Giáo Sư Luật Sư NGUYỄN MẠNH TƯỜNG |
Điểm đặc trưng dễ phân biệt của chính quyền Việt Nam là họ không
bao giờ cho người trong cuộc thanh trừng biết những biện pháp dành cho họ. Họ
có nhiều cách để thực hiện ý muốn của mình. Mặt Trận không còn mời tôi dự những
phiên họp của họ. Đại Học lấy lại chiếc xe đạp công vụ mà họ đã cấp cho tôi để
đi đến lớp giảng. Các Toà Án gửi trả lại cho tôi những lá thư uỷ nhiệm luật sư.
Tôi hiểu là tôi đã bị loại khỏi mọi chức việc, đã trở thành một thứ cùi hủi, một
người hạ đẳng, một kẻ bị mất phép thông công! Vì thế, tôi đành phải tìm quên
trong triết học để trám đầy những giờ khắc bị buộc phải nhàn cư rỗi rảnh, để
tránh phải trùm kín đầu, đeo cái chuông lúc lắc kêu vang báo cho người trên đường
phải tránh không đụng tôi.
Tôi bắt đầu suy niệm bằng một câu khá nổi tiếng “mens agitate
molem” (Tinh thần làm chuyển động vật chất). Khi còn trẻ, tôi nghĩ ngược lại và
cho rằng thành ngữ ấy là do một anh trí thức hoặc quá cuồng nhiệt kiêu căng tự
đại cho rằng mình là trên hết mọi sự dù rằng hắn chẳng phải như thế, hoặc là hắn
đang trải qua một cuộc khủng hoảng mất niềm tin và đang cố vượt qua một tự ti mặc
cảm đang lớn dậy trong bản thân. Tư tưởng hay trí tuệ, vì bản chất là phi vật
chất thì không thể tác động trực tiếp lên quần chúng vì quần chúng là một dạng
vật chất với một sức mạnh toàn diện và nó chỉ có thể là đối tượng bị tác động
và chịu ảnh hưởng từ một khối quần chúng khác. Trong mọi xung đột giữa tư tưởng
và vật chất, sự đối kháng của bên này đối với bên kia sẽ được giải quyết bằng sự
chiến thắng của vật chất. Chính trong nghĩa này mà chủ nghĩa Marx xác tín rằng
quần chúng nhờ sức mạnh vật chất của mình là người làm nên lịch sử. Nhưng quần
chúng không làm nên lịch sử nếu chỉ biết sử dụng những phương tiện bạo lực của
vật chất. Trong chuyện tàn phá, hay ngay cả trong xây dựng, quần chúng luôn phải
nhờ đến những khả năng của trí tuệ để hướng dẫn mình cho cả hai lúc: huỷ diệt
và xây dựng. Từ đó tư tưởng xen vào ảnh hưởng lên sự vận động của quần chúng.
Chỉ có lúc đó, tư tưởng mới thật sự làm chuyển động quần chúng.
Nhưng tư tưởng chỉ có thể làm chuyển động quần chúng khi nó tiến
hành những động thái xuất phát từ những cái nhìn sâu sắc về thực tiễn để rút tỉa,
suy diễn ra cái logic của quần chúng. Tốt hơn nữa, khi quần chúng được giáo dục
tốt, tư tưởng sẽ tiếp tục nhiệm vụ của mình mà gìữ vững hướng đi đúng. Vì thế
người ta thấy có những những kẻ gây kích đông và những chính trị viên tiến hành
đấu tranh chống lại sự thất học chính trị, gia tăng cố gắng theo dõi những sai
lệch đề nhằm đưa quần chúng trở về con đường tư tưởng chính thống thẳng tắp. Và
người ta có thể thấy một cảnh tượng vĩ đại trong đó quần chúng đang bày tỏ niềm
tin trước một thứ đạo giáo mang tên chủ nghĩa Cộng Sản, tạo nên một khối đồng
nhất sau lưng Đảng, hoàn toàn tin tưởng vào những gì Đảng khẳng định, vào chính
sách và đường lối của Đảng. Chưa bao giờ người ta thấy tư tưởng lại đạt được một
chiến thắng trên vật chất như thế. Sự cuồng tín của quần chúng đã đạt được một
mức hiểm ác, dù trên thực tế có những vụ việc thảm khốc đã xảy ra là những chứng
cớ về mức độ trầm trọng của những sai lầm đã phạm, kinh tế bị xuống cấp, sự
nghèo khó của nhân dân đã gia tăng, phần lớn nhân dân, kể cả những người cộng sản
chân chính nhất, vẫn tiếp tục tin vào lời hứa của Đảng là sẽ phục hồi đất nước
và sẽ nhanh chóng đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội mà thế giới không còn
ai tin và chính ngay những nước cộng sản trước đây cũng đã dứt bỏ. Và đây là
cái nguy bị rơi xuống vách đá của những người đang đứng bên bờ vực. Từ đó, vấn
đề nêu ra là chuyện nhồi sọ chính trị cho quần chúng biến họ thành cận thị hay
làm cho trí thông minh của họ trở nên mù mụ, là biểu hiện của thứ con người
lành mạnh hay không lành mạnh?
Cái gì đã sản sinh ra những vụ kinh hoàng và đầy tai tiếng, những
điều quái gở bệnh hoạn của một tư tưởng chính trị? Đó là sự biến dạng của con
người, của một thứ thói quen trí não chỉ biết thấy một phần của thực tiễn, thui
chột trong khả năng đánh giá phán đoán, tinh thần phê phán bị bóp chết, và những
sinh hoạt tâm linh bị giới hạn với sự phê chuẩn vô điều kiện của lãnh đạo và dưới
sự kết án không thương tiếc của những kẻ gièm pha, và hoàn toàn bất chấp công
lý và nhân đạo.
Kinh nghiệm xã hội và lịch sử đã cho thấy chừng nào tư tưởng trở
nên điên loạn, dù bắt nguồn từ chính trị, chủng tộc hay tôn giáo áp đặt trên quần
chúng, thì ngay tức khắc chuyện thả lỏng cho những hành động dã man sẽ đưa nhân
loại trở về thời quá khứ nhục nhã đầy máu và chết chóc.
Cái giáo lý cơ bản mà chúng ta phải không bao giờ quên và nó phải
bao trùm lên tất cả những nhận thức về cuộc sống là mỗi người phải tự nhắc mình
là tất cả những cá nhân con người ai cũng có phần sự thật của riêng mình, chúng
ta phải biết tôn trọng sự thực của người khác, và pháp luật, công lý, đạo đức,
loài người không bao giờ cho phép một ông hay bà được quyền áp đặt cáí sự thật
của mình lên người khác. Chính những người theo tà giáo từ chối không chấp nhận
sự thật của Jesus mà đã đóng đinh người này trên Thập Tự Giá. Chính vì những kẻ
đứng đầu trong Nhà Thờ thời Trung Cổ đã từ chối sự thật của một kẻ không tín
ngưỡng hay kẻ có suy nghĩ tự do mà họ đã thiêu sống những người này trên giàn
hoả. Tự do tư tưởng có thể là cái chinh phục lớn nhất của thế giới hiện đại. Nó
là tiêu chí duy nhất để đánh giá mức độ của văn minh.
Khi một người nắm giữ một sự thật và tin tưởng đó là điều hay tốt,
vì nhiều động cơ khác nhau, có người muốn thông đạt nó, truyền bá nó đến người
khác. Không có gì cấm một người muốn truyền bá sự thật của mình đến nhiều người
khác.
Nhưng những gì phải bị cấm tuyệt đối là dùng sức mạnh, bạo lực,
hành động hung ác khủng bố để ngăn cấm niềm tin của những người khác. Vì lẽ,
nhà cầm quyền cộng sản đã phạm một lỗi lầm không cứu vãn được là đã gắn nhãn
tên cho những khác biệt về quan điểm bằng những tội lỗi không thể tha thứ được
để mà trừng phạt họ một cách nặng nề. Rốt cuộc, vì lo lắng cho an nguy của
mình, không ai muốn mở mồm bảo cho lãnh đạo biết những hậu quả xấu gây ra bởi
thái độ của chính lãnh đạo. Nhà nước, thiếu vắng sự ủng hộ và giúp đỡ của quần
chúng như con tàu đâm vào vùng san hô và chìm đi trước sự thờ ơ toàn diện. Ngoại
trừ khi, với sức mạnh của mình, nhân dân vùng lên lật đổ độc tài và thay vào đó
một chế độ dân chủ đa nguyên, thì cái lợi ích lớn nhất là cho phép tự do ngôn
luận; dù có nhiều khác biệt, bất đồng nhưng ý kiến được tự do phát biểu trong lợi
ích chung của mọi người. Giữa nhà nước và nhân dân sẽ không còn cái-không-thể-sống-chung
nào nữa. Một đảng phải loại trừ đảng kia.
Vì thế, tôi biết là tôi đang phải chịu nhiều rủi ro. Nhưng hình
phạt trực tiếp và tức khắc dường như chậm đến: có thể cái vòng khoá để còng tay
tôi chưa được chế tạo. Chuyện phải tiêu diệt tôi đã được quyết định nhưng việc
tiến hành nó phải được tổ chức tinh vi hơn. Bất kể như thế nào, tôi vẫn lo trám
đầy cái khoản thời gian chờ đợi bằng cách chào từ biệt cái cách sống mà mai đây
sẽ bị chôn biệt vào quá khứ.
Sau đó tôi đã qua những ngày và cả những đêm chong mắt nhoà đi với
những cay đắng và thường là nước mắt, lang thang trong cái thế giới nhỏ bé mà
tôi đang sống, ngày đêm đắm mình trong nỗi buồn và cái trời-ơi-đừng-bao-giờ-xảy-ra-cho-tôi.
Và đây là những đồ đạc bàn ghế mà tôi thừa hưởng của cha mẹ tổ tiên: những cái
bàn bằng đá cẩm thạch, những chiếc ghế bành bằng gỗ khối, những chiếc ghế ngồi,
những chiếc bàn ngủ, những chiếc sofa, tất cả toàn bằng gỗ quí và chạm trổ tinh
xảo bởi bàn tay vàng của một lớp người thợ thủ công nay không còn nữa. Thời
gian đã làm những lớp gỗ lên nước bóng loáng. Đây là bàn thờ tổ tiên sơn son thếp
vàng, bát nhang đầy tro tàn và chân nhang cắm đầy với đốm nhang đang thắp đỏ,
bình hoa bằng sứ Tàu được để những chậu hoa lan vào mùa đông và những chậu hoa
sen vào mùa hạ, hai chiếc tủ kiếng treo trên tường với những con rồng đang uốn
lượn trên cánh cửa chứa những đồ cổ và bộ ấm trà. Tất cả những vật bất động kia
chứa bao nhiêu là hơi thở của cha mẹ tổ tiên ông bà, trải qua bao nhiêu năm
tháng dài để lên nước bóng loáng.
Tôi hay thích đứng hàng giờ trước cái tủ sách có bộ sách Guillaume
của những tác giả người Hy Lạp và La Tinh đặt phía trên dãy sách của những tác
giả người Pháp của bộ Pleiades. Tôi không hề thấy mệt khi đứng vuốt ve những
cái bìa sách bằng da nâu của những cuốn sách mà tôi có dịp mua ở những tiệm
sách cũ ở Paris hay từ những kẻ bán sách đã qua tay bày bán dọc sông Seine.
