Dịch Giả: Tỳ kheo THÍCH TÂM QUANG
Nhận biết trạng tình trạng tinh thần là nhân tố hàng đầu để đạt
hạnh phúc, đương nhiên việc này không phủ nhận những nhu cầu căn bản như thực
phẩm, quần áo, chỗ ở cần phải có. Nhưng một khi những nhu cầu căn bản đã được
đáp ứng, lời nhắn nhủ này thật rõ ràng: Chúng ta không cần nhiều tiền hơn,
không cần thành công nhiều hay nổi tiếng hơn, không cần một thân hình tuyệt mỹ,
hay cả đến người bạn đường hoàn hảo - ngay bây giờ, chính lúc này, chúng ta có
tâm, hoàn toàn là trang bị căn bản mà chúng ta cần để đạt hạnh phúc trọn vẹn.
Trình bày phương pháp hoạt động bằng tâm, Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt
đầu: "Khi chúng ta nhắc đến 'tâm' hay 'thức', có nhiều trạng thái khác
nhau. Giống như những hoàn cảnh hay các vật thể bên ngoài, một số thật hữu ích,
một số rất có hại, và một số trung tính. Cho nên khi đề cập đến vấn đề bên
ngoài, đầu tiên chúng ta thường cố gắng nhận biết những chất khác nhau này hay
chất hóa học nào tốt để ta có thể chú ý phát trưởng, tăng trưởng và sử dụng
chúng. Những chất nào có hại thì ta loại bỏ. Cũng giống như vậy, khi chúng ta
nói về tâm, có cả hàng ngàn tư tưởng khác nhau hay "tâm" khác nhau.
Trong số ấy, một số hữu ích, những cái đó chúng ta phải nắm lấy và nuôi dưỡng.
Một số tiêu cực và có hại, những cái đó chúng ta phải cố gắng giảm thiểu.
"Cho nên bước đầu tìm cầu hạnh phúc là học hỏi. Đầu
tiên phải biết những xúc cảm và ứng xử tiêu cực có hại cho chúng ta như thế nào
và những xúc cảm tích cực có ích ra sao. Chúng ta phải hiểu những cảm xúc tiêu
cực này lại không chỉ là rất xấu và có hại cho cá nhân mà còn có hại cho xã hội
cũng như tương lai toàn thế giới. Cách nhận thức như thế nâng cao quyết tâm
đương đầu và khắc phục chúng. Sau đó sẽ hiểu ra những khía cạnh có lợi của cảm
xúc và ứng xử tích cực. Một khi nhận ra điều đó, chúng ta trở nên quyết tâm
nuôi dưỡng, phát triển, và làm tăng thêm những cảm xúc tích cực dù khó khăn đến
thế nào đi nữa. Hầu như có sự tự nguyện tự phát trong lòng. Cho nên quá trình học
hỏi, phân tích những tư tưởng và xúc cảm nào có lợi lạc và có hại, chúng ta dần
dần phát triển sự quyết tâm mạnh mẽ thay đổi cảm nghĩ: "Giờ đây chìa khóa
mở cánh cửa hạnh phúc của chính tôi, tương lai tốt đẹp của chính tôi, ở trong tầm
tay tôi. Tôi không được bỏ lỡ cơ hội đó!"
Trong Phật Giáo nguyên lý nhân quả được chấp nhận như qui luật tự
nhiên. Đứng trước thực tế, bạn phải lưu tâm tới qui luật đó. Chẳng hạn, trong
kinh nghiệm hàng ngày, nếu có những sự việc nào đó mà bạn không thích, thì
phương pháp bảo đảm tốt nhất để việc đó không xẩy ra là phải làm cho những điều
kiện nguyên nhân thường gây rủi ro cho sự việc ấy chắc chắn không còn phát sinh
nữa. Cũng tương tự như vậy, nếu bạn muốn một sự việc hay điều đã kinh qua xẩy
ra, thì điều hợp lý phải làm là tìm và thu thập những nguyên nhân và điều kiện
có nguy cơ cho sự việc ấy.
"Việc này cũng đúng với các trạng thái tinh thần và các
kinh nghiệm. Nếu bạn ham muốn hạnh phúc, bạn phải tìm ra nguyên nhân gây rủi ro
cho điều đó, và nếu bạn không muốn đau khổ, điều phải làm là bảo đảm không để
những nguyên nhân và điều kiện gây rủi ro cho điều đó phát sinh nữa. Đánh giá
nguyên lý nhân quả rất quan trọng.
"Giờ đây, chúng ta đã nói đến tầm quan trọng tột bậc của
nhân tố tinh thần để đạt hạnh phúc. Cho nên nhiệm vụ kế tiếp là quan sát sự đa
dạng của các trạng thái tinh thần mà chúng ta kinh qua. Chúng ta cần phải nhận
biết rõ ràng những trạng thái tinh thần khác nhau, phân biệt và xếp loại chúng
xem chúng có mang đến hạnh phúc hay không."
"Ngài có thể cho một vài thí dụ đặc biệt về những trạng
thái tinh thần khác nhau và mô tả cách phân loại chúng?" Tôi hỏi Ngài.
Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích: "Bây giờ, ví dụ, sân hận,
ganh ghét, và nóng giận vân vân ... đều có hại. Chúng ta coi chúng là những trạng
thái tiêu cực của tâm vì chúng phá vỡ hạnh phúc tinh thần của chúng ta, một khi
bạn ấp ủ cảm nghĩ sân hận hay cảm nghĩ không tốt với ai, một khi lòng bạn tràn
ngập hận thù hay cảm xúc tiêu cực, thì người khác hình như cũng thù nghịch với
bạn. Cho nên kết quả là sợ hãi nhiều hơn, sự ức chế và lưỡng lự nhiều hơn, và cảm
giác bất an. Những thứ này phát triển, và thấy cô đơn ở giữa một thế giới bị
coi là thù nghịch. Tất cả những cảm nghĩ tiêu cực này phát triển vì cảm nghĩ
thù hận. Mặt khác những trạng thái tinh thần như ần cần tử tế, và tình thường
chắc chắn là tích cực. Chúng rất hữu dụng..."
"Tôi đúng là hiếu kỳ" Tôi cắt ngang " Ngài nói có
hàng ngàn trạng thái tâm khác biệt. Ngài có thể định nghĩa thế nào là một người
tâm lý lành mạnh hay thích ứng tốt không? Chúng ta phải sử dụng định nghĩa này
làm nguyên tắc chỉ đạo để quyết định trạng thái tinh thần nào cần phải trau dồi
và trạng thái nào cần phải loại bỏ."
Ngài cười, rồi với nét khiêm nhường nổi bật của Ngài, Ngài trả lời:
"Là một chuyên gia tâm thần học, ông phải có một định nghĩa hay hơn về người
có tâm lý lành mạnh."
"Nhưng tôi muốn đây là quan điểm của Ngài"
"Được, tôi coi một người có lòng trắc ẩn, nồng nhiệt, tốt bụng
là lành mạnh. Nếu bạn duy trì được cảm xúc tình thương, lòng từ ái, thì điều gì
đó tự động mở cánh cửa bên trong bạn. Nhờ đó bạn có thể giao tiếp với người
khác dễ dàng hơn nhiều. Và tính niềm nở hầu như tạo ra sự chân thật cởi mở. Bạn
sẽ thấy rằng tất cả mọi con người đều giống bạn, cho nên bạn sẽ dễ dàng liên hệ
với họ. Điều này cho bạn tình thân hữu nghị. Rồi bạn ít cần phải che đậy sự việc
hơn, và kết quả là cảm nghĩ sợ hãi, sự nghi ngờ, và bất an tự động bị xua tan.
Ngoài ra nó cũng tạo cảm nghĩ tin cẩn đối với những người khác. Mặt khác, thí dụ,
bạn tìm được một người rất giỏi và bạn biết rằng bạn có thể tin vào khả năng của
người ấy. Nhưng nếu bạn cảm giác người đó không tử tế, rồi bạn phải kìm nén cái
gì đó. Bạn cảm thấy "Ồ, tôi biết người đó có thể làm được việc, nhưng thực
sự tôi có thể tôi tin người ấy không?" cho nên bạn bao giờ cũng có một sự
e sợ nào đó hồ như tạo ra sự xa cách người đó.
"Cho nên, dù sao, tôi vẫn nghĩ là trau dồi trạng thái tinh
thần tích cực như ân cần và tình thương nhất định dẫn đến tâm lý lành mạnh và hạnh
phúc hơn".
KỶ LUẬT TINH THẦN
Nghe Ngài nói tôi thấy một cái gì đó rất hấp dẫn về phương pháp
để đạt hạnh phúc của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Điều này tuyệt đối thực tiễn và hữu
lý: Nhận biết và trau dồi những trạng thái tinh thần tích cực, nhận biết và loại
bỏ những trạng thái tinh thần tiêu cực. Mặc dù đề xuất của Ngài bắt đầu bằng
cách lý giải theo hệ thống các loại trạng thái tinh thần mà ta kinh qua lúc đầu
tôi thấy hơi vô vị, tôi dần dần bị kích thích bởi sức mạnh của sự hợp lý và lập
luận của Ngài. Và tôi thích thực tế hơn là xếp loại những trạng thái tinh thần
dựa xúc cảm, hay ham thích dựa trên trên cơ sở cmột phán xét đạo đức nào đó bị
áp đặt từ bên ngoài như " Tham là một tội ác" hay "Sân hận là tội
lỗi", Ngài xếp loại xúc cảm là tích cực hay tiêu cực chỉ dựa trên cơ sở
chúng có dẫn đến hạnh phúc cơ bản của chúng ta hay không.
Tiếp tục đối thoại với Ngài vào buổi chiều hôm sau, tôi hỏi
"Nếu hạnh phúc đơn giản chỉ là vấn đề trau dồi trạng thái tinh thần tích cực
hơn nữa như lòng tốt và vân vân... tại sao lại có quá nhiều người không hạnh
phúc?"
"Muốn đạt được hạnh phúc chính đáng, nó đòi hỏi phải thay đổi
cách nhìn, cách suy nghĩ, và đó không phải là một vấn đề đơn giản". Ngài
nói." Cần phải áp dụng nhiều nhân tố khác nhau từ nhiều hướng khác nhau. Bạn
không nên có khái niệm, chẳng hạn như, chỉ có một chìa khóa, một bí quyết và nếu
bạn có giải pháp đúng, mọi việc đều tốt đẹp. Nó cũng tương tự như chăm sóc
thích hợp thân thể, bạn cần nhiều thứ vitamin và chất dinh dưỡng, không phải chỉ
một hay hai. Cũng giống như thế, muốn đạt hạnh phúc, bạn cần có nhiều cách giải
quyết và nhiều phương pháp để đối phó và khắc phục một loạt trạng thái tinh thần
tiêu cực thay đổi và phức tạp. Và nếu bạn đang tìm cách khắc phục một số cách
suy nghĩ tiêu cực, thì không thể nào có thể hoàn tất được chỉ bằng cách áp dụng
một tư tưởng đặc biệt nào đó hay một rèn tập kỹ thuật nào đó một hay hai lần. Sự
thay đổi cần phải có thời gian. Ngay cả đến thể chất thay đổi cũng cần phải có
thời gian. Chẳng hạn, khi bạn di chuyển từ vùng khí hậu này đến vùng khí hậu
khác, có thể cần thời gian mới thích nghi được với môi trường mới. Cũng như vậy,
thay đổi tâm bạn cần phải có thời gian. Có nhiều nét đặc điểm tinh thần tiêu cực,
cho nên bạn cần phải chăm chú và phản ứng từng nét đặc điểm một. Điều này không
dễ dàng. Cần phải áp dụng đi áp dụng lại hàng loạt kỹ thuật khác nhau và có thì
giờ để tự bạn quen dần với sự thực hành. Đó là tiến trình học hỏi.
"Nhưng tôi nghĩ rằng với thời gian bạn có thể có những sự
thay đổi tích cực. Mỗi ngày, ngay khi bạn thức dạy, bạn có thể phát triển một động
cơ suy nghĩ tích cực thành thực."Tôi sẽ sử dụng ngày hôm nay theo một đường
lối tích cực hơn. Tôi không nên phí phạm ngày hôm nay. Và buổi tối trước khi
lên giường, kiểm lại xem bạn đã làm được những gì, hãy tự hỏi "Tôi đã sử dụng
ngày hôm nay theo như đã trù tính chưa? Nếu như mọi việc diễn ra đúng, bạn nên
vui mừng. Nếu không đúng, hãy hối tiếc việc bạn đã làm và tìm ra lỗi lầm ngày
đó. Cho nên, nhờ những phương pháp như vậy, bạn có thể dần dần củng cố khía cạnh
tâm tích cực của bạn. "Giờ đây, thí dụ, trường hợp của riêng tôi, là một
nhà sư Phật Giáo, tôi tin tưởng vào Phất Giáo, và nhờ kinh nghiệm bản thân mà
tôi biết sự tu tập Phật Giáo giúp cho tôi rất nhiều. Tuy nhiên vì thói quen,
qua nhiều tiền kiếp, một số sự việc có thể phát sinh như nóng giận và luyến ái.
Cho nên bây giờ những gì tôi cần làm trước nhất là học về giá trị tích cực của
sự tu tập, rồi xấy dựng quyết tâm, và rồi cố gắng thi hành chúng. Lúc đầu việc
tiến hành tu tập tích cực còn không đáng kể, nên ảnh hưởng tiêu cực vẫn còn mạnh.
Tuy nhiên, cuối cùng, khi bạn càng ngày càng củng cố được sự tu tập tích cực, ứng
xử tiêu cực tự động giảm thiểu. Cho nên, thực tế là thực hành "Pháp"
[*] là một cuộc chiến không ngưng ở bên trong, thay thế tính nết hay thói quen
tiêu cực trước đây bằng phản xạ tính nết mới tích cực."
[*] Chữ Pháp có nhiều nghĩa rộng mà không có chữ Anh nào
tương đương. Chữ này thường được dùng để nói về giáo lý hay học thuyết của Đức
Phật, gồm có truyền thống kinh điển cũng như lối sống và sự hiểu biết tinh thần
do áp dụng giáo lý. Đôi khi người Phật Tử dùng chữ này trong ý nghĩa tổng quát
hơn - có nghĩa là tu tập tinh thần hay tôn giáo trong luật tinh thần phổ biến
thông thường, hay bản chất thực sự của hiện tượng - và sử dụng thuật ngữ Buddhadharma (Phật
Pháp) để tham chiếu cụ thể hơn về nguyên tắc và sự tu tập của Phật Đạo. Tiếng
Dharma trong tiếng Phạn bắt nguồn từ gốc từ nguyên có nghĩa là "giữ"
và trong phạm vi vấn đề này nó có nghĩa rộng hơn là hành xử hay hiểu biết dùng
để "giữ người ta lại" hay bảo vệ người ta khỏi bị khổ đau và nguyên
nhân của nó.
Tiếp tục Ngài nói: "Dù bạn đang hoạt động nào hay sự tu tập
nào, thì cũng không có gì là khó khăn nhờ sự làm quen và rèn luyện liên tục. Nhờ
rèn luyện chúng ta có thể thay đổi, chúng ta có thể tự biến đổi. Trong phạm vi
tu tập Phật Giáo, có nhiều phương pháp giữ cho tâm bình tĩnh khi nhiều chuyện rắc
rối xẩy ra.
Nhờ tu tập lặp đi lặp lại những phương pháp này, chúng ta có thể
đi đến chỗ xáo trộn nào đó vẫn có thể xẩy ra nhưng tác động tiêu cực vào tâm vẫn
còn trên bề mặt, giống như làn sóng nhấp nhô trên mặt biển nhưng không có tác động
sâu xuống nhiều. Mặc dù kinh nghiệm cá nhân tôi rất ít ỏi, tôi thấy nó rất đúng
trong sự tu tập của cá nhân tôi. Cho nên, khi tôi nhận được một số tin tức bi
thảm, vào lúc đó tôi có thể chứng nghiệm một vài xáo trộn trong tâm, nhưng rồi
nó cũng qua đi rất mau. Hay tôi có thể khó chịu và bực tức, nhưng rồi nó cũng
biến đi rất nhanh. Không có tác động vào tâm khảm. Không sân hận. Việc này đạt
được nhờ tu tập dần dần, không thể chỉ qua một đêm mà thành công được". Nhất
định là không. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã rèn tập tâm từ khi Ngài bốn tuổi.
Huân tập tâm có phương pháp - sự vun trồng hạnh phúc, sự thay đổi
đích thực nội tâm bằng cách chọn lựa và tập trung một cách có mục đích vào trạng
thái tinh thần tích cực và chống lại trạng tinh thái thần tiêu cực - có thể thực
hiện được vì chính cấu trúc và chức năng của bộ não. Chúng ta sinh ra với bộ
não được kết nối về mặt di truyền với một số mô hình hành xử có thiên hướng bẩm
sinh chúng ta có khuynh hướng tìm cách phản ứng lại môi trường để sinh tồn về mặt
tinh thần cảm xúc và thân thể. Những tập hợp chỉ dẫn căn bản được mã hóa trong
vô số hoạt hóa mô hình tế bào thần kinh bẩm sinh, sự phối hợp đặc biệt của tế
bào não phát ra đáp ứng bất cứ sự việc, kinh nghiệm, hay suy nghĩ nào. Nhưng kết
nối trong não không phải là tĩnh, không phải là cố định không thay đổi được. Bộ
não của chúng ta có khả năng thích ứng. Các nhà khoa học thần kinh đã chứng
minh bằng tài liệu một sự việc có thật là bộ não có thể lập mô hình mới, những
phối hợp khác hẳn của các tế bào thần kinh và thần kinh truyền tải (hóa chất
chuyển thông tin giữa những tế bào thần kinh) đáp ứng dữ kiện mới truyền vào.
Thực ra, bộ não của chúng ta dễ uốn nắn, thay đổi, cấu hình lại kết nối cho phù
hợp với tư tưởng và kinh nghiệm mới. Do học tập, chức năng của chính tế bào thần
kinh cá nhân thay đổi, cho phép những tín hiệu điện chạy theo chúng dễ dàng
hơn. Các khoa học gia gọi khả năng thay đổi vốn có của bộ não là " tính mềm
dẻo"
Khả năng thay đổi kết nối của bộ não để phát triển những liên hệ
thần kinh mới, đã được chứng minh trong các cuộc thí nghiệm như một thí nghiệm
của các Bác Sĩ Avi Karni và Leslie Underleider tại Viện Tấm Thần Quốc Gia.
Trong cuộc thí nghiệm này, các nhà nghiên cứu đã để các đối tượng thí nghiệm
thi hành một nhiệm vụ đơn giản về dấy thần kinh vận động, dùng bài tập gõ nhẹ
ngón tay xuống, và xem những phản ứng của các bộ phận của não liên quan đến tác
động ấy bằng máy cắt lớp não MRI. Những đối tượng thí nghiệm thực hành bài tập
ngón tay hàng ngày trong bốn tuần, càng ngày càng hữu hiệu hơn và nhanh hơn. Cuối
cùng sau giai đoạn bốn tuần, chụp cắt lớp não được làm đi làm lại cho thấy khu
vực não dính líu tới nhiệm vụ này đã mở rộng, cho thấy thực hành đều đặn và lặp
đi lặp lại một nhiệm vụ đã tổ chức được những tế bào thần kinh mới và thay đổi
mối liên hệ thần kinh đầu tiên dính líu vào nhiệm vụ này.
Nét đặc biệt đáng chú ý này của bộ não có vẻ là cơ sở tâm lý cho
khả năng thay đổi tâm. Bằng cách vận động tư tưởng và thực hành cách suy nghĩ mới,
chúng ta có thể tái định hướng các tế bào thần kinh và thay đổi cách hoạt động
của bộ não. Đó cũng là cơ sở cho khái niệm thay đổi bên trong bắt đầu bằng học
hỏi (nhập liệu mới ) và kéo theo kỷ luật dần dần thay thế những "tính nết
tiêu cực " (tương đương với mô hình hoạt hóa tế bào thần kinh riêng của
chúng ta bằng "tính nết tích cực" (hình thành mạch thần kinh mới).
