Monday, May 27, 2013

HỒI KÝ VỀ CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT: "BA NGƯỜI KHÁC" CỦA TÔ HOÀI - KỲ 1


Mười bốn năm sau khi hoàn thành bản thảo, tác phẩm Ba người khác của nhà văn lão thành Tô Hoài nay đã chính thức ra mắt bạn đọc và đang được dư luận đặc biệt chú ý. Trong những ngày qua, chúng tôi đã có dịp đăng một số bài viết về tác phẩm này. Được sự cho phép của tác giả, Ký Tế kì này hân hạnh giới thiệu toàn văn Ba người khác đến bạn đọc.

Các đội công tác vùng đồng bằng hạ lưu sông Hồng kéo về tổng kết đợt ở huyện lỵ, đông có đến cả nghìn con người. Suốt tháng triền miên nghe kể lể thành tích và những anh những chị rễ, chuỗi [1] ở xã lấy lên nay đã thành cán bộ đội vừa khóc vừa nói về cuộc đời bị đoạ đày xưa kia. 

Một việc, tôi nhớ mãi. Có một cố nông quê huyện Nga Sơn được lên cán bộ đội đã đi làm cải cách hai đợt. Anh kể lại đời anh, cả hội trường hàng nghìn người ai cũng ngậm ngùi, các chị khóc sướt mướt. Sổ tay tôi đặt trên mặt túi dết kê đầu gối mà không ghi được một chữ nào. Tôi đã nghe bao nhiêu chuyện kể khổ ở hội nghị, ở tổ rễ chuối, nhưng chưa khi nào nghe choáng váng ghê rợn đến thế. Ban ngày anh đi cày, tối tắm rửa sạch sẽ rồi vào giường cả đêm phải ngậm bòi thằng địa. Thằng địa bị bệnh tim la, mút đến nửa đêm cũng không hết được mủ tanh nhức óc. Cả hội trường ào ào đả đảo địa chủ... gian ác... đả đảo... Còn anh ấy nghẹn ngào nức lên không nói tiếp được nữa.

Thế nào mà anh ấy bị lây cái máu dê của thằng địa đến tận giờ. Cơm hội nghị có thịt bò thịt lợn, lại chắm chép, đâm rửng mỡ, lúc nào cũng cuồng lên, đâm hủ hoá lung tung. Ngồi trước mặt cô nào cũng hau háu mắt nhìn cái đũng quần. Anh ấy phải kiểm điểm mấy trận tơi bời đau đớn. Rồi bị thải hồi trả về cơ quan huyện. Cả mấy chị cũng phải đuổi về xã. Tôi không quan tâm đến họ, mà chỉ nghĩ: thì ra cái máu chó của thằng chó kia truyền sang mày, gớm cái giống chó má chết tiệt.

Tổng kết xong, các đội lại đi đợt mới. Cuộc ra quân rầm rộ có xếp hàng nghe mệnh lệnh xuất kích như chiến dịch thời kháng chiến. Đợt này, khu vực làm bao trùm cả Hải Dương, Kiến An, cải cách thẳng, không qua giảm tô. Nhiều huyện quanh Hải Phòng, ba năm trước, là vùng "hai trăm ngày", tàu hoả xuống qua ga Phú Thái đã vào sào huyệt địch còn lại, từ các nơi dồn về hàng nghìn người di cư cuối cùng chen nhau xuống tàu há mồm đi Nam.

Chúng tôi được đưa từ Thanh Hoá ra hỗ trợ chỗ khó. Công tác ở vùng rắc rối thế này chắc là lôi thôi đây. Nhưng mà ở Nông Cống trong kia, đội tôi đã được cờ thành tích đánh địch. Có thế, mới được ra đây. Tôi cũng chẳng áy náy sao. Làm gì rồi cũng làm được thôi, tôi đã làm hai đợt công tác, trải việc ngót một năm rồi.

Các đội ở hội nghị tổng kết ra, chia tay nhau giữa chợ huyện, đông thành mít tinh. Không đợi ô tô tải, không cần ô tô. Đội trưởng Cự đếm được đủ đầu chúng tôi mười hai người, thêm hai rễ mới vào cán bộ đội, rồi Cự bắc hai bàn tay làm loa, hét to: "Lập công ngay từ lúc xuất phát. Chúng ta tranh thủ đi luôn. ở dưới xã, nông dân đương nóng lòng đợi đội về".

Mọi người đứng xếp hàng đôi, lưng đeo ba lô. Chúng tôi vẫn được nguyên đội ở Thanh Hoá thành tổ học tập rồi đến bây giờ đi. Đội trưởng Cự bên bộ đội sang - nghe nói là đại đội trưởng, tính quyết đoán nóng như lửa, gắt gao kỷ luật với mọi người. Cái khăn mặt bông trắng được phát từ ngày ra tập kết ở Sầm Sơn, đã cáu xám xỉn, mặc dầu đội trưởng rửa mặt chỉ chùi bằng ống quần. Tuy vậy, cũng đã thuộc tính nhau, cứ lựa lúc người cứng thì ta mềm, dù sao cũng hơn phải đổi một đội lạ lẫm khác.

Thế là mười hai cái xe đạp, - hai đội viên mới không có xe, không biết đi bằng cách nào, tôi đạp xe lúc đường nhựa, lúc bờ đê, lù rù mò suốt đêm. Bóng tối có phần dịu. Đến lúc trăng lặn, nhấp nháy ánh sao đằng trước, tôi phanh khuy áo ngực, căng mắt dấn phăng phăng. Gần sáng, mắt như quáng gà. Đã sang đến đường 5, lổn nhổn dấu hầm hố của du kích đào đường. Có nơi còn lại cả mìn - nghe nói thế. Tôi buồn ngủ quá, hai lần đâm xuống hố. Không biết có phải vì tinh thần hăng hái đã làm nhãng ngay cái vất vả, xe với người chẳng xây xát gì cả. Chỉ sái một bên tay. Nhưng cũng nhờ đau mà đâm ra tỉnh ngủ đến sáng bạch.

Vừa sớm, lọt đọt kẻ trước người sau đến chỗ đoàn uỷ miền. Chưa ô tô tải đưa đội nào tới. Đội trưởng Cự khoái trí, quay ra giơ hai tay: "Chúng ta đến trước tất cả!"

Cơ quan đóng ở một ngôi đền bên trong đã san phẳng hết các bệ thờ. Hai bên tả hữu vu ngăn cót thành buồng. Tiếng máy chữ đổ rào rào như vẫn đập thế thâu đêm, văn phòng đoàn cũng tranh thủ làm như chúng tôi đã đi suốt sáng. Trong sân sau tường đền còn sót lại cây mộc mùi hoa sớm thanh khiết thơm thoang thoảng. Trước một gian phên bên kia che kín đáo, ngoài hiên đặt một dãy những giá gỗ tạp mới trên có thau men trắng vắt chiếc khăn mặt hoa. Chắc đoàn uỷ hay đoàn cố vấn ngủ trong ấy.

Một người nhỏ nhắn, bộ quần áo nâu non mới sáng sủa, mặt trắng trẻo đeo kính trắng như học sinh mắt cận thị. Người ấy đạp xe từ ngoài cổng vào.

“Bên Quỳnh Côi sang phải không?”

“Vâng, chúng tôi tranh thủ, không đợi xe.”

“Tinh thần lắm, hoan nghênh. Tôi thường trực đoàn uỷ đây. Chúng ta vào văn phòng làm việc ngay. Đội số mấy, đội trưởng đâu?”

Làm việc ngay, khẩn trương sao! Chỉ đôi ba câu đối đáp khét lẹt những công việc, lập tức ai cũng tan cơn ngủ, quên cả rửa mặt, không nhớ vừa ỳ ạch đi cả đêm. Một lúc sau, cuộc trao đổi công tác, giao nhiệm vụ đã xong. Thật thì chỉ có đội trưởng Cự hỏi đi hỏi lại, còn cả hơn mười người ngồi im, thỉnh thoảng ai dấm dớ hỏi một câu về cái xã sắp đến thì được trả lời mấy lần giống nhau "tài liệu đây, trong tài liệu có hết". Rồi người đoàn uỷ đứng dậy, xoa tay, nở nụ cười như thói quen cười nhạt nước ốc và xoa tay thế, nói lấy lệ: "Các đồng chí thông cả rồi chứ".

Chúng tôi đã ra ngoài sân đền.

“Tài liệu mang về xã thế là đã sắp sẵn đủ cả. Chúc công tác thắng lợi. Bắt tay cái nào!”

Mọi người lồm cồm dắt xe ra đường. Sắp nhảy lên yên, có tiếng đằng sau giật giọng:

“Này! Này!”

Quay lại, vẫn chỉ thấy người thường trực đoàn uỷ còn đứng đấy.

“Vào cả đây, vào đây.”

Tôi háu đói, đã tưởng ra niềm vui có lẽ được vào nghỉ và ăn sáng. Cả đội lại đứng thành bọn trước cái cót che cửa văn phòng lúc nãy. Người đoàn uỷ bước lên thềm, dõng dạc:

“Các đồng chí, bắt đầu từ hôm nay, đội đã vào cuộc đấu tranh công tác ba cùng. ở dưới xã, bà con nông dân khổ cực lắm. Chỉ bọn bóc lột mới có xe đạp, mới thảnh thơi ngồi mát bát vàng. Chúng ta về với nông dân không thể đồng sàng dị mộng. Không được đi xe đạp xuống xã.”

Cái ông đoàn uỷ mặt mày học trò bé loắt choắt mà hắc thế. Tôi chưa bị đoàn uỷ nào bắt không cho đi xe đạp xuống xã. Dễ chừng vùng địch tạm chiếm cũ lại làm cải cách không qua giảm tô thì phải khác cũng nên. Thế là mất cả tiếng đồng hồ, người tìm tước bẹ chuối, người ra chặt cây dướng bóc vỏ bện thừng. Mười hai cái xe đạp được trói gô lại thành một bó, khiêng vào trong đền, lênh khênh như đống xương trâu. Điều bất ngờ ấy, cả đội trưởng Cự cũng không tưởng ra trước được. Tuy nhiên, lúc ghé vào cõng lô xe, đội trưởng vẫn mặt đỏ gay hăm hở. Không hiểu đội trưởng nghĩ gì. Chỉ khoái hai anh rễ đội viên mới không phải chạy theo như cả đêm, tự dưng được đi cùng.

Qua chợ huyện, ai nấy đói lử. Nhưng bụng mình mình biết thế thôi. Trông vào cái chợ mùa đói, nháo nhào không biết đâu người ăn mày hay người mua bán. Sướng chưa, đội trưởng Cự bỗng nói: "Ta vào chợ kiếm cái ăn đã". Cả bọn đi hàng một từ tốn bước sau Cự. Dường như sợ đội trưởng thay đổi ý kiến, phải cố làm vẻ hiền lành thế. Chúng tôi đều quần áo nâu bàng bạc, dép râu, mũ lá, có người mặt bạc phếch như mới ốm dậy. Đội trưởng Cự thì lúc nào cũng phừng phừng, lúc nhếch mép cười, lúc cáu kỉnh, cũng thế.

