Monday, June 9, 2014

CHÂN DUNG "BÁC" HỒ - PHẦN 6



Con người độc tài, độc tôn hết cỡ này lại còn ham được tiếng là có tinh thần… dân chủ. Bác nhất định tổ chức tổng tuyển cử. Trò chơi ấy nhân dân chết vô số, bác vẫn cứ làm. Bác mô tả:
“Ở miền Nam Trung Bộ, cuộc tuyển cử tiến hành dưới bom đạn của Pháp. Chiến sĩ du kích một tay cầm súng một tay cầm lá phiếu. Ở Saigon và Chợ Lớn và các vùng tạm bị chiếm, cuộc tuyển cử tiến hành bí mật. Ban đêm những thanh niên nam nữ xung phong đi bí mật từ nhà này sang nhà khác, giấu kín thùng phiếu dưới áo. Tám mươi hai phần trăm cử tri ở Saigon và Chợ Lớn đã bỏ phiếu. Nhưng bốn mươi nhăm thanh niên xung phong đã bị địch bắt và bắt chết. Thật là một cuộc tuyển cử đẫm máu, rất anh dũng” (trang 123).Chính nhân dân và cán bộ đã làm hư bác. Bác nói cái gì nhân dân cũng hoan hô nhiệt liệt. Bác đưa ra kế hoạch nào Hội Đồng chính phủ cũng “hoàn toàn đồng ý”, riết rồi bác nói phét càng ngày càng tồi, kể cho độc giả nghe những câu chuyện rất rát tai. Cái thùng phiếu to bằng cỡ nào mà thanh niên nam nữ xung phong đòi “dấu kín dưới áo”?
Nó bằng cái hộp quẹt chắc? Có lẽ một số thanh niên xung phong bị bắn chết thật vì họ bị thực dân tưởng lầm là bọn… ăn trộm. Ban đêm, thấy có kẻ ôm trước bụng một vật lù lù, lấm lét, trốn tránh trong các góc phố tối, thực dân tưởng gặp bọn đạo chích phải vồ. Với cái trò ôm thùng phiếu, đợi đêm tối mới bí mật di chuyển từ nhà nọ sang nhà kia thì các cô các cậu đi được mấy nhà?
Thế mà bác khoe “tám mươi hai phần trăm cử tri ở Saigon và Chợ Lớn đã bỏ phiếu”
Nhân dân ngoài việc liều chết bỏ phiếu, còn được bác khen là sáng suốt, “rất thông minh”. Bác kể:
“Bản dự án hiến pháp được thảo ra cẩn thận và phát rộng rãi để nhân dân có thể nghiên cứu phê bình và góp ý kiến. Ở trong thành phố và nông thôn tổ chức những cuộc hội họp để giải thích cho nhân dân chọn người ứng cử và tổ chức bầu cử như thế nào? Trước tuyển cử có người nghi ngờ, họ nói “Nhân dân còn dốt, chưa biết dùng quyền dân chủ. Bọn đầu cơ sẽ lợi dụng. Cuộc tuyển cử sẽ thất bại” Có một lòng tin tưởng vô hạn ở nhân dân, Hồ Chủ Tịch nói: “Nhân dân rất thông minh. Họ sẽ biết dùng lá phiếu của họ, tổng tuyển cử sẽ thành công!” Kết quả đã chứng minh lời Hồ Chủ Tịch là đúng.” (trang 122)
Kết quả ra sao? Nhân dân đã làm gì, đạt được thành tích hay ho nào để chứng tỏ xứng đáng với lời bác khen là thông minh, sáng suốt? Đây là câu trả lời:
“Nhiều địa phương yêu cầu Hồ Chủ Tịch ra ứng cử ở địa phương mình. Nhiều địa phương khác yêu cầu Hồ Chủ Tịch có quyền là nghị viên không cần tham gia ứng cử” (trang 122)
Những nhân dân coi bác như thánh như thần, đòi cho bác khỏi ứng cử cũng trúng, có được bác khen “sáng suốt, thông minh” cũng là phải quá.