Nhu vậy, khái niệm huân luyện tâm để đạt hạnh phúc trở thành khả năng có thể
làm được thực sự.
KỶ LUẬT ĐẠO ĐỨC
Trong lần thảo luận sau này đề cập đến việc huân luyện tinh thần
để đạt hạnh phúc, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhân mạnh "Tôi nghĩ rằng cách ứng xử
đạo đức là một nét đặc thù khác thuộc loại kỷ luật nội tâm dẫn đến cuộc sống hạnh
phúc. Ta có thể gọi nó là kỷ luật đạo đức. Những đại đạo sư tinh thần như Đức
Phật khuyên chúng ta thực hiện những hành động thiện và tránh vui thích những
hành động bất thiện. Liệu hành động của chúng ta là thiện hay bất thiện điều đó
tùy thuộc vào hành động hay hành vi ấy phát sinh từ một trạng thái tâm thức có
kỷ luật hay không có kỷ luật. Người ta cho rằng tâm kỷ luật dẫn đến hạnh phúc
và tâm vô kỷ luật dẫn đến đau khổ, và thực tế người ta nói rằng đưa kỷ luật
vào tâm là bản chất giáo lý của Đức Phật.
"Khi tôi nói kỷ luật, tôi tmuốn nói đến kỷ luật tự giác,
không phải là kỷ luật do một người nào đó bên ngoài áp đặt cho bạn. Tôi nói đến
thứ kỷ luật được áp dụng để khắc phục những đức tính tiêu cực. Một băng
đảng tội phạm có thể cần kỷ luật để ăn cướp thành công, nhưng thứ
kỷ luật ấy thật vô ích.
Đức Đạt Lai Lạt Ma ngưng lại một lúc dường như để phản ảnh tập
trung tư tưởng của Ngài. Hoặc có lẽ chỉ là Ngài tìm từ bằng tiếng Anh. Tôi
không biết. Nhưng nghĩ về cuộc đàm thoại buổi chiều hôm đó khi Ngài ngừng lại,
một cái gì đó về toàn bộ cuộc nói chuyện liên quan đến tầm quan trọng về học tập
và kỷ luật bắt đầu làm cho tôi thấy khá nhạt nhẽo khi nó tương phản với những mục
tiêu cao quý của hạnh phúc thực sự, tăng trưởng tinh thần và sự thay đổi hoàn
toàn nội tâm. Dường như sự tìm cầu hạnh phúc bằng cách này hay cách khác là một
tiến trình tự phát.
Đưa ra vấn đề, tôi xen vào "Ngài mô tả những xúc cảm ứng xử
tiêu cực là "bất thiện" và ứng xử tích cực là "thiện". Hơn
nữa, Ngài nói tâm không được huân luyện hay vô kỷ luật nói chung đưa đến kết quả
ứng xử tiêu cực hay bất thiện, cho nên chúng ta phải học và rèn luyện mình nhằm
tăng trưởng ứng xử tích cực. Cho đến bây giờ mọi điều đều tốt đẹp.
"Nhưng điều làm cho tôi băn khoăn là sự xác định của Ngài về
ứng xử tiêu cực hay bất thiện là những ứng xử dẫn đến khổ đau. Và Ngài định
nghĩa một ứng xử thiện dẫn đến hạnh phúc. Ngài cũng bắt đầu với tiền đề căn bản
là tất cả chúng sanh với mong muốn tránh khổ đau và đạt hạnh phúc - sự ham
thích này là bẩm sinh; điều này không cần phải học. Vậy thì câu hỏi là: Nếu tự
nhiên là chúng ta mong muốn tránh khổ đau thì tại sao chúng ta không càng ngày
càng bị đẩy lui một cách tự nhiên bởi ứng xử tiêu cực hay bất thiện khi trở về
già? Và nếu là tự nhiên muốn có hạnh phúc thì tại sao chúng ta không hàng ngày
càng ngả về ứng xử thiện một cách tự động và tự nhiên để rồi được hạnh phúc hơn
khi đời ta tiến về phía trước? Tôi muốn nói là nếu những ứng xử thiện tự nhiên
dẫn đến hạnh phúc và chúng ta muốn có hạnh phúc, liệu điều đó có xẩy ra như một
tiến trình tự nhiên không? Tại sao chúng ta cần nhiều đến giáo dục, huân luyện
và kỷ luật để tiến trình ấy xẩy ra?
Lắc đầu, Ngài Đạt Lai Lạt Ma trả lời " Ngay cả đến trong những
điều kiện thông thường, trong đời sống hàng ngày của chúng ta, chúng ta coi
giáo dục là một nhân tố rất quan trọng để bảo đảm một cuộc sống thành công và hạnh
phúc. Và kiến thức không thể có được một cách tự nhiên. Chúng ta phải rèn luyện,
chúng ta phải trải qua một loại chương trình huân luyện có hệ thống và vân
vân.. Và chúng ta coi giáo dục và huân luyện thông thường này là hết sức khó, nếu
không tại sao các học sinh lại cần đến nhiều kỳ nghỉ như vậy? Tuy nhiên chúng
ta biết loại giáo dục đó rất quan trọng nhằm bảo đảm một cuộc sống thành công
và hạnh phúc.
"Cũng giống như vậy, muốn làm việc thiện cũng không đến một
cách tự nhiên mà chúng ta phải có ý thức rèn luyện để hướng tới nó. Đúng vậy,
nhất là trong xã hội hiện đại, bởi vì có một khuynh hướng tin rằng vấn đề việc
thiện và bất thiện - làm gì và không nên làm gì - được coi là trong phạm vi hoạt
động của tôn giáo. Theo truyền thống tôn giáo được coi là có trách nhiệm của
tôn giáo qui định cách ứng xử nào là thiện và bất thiện. Tuy nhiên trong xã hội
ngày này, tôn giáo đã mất uy tín và ảnh hưởng của nó ở một mức nào đó. Và đồng
thời, không có sự lựa chọn nào, như đạo lý thế tục xuất hiện để thay thế vào.
Cho nên dường như ít có sự lưu tâm đến sự cần thiết phải có lối sống thiện.
Chính vì điều này mà tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải gắng sức nhiều và có ý thức
làm việc tiến tới đạt loại kiến thức này. Thí dụ, mặc dù cá nhân tôi tin tưởng
bản chất con người chúng ta căn bản là hòa nhã và giàu lòng thương, nhưng tôi cảm
thấy không đủ vì bản chất tiềm ẩn của chúng ta, chúng ta cũng phải phát
triển sự đánh giá cao và tỉnh thức về sự thật đó. Và thay đổi cách nhận thức
chính mình, nhờ học tập và hiểu biết, có thể có tác động thực sự vào cách chúng
ta tương tác với những người khác và cách chúng ta sống hàng ngày ".
Vờ không đồng ý để nêu ra vấn đề, tôi phản kháng " Tuy
nhiên Ngài đã sử dụng sự tương đồng của hệ thống giáo dục và rèn luyện lý thuyết
thông thường. Điều đó là một việc. Nhưng nếu Ngài nói chuyện về cách ứng xử nào
đó gọi là thiện hay tích cực, dẫn đến hạnh phúc, và những ứng xử khác dẫn đến
khổ đau thì tại sao phải học nhiều đến thế mới nhận biết ra chúng và phải rèn
luyện quá nhiều mới thực hiện được cách ứng xử tích cực và loại bỏ ứng xử tiêu
cực? Tôi muốn nói là nếu bạn đưa tay vào lửa, bạn sẽ bị bỏng. Bạn rụt tay lại,
bạn đã biết cách ứng xử này dẫn đến khổ đau. Bạn đâu cần học hay rèn luyện nhiều
mới biết đừng đụng vào lửa nữa.
"Vậy thì, tại sao tất cả những cách ứng xử hay cảm xúc dẫn
đến khổ đau lại không như vậy? Chẳng hạn, Ngài cho rằng nóng giận và sân hận rõ
ràng là những cảm xúc tiêu cực và cuối cùng dẫn đến khổ đau. Nhưng tại sao ta
phải được giáo dục về những hậu quả có hại của nóng giận và sân hận để loại bỏ
chúng? Vì nóng giận trực tiếp gây ra cảm xúc khó chịu cho con người, chắc chắn
là dễ cảm thấy trực tiếp cái khó chịu ấy, tại sao ta không tự nhiên và tự động
tránh nó trong tương lai?
Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma chú ý nghe những lập luận của tôi, đôi mắt
thông minh của Ngài như mở rộng ra, như thể Ngài hơi ngạc nhiên, hoặc thậm chí
thích thú về tính ngấy thơ trong câu hỏi của tôi. Rồi với một chuỗi cười lớn, đầy
thiện chí Ngài nói:
"Khi bạn nói về kiến thức dẫn đến tự do hay giải pháp của một
vấn đề, bạn phải hiểu rằng có nhiều mức độ khác nhau. Thí dụ, con người ở vào
Thời Đại Đồ Đá không biết nấu thịt nhưng vẫn có nhu cầu sinh học về ăn, cho nên
họ ăn giống như thú hoang. Khi con người tiến bộ, họ học cách nấu và nêm các loại
gia vị khác nhau làm cho đồ ăn ngon hơn và làm thành nhiều món. Và ngay cả thời
đại ngày nay, nếu chúng ta bị bệnh đặc biệt nào đó và nhờ kiến thức chúng ta biết
được loại đồ ăn nào không tốt cho chúng ta, thì dù chúng ta thích ăn món đó,
nhưng chúng ta cũng tự kiềm chế không ăn. Cho nên rõ ràng là mức độ kiến thức
càng tinh vi thì chúng ta sẽ đương đầu với thế giới tự nhiên càng hiệu quả.
"Bạn cần có khả năng xét đoán hậu quả trong tương lai gần
và xa về cách ứng xử của bạn và cân nhắc cả hai. Thí dụ, khắc phục nóng giận, mặc
dù thú vật cũng chứng nghiệm nóng giận, nhưng chúng không biết nóng giận là tai
hại. Tuy nhiên con người ở một mức độ khác, khác ở chỗ bạn có sự tự ý thức để bạn
ngẫm nghĩ và quan sát khi nóng giận phát sinh, nó làm hại bạn. Cho nên bạn có sự
phán xét nóng giận là tiêu cực. Bạn cần phải biết suy luận. Cho nên không phải
là đơn giản như đưatay vào lửa, và để rồi bị bỏng, và để rồi biết không bao giờ
làm điều đó trong tương lai nữa. Học vân và kiến thức về những gì dẫn đến hạnh
phúc và những gì gây khổ đau càng tinh vi thì bạn sẽ có nhiều kết quả hơn trong
việc đạt hạnh phúc. Cho nên, chính vì điều đó tôi nghĩ rằng giáo dục và kiến thức
là rất quyết định." Tôi cho là Ngài cảm thấy tôi vẫn phản kháng khái niệm
về giáo dục đơn giản là một phương cách để thay đổi nội tâm, Ngài nhận xét
" Một vấn đề trong xã hội hiện nay là thái độ của chúng ta hướng về giáo dục
như thể nó chỉ làm cho bạn tài giỏi hơn. Đôi khi dường như những người ít học,
ít tinh vi hơn về đào tạo giáo dục, thì họ lại càng chất phác và ngay thật hơn.
Mặc dù xã hội chúng ta không nhân mạnh vào việc này, nhưng việc sử dụng kiến thức
và giáo dục lại quan trọng nhất là giúp chúng ta hiểu rõ tầm quan trọng của việc
làm các hành động thiện và đưa kỷ luật vào tâm chúng ta. Sử dụng thích hợp trí
thông minh và kiến thức sẽ đem lại sự thay đổi từ bên trong để phát triển lòng
tốt".
-ooOoo-
CHƯƠNG 4
GIÀNH LẠI TÌNH TRẠNG HẠNH PHÚC BẨM SINH
BẢN CHẤT CƠ BẢN CỦA CHÚNG TA
Giờ đây, chúng ta được làm người để tìm cầu hạnh phúc. Rõ ràng
là cảm giác yêu thương, tình cảm, gần gũi, và từ bi mang lại hạnh phúc, tôi tin
là mỗi người trong chúng ta có cơ sở để có hạnh phúc, để đi vào trạng thái tâm
trìu mến và từ bi, những trạng thái mang đến hạnh phúc, Đức Đạt Lai Lạt Ma khẳng
định."Thật ra, đó là một trong những niềm tin chủ yếu của tôi mà chúng ta
vốn có không chỉ là khả năng từ bi mà tôi tin là bản chất căn bản tiềm ẩn trong
con người là tính hòa nhã"
Niềm tin đó của Ngài dựa vào cái gì?
"Học thuyết Phật Giáo về "Phật Tánh" cung cấp một
số điểm về niềm tin này là bản chất cơ bản của tất cả chúng sinh thực chất là
hiền hòa và không gây gỗ." Nhưng ta có thể tiếp nhận quan điểm ấy mà không
cần phải dùng đến học thuyết Phật Giáo về Phật Tánh." Niềm tin của tôi còn
dựa vào những điểm khác. Tôi nghĩ rằng vấn đề tình cảm hay từ bi của con người
không phải chỉ là vấn đề tôn giáo, nó còn là một nhân tố cần thiết cho đời sống
từng ngày của con người
"Cho nên, trước hết nếu chúng ta nhìn vào chính mô hình cuộc
sống từ lúc tuổi nhỏ đến lúc chết, chúng ta có thể thấy cách chúng ta được cơ bản
nuôi dưỡng là tình cảm của người khác. Nó bắt đầu ngay lúc mới sinh. Sau khi
sinh ra, hành động thực sự đầu tiên của chúng ta là bú mẹ hay sữa của người nào
đó. Đó là một hành động của tình cảm, của tình thương. Không có hành động đó
chúng ta không thể tồn tại. Điều ấy thật rõ ràng. Hành động ấy không thể thực
hiện được nếu không có cảm giác yêu mến lẫn nhau. Từ phía đứa trẻ, nếu không có
cảm giác tình cảm, không có ràng buộc gì với người cho sữa thì đứa trẻ có thể
không bú sữa. Và nếu không có tình cảm về phần người mẹ, hay người nào khác, sữa
không tự nhiên có được. Cho nên, đó là cách sống. Đó là thực tế.
"Rồi, cấu trúc thân thể dường như phù hợp hơn đối với cảm
giác tình yêu thương và từ bi. Chúng ta dều thấy tình trạng bình tĩnh, tình cảm,
lành mạnh có tác dụng tốt cho sức khỏe và hạnh phúc thể chất. Ngược lại, những
cảm giác thất vọng, sợ hãi, bồn chồn và nóng giận có thể hủy hoại sức khỏe của
chúng ta.
"Trong triết học Phật Giáo, "Phật Tánh" nói đến bản
chất tiềm ẩn, căn bản, và tinh tế nhất của tâm. Trạng thái tâm này, hiện hữu ở
mọi con người, hoàn toàn không bị hư hoại bởi cảm xúc hay tư tưởng tiêu cực.
"Chúng ta cũng có thể thấy sức khỏe cảm xúc của chúng ta được
nâng cao bởi cảm giác tình cảm. Muốn hiểu việc này, chúng ta chỉ cần nghĩ xem
chúng ta cảm thấy ra sao khi những người khác tỏ ra nhiệt tình và tình cảm với
chúng ta. Hoặc hãy quan sát cảm giác tình cảm hay thái độ của chính mình đã tác
động một cách tự động và tụ nhiên ảnh hưởng đến bên trong chúng ta ra sao,
chúng làm cho chúng ta cảm thấy ra sao. Những xúc cảm hiền hòa và ứng xử tích cực
đi kèm với chúng ta dẫn đến gia đình và đời sống cộng đồng hạnh phúc hơn.
"Cho nên tôi nghĩ rằng chúng ta có thể kết luận bản chất cơ
bản của con người là tính hòa nhã Và nếu đúng như vậy, nó làm cho tất cả có ý
nghĩa hơn khi có lối sống phù hợp hơn với bản chất căn bản hòa nhã của con người
chúng ta".
"Nếu bản chất cốt lõi là hòa nhã và tình thương, Tôi hỏi
"Tôi chỉ băn khoăn làm sao Ngài có thể giải thích tất cả những xung đột và
cách ứng xử hung hăng chung quanh chúng ta "
Đức Đạt Lai Lạt Ma gật đầu tư lự một lúc rồi trả lời "
Đương nhiên chúng ta không thể bỏ qua sự thực là luôn luôn có những mâu thuẫn
và căng thẳng, không chỉ trong phạm vi tâm trí cá nhân mà còn trong phạm vi gia
đình, khi chúng ta tác động qua lại với người khác, và ở mức xã hội, mức quốc
gia, và mức toàn cầu. Cho nên nhìn vào đây, một số người kết luận bản tính con
người căn bản là hung hăng. Họ có thể chỉ vào lịch sử con người đem so sánh với
các loài có vú khác, ứng xử của con người hung hãn hơn nhiều. Hay, họ có thể
nói, "Tuy tình thương là một phần của tâm, nhưng nóng giận cũng là một phần
của tâm. Chúng đồng đều là một phần bản tính của chúng ta, cả hai ít nhiều đều ở
cùng một mức độ"."'Tuy nhiên, nhoài người về phía trước, ra sức một
cách tỉnh táo, Ngài quả quyết "Tôi vẫn vững tâm bản tính con người chủ yếu
là tình thương, hòa nhã. Đó là nét đặc thù trội hơn hẳn trong bản tính con người."
Nóng giận, bạo lực, và hung hãn có thể phát sinh, tôi nghĩ nhưng điều đó chỉ là
phụ, hay ở bề ngoài nhiều hơn,về một ý nghĩa nào đó chúng phát sinh khi chúng
ta nản lòng trong cố gắng muốn giành được tình yêu và tình cảm. Chúng không phải
là phần bản tính căn bản tiềm ẩn của chúng ta.
"Cho nên mặc dầu sự gây hân có thể xẩy ra, nhưng tôi tin là
những xung đột này không nhất thiết vì bản tính con người mà đúng hơn là kết quả
của tri thức con người - trí thông minh con người mất quân bình, sử dụng sai
trí thông minh của chúng ta, khả năng sáng tạo của chúng ta. Bây giờ hãy nhìn
vào sự tiến hóa của loài người, tôi nghĩ rằng nếu đem so sánh với một số thú vật
khác, thể chất của chúng ta có lẽ rất yếu. Nhưng vì sự phát triển của trí thông
minh con người, chúng ta đã có thể sử dụng nhiều dụng cụ và khám phá ra nhiều
phương pháp để chiến thắng những hoàn cảnh môi sinh có hại. Khi xã hội loài người
và điều kiện môi sinh càng ngày càng trở nên phức tạp, vấn đề này đòi hỏi trí
thông minh và khả năng nhận thức của chúng ta đóng một vai trò to lớn hơn để
đáp ứng được những đòi hỏi không ngưng của môi trường phức tạp. Cho nên, tôi
tin tiềm ẩn hay bản tính cơ bản hay tiềm ẩn của chúng ta là tính hòa nhã và trí
thông minh là cái phát triển sau. Và tôi nghĩ rằng nếu khả năng con người, trí
thông minh con người, phát triển theo chiều hướng không quân bình, không được
cân bằng bằng tình thương, thì nó sẽ trở thành phá hoại. Nó sẽ dẫn đến thảm họa.
"Nhưng, tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải công nhận rằng
nếu những xung đột của con người gây ra do sử dụng sai lầm trí thông minh thì
chúng ta cũng có thể dùng trí thông minh để tìm ra cách thức và phương tiện để
khắc phục những xung đột ấy. Khi trí thông minh con người và lòng tốt hay tình
cảm con người được sử dụng cùng với nhau, tất cả những hành động của con người
trở thành xấy dựng. Khi chúng ta phối hợp một trái tim nồng hậu với kiến thức
và giáo dục, chúng ta sẽ biết tôn trọng quan điểm và quyền của người khác. Điều
này trở thành cơ sở cho tinh thần hòa giải nhằm khắc phục sự gây hân và giải
quyết những vụ xung đột của chúng ta.
