Monday, May 27, 2013

HỒI KÝ VỀ CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT: "BA NGƯỜI KHÁC" CỦA TÔ HOÀI - KỲ CUỐI


Mười mấy năm sau.
Hồi ấy thành phố đương bị đe dọa máy bay Mỹ bắn bom. Mỗi chặp tối những đoàn xe chở tân binh ầm ầm ngang qua trên cầu Long Biên.


Rồi tôi lại trở về cơ quan. Người đi cải cách lũ lượt về, người công tác sửa sai lại ba lô lên vai. Đã thành nếp mỗi khi nơi nào có công tác quan trọng, mỗi cơ quan đều phải cử từng đợt đi. Ai cũng nhiệm vụ đi, từ anh nuôi, chị tiếp liệu văn phòng, đến các bộ phận chuyên môn. Chỉ có những chánh phó thủ trưởng "không đi được vì công tác lúc nào cũng bù đầu". Mà cũng không ai đề nghị thủ trưởng đi đâu. 

Tôi đã đi cải cách cũng là thế. Nhưng tôi đã đem được giấy chứng nhận và giới thiệu "đồng chí Nguyễn Văn Bối được kết nạp đợt ... cải cách về sinh hoạt chi bộ cơ quan". Đội trưởng ký tên rồi đoàn uỷ đóng dấu và chữ ký xác nhận. Tôi nhớ Cự nói: "Chia tay nhau, tớ tặng cậu cái này". Tôi nghĩ trong bụng: "Lão Cự tài thật, đoàn uỷ giải tán rồi mà vẫn lấy được dấu". Cự chỉ nói thế, rồi đi ngay. Có lẽ lão cũng ngượng không muốn nấn ná lại trò chuyện thêm về những con vịt, chuyện vịt. Chúng tôi đều nhơ nhớp cả, có gì mà nói.

Từ đấy, không bao giờ còn gặp lại.

Cái tội trộn đường vào mì chính của tôi cũng đã lâu, nhạt rồi, quả nhiên chẳng còn ai biết hay biết cũng thôi, cơ quan lúc nào chẳng có những thời sự mệt mỏi. Vả lại, tôi vừa đi những ba đợt cải cách ngót hai năm trở về với cái giấy ghi chức vụ đội phó phụ trách toà án kèm tờ chứng nhận và giới thiệu đảng viên. Mạnh quá. Thế là tôi đàng hoàng phổng mũi.

Một hôm, tôi được phòng tổ chức gọi lên. Á à, có thế chứ. Tôi bắt đầu tưởng tượng ra những kiến hiệu của các thứ giấy tờ.

“Đồng chí ngồi.”

Sự trịnh trọng lại kèm câu nói cộc lốc hơi lạ khiến tôi hồi hộp. Tôi ngồi xuống ghế. Quen tay, lấy sổ công tác và cái bút máy "oe rơ vơ" ra cầm sẵn.

“Địa phương có đơn về đồng chí.”

“Địa phương nào, việc gì ạ?”

“Ở xã cải cách, đơn tố cáo.”

Tôi được đưa xem cái đơn. Tôi nảy đom đóm mắt. Những đêm đi gác, ở trong lều, đã chung chạ với những ai, nằm ngồi thế nào, ai bằng lòng, ai bị đè ra, ôi chao, ở những bờ tường, những bụi duối... Đơn lại tố cáo tôi đảng viên giả có chữ ký của Cự đội trưởng cải cách. Thế có chết không, nó cho húp nước đường lại tống theo quả lừa. Bao nhiêu tên ký, trông hoa lên những Gái, những Nụ, những Má, những Tôm, những... Chẳng biết trong đám chữ ký tíu tít có Duyên, có Đơm không. Ở dưới tờ đơn có chữ ký của đội trưởng, đội phó sửa sai xác nhận và đề nghị kèm biên bản một đệp những cuộc họp tố cáo ở các xóm Am, xóm Chuôm, xóm Đìa và cả những xóm tôi chưa đến bao giờ.

“Ý kiến đồng chí ra sao?”

“Tôi... tôi...”

Tôi không nói được thế nào.

“Thế là đồng chí đã nhận.”

“Không, tôi phản đối, tôi...”

“Các cấp xác nhận rành rành ra đây, thế là đích xác rồi. Có 10 điều cấm khi đi cải cách, đi công tác đồng chí đã vi phạm tất cả mà điều 4 là nặng nhất.”

Tôi ngồi tây ngây. Những câu dội nước đá, tôi chỉ ấp úng lắp bắp không ra đầu đuôi.

“Thôi, về.”

Chẳng khác đuổi tôi.

Tôi nhìn người trưởng phòng tổ chức, mặt đen gồ ghề đầu hói. Bên chân bàn có cái xích buộc chiếc điếu cày. Tôi ngỡ ông là đội sửa sai, về đây xử tôi, nghiêm quá. Tôi lủi thủi ra.



Hội đồng kỷ luật bắt tôi thôi việc vì phạm lỗi nặng về giả mạo giấy tờ. Có thể bị truy tố, nhưng cơ quan chiếu cố. Không lương hưu, chỉ được lĩnh nốt lương tháng ấy. Tôi chẳng là cái đinh gì, cũng không biết ai thù tôi, chẳng lẽ lại là cái lão trưởng phòng tổ chức mới được điều ở đâu về tôi mới biết mặt. Tôi cặm cụi viết đơn gửi lên cục, lên bộ. Chẳng đâu trả lời. Hồi ấy, tội hủ hoá còn bị coi xấu xa nặng nề hơn cả việc giả mạo giấy tờ.



Tôi bị mất việc.

