà chỉ thấy hàng ngàn người
Việt tị nạn từ khắp các nơi đổ về, trương các biểu ngữ phản đối và những lời la
hét đả đảo. Đoàn xe không chạy vào tận thềm toà Bạch Ốc, mà phải dừng bên ngoài
cổng cho cả lũ lếch thếch lội bộ vào. Phải chăng đây là thâm ý của Mỹ muốn cho
Trương Tấn Sang và cả bọn được nghe những lời thoá mạ của những người Việt Nam
“khúc ruột ngàn dặm”?
Chỉ một thời gian không lâu trước đó, Trương Tấn Sang đã sang
bái phục thiên triều Trung Hoa đỏ. Hình ảnh Sang cúi gập người khi chào cờ vẫn
còn rõ nét cho thấy thái độ khúm núm quỵ lụy của một chư hầu trước thiên tử. Đó
là cái nhục do Sang tự chọn và biểu hiện. Còn cái nhục bị coi thường trong
chuyến Mỹ du là do chính chủ nhà tạo ra, và Sang phải ngậm bồ hòn làm ngọt.
Đó là nói về hình thức. Còn nội dung chuyến đi, Trương Tấn Sang
mong ước những gì, và đã đạt được gì?
Trong các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam ngày nay, người gốc Nam Kỳ
đã có khuynh hướng vượt lên. Trong thập niên qua, hai Chủ tịch nhà nước, Thủ
tướng Chính phủ đều là dân Nam Kỳ. Tuy Chủ tịch nhà nước chỉ là vai trò thứ yếu
không quyền bính trong các nước Cộng Sản, nhưng đặc biệt, Sang còn là người cao
cấp thứ hai trong Bộ Chính Trị Đảng CSVN và kiêm nhiệm chức Chủ Tịch Hội Đồng
Quốc Phòng và An Ninh. Vì thế, phải coi Sang như một lãnh tụ có thực quyền,
khác với trường hợp các chủ tịch Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Thọ.
Sự xâm lăng ngày càng trắng trợn của Trung Cộng được sự tán trợ
của cả một đảng Cộng Sản Việt Nam sẵn sàng bán nước cầu vinh. Nhất là gần đây
các nhà nghiên cứu đã trưng ra bằng cớ bè lũ Hồ Chí Minh và bọn cầm quyền kế
tục đã ký những văn kiện chấp nhận cho Việt Nam trở thành một tỉnh hay khu tự
trị của Trung Hoa. Chúng ta vẫn cố tin rằng còn có những người Việt Nam có lòng
yêu nước trong và ngoài đảng. Ngoài đảng thì đã có phong trào quần chúng rầm rộ
từ mấy năm qua. Trong đảng thì lẻ tẻ cũng có người yêu nước nhưng còn e sợ chi
sinh mạng chính trị bản thân mà không dám lên tiếng. Trường hợp Sang có vẻ khả
quan. Trong những lần tiếp xúc với dân chúng, Trương tấn Sang đã có nhiều lời
phát biểu tương đối cứng rắn khi bị hỏi về sự bức hiếp của Trung Cộng, đặc biệt
những vụ lính Tàu bắn giết ngư dân trên biển Đông.
Ngày 26/7, khi đến thăm Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc
Tế Hoa Kỳ (CSIS) ở Washington, Sang đã mạnh miệng tuyên bố: “Chúng tôi không
thấy có nền tảng pháp lý hay cơ sở khoa học nào cho tuyên bố chủ
quyền của Trung Quốc và do vậy chính sách nhất quán của Việt Nam là
phản đối kế hoạch đường 9 đoạn của Trung Quốc … (bỏ một đoạn) Lập
trường Việt Nam trước sau như một là không ủng hộ “đường lưỡi bò”, phản đối
“đường lưỡi bò”. Bởi “đường lưỡi bò” được xác lập không có cơ sở, không có căn
cứ của bất cứ loại luật pháp quốc tế nào”.
Do đó, chúng ta tạm xem chuyến đi Mỹ lần này của Sang như một
thăm dó, tìm kiếm sự yểm trợ của Hoa Kỳ để sau đó sẽ có sự lựa chọn dứt khoát
giữa hai thế lực cường quốc Hoa, Mỹ.
Ngày thứ Tư 24/7/2013, trong buổi tiệc do Ngoại Trưởng Mỹ John
Kerry khoản đãi, Sang đã khoe thành tích của CSVN về những vấn đề nhân quyền.