Trên kệ sách dành cho những tác giả thời cận đại đang mang niềm hãnh diện của
những tác phẩm của Valéry, Claudel, Gide, Montherlant, Mauriac, Maurois,
Maurand, Giraudoux… Trên kệ chót, tôi để cái máy thâu băng hiệu Columbia và
hàng trăm cuộn băng mà tôi mang về từ Pháp và nghe chúng mỗi buổi tối, thay nhạc
tuỳ theo tâm trạng mình lúc ấy, một vài bản của Mozart nếu gặp lúc đang vui, bản
Pavane In a Dead Infant của Ravel khi gặp lúc ưu tư sầu muộn, bản Dance Macabre
của St-Saens nếu gặp lúc đang gặp những chuyện đời làm tôi kinh hãi, nhưng đặc
biệt là bản Giao hưởng số 5 của Beethoven đưa tôi vào những trầm tư mặc tưởng
và bản Passionnata gặp lúc hừng chí và muốn sáng tạo.
Tôi giết phần lớn thì giờ trong cái “thư viện” của tôi nơi mà
mùi thơm đầy kích thích của quá khứ làm tôi vui thích và say đắm. Tôi không phải
là ngưởi chỉ biết tán dương quá khứ, tôi cũng biết nhận diện và quý trọng những
điều tuyệt vời của hiện tại. Trong lịch sử, trong mỗi thời kỳ, nhận loại đều
qua những lúc vinh quang và lúc nô lệ khốn khổ. Sự nô lệ đượm trùm những tội ác
mà nhân loại không phải là kẻ trực tiếp chịu trách nhiệm, nhưng nó đã làm hoen ố
một vài giai đoạn hiện hửu của nó. Những vinh quang xảy ra cùng với những tiến bộ
mang lại những điều tốt và hạnh phúc cho các dân tộc. Thời gian là yếu tố sàng
lọc của lịch sử: sự nô lệ sẽ được chôn sâu trong sự lãng quên, ngoại trừ những
tội ác kinh hoàng làm nổi loạn lương tâm, và chỉ có những vinh quang huy hoàng
kia sẽ mãi mãi chói sáng qua thời gian và là nguồn động viên cho những tâm hồn
biết suy nghĩ. Hiện tại mang những cảm xúc lộn xộn: con người có đủ thời gian để
ngạc nhiên thán phục với những tiến bộ khoa học kỹ thuật đẩy con người tiến rất
xa về phía trước của tương lai, họ phải khóc vì điên giận khi đối diện với những
hành động của một vài tầng lớp chính quyền đã và đang giết những kẻ phản lại
hay chống đối họ, những tầng lớp người mà hành động đã đưa con người về những
thời kỳ man rợ xa xưa đầy xấu hổ. Cái hiện tại mà tôi đang sống và cái tương
lai đang chờ tôi, vì thế, đẩy tôi trốn chạy về với quá khứ huy hoàng của con
người, thoả mãn những khát khao hạnh phúc qua những gì mà những con người tuyệt
vời nhất đã làm ra để tránh cho tôi những thống khổ hôm nay và ngày mai bởi những
kẻ tệ hại nhất trong những người lãnh đạo. Nhưng trong hoàn cảnh mà tôi đang
chào biệt những vật bất động nhưng chất chứa bao nhiêu tâm trí của tôi kia, tôi
cảm thấy mình bị tràn ngập bởi nỗi buồn là không biết bao giờ có thể gặp lại
chúng.
Nhưng nhiều ngày trôi qua. Không có bọn cai tù mang xe đến kiếm
bắt tôi, với hai cổ tay trong cùm. Tôi bắt đầu ngạc nhiên. Nhưng cuối cùng tôi
cũng hiểu là chuyện tiêu diệt tôi không xảy ra bằng con đường tù nhốt ở một nhà
lao nào đó. Nó sẽ tiến hành trong dài hạn bằng nỗi đau quằn quại của những cơn
đói. Sự tra tấn trở nên tinh vi, nó sẽ xảy ra trong một thời gian dài, không biết
lúc nào dứt, giống y như một cuộc hành trình trong sa mạc, trong nghĩa trần tục
nhất của vấn đề. Giống người lữ hành bị bỏ rơi trong sa mạc mênh mông, không thức
ăn nước uống, không một chỗ trốn cái nắng thiêu đốt ban ngày, không một mảnh
chăn chống cái lạnh cóng người ban đêm, tôi phải lê những bước chân cho đến khi
tấm thân khô nước, cạn máu như một bộ xương biết đi kiệt sức bởi đói, khát, dưới
cái nóng thiêu đốt của mặt trời, cái lạnh tê người về đêm, tôi sẽ té ngã trên một
đồi cát nào đó và buông hơi thở cuối cùng. Bao nhiêu đau khổ đó, tất cả đều giấu
mặt sau tấm mặt nạ của Thần Chết, đang bao quanh tôi, nhảy múa nhạo báng, đang
chuyển mình trong một điệu múa ghê rợn chung quanh và trong chính tôi, hành hạ
tôi bằng những trận cười châm biếm mĩa mai, những cú đòn giáng xuống để cho cái
mong muốn được chuộc lại cái lỗi lầm là đã dám suy nghĩ khác với Đảng trở thành
cái đau đớn tột cùng trước khi Thần Chết đến ca khúc khải hoàn trên đống xương
trắng của tôi trong sa mạc. Chỉ có những kẻ đao phủ với những suy tưởng của quỷ
dữ mới có thể sáng tạo ra thứ tra tấn bằng cái đói ở giữa một thủ đô của một nước
văn minh, ngay giữa thế kỷ thứ hai mươi, giữa những kẻ thừa mứa đang tiêu phí
hàng đống tiền vào những buổi chiêu đãi. Để quấy thêm nỗi đau khổ của kẻ “phạm
tội” người ta còn bắt nó phải làm chứng nhân trước cảnh đói của vợ con mình mà
người ta cũng buộc phải chịu dù vợ con hắn là những người vô tội.
Và Đảng phủi tay dễ dàng. Họ hợp lý vấn đề một cách thâm hiểm.
“Tôi có một nhân viên, nay tôi không thích nó, tôi cho nó nghỉ việc. Có gì
không đúng?”. Có một câu trả lời từ hắn: “Đây không phải đơn giản là một chuyện
cho nghỉ việc, khi có một hệ thống cửa hàng nhà nước và tem phiếu, một người bị
đuổi việc thì không thể mua gạo bất cứ ở đâu, cho hắn và cho gia đình, khi mà hắn
không có tiền và tem phiếu chỉ dành cho công nhân viên nhà nước! Hơn nữa, các
ông đã căn cứ trên điều Luật Hình Sự nào để trừng phạt một tội bất đồng ý kiến
và được Thế Giới công nhận về nhân quyền? Các ông có biết được cái đặc biệt
nghiêm trọng của cái án phạt mà các ông tuyên phán trong nhà nước công sản của
mấy ông khi các ông lẫn lộn giữa hành chánh và luật pháp? Các ông đã kết tội
tôi phải chết, một cái chết chậm và lâu cho cả một gia đình chỉ vì các ông bị mất
vui? Một chuyện giả dối như thế có xứng đáng là một Nhà Nước tự cho mình là văn
minh không? Nhưng con cừu thì không thể lý luận với một con sói.
Con sói có thể hùng hồn tuyên bố là nó đã tử tế cho phép con cừu
được tự do hạnh phúc, nhưng rốt cuộc nó cũng không thể thuyết phục những con cừu
với những lý lẽ để biện minh cho tội lỗi của mình, cũng chẳng chứng minh được
gì ngoại trừ sự tàn ác và dối trá của nó. Những văn kiện linh thiêng nhất, những
lời hứa trang trọng nhất luôn ẩn chứa những ảo tưởng cũng chỉ với mục đích gìn
giữ cái dáng vẻ bề ngoài trong khi sự thực là đang chà đạp lên thực tế. Chủ
nghĩa hình thức chỉ là một trò ảo thuật, nhưng là một trò ảo thuật tệ hại xấu
xa nhất vì nó không nhằm làm vui mọi người nhưng nhằm cắt cổ họ.
Trong suốt một thời, nhân dân đã bị kinh hoàng vì tội ác của chế
độ phong kiến, họ luôn luôn mơ ước một nền công lý, mong có kẻ công minh phân
biệt thiện ác như Bao Công để bảo vệ những người dân chân chất chống lại những
kẻ bạo quyền. Nhưng niềm mơ ước sâu thẳm nhất của người dân chưa bao giờ thành
sự thật. Những kẻ to đầu vẫn cứ tiếp tục áp bức, khủng bố, bắt nạt người yếu
kém vô tội. Khi mà Nhà Nước không còn bảo đảm công lý, niềm tin vào chính nghĩa
cũng mất đi, những người mờ mắt vì ích kỷ tham lam, hư hỏng vì mê muội và chẳng
cần “lo cho mọi người” và chằng cần lo cho có sự công bằng thì dân chúng quay
ra cầu xin sự can thiệp của những quyền lực siêu nhiên, tin vào chuyện nhân quả
“ác giả, ác báo”, gây gió sẽ gặp bảo, gây ác sẽ gặp chuyện ác.
Những con người tích cực thì không muốn chờ công lý của toà án
“quả báo” vì nó đến quá chậm, quá lâu. Họ muốn thay một nền công lý chậm chạp
và chưa bao giờ được hiện hữu một cách vững bền bằng một chế độ hoàn toàn gồm
những nguyên tắc và tổ chức nhằm mang lại những gì mà nhân dân khát vọng. Luật
Pháp là đoá hoa tinh khiết nhất của văn minh, toà án áp dụng luật và phổ biến
Công Lý, như bản Tuyên Bố Quốc Tế Về Nhân Quyền đã mở đầu cho kỷ nguyên Dân Chủ,
là những thành quả quý báu của nhân loại. Bất hạnh thay, bộ máy tuyệt vời đó chỉ
chứng tỏ một thứ chủ nghĩa duy tâm, một bộ óc khéo léo ranh ma vận hành một
cách chu đáo khi quyền lực đưa ra để thực hiện những ý định mong muốn. Nếu theo
chế độ dân chủ đại nghị tư sản thì người dân, thông qua tiếng nói của những người
đại diện và qua trò chơi bầu cử, sẽ có trong tay một phương tiện luật định để
ngăn chận sự quá đà của giời cầm quyền và những lạm dụng của họ; trái lại,
trong những nước cộng sản, thứ quyền lực độc tài, độc đoán sẽ khiến cho nhà
lãnh đạo khuynh đảo luật pháp, chỉ áp dụng nó để bảo vệ quyền lợi của mình, xếp
đặt, cơ cấu những tổ chức quần chúng và những cơ quan luật pháp sao cho những
nơi này biến thành những người đầy tớ trung thành ngoan ngoãn cho họ. Luật Pháp
lúc ấy mất hết cả quyền lực của mình, chỉ còn là một thứ đồ chơi nằm trong tay
giới chức quyền, chỉ còn biết thú nhận cho nỗi bất lực của mình. Trong khi chờ
những ngày phúc phần, ngày mà nền công lý được vận hành hết công xuất, sự tàn
ác phải chịu trừng phạt, ngày mà quần chúng quá kinh tởm với những bất công của
giới lãnh đạo, mất kiên nhẫn và nỗi lên làm nên Lịch Sử, nhân dân dưới chế độ cộng
sản đối mặt với những kẻ độc quyền có con tim đóng kín, câm lặng sau cửa Thiên
Đường không còn nghe đến lời cầu xin và ước vọng của con người, chẳng còn một
giải pháp nào khác hơn là thu mình trong cam chịu và tuyệt vọng.
