Giảng tại
TV. Lộc Uyển
Chủ đề
hôm nay tôi nói là Hồi đầu thị ngạn, tức “Quay đầu lại là bờ giác”. Biển
mê và bờ giác chỉ cách nhau có một cái quay đầu. Tại sao chúng ta tu lâu quá mà
chưa giác? Đó là điều tôi muốn nói với tất cả.
Thân
chúng ta có đầy đủ sáu căn, nhưng lúc nào chúng cũng phóng ra ngoài. Mắt đuổi
theo sắc, tai đuổi theo âm thanh, mũi đuổi theo mùi hương v.v… Sáu căn đuổi
theo sáu trần là đi đường mê. Bây giờ muốn trở về bờ giác thì phải quay đầu lại.
Tôi sẽ dẫn kinh để nói lên lẽ thật này.
Trong
kinh Lăng Nghiêm, Phật đưa tay lên hỏi ngài A-nan: “Ông thấy không?” Ngài A-nan
thưa: “Dạ thấy.” Phật để tay xuống, hỏi: “Thấy không?” Ngài A-nan thưa: “Dạ
không thấy.” Ngay đó Phật liền quở: “Ông đã quên mình theo vật!” Tại sao vậy?
Đây là
câu chuyện nhỏ mà chúng ta ít quan tâm, chứng tỏ chúng ta cũng từng quên mình
theo vật. Phật đưa tay lên, ngài A-nan thấy cái tay. Phật để tay xuống, ngài
A-nan thấy không có cái tay, chớ không phải không thấy. Thế mà Ngài trả lời
“không thấy” nên mới bị Phật quở. Đâu phải cái tay mất là mất cái thấy. Cái thấy
là mình, cái tay là cảnh. Không thấy là không thấy cái tay, chớ cái thấy vẫn hiện
tiền. Cái thấy hiện tiền mà nói không, đó là quên mình chạy theo vật. Tất cả
chúng ta cũng đều quên mình như vậy.
Phật lại
dạy ngài La-hầu-la đánh chuông “boong” rồi hỏi ngài A-nan: “Ông nghe không?”
Ngài A-nan trả lời: “Dạ nghe.” Lát sau, tiếng chuông bặt, Phật hỏi: “Nghe
không?” Ngài A-nan thưa: “Dạ, không nghe.” Phật bảo ngài La-hầu-la đánh chuông
một lần nữa và cũng hỏi y như vậy, ngài A-nan cũng trả lời y như vậy. Phật quở:
“Ông quả là quên mình theo vật!”
Như vậy
là sao? Trả lời như thế nào mới đúng? Đánh tiếng chuông “boong” hỏi nghe không
thì trả lời “Nghe”. Khi tiếng chuông bặt, hỏi nghe không, trả lời “Không nghe”.
Như vậy là đồng hóa cái nghe với tiếng chuông làm một. Nhưng tiếng chuông là cảnh,
cái nghe là mình. Cảnh hết chớ cái nghe đâu có mất. Tiếng chuông mất mà bảo
“không nghe” tức là quên mình, chỉ biết cảnh thôi. Chúng ta tự kiểm xem lâu nay
mình mê hay tỉnh. Thực tế chúng ta đang mê mà không biết mình mê lầm.
Qua một
chuyện khác, Thiền sư Cảnh Thanh nghe tiếng con nhái bị rắn bắt, kêu la om sòm,
Ngài hỏi Thị giả: “Tiếng gì đó?” Thị giả trả lời: “Bạch Hòa thượng, tiếng con rắn
bắt con nhái, con nhái la.” Ngài liền nói: “Chúng sanh khổ lại có khổ chúng
sanh.” Cái gì là chúng sanh khổ? Cái gì là khổ chúng sanh? Con nhái bị con rắn
bắt nên nó la, đó là chúng sanh khổ. Thị giả nghe tiếng nhái kêu la mà quên
mình có cái hay nghe, đó là khổ chúng sanh. Câu chuyện hết sức đơn giản, nhưng
hỏi ra lại thấy rắc rối.
Bây giờ nếu
chúng ta muốn trả lời thay cho chú Thị giả thì phải trả lời làm sao? Khó, phải
không? Để thấy rằng nếu đứng trong trường hợp chú Thị giả, chúng ta cũng thế
thôi. Nhưng sự thật đâu có khó, chỉ cần nói: “Con nghe tiếng rắn bắt nhái kêu.”