Sang nói các nhà lãnh đạo tôn giáo VN (quốc doanh!) trong phái đoàn của ông đã
mở các cuộc “thảo luận thẳng thắn và cởi mở” với các giới chức Hoa Kỳ để giúp
họ có “sự hiểu biết hơn về tình hình thực sự” ở Việt Nam.
Ông cũng nói Hà Nội đã thực hiện các “nỗ lực liên tục để bảo vệ
và thăng tiến nhân quyền,” để người Việt Nam có thể hưởng lợi ích từ điều ông
gọi là “những kết quả tốt đẹp nhất” của tiến trình cải cách Việt Nam.
Tất cả những điều trên đều là láo khoét, vì thực tế đã chứng
minh trái ngược. Trước và trong khi Sang đặt chân lên đất Mỹ, nhiều nhà lập
pháp Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền đã họp báo tố cáo Cộng Sản Việt Nam đã
gia tăng đàn áp ngững người bất đồng chính kiến, các nhà tôn giáo trong những
năm gần đây, và đồng thời không ngăn chặn việc cưỡng bức người lao động.
Trong khi các nhà lập pháp Hoa Kỳ, các tổ chức Quốc Tế đã lên
tiếng xác nhận rằng tình hình nhân quyền tại VN càng ngày càng tồi tệ và cảnh
báo Tổng Thống Obama phải đặt vấn đề cải thiện nhiều hơn nhân quyền và quyền
của người lao độngnhân quyền là tiên quyết trước khi ban thưởng cho CSVN những
điều họ cầu xin
Những lời kêu gọi này – cùng với thông điệp của hàng ngàn người
Mỹ gốc Việt đang biểu tình rầm rộ trước Toà Bạch Ốc - đã được Tổng Thống Obama
quan tâm. Nhưng sự quan tâm chưa đúng mức mà chúng ta mong đợi, mà chỉ là những
thảo luận chung chung như trong phát biểu của TT Obama: “Chúng tôi cũng bàn về
những thách thức mà chúng ta phải đối diện khi nói đến nhân quyền, và chúng tôi
cũng nhấn mạnh mức độ nào Hoa Kỳ tiếp tục tin tưởng tất cả chúng ta phải tôn
trọng các quyền tự do phát biểu, tín ngưỡng, hội họp”. (Trích: “ We discussed
the challenges that all of us face when it comes to issues of human rights, and
we emphasized how the United States continues to believe that all of us have to
respect issues like freedom of expression, freedom of religion, freedom of
assembly.”) Cũng không nghe Obama nhắc đến số phận của những người tù Lương Tâm
mà chính các dân biểu Hoa Kỳ đã nêu lên trong ngày hôm trước tại tiền đình Quốc
Hội Hoa Kỳ và được nhắc lại trên các bích chương của đoàn người biểu tình ngoài
sân Toà Bạch Ốc.
Sang cũng mạnh miệng cám ơn và mong muốn rằng Hoa Kỳ yểm trợ cho
lập trường của Việt Nam (đúng hơn là của Sang) và lập trường của các nước ASEAN
về Biển Đông trong việc giải quyết ôn hoà dựa trên công pháp quốc tế. Quan điểm
lập trường trên chắc không phải của bộ sậu đảng viên nòng cốt từ hang chục năm
nay đã ký nhiều văn kiện nhượng lãnh thổ, lãnh hải cho Trung Cộng và cho phép
dân Tàu ồ ạt tràn qua chiếm lĩnh những vị trí chiến lược trên toàn cõi Việt
Nam.
Khi tiếp xúc với Tổng Thống Obama, Sang đã đưa ra lá thư của Hồ
Chí Minh gửi Tổng Thống Harry Truman như một bằng chứng là Việt Cộng đã từng
muốn có quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ. Điều này gợi nhớ lại tại Hội Luận về Việt
Nam ở Lubbock năm 2008, Cố Vấn bộ Ngoại Giao Việt Cộng Lưu Văn Lợi cũng đã lên
giọng phiền trách phía Hoa Kỳ đã để lỡ cơ hội khi Hồ Chí Minh xin giúp đỡ trong
chiến tranh chống Pháp, để sau đó đưa tới cuộc chiến Việt Nam kéo dài hơn 20
năm. Họ quên rằng chính bản chất trí trá của người Cộng Sản làm cho bất cứ ai
cũng phải dè dặt khi tính toán chuyện liên kết với họ. Lần này, bản đồ chính
trị thế giới đã thay đổi. Trước mưu đồ bành trướng xuống vùng Thái Bình Dương
của Trung Cộng, đe dọa an ninh và quyền lợi của Hoa Kỳ và các đồng minh, Sang
có nhiều hy vọng sẽ nhận được sự yểm trợ của Hoa Kỳ. Nhưng bên trong nội bộ
đảng CSVN, với khuynh hướng chính là thần phục Tàu, liệu Sang có đủ thế lực để
xoay chuyển không?
