Lê Quế Lâm
Trong những ngày cuối cùng của tháng Tư năm
1975, trước và sau khi Đại tướng Dương Văn Minh lên cầm quyền, đã có khoảng 130
ngàn người bắt đầu di tản khỏi đất nước. Trong số đó có tác giả Giao Chỉ, bút
hiệu của cựu Đại tá Vũ Văn Lộc, hiện đang định cư ở thành phố San Jose Hoa Kỳ.
Nay do lời mời của Báo Việt Luận, ông đến Sydney và có buổi nói chuyện với đồng
hương vào lúc 1.30 chiều ngày thứ Bảy tuần này với đề tài Đường về quê
hương. Ông sẽ trả lời câu hỏi mọi người đặt ra từ 1975 khi mới di tản khỏi
Việt Nam “Ta biết làm gì cho hết nửa đời sau”. Và một câu hỏi khác “Đường đời
trăm vạn nẻo, đâu lối về quê hương”.
Cũng vào thời điểm cuối tháng Tư 1975, Thiếu
tướng Nguyễn Khoa Nam -Tư lịnh Quân đoàn IV và Vùng 4 Chiến thuật, không
di tản và sau đó tự sát. Trong báo Việt Luận số thứ Ba ngày 22/10/2013, tác
giả Giao Chỉ có đề cập đến hồi ký của Trung úy Lê Ngọc Danh, Tùy viên của tướng
Nam, ghi lại một vài phát biểu phản ánh ý nghĩ chân thành của tướng Nam về một
số sự kiện lịch sử trong ngày 30/4/1975. Khi nghe đại tướng Dương Văn Minh ra
lịnh buông súng trên radio, trung úy Danh vào phòng Tư lịnh Quân đoàn, báo cáo
chưa dứt lời, tướng Nam lên tiếng “Qua biết rồi”. Khi nghe tùy viên báo cáo
tướng Tham mưu trưởng và một số trưởng phòng quân đoàn đã di tản, Tướng Nam vẫn
bình thản, ông nói: Đi để làm gì? Sau đó, như thường lệ, ông đến Quân Y viện
Phan Thanh Giản thăm thương binh. Khi nghe anh em thương binh yêu cầu: Thiếu
tướng đừng bỏ tụi em. Ông trả lời: “Không, qua không bỏ tụi em”. Đến tối, tùy
viên báo cáo tướng Tư lịnh Phó Lê Văn Hưng vừa tự sát, ông nói “Chết để làm
gì?” Tác giả Giao Chỉ cho đó là những “di ngôn tự vấn”, tướng Nam nói với chính
ông. Bây giờ 38 năm sau, nhà văn xin bạn đọc cùng ông tìm hiểu.
Theo tôi, câu nói ngắn gọn Đi để làm
gì? đã nói lên cái tình “huynh đệ chi binh” của viên tướng tư lịnh
quân đoàn. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, anh em cũng phải sát cánh bên nhau, chia
ngọt sẻ bùi; chớ không thể chỉ nghĩ đến sự an nguy của bản thân mà bỏ đồng đội
trong cảnh hoạn nạn. Điều đó nói lên tư cách lớn của tướng Nguyễn Khoa Nam, ông
xử sự trọn tình trọn nghĩa với thuộc cấp. Từ đó tôi liên tưởng những người đồng
vai vế hoặc thượng cấp của tướng Nguyễn Khoa Nam, họ đã đi và làm gì trong 38
năm qua cho đất nước nói chung và đồng đội nói riêng. Họ biện minh cho sự thất
trận là do đồng minh phản bội. Đồng minh đã đến giúp VN, hơn 60 ngàn thanh niên
của họ đã vĩnh viễn nằm xuống tại quê hương chúng ta. Sau khi dàn xếp xong thế
trận mới nhằm giúp chúng ta thắng cuộc chiến bằng chính trị, họ rút lui. Làm sao
có thể gọi họ là phản bội?
Tự hào là một quân đội từng đứng hàng thứ tư,
thứ năm trên thế giới, không cho phép chúng ta đổ lỗi, đổ thừa cho người khác.
Vã lại, một cá nhân hay tổ chức “bị phản bội” thường mang ý nghĩa xấu của đối
tượng đó. Vì thế, cho rằng mình bị phản bội, chính là mình tự hạ nhục, làm giảm
giá trị của mình. Một quân đội tự nhận đã bại trận, bị Đồng minh là các nước
Thế giới Tự do bỏ rơi, thì còn phương cách gì để phục quốc?