Chỉ thêm từ “Con nghe” là có mình. Vì chú Thị giả chỉ biết có tiếng thôi mà
không biết có mình, nên mất mình. Khác biệt một chút thôi mà nói lên được sự
khác nhau giữa người tỉnh và người chưa tỉnh.
Chúng ta
tu cũng vậy, luôn quay lại mình, nhớ mình, đừng chạy theo cảnh. Nếu nhớ mình là
tỉnh, còn chạy theo cảnh là mê. Như vậy trên đường tu không có gì khó, mà khó tại
chúng ta quên mình. Giờ đây tỉnh lại biết quay về mình, đó là xoay về bờ giác.
Trong
kinh Lăng Nghiêm, Phật nói tất cả chúng sanh đều có một tinh minh sanh ra sáu
hòa hợp. Một tinh minh tức là một cái trong sáng. Cái trong sáng đó sanh ra sáu
hòa hợp tức mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu căn bên trong hợp với sáu trần
bên ngoài sanh ra sáu thứ phân biệt, nên gọi là lục hòa hợp. Chúng ta tu là từ
lục hòa hợp trở về một tinh minh. Đó là bờ giác. Ngược lại, sáu hòa hợp đuổi
theo sáu trần, đó là mê.
Muốn trở
về một tinh minh đó, phải ngay nơi sáu hòa hợp đừng dính với sáu trần. Ví dụ
cái nhà có sáu cửa đang mở, bên trong có một ngọn đèn néon lớn. Chúng ta đứng
ngay cửa, nhìn ra thì thấy tối, xoay lại thì thấy sáng. Đơn giản như vậy. Ngó
ra ngoài, đuổi theo bên ngoài là đi trong biển mê. Xoay lại thấy ngọn đèn sáng
là trở về bờ giác. Chỉ một cái xoay lại, hết sức giản đơn! Thế thì tu đâu có
khó. Lẽ thật như vậy.
Cho nên
cũng trong kinh Lăng Nghiêm, ngài A-nan hỏi Phật: “Cái gì là cội gốc của phiền
não sanh tử? Cái gì là cội gốc của Bồ-đề Niết-bàn?” Khi đó, không những đức Phật
Thích-ca, mà mười phương chư Phật, khác miệng đồng lời, cùng nói to lên rằng:
“Sáu căn của ông là cội gốc phiền não sanh tử, sáu căn của ông cũng chính là cội
gốc Bồ-đề Niết-bàn!” Nên biết tu là nhắm ngay nơi sáu căn, xoay trở về là Bồ-đề
Niết-bàn, chạy ra ngoài là phiền não sanh tử. Việc tu quá dễ, có gì phải nghi
ngờ nữa.
Hiện giờ
chúng ta ngồi thiền để làm gì? Ngồi thiền là cốt gỡ bớt dính mắc của mắt, tai,
mũi, lưỡi đối với các trần bên ngoài, chỉ chú ý bên trong. Trong sáu căn, điều
phục được ý đừng cho chạy theo pháp trần là gốc. Pháp trần là những bóng dáng của
quá khứ, chúng ta lưu giữ trong tâm. Khi ngồi yên chúng trào lên khiến mình nhớ
cái này, nghĩ cái kia. Do vậy, chúng ta phải điều phục ý khiến nó không còn khả
năng lôi mình chạy nữa, đó là mục đích chánh của người tu thiền.
Tại sao
sáu căn mà chúng ta chỉ điều phục ý thôi? Thật ra, khi mắt thấy sắc, nếu chỉ thấy
thôi, không có chú “ý” hợp tác thì đâu có chuyện. Tai nghe tiếng cũng vậy. Cho
nên tuy “ý” sâu kín bên trong nhưng nó rất hệ trọng. Làm chủ được ý rồi thì năm
căn kia làm chủ được. Vì vậy chúng ta phải quay về, làm sao điều phục cho ý dừng
lại, đừng chạy nữa thì thành công. Chú “ý” dừng lại đó là định. Còn nó chạy
hoài, đó là loạn.
Chúng ta
làm việc gì đều phải biết được gốc của nó. Nhiều người cứ nghĩ tu thiền cho khỏe
mạnh hoặc sống lâu, như thế là không đúng. Tu thiền là điều được ý căn của mình.
Cho nên trong nhà thiền có câu chuyện hết sức đơn giản mà lý thú. Ngài Ngưỡng
Sơn Huệ Tịch tới chỗ Thiền sư Hồng Ân Trung Ấp thưa:
- Bạch
Hòa thượng, thế nào là Phật tánh?