Đức Đạt Lai Lạt Ma ngưng lại và nhìn vào đồng hồ của
Ngài."Cho nên, Ngài kết luận, dù cho bạo lực nhiều đến đâu hay bao nhiều
điều tồi tệ mà ta phải chịu đựng, tôi tin là giải pháp tối hậu cho những xung đột,
cả bên trong lẫn bên ngoài, nằm trong sự quay về của bản tính cơ bản hay tiềm ẩn
của con người, đó là hòa nhã và tình thương
Lại nhìn vào đồng hồ, Ngài bắt đầu cười một cách rất thân mật
" Vậy, chúng ta ngưng tại đây, quả là một ngày dài!". Ngài xỏ lại đôi
giầy Ngài đã cởi ra trong lúc đàm thoại, và trở về phòng.
VẤN ĐÈ BẢN TÍNH CON NGƯỜI
Trên vài thập kỷ qua, quan điểm của Đức Đạt Lai Lạt Ma về bản
tính từ bi tiềm ẩn của con người dường như tiến bộ rất chậm tại Phương Tây, mặc
dầu đã có sự tranh đấu. Khái niệm về cách ứng xử của con người chủ yếu là ích kỷ,
cơ bản là tìm kiếm cho chính mình, đã ăn sâu vào tư tưởng Tây Phương. Tư tưởng ấy
không chỉ chúng ta vốn ích kỷ mà còn hung hăng và thù nghịch là một phần bản
tính căn bản con người đã ngự trị văn hóa chúng ta nhiều thế kỷ. Đương nhiên,
theo lịch sử có rất nhiều người có quan điểm đối nghịch. Chẳng hạn, vào giữa thế
kỷ thứ 17, David Hume viết rất nhiều về "lòng nhân từ tự nhiên" của
con người. Và vào thế kỷ sau, ngay chính Charles Darwin cho rằng " bản
năng đồng cảm" là của loài người. Nhưng vì một lý do nào đó, quan điểm bi
quan hơn về nhân tính đã bén rễ trong nền văn hóa của chúng ta, ít nhất từ thế
kỷ thứ 17, dưới ảnh hưởng của các triết gia như Thomas Hobbes, người đã có một
quan điểm khá tối tăm về loài người. ông hình dung loài người như là hung bạo,
tranh đua, luôn luôn trong xung đột, và chỉ quan tâm đến quyền lợi bản thân.
Hobbes nổi tiếng coi nhẹ bất cứ khái niệm nào về lòng tốt căn bản của con người,
một lần bị bắt gặp đang cho tiền cho một người ăn xin tại hè phố. Khi được hỏi
về sự bốc đồng rộng lượng đó, ông nói "Không phải tôi làm như vậy để giúp
đõ hắn, tôi làm vậy là để giảm bớt khổ đau của tôi khi nhìn thấy sự nghèo nàn của
người đó".
Tương tự như vậy, vào đầu thế kỷ này, George Santayana, một triết
gia sinh ra tại Tây Ban Nha, viết rằng những thôi thúc hào phóng, giúp đỡ,
trong thời gian người ta tồn tại, thường là rất yếu, phù du, và không vững vàng
trong bản tính của loài người nhưng, "chỉ cần phanh phui một chút dưới bề
mặt đó bạn sẽ thấy một con người tàn bạo, cố chấp, hết sức ích kỷ ." Bất hạnh
thay, khoa học và tâm lý học Tây Phương chộp lấy khái niệm đó, thừa nhận thậm
chí khuyến khích quan điểm ích kỷ ấy. Ngay trong những ngày đầu của khoa học
tâm lý hiện đại, đã có sự thừa nhận cơ bản chung tiềm ẩn là tất cả các động cơ
thúc đẩy của con người chủ yếu là ích kỷ, hoàn toàn dựa vào quyền lợi bản thân.
Sau khi hoàn toàn chấp nhận tính ích kỷ chủ yếu của chúng ta là
một tiền đề, một số khoa học gia lỗi lạc hơn trăm năm qua đã tăng thêm niềm tin
vào điều này về bản tính thực chất hung hăng của con người. Freud nói rằng
"khuynh hướng hung hăng là một thiên hướng trước tiên, tự tồn tại và bản
năng." Ở cuối thế kỷ này, hai nhà văn, Robert Ardrey và Konrad Lorenz,
nhìn vào kiểu hoạt động sinh vật ở một số loài ăn thịt sống, kết luận con người
căn bản cũng là loài ăn thịt sống, có ham muốn bẩm sinh hay bản năng tranh
giành lãnh thổ.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, xu thế có vẻ chống lại quan
điểm hết sức bi quan về nhân loại tỏ ra gần hơn với quan điểm của Đức Đạt Lai Lạt
Ma về bản tính tiềm ẩn của chúng ta là hòa nhã và tình thương. Trên hai hay ba
thập niên qua, đã có đến hàng trăm nghiên cứu khoa học cho thấy tính hung hăng
không nhất thiết là bẩm sinh và cách cư xủ bạo lực bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân
tố về sinh học, xã hội, địa dư và môi trường. Có lẽ báo cáo bao quát nhất về
nghiên cứu mới nhất được tổng kết trong bản Tuyên Bố Seville 1986 về Bạo Lực do
20 khoa học gia đứng hàng đầu trên khắp thế giới soạn thảo và ký. Đương nhiên
trong tuyên bố này họ thừa nhận cách cư xử bạo lực đang xẩy ra, nhưng họ khẳng
định là theo khoa học khi nói rằng chúng ta kế thừa khuynh hướng để gây
chiến tranh và bạo lực là sai. Cách cư xử ấy không phải do di truyền đặt vào bản
tính con người. Họ nói rằng dù chúng ta có bộ máy thần kinh bạo hành thì cách
cư xử ấy cũng không tự động hoạt động. Không có gì trong sinh lý học thần kinh
bắt buộc chúng ta bạo hành. Khảo sát vấn đề bản tính căn bản của con người, hầu
hết các nhà nghiên cứu trong lãnh vực này hiện cảm thấy cơ bản là chúng ta có
tiềm năng phát triển thành người hòa nhã, chu đáo hay bạo lực, hung hăng,
khuynh hướng hành động được nhân mạnh nhiều vào vấn đề huân luyện.
Những nhà nghiên cứu đương đại nay đã bắt bẻ không chỉ khái niệm
về tính hung hãn bẩm sinh của con người, mà cả khái niệm con người bẩm sinh vị
kỷ và ích kỷ cũng bị công kích. Những người điều tra nghiên cứu như C. Daniel
Batson hay Nancy Eisenberg của Đại Học Tiểu Bang Arizona đã tiến hành nhiều cuộc
nghiên cứu trong những năm vừa qua cho thấy con người có khuynh hướng về cách đối
xử vị tha. Một số nhà khoa học như Tiến sĩ xã hội học Linda Wilson cũng tìm
cách khám phá tại sao điều này lại như vậy. Đức tính vị tha theo lý thuyết của
bà là một phần bản năng sinh tồn - hết sức đối lập với lý thuyết của những nhà
tư tưởng trước đây cho rằng thái độ thù nghịch và hung hãn là tiêu chuẩn xác nhận
bản năng sinh tồn của chúng ta. Nhìn vào trên hàng trăm thảm họa tự nhiên, Tiến
sĩ Wilson tìm thấy một mẫu hình mạnh mẽ về lòng vị tha trong số những nạn nhân
thảm họa dường như là một phần của tiến trình khôi phục. Bà thấy rằng cùng nhau
làm việc giúp đỡ lẫn nhau có khuynh hướng tránh các khó khăn tâm lý sau này có
thể xẩy ra do chân thương.
Khuynh hướng liên kết chặt chẽ với những người khác, hành động
vì phúc lợi của người khác cũng như cho chính mình, đã ăn sâu trong bản tính
con người, được tôi luyện trong quá khứ xa xăm khi người ta cùng liên kết lại
và trở thành thành viên của một nhóm có cơ may sống sót cao hơn. Nhu cầu thiết
lập quan hệ xã hội chặt chẽ vẫn còn dai dẳng cho đến ngày nay. Trong những cuộc
nghiên cứu, như trong cuộc nghiên cứu của Tiến Sĩ Larry Scherwitz, khảo sát những
nhân tố rủi ro về bệnh động mạch vành tim, cho thấy những người thích nổi bật
(những người thường nhắc mình bằng cách dùng những đại từ như "Tôi",
và "của tôi" trong các cuộc phỏng vấn) dễ bị bệnh động mạch vành nhiều
hơn, cả khi những cách đối xử đe dọa sức khỏe được kiềm chế. Các nhà khoa học
khám phá ra rằng những người ít có mối liên hệ xã hội, dường như bị kém sức khỏe
yếu, mức độ bất hạnh phúc cao hơn, và dễ bị căng thẳng hơn.
Chìa tay giúp đỡ người khác có thể là cần thiết cho bản tính
chúng ta cũng như giao tiếp. Ta có thể làm một sự so sánh với sự phát triển
ngôn ngữ, giống như khả năng có tình thương và lòng vị tha, là một trong những
nét đẹp của loài người. Những khu vực đặc biệt của bộ não dành riêng cho tiềm lực
về ngôn ngữ. Nếu chúng ta được đặt vào hoàn cảnh môi trường phù hợp, tức là, một
xã hội biết nói, thì những nơi kín đáo của não bắt đầu phát triển và hoàn thiện
và khả năng về ngôn ngữ tăng trưởng. Cũng giống như vậy, tất cả ai cũng được
phú cho "hạt giống của tình thương". Khi được đặt vào hoàn cảnh thích
hợp - ở nhà, hay ở ngoài xã hội nói chung, và sau đó nhờ vào những cố gắng rõ rệt
của mình - "hạt giống" ấy sẽ thăng hoa. Với khái niệm ấy trong tâm,
các nhà nghiên cứu hiện đang tìm cách khám phá ra những hoàn cảnh môi sinh tốt
nhất để hạt giống quan tâm và tình thương chín muồi nơi con cái. Họ đã nhận biết
một số nhân tố: có những bậc cha mẹ có thể điều hòa được cảm xúc, làm gương về
cách đối xử chu đáo, dạy bảo giới hạn về tư cách đạo đức của con cái, truyền đạt
cho chúng hiểu trách nhiệm về tư cách của chúng, và dùng lý luận để giúp con
cái hướng sự lưu tâm tới các trạng thái cảm xúc hay những hậu quả về cách đối xử
của chúng đối với người khác.
Nhìn lại sự thừa nhận cơ bản của chúng ta về bản tính tiềm ẩn của
con người, từ bản tính thù nghịch đến có ích, có thể mở ra nhiều khả năng. Nếu
chúng ta bắt đầu bằng việc thừa nhận mô hình tư lợi trong tất cả các cách ứng xử
của con người, thì một đứa trẻ nhỏ có thể là một thí dụ hoàn hảo làm "bằng
chứng" cho lý thuyết này. Sanh ra, đứa trẻ hình như đã được lập trình việc
duy nhất trong tâm chúng: thỏa mãn nhu cầu của chính chúng, đồ ăn, tiện
nghi vật chất và vân vân...Nhưng nếu chúng ta không theo sự ích kỷ căn bản này,
một búc tranh hoàn toàn mới sẽ hiện ra. Chúng ta có thể dễ dàng nói đứa trẻ này
sanh ra đã được lập trình cho một điều duy nhất: có khả năng và mục đích
là đem lạc thú và niềm vui đến cho người khác. Chỉ cần quan sát một đứa trẻ khỏe
mạnh, rất khó có thể chối bỏ bản tính hiền hòa tiềm ẩn của con người. Từ ưu thế
mới này, chúng ta có thể tán thành khả năng mang niềm vui cho người khác, người
chăm sóc, là bẩm sinh. Thí dụ, ở đứa trẻ sơ sinh,khứu giác phát triển chỉ bằng
5 phần trăm của người lớn, và vị giác phát triển rất ít. Nhưng ở các trẻ sơ
sanh cái tồn tại ở những giác quan đó hướng về mùi và vị của sữa mẹ. Việc cho
con bú không những cung cấp dinh dưỡng cho đứa trẻ, mà còn làm giảm căng thẳng
cở ngực. Cho nên chúng ta cũng có thể nói đứa trẻ sinh ra với khả năng bẩm sinh
đem lạc thú cho người mẹ bằng cách giảm thiểu sự căng thẳng của nhũ hoa.
Về mặt sinh học, đứa trẻ sanh được lập trình là để nhận biết và
phản ứng trước các gương mặt, chỉ có một số ít người không tìm thấy niềm vui
đích thực khi thấy trẻ nhỏ ngấy thơ nhìn vào mắt họ, và mỉm cười. Một số nhà
dân tộc học đã đề ra lý thuyết về điều này, cho rằng khi một đứa trẻ mỉm cười với
người chăm sóc nó hay nhìn thẳng vào mắt người này thì đứa trẻ đó đang theo đuổi
" kế hoạch sinh học" sâu xa theo bản năng, "đưa ra" cách ứng
xử quan tâm, hòa nhã, dịu dàng từ người chăm sóc nó, người đó cũng đang tuân
hành snhiệm vụ bản năng bắt buộc tự nhiên. Vì có thêm nhiều nhà điều tra nghiên
cứu phấn đấu khám phá một cách khách quan bản tính của con người, khái niệm đứa
trẻ ít có tính ích kỷ, một bộ máy ăn và ngủ, đang phải nhường chỗ cho cách nhìn
nhận một con người ra đời với bộ máy bẩm sinh là để làm vừa lòng người khác, chỉ
cần đến điều kiện môi trường thích hợp để cho "hạt giống tình thương"
tiềm ẩn và tự nhiên được nẩy mầm và phát triển.
Một khi chúng ta kết luận bản tính căn bản của nhân loại là tình
thương hơn là hung hăng, mối quan hệ với thế giới chung quanh chúng ta thay đổi
tức khắc. Nhìn những người khác như căn bản là thương yêu thay vì thù nghịch và
ích kỷ giúp chúng ta bớt căng thẳng, tin tưởng, sống thoải mái, làm chúng ta hạnh
phúc hơn.
SUY NGẪM VỀ MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI
Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma ngồi ở sa mạc Arizona tuần này, nghiên cứu
bản tính con người và quan sát tâm con người với sự xem xét kỹ lưỡng của một
khoa học gia, một sự thật đơn giản dường như lóe lên và sáng tỏ mọi bàn cãi: mục
đích cuộc đời là hạnh phúc. Cấu nói đơn giản này có thể sử dụng như một công cụ
có sức mạnh giúp chúng ta vượt qua khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Từ viễn
cảnh ấy, nhiệm vụ của chúng ta là loại bỏ những điều dẫn đến khổ đau và tích
lũy những điều dẫn đến hạnh phúc. Phương pháp, thực hành hàng ngày này dẫn đến
tăng dần dần ý thức và hiểu biết của chúng ta về những gì thực sự dẫn đến hạnh
phúc và những gì không dẫn tới hạnh phúc.
Khi đời sống trở nên quá phức tạp và chúng ta cảm thấy không chịu
nổi, thường là rất hữu ích nếu chúng ta dừng lại và nhớ lại toàn bộ mục đích,
toàn bộ mục tiêu của chúng ta. Khi đương đầu với cảm giác trì trệ và bối rối, bỏ
một giờ hay một buổi chiều, thậm chí vài ngày chỉ nghĩ xem điều đó thực sự đem
hạnh phúc sẽ giúp ích cho chúng ta nhiều, và rồi thì sắp đặt lại sự ưu tiên
trên cơ sở đó. Việc này sẽ đem cuộc sống của chúng ta trở lại khung cảnh thích
hợp có một cái triển vọng mới, và giúp chúng ta nên đi hướng nào.
Thỉnh thoảng chúng ta phải đương đầu với những quyết định then
chốt có thể ảnh hưởng suốt cuộc đời. Chẳng han ch úng ta quyết định lập gia
đình, có con, hay theo một môn học để trở thành luật sư, nghệ sĩ, hay thợ điện.
Quyết tâm mạnh mẽ để đạt được hạnh phúc - biết những nhân tố dẫn đến hạnh phúc
và làm những bước tích cực để xấy dựng một cuộc sống hạnh phúc hơn - đúng là một
quyết định như vậy. - Chỗ ngoặt hướng tới hạnh phúc vì một mục tiêu có giá trị
và quyết định có ý thức tìm cầu hạnh phúc theo một cách thức có hệ thống có thể
thay đổi sâu xa phần còn lại cuộc đời của chúng ta.
Sự hiểu biết về những nhân tố sẽ dẫn đến hạnh phúc của Đức Đạt
Lai Lạt Ma dựa vào suốt cuộc đời quan sát tâm có phương pháp của Ngài, khảo sát
bản chất thân phận con người, và điều tra nghiên cứu những sự việc này trong
khuôn khổ mà Đức Phật lần đầu tiên thiết lập từ trên 25 thế kỷ qua. Và từ quá
trình này, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi đến kết luận rõ ràng về những hoạt động và
tư tưởng nào có giá trị nhất. Ngài tóm tắt niềm tin cuả Ngài vào những lời nói
sau có thể dùng làm sự suy ngẫm.
Đôi khi gặp những bạn cũ, nó nhắc nhở cho tôi thời gian qua mau
như thế nào. Và điều này cũng làm cho tôi băn khoăn tự hỏi liệu chúng ta có sử
dụng thì giờ đứng đắn hay không. Sử dụng đứng đắn thì giờ rất quan trọng. Trong
khi chúng ta có thân xác này, và nhất là bộ óc con người hết sức đáng ngạc
nhiên này, tôi nghĩ rằng mỗi phút là thứ gì quý báu. Cuộc sống từng ngày quá
nhiều hy vọng, mặc dù không có gì bảo đảm cho tương lai. Không có gì bảo đảm là
ngày mai cũng vào giờ này chúng ta vẫn ở đây. Nhưng chúng ta vẫn làm việc vì điều
đó hoàn toàn trên cơ sở hy vọng. Cho nên chúng ta cần phải sử dụng thì giờ hữu
hiệu nhất. Tôi tin rằng sử dụng đúng thì giờ là như thế này: nếu bạn có thể phục
vụ người khác, những chúng sinh khác. Nếu không, ít nhất hãy kiềm chế đừng làm
hại chúng, tôi nghĩ đó là toàn bộ căn cứ triết lý của tôi.
"Cho nên, hãy suy ngẫm về những gì có giá trị thực sự cho đời
sống, những gì đem ý nghĩa cho đời sống, và hãy đặt sự ưu tiên trên cơ sở ấy. Mục
tiêu cuộc sống cần phải tích cực. Chúng ta sinh ra không phải có mục đích gây rắc
rối làm hại người khác. Để đời sống chúng ta có giá trị, tôi nghĩ rằng chúng ta
phải phát triển những đức tính tốt căn bản của con người - nhiệt tình, tử tế và
từ bi. Rồi đời sống của chúng ta sẽ trở nên có ý nghĩa và an lạc hơn - hạnh
phúc hơn.
PHẦN II
NHIỆT TÌNH VÀ TÌNH THƯƠNG CỦA CON NGƯỜI
-ooOoo-
CHƯƠNG 5
KIỂU MẪU MỚI CHO SỰ THÂN THIỆN
CÔ ĐƠN VÀ QUAN HỆ
Tôi vào phòng khách của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại khách sạn, và
Ngài ra hiệu cho tôi ngồi. Trà được rót ra, Ngài tuột đôi giầy Rockport mầu bơ
và ngồi thoải mái trên một chiếc ghế lớn.
""Sao?" Ngài hỏi tôi với môt giọng thường lệ thay
đổi ngữ điệu có ý là Ngài đã sẵn sàng cho bất cứ điều gì. Ngài mỉm cười và giữ
im lặng. Chờ đợi.
Mấy phút trước đây, trong khi ngồi tại hành lang khách sạn, chờ
đến giờ gặp gỡ, tôi lơ đãng nhặt một tờ báo địa phương bỏ lại nơi đây; tờ báo
đã được lật tới mục "Việc Riêng". Tôi liếc qua mục quảng cáo dầy đặc
hết trang này đến trang khác tìm người, hết sức mong có liên hệ tới một người
nào khác Vẫn hãy còn nghĩ tới những quảng cáo ấy lúc ngồi xuống bắt đầu cuộc gặp
với Đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi đột nhiên quyết định bỏ qua một bên những câu hỏi
đã được chuẩn bị, và hỏi Ngài: "Có bao giờ Ngài cảm thấy cô đơn
không?"
