KHẢO SÁT VĂN BẢN NGUYỄN
ÁI QUẤC/QUỐC
Sự khảo sát văn bản Nguyễn Ái Quốc dẫn tới sự xác định
vai trò lãnh đạo phong trào Người Việt yêu nước của Phan Văn Trường trong giai
đoạn đầu (1911-1920) và của Nguyễn Thế Truyền trong giai đoạn sau (1921-1927).
Đó là cơ sở đầu tiên của phong trào Yêu Nước chống thực dân trên đất Pháp.
Từ 1927, khi Nguyễn Thế Truyền về nước, phong trào Yêu Nước sẽ
do nhóm Trốt-kít tiếp tục lãnh đạo với Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường, Phan Văn Hùm,
Huỳnh Văn Phương, Trần Văn Thạch... Những nhà ái quốc này, tới năm 1945, sẽ bị
cộng sản thủ tiêu, trừ Hồ Hữu Tường sống sót vì trốn ở Hà Nội.
Nguyễn Tất Thành trở thành Hồ Chí Minh, chủ tịch nước Việt Nam
Dân Chủ Cộng Hoà, từ 1948, chính thức nhận mình là Nguyễn Ái Quốc, tác giả các
bài báo và xác định phong trào Người Việt Yêu Nước do ông lãnh đạo, trong cuốn
sách ký tên Trần Dân Tiên. Những người ái quốc đối lập chính trị với ông bị
chôn vùi trong nấm mồ "phản động".
Trong số rất ít nhà nghiên cứu tìm hiểu về giai đoạn lịch sử này
có Thu Trang và Lê Thị Kinh đã tìm ra được những tài liệu hiếm quý, nhưng cả
hai đều đặt trọng tâm trên Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh, coi
ông Hồ là "lãnh tụ vĩ đại". Nhờ các công trình nghiên cứu của
Ngô Văn về lịch sử các nhà cách mạng Đệ Tứ và của Đặng Hữu Thụ về Nguyễn Thế
Truyền, và cuốn hồi ký của Phan Văn Trường, mọi sự đã sáng tỏ hơn. Tuy nhiên hiện
nay vẫn thiếu một công trình nghiên cứu sâu xa về Nguyễn An Ninh tại Pháp.
Một điểm cần phải xét lại là Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường
thường được coi như những người mở đường phong trào yêu nước; nhưng vai trò
lãnh đạo thường được dành cho Phan Châu Trinh. Phan Văn Trường ít ai biết, hoặc
có biết, cũng chỉ coi như người "phiên dịch" tư tưởng Phan Châu Trinh
ra tiếng Pháp, cả Hồ Hữu Tường cũng lầm như thế.
Sự thật khác hẳn: Trong thời kỳ tranh đấu ở Pháp, Phan Châu
Trinh, tuy với một quá khứ can trường, tuy được dân tộc quý mến, nhưng ông đã bị
vượt qua, không thể là người lãnh đạo phong trào. Lý do: Phan Châu Trinh không
biết tiếng Pháp.
Khi đi Nhật, bị người Nhật hỏi: Các ông chống Pháp mà có học
tiếng Pháp hay không? Cả hai cụ Phan đều ngỡ ngàng. Khi về nước, Phan Châu
Trinh có viết bài cổ động học tiếng Pháp, nhưng chính bản thân ông không áp dụng.
Trong 15 năm ở Pháp, vì không chịu học tiếng Pháp, ông không tiếp nhận trực tiếp
được thông tin của xã hội mà ông đang sống, luôn luôn phải qua trung gian của
thông dịch, do đó có sự cách biệt sâu xa giữa ông và những người viết bài ký
tên Nguyễn Ái Quốc. Vì không đọc được những bài báo này, ông không biết họ viết
gì, nên ông chống lại và cho rằng viết báo tiếng Tây cho Tây đọc là vô ích, từ
đó, đưa đến những đổ vỡ về sau. Vì lệ thuộc vào những người phiên dịch cho nên
Phan đã tin cẩn Nguyễn Như Chuyên; ngay cả Đại úy Roux, người tận tình giúp đỡ
từ lúc ông mới đến Pháp, cũng chỉ là một con bài được Pháp chỉ định với nhiệm vụ
làm cho Phan tin vào chính quyền thuộc địa.
Phan Văn Trường để lại cuốn hồi ký Une histoire de
conspirateurs annamites à Paris ou la vérité sur L'indochine - Câu
chuyện những người An Nam âm mưu (chống Pháp) tại Paris hay Sự thật về
Đông dương[1].
Nội dung tác phẩm vạch rõ âm mưu thâm độc của chính quyền thực dân, trong vụ án
gọi là "âm mưu chống Pháp" gán cho Phan Văn Trường và Phan
Châu Trinh, và bộc lộ mối tương quan giữa hai người, cho thấy đường hướng tranh
đấu của họ hoàn toàn khác nhau.
Phan Châu Trinh đả kích quan lại và triều đình Huế, còn đối với
Pháp, ông viết nhiều bản điều trần gửi Albert Sarraut với hy vọng chính quyền
thuộc địa sẽ thay đổi chính sách để giúp Việt Nam lấy lại chủ quyền.
Phan Văn Trường tuy kính trọng Phan Châu Trinh nhưng phê phán
ông Trinh quá ngây thơ, cứ đến bộ thuộc địa "chầu chực" xin
gặp Sarraut một cách vô ích.
Điều này không sai vì Phan Châu Trinh ngay từ đầu đã không nhận
ra Nguyễn Như Chuyên là mật thám và những "sự tốt" của
chính quyền đối với ông thực ra chỉ là sự quản thúc trá hình: Việc quan ba
Roux, được lựa chọn trong số những người Pháp thạo tiếng Việt, để đến làm bạn với
Phan ngay từ lúc mới sang, ân cần giúp đỡ, dịch cho Phan những kiến nghị gửi
toàn quyền Albert Saraut cũng nằm trong chính sách ấy. Cả vụ Sarraut cho Phan ở
thêm một năm, cũng là sự dàn xếp để Phan thấy rõ "lòng tốt" của
Sarraut. Những điều này khá rõ trong hai bức thư Roux gửi cho Phan từ những
ngày Phan mới đến Pháp:
1/ Bức thư đầu tiên Roux gửi Phan Châu Trinh ngày 26/5/1911 có
những câu:"Theo nhời quan Thượng Thư Thuộc Địa tôi xin viết mấy chữ nầy để
mời quan lớn lại chơi nhà tôi phố Odessa, số bẩy, gần "la ga
Montparnasse" (...)
Khi quan lớn mấy tôi đã gặp nhau một lần nào như thế rồi thì
chúng ta định mỗi một tuần lễ nào quan lớn mấy tôi hội nhau mấy lần, để quan lớn
tỏ ra được các điều quan Thượng thư phải nghe rõ"[2].
2/ Ngày 20/7/1911, trong bức thư thứ nhì, Roux gọi Phan là em: "Quan
toàn quyền đã xem cái thư ấy rồi, lại định rằng ưng cho các điều em tỏ ra trong
cái thư ấy.
Nhưng có một điều em nên hiểu rõ là sau này: Quan Toàn Quyền
Sarraut thật là một người yêu mến dân Annam lắm. Ngài ấy chưa sang ở bên Đông
Dương một lần nào mà đã lo liệu dân tình nước ấy lắm. Ở trong bụng thì định rằng:
muốn giúp đỡ người Annam để được tấn tới và thịnh vượng.
