Thursday, May 30, 2013

THỊ “THẮNG” NHƯNG CHƯA PHẢI LÀ CHIM UYÊN

 Phàm thường, khi người ta tạo ra một dụng cụ gì thì nó luôn có được vai trò đặc biệt của nó, dù có những vật dụng khác, cũng tương tự hình dáng đó, công dụng đó, nhưng chắc chắn là không thể nào thay thế vai trò riêng biệt của riêng mỗi dụng cụ. Cũng thế, một hành động, thái độ có thể được biểu hiện trên cùng một hình thức, ngay cả trường hợp ứng dụng, nhưng không thể quả quyết rằng tất cả những hành động, thái độ đó đều y giống nhau, ngay cả trong ý nghĩa, trạng thái của chúng.
Xét đơn giản hơn, có thể đưa ra thí dụ giữa cái chén và cái tô. Chúng cùng mang hình thức gần như nhau, chỉ khác biệt là kích thước, nhưng cùng công dụng là vật chứa đựng được chất lõng, tiện dụng trong việc ăn uống –là vai trò riêng biệt cho cả hai– nhưng không vì thế có nghĩa là chúng có thể thay đổi vai trò đặc biệt của riêng chúng cho nhau. Vì trong cách sinh hoạt loài người, không ai dùng cái chén để chứa nước canh để giữa bàn rồi phân phát cho mỗi người thực khách cái tô để dùng riêng.

Qua đó, cho thấy rằng, khi người ta tạo ra một vật dụng là luôn luôn có một chủ ý riêng biệt cho nó. Và cái chủ ý tương tự như một lịch sử được gắn liền theo mỗi vật dụng. Vì thế, nếu một người xa cách xã hội quá lâu, không hề biết đến lịch sử đó, do đó, chắc chắn rằng họ sẽ dễ bị sai lầm trong cách dùng hữu dụng nhất.



Cũng như giữa hai hình ảnh của một Võ thị Thắng và một Nguyễn Phương Uyên trước tòa án, tuy hình thức gần như giống nhau –cùng bị kết án, cùng bày tỏ sự kiên quyết– nhưng “lịch sử” không thể giống nhau –như trường hợp thí dụ ở trên– Đó chính thật là mấu chốt của vấn đề, của “vai trò đặc biệt của mỗi vật dụng” mà qua đó có thể được xét đến rõ ràng hơn sau đây.

Võ thị Thắng là “hạt giống đỏ” của cách mạng, xuất thân từ gia đình “bao che, liên lạc, nuôi dưỡng” những người miền Nam hoạt động cho chính quyền miền Bắc với chế độ cộng sản khác biệt hoàn toàn với chế độ cộng hòa nơi họ đang sinh sống. Gia đình Võ thị Thắng chưa từng có cơ hội được sống qua một ngày dưới chế độ cộng sản miền Bắc, cái mà họ biết được là qua những tuyên truyền từ những người “từ Bắc vào Nam” nằm vùng hoạt động. Và cái “kiến thức” về chủ thuyết cộng sản mà họ có được, cũng từ những “người đó” mang lại hơn là một kiến thức thực sự có được qua sự học hỏi, tìm tòi, suy ngẫm.

Cuối cùng là, Võ thị Thắng lớn lên trong cách ươm mầm “giống đỏ” để sau nầy trở thành người “hữu dụng” cho cách mạng. Khi Võ thị Thắng còn là một thiếu nữ, đã được “tổ chức” đưa về Sài Gòn để học tại trường Gia Long. Đây mới chính là một yếu tố có thể khẳng định rằng những học sinh, sinh viên biểu tình chống bạo động chống chính quyền miền Nam Việt Nam là những “hạt giống đỏ” được ươm mầm từ gia đình mà con số khá đông cán bộ cộng sản được cài lại miền Nam sau Hiệp định Genève 54. Thêm một thí dụ điển hình khác là một Nguyễn thị Thu Trang,(1) cũng được “tổ chức” đặt để khi còn là một thiếu nữ.

Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên với “nụ cười chiến thắng” –như từng được tâng bốc– sau khi bị kết án vì tội mang súng đi ám sát vị xã trưởng, cùng với những “đồng chí” mình. Cũng như không ai lắm ngạc nhiên, khi cây táo ở miền Bắc nếu được trồng ở miền Nam, luôn cho ra những quả có vị khác xa so với nguồn gốc của nó. Tuy nhiên có điều đáng ngạc nhiên hơn hết là mặc dù cùng một loại cây, cùng nguồn gốc, được chăm sóc bằng loại phân giống nhau, cùng một môi trường đất sống, nhưng lại cho ra hai hương vị hoàn toàn khác nhau, ngay cả màu sắc, và kích thước “tầm vóc.”

Đó chính là một Nguyễn Phương Uyên, một “hạt giống đỏ” và rất ư là đỏ rực hơn rất nhiều so với “hạt giống đỏ” Võ thị Thắng, vì Phương Uyên lớn lên từ thuở nhỏ trong một nền giáo dục hoàn toàn “sách đỏ,” trong một môi trường không có một màu nào khác hơn là màu “đỏ chói” duy nhất. Trong khi đó, Võ thị Thắng thì khác, được cơ hội tiếp cận một nền giáo dục đa dạng màu sắc, nhưng không may là khả năng thu nhận màu sắc của Võ thị Thắng đã bị người khác cố tình phá hỏng từ tấm bé, nên khi dần lớn lên Võ thị Thắng cứ ngỡ đó là bẩm sinh tự nhiên và quen dần với cái nhìn không hề biết màu sắc nào khác ngoại từ một màu “đỏ.” Không khác gì trường hợp của một người loạn sắc bẩm sinh, hoặc tệ hại hơn là đơn sắc.

Như vậy, từ đâu đưa đến hai quả táo hội đủ những yếu tố mà đáng lẽ ra sẽ có cùng hương vị, kích thước, hoặc nếu khác biệt chỉ là không đáng kể mà người ta dư hiểu rằng đó là một sự tư nhiên hay bản chất thiên nhiên?

Dĩ nhiên, phải có một yếu tố rất quan trọng, giữ vai trò chính yếu cho sự biến đổi đó. Như một chuỗi nhiểm sắc tố DNA, khi được hoán chuyển thứ tự, dù chỉ là một phần tử nhỏ (thị dụ như AB biến thành BA) cũng đủ thay đổi bản sắc của hai thành phần chủ thể. Và có thể nói rằng, Võ thị Thắng và Nguyễn Phương Uyên là hai chuỗi DNA gần như giống nhau đó nhưng không cùng thứ tự phần tử cấu thành. Do đó, không và không bao giờ nên xét rằng hai hành động hoặc thái độ của họ hoàn toàn giống nhau trước tòa án. Đó chỉ là một kết luận quá vội vã và gượng ép.

Muốn thay đổi bản sắc của DNA không phải là dễ và nhanh chóng theo tự nhiên (bỏ qua vấn đề nhân tạo) và đòi hỏi một tác động mãnh liệt, như trường hợp biến đổi của sinh vật (bao gồm thực vật và cả động vật) từ thời tiền sử (to lớn trong kích thước) cho đến nay (nhỏ bé) vì quy luật chọn lọc sinh tồn theo như thuyết Darwin đưa ra. Đó chính là yếu tố “sinh tồn” luôn áp đặt trên mọi sinh vật, ngay cả loài người, và xuống đến trên những lãnh vực khác nhau trong xã hội như chính trị, chế độ v.v.

Động lực “sinh tồn” đó được sinh ra theo bản năng rất tự nhiên đối với môi trường chung quanh khi chính nó đã bị thay đổi. Cũng như khi chính chế độ cộng sản hôm nay đang gặp phải những thay đổi tất yếu. Và khi một sinh vật cần phải “sinh tồn,” tự nó sẽ biến đổi qua tác động “đương nhiên là phải vậy.” Đó cũng là trường hợp người dân Việt Nam muốn “sinh tồn” trước họa xâm lược của Trung cộng.