Bầu Cử Dân Chủ
Có một chi tiết khá vui trong trò chơi bầu cử của bác: Vì nổi sùng với đảng phái của các ông Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, bác vô tình tự tố cáo mình là tổ chức bầu cử gian. Bác kể:
“Bọn phản động như đảng phái Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam được Quốc Dân Đảng Trung Quốc giúp đỡ, âm mưu phá hoại tổng tuyển cử. … Hồ Chủ Tịch đã tìm ra một giải pháp: nhường cho Nguyễn Hải Thần và Nguyễn Tường Tam bảy mươi ghế” (trang 120)
Tổ chức bầu cử, thể hiện dân chủ mà lại biết chắc tất cả các ghế trong quốc hội là của mình, muốn nhường bao nhiêu ghế cho phe nào cũng được! Kết quả bầu cử đã được xếp đặt, tính toán trước. Những ghế trong quốc hội do bác phân phát, những tên tuổi đắc cử do bác định đoạt, chọn sẵn cả… thế thì bày đặt ra cái vụ bỏ phiếu làm gì cho mấy cô cậu thanh niên xung phong dại dột chết oan. Tuồng dân chủ bác giả vờ làm. Nhân dân sáng suốt thì bị chết thật. Cuối cùng họ chỉ được nghe bác bốc nhẳng một câu: “Thật là một cuộc tuyển cử đẫm máu, rất anh dũng”
Thấy máu xương nhân dân đổ ra cho một trò bịp của mình, con người “thương dân sâu sắc” ấy không hề có một lời ân hận, xót xa! Đâu phải sau này Hồ mới trở nên độc địa. Lúc mới nắm quyền cai trị, con người ấy đã sẵn sàng vì cái danh hão mà nhẫn tâm đẩy dân chúng vào chỗ chết.
Càng đến cuối sách thì bác càng mở máy tự tâng bốc, vội vàng, cuống quít như đứa trẻ thổi bong bóng, sợ mình ngưng lại thì bóng xẹp. Đây là những dòng nâng bi đưa bác lên đỉnh cao:
“Nhiều nhà báo và nhiều người bạn ngoại quốc rất lấy làm ngạc nhiên trước lòng kính yêu của nhân dân Việt Nam đối với vị cha già Hồ Chí Minh. Nhưng đối với chúng ta, người Việt Nam thì rất dễ hiểu: Hồ Chủ Tịch được nhân dân yêu mến là do lòng yêu nước yêu nhân dân của Hồ Chủ Tịch.” (trang 138)
“…Chủ Tịch đã từng chịu đựng khổ sở vất vả không thể tưởng tượng được trong suốt thời kỳ hoạt động bí mật. Chủ Tịch đã bị đủ mọi thứ dụ dỗ. Nhưng Chủ Tịch đã dũng cảm và kiêu quyến vượt qua mọi khó khăn” (trang 139)
“…Nhân dân Việt Nam muôn người như một, nghe theo lời Hồ Chủ Tịch, vì họ hoàn toàn tin tưởng ở Hồ Chủ Tịch, họ hoàn toàn kính yêu Hồ Chủ Tịch. Không có gì so sánh được với lòng dân Việt Nam kính mến tin tưởng lãnh tụ Hồ Chí Minh.” (trang 138)
“…Hồ Chủ Tịch được nhân dân yêu mến là do lòng hy sinh và lòng nhân từ của người. Đúng như lời nói của Mặc Tử, nhà triết học Trung Quốc đời xưa: Nếu có lợi cho thiên hạ thì mình bị mài mòn từ gót đến đầu cũng vui lòng”(trang 139-140)
“…Chủ Tịch không bao giờ nghĩ đến mình. Người chỉ nghĩ đến người khác, nghĩ đến nhân dân.” (trang 140)
“…Chính sách của Hồ Chủ Tịch và của chính phủ rất giản đơn và rõ ràng. Hồ Chủ Tịch nói với nhân dân: “Kháng chiến, kháng chiến trường kỳ. Kháng chiến nữa. Kháng chiến đến cùng. Kháng chiến cho đến khi nước Việt Nam giành được thống nhất và độc lập!” (trang 138)