Ngài
Trung Ấp nói:
- Ta
không thể nói thẳng được, nên dùng thí dụ này cho ông tạm hiểu: Như có con khỉ
nhốt trong lồng sáu cửa. Bên ngoài một con khỉ khác tới kêu “Chéo! Chéo!” Con
khỉ bên trong đáp lại “Chéo! Chéo!” Cứ như vậy, con khỉ bên ngoài tới cửa nào
cũng kêu, thì con khỉ bên trong đều đáp lại hết.
Nói đến
đó ngài Trung Ấp làm thinh.
Ngưỡng
Sơn là một tay cự phách trong nhà thiền, nghe xong liền hỏi: “Bạch Hòa thượng,
nếu con khỉ bên trong ngủ thì sao?” Ngay khi đó Thiền sư Trung Ấp từ trên tòa
bước xuống nắm lấy vai Ngưỡng Sơn nói: “Chúng ta thấy nhau rồi!”
Câu
chuyện hết sức đơn giản và cũng hết sức rõ ràng. Thiền sư nói “Thấy” đó, là thấy
cái gì? Con khỉ ở trong là con khỉ ý thức của mình. Con khỉ ở ngoài là sáu trần.
Nếu cơ quan nào tiếp xúc và bị dính với một trần thì con khỉ ý thức bên trong
liền nhảy ra. Nó cứ phản ứng đều đều như vậy. Nếu con khỉ ý thức lặng rồi thì
Phật tánh hiện tiền, không cần giải thích Phật tánh là gì. Cho nên khi con khỉ
ngủ thì Phật tánh hiện tiền, vì vậy các ngài nói “Chúng ta thấy nhau rồi”.
Việc tu
rõ ràng không phải chuyện xa lạ ở đâu, vậy mà lâu nay chúng ta cứ tìm kiếm bên
ngoài, không biết gốc của sự tu hành. Như ngồi thiền là để dừng ý thức lại,
không cho nó loạn động. Dùng cách nào, phương tiện nào cũng được, miễn điều phục
được ý là tốt. Có người lại sợ: “Tâm tôi yên quá, không biết thành cái gì?”
Chính chỗ này tôi nhắc lại cho quí vị nhớ câu chuyện Tổ Huệ Khả.
Khi Tổ đã
biết đường vào, trải qua một thời gian tu, sau đó Ngài bạch với Tổ Đạt-ma: “Con
dứt hết các duyên.” Tổ Đạt-ma bảo: “Coi chừng rơi vào không.” Ngài thưa: “Rõ
ràng thường biết, làm sao không được.” Ngay đó Tổ liền ấn chứng: “Ngươi như vậy,
ta như vậy, chư Phật cũng như vậy!” Đó là truyền tâm pháp ấn. Thế nhưng bây giờ
có nhiều người lại bày chuyện truyền tâm theo những cách lạ lùng, khó hiểu. Thật
ra, truyền tâm pháp ấn là những gì trò thấy đúng như thầy thấy, và những gì thầy
thấy đúng như Phật Tổ thấy.
Việc truyền
tâm ấn trong nhà thiền hết sức đơn giản, nhưng người ta vẫn lầm vì câu chuyện của
Tổ Huệ Năng. Khi được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn gọi vào thất, Ngài còn là cư sĩ. Vì sợ
người ngoài ganh tỵ nên buộc lòng Tổ phải lấy y che chung quanh cửa thất để người
ngoài không thấy. Trong thất, Tổ nói kinh Kim Cang, ngài Huệ Năng ngộ đạo và được
truyền y bát. Người thời nay cũng bắt chước như vậy, muốn “truyền tâm ấn” thì
thầy trò vào riêng trong phòng, che kín lại. Truyền kiểu đó chẳng những không
đúng mà còn khó coi quá! Ngày xưa Tổ có hoàn cảnh khác, bây giờ mình có hoàn cảnh
khác mà lại làm thế là chỉ chuộng hình thức, chớ không thấy được mục đích chủ yếu
của người xưa.