Một sự ra đi khác lại làm sáng tỏ chính nghĩa
quốc gia là những thuyền nhân. Sau khi CS thống trị MN, hàng triệu người lần
lượt bỏ nước ra đi. Thảm trạng thuyền nhân đã làm thức động lương tri thế giới.
Họ nhớ đến sự hy sinh của mấy trăm ngàn binh sĩ VNCH cũng vì chiến đấu cho lý
tưởng tự do. Và ngày nay cũng vì tự do mà người VN dám phiêu lưu mạo hiểm trên
những chiếc thuyền con trang bị thô sơ, chen chúc đầy người, vượt đại dương
trong điều kiện thiếu thốn mọi thứ. Theo thống kê của LHQ, có đến một phần ba
thuyền nhân, khoảng 400 ngàn người đã vùi thây ngoài biển cả. Phủ Cao ủy Tị nạn
LHQ đã cứu giúp gần một triệu đồng bào chúng ta được định cư tại những nước văn
minh tân tiến nhất thế giới như Mỹ, Úc, Gia Nã Đại...Họ sẽ là những sứ giả VN
đốt lên ngọn đuốc làm rạng sáng tiền đồ dân tộc.
Trong bước chuyển mình của đất nước, đêm 30/4
rạng sáng ngày 1/5/1975 là đêm cuối cùng của tướng Nguyễn Khoa Nam. Buổi tối
đó, được tin vị tư lịnh phó quyên sinh, tướng Nam thốt lên: Chết để làm
gì? Và trong đêm đó, bên bàn thờ Phật, ông suy tư về lời tự vấn của mình.
Tôi tin rằng dưới sự soi sáng của Đức Phật, tướng Nguyễn Khoa Nam đã nhận thức
được ý nghĩa Chết để làm gì. Sáng hôm sau, ông đã quyên sinh, chết để tổ quốc
tồn sinh, đất nước thống nhất. Có người có thể sẽ chụp mũ cho tôi là bôi nhọ
cái chết cao cả hào hùng của tướng Nam, tôi xin được trình bày nhận định này.
Tôi là một quân nhân QLVNCH được phân công
cùng các quân nhân Đồng minh nghiên cứu cuộc chiến VN. Nhờ đó tôi hiểu được
phần nào vai trò lịch sử của QLVNCH. Tổ chức này xuất thân từ Quân đội Quốc gia
VN sau khi cựu hoàng Bảo Đại tranh thủ được nền độc lập quốc gia, thống nhất
đất nước, qua Hiệp ước Elysée được ký giữa tổng thống Pháp Vincent Auriol và
cựu hoàng Bảo Đại ngày 8/3/1949. Quân đội Quốc gia VN đầu tiên với danh xưng là
Vệ binh Quốc gia VN chính thức ra đời ngày 11/5/1950 với quân số khoảng 60
ngàn.
Lúc bấy giờ Mao Trạch Đông vừa chiến thắng ở
Hoa Lục (10/1949), ông Hồ Chí Minh liền sang Bắc Kinh cầu viện. Mao cử tướng Vi
Quốc Thanh và Lã Quí Ba làm cố vấn quân sự và chính trị sang giúp Việt Minh tổ
chức lại quân đội để chống Pháp. Do đó Pháp giúp Quân đội Quốc Gia gia tăng
quân số lên đến 200 ngàn để phối hợp với quân Viễn chinh Pháp chiến đấu bảo vệ
nền độc lập quốc gia, chống lực lượng Việt Minh được Trung Cộng yểm trợ mạnh
mẽ.
Cuộc chiến có nguy cơ bùng nổ lớn, các cường
quốc họp nhau ở Genève năm 1954 để chia cắt ảnh hưởng ở VN. Do tình thế đòi
hỏi, Hoa Kỳ lãnh đạoThế giới Tự do đã chia ảnh hưởng với Thế giới CS tại VN
theo tinh thần hòa giải các cuộc xung đột thế giới. Ngày 20/8/1954 TT
Eisenhower chấp nhận kế hoạch của Hội đồng An ninh Quốc gia về việc giúp Miền
Nam VN gồm 3 điểm: Về quân sự, tạo dựng một quân đội quốc gia đủ mạnh để bảo vệ
nền an ninh quốc gia. Về kinh tế sẽ viện trợ giúp MN phát triển. Về chính trị
hợp tác với chính quyền Ngô Đình Diệm thiết lập các cơ cấu dân chủ và mở rộng
thành phần chính phủ có sự tham gia của các đảng phái chính trị. HK chính thức
cam kết với Nam VN qua lá thư đề ngày 23/10/1954 của TT Eisenhower gởi TT Diệm
xác nhận những mục tiêu của HK giúp MNVN như đề cập trên.
