Saturday, May 31, 2014

NHỮNG CHUYỆN LUÂN HỒI HIỆN ĐẠI - PHẦN 2

Tỳ kheo Thích Tâm Quang trích dịch
 III. GIÁO SƯ H.N. BANERJEE
Giáo Sư H.N. Banerjee là một Giáo Sư nổi tiếng Khoa Trưởng Khoa Tâm Linh của Ðại Học Ðường Rajasthan, Jaipur, Ấn Ðộ. Ông chuyên khảo cứu về các vụ luân hồi tại Âu cũng như Á. Hàng trăm chuyện luân hồi đã được giáo sư điều tra tại chỗ. Hồ sơ các vụ đó hiện còn đang lưu trữ tại Trường Ðại Học này. Sau đây là hai vụ điển hình: Chandgari và Necati trong cuốn Reincarnation East and West của tác giả do nhà Xuất Bản Double Day, New York, Garden City phát hành năm 1974.
-20-
CHANDGARI
Tác Giả: H.N. Banerjee
Chandgari là một làng nhỏ có dân số hơn 1 ngàn người nằm trên Thượng Lưu Sông Hằng, Ấn Ðộ. Từ Ðại Lộ Chính đường dẫn vào làng là những con đường nhỏ, thế mà một câu chuyện luân hồi xảy ra đã khiến cái làng bộ nhỏ xa xôi này trở thành nổi tiếng trên thế giới làm cho tất cả các Trung Tâm Tâm Lý, Siêu Linh Học đều phải chú ý.
Câu chuyện nghịch lý bằng sanh mà cũng là tử nữa. Câu chuyện không xảy ra chỉ riêng ở làng Chandgari mà cũng còn liên quan đến làng Itarni thuộc Quận Aligarth cách Chandgari chừng ít dậm.
Vào đầu năm 1960, một thanh niên làng Itarni tên là Bhajan Singh, 21 tuổi bị chết sau một cơn sốt cấp tính.
Cũng khoảng thời gian trên một đứa bộ được sanh ra tại Chandgari và được cha mẹ đặt tên là Munesh. Từ khi chào đời đến lúc lên 3 tuổi mọi việc đều bình thường, không có gì đáng kể. Nhưng khi được 4 tuổi, trong lúc chơi với các bạn đồng trang lứa, em thường nhắc đến cái làng Atharni và nói rằng em đã từng ở nơi ấy. Các bạn em đều chế nhạo, cho rằng em nói đến một cái tên xa lạ không có trên thực tế.
Một hôm người mẹ đang tắm cho em thì em la lối om sòm. Bà giận dữ tát em một bạt tai. Em hờn dỗi nói: "Mẹ à, nếu mẹ đánh con nữa, con sẽ đi khỏi nơi đây ". Bà thắc mắc hỏi em định đi đâu. Với một giọng tự nhiên em trả lời: "Con sẽ trở về làng con, làng Atharni mới thật sự là làng của con, con không phải người thuộc làng này ". Người mẹ chưa bao giờ nghe thấy làng Atharni cả, nhưng sau vài phút nghĩ ngợi bà cho rằng có lẽ em muốn nói đến làng Itarni, một làng cách xa Chandgari vài dậm. Bà la rầy và cấm em không được nói đến chuyện ngớ ngẩn ấy nữa. Em cãi lại là chuyện này không ngớ ngẩn và còn cho biết tên em không phải là Munesh mà la Bhajan Singh, người làng Atharni chứ không phải làng này.
Em còn nói em có một căn nhà, một cái giếng, một thửa vườn và một nông trại. Em nói thêm: "Con có một người vợ, một người anh, một người mẹ và một người con gái".
Người mẹ mắng em và bảo em đừng bao giờ kể chuyện của đứa trẻ nít ban ngày mê ngủ, nhưng ngược lại em nói đó là sự thực. Giận quá, bà đánh em một trận nên thân và bắt em phải im ngay.
Khi bắt đầu đi học, Munesh kể cho bạn bè ở trường về gia đình em ở làng Atharni. Mọi người đều chế nhạo chê cười câu chuyện của em. Song không bao giờ Munesh thay đổi và cả quyết chính em là Bhajan Singh, em có thể nhớ lại tất cả những chuyện thật của em ở kiếp trước. Không một ai trong gia đình cũng như trong bạn bè của em tin tưởng vào câu chuyện. Tuy nhiên trong gia đình em có ông nội em là người thương em nhiều nhất. Ông cô quyết định điều tra vụ này xem thực hư ra sao. Ông cô nghỉ rằng sau khi tìm được sự thực, tất nhiên Munesh không còn nói bậy nữa. Ông cô có biết một người láng giềng quê ở Itarni, do đó ông cô đã tìm đến người này. Người láng giềng này đã có tuổi nên có nhiều ký ức về quá khứ. Ông cô hỏi: "Có bao giờ ông nghe thấy ở Itarni có một người tên là Bhajan Singh không? Người này đã chết sau một cơn sốt, để lại một người vợ và một người con gái?"
Sau một hồi suy nghĩ, người láng giềng cho biết: "Tôi có nhớ một người ở Itarni có cái tên như vậy, và người ấy đã chết rồi để lại một người vợ và một người con gái. Hiện nay người vợ và đứa con gái đang sống tại Itarni".
Sau khi nghe được tin này, ông cô viết thơ cho gia đình Bhajan Singh và cho biết cháu nội ông tên Munesh ở Chandgari là hiện thân của Bhajan Singh.
Ít ngày sau, người anh của Bhajan Singh và người em rể của Bhajan Singh đã đến Chandgari để tìm hiểu sự việc. Khi hai người đến thì Munesh còn đang đi học. Munesh được người nhà đón về. Khi gặp hai người này thì Munesh nhận ra một trong hai người là anh của mình. (Từ lúc sanh ra đến nay, Munesh chưa bao giờ được gặp người này cả) Munesh nói: "Anh là anh tôi tên là Bhure Singh"
Chắp hai tay như cầu nguyện với vẻ kính cẩn em lại trước người lạ và gọi người này là anh. Người này không phải là người nhẹ dạ chấp nhận ngay mà liên tiếp hỏi Munesh về nhà cửa, về gia đình tại Itarni và về vợ con ra sao. Munesh đã trả lời đúng những câu hỏi của người anh không chút ngập ngừng. Munesh còn cho ngừời anh biết ở tiền kiếp em có một người bạn thân ở gần nhà. Người anh hỏi tên người đó thì Munesh cho biết tên là Bhagwati. Ông Bhure Singh xác nhận "Ðúng như vậy, Bhajan Singh và Bhagwati trước đây cùng lứa tuổi và hai người rất thân với nhau. Chúng là đôi bạn thân cho đến ngày Bhajan Singh từ trần lúc 21 tuổi.
Khi người anh và người em rể lên đường về nhà thì Munesh hết sức buồn bã, cố giữ lấy người anh và năn nỉ người anh đừng về. Người anh đã phải dỗ dành Munesh như sau: "Em cứ an tâm, trong ít ngày nữa anh sẽ trở lại, khoảng một tuần thôi anh sẽ đến đây mang Munesh về thăm Itarni".