Chợ sớm dần dần đông. Đương mùa khô kiệt, những mẹt cám bày la liệt khắp nơi. Lác đác, người đem trẻ con đi bán như quảy quả mít, một bên đứa trẻ ngồi nhấp nhỏm víu quang gánh, một bên tảng đất để cho cân. Chúng tôi, anh mặc lành anh mặc tã, dị dạng, người trong làng về chợ nhìn tránh ra chiều e dè. Đã hai năm, đoàn uỷ đóng ở cái đền này. Hàng chợ đã thấy nhiều cán bộ đi về, áo cánh, áo vét khác nhau, nhưng ai cũng biết đấy là những "anh đội" xuống xã hét ra lửa. Chẳng bận đến, người ta cũng ngại, lẩn đi, bước né bên đường. Đội trưởng Cự đột nhiên đứng lại: "Chúng ta ăn bánh đúc!" Cả bọn lập tức sà vào hàng bánh đúc ngô. Mụ hàng hớt hải sang bên các lều bán nộm chuối, đu đủ xanh, nước chè tươi mượn mấy mảnh tre mới đủ ghế khách ngồi.

Chợ đã nhiều người nhưng chợ sớm chưa ai lê la hàng quà. Bọn người lạ mà ai cũng đã biết là các anh đội, khiến những mụ ăn quà như mỏ khoét và cả đám ăn mày cũng không dám lảng vảng. Từng chiếc bánh ngô lưỡi mèo vàng hây, giữa rốn mỗi chiếc đặt mảnh cháy vàng rộm. Một bát đàn tương mặn chát. Có anh đội bưng hẳn bát tương lên để chấm và húp, khỏi phải cúi lom khom và ngồm ngoàm hay là có nuốt chửng cả cái không ai trông thấy. Anh đội cũng đói như mọi ai. Có người hỏi bâng quơ: "Bánh ngô chấm tương à? " Mụ hàng trả lời ngẩn ngơ như nói giữa trời: "Thời buổi khó khăn lắm, hạt vừng cũng là hạt vàng đấy".

Chẳng biết khó khăn thế nào, cái bánh ngô xay bùi bùi, ngọt ngọt, vả lại đương đói móp bụng.

Năm ấy, tôi ngót ba mươi. Từ tấm bé chỉ ở thành phố. Đến tuổi đi làm kiếm được chân giữ cửa trông kẻ cắp cho hiệu thịt bò "Sáp phăng giông" phố Tràng Tiền. Cách mạng thì vào tự vệ phố, đến lúc kháng chiến, không còn đội tự vệ nữa, nhưng tự cho mình đã là Việt Minh, tôi đi theo kháng chiến lên Việt Bắc. Những chuyện tôi đi được cũng là gian nan. Tản cư, vợ tôi và con gái mới ba tuổi chạy lên Nủa trên Sơn Tây. Tất cả trai tráng phố tôi ở lại vào tự vệ. Phố tôi bị Tây trong thành tràn ra vây phải dồn vào liên khu Một giữa thành phố. Ta điều đình được với Tây để cho người già, đàn bà và trẻ con được ra ngoài. Lối ra trên đê làng Yên Phụ. Có lãnh sự Anh và lãnh sự Tàu đứng trên chòi gỗ chứng kiến.

Tôi trốn đội tự vệ trà trộn trong đám người lố nhố ra. Trời lạnh, tôi chít sùm sụp cái khăn vuông mỏ quạ, giả làm bà già, đi qua ngay trước mặt các ông lãnh sự trong trạm kiểm soát nhòm ra. Tôi thoát được lên Nủa tìm vợ con. Hỏi thăm cả làng, cả cái chợ giời tản cư, về sau gặp người biết, đã bảo mẹ con cô ấy theo người ta vào Hà Nội rồi.

Tôi chẳng biết đi đâu, cũng không dám "dinh tê", sợ Tây đã biết tôi là tự vệ, tôi lần mò lên Thái Nguyên, rồi sang Tuyên Quang, lên thị xã Bắc Cạn, quanh quẩn ở những vùng đông người tản cư dưới xuôi lên. Cũng không có vốn mở hàng quán, tôi xin vào làm phát hành sách báo. Vào cơ quan bấy giờ dễ, cứ đến xin việc cũng được nhận ngay. Hàng ngày, mấy chục quang gánh báo Cứu Quốc và sách nhà Sự Thật quảy xuống khu Ba, khu Tư - như những đoàn người dưới đồng bằng thồ muối lên miền ngược. Không ai biết tôi trước kia làm loong toong, làm cu li giữ cửa và đã trốn tự vệ. Chỉ biết tôi là người trong Hà Nội ra có đôi ba chữ nên anh em cho giữ sổ sách văn phòng và kho. ở trong rừng, cơ quan chỉ có quyển sổ cái ghi các thứ trong kho, xà phòng, đường ta, quần áo khi nâu khi nhuộm thâm trên phát về.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ rồi Hà Nội được giải phóng, tôi trở lại thành phố.

Về đến Thái Nguyên cả cơ quan đàn ông đàn bà làm việc ở các cơ quan đều được may được phát quần áo một kiểu như nhau. Giày vải nâu, quần áo kaki xám nhạt. Và mọi người theo đúng điều lệnh tiếp quản: không về nhà, không mua bán, không ăn quà ngoài đường... Tối tối tôi vẫn lẩn đi chén phở. Không ai biết. Một hôm, được phép về nhà và ai có người quen được tới cơ quan thăm. Bố mẹ tôi mất đã lâu, tôi chỉ nhớ vợ con. Tôi hồi hộp về chỗ nhà cũ ở Tám Mái. Nhưng hàng xóm kể cho biết cô ấy đã lấy chồng làm cút lít cho Tây, tháng trước họ kéo nhau xuống Hải Phòng, vào Nam cả rồi.

Tôi như đuổi theo cái bóng. Cũng chẳng buồn, chẳng ngán ngẩm. Chỉ đôi lúc phảng phất nhớ mụn con gái mà thôi. Cái năm xa cách, nó mới ráo máu đầu, chẳng biết rồi nhớn nhao thế nào. Tôi bây giờ mà hoá ra quan trọng, tôi giữ ba sổ chi thu, - chẳng học nghề bao giờ cũng được lên chức kế toán trưởng. Năm sau, tôi lấy vợ. Cũng dễ ợt, cô ấy làm cấp dưỡng, theo cơ quan trên Thái về, chúng tôi biết nhau đã lâu. Rồi vợ tôi sinh một thằng con trai. Bấy giờ "phóng tay phát động quần chúng", công tác cải cách ruộng đất là quan trọng nhất. Mọi người công tác ở cơ quan, từ cấp dưỡng đến cán bộ chuyên có biết đồng ruộng hay không nhất loạt đều phải đi làm "thổ cải". Thế là tôi đi. Tôi đi công tác cải cách, cu Ngẩu nhà tôi đã được sáu tuổi.

Khi còn ở trên Việt Bắc mấy năm gần về Hà Nội, ai cũng đều đi làm giảm tô, có người giảm tô xong sang công tác cải cách. Tôi chẳng biết mặt mũi đồng ruộng bao giờ, tôi tìm cách lẩn. Bấy giờ không khó, bởi chỉ có mỗi mình tôi giữ sổ sách, không thể mỗi chốc đi đâu. Nhưng về thành phố thì chỉ còn trơ ra có tôi chưa được rèn luyện lập trường cách mạng ruộng đất. Ông giám đốc cũng chưa đi giảm tô, đi cải cách lần nào. Nhưng không ai dám nhắc ông ấy. Lại nói nịnh "bộ tư lệnh phải ở vị trí chỉ huy", bên trong thì ghé tai xì xào ông ấy sợ đứng dậy thì có người ngồi mất ghế. Chiều thứ bảy nào cũng họp kiểm điểm trong tuần, thủ trưởng lại đập bàn nói choang choác: "Giải phóng nông dân lao động khỏi ách địa chủ phong kiến, mọi người đều có nhiệm vụ tham gia...".

Tôi cũng khéo lèo lái, lẩn lút tránh được tới khi về Hà Nội vẫn chưa đi. Tưởng chiến thắng về Hà Nội giải phóng thế là đã hết mọi việc xóm làng, hoá ra vẫn còn. Không thể thoát, bấy giờ mới chỉ hết giảm tô, còn cải cách. Cơ quan đã đi cạn kiệt cả, lần này đích tôi có tên trong danh sách đi rồi không còn ngõ ngách nào lẩn nữa. Thế là phải đeo ba lô đạp xe đi. Tôi vào Thanh Hoá dự tổng kết các bước công tác của các đội vừa qua dưới xã. Lúc đầu tôi lo cứ rối tinh. Nhưng rồi cả tháng vừa nghe vừa hỏi thì cảm như mọi việc khuôn phép dần đâu vào đấy, công tác này cũng thế thôi. Còn gì khó hơn cái sổ sách kế toán, mình chẳng học mà cũng thành nghề cộng trừ nhân chia, thế ra đi cải cách không đáng sợ như những đứa đã đi về đồn thổi, doạ dẫm.

Mụ hàng bánh đúc chỉ đường cho chúng tôi về xã. áng chừng mươi cây số, hễ sắp hỏi thăm đã có người mách lối đi, như là ai cũng biết mình về đấy rồi. Cái ba lô trên lưng đã thấm đen mồ hôi, đoàn người nhấp nhô đi quá buổi trưa. Đội trưởng vẫn thoăn thoắt dẫn đầu cho nên không ai dám uể oải. Gió mát hây hây mà mồ hôi đổ ra dính lưng nham nháp. Mặt trời mờ mờ nghiêng trước mặt, người trên đê trỏ xuống cánh bãi bảo kia kìa, làng ấy đấy. Những khoanh tre xanh ngắt quây xóm làng ven con đê quai. Từng khúc dầm nước trong veo lác đác đám lá sen già đưa mùi thơm như rơm mới. Chắc xưa kia chỗ này vỡ đê hay dòng sông cũ còn lại hõm loáng thoáng thành những đầm nước. Giữa cánh đồng, một mỏm núi đá chơ vơ. Bên cạnh, còn trông thấy cái lô cốt xi măng tháp canh của bốt hương dũng.

Chúng tôi xuống, vào ngôi đền đầu thôn. Lại cái đền hoang, hai bên tường đổ trống huếch nhưng vẫn còn bệ gạch chưa ai ăn trộm. Đội trưởng Cự nhìn quanh, thấy người đi trên đê qua lại, chưa yên tâm đã được bảo mật. Cả bọn chui vào qua cái sân cỏ mọc lưng ống chân cho được kín đáo chặt chẽ. Những con chuột thấy động chạy rào rào vào hậu cung đã mất cả cánh cửa, ẩm ướt, tối om. Chúng tôi ngồi lại dưới mái hiên. Chỗ này, trên đê hay ngoài cửa không ai thấy. Kể ra cứ cẩn thận, chứ lúc ấy chưa chiều lắm, thế mà lúc nãy còn lác đác người bây giờ trên đê đã vắng ngắt.