Tháng 9/1960 CSVN triệu tập Đại hội Đảng lần
III, ban hành nghị quyết thành lập Mặt trận Giải phóng Miền Nam nhằm “giữ vững
tiền đồn của chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam Á và ra sức góp phần tăng cường lực
lượng của phe xã hội chủ nghĩa”. (Văn kiện Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương
Đảng Lao động Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1960, Tập 1, Tr.34-35). Sau đó TT Diệm
kêu gọi HK giúp thêm viện trợ để Quân đội Cộng hòa tăng từ 170 ngàn quân lên
270 ngàn. TT Kennedy chấp nhận giúp VNCH tăng thêm 30 ngàn quân hồi cuối năm 1961.
Đồng thời gởi thêm một số cố vấn quân sự và binh sĩ thuộc Lực lượng Đặc biệt để
huấn luyện chiến thuật chống du kích cho Quân đội Cộng hòa. Tháng 2/1962 HK
thành lập Bộ Tư Lịnh Viện trợ Quân sự Mỹ ở VN (MAC-V)
Từ giữa năm 1964, Hà Nội tăng cường xâm nhập
các lực lượng chính qui để xây dựng các trung đoàn, sư đoàn chủ lực. Cộng quân
bắt đầu tập trung lực lượng mở các chiến dịch lớn. Đến thời điểm này, như lời
nhận xét của một ký giả Mỹ “thì còn một khả năng có thể ngăn chận sự sụp đổ của
chế độ Sàigòn... đó là sự can thiệp của các lực lượng quân sự Mỹ. Một cuộc
chiến tranh lớn trên bộ và trên không của Mỹ ở VN không thể nào tránh được”.
(Neil Sheehan, A Bright Lie, Picador, London, 1990, P.382)
Để MN tự do khỏi rơi vào tay CS và do yêu cầu
của thủ tướng Phan Huy Quát, đầu tháng 3/1965 HK bắt đầu can dự trực tiếp vào
cuộc chiến. Họ dùng hai gọng kềm: từng bước tăng quân vào MN và mở rộng diện
dội bom Miền Bắc để áp lực Hà Nội ngồi vào bàn đàm phán. Ba tháng sau, chính
phủ dân sự từ chức, giao quyền lại cho quân đội lãnh đạo quốc gia trong giai
đoạn mới: quân đội Đồng minh tham chiến. Ngày 19/6/1965, Nội các chiến tranh do
Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ làm chủ tịch ra đời và 19/6 trở thành Ngày
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. QLVNCH có nhiệm vụ phối hợp với quân đội Đồng
minh để kết thúc chiến tranh trong thắng lợi. Trong giai đoạn 1965-1968, quân
đội Đồng minh chủ yếu là HK, Đại Hàn và Úc Đại Lợi phụ trách các chiến trường
trọng điểm ở các tỉnh địa đầu giới tuyến, ở Pleiku, Kontum, các tỉnh thuộc Quân
khu 5 CS và miền đông Nam bộ.
Trước khi nhượng bộ HK, ngồi vào bàn hội nghị,
cộng quân mở cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968. Trong biến cố này, quân đội
Đồng minh gần như án binh bất động, để cộng quân đọ sức với QLVNCH. Lợi dụng
đồng bào đang nô nức đón mừng năm mới, lực lượng VNCH chỉ còn 50% quân số cấm
trại, lơ là trong việc phòng thủ vì đang có lịnh hưu chiến, Cộng quân mở cuộc
tổng tấn công toàn bộ các tỉnh thành MN, hy vọng đánh tan quân đội VNCH, sách
động đồng bào tổng nổi dậy lật đổ chính quyền quốc gia. Cộng quân bị tổn thất
nặng nề, chỉ trong vòng 10 ngày đầu đã có 30 ngàn cộng quân bị loại khỏi vòng
chiến đấu. Vì thất bại này cộng quân không còn lực lượng trở về giành lại nông
thôn, nơi đây đã bị QLVNCH án ngữ, phải rút về các mật khu ở biên giới Việt Miên.
