Saturday, May 25, 2013

MÙA PHẬT ĐẢN BÀN VỀ CHÍNH SÁCH HẠ NHỤC VÀ CHIA RẼ TÔN GIÁO

Nguyễn Việt Nữ

Hai vấn đề trọng đại nầy sẽ do hai nhân chứng sống trong ngục tù Cộng sản kể lại. Rồi từ đó ta thử so sánh xem phiên tòa ngày 16 tháng 5, 2013 tại Long An, hai sinh viên trẻ Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đã dõng dạc nói: “Chúng tôi chống đảng Cộng sản chứ không chống dân tộc”,  có phải là một sự chuyển hóa lịch sử không??

I.                   Chính sách hạ nhục tù nhân

“Chính sách nhà nước” thật bảnh bao:
Nhà tù mỗi tháng cho gọt tóc
Linh Mục là Cha thì cạo trọc
Nhà Sư phải để  tóc đầy đầu!

Đây là chính sách nhà nước mà ông Chủ tịch Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam Thanh Thương Hoàng được chứng kiến và viết lại trong bài “Những ngày tháng tù đầy không thể quên”

Ông cựu tù kể rằng:

Trong thời gian “nằm” biệt giam tôi cũng có vài việc để nhớ xin kể ra đây. Cứ mỗi tháng tù biệt giam được cho ra ngoài cắt tóc. Bọn “thế nhân” chúng tôi tất cả đều bị “gọt” trọc đầu, kể cả vị Linh mục, nhưng với hai vị Thượng Tọa Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ thì cai tù lại bắt để tóc. Hai cụ phản đối, cai tù thản nhiên:

“Đó là chính sách Nhà nước!”.
Bài viết của ông Thanh Thương Hoàng (TTH) dài, đầy đủ chi tiết, nhưng xin trích đoạn vô đầu để tuổi trẻ sanh từ khi “Hòa bình” về trên đất nước năm 1975 hiểu Linh Mục, Thượng Tọa và văn nghệ sĩ đều chịu chung một “Chính sách” làm nhục người tù như trên của XHCN. Thêm vào, tác giả TTH còn có sự so sánh chức báo chí thời VNCH với ngòi bút Nhân Văn Giai Phẩm thời Hồ Chí Minh như thế nào?

TTH: “Tôi bị bắt ngày 5 tháng 4 năm 1976, trong cái trò bắt người mà cộng sản gọi là “chiến dịch X2 đánh Văn Nghệ Sĩ phản động”.

Tưởng cũng nên kể ra đây tôi là người trong giới Văn nghệ đầu tiên, mới nhập trại đã bị tống ngay vào “biệt giam” (cachot) khu B1, phòng 11 trại Phan Đăng Lưu. Có lẽ họ tưởng tôi là nhân vật quan trọng, là tay sai của CIA được dựng lên làm Chủ tịch Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam hoạt động trong báo giới. Vì ngoài Bắc chức vụ này “to” lắm, do đảng đưa ra và quyền hạn cũng như quyền lợi ngang bộ trưởng. Trong cùng dẫy biệt giam khu B1 có những nhân vật tên tuổi như Thượng Tọa Thích Huyền Quang, Thượng Tọa Thích Quảng Độ, Linh mục Đỗ Bác Ái, Tiến sĩ Mai Văn Lễ (cựu Khoa trưởng Khoa Luật đại học Huế), Luật sư Nguyễn Hữu Doãn, Luật sư Nguyễn Khắc Chính, Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ, Nhà báo Hồ Văn Đồng, Nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến, Nhà Văn Nhà báo (nguyên dân biểu) Hồ Hữu Tường. Những người này lần lượt vào biệt giam sau tôi 1, 2 tuần. (Hết trích)

Thanh Thương Hoàng là một nhà báo, một văn nghệ sĩ, hiện ở Mỹ, nhưng chúng tôi trích tên những đồng tù cũng gồm những người sống chung với nhân chứng sống thứ hai. 
 