Chính trong một tâm trạng như thế mà tôi đã là kẻ lữ hành trong
chuyến đi qua sa mạc kéo dài từ năm 1958 đến năm 1990, hơn ba mươi năm dài đằng
đẵng. Chìm trong vùng cát sa mạc của tuyệt vọng làm cạn khô giòng nước mắt, tôi
đã lê tấm thân bị tra tấn bởi thiếu thốn cô đơn, với quả tim rướm máu bởi nỗi
buồn của chua cay và vị đắng của mật. Không một tia sáng của niềm vui trong đêm
đen của địa ngục trần gian mà tôi đang bị quét đi trong nỗi cô đơn, nhưng tôi cố
gắng tự cứu mình, vượt qua cảnh địa ngục tối tăm, những cơn sóng dữ, để một
ngày nào đó có thể kêu lên chuyện đoạ đày của tôi.
3. Cái đói thê thảm
Lãnh đạo thật phúc đức. Họ đã tránh cho tôi phải chịu một chế độ
tù giam mà ở đó tôi có khi thành đứa hầu lo quét dọn cho các đại ca đầu gấu,
cho những tay trùm phòng giam, thành nạn nhân bị bóc lột bởi bọn cai tù, bởi bọn
du côn tham lam tàn bạo tước đoạt đi chút lương thực dự trữ và phải chịu những
hành hạ tàn khốc của chúng. Tôi cũng không bị đưa vào những trại cải tạo nơi mà
từng hàng tù nhân phải thi hành những công việc lao động đất đai dưới sự điều
khiển của những ông quản giáo. Tôi được tha khỏi bị những ngày tháng dài, rất
dài trong trong tù, có khi đền tận ngày lìa đời, giữa những chấn song của một
căn phòng chật hẹp của công an ở một nơi nào đó mà không ai biết là ở đâu, bao
trùm bởi một màn đen bí mật và huyền bí, hay bị nhốt kín ngày đêm không thấy
ánh sáng mặt trời, không hít thở được không khí bên ngoài dù chỉ một phút giây,
hình phạt buộc phạm nhân không được chút sinh hoạt nào trong một đêm dài vô tận
ngập tràn trong tiếng inh ỏi khua vang của soong chảo và nồi đồng mà những cánh
tay lực lưỡng của mấy tên cai ngục thay phiên mà đập để tra tấn cho đến khi nạn
nhân biến thành kẻ khùng điên. Và, trong khi đầu óc và đôi tai bị tra tấn vì những
tiếng khua đập vào thành của kim loại như muốn xuyên thủng các màng nhĩ, thì
bao tử của người tù phải chịu những cơn đau thắt vì bị viêm do những thức ăn hư
thối cho tù nhân ăn. Những kẻ bợ đỡ cộng sản kêu gào là những người cộng sản đã
phải chịu tra tấn trong những “chuồng cọp” ở nhà tù Côn Đảo và ra sức lên tiếng
tố cáo những việc làm vô nhân đạo của thực dân. Người ta có thể tự hỏi: thế thì
ở mức độ hùng biện và nhiệt thành nào họ sẽ lên tiếng khi họ biết những gì đang
xảy ra trong chế đô cải tạo để bành trướng chủ nghĩa công sản hiện nay?
Phúc đức thay cho những lãnh đạo nào đã tha cho tôi khỏi phải chịu
những khổ đau như thế. Những kẻ đã trừng phạt tôi, cho dù là do chính ý muốn của
họ, hay vô tình không hay biết vẫn là những kẻ muôn phần hiền lành so với những
con người kia, những con người còn hơn quỷ dữ. Nhân dân sẽ phán xét.
Thảm cảnh đầu tiên mà tôi và gia đình phải chịu: đó là cái đói.
Cả mấy tháng qua, buộc phải mua thực phẩm và những thứ nhu yếu
trên chợ đen vì tôi không còn được phát tem phiếu kể từ khi tôi bị loại, mặc dù
với tất cả dành dụm có được, số tiền dự trữ ngày càng thu hẹp. Ngay từ lúc đầu,
với viễn tượng những ngày khó khăn trước mắt, với dự trữ ít oi, chúng tôi bắt đầu
một giai đoạn hạn chế, tiết kiệm. Trước tiên, loại bỏ ngay buổi ăn sáng, một
thói quen xa hoa của những người tư sản. Tiếp đến, cá thịt từ từ biến mất trong
những buổi ăn trưa và tối. Khẩu phần cơm và rau mỗi ngày một ít đi. Và đến lúc
mỗi ngày chúng tôi chỉ có một bát cháo để ăn. Vợ và con gái tôi ốm đi trông thấy.
Bao nhiêu sáng láng đã biến mất trên khuôn mặt dài ra vì ốm đói. Họ tự hỏi tại
làm sao mà các bà tự nhịn ăn để có một thân hình thon thả?
Nghĩ đến chuyện vay mượn bạn bè là điều vô ích vì chính bản thân
họ cũng đang cùng số phận, đang trong cảnh chỉ đủ cầm hơi khỏi bị chết đói. Vợ
tôi đã nghĩ đến chuyện bán thuốc lá bên lề đường để kiếm sống, nhưng làm sao có
được mớ vốn ban đầu và có chút tiền để bôi trơn móng vuốt làm khó của những tên
công an hay cán bộ thuế, để chúng để yên cho chúng tôi khó khăn kiếm sống? Tìm ở
đâu những nguồn hàng mà chỉ qua con đường buôn lậu mới có được? Món duy nhất mà
vợ tôi không phải bán là cái máy may để mua gạo cho gia đình, mà dùng nó để may
đồ mang ra chợ bán. Nếu bà còn trẻ bà có thể đạp xe về nhà quê mua rau cải lên
bán ở những nơi đông người qua lại. Nhưng tất cả những dự tính dễ thương nhỏ
nhoi đó đều không thể thực hiện đã làm cho vợ tôi khóc trong sầu khổ vì không
thể làm một chút gì đề mua gạo cho gia đình.
Con gái tôi dạy Toán và phải dạy ở một nơi cách xa Hà Nội 40 cây
số, trong suốt bảy năm liền, đơn giản chỉ vì nó không có cha mẹ nằm trong Đảng.
Nó bị ép phải từ nhiệm để có thể về dự một cuộc thi tuyển ở trường Cao Đẳng (Đại
Học Sư Phạm) và đã chọn ngành Văn và ngôn ngữ Pháp. Nhưng sau 5 năm học xuất sắc
và tốt nghiệp, nó chờ đợi một chân giáo viên ở một trường Trung Học ở Hà Nội.
Vô ích! Cho đến một ngày có một chỗ ở Trường Chu Văn An. Cũng có một cô gái
khác mong làm chỗ ấy. Hai thí sinh được đưa ra trước hội đồng giáo sư để tranh
tài. Con gái tôi được hội đồng giáo sư chấm. Nhưng đứa con gái kia lại được nhận,
vì cha của cô ta là một đảng viên. Trong khi chờ kiếm việc, con gái tôi phải đạp
xe đi về mỗi bận 20 cây số để đi học nghề làm gốm trong một hợp tác xã ở ngoại
ô Hà Nội. Nhưng đến lúc học xong, thay vì được hưởng một tí tiền bồi dưỡng người
ta lại buôc nó phải trả tiền học phí. Nó muốn đóng góp được một chút gì cho
ngân sách gia đình nhưng vô vọng vì không thể làm được gì.
Tôi muốn dạy tiếng Pháp tại nhà. Nhưng vừa mới bắt đầu là đã có
một đám công an, chắc chắn là đã được bọn gián điệp và điềm chỉ quanh tôi báo động
cho họ, xuất hiện và bảo cho tôi là dưới chế độ cộng sản không có gì là tư nhân
mà được cho phép, dù chỉ là việc dạy học của những ông thầy tận tuỵ. Phải làm
gì đây? Tôi không thể ra đạp cyclo như một số đồng nghiệp trẻ đang làm, không
phải vì chuyện “thiên hạ xầm xì” mà chỉ vì tôi đã không còn ở tuổi để làm chuyện
đó: hoặc người ta không dám gọi tôi, hoặc nếu có, số tiền công còm cõi của một
hai chuyến đi không đủ để mua thuốc cho tôi lại sức với cái thân thể đã tiều tuỵ
lắm rồi. Tự nhủ là không có nghề gì là đáng khinh, tôi xoay ra sửa chữa xe đạp
bên vệ đường như những sĩ quan cao cấp già của bộ đội về hưu đang làm. Những kiến
thức về văn chương và ngôn ngữ trở nên vô dụng trước những chiếc xe đạp hư cần
sửa chữa như một quan hoạn đứng trước người đàn bà không mảnh vải che thân.
Trong thời gian đầu khó khăn, người bõ già vào làm việc ở nhà
tôi từ những năm kháng chiến, hơn mười năm về trước, thông hiểu tình trạng tài
chánh kiệt quệ bất khả cứu vãn của tôi, đành xin phép nghỉ việc về quê. Chúng
tôi đã xem bà như một thành viên của gia đình, và chưa bao giờ nghĩ đến việc
cho bà ra đi, đã quyết tâm chia sẻ ngọt bùi sướng khổ với bà. Nhưng chính bà lại
khéo léo đề nghị chia tay, chúng tôi không còn cách nào hơn là đồng ý. Cuộc
chia tay thật cảm động, không bên nào kềm được dòng nước mắt.
Chúng tôi có một con chó do bạn bè cho. Nó rất khôn và chúng tôi
yêu nó lắm. Nhưng nó đã già và chúng tôi không còn khả năng mua cho nó thịt và
những thức ăn tăng sức, nó không còn sức đứng lên trong chuồng, ngẩng đầu nhìn
tất cả chúng tôi, với một ánh mắt tin yêu của loài vật, chắc chắn với những
dòng nước mắt và một nỗi buồn sâu thẳm vì đã đến lúc phải rời chủ. Chúng tôi bật
khóc khi nó nấc những hơi thở cuối cùng. Trong số gia súc chúng tôi chỉ còn con
gà mái mắn đẻ một cách đáng ngạc nhiên. Chúng tôi không thể giết thịt vì nó đã
đáp lời kêu cứu của chúng tôi và ngày nào cũng đẻ cho một trứng. Không như trứng
vịt, có thể luộc dầm nước mắm để chấm rau cải luộc, trứng gà chỉ dành cho một
người, thay phiên nhau mỗi ngày một người ăn. Đó là thức ăn dinh dưỡng duy nhất
mà chúng tôi còn có. Tới lúc chúng tôi không còn gì để nuôi con gà, bắp cũng
không, lúa cũng không, mỗi ngày vào lúc hoàng hôn khi mà chợ đã vắng người mua
bán, tôi lượn quanh để lén nhặt những mảnh rau vụn, tránh không để kẻ qua đường
nhìn thấy, mang về nuôi nó.