Mất địa bàn chiến lược nông thôn, cộng quân không thể tiếp tục cuộc kháng chiến
trường kỳ, phải ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ từ tháng 5/1968. Đây là thời kỳ
quật khởi của QLVNCH, chính phủ ban hành lịnh tổng động viên, tăng cường lực
luợng diện địa, phản công tái chiếm các vùng bị du kích CS chiếm đóng trước
đây.
Từ tháng 7/1969 HK bắt đầu rút quân khỏi VN.
Trong kế hoạch Việt Nam Hóa chiến tranh, QLVNCH ngày càng gia tăng về số lượng
và chất lượng để đảm nhận trách nhiệm phòng thủ. Đồng thời mở các cuộc hành
quân vào Cam Bốt, triệt hạ các an toàn khu của cộng quân trú đóng ở đây (1970)
và tiến quân vào Hạ Lào phá hủy tổng kho hậu cần tiền phương của CSBV ở
Tchépone (1971). Ngoài ra QLVNCH còn yểm trợ chương trình bình định nông thôn,
giúp chính phủ thực hiện chương trình Người cày có ruộng. Trong thời gian này,
HK xúc tiến công trình điện khí hóa nông thôn, tái thiết và canh tân toàn bộ hệ
thống xa lộ toàn MN. Xa lộ nối liền Sàigòn với các tỉnh miền Trung kéo dài tới
Quảng Trị. Xa lộ nối liền Sàigòn với Bình Long, Tây Ninh, Vũng Tàu và các tỉnh
Hậu giang đã hoàn tất. Các khu kỹ nghệ, các công trình đầu tư xây dựng mọc lên
khắp nơi. Tất cả những nổ lực trên minh chứng cho sức mạnh và chính nghĩa của
người quốc gia nhằm phục vụ cho cuộc tuyển cử thực hiện quyền tự quyết của nhân
dân MN sẽ được đề cập đến trong hiệp định Paris và xa hơn nữa trong cuộc tổng
tuyển cử thống nhất đất nước.
Năm 1972, lợi dụng việc quân đội Mỹ rút đi gần
hết, chỉ còn các đơn vị không tác chiến, Hà Nội xua quân vượt vĩ tuyến 17 mở
cuộc tấn công Mùa Hè với hy vọng giành chiến thắng cuối cùng, nhưng mưu đồ này
đã bị QLVNCH bẻ gãy. Trong khi đó, TT Nixon lên án Hà Nội đã vi phạm thỏa hiệp
với Mỹ, ra lịnh tái oanh tạc Miền Bắc, áp lực Hà Nội phải kết thúc chiến tranh.
Tháng 8/1972 QLVNCH đã tái chiếm Quảng Trị, trước khi bản dự thảo HĐ Paris ra
đời hồi cuối tháng 10/1972.
Cuối tháng Giêng 1973 HĐ Paris ra đời, chiến
tranh chấm dứt. QLVNCH với gần một triệu quân vẫn còn nguyên vẹn với nguồn quân
viện của Mỹ tài khóa 1973 ở mức 2260 triệu đôla. Hình ảnh cuộc diễn binh vĩ đại
Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19/6/1973 đã để lại cho hậu thế thấy được sự
hùng mạnh của QLVNCH sau khi họ đã thực hiện xong vai trò lịch sử, đưa dân tộc
bước vào giai đoạn đấu tranh chính trị với CS. Trong giai đoạn mới này, VNCH có
nhiều ưu thế: Chính quyền quốc gia từ trung ương xuống đến xã ấp, các cơ quan
Hiến định và lực lượng Cảnh sát quốc gia vẫn còn đầy đủ. Chính phủ VNCH kiểm
soát 80% đất đai và 90% dân số.