Đội trưởng Cự kéo mấy cái ba lô, kê lên, trải ra tấm bản đồ xã vẽ kẻ bằng tay lúc sáng nhận ở đoàn uỷ. Chúng tôi xúm quanh, chăm chú. Cự nói một mạch:

“Một là, từ giờ phút này đội ta chịu trách nhiệm mọi mặt của xã. Xã đây ở vùng hai trăm ngày địch được đóng lại, địa chủ thì gian ác, tổ chức của địch để lại đã khéo lồng vào tổ chức ta, chúng nó đã làm giảm tô và cải cách giả. Công tác của chúng ta thật nặng nề. Hai là, xã có chín thôn, mỗi chúng ta phụ trách một thôn. Tôi đọc tên từng người đây. Tôi phụ trách chung và thôn Đìa với văn thư của đội, thôn Đìa cũng là trọng điểm, vì có nhà thằng bí thư chi bộ. Các đồng chí xem bản đồ rồi tự tìm đường về xóm. Không được hỏi han lung tung. Coi chừng tay sai địa chủ và tổ chức cũ sẽ đưa vào người nó bố trí sẵn. Kể từ bây giờ các đồng chí về vị trí chiến đấu dưới thôn cẩn thận cảnh giác không được liên lạc với tổ chức cũ, cứ chọn nhà thăm nghèo hỏi khổ, bắt rễ xâu chuỗi. Chiều thứ bảy, đúng giờ này - đội trưởng Cự cúi xem đồng hồ đeo tay, toàn đội về đây phản ảnh tình hình và duyệt rễ. Ba là, tuyệt đối bí mật, tuyệt đối bí mật.”

Tôi đói quá. Không biết có bệnh giun sán hay sao, hễ quá bữa thì bụng réo rong róc, mắt nảy đom đóm, hai bàn tay toát mồ hôi lạnh. Cứ từng cơn thế, người như lả dần.

Tôi duỗi chân đụng vào đít cái ba lô trước mặt để đặt bản đồ. Ngón chân hình như vướng vào mảnh lá chuối. Tôi lé con mắt dương hoa vàng mờ, cũng nhận ra cái lá chuối lòi ở góc mảnh bạt nắp ba lô. Bấm thấy mềm mềm. Tôi quờ tay. Ôi chao, tôi nhận ra cái lá bánh đúc ngô ở chợ. Tôi ngước mắt. Đội trưởng đương nói đến đoạn hăng, bắt đầu băm bổ bàn tay liên liến, hai con mắt trợn trừng như muốn bật ra. Tôi luồn tay dưới ba lô, thó luôn cả gói, bỏ nhẹm vào cái túi xách của tôi. Rồi lại vờ lơ láo nhìn mọi người. Ai nấy vẫn đăm đăm. Người hí hoáy ghi sổ tay. Người vừa chăm chú vừa thờ ơ nhìn đội trưởng. Người vẫn cắm cúi xem tờ bản đồ mở che kín trên mấy cái ba lô. Lúc ấy tôi mới bình tĩnh nhận ra thật cái ba lô ấy của đội trưởng Cự. Đúng rồi, ba lô bộ đội gờ nếp viền quai kỹ lưỡng, chắc chắn hơn những cái ba lô con cóc khâu túm mua ở cửa hàng bách hoá. Tôi sững sờ, nhưng rồi lại yên trí dần. Kỷ luật là ba cùng dưới xóm. Mà đội trưởng lại mua lén bánh đúc ở chợ. Bố bảo cũng không dám kêu mất. Và trông mọi người đương chăm chú thế kia thì chẳng ai nhìn thấy tôi vừa làm gì. Cho thằng đạo đức giả tối nay đói rã họng.

Mọi người đứng dậy, xốc ba lô lên vai. Hai anh đội cán bộ cơ sở ở xã lên, nách kẹp mo nang tài liệu, xắm nắm đi ngay. Họ háo hức như được về xã nhà. Mà họ tự nhiên như thế cũng chẳng lạ, chỉ có tôi mới phải lo lắng loăng quăng chẳng biết chốc nữa vào nhà ai, có bắt được trúng rễ không. Đội trưởng Cự một tay xua xua không biết là cản lại hay bảo đi, một tay nắm đấm, hô: "Vì giai cấp nông dân, quyết chiến quyết thắng". Tiếng đáp lại rập một cái: Quyết thắng! Quyết thắng! Tôi thấy đội trưởng xách ba lô lên, sờ vào mép. Rồi nắn lại lần nữa. Mất mẹ nó rồi. Nhưng mặt vẫn bừng bừng như lúc đương nói, không khác. Đội trưởng đến trước mặt tôi. Tôi khúm núm co người túm miệng túi xách sợ lộ cái lá chuối, rồi nghiêng người đeo quai ba lô lên vai. Không phải đội trưởng tò mò gì về tôi mà Cự đến bắt tay từng người. Tôi kẹp chặt cái túi trong có gói bánh đúc ăn trộm rồi mới giơ bàn tay ra.

Đội trưởng bảo:

“Đồng chí đợt này được trên cử làm đội phó phụ trách toà án, cố gắng nhé.”

Tôi nhẹ nhõm nắm tay Cự. Mỗi người vào các xóm một ngả. Chỉ có Đình rảo bước theo tôi. Tôi hỏi:

“Cậu về cùng lối với mình à?”

Lúc chỉ có hai ba người, chúng tôi thường cậu cậu tớ tớ - chỉ có mấy anh ở xã lên vẫn nghiêm túc "đồng chí" như khi họp. Riêng với đội trưởng tác phong quân sự thì không mấy khi dám cợt nhả, lúc nào cũng "đồng chí" cẩn thận.

Đình đáp:

“Mình phụ trách xóm Chuôm láng giềng cậu. Về Chuôm đi xuống lối bờ đầm đằng kia gần hơn.”

“Thế sao lại đi lối này?”

Đình cười hếch cái mũi đỏ.

“Đi vài bước, cho nó vui mà.”

Tôi ừ hữ nhạt nhẽo. Đình ghé tai tôi, nói nho nhỏ:

“Này chia cho tớ bánh đúc với. Ông anh nhanh tay quá đấy. Tớ nhìn thấy trước đằng ấy cơ.”

Tôi ơ mặt như đứa ăn cắp bị bắt tại trận - mà thật thế, còn như nỗi gì. Gói bánh có bốn chiếc, tôi lẳng lặng lấy ra đưa Đình hai cái. Nhìn theo hút lúc ấy đội trưởng Cụ đã khuất vào bờ tre. Bỏ bánh lên túi ba lô rồi Đình cũng tất tả về phía ấy. Ôi trời, nó đi báo cáo thì toi mạng! Nhưng tôi lại dửng dưng ngay. Nó nói ra thì nó mất bánh. Mà đội trưởng đã định ăn vụng, đội trưởng trù cho thì cũng chết dở.

Tôi lững thững vào thôn Am. Đi bắt rễ khác nào đi câu. Còn chưa tối, mới chạng vạng mà trước mặt, sau lưng vắng tanh. Chiều chiều thông thường lúc này cổng đồng có người đi làm về, những con trâu bước thong dong, đàn vịt rúc bờ ruộng chân tre, trẻ con đương vác sào ra dồn về. Thế mà đường vào xóm quạnh quẽ, tưởng như không cả con chuồn chuồn chập chờn, con nhện nước loăng quăng. ít ngày sau, tôi mới được biết cả mấy thôn này đã được biết tin đội về từ lúc đội còn ngồi ăn bánh đúc trên chợ huyện. Thế là gà qué, chó má, trâu bò người ta tất tả nhốt chặt. Cả người cũng không ai dám ló mặt ra ngõ.

Có thể nhận biết một làng mới thoát khỏi vùng tề tiêu điều khác hẳn các làng hậu phương um tùm cây cối xanh mát trong Thanh Hoá. ở đây, cây đa, cây si ngã ba xóm, những luỹ tre và bờ bụi bị phạt trơ ra như những cái đầu trọc lông lốc. Đồn bốt Tây bắt triệt thế cho du kích mất chỗ ẩn nấp, đêm đến cả các chòi gác bốt hương dũng giữa làng rọi đèn pha phía nào cũng được.

Tôi nhòm ngó một vòng xuống cuối xóm rồi quay lại. Cả đến những giậu ô rô, giậu duối và bờ xương rồng cũng xơ xác như tóc cạo dối chẳng còn mấy. Trên những mái rạ mục đen sẫm không vẩn vơ một sợi khói bếp. Các cổng tán, cánh liếp mở há ngoác mồm. Tôi không biết người ta cốt làm thế để đội về khỏi nghi giấu giếm cái gì trong nhà.

Tôi toan cứ vào bừa một nhà nào nghỉ ngơi cái đã. Nhà ấy không dựa được thì mai đổi đi nhà khác. Tôi đã mấy đợt qua cái bỡ ngỡ lần đầu tiên ngày đầu đi bắt rễ rồi. Chợt trông thấy sau mấy cây duối quăn queo một người đàn ông cởi trần gầy nhom, quần xắn móng heo. Người ấy vừa đi vừa quay mặt vào trong cái sân đất, như nói với ai trong ấy: "Ông đã chặt cổ cả thằng Tây, ông đếch sợ anh đội". Ngẩng lên thấy tôi, người ấy thoáng bối rối rồi nhìn trân trân: "A anh đội! Mời anh đội vào nhà em xơi bát nước!" Cái mặt người này dại dại, mắt trơ tráo, không biết nó dở người hay nó là thằng địch trắng trợn ra đặt bẫy. Giả vờ thế nào được với tôi, tôi không đáp. Tôi đâm cảnh giác, không dám vào bừa nhà ai như đã định thế, rồi cứ lúng túng, vẩn vơ...

Một quãng, gặp một đống rạ. Trong kia, thoáng bóng người quần nâu bạc đã tuông cả gấu, leo khoeo rút rơm. Tôi khấp khểnh lẩm nhẩm: đây rồi... đây rồi... rễ đây chứ rễ đâu... Tôi xăm xăm tạt vào. Người đàn ông đứng lại dưới mái rạ, hai tay luống cuống như vụng trộm thế nào. Khuôn mặt rỗ hoa xám nhợt đã luống tuổi. Người ấy phờ phạc ngẩng lên:

“Lạy anh đội...”

Gian nhà lợp rạ nát xám xịt như mặt người ấy. Tôi bước vào. Còn mấy người trong nhà, chốc mới nhận ra dần dần. Một người đàn bà ngồi xổm trong xó luồn, tay chống lên mảnh gỗ con. Một chú nhóc đóng khố một cởi trần đứng tựa cột. ở chái bếp bước vào một cô gái áo nâu lành lặn. Có lẽ có người lạ vào, cái áo vừa được mặc vội, một chiếc khuy đỏ chưa cài hở mảnh đuôi yếm cũn cỡn.

“Anh đội vào chơi. Nhà chẳng có chỗ nào ra hồn...”

Tôi ngồi xuống một mảnh vầu úp và nói:

“Tôi tên là Bối. Cả nhà cứ gọi tôi là Bối, anh Bối.”

Rồi trong bụng thoải mái yên chí chưa thăm nghèo hỏi khổ mà đã trúng phóc ngay. Tôi lại nói:

“Tôi là cán bộ đội về công tác. Ta đây là xóm Am, phải không?”

“Vâng ạ, xóm Am.”