Sống trong một tình trạng như thế, con người luôn luôn đói. Vợ
và con gái tôi làn da càng ngày càng tái, thân hình càng ngày càng tiều tuỵ ốm
tong. Họ không dám mở mồm nói một điều gì vì sợ làm cho tôi phiền não, chỉ dám
giấu những dòng nước mắt trong đêm khi một mình trên giường ngủ. Tôi biết nhưng
giả tảng như không biết. Về phần tôi, chưa hơn một lần, phải khóc. Bị đói và
hơn thế là phải chứng kiến những kẻ mình yêu thương phải chịu đựng cái đói hành
hạ vì bao tử trống rỗng. Tôi nhường bát cơm duy nhất cho họ cáo lỗi rằng tôi
không thấy thèm ăn, và có khi đặc biệt hơn với lý do là đã dùng cơm với một người
bạn mà tôi vừa viếng thăm. Một sự dối trá không thể kéo dài và thuyết phục được
ai, nhưng trước cái chối từ cứng đầu của tôi, hai mẹ con đành phải chia chén
cơm để khỏi phí.
Vì thế tôi phải liên miên chịu đói. Sự chán nản đến cùng cực,
không còn sức chịu đựng, tràn ngập toàn thân tôi như con nước tràn đê bao trùm
lên mọi vùng chỉ chừa những đầu ngọn cây và đỉnh núi. Tôi có cảm tưởng như đang
lịm đi trong một trạng thái mê muội với cái minh mẫn của ý thức bị đục khoét đó
đây bởi những ngọn lửa. Tôi cố gượng mình đứng dậy làm một vài động tác cho
giãn gân cốt thì bất chợt đổ sầm xuống trên chỗ nằm, tất cả những sức còn lại của
gân cốt đã hoàn toàn biến mất. Cùng lúc đó, cái bao từ co thắt từng chặp làm
cho tôi vô cùng đau đớn. Cơn đau thắt buộc tôi phải chọn cách luân phiên vừa chịu
đựng vừa nghỉ ngơi trước khi bị cơn sóng dữ nhấn chìm trong sự vô thức, bất tỉnh
không còn biết suy nghĩ hay cảm giác gì nữa. Rồi tôi cũng thoát được cơn đói
đau thắt với cái lưng đau và một tâm hồn bầm dập quá đỗi. Tôi vừa xong bài học
nhập môn về sự đói.
Trong hoàn cảnh như thế, cuộc đời tiếp tục trôi như một vòng
quay tự động, cứ quay và quay đều trên một dây chuyền sản xuất, quay vô tận,
trong khoảng không. Một vòng quay thay vì như thông thường là môt sự kết nối
cân đối, một sự ăn khớp nhuần nhuyễn của ba trục máy để hướng đến một mục tiêu
đầy sinh động: chuyển động nhờ chân tay, suy nghĩ của bộ óc và rung động của
con tim để cảm xúc và yêu thương. Giờ đây thì không còn bất cứ thứ mục tiêu gì,
mọi thứ đều biến mất: ngọn lửa hy vọng, giận dỗi, hận thù, cay đắng cũng chết
đi, những suy nghĩ cuồng nộ như trong cơn giông bão, như điệu vũ điên cuồng ghê
gớm rồi yếu dần, kéo lê, bung ra rồi biến mất như những bóng ma tan biến trước
ánh sáng ban ngày. Thân phận con người bị vỡ nát trôi lạc loài vô định, như một
chiếc bè trên biển cả mênh mông, phó mặc cho sóng cao, bão tố. Nó không còn là
người sống, chỉ để cuộc sống trôi đi, cứ để cái u mê nó bao trùm từ đầu đến
chân, như cây độc cần, chẳng cần một cú hich làm giật mình, mà cũng chẳng cần
nó phản ứng cục cựa. Một sự chán ngắt mênh mông, mệt mỏi và yếu sức tràn ngập đến
tận từng tế bào của cơ thể, tận từng sợi dây của linh hồn, báo hiệu cho một cái
chết đang tới gần trên những bước đi không nghe tiếng.
(Còn tiếp)
Nguyễn Mạnh Tường
Nguyễn Quốc Vĩ chuyển ngữ
CHƯƠNG 10: BI HÀI KỊCH
CỦA MỘT CUỘC TRẢ GIÁ
Nếu cái bi kịch đói chỉ có một kịch sĩ duy nhất và chỉ là màn độc
thoại đang ngang qua những câm nín đầy bi thương, thì những cuộc mặc cả mà tôi
kèn cựa để bán những tài sản riêng có thể bán được đã xảy ra như một màn bi hài
kịch mà nụ cười cứ xen lẫn cùng nước mắt. Người bán, kẻ đang cố nuốt giòng nước
mắt, khóc thầm cho nỗi khổ đau và niềm tủi nhục mà cái đói là nguyên do chính,
lại phải nở nụ cười cho cái dối trá và điệu bộ của người mua đang cố cò kè cắt
xén bớt số tiền phải trả để mua một món hàng thật sự quí và có giá trị với cái
giá thấp tột cùng.
Những gì chúng tôi bán trước tiên là những bộ trang phục mà vợ
chồng tôi hay mặc lúc còn thời vàng son để dự những buổi chiêu đãi hay lễ lộc
được mời, trước khi Cách Mạng về làm đảo lộn mọi trật tự của xã hội, kéo người
dân ra khỏi những truyền thống và thói quen đã có từ hàng ngàn năm mà cái thần
thánh của các lãnh đạo và cái phong cách sống trong sáng của họ phải là mẫu mực
mới cho xã hội! Tất cả nữ trang bằng vàng chúng tôi đã bán hết trong thời Kháng
Chiến để giúp gia đình cầm cự qua ngày và trụ lại trong hàng ngũ kháng chiến.
Nhưng sau khi về lại Hà Nội, cha mẹ tôi và bạn bè đã cho chúng tôi vô số quần
áo đắt tiền: áo lụa, sa tanh, gấm thêu, vải nhung từ Trung Quốc, những bộ quần
áo mà vợ tôi từ nay không còn dịp để mặc. Về phần tôi, tôi đã mang về, sau những
chuyến công tác ở Bắc Kinh, Vienna, Lục Xâm Bảo những bộ âu phục may đo bởi những
người thợ may bậc thầy chuyên cung cấp quần áo cho nhân viên các sứ quán.
Nay thì nhiều tập quán thói quen đã thay đổi. Tất cả phụ nữ phải
phô trương diễn hành với những bộ đồng phục mà các cán bộ nữ quyết định: quần
đen, áo trắng. Tất cả các ông đều mặc đồng phục kiểu Stalin hay Mao, sau đó là
kiểu dáng do quí ông lãnh đạo cộng sản và các cán bộ quyết định: áo cổ đứng, quần
rộng. Áo dài, quần trắng của phụ nữ, áo sơ mi và cà vạt của đàn ông thì bị cái
khắc khổ của những người cộng sản kết án là những tàn tích của tư sản. Người ta
có thể cười hay khóc vì đó. Người ta có thể cười khi thấy cả dân chúng trong những
bộ đồng phục rõ ràng là đơn giản và rẻ tiền, nhưng vô danh, giết đi tính cá biệt
của con người, giết đi nhân cách riêng của họ, và giết đi những tính cách riêng
của mỗi người là những cái cho phép người ta có thể hiểu, gây thân thiện và
ngay cả để giao tiếp, chia sẽ thông cảm với họ. Một người nước ngoài, hay ngay
cả người bản xứ cũng không thể dễ dàng phân biệt thiên hạ, giữa người này người
kia. Có người cười cho rằng đó là điều giả dối, nhưng người ta vẫn thấy đó là
điều vĩ đại. Cả dân tộc đã trở thành nô lệ cho ý muốn của lãnh đạo, nô lệ tới mức
vâng lời cả những ý tưởng bất chợt và kỳ quặc của họ, trở thành một khối đồng
nhất với một kích cỡ quá lớn. Đó là một điều vĩ đại không thể chối bỏ nhưng nó
cũng là một nguy hiểm cho an ninh của các dân tộc và cho hoà bình thế giới. Một
Hitler ở Đức, một Moussolini ở Ý, chỉ có quân đội và thanh niên là mang đồng phục,
thế mà cái tội ác của chủ nghĩa phát xit đến nay vẫn còn làm nhân loại kinh
hoàng, lợm giọng. Làm sao có thể lường trước được những tai hoạ kinh hoàng gây
bởi cả một dân tộc đang dậm những bước chân lính trận dưới lệnh của những ông
chủ mà quyền hành là quá lớn, không giới hạn, không kềm chế, nảy sinh những ý
tưởng hoang đường điên rồ có thể gây ra những thảm hoạ ở tầm thế giới.
Người ta cười, khóc. Nhưng, tệ hơn nữa, người ta đang cảm thấy
thật đáng tiếc cho một dân tộc đang bị kết án phải mang một thân phận tôi tớ về
tư tưởng, một sự tự sát về tâm hồn và con tim.
Vì thế, tôi hiểu rằng không thể có gì nhiều trong việc đi bán những
quần áo đắt tiền ở một thủ đô mà chuyện ăn mặc khắc khổ đã được cộng sản quản
lý chặt chẽ. Không có một cửa hàng bán đồ cũ nào ở Hà Nội. Đồng phục nam, nữ đều
dùng những loại vải rẻ tiền, làm trong nước, không được bền, khi người ta muốn
bỏ thì chỉ có việc vứt vào thùng rác như những miếng giẻ rách.
Tôi đến những tổ hợp may mặc. Họ lịch sự từ chối: “Chúng tôi biết
những quần áo của ông thuộc loại đắt tiền. Nhưng chúng tôi biết bán cho ai bây
giờ trong khi không còn ai mặc những thứ ấy? Chúng tôi đành phải làm mỗi một việc
là cắt nhỏ nó ra để may quần áo cho trẻ con. Nhưng đấy cũng lại là một điều
đáng tiếc nữa. Những cán bộ bình thường thì đâu có tiền, mà dẫu có tiền họ cũng
không dám mua cho con vì sợ bị các đồng chí khác phê bình, khám phá ra những kẻ
này còn mang những mầm mống của chủ nghĩa tư bản! Con cái những ông lớn thì ăn
mặc như những hoàng tử, công chúa với những bộ quần áo do những cán bộ trong
ngành ngoại giao hay ngoại thương mang về biếu sau những chuyến đi công tác ra
nước ngoài để cầu mong những đặc ân và che chở.
Nhiều ngày tôi đã đi quanh những con đường, lê theo mình gói quần
áo, từ phố Huế qua phố Hàng Lụa, từ phố Hàng Đường quanh qua phố Hàng Gai.
Không ai muốn những đồ cũ của tôi. Cuối cùng khi tôi qua phố Hàng Buồm, một người
đàn bà tốt bụng khi nhìn thấy dáng bộ thiểu não của tôi bèn hỏi thăm cớ sự.
Chính bà ấy đã cứu tôi khi cho tôi địa chỉ một nhóm kịch may ra họ có thể mua đồ
của tôi để các nam nữ diễn viên có trang phục mà diễn trên sân khấu. Tôi nghe
theo lời khuyên và xoay sở lần chót để thanh toán gói đồ.