II.                Người tù thứ hai là một tu sĩ hiện ở Việt Nam

Là Thượng tọa Thích Thiện Minh (TTM), nguyên Chủ tịch hội tù nhân lương tâm, chính trị và tôn giáo. Trong tác phẩm “Hồi ký 26 năm lưu đày”, chương nói về  BIẾN CỐ 30 THÁNG 4 …

NGÀY MIỀN NAM TỦI NHỤC. ĐỘNG NÃO KẺ TU HÀNH
Tu sĩ TTM có những vần thơ rất hay diễn tả đạo đức suy đồi của XHCN:

            Kính mời, kính biếu, kính thưa
          Trong ba kính ấy anh ưa kính nào?
          Kính thưa là chuyện tầm phào
            Kính mời, kính biếu, kính nào cũng hay!
          Kính mời vào tiệc nhậu ngay
          Kính biếu thì có quà tay cầm về…

Thượng tọa Thích Thiện Minh cũng kể những lúc sống chung với tu sĩ các tôn giáo như Linh mục Nguyễn Luân, rồi không quên ghi sự quan trọng của đoàn kết tôn giáo mới giải thể được đảng Cộng sản và tôn trọng nhân quyền:

“Tôi ước gì ngoài Xã hội rộng lớn các tôn giáo thiết thân, yêu thương nhau, đoàn kết nhau như một, giống  như lời trăn trối sau cùng của Linh mục Nguyễn Luân tỉnh Phan Rang trước khi qua đời Linh Mục Luân bày tỏ với tôi khát vọng ấp ủ bấy lâu:
        “ Nếu được ra tù hai anh em mình cải cách mối quan hệ tôn giáo theo hướng mới chăng hạn như: trước nhà thờ, hay bên cạnh Thánh đường thờ Chúa, có ngôi Chùa thờ Phật, Tín Đồ Phật tử đi lễ nhà thờ cầu nguyện Chúa và ngược lại Con chiên của Chúa đến chùa lạy Phật ngày Rằm, bởi các đấng xuất thế luôn chủ trương yêu thương mà người đời thường hay cố chấp. Một khi tinh thần hòa hợp chung thì thể chất mới kết hợp được cho nên nếu các Tôn giáo Đại đoàn kết tạo thành một khối vững chắc đi đầu, thì các tổ chức xã hội sẽ noi gương … Tôn giáo và nhân quyền sẽ là sức mạnh chính  làm chuyển hóa chế độ bạo quyền nầy”  (Hết)

Vậy mà hiện còn có kẻ cố tình gây chia rẽ tôn giáo, chúng tôi sẽ có bài kế tiếp với đủ bằng chứng vạch rõ âm mưu nầy để gây đoàn kết, chống ngoại xâm.

Có  phần trong tác phẩm, tu sĩ tác giả Thích Thiện Minh kể các “ngục sĩ” cũng hỏi nhau “Cộng sản là gì?” Là kẻ đã:     
         Biến Việt Nam thành tiền đồn đẫm máu
         Làm cả đời lẫn đạo lắm điêu linh
         Tiếng chuông chùa đã vắng bặt kệ kinh
          Miếu thánh thất tiếng âm thinh tịch lặng ..!
         
         Chuông giáo đường đã từ từ hoang vắng
          Chùa, nhà thờ vườn cảnh trống người thưa
          Người thay trâu kéo cộ để cày bừa
          Bao cơ khổ sáng trưa tới tối ..!

III.              Như vậy, phải chăng phiên tòa ngày 16 tháng 5, 2013 tại Long An, lời tuyên bố của hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên 21 tuổi, và Đinh Nguyên Kha, 25,  rằng: “Chúng tôi chống đảng Cộng sản chứ không chống dân tộc”,  có phải là một sự chuyển hóa lịch sử không??

Hiện tại vì sao Bộ Giáo dục&Đào tạo XHCN bỏ thi môn Sử các kỳ thi THPH? Có phải để xóa tội bán nước và chà đạp văn hóa của Hồ Chí Minh và đảng CSVN  trong lịch sử không?

Nếu vậy, xin mời quí vị đọc và lưu trử tác phẩm “Hồi ký 26 năm lưu đày” của Thượng Tọa Thích Thiện Minh.

Xin lưu ý, tác giả là người hiện sống dưới gọng kềm ác quỉ của Cộng sản mà vẫn hiên ngang tố cáo tội ác của đảng đối với dân tộc, nhưng không hận thù. Xin bái phục trái tim Từ, Bi, Trí, Dũng của Ngài

Nguyễn Việt Nữ

(Mùa Phật Đản 2013, PL 2557)

No comments:

Post a Comment