Quan Toàn Quyền định cho em ở bên Tây này một năm nữa, nhưng trước
hết Toà Toàn Quyền nên lo liệu về việc ấy để xem cách nào nên dùng thuộc về phí
tổn.
Dẫu hoá ra gì thì em nên tin cậy quan Toàn Quyền; lại em cũng
nên tin cậy anh vì anh mấy em bây giờ là như hai người bình đẳng, là như hai
người bạn hữu thật".[3]
Chính Roux đã đưa Phan đến trình diện Pierre Guesde, lúc đó chưa
làm Tổng Thanh Tra -nôm na là trùm an ninh thuộc địa- nhưng đã làm chánh văn
phòng Bộ Thuộc Địa. Trong những trao đổi thư từ giữa Guesde, Salles và thuộc hạ[4],
họ đã tính buộc hai cha con Phan phải đi Neufchatel-en-Bray gần Dieppe để phân
tán lực lượng Hội Đồng Bào Thân Ái ngay từ tháng 4/1912. Nhưng Phan Châu Trinh
từ chối, họ không dám ép quá, sợ Phan làm ầm lên, rách việc, nên mới thôi.
Roux có nhiệm vụ "nói tốt" và chứng minh "thực
tâm" của Sarraut và chính quyền. Trong khi "thực tâm" Sarraut
đối với Phan Văn Trường và Hội Đồng Bào Thân Ái ra sao, ta đã rõ. Ngay cả
Ernest Babut, người đã làm báo với Phan ở Hà Nội, giúp đỡ và bênh vực Phan khi
ông bị bắt năm 1908, cũng "làm việc" với chính quyền. Babut
đã báo cáo với Guesde về Phan Văn Trường và "gợi ý" cho
Phan Châu Trinh xin Guesde xuống Marseille làm việc ở Hội Chợ 1922, lãnh lương
của Pháp, gây sự nghi ngờ giữa ông Trinh và các đồng chí. Những "ân
nhân" này, phải hiểu, trước hết họ là người Pháp, họ không thể phản bội
nước Pháp của họ. Việc giúp Phan chỉ có mục đích làm cho Phan tin tưởng hơn nữa
vào chính quyền thuộc địa, không "nổi lên" chống lại mà "cộng
tác" và họ đã thành công.
Riêng luật sư dân biểu đối lập Marius Moutet là người của luật
pháp, vì muốn làm sáng tỏ sự công minh của luật pháp nước ông và truy tố phương
pháp ám lậu, nhầy nhụa của bọn thực dân, cho nên Moutet đã tận tình can thiệp
cho Phan Châu Trinh, Khánh Ký, Phan Văn Trường và anh em, Phan Bội Châu, Nguyễn
Thế Truyền và em... ra khỏi cảnh tù đầy, để họ được tự do bầy tỏ chính kiến của
mình. Tuy nhiên khi Moutet lên làm bộ trưởng, chính sách của ông đối với Việt
Nam lại là một chuyện khác.
● Phan Châu Trinh dưới mắt Phan Văn Trường
Sự bất đồng ý kiến giữa Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh đã
nhiều nơi đề cập, qua những bức thư Phan Châu Trinh viết cho Phan Văn Trường,
Nguyễn Thế Truyền, đã được công bố. Ở đây, chúng tôi chỉ nhắc đến ý kiến của
Phan Văn Trường trong cuốn hồi ký Une histoire de conspirateurs annamites
à Paris - Chuyện những người An Nam âm mưu tại Paris[5].
Sử gia Ngô Văn cho biết: Ở thời điểm xuất hiện trên báo Chuông
Rè, tác phẩm gây chấn động trong lòng người dân nô lệ như một luồng điện giật[6].
Nội dung tác phẩm trình bày hành trình tư tưởng và con đường tranh đấu của Phan
Văn Trường, kêu gọi người dân nô lệ phải đứng lên làm người. Đừng sợ kẻ
khác. Dù phải trả giá thế nào đi chăng nữa. Phan Văn Trường thuật lại vụ
án mà ông và Phan Châu Trinh bị thực dân dàn dựng để ghép hai người vào tội âm
mưu lật đổ chính quyền Pháp.
Phan Văn Trường đã dành nhiều trang hồi ký cho Phan Châu Trinh,
người bạn đồng hành của mình. Ông viết theo lối Tây học, có gì nói thẳng, cả
cái hay lẫn cái dở của bạn. Một nhận xét: Phan Văn Trường không hề nhắc đến tên
Nguyễn Tất Thành, mặc dù Tất Thành ở nhà ông trong 2 năm, từ tháng 6/1919 đến
tháng 7/1921.
Sự ngây thơ của Phan Châu Trinh, được phân tích khá cặn kẽ,
trong chương X. Phan Văn Trường mô tả Phan Châu Trinh là người thông minh thiên
bẩm, uyên bác và có kinh nghiệm sống, nói chuyện hay, nhưng dường như những ưu
điểm trên đây bị sự khinh suất khó mường tượng và sự ngây thơ lạ lùng phá vỡ.
Những lời lẽ hạ mình đối với chính quyền thực dân trong Đầu Pháp chính phủ
thư, thực vô ích. Phan Châu Trinh đến Pháp với con trai là Phan Châu Dật,
12 tuổi, để lại vợ và 2 con gái ở nhà. Chính phủ Pháp trợ cấp mỗi tháng 420
francs. Hai cha con ở một nhà trọ, có vài công chức cao cấp của chính quyền thuộc
địa thỉnh thoảng đến thăm. Ông được đồng bào nhiệt liệt hưởng ứng, người Việt ở
Paris đến chơi, nghe ông nói chuyện để thoả lòng nhớ nước.
Phan Văn Trường viết: "Vị nhân sĩ này tượng trưng xã hội
An Nam xưa. Ông ra vào văn phòng của bộ Thuộc Địa như một nhân vật được ưu ái
tín nhiệm (personna grata), ông trình bày những quan điểm chính trị, đặc biệt
yêu cầu ân xá cho những người bạn cùng cảnh ngộ còn ở trong tù, nhưng không bao
giờ ông nhận được trả lời ngoài sự im lặng khinh bỉ. Sự chăm sóc hời hợt của
chính quyền thuộc địa lúc đầu, lạnh dần để cuối cùng chuyển sang ác cảm và thù
nghịch"[7].
Vẫn theo Phan Văn Trường, sự chăm sóc hời hợt này chỉ là cái cớ
để dễ bề trừng phạt khi Phan Châu Trinh dám bàn (phiếm) đến chính sách chính trị
ở Đông Dương, và nhất là đã cùng Phan Văn Trường, làm một bản Thỉnh Nguyện gửi
hội Nhân Quyền, nhờ can thiệp cho những người bạn còn bị tù Côn đảo vì biến cố
1908. Thế là một loạt báo Pháp ở Đông Dương (được lệnh) phát triển phong trào
bôi nhọ, viết bài ngụ ý tiếc rằng chính quyền Đông Dương đã không để xử tử
(Trinh) cho rồi, và quy kết hai người (Trinh và Trường) vào tội tổ chức cuộc nổi
dậy chống Pháp tại Đông Dương.