Chuyện xảy ra làm cho tôi mang nhiều suy nghĩ. Không biết là có
phải áo cà sa làm nên ông sư không, nhưng những bộ quần áo tôi mặc trong thời
mà tôi còn chút tự do thật sự là một phần trong cách ăn ở của tôi, không thể lộn
ngược bề để may thành bộ áo riêng cho những người hầu trong nhà. Và khi tôi
không có phương tiện và khả năng để đóng một vai diễn phụ hay một tài tử chính,
chẳng thà để những bộ quần áo này cho những diễn viên nhà nghề mà cuộc sống là
hai mặt: một ở ban ngày ngoài xã hội và một về đêm trên sân khấu, giữa cái thực
và cái tưởng tượng. Chính đó là cái logic của sự đời.
Tôi cũng được biết qua người phụ trách trang phục cho Nhà Hát,
cũng là người đã mua quần áo của tôi, kể cho tôi nghe rằng hiện tại một cô gái
có địa vị đang chuẩn bị lễ cưới và muốn kiếm một bộ đồ đẹp nhưng không thể thực
hiện vì thiếu tiền. Cô gái ấy bèn đến Nhà Hát hỏi thuê một bộ đồ để có dáng một
nàng công chúa huyền thoại hay con của một đại đế nào đó. Người con gái nào
cũng chỉ một lần trong đời làm đám cưới. Cô ấy có thể được tha thứ vì đã làm một
chuyện giả dối ngây thơ, cũng chỉ để tránh né trong một vài giờ cái thực tế hiện
ra như một bài văn nhạt phèo và chán ngắt, để trốn chạy vào những vần thơ mơ mộng,
để xoá tan đi cái ham muốn không được thoả mãn và cho phép con người tự lừa dối
lấy mình. Tất cả xã hội trên thế giới đều có đầy nhan nhản những bà Emma Bovary
[1] với con tim chứa đầy những cơn thèm khát không được thoả mãn, họ mỏi mòn chống
chọi những khổ đau mà chờ đợi ảo ảnh của một “nơi nào đó” có niềm vui và tự do
lấp lánh. Ở Việt Nam, mỗi người đều phải sống hai mặt trong kiếp sống người máy.
Bề ngoài, họ chơi trò xưng tụng giáo điều để tránh không bị tập thể trừng phạt,
khẳng định cái tính láu cá ranh mãnh của một kịch sĩ. Bên trong họ cố dồn ép những
đòi hỏi của hy vọng vào bóng tối và im lặng, đẩy những thèm khát không được thoả
mãn, những khát vọng cháy bỏng vào những vùng đất trời huyền bí mà không một thần
linh chính trị nào có thể khám phá được.
Trong một đất nước bị sống trong khắc khổ và nghèo nàn, tất cả
những ham muốn dù chính đáng dường như đều bị đông lạnh, cho nên số quần áo cũ,
dù rất đắt tiền, được mang ra bán đổ bán tháo với giá rẻ mạt cũng không nuôi
gia đình tôi được lâu. Ăn uống tiết kiệm đến mức cao nhất giúp chúng tôi khỏi
chết đói nhưng với điều kiện là chúng tôi phải chịu đựng cảnh mắt mờ, chân bước
muốn không nổi và những cơn co giật đau quặn của cái bao tử phải bóp cái trống
không. Những bữa ăn mà rau muống là món chính đã làm da chúng tôi trở nên thâm
tái. Bà con tưởng chúng tôi mắc bệnh sốt rét. Chẳng thà để họ nghĩ như thế để
tránh cái xấu hổ vì bị đói.
Sau quần áo cũ, đến phiên chăn màn, chén kiểu và những dao nĩa bằng
bạc. Tôi gói dễ dàng 24 cái khăn ăn cùng với hai khăn trải bàn màu mè thêu rồng,
lân. Hai gói mỗi gói gồm 12 bộ đồ dùng theo cách ăn Á Đông có tô chén, đũa ngà
và bộ kia cho bữa ăn kiểu Tây gồm dao, nĩa và muỗng bằng bạc chạm trổ, mâm và
ly pha lê hiệu Bohemia, chúng tôi để kín cả mặt bàn. Những tia nắng còn sót lại
của buổi chiều quét lên một góc của những món đồ sứ và bạc làm chúng trở nên rực
rỡ lộng lẫy. Bộ chén đĩa, những đồ dùng bằng bạc toả nét lung linh trắng như
tuyết bên cạnh những chiếc ly thuỷ tinh lấp lánh như những đốm lửa. Chúng tôi bị
choá mắt trong một lúc. Dường như đối với tôi, giữa cuộc hành trình trong sa mạc,
một cảnh tượng đẹp đẽ như thế đã gợi lại trong tôi kỷ niệm những ngày huy hoàng
trong quá khứ. Tôi chao đảo những bước đi đầy buồn tủi và cay đắng, chẳng còn mấy
chốc tôi sẽ ngã quỵ xuống đất dưới cú sốc của cái khổ sai hiện tại so với cái
huy hoàng của năm xưa. Một trang sử đời tôi đã sang trang, tôi buông mình bật
khóc cho nửa đời người còn lại, con người của tôi năm xưa và con người của tôi
hôm nay đã thật sự chết rồi.
Tôi hiểu rằng tôi không nên gõ cửa nhà các ông lớn: họ thường tổ
chức yến tiệc trong nhà để chiêu đãi những nhân vật chính trị, kinh tế, văn hoá
đến viếng thăm Hà Nội từ các nước cộng sản. Hơn nữa, mặc dù trong túi lúc nào
cũng đầy ngập vàng, nhưng các ông lớn không để mình sơ suất làm lộ ra cái giàu
sang vì nó sẽ là sẽ là đề tài cho những tin đồn làm cho họ bị mất uy tín dưới mắt
của Đảng. Tôi không thể mang những đồ sành sứ, chỉ cuốn bộ khăn ăn và khăn trải
bàn vào một gói và để nó vào cái giỏ sau cái xe đạp. Tôi biết mình phải đi đâu.
Tôi bước vào sảnh của một khách sạn lớn nhất Hà Nội dành riêng cho những khách
viếng người nước ngoài giàu sang qua đấy. Tôi mở gói đồ và giới thiệu nó cho
người trách nhiệm của khách sạn và mời ông ta đến nhà để xem những đồ sứ và bạc.
Hắn kênh kiệu và làm duyên như một con mụ lố bịch trước một kẻ bảnh bao như muốn
cầu cạnh một ân huệ nào đó. Hắn thú nhận: “Đây là những món hàng rất đẹp. Tôi
không chối cãi điều đó. Nhưng ông muốn tôi làm gì với chúng? Khách đến từ các
nước anh em cũng nghèo kiết xác. Họ chưa bao giờ gọi gì thêm, luôn luôn bám vào
tờ thực đơn thường ngày, không bao giờ uống rượu mạnh và khi phải cho tiền phục
vụ thì họ tỏ ra rất dè xẻn. Thật ra, nói họ là dân keo kiệt thì cũng không công
bằng lắm, vì tôi nghe nói ở các nước anh em, cũng như Việt Nam mình, lương bổng
công nhân viên bị tiết giảm đến mức tối thiểu, hay có khi còn ít hơn thế! Tôi
thấy ông đã lớn tuổi chắc ông đã qua một thời kỳ khá dễ thở.”
Người đối thoại với tôi, sau khi đảo mắt nhìn quanh để biết chắc
là không có ai đang nghe lén, rồi trả lời cho tôi: “Mấy cán bộ công sản dạy
chúng tôi rằng dân chúng trước đây phải lê cuộc sống đầy đau khổ vì phải chịu
áp bức bởi phong kiến và thực dân. Tôi không biết ở những nơi khác thì như thế
nào, chứ ở nơi tôi ở, thiên hạ không hề vui sướng hạnh phúc như họ nói. Dĩ
nhiên là thời ấy vẫn có người giàu kẻ nghèo nhưng ai nấy đều có cái mà ăn và nếu
quần áo có phải vá, họ cũng có áo quần để mặc! thực dân Pháp cũng không ra mặt
một cách dễ dàng trông thấy. Họ nằm ở đâu trên giai cấp cao, và nếu có đàn áp
và bóc lột, thì họ làm qua một giai cấp trung gian nào đó”.
- Thông qua trung gian một cái gọi là nền hành chánh bản xứ mà đứng
đầu là tầng lớp quan lại.
- Nhưng, thực tế phải công tâm mà nói, những ông quan lại nói
trên là những người tốt nghiệp từ Trường Luật Hà Nội, họ biết rõ những chuyện
gì sẽ xảy ra cho mình nếu bị lọt vào tay những anh cộng sản đỏ. Dĩ nhiên, họ ngồi
trên những chiếc ô tô và sống cuộc đời xa hoa giàu có. Nhưng họ tham nhũng một
cách vừa phải, và nếu tôi có thể nói thêm là họ còn có nhân đạo. Luật Hình Sự
mà họ biết rõ là một hàng rào an toàn buộc họ giữ mình không đi ra ngoài chấn
song của pháp luật. Bên cạnh đó, tờ báo châm biếm Phong Hoá, những bài viết của
nhóm Tự Lực Văn Đoàn bằng cách liên tục chế nhạo các quan lại đã dựng nên một
rào cản xã hội ngăn chận những bóc lột vô chừng mực của họ. Kết quả là ngay ở
những làng quê, nhà riêng dù bằng tranh vẫn còn tồn tại, và nông dân vẫn chưa
bao giờ biểu tình phản đối hay yêu sách. Ít ra là theo như tôi biết.
- Nhưng ở phố thì tình hình ra sao?
- Dân thành phố thì sống tốt hơn nhờ những việc trong chính quyền,
trong những xí nghiệp thương mại hay công nghiệp lớn, hay trong những ngành
buôn bán nhỏ. Đường xá sạch sẽ, lòng đường cũng như lề đường. Tất cả những vi
phạm về vệ sinh công cộng đều bị phạt tiền. Không còn trộm cướp, ngoại trừ một
vài bọn móc túi hoạt động ở các chợ, nhưng ở phố yên tĩnh và an ninh là rất tốt.
Tôi không phải là một giáo sư để phân tích nghị luận, tôi chỉ nói theo những gì
tôi thấy mà tôi cũng không tìm hiểu nguyên do hay đưa ra những lời bình luận.
Vì còn nợ mái tóc bạc của mình nên tôi phải tôn trọng sự thật, giữ danh dự và
nhân cách của tôi.
- Ông có nghĩ đến việc rút lui về nghỉ ngơi cho khoẻ không?
- Tôi đã nghĩ đến chuyện đó và đã nạp đơn xin về nhưng lãnh đạo
buộc tôi phải ở lại để huấn luyện cho bọn trẻ mới vào làm. Tôi làm bếp trưởng
đã hai chục năm nay. Vào những ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, thiên hạ nhảy đầm, còn
tôi thì phải phục vụ rượu săm banh cho họ. Trong những bữa ăn lớn, mấy món nhậu
kiểu Na Uy và món thịt dăm bông trộn vỏ bánh mì là món rất được ưa chuộng của một
số khách không keo kiệt tí nào về phần tiền phục vụ. Tôi như con cá vẫy vùng
trong nước.
- Và bây giờ thì sao?
- Thời thế đã thay đổi. Tất cả tiếp viên là những công an hay là
những người quen của họ. Họ theo dõi khách hàng, lục lọi hành lý, nghe ngóng
xem họ nói gì để đi báo cáo cho những “nơi trách nhiệm”. Tôi cũng nằm trong hệ
thống giám sát của họ. Thật chán hết sức. Cạnh đó, nếu họ chỉ làm công việc của
họ thì tôi cũng nhắm mắt để cho họ làm những chuyện bên lề đó. Nhưng ở đây họ lại
phá hoại bao nhiêu là thứ: nhà cầu, vòi nước, máy hút bụi, máy giặc, chén đĩa
sành sứ. Nhưng khốn nạn thay, chuyện như thế đó, tôi chẳng làm gì được.
- Vui chuyện với ông làm tôi quên mất mục đích tôi đến đây: liệu
ông có thể mua cho tôi mấy bộ bát đĩa và khăn ăn này không?
- Chắc chắn chúng tôi sẽ cần chúng cho những buổi tiệc lớn và những
buổi hội hè. Tôi chỉ là kẻ vô tích sự thôi. Có lẽ ông nên nói chuyện với ông uỷ
viên chính trị. Chính ông ta là người quyết định mọi chuyện.
Người đàn ông già đời trong nghề đã hết sức trong công việc để
làm người có ích, nhưng lại không có chút tiếng nói nào trên các vấn đề. Đó là
cách mà mọi chuyện đang xảy ra trong thế giới cộng sản.
Cái Tết đầu tiên xảy ra trong phiền não và nước mắt. Chúng tôi
phải nhịn bốn bữa ăn để có thể dành ra tiền để trang hoàng bàn thờ của tổ tiên
với một nải chuối xanh, bó nhang, vài nắm hoa và một cái bánh chưng. Chúng tôi
thật hạnh phúc dù đang trong cảnh thiếu thốn vẫn có những món truyền thống trên
bàn thờ của gia đình dù không phải là những món có giá trị cao như chúng tôi muốn,
nhưng cũng xem là khá đầy đủ. Trong khi chờ nén nhang cháy hết, nỗi thống khổ
làm chúng tôi thật đau lòng, cố nén dòng nước mắt chực trào dâng trên khoé mắt.
Ngày mai rồi ngày kia, chúng tôi sẽ làm sao đây khi chúng tôi không còn gì để
bán? Dĩ nhiên là chúng tôi có thể kéo rê thêm nhiều ngày nhiều tháng, nhưng chừng
nào chúng tôi mới ra khỏi con đường hầm? Câu hỏi cứ theo chúng tôi ngày đêm làm
chúng tôi mất ngủ.
Bây giờ là đến lúc những cuốn sách và những băng nhạc bước vào
đường của bóng tối và cõi chết. Tôi làm một danh sách khoảng ngàn cuốn sách và
cả trăm cuốn băng mà tôi mua sắm qua bao nhiêu năm, và lấy đó làm niềm vui thú.
Tôi ngây thơ tin rằng cái gia tài văn hoá quí giá và duy nhất ở Việt Nam kia sẽ
được chào đón nồng nhiệt và giúp tôi có chút gì để ăn trong nhiều năm sắp đến.
Nhưng than ôi, không phải thế.
Tôi tìm đến Cục Lưu Trữ và Thư Viện Trung Ương và đề nghị với họ
một bản sao của tất cả các tác phẩm của tôi, bắt đầu là những luận án Tiến Sĩ của
tôi và toàn bộ những tác phẩm mà tôi đã phát hành tiếp theo sau đó.
Tôi chờ đợi được người ta long trọng đón tiếp. Người giám đốc
Thư Viện Trung Ương xưa kia là một công chức ngành quản thủ thư viện của thực
dân và đã học được nghề qua công việc, như người ta thường nói. Ông ta không phải
qua trường Pháp-Điển Văn Khố chuyên về quản thủ Văn Khố (Ecole des Charles).
Người tốt nghiệp xuất thân từ trường Văn Khố là ông Ngô Đinh Nhu, nhưng vì công
việc ở đó không thích hợp với mình, ông Nhu quay ra làm chính trị nhưng lại
trúng loại chính trị tệ hại nhất vì bị cả nhân dân và cộng sản kết án. Với bản
án kép xếp như một án tử hình. Sớm hay muộn, ông ta cũng sẽ bị nghiền nát dưới
sức nặng của số mệnh.
Như thế, ông giám đốc Thư Viện Trung Ương của tôi ngày xưa đã
làm một chọn lựa đúng. Ông ta được gia nhập Đảng và khi trở về Hà Nội, bỗng
nhiên được đề bạt lên chức Giám Đốc của cái Sở mà xưa kia ông ta là một nhân
viên. Cái chi tiết nhỏ này giúp chúng ta hiểu cái giọng lưỡi của ông ta khi ông
ta chính thức từ chối mua bộ sách riêng của tôi:
- Đồng chí, tôi vẫn tiếp tục gọi ông với hai tiếng “đồng chí” vì
chúng tôi, những người cộng sản, vẫn hy vọng là ông sẽ ra khỏi những sai lầm bắt
nguồn từ nền văn hoá Tây Phương mà ông hãnh diện đang khoe khoang, nhưng chúng
tôi thì ghê tởm. Ông không tự cho mình là kẻ chống cộng, ông huênh hoang cho
mình là người thực tiễn bởi vì ông dựa trên thực tế để đúc kết thành những phê
phán, và ông tự cho mình là công lý khi vạch trần những thành công bên cạnh những
thất bại. Ông cho rằng khi ông tuân thủ cái logic mà chúng tôi coi như đã lỗi
thời, tệ hại, là ông vẫn còn trung thành vào cái thiên hướng của người trí thức
là không muốn phản bội. Một nước tư bản như Pháp, kiêu hãnh với chủ nghĩa tự do
của họ, chấp nhận thái độ đó. Nhưng về phía chúng tôi, chúng tôi kết án nó.
Chúng tôi kết án thái độ đó, nhân danh chủ nghĩa cộng sản mà chúng tôi tin đó
là kẻ duy nhất nắm giữ sự thật, và kẻ đã dạy cho chúng tôi rẳng người dân khôn
ngoan là phải biết tôn trọng và tuân hành nhà chức trách. Nhà chức trách thấy
xa và thấy rõ hơn chúng ta. Họ là hiện thân của sự tốt đẹp, và nếu các ông
không đứng về phía họ thì phải biết rằng cái xấu đang chờ đợi các ông với những
thói hư và kinh hoàng của nó. Giữa chúng ta, cho tôi hỏi ông: có phải Đảng đã
dành cho ông biết bao nhiêu là ưu đãi hay không? Mười uỷ ban chấp hành trong
các tổ chức quần chúng, còn có trí thức nào đạt kỷ lục như thế? Và người ta đã
đòi hỏi ông những gì? Chỉ cần ông nhắm mắt làm ngơ trên một số sai lầm mà tất cả
ai trong chúng ta cũng đều biết. Chúng tôi muốn che khuất nó đi, chỉ làm toả
hương những chiến thắng mà những tràn vỗ tay phải kích động và cao hơn lúc thất
bại rất nhiều. Chúng tôi chỉ yêu cầu ông hoàn toàn im lặng trước về phần hư hại
của thực tiễn, không cần ông phải dối trá với lương tâm của mình bằng cách phát
minh ra những thắng lợi tưởng tượng. Một thái độ sống như thế sẽ rất có lợi cho
Đảng và cho chính cả ông. Tại sao ông không làm như một số trí thức khác? Họ chỉ
thề trung thành với Đảng là đã nhận được bao nhiêu là lợi lộc cho bản thân họ
và cho gia đình? Ngược lại, cứ khư khư bám vào cái văn hoá Tây kia, cứ giữ cái
nhận thức khách quan và tự tin kia về công lý, về thực tiễn, ông đã phạm tội
phá hoại mà ngày nay ông phải gánh chịu những hậu quả tai hại.
- Đồng chí, tôi rất cám ơn ông đã giúp những ý kiến tốt. Nếu ông
là một mỹ nhân ngư, tôi đã phải nhờ các thuỷ thủ cột tôi vào cột buồm như
Uylisses, người đang mê mẩn tiếng hát của người cá nhưng vẫn cố thoát ra khỏi
hai cánh tay đẹp đẽ của nàng. Ông làm cho tôi nghĩ đến chuyện con rắn trên vườn
Địa Đàng đã rót những tiếng nói độc hại vào tai Eva để làm cho nàng vào bẫy.
May mắn thay, tôi không phải là đàn bà, và ngày nào đó bên cạnh trái táo sẽ còn
có nhiều thứ trái cây ngon lành khác để cho người ta chọn. Dầu thế nào, tôi
cũng phải công nhận là cái tinh quái xảo trá mà ông đang thừa hưởng nó thật là
hùng hồn thuyết phục. Cho phép tôi được trả lời cho lý lẽ của ông. Cái văn hoá
Pháp mà ông đang kết án, nó đã thấm nhập và đang chảy trong dòng máu con người
tôi. Nó đã tạo ra con người tôi như bây giờ, luôn luôn đi tìm công lý, quan tâm
một cách đam mê đến khách quan và thực tế nhưng rất tin vào con người, yêu mến
con người và chấp nhận tranh đấu cho con người tránh khỏi sự tàn ác và tuỳ tiện
của những kẻ độc tài độc đoán. Ông khuyên tôi phải tuân phục nhà cầm quyền, được
thôi, nhất là khi tôi chỉ muốn không gì khác hơn là trật tự và yên bình. Nhưng
chuyện tuân phục nhà chức trách và tuân phục uy quyền cũng không có nghĩa là
không được mở mắt nhìn những sai quấy và lỗi lầm của họ. Nếu tôi giữ yên lặng
thì dĩ nhiên chuyện đó sẽ được dàn xếp giữa chính quyền và nhân dân, nhưng nó sẽ
tự làm cho mình mất uy tín và lòng tin của quần chúng. Vì vậy, đây là vấn đề là
phải biết thái độ nào là thích hợp nhất trong những trường hợp như thế: hoặc
không nói gì hết để ngồi hưởng những ban phát của nhà cầm quyền, đứng ra đồng ý
với họ và như thế sẽ tránh bị họ đánh, hoặc đứng ra làm một hành động đúng đắn
để tôn trọng ý muốn của nhân dân, mở mắt cho những ai đang cầm quyền và chấm dứt
những nỗi bất hạnh đang làm hao mòn niềm tin của họ đối với lãnh đạo. Như thế với
một hòn đá ta ném trúng hai con chim: làm cho nhân dân và nhà nước hoà thuận với
nhau, cả hai cùng nhịp bước hưóng về một tương lai huy hoàng và hạnh phúc của
toàn thể nhân dân. Tôi tuân phục nhà cầm quyền nhưng tôi mở to hai mắt, minh mẫn
đầu óc và sẵn sàng cây bút. Tôi nghĩ đây là thái độ đúng đắn nhất của một người
trí thức có lòng tự trọng, có tình yêu dân tộc, biết lo lắng cho hạnh phúc của
nhân dân trong khi vẫn mong muốn không chuyện gì hại cho Đảng. Nếu ông nghĩ rằng
những điều tôi nói là đúng thì đó cũng là nhờ tôi hưởng một nền văn hoá của
Pháp và vùng Địa Trung Hải.
- Tôi đành phải nói với mình rằng quan điểm của ông và của tôi
là không thể đi chung với nhau. Tôi rất tiếc, tôi không thể mua những bộ sách của
ông, dù tôi biết đó là những cuốn sách rất có giá trị. Hiện nay, tôi không có
ngân khoản đề mua những thứ đó. Hơn nữa tôi cũng không thấy điều gì ích lợi từ
những cuốn sách về những nền văn hoá đã có từ ngàn năm hay từ nhiều thế kỷ nay
mà tư tưởng đã có từ những thời kỳ nô lệ, phong kiến của phương Tây và của chủ
nghĩa Tư bản, chúng không thể được dùng để đào tạo những người cộng sản Việt
Nam.
Trên đường về, tôi như bị hụt hẫng vì cái khía cạnh đần độn của
một lối lý luận phát sinh từ một thứ chủ nghĩa cuồng tín chính trị, nó làm tim
tôi tan nát. Tôi tự trách mình đã quên lời dạy của Phúc Âm, đừng bao giờ mang
những viên ngọc trai mà cho heo mang, margaritas ante porcos, mất cả buổi sáng
tôi mới gượng quên đi chuyện bực mình vừa xảy ra.
Cái sự thực tàn nhẫn làm tôi khóc thét lên vì giận điên người là
không thể chờ đợi chi nhiều từ những người trí thức được nhận vào Đảng. Mặc dù
là thế, nhưng cũng có một vài trí thức, quá mệt mỏi sau bao năm sống tự dối
mình, tự nén mình vào những lúc nổi dậy của lương tâm, đã để cái chất trí thức
của mình nổ ra thành những biểu lộ diễn tả sự coi khinh Đảng và những hà khắc của
nó. Lợi dụng những chuyến công tác ra nước ngoài họ đã dứt áo ra đi và không
bao giờ quay lại. Và khi qua được với Thế Giới Tự Do họ không còn gìn giữ hay
giới hạn những lời công kích kịch liệt. Nếu họ còn ở lại trong nước họ sẽ bị kết
án tù chung thân và chỉ được khênh ra ra khỏi nơi giam cầm trong tư thế nằm với
đôi chân ra trước. Nhưng phần lớn các trí thức lầm lẫn gia nhập vào hàng ngũ của
Đảng chỉ còn biết từ bỏ nhân cách của mình, biến thành những tên nịnh bợ mà
lòng tận tâm chỉ làm thiên hạ cười và khinh bỉ.
Bài học đau đớn mà tôi đã học từ người đối thoại trên là từ nay
tôi phải tránh nói chuyện về văn hoá với những ông bà trí thức đã thành người cộng
sản. Nhưng, tôi cũng phải làm gì để có cái ăn trong những ngày tháng sắp đến,
tôi cũng phải kiếm cho ra người mua dù phải bán với giá rẻ cho bộ sưu tầm băng
cát sét và những bộ sách của tôi. May mắn là vẫn còn những kẻ yêu nhạc, dù là
những người nằm trong Đảng, vẫn còn thú nghe nhạc và có một đầu óc phóng
khoáng, biết đánh giá cao những tác phẩm của những nhà soạn nhạc lớn của Âu
Châu. Sau một vài liên lạc, tôi may mắn thanh toán được cái máy nghe băng và
các băng nhạc cổ điển. Nhưng khối sách về văn hoá nước ngoài thì khó tìm được
người mua. Đương nhiên, tiếng La Tinh và tiếng Hy Lạp không còn được dùng ở Viết
Nam, không thể bán được bộ sách Bude. Mặc dù tiếng Pháp đã bị mất chỗ cho tiếng
Nga, tiếng Anh bắt đầu trở lại, vẫn có một số thầy giáo có nhu cầu đọc tiếng
Pháp nên tôi đã bán được một số ít. Cuốn Odyssé do V. Berard dịch, bản dịch cuốn
Eneide của A.Bellesort thì có được người mua, nhưng những tác giả Pháp thời
Trung Cổ, thế kỷ 16, 17, 18 và ngay một số vào đầu thế kỷ 19 thì không ai muốn.
Với những tác giả thời cận đại, tôi bán được một số tiểu thuyết của Maurois va
Mauriac, những cuốn sách khó như của Valéry, Gide và Caudel thì chỉ gặp sự lạnh
lùng của khách hàng. Nhưng cái đói thì không thể làm lơ được, tôi phải mỗi ngày
lượn quanh các con phố để tìm gặp những tay bán sách cũ chuyên bán hay cho những
người chơi sách tài tử thuê vài cuốn sách của các tác giả lớn.
Cuối cùng tôi cũng phải hiểu ra là mình không nên đắm mình trong
cái ảo tưởng về số phận của những cuốn sách không bán được của tôi. Tôi đành phải
cân ký bán cho những người thu mua giấy vụn về bán lại cho nhà máy làm bột giấy.
Những cuốn sách được mang lên trên cái cân hiệu Roberval. Tôi được trả tiền
theo số cân đo được. Tim tôi đập loạn lên mỗi khi tôi phải chất những cuốn sách
vào cái giỏ sau của chiếc xe đạp để đem đi bán giấy vụn. Không, nó không phải
là giấy, nó là những thịt da của tôi đang bị xé ra từng mảnh. Khi những người
mua ném chúng vào góc nhà, tôi phải quay mặt đi nơi khác cố giấu giọt nước mắt
đang trào ra! Không có người cha nào còn dám nhìn con mình đang bị ném vào lửa
bởi bọn đao phủ! Cái tra tấn đó cứ tái hiện mỗi lần đi bán sách làm giấy vụn,
tôi như bị một mũi tên bắn xuyên qua tim mình. Nhiều lần, tôi phải nhờ vợ hay
con tôi làm chuyện đó vì tránh cho tôi phải chịu nỗi đau mỗi lần. Một lần trên
đường về nhà, cái đau lòng khi phải nhìn thấy bao giá trị quí giá tan biến
trong gió thoảng, nhất là trong thùng giấy vụn, những giá trị mà tôi đã dày
công sức và thời gian để có, những giá trị đã xây nên con người và đã đi vào
máu tôi, cái đói thiếu những chất cần thiết trong cơ thể làm chân tôi trở nên mềm
như bún và run lên. Không biết vì cái đau kia hay cái đói triền miên hay cả
hai, đã làm ý chí và sức lực tôi bay biến. Cách nhà khoảng một trăm thước, tôi
đã té xe đạp và không thể đứng dậy. Tôi phải gượng dậy ngồi bên lề đường,
giương mắt nhìn sự vật quay tròn, tôi rán lấy lại hơi thở, sau khoảng hơn mười
phút mới đứng dậy nổi và cố dắt chiếc xe về nhà.
Trong lúc tôi phải lượn quanh để bán những cuốn sách thì vợ tôi
cũng muốn giúp tôi bằng cách mang những đồ lót và các phụ tùng trang điểm, những
chai nước hoa hiệu Chanel, Patou còn được giữ nguyên trong hộp và còn gói trong
giấy hoa màu vàng kim tuyến thắt nơ nhung rao bán cho các bà trong giới chức
quyền. Không may cho vợ tôi, bà gặp toàn là những bà vừa mới từ quê ra tỉnh,
nhiều bà còn bộ răng nhuộm đen thời xưa. Mấy bà tròn xoe mắt, lần đầu thấy những
món hàng mà họ chưa bao giờ thấy hoặc nghe nói đến trước đây. Mấy quan, mấy xếp
cưới mấy bà trong thời bí mật kháng chiến vì hai lý do: thứ nhất, để đi đúng đường
lối chính trị với lý luận rằng quần chúng vô sản ở thành thị và nông thôn đều bị
áp bức và bóc lột bởi phong kiến và thực dân, thứ hai là do những phong tục đơn
giản còn lại trong nếp sống chưa bị vẩn đục, chưa bị lây nhiễm bởi những thói
hư tật xấu của chủ nghĩa tư bản. Bên cạnh đó, những phụ nữ nhà quê kia với niềm
tin và sự kiên trì đã thay thế cho việc trau dồi sắc đẹp, đã sống cô đơn một
mình trong nhiều năm dài chờ đợi những người chồng đã từ lâu đi làm chiến tranh
cách mạng và chỉ trở về khi cần để đánh lạc hướng hay cắt đuôi những tên gián
điệp hay để được nghĩ ngơi một thời gian ngắn trước khi lên đường tiếp tục cuộc
chiến dành thắng lợi cho giai cấp vô sản.
Bây giờ, Cách Mạng thắng lợi, được đặt vào những vị trí cao nhất
của quyền lực, họ mang một nửa kia lên Hà Nội để hưởng những vinh hoa của chủ
nghĩa cộng sản, những vinh hoa mà không có cách nào để phân biệt với thứ vinh
hoa tư bản chủ nghĩa. Cũng những toà biệt thự đó, với những con chó dữ tợn và
đám người hầu thận trọng, cũng những chiếc ô tô bóng lộn, cũng một nếp sống gia
đình theo lối đó. Cái khác biệt duy nhất so với những quý tộc tư sản là, những
thứ xa xỉ đó giờ đây hoàn toàn do Nhà Nước chi trả, phải cắn răng chi tiêu một
số lớn ngân sách lẽ ra phải để dành cho những chuyện cần, thiết yếu. Một điều
khác biệt nữa là vợ các ông lớn không nắm giữ chức vụ nào và không xuất hiện
chung với chồng trong những dịp lễ chính thức hay những buổi chiêu đãi tiếp
tân. Loại logic đó thật là khó hiểu khi mà người ta cứ mãi nêu cao cái nguyên tắc
nam nữ bình đẳng, ít ra là trong xã hội. Cũng có thể là các vị hiểu rằng cái nữa
kia của mình chưa quen với cái hào nhoáng của giai cấp thượng lưu, không biết
cười hay ăn nói sao cho đúng, không biết dùng dao nĩa làm quí ông bị mất mặt.
Quí ông chỉ còn biết để vợ ở nhà ngồi chơi trên ghế như những di vật linh
thiêng để trên bàn thờ sơn son thiếp vàng.
Vợ tôi trở về mệt mỏi sau những lần tiếp xúc với các bà trong giới mệnh phụ cộng
sản. Bà phải cố gắng và kiên nhẫn rất nhiều để giải thích cái vui thú thanh tao
mà người phụ nữ ở một tầng lớp cao của xã hội khi dùng những thứ hảo hạng, đến
thẳng từ Paris, thủ đô của hoa lệ và ánh sáng. Vợ tôi xoay sở để đạt được mục
đích và đã mang về một số tiền đủ để sống vài tháng.
Nhưng với các bà mệnh phụ khác, bà nào cũng là hiện thân của Eva
bị mấy món xa hoa hấp dẫn, thật khiếp đảm. Tiền xài cho những món kia được bí mật
lấy từ công quỹ. Nếu họ không chùn tay lấy cắp công quỹ thì họ cũng xoay sở để
làm sao không gây tai tiếng và làm hư chuyện thăng quan tiếng chức của chồng.
Cũng dễ, vì họ không bao giờ chường mặt ra trước công chúng, và chỉ phô trương
đến chín tầng mây những quần áo lụa là, những mùi dầu thơm đầy khoái lạc với chồng
trong cảnh riêng tư chồng vợ.
Phần tôi, tôi cố mở những lớp dạy tiếng Pháp. Không thiếu sinh
viên, họ đều hiểu rằng biết biết thêm một ngoại ngữ, bên cạnh tiếng Nga dạy ở
các trường Trung và Đại Học, là một phương tiện tốt để kiếm việc sau này. Một
vài người muốn học tiếng Anh. Nhiều người cần học tiếng Pháp đến gõ cửa nhà
tôi. Những kẻ hăng hái nhất là những anh chị có tham vọng được đi làm ở
Madagascar hay Algérie vì ở đó người ta trả lương như một ông hoàng. Mặc dù Nhà
Nước đã lấy đi từ 70 đến 90 phần trăm tiền thù lương và tiền thưởng, để trả nợ
cho mình, với phần còn lại họ vẫn còn dư để sống.
Nhưng để được phép đi đến những xứ giàu sang đó, họ chẳng những
phải cẩn thận bôi trơn bàn tay của các quan chức ở bộ Ngoại Giao và bộ Lao Động,
họ còn phải qua một cuộc xét nghiệm về tiếng Pháp tại sứ quán Algérie hay
Madagascar.
Một chân trời sáng sủa được mở ra trước niềm hy vọng của tôi.
Nhưng ngay trong buổi học đầu tiên được mở tại nhà tôi, một đám công an đã đột
ngột xuất hiện. Xếp của chúng là một gã béo lùn, đôi chân ngắn củn, trán thấp,
cặp mắt soi mói, hai lỗ mũi phập phồng như một con chó đang đánh hơi một khúc
xương ngon lành. Cả bọn chiếm cả phòng khách và tên xếp, dù không được mời vẫn
ngồi đến ngồi chễm chệ trên chiếc ghế bành. Trước bộ mặt kinh ngạc của tôi, hắn
gằn lên từng tiếng một như để nhấn mạnh cái nghiệm trọng của vấn đề:
- Ông có biết tại sao chúng tôi vào nhà ông không?
Tôi đã học từ nhiều năm nay là không ngạc nhiên trườc bất cứ
chuyện gì: điều ngớ ngẩn nhất, điều bệnh hoạn nhất, điều đê tiện nhất đều có thể
xảy ra ở một nơi mà lòng tin và Luật Pháp không có, nơi mà những giá trị, dù
cao quí đến thế nào, đều có thể bị vứt vào đống rác, ngoại trừ đó là những thứ
của chủ nghĩa Cộng Sản và của những tôi tớ bệnh hoạn của nó, với sự tôn sùng cá
nhân được hàng ngày thực hiện và tệ sùng bái áp đặt. Tôi lắc đầu tỏ vẻ không biết.
Hắn ngồi thoải mái trong chiếc ghế bành, đôi chân ngắn gác chéo một cách trịnh
trọng, xoa xoa hai tay và giương cặp mắt long lên nhìn tôi giận dữ.
- Ông giả vờ làm người khờ không biết. Ông biết rõ ông là một
tên trí thức thối tha, mình chứa đầy những tư tưởng phản động. Ông dám ngẩng đầu
đòi hỏi dân chủ! Ông còn muốn gì hơn cái mà ta đang có? Ông không thấy trước những
công sở của chúng ta, trên những giấy tờ chính thức đều có nêu rõ khẩu hiệu của
Nhà Nước: Tự Do - Độc Lập - Hạnh Phúc? Tự do, hạnh phúc là cho ai, nếu không phải
là cho nhân dân? Đảng đã mang lại cho chúng ta cái vinh quang của một thắng lợi
cách mạng, một chiến thắng không thể tượng tượng trên chủ nghĩa tư bản. Nếu
chúng ta không tin vào Đảng, vào lãnh tụ vô vàn kính yêu của chúng ta thì thử hỏi
ta phải tin vào ai?
- Cám ơn ông đã nhắc cho tôi bài học mà tôi đã thuộc nằm lòng.
Có phải ông đang đến viếng để cho tôi cái vinh dự được lập lại những điều đó
thêm một lần nữa chăng?
Hắn không trả lời ngay. Với cử chỉ của một ông giám mục, hắn đưa
ngón tay út lên ngoắc. Một trong những tay hầu cận vội chạy đến lấy ra từ trong
túi xách một cái phích nhỏ đựng đầy nước chè, đổ vào một cái tách nhỏ rồi đưa
cho ông chủ kèm theo một ống tre nhỏ, món mà ở nhà quê không nhà nào là không
có. Tôi quan sát cảnh tượng đang xảy ra. Nó xảy ra đúng y như những gì đã xảy
ra thuở trước, khi các quan lại di hành đâu đó, mọi thứ là đây: một đám tuỳ
tùng, một cái phích đựng trà, một ống tre nhỏ để hút nước, và đặc biệt là cái
ngoắc ra lệnh bằng ngón tay út mà đám tôi tớ thấy là hiểu ngay phải làm gì. Hãy
hy vọng là những tác phong cổ xưa này sẽ chứa những tinh thần mới của cách mạng.
Quan cách mạng nhấp một ngụm trà và ngay tức khắc, người hầu đưa
cho ông ta cái điếu cày đã nhét đầy thuốc. Với cái bật lửa, người hầu đốt một
thanh gỗ nhỏ, ông chủ đưa chiếc điếu vào mồm, hít lên một hơi dài rồi phun ra
những vòng khói màu xanh. Sau đó, với cặp mắt khoái trá, nửa nhắm nửa mở, cổ dựa
vào đầu lưng ghế, với giọng nói chậm chạp và trang trọng, hắn buông những lời
ra khỏi đôi môi dầy thịt:
- Ông chả hiểu gì cả. Ông đã phạm một cái lỗi tày đình. Nhưng Đảng
vẫn cao thượng, cảm thấy tội nghiệp cho tính hấp tấp và cả tin của ông. Đảng
không bỏ tù ông, Đảng chỉ lấy lại những vinh dự đã dành cho ông. Để tỏ ra biết
ơn sự rộng lượng và tốt lành của Đảng, lẽ ra ông đã phải tự giam mình nơi cô
đơn tĩnh mịch để sám hối cho cái tội lỗi ghê gớm của mình. Ngược lại, ông còn mở
lớp dạy tiếng Pháp, quan hệ với những thanh niên mà ông có thể đầu độc và làm họ
xa rời Đảng. Vì lý do đó, tất cả lớp dạy tư nhân đều bị cấm.
Với bộ dạng bệ vệ uy nghiêm, với bước đi của quan lớn, hắn bước
ra khỏi nhà, theo sau là bầy chó sói. Cái độ lượng của Đảng vừa chối từ một cái
phao cứu hộ cho kẻ đang bị chết đuối. Phúc đức thay cho thứ nhân đạo không muốn
làm kéo dài mạng sống của một sinh vật khốn khổ, nhưng rất xứng đáng, đang lê lết
trong sự đoạ đầy của cơn thuỷ triều cộng sản, hoàn toàn bất lực cho mình và bất
lực cả cho những người đang quản lý nó.
Chuyện trả giá để bán những bàn ghế thì rất khó khăn và kéo dài.
Đồ đạc gồm toàn những thứ đáng giá: những chiếc ghế bành, chiếc trường kỷ, tủ
chưng những món lạ và đồ kỷ niệm, bàn giấy, tủ sách, thảm lót hiệu Hàng Kênh,
những bức tranh sơn mài của Coromandel, tất cả đều làm theo kiểu xưa và toàn bằng
gỗ gụ, những bình hoa lớn bằng sứ của Trung Quốc đạt trên những cái đế ba chân,
những bình đựng bông bằng pha lê, những bức tranh của các hoạ sĩ danh tiếng
đóng trong những cái khung mạ vàng… Lê Phố là hoạ sĩ đã vẽ kiểu mấy cái tủ đựng
bát đĩa, những cái ghế bành gỗ và những món đồ gỗ khác từ những kiểu dáng xưa,
nhưng tất cả đều do nhà điêu khắc nổi tiếng Ngô Trâm chạm trổ. Trong thời tôi
còn huy hoàng, những món này là cả một gia tài, nhưng lúc còn làm luật sư, tôi
chỉ có việc mở vòi là tiền chảy vào như nước. Đời thật ngắn và chịu bao nỗi
thăng trầm. Nếu một người có thể tự cho mình các thứ mà vẫn nằm trong khuôn khổ
của xã hội, thích hợp với những ý thích của mình thì tại sao không họ lại không
được vui hưởng một cách thanh tao và thuần khiết những cái đẹp và đường nét?
Khi tương lai tôi vẫn chưa bị phủ mờ bởi những hiểm nguy nhất định, tôi đã rất
bằng lòng với cuộc sống mà không hề cảm thấy có nhu cầu tự đặt cho mình câu hỏi
liên quan đến chuyện mình thích gì hay đam mê gì. Nhưng khi biết không sớm thì
muộn tôi phải chia tay vĩnh viễn những vật dụng đã cho tôi những niềm vui không
tả và không bao giờ quên được, tôi đã dành hết niềm vui để mở ra những đối thoại
với từng món trong bọn chúng để gợi nhớ cho tôi những kỷ niệm dính liền với chỗ
đó, và cũng là biểu lộ con người đạo đức và tâm linh của tôi. Tôi cố tìm thấy
tôi, nhận ra tôi qua những đồ vật mà tôi đã treo móc vào chúng những thớ thịt
và mẩu vụn của cuộc đời và quá khứ của tôi.
Tại sao ngày xưa tôi không mua sắm những món làm theo phong cách
phương Tây tiện dụng hơn mà những đường nét sắc sảo gọn gàng, cái đơn giản về mầu
sắc và cách bố trí hài hoà rất hợp với cái tính Cartesien của tôi [2], hợp với
cái tình yêu của tôi dành cho sự logic và sự sáng tỏ? Tại sao giờ đây tôi phải
chịu một ngọn lửa bất ngờ sôi sục kéo dài cháy đốt tâm can cho những dấu vết của
quá khứ đầy dân tộc và truyền thống kia?
(Còn tiếp)
Nguyễn Mạnh Tường
Nguyễn Quốc Vĩ chuyển ngữ
___________________________
[1] Ý nói về câu chuyện
về cuộc đời vô vị buồn chán của một bà tên Emma, vợ của một ông bác sĩ tầm thường
sống ở một vùng quê buồn bã… (N.D.)
[2] René Descartes
(1596 - 1650), nhà triết học, nhà toán học, nhà vật lí học người Pháp.
Descartes là nhà nhị nguyên luận. Trong học thuyết về nguồn gốc của vũ trụ,
trong vật lí học, Descartes là nhà duy vật, coi "vật chất là thực thể duy
nhất, là cơ sở duy nhất của tồn tại và của nhận thức" (Mac). Descartes đưa
ra giả thuyết về sự phát triển tự nhiên của sự sống trên Trái Đất; theo quan niệm
của Descartes, vũ trụ là một cỗ máy khổng lồ, con người và cơ thể động vật là
những cỗ máy phức tạp, tất cả vận động theo các định luật cơ học. (N.D.)
No comments:
Post a Comment