Vài ngày sau có hai người đàn bà tới làng Chandgari. Một người là Ayodhya Devi, vợ của Bhajan Singh và người thứ hai là chị dâu của em. Ðể tìm hiểu sự thực cũng như bán tín bán nghi về tin tức một đứa trẻ tự nhận là chồng luân hồi trở về, nên người vợ đã cùng người chị dâu tìm đến làng Chandgari để gặp Munesh.
Hai người đàn bà này vóc dáng hao hao giống nhau, cũng cao và mảnh khảnh; 2 người đều che mạng kín mặt. Nghe tin có 2 người đàn bà lạ tới làng để tìm Munesh, một số dân làng đã đổ xô đến nhà Munesh. Khi gặp Munesh và ông nội, hai người đàn bà này vẫn che mạng và không giới thiệu mình là ai. Ông nội Munesh muốn thử cháu nên hỏi: "Này Munesh trong hai người đàn bà này, một người là mẹ con đấy, con có nhận được ai là mẹ con không?". Không chút ngập ngừng, Munesh trả lời không ai là mẹ của Munesh cả, chỉ có vợ và chị dâu. Ngay lập tức Munesh chạy lại cầm tay Ayodhya Devi và nói rằng: "Ðây là vợ tôi".
Vừa sợ hãi vừa nghi ngờ có thể đây là một cái bẫy nên bà ta đã vội vàng rút tay ra khỏi bàn tay của Munesh. Tuy nhiên khóe mắt của bà ta và Munesh nhìn nhau chứa chan tình cảm. Người đàn bà dịu dàng nói với Munesh: "Lại đây tôi hỏi vài câu". Rồi người góa phụ hỏi Munesh nếu quả thật Munesh là hiện thân của người chồng có thì hãy cho biết những chuyện bí mật riêng tư giữa hai người mà người ngoài không ai biết được.
Munesh trả lời: "Ðúng vậy tôi có đánh vợ tôi bằng hai cái cây dùng để xay bột. Sau khi dự cuộc thi ở Agra, tôi trở về Itarni thì gặp vợ tôi đang cãi nhau với mẹ tôi. Tôi đã đánh vợ tôi và làm cánh tay phải của vợ tôi bị chảy máu".
Người góa phụ vô cùng sửng sốt, và xác nhận việc bất hạnh đó quả có xảy ra. Rồi Munesh còn cho góa phụ biết thêm nhiều chi tiết về sự thân mật giữa hai vợ chồng mà chỉ có hai người biết được mà thôi. Lúc nói những điều bí mật này Munesh đã không cho mọi người nghe thấy.
Góa phụ Ayodhya Devi xác nhận những gì Munesh nói đều đúng sự thực và xin phép cho Munesh cùng về Itarni. Bấy giờ gia đình Munesh mới tin đây không phải là một chuyện ngớ ngẩn mà là một chuyện có thực. Munesh cùng ông nội đi Itarni. Khi đến nơi thì một đám đông người đã chờ sẵn, trong đám đông này, Munesh đã nhận đươc Bhagwati Prasad, người bạn thân ở tiền kiếp. Bhagwati nhận rằng anh đã chơi rất thân với Bhajan Singh xưa kia, để thử thách Bhagwati có hỏi Munesh nhiều câu, Munesh trả lời rất chính xác, có những sự kiện mà chỉ hai người biết được với nhau mà thôi. Tới Itarni Munesh không cần người hướng dẫn, tự mình tìm được nhà, và nhảy lên lòng mẹ Bhajan Singh. Munesh ôm chầm lấy bà, y như một đứa con mới tìm lại được mẹ sau nhiều năm xa cách. Mọi người chứng kiến nhìn thấy nước mắt đầm đìa trên gương mặt Munesh. Sau đó Munesh thăm nhà cửa chỉ cho biết những gì đã thay đổi so với hồi tiền kiếp.
Qua những sự kiện trên, Munesh quả là hiện thân của Bhajan Singh, đã từ trần vào năm 1960, lúc 21 tuổi tại Itarni.
-ooOoo-
-21-
NECATI
Tác Giả: H.N. Banerjee
Necati Unlustaskiran là một gia đình Ả Rập nghèo tại Thành Phố Adana, Thổ Nhĩ Kỳ. Khi mới chào đời em được đặt tên là Malik. Nhưng hai ngày sau, trong một cơn mộng, người mẹ đã thấy đứa con của mình yêu cầu được đổi tên là Necip.
Vì trong gia đình đã có người mang tên Necip rồi, nên theo tục lệ không thể hai người cùng một giòng họ cùng mang một tên nên gia đình đã quyết định đổi Necip thành Necati.
Khi bắt đầu biết nói, Necati thường kể những chuyện lạ lùng. Em nói những tên và những điều rất lạ mà gia đình em chưa hề thấy bao giờ cả. Em nói đến kiếp trước của em, em kể tên những người em quen biết và tên của những người em đã từng sống chung Em mô tả em lớn lên như thế nào, và ở tiền kiếp em đã bị một người bạn thân giết.
Em bảo ở tiền kiếp tên em là Necip Budak và em sống ở Mersin, Thổ Nhĩ Kỳ, vợ em tên là Zehara và có ba đứa con. Em nhớ lại là em rất sung sướng khi bồng bế đứa con trai tên Najak đi thăm người bạn thân Ahmed Renkli. Necip và Renkli là đôi bạn chí thiết.
Một việc bất hạnh đã xảy ra với đôi bạn này. Một hôm Ahmed Renkli báo cho Necip biết là Renkli sẽ qua thăm Necip và mang biếu anh một ít trà, nhưng khi Renkli đến lại quên mất trà. Necip phàn nàn và hai người to tiếng cãi nhau..., đi đến ẩu đả. Cuối cùng Renkli đã quá giận rút con dao nhíp sẵn có trong người và đâm túi bụi vào Necip. Necip đã chết thê thảm trên vũng máu.
Những người ở trong thị trấn thấy Necati quả là hiện thân của Necip Budak bị giết trước đây nên đều gọi Necati bằng tên Necip.
Những dữ kiện sau đây do Necati cho biết đã được kiểm chứng và xác nhận:
1. Zehara, vợ của Necip còn đang sống, chồng của Zehara tức Necip bị thảm sát. Zehara cùng Necip có ba người con.
2. Khi mang Necati đến nhà người chồng đã chết, Necati đã nhận được ngay ra được người vợ Zehara, nói được cả tên những đứa con, ngoại trừ đứa con thứ ba sanh sau khi Necip chết.
3. Một sự việc Necati nói là trong một cuộc cãi vã Necip đã lấy dao đâm vào đùi vợ. Ðúng như Necati đã nói, khi khám nghiệm Zehara có thấy một vết sẹo khá lớn trên đùi Zehara do Necip đâm.