Tôi xin hỏi:
Tất cả quí vị tin mình có Phật tánh không? Nếu tin thì chỉ cần một cái quay đầu
là thấy, vì nó đã sẵn đây. Ngó ra thì mất, nhìn lại thì nó hiện tiền! Nhưng
cũng có nhiều người hiểu lầm nghĩa quay đầu. Nghe nói quay đầu, họ cứ nhìn vô
tim vô ngực thành ra sanh bệnh. Quay đầu nghĩa là nơi mắt, tai, mũi, lưỡi…
chúng ta đừng dính ngoại trần. Trong bất kỳ trường hợp nào, cũng nhớ mình đang
thấy, đang nghe thì cảnh ở ngoài không chi phối được. Vì nhớ như vậy nên chúng
ta đâu có phân tích cái này đẹp cái kia xấu. Nghe thì cứ nghe, thấy thì cứ thấy,
mà không đuổi theo, không dính mắc với cảnh. Nói quay đầu nhưng thật ra không
quay gì hết, chỉ đừng dính với trần là được.
Trong nhà
thiền thường nói, khi ngộ đạo rồi mắt thấy như mù, tai nghe như điếc. Như mù
nhưng không phải mù, như điếc nhưng không phải điếc. Giả sử chúng ta đi chợ,
nghe người ta xôn xao đủ thứ, nhưng mình không dính, không chú ý. Khi về người
nhà hỏi: “Bữa nay đi chợ thấy cái gì?” Mình nói: “Không thấy gì hết.” Nhưng sự
thật mình có thấy không? Có thấy nhưng không dính thành ra như không thấy. Còn
nếu ta để tâm vào việc gì thì khi được hỏi, mình liền trả lời: “Thấy thế này,
thế kia.” Đó là ta đã tích lũy pháp trần vào trong tâm rồi.
Cho nên
việc tu có nhiều điểm rất hay mà chúng ta không biết. Như ra đường bị ai nói
xúc phạm tới danh dự mình, về nhà ít nhất ta cũng kể lại với người thân nghe. Kể
một người nghe mình cũng chưa vừa lòng, phải kể cho người này người kia nghe chừng
một trăm lần, như vậy mình đã thuộc lòng trong ký ức sâu quá rồi. Vì vậy khi ngồi
thiền nó trồi lên, bỏ được một lát nó trồi lên nữa. Đó là vì chúng ta đã ghi nhớ
quá sâu đậm.
Giống như
lúc còn bé đi học, mỗi khi muốn thuộc bài, mình phải đọc tới đọc lui nhiều lần
mới thuộc. Đem vô sâu là do ôn tới ôn lui nhiều lần. Lỡ nhớ rồi, khi muốn
quên cũng phải tập bỏ thường xuyên mới quên được, không có cách nào khác hơn. Vậy
mà vừa có chuyện buồn, chuyện giận là chúng ta đem ra kể liền. Gặp ai kể nấy, kể
hoài như vậy quên sao được. Khi ngồi thiền nó trồi lên lại than: “Khổ quá! Con
tu khó.” Khó là tại ai? Tại mình chớ tại ai, tích lũy nhiều thì nó trồi lên nhiều.
Bây giờ
chúng ta thấy chỉ thấy, không thèm quan tâm chú ý gì cả. Thấy tất cả mà tâm
không giữ, không dính thì tu dễ không khó. Nếu tu là tìm cái gì ở đâu xa thì
khó, đằng này nó đã sẵn nơi mình rồi, chỉ quay lại là hiện tiền. Chúng ta không
thấy được cái chân thật là do pháp trần đầy cứng bên trong, nên quay lại thấy
toàn tạp nhạp.
Những giờ
ngồi thiền là những giờ quay lại, mình thấy pháp trần lăng xăng lộn xộn nên nói
thấy loạn tưởng nhiều quá. Thấy loạn tưởng nhiều là tu tiến nhiều. Vì ngày xưa,
mỗi khi chúng dấy lên mình chạy theo nên không thấy chúng, bây giờ chúng dấy
lên mình biết liền bỏ, đó là tu tiến. Tuy nó còn nhưng mình đã làm chủ được
chút chút. Hồi xưa nó dẫn mình chạy theo hoàn toàn, bây giờ nó trồi lên mình từ
chối không theo, đó là tiến rõ ràng. Nhưng nhiều khi Phật tử thấy nó rồi sợ, tu
gì mà vọng tưởng quá chừng. Sự thật có tiến, tiến từng bước, chớ không phải
không tiến.
Bước tiến
tiếp theo là ngoài giờ ngồi thiền, khi tiếp xúc với mọi cảnh mọi vật, chúng ta
thấy biết rõ ràng nhưng bỏ qua, không chú tâm, đó là ta tu trong mọi lúc mọi
nơi. Không phải tay lần chuỗi, thân tọa thiền mới tu. Lần chuỗi tọa thiền mà ai
động tới liền la hét là không phải tu. Người không tỏ vẻ tu hành gì hết, nhưng
đi đứng tự nhiên thoải mái, ai nói gì thì nói, bỏ qua không để lòng, ấy mới thật
là chân tu.