Sau vụ Thỉnh Nguyện Thư gửi Hội Nhân Quyền, Phan Châu Trinh vẫn
còn được trợ cấp, ông sống rất chật vật, phải gửi con vào nội trú tỉnh nhỏ
(Melun) và ông ở khách sạn, ăn cơm rẻ tiền. Mặc dù ở trong tình trạng khốn đốn,
Phan Châu Trinh là người bền chí, ông vẫn còn tin vào chính quyền thực dân, ông
đến bộ Thuộc Địa thường xuyên, tìm gặp những công chức cao cấp phụ trách vần đề
Đông Dương để bày tỏ lòng trung thực của mình.
Nhưng sau những hớ hênh của ông - Phan Văn Trường muốn nói đến
việc Phan Châu Trinh tin cậy mật thám Nguyễn Như Chuyên, coi như môn sinh- ông
và tôi bị bắt, bị giam 11 tháng. Tháng 7/1915, ra tù, đang trong chiến tranh,
chính quyền thuộc địa cúp hết trợ cấp, hy vọng không biết tiếng Pháp, không có
nghề, bắt buộc ông phải về xứ. Nhưng Phan Châu Trinh không về, ông ở lại, học
nghề ảnh và sống ung dung.
Sau những bài học đắng cay như thế, tưởng Phan Châu Trinh sẽ hết
lạc quan, nhưng không, ông vẫn tiếp tục thái độ triết nhân của mình, coi như
không có chuyện gì xẩy ra, vẫn đến Bộ thuộc địa, tìm gặp những kẻ đã đày đọa
mình, và xin hội kiến Albert Sarraut hết lần này đến lần khác.
Phan Văn Trường viết: "Tạm nói mà không hề có ý miệt
thị rằng, người này -vẫn bám vào chính quyền thuộc địa, bị đuổi cửa trước thì
luồn vào cửa sau- người mà chính quyền thuộc địa hai lần buộc tội âm mưu chống
Pháp!
Phan Châu Trinh là một người thông minh, một người tử tế, một
người bạn tốt; nhưng những đức tính này không đủ để làm nên một người cách mạng"[8].
Lời phê phán quả là nặng, nhưng nếu so với lời Phan Châu Trinh
phê phán Phan Bội Châu trong bài "Nước Việt Nam mới sau khi liên hiệp
với Pháp", thì lời Phan Văn Trường cũng chưa nặng bằng.
Hồi ký Phan Văn Trường viết năm 1923, lúc tình bạn hai ông đã rạn
nứt vì bất đồng chính kiến, nhất là sau vụ Phan Châu Trinh xin Guesde giới thiệu
xuống Marseille làm việc ở Hội chợ, và những lá thư đả kích nhau, nhưng ông Trường
vẫn bênh vực ông Trinh bị Pháp kết án oan vì không hiểu rõ chủ trương Pháp Việt
đề huề của ông Trinh, đồng thời nói lên sự khác biệt trong con đường tranh đấu
của hai người và đó cũng là sự khác biệt sâu xa giữa hai phái Nho học và Tây học.
Tinh thần Tây học này, được xác định một lần nữa trong nhận định
của Hoàng Xuân Hãn. Về "Đầu Pháp chính phủ thư" của Phan
Châu Trinh, Hoàng Xuân Hãn viết: "Lời lẽ trong thư kịch liệt, có thể
kích thích sĩ khí, nhưng lại vô tình hay hữu ý ngoa ngoắt bôi nhọ quốc dân và
quan lại, dường như để nhử chính quyền tin mình mà nhận lời mình. Kết quả là
không những ý mình không toại, mà thực dân đã dùng quan lại để trừ khử ông: ông
bị kết án tử hình; rồi may nhờ Hội Nhân quyền Pháp can thiệp, chỉ bị đầy ra Côn
Đảo. Giả sử thực dân bấy giờ khôn ngoan hơn, biết thấy lợi xa mà nghe lời ông,
thì lập trường của ông trong giai đoạn nầy có lẽ sẽ có lợi cho dân ta trong quá
trình tìm giải phóng. Trái lại, sự thất bại của ông đã làm cho người ngày nay,
khi đọc lại thư ông, chỉ có cảm tưởng ông ngây thơ về chính trị và cảm thấy tức
tối khi ông mạt sát quá đáng đồng bào, mà tâng bốc vượt mức thực dân. Tuy vậy,
ta không thể không nhận rằng ông có óc hiện thực, biết quan sát, phân tích và
có thái độ can đảm và thẳng thắn"[9].
Hoàng Xuân Hãn cũng như tất cả mọi người lúc đó chưa biết rõ sự
thâm độc của thực dân. Mặc dù Phan công kích các quan thậm tệ, nhưng khi ông bị
bắt năm 1908, chính triều đình đã bênh vực ông khỏi án tử hình: Lê Thị Kinh tìm
được các công văn chứng minh các quan trong Phủ Phụ Chính thời vua Duy Tân, đặc
biệt Cao Xuân Dục và Lê Trinh đã tìm mọi cách chống lại quyết định của Khâm sứ
Lévecque và Toàn quyền lâm thời Bonhoure, muốn xử tử hình Phan Châu Trinh[10].
● Con đường tư tưởng của nhóm Tây học
Nhờ sự khảo sát văn bản Nguyễn Ái Quốc, ta có thể xác định Phan
Văn Trường mới thực sự là thủ lãnh phong trào Việt kiều yêu nước, chính ông đã
xây dựng nền móng, rồi cùng Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn An Ninh hình thành đường
lối chính trị và tư tưởng chống Pháp:
- Bằng ngòi bút, đả kích trực tiếp thực dân bằng cách trình bày
những tội ác của thực dân trên báo chí Pháp. Đối lập nước Pháp cộng hoà với nước
Pháp thực dân: Nói rõ tội trạng của bọn thực dân để người Pháp phải xấu hổ mà
bác bỏ chính sách dã man đó đi.
- Liên kết với các nhà văn và nhà chính trị phái tả, các báo
L'Humanité và Le Populaire của đảng Xã Hội; La vie ouvrière, La revue
communiste và Le Paria của đảng Cộng sản, Le libertaire của nhóm anarchiste...
- Từ 1922 trở đi, nhóm Yêu Nước của Nguyễn Thế Truyền đã sử dụng
Hội Liên Hiệp Thuộc Địa và báo Le Paria của đảng Cộng sản làm bàn đạp để kết
giao với các nhà hoạt động cách mạng trên các thuộc địa Châu Phi, Madagascar, tạo
thành phong trào chống thuộc địa toàn cầu.
- Tác phẩm Le procès de la colonisation française - Bản
án chế độ thực dân Pháp là thành quả của sự hợp tác này. Và cũng từ cuối
năm 1923, khi mọi người đã rời khỏi Paris, Nguyễn Thế Truyền đứng mũi chịu sào
với sự giúp sức của chú ruột Nguyễn Thế Phu, em ruột Nguyễn Thế Song, người
cùng làng Nguyễn Thế Thạch, và các đồng chí và môn đệ như Nguyễn Văn Luận, Tạ
Thu Thâu... đã mở rộng cuộc đấu tranh, không những về phía Châu Phi,
Madagascar, mà còn viết bài ký tên Nguyễn Ái Quốc trên báo Inprekorr của
Nga, ấn bản tiếng Pháp. Ý niệm"toàn cầu hoá" cuộc tranh đấu chống
thực dân là của Nguyễn Thế Truyền.
