Giáo Sư Tương Lai
Nhân ngày 19 tháng 5
Câu thơ Hồ Chí Minh
viết trong “Ngục trung nhật ký” cách nay đúng 70 năm bỗng ngân vang trong những
ngày tháng Năm cháy bỏng qua lời của Phương Uyên trước tòa án Long An ngày
16.5: “Tôi yêu nước, tôi thể hiện lòng yêu nước. Tôi không ngờ tôi bị bỏ tù
vì thể hiện lòng yêu nước ấy… Chúng tôi làm để thức tỉnh mọi người trước hiểm
họa Trung Quốc xâm lược đất nước, chúng tôi làm xuất phát từ tấm lòng yêu nước
nhằm chống cái xấu để làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp tươi sáng hơn”.
Nếu 88 năm trước,
Nguyễn Ái Quốc đau đớn thốt lên: ”Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ
chết mất nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh“ [*] thì
hôm nay, những Phương Uyên, Nguyên Kha, và nhiều, rất nhiều bạn đồng trang lứa
với họ không còn phải “hồi sinh” mà đang dõng dạc trước vành móng ngựa những
lời đanh thép, biểu hiện ý chí, trí tuệ và khí phách của thế hệ trẻ trước cường
quyền và tội ác. “Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi.
Tôi không hề chống dân tộc tôi”, lời của Nguyên Kha đã khẳng định thế
thượng phong của công lý và chính nghĩa trước sự chà đạp lên pháp luật của
những thủ đoạn vu khống, lừa mị và tàn ác nhưng hết sức vụng về và mong manh!
Chỉ có một điểm khác,
một điểm khác đau đớn và xót xa, oái oăm và uất ức là những lời đanh thép đó
không nói trước tòa án của thực dân cướp nước, lại nói với tòa án của một nhà
nước nhân danh là “của dân, do dân và vì dân” mà xương máu của bao thế hệ Việt
Nam cha anh của thế hệ trẻ hôm nay đã đổ ra để có nó, nhưng rồi hôm nay kết án
Phương Uyên, Nguyên Kha lại là một tòa án của chế độ toàn trị phản dân chủ,
phản nhân dân.
Bằng bạo lực và những
công cụ quen thuộc của cường quyền nhằm khuất phục ý chí, nguyện vọng và sức
phản kháng quyết liệt của tuổi trẻ, phiên tòa đáng xấu hổ ở Long An và những
người giật dây cho những “rô bốt” ngồi ghế quan tòa đã không lường được bản
lĩnh, trí tuệ và sức mạnh của hai sinh viên, một nữ, một nam tuổi đời còn rất
trẻ. Có thể nói, đó cũng là bản lĩnh và trí tuệ của tuổi trẻ Việt Nam trong
thời đại của nền văn minh mới với cuộc cách mạng thông tin mà chuẩn mực chính
là sự thay đổi.
Không một thế lực tàn
bạo nào có thể ngăn cản được dòng thác của những biến động trong một thế giới
không ngừng vận động mà kiểu tư duy tuyến tính tỏ ra bất lực và lạc hậu với
tiến trình phi tuyến tính với những bước hợp trội nhằm tạo ra những đột phá
không sao lường trước được. Sinh lực của tuổi trẻ đã đem lại cho họ khả năng
nắm bắt được nhịp sống của thời đại để họ có thể vụt lớn lên, đủ sức đương đầu
với mọi thử thách, đẩy tới sự phát triển của đất nước.
Hình ảnh sáng ngời của
họ, tiếng nói dõng dạc của họ khác nào một tiếng sét giữa bầu trời u ám báo
hiệu một cơn dông bão của lòng phẫn nộ đang dâng lên. Phẫn nộ của công luận xã
hội về một bản án phi lý và bất công phơi bày đường lối sai lầm nhân danh ý
thức hệ để biện hộ cho thái độ ngang ngược, xảo quyệt của Trung Quốc xâm lược.
Phẫn nộ của giới trẻ tràn đầy xung lực muốn hiến dâng sức trẻ của mình cho sự
nghiệp bảo vệ tổ quốc đang bị ngăn chặn, trấn áp và khủng bố dưới nhiều hình
thức đê hèn và xảo trá. Phẫn nộ của giới trí thức đang ưu tư về vận nước, hiểu
rõ đất nươc đang bị tụt hậu ra sao do duy trì quá lâu một mô hình thể chế lạc
hậu phản dân chủ.
Càng xấu hổ và tệ hại
hơn nữa khi cáo trạng nhân danh luật pháp luận tội các sinh viên yêu nước đã “nói
những điều không hay về Trung Quốc”, phơi bày quá lộ liễu sự mờ ám
trong việc câu kết với kẻ thù xâm lược bằng những cam kết dại dột về “giữ
gìn tình đoàn kết hữu nghị” với tập đoàn hiếu chiến Bắc Kinh đang thè cái
lưỡi bò ham hố và bẩn thỉu mưu toan liếm trọn Biển Đông, ngang nhiên hoành hành
trên vùng biển thuộc chủ quyền lãnh hải của tổ quốc. Trước phản biện quyết liệt
của luật sư, tòa phải chống chế rằng truy tố các sinh viên không phải vì hành
vi khẩu hiệu chống Trung Quốc để rồi buộc phải rút bỏ cáo buộc ê chệ và nhục
nhã đó!