Nhiều khi
chúng ta như điên khùng với nhau. Thí dụ mình tưởng mình thông minh, sáng suốt,
nhưng ai vừa nói “Chị ngu quá!” mình liền la đông đổng lên, để nói rằng ta
không ngu. Nhưng thật ra như vậy là đã chứng tỏ mình đang ngu. Nếu không ngu ta
chỉ cười, nói: “Phải, tôi ngu.” Nói vậy còn gì nữa để la, thì đâu có khổ. Vậy
mà ai nói mình ngu liền cự lộn, rồi đủ thứ chuyện thưa kiện… có khổ không? Thế
là cả hai đàng đều khùng điên với nhau hết.
Những
chuyện hết sức nhỏ như vậy, nhưng mình không biết tu, nên cứ tích lũy trong tâm
thành ra sanh bệnh. Bây giờ muốn bỏ chúng ta phải gỡ lần những thứ đó, từ từ ngồi
thiền sẽ được nhẹ nhàng yên ổn. Ai nói gì mình cũng cười. Đức Phật ngày xưa bị
Bà-la-môn theo sau mắng chửi, Ngài im lặng không nói, không nhận, thế mà
Bà-la-môn phải chịu phép, không dám mắng chửi nữa, khỏe khoắn làm sao.
Phật là bậc
giác ngộ nên thấy người mê Ngài thương, không phản đối, không chống cự gì cả
nhưng lại nhiếp phục được họ. Còn chúng ta bây giờ nghe nói một câu không vừa
lòng liền phản đối, chống cự, rốt cuộc càng thêm lớn chuyện. Như vậy bọn ta
cũng giống những người mê kia, không hơn không kém, phải không? Mình là người tỉnh
thì phải hơn kẻ mê. Họ nói bậy mình chỉ cười thôi thì không xảy ra chuyện gì hết.
Như vậy có khỏe không?
Cho nên
người biết tu xả bỏ hết những gì không quan trọng. Quan trọng là đừng để sáu trần
lôi dẫn đi, phải quay về với cái chân thật của chính mình. Cái chân thật ấy ai
cũng có nhưng vì vọng tưởng che lấp nên mình không nhận ra. Cho nên Thiền sư
Nam Tuyền Phổ Nguyện nói, người tu thiền như con ngỗng chúa uống sữa chừa nước
lại. Câu nói nghe muốn bể cả đầu! Làm sao mà uống sữa chừa nước được? Hai thứ ấy
hòa lẫn nhau, lọc thế nào?
Những câu
như vậy, tôi cũng mất nhiều năm lắm mới thấy rõ ý nghĩa của nó. Cái gì là sữa?
Cái gì là nước? Vọng tâm và Chân tâm nơi mình hòa lẫn nhau, không phải một cũng
không phải hai. Vậy làm sao để lọc Chân tâm ra khỏi vọng tâm? Ở đây, chúng ta
chỉ cần khéo một chút là thấy liền. Cái biết trong sáng hiện tiền đó là sữa,
còn cái biết lăng xăng lộn xộn là nước. Cái biết lăng xăng lộn xộn thì chúng ta
không theo, chỉ sống với cái biết yên tĩnh, trong sáng. Đó là mình đã loại nước,
uống sữa. Được thế ta là ngỗng chúa.
Những
phút giây yên tĩnh, chúng ta ngồi chơi không nghĩ gì hết. Lúc đó tai vẫn nghe,
mắt vẫn thấy mà không nghĩ suy điều chi. Như vậy cái biết đó mình đã có sẵn,
nhưng vừa dấy nghĩ cái này cái nọ liền quên mất cái biết hằng hữu. Bây giờ chỉ
cần không chạy theo các thứ xao động thì nó hiện tiền. Nếu chúng ta đừng đuổi
theo những gì mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm… ăn cứ ăn uống cứ uống,
làm tất cả việc mà đừng dính, nếu không phải Phật thì ít nhất mình cũng là Bồ-tát
con rồi.
Vì vậy
không dính với sáu trần là biết quay đầu, còn dính với sáu trần là đã lao đi
trong sanh tử, không có gì khó khăn hết. Trong nhà thiền có câu chuyện của anh
hàng thịt, khi nghe một câu nói của vị Thiền sư, liền tỉnh ngộ và làm bài kệ:
Tạc nhật
dạ-xoa tâm,
Kim triêu Bồ-tát diện,
Dạ-xoa dữ Bồ-tát,
Bất cách nhất điều tuyến.