"Không" Ngài trả lời đơn giản. Tôi đã không chuẩn bị
trước cho câu trả lời này. Tôi cho rằng câu trả lời của Ngài phải là những dòng
sau: "Đương nhiên", mọi người ai cũng có lúc có lúc cảm thấy lẻ
loi.." Rồi tôi dự định hỏi Ngài làm sao Ngài đối phó với cô đơn. Tôi không
bao giờ nghĩ rằng tôi lại gặp một người không bao giờ cảm thấy cô đơn.
"Không" tôi hỏi Ngài lần nữa, ngờ vực
"Không"
"Ngài cho điều đó là cái gì?
Ngài nghĩ một chút."Tôi nghĩ rằng một nhân tố mà tôi nhìn
vào bất cứ ai là từ một khía cạnh tích cực; tôi cố gắng tìm kiếm những khía cạnh
tích cực của họ. Thái độ này tạo ngay một cảm giác đồng cảm, một loại liên hệ.
"Một phần là vì lẽ về phần tôi ít có sự e sợ, ít sợ hãi
hơn, và nếu tôi hành động theo một cách thức nào đó, có thể mất đi sự kính trọng
hay nghĩ rằng tôi là người xa lạ Cho nên vì thường là không có loại e sợ và sợ
hãi đó, thì sẽ có loại cởi mở. Tôi nghĩ đó là nhân tố chính."
Phấn đấu để lãnh hội phạm vi và khó khăn trong việc áp dụng một
thái độ như vậy, tôi hỏi "Nhưng làm sao Ngài có thể cho rằng người ta có
khả năng để cảm thấy thoải mái với người khác, lại không có sự sợ hãi và e sợ bị
người ta không thích hay phán xét. Phải chăng có phương pháp đặc biệt để một
người trung bình có thể sử dụng để phát triển thái độ ấy?"
"Niềm tin căn bản của tôi là trước tiên bạn cần hiểu sự ích
lợi của từ bi."Ngài nói với một giọng quả quyết."Đó là nhân tố chính.
Một khi bạn chấp nhận sự thật là từ bi không phải là một thứ ngấy ngô con nít
hay tình cảm, một khi mà bạn hiểu từ bi là cái thực sự đáng giá, hiểu giá trị
sâu xa của nó, thì bạn phát triển ngay sự lôi cuốn hướng về nó, thiện ý để trau
dồi nó.
"Và một khi bạn kích thích tư tưởng từ bi trong tâm, một
khi tư tưởng đó trở thành tích cực, thì thái độ của bạn đối với người khác tự động
thay đổi. Nếu bạn gần gũi người khác với tư tưởng từ bi, sự sợ hãi tự động giảm
thiểu và bạn sẽ cởi mở với người khác. Cởi mở tạo một bầu không khí tích cực và
thân hữu. Bằng thái độ ấy, bạn tiến tới mối quan hệ mà chính bạn là người đầu
tiên tạo ra khả năng nhận sự cảm tình hay sự đáp ứng tích cực của người khác.
Và với thái độ ấy, cho dù người ta không thân thiện với bạn hoặc bạn không được
đáp ứng bạn một cách tích cực, thì ít nhất bạn cũng đã gần gũi người với cảm
giác cởi mở làm cho bạn linh hoạt và tự do thay đổi cách tiếp xúc cần thiết. Loại
cởi mở ấy ít nhất cho bạn khả năng có cuộc đối thoại đầy ý nghĩa với họ. Nhưng
không có thái độ từ bi, nếu bạn cảm thấy như mậc cảm, tức tối hay lãnh đạm, thì
dù người bạn thân nhất đến với bạn, bạn vẫn cảm thấy không thoải mái.
"Tôi nghĩ rằng trong nhiều trường hợp, người ta có khuynh
hướng mong người khác đáp họ một cách tích cực trước, hơn là tự mình chủ động tạo
ra khả năng đó. Tôi cảm thấy thế là sai, nó dẫn đến khó khăn và sẽ trở thành
rào cản làm tăng thêm cảm giác lẻ loi và cô đơn. Vậy, nếu bạn muốn khắc phục cảm
giác lẻ loi và cô đơn ấy, tôi nghĩ rằng thái độ tiềm ẩn của bạn có thể tạo ra sự
khác biệt to lớn. Gần gũi người khác với tư tưởng từ bi trong tâm là phương
cách tốt nhất để làm điều này.
Sự kinh ngạc của tôi về việc Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng Ngài chẳng
bao giờ cô đơn hoàn toàn tương xứng với niềm tin của tôi vào sự lan tràn của cảnh
cô đơn trong xã hội của chúng ta. Niềm tin này không chỉ sanh ra từ cảm giác
chung về sự cô đơn của riêng tôi hay sợi chỉ xuyên suốt sự cô đơn hình như là
chủ đề quan trọng nhưng ít được chú ý trong toàn bộ cơ cấu hành nghề y khoa tâm
thần của tôi. Trong 20 năm qua, các nhà tâm lý học đã bắt đầu nghiên cứu về sự
cô đơn trong cách thức khoa học, thực hiện nhiều khảo sát và nghiên cứu về đề
tài này. Một trong những khám phá nổi bật về những nghiên cứu này là hầu như tất
cả mọi người đều cho biết họ đã kinh nghiệm qua sự cô đơn, hiện thời hoặc trong
quá khứ. Trong một cuộc thăm dò rộng rãi, một phần tư những người trưởng thành
tại Hoa Kỳ cho biết họ cảm thấy hết sức cô đơn ít nhất một lần trong hai tuần.
Mặc dù, chúng tôi thường nghĩ rằng cô đơn kéo dài là mối ưu phiền đặc biệt lan
rộng nơi người già, lẻ loi trong các khu nhà trống trải hay ở khu sau của viện
dưỡng lão, nhưng công cuộc nghiên cứu cho thấy những thiếu niên và thanh niên
cũng cho biết họ cũng cô đơn như người già.
Vì mức độ cô đơn lan tràn, những người điều tra nghiên cứu bắt đầu
xem xét những thay đổi phức tạp góp phần gây ra cô đơn. Chẳng hạn, họ đã tìm ra
những người cô đơn thường có những vấn đề mặc cảm, gặp khó khăn trong giao tiếp
với người khác, ít chịu lắng nghe, và thiếu khéo léo trong việc giao tế xã hội
như chọn lựa cách cư xử thông tục (biết khi nào gật đầu, đáp lại thích hợp, hay
giữ im lặng). Sự nghiên cứu này đề xuất một chiến lược khắc phục cô đơn là tác
động vào cải tiến kỹ năng giao tế xã hội. Tuy nhiên chiến lược của Đức Đạt Lai
Lạt Ma dường như là tránh tác động vào kỹ năng giao tế xã hội hay cách ứng xử đến
từ bên ngoài, ủng hộ phương pháp đi thẳng vào tâm - nhận thức giá trị của từ bi
và trau dồi nó.
Bất chấp sự ngạc nhiên lúc ban đầu của tôi, khi tôi nghe thấy
Ngài nói bằng sự quả quyết như vậy, tôi tin tưởng chắc chắn rằng Ngài không bao
giờ cô đơn. Có những bằng chứng hậu thuẫn cho lời tuyên bố của Ngài. Tôi thường
chứng kiến tác động của Ngài với người lạ, bao giờ cũng tích cực không thay đổi.
Bây giờ thì rõ ràng là những tác động qua lại không phải là ngẫu nhiên hay chỉ
là kết quả của một cá tính thân thiện tự nhiên. Tôi cảm thấy Ngài đã bỏ ra nhiều
thời gian suy tư về tầm quan trọng của từ bi, thận trọng trau dồi nó, dùng nó để
làm phong phú và mềm dẻo vấn đề trong kinh nghiệm hàng ngày, làm đất trở nên
phì nhiêu và sẵn sàng tiếp nhận những tương tác tích cực với người khác - một
phương pháp thực tế có thể được sử dụng bởi bất cứ ai đau khổ vì cô đơn.
DỰA VÀO NGƯỜI KHÁC SO VỚI TỰ LỰC
Trong tất cả chúng sanh, có hạt giống toàn thiện. Tuy nhiên, từ
bi cần kích hoạt, hạt giống ấy vốn có trong tim và óc chúng ta..."Bằng điều
đó Đức Đạt Lai Lạt Ma giới thiệu đề tài từ bi trước một cuộc họp yên lặng. Thuyết
giảng trước một cử tọa ngàn rưởi người gồm phần lớn những học sinh mộ Đạo Phật,
Ngài bắt đầu thảo luận học thuyết Phật Giáo về Lãnh Vực Công Đức.
Trong ý nghĩa Phật Giáo, Công Đức được mô tả như một dấu ấn tích
cực về tâm của con người, hay "sự tiệm tiến tinh thần" xuất hiện do
những hành động tích cực. Đức Đạt Lai Lạt Ma giải nghĩa Phước Điền Công Đức là
nguồn, hay nền tảng mà từ đó người ta có thể tích lũy công đức. Theo lý thuyết
Phật Giáo, chính kho công đức của một người quyết định hoàn cảnh tốt đẹp cho những
tái sanh của một người đí trong tương lai. Ngài giải thích bằng học thuyết Phật
Giáo về Công Đức định rõ hai Phước Điền Công Đức: Phước Điền Công Đức của các vị
Phật, và Phước Điền Công Đức của chúng sanh. Một phương pháp tích lũy công đức
liên quan đến việc tạo ra sự kính trọng, đức tin, và lòng tin vào Chư Phật, những
bậc Giác Ngộ. Những phương pháp khác liên quan đến việc tu tập như lòng tốt, rộng
lượng, khoan dung, và vân vân.. và có ý thức kiềm chế các hành động tiêu cực
như sát sinh, trộm cắp, và nói dối. Tạo dựng phương pháp thứ hai này đòi hỏi sự
tác động qua lại với người khác, hơn là tác động qua lại với Chư Phật. Trên ccơ
sở đó Đức Dạt Lai Lạt Ma chỉ ra rằng người khác sẽ là sự giúp đỡ chúng ta rất
nhiều để tích lũy công đức.
Những người khác là Phước Điền công đức mô tả của Đức Đạt Lai Lạt
Ma có một đặc tính đẹp, trữ tình đối với điều đó, hình như chính nó làm phong
phú thêm hình ảnh. Lập luận trong sáng của Ngài và sự quả quyết đằng sau những
lời nói của Ngài hợp lại thành sức mạnh đặc biệt và ảnh hưởng đến cuộc nói chuyện
của Ngài chiều đó. Khi tôi nhìn quanh phòng, tôi thấy nhiều cử tọa xúc động rõ
rệt. Chính tôi không say mê bằng. Do các cuộc đàm thoại trước đây, tôi đã ở
giai đoạn hiểu biết sơ đẳng về tầm quan trọng sâu xa của từ bi, tuy vẫn còn bị ảnh
hưởng nặng bởi những năm dài trong tiến trình khoa học duy lý, làm cho tôi coi
bất cứ cuộc nói chuyện gì về lòng tốt hay từ bi chỉ là chút đa cảm vì ý thích của
mình. Nghe Ngài nói, tâm trí tôi bắt đầu nghĩ lan man. Tôi bắt đầu ngấm ngầm
nhìn quanh phòng, tìm các bộ mặt nổi tiếng, đáng chú ý, hay quen thuộc. \n một
bữa cơm quá no trước cuộc nói chuyện, tôi bắt đầu buồn ngủ. Tôi vật vờ lúc tỉnh
lúc không. Có lúc trong buổi nói chuyện, tâm trí tôi nghe thấy Ngài
nói"... hôm nọ, tôi đã nói về những nhân tố cần thiết để có một cuộc đời hạnh
phúc và sung sướng. Những nhân tố như sức khỏe, của cải vật chất, bạn bè vân
vân... Nếu bạn điều tra nghiên cứu kỹ lưỡng, bạn sẽ thấy tất cả những thứ đó lệ
thuộc vào người khác. Muốn giữ sức khỏe, bạn đưa vào thuốc men do người khác
làm, và chăm sóc sức khỏe do người khác lo liệu. Nếu bạn xem xét tất cả những
tiện nghi bạn sử dụng để hưởng thụ cuộc sống bạn sẽ thấy hầu như không có đồ vật
nào không liên hệ đến người khác. Nếu bạn suy nghĩ cẩn thận, bạn sẽ thấy tất cả
những hàng hóa ấy có được là do cố gắng của nhiều người hoặc trực tiếp hoặc
gián tiếp. Nhiều người đã tham gia đến để làm những thứ đó thành tựu. Không cần
phải nói khi chúng ta đề cập về bạn tốt, là một nhân tố cần thiết khác cho cuộc
đời hạnh phúc, chúng ta đang nói đến sự tác động qua lại với những chúng sanh
khác, những con người. khác.
"Cho nên bạn có thể thấy rằng tất cả những nhân tố đó gắn
chặt với những nỗ lực và hợp tác của những người
khác. Những người khác là không thể thiếu. Cho nên, dù thực tế
là tiến trình giao tiếp với người khác có thể có gian khổ, cãi cọ, và khó chịu,
chúng ta vẫn phải cố duy trì một thái độ thân thiện và niềm nở để có lối sống
có đủ tác động qua lại với người khác đặng vui hưởng một cuộc đời hạnh phúc."
Khi Ngài nói, tôi cảm thấy một sự phản kháng theo bản năng. Mặc
dầu tôi thường trân trọng và vui sướng với bạn bè và gia đình, nhưng tôi vẫn
coi mình là một người độc lập. Tự lực Thật ra là hãnh diện về đức tính ấy. Ngấm
ngầm, tôi có khuynh hướng coi thường những người phụ thuộc quá mức - một dấu hiệu
yếu kém.
Tuy vậy, chiều này khi nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma giảng, đã xẩy ra
một việc. Vì 'Tùy Thuộc Vào Người Khác" không phải là đề tài mà tôi ưa
thích, tâm trí tôi lại bắt đầu lan man, tôi thấy tôi quên không cắt bỏ sợi chỉ
lòng thòng trên tay áo sơ mi của tôi. Chú ý vào một lúc, tôi nghe thấy Ngài nói
nhiều người đã tham gia vào việc làm ra tất cả những của cải của chúng ta. Khi
nghe Ngài nói, tôi bắt đầu xem xét có nhiều người tham gia làm cái áo sơ mi của
tôi. Tôi bắt đầu tưởng tượng đến người nông dân trồng bông. Kế tiếp người bán
máy cầy cho người nông dân cầy ruộng. Rồi vì việc đó hàng trăm hay thậm chí
hàng ngàn người tham gia làm máy cày, gồm có người khai quặng để chế tạo các bộ
phận bằng kim loại của xe máy cày và tất cả những người thiết kế máy cày. Rồi
đương nhiên, người làm bông, người dệt, người cắt, người nhuộm, người may. Những
người vận chuyển và tài xế xe tải giao áo đến tiệm, và người bán hàng bán cho
tôi. Tôi chợt hiểu, hầu như mọi khía cạnh trong đời tôi xẩy ra đều là do nỗ lực
của nhiều người. Sự tự lực quý giá cùa tôi hoàn toàn là một ảo tưởng, một ý
nghĩ kỳ quặc. Khi sự nhận thức này bừng sáng trong tôi, tôi bị chinh phục bởi ý
nghĩa sâu xa của sự liên kết và tùy thuộc lẫn nhau trong tất cả chúng sinh. Tôi
cảm thấy dịu đi. Một điều gì đó; tôi không biết. Điều ấy làm tôi muốn khóc.
SỰ RIÊNG TƯ
Chúng ta cho rằng cần phải vì người khác là nghịch lý. Cùng lúc
văn hóa của chúng ta bị hút vào sự tận dương tính độc lập cao độ, chúng ta cũng
mong mỏi sự riêng tư và mối liên hệ với người yêu đặc biệt nào đó. Chúng ta tập
trung tất cả năng lực vào việc tìm kiếm một người với hy vọng có thể chữa cho
ta khỏi cô đơn tuy vẫn chống đỡ cho ảo tưởng là chúng ta vẫn độc lập. Tuy mối
liên hệ này rất khó để đạt được thấm chí chỉ một người, nhưng tôi thấy Đức Đạt
Lai Lạt Ma có khả năng và giữ được sự thân mật với thật nhiều người mà Ngài có
thể. Thực tế mục đích của Ngài là liên kết với mọi người.
Gặp Ngài trong một phòng khách sạn tại Arizona vào một buổi xế
chiều, tôi bắt đầu "Trong buổi nói chuyện truớc công chúng chiều qua, Ngài
nói đến tầm quan trọng của những người khác, mô tả họ là Phước Điền Công Đức.
Nhưng khi quan sát sự quan hệ với người khác, thực sự là có rất nhiều cách khác
nhau dính dáng với nhau, nhiều loại quan hệ khác nhau ..."
"Rất đúng " Ngài nói.
"Chẳng hạn có một loại quan hệ hết sức được chuộng ở Phương
Tây", tôi nhận xét " Đó là quan hệ có đặc điểm là mức riêng tư sâu giữa
hai người, một người đặc biệt để chia sẻ cảm nghĩ thầm kín nhất, nỗi sợ hãi và
vân vân...Người ta cảm thấy, nếu không có loại quan hệ ấy, họ sẽ thấy một điều
gì thiếu thốn trong cuộc đời của họ. Thực ra, phép chữa bệnh bằng tâm lý thường
tìm cách giúp đỡ người ta biết cách phát triển loại quan hệ riêng tư này."
"Vâng, tôi tin là loại riêng tư này có thể được nhìn nhận
là tích cực". Đức Đạt Lai Lạt Ma đồng ý." Tôi nghĩ rằng người bị tước
đoạt loại riêng tư ấy có thể dẫn đến những vấn đề".
"Tôi chỉ băn khoăn là ..." Tôi tiếp tục " khi
Ngài lớn lên tại Tây Tạng, Ngài không những được coi như một ông vua mà còn được
coi như một vị thánh. Tôi cho rằng dân chúng kinh sợ Ngài, có lẽ thấm chí là một
chút bồn chồn lo lắng hay sợ hãi đứng trước mặt Ngài. Điều đó không tạo ra sự
cách biệt cảm xúc nào đó với người khác chứ, cảm giác bị lẻ loi ? Ngoài ra Ngài
cũng bị xa gia đình, được nuôi dưỡng như một nhà sư từ nhỏ, và là một nhà sư
chưa bao giờ lấy vợ và vân vân... tất cả những sự việc ấy có góp phần vào cảm
giác cách biệt với người khác không? Có bao giờ Ngài cảm thấy mất cơ hội phát
triển mức độ riêng tư cá nhân sâu hơn đối với người khác, hay với một người đặc
biệt nào đó, như vợ chồng?
Không chút ngập ngừng, Ngài trả lời:"Không. Không bao giờ
tôi cảm thấy thiếu riêng tư. Đương nhiên, cha tôi mất đã nhiều năm qua, nhưng
tôi cảm thấy rất gần gũi với mẹ tôi, các vị thầy của tôi, các gia sư của tôi,
và nhiều người khác. Và với nhiều trong số những người ấy, tôi có thể chia sẽ cảm
nghĩ sâu xa nhất, sợ hãi và lo lắng. Khi tôi ở Tây Tạng, vào những dịp lễ lớn
trong nước hay công cộng, có một số thủ tục, một số nghi thức, nghi lễ ngoại
giao được cử hành nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Có những lần, thí dụ,
tôi thường xuống bếp và trở nên hết sức gần gũi với những người làm bếp và
chúng tôi có thể đùa rỡn hay to nhỏ chuyện tầm phào, hay chia sẻ những sự việc,
và như vậy rất thoải mái không có chút nghi thức nào hay cách biệt.