4. Adana là nơi sanh của Necati. Adana cách xa Mersin là nơi trú ngụ bị đâm chết khoảng chừng 75 cây số. Gia đình Necati hiện tại và Necip-Zehara đều không có liên hệ và không hề quen biết nhau.
Phải chăng Necati chính là Necip Budak đã luân hồi nên mới có thể nhận được nào là vợ, nào là con và nhất là chỉ được vết thẹo trên đùi vợ mà chính Necip đã đâm trong khi nóng giận?
IV. HỌC GIẢ JOHN VAN AUKEN
John Van Auken là một học giả, thành viên của Hội A.R.E. (Association for Research And Enlightement, Hội Nghiên Cứu và Giác Ngộ) của tổ chức Edgar Cayce từ 19 năm qua và rất nổi tiếng về những bài thuyết giảng và những tác phẩm của Ông, trong đó có tác phẩm "Reincarnation: Your Secret Life (Luân Hồi:Bí Mật về Ðời Sống Của Quý Vị) do nhà xuất bản Ballantine Publishing Co. phát hành Năm 1991. Cuốn sách chứng tỏ tầm hiểu biết sâu rộng của Ông trong đó có phần Phụ lục nói về Edgar Cayce.
Chúng tôi xin trích dịch phần Phụ lục nói về Edgar Cayce .
-ooOoo-
-22-
LUÂN HỒI VỀ EGAR CAYCE
Tác Giả: John Van Auken
Edgar Cayce sanh Ngày 18 Tháng 3 năm 1877 tại một nông trại gần Hopkinsville, Kentucky. Thuở còn nhỏ Cayce đã chứng tỏ có trúc giác thần thông. Năm lên 6, Cayce cho cha mẹ biết có thể nói chuyện với những người họ hàng mới chết. Gục đầu ngủ trên cuốn sách, lúc thức dậy Cayce có thể nhớ trọn vẹn nội dung cuốn sách. Hết lớp bẩy, Cayce bỏ học và bước vào đời. Năm 21 tuổi, Cayce bị chứng sưng yết hầu làm mất giọng nói. Các bác sĩ điều trị không ai tìm được nguyên nhân căn bệnh. Cayce đã nhờ một người bạn giúp ông vào trạng thái thôi miên (trước khi còn đi học, ông vẫn hay áp dụng). Người bạn đã giúp ông. Trong trạng thái thôi miên ông đã nói rõ ràng và đi thẳng ngay vào bệnh trạng của ông. Ông cho biết phải dùng đến thuốc gì và phải điều trị như thế nào. Nhờ đó ông đã tự chữa được hết bệnh đau cổ họng mất tiếng.
Các bác sĩ của Thành Phố Hopkinsville và Bowling Green tại Kentucky đã lợi dụng tài năng độc nhất vô nhị của Cayce để chữa trị cho bệnh nhân của họ. Chỉ cần cho Cayce biết tên và địa chỉ của bệnh nhân là Cayce có thể dùng thần giao cách cảm để đến với xác cũng như tâm linh của người này. Người bệnh không cần phải ở gần Cayce mà bất cứ ở đâu Cayce cũng có thể đến với bệnh nhân bằng thần giao cách cảm.
Một vị bác sĩ trẻ làm việc chung với Cayce, đã tường trình cái khả năng kỳ diệu này của Cayce cho Hội Nghiên Cứu Bệnh Lý của Boston; sự kiện làm kinh ngạc mọi người. Tờ Nữu Uớc Thời Báo số ra Ngày 9 Tháng 10 Năm 1910 đã đăng tải hai trang cột chính về đề tài này với nhiều hình ảnh. Từ đó mọi người trên toàn quốc đều tìm đến Cayce "Nhà Tiên Tri Hôn Mê" và Cayce nổi tiếng.
Ðể đi vào trạng thái hôn mê, Ông thường nằm trên một chiếc trường kỷ, tay khoanh trước ngực và thở mạnh. Khi cặp chân mày Ông nhíu lại, đó là dấu hiệu báo cho người phụ trách (thường là Gertrude, vợ Ông) có thể nói chuyện với Ông. Nếu không có cái nhíu mày báo hiệu tức là Ông không tới được trạng thái hôn mê mà ông chìm vào giấc ngủ. Ông thực hiện phương pháp như có người bệnh ở sát bên Ông, và đầu óc Ông như một bộ máy quang tuyến X khám xét từng mỗi tế bào trong cơ thể. Khi công việc này xong, Ông nói: "Sẵn sàng trả lời". Ðầu óc sắp sẵn những câu trả lời cho các câu hỏi của bệnh nhân trong lúc Ông vẫn hôn mê. Khi nào Ông nói: "Bây giờ đã xong" là người phụ trách phải biết làm cho Ông tỉnh lại.
Nếu phương pháp không được thi hành đúng, Ông có thể ở trong tình trạng nguy hiểm. Có lần Ông bị hôn mê ba ngày liền khiến các bác sĩ tưởng là Ông phải chết.
Cứ mỗi lần ở trong tình trạng xuất hồn, viên tốc kỷ của Ông là Gladys Davis Turner phải ghi nhanh tất cả những gì Ông nói ra, đôi khi cô thư kỷ này ghi sai thì chính Ông dù đang hôn mê vẫn có thể sửa lại cho đúng. Thần thức của Ông có thể nhìn thấy tất cả mọi thứ chung quanh Ông và cả ở xa nữa.
Ngày 10 Tháng 8 Năm 1923, trong một cuộc thí nghiệm, mọi người đều muốn hỏi về sự sống, sự chết và tiền đồ của nhân loại. Trong một căn phòng nhỏ ở một khách sạn tại Dayton, Ohio, Arthur Lammers đã nêu vấn đề triết lý ra để hỏi Ông về cái khả năng kỳ diệu của Ông. Trong cuộc khảo sát này, ông bắt đầu nói đến luân hồi như một sự thật hiển nhiên, như một thực thể.
Cuối cùng Edgar Cayce đã chuyển về Virginia Beach (Virginia) thiết lập một bệnh viện do chính Ông điều khiển để chẩn bệnh theo phương pháp của Ông. Từ năm 1925 đến năm 1944 Ông đã tiên đoán 2500 lần, mô tả đời sống tiền kiếp nếu mọi người hiểu rằng luân hồi là thực. Những vấn đề như quá sợ hãi, thần kinh rung động, thiên tài về ca nhạc, khả năng thiên phú, khó khăn trong hôn nhân, học tập của các trẻ em theo Edgar Cayce cho biết là do nghiệp quả của tiền kiếp.
Ngày 3 Tháng Giêng năm 1945 Edgar Cayce từ trần tại Virginia Beach, để lại trên 14000 tài liệu tốc kỷ của hơn 6000 người thuộc mọi tầng lớp xã hội trong thời gian 43 năm qua.
Những lời tiên đoán của ông về siêu linh là một trong những hồ sơ quan trọng bậc nhất về tâm linh. Qua những hồ sơ, những thư từ, báo cáo, qua những sự phối kiểm của hàng ngàn những cuộc thí nghiệm về những lời tiên đoán của Cayce đã đem lại lợi ích quý báu cho các nhà tâm lý học, học sinh, các nhà văn, những nhân viên điều tra, và cho tất cả các lớp quần chúng.