Trong nhà đâm ra lục đục, ai oán làm sao. Lương tôi và tem phiếu cũng chẳng đủ nuôi ai, nhưng cũng là một cọc tiền có ngữ. Con trai tôi đã lên mười. Vợ tôi vốn chân chạy chợ gặp gì vơ nấy. Mùa thì cái rau, mớ chè, có khi ngược tàu Phòng lên, lẩn được cán bộ thuế. Có khi chui thoát thúng cá, con mực. ả kiếm ra miếng mới được thêm thắt đồng ra đồng vào. Bỗng dưng tôi đâm ra hẫng. Lại thêm vợ chồng ở với nhau lâu cũng sinh nguỵ, cãi nhau vặt rồi cãi nhau to, rồi đánh nhau cũng thành thói quen lúc nào không biết, cũng như trông nó cứ bẩn mắt dần mà trước kia không thấy. Cái môi nó trều nhờn nhợt trễ ra gớm chết. Cái áo phơi ngoài dây thép, hai nách thâm xì, lưng áo mồ hôi dầu ăn bạc phếch, sao tởm thế mà ngày trước không để ý. Mỗi ngày lại thêm một cái khó chịu. Ăn uống thì bốc bải, hay nói dối vặt. Hình như ngày trước tính nết nó khác. Người này nói, người kia vặc lại. Um nhà một lúc, hung lên rồi xông vào thụi nhau. Nó cũng chẳng chịu lép, bớp lại tôi ra trò. Tôi xước mặt, toạc cả áo. Tôi không thể cậy thế thằng đàn ông được. Dạo trước, thỉnh thoảng có lục đục, láng giềng sang lôi hai bên ra, cũng khi ban hoà giải khối phố đến phân tích lý lẽ. Rồi sau chẳng ai đến nữa, vì mới hôm trước hôm sau đã lại loạn lên. Ngày ngày qua. Những xô xát trong nhà tôi thành trò cười, như hát hay, hàng phố không ai hơi đâu đến can ngăn. Từ khi mất việc lại càng não nùng, khi lại chính tôi là thằng xuống thớ.

Tôi chẳng biết một nghề ngỗng gì. Nhưng mà ở đất đô hội, có người thì sinh ra việc. Cũng như ở rừng trời cho củ mài, củ nâu, ở phố phường khó khăn mấy rồi cũng lần ra cái ăn. Đống rác có người bới nhặt. Rồi thì bổ củi, mài dao, móc cống, cái bơm xe đứng ngã ba ngã tư, thêm hòm đồ vá xăm lốp. Phải có cách nào kiếm được thì mới đỡ nhục.

Tôi sắm chiếc bơm xe đạp.

Tôi nhảy lên cái cần bơm, mặt cúi vục xuống, không dám nhìn lên. Lâu lâu, đã quen tôi khoai thai ấn cái bơm, trong bụng yên yên một chút.

Rồi máy bay Mỹ ném bom. Giữa thành phố bom bi rắc hàng thùng vào chỗ cây đa đền Bà Kiệu, rơi lõm bõm xuống hồ Gươm. Người ta lũ lượt chạy khỏi phố xá. Càng nhiều người đi xa, phải bơm xe cho căng, tôi vẫn đứng với cái bơm ở ngã năm. Vợ tôi đem thằng con chạy bom, đi đâu tôi cũng không hỏi. Đêm trước vừa to tiếng, tôi bóp cổ đến lúc mụ kêu ằng ặc tôi mới nới tay, rồi lại đánh nhau tiếp, mặc kệ còi báo động với máy bay ầm ù trên trời. Sớm hôm sau, mụ đi thẳng.

Từ đấy, không còn tăm hơi hai mẹ con. Đầu tiên, tôi cũng tưởng mụ chỉ dỗi bõ lăng nhăng rồi lại đâu vào đấy như mọi khi. Nhưng rồi bặt hẳn. Tôi sốt ruột, nhưng cũng không biết thế nào, biết hỏi ai. Hàng phố xì xào. Cô ấy đã theo người ta xuống Nam Định, tôi trông thấy ở Chợ Rồng. Cô ấy trốn vào Nam rồi. Có người lại nói như thật: cô ấy số đỏ như tiên rồi, xin được chân phụ bếp ở cục phục vụ được sang nấu bếp nhà khách sứ quán ta bên Liên Xô. Nhưng cũng chỉ là nghe nói, chẳng thấy tăm hơi đâu. Thế rồi đến năm đất nước thống nhất cũng vẫn bằn bặt thế. Có lúc nghĩ hay là vướng bom đạn chết đường chết chợ rồi. Trong chiến tranh, biết bao nhiêu người mất tin, mất tích, không phải riêng mẹ con nhà nó.

Tôi ở gian nhà ọp ẹp ấy và vẫn một mình với cái bơm xe. Hiu quạnh, có lúc cũng nhớ cái khi tung hoành ở xóm Am, xóm Chuôm nhưng chỉ nghĩ đến đã xấu hổ, còn ra cái thá gì mà vênh mặt. Lưỡi dao cạo hiếm mà đắt, tôi chẳng buồn cạo, mặc kệ. Râu ria tóc tai bù xù như con gấu vườn Bách Thú. Tôi cảm thấy mau lão quá, ngoài năm mươi mà lụ khụ, nói nói thở thở. Tôi đo sức bằng mỗi lần bơm xe. Năm trước chỉ ấn một cái được một nhát bơm, bây giờ phải nhảy trẹo mông mấy lần, buổi chiều thì móp bụng lại đến bốn nhát mới xuống được một nhát. Tối về lử lả, xiêu vẹo, xách cái bơm cũng trĩu tay, mặc dầu tôi tịnh không chè thuốc, bia rượu. Cái già xộc đến tận đít rồi. Đàn bà con gái dửng dưng qua mắt tôi và tôi cũng nhìn người ta thờ ơ như nhác mắt qua đường.

Một hôm, tôi nhận được giấy bưu điện báo nhận hàng. Lật xem đi xem lại: bưu cục Bờ Hồ báo lần thứ nhất - tôi đi hỏi, người ta bảo giấy này gửi từ bên nước Úc. Tôi bỏ một buổi làm, lên hiệu sách xem nhờ tờ bản đồ treo bán tìm nước Úc ở đâu. Đêm mất ngủ, hay là bưu điện nhầm. Tôi lại mở giấy xem lại, rõ ràng viết số nhà cái buồng cái lều này và cả ba bốn bên đường phố hàng xóm bao năm nay chỉ có một Nguyễn Văn Bối tôi.

Tôi lên nhà bưu điện. Người ta cho biết hàng nước ngoài gửi về phải có sổ nhận hàng trên thành phố cấp. Tôi bảo tôi không biết và hỏi hàng gì. Cô nhân viên chỉ cho tôi trong ngăn tủ bề bộn, một hộp giấy vuông, bảo: "Đấy, hôm nào đủ giấy tờ, hải quan cho mở ra mới biết hàng gì, bác ạ".

Rồi tôi cũng lo được mọi cái từ khối dân phố lên khu, lên thành phố cho có nổi một tờ giấy sổ lĩnh hàng nước ngoài. Tiền mua các thứ phí tổn bạc nghìn. Đến nơi lại bảo nộp phạt tiền lưu kho mất hai nghìn rưỡi. Nặng quá, tôi đã nghĩ toan bỏ. Nhưng đằng nào cũng đâm lao rồi, tôi lại về cào cấu, cá, giựt nóng, cả vay lãi ngày. Cũng có lúc chợt hoảng. Nhỡ một cái lại là cái hộp cứt như trong truyện Trạng Quỳnh thì có mà toi đời. Nhưng không, một gói những lọ, những hộp xinh xinh. Người hải quan xem từng lọ rồi bảo đấy là thuốc bổ, được phép nhận. Tôi ôm cái hộp lên ngực mới gạt được đám người bâu ngoài cửa bưu điện, nhao nhao: Thuốc à? Có bán không. Bao nhiêu? Xem nào, xem nào...