Cô gái lại vào trong bếp lấy ra một cái bát đàn. Nhưng không có nước. Cô bối rối đứng. Bố cô rụt rè nói: "Nhà chẳng có hạt nụ vối, chẳng còn nồi chè xanh nào". Tôi cười: "Vẫn uống nước mưa ngoài vại chứ gì. Vẽ, tôi cũng thế". Nói rồi tôi cầm chiếc bát ở tay cô gái ra cái vại bên gốc cau có buộc cái mo cau hứng nước mưa. Tôi múc đầy bát nước, bưng vào, ừng ực làm một hơi hết tiệt. Quả là tôi đương khát se họng. Và mấy lâu nay ở với làng xóm tôi cũng quen ăn uống lôm lam, sống xít. Quả nhiên, chỉ cạn bát nước lã tôi lại cảm thấy công tác ba cùng đã đưa tôi gần gũi mọi người rồi. Đã chiều hẳn, phía bờ đầm nước, đôi chim chích choè bay rỡn nhau hót những tiếng dài ngắn gọi bạn vào hoàng hôn. Trong nhà nhoè nhoẹt xâm xẩm, chỉ còn thấy khuôn mặt cô gái trăng trắng.

Tôi đã thuộc mọi người. Bố tên là Diệc. Mẹ bị tàn tật ngồi trong vách đấy. Con gái là cô Đơm và mấy em, những thằng Vó, cái Lưới, thằng Cò... Nhà cò nhà diệc, những ao ước cầu mong hàng ngày đơm đó sông nước chỉ có vậy. Nghèo đến thế chứ nghèo sao nữa, những cái tên cũng đã khiến tôi gối đầu ngủ yên được. Chưa trông rõ hết, cũng đoán ra cái nhà tranh vách tuềnh toàng ẩm mùi rêu đất, đằng cuối sân, một chiếc hũ sứt hay cái chĩnh đội chiếc nón mê. Người đi làm đồng về được con cáy, cái tép thì ném vào cái hũ đã trộn lưng muối, vài tháng lại chắt ra làm cái mắm, thức chấm. Người ta đương tìm đây rồi. Thật cũng có may có rủi.

Tôi bắt đầu mở bài lục vấn con số:

“Nhà ta cấy bao nhiêu?”

“Chưa được hai miếng ạ.”

“Ruộng nhà a?”

“Thưa, cấy giẽ thôi.”

Tôi nghĩ sắp đặt ngay: "Bố với con, thế là nhà này đã được một rễ, một chuỗi. Bố làm trưởng thôn, con thì tổ trưởng dân quân. Hay!". Trong nhà đã tối om. Một thằng cu vào bếp thổi đống trấu châm một que đóm. Phao đèn hoa kỳ không bóng sáng lung lay chẳng khác sợi lửa đóm. Tôi hỏi:

“Nhà chưa cơm chiều à?”

“Có... có... chưa, chưa...”

“Chưa thì cho tôi ăn với. Tôi có phiếu gạo đây. Mai cô Đơm đem lên đong gạo cửa hàng trên huyện.”

Người ta ở đâu dường như cũng đã biết lề lối đội cải cách đến thì ăn, thì ở ra sao. Những đồn thổi, những tiếu lâm, bao nhiêu chuyện buồn cười và chuyện rùng rợn về những anh đội. Năm trước, khi còn cái bốt hương dũng tề nguỵ lù lù giữa làng, thế mà những chuyện giảm tô, cải cách đã bay từ ngoài kia vào. Có người tò mò lẻn đi xem đấu địa chủ tận "hậu phương" bên kia sông. Nhiều nhà khá giả sợ xanh mắt, đã xuống Hải Phòng đi Nam. Người ở lại cũng mỗi người nói một khác, người ngóng đợi, người lo vu vơ.

“Cũng sẵn rồi nhưng cơm chẳng ra cơm đâu, mời anh đội ăn tạm.”

Cô Đơm bưng bày xuống mặt đất giữa nhà, lần lượt một nồi cơm, một cái chảo trông nhờ nhờ như muối. Đơm xới một bát cơm, gắp ra mấy cọng rau sam đặt lên bát rồi đem vào xó nhà cho mẹ ngồi bốc ăn trong ấy.

Tôi hỏi vui:

“Cơm trộn kê hay sao mà vàng ngon thế?”

“Vâng. Cám đấy ạ.”

Rồi bác Diệc nhẩn nha kể: "Cả vùng này mùa vừa rồi nhốn nháo vì người các nơi qua lại đổ xuống Hải Phòng. Các cụ đạo vào tận đây rủ người đi, chả dưới xóm Đìa có người theo đạo mà. Ai đi đâu thì đi, chỉ chết con nhà nông chúng tôi đi hay không thì cũng rối tinh lên chẳng cấy hái ra gì. Của ăn được thì còn chơi vơi ngoài đồng, không biết rồi nhặt nhạnh thế nào, bây giờ may lắm còn moi móc ra cái cám ăn cứu người".

Hồi dự tổng kết trong Thanh rồi tôi về huyện Thiệu Hoá thực tập, ở nhà rễ, ngày hai bữa ăn toàn cám, bấy giờ được ăn cám còn phúc bảy mươi đời. Thanh Hoá đã kiệt lực, đói to. Cả một vùng các huyện trên xưa nay ỷ vào nước đập Bái Thượng chỉ quen làm một vụ lúa, không biết làm màu. Máy bay Pháp bỏ bom phá vỡ đập Bái Thượng. Người ta nói cái thằng Pháp chỉ đánh bom dấn một năm nữa thì cả tỉnh chết đói hết. Ngoài chợ tỉnh cũng bày bán trẻ con nhan nhản như bán chó. Tôi dự một cuộc đấu địa chủ. Có người rễ bị đói đã lâu quá, đứng lảo đảo, hét một tiếng rồi lăn ra chết. Những đơn vị trong Nam tập kết đóng quân dọc sông Mã. May được các chiến sĩ khu Năm đem ra kinh nghiệm và giúp dân trồng rau khoai, rau muống chống đói. Các mảnh vườn, các cánh ruộng khô nẻ được cuốc lên, đánh luống. Chỉ hơn một tháng, đã được hái lá ăn. Rau muống luộc, rau lang rau muống phơi làm lương khô và muối dưa, nấu lẫn cám nuốt tạm đợi mùa.

Tôi còn đem ra đây cái nhớ khủng khiếp về những bữa ăn cám. Có đến cả phiên, mấy phiên chợ không đi ỉa được. Mình mẩy ngứa nổi mẩn da cóc. Suốt đêm bứt rứt rôm cắn, không tài nào chợp mắt. Sợ quá, phải về bệnh viện tỉnh định xin thụt. Xuống đến chợ Rừng Thông, người ta mách ăn đu đủ xanh cũng rửa ruột được. Thế mà hiệu nghiệm có lẽ như thụt. Bây giờ cơm lẫn cám chắc ăn đỡ táo hơn dạo ấy. Cũng chưa biết thế nào, chỉ thấy từ ngày bị trận táo bón tắc ruột, bụng tôi như chắc lại, thỉnh thoảng mới phải tào tháo đuổi. Mà tối nay cũng chỉ nhấm nháp qua loa. Còn hai cái bánh đúc trong túi cơ mà.

Tôi ngồi xổm, cầm bát, định lùa luôn mấy đũa. Nhưng miếng cơm cám nguội ngắt, rắn như vôi vữa. Rồi từ từ nhai, tôi cũng tọng được hết bát rồi kiếu là đã ăn trên chợ huyện còn lửng bụng.

Một nhoáng, cả nhà đã xong bữa.

Giữa nhà, tôi và bác Diệc ngồi bên ánh đèn lom đom, mà tôi đoán nếu không có tôi, mọi người chỉ ngồi trong bóng tối. Người đàn bà què đã nằm im lẫn vào đất. Tiếng dế ti tỉ buồn như chấu cắn, như kèn đám ma.

Dần dà, tôi được biết bác Diệc năm nay bốn mươi mốt. Cả đời chỉ quanh quẩn trong làng chưa khi nào bước chân lên con đường cái Tây bên kia sông. Phải năm trời làm bệnh tả, bố mẹ chết cả. Còn trơ trụi có Diệc. Rồi bệnh đậu mùa để lại cho bác Diệc những lỗ chỗ vết rỗ hoa khắp mặt. Lăn lóc nhà này qua nhà khác. Diệc không thể nhớ được thuở tấm bé đứa trẻ chỉ biết gào khóc đòi ăn thì thế nào, nhưng đến khi biết đi biết chạy, cũng là lúc làm quen với cái thừng con trâu, cái liềm cắt cỏ, chiếc đòn gánh quảy nước rồi chẳng bao lâu đã thông thạo mọi việc đồng áng. Những trận đi làm thuê bị đòn đánh và cái đói, cái khổ nhục tháng ngày, làm sao nhớ được bao nhiêu khiêng. Tôi còn muốn hỏi Diệc lấy vợ bao giờ, tại sao vợ lại ốm đau thế. Nhưng chưa biết lựa lời thế nào.

Bác Diệc nói:

“Anh đội đi cả ngày, nhọc rồi. Đi ngủ thôi.”

Quả là hai mắt tôi đã cứng đơ. Tai nghe câu chẳng câu chuộc. Chốc chốc, ngật cổ một cái, lại choàng tỉnh.

“Ừ, ừ...”

“Anh đội nằm ở cái chõng kia. Chõng vẫn bỏ không, thỉnh thoảng mới đem ra ngồi hóng mát ngoài sân. Cả nhà tôi nằm đất đã quen, mùa rét thì lót lá chuối khô, ấm lắm.”

Cũng chẳng phải đợi chủ nhà giục lần nữa, tôi nói: "Tắt đèn nhé" - đốm đèn tắt phụt. Tôi ngả lưng xuống chõng, gối đầu lên ba lô. Thèm ngủ thế, nhưng vẫn nhớ trong túi dết có gói bánh đúc. Cái mảnh lá chuối rơi tuột đâu đấy, tôi ngoạm như nuốt chửng vừa hết bay hai cái bánh ngô thì cũng thiếp đi luôn.

Hôm sau, tôi thức dậy, trong nhà im phăng phắc. Cái chống liếp cửa trước đã được dựng lên từ bao giờ. Cả trong gian nhà cũng sáng bạch. Sau cái cột tre, người đàn bà ngồi yên thế như từ hôm qua tới giờ - hai bàn tay ếch đặt lên hai mảnh gỗ. Con mắt ngước trắng dã như miếng mảnh sành.

Tôi hỏi:

“Cả nhà đi làm rồi a?”

Cái bóng rũ rượi im lìm. Người tàn tật này có lẽ còn mắc các chứng câm điếc và thong manh nữa. Tôi xếp cái ba lô vào góc chõng rồi bước ra cổng. Đường xóm buổi sáng không đến nỗi vắng tanh như chiều hôm qua. Ngoài đồng, lúi húi người cào cỏ. Đuôi lúa con gái ngậm đòng rập rờn phe phảy mơn man trong làn gió nhẹ như sắp trông thấy hạt thóc mẩy về đuổi đi bát cám trộn. Một đám trẻ con trần truồng mình mẩy lấm như trâu đằm đứng rụi mắt nhìn tôi lững thững qua.