Trên cái nền của sự rút
bỏ bất đắc dĩ cáo buộc dại dột ấy đã nổi rõ lên dòng chữ viết bằng máu của cô
nữ sinh viên Phương Uyên chống Trung Quốc xâm lược. Màu máu đỏ của trái tim yêu
nước của cô gái Việt Nam kiên cường và xinh đẹp ấy mạnh hơn bất cứ loại vũ khí
nào. Sức vẫy gọi của khẩu hiệu viết bằng máu ấy nối liền với truyền thống quật
cường của ông cha ta từng khắc trên cánh tay hai chữ “Sát Thát” thể hiện khí
phách hiên ngang trước một kẻ thù từng làm bằng địa nhiều vùng lãnh thổ từ Á
sáng Âu để rồi đánh cho chúng tan tác, không chỉ một mà là ba lần trong ba thập
kỷ nửa sau thế kỷ XIII. Sức vẫy gọi của khí phách ấy sẽ vượt qua mọi rào cản
được dựng lên khắp nơi nhằm ngăn chặn sức lan tỏa của tinh thần yêu nước “kết
thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn,lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn,
nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” như Hồ Chí Minh đã từng viết.
Và cô gái mảnh mai ấy
ngẩng cao đầu trước vành móng ngựa cường quyền phản dân chủ dõng dạc nhắc lại
câu nói của Hồ Chí Minh : “Một năm bắt đầu từ mùa xuân, con người bắt đầu từ
tuổi trẻ”. Để rồi hiên ngang tuyên bố: “Tôi là sinh viên có lòng yêu nước.
Nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì mọi người trẻ sẽ sợ hãi và không còn dám
bảo vệ chủ quyền của đất nước”. Đấy là một lời cảnh báo đanh thép của một
cô gái từng bị đọa đày trong tù ngục không thiếu những thủ đoạn xấu xa nhằm
lung lạc tinh thần và hành hạ thể xác, song đã không những không gục ngã mà còn
sáng suốt chỉ ra được hệ lụy của những sai lầm không thể biện hộ của bạo quyền
phản dân hại nước.
Không gì mỉa mai hơn
ngày cô sinh viên yêu nước dũng cảm chống xâm lược ấy ra tòa để nhận lĩnh bản
án khắc nghiệt cũng là ngày bắt đầu của lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông mà nhà
cầm quyền Bắc Kinh công bố, một hành động ngang ngược xúc phạm đến lòng tự tôn
dân tộc, đòi hỏi phải dấy lên mạnh mẽ tinh thần yêu nước và ý chí chống ngoại
xâm của mỗi người Việt Nam có lương tri, đặc biệt là của thế hệ trẻ. Và có lẽ
phải nói thêm: ngày này cũng là ngày người ta long trọng trao giải thưởng sáng
tác “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ“, không hiểu trong những sáng
tác được trao giải ấy có nhắc đến điều cốt lõi nhất phải học tập và làm theo
chính là ý chí “Hễ còn một tên xâm lược nào trên đất nước chúng ta, thì
chúng ta còn phải chiến đấu, quét sạch nó đi”. Ở điểm cốt lõi này thì ai?
Người vừa bị kết án tù do hành động yêu nước quyết “chiến đấu, quét sạch” quân
xâm lược, hay người ngoan ngoãn chăm chút trên trang giấy những lời tụng ca
quen thuộc, cần được tôn vinh?
Bản án dành cho Phương
Uyên và Nguyên Kha chính là bản án đối với truyền thống dân tộc yêu nước chống
ngoại xâm, cũng là bản án đối với khát vọng dân chủ và quyền con người đang là
một đòi hỏi bức xúc của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của thế hệ trẻ Việt
Nam. “Bản án này cho thấy sự phá sản của thành tích nhân quyền của Hà Nội.
Trong khi nhà cầm quyền Việt Nam nói họ hành xử theo luật pháp và tôn trọng
nhân quyền thì các bản án này chứng tỏ họ chỉ hành xử theo quyền lợi của đảng
cộng sản cầm quyền, bất chấp quyền căn bản của con người bị chà đạp” như tổ
chức Human Rights Watch cáo buộc.
Sự phẫn nộ dâng trào
với bản án bất công, kết tội lòng yêu nước chống ngoại xâm, phản dân chủ, chà
đạp lên quyền con người đang kết thành một làn sóng mà sức lan tỏa của nó sẽ vô
cùng rộng lớn. Khi phong trào dân chủ gắn làm một với tinh thần yêu nước chống
ngoại xâm, sẽ hình thành những bước hợp trội, tạo ra những đột phá như đã nói ở
trên, đẩy tới những chuyển biến không thể tiên liệu được!
Kết thúc “Ngục trung
nhật ký” có câu “Sự vật vần xoay đà định sẵn, Hết mưa là nắng hửng lên thôi”.
Quả có thế thật, nhưng hình như những ngày tháng năm nóng bỏng này lại đang báo
hiệu những cơn dông!
Giáo Sư Tương Lai
No comments:
Post a Comment