“Đối với nhi đồng tên bác Hồ như là một người mẹ hiền. Chỉ nhắc đến tên Bác là các em trở nên ngoan ngoãn” (trang 141)
“Một vài chuyện nhỏ kể dưới đây cũng đã tỏ lòng kính mến của nhân dân Việt Nam đối với bác Hồ. Một bức ảnh nhỏ của Người ở Hà Nội có đồng bào mua tới giá một trăm ba mươi vạn đồng. Ở Nam bộ một chiến sĩ du kích họa sĩ bị thương ở chiến trường, trong khi chờ đợi cứu thương đến, đã lấy máu mình vẽ lên áo ảnh Hồ Chủ Tịch. …Những chuyện như trên còn nhiều, kể không hết được. Thanh niên, nhi đồng các nước bạn cũng thường gửi thư thăm hỏi bác Hồ. Nhân dân gọi Chủ Tịch là Cha già của dân tộc.” (trang 142)
Hoàn Toàn Tin Tưởng
Trước hết, hãy xét về những điểm vui vui trong bài ca tự hót của bác.
Bác khoe cái khẩu hiệu: “Kháng chiến, kháng chiến trường kỳ. Kháng chiến nữa…” là giản đơn và rõ ràng. Rõ ràng thì tạm được. Nhưng giản đơn ở chỗ nào? Nó rườm rà như lời một người mắc bệnh nói lắp đãng trí. Đã “kháng chiến tới cùng” thì cần phải “kháng chiến trường kỳ”. Đã “kháng chiến cho đến khi nước Việt Nam giành được thống nhất và độc lập” là đủ quá rồi, là tốp được rồi, sao lại phải “kháng chiến nữa”. Cái khẩu hiệu có mấy dòng mà lủng củng, lảng cảng những chữ, những ý lập đi lập lại… Thế mà lại cứ say sưa tự khen là “giản đơn”.
Nhưng văn chương chữ nghĩa của bác, ta đã thưởng thức rồi. Tinh thần khoái những màn cải lương, gián điệp rẻ tiền của bác, ta cũng đã biết rồi. Hãy nói về những chuyện quan trọng, nghiêm chỉnh hơn. Nghiêm chỉnh mà xét thì thấy bác là anh chàng phét lác bị tổ trác hơi nhiều. Bác tự tố cáo, tự lột mặt nạ đều đều suốt chiều dài cuốn sách. Có thật là: “Nhân dân Việt Nam muôn người như một… HOÀN TOÀN TIN TƯỞNG ở Hồ Chủ Tịch, HOÀN TOÀN KÍNH YÊU Hồ Chủ Tịch” hay chăng?
Không cần tra cứu sách vở, tìm nhân chứng, cứ đọc chính những dòng bác viết ra sẽ biết sự thật về lời huênh hoang ấy. Trang 126, Hồ kể về vụ ký hiệp định 6 tháng 3 và phản ứng của nhân dân.
Nội dung cái hiệp định mà Chủ Tịch long trọng ký kết với Sainteny, đại diện Pháp, gồm có những điều khoản hay ho như sau: Việt Nam thừa nhận những quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp ở Việt Nam (toàn những đặc quyền, đặc lợi rất thực dân) – Việt Nam cho phép mười lăm nghìn lính Pháp đổ bộ ở Bắc Bộ và Trung Bộ để thay thế quân của Tưởng Giới Thạch – Đặc biệt là Việt Nam thừa nhận ở trong khối Liên Hiệp Pháp!
Nhân dân nghĩ sao về việc làm của bác? Hãy nghe chính lời bác mô tả:
“Đây là một lúc khá khó khăn cho Hồ Chủ Tịch. Báo chí của Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Hải Thần công kích Chủ Tịch kịch liệt, vu cáo Chủ Tịch đã để cho Pháp mua chuộc” (trang 126)
Còn “vu cáo” vào cái khổ nào nữa: Nếu không bị mua chuộc thì chắc chắn bác đã bị Pháp lừa.