Vào liền mấy nhà đều im ắng như nhà hoang. Tôi đã biết một làng bình thường chẳng mấy khi có người ở nhà buổi sáng. Ai cũng còn đi moi móc đào bới, đơm đó lấy cái ăn. Nhất là các xóm trong ngoài luỹ tre phờ phạc, bên những chân tre còn sót lại, trồi ra những mái rạ như cây rơm, như chuồng trâu khác các chòm nhà giữa làng. Những nhà có máu mặt tụ hội ở xóm trong, xóm giữa, dần dà mới thêm ra xóm trẽ, xóm đồng, xóm bãi. Ngày trước hẳn đây là cổng đồng rồi người trong làng nhà đông san ra ở, người bơ vơ ở đâu tới ngụ cư lập nên xóm đuôi xóm trại. Xóm này chắc cũng mới thành nơi ăn chốn ở vài mươi năm nay, nhiều chỗ nền nhà chưa hoàn thổ, đất tảng mốc rêu. Những vườn xoan cây chỉ nhỉnh cao bằng sào nứa.

Tôi lại qua bụi cây duối rậm rịt buông xuống những nạm dây tơ hồng vàng rượi. Cái thằng quần xắn móng lợn vẫn như hôm qua. Chòm râu quai nón lủa tủa. Như nó vẫn đứng đấy rình tôi.

“Chào anh đội, đêm qua anh đội đã bắt được rễ, yên chí rồi thì hôm nay vào nhà em được chứ? Anh xâu chuỗi em đi. Đố anh tìm được thằng chuỗi nào hơn em. Hôm qua mà anh vào nhà em thì em đã được là rễ rồi, rễ cái chứ chẳng chơi, nói thật đấy.”

Tôi lặng lẽ theo hắn. Không để tâm những câu nói lẩn thẩn, lảm nhảm. Không phải nó say rượu, cũng không phải nó dở người, vẻ nó táo tợn nhưng nói khôn như người ta. Có thể nghe nó mà biết tình hình, mà kiểm tra, được việc cũng nên. Nhà này còn tồi tàn hơn nhà Diệc. Ba phía vách tuông ra, huếch hoác, lá khoai non xanh mát mắt phủ kín, dây bìm leo chằng chịt lên cả cột nhà như cái cọc tre. Một người đàn bà lúi húi trong bếp đương sàng sảy cái gì không biết. Tiếng lạt xạt khe khẽ như gà con bới đống dấm ủ bếp.

“Anh ngồi xuống. Nhà tôi ngồi chỗ nào cũng như nhau. Tôi là tiên chỉ cái làng này, tiên chỉ bần cố ấy chứ chẳng vừa đâu. Nhưng mà tôi không kể khổ với anh. Tôi chán ngấy cái khổ, cái kể khổ rồi. Tôi nói với đội việc khác.

"Lúc kháng chiến ấy mà. ở trong này tôi là du kích tập trung huyện. Tôi không báo công đâu, công tôi thì không đếm xuể, mà công bao nhiêu cũng hoá công cốc rồi. Tôi chỉ kể những chuyện ai oán thân tôi. Đêm ấy thình lình tôi lẻn về cái nhà này. Tôi nhòm liếp, đèn còn sáng, thằng xếp bốt hương dũng đương nằm với vợ tôi đúng chỗ cái cột này. Con vợ tôi kia, cái đứa làm chứng sống còn đấy. Tôi xông vào. Cũng ghê lắm. Thằng xếp bốt cứ trần truồng lăn xả vào tôi. Tôi mà không ghì lại nổi, nó chỉ lùi được mấy bước quơ được súng thì tôi ăn băng đạn tôi chết toi rồi. Nhưng tôi cũng bị nó quật mấy hòn gạch tưởng vỡ đầu. Bây giờ phải khi giở giời đầu tôi cứ buốt từ óc xuống xương sống. Thằng bệnh viện huyện bảo tôi đứt mất một dây thần kinh. Thì điên à? Đứa nào bảo ông điên? Ông điên mà ông nhớ được chuyện cổ tích a, nhớ được công lao kháng chiến của ông a?"

Người đàn bà trong bếp nghe láng máng tiếng người trên nhà cũng thò đầu lên như hóng chuyện. Cái mặt mụ nhăn nheo xém ngoét, miệng há hốc trơ ra lợi hàm dưới đỏ hỏn, đã mất hết răng. Như là nghe nói ai ở đâu chứ không phải chuyện về cái thằng xếp bốt năm ấy ngủ với mụ ta. Dáng ngơ ngơ, mụ ấy mới lẩn thẩn.

"Bấy giờ tôi khoẻ như ông hùm ấy chứ. Tôi lôi thằng dê xồm ra chỗ gốc duối kia. Tôi hoa mã tấu lên. Cái đầu nó nhảy nhốp nhốp dưới đất như con cóc phun nước. Tôi xách cái đầu lâu nó về huyện đội. ấy thế mà rồi sau tôi xin huân chương, chúng nó bảo tôi báo thù thằng ngủ với vợ chứ không phải là thành tích. Báo thù thì tao phải beng cổ cả vợ tao chứ, có phải không mẹ mày?".

Người đàn bà quay mặt vào, không ừ hữ một câu. Lại nghe tiếng sảy hạt tấm hay mày ngô rào rào như mưa thưa. "Anh đội tính cho tôi thế nào? Công tôi to chứ, phải không?"

Tôi ậm ừ.

“Được rồi.”

“Ối, anh đã bảo được đấy nhé. Làm giấy cam đoan đi rồi cho tôi làm trưởng thôn, phế thằng tư Nhỡ đi. Tôi sẽ vạch cho đội lôi ra hàng đàn địa chủ. Cứ tính đứa nào có ruộng thì ghi tên nó là thằng địa, nhiều ít mặc kệ, có ruộng có đất chẳng là thằng địa thì là con hùm ăn thịt người à, có phải không anh đội?”

“Được, để đội xét.”

“Cái gì cũng bảo để xét, trên huyện cũng nói để xét, rồi mất hút con mẹ hàng lươn. Để xét thì ăn mẹ gì! Thôi, mời anh cút, cút đi.”

“Nóng tính thế. Tên là gì?”

“Anh là Tây đồn hỏi lục vấn tao để bắt bỏ tù à?”

“Không phải. Tây nó về nước Tây rồi, đội hỏi để biết.”

“Thế thì báo cáo đội tôi là bần cố, tên tôi là bần cố Vách. Cả hàng huyện này ai cũng biết Vách đồ tể. Ngày trước mổ Tây, bây giờ mổ lợn. Hôm nào được con lợn có lòng ngon anh đội đến đánh chén sớm nhé. Không, không được. Đội đương còn phải ăn cháo cám với dân kia mà. Cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm. Cùng hai thứ thôi chứ, đừng cùng ngủ với con cái Đơm nhé. Khớ! Khớ!”

Vách rụt cổ cười rũ rĩ. Về nhà, tôi hỏi bác Diệc:

“Cái thằng Vách ấy là thế nào?”

“Trước kia nó là du kích huyện, Tây bắt được, bị đem rập đầu vào tường một ngày rồi sau đâm ra lẩn thẩn. Nhưng nó mổ lợn thuê khéo lại nhanh mà cũng lắm lúc nói khôn đáo để.”

Có hôm tôi hỏi thì cô Đơm lại nói khác:

“Chú Vách đi du kích thoát ly, nửa đêm về bắt được ông xếp bốt hương Dũng nằm với thím ấy, chú ấy dong xếp bốt ra đem trôi sông, từ đấy bị cái ma oán đâm ra dở người.”

Buổi trưa, Đơm đi đâu chưa về. Ban ngày tôi mới trông rõ bát cơm màu vàng cám, lổ đổ vài hạt gạo còn sống nhăn. Tôi lại sợ tắc ruột, chỉ và nhếu nháo mấy miếng rồi ra ngoài vại chiêu bát nước lã. Tôi bảo bác Diệc:

“Sáng nay làm gì?”

“Chẳng làm gì cả.”

“Mai có đi làm rủ tôi với.”

“Tôi đi cả buổi, nhưng anh... anh ở nhà...”

“Tại sao, đi cả buổi mà?”

“Đi đào lỗ rắn thôi, anh không làm được, không, anh không được làm. Mùa này rắn bắt đầu vào ngủ hang. Đi bắt vài con về làm thức ăn.”

Cái đòi đi cùng làm của tôi chết ngấm. Bắt rắn! Tôi sợ rợn gai người. Tôi im lặng không nói gì nữa. Bác Diệc cười gượng, rồi chép miệng:

“Nhà có khách mà chẳng có gì ăn. Thằng bé đi câu ếch ngoài ruộng cũng về không. Mai ba bố con đi bắt rắn, bắt chuột. Cũng là còn sớm chưa có hạt lúa chưa chắc chuột nhà đã ra ở đồng. Nhưng mà trông anh...”

Không thấy rủ tôi đi bắt chuột, tôi nhẹ người. Tôi hỏi:

“Đồng áng thế nào mà hết rắn lại chuột...”

“Tháng ba ngày tám, chỉ còn ngồi trông ngọn lúa. Thỉnh thoảng cào cỏ. Nhà tôi có mỗi miếng ruộng, quơ nửa buổi đã sạch trơn. Chẳng đào đâu ra việc cả.”

Bác Diệc lại hoe hoe cười như không:

“Trông anh nhai cám tôi ái ngại lắm.”

Tôi ngượng, kiến bò rần rần trên mặt.

“Tạng tôi cơm nước thế nào cũng đểnh đoảng vậy thôi.”

“Hay là mai đi với tôi. Anh đứng trông rọ thôi. Tôi đã thấy một hang đất đùn, không phải vết lườn bụng rắn, chân chuột nhìn rõ ghê.”

Tôi chối khéo:

“Sáng mai tôi phải lên hội ý đội.”

Rồi tránh quanh quẩn rắn với chuột, tôi sang việc khác:

“Nhà nào có bát ăn nhất thôn này?”

“Nhà trưởng thôn tư Nhỡ.”

“Chỗ nào?”

“Bên kia cái ao có mấy cây dừa.”

Tôi toan giở ngón lười, vặn vẹo thêm bác Diệc mấy câu nữa để lấy con số. Nhưng lại nghĩ: Bước một của ta thế là thắng lợi trông thấy rồi, mai đi báo cáo thì ta nhất đội chứ ai. Nhưng cứ điều tra tình hình tường tận mọi mặt rộng ra, chẳng mất gì. Mấy lỵ chịu khó bây giờ, bước hai sẽ được thong thả.

Nghĩ thế, tôi đi đến nhà trưởng thôn tư Nhỡ. Diệc đứng dậy, nói: "Anh đừng..." rồi không nói thêm.

Tôi cũng chẳng để ý, bước ra ngõ.