Cho nên, khi tôi ở Tây Tạng hay từ khi tôi trở thành người tị nạn,
tôi không bao giờ cảm thấy thiếu người mà tôi có thể chia sẻ mọi sự. Tôi nghĩ rằng
nhiều việc liên quan đến bản tính của tôi.Với tôi chia sẻ sự việc với người
khác rất dễ dàng, tôi không giữ bí mật tốt lắm đâu? Ngài cười" Đương nhiên
đôi khi nó có thể là một điều tiêu cực. Thí dụ, có thể là một số thảo luận nào
đó trong Kashag (Nội Các của Chính Phủ Lưu Vong Tây Tạng). Về những việc mật,
tôi đem thảo luận ngay những việc ấy với người khác. Nhưng trên mức độ cá nhân,
cởi mở và chia sẻ mọi sự sẽ rất lợi ích. Vì có bản tính như vậy, tôi có thể kết
bạn một cách dễ dàng hơn, không phải là vấn đề biết người và có sự trao đổi bề
ngoài mà thực sự là chia sẻ những vấn đề sâu kín nhất và đau khổ sâu xa của
tôi. Và cũng như vấy khi tôi nghe được tin vui, tôi cũng chia sẻ ngay với người
khác. Cho nên tôi cảm nhận thấy sự riêng tư và mối liên hệ với bạn bè. Đương
nhiên, đôi khi đối với tôi thiết lập mối liên hệ với người khác thật dễ dàng vì
thường thường họ rất sung sướng chia sẻ những khổ đau và niềm vui của họ với Vị
Lạt Ma, 'Đức Tối Thượng Đạt Lai Lạt Ma'. Ngài lại cười, làm sáng tỏ tước vị của
Ngài." Dù sao, tôi cũng cảm nhận thấy mối liên hệ, sự chia sẻ với nhiều
người. Chẳng hạn, trong quá khứ, nếu tôi cảm thấy thất vọng hay không hài lòng
với đường lối chính trị của Chính Phủ Tây Tạng, hay tôi quan ngại về một số vấn
đề, cả đến sự đe dọa xâm lăng của Trung Quốc, thì tôi trở về phòng và chia sẻ
những việc ấy với người quét phòng. Theo một điểm nào đó, có lẽ dường như đúng
là ngớ ngẩn trước con mắt của một số người khi Đức Đạt Lai Lạt Ma, người đứng đầu
Chính Phủ Tây Tạng, đang đương đầu với những vấn đề quốc tế và quốc gia mà lại
chia sẻ những chuyện này với một người quét nhà." Ngài lại cười nữa."Nhưng
về mặt cá nhân tôi cảm thấy rất hữu ích vì lẽ những người khác tham dự và chúng
ta cùng đương đầu với khó khăn hay đau khổ."
MỞ RỘNG VIỆC XÁC ĐỊNH VỀ SỰ RIÊNG TƯ
Hầu hết tất cả những nhà nghiên cứu trong lãnh vực quan hệ con
người đều đồng ý riêng tư là trung tâm của cuộc sống. Nhà tâm lý học người Anh
có nhiều ảnh hưởng tên John Bowlby viết:"Sự gắn bó riêng tư với những người
khác là trung tâm mà cuộc sống của một con người xoay quanh nó... Từ sự gắn bó
riêng tư này người ta giành được sức mạnh và niềm vui cuộc sống, qua những gì
người đó đóng góp, người đó mang lại sức mạnh và niềm vui cho người khác. Đó là
những vấn đề mà khoa học hiện đại và trí tuệ truyền thống nhất trí."
Rõ ràng là sự riêng tư thúc đẩy cả hạnh phúc thể chất lẫn tâm
lý. Nhìn vào lợi ích sức khỏe trong sự quan hệ riêng tư, những nhà nghiên cứu y
học thấy người có tình bạn thân, người mà họ tìm đến để được xác quyết, đồng cảm,
và thương yêu rất có khả năng vượt những thách thức về sức khỏe như đau tim, những
ca giải phẫu nghiêm trọng, và ít bị những chúng bệnh như ung thư hay bị lấy về
hô hấp. Thí dụ trong một công cuộc nghiên cứu trên một ngàn bệnh nhân đau tim tại
Trung Tấm Y Khoa Đại Học Duke thấy rằng những người không có chồng hoặc vợ hay
bạn tâm tình thân tín có khả năng tử vong gấp ba lần trong vòng năm năm khi chẩn
đoán bị đau tim so với những người có vợ chồng hay bạn thân. Một cuộc nghiên cứu
khác hàng ngàn người cư dân tại Quận Alameda, California, trong suốt thời kỳ
chín năm cho thấy những người có hậu thuẫn xã hội và quan hệ riêng tư có tỷ lệ
tử vong chung thấp hơn và tỷ lệ bệnh ung thư cũng thấp hơn. Một cuộc nghiên cứu
hàng trăm người cao niên tại Đại Học Y Khoa tại Nebraska cho thấy những người
có sự quan hệ riêng tư có chức năng miễn dịch tốt hơn và mức độ cholesterol thấp
hơn. Trong khoảng thời gian mấy năm vừa qua, đã có nửa tá những cuộc điều tra
nghiên cứu rộng rãi của một số các nhà nghiên cứu khác nhau nhắm vào sự tương
quan giữa sự riêng tư và sức khỏe. Sau khi phỏng vấn hàng ngàn người, tất cả những
người điều tra nghiên cứu đều đi đến một kết luận chung: Quan hệ mật thiết thực
tế làm tăng thêm sức khỏe.
Sự riêng tư cũng quan trọng như việc duy trì tình trạng cảm xúc
lành mạnh. Nhà phân tích tâm lý và triết học xã hội Erich Fomm cho rằng sự sợ
hãi căn bản nhất của loài người là sự đe dọa bị tách khỏi những người khác. ông
tin rằng kinh nghiệm về tính riêng biệt, lần đầu vấp phải trong thời kỳ thơ ấu,
là nguồn gốc của tất cả những lo ấu trong đời sống con người. John Bowlby đồng
ý, khi viện dẫn nhiều bằng chứng và nghiên cứu thực nghiệm hậu thuẫn cho khái
niệm xa cách người chăm sóc - thường là mẹ hay cha- trong nửa cuối năm đầu tiên
của cuộc đời, không thể tránh khỏi tạo ra sợ hãi và buồn bã nơi đứa trẻ. ông cảm
thấy chia lìa và sự mất mát giữa cá nhân với cá nhân nằm ở chính nguồn gốc kinh
nghiệm của con người về sợ hãi, buồn bã, và phiền muộn.
Vậy thì căn cứ vào tầm quan trọng sống còn của sự riêng tư, làm
sao chúng ta bố trí để đạt được sự riêng tư trong đời sống hàng ngày? Theo cách
giải quyết của Đúc Đạt Lai Lạt Ma phác họa ở Chương trước, dường như hợp lý là
bắt đầu bằng học tập - hiểu được sư riêng tư là gì, tìm một định nghĩa và kiểu
mẫu về sự riêng tư có thể thực hành được Tuy nhiên chờ khoa học trả lời, xem ra
có vẻ là chỗ sự đồng ý kết thúc mặc dù có sự đồng ý chung giữa những người
nghiên cứu về tầm quan trọng của sự riêng tư. Có lẽ nét nổi bật nhất, trong khi
điểm lại các nghiên cứu về sự riêng tư là tình trạng định nghĩa và lý thuyết về
sự riêng tư chính xác là thế nào rất khác xa nhau.
Ở phía quan điểm cụ thể nhất là tác giả Desmond Morris, ông viết
về sự riêng tư từ một cái nhìn của một nhà động vật học được đào tạo về hoạt động
động vật. Trong cuốn sách của ông, Hoạt Động Riêng Tư, Morris định nghĩa sự
riêng tư: "Muốn được riêng tư có nghĩa là gần gũi... Theo tôi, hành động
trong sự riêng tư xẩy ra khi hai cá nhân đi vào tiếp xúc thân thể". Sau
khi định nghĩa sự riêng tư bằng sự tiếp xúc hoàn toàn thể chất, ông tiếp tục khảo
sát vô số phương cách mà con người tiếp xúc thể chất với nhau, từ cái vỗ lưng mộc
mạc đến cái ôm khiêu dấm. ông thấy sự đụng chạm là phương tiện để chúng ta an ủi
lẫn nhau và được an ủi qua những cái ôm chặt hay vỗ tay, khi chúng ta không
dùng được những cách đó, có những phuơng cách gián tiếp về sự tiếp xúc thể chất
như cắt sửa móng tay. ông cũng lý luận rằng những sự tiếp xúc thể chất với những
vật thể chung quanh ta từ điếu thuốc lá tới đồ trang sức, tới cái giường có đệm
nước, hoạt động thay thế cho sự riêng tư.
Hầu hết những người điều tra nghiên cứu không định nghĩa cụ thể
về sự riêng tư, nhưng đống ý sự riêng tư không chỉ là sự gần gũi vật chất. Nhìn
vào gốc từ riêng tư, từ tiếng La Tinh intima có nghĩa là "bên trong"
hay ở "tận trong cùng", hầu như họ thường tán thành một định nghĩa rộng
hơn, như một định nghĩa của Tiến Sĩ Dan MacAdams, tác giả của một số sách về đề
tài riêng tư: Sự ham thích riêng tư là ham thích chia sẻ cái thầm kín nhất của
mình với một người khác".
Nhung định nghĩa về sự riêng tư không dừng ở đó. Ở phía quan điểm
đối lập với Desmond Morris là các nhà chuyên gia như nhóm tinh thần cha/con,
các bác sĩ Thomas Patrick Malone và Patrick Thomas Malone. Trong cuốn sách của
họ, Nghệ Thuật về Sự Riêng Tư, họ định nghĩa sự riêng tư là "kinh nghiệm về
tính liên hệ". Sự am hiểu về riêng tư của họ bắt đầu với việc khảo sát kỹ
lưỡng về "tính liên hệ" của chúng ta với người khác, tuy nhiên, họ
không giới hạn quan niệm riêng tư vào quan hệ con người. Định nghĩa của họ quá
rộng, thực ra, nó gồm cả sự quan hệ của ta với các vật vô tri - cấy cối, tinh
tú, và cả không gian.
Những khái niệm về trạng thái riêng tư lý tưởng nhất cũng khác
nhau khắp trên thế giới và lịch sử. Khái niệm lãng mạn về"Người Đặc Biệt"
mà chúng ta có mối quan hệ riêng tư say đắm là sản phẩm của thời gian và văn
hóa của chúng ta. Nhưng mẫu riêng tư này không được mọi người chấp nhận trong tất
cả những nền văn hóa. Chẳng hạn, người Nhật dường như dựa nhiều vào tình bằng hữu
để có được sự riêng tư, trong khi người Mỹ tìm nó trong quan hệ lãng mạn với bạn
trai, bạn gái, hay người hôn phối. Nhận thấy vấn đề này, một số các nhà nghiên
cứu cho rằng người Á Đông là những người ít khi nhắm vào cảm nghĩ cá nhân thí dụ
như say mê và quan tâm nhiều hơn đến các khía cạnh thực tiễn của sự gắn bó xã hội,
hình như ít bị tổn thương trước sự vỡ mộng dẫn đến sự tan rã mối quan hệ.
Thêm vào những khác nhau giữa những nền văn hóa, khái niệm về sự
riêng tư cũng thay đổi một cách đột ngột theo thời gian. Trước đây tại thuộc địa
Mỹ, mức độ về sự riêng tư vật chất và quan hệ gần gũi thường lớn hơn bây giờ,
khi gia đình và kể cả những người lạ cùng chia sẻ một khoảng không gian nhỏ, ngủ
cùng trong một căn phòng, dùng một phòng chung, để tắm, ăn và ngủ. Tuy nhiên mức
giao tiếp thông thường giữa vợ chồng đúng là có nghi thức chuẩn mực như ngày
nay - không khác biệt nhiều so với cách làm quen biết hay cách láng giềng nói
chuyện với nhau. Chỉ ở thế kỷ sau đó, tình yêu và hôn nhân trở nên lãng mạn cao
độ và sự tự bộc lộ chuyện riêng tư được cho là chất liệu cho bất cứ sự liên kết
tình yêu nào.
Những khái niệm được coi là cách ứng xử riêng tư và thân mật
cũng thay đổi theo thời gian. Ở thế kỷ thứ 16 tại Đức chẳng hạn, nột cặp chồng
mới được yêu cầu qua đêm tân hôn trên một cái giường do những người làm chứng
khiêng, những người sẽ công nhận giá trị của hôn nhân.
Cách bày tỏ cảm xúc cũng đã thay đổi. Vào thời Trung Cổ, bày tỏ
công khai rộng rãi cảm nghĩ với cường độ mạnh mẽ và trực tiếp - niềm vui, giận
dữ, sợ hãi, lòng mộ đạo, thậm chí vui thú hành hạ và giết kẻ địch được coi là
bình thường. Bày tỏ sự thái quá tiếng cười cuồng loạn, khóc lóc thảm thiết và
cuồng bạo hơn được chấp nhận trong xã hội chúng ta. Nhưng sự bày tỏ cảm xúc và
cảm nghĩ tầm thường trong xã hội ấy đã không chấp nhận khái niệm xúc cảm riêng
tư, nếu phơi bày tất cả những cảm xúc một cách công khai và bừa bãi, thì không
còn có cảm nghĩ riêng tư nào còn lại để biểu lộ cho một số ít người đặc biệt.
Rõ ràng những khái niệm mà ta đương nhiên cho là sự riêng tư
không phải là phổ thông. Chúng thay đổi theo thời gian và thường được hình
thành do hoàn cảnh kinh tế, xã hội và văn hóa. Rất dễ bị nhầm lẫn bởi hàng loạt
định nghĩa khác nhau về sự riêng ở Phương Tây đương đại - biểu hiện từ kiểu cắt
tóc đến mối quan hệ của ta với những vầng trăng của Sao Hải Vương (Neptune). Vậy
nên, vấn đề này để chúng ta ở vị trí nào trong khi tìm hiểu thế nào là sự riêng
tư? Tôi nghĩ sự hàm ý rất rõ ràng.
Con người có nhiều vẻ khác nhau lạ kỳ giữa trong đời sống, những
sự thay đổi vô hạn về cách con người trải nghiệm cảm giác gần gũi thân mật. Chỉ
riêng hiểu biết này đã cho chúng ta cơ hội lớn. Có nghĩa là vào chính lúc này
chúng ta đã có luôn nguồn vui to lớn về sự riêng tư. Sự riêng tư hoàn toàn ở
quanh ta.
Ngày nay quá nhiều người bị đè nặng bởi cảm thấy thiếu điều gì
đó trong đời sống, quá đau khổ vì thiếu riêng tư. Điều này đặc biệt đúng khi trải
qua những thời kỳ không thể tránh được trong cuộc sống mà chúng ta lại không để
tâm đến mối quan hệ lãng mạn nào, hay khi sự đam mê tàn đi trong quan hệ. Có một
khái niệm phổ biến trong văn hóa chúng ta là sự riêng tư sâu sắc đạt được hiệu
quả nhất trong bối cảnh có mối quan hệ lãng mạn say đắm - Người Đặc Biệt nào đó
mà chúng ta nâng cao hơn tất cả những người khác. Điều này có thể là một quan
điểm giới hạn sâu xa, tách chúng ta khỏi những suối nguồn riêng tư tiềm tàng và
là nguyên nhân của nhiều thống khổ và bất hạnh phúc khi Người Đặc Biệt đó không
ở đây. Nhưng trong phạm vi khả năng của chúng ta có những phuong tiện để tránh
điều này, chỉ cần chúng ta phải có can đảm mở rộng khái niệm riêng tư gồm cả tất
cả những hình thái khác chung quanh chúng ta trên cơ sở hàng ngày. Bằng cách mở
rộng định nghĩa về sự riêng tư, chúng ta tự bộc lộ để khám phá những cách thức
mới và đủ vừa ý về sự quan hệ với người khác. Điều này mang chúng ta trở lại cuộc
thảo luận đầu tiên về sự cô đơn với Đức Đạt Lai Lạt Ma, bật ra cuộc thảo luận bởi
việc ngẫu nhiên đọc kỹ "Mục Việc Riêng" trên tờ báo địa phương, làm
cho tôi băn khoăn. Vào đúng lúc những người ấy viết lời quảng cáo, vật lộn tìm
ra đúng chữ để đưa lãng mạn vào đời sống và chấm dứt cô đon; bao nhiêu người
trong số những người ấy đã được bạn bè, gia đình hay người quen xung quanh - những
quan hệ được vun đắp thành quan hệ riêng tư đủ sâu sắc và đích thực ? Nhiều,
tôi đoán chừng. Nếu điều mà ta tìm cầu trong đời sống là hạnh phúc, và sự riêng
tư là thành tố quan trọng cho một cuộc sống hạnh phúc hơn thì rõ ràng là nó làm
cho đời sống có ý nghĩa trên cơ sở kiểu riêng tư bao gồm càng nhiều hình thái
liên kết với người khác càng tốt. Kiểu riêng tư của Đức Đạt Lai Lạt Ma căn cứ
trên trên thiện chí bộc lộ mình với nhiều người khác, với gia đình, bè bạn và cả
đến những người lạ, hình thành sự gắn bó chân thật và sâu xa căn cứ vào bản chất
thông thường của con người.
-ooOoo-
CHƯƠNG 6
LÀM ĐẰM THẮM THÊM QUAN HỆ CỦA CHÚNG TA VỚI NGƯỜI KHÁC
Một buổi chiều sau bài thuyết trình trước công chúng của Ngài,
tôi đến phòng của Ngài tại khách sạn như đã được hẹn vào mỗi ngày, tôi đến sớm
hơn một chút. Người thị giả kín đáo ra gặp tôi tại hành lang và cho tôi biết
Ngài đang bận tiếp kiến riêng và ít phút nữa tôi mới vào được. Tôi làm ra vẻ vị
trí quen thuộc của tôi là bên ngoài cửa phòng khách sạn và dùng thời gian này để
kiểm lại những ghi chú sửa soạn cho cuộc hội kiến này, đồng thời cố gắng tránh
cái nhìn chằm chằm nghi ngờ của người lính gác - cùng một cái nhìn như vậy vào
những học sinh cấp 2 đang lảng vảng quanh giá tạp chí của những người bán hàng
trong tiệm đồ tiện dụng.
Chỉ một lúc, cửa mở và một cặp vợ chồng tuổi trung niên ăn mặc lịch
sự bước ra. Trông họ rất quen thuộc. Tôi nhớ tôi được giới thiệu vắn tắt với họ
một vài ngày trước đây. Tôi được biết người vợ là một người thừa kế nổi tiếng
và người chồng rất giàu có, một luật sư tăm tiếng tại Manhattan (Nữu Ước). Vào
lúc giới thiệu chúng tôi chỉ trao đổi vài lời xã giao, nhưng tôi thấy cả hai
con người này khinh người một cách lạ thường. Khi họ xuất hiện từ phòng khách sạn
của Đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi nhận thấy có một sự thay đổi đáng sửng sốt. Không
còn cái điệu bộ cao ngạo, và cái vẻ tự mãn thiển cận, và thay vào hai bộ mặt
tràn đầy dịu dàng và xúc cảm. Họ như hai đứa trẻ. Những dòng lệ chẩy trên gương
mặt họ. Mặc dầu tác động đến người khác của Đức Đạt Lai Lạt Ma thường không gây
quá xúc cảm, tôi nhận thấy bao giờ những người khác cũng trả lời Ngài bằng sự
thay đổi nào đó về cảm xúc. Từ lâu tôi đã kinh ngạc trước tài gắn kết với người
khác của Ngài, dù ở tầng lớp xã hội nào, và lập được sự trao đổi tình cảmsâu xa
đầy ý nghĩa.
THIẾT LẬP SỰ THẤU CẢM
Trong khi nói chuyện về tầm quan trọng của sự niềm nở và tình
thương con người qua những cuộc đàm thoại tại Arizona, không đến mấy tháng sau
tại nhà Ngài ở Dharamsala, tôi đã có cơ hội xem xét mối quan hệ con người chi
tiết hơn cùng với Ngài. Vào lúc đó tôi rất nóng lòng muốn thấy liệu chúng tôi
có thể khám phá ra được một tập hợp các nguyên tắc cơ bản mà Ngài sử dụng trong
việc tác động qua lại với người khác không - những nguyên tắc có thể áp dụng để
cải thiện bất cứ mối quan hệ nào, dù là với người lạ, gia đình, bè bạn, hay người
yêu. Nóng ruột để bắt đầu, tôi nhẩy ngay vào vấn đề:
"Bây giờ về đề tài quan hệ con người ... Ngài sẽ nói gì về
phương pháp hữu hiệu nhất hay kỹ thuật liên hệ với người khác bằng một phương
pháp đầy ý nghĩa và giảm bớt mâu thuẫn với người khác?" Ngài trừng trừng
nhìn tôi một lúc. Không phải là một cái nhìn trừng trừng không tốt nhưng nó làm
cho tôi cảm thấy như tôi mới đòi Ngài cho tôi thành phần hóa học chính xác của
bụi trên cung trăng.
