Thursday, February 20, 2014

EU “QUAN NGẠI” ÁN PHÚC THẨM ÔNG QUÂN

Cả Hoa Kỳ và châu Âu đều bày tỏ lo ngại về phiên xử phúc thẩm
Liên hiệp châu Âu EU ra thông cáo bày tỏ quan ngại về chuyện mức án 30 tháng tù đối với luật sư Lê Quốc Quân được giữ nguyên.

Thông báo hôm 18/2, trùng ngày với phiên phúc thẩm ông Quân, của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nói:
"Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam bày tỏ quan ngại về việc Tòa án Nhân dân Tối cao ở Hà Nội hôm nay đã bác kháng cáo của blogger và luật sư Lê Quốc Quân đối với bản án 30 tháng tù giam và phạt tiền [của tòa] trước đây vì cáo buộc trốn thuế.

"Hồi tháng Tám năm 2013, Nhóm Làm việc của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện nhận xét rằng việc giam giữ ông [Quân] là tùy tiện vì vi phạm tiêu chuẩn xét xử công bằng và đề nghị Chính phủ có những biện pháp cần thiết để cải thiện cảnh ngộ của ông.

"Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi [tôn trọng] quyền căn bản của tất cả mọi người được có và tự do bày tỏ ý kiến phù hợp với Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã tham gia.

"Việc kết án lại càng đáng thất vọng khi Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

"Phái đoàn [EU] nhắc lại những lời kêu gọi trước đây đối với Việt Nam về việc tôn trọng quyền tự do biểu đạt và trả tự do cho tất cả những nhà vận động hòa bình cho nhân quyền ở đất nước này.

Thông báo của EU cũng nói họ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để cả thiện các quyền con người và đảm bảo một nhà nước pháp quyền.

Mỹ 'lo ngại'

Cũng trong ngày 18/2, Hoa Kỳ đã có phản ứng về phiên xử phúc thẩm luật sư Quân.

Văn phòng người phát ngôn Jen Psaki của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington ra thông cáo viết: "Chúng tôi vô cùng quan ngại về quyết định của Chính phủ Việt Nam giữ nguyên mức án 30 tháng tù vì tội Trốn thuế đối với luật sư nhân quyền và blogger Lê Quốc Quân".

"Việc chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật thuế để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ vì họ bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa là điều gây lo ngại."

Bà Psaki bình luận: "Việc kết án này tỏ ra không phù hợp với quyền tự do ngôn luận và những nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị cũng như các cam kết thể hiện trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế".

Thông cáo viết tiếp: "Chúng tôi kêu gọi chính phủ hãy thả các tù nhân lương tâm và cho phép mọi người Việt Nam bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa".

Tuyệt thực

Sáng 18/2 luật sư Lê Quốc Quân xuất hiện trước tòa trong trang phục mùa đông sẫm màu. Trông ông hốc hác và gày gò hơn nhiều so với những bức hình chụp trước khi vào tù.

Gia đình ông cho hay ông đã tuyệt thực từ 2/2 để phản đối việc giám thị trại giam không cho ông tiếp cận Kinh Thánh và sách luật.

Cũng hôm 18/2, Liên minh các tổ chức dân sự Việt Nam ra thông cáo "phản đối kết quả phiên tòa phúc thẩm của luật sư Lê Quốc Quân cũng như quan ngại về các diễn biến xung quanh phiên tòa" trong đó bản án 30 tháng tù cho tội "trốn thuế" được giữ nguyên.

Thông cáo của Mạng lưới Blogger Việt Nam, Dân Làm Báo, Con Đường Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thống, No-U Việt Nam, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam cùng Voice viết: "Ông Quân xuất hiện tại tòa trong tình trạng sức khỏe tồi tệ do đã tuyệt thực 17 ngày để phản đối chế độ đối xử trái pháp luật của trại giam."

Các tổ chức dân sự nói mẹ của ông Quân, bà Nguyễn Thị Trâm, "bị cấm trở lại phòng xét xử sau khi bà ra ngoài trong thời gian xử án."

Thông cáo cũng nói bà Trâm và ông Trần Văn Huỳnh, thân phụ của tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức, về tới Việt Nam hôm 17/2 sau chuyến đi vận động cho nhân quyền tới nhiều nước và "bị lực lượng an ninh sân bay Tân Sơn Nhất tạm giữ, khám xét một cách tùy tiện, thô bạo trước khi trả tự do cho bà vào đem cùng ngày."

Ông Quân là một trong bốn người được Hoa Kỳ nêu đích danh và muốn Việt Nam trả tự do ngay lập tức tại phiên kiểm điểm nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc hôm 5/2/2014 tại Geneva. Ba người còn lại là luật Cù Huy Hà Vũ, blogger Điếu Cày và doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức.

No comments:

Post a Comment