Tôi đứng bơm hàng ngày một chỗ ngã năm ấy, có người bơm xe lâu đã thành quen biết, một vài phút đợi bơm, đã ra khối chuyện phố phường. Chỉ hôm sau tôi đã hỏi biết được toàn thuốc vitamin A, B, C, B6. Thuốc Pháp, thuốc Mỹ, đắt đấy, bán được tiền. Tôi hỏi mỗi người một tý, chắp lại, đã ước lượng được giá cả. Thế là không dưng trời cho tôi của.

Ai ở nước Úc gửi cho tôi? Không có thư, không tên người gửi. Hàng chữ tên tôi, số nhà, phố thì đánh máy. Người ta bảo ở các nước văn minh, ra hiệu xe đạp, mua cái xe rồi lại thuê gửi, thế là cửa hiệu cứ việc đóng gói và gửi đi, người mua không phải động tay, không cần biết mặt cái xe. Nhưng ai gửi, lục soát đến đâu cũng không ra ai. Không một cớ nào để đoán nổi. Cuối cùng, trong ý nghĩ tôi đọng lại hai con vợ mất tích kia, mà có lần người ta đồn nó đã đi những nước nào nước nào sướng hơn tiên. Có lẽ là... có lẽ là... Lúc khổ nhất người ta cũng nghĩ rồi ra có lúc được mở mặt, hay là nó, chỉ có nó mới biết tên tôi, số nhà tôi, mà xét những mặt quen biết thì quanh đây cả, chỉ bọn khố dây, ai mà có được hộp hàng này! Đích là nó rồi. Chỉ có con vợ trước ở Tám Mái thấy bảo lấy chồng, làm cút lit có thể nó về bên Tây bên Mỹ. Nhưng con ấy lại không biết chỗ tôi ở bây giờ. Thế thì ai gửi cho tôi, lại rối ruột thêm. Tôi có hai đời vợ, hai đứa con thật sự, còn con rơi con vãi ở đâu không kể. Nhưng mà chẳng nhẽ con vợ nào của tôi đã sa chân xuống tận vũng bùn tư sản thối nát lại còn hơi sức nhớ đến tôi. Hay là...

Hay là cái này của địch, là âm mưu địch, thằng địch chúa thằn lằn nham hiểm - đi cải cách ruộng đất đã thấy đấy. Tôi mất cái mũ cán bộ đã lâu mà vẫn chưa quên cách phân tích địch ta. Thế nhưng ở trên đời này, thằng địch ba đầu sáu tay nào mà lại biết tên tôi là quân tốt hỉn Nguyễn Văn Bối. Ông bơm xe, ông quán nước, quanh năm không nhìn ra ngoài cái bơm, cái chén, nhưng thoáng mắt đã nghe biết cái khôn dại của bao nhiêu người đời. Nghe nói có nhà có người ở nước ngoài gửi các thứ về cho mà bán để ăn, để sướng, tôi cũng đương được "tiếp tế" như thế, chứ có phải địch mua chuộc đâu.

Bao năm nay, trời nắng hay trời mưa, tôi chỉ có cái bơm và lê la quanh mấy gánh cơm dưa cà, đậu om, canh đậu, có cái ghế treo trôn quang, khách đến bà hàng mới bỏ ghế ra, sợ ngồi xúm xít thì công an đuổi.

Số thuốc tôi bán dần. Ôi, những chi tiêu thăng hoa khỏi mụ hàng cơm gánh. Tôi xuống chợ trời mua bộ quần áo ka ki đại cán cũ. Mới ngày nào, cán bộ thủ trưởng và nhân viên đều đại cán như nhau, bây giờ có tiền, hoạ hoằn mới có người mặc đại cán, anh xe ba gác, xe xích lô. Dù qua mặt cũng không ai nhìn, việc đời cái gì rồi cũng trôi đi. Đời cán bộ của tôi đã chấm dứt từ bộ đại cán sang cái bơm, tôi vẫn thấy mặc đại cán được và hợp mắt. Chặp tối, tôi không đến gánh cơm quán đầu ghế nào. Đã lâu mới nhớ phải hưởng một bữa có chất. Cuối phố kia mà tôi vẫn biết ở đấy có một hiệu ngoài tủ kính bày mấy lọ mắm tôm bán sỉ, nhưng trong nhà làm chui cơm tám giò chả. Tôi đi đánh chén một bữa cật lực, bội thực không thở được, chỉ còn sức bò được về nhà, lăn đùng ra.

Tôi nhét cái bơm vào gầm giường. Nghỉ ít lâu cho khuây khoả cơn sầu đã nào. Nhưng vài ba tháng nằm khàn, ăn vỗ béo rồi ngủ, gói tiền to đến bằng cái tải gạo cũng phải toang ngoảng. Rồi hết tiền, lại vác cái bơm ra ngã năm. Tôi chép miệng. "Tiền bắt được như tiền cờ bạc, của phù vân vào nhà rồi của phù vân lại đội nón ra đi, thế thôi". Tôi thở dài, tự an ủi.

Tôi khắc khoải vu vơ mong lại nhận được giấy báo nhà bưu điện. Tôi tính ngày, so sánh năm tháng, đoán có lẽ vào dịp Tết may ra. Rồi mấy Tết cũng chẳng thấy đâu. Cái gói tiền đã xa như chiêm bao từ ngày xưa. Tôi lại cắm cúi, vật vã nhảy nhấp nhô cưỡi lên cái bơm.

Nhưng quái sao, tôi thở dốc: Tôi béo tốt hẳn hoi, râu mọc um tùm đen mỡ ra. Thế mà hai cánh tay rã rời muốn vập mặt xuống cái bơm gỉ. Tôi không bơm xe được nữa. Tôi đẫy đà ra nhưng tôi kiệt sức rồi. Cái túi tiền đã giết tôi.

Hôm sau, tôi lại vác cái bơm ra. Nhưng cả buổi chẳng được một nhát. Khách quen không có ai. Người lạ trông thấy tôi mặc cái áo đại cán, mặt mắt húp híp, người ta đạp xe thẳng. Rồi tôi cũng được khách, nhưng vừa buông cái bơm, tôi nghẹn cổ không thở được. Ông khách đùa: "Ông béo sung sướng phát phì thế thì đi nghỉ mát, chứ bơm xe là ốm đấy".