(Qua những lời hậm hực cay cú của bác, chúng ta lại thấy rõ một điều: Các nhà cách mạng Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam là những người sáng suốt. Họ trông thấy tất cả những âm mưu sâu độc của thực dân, họ thấy người lãnh đạo Hồ Chí Minh đang đi lạc đường)
Đâu phải chỉ có nhóm ông Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam sáng suốt, công kích Chủ Tịch kịch liệt. Dân chúng cũng phản đối ào ào. Bác viết: “Nhân dân không bằng lòng…” nhưng lại giải thích ngay “…vì họ căm thù sâu sắc bọn Pháp thực dân”
Nhân dân nào “muôn người như một, hoàn toàn tin tưởng ở Hồ Chủ Tịch”? Còn nhân dân nào thì “không bằng lòng” vì việc ký kết bậy bạ của bác? Hay nước Việt có tới hai cái “toàn thể nhân dân”
Báo chí của các ông Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Hải Thần công kích bác thế nào, bác không nói rõ chi tiết, chỉ kêu là “kịch liệt”. Nhân dân biểu lộ sự “không bằng lòng” bằng cách nào, bằng lời lẽ chê bác ra sao, bác cũng lờ đi. Nhưng xem lời biện minh của bác, ta có thể đoán được một phần. Ít nhất, trong những lời chê bai, nhân dân đã phang cho bác một cái tội rất nặng: QUÂN BÁN NƯỚC!
Không Bao Giờ Bán Nước
Chắc vừa đau vừa teo, bác phải trần tình:
“Trước mặt đông đảo quần chúng, Hồ Chủ Tịch giải thích những nguyên nhân trong nước và ngoài nước bắt buộc phải ký hiệp định. Cuối cùng, Chủ Tịch kết thúc bằng những lời cảm động: “Hồ Chí Minh không và sẽ không bao giờ là một người bán nước” (trang 126)
Bác tự khen câu biện bạch của mình là những “lời cảm động”. Nhưng nó không cảm động mấy, chỉ như là một lời chối tội mơ hồ. Kẻ vừa bị bắt quả tang ăn cắp, cũng có thể có những lời cảm động tương tự: “Tôi không và sẽ không bao giờ là một tên ăn cắp.”
Kể ra nhân dân “HOÀN TOÀN KÍNH YÊU BÁC” cũng hơi nặng lời khi chửi bác là “quân bán nước”. Nhưng họ phẫn nộ đúng vì sự nhầm lẫn của bác đã đưa họ vào chỗ chết, trong khi bác cứ hớn hở vì những trò vuốt ve của Pháp, cứ sướng mê tơi vì những vinh dự hão huyền Pháp ban cho. Những trò lật lọng phản trắc hiểm độc của thực dân, các ông Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Hải Thần cùng nhân dân Việt Nam nhìn thấy trước thì bác phải đợi khá lâu sau khi ký hiệp ước mồng 6 tháng 3 mới thấy. Phải đợi thực dân tàn phá giết chóc dân ta tơi bời rồi bác mới chịu mở mắt ra. Bác kể:
“Quả thật, Cao uỷ Pháp đã không từ một hành động nào để phá hoại hiệp định mồng 6 tháng 3. Những hành động khiêu khích không những không đình chỉ mà còn tăng thêm. Và quân đội Pháp đổ bộ ở Trung Bộ và Bắc Bộ luôn kiếm cách gây những sự xung đột chống lại người Việt Nam. Những cuộc xung đột đổ máu đã xảy ra ngay ở Hà Nội. Về mặt kinh tế, đô đốc Đắc-giăng-li-ơ đã dùng thủ đoạn xảo quyệt. Y ra lệnh bỏ giấy bạc năm trăm đồng. Đây là một mánh khóe thực dân xảo trá đã làm cho hàng chục vạn gia đình Việt Nam và ngoại kiều bị phá sản.” (trang 127)