Những cây dừa xanh om bên kia ao tôi đã trông thấy từ chiều hôm trước, nhưng không biết đằng sau vườn dừa còn có nhà. Vào quá mép bờ nước, trước mặt trải ra một con đường lát ba hàng gạch nghiêng, đi phía ngoài không nhìn thấy. Hai bờ giậu, hàng dâu xanh mướt. Những cây dừa lửa mùa này lúc lỉu chùm quả vàng xẫm. Trong kia, như trổ vào giữa luỹ tre, một chiếc cổng tán buông kín khít giữa hai cột tre đực, trên nóc cổng tán lòng vòng mấy hàng chông dây thép gai. Cái cổng ngõ chống cướp chống càn của thời nhiễu nhương vừa qua. Bên trong, ẩn một ngôi nhà ngói mái phủ trĩu rêu xanh xẫm, hai đầu mái nhô đầu chuôi vồ ngất nghểu.

Đàn chó xông ra sủa râm ran. Nhưng không phải chó dữ, chỉ là mấy con chó giữ nhà đánh tiếng. Một ông lão áo cánh năm thân nhuộm vỏ dà, bộ râu dài đen mướt như tóc buông. Hai con mắt còn nhưng nháu thế kia, tôi đoán không thể lão đã lên ngôi cụ mà lão chỉ là người chơi nuôi râu. Ông ta cúi, rút chốt nhấc cổng tán, suỵt đuổi những con vện, con vá lốc nhốc chạy quay vào dưới nhà ngang.

“Mời anh đội vào chơi.”

Trên một bên cánh cửa treo tấm gỗ mộc ở giữa sơn đen một dòng chữ to: Hutte cent ans [2] . Tôi đánh vần bập bõm, nhưng không biết nghĩa. Trong nhà, đúng kiểu cách nếp nhà phong lưu đồng quê, phản gỗ mít, giường thờ hương án sơn then, đôi giải y môn màu hoa hiên đã úa.

Chủ và khách ngồi bên chiếc tràng kỷ mây đan, giữa bàn đặt một bát điếu mộc và cái ấm rỏ. Chủ rót mời chén tống nước chè nụ âm ấm.

“Bác là bác tư Nhỡ trưởng thôn?”

“Thưa, tôi là tư Nhỡ. Còn trưởng thôn thì tuỳ đội bây giờ thương để cho thì được.”

“Nhà ta đi vắng cả?”

“Mẹ nó, với các cháu lên chợ huyện. Chả ngoài vườn có buồng chuối, buồng cau đem bán, nhân thể mua mắm muối. ấy làng xa chợ vất vả thế, mỗi việc đi mất cả buổi. Thế anh đội về ở nhà ai?”

“Nhà bác Diệc.”

“À, nhà Diệc...”

“Nhà ta năm nay...”

“Cảm ơn anh thăm nghèo hỏi khổ. Tôi xin kể sự tích tôi về cái xóm Am này cho anh nghe. Năm trước, tôi học trên huyện. Thời Tây, trên huyện mới có trường mà. Rồi bố mẹ tôi mất cả. Tôi phải bỏ học về trông nom cửa nhà. Nhà tôi độc đinh, tôi là con một. Ruộng nương có một ít, lại xâm canh bên kia sông.”

“Sao con cả lại là tư?”

Tư Nhỡ vuốt râu, cười:

“Ấy, tư là tư văn. Mua cái tư văn, được ra văn chỉ điếu đóm các cụ, khỏi bị xách nhiễu phu phen tạp dịch.”

“Bao nhiêu tuổi thì được vào tư văn?”

“Không lệ tuổi, chỉ biện mâm xôi con gà với khoản tiền khoán. Tôi năm nay ngoài ba mươi.”

“Ba mươi bao nhiêu?”

“Ba mươi tư ạ.”

“Thế mà để râu dài đến rốn!”

“Ấy bộ râu cũng có sự tích bộ râu ạ. Quê chúng tôi gọi râu này là râu chống càn. Chả là mỗi lần Tây các bốt quanh vùng kéo qua đây, khi lấy phu vác đạn, khuân đồ, khi bắt lính, bắt người đẩy ra đường 5 đi trước hứng mìn. Râu tôi dài thế này, già nua thế này, tôi lại chỉ lên biển có hàng chữ Tây "Cái lều một trăm năm" kia, thế là chúng nó cười hố hố, xuống lục trứng chuồng gà, ra vườn đẵn chuối, lấy đu đủ rồi cút. Lần nào tôi cũng thoát, anh ạ.”

“Bây giờ thì cắt râu được rồi.”

“Dạ.”

Tôi ngồi một lúc, không còn gì hỏi nữa, đứng dậy. Tính nhẩm đã vào các nhà trong xóm, mấy người... mấy người... Tối nay họp rễ chuỗi, chiều mai ra sân đền họp đội. Nhất định mình bơi loại một, thoạt đầu đã trúng rễ, lại chuỗi, mấy chuỗi. Có thể cả tư Nhỡ, ruộng vài ba miếng, lại xâm canh đồng làng khác thì chưa phải địa, phú mà lại có tinh thần chống càn. Nhưng mà trưởng thôn, lúc nãy quên mất chưa tuyên bố cắt chức trưởng thôn Tư Nhỡ, vì tổ chức cũ phải giải tán, có cử lại anh ta thì cũng là tổ chức mới. Sắp sẵn người khác, hay là Vách, Vách khùng có được không, còn Đơm thì đội du kích rồi... Trông Đơm lam lũ, rách rưới, nhưng cái vai, cái lưng mây mẩy và hai con mắt thì ngon như củ khoai lùi ăn được. Chạnh lòng nhớ cái câu trắng trợn của thằng Vách nói "ba cùng nhưng không được cùng ngủ với con Đơm". Là đùa, cũng là thật, thằng khùng mà ma xó.

Về đến nhà bác Diệc. Cũng như chiều hôm trước Đơm đương lúi húi trong bếp. ở góc buồng ngoài, hai con mắt trắng rợn của người tàn tật nhìn lên. Đơm ra rút rạ.

“Anh đã về.”

“Trưa nay Đơm đi đâu?”

“Em xuống chợ mua cái này.”

“Chợ huyện à?”

Đơm không trả lời mà lấy trong yếm ngực ra giơ lên một gói lá chuối. Mảnh lá chuối cong cong, thò hai chiếc bánh đúc ngô vàng hây, cả miếng cháy ở giữa đen giòn. Đơm đưa bánh cho tôi.

“Ô hay, sao thế này?”

“Em thấy anh thích ăn bánh ngô.”

“Sao em biết?”

“Em nhặt cái lá ở gầm chõng, còn dính bánh...”

Chết tôi rồi. Đơm cười, nét mặt cô gái dậy thì xanh xao bỗng đỏ hồng, xinh hẳn. Có lẽ cô cười cái mặt nhăn nhó, méo mó khó hiểu của tôi. Nhưng tôi cầm ngay cái gói bánh. Vừa thấy cái bánh, cơn đói đã bồn chồn lên rồi. Tôi chẳng ngại. Năm ngoái ở Quảng Xương, ở Thiệu Hoá, ở Nông Cống, không ở đâu tôi chịu đói. Tôi vẫn ăn vụng. Mỗi hôm đi họp đội, tôi lại tạt vào chợ, vào quán, mua kẹo, bánh đa ướt, có khi lùa vội bát bánh đúc chan canh cua. Chỉ cốt trông trước trông sau, không để ai nhìn thấy thôi. Mà biết đâu, suy bụng ta ra bụng người, có lẽ cả đội cũng thế, cũng ăn vụng.

Tôi bỏ gói bánh vào cái túi đeo vai. Nhưng tôi vẫn nắm tay Đơm. Trong mảnh áo rách vai, cái chân vú nần nẫn. "Em ngoan quá". Tôi lấy trong khe quyển sổ ghi chép ra hai tờ giấy bạc một đồng kẹp trong đấy.

“Cầm lấy, thỉnh thoảng mua bánh đúc cho anh. Đừng để ai trông thấy nhá. Anh đương phải ba cùng.”

“Em biết rồi.”

Đơm cầm tiền, đút vào mép yếm.

“Em có cái túi hay nhỉ?”

Tôi thò theo lách vào ngực Đơm.

Đơm đẩy tay tôi ra.

“Rõ cái anh!”

“Anh xem cái chỗ để tiền.”

“Ngoài này kia mà, lại đi sờ vào trong.”

“Anh nhầm.”

Tôi lại thọc vào ngực Đơm như vừa rồi. Lần này Đơm đứng tây ngây, mặt đỏ lịm, để yên cho tay tôi vân vê.

Chập tối, tôi nói với bác Diệc: "Đi bảo cậu Vách xem còn người nào trong xóm cũng nghèo như cậu ấy thì rủ vào đây tối nay họp rễ chuỗi". Một lúc, mấy người lục tục đến, cả Đơm cũng được họp, mỗi người tìm cái cột ngồi tựa vào. Im lặng, chờ tôi nói. Tối mít chẳng ai nhìn thấy mặt ai. Đến lúc bác Diệc thấy tôi mở quyển sổ túi xách mới vào bếp cầm ra cái đèn đom đóm như đêm trước.

Một bóng người cao lớn lù lù vào cửa. ánh đèn vừa loé thấy tư Nhỡ. Vẫn tấm áo năm thân lụng thụng, nhưng bộ râu ria đã cạo nhẵn, mặt trơ khấc, lơ láo trông khác hẳn.

“Chào các đồng chí!”

Vách đứng bật ngay lên, sừng sộ.

“Ai đồng chí đồng chuột với mày! Mày là thằng trưởng thôn của đế quốc, ai bảo thằng tổ chức cũ đến đây. Anh đội cho thằng này họp với chúng tôi à?”

Tôi bước ra, nói nhỏ với tư Nhỡ:

“Hôm nay chưa họp xóm, tối mai.”

Tư Nhỡ tiu nghỉu quay ra, mất hút ngay vào bóng tối.

Vách còn đay đi đay lại hỏi người nào gọi thằng tư Nhỡ đi họp rễ chuỗi. Ai cũng im thít, không ai nói và cũng bởi vì không ai biết. Chỉ tại tôi, lúc chiều ở nhà tư Nhỡ ra, tư Nhỡ theo, nằn nì: "Tối nay họp à? - Không hiểu sao, tư Nhỡ đã biết. Anh cho đàn em họp với". Tôi cũng ừ ào, thế là nó cạo râu, đến.

Tôi mở sổ tay, mặc dầu ánh đèn không thể nhìn ra chữ, tôi cúi xuống làm như nhìn giấy rồi ngẩng lên nói một thôi, một hồi: ... phóng tay phát động... giai cấp nông dân đánh đổ giai cấp địa chủ... Tối mai họp xóm tôi công bố... tôi chỉ định đồng chí Diệc ra làm trưởng thôn xóm Am...

Vách hỏi:

“Thay thằng tư Nhỡ à?”

“Giai cấp nông dân ta từ nay làm chủ.”

Một mình Vách vỗ tay.

“Thế thì được.”

Tôi tuyên bố giải tán cuộc họp.

Vách sửng sốt lại hỏi:

“Còn cụng đầu tố khổ kia mà.”

Tôi gạt đi.

“Vừa rồi thế cũng là tố khổ. Chúng ta làm việc phải hết sức khẩn trương.”

Tôi nói và đứng dậy. Phải, họp cũng là tố khổ chứ còn gì. Cái thằng Vách nửa điên nửa tỉnh này có thể rầy rà đây. Mọi người về rồi, tôi lại nằm trên cái chõng. Tôi lần túi lấy hai chiếc bánh đúc ngô của Đơm, ăn xong chỉ kịp nhớ quờ tay bỏ mảnh lá chuối vào túi dết rồi ngáy khò khò.