Sau khi dừng lại một chút Ngài trả lời:"Được, giao tiếp với
người khác là một vấn đề rất phức tạp. Không có cách gì mà bạn có thể tìm thấy
một công thức lại giải quyết tất cả mọi vấn đề. Cũng giống một chút như nấu ăn.
Nếu bạn nấu một bữa cơm ngon, một bữa cơm đặc biệt, thì có nhiều giai đoạn
trong việc nấu nướng. Trước hết bạn phải trần rau riêng rồi bạn phải chiên rồi
bạn phải nhào trộn một cách đặc biệt, rồi nêm gia vị vân vân... Và cuối cùng kết
quả sẽ là món ăn ngon. Giống như vậy, để khéo léo trong việc giao tế với người
khác, bạn cần phải có nhiều nhân tố. Bạn không thể chỉ nói "Đấy là phương
pháp" hay "Đấy là kỹ thuật"
Không chính xác là câu trả lời mà tôi mong muốn. Tôi nghĩ rằng
Ngài lảng tránh, và cảm thấy rằng chắc chắn Ngài có điều gì cụ thể hơn để đưa
ra. Tôi nhân mạnh tiếp:"Vậy thì không có một giải pháp nào để cải thiện mối
quan hệ của chúng ta, có lẽ những hướng dẫn chung chung hơn có thể là hữu ích
chăng?
Đức Đạt Lai Lạt Ma suy nghĩ một chút rồi mới trả lời:
"Đúng. Trước đây chúng ta có đề cập đến tầm quan trọng của việc tiếp xúc
người khác bằng tâm tưởng từ bi. Điều đó rất quan trọng. Đương nhiên chỉ nói với
một người,' Này từ bi là rất quan trọng, bạn phải có nhiều tình thương hơn nữa
cũng chưa đủ. Một toa thuốc đon giản như vậy không có hiệu quả. Tuy vậy cách dạy
dỗ hữu hiệu một người nào đó làm sao niềm nở hơn và từ bi hơn phải bắt đầu bằng
cách dùng lý lẽ để giáo dục cá nhân ấy về giá trị và lợi lạc thực tiễn của từ
bi, và cũng để cho họ suy ngẫm xem họ cảm thấy ra sao khi một người nào đó tử tế
với họ vân vân... Trong một ý nghĩa nào đó điều này chuẩn bị cho họ, cho nên sẽ
có nhiều hiệu quả hơn khi họ tiến hành bằng nỗ lực của họ để họ từ bi hơn.
"Bây giờ nhìn vào những cách phát triển từ bi khác nhau,
tôi nghĩ rằng thấu cảm là một nhân tố quan trọng. Khả năng cảm nhận được nỗi
đau khổ của người khác. Thực ra, theo truyền thống, một trong những kỹ thuật của
Phật Giáo để tăng thêm lòng từ bi liên quan đến việc tưởng tượng tình trạng một
chúng sanh đang đau khổ - chẳng hạn, giống như một con cừu sắp sửa bị người đồ
tể giết. Và cố gắng tưởng tượng nỗi đau khổ mà con cừu phải chịu đựng vân
vân...Đức Đạt Lai Lạt Ma ngưng một chút để ngẫm nghĩ, ngón tay lần chuỗi tràng
hạt một cách lơ đãng. Ngài bình luận, "Tôi chợt nghĩ rằng khi tôi phải tiếp
xúc với người rất hờ hững và lãnh đạm, thì loại kỹ thuật này không mấy hiệu quả.
Dường như thể là bạn bảo người đồ tể làm việc tưởng tượng đó: người đồ tể quá
chai sạn, quá quen với toàn bộ sự việc nên không có một tác động nào. Vậy nên,
thí dụ, sẽ rất khó khăn giảng nghĩa và dùng kỹ thuật ấy với một số người Tây
Phương quen thói đi săn hay đi câu cho vui, như một hình thức của tiêu khiển.."
"Trong trường hợp này", tôi đề nghị, "Có lẽ không
phải là một kỹ thuật hiệu quả bảo khi bảo một người đi săn tưởng tượng sự đau
khổ của con mồi, nhưng người ta có thể thức tỉnh những cảm tính từ bi bằng cách
bảo người ấy mường tượng đến con chó săn yêu quý của anh ta bị sa vào bẫy và
kêu la đau đớn..."
"Vâng đúng như vậy..." Đức Đạt Lai Lạt Ma đồng ý,
"Tôi nghĩ rằng tùy theo hoàn cảnh mà ta có thể thay đổi kỹ thuật. Chẳng hạn,
người không có cảm tính mạnh mẽ về sự thấu cảm đối với loài vật, nhưng ít nhất
cũng có phần nào đồng cảm với người thân trong gia đình hay bạn bè. Trong trường
hợp này người ấy có thể mường tượng đến tình trạng người thân yêu đang đau khổ
hay đang trong tình trạng bi thảm và tưởng tượng đến cách anh ấy hay chị ấy sẽ
đối phó điều đó, phản ứng trước điều đó. Cho nên ta có thể cố gắng tăng thêm
lòng từ bi bằng cách cố gắng đồng cảm với cảm nghĩ hay kinh nghiệm của người
khác.
"Tôi nghĩ rằng thấu cảm không những quan trọng vì là một
phương tiện để nâng cao lòng từ bi, mà tôi còn nghĩ rằng nói chung khi phải tiếp
xúc với người khác ở bất cứ mức độ nào, nếu bạn gặp phải một số khó khăn, hết sức
có ích là đặt mình vào địa vị người khác, và xem bạn sẽ phản ứng ra sao trong
tình trạng ấy. Cho dù bạn không có kinh nghiệm thông thường về người khác hay
có một lối sống khác biệt hẳn, bạn vẫn có thể làm được nhờ tưởng tượng. Bạn có
thể cần đến một chút sáng tạo. Kỹ thuật này liên quan đến khả năng tạm thời
không áp đặt quan điểm riêng tư của mình mà tốt hơn là nhìn từ cách nhìn của
người khác để tưởng tượng rằng tình trạng này sẽ ra sao nếu mình ở trong tình cảnh
của người đó, mình phải đối phó ra sao. Điều này giúp cho bạn phát triển sự tỉnh
thức và tôn trọng cảm nghĩ của người khác, đó là một nhân tố quan trọng nhằm giảm
thiểu mâu thuẫn và khó khăn với người khác.
Cuộc phỏng vấn của chúng tôi chiều nay rất ngắn ngủi. Tôi đã được
bố trí vào chương trình công việc bận rộn của Đức Đạt Lai Lạt Ma vào giấy phút
cuối cùng và giống như một vài cuộc đàm thoại, nó xẩy ra muộn. Bên ngoài trời mặt
trời bắt đầu lặn, căn phòng tranh tối tranh sáng, làm bức tường mầu vàng úa trở
thành mầu hổ phách đậm, chiếu sáng những bức tượng Phật màu vàng quí giá trong
phòng. Người thị giả của Ngài lặng lẽ bước vào phòng và ra hiệu cuộc gặp đã đến
lúc chấm dứt. Hoàn thành cuộc thảo luận, tôi hỏi Ngài "Tôi biết chúng ta
phải kết thúc, nhưng Ngài có lời khuyên nào khác hay phương pháp nào mà Ngài có
thể sử dụng nhằm thiết lập sự đồng cảm với người khác không?" Những lời
Ngài giảng trước đây cách đây mấy tháng còn vang vọng, với một sự bình dị hiền
hòa, Ngài trả lời "Bất cứ lúc nào, tôi gặp ai, tôi bao giờ cũng tiếp cận với
họ bằng lập trường của các sự việc căn bản nhất mà chúng ta đều có. Mỗi người
chúng ta đều cùng có cấu tạo vật chất, tâm trí và cảm xúc. Tất cả chúng ta sanh
ra cùng một cách, và chúng ta đều phải chết. Tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc
và không muốn đau khổ. Nhìn vào những người khác từ quan điểm ấy chứ không phải
là nhân mạnh vào những dị biệt phụ ví như thực tế tôi là người Tây Tạng hay
khác mầu da, tôn giáo, hay bối cảnh văn hóa, cho phép tôi có cảm nghĩ đang gặp
một người nào đó cũng giống như tôi. Tôi thấy rằng liên hệ với người khác trên
bình diện ấy dễ dàng làm cho việc trao đổi và giao tiếp với nhau dễ hơn nhiều."
Bằng điều đó, Ngài đứng dậy, mỉm cười, siết chặt tay tôi rất nhanh, và lui về
nghỉ tối.
Buổi sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục cuộc thảo luận tại nhà
Ngài.
"Tại Arizona, chúng ta nói đến nhiều về sự quan trọng của từ
bi trong quan hệ con người, và ngày hôm qua chúng ta thảo luận về vai trò của
thấu cảm để cải thiện khả năng quan hệ với người khác..."
"Phải", Đức Đạt Lai Lạt Ma gật đầu.
"Thưa Ngài ngoài điều đó ra Ngài có thể cho thêm phương
pháp hay kỹ thuật đăc biệt nào không để giúp người ta tiếp xúc với người khác
hiệu quả hơn không?
"Cũng như tôi có nói ngày hôm qua chẳng có cách nào mà bạn
có thể tim thấy một hay hai kỹ thật đơn giản lại có thể giải quyết tất cả các vấn
đề. Dầu rằng nói là như vậy, tuy nhiên tôi nghĩ có một số nhân tố khác có thể
giúp tiếp xúc với người khác một cách khéo léo hơn. Trước tiên, hiểu và đánh
giá đúng những thông tin cơ bản mà bạn tiếp xúc là rất hữu ích. Ngoài ra cởi mở
và thành thật hơn nữa là những đức tính rất có ích khi tiếp xúc với người
khác."
Tôi chờ đợi, nhưng Ngài không nói gì thêm nữa.
"Ngài có thể cho biết phương pháp nào khác để cải thiện mối
quan hệ?
Đức Đạt Lai Lạt Ma nghĩ ngợi một lúc rồi nói: "Không",
Ngài cười.
Tôi cảm thấy những lời khuyên ít ỏi ấy quá đơn giản và thực sự tầm
thường. Tuy vậy khi điều đó dường như là tất cả những gì Ngài đã nói về đề tài
cho đến lúc này, chúng tôi quay sang đề tài khác.
Buổi tối hôm ấy, tôi được bạn hữu mời đến ăn cơm chiều tại nhà một
người bạn Tây Tạng tại Dharamsala. Bạn tôi sắp xếp buổi tối hôm đó thật sôi nổi.
Bữa ăn thật tuyệt, nổi bật với sự bày biện thật sững sờ các món ăn đặc biệt,
món ăn chính của Tây Tạng gọi là Mo Mos, một loại thịt hấp ngon. Khi bữa ăn vẫn
còn kéo dài, cuộc chuyện trò trở nên náo nhiệt hơn. Chẳng mấy chốc, thực khách
trao đổi những câu chuyện khó nghe về sự việc hết sức bối rối mà họ đã từng làm
trong khi say. Một vài người khách được mời dự gồm có một cặp vợ chồng nổi tiếng
đến từ Đức, người vợ là kiến trúc sư và người chồng, là nhà văn, tác giả một tá
sách.
Thích sách, nên tôi đã tới gần tác giả và bắt chuyện. Tôi hỏi
ông ta về việc viết văn của ông. Cấu trả lời của ông cộc lốc và chiếu lệ, ông
không giữ lịch sự và lạnh lùng. Nghĩ rằng ông không thân thiện mà còn có tính
trưởng giả học làm sang, tôi tức khắc không thích ông. Ít ra tôi đã cố gắng
liên hệ với ông, tôi tự an ủi và hài lòng rằng ông chỉ là một người khó chịu và
tôi quay sang trò chuyện với một vài người khách dễ thương hơn.
Ngày hôm sau, tôi tình cờ gập bạn tôi tại một quán cà phê trong
làng, và trong lúc uống trà tôi kể lại những sự kiện tối hôm trước.
"... Tôi thực sự vui với tất cả mọi người ngoại trừ Rolf,
nhà văn ấy ... hình như quá tự cao tự đại hay đại loại như vậy... không thân
thiện" "Tôi biết ông ta mấy năm nay rồi" bạn tôi nói "..
Tôi biết ông ta hay như vậy, nhưng đúng là ông ta hơi nhút nhát, và hơi dè dặt
lúc đầu. ông ta thực sự là một người tuyệt vời nếu ông biết ông ta..." Bạn
tôi chưa thuyết phục được tôi. Bạn tôi tiếp tục thanh minh, "Cho dù ông ta
là một nhà văn thành công, ông đã trải qua nhiều khó khăn trong đời ông. Rolf
thực sự bị đau khổ rất nhiều. Gia đình ông bị đau khổ khủng khiếp dưới bàn tay
của Quốc Xã trong Thế Chiến Thứ Hai. ông có hai người con mà ông hết sức tận
tâm với chúng, lúc sinh ra bị chứng rối loạn di truyền ít thấy làm cho chúng tật
nguyền rất sớm về thể xác và tinh thần. Và thay vì trở nên cay đắng hay sống một
cuộc đời đọa đầy, trước những khó khăn như thế ông đã chìa tay giúp đỡ mọi người,
bỏ nhiều năm tận tụy làm việc với những người tàn tật với tư cách một người
tình nguyện. ông quả là một người đặc biệt nếu ông biết ông ta".
Hóa ra tôi lại gặp Rolf cùng vợ ông ta vào cuối tuần ấy tại một
vùng đất nhỏ chạy dài dùng làm sân bay địa phương. Chúng tôi sẽ cùng đi trên
chuyến bay đi Đề Li, nhưng chuyến bay này bị hủy bỏ. Phải mất mấy ngày nữa mới
có chuyến bay khác., cho nên chúng tôi quyết định cùng nhau thuê một chiếc xe
và đi Đề Li, một cuộc hành trình 10 tiếng mệt nhoài. Một ít tin tức về tiểu sử
mà bạn tôi cho tôi biết đã thay đổi cảm nghĩ của tôi về Rolf, và trong cuộc
hành trình dài đi Đề Li tôi cảm thấy cởi mở hơn. Kết quả là tôi đã nỗ lực đàm
thoại với ông. Lúc đầu thái độ của ông vẫn như vậy. Nhưng chỉ một chút ông cởi mở
và bền chí, tôi sớm khám phá ra đúng như lời bạn tôi nói, sự lạnh lùng của ông
là do tính nhút nhát hơn là tính trưởng giả học làm sang. Chúng tôi nói chuyện
huyên thiên khi xe chạy trên con đường bụi bậm oi bức của miền quê Bắc Ấn, càng
đi sâu vào trò chuyện, ông càng chứng tỏ ông là một người ân cần, chân thật và
là người bạn đồng hành đáng tin cậy
Khi đến Đề Li, tôi nhớ lại lời khuyên của Đức Đạt Lai Lạt Ma là
"hãy tìm hiểu những thông tin cơ bản của một người" không phải là sơ
đẳng và nông cạn như lúc đầu ta tưởng. Tuy, có lẽ nó tầm thường nhưng không đơn
giản. Đôi khi nó là lời khuyên căn bản nhất và thẳng thắn nhất, loại mà ta hay
gạt đi vì cho là ấu trĩ, nó có thể là phương tiện hữu hiệu nhất để thúc đẩy
giao tiếp.
Mấy hôm sau tôi vẫn còn ở lại Đề Li, trên chặng đường hai ngày
trước khi trở về nhà. Thay đổi từ cái yên tịnh của Dharamsala làm tôi khó chịu,
và tôi ở trong tâm trạng bực bội. Ngoài việc vật lộn với cái nóng ngột ngạt, ô
nhiễm, và đông người, vỉa hè nhung nhúc những loại thú ăn thịt ở thành thị dành
cho Phố Xá Lừa Bịp. Đi bộ trên đường phố nóng như thiêu ở Đề Li, một Người
Phương Tây, một Người Ngoại Quốc, một Mục tiêu, bị xúm lại bởi hàng nửa tá gái
điếm mỗi đoạn đường, làm cho tôi cảm thấy như thể tôi là người xăm chữ Ngố trên
trán. Quả là nản lòng Sáng hôm ấy, tôi đã rơi vào mưu đồ bất lương của hai kẻ bịp
trên đường phố. Một đứa lấy sơn đỏ quẹt vào giầy tôi trong khi tôi không để ý.
Đi xuống cuối đường, kẻ đồng lõa, một em bé đánh giầy giả bộ ngấy thơ, chỉ cho
tôi biết giầy tôi dính sơn và đề nghị tôi cho nó đánh giầy với giá thường lệ.
Nó khéo léo đánh giầy tôi xong trong vòng ít phút. Sau khi xong, nó thản nhiên
đòi tôi một số tiền lớn - bằng số tiền lương hai tháng của nhiều người tại Đề
Li. Khi tôi không chịu, nó khẳng định là giá mà nó đã đề nghị trước. Tôi phản đối,
và thằng nhỏ bắt đầu kêu rống lên, làm một đám đông bấu đến chung quanh tôi, nó
khóc lóc và nói tôi từ chối không trả tiền công cho nó. Vào cuối ngày đó, tôi
được biết đó là một sự lùa bịp thông thường hay xẩy ra với nhừng du khách vô
tình, sau khi đòi số tiền lớn, thằng bé đánh giầy cố ý làm om xòm để người đi
đường xúm đông lại, với ý đồ tống tiền du khách bị bối rối và muốn tránh cảnh
tượng này.
Chiều hôm ấy, tôi dùng bữa cùng với một bạn đồng sự tại khách sạn.
Tôi đã quên hẳn những chuyện xẩy ra sáng nay khi bà hỏi tôi về hàng loạt cuộc
phỏng vấn gần đây của tôi với Đức Đạt Lạt Ma. Chúng tôi mải mê bàn luận những
khái niệm của Đức Đạt Lạt Ma về sự thấu cảm và tầm quan trọng của việc đặt mình
vào cách nhìn của người khác. Sau khi dùng bữa, chúng tôi nhẩy lên một xe taxi
đi thăm một số bạn bè chung của chúng tôi. Khi xe bắt đầu đi, những ý nghĩ của
tôi lại quay về vụ đánh giầy bịp bợm sáng nay, và khi những hình ảnh tăm tối hiện
trong tâm tôi, đột nhiên tôi nhìn vào đồng hồ tính tiền của xe.
"Ngưng lại Taxi! Ngưng lại" Tôi la lên. Bạn tôi giật nảy
mình vì sự bộc phát thình lình. Người tài xế giận dữ nhìn tôi qua kính chiếu hậu.
nhưng vẫn cho xe chạy.