Tôi chết thì thôi. Cái thằng Vách, thằng Vách chết như đi chơi, lại còn gọi người đến xem nó chết. Thế mà hay. Lẽ nào tôi hèn không bằng thằng Vách. Tôi chết cũng vừa, đủ mùi đời rồi.

Tôi ngồi dậy. Tôi với tay vào góc buồng, kéo cái hòm gỗ. Trong ấy, mọi thứ đều được nhặt nhạnh chẳng muốn vứt đi cái gì. Tôi tìm cái quần rách. Tôi bện thành cái thừng. Tôi chợt thấy vẫn còn chiếc ruột tượng đựng gạo ở cơ quan trên Thái Nguyên. Mỗi lần ra khỏi rừng đi công tác ai cũng đeo vắt vai một hai bao gạo. Ôi, cái ruột tượng đựng gạo còn lại đến bây giờ, được, được đấy.

Tôi đứng lên mặt bàn, buộc một đầu ruột tượng lên xà nhà, bên kia thòng xuống, thắt nút tròng lọng lại. Tôi ngắm nghía. Chui vào, đạp đổ cái bàn dưới chân thì tôi bằng thằng Vách.

Tôi ngồi thừ một lúc lâu. Không phải tôi ngần ngừ mà tôi mỏi như sắp chết, tôi ngồi thế này chắc một lúc nữa tôi cũng chết. Không phải. Tôi nhớ ra tôi sắp lả đi vì đói. Thế thì đi ăn cái gì, chẳng nên làm con ma đói.

Chiếc tròng lọng ruột tượng trắng nhờ như giải khăn tang lơ lửng giữa nhà. Tôi khoá cửa, bước ra.

Lại biết chỗ ấy có quán cơm mà mật hiệu là cánh cửa đóng một bên. Mở mảnh ni lông che tường ra, trong treo cỗ lòng tràng, cái cổ hũ trắng phau, có phở, có cháo lòng, tiết canh đủ thứ. Thành phố tiêu điều không phải vì chốc chốc lại báo động máy bay. Bề ngoài thôi, người ta ở trong nhà mà vẫn hàng phở, bánh cuốn, bánh giò, rượu cuốc lủi được gọi nhẹ nhàng là nước mưa...

Vừa đi vừa nghĩ những cái ăn, như người thành phố bom đạn đương thiếu đói, thì chết làm sao được. Tôi cũng tự mang máng thấy thế. Tôi lử khử, dật dờ đi. Dãy phố im ỉm. Thế mà cái quán này đèn sáng. Ngọn điện che mảnh bìa cứng, bớt sáng hắt ra, theo lệnh phòng không. Tôi bước qua chỗ cửa tối vào sáng đèn, tôi choáng người. Lão chủ quán cái mặt hệt thằng địa tư Nhỡ. Chỉ khác bộ râu quai nón trắng như cước, tóc và râu dài xuống giữa lưng, giữa ngực. Tôi hốt nhiên phấp phỏng. Hay là tôi đã thắt cổ tôi chết rồi, tôi gặp hồn thằng tư Nhỡ ở cửa địa ngục suối vàng.

Chủ quán nhác nhìn tôi, hỏi ngay:

“Anh đội Bối phải không? Cũng râu ria như thằng địa chủ rồi à?”

“Ông... Tư Nhỡ.”

“Nhớ dai đấy. Anh ngồi chơi.”

“Bây giờ ông...”

“Vẫn thế thôi. Ồ lâu lắm mới gặp. Đánh chén cái đã. Không phải ăn nhà hàng đâu, mà tôi thết ông. Dám chứ? Tôi vẫn ơn ông không qui tôi là địa, nhưng ông vượt mặt thế nào được thằng đội Cự, có phải không ạ?”

Toàn việc người sống. Tôi còn biết nói thế nào. Cái anh đội Bối cũng xa xôi hoá thành thằng bơm xe rồi. Những kiểu cách ta đây cán bộ ra vẻ hiểu biết, đứng nói hấm hứ băm băm tay, tôi chẳng còn đâu điệu bộ dơ dáng ấy nữa. Quên rồi, cứ như chuyện Âm Phủ. Tôi không ngại, cũng chẳng ngượng với tư Nhỡ. Dường như lại quen ngay. Ai cũng chỉ ưa nhớ lâu những cái dễ chịu. Rồi vừa nhớ lại vừa không muốn nhớ, như mê ngủ. Bây giờ rõ ràng tư Nhỡ mời tôi đánh chén. Ừ, đánh chén. Thằng bơm xe đạp nhặt từng hào giấy thì chỉ thèm đánh chén.

“Vào, vào uống chén nước đã.”

Nhà tư Nhỡ hai buồng, liền phòng trong, cái bếp đã được dênh ra ngay đầu gian bán hàng, đây chỗ ngủ kê vừa chiếc giường một. Trên mành mành che, buộc cái mẹt to sơn kẻ dòng chữ xanh tròn quanh theo khung: Hutte cent ans kèm chữ quốc ngữ hắc ín đen nhánh "Lều trăm năm".

“Vẫn cái "động trăm năm", ông ạ.”

Tôi pha trò:

“Có còn Tây càn nữa đâu!”

Tư Nhỡ vuốt râu cười:

“Vẫn còn công an, cán bộ thuế mà mình là thằng bán hàng chui. Cái lều "ông già trăm năm" này có giá trị trình bày lắm. Tôi lão rồi, tôi ốm yếu sắp chết rồi, tôi kiếm ăn cò con, các ông tha cho. ít người biết chữ Tây nên phải viết kèm chữ ta cho các anh ấy dễ hiểu để thông cảm. Chỉ có bây giờ mà đội cải cách bắt tôi thì tôi chịu chết, không còn sức leo tường nhà giam. Nhưng cũng chẳng cần. Mấy chục năm tu ở cái "động trăm năm" này tôi đã luyện đắc đạo phép tiên.”

Tư Nhỡ miết ngón tay cái vào ngón tay trỏ, giơ cao bật tanh tách rồi cười khớ khớ: Phép tiên Xìn! Xìn! Tiền! Tiền! Tôi bây giờ tên là thằng Xìn, là ông tiên Xìn!

Tôi lờ đờ vẻ không biết, hững hờ hỏi:

“Ông có hay về Am không?

“Tôi biệt xứ từ ngày ấy. Vợ tôi chết tôi cũng chôn ở Văn Điển. Không biết dưới ấy vào hợp tác rồi có cào bằng cả làng thành một họ không, còn tôi đã từ làng, từ họ rồi. Họ hàng mà đấu nhau đến thế, còn mặt mũi nào. Nhưng mà có phúc có phận cả, nhờ các anh về làm tan hoang lên thế, thằng tư Nhỡ có suýt chết mới lại được thế này. Mấy lỵ tôi mà thò đầu về, đứa nào dò được tông tích tôi ở đây, có khi tôi lại ăn đất, anh ạ. Chốc nữa anh lên công an khu báo cáo có thằng địa trốn lên đây đội lốt công thương thì tôi cũng rũ tù Hoả Lò. Nhưng mà anh đã có khi thương tôi, nỡ nào, phải không. À mà tôi cũng thay tên đổi họ rồi. Bây giờ họ tên tôi là Tạ Xìn, Tạ Xìn. Tiếng Tàu "xìn" là tiền, "tạ xìn" là một tạ tiền, tôi thờ thần tiền. Khỉ nhổ, tôi hay chơi chữ, đã "lều trăm năm" lại hoá ra "tạ tiền". Tạ Xìn bán phở ngầu pín dái bò dái dê, lại cả phở không người lái. Phở Tạ Xìn đương có tiếng đấy.”

Description: https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhaA-RJx-YTG_g9GlC8aF7PPQB74LwzQMytqNv9YWjC8giSf-kjwWmnfPvp2VRFYAjBTgiPeBKnVFcUYiHrRz1DRlftp5LD3uzy_xXlafdbbQpqMfZEyDlLAL9QFNXMKyREJB0tkyJ33UDI/s400/CCRD2.jpg
Lão nói toang toang gay gắt một cách tự tin. ở đời không rõ đầu lưỡi hay trong bụng, tôi thấy ai cũng tự tin hơn tôi, tôi càng đâm ra rúm ró. Tôi mù mờ những sóng gió thôn Am, thôn Chuôm. Tôi có cảm tưởng tư Nhỡ đương là thằng Tề Thiên Đại Thánh đánh cả trời mà tôi như con nhái đứng dưới đất giương mắt chẫu, mắt nhái há mõm nhìn lên.”

Tôi nhấm nháp chén chè Tân Cương pha bằng nước đun ở cái ấm điện tý hon chỉ vừa vài chén hạt mít. Một lát, thấy một đứa con gái bưng một mâm vào. Trên mâm, hai bát chậu đựng những cánh xương sườn lợn cong lên như cọc bờ rào, khói béo nồng bốc nghi ngút. Xương ninh làm nước phở, ngon nhất. "Bán phở mà tôi cấm có ăn phở. Tôi không thích mâm bát lôi thôi. Tôi chỉ nhắm rượu, gặm xương. Ông chiều tôi".

Tư Nhỡ lại nói, giới thiệu:

“Cái con bé này là út của tôi. Nó làm mậu dịch, nó đương là cô mậu bán thịt cho nên bố nó mới được cái khoái này. Bây giờ là nhất nhà mậu, nhà mậu được có cái chén ngay, rồi mới đến nhì thân, ba thế.”

Lúc nãy nhìn đứa con gái tôi ngỡ con bé con, bây giờ mới nhận ra cô mậu dịch áo vét xanh da trời, hai bím tóc Hỉ Nhi tết buông xuống lưng, đôi dép râu, tôi đâm sợ. Ai mà chẳng sợ những cô mậu cong cớn, cô ném ra bán như thí cho bó rau nào thì được nhặt bó ấy.

Tôi uống rượu chẳng mấy. Tư Nhỡ thì vén râu tì tì từng chén. Tôi nhấm nháp theo cũng hào hứng dần lên và thế là nhãng mất cả chuyện lúc chiều định thắt cổ. Đấy, tôi ví thế nào, tôi hèn, tôi bằng thế nào được thằng đồ tể Vách kia, tôi mới chỉ gặm miếng xương mà đã...

“Ông tư ơi, ông được mấy người con giỏi như cô mậu này?”

“Mỗi đứa một phận, không đứa nào giống đứa nào.”

“À...”

Từ lúc ngồi ở cái giường trong "lều trăm năm" ở thành phố này mỗi lúc tôi lại rạp người xuống, tôi phục tư Nhỡ, rồi cúi đầu ăn như ma đói. Chẳng mấy lúc say đứ, nằm đờ ra. Cái thân tôi ăn cũng khổ, lúc nào cũng sắp chết vì bội thực. Tỉnh lại, thấy tư Nhỡ vẫn ngồi nguyên thế, đầu gối rung bành bạch, chốc lại vạch râu tợp một ngụm.

“Thức rồi à? Làm bát không người lái. Phở nóng, nhiều hành, tỉnh ngay.”

“Tôi về...”

“Về làm gì. Ông nằm cái giường này vừa, giường nhà ông như cái ổ chó!”

“Ông biết nhà tôi?”

“Tôi biết cả ông đứng bơm xe đạp ở ngã năm, biết lâu rồi.”

Chưa húp bát phở nóng mà tôi tỉnh tức khắc. Tôi bơm xe đã thành tật cứ lúi húi vặn van, lắp vòi, lúc nào cũng rũ mặt xuống hai tay ấn bơm, chứ mấy khi nhìn ai.

“Về đây làm với tôi.”

Tư Nhỡ đứng dậy chệnh choạng vịn tay vào tường.

“Ấy cái tội của các ông cải cách đây. Thằng tư Nhỡ tụt tường nhà giam, trốn ra, què một chân.
Mỗi câu của tư Nhỡ như đấm vào mặt, vào bụng, vào lưng, tôi chỉ biết oằn người ra chịu đòn.”

“Nhà nước chỉ cho ăn vã bo bo, bột mì rán khan, cái bánh phở là quốc cấm, phải chạy nhiều cửa mới có chén rượu, có miếng xương này. Mai ông đến đây, khối việc. Ông không ra sao cả.”

Tôi thì không ra sao từ lâu lắm rồi. Cái vốc tiền dạo trước cũng chỉ nuốt hết chứ có nên trò trống gì đâu. Nghe nói thế tôi coi như ông chủ đương mặc cả công. Được thì gật, không thì lắc, chẳng còn biết đỏ mặt. Nghe nó nói cũng thuận, có khi mà hay, đỡ nắng gió, khỏi phải há mồm nhảy bơm, mà cái tiền của trời ơi của tư sản giãy chết kia thì biết bao giờ nó còn rơi xuống nữa. Tôi gật gù, lóng ngóng.

Tư Nhỡ đập bốp bàn tay bên kia vào tay tôi.

“Mai đến nhé.”

Tôi bước len lét, lử khử, râu ria lướp tướp như con chó ốm. Đến khi mở cửa trông thấy cái tròng lọng ruột tượng lơ lửng giữa nhà, tôi mới nhớ lại. Tôi bần thần cởi xuống, vứt lại vào cái hòm rác rưởi. Quên ngay, tưởng như chưa khi nào đã định chết thắt cổ.

Tôi ngủ say như chết. Hôm sau, tôi cưỡi cái bơm, mỏi nhức lên đến cánh tay. Thật không thể trông vào cái bơm nữa rồi. Cái bọc tiền đã giết tôi. Nhớ đến những câu chuyện với tư Nhỡ lại càng đau ê ẩm.

Một buổi sáng, tôi đến nhà tư Nhỡ.

Tư Nhỡ cười, vỗ vai tôi.

“Biết anh còn nghĩ đi nghĩ lại mấy hôm mà. Cũng sĩ diện chứ, nhưng cái bơm chỉ bằng cái tăm hương ấy mà nặng đấy.”

Tôi bắt đầu làm một công việc kỳ quái mà dễ hiểu. Không phải phụ bếp, không lau bàn, bưng bê, không rửa bát hay giết gà, mổ lợn - thịt gà và từng súc thịt lợn sống đã có cái cô út làm nhà mậu mỗi buổi đèo trộm về một túi ni lông rồi.

Tôi đi lấy bánh phở. Hồi ấy, cả thành phố trông vào tem phiếu. Bánh trái, chè cháo hàng quán đều dùng đến gạo, bột gạo đều bị cấm, nhưng người ta vẫn chui lủi, thế nào cũng có cách nhoi ra. Mỗi ngày hai buổi đúng giờ như người đi làm cơ quan, tôi vác một bị bánh phở nặng lệch vai về.

Tư Nhỡ dặn:

“Chỗ lấy bánh này nghiêm lắm. Anh có bộ đại cán hay đấy, dễ vào. Nhưng cấm nói, không được nhìn ngang nhìn ngửa. Đem bánh về đến đây, gặp "cá" thì bảo là giữa đường người ta nhờ bán hộ. Rồi tôi gỡ cho, không được đổ cho tôi.”

Mấy lâu nay lặn ngụp trong chợ đời, tôi đã hiểu giữa đường ngoài hè còn biết bao những ma quái bằng bậc cụ những mưu mô và những đòn đánh ở các cơ quan tôi ngày trước.

Tôi đến một toà nhà hai tầng có vườn bao quanh ở một phố tĩnh mịch. Các cửa sổ gác đóng kín chắc là nhà cán bộ to. Tuy to, nhưng tôi để ý chưa phải cỡ có bốt gác cửa.

Tôi đi thẳng vào vườn sau. Bên cái nhà ga ra ô tô có một buồng lửng ngay cầu thang xuống. Trong buồng, một cái nồi ba mươi, bột đương nghi ngút sôi sùng sục. Mấy người xoay trần, tráng bánh cạnh cái công tơ điện xình xịch.

Một người đứng tuổi mặt mũi nhẵn nhụi mặc áo đại cán ka ki hồng nhạt. Trông thấy tôi, ông bước ra, bắt tay - lại bắt tay, chưa quen đã bắt tay lu bù. Ông ấy bỏ kính trắng, - tôi ngờ là kính giả, ông trỏ tay:

“Cái bọc to nhất để ngoài cùng là của anh - Người ấy cúi nhìn đồng hồ đeo tay. - Lúc nào ô tô ra đỗ chỗ kia thì anh vác bọc này đến, lên ngồi ghế trên. Chỗ nào ô tô dừng lại, chú lái mở cửa thì anh xuống. Không được quay lại nhìn, không phải chào hỏi ai cả. Nhớ chưa? Không thì mất lương đấy.”

Tôi đã nhớ từ lúc tư Nhỡ dặn. Nên cũng chẳng buồn trả lời. Nháy mắt, cái xe đen bóng lừ lừ chui ra, cửa kính sau và hai bên khoang dưới treo miếng vải hoa sặc sỡ như bướm đậu. Người lái xe mở cửa trên, tôi bê bọc bánh bước lên, mắt nhìn thẳng đằng trước. Nghe tiếng người bước lên đằng sau rồi sập cửa. Xe lướt ra cổng loang loáng. Nhớ những lần đi cải cách ở Thanh Hoá, ở Thái Bình, hội nghị tổng kết ở Hậu Hiền, ở Quỳnh Côi có cán bộ trên về dự cũng đi những xe đen kềnh càng choáng lộn như thế này. Các ông ấy ngày toàn mặc áo nâu, đi dép râu, không biết bây giờ ông ngồi sau tôi mặc áo nâu hay đại cán. Đương nghĩ loăng quăng, cái xe đã đỗ êm nhẹ. Người lái xe với tay mở cửa. Tôi lùi lũi ôm bọc bánh xuống. Chiếc xe lại bon vút đi. Đấy là ngã ba, rẽ vào một quãng thì đến nhà tư Nhỡ.

Mỗi ngày hai chuyến đi lấy bánh như thế, kể cũng nhàn. Được mươi hôm, dần dần tôi biết mọi lai lịch những bị bánh tôi lấy về và những túi thịt lợn, mỡ lợn, sườn lợn của cô ả mậu. Tư Nhỡ lại tự khoác đi bán các nơi khác. Thảo nào, lão bảo bánh phở Tạ Xìn có tiếng và cái hàng vắng, lão cũng chẳng cần.

Tôi lại biết bọn làm bánh không phải người nhà này, cũng không phải nhân viên cơ quan. Có manh mối, người ta đến xin làm nhờ ở đây. Mọi công chuyện và tiền nong tính toán với bà chủ. Làm bánh trong nhà hộ đặc biệt, các ông "cá" đánh hơi được cũng chịu. Lại ô tô thủ trưởng ngày ngày tải bánh ra, chẳng dám đụng đến.

Cái ông chủ lò bánh mặc áo đại cán, kính trắng, cắp cặp da như chánh văn phòng ngày nào cũng đến xin ý kiến thủ trưởng, ông ấy chuyện với tôi, ông tặc lưỡi:

“Cả làng bây giờ đều phải kiếm thêm, cán bộ nào chẳng như nhà ông này.”

Cái giọng lão ngất ngưởng hệt tư Nhỡ, đủng đỉnh, móc máy, nói đổng. Hay cũng là địa trốn lên thành phố, bây giờ tên là Xìn, là Tiền. Ai biết được.

Tôi đến lấy bánh chui ở nhà ông cán bộ to nọ, tôi lại tìm được cách nghĩ cho yên lòng hơn về sự an bài của xã hội bây giờ.

Tình cờ, tôi được tin cái lão trưởng phòng tổ chức đã sa thải tôi ngày trước, lão bị đi tù rồi. Ông "chánh văn phòng cũng tên là Xìn" ấy một hôm đọc báo rồi kể lại cho đám xay bột. Tôi đứng nghe đích xác tên người, tên cơ quan tôi trước. Nguyên do là lão ta sắp về hưu. Lão mưu với thủ kho làm một quắn lấy trộm hoá chất. Sau khi tuyên án, lão được nói một câu: "Lạy toà, một đời con công tác - toà án không cho lạy, không cho xưng con, nhưng lão cứ nói thế, - con không ăn cắp một tờ giấy, một ngòi bút. Nhưng con sắp phải được nghỉ hưu, con cần kiếm cái dưỡng già, con chỉ kiếm đồng tiền dưỡng già. Xin toà rủ lòng thương". Lão ấy sáu mươi ba tuổi. Thì tôi ngậm ngùi nông nỗi đời người. Tôi lại quên cái lão trưởng phòng mặt sắt ngày trước. Ai chả thế, cố cùng mới chịu đói, ai chẳng thèm no.

Tối tối, tôi ngồi hầu rượu tư Nhỡ. Quan hệ của tôi với lão cứ nửa nạc nửa mỡ. Không ra chủ cũng chưa hẳn đầy tớ. Tôi chẳng còn nhớ về địa chủ tư Nhỡ ở thôn Am. Nhưng lão thì nhớ ác, thỉnh thoảng móc tôi vài cú.

“Cái đài Ôrêông này của tôi khoẻ lắm, nghe được Sài Gòn, cả đài Mỹ, đài Anh. Bây giờ tôi mới chính cống là việt gian toàn nghe đài địch. Cái thằng đội C. dốt đặc cán mai như con bò, cái galen kêu ẹc ẹc bắt dây lên cột tre lại bảo là dây điện đài đánh đi liên lạc với địch.”

Tôi im, hàm nhai thong thả.

Bát xương sườn lợn bốc khói mỡ béo ngậy. Tôi phải làm bát phở không người lái đã rồi mới uống - cũng giữ ý, kẻo lại kềnh ra như hôm nào.

Tôi đảo mắt nhìn tư Nhỡ. Lão vẫn đương ừng ực một lúc mấy chén cũng như lúc đứng bán phở, lúc đeo túi bánh túi thịt đi, lão nói lão làm phăm phăm, hống hách, máu nhà địa chủ và lão đương làm ông chủ, còn thằng Bối thì hủn hoẳn như con thằn lằn cụt đuôi.
Tôi đã lẻm xong bát phở không mà từ khi trời thành phố hay có máy bay không người lái của Mỹ vào thám thính, bát phở không thịt cũng thành cái tên "phở không người lái", chẳng ra cợt chẳng ra mỉa nó hay mỉa ta. Tôi nhấc chai, rót lấy chén rượu. Tôi cũng đương làm ra tiền cho nhà này mà.

Tư Nhỡ bỗng dưng hỏi:

“Này cái thằng đội cải cách tên là thằng Cu, thằng Cụ gì nhỉ?”

“Thằng Cự.”

“Ừ, Cự. Nghe cái tên mà còn hốt đến tận giờ. Đêm hôm qua đài Sài Gòn nói có hai thằng đại tá Hà, đại tá Cự người bên ta mới chạy sang bên nó, hai thằng đi họp chống cộng châu Á ở Đài Loan về. Có phải cái thằng Cự ấy hả?”

Tôi lơ đãng:

“Nào biết được!”

Tư Nhỡ cười hê hê:

“Anh chỉ chúi mũi xuống cái bơm, chẳng biết con khẹc gì. Nói thế chứ tôi có biết đâu thằng Cu, thằng Cự. Chả là tôi mê cái giọng con Hà Thanh rồi con Hoàng Oanh đài Sài Gòn, chúng nó hát cho tê tái lòng người đến như thế mới là hát chứ. Đến giờ đấy, để tôi tìm luồng đài Sài Gòn... Mà đài nó nói đêm nay các thằng ấy họp báo. Anh nghe xem có phải không?”

Tôi lẳng lặng thong thả nhấm nháp mảnh xương sườn lợn. Thằng Cu, thằng Cụ, thằng Cự xa lăng lắc chẳng bận đâu đến tôi. Chiếc Ôrêông trên đầu giường tư Nhỡ đã lên nước ám khói màu vàng nhợt. Cái núm quay ọ ẹ ró ráy như chuột chạy. Tư Nhỡ áp tai nghe rồi rối rít: Đấy, đấy... Cúi xuống... này... này. Tư Nhỡ đứng dậy cẩn thận ra cài then cửa. Tôi hờ hững ghé tai vào mặt đài.

Tiếng người đương nói:... thưa đòm bào, chúng tôi đại tá Tám Hà, đại tá Huỳnh Cự... ngày... đi dự đại hội chống cộng toàn châu Á ở Đài Bắc về. Thưa đòm bào, tôi xin báo cáo...

Tôi nhỏm lên, nhớn nhác:

“Đúng, Huỳnh Cự...”

Tư Nhỡ kêu một câu:

“Ối giời ôi!”

Tôi còn đương ngổn ngang những thằng Đình, thằng Cự ngày nào chưa nghĩ thấu sự đời lộn phộc quái ác này. Tư Nhỡ choang choác:

“Bên ta có thằng chó ra hàng, hai thằng chó ấy ra hàng. No cơm ấm cật thì ở bên ta nó cũng sướng chán. Đâu không biết chứ dạo ấy, rễ chuỗi bần cố ngày nào chả lên chợ mua lậu rượu thịt về cho thằng đội Cự. Anh sai con Duyên, con Đơm mấy lần đi mua bánh ngô, bánh dày. Người ta đếm đấy, cả hàng huyện biết chứ. Thế ra nó vào B, nó hàng địch, nó mò ra chỗ ăn chơi, trâu đi tìm trâu đấy, các cụ nói không sai. Mà ai chả thích sướng. Bây giờ tôi sướng hơn ông, nhưng đã ra qué gì, bán cái bánh phở mà như thằng kẻ trộm.”

Tôi lủi về, tư Nhỡ vẫn lảm nhảm huyên thuyên một mình đến tận lúc nào. Tôi nằm xuống giường rồi vẫn máng tiếng thằng Cự với những câu chửi rủa của tư Nhỡ. Đúng nó, đòm bào, đòm bào lại nhớ như mới họp, mới mít tinh hôm qua. Nó leo cao đến thế thì tôi cũng chẳng ngạc nhiên. Những mưu mẹo, những trắng trợn khủng khiếp. Thế rồi mà lại chạy.

Rồi tôi lại tơ tưởng đến những hộp đựng thuốc bên Úc gửi về. Ừ làm người ở đời ai chả muốn sung sướng, câu ấy rõ chẻ hoe khác cái thằng tôi bơm xe, thằng tôi đi lấy bánh. Tôi chợp mắt, những lọ thuốc tây rơi lả tả xuống mặt, gạt ra không kịp.

Tôi khệ nệ vác tải bánh vào nhà tư Nhỡ, đặt lên bàn. Rồi ngồi xuống thở. Có người lố nhố vào theo. Mấy người, cả người mũ áo công an vàng vàng. Hình như các ông thuế, ông công an đã ngồi chõm ven đường bên kia. Tôi bủn rủn, choáng váng.

“Yêu cầu mở cái gói.”

“Tôi, tôi...”

“Mở ngay!”

Tư Nhỡ ở trong cái lỗ "lều trăm năm" loạng choạng ra, dụi mắt, dường còn ngái ngủ.

“Chào các ông! Ơ thằng kia, thằng lưu manh ở đâu chạy vào đây? À nó đem hàng lậu. Mày định đổ vạ vào nhà ông hả?”

Tư Nhỡ xông đến đấm đạp liên hồi vào mặt, vào bụng tôi, vừa đánh vừa rền rĩ kêu: "Các ông trói nó lên đồn cho tôi. Mả cha thằng ăn cắp, thằng ăn cắp". Trong khi tư Nhỡ sấn sổ đánh tôi, mấy người chức việc khác ngồi vào ghế mở sổ hý hoáy ghi chép, cũng không ai để mắt tới người bị đòn trước mặt.

Tư Nhỡ nghển lên với tay lấy cái roi mây phất trần. Tôi ù té vùng chạy thục mạng ra. Một lúc nhìn lại, chẳng thấy người đuổi. Xung quanh nhộn nhịp mọi qua lại buổi sáng. Tôi hổn hển bước trong đám đông. Không biết đòn thật hay đòn giả, hay nó làm phép đuổi tôi, quịt công tôi. Hai đầu gối tôi như muốn long ra.

Lúc buồn quá, người ta hay bíu vào những mơ màng. Nhưng tôi mơ màng phía nào cũng vướng. Lại loé lên thằng Vách và cái thừng tròng lọng. Cái ruột tượng ở nhà tôi hình như vẫn để múi tròng lọng. Nhưng tôi quên cái việc thắt cổ rồi. Tôi..

Tôi sờ lên môi. Ngón tay dính nhoè máu. Hàm trên, hổng một lỗ lợi mà không thấy đau. Cái răng gãy văng đi đâu hay đã tụt vào cổ họng lúc thằng tư Nhỡ đánh quai hàm tôi. Ôi, những đứa bị gãy răng đương ra đứng sắp hàng trước mắt, "con đĩ kẻ Đìa này, thằng Đình này, thằng tôi này.." Tư Nhỡ cũng đã khuyết chiếc răng cửa. Ngày ấy nó đã bị ăn cú đòn mất răng chăng. 

Ở xóm Am, xóm Chuôm và cả làng ấy đến bây giờ còn kể một câu chuyện ly kỳ và chắc còn kể mãi, đời này qua đời khác đến mai sau.
Năm ấy, có một đợt tuyển bộ đội. Hai anh em Vó và Cò, con bác trưởng thôn Diệc đều tòng quân. Một năm sau, nhận được thư của hai chiến sĩ gửi từ miền Nam ra. Bấy giờ, cuộc kháng chiến chống Mỹ đương giai đoạn khẩn trương, tuổi trẻ cả nước ra mặt trận, miền Nam xa mà gần. Đôi khi, có thư chuyển tay về nhà, có lần có người qua lại, do vậy ở nhà cũng biết tin tức. Thế cũng là còn rõi theo được hơi hướng rồi.
Cò thì vào bộ đội vận tải. Vó thành chiến sĩ đặc công. Ở làng bàn tán thấy bảo Vó là đặc công nước, không phải đặc công bộ. Có lẽ thật như thế, bỗng nhiên một lần kia Vó được về thăm nhà. Cả làng xúm lại hỏi: “Thế thì Vó bơi từ trong mặt trận ra à?” Rồi đâu đâu cũng đồn rằng chiến sĩ đặc công Vó đã bơi từ mặt trận ra. Chỉ có đồng chí Quyết Thắng mỉm cười. Vó là đồng chí Quyết Thắng. Rồi Quyết Thắng lại đi.
Thế mà cái tin đội trưởng Cự vào mặt trận phía Nam rồi ra hàng địch, nghe đài Sài Gòn nói, những người cũng biết. Cự chẳng dây mơ rễ má, chẳng họ hàng bàng sang với nhà ai, họ nào, nhưng bởi Cự đã về làng làm những chuyện động trời xưa này chưa bao giờ xảy ra, cho nên người ta nhớ, nhớ cái hồi làng nước áo xám. Đòn đau nhớ lâu… Mọi người còn biết rõ hơn nữa, không biết là thêu dệt hay tường tận. Chuyện cứ hệt như tận mắt trông thấy. Bên ta đã hạ quyết tâm tiêu diệt bằng được thằng phản bội ấy. Cả một trung đội sẽ tấn công, những chỉ một người trách nhiệm đặc biệt phải bắt sống hay là giết nó tại trận. Nhiều người giơ tay xin nhận lệnh, rồi chỉ có chiến sĩ đặc công đồng chí Quyết Thắng được vinh dự. Quyết Thắng được hơn mọi người, Quyết Thắng nói: “Tôi biết mặt thằng Cự, nó đã ở nhà tôi mà”.

Một trận đánh chớp nhoáng đột nhập vào cơ quan chiêu hồi của ngụy ở giữa Sài Gòn. Quyết Thắng đã rút dao chém đứt cổ Huỳnh Cự trong đám loạn quân tháo chạy. Lại còn xách được cái đầu Cự đem về làm bằng.Câu chuyện anh dũng cứ được kể lại mãi, không biết thực hay hư thế nào.1992


1      2           4 


No comments:

Post a Comment