Một trong những điều mà cộng đồng Việt Tị nạn bất bình – và cũng
tạo phản ứng dữ dội từ những người Mỹ công chính -, là việc Sang tiếm nhận
những người Việt tị nạn như là mối dây lien hệ vững chắc với Việt Nam. Trên tờ
báo điện tử Frontpagermag, ký giả Daniel Greenfield đã bình luận: “Đại đa số
người Mỹ gốc Việt là người tị nạn. [Ông Sang nói] như thế có khác chi gán cho
cộng đồng dân Cuba là mối lien hệ với Castro.” (Trích: Much of America’s
Vietnamese population came here as refugees. It’s like claiming that the Cuban
community bonds us to Castro. Ngưng trích. Nguồn:
http://frontpagemag.com/2013/dgreenfield/obama-ho-chi-mihn-was-inspired-by-the-united-states-constitution/)
Sau cuộc hội kiến giữa TT Obama và Trương Tấn Sang, Toà Bạch Ốc
đã đưa ra một bản Thông Cáo Chung mà nội dung nhấn mạnh sự “cam kết” và “nhất
trí tăng cường hợp tác” hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình
Dương (TPP). Phía Sang có hứa hẹn sẽ ký vào Công Ước Cấm Tra Tấn Tù Nhân. Ngoài
ra, thì chỉ là những lời nhận định mà không nêu ra những chi tiết cụ thể để
tiến hành. Rốt cuộc, cũng như những đối thoại trong khi gặp gỡ, có tính cách xã
giao, mà trong đó , phía Obama nhấn mạnh đến những hợp tác mậu dịch, quân sự,
khoa học, giáo dục, cứu trợ.. Ông Obama nói ông muốn có sự ủng hộ của ông Sang
để đạt được một hiệp định tự do mậu dịch vùng Thái Bình Dương trước cuối năm
nay. Hoa Kỳ và Việt Nam nằm trong số 12 quốc gia vùng này đang thương lượng một
hiệp định tự do mậu dịch gọi là Xuyên Thái Bình Duơng (TTP - Trans-Pacific
Partnership).
Có nhà bình luận đã cho rằng vì Sang vừa đi Trung Cộng về, nên
phải thu xếp chuyến đi Mỹ gấp để xoa dịu dư luận quần chúng trong nước, vừa
thăm dò quan điểm của Mỹ.
Người Việt tị nạn từng thất vọng qua các đời Tổng Thống Mỹ, và
cũng từng nghe CSVN hứa hẹn rồi lại tiếp tục vi phạm. Điều này cũng dễ hiểu
thôi, khi quyền lợi kinh tế, an ninh của Hoa Kỳ luôn là tối thượng. Trương Tấn
Sang cũng biết vậy, nên ông ta chỉ cần lôi kéo được Mỹ vào để mong kiếm lợi nhuận,
và nếu có thể, giải toả áp lực Trung Cộng.
So với những lời cứng rắn đối vói sự hiếp bức của Trung Cộng, cả
hệ thống nhà nước do Sang cầm đầu đã làm điều ngược lại, là liên tục đàn áp bắt
bớ giam cầm những công dân vì sự sinh tồn của tổ quốc mà dứng lên phản đối
Trung Cộng thay cho nhà cầm quyền.
Rốt cuộc, việc tranh đấu cho nhân quyền, dân quyền, người dân
Việt Nam phải tự lo liệu. Chớ trông mong ở người ngoại cuộc.
Tóm lại, chuyến Mỹ du của Chủ tịch nhà nước Cộng Sản Việt Nam
không thắng, không bại, nhưng chỉ chuốc lấy nhục nhã cũng như chuyến đi của
Nguyễn Minh Triết đến Hoa Kỳ năm 2007. Nhưng chúng ta còn phải chờ sau khi
Trương Tấn Sang về nước để xem phản ứng trong nội bộ nhà cầm quyền và đảng Cộng
Sản Việt Nam.
Đỗ Văn Phúc
No comments:
Post a Comment