Sáng hôm sau, bố con bác Diệc đã biến đi từ bao giờ. Không biết Đơm đi đào chuột với bố hay lại lên chợ huyện mua bánh đúc. Bác Diệc không rủ tôi như hôm qua nói. Và bác tưởng tôi phải đi họp. Thôi thế cũng may, bắt chuột cũng khiếp như bắt rắn, những cái nợ đời gớm ghiếc ấy. Mà tôi biết bụng người ta chẳng ai dám thật lòng rủ đi làm. Anh đội bảo thì phải rủ thôi. ở Nông Cống, tôi cũng vác cuốc ra đồng, rồi quảy đất đắp đê, sưng tấy cả bên bả vai. Thấy tôi lớ ngớ ngứa cả mắt, lại đau vai, hôm sau anh rễ xin tôi cứ ở nhà nghiên cứu tài liệu, trông đỡ trẻ con và quét nhà. Thì ở đây cũng thế.

Tôi mở sổ tay ra, kê lên ba lô. Người mẹ ốm như cái cọc bếp, có cũng bằng không, tôi chẳng để ý đến. Thực tôi cũng không có việc phải nghiền ngẫm sổ tay. Tôi ngồi rình xem Đơm có về. Tôi nhớ cái vú nây nây. Con mèo đợi vồ chuột. Đêm ngủ say quá chứ thèm từ chiều hôm qua. Khác nào thỉnh thoảng được cái bánh đúc, nuốt hết rồi mà môi mép vẫn tóp tép. Nhưng không thấy Đơm về.

Đến gần trưa, bác Diệc lùi lũi vào cổng. Những vết bùn xám xì lấm lên tận mặt. Không được con rắn con chuột nào. Chuột làng mới chỉ đánh hơi tìm hang mà chưa ra đồng ở. Về qua cái vũng trâu đầm, be lên, bắt được mấy con tép. Mọi khi thì ném vào cái chĩnh làm nước cáy. Nhưng nhà có khách, đem nướng cho bữa có mùi thịt cá. Không thấy Đơm cùng về. Đơm đi đâu? Hay bởi nồi cơm cám nuốt khé cổ buồn như chấu, chỉ có người mẹ không lạch đi được đành ngồi nhai nghẹn từng miếng. Chứ ai kiếm được cái ăn chỗ nào cứ việc đi, chẳng cần bữa ở nhà. Vắng cả những thằng cu con. Tôi với bác Diệc ngồi ăn bát cám có mùi gạo tấm, mùi tanh con tép, cũng dễ nuốt, hơi khác mọi khi.

Ngủ trưa dậy bác Diệc đã lại đi rồi. Tôi vào góc bếp, cầm một cái cào cỏ. Tôi vác cào lên, một bên vai đeo túi dết. Cả xóm biết anh đội đóng bộ đi làm đồng đấy. Ai chả biết anh đội làm trò, tôi mặc họ và thản nhiên. Tôi xắn quần, đi từ xứ đồng cao trong chân tre ra con ngòi sâu rồi lại lội qua mấy khoảnh ruộng trũng. Đương khi nông nhàn, đồng áng lơ thơ xa xa mấy người lúi húi cào cỏ. Thấy người lội đồng đội mũ, quần xoe trên gối, người ta ngẩng lên rồi lại cúi xuống quờ tay quanh gốc lúa. Anh đội, anh đội thăm đồng đấy mà.

Tôi có thăm hỏi đồng áng gì đâu. Đi guốc vào bụng những anh đội mắt trố như mắt chó giấy, cái gì cũng lạ lại làm vẻ ta đã thạo. Nhưng tôi còn láu cá hơn cả những người có thể biết tôi vờ vẫn. Tôi cốt vác cào cỏ, sục mấy cái cho răng cào dính bùn và hai ống quần thì lấm tấm cỏ may. Tôi ra cửa đền ngoài chân đê hội ý đội. Làm bộ như tôi đi làm đồng về chưa kịp rửa ráy, vác cả cào cỏ đến thẳng chỗ họp.

Tôi bước lên đường cái. Có người trong xóm chạy ra hớt hải gọi:

“Anh đội! Anh đội!”

Tôi quay nhìn. Lại thằng Vách. Tay Vách lăm lăm con dao bầu sáng loáng. Tôi chợt hoảng. Thằng này nổi cơn điên hay sao. Nhưng nhớ ra cái nghề mổ lợn của Vách, tôi bình tĩnh lại.

“Gì thế?”

“Tôi bảo anh đội hai câu này nhé, hai câu thôi. Có nghe tôi mới nói.”

“Nói đi.”

“Tối hôm qua anh không cho tôi tố thằng tư Nhỡ, tối nay họp xóm tôi tố nó. Anh bảo phóng tay kia mà...”

“Còn câu thứ hai, nói nốt đi. Đương vội đây.”

“Anh ra đền họp bí mật với đội chứ vội quái gì.”

Rồi Vách cười khạch khạch, giơ dao:

“Này tôi mách anh: cái thằng Diệc làm rễ của anh là rễ thối đấy. Con cái nhà địa, anh biết chưa?”

Tôi đứng nhìn Vách, không biết nó lỡm hay thực.

“Tôi chỉ nói thế. Anh đi hỏi cả làng này xem.”

Rồi Vách múa con dao quăng quả đi. Tôi có cảm tưởng câu nói của nó vừa rồi có lẽ là tỉnh, bây giờ hoa dao lên mới là điên. Tôi lặng một giây, rồi lại tiếp tục đi. Cũng chưa nghĩ ra thế nào.

Tưởng đến sớm, hoá ra đội trưởng Cự và mấy anh đội bần cố ở xã lên chưa có tiền sắm đồng hồ thế mà đã đúng giờ ngồi trong đền. Hai anh đội này sợ Cự một phép, việc gì nặng nhọc cũng xung phong. Cả cán bộ Đình ở xóm bên cũng đã đến. Lại ngỡ chỉ một mình mình cầm cái cào cỏ có vết bùn. Không, xem ra người nào cũng khoe ngầm ta vừa chân ướt chân ráo ở nơi bán lưng cho trời bán mặt cho đất về đây. Người thì cái giỏ đeo đít; người cái cuốc trên vai hạ xuống; có người quang gánh lõng thõng để ngoài thềm, cái thừng và chiếc nõ xỏ mũi trâu lăn lóc trong đám cỏ làm như đương đi đuổi trâu. Nhưng ai ấy có khôn mà chẳng ngoan. Sợi thừng gác bếp còn rơi ra cả tảng bồ hóng. Biết tẩy nhau cả. Mọi người nhìn nhau chỉ nhác một cái và lặng lẽ quay mặt đi.

Trong chân tường, chuột đùn lên từng đống đất. ồ, mai ta bảo bác Diệc ra đây mà hun chuột. Tôi chưa biết mùi thịt chuột thế nào, nhưng đã lâu chẳng được miếng thịt vào miệng, đã nghĩ thèm, thịt nào chẳng là thịt. Mọi người tới đông đủ. Chúng tôi như một bọn lén lút cờ gian bạc lận, kéo ra đây đánh xóc đĩa lột nhau giữa nơi hoang phế đồng không mông quạnh. Hoặc như ngày xưa, cánh cướp tụ bạ một chỗ đợi đêm tới bật hồng lên xông vào làng. Vẻ mặt người nào cũng ra chiều đăm chiêu, quan trọng. Chúng tôi đương làm thay đổi cái làng này, xã này. Cả nước đã đứng lên. Các tổ chức sẽ bị đánh đổ, bao nhiêu địa chủ và bọn bóc lột phải đạp xuống đất đen, chúng tôi phóng tay đưa bần cố nông lên vị trí và địa vị người chủ thực sự của đồng ruộng. Tôi đương làm thế, tôi đã làm thế, tôi đương làm từng ngày, từng ngày theo kế hoạch...

Tôi nhấc túi trên vai xuống, kê cái cào, ngồi. Tự nhiên, tôi liếc nhanh cái ba lô đội trưởng xem có lá bánh lòi ra không. Gớm thế, cái đuôi mắt có ve của Đình đã nháy tôi một cái. Không biết thằng thâm thiểm này định ra hiệu thế nào. Có lẽ cũng chỉ thông báo: không có gì trộm được của đứa ăn vụng khác đâu.

Tôi mở sổ tay ra nhẩm việc. Đã bắt được rễ, rễ cái chắc chắn. Đã họp rễ chuỗi. Chắc là cái thằng chuỗi điên dèm pha bác Diệc thôi. Ta phải quyết chứ. Tối mai họp xóm, giúp cho Diệc đứng vị trí vai trưởng thôn. Nguyên tắc: làm kỹ nhưng không được làm thay. Các bước sau còn dồn dập, còn nhiều cái khó. Đã nắm được tình hình xóm và tổ chức cũ. Cứ báo cáo cách ăn nói của Vách và cuộc thăm dò nhà tư Nhỡ, đi sau đi sát đến thế chứ thế nào. Có ba hôm làm những ngần ấy việc.

Nhưng tôi vẫn còn lờ ngờ. Ai cũng trình bày sôi sùng sục. Chưa đến lượt tôi, nhưng thoáng so sánh, việc mình làm đâm ra chỉ bằng con muỗi mắt. Họ giỏi thế thật hay sao? Đội trưởng Cự đứng băm cả hai bàn tay, mắt đỏ đòng đọc. Lợi dụng lúc ấy, tôi đá ngầm cái đít túi dết. Quả là chỉ vấp cái mép bìa sổ cứng.

“... Liền hai đêm đội họp rễ chuỗi. Cụng đầu tố khổ luôn, bộc lộ tức khắc tình hình. Tinh thần nông dân lên, chặn đứng mọi thủ đoạn âm mưu địa chủ. Đêm qua họp xóm tố khổ suốt sáng. Phải cản lại chứ nhiều người cầm dao vừa chạy vừa khóc đi tìm địa chủ (Tôi nghĩ bụng: - ờ mình đụt thật. Tưởng chưa đến bước ấy. Không sao. Sẽ báo cáo đã tố khổ suốt đêm, suốt hai đêm). Đến sáng, tất cả đầm đìa nước mắt. Tôi cũng khóc. Cái khổ như núi đè xuống, phải cứu giai cấp nông dân. Không đợi họp xóm, chưa đưa rễ lên làm trưởng thôn mới, cứ tập thể rễ chuỗi là trụ cột rồi. Tôi đã xin được lệnh đoàn uỷ cho bắt bí thư chi bộ xã, thằng bí thư hai mang. Hai tên khác có nhiều hối cải nên cho canh gác khống chế tại nhà. Xóm nào cũng phải phòng đưa nhân sự lên. Lấn bước sau, để có thì giờ dự trữ làm kỹ. Thế là đội ta đã chiếm lĩnh trận địa, dựng được một đầu cầu vững chắc ở thôn Đìa. Các xóm khác cho biết tình hình thế nào?”

Đình còn hăng hơn đội trưởng:

“Tôi đến đây họp thì ở nhà rễ chuỗi còn đương cụng đầu tố khổ, quên cả cơm trưa. Trưởng thôn cũ nghe mong manh đã chạy trốn, tôi cho đuổi tóm được giải về cũi vào chuồng trâu rồi.”