Một tổ chức gọi là A.R.E. (Association For Research and Enlightement, 67th St & Atlantic Avenue, Virginia Beach, VA 23451) được thành lập từ năm 1932 để gìn giữ những tài liệu quý báu của Cayce. Ðây là một tổ chức mà hội viên những người tự do tư tưởng, tiếp tục ghi nhận, thâu lượm các tin tức, thực hành các vô điều tra và thí nghiệm, tổ chức các khóa học, hội thảo và diễn thuyết. Hội này có một thư viện lớn bậc nhất về khoa bán tâm lý, siêu linh học. Hội cũng giữ một bản thống kê trên 300 cuốn sách quý giá về lĩnh vực này.
V. TIẾN SĨ ROBERT ALMEDER
Tiến Sĩ Robert Almeder, Giáo Sư Triết của Ðại Học Ðường Georgia, Giám Ðốc Trung Tâm Kỹ Thuật của Ðại Học này là tác giả của tác phẩm khảo luận về luân hồi "Evidence For Life After Death" "Bằng Chứng Về Ðời Sống Sau Khi Chết". Ông cũng là thành viên của Viện Khoa Học Quốc Gia, đã được thưởng hai giải thưởng xuất sắc về Giáo Dục (Outstanding Educator of America Award) năm 1984, từng viết trên 50 bài khảo luận về triết học đăng tải trên các báo như Philosophy of Science, Synthese, The American Philosophical Quarterly, Philosophia, Erkentnis và The History of Philisophy Quarterly. Ông đã xuất bản 8 tác phẩm, trong đó có tác phẩm The Philosophy of Charles Pierce, và A Critical Introduction.
Ông đã dùng những chuyện có thật đã được phối kiểm để dẫn chứng trong cuốn "Evidence for Life After Death".
Dưới đây là vài chuyện trong tác phẩm trên do nhà Xuất Bản Thomas Springsfield, Illinois phát hành năm 1987.
-ooOoo-
-23 -
CÔ BÉ SWARNLATA
(Tái sanh sau khi chết được 9 năm)
Tác Giả: Robert Almeder
Năm 1951 trong một cuộc du ngoạn, một người Ấn Ðộ tên Mishra, cư ngụ tại thành phố Panna, thuộc Quận Madhya Pradesh mang theo đứa con gái 3 tuổi cùng vài người khác đến thành phố Jabalpur cùng Quận, cách Panna 70 dậm về phía Nam. Trên đường trở về khi đến địa phận thành phố Katni cách Jabalpur 57 dậm về phía Bắc, Swarnlata bất ngờ đề nghị người tài xế rẽ vào một con đường mà em nói là đường về nhà em nhưng người tài xế hoàn toàn không để ý đến lời yêu cầu này. Sau đó khi mọi người ngừng lại ở Katni để dùng trò giải khát, Swarnlata nói rằng mọi người sẽ được dùng trò ngon hơn nếu ghé vào nhà em gần đấy.
Lời nói của em làm Mishra nghĩ ngợi vì ông biết là gia đình ông, kể cả ông chưa có ai từng sống ở thành phố Katni cả. Ông càng ngạc nhiên hơn khi nghe con gái thường kể với bạn bè về tiền kiếp em thuộc gia đình Pathak tại Katni.
Hai năm sau khi được 5 tuổi em thường múa các vũ điệu và hát các bản nhạc cho người mẹ xem và nghe (sau này cho nhiều người khác). Cha mẹ em đều xác nhận không có người nào dạy em vũ và hát cả.
Năm 1958 khi lên 7, tình cì em gặp một người phụ nữ từ Katni đến, em cho biết đó là người đàn bà em quen ở kiếp trước. Ðến lúc này thì Mishra mới chịu nhận là con gái ông biết nhiều dữ kiện của kiếp trước.
Tháng 3 năm 1959, Giáo Sư Tâm Lý Học Banerjee của Ðại Học Rajasthan tại Jaipur bắt đầu điều tra. Sau khi tiếp xúc với Swarnlata tại Chhatarpur, Ông đi Katni làm quen với gia đình Pathak mà Swarnlata cho rằng em là một thân nhân của gia đình này. Trước khi Giáo Sư Bernajee đi Katni, theo lời mô tả của Swarnlata ông đã ghi 9 điểm đặc biệt về nơi của gia đình Pathak. Những chi tiết này hoàn toàn đúng như Swarnlata nói trước khi tới gia đình Pathak. Chắc chắn là trước khi Giáo Sư Banerjee tới Katni, gia đình Mishra không hề biết gì về gia đình Pathak cả.
Nhận thấy những điều Swarnlata cho biết về tiền kiếp trùng hợp với người con gái của gia đình Pathak có tên là Biya, vợ của Pandley, cư ngụ tại Maihar. Biya đã chết năm 1939 - tám năm trước khi Swarnlata ra đời.
Mùa hè năm 1959 vài người trong gia đình Pathak và gia đình Pandley cùng đến Chatarpur, nơi ông bà Misshra và Swarnlata cư ngô. Trước sự chứng kiến của một số điều tra viên, tuy không được giới thiệu nhưng Swarnlata đã nhận ra từng người trong hai gia đình và gọi đúng tên họ. Em đã kể lại những sự việc xảy ra khi Biya còn sống mà theo trong gia đình những sự việc này chỉ mình Biya biết được mà thôi. Chẳng hạn như em cho biết em có một cái cái răng cửa bịt vàng. Các người chị dâu của Biya xác nhận là đúng. Lẽ tự nhiên gia đình Pathak coi Swarnlata là hiện thân của Biya mặc dầu trước đây gia đình này không hề tin tưởng là có luân hồi.
Sau chuyến viếng thăm của gia đình Pathak và Pandley, cũng trong mùa hè năm 1959, Swarnlata và gia đình đến Katni và Maihar, nơi Biya đã lập gia đình và đã chết. Khi tới Maihar em đã nhận thêm một số người và cho biết những nơi có sự thay đổi so với lúc em còn sống. Những tiết lộ này đều được phối kiểm là đúng. Về sau em còn tiếp tục đến thăm gia đình em trai của Biya và biểu lộ một sự thương yêu nồng nàn.
Tuy nhiên có vấn đề là trước đây Biya chỉ nói được tiếng Hindu trong khi những bài hát và những điệu múa mà Swarnlata trình diễn lại bằng tiếng Bangali.
Trong cuộc điều tra này, các điều tra viên nhiều lần đã có ý thử thách để làm cho em lầm lẫn nhưng cuối cùng cũng phải công nhận những điều em nói về tiền kiếp rất chính xác.
Trường hợp trên đây đã được phối kiểm với những bằng chứng hiển nhiên, không ai có thể chối cãi sự luân hồi của Biya.