“…Một ngày sau khi Chủ Tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Pháp, đô đốc Đác-giăng-li- ơ, cao ủy Pháp tổ chức chính phủ bù nhìn Nam Kỳ và tuyên bố “Nam Kỳ tự trị”. Vì chính sách gian dối ấy làm cho nhân dân phẫn uất, cho nên chiến tranh càng kịch liệt hơn ở Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ. Máy bay Pháp bắn cháy nhiều làng mạc và bắn giết nhiều dân chúng. Khủng bố diễn ra khắp trong vùng quân đội Pháp chiếm đóng…” (trang 128)
Đi Tầu Chiến, Nghe Đại Bác
Vì bác thò tay vào ký hiệp định 6-3 mà nhân dân Việt Nam lâm cảnh khốn khổ như vậy, còn riêng phần bác thì được gì? Nhiều lắm. Toàn những trò đón rước long trọng làm bác phổng mũi, sướng tê người. Bác hớn hở khoe:
“Rồi cuộc gặp gỡ giữa Hồ Chủ Tịch và đô đốc Đắc-giăng-li-ơ tại vịnh Hạ Long với rất nhiều nghi thức long trọng, 21 phát đại bác chào khi Hồ Chủ Tịch đi, hạm đội Pháp duyệt binh v.v…” (trang 127)
Với nhân dân Việt, thực dân Pháp làm cho “hàng chục vạn gia đình bị phá sản”, “bắn cháy nhiều làng mạc, bắn giết nhiều dân chúng, khủng bố diễn ra khắp nơi”… Nhưng riêng bác chúng đưa ra vịnh Hạ Long, thụt cho nghe 21 phát đại bác, tổ chức diễn binh kèn trống um xùm, thế là bác chịu lắm, khoái tỉ lắm, khoái đến độ lúc viết hồi ký còn đem ra khoe.
Thực dân còn tặng bác những cú vuốt ve tối tân, ác liệt hơn. Chúng mời bác sang Pháp để vuốt tiếp. Và bác lại hớn hở khoe chuyến đi Pháp đầy vinh dự như sau:
“Ngày 31 tháng 5 năm 1946, Hồ Chủ Tịch cùng phái đoàn Việt Nam lên đường sang Paris. Phái đoàn này đáng lẽ do Nguyễn Tường Tam, bấy giờ là Bộ trưởng Ngoại giao lãnh đạo. Nhưng ngay hôm trước khi đi, Bộ trưởng Tam đã bỏ trốn…” (Nhờ ơn bác viết lại mà chúng ta lại được thấy nhà văn, nhà cách mạng Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là một người sáng suốt, nhìn xa thấy rộng. Biết kẻ thù xảo trá và thâm độc thấy lãnh tụ u mê, chui đầu vào bẫy, ông can ngăn không được thì chức Bộ Trưởng Ngoại giao ông cũng không màng)
Đem được bác qua Pháp rồi, ở Việt Nam thực dân bắt đầu khủng bố, bắn giết. Trong khi ấy “Hồ Chủ Tịch đã đi thăm miền Nam và miền Bắc nước Pháp… Chủ Tịch đã gặp nhiều người: chính trị, nhà trí thức, lãnh tụ kinh tế, lãnh tụ thợ thuyền, đại biểu phụ nữ, lãnh tụ thanh niên” (trang 129)
Tóm tắt, nó cho bác đi ngược đi xuôi, lông bông từ Bắc chí Nam, gặp hết người này người nọ để câu giờ. Thê thảm nhất là cái khúc bác khoe được Pháp cho về nước bằng tầu chiến. Bác vênh váo kể:
“Phái đoàn Việt Nam về trước vài ngày, Chủ Tịch về sau trên một chiếc tàu chiến Đuy-mông Đuyêc-vin (Dumont Durville) của Pháp. Cách đây trên ba mươi năm, Chủ Tịch đi Pháp, làm phụ bếp trên một chiếc tàu buôn. Ngày nay Chủ Tịch đi trên một chiếc tàu chiến, là thượng khách của nước Pháp… Về đến Cam-ranh, đô đốc Đắc-giăng-li-ơ đón Hồ Chủ Tịch trên một chiếc tàu chiến khác. Cuộc gặp gỡ rất long trọng” (trang 129)
Rõ ràng là bọn thực dân rất quỷ quái. Nó biết bác khoái những trò đón rước linh đình nên trình diễn toàn những thứ ác liệt cả. Bác sướng mê man cả người. Sợ dân Việt ngờ bác “tham vàng bỏ ngãi”, bác vội trấn an:
“Tuy hoàn cảnh khác nhau nhưng Chủ Tịch vẫn luôn luôn là người cách mạng trong sạch và hăng hái. Thái độ đối xử thành thật với mọi người và lòng yêu nhân loại vẫn không thay đổi” (trang 129)
Bác làm như cái quả “đi tàu chiến” có thể làm thay đổi bác, biến bác thành một kẻ hết cách mạng, hết trong sạch, hết thành thật mà lại hết cả… yêu nhân loại nữa. Vì bác nhắc chuyện 30 năm trước, khoe rằng bây giờ mình vẫn thế, Kiều Phong đành phải vạch ra một chỗ khác nhau khá quan trọng: Ba mươi năm trước, cậu Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp cho một chiếc tàu buôn, cậu còn trong sạch và vô tội.
Những lỗi lầm của cậu lúc ấy chẳng qua chỉ cỡ vụ gọt măng tây láo lếu, làm thiệt hại nhà bếp. Bây giờ, lầm lỗi của bác gây đại họa cho cả dân tộc. Được ngồi trên tàu chiến long trọng quá, oai quá, bác quên bẵng mất số phận của nhân dân. Và lầm lỗi của bác lúc này đưa đến “hàng vạn người bị phá sản, nhiều người bị tàn sát, nhiều làng bị đốt phá”. Khác nhau ghê lắm.
Cái quả được đi tàu chiến, được thực dân thụt 21 phát đại bác làm ngài Chủ Tịch ngất ngư hơi lâu, khoái tỉ đến mụ mẫm cả người hơi lâu. Cho nên, trong khi Pháp:
“…Cao ủy Pháp hứa hẹn sẽ thành thật chấp hành bản tạm ước. Nhưng trong khi đó y bí mật ra lệnh cho hải quân Pháp phong tỏa cửa bể Hải Phòng… Y ra lệnh bắn vào quần chúng ở Nha Trang trong cuộc mít tinh mừng ngày thi hành bản tạm ước. Y sửa soạn kế hoạch tấn công Hải Phòng và Lạng Sơn.”(trang 130)
Thì bác vẫn cứ đớ đẫn, ngơ ngẩn:
“Mặc dầu những hành động đối địch về phía Pháp, Hồ Chủ Tịch vẫn cương quyết giữ gìn hòa bình.” (trang 130)
Cho đến lúc:
“Nhưng thình lình thành phố Hải Phòng bị quân đội Pháp tấn công. Đấy là ngày20-11-1946. Ngày hôm sau thực dân Pháp lại tấn công Lạng Sơn. Hải quân, không quân, lục quân Pháp đồng thời tàn sát ngót vạn đồng bào ở Hải Phòng. Đã mấy lần, Chủ Tịch gửi những bức điện văn cấp bách cho chính phủ, quốc hội và nhân dân Pháp, yêu cầu chấm dứt chiến tranh, song chính phủ Pháp không trả lời những lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch. (chỗ này không còn thấy Chủ Tịch nhắc gì đến nhận xét của nhi đồng Nguyễn Tất Thành: người Pháp ở Pháp tốt hơn người Pháp ở Đông Dương). Trái lại, chính phủ Pháp gửi thêm viện binh. Nhiều quân đội nhảy dù và đội quân lê dương đổ bộ ở Hải Phòng, Đà Nẵng và Hà Nội.”