Lúc đội trưởng Cự bắt bí thư và cho du kích canh gác nhà địa thì tôi câm như hến. Nhưng nghe cán bộ Đình nói thế tôi đứng phắt lên:

“Phải có biên bản, tôi ký đề nghị bắt đã chứ. Tôi đội phó phụ trách toà án. Phóng tay, nhưng đúng pháp luật mới được.”

Đội trưởng Cự nói như quát:

“Đồng chí Bối phát biểu đúng.”

Tôi phổng mũi nhưng lại xẹp mũi liên tiếp, khi đội trưởng vẫn nói:

“Song không thể lề mề, lối bàn giấy như đồng chí Bối, thế thì xổng bu, xổng chuồng, chúng nó chạy ráo. Cứ như đồng chí Đình, đến khi bắt đầu bước hai, đội đặt văn phòng cố định bấy giờ bày biện giấy tờ ra cũng vừa. Bây giờ cứ miệng nói tay làm, nhanh nhanh lên, nhanh lên.”

Tôi chưa định thần thì đội trưởng trỏ tay, đến lượt tôi báo cáo. Đã nghe mấy thôn rồi, tôi biết cách thêm chi tiết dấm ớt, hơn hẳn những tính đếm dự định lúc mới đến. Riêng việc thằng Vách đón đường mách Diệc có liên quan địa chủ thì tôi giấu. Nói ra chỉ rắc rối, mà còn phải kiểm tra đã. Báo cáo tình hình thôn Am...

“Không được thì thào chuyện riêng. Nghe thôn Am...”

Tôi thao thao dõng dạc, mạch lạc, tự tin, như thật. Không dữ dội bắt bớ, nhưng đúng phăm phắp bài bản ba hôm đầu tiên xuống xã.

“Các đồng chí góp ý kiến với thôn Am nào. Mau lên, tối nay còn họp xóm cho kịp lịch công tác.”

Bên kia đê, mặt trời đã xuống vàng khé. Bỗng nhiên đội trưởng Cự choảng tôi chan chát:

“Đồng chí Bối bắt ngay được rễ, lại xâu chuỗi, cụng đầu tố khổ rồi nắm tình hình xóm và đi xem xét đồng ruộng, thế là ưu điểm. Nhưng mà ưu điểm ấy chỉ để thằng biết võ đánh nhau với thằng biết võ. Kẻ thù không cần như thế, đồng chí còn đương múa may ra võ, nó đã thò tay bóp dái đồng chí ngã lăn đùng ra rồi. Nó phá ngay trước mặt mà đồng chí không biết gì cả. Cái thằng khiêu khích, thằng Vách ấy phải gô cổ nó lại, sao lại để cho nó họp chuỗi. Không được, về cho bắt ngay. Phải gác nhà thằng tư Nhỡ, nội bất xuất ngoại bất nhập. Thằng này vờ vẫn mua chuộc cán bộ đấy.”

*


Tháng ba năm ấy, làng vào hội lệ.

Xưa nay, làng này chẳng có hội bao giờ. Chẳng phải vì sự tích ông thần hoàng, vì cái hèm có kiêng kỵ, mà bởi làng nghèo không đủ người có tiền giắt lưng đóng góp được xuất việc làng. Đến ngày kỵ thánh hàng năm cũng chỉ có mâm xôi con gà, thẻ hương của hội tư văn biện lễ. Rồi thì gặp năm phong đăng hoà cốc, được vẻ no ấm mới gọi phường xứ Đông sang hai ba đêm chèo hát. Thế thôi, mọi thứ chỉ thèm mà không có rồi đi xem hội, đi xem rước làng khác. Con trai, con gái nô nức đi nhòm ngó cái vui của người ta. Có lẽ bởi thế mà con gái làng, như cái Duyên, nhiều đứa lấy chồng thiên hạ.

Tiếng trống chèo rộn từ chặp tối. Bốn bên lặng phăng phắc, người đã đổ ra bãi cỏ cây đa đầu làng. Nhà trên, nhà dưới, ngoài vườn nhà lão phó Thìn cũng im lìm như mọi nhà cả xóm. Lần lần vào đêm, tiếng mõ, tiếng trống, tiếng thanh la xa xa cứ thanh mảnh, giòn tan, có lúc trong gió vẳng lại cả tiếng hát ơi ới.

Trong nhà vắng người, những con mối đuổi nhau vờn nhau trên vách, kêu roèn roẹt, rồi lại im như tờ. Dưới nhà ngang - ngày mùa vào vụ chiêm hay tháng mười, thợ cày thợ cấy, thợ gặt đến ở, kẻ ăn người làm tấp nập ngày đêm như phiên chợ. Cả khi vãn vụ cũng còn lại mấy người ở mướn quanh năm trông nom vườn ruộng.

Đã gần nửa đêm. Bên kia những khoanh tre, tiếng trống, tiếng gõ beng beng sắp tan trò cứ sôi lên rồi lại phẳng lặng. Ngay từ sau cơm chiều với mấy chén rượu lão phó Thìn đã ngủ được một giấc, bấy giờ trở dậy. Lão ra sân, bước thong thả, không ra đi dạo, không đi canh nhà. Mà thói quen như đi tuần, như đốc phu, đêm nào cũng từ lúc ấy đến sang canh, tay cầm cái gậy tre, lão rà rà trên sân gạch xuống sân đất ra ngõ cổng tán rồi ngoài bờ luỹ. Cho đến lúc nghe tiếng con vạc đi ăn đêm về bay qua ngọn cây dừa, lão mới vào nhà, lại ngủ lại cho đến sáng bạch.

Những đêm chèo hát thế này, lão phó Thìn còn thức đợi bọn người làm đi xem về, soát chúng nó đóng cửa có cẩn thận không, thường khi cứ phải chốt lại. Phó Thìn đứng ở cổng trong, cạnh bụi chuối, ánh trăng nhạt thấp thoáng những người đi chơi về không trông thấy, mà có nhìn thấy chắc cũng biết lão hay đứng như ma xó, chẳng phải rình mò gì. Nhưng phó Thìn đã đếm từng người vào. Lão lẩn thẩn đếm chơi, mà cũng thử xem thừa thiếu thế nào, ngộ có đứa phản chủ dắt đất đem kẻ cướp vào thì sao.

Người đã về cả, lão ra mó máy những cái then, cái chốt đã cài, đã nêm kỹ chưa. Những tối thường ngày cũng làm thế, có vậy lão mới vào ngủ lại được.

Diệc về sau cùng. Lão trông thấy bóng thằng Diệc cởi trần đi lênh khênh. Diệc ở nhà ông phó đã lâu. Diệc mồ côi cha mẹ, Diệc đã đến ở làm nhà này từ năm Diệc còn để chỏm, chưa nhấc nổi cái cày, chỉ xách nước và đi cắt cỏ suốt ngày. Lão phó Thìn nổi cơn tò mò. Quái sao thằng Diệc lại đi sang phía bếp, chúng nó ở bên nhà ngang cơ mà.

Bếp có một gian, gian bên đựng củi, thùng rơm và chạn bát. Bên trong, con Khoèo ở. Nó không nói, không đi được. Để ở nhà trên không tiện cơm nước và mọi thứ. Lão cho vảy thêm một trái làm cái ổ cho Khoèo.

Nghĩ đến con, lão phó Thìn khi nào cũng rầu rĩ trong lòng. Như là thói quen đi rà rà trong nhà ra vườn ra luỹ rồi mới về chợp mắt lại được. Nhưng đây không phải giấc ngủ mà là nỗi lo, là sự đăm chiêu cả đời. Vợ chồng lão đông con, đủ nếp tẻ, đều đã nên người, dẫu lấy vợ lấy chồng làng hay ở xa thì cũng cơ ngơi đầy đủ cả. Chỉ còn một cái khốn khổ này. Sao mà lại sinh ra cái quái, cái nợ thế. Không khi nào lão dám nghĩ hơn nữa.

Thằng Diệc kia đi vào trong bếp làm gì. Lão chỉ nghĩ thấy lạ thế thôi, chứ lão cũng không sinh nghi. Thằng Diệc hiền như đất, không phải đứa trộm cắp. Mà trong bếp cũng chẳng có của nả để lấy và lão cũng không mảy may ngờ nó có tình ý ra sao với cái con Khoèo bộ xương ngồi xương nằm. Mà trời ơi, con Khoèo cũng ngoài hai mươi tuổi đầu, nhưng mà nó có phải là người đâu, nó có được làm người đâu, nó là cái phúc cái tội của nhà này thế nào đây.

Nhưng trông thấy Diệc đi tới, lão phó lý chợt nảy một ý khác, lão phó chưa nghĩ ra thế bao giờ.

Diệc đã trông thấy ông phó trong bụi chuối ra. Diệc chẳng lạ cái tính ông phó hay rà rẫm đêm hôm các xó xỉnh như thế.

Diệc chắp tay:

“Ông chưa đi nghỉ. Con đã chốt cẩn thận cổng tán, cổng trong rồi.”

Lão Thìn vẫy cái gậy.

“Đứng lại, tao hỏi. Mày vào bếp làm gì?”

“Con không vào bếp. Con đứng đái chỗ nồi nước thiếc ở ngoài.”

Lão Thìn sừng sộ.

“Đừng có chối. Ông đã trông thấy, ông đã biết, ông đã đi guốc vào đầu mày rồi.”

Nói thế, ông phó Thìn lại dịu giọng, rẽ rọt buộc mở từng câu:

“Mày vào trong bếp với con Khoèo. Thôi tao cũng cho phép, đừng lén lút nữa mà tội nghiệp, tao cũng thương. Tao cho mảnh đất đầu đồng mà làm cái nhà, vợ chồng đem nhau ra đấy ở. Rồi làm hai miếng ruộng ở đồng cao ấy, tao cho. Tao cho không, nghe chưa?”

Diệc dạ nhịp. Diệc đã ngoài ba mươi nhưng biết là cái kiếp đi ở nợ cả đời rồi. Chưa bao giờ dám có ý nghĩ lấy vợ. Chẳng cơn cớ nào có thể để cho dám thế được.

Ông phó đã nói thế, thế là thế nào. Thoạt đầu, câu nói lạ, khiến Diệc thảng thốt, Diệc nghe chưa thủng, đến lúc Diệc nghe ra rõ ràng thế rồi thì lại thấy êm êm.

Một hôm, Diệc khiêng mấy cây tre ngâm trong ao ra, rồi dỡ cây rơm, quảy mấy gánh. Diệc lội ao vét bùn lên trộn trấu, ai hỏi bảo để chát bức vách. Chẳng mấy lâu, người đi qua đã trông thấy một túp nhà mái rơm mới.

Đêm kia, trăng sáng nhàn nhạt như cái đêm hát chèo ngoài bãi cây đa. Diệc vào trong trái bếp, xốc cái Khoèo lên. Diệc vẫn cởi trần như đêm đi xem hát. Diệc cõng cái Khoèo ra nhà mới - cái nhà vẫn ở đến tận bây giờ. 

1      2           4 

No comments:

Post a Comment