-ooOoo-
-24-
BÀ LYDIA JOHNSON
(Một Phụ Nữ Hoa Kỳ hiện đại, là một nông dân Thụy Ðiển ở Thế Kỷ Thứ 16)
Tác Giả: Robert Almeder
Năm 1973, Bà Lydia Johnson bằng lòng giúp chồng trong cuộc thí nghiệm thôi miên. Bà rất đắc lực vì dễ đi vào tình trạng hôn mê. Bác Sĩ Harold Johnson là một nhân vật nổi tiếng và trọng vọng tại Philadelphia. Năm 1971 ông đã dùng thuật thôi miên để chữa trị cho một số bệnh nhân.
Khi các cuộc thí nghiệm với người vợ đã tiến hành tốt đẹp, ông quyết định thôi miên vợ để tìm hiểu đời sống tiền kiếp của Bà, nhưng đang nửa chừng thì bỗng nhiên bà co giật người như bị đánh và sợ hãi hét lên. Bà ôm chặt đầu. Ông phải chấm dứt ngay cuộc thí nghiệm. Hai lần thử lại kết quả vẫn thế. Mỗi lần hồi tỉnh bà đều cho biết đã mục kích thấy cảnh tượng nhiều người già cả hình như bị bắt buộc nhảy xuống nước chết đuối. Chính Bà cũng cảm thấy như bị ai đẩy, rồi cú đánh rồi tiếng thét và cơn nhức đầu. Sau mấy lần thí nghiệm đều như trên, Bác Sĩ Harold Johnson đã mời Bác Sĩ John Brown đến thử lại cuộc thí nghiệm. Trước khi cơn đau tái diễn, B.S. John Brown nói với Bà: "Bà còn trẻ hơn họ đến 10 tuổi đấy." Và lần này không như lần trước Bà bắt đầu nói nhưng không phải những câu hay những tiếng nói vẫn dùng hàng ngày mà phần lớn là thứ ngôn ngữ lạ làm chẳng ai hiểu được. Giọng nói của Bà y hệt giọng đàn ông. Rồi chính Bà, một phụ nữ 37 tuổi, thốt ra câu: "Tôi là đàn ông". Ðược hỏi tên Bà cho biết "Jensen Jacoby".
Với ngôn ngữ ngoại quốc, xen lẫn vài tiến Anh ngặp ngừng, Bà tả lại cuộc đời tiền kiếp của Bà. Trong lần thí nghiệm này (và trong các lần sau đó), cũng với giọng đàn ông, Bà Lydia Johnson cho biết 3 thế kỷ trước Bà sống tại một làng nhỏ ở Thụy Ðiển. Những điều Bà nói trong lúc thôi miên đều được ghi âm và ghi chép kỹ lưỡng. Nhiều nhà ngôn ngữ học Thụy Ðiển được mời lại để phiên dịch lời nói của Jensen Jacoby. Trong các cuộc thí nghiệm sau, Bà Lydia Johnson hoàn toàn chỉ nói tiếng Thụy Ðiển, một ngôn ngữ mà từ trước đến nay Bà chưa từng biết tới. Khi được hỏi: "Ông làm gì để sống?". Jensen Jacoby cho biết ông là một người làm nghề nông ở thế kỷ thứ 16 tại Thụy Ðiển. Ðược hỏi: "Ông sống ở đâu?", Jacoby trả lời "Sống ở trong nhà" và khi được hỏi nhà ở đâu, Jacoby trả lời: "Ở Hansen". Tất cả đều được hỏi bằng tiếng Thụy Ðiển. Jacoby đã tả lại anh ta có cá tính đơn giản phù hợp với một người làm nghề nông . Tầm hiểu của anh chỉ hạn hẹp trong đời sống ở trong làng và một trung tâm thương mại mà anh được đến xem. Jensen Jacoby cho biết anh nuôi bà, ngựa, dở và gà. Anh thường ngày dùng bánh mờ, sóa, phó mát, cá hồi và bánh ngọt làm bằng hột cây anh túc do Latvia, vợ anh ta nấu nướng. Jacoby đã tự tay cất một căn nhà bằng đá để ở và vợ chồng anh không có con. Mẹ của Jacoby là người Na Uy và Jacoby là một trong ba người con trai của gia đình. Jacoby đã sống tự lập.
Một vài vật dụng được mang đến trong khi Bà Lydya Johnson còn đang bị thôi miên. Bà được yêu cầu mở mắt ra để lựa chọn các vật dụng này. Là hiện thân của Jensen Jacoby, Bà đã chọn một chiếc thuyền mẫu của Thụy Ðiển ở Thế Kỷ Thứ 17, một cái đấu bằng gỗ để dùng trong việc mua bán lựa mờ thời cổ, 1 cây cung và tên và những hột cây anh túc. Các dụng cụ tối tân chẳng hạn như cái kìm thì Bà từ chối vì không biết cách xử dụng.
Kết quả thí nghiệm về thôi miên trên đây đã chứng minh được Bà Lydia Johnson đã là hiện thân của Jensen Jacoby, một nông dân ở Hansen, Thụy Ðiển chết cách đây ba Thế Kỷ.
-ooOoo-
-25-
CẬU BÉ BISHEN CHAND
Tác Giả: Robert Almeder
Bishen Chand sanh năm 1921 trong một gia đình có tên là Ghulam ở Thị xã Bareilly, Ấn Ðộ. Khi được 1 tuổi rưỡi, Bishen Chand thường hay hỏi về Thị Xã Philbhit, một thành phố cách Bareilly 50 dậm. Không một ai trong gia đình Ghulam (Bishen Chand) quen biết người nào tại thành phố này cả. Bishen Chand đòi gia đình chở em đến thành phố này vì em tin chắc rằng kiếp trước em đã sống ở đó.
Thời gian trôi qua, Bishen Chand vẫn không ngưng nói chuyện về tiền kiếp của mình tại Thành Phố Philbhit. Gia đình em rất khó chịu phải nghe câu chuyện lập đi lập lại nhiều lần. Vào mùa hạ năm 1926, Bishen Chand được 5 tuổi, em nói là em nhớ lại rất rõ ràng tiền kiếp của mình: em là con một vị điền chủ giàu có tên là Laxmi Narain. Em bảo rằng em còn nhớ có một người chú tên là Har Narain sau này trở thành Cha của Laxmi Narain. Em tả lại ngôi nhà mà em đã sống, có 1 phòng dùng làm nhà thì và nhiều phòng khác dành cho phụ nữ. Hòng ngày em thường hay ca hát và nhảy múa với các cô Nautch, những vũ nữ chuyên nghiệp và cũng là những gái mại dâm. Em nhớ lại em thường đến dự tiệc tùng ở nhà người láng giềng có tên Sander Lal, căn nhà có "cái cổng màu xanh lá cây". Một hôm em khuyên cha nên lấy thêm một nàng hầu.