"Đậu lại đi" tôi yêu cầu, giọng nói của tôi run lên để
lộ vẻ kích động. Bạn tôi hình như sửng sốt. Xe ngừng. Tôi chỉ vào đồng hồ tính
tiền, giận dữ chém tay vào không khí: "Ông không chỉnh lại đồng hồ. Hơn 20
đồng trên đồng hồ khi bắt đầu đi"
"Xin lỗi Ngài" Người tài xế nói bằng một giọng buồn nản
lạnh lùng càng làm tôi tức điên lên, "Tôi quên không vặn lại...Tôi sẽ bắt
đầu lại"
"Ông không vặn lại gì cả" Tôi bốp chát: "Tôi chán
ngấy các người đang cố gắng làm tăng tiền xe, chạy vòng vòng, hay làm bất cứ
cái gì có thể làm được để đánh lừa người ta... Tôi thật chán ngấy". Tôi lắp
bắp và nổi đóa với một xúc cảm ra vẻ cao đạo. Trông bạn tôi có vẻ bối rối. Người
tài xế chằm chằm nhìn tôi với cùng cái vẻ thách thức thường thấy ở những con bò
linh thiêng đi lang thang giữa đường phố Đề Li tấp nập này, chúng ngưng lại như
có ý định nổi loạn để cản trở giao thông. Anh ta nhìn tôi cứ như thể là cơn giận
của tôi chỉ là mệt nhọc và buồn bực. Tôi ném vài ru pi vào ghế trước và không
bình luận gì thêm nữa, mở cửa xe cho bạn tôi xuống xe ra ngoài. Chỉ vài phút
sau, chúng tôi lại gọi một taxi khác và chúng tôi lên xe tiếp tục cuộc hành
trình. Nhưng tôi không thể bỏ qua. Khi chúng tôi đi qua các dẫy phố tại Đề Li,
tôi tiếp tục phàn nàn là làm sao mà "ai" tại Đề Li này cũng lừa đảo
du khách, chúng tôi chẳng là gì cả mà chỉ là con mồi. Người bạn đồng sự của tôi
lặng lẽ nghe khi tôi huênh hoang và nói say sưa. Cuối cùng bà nói "Được,
hai mươi Ru Pi chỉ khoảng 25 xu (tiền Mỹ). Tại sao phải nổi giận chứ?" Tôi
sôi lên với sự phẫn nộ đạo đức giả. "Nhưng đó là nguyên tắc đáng quan tâm
" Tôi tuyên bố: "Tôi không hiểu sao mà bà lại có thể bình tĩnh trước
toàn bộ sự việc này khi lúc nào nó cũng xẩy ra. Bà không thấy khó chịu
sao?"
"Được, bà nói chậm rãi," Khó chịu một phút thôi, nhưng
tôi bắt đầu nghĩ tới những gì chúng ta nói chuyện trong bữa ăn trưa, về Đức Đạt
Lai Lạt Ma nói đến tầm quan trọng khi nhìn nhận vấn đề bằng cách nhìn của người
khác. Khi bạn nóng giận thì tôi cố gắng nghĩ về những gì tôi có thể cũng giống
như người tài xế taxi Cả hai chúng tôi đều muốn ăn ngon, ngủ ngon, cảm thấy dễ
chịu, được yêu mến vân vân... Rồi tôi cố gắng tôi tưởng tượng chính mình là người
tài xế taxi, tôi ngồi suốt ngày trong chiếc xe ngột ngạt không máy lạnh, có thể
tôi cáu kỉnh và ganh ghét với người ngoại quốc giàu có... và cách tốt nhất mà
tôi có thể nghĩ tới là cố gắng làm cho sự việc "công bình", để được hạnh
phúc là tìm cách lừa gạt để lấy tiền. Nhưng vấn đề là, dù cho nó thành công,
bóp nặn được vài Ru Pi của du khách vô tình, tôi không thể tưởng tượng nổi ngưới
ta lại thỏa mãn với cách đó để được hạnh phúc hơn hay một cuộc sống vừa ý hơn
.. Dù sao, tôi càng nghĩ mình là người tài xế taxi, tôi càng bớt giận anh ta.
Cuộc sống anh ta có vẻ buồn buồn ..có nghĩa là, tôi vẫn không đồng ý về điều
anh ta đã làm, và chúng ta có quyền ra khỏi xe, nhưng đúng là tôi không thể nổi
giận đến mức ghét anh ta về chuyện đó..."
Tôi im lặng. Giật mình, thực ra tôi chưa hấp thụ được bao nhiêu
từ Đức Đạt Lai Lạt Ma. Lúc này, tôi bắt đầu hiểu giá trị thực tiễn trong lời
khuyên của Ngài, như "hiểu biết tiểu sử người khác", và đương nhiên,
tôi đã tìm được sự mẫu mực về cách thực hiện những nguyên tắc này trong cuộc đời
của Ngài đang truyền cảm hứng. Nhưng khi tôi nghĩ lại về hàng loạt cuộc thảo luận
với Ngài, bắt đầu từ Arizona, và bây giờ tiếp tục tại Ấn Độ, tôi nhận ra rằng
ngay từ lúc đầu, những cuộc phỏng vấn của chúng tôi có vẻ có không khí bệnh viện,
như thể tôi hỏi Ngài về khoa giải phẫu, ở trong trường hợp này, đó là khoa giải
phẫu tâm trí và tinh thần của con người. Tuy nhiên cho đến lúc này, không biết
làm sao mà tôi vẫn chưa nẩy ra ý áp dụng đầy đủ tư tưởng của Ngài vào đời sống
của tôi, ít ra không phải là lúc này - Tôi luôn có một ý định mơ hồ sẽ cố gắng
thực hiện những khái niệm của Ngài trong đời tôi ở một lúc nào đó trong tương
lai, có lẽ khi tôi có nhiều thì giờ hơn.
NGHIÊN CỨU CƠ SỞ CỦA SỰ QUAN HỆ
Những cuộc đàm thoại với Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Arizona bắt đầu
bằng cuộc bàn thảo về nguồn gốc hạnh phúc. Mặc dầu thực tế là Ngài chọn cuộc sống
làm một nhà sư, nhưng các cuộc nghiên cứu cho thấy hôn nhân góp phần thực tế
mang đến hạnh phúc - mang đến sự riêng tư và mối liên kết chặt chẽ làm tăng
thêm sức khỏe và thỏa mãn cách sống chung. Hàng ngàn cuộc thăm dò người Mỹ và
Âu Châu cho thấy người có gia đình hài lòng và hạnh phúc với cuộc sống hơn người
độc thân hay người góa.- nhất là so với những người ly dị hay ly thân.
Một cuộc thăm dò cho thấy sáu trong số mười người Mỹ đánh giá
hôn nhân của họ là "rất hạnh phúc" và cũng xem cuộc đời họ nói chung
là "rất hạnh phúc". Trong cuộc bàn luận về đề tài quan hệ con người,
tôi nghĩ rằng nếu đưa ra vấn đề là nguồn hạnh phúc chung cũng rất quan trọng.
Ít phút trước giờ ấn định phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi ngồi
với một người bạn ở hành lang lộ thiên của một khách sạn tại Tuscon uống một ly
nước mát giải khát. Đề cập đến chủ đề lãng mạn và hôn nhân mà tôi dự định nêu
lên trong cuộc phỏng vấn của tôi, bạn tôi và tôi động lòng trắc ẩn nghĩ đến những
người độc thân. Trong khi chúng tôi trò chuyện, một cặp vợ chồng trẻ trông có vẻ
lành mạnh, có thể là những người chơi gôn, sung sướng nghỉ hè vào lúc cao điểm
của mùa du lịch, ngồi bàn bên cạnh chúng tôi. Trông họ có vẻ như đã lấy nhau
khá lâu - không còn ở trong tuần trăng mật nữa, nhưng vẫn còn trẻ và chắc chắn
hãy còn mặn nồng. Rất tốt đôi, tôi nghĩ như vậy.
Nhưng vừa ngồi xuống họ bắt đầu cãi nhau.
"... Tôi đã bảo anh anh chúng ta bị trễ rồi", người
thiếu phụ buộc tội một cách gay gắt, giọng nói của cô ta khàn lạ thường, tiếng
rè của dấy thanh bị ngâm bởi nhiều năm thuốc lá và rượu."Bây giờ chúng ta
không có đủ thì giờ mà ăn. Tôi không thể ăn ngon miệng được."
"... nếu cô không chuẩn bị quá lâu ..." người đàn ông
phản pháo một cách vô ý thức bằng một giọng nhỏ nhẹ hơn, nhưng mỗi ấm nặng trĩu
khó chịu và hằn học.
Đốp lại."Tôi đã sẵn sàng từ nửa giờ trước rồi. Chính anh mới
là người chậm trễ vì phải đọc xong tờ báo" ...
Và cứ như thế lời qua tiếng lại không ngừng. Giống như nhà soạn
kịch Hy Lạp Euripides nói, "Hôn nhân có thể tốt đẹp. Nhưng khi hôn nhân thất
bại, thì những người đó ở nhà như trong địa ngục"
Tranh luận, nhanh chóng leo thang, rồi chấm dứt bằng nhữn lời
than vãn về cuộc sống đôc thân. Bạn tôi đảo mắt và trích một câu trong Seifeld,
nói "Ờ phải, tôi muốn lấy vợ thật sớm!"
Chỉ ít phút trước đây, tôi có ý định bắt đầu cuộc gặp bằng cách
xin Đức Đạt Lai Lạt Ma ý kiến về niềm vui và ưu điểm của tình yêu lãng mạn và
hôn nhân. Thay vì như thế, khi vào phòng của Ngài tại khách sạn, và sắp sửa ngồi
xuống, tôi lại hỏi:"Tại sao Ngài lại cho là mâu thuẫn hình như thường
trong hôn nhân phát sinh?"
"Khi đề cập đến mâu thuẫn, đương nhiên có thể là rất phức tạp".
Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích.""Có thể có nhiều nhân tố liên quan.
Cho nên, khi chúng ta xử trí bằng cách cố gắng tìm hiểu những vấn đề quan hệ,
giai đoạn đầu tiên trong tiến trình này đòi hỏi phải suy ngẫm kỹ lưỡng về bản
chất và cơ sở căn bản của mối quan hệ ấy.
"Vậy, trước tiên, ta phải công nhận có nhiều loại quan hệ
khác nhau và hiểu biết những dị biệt giữa chúng. Thí dụ, hãy để qua một bên vấn
đề hôn nhân, ngay cả trong phạm vi tình bạn bình thường, chúng ta cũng phải
công nhận có những loại tình bạn khác nhau. Có khi tình bạn dựa vào của cải,
quyền thế, hay địa vị. Trong những trường hợp này, tình bạn còn tiếp tục với điều
kiện là bạn còn giữ được quyền thế, của cải và địa vị. Khi những căn cứ ấy
không còn, thì tình bạn cũng sẽ bắt đầu biến mất. Mặt khác có một loại tình bạn
khác. Tình bạn này không căn cứ vào tính toán về của cải, quyền thế và địa vị
mà đúng ra là cảm tính thực sự con người, một cảm tính gần gũi trong đó có ý thức
chia sẻ và quan hệ. Loại tình bạn hữu này là cái mà tôi gọi là tình bạn chân
chính vì nó không bị ảnh hưởng bởi tình trạng của cải, quyền thế và địa vị của
một cá nhân dù nó tăng hay giảm. Nhân tố giữ vững tình bạn chân chính là cảm
tính và tình cảm. Nếu bạn thiếu điều đó, bạn không thể giữ được tình bạn chân
chính. Chắc chắn chúng ta đã nói đến điều này trước đây và tất cả điều đó là rất
rõ ràng, nhưng nếu bạn đi vào vấn đề quan hệ, thường thường sẽ rất hữu ích nếu
biết dừng lại và suy ngẫm về cơ sở của mối quan hệ ấy.
Cũng giống như vậy, nếu ai đó vấp phải khó khăn với chồng mình
hoặc vợ mình, sẽ rất hữu ích nếu biết nhìn vào cơ sở căn bản của mối quan hệ.
đó. Chẳng hạn, bạn thường thấy nhiều mối quan hệ chỉ căn cứ vào sự lôi cuốn giới
tính ngay từ đầu. Khi một cặp mới gặp nhau, chỉ gặp nhau vài lần, họ có thể yêu
nhau say đắm và rất hạnh phúc." Ngài cười " nhưng bất cứ quyết định
nào về hôn nhân vào lúc ấy rất dễ lung lay. Về một ý nghĩa nào đó cũng như người
ta có thể trở nên mất trí, vì sức mạnh của cơn giận hay hận thù mãnh liệt, về một
ý nghĩa, người ta cũng có thể bị mất trí bởi sức mạnh của đam mê hay ham muốn.
Và đôi khi bạn có thể thấy trạng thái mà một cá nhân có thể cảm thấy, "ôi
người bạn trai của tôi, hay người bạn gái của tôi thực sự không phải người tốt,
không phải là người tử tế, nhưng tôi vẫn cảm thấy bị lôi cuốn bởi anh ấy hay cô
ấy". Cho nên sự quan hệ dựa vào cái lôi cuốn ban đầu thật không thể tin cậy
được, thực sự không vững vàng vì nó căn cứ vào nhiều hiện tượng tạm thời. Cảm
giác này tồn tại rất ngắn ngủi, và sau một thời gian, cảm giác này không còn nữa".
Ngài bật tách tách ngón tay.."Cho nên đừng quá ngạc nhiên nếu kiểu quan hệ
như thế rơi vào chuyện rắc rối, và hôn nhân căn cứ vào điều đó cuối cũng rơi
vào rắc rối ...Nhưng ông nghĩ thế nào?
"Vâng, tôi phải đồng ý với Ngài về việc đó", tôi trả lời."
Hình như trong bất cứ mối quan hệ ngay cả những mối quan hệ nồng cháy, sự say
mê lúc ban đầu cuối cùng cũng nguội đi. Một số nghiên cứu cho thấy những người
coi sự say mê và lãng mạn lúc ban đầu là tối cần thiết cho quan hệ của họ, cuối
cùng đi đến vỡ mộng và ly dị. Ellen Bercheid, nhà tâm lý học xã hội của Đại Học
Minnesota,đã xem xét vấn đề và kết luận rằng không đánh giá đúng phân nửa thời
gian có giới hạn của tình yêu say đắm có thể hủy diệt mối quan hệ. Bà và những
đồng sự của bà cảm thấy mức độ ly dị gia tăng trên hai mươi năm qua một phần
liên quan việc người ta ngày càng coi trọng những kinh nghiệm cảm xúc rất được
tin cậy trong đời họ - những kinh nghiệm giống như tình yêu lãng mạn. Nhưng có
một vấn đề là những loại kinh nghiệm như vậy có thể rất khó đứng vững với thời
gian..." "Điều này hình như rất đúng" Ngài nói."Cho nên khi
đề cập đến những vấn đề quan hệ bạn sẽ thấy ý nghĩa quan trọng to lớn trong việc
nghiên cứu và hiểu biết bản chất cơ bản của mối quan hệ.
"Bây giờ, trong khi có một số quan hệ căn cứ vào sự lôi cuốn
giới tính ngay từ đầu, thì mặt khác, bạn có thể có những kiểu quan hệ khác mà
trong đó những người có tâm trạng điềm tĩnh có thể nhận thức rằng nói về thân
thể bề ngoài bạn trai hay bạn gái của tôi có thể không hấp dẫn nhưng anh ấy hay
cô ấy thực sự là một người tốt, một người tử tế hòa nhã. Sự quan hệ được xấy dựng
bằng điều đó hình thành loại liên kết lâu dài hơn vì nó thuộc loại giao tiếp
thành thật ở mức thực sự riêng tư và con người giữa hai người..."
Đức Đại Lai Lạt Ma ngưng một chút như thể nghiền ngẫm về vấn đề
rồi nói thêm, "Đương nhiên tôi phải nói cho rõ ràng là người ta có thể có
quan hệ tốt lành mạnh bao gồm cả sự lôi cuốn giới tính như là một thành tố. Cho
nên hình như có loại quan hệ chính dựa vào vào sự lôi cuốn giới tính. Một loại
hoàn toàn dựa vào sự ham muốn giới tính. Trong trường hợp này, động cơ hay sự
thúc đẩy đằng sau sự liên kết thực sự chỉ là sự thỏa mãn tạm thời, sự vừa lòng
trước mắt. Trong loại quan hệ này, các cá thể gắn liền với nhau không thật là
con người mà đúng hơn là đối tượng. Loại quan hệ này không lành mạnh. Nếu sự
quan hệ chỉ căn cứ trên sự ham muốn giới tính, không có thành tố tôn trọng lẫn
nhau, thì sự quan hệ này hầu như trở thành mại dâm, trong đó cả hai bên dều
không tôn trọng lẫn nhau. Sự quan hệ lúc đầu xấy dựng trên ham muốn giới tính
giống như căn nhà xấy dựng trên nước đá, đúng lúc đá tan ra, căn nhà xụp.
"Tuy nhiên có một loại quan hệ thứ hai, cũng căn cứ trên sự
lôi cuốn giới tính, nhưng trong đó sự lôi cuốn thể xác không phải là cơ sở chiếm
ưu thế ưu tiên trong quan hệ này. Trong kiểu quan hệ thứ hai này, có sự đánh
giá căn bản đúng về giá trị của nhau căn cứ vào cảm nghĩ người kia là người tốt,
tử tế, và hòa nhã, và bạn có sự tôn trọng và phẩm giá của người kia. Bất cứ sự
quan hệ nào căn cứ trên tinh thần ấy sẽ lâu bền và chắc chắn đáng tin cậy Loại
này thích hợp hơn. Và muốn thiết lập loại quan hệ này, điều chủ yếu là phải
dành đủ thì giờ để hiểu nhau với ý thức chân thật, hiểu biết những đặc tính căn
bản của nhau.
"Cho nên, khi những bạn bè tôi hỏi tôi về hôn nhân của họ,
tôi thường hỏi lại họ đã quen nhau bao lâu rồi. Nếu họ nói mới có mấy tháng,
thì tôi thường nói:"Vậy quá ngắn ngủi". Nếu họ nói một vài năm, thì
tôi nói thế thì tốt. Bây giờ họ không những biết mặt hay bề ngoài, mà tôi còn
nghĩ, hiểu bản tính sâu xa của nhau" "Điều đó hồ như nhà Văn Mark
Twain đã nói "không có người đàn ông nào hay người phụ nữ nào thực sự hiểu
tình yêu hoàn hảo là gì cho đến khi họ đã thành hôn với nhau trong một phần tư
thế kỷ..."
"Đức Đạt Lai Lạt Ma gật đầu và nói tiếp tục: Đúng.. cho
nên, tôi nghĩ, nhiều vấn đề xẩy ra chỉ vì không đủ thì giờ để tìm hiểu lẫn
nhau. Dù sao, tôi nghĩ nếu ta tìm cách xấy dựng mối quan hệ thực sự vừa ý,
con đường tốt nhất dẫn tới điều đó là phải hiểu biết bản tính sâu xa của người
kia và quan hệ với anh ấy hay cô ấy trên mức độ đó, thay vì chỉ chú trọng đến
những đặc điểm bên ngoài. Và trong kiểu quan hệ đó có vai trò của tình thương
chân chính.
"Bây giờ tôi nghe nhiều người nói hôn nhân của họ có ý
nghĩa sâu xa hpn trên sự quan hệ giới tính, hôn nhân đòi hỏi hai người cố gắng
liên kết với nhau, cùng nhau chia sẻ cuộc đời thăng trầm, chia sẻ niềm riêng tư
mật thiết. Nếu lời nói đó là chân thật, tôi tin tưởng đó là cơ sở thích hợp để
xấy dựng quan hệ. Quan hệ lành mạnh gồm có ý thức trách nhiệm và cam kết với
nhau. Đương nhiên, sự tiếp xúc thể chất, sự quan hệ giới tính thích đáng và
thông thường của một cặp vợ chồng, có thể đem đến một sự thỏa mãn nào đó, có thể
có hiệu quả làm dịu tâm. Nhưng rốt cuộc nói về mặt sinh học, mục đích chính của
quan hệ nhục dục là sinh sản. Và muốn thành công trong việc này, bạn cần phải
có ý thức tận tâm với con cái, để cho chúng có thể tồn tại và mau lớn. Vậy,
phát triển khả năng có ý thức trách nhiệm và cam kết có tính quyết định. Không
có điều đó, sự quan hệ chỉ mang lại sự thỏa mãn tạm thời. Chỉ cho vui".
Ngài cười, một nụ cười dường như kinh ngạc trước phạm vi mênh mông về cách ứng
xử của con người.
QUAN HỆ DỰA VÀO TÌNH CẢM LÃNG MẠN
Tôi cảm thấy kỳ quặc khi nói về tình dục và hôn nhân với một người
nay đã trên sáu mươi tuổi mà suốt đời độc thân. Ngài không thấy ghét những vấn
đề ấy, nhưng có một sự xuy xét độc lập trong những bình luận của Ngài.
Nghĩ về cuộc nói chuyện của tôi với Ngài sau tối hôm ấy, tôi chỉ
nghĩ rằng còn một thành tố quan trọng trong quan hệ chưa được nói đến, và tôi
tò mò tôi muốn biết quan điểm của Ngài đối với vấn đề này ra sao. Tôi đã nêu vấn
đề này ra ngày hôm sau.