Phan Châu Trinh vì không tiếp cận trực tiếp với tiếng Pháp, nên
ông không thể hiểu được con đường chính trị này. Vì vậy, ông không tha thiết,
mà còn chống lại việc viết báo tiếng Pháp cho người Pháp đọc. Những đề tài viết
về một người boxeur da đen như Siki của Nguyễn Thế Truyền có thể là vô bổ đối với
Phan Châu Trinh, nhưng đối với cuộc tranh đấu toàn diện, đó là một cái nhìn thấu
suốt tình hình thế giới.
Ngoài niềm tự hào dân tộc mãnh liệt, những cây bút ký tên Nguyễn
Ái Quốc luôn luôn đề cao tư tưởng phương Đông: Phan Văn Trường nghiêng về văn
minh Trung Hoa, Nguyễn An Ninh nghiêng về văn minh Ấn Độ, và Nguyễn Thế Truyền
nghiêng về lịch sử và văn hoá dân tộc. Đó là điểm khác biệt giữa ba người.
Trí thức ở Pháp có truyền thống theo cánh tả. Phan Văn Trường,
Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền muốn tranh đấu, phải dựa vào trí thức cánh tả,
trong các đảng xã hội, đảng cộng sản, nhóm anarchiste... nhờ họ làm hậu thuẫn để
chống lại chính sách thực dân.
Tuy vậy, Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh không vào đảng
nào, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành vào đảng Xã Hội, rồi đảng Cộng Sản.
Nhưng nên hiểu cộng sản 1920 khác với cộng sản Staline. Bản Tuyên ngôn Cộng
sản của Marx - Engels mà Phan Văn Trường in trên báo La cloche fêlée,
được Ngô Văn giải thích như sau: "Bản tuyên ngôn của Marx - Engels
trong thời điểm 1920 rất được phổ biến, in thành sách nhỏ rẻ tiền tại Pháp, nó
không chứa đựng điều gì có thể gây sốc, mà chỉ có thể làm cho thanh niên suy
nghĩ"[11].
● Phan Văn Trường
Bằng văn bản và diễn thuyết, Phan Văn Trường đả kích trực tiếp
những nhân vật chủ chốt của chính sách thuộc địa như bộ trưởng, toàn quyền, và
toàn bộ hệ thống cai trị thuộc địa. Ông trở lại chính sách thuộc địa Âu Châu thời
La Mã, so sánh với chính sách thuộc địa Á Châu của Trung Hoa. Ông tỏ phong thái
kiêu hãnh về nền văn minh Đông Phương lâu đời đối diện với một nền văn minh Tây
Phương non trẻ. Phan Văn Trường phân biệt rõ dân tộc Pháp mà ông quý mến và kéo
làm đồng minh để chống lại bọn dã man giết người trong chính quyền thực dân.
Ông đánh vào lòng tự hào của dân tộc Pháp để họ phải bãi bỏ chính sách thuộc địa
dã man không xứng đáng với lịch sử của họ. Phan Văn Trường đối với chính quyền
thực dân nguy hiểm hơn Phan Châu Trinh, bởi ông là người thận trọng, có thế lực,
được trí thức Pháp biết tiếng. Ông có quốc tịch Pháp và là luật sư, ông hành động
công khai theo đúng luật pháp. Khi bắt bẻ các bộ trưởng, hoặc toàn quyền, ông sử
dụng các điều luật trong ngành tư pháp để gọi tội của từng người.
Hồ Hữu Tường viết về Phan Văn Trường như sau:
"Tôi ở chung với cụ Phan Văn Trường được hơn tuần thì cụ về
xứ [12].
Trong thời gian đó, ngày nào tôi cũng quấn quýt theo bên cụ, mà nghe cụ kể những
mẩu chuyện thăng trầm của đời tranh đấu mình. Cụ rất vui tính, cười hề hề, dầu
cho chuyện bi đát, cụ cũng tìm thấy vài nét ngộ nghĩnh để mà trào lộng. Cụ là một
bực học giả uyên thâm, các sách hay của Đông phương lẫn Tây phương cụ đều đọc cả.
Cụ nói: "Tôi đọc được nhiều là nhờ nghèo. Mùa lạnh ở nhà rét quá chịu
không nổi, mà mình không đủ tiền mua than củi để sưởi. Đành vào thơ viện từ
chín giờ sáng đến mười giờ tối. Gián đoạn bằng hai lượt đi ăn. Vào thơ viện, phải
im phăng phắc, thì đọc sách là việc bắt buộc.
Triết học, kinh tế học, xã hội học, tôn giáo... sách nào căn bản,
cụ đều có nghiên cứu kỹ. Luận án thi tiến sĩ luật của cụ bàn về chủ nghiã
Bôn-sê-vích ở Nga[13] đem
áp dụng vừa được cuộc cách mạng. Nhưng mà trong thâm tâm, cụ chê tất cả các triết
gia Tây phương, ngay cả Marx nữa: Bọn nó vì tự cao ám thị mà chẳng chịu ngó đến
văn hóa Đông phương, thành chui rút vào tháp ngà, không có một cái nhìn thống
quản. Riêng có anh chàng Schopenhauer khiêm tốn, đọc sách Phật, nên tác phẩm của
y đọc dễ chịu hơn"[14].
Những điều Hồ Hữu Tường viết về Phan Văn Trường được thể hiện rõ
ràng trên bản Thỉnh Nguyện của dân tộc An Nam. Tháng 6/1919, bản Thỉnh
Nguyệncủa dân tộc An Nam đưa đến Versailles và gửi cho báo chí. Ngày
18/6/1919 L'Humanité đăng bản Thỉnh Nguyện dưới tựa đề: Les
droits des peuples - Quyền của các dân tộc.
Điện tín từ phủ toàn quyền ở Hà Nội gửi sang, cho biết bản
Thỉnh Nguyện cũng đã đến tay báo chí ở Việt Nam. Lập tức, cái tên Nguyễn
Ái Quốc trở thành kẻ thù số một của chính quyền Pháp. Phủ Tổng Thống gửi thông
tư đến bộ Thuộc Địa ra lệnh điều tra ngay lý lịch Nguyễn Ái Quốc và vấn đề Nguyễn
Ái Quốc được đưa ra tranh luận ở Quốc hội.
● Thỉnh nguyện thư Tám điểm gửi
Hội nghị Hoà bình năm 1919
Hoàng Xuân Hãn cho rằng: Phan Châu Trinh viết phần Hán văn, Phan
Văn Trường dịch ra Pháp văn, Nguyễn Tất Thành làm bài lục bát Việt Nam Yêu
Cầu Ca[15].
Nhưng qua văn bản, chúng tôi có thể xác định: Phan Văn Trường viết
thẳng phần tiếng Pháp, Phan Châu Trinh dịch sang Hán văn. Nguyễn Tất Thành làm
bài thơ lục bát. Bài thơ này, Thu Trang chụp được bản chép tay, và theo Lê Thị
Kinh thì có người xác định đấy là nét chữ của ông Hồ. Sở dĩ chúng tôi xác định
Phan Văn Trường viết vì những lý do:
- Phan Văn Trường trong buổi diễn thuyết ngày 13/3/1914 ở trường
Cao Đẳng Xã Hội, đã dùng những chữ Les revendications indigènes - Thỉnh
nguyện của người bản xứ.