Kim triêu Bồ-tát diện,
Dạ-xoa dữ Bồ-tát,
Bất cách nhất điều tuyến.
Dịch:
Hôm qua
tâm dạ-xoa,
Bữa nay mặt Bồ-tát,
Dạ-xoa và Bồ-tát,
Không cách một đường tơ.
Bữa nay mặt Bồ-tát,
Dạ-xoa và Bồ-tát,
Không cách một đường tơ.
Bồ-tát và
dạ-xoa chỉ cách nhau ở một cái nhìn. Nhìn ra là mê, xoay lại là giác, dễ như trở
bàn tay không có gì ngăn cản hết. Vậy mà chúng ta làm không nổi, cứ ì ạch hoài.
Thiền đặc biệt ở chỗ đó, nhưng vẫn phù hợp với những gì Phật dạy ngày xưa. Tôi
sẽ dẫn kinh để chứng tỏ điều này.
Trong
kinh A-hàm kể lại, một hôm sau thời tọa thiền trong rừng, đức Phật xả thiền ngồi
chơi tự tại. Chợt Ngài thấy có một con rùa bò về phía mình, phía sau con dã can
đuổi theo định cắn đuôi con rùa, con rùa liền rút đuôi vào trong mai. Dã can chụp
lấy chân, con rùa liền rút chân vào trong mai. Cứ như vậy dã can chụp cắn tứ
tung, rùa cũng rút hết các bộ phận vào trong mai. Con dã can chụp hoài không được
bèn bỏ đi.
Kết thúc
câu chuyện Phật nói: “Người tu cũng thế, nếu biết giữ sáu căn không cho chạy
theo sáu trần thì không có ma vương nào bắt được.” Còn nếu chạy theo sáu trần bị
nó cắn đứt đầu đứt cổ. Chuyện thật là hay.
Thêm một
câu chuyện nữa. Phật kể trong một đàn khỉ, có con khỉ nhỏ đi sau đàn thấy mấy
con lớn đi trước ăn nhiều trái cây ngon, còn mình thiệt thòi quá. Nó bèn tách
đàn, đi một mình để được ăn ngon. Khi thấy miếng mồi ngon, nó liền đưa tay chụp,
không ngờ đó là cái bẫy nhựa, nên tay nó bị dính nhựa. Nó liền đưa tay kia gỡ
nên tay kia bị dính luôn. Con khỉ liền lấy chân phải quào, chân phải dính; lấy
chân trái quào, chân dính luôn. Nó quật cái đuôi để gỡ, đuôi cũng dính. Cuối
cùng còn cái miệng, nó liền đưa miệng cạp, thế là miệng dính luôn. Như vậy tổng
cộng sáu bộ phận đều dính nhựa hết. Gã thợ săn chỉ cần tới lượm con khỉ bỏ vô
giỏ là xong.
Phật nói:
“Cũng vậy, nếu người nào sáu căn dính với sáu trần, cũng như con khỉ kia để sáu
bộ phận dính với nhựa, người đó sẽ bị ma vương dẫn đi dễ dàng, không nghi ngờ.”
Như vậy Phật dạy chúng ta tu như thế nào? Là giữ sáu căn đừng cho dính mắc với
sáu trần. Đây là một lẽ thật chớ không phải tưởng tượng. Đó là tôi đã dẫn trong
kinh A-hàm.
Đến kinh
Kim Cang, Lục Tổ ngộ được từ câu: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh,
hương, vị, xúc, pháp sanh tâm; ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, tức là không
dính mắc vào các trần mà sanh tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề là tâm thanh tịnh, không
dính mắc thì tâm Bồ-đề hiện tiền. Còn dấy niệm là tâm sanh diệt. Sau khi ngộ rồi,
Lục Tổ thốt lên: “Đâu ngờ tâm mình xưa nay thanh tịnh!” Vì thanh tịnh nên không
sanh diệt, còn loạn tưởng là tâm sanh diệt. Ngay đó Ngũ Tổ truyền tâm ấn và
trao y bát cho Ngài.
Sự tu chẳng
có gì lạ hết. Phật Tổ không hai đường, chỉ vì phương tiện truyền bá khác nhau
thôi. Thấy như vậy, hiểu như vậy, chúng ta mới nhận ra việc tu không phải chuyện
quanh co, khó khăn, mà trái lại rất đơn giản. Ngài Lâm Tế nói: “Đâu ngờ Phật
pháp của Hoàng Bá rất ít”, nghĩa là rất là đơn giản. Cho nên trọng tâm của việc
tu là nghe và hiểu được ý Phật dạy, rồi ứng dụng thực hành. Đó mới là người biết
tu.
Chúng ta
nên nhớ tâm tích lũy là tâm sanh diệt, tâm tạo nghiệp cho nên tích lũy nhiều chừng
nào thì nghiệp càng nặng chừng ấy. Nghiệp càng nặng thì càng gặp lại nhau. Nếu
không muốn gặp lại những kẻ đã làm phiền mình thì thôi, ném hết, bỏ hết, thản
nhiên tự tại. Sống ngày nay biết ngày nay, cái gì qua rồi thì buông hết đi. Như
Thiền sư Thiền Lão nói:
Đản tri
kim nhật nguyệt,
Thùy thức cựu xuân thu?
Thùy thức cựu xuân thu?
Nghĩa
là:
Ngày nay
chỉ biết ngày nay,
Còn xuân thu trước ai hay làm gì?
Còn xuân thu trước ai hay làm gì?
Chúng ta
thì ngược lại, cứ nhớ về những ngày trước, còn ngày nay lại không nhớ. Mình
thích sống với quá khứ, trong khi quá khứ đã qua mất rồi. Còn hiện tại là cái
thật mà mình lại không chịu sống. Ta đâu biết rằng càng đeo mang quá khứ thì
nghiệp càng dày. Cho nên ngay đây có hai việc chúng ta cần làm. Một là buông bỏ
hết những vui buồn của quá khứ. Hai là đối với hiện tại không dính mắc. Đó là
người tu giỏi, dù có tóc không tóc cũng được gọi là tu thành công. Còn đòi hỏi
phải thế này thế nọ mới tu thì khó, thành ra không tu được.
Nhiều người
nghĩ rằng phải ở trong thất một mình mới dễ tu. Một mình ta thấy dễ tu vì không
có các duyên bên ngoài tác động. Nhưng khi ra thất gặp cái gì dính cái ấy thì
cũng thế thôi, có tiến được chút nào đâu. Cho nên người khéo tu, dù ở trong thất
hay ở ngoài đều thực hiện đúng như vậy thì việc tu đạt được kết quả tốt.
Đức Phật
không bao giờ dối gạt chúng ta. Ngài nói tất cả đều có Phật sẵn. Ngài có Phật sẵn
nên Ngài tu thành Phật. Mình cũng có Phật sẵn, nếu mình biết quay lại thì cũng
thành Phật. Lời Phật nói không dối, nhưng khi nghe Phật nói “Ta là Phật đã
thành, các ngươi là Phật sẽ thành” mình lại không dám nhận sẽ thành Phật. Đó là
ý chí hạ liệt của chúng sanh vậy.
Cho nên
tu Phật không phải là chuyện nhiêu khê, khó khăn mà là một việc làm thật đơn giản.
Bởi chúng ta cứ chạy theo hơn thua, phải quấy, tốt xấu, nên suốt đời không giải
quyết được việc này. Nếu ta thử đặt lại câu hỏi: Cái gì hơn? Cái gì thua? Cái
gì phải? Cái gì quấy? Đặt lại như vậy chúng ta sẽ thấy không có câu trả lời nhất
định, tức là nó không thật. Có những điều mình thấy thua mà lại là hơn, không cố
định được.
Thật
tình, không có cái phải quấy thật. Vì cái “phải” ở đây không là cái “phải” ở
kia. Chúng ta sống theo qui ước được mọi người tạm dùng với nhau, chớ không phải
là chân lý. Vậy mà mình cứ đặt ra cái này phải cái kia quấy. Như hồi xưa cho rằng
sanh con trai là quí, con gái là tiện nên con gái phải ở trong nhà, trong bếp,
không có tư cách để ra ngoài. Nhưng bây giờ việc đó không còn nữa. Phụ nữ ngang
quyền với nam giới vì họ đã thể hiện được năng lực, ý chí không kém gì nam giới.
Như vậy đâu phải tất cả là chân lý. Phải quấy chỉ là qui ước của một thời. Thời
phong kiến có qui ước thời phong kiến. Thời dân chủ có qui ước thời dân chủ.
Như thế lấy gì làm tiêu chuẩn cho phải quấy, vậy thì bàn phải bàn quấy để làm
gì? Cho nên người biết tu phải khéo linh động, tùy cảnh tùy thời ta vui sống,
không cố chấp, không hơn thua với những chuyện giả tạm của thế gian làm gì.
Chúng ta
có lỗi là cứ tranh đấu với người ngoài để được hơn, mà không tranh đấu với
mình. Những toan tính hơn thua luôn quật ngã mình mà ta không sợ, không tranh đấu
với nó. Quật ngã nó tức là thắng được mình. Phật bảo “Thắng một vạn quân không
bằng thắng mình. Thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”. Vậy mà bây giờ chúng
ta cứ lo thắng ở ngoài, quên thắng mình. Thắng ở ngoài mà không thắng được mình
thì không bao giờ yên hết. Nên nhớ đã tu thì ai có giành hơn, giành thua cứ để
họ giành, ta lo thắng mình trước đã. Có cơm no áo ấm đủ rồi, còn tất cả những
gì hơn thua phải quấy, dành cho người khác. Được thế thì còn gì để buồn phiền nữa.
Nên nhớ
chữ “Tùy duyên”, không có một pháp cố định. Vậy mà chúng ta hay cố định quá, cứ
lấy khuôn chỗ kia lấp vào chỗ này, như vậy là trật rồi. Hiểu như vậy thì cuộc sống
thoải mái dễ dàng, đó là tu. Tu là đem lại sự an lạc cho nhau, chớ không phải
đem lại đau khổ cho nhau.
Nhiều người
cứ quan niệm tu phải đúng như hồi xưa, ông bà làm sao mình làm vậy. Cố chấp kiểu
đó càng tu càng khổ thêm, chớ có được lợi lạc gì. Hoặc tu phải có thần thông
huyền bí gì gì đó, chớ tu chỉ hiền lành thường thường vậy thôi thì không phải
tu. Thế là người ta chạy theo hình tướng này hình tướng nọ, cuối cùng rơi vào
lưới ma.
Những gì
thuộc về quá khứ, chúng ta muốn mọi người đều phải lùi trở lại, như vậy là đi
ngược với cuộc sống rồi. Quả địa cầu cứ quay tới quay tới, không dừng lại ở một
điểm nào, mà chúng ta muốn dừng lại là trái với sự vận hành của vũ trụ. Sự vật
linh động, chuyển biến không dừng, không có gì bám chặt một chỗ hết. Chỉ biết
quay lại mình, thấy được cái chân thật của mình mới không biến đổi, không lạc hậu.
Chúng ta
nói tu để cầu giải thoát sanh tử. Vậy thì cái gì giải thoát sanh tử? Thân này
là bại hoại, tâm nghĩ suy tính toán vô thường sanh diệt, cũng bại hoại, như vậy
chúng ta giải thoát là giải thoát cái gì? Đó là chỗ hết sức quan trọng. Tâm vô
thường sanh diệt của chúng ta nó phát lên, hợp tác với thân, khẩu, tạo thành
nghiệp. Đó là gốc dẫn mình luân hồi sanh tử. Bây giờ chúng ta dừng nó lại, nó lặng.
Lặng là không tạo nghiệp, không tạo nghiệp thì cái gì dẫn mình đi trong luân hồi?
Nên muốn giải thoát sanh tử thì phải dừng tạo nghiệp. Khi nghiệp dừng lặng rồi
thì cái biết rõ ràng hằng hữu của mình hiện tiền, đâu có mất. Cái biết đó không
tướng mạo, không sanh diệt, không dính mắc nên nó không bị nghiệp dẫn. Vì vậy
mà được giải thoát sanh tử.
Chúng ta
vốn đã giải thoát sẵn, nhưng tự mình lại cột trói mình rồi khóc la giãy giụa.
Phật thương chỉ cho chúng ta cách gỡ thôi, chớ không thể nắm tay lôi lên Cực lạc
được. Tự trói thì phải tự cởi. Nếu mình biết cách gỡ, biết cách giải trừ thì đi
tới chỗ an lạc giải thoát. Còn không biết gỡ, không biết giải trừ thì khổ mãi
không có ngày cùng.
Nên
nói chỉ cần một phen quay đầu lại là bờ giác trước mắt. Có ai tiếc một cái quày
đầu không? Nhẹ nhàng quá, tại sao mình không chịu quay lại. Mong tất cả chúng
ta hãy sớm thức tỉnh, cùng quay lại, cùng trở về bờ giác. Đó là nguyện ước
duy nhất của chúng tôi.
No comments:
Post a Comment