“…Hàng ngày, máy bay Pháp thị uy trên không phận Hà Nội, thậm chí lượn qua cả dinh Hồ Chủ Tịch. Binh lính Pháp tăng thêm khiêu khích. Ngày 17 tháng Chạp, lính Pháp dùng võ lực đòi chiếm trụ sở của Bộ Tài Chánh.” (trang 130 và 131)
Thư bác viết, Pháp không thèm trả lời. Hàng vạn đồng bào của bác bị quân Pháp tàn sát! Bác đau xót chưa? Bác nổi giận chưa? Chưa. Bác vẫn khăng khăng:
“Mặc dầu tất cả những việc đó, Hồ Chủ Tịch vẫn cố dàn xếp mọi việc một cách hòa bình.” (trang 131)
Làm Chủ Tịch nước mà mù quáng không thấy nổi sự thâm độc của kẻ thù, u mê vì mấy trò vuốt ve, vì những tuồng đón tiếp long trọng, nhưng bác vẫn tự thấy mình anh minh! Một tấc đất quê hương, tính mạng một người dân đáng lẽ nhà lãnh đạo phải tiếc, phải xót. Ở đây, quê hương bị tàn phá, hàng vạn người bị tàn sát, Chủ Tịch vẫn chưa chịu mở mắt ra, còn khăng khăng tin tưởng vào lòng tốt của kẻ thù! Lúc ngồi ở vịnh Hạ Long, được kẻ thù thụt cho nghe 21 phát đại bác, sướng tê mê đến quên trời quên đất, dù sao cũng còn tha thứ được vì bác chưa biết tới cái vụ dân chúng bị tàn sát sau lưng mình. Nhưng bây giờ ngồi viết hồi ký, một đầu óc tăm tối nhất cũng thấy được sự việc thực dân cho bác đi tầu chiến, vuốt ve tâng bốc bác gắn liền với những chiến dịch đốt nhà, ném bom, tàn sát hàng vạn người Việt. Thế mà Chủ Tịch Hồ nhắc lại những trò “long trọng đón tiếp” của thực dân với tất cả nỗi hãnh diện hân hoan của một kẻ nghèo hèn đột ngột được phong quan tước. Tội nghiệp những người dân Việt thời đó. Nơi trang 130 bác khoe rằng:
“Trước khi đi Pháp, Hồ Chủ Tịch nhận được hàng vạn lá thư khuyên Chủ Tịch đừng đi máy bay. Những bức thư này là của các hạng người đủ các tầng lớp, đủ các lứa tuổi”.
Vậy thì ít nhất đã có hàng vạn người Việt thuộc đủ các tầng lớp sáng suốt, biết rõ sự thâm độc của thực dân, lo âu cho tính mạng của bác. Nhưng tính mạng của họ thì chẳng được ai lo, họ không nhận được một lời khuyên nào về cách đối phó với súng đạn thực dân. Nhà họ cứ bị đốt, làng họ cứ bị tàn phá, họ cứ bị bắn giết trong khi Chủ Tịch bận nghe 21 phát đại bác, bận đi tàu chiến Tây và bận “dàn xếp mọi việc một cách hòa bình.”
“Chủ Tịch không bao giờ nghĩ đến mình. Người chỉ nghĩ đến người khác, nghĩ đến nhân dân”. Hãy bỏ qua những câu chuyện dại dột, lố bịch kể trên… chỉ cần nhìn lại chính cái giây phút bác ngồi nắn nót viết câu đó là thấy bác man trá chừng nào. Đất nước còn nghèo, nhân dân còn đói, chiến tranh còn khốc liệt… con người “chĩ nghĩ đến nhân dân” ấy lại còn tranh nghề của bọn văn nô, bỏ hết thời giờ tâm trí vào việc ngồi viết văn tự tâng bốc. Vào lúc người dân Việt đang thi đua gục ngã ở chiến trường theo sự hướng dẫn của Chủ Tịch thì vị “cha già dân tộc” cứ say sưa bận rộn với sự nghiệp tự nâng bi.
Có ông cha già nào trên đời lại nhố nhăng, vị kỷ và bất nhân đến thế!

Kiều Phong

No comments:

Post a Comment