- Lời văn trong bản Thỉnh Nguyện 1919 phù hợp với lối viết của
Phan Văn Trường: Kín đáo, kiêu kỳ, châm biếm. Trong khi văn Phan Châu Trinh
dùng lối trực bút, không châm biếm, ít ẩn nghĩa. Tây Hồ khi viết về Pháp và Tây
phương thường có giọng khiêm tốn trong khi Phan Văn Trường có niềm kiêu hãnh của
người Phương đông.
Sự so sánh văn bản này dựa trên đoạn đầu và đoạn
cuối của bản Thỉnh Nguyện -Tám điểm chỉ là những kê khai, có thể do sự bàn
bạc của nhiều người- hai đoạn văn ngắn và cô đọng chứng tỏ văn tài của tác giả. Đọc Thỉnh
nguyện của người An Nam trên L'Humamité, độc giả Pháp phải chú ý vì giá trị
độc đáo của văn bản: Lời lẽ nhũn nhặn mà kiêu kỳ, tự xưng nước mình là Đế
Quốc - L'Empire d'Annam, ngụ ý coi kẻ xâm lăng là tiểu quốc. Tác
giả tìm cách thu phục lòng người Pháp dân chủ tiến bộ, kích động niềm tự hào
dân tộc của họ, để họ thấy xấu hổ mà bãi bõ chế độ thuộc địa tàn ác, không xứng
đáng với truyền thống dân chủ của họ. Cách vận động này, trong bức thư ngỏ gửi
Nguyễn Ái Quốc 1922, Phan Châu Trinh gọi là "cái dụng lý thuyết thâu nhân
tâm của Phan", mà Tây Hồ phản bác.
Bút pháp Phan Văn Trường có lý lẽ của một luật sư, có kiến thức
của một học giả, có sự sử dụng chữ nghiã của một văn tài. Văn bản đã được
gửi về Việt Nam qua nhiều ngả. Nhờ vậy, mà người Việt lấy lại niềm tự hào dân tộc.
Bản Thỉnh nguyện của dân tộc An Nam trở thành bản Tuyên
Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của người Việt.
Phủ Tống thống lo ngại và bọn thực dân bắt đầu lên tiếng phản
bác trên báo chí. Phan Văn Trường bắt buộc phải trả lời. L'Humanité ngày
2/8/1919 đăng bàiLa question des indigènes en Indochine - Vấn đề người bản xứ tại
Đông Dươngcủa Phan Văn Trường, ký tên Nguyễn Ái Quốc. Sau bài viết này, vấn đề Nguyễn
Ái Quốc và nhóm Yêu Nước được đem ra Hạ Viện bàn cãi. Quả bom Phan Văn Trường
đã ném trúng đích: lần đầu tiên một kẻ indigène dám lên tiếng ngạo
nghễ đòi tự do dân chủ tại Pháp.
● Xác định hai bài báo ký tên Nguyễn Ái Quốc
do Phan Văn Trường viết
Dưới đây chúng tôi trình bày phương pháp xác định văn bản, bắt đầu
bằng 2 văn bản ký tên Nguyễn Ái Quốc do Phan Văn Trường viết.
Tại sao có thể xác định bài La question des indigènes en
Indochine là do Phan Văn Trường viết?
Nhờ những chi tiết sau đây:
1/ Tác giả bài báo coi những yêu cầu trong bản Thỉnh nguyện
tám điểm năm 1919 là của chính mình. Ông thuật lại lập luận của
đối phương cho rằng các yêu sách của mình, đã gây chấn động trong giới
thực dân. Đây là hiện tượng sự thực toát ra từ vô thức của ngòi bút: chỉ Phan
Văn Trường mới viết như vậy, những người khác không thể và không dám nhận bản
Thỉnh Nguyện là của mình vì không do họ viết ra.
2/ Tác giả nhắc đến bản Thỉnh Nguyện 1912, đòi trả tự do cho các
sĩ phu bị tù Côn đảo, đăng trong Bulletin officiel de la Ligue des droits
de l'homme ngày 31/10/1912. Văn bản này do Phan Văn Trường viết giùm
Phan Châu Trinh. Ngoài Phan Văn Trường, ba người kia không biết rõ việc này, vì
năm 1912, Truyền, Ninh và Thành còn nhỏ.
3/ Tác giả biết đích xác việc một sĩ quan cao cấp
trong quân đội được lệnh tịch thu bản Thỉnh Nguyện 1919 trong tay lính thợ Việt
Nam. Chỉ có Phan Văn Trường, cựu quân nhân, có đường dây trong quân đội mới dám
cam đoan biết đích xác việc này.
Về bài Phong trào cộng sản quốc tế Đông dương[16] thường
được trích dẫn trong các bài viết về tư tưởng Hồ Chí Minh, và được coi là
"nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh", cũng có những dấu ấn cho thấy
là bài viết của Phan Văn Trường, căn cứ vào nội dung đề cao văn minh phương
Đông một cách ngạo nghễ:
1/ 5000 năm trước, Hoàng Đế đã áp dụng chính sách phân phối ruộng
đất.
2/ 2205 năm trước Công Nguyên, nhà Hạ đã đặt ra chế độ cưỡng bức
lao động.
3/ 551 năm trước Công Nguyên: Khổng Tử đã khởi xướng thuyết Đại
Đồng và nguyên tắc: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Phan Văn
Trường sẽ ghi câu này dưới tên báo La Cloche fêlée, từ số 52, thay thế câu Organe
de propagande démocratique - Cơ quan truyền bá dân chủ của Nguyễn
An Ninh, để chứng minh rằng dân chủ phát xuất từ phương Đông.
Năm 1921, khi Phan Văn Trường viết bài báo này, chủ nghiã cộng sản
mới bắt đầu phát triển ở châu Âu, và được nhiều trí thức ngưỡng mộ, ông đưa ra
ý kiến: nên phát triển chủ nghiã cộng sản ở Á Châu -để đuổi thực dân- nhưng vẫn
ngụ ý cao kỳ: những nguyên tắc mà chủ nghiã cộng sản ở phương Tây của các anh
đưa ra, phương Đông chúng tôi đã áp dụng từ bốn, năm ngàn năm nay rồi! Chúng
tôi hiện đang mắc vào hiểm họa thực dân, hãy đợi khi nào chúng tôi đuổi được bọn
thực dân, chúng tôi sẽ giúp các anh "tự giải phóng". Đó là
những ý thâm trầm sâu sắc của Phan Văn Trường trong bài Phong trào cộng sản
quốc tế Đông Dương.
● Bút pháp Nguyễn Thế Truyền trên tờ Le Paria
Ngày 1/12/1922, trên Le Paria có hai bài, một bài ký tên Nguyễn
Thế Truyền, một bài ký tên Nguyễn Ái Quốc. Khảo sát hai văn bản này, có thể xác
định Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Ái Quốc là một.
Nguyên văn bài Một người Bôn-sơ-vich da vàng - Un
Bolchevick jaune ký tên Nguyễn Thế Truyền, xin tạm dịch:
"Nguyễn Ái Quốc có phải là một "kẻ đầy tham vọng,
không nhân cách và không đại diện cho ai", như ý kiến của cái điện văn rất
thực dân kia. Những lời phỉ báng như thế, hiển nhiên phản ảnh sự gập mình của
cái thấp hèn trước cái cao cả.
Vì thế, đáng được trả lời.
Tham vọng? Hẳn thế, Nguyễn Ái Quốc đầy tham vọng. Nhưng tham vọng
gì? Tham vọng giải phóng anh em rơi vào vòng nô lệ, bị bọn "diều hâu thực
dân" bóc lột dã man. Có tham vọng nào cao quý hơn?