TT Nguyễn Văn Thiệu dựa vào lý do HK không áp
lực được Hà Nội rút quân về Bắc, nên không thi hành hiệp định. CSVN không bao
giờ chịu rút quân, HK dù có sức mạnh cũng không thể làm gì hơn, nên thỏa thuận
với Hà Nội phục viên tại chỗ số quân này sau khi chiến tranh chấm dứt. TT Thiệu
yêu cầu Mỹ tiếp tục quân viện đầy đủ để QLVNCH tiếp tục chiến đấu. Đòi hỏi này
không được Quốc hội Mỹ chấp thuận, họ chỉ yểm trợ giúp VNCH đấu tranh chính trị
với CS. Vã lại, VNCH còn tồn tại, CS Bắc Việt còn nêu ra nghĩa vụ dân tộc,
thống nhất đất nước. CS tiếp tục tố cáo Mỹ biến MNVN thành thuộc địa kiểu mới
của Mỹ, chống lại khát vọng thống nhất đất nước của nhân dân VN. Vì thế, tiếp
tục chiến đấu chỉ đổ máu thêm và vô ích. Người lính Quốc gia đành hạ vũ khí để
CS thống nhất đất nước.
Tướng Nguyễn Khoa Nam không phải là thành phần
thứ ba, chủ trương hòa giải dân tộc như đại tướng Dương Văn Minh. Ông là Tư
lịnh Quân đoàn IV với quân số còn nguyên vẹn, ông là biểu tượng cuối cùng của
QLVNCH chiến đấu bảo vệ MN tự do. Hy sinh vì đại nghĩa dân tộc, ông tuân lịnh
thượng cấp ngưng chiến đấu để đất nước thống nhất. Ông chấp nhận cùng chết với
QLVNCH. Bất cứ sự hy sinh nào cho đất nước đều phải trả một giá đắt. Chết để
dân tộc tiến lên.
Điều bất hạnh là người Quốc gia chấp nhận hy
sinh để đất nước thống nhất, người CS lại chủ trương thống nhất đất nước để
bành trướng xã hội chủ nghĩa. Đảng CSVN đã đổi tên nước là Cộng Hòa XHCN Việt
Nam, sau đó Tổng bí thư Lê Duẩn đến Moscow cùng Brezhnev ký Hiệp ước hữu nghị
hợp tác Việt Xô. Hành động này bị Đặng Tiểu Bình coi là thái độ vong ân bội
nghĩa và thề trừng phạt CSVN đổ máu cho đến chết. Sau khi LX sụp đổ, tập đoàn
lãnh đạo CSVN lại sang Thành Đô để tìm chỗ dựa bảo vệ đảng CSVN. Thấy được ý đồ
của Hà Nội, coi đảng lớn hơn quyền lợi dân tộc, Giang Trạch Dân đề ra phương
châm cho sự hợp tác mới: CSVN hợp tác toàn diện với TC. Họ dựa vào công hàm năm
1958 của TT Phạm Văn Đồng, tuyên bố biển Đông thuộc chủ quyền TQ và là quyền
lợi cốt lõi của họ. HK cũng coi nơi đây là quyền lợi chiến lược của Mỹ và nhiều
quốc gia khác. Là cường quốc Thái Bình Dương, HK trở lại châu Á, kềm chế TQ
thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông, nhằm tạo sự ổn định giúp các nước trong
khu vực Á châu-TBD hợp tác phát triển.
Tạo sự ổn định ở biển Đông cũng chính là tạo
sự ổn định giúp VN phát triển. Tiền nhân ta đã mở rộng bờ cỏi đến mũi Cà Mau
tiếp giáp với biển cả phải dừng lại. Nay bắt đầu thiên niên kỷ thứ ba, hướng
phát triển của dân tộc là biển Đông. Với bờ biển dài trên 2000 cây số với thềm
lục địa theo Điều 76 của Công ước Luật Biển năm 1982 rộng 200 hải lý (370 cây
số). Như vậy VN có một diện tích biển gấp đôi đất liền. Với kho tài nguyên
phong phú về dầu mỏ và khí đốt trong vùng đặc quyền kinh tế của mình bảo đảm
một tương lai cực thịnh của dân tộc. VN lại nằm tại trung tâm của khu vực Á
châu-TBD, nơi tập trung những tổ chức kinh tế mậu dịch lớn nhất thế giới trong
thế kỷ 21. Nơi đây chiếm 3/5 dân số toàn cầu với những nước có mức phát triển
cao nhất, sẽ là mô hình biểu tượng về sự tự do, cởi mở kinh tế, chính trị.
Hơn nửa thế kỷ qua, Đảng CSVN luôn hướng về tổ
quốc xã hội chủ nghĩa LX xây dựng chế độ độc tài, trấn áp nhân dân đã kềm hãm
sức phát triển của dân tộc. Chủ nghĩa đó đã tiêu vong nhưng để lại biết bao tội
ác đối với nhân loại. Đảng CSVN lại hợp tác toàn diện, thực chất là lệ thuộc
toàn diện TC. Không còn độc lập, tự chủ kể như đã mất nước. Có điều may mắn là
biển Đông không những là tương lai là con đường sống của dân tộc, mà còn là
chìa khóa để VN hội nhập với thế giới.
Tại diễn đàn đối thoại Shangri-La ở Singapore
hồi cuối tháng 5 vừa qua, TT Nguyễn Tấn Dũng đã coi trọng vai trò của Mỹ trong
việc ổn định khu vực Á-châu-TBD. Hai tháng sau, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
đến Mỹ hội kiến với TT Obama. Vì quyền lợi chiến lược của Mỹ, vì lợi ích phát
triển của VN, lãnh tụ hai nước đồng ý thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược
và cùng nổ lực tham gia tổ chức Tự do Mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là
TPP. Điều này đòi hỏi VN phải cải tổ chính trị, thực hiện chế độ dân chủ đa
đảng, nhân quyền được tôn trọng.
Quyền dân tộc tự quyết, các quyền tự do của
công dân và các quyền dân tộc cơ bản như: độc lập, chủ quyền, thống nhất và
toàn vẹn lãnh thổ, đã được ghi ngay trong phần mở đầu của HĐ Paris 1973. Đó là
sự đóng góp của QLVNCH được sự trợ giúp của Đồng minh đối với quốc gia, dân
tộc.
Khát vọng của toàn dân từ bấy lâu nay là Hòa
bình, Đất nước độc lập thống nhất, Dân tộc dân chủ tự do. Năm 1973 QLVNCH đã
góp phần chấm dứt cuộc chiến đau thương kéo dài non một phần ba thế kỷ. Ngày
30/4/1975, QLVNCN vì đại nghĩa dân tộc, họ buông súng để đất nước thống nhất.
Ngày nay, những đóng góp của QLVNCH về dân chủ, tự do, quyền tự quyết dân
tộc...là những yếu tố giúp VN hội nhập với thế giới văn minh. Nhân dân VN làm
chủ đất nước (đất liền và vùng đặc quyền kinh tế) được sự hợp tác của đồng bào
trong và ngoài nước sẽ xây dựng một nước VN độc lập, dân chủ, tự do, cường
thịnh.Với vai trò lịch sử của mình, QLVNCH không những là Quân đội của Miền
Nam tự do, Quân đội Quốc gia mà còn là Quân đội của Dân tộc đã hoàn thành trách
nhiệm đối với đất nước .
Theo truyền thuyết, chúng ta là con Rồng, cháu
Tiên xuất sinh từ bọc trứng nở trăm con: “Nửa trăm xuống biển cùng cha, nửa
trăm theo mẹ dựng nhà trên non”. Bao giờ nước trở về non là ước mơ của nhà thơ
Tản Đà trong bài thơ Thề Non Nước. Đó cũng ước mơ hồi hương của
những người di tản năm 1975 và sau đó là thuyền nhân. Điều này tùy thuộc vào
vận nước. Ngày nào Đảng CSVN còn tồn tại, Bắc Kinh còn dựa vào công hàm của
Phạm Văn Đồng để chận đường phát triển của dân tộc. VN chỉ còn nhìn về phương
Bắc, trở lại thời Bắc thuộc.
Sự đóng góp và hy sinh của QLVNCH cho chính
nghĩa dân tộc cùng thế địa lý chính trị của đất nước là những lợi thế để cộng
đồng người Việt ở hải ngoại cùng đồng bào quốc nội tranh đấu giành lại chủ
quyền ở biển Đông. Đó là Đường về quê hương như đề tài nói
chuyện của tác giả Giao Chỉ.
Là cư dân Sydney, cộng tác viên Bán Tuần Báo
Việt Luận, tôi có bài viết này để đón chào người khách phương xa. Đây là quan
điểm của cá nhân tôi, để góp phần với diễn giả Giao Chỉ suy tư về quê hương đất
nước. Kính mời quý đồng hương tham dự đông đảo buổi nói chuyện và thưởng ngoạn
cuộc triển lãm dã chiến những hình ảnh, tài liệu của Viện Bảo tàng Thuyền nhân
và VNCH ở San Jose Hoa Kỳ, mà diễn giả buổi nói chuyện là Chủ tịch sáng lập.
Lê Quế Lâm
(23-10-2013)
No comments:
Post a Comment