Ngoài ra, nếu xét thêm trường hợp là điều gì sẽ xảy ra nếu động lực “sinh tồn” đó không tạo nên được sự thuận lợi trong vấn đề sinh tồn ? Chỉ có hai trường hợp : môi tường quá khắc khe, độc ác hoặc động lực biến đổi sai lầm.
Theo bản năng tự nhiên, khi một sinh vật tự biến đổi, nó luôn luôn biến đổi theo chiều hướng tiến triển hơn là triệt thoái. Và đó cũng là một định luật tự nhiên theo thuyết Darwin. Tiến triển cũng có nghĩa là loại bỏ những gì không cần thiết trong nhu cầu “sinh tồn.” Như trường hợp chế độ cộng sản hiện nay muốn biến Việt Nam thành chư hầu Trung cộng là một nhu cầu không cần thiết và chế độ cộng sản là động lực của nhu cầu không cần thiết đó, cũng phải bị loại bỏ. Qua quá trình sinh sống, học hỏi từ những kinh nghiệm được tích truyền, thì không thể nào có thể kết luận rằng động lực sinh tồn đó là sai lầm vì không một sinh vật nào muốn mình bị triệt tiêu. Như vậy, chỉ có trường hợp thứ hai là môi trường quá hà khắc đến nổi nó không thể nào sinh tồn. Tuy nhiên, sự phản nghịch của thiên nhiên không bao giờ xảy ra vì nếu không có sinh vật thì sẽ không có thiên nhiên, và thiên nhiên chỉ là số không. Cũng như một chế độ mà không có dân, thì xem như không ai biết nó có tồn tại hay không và sự khắc nghiệt của chế độ cộng sản là một hình thức “phản nghịch của thiên nhiên” mà đáng lý ra không nên tồn tại.
Trở lại với trường hợp động lực biến đổi trên. Trong trường hợp của một Nguyễn Phương Uyên, động lực biến đổi đó của một trong hai trường hợp về vần đề thuận lợi trên chính là “kiến thức.” Kiến thức tích tụ từ học hỏi, suy ngẫm, tìm hiểu, mở rộng tầm nhìn, và nhất là biết tiếp thu. Không phải ai cũng có thể có được kiến thức, nhưng cũng không phải ai không thể có được nó. Đó chính là chìa khóa của sự khác biệt giữa một Nguyễn Phương Uyên và Võ thị Thắng. Từ đó sinh ra hai quả táo khác hương vị và “tầm vóc.”
“Tầm vóc” của Võ thị Thắng dù được bôm thêm hóa chất bởi những “tổ chức đồng chí mình” đến độ căng bóng da, nhưng vẫn không hơn bao nhiêu vì “bản chất thiên nhiên đã là vậy.” Trong khi đó, một Nguyễn Phương Uyên, được phát triển theo tự nhiên, theo động lực sinh tồn từ kiến thức nên phát triển vượt ngoài sự ngạc nhiên của mọi người nhưng vẫn theo một bản chất thiên nhiên luôn ngự trị trên mọi sinh vật. Đó là trường hợp, thế giới hiện nay đang ngưỡng mộ và biết đến một Nguyễn Phương Uyên hơn là một Võ thị Thắng nào đó mà chỉ được biết đến trong chế độ nhồi nhét giáo dục, cưỡng bức. Nhưng càng cưỡng ép một Võ thị Thắng có “tầm vóc” như người ta “ép quả ra to, hay ép chín trái” thì tất nhiên tạo ra rất kém chất lượng và “tầm vóc” quá hạn hẹp nếu so với một Nguyễn Phương Uyên.

Tóm lại, Nguyễn Phương Uyên như một loài chim Uyên cao quý mà người đời luôn nhắc đến, hoàn toàn khác xa loài chim cú vốn chỉ phải sống vào ban đêm. Vì vậy, Thị Thắng nhưng chưa phải là Chim Uyên. Và vĩnh viễn không phải là Chim Uyên “trên từng centimet.”Và “không có gì phải bị ám ảnh” khi đêm và ngày hoàn toàn khác biệt mặc dù chúng cùng tồn tại trong 24 tiếng một cách rất tự nhiên. Và người ta thừa biết rằng nếu không có đêm thì ngày sẽ không được trân quý với ánh sáng ấm áp của nó; nhất là đối với những ai đã từng trải qua cái giá lạnh khốn nạn của nó.

Ghi chú:

1_ Nguyễn thị Thu Trang, quê xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, nơi “cách mạng” nằm vùng đầy dẫy, từng được giao công tác đặt mìm khi mới 15, 16 tuổi và sau đó được “tổ chức” đưa về Sài Gòn học với cái tên khác.
Nhóm Hành Khất

No comments:

Post a Comment