Kẻ viết bài giấu tên trên báo La Dépêche Coloniale kia, vì ngươi
không biết đến nhân cách của Nguyễn Ái Quốc, nên ta cho ngươi biết.
Trong xứ, Nguyễn Ái Quốc sống hạnh phúc bên cạnh người thân. Khi
còn rất trẻ, một hôm thấy Pháp chặt đầu đồng bào. Quốc không hiểu tại sao. Phẫn
uất, Quốc ra đi, xa lánh bất công, để có thể kêu gào: "Công lý!" ở
nơi khác. (...) Hôm nay, anh cương cường tranh đấu cùng những người anh em châu
Phi, châu Âu. Với nghề khiêm tốn "sửa ảnh", vất vả để kiếm sống,
nhưng anh trong sạch hơn bao nhiêu quan chức, quá quan cách, ở các thuộc địa,
kia.
Ồ! Không! Quốc không hề như họ. Chẳng tiền hô hậu ủng, không
diêm dúa mề đai, không cồng kềnh "ấn trát", nhưng anh mang nguyện ước
của đồng bào, kỳ vọng của Dân tộc bị áp bức.
Năm ngoái, trở lại Đông Dương, tôi được nghe những lời cảm
động về anh, bí mật truyền miệng mọi người. Một cụ bà kể: tôi có hai đứa cháu bị
Pháp bắt đi đầy (vì tư tưởng); cụ hỏi tôi: "Cậu ơi, Cậu có biết Nguyễn Ái
Quốc không?" - Một em bé dễ thương nhớ lại người cha, nhân sĩ nổi tiếng, bị
tình nghi vì tư tưởng, một ngày kia bị cảnh sát Tây lôi đi như con chó; trong đầu
đầy hình ảnh anh hùng huyền thoại, đứa nhỏ hỏi tôi: "Nguyễn Ái Quốc có phải
là người bằng xương, bằng thịt không?"
- Này, người của La Dépêche Coloniale, ngươi không hiểu gì hết,
ngươi đang phỉ báng một chân lý lớn lao, một sự hy sinh cao cả, ngươi hãy câm
đi!"
- Nguyễn Thế Truyền
Ngay trong câu đầu, Nguyễn Thế Truyền đã bộc lộ lối chơi chữ tài
tình của ông, mà khi dịch không thể lột hết: Tờ báo mà ông đả kích có tên là La
Dépêche Coloniale, nghiã là Tin điện thuộc địa, hay điện
văn, điện tín thuộc địa... Ông bèn xé lẻ cái tên này làm hai, thành dépêche
- điện văn và colonial - thực dân và viết: "Nguyễn Ái
Quốc có phải là một "kẻ đầy tham vọng, không nhân cách và không đại diện
cho ai", như ý kiến của cái điện văn rất thực dân kia!
Văn phong Nguyễn Thế Truyền, nhanh, ngắn, mạnh, kiểu quyền Anh,
không cho địch thủ kịp đỡ đã tung ra cú đấm khác, khác hẳn lối viết điềm đạm
thâm thuý của Phan Văn Trường. Bài này, nội dung không nói lên lòng "tôn
thờ" Nguyễn Ái Quốc/Tất Thành, như Thu Trang nhận xét, mà Nguyễn Thế Truyền
chỉ có ý vinh danh một người anh hùng vô hình, nói khác đi, một người anh
hùng huyền thoại,vì thế ông đặt vào miệng bà cụ câu: Có ai gặp Nguyễn
Ái Quốc không? Đặt vào miệng đứa nhỏ câu: Nguyễn Ái Quốc có phải là người
bằng xương bằng thịt không? Đó là ý chính của Nguyễn Thế Truyền: hóm hỉnh xác định
Nguyễn Ái Quốc là một huyền thoại, không có thật.
Chống Pháp không khoan nhượng, Nguyễn Thế Truyền mạnh tay -tát tổng
đốc Vi Văn Định- mạnh bút, luôn luôn đánh thẳng vào thực dân với lời lẽ quyết
liệt. Bài này tát tai kẻ viết bài trên báo La Dépêche Coloniale, hèn, giấu
tên -có thể là người Việt- không hiểu thế nào là sự hy sinh cao cả cho một chân
lý. Xác định văn phong sắc, gọn, giọng khiêu khích, châm biếm, sự kiêu kỳ và lối
chơi chữ của Nguyễn Thế Truyền, và đưa ra một thông tin: khi ông về nước, giữa
1920, cái tên Nguyễn Ái Quốc đã được mọi người truyền tụng.
Trên cùng số báo Le Paria này có bài Về vụ Siki - A propos
de Siki, ký tên Nguyễn Ái Quốc, y một giọng, viết về sự kiện Siki, boxeur
da đen hạ Carpentier, boxeur da trắng:
Chúng tôi trích một đoạn, tiếng Pháp trước, để độc giả thấy bút
pháp của tác giả:
"Depuis que le colonialisme existe, des blancs ont été
payés pour casser la g... aux noirs. Pour une fois, un noir a été payé pour en
faire autant à un blanc. Adversaire de toute violence, nous désapprouvons l'un
et l'autre procédé. Mais le fait est là, nous n'avons qu'à le constater.
Constatons.
D'un coup de poing - sinon scientifiquement envoyé, du moins
formidablement placé - Siki déplaca proprement Carpentier de son piédestal pour
grimper dessus lui-même.
Le championnat de la boxe a changé de mains, mais la gloire
sportive nationale n'a pas souffert, puisque Siki, enfant du Sénégal, est
parconséquent, fils de France, donc Français.
Malgré cela, il arrive que chaque fois que Carpentier triomphe,
c'est naturellement par son adresse et par sa science. Mais toutes les fois
qu'il est battu, c'est toujours par la force brutale d'un Dempsey ou la
mauvaise jambe d'un Siki. C'est pourquoi, au match de Buffalo, on a voulu
déclarer - on a même fait déjà la déclaration - que Siki, bienque gagnant,
était vaincu "quand même".
Dịch:
"Từ khi có chế độ thực dân, người da trắng được trả tiền để
đánh bể mặt người da đen. Bận này, một anh da đen lại được trả tiền để nện anh
da trắng. Chống mọi bạo lực, chúng tôi không tán thành cả hai cách này. Nhưng sự
kiện sờ sờ ra đó, chúng ta chỉ việc ngó qua. Xem nào.
Một cú đấm -nếu không được gọi là khoa học, thì ít ra thì cũng
trúng boong- Siki rành rành hạ bệ Carpentier và leo lên thế chỗ.
Giải vô địch đánh bốc đã đổi chủ, nhưng hào quang thể tháo quốc
gia không hề hấn gì, vì Siki, đứa con Sénégal, tức, con Pháp, vậy, là người
Pháp.
Ấy thế mà mỗi khi Carpentier thắng thì tất nhiên là nhờ tài trí
và phương pháp khoa học của anh. Còn lần nào thua thì y như rằng là vì một tên
Dempsey nào đó, đánh ác hay một tên Siki nào đó, đá hiểm. Vì vậy, trong trận đấu
Buffalo, người ta những muốn tuyên bố - người ta đã tuyên bố rồi - rằng Siki dù
thắng, "vưỡn" bại!"