"Ngày hôm qua, chúng ta thảo luận về các mối quan hệ và tầm
quan trọng của việc đặt quan hệ thân thiết hay hôn nhân hơn cả vấn đề nhục dục",
tôi bắt đầu " Nhưng theo văn hóa Tây Phương, không phải chỉ là hành động
xác thịt mà toàn bộ ý niệm lãng mạn.- ý niệm phải lòng ai, yêu say đắm người
tình- được coi như một ham muốn cao độ. Trên màn ảnh, văn chương, và văn hóa đại
chúng, người ta đề cao loại tình yêu lãng mạn này. Quan điểm của Ngài thế nào về
vấn đề này?
Không một chút do dự, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: "Tôi nghĩ rằng,
chưa cần xét đến theo đuổi tình yêu lãng mạn có thể ảnh hưởng sâu xa đến sự
phát triển tinh thần ra sao, thậm chí từ quan điểm của lối sống thông thường,
lý tưởng hóa tình yêu lãng mạn có thể được coi là một cực đoan. Không giống như
những quan hệ căn cứ trên tình cảm chu đáo và chân thật, đây là một vấn đề
khác. Nó không thể được coi là tích cực, Ngài quả quyết."Nó dựa vào ảo tưởng,
không thể đạt được, cho nên nó là nguồn gốc của vỡ mộng. Vậy, trên cơ sở đó nó
không thể được coi như tích cực".
Giọng nói như kết thúc của Đức Đạt Lai Lạt Ma, cho thấy Ngài
không có gì để nói thêm về đề tài này nữa. Vì xã hội chúng ta đặt tầm quan trọng
to lớn lên tình yêu lãng mạn, tôi cảm thấy Ngài bác bỏ sự cám dỗ của tình yêu
lãng mạn quá nh nhàng vì Đức Đạt Lai Lạt Ma được dạy dỗ trong tu viện, tôi cho
rằng Ngài không cảm nhận đầy đủ niềm vui của tình yêu lãng mạn, và hỏi Ngài về
những vấn đề liên quan đến tình yêu lãng mạn thì cũng chẳng khác gì yêu cầu
Ngài ra bãi đậu xe để Ngài giải quyết cái khó khăn của tôi về bộ truyền lực của
xe. Không được vừa lòng lắm, tôi lóng ngóng với ít điểm ghi chép rồi chuyển
sang đề tài khác.
Cái gì đã làm cho tình yêu lãng mạn quyến rũ đến thế? Nhìn vào
câu hỏi này, ta thấy Thần Ái Tình (Eros) - tình yêu lãng mạn, xác thịt, say đắm
- trạng thái ngấy ngất cuối cùng, là một ly cốc tay mạnh có các thành phần văn
hóa, sinh học, và tâm lý. Trong văn hóa Tây Phương, khái niệm về tình yêu lãng
mạn đã thăng hoa từ trên hai trăm năm qua dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn,
một phong trào đã ảnh hưởng nhiều đến việc hình thành sự nhận thức của chúng ta
về thế giới. Chủ nghĩa lãng mạn phát triển như là một sự bác bỏ Thời Đại Ánh
Sáng đó, nhân mạnh đến lý trí con người. Phong trào mới này đề cao trực giác,
xúc cảm, cảm tính và say mê. Nó nhân mạnh đến tầm quan trọng của thế giới giác
quan, kinh nghiệm chủ quan của cá nhân, và có khuynh hướng về thế giới tưởng tượng,
ảo tưởng, tìm cầu một thế giới không phải là - một quá khứ lý tưởng hay tương
lai không tưởng. Quan niệm này không những đã có một tác động sâu xa vào văn học
nghệ thuật mà còn vào cả chính trị và mọi mặt phát triển của văn hóa của Tây
Phương hiện đại.
Yếu tố hấp dẫn nhất trong khi theo đuổi tình yêu lãng mạn là cảm
giác yêu phải lòng. Những ảnh hưởng mạnh mẽ hoạt động thúc đẩy chúng ta tìm kiếm
cảm giác ấy, còn nhiều hơn cả sự suy tôn tình yêu lãng mạn mà ta thấy từ văn
hóa. Nhiều nhà nghiên cứu cảm thấy những sức mạnh ấy đã được lập trình trong
các gien từ lúc sinh ra đời. Cảm giác yêu phải lòng bao giờ cũng hòa lẫn với cảm
giác của sự lôi cuốn xác thịt, có thể là thành phần bản năng do gien quyết định
trong hành vi giao phối. Từ cái nhìn tiến hóa chức năng cá nhân của sinh vật là
sinh tồn, sinh sản, và bảo đảm sự tồn tại liên tục của giống loài. Vì lợi ích tốt
nhất của giống loài, cho nên nếu chúng ta được lập trình để yêu, chắc chắn nó sẽ
gia tăng lợi thế mà chúng ta kết đôi và sinh sản. Vì vậy, chúng ta có những cơ
cấu gắn liền giúp cho điều đó xẩy ra, đáp ứng một số tác nhân kích thích, não bộ
sản xuất và tiết ra những hóa chất tạo thành cảm giác phân khích cái "đê
mê" kết hợp với tình yêu. Và trong khi bộ não của chúng ta ngâm với những
hóa chất ấy, cảm giác đó áp đảo chúng ta đến mức mọi thứ khác dường như bị ức
chế .
Ảnh hưởng tâm lý thúc đẩy ta tìm cảm giác tình yêu cũng hấp dẫn
như ảnh hưởng sinh học. Trong tập khảo luận của Plato, Socrates kể một câu chuyện
huyền thoại về Aristophanes liên quan đến nguồn gốc tình yêu xác thịt. Theo huyền
thoại này, những cư dân đầu tiên trên trái đất là những sinh vật tròn có bốn
tay, bốn chân, và cùng với lưng và hông làm thành hình tròn. Những sinh vật vô
tính độc lập này rất cao ngạo và thường tân công các vị thần. Để trừng phạt
chúng, Thần Zeus phóng sấm sét vào chúng và phân đôi chúng ra. Mỗi chúng sanh
bây giờ là hai, nửa này mong mỏi hợp nhất với nửa kia. Thần Ái Tình (Eros) ham
muốn tình yêu mê say, lãng mạn, có thế được xem là khao khát thời cổ muốn hợp
nhất với nửa kia. Nó dường như là nhu cầu vô tình phổ biến của con người. Cảm
tính đó kéo theo cảm giác hợp nhất với người kia, ranh giới bị phá tan, trở
thành một với người mình yêu. Các nhà tâm lý học gọi đó là sự sụp đổ ranh giới
cái tôi. Một số người nghĩ rằng tiến trình này bắt nguồn từ kinh nghiệm sớm nhất
của ta, một cố gắng vô thức để tái tạo kinh nghiệm có từ lúc còn thơ ấu, trạng
thái căn bản mà trong đó đứa trẻ hoàn toàn gần gũi với cha mẹ hay người nuôi
nâng lúc đầu
Bằng chứng cho thấy những đứa trẻ sơ sinh không phân biệt chính
chúng với phần còn lại của thế giới. Chúng không có ý thức nhận dạng cá nhân
hay ít ra cũng nhận dạng được mẹ, những người khác hay những đồ vật chung
quanh. Chúng không biết đâu là giới hạn của chúng và đâu là chỗ bắt đầu của những
cái khác. Chúng không biết gì là đồ vật đang tồn tại: đồ vật không có sự tồn tại
độc lập, nếu chúng không tác động qua lại với một đồ vật, đồ vật này không tồn
tại. Thí dụ, đứa trẻ đang cầm cái lúc lắc, nó nhận biết cái lúc lắc là một phần
của chính nó, và nếu cái lúc lắc bị lấy đi hay dấu đi, với nó cái lúc lắc đó
không còn tồn tại.
Vào lúc mới sanh bộ não chưa hoàn toàn "kết nối chắc chắn"
nhưng khi đứa bé lớn lên thì bộ não trưởng thành, sự tác động qua lại với thế
giới trở nên tinh vi hơn và đứa bé dần dần phát triển ý thức nhận dạng riêng,
biết "tôi" hay đối lập với "cái khác". Cùng với điều đó, ý
thức riêng biệt phát triển, dần dà đứa bé phát triển nhận thức về giới hạn của
mình. Sự hình thành cá tính đương nhiên tiếp tục phát triển qua thời kỳ thơ ấu
và thời kỳ thanh niên rồi đứa trẻ vào đời. Ý thức về mình là ai xuất hiện là kết
quả của sự phát triển những hình dung bên trong, phần lớn đã hình thành do cảm
nghĩ về những tác động qua lại lúc ban đầu với những người quan trọng sống với
nó, và suy nghĩ về vai trò của chúng trong xã hội nói chung. Dần dần cá tính
riêng, và cấu trúc nội tâm lý trở nên phức tạp hơn.
Nhưng một số người vẫn tìm cách đi ngược trở lại trạng thái cuộc
sống trước đó, một trạng thái hạnh phúc trong đó không có cảm giác bị cô lập,
không có cảm giác bị phân cách. Nhiều nhà tâm lý hiện đại cảm thấy kinh nghiệm
có "tính tổng thể" được đưa vào tiềm thức, và khi trưởng thành nó thấm
vào sự tưởng tượng vô thức và riêng tư của mình. Họ tin là hòa mình vào với người
yêu khi một người "đang yêu" gợi nhớ lại kinh nghiệm hòa hợp với người
mẹ thời thơ ấu. Nó tái tạo cảm nghĩ kỳ diệu, một cảm nghĩ tuyệt đối, như thể là
mọi sự đều có thể làm được. Một cảm nghĩ như thế khó mà đẩy lùi.
Thảo nào mà sau này sự theo đuổi một mối tình lãng mạn lại mạnh
mẽ như thế. Vậy vấn đề này là thế nào, và tại sao Đức Đạt Lai Lạt Ma lại dễ
dàng quả quyết cho rằng theo đuổi mối tình lãng mạn là chuyện tiêu cực?
Tôi coi vấn đề quan hệ dựa vào tình yêu lãng mạn, nương vào tình
cảm lãng mạn là nguồn gốc của hạnh phúc. Một bệnh nhân trước đây của tôi,
David, hiện ra trong tâm trí tôi. David, một kiến trúc sư 34 tuổi về ngành xấy
dựng vườn hoa và công viên, đến phòng bệnh của tôi với triệu chứng điển hình của
một sự suy nhược nghiêm trọng. Anh ta giải thích sự suy nhược này là do một số
công việc lặt vặt làm cho anh bị căng thẳng, nhưng "đại loại là mới bắt đầu"
Chúng tôi chọn cách dùng thuốc chống suy nhược, anh ta đồng ý, và chúng tôi cho
anh thử thuốc chống suy nhược bình thường. Thuốc chứng tỏ có hiệu quả, trong
vòng ba tuần lễ triệu chứng đau cấp tính của anh đã thuyên giảm và anh trở lại
làm việc bình thường. Tuy nhiên trong khi tìm hiểu bệnh sử của anh chảng mấy chốc
tôi nhận thức ra rằng thêm vào cái suy nhược cấp tính anh đã bị suy nhược nhẹ
(dysthymia), một dạng suy nhược kinh niên ở mức độ thấp ấm ỉ từ nhiều năm. Sau
khi bình phục chứng suy nhược cấp tính, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu tiểu sử của
anh, đặt nền móng giúp chúng tôi tìm hiểu những động lực tâm lý bên trong đã
gây ra chứng suy nhược nhẹ từ nhiều năm. Sau một vài lần khám bệnh, một hôm
David vào phòng tôi với bộ dạng hớn hở. Anh nói " tôi cảm thấy tuyệt vời",
"tôi chưa bao giờ cảm thấy như vậy từ nhiều năm nay ".
Phản ứng của tôi về tin vui này là ngay lập tức đánh giá xem liệu
có phải là anh đã đi vào giai đoạn tính khí rối loạn thất thường không, tuy
nhiên điều đó không đúng.
Anh nói với tôi " Tôi đang yêu. Tôi gặp nàng tuần trước tại
chỗ tôi đấu thầu. Nàng là người đẹp nhất mà tôi đã từng được thấy".
Tuần này đêm nào chúng tôi đều đi chơi với nhau, quả thật chúng
tôi là một cặp tâm hồn - hoàn toàn hợp với nhau. Tôi thật không thể tin là như
vậy! Tôi không hẹn hò gì hai ba năm nay, và đi đến chỗ nghĩ rằng sẽ không bao
giời có thể gặp được ai vùa ý, rồi thì bỗng nhiên có nàng".
Trong suốt buổi nói chuyện với tôi, David liệt kê những ưu điểm
đáng chú ý của người bạn gái mới của mình."Tôi nghĩ rằng chúng tôi hoàn
toàn hợp nhau trên mọi phương diện. Không phải chỉ về xác thịt, chúng tôi quan
tâm giống nhau đến mọi sự, thật là dễ sợ sao mà chúng tôi lại suy nghĩ giống
nhau đến thế. Đương nhiên, tôi rất thực tế, và tôi hiểu rằng chẳng ai mười phân
vẹn mười. Một đêm nọ tôi hơi khó chịu một chút vì tôi nghĩ nàng có vẻ cợt nhả
vài gã trong câu lạc bộ mà chúng tôi đến chơi tại đây... nhưng cả hai chúng tôi
đều uống quá nhiều và cô ấy chỉ muốn vui mà thôi. Chúng tôi bàn cãi về chuyện ấy,
và sau mọi chuyển ổn thỏa".
David trở lại phòng mạch tuần lễ sau đó và báo cho tôi biết anh
đã quyết định thôi không chữa bệnh nữa." Mọi sự đều tuyệt vời trong đời
tôi, tôi không thấy còn gì phải nói về chữa bệnh" Anh giải thích."Chứng
suy nhược của tôi đã hết, tôi ngủ như một đứa trẻ, tôi trở lại làm việc rất tốt,
tôi có quan hệ tuyệt vời, dường như càng ngày càng tốt hơn. Tôi nghĩ rằng tôi
đã được lợi ích gì đó trong những lần chữa bệnh, nhưng nay tôi thấy không thể tốn
kém tiền bạc để chữa bệnh khi không còn gì phải làm".
Tôi nói với anh tôi rất vui biết mọi việc tốt đẹp với anh nhưng
cũng nhắc anh lưu ý đến một vài vấn đề gia đình mà chúng ta nhận biết có thể dẫn
đến bệnh suy nhược kinh niên. Suốt lúc ấy những thuật ngữ tâm thần thông thường
như "đề kháng" và "bảo vệ" bắt đầu hiện ra trong tâm trí
tôi.
Anh không tin: "Được đây; có thể là những chuyện mà một
ngày nào đó, tôi sẽ xét đến" Anh nói. "Nhưng tôi thực sự nghĩ rằng phần
lớn do sự cô đơn, một cảm giác thiếu ai đó, cần phải có một người đặc biệt để
chia sẻ mọi thứ, và nay tôi đã tìm thấy nàng."
Anh nhất quyết muốn chấm dứt việc chữa trị vào ngày đó. Chúng
tôi sắp xếp để vị bác sĩ gia đình của anh theo dõi chế độ thuốc men, phê duyệt
và chấm dứt khám bệnh, tôi kết thúc với sự bảo đảm là phòng mạch của tôi lúc
nào cũng sẵn sàng tiếp đón anh.
Một vài tháng sau, David trở lại phòng mạch của tôi.
"Tôi hết sức đau khổ", anh nói với một giọng buồn nản.
"Lần trước, tội gặp ông, mọi sự đều tuyệt vời. Tôi thực sự nghĩ rằng tôi
đã tìm được người bạn đời lý tưởng thậm chí tôi đã nghĩ đến việc hôn nhân.
Nhưng dường như tôi càng tiến gần bao nhiêu thì nàng lại càng lùi xa bây nhiêu.
Cuối cùng nàng đã chấm dứt quan hệ với tôi. Quả thật tôi bị suy nhược một đôi
tuần sau đó. Thậm chí tôi bắt đầu gọi điện thoại chỉ để nghe giọng nói của
nàng, và lái xe đến chỗ nàng làm việc chỉ để xem xe của nàng có ở đây không.
Sau khoảng một tháng tôi ốm vì làm việc đó - thật là quá nực cười - và dù sao
triệu chứng suy nhược của tôi cũng tăng lên. Tôi vẫn ăn uống, ngủ nghỉ tốt, vẫn
đi làm tốt, và tôi vẫn có dồi dào sức lực nhưng tôi vẫn cảm thấy như thể là mất
mát một phần nào trong tôi. Giống như tôi lại trở về với tình trạng trước đây,
giống như cảm tưởng mà tôi đã bị nhiều năm.
Tôi lại bắt đầu điều trị cho anh.
Dường như rõ ràng là nguồn hạnh phúc, tình ái lãng mạn để lại
nhiều điều khắc khoải. Và có lẽ Đức Đạt Lai Lạt Ma đã biểu lộ sự bác bỏ khái niệm
tình yêu lãng mạn là cơ sở để quan hệ và Ngài mô tả tình yêu lãng mạn chỉ là
"ảo tưởng không thể đạt được", không đáng nỗ lực. Quan sát kỹ lưỡng
hơn, có lẽ Ngài đã mô tả bản chất của tình yêu lãng mạn một cách khách quan chứ
không phải dưa ra phán xét giá trị tiêu cực bị ảnh hưởng sau nhiều năm tu tập với
tư cách một nhà sư. Ngay cả nguồn tham khảo khách quan như tự điển cũng chứa đựng
một tá định nghĩa về "lãng mạn", "mơ mộng", có quá nhiều
cách nói như "truyện hư cấu", "sự cường điệu", "sự bày
tỏ sai lầm", "không có thật hay tưởng tượng", "không thực
tiễn", "không có cơ sở thực tế", " tiêu biểu cho hay bận
tâm với sự làm tình hay tỏ tình được lý tưởng hóa" vân vân... Hiển nhiên dọc
tiến trình văn minh Tây Phương đã có một sự thay đổi. Quan niệm thời cổ Thần Ái
Tình (Eros), với ý nghĩa cơ bản hợp thành một, hay hợp nhất với người kia, nay
đã có ý nghĩa mới. Tình yêu lãng mạn chỉ đạt được phẩm tính giả tạo, có hương vị
gian lận và dối trá, một phẩm tính khiến Oscar Wilde chán nản nhận xét "Khi
yêu, bao giờ cũng bắt đầu bằng cách tự lừa dối mình, rồi bao giờ cũng chấm dứt
bằng cách lừa dối người khác. Đó là cái mà thế giới gọi là tình yêu lãng mạn".
Ở phần trước, chúng ta đã khảo sát vai trò của sự thân mật và
riêng tư như một thành phần quan trọng trong hạnh phúc con người. Không có gì
nghi ngờ gì về việc đó cả. Nhưng nếu tìm cách kéo dài sự thỏa mãn trong quan hệ,
nền móng của quan hệ ấy phải vững chắc. Chính vì lý do đó mà Đức Đạt Lai Lạt Ma
khuyến khích chúng ta nên xét đến cơ sở căn bản của mối quan hệ, nếu chúng ta
thấy mình đang ở trong quan hệ sắp trở thành tồi tệ. Sự lôi cuốn xác thịt, và
thấm chí cả cảm tưởng mạnh của sự phải lòng nhau, có thể đóng vai trò trong việc
hình thành sự ràng buộc đầu tiên giữa hai người, thu hút họ gắn bó với nhau, giống
như keo dán, tác nhân liên kết đầu tiên cần phải kết hợp với những chất liệu
khác trước khi chúng có thể dính chặt lâu dài nhau. Nhận biết ra những chất liệu
này, chúng ta quay trở lại với cách giải quyết của Đức Đạt Lai Lạt Ma là phải xấy
dụng mối quan hệ mạnh mẽ - quan hệ của chúng ta dựa vào những đức tính về sự
yêu mến, tình thương, tôn trọng lẫn nhau là con người. Quan hệ dựa trên những đức
tính ấy giúp chúng ta đạt được mối liên kết sâu xa và có ý nghĩa không chỉ với
người tình, hay chồng vợ mà còn với bạn bè, người quen, và cả những người lạ -
thực tế là bất cứ con người nào. Nó mở ra vô số khả năng và cơ hội cho việc
giao tiếp.
No comments:
Post a Comment