Cha Bishen là một thư kỷ của chính phủ nên rất nghèo. Trong khi nhớ về tiền kiếp với đời sống sung túc, giàu có, Bishen càng bực bội với cuộc sống hiện tại túng bấn nghèo nàn. Thỉnh thoảng em khước từ không dùng những món ăn mà theo em các người hầu hạ (trong tiền kiếp của em) cũng chẳng dùng. Bishen đòi ăn thịt cá trong khi nhà nghèo không có nên em thường sang hàng xóm để ăn. Những quần áo vải em bỏ một bên mà đòi quần áo lụa (em cho rằng quần áo vải cũng chẳng đáng cho các người hầu hạ của em mặc). Xin tiền cha, cha không cho, em khóc lóc.
Một hôm cha của Bishen nói rằng ông có ý định mua một chiếc đồng hồ và em bảo: "Cha à, đừng mua, khi nào về Philbhit con sẽ lấy cho cha 3 cái đồng hồ tốt của Hiệu Muslim mà con đã thành lập." Bishen còn cho biết thêm tên người chủ tiệm đồng hồ.
Chị Bishen lớn hơn em 3 tuổi, một lần đã bắt gặp em lấy rượu mạnh uống (mặc dù rượu này cất trong tủ chỉ dùng để làm thuốc). Em nói với người chị là em có thói quen uống rượu mạnh, ở tiền kiếp em thường uống rượu mạnh. Về sau em còn cho biết là ở tiền kiếp em có một nàng hầu (em hiểu sự khác biệt nàng hầu và vợ) tên là Padma. Mặc dầu Padma là gái mại dâm nhưng em rất mực thương yêu. Em còn hãnh diện khoe là em đã giết một người đàn ông từ nhà Padma đi ra.
Trí nhớ về tiền kiếp của Bishen đã lọt đến tai Ông K.K.N. Sahay, một luật sư ở Bareilly. Ông đã đến nhà Bishen Chand và ghi chép tất cả những điều em nói. Sau đó ông đưa Bishen, người cha và người anh của em đi Philbhit.
Luật Sư Sahay và gia đình Bishen đã tìm được đúng ngôi nhà của Laxmi Narain. Laxmi Narain, người mà Bishen nhận là tiền kiếp của mình đã chết được gần 8 năm. Một số đông đồng bào đã tụ tập tại đây khi nghe tin Luật Sư Sahay và gia đình Bishen tới Philbhit. Hầu hết mọi người trong vùng đều nghe tiếng giàu có của gia đình Narain và tính tình phóng đãng của người con trai tên Laxmi. Laxmi Narain đã gian díu với Padma, cô gái mại dâm (hiện còn sống tại đó) và vì ghen tuông Laxmi đã bắn chết tình địch. Gia đình Narain giàu có thế lực, nên Laxmi Narain được trắng án. Tuy nhiên vài tháng sau Laxmi Narain đã chết vì bệnh lúc 32 tuổi.
Khi đem em đến trường, Bishen đã chạy ngay vào phòng mà trước đây Laxmi Narain đã từng học. Một người đưa cho em tấm hình có chụp học sinh trong trường, Bishen đã nhận ra 1 người bạn có hiện diện giữa đám đông. - và khi người này hỏi về thầy giáo thì Bishen đã tả đúng là thầy giáo thì mập và có râu quai nón.
Tại đây Bishen đã nhận ra nhà của ông Sander Lal mà em đã tả lúc trước (trước khi đi Philbhit) có cổng xanh lá cây. Luật Sư Sahay khi đăng tải vụ này trên tờ báo quốc gia "The Leader" vào tháng 8 Năm 1926 là chính ông đã đến tận nơi và tận mắt thấy cái cổng của gia đình Sander Lal mầu xanh lá cây.
Em cũng chỉ cho mọi người biết cái sàn mà Laxmi Narain đã cùng ca hát và nhảy múa với các cô gái Nautch. Các người bán hàng nơi đây cũng đều xác nhận.
Cũng trên tờ báo "The Leader" Luật Sư Sahay viết rằng tên cô gái điếm Padma mà Bishen đã nói là người tình mà em rất đỗi yêu thương cũng đã được đám đông hiện diện hôm ấy công nhận là đúng.
Trong ngày hôm đó vì muốn thử Bishen, người ta đã đem đến truớc mặt em một căp trống Tabbas. Cha của Bishen cho biết là từ khi sanh ra cho đến bây giờ Bishen chưa bao giờ được nhìn thấy loại trống Tabbas này cả. Trước sự kinh ngạc của gia đình và của mọi người Bishen Chand đã chơi trống một cách thành thạo chẳng khác gì Laxmi Narain khi còn tại thế. Khi mẹ của Laxmi Narain gặp Bishen thì quả là một cảm tình sâu đậm đã phát sanh gióa hai người. Bishen đã trả lời tất cả các câu hỏi của Bà Mẹ Laxmi Narain (chẳng hạn như có lần em đã ném các quả dưa muối). Bishen đã nói tên và tả người đầy tớ hầu mình thuở trước và còn cho biết giai cấp của người này. Sau này em cho biết em thương yêu Bà Mẹ Laxmi Narain hơn là người mẹ đã sanh ra em hiện nay.
Cha của Laxmi Narain, trước khi chết, có chôn một số của cải nhưng mọi người trong gia đình không biết ở đâu. Khi được hỏi tới vụ này, em đã dẫn mọi người đến một căn phòng của gia đình. Tại đây người ta đã tìm được 1 kho toàn những đồng tiền vàng chứng tỏ quả là em đã sống tại nhà này ở tiến kiếp.
Khi nghiên cứu vụ này Stevenson (Tiến Sĩ Ian Stevenson, Chuyên Gia Khảo Cứu Luân Hồi) đã khẳng định đây là một trường hợp rất có ý nghĩa bởi vì hồ sơ còn được lưu giữ tại Văn Phòng một Luật Sư đáng tin cậy và nhiều nhân vật chính hiện còn sống và sự phối kiểm tin tức của Bishen có thể thực hiện được. Rất nhiều người biết Laxmi Narain hiện còn sống và biết rõ ràng khi Bishen nói về những ký ức của em.
Hơn thế nữa theo Stevenson đây không phải là một vụ giả tạo vì gia đình Bishen Chand không có lợi lộc gì trong vô liên hệ với gia đình Laxmi Narain đã bị sa sút từ khi Laxmi Narain từ trần.
Bishen Chand quả là tiền thân của Laxmi Narain.
-ooOoo-
-26-
SHANTA DEVI
Tác Giả: Robert Almeder
Shanti Devi sanh năm 1926 tại thành phố có Dehli. Năm lên 3 tuổi em thường kể lại cho gia đình nghe về tiền kiếp của em. Shanti nói kiếp trước em lấy một người chồng tên là Kendarnarth sống ở gần Muttra. Em có hai con và em chết khi sanh đứa con thứ ba vào năm 1925. Shanti đã mô tả căn nhà trước đây em từng sống cùng chồng và các con tại Muttra. Shanti nói tên của em ở tiền kiếp là Ludgi. Em mô tả các người thân bên em cũng như bên chồng em ở tiền kiếp, cách sinh sống của họ như thế nào và bị chết ra sao. Việc Shanti Devi tái sanh xảy ra rất mau, một năm sau khi chết nên ký ức của em ở tiền kiếp còn rất rõ ràng, mới mẻ.
Vì thấy Shanti Devi cứ lập đi lập lại nhiều lần về tiền kiếp của mình nên Kishen Chand, người cậu của em đã gửi thư đi Muttra theo địa chỉ Shanti Devi cho biết để xem thực hư ra sao. Thư đến tay ông Kendarnarth, một người góa vợ và con đang sầu muộn vì người vợ tên Ludgi vừa chết trong khi sanh đứa con thứ ba năm 1925. Vốn là người theo Ấn Ðộ Giáo chính thống nên ông không chấp nhận vợ ông Ludgi đã luân hồi và trở thành Shanti Devi ở Dehli nhưng ông không khỏi hoài nghi vì có sự trùng hợp này.
Ðể tìm hiểu sự thực, ông Kendarnarth đã nhờ người em họ tên Lal (sống ở Dehli) đi điều tra và đã hỏi về cô bé Shanti Devi này. Lấy cớ đi buôn bán, ông Lal đã tìm được đến nhà Shanti Devi. Vừa trông thấy ông Lal, khi ra mở cửa, em đã òa khóc và ôm choàng lấy ông. Bà mẹ Shanti Devi cũng chạy vội ra, ông Lal chưa kịp mở miệng thì Shanti Devi (lúc này 9 tuổi) nói với mẹ: "Thưa mẹ đây là người em họ của chồng con. Hồi còn ở Muttra, chú ấy và chúng con không ở xa nhau lắm, nhưng nay chú ấy đã chuyển về Dehli. Con rất sung sướng gặp lại chú ấy. Chú ấy phải vào nhà. Con muốn biết tin tức của gia đình con."
Sau khi được em kể lại những chuyện thuộc tiền kiếp của em, Ông Lal xác nhận là đúng nên đã đề nghị ông Kendarnarth đem người con cưng đến Dehli để thăm Shanti Devi.
Khi ông Kendarnarth cùng người con trai tới nhà Shanti Devi thì Shanti Devi đã ôm hôn họ và đã gọi họ bằng các tên thân yêu. Shanti Devi đã đối xử với ông Kendarnarth như một bà vợ hiền. Em đã mời ông dùng bánh bích quy với phó mát. Bị xúc động Ông Kendarnarth đã không ngăn được nước mắt. Shanti Devi đã đã dùng những câu nói mà trước đây Ludgi vẫn sử dụng hằng ngày để an ủi ông, vè về ông.
Câu chuyện đã làm cho báo chí và dư luận xôn xao. Các nhân viên điều tra đã đưa Shanti Devi đi Muttra và yêu cầu em dẫn họ về cái nhà mà em đã từng ở và đã chết tại đó ở tiền kiếp Khi xe lửa vừa tới Muttra, Shanti Devi sung sướng òa khóc và dở tay vẫy một vài người đứng trong sân ga. Em cho các điều tra viên biết một người là mẹ chồng và một người là anh chồng. Em đã nói đúng. Ðiều quan trọng hơn nữa là, vừa từ trên xe lửa bước xuống, thay vì dùng tiếng Ấn Ðộ Hindustrani như em đã được học tại Dehli thì Shanti Devi đã dùng tiếng địa phương Muttra mà em chưa từng bao giờ được dạy dỗ để nói chuyện với mọi người. Là hiện thân của Ludgi đã cư trú tại Muttra, nên em đã nói được tiếng địa phương này.
Sau đó Shanti Devi đã dẫn các điều tra viên về nhà Kendarnarth và còn cho biết thêm các chi tiết khác mà chỉ có mình Ludgi biết chẳng hạn khi ông Kendarnarth hỏi Shanti Devi trước khi chết Ludgi có dấu mấy cái nhẫn nơi nào. Shanti Devi cho biết những chiếc nhẫn đó được bỏ trong một cái bình và chôn dưới đất của căn nhà có. Các nhân viên điều tra đã tìm thấy những chiếc nhẫn đó.
Trường hợp luân hồi này đã được trình bày trước dư luận báo chí thế giới và là một đề tài sôi nổi trong việc khảo cứu tại nhiều trường học.
-ooOoo-
-27-
NHỮNG HỒN MA CỦA CHUYẾN BAY 401
Tác giả: Robert Almeder
Trong đêm thảm khốc 28 Tháng 12 Năm 1972 chiếc phi cơ 401 của Hãng Eastern Airlines đã bị rớt xuống vùng Everglades, Tiểu Bang Florida. Tất cả 101 người vừa phi hành đoàn vừa hành khách đều tử nạn. Sau đó 2 tháng, Hồn Ma Bob Loft, viên phi công chính và Don Repo, viên phi công phụ đã xuất hiện trên một phi cơ khác cùng đường bay.
Theo ông John Fuller, nhân viên phụ trách việc điều tra tai nạn nói trên thi hai hồn ma này đã xuất hiện nhiều lần, nhất là trên chiếc phi cơ 318 mang động cơ L-1011 sử dụng một số phụ tùng cũng như vật liệu còn lại của chiếc 401.
Một lần, khi chiếc phi cơ 318 chuẩn bị cất cánh từ Newark đi Miami, viên phi công phụ đã hoàn tất việc kiểm soát lần chót cùng viên phi công chính bước vào phòng lái. Thực phẩm đã được cung cấp đầy đủ. Mọi công tác chuẩn bị đã xong. Máy bay chỉ còn chờ cất cánh. Như thường lệ cô chiêu đãi viên chính đếm lại số hành khách của chuyến bay. Cô thấy dư một người. Nơi dẫy ghế hạng nhất, có một người ăn mặc như phi đoàn trưởng của hãng đang ngồi. Cô nghĩ có lẽ vị này dã làm xong nhiệm vụ và trở về Miami nên khỏi mua vé, vì lẽ đó số hành khách đã dư ra một người. Cô thấy phải báo cáo cho vị khách này tên ông không được liệt kê trên danh sách hành khách. Cô lại gần và hỏi xem có phải Ông đã được phép ngồi trên loại ghế Jump Seat (loại ghế tự động có thể nhảy dù ra ngoài khi máy bay gặp nạn) của dẫy ghế hạng nhất để trở về Miami hay không? Nhưng Ông không trả lời và điềm nhiên nhìn thẳng về phía trước. Cô hỏi thêm lần nữa. Ông vẫn không trả lời, vẫn nhìn thẳng phía trước mặt.
Thấy lạ, cô liền báo cáo ngay cho vị giám thị trưởng. Vị này và cô cùng tiến về phía phi đoàn trưởng lạ lùng cũng hỏi lại như trên nhưng cũng như hai lần trước không được trả lời. Viên phi đoàn trưởng này nhìn chung không có gì khác lạ, duy có một điều là Ông có vẻ rụt rè ngơ ngác. Một trong hai người chạy vào phòng lái tường trình sự việc cho viên phi công chính (tức phi đoàn trưởng của chuyến bay). Ông John Fuller nhấn mạnh là có khoảng 6 hành khách ngồi gần vị khách này đều hiếu kỳ muốn biết sự việc. Viên phi công chính biết rất rõ là không hề còn một vị phi công nào khác ngoài phi hành đoàn của chuyến này, có nghĩa là vị khách lạ này không có giấy tờ hợp lệ. Vừa đi Ông vừa nghĩ như vậy và tiến về phía vị khách. Viên giám thị và cô chiêu đãi viên đứng kế bên.
Ông cúi xuống nhìn mặt vị khách. Ðột nhiên máu Ông như muốn đụng lại. Ông hét lên: "Trời Ơi! Chính là Bob Loft đây mà!". Toàn thể dẫy ghế hạng nhất im phăng phắc. Trước mắt mọi người, vị khách lạ lùng bỗng dưng biến mất. Viên phi công chính trở về phòng điều hành, ngưng việc cất cánh, kiểm soát lại một lần nữa, nhưng vô ích, vị khách lạ vẫn mất dạng. Sau đó chuyến bay vẫn tiếp túc cuộc hành trình về Miami. Tất cả hành khách lẫn phi hành đoàn đều hết sức kinh hãi. Khi về tới Miami, 3 nhân viên của chiếc 318 (cô chiêu đãi viên, vị giám thị và viên phi công) có xem lại sổ ghi các biến cố xảy ra trong chuyến bay thì lạ thay các trang giấy có ghi rõ ràng sự việc trên đã hoàn toàn biến mất. (Theo luật lệ của FAA - Cơ Quan Giám Sát Luật Lệ Không Vận, thì mỗi chi tiết xảy ra trong chuyến bay đều phải ghi hết vào sổ).
Bắt đầu từ vụ này, sau mỗi chuyến bay, người ta đã lấy báo cáo ghi sổ xếp ngay vào hồ sơ (Luật Lệ này trái với nguyên tắc của Hẫng Eastern từ trước tới giờ).
Một lần khác nữa, hồn ma Bob Loft cũng xuất hiện trên phi cơ 318 đứng giữa chiêu đãi viên và phi công chính, làm họ sợ hãi phải hủy bỏ chuyến bay.
Viên phi công phụ Don Repo cũng xuất hiện trên Phi cơ 318 nhiều lần. Một thời gian sau, hồn ma phi công chính Bob Loft không còn thấy nữa, nhưng người ta vẫn thấy Don Repo cho đến 2 năm sau ngày chuyến phi cơ 401 lâm nạn.
Sau đây là vài sự việc xảy ra do Ông John Fuller ghi nhận; những sự việc đáng kể nhất đã xảy ra trước mắt một số người. Người ta tính có tới 12 lần hồn ma Don Repo xuất hiện cho đến cuối năm 1973. Thường thường Don Repo xuất hiện ra để giúp đỡ các cô chiêu đãi viên hay các nhân viên cơ khí sửa chữa các trục trặc kỹ thuật. Don Repo xuất hiện như một người bạn tốt, thích giúp đỡ mọi người. Có nhiều lần người ta thấy Don Repo trò chuyện với một số người trên máy bay.
Sau đây là một sự việc xảy ra có sự chứng kiến của một nữ hành khách đi vé hạng nhất của chiếc phi cơ 318 từ Nữu Ước về Miami. Máy bay đang còn trên phi đạo. Nhân viên phụ trách đếm số hành khách đang tiến về dẫy ghế hạng nhất. Nữ hành khách nói trên ngồi cạnh một nhân viên phi hành trong bộ đồng phục kỹ sư cơ khí của Hãng Eastern. Có điều gì đó làm cho bà ta lo ngại. Viên kỹ sư gương mặt xanh sao, có vẻ như đang bệnh. Bà ta nói rằng nếu Ông cảm thấy không được khoẻ, Bà sẽ gọi một chiêu đãi viên đến giúp đâ Ông, nhưng Ông làm ngơ không trả lời. Bà liền gọi cô chiêu đãi viên đến. Cô xác nhận trông Ông như một người đang bệnh. Cô hỏi Ông có cần gì không thì Ông đã biến mất trước sự sửng sốt của nhiều hành khách. Riêng vị nữ hành khách ngồi cạnh bị khích động vô cùng. Vị nữ hành khách và nhân viên phi hành đã khám phá ra vị kỹ sư cơ khí ngồi dẫy ghế hạng nhất đó chính là Don Repo.
Năm 1974 một phi đoàn trưởng đã xác nhận với ông John Fuller chính ông đã được một kỹ sư cơ khí phi hành ngồi trên một ghế Jump Seat của chiếc L-1011 cho biết hệ thống điện của máy bay đang trục trặc. Ông ra lệnh kiểm soát thêm một lần nữa thì khám phá được một mạch điện bị hư. Sau đó ông nhìn lại thì thấy chính là viên phi công phụ Don Repo.
Thêm một chuyện xảy ra trong chuyến bay đi Mexico City vào tháng 2 năm 1974. Chiếc 318 đang sẵn sàng cất cánh. Một nữ nhân viên phi hành chợt nhìn thấy gương mặt của Don Repo nơi cánh cửa chính. Gương mặt nhìn thẳng mặt cô. Cô chạy lên cầu thang mời một nhân viên phi hành xuống xem. Cả hai vẫn nhìn thấy gương mặt trên cánh cửa. Họ liền báo với Ban Ðiều Hành. Viên kỹ sư cơ khí của Ban Ðiều Hành lập tức xuống xem, vẫn còn thấy gương mặt của Don Rep đang đăm đăm nhìn ông và nói với ông rằng: "Hãy cẩn thận! Máy bay có thể bị bốc cháy!" Rồi gương mặt biến mất. Quả đúng như vậy, trong lúc cất cánh, một máy bị cháy. Chiếc 318 chỉ còn chạy bằng một máy mà thôi.
Những cấp thẩm quyền của Hãng Eastern cho rằng những hồn ma của chiếc 401 (Bob Loft và nhất là Don Repo) chỉ là chuyện nhảm nhí (có lẽ vì sợ ảnh hưởng đến việc thương mại của Hãng) và nói rằng không một ai trông thấy cả nhưng lại từ chối không cho ai xem sổ ghi các biến chuyển của các chuyến bay liên hệ. Người ta chỉ biết rằng, khi tất cả các đồ phụ tùng còn lại của chiếc máy bay bị rớt 401 đã được tháo gỡ khỏi chiếc 318, thì các hồn ma nói trên không còn thấy xuất hiện nữa.
Sự việc trên cũng giống như sự việc hồn ma Butler (Bà George Butler) ở một làng tại Machiasport, Tiểu Bang Maine, chết rồi nhưng còn xuất hiện nhiều lần trước sự chứng kiến của hàng trăm dân địa phương. Mục sư Cummings đã nhận được khoảng 30 bản tường trình.
Hồn ma của chuyến bay 401 cũng đã xuất hiện nhiều lần trong nhiều trường hợp trong một thời gian khá dài trước một số người được mục kích.
 
 

No comments:

Post a Comment