A propos de Siki
ký tên Nguyễn Ái Quốc
Tháng 6/1964, Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn một nhà báo[17] với
câu: "Le peuple Vietnam c'est un Un et le pays du Vietnam c'est Un" -
Ông dịch từng chữ khẩu hiệu "Nước Việt Nam là Một, dân tộc Việt Nam
là Một" sang tiếng Pháp, nhưng người Pháp không thể hiểu vì họ không
nói như thế và cũng không có thứ cú pháp nào lạ lùng như thế. Chắc chắn không
phải với thứ tiếng Pháp thô thiển này, ông Hồ có thể viết được những bài báo ký
tên Nguyễn Ái Quốc như bài Về vụ Siki hay Bản án chế độ thực dân
Pháp.
● Nguyễn An Ninh
Nguyễn An Ninh có hai lối viết: lối tranh luận, đôi khi cũng sát
phạt không kém Nguyễn Thế Truyền và lối hoà nhã gần Phan Văn Trường.
Bài Thư gửi ông Outrey - Lettre à Monsieur Outrey ký
Nguyễn Ái Quốc đăng trên Le populaire ngày 14/10/1919, là lối văn tranh luận, với
những chi tiết xác định người viết là Nguyễn An Ninh và sự đụng độ kịch liệt giữa
Outrey và Nguyễn An Ninh.
Việc phát xuất từ bài Đông Dương và Triều Tiên, một sự so
sánh lý thú -L'Indochine et la Corée, une intéressante comparaison, in
trên báo Le populaire ngày 4/9/1919. Trong bài này Nguyễn An Ninh so sánh sự bảo
hộ Triều Tiên của Nhật Bản với sự bảo hộ Đông Dương của Pháp. Ông buộc tội Pháp
đã đầu độc người da vàng bằng những lời hứa hão và dùng bọn bồi bút để ca tụng
chính quyền thuộc địa. Ernest Outrey đã từng làm thống đốc Nam Kỳ và từ năm
1914, làm dân biểu, đại diện người Pháp ở Sài Gòn tại Hạ Viện.
- Tháng 6/1919, bản Thỉnh Nguyện đưa đến Versailles và gửi
cho các cơ quan có thẩm quyền và báo chí.
- Ngày 23/6/1919, Phủ Tổng Thống yêu cầu bộ Thuộc Địa báo cáo về
Nguyễn Ái Quốc và nhóm Yêu Nước.
- Ngày 18/6/1919 báo L'Humanité - lúc đó là báo của đảng Xã Hội,
đăng bản Thỉnh nguyện dưới tựa đề: Les droits des peuples- Quyền của các
dân tộc.
- Ngày 2/8/1919 L'Humanité đăng bài La question des
indigènes en Indochine của Nguyễn Ái Quốc do Phan Văn Trường viết.
- Ngày 4/9/1919 Le populaire đăng bài L'Indochine et la
Corée, une intéressante comparaison ký Nguyễn Ái Quốc do Nguyễn An Ninh viết.
Sự chống Pháp trên báo chí Pháp được phát động qua ngòi bút Nguyễn Ái Quốc.
Tình hình sôi động.
- Ngày 20/9/1919, P. Guesde lệnh cho Cảnh sát Cuộc gọi Nguyễn Ái
Quốc đến hỏi cung và chụp ảnh, lần đầu.
- Ngày 18/9/1919, vấn đề Nguyễn Ái Quốc được đem ra tranh luận tại
Quốc hội giữa Outrey và Longuet - Moutet. Outrey chất vấn Longuet, chủ nhiệm
báo Le Populaire: Đã cho đăng những bài báo của Nguyễn Ái Quốc, một kẻ thù của
nước Pháp, tên này là một kẻ phiến động đã bị truy tố ở Nam Kỳ. Được tin, Nguyễn
An Ninh đang nghỉ ở Biarritz viết lá thư ngỏ cho Outrey, gửi đăng trên báo Le
Populaire, phản pháo mãnh liệt, đồng thời xác định mình là Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn
An Ninh viết:
"Ông đã nói đi nói lại (ở Hạ Viện) rằng tôi bị truy
nã ở Đông Dương vì âm mưu chống Pháp. Vậy hãy cho biết, lúc nào, toà án nào, âm
mưu gì?"
Ernest Outrey và Nguyễn An Ninh biết rõ hành tung của nhau. Xin
nhắc lại: Trong suốt thời gian từ 1911 đến 1919, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế
Truyền và Nguyễn Tất Thành không ai có mặt tại Nam Kỳ.
Outrey biết Nguyễn An Ninh thuộc gia đình chống Pháp hàng đầu ở
Nam Kỳ: cha, mẹ, chú, cô đều là những nhà cách mạng. Khách sạn Chiêu Nam Lầu của
cha Ninh là nguồn tài trợ cho phong trào Đông Du, là nơi tá túc hội viên các hội
kín Đông Kinh Nghiã Thục, Cường Để[18]. Bản
thân Nguyễn An Ninh cũng rất quậy, để tóc dài, hay đánh lộn với Tây và viết báo
chống Pháp từ thời niên thiếu. Outrey, khi đọc văn, đoán chắc Nguyễn Ái Quốc là
Nguyễn An Ninh và dựa trên các thông tin đã biết, Outrey tố cáo Nguyễn Ái
Quốc là người đã bị truy nã về tội chống Pháp ở Nam kỳ.
Thành tích chống Pháp của Nguyễn An Ninh đã trở thành huyền thoại: "Thi
đậu bằng Brevet Elémentaire[19]nhà
ái quốc đi làm báo tiếng Pháp, do người Pháp điều khiển. Trong thời gian làm
báo, dù chỉ là một cộng sự viên tầm thường, lượm tin chó cán, nhưng Ninh đã nổi
tiếng rồi, vì sự bất khuất, hay đập lộn với người Pháp, hay chưởi người Pháp.
Chính trong thời gian nầy, trong nước xẩy ra nhiều chuyện bạo động, nào Phan
Xích Long khởi nghiã, Trần Cao Vân rước vua Duy Tân rời kinh thành Huế, Lương
Ngọc Quyến bạo động ở Thái Nguyên. Dù những phong trào ấy bị thất bại, song
gieo vào lòng người dân thời đó một mầm mống sâu đậm trong cõi lòng, trong số
đó có nhà ái quốc thanh niên Nguyễn An Ninh"[20].
Sở dĩ Nguyễn An Ninh không bị bắt vì tuổi vị thành niên, vì vậy,
Ninh mới viết Lá thư gửi ông Outrey, thách y phải tìm ra chứng cớ rằng
tôi - Nguyễn Ái Quốc- bị bắt ở Nam Kỳ lúc nào, năm nào, bị bắt ở đâu, ra toà
nào? Ninh đã "đáp lễ" Outrey tới nơi tới chốn.
Vì câu thách thức này mà ta xác định được tác giả Lá thư gửi
ông Outrey là Nguyễn An Ninh. Khi xác định được Nguyễn An Ninh là tác giả Lá
thư gửi ông Outrey thì tự nhiên ông là người viết bài Đông dương và
Triều tiên, vì bài này mà Outrey nhận diện được Quốc là Ninh và gây hấn.
Người viết nào cũng để lại căn cước của mình qua chữ nghiã. Cho
nên dù ký tên gì đi nữa, người đọc tinh ý luôn luôn tìm ra bản chất và lai lịch
của người viết.
Sự xác định tác giả một số bài viết ký tên Nguyễn Ái Quốc mà
chúng tôi ghi danh sách trong phần cuối chương này, dựa trên cơ sở của những
chi tiết đó.
● La France et L'Indochine
Ngoài tài bút chiến, Nguyễn An Ninh còn là ngòi bút văn chương
và tư tưởng.Trong La France et L'Indochine - Nước Pháp và Đông Dương, Nguyễn
An Ninh viết:
"Trong những năm gần đây, mặc dù thực dân hết sức tìm cách
giam hãm người An Nam, nhưng dưới hấp lực của phong trào thanh niên Tây du, một
vài người đã có thể đến Pháp, quan sát đời sống hàng ngày và tìm hiểu bí quyết
về sức mạnh vật chất của Âu Châu. Họ mang về nước tư tưởng dân chủ, tinh thần
phê phán của Châu Âu; hơi thở Tây phương đã làm sống lại niềm tin và nghị lực của
họ. Họ đã nhận tận tay người Pháp bản án chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.
Thực dân không thể ngăn cấm người An Nam biết tiếng Pháp đọc Montesquieu,
Rousseau, Voltaire.
Và, cùng một lúc, tinh thần phê phán Tây phương, giúp thanh niên
An Nam ấp ủ tâm hồn dân tộc trong lòng, giải thoát triết học Khổng Tử và Mạnh Tử
khỏi lớp bụi dầy của đạo lý Khổng Mạnh suy đồi. Đã có một số xu hướng nổi lên,
tìm cách cổ động quần chúng bỏ ý định phục thù bằng bạo lực và dấn thân vào con
đường tranh đấu mới: Đòi hỏi những tự do căn bản để bảo tồn phẩm giá con người,
đòi hỏi những cải cách, hoà hợp tinh thần dân chủ của dân tộc An Nam với tư tưởng
Tây Phương. Họ không còn chấp nhận, như quần chúng đã phải chấp nhận, như kẻ bại
trận trên chiến trường đã phải chấp nhận, cái luật chiến tranh, cái đắc ý thô bạo
của kẻ thắng và sự nhục nhã của người thua. Họ cũng không còn chiến đấu bí mật
với lòng yêu nước thuần tuý nữa mà họ tranh đấu công khai, nhân danh nguyên tắc
nhân quyền 1789. Và bọn thực dân không còn dám dựa trên cớ "chủ quyền nước
Pháp bị đe doạ" để bắt họ đi đày hoặc xử tử.
Như thế, chính sách người bóc lột người ở Đông Dương đã được báo
trước sẽ bị phá sản.
Hoặc là, điên cuồng vì thất bại, bọn thực dân vẫn cố chấp áp dụng
biện pháp đán áp, tiếp tục siết chặt những nạn nhân đang vùng vẫy, mặc kệ dấu
hiệu báo trước những biến cố sắp tới; như thế, thảm họa chung sẽ xẩy ra: nước
Pháp mất hết quyền lợi và uy tín -"sứ mệnh giáo hoá" của Châu Âu sẽ lộ
bộ mặt thật của nó- và nước An Nam, sau những kinh hoàng, thống khổ, sẽ được tự
do hơn để hoàn tất sứ mệnh của mình.
Hoặc là, nước cộng hoà Pháp đến Đông Dương để thay thế bè lũ thực
dân; như thế, không những, thanh danh và lợi ích của Pháp sẽ được bảo toàn, mà
Pháp còn được hưởng sự tri ân của một dân tộc sẽ ủng hộ họ ở Châu Á.
Cách đây khoảng 15 năm, để trả lời tiếng kêu của những người
bị đàn áp, bọn thực dân đã rêu rao trên báo như sau: "Nước Pháp không đến
đây với Kiếm và Luật. Chỉ có Kiếm"[21].
Dường như, sau sáu mươi năm bị đô hộ và chịu ảnh hưởng Pháp, đất Nam Kỳ ngày
nay đã được công bố là đất Pháp, vậy người An Nam có quyền đòi hỏi nước Pháp phải
mang sang Đông Dương, không những Luật, mà cả thanh bảo Kiếm để bảo vệ Luật
pháp. Sự hoà hợp giữa lý tưởng cộng hoà Pháp và tư tưởng dân chủ của một xã hội
có nền móng tư tưởng Khổng Mạnh, không phải là sự tiến hoá theo quy luật tự
nhiên, như thực dân tuyên truyền. Phong trào giải phóng các dân tộc ở Á Châu
không phải là sự "tiến hoá" từ xã hội dã man lên xã hội Âu Châu tân
tiến.
Phải là thực dân trong nghĩa ngu xuẩn nhất mới có thể tin được
"nghiã vụ giáo hoá" của những người Âu Châu sang xâm chiếm Đông
Dương. Ở Ấn Độ, sự tuyên ngôn về "nghiã vụ giáo hoá" (của người) Tây
phương gợi trong lòng một Tagore ý thức giáo hoá (đến từ) Đông phương. Ở Trung
Hoa, giới thanh niên đã đi học ở Âu Châu, đặt câu hỏi trên báo chí như một
thách đố với Châu Âu: "Bạn có thể nói cho chúng tôi biết, nước bạn đã văn
minh chưa? (...)
Về chính sách thực dân mà nước Pháp áp dụng ở Đông Dương, chúng
tôi nhận thấy:
1- Rằng, ở Đông Dương, nước Pháp chẳng những không áp dụng những
nguyên tắc lớn mà họ đã tuyên thệ, mà còn tiêu diệt tư tưởng dân chủ của xã hội
An Nam.
2- Rằng, nước Pháp, thừa nhận tự do và quyền công dân Pháp cho
những người, hôm qua, vẫn còn là nô lệ, nhưng lại áp đặt chế độ nô lệ ở Đông
Dương cho một dân tộc tự do, đã có một nền văn minh, từ khi cư dân sống trên đất
Pháp vẫn còn ăn lông ở lỗ (vivait dans des cités lacustres)"[22].
Bài viết La France et L'Indochine mà chúng tôi vừa
trích dịch một đoạn trên đây, có thể tóm gọn tư tưởng đấu tranh của Nguyễn An
Ninh.
Trong cuốn Nguyễn An Ninh tác phẩm[23] có
in bản dịch Nước Pháp ở Đông Dương - La France en Indochine và
nói rằng bản này đã in trong in tạp chí Europe, nhưng khi so sánh chúng tôi thấy
không hoàn toàn giống.
Theo Đặng Hữu Thụ, "La France en Indochine" tháng
4/1925, in 2000 bản tại nhà A et F Debeaufauve Tournefort Paris. Ninh trao cho
Nguyễn Thế Truyền 150 bản để Truyền nhờ các thủy thủ Việt Nam đem về nước.
Ngoài ra, sách cũng được gửi tặng một số dân biểu, nghị sĩ Pháp, Hội Nhân Quyền
và báo chí viết về thuộc địa. Khi đáp tàu về nước ngày 28/5/1925 cùng Phan Châu
Trinh, Nguyễn An Ninh mang theo một số cuốn. Nhưng Bộ thuộc địa biết, đánh điện
về Phủ toàn quyền, và sách đã bị tịch thu khi tàu cập bến[24].
Mật báo của Deveze 12/1/1921, nói đến một cuốn Đông Dương, ký
Nguyễn Ái Quốc, như sau:
"Hội Ái Hữu xuất bản ở 118 Avenue Parmentier đã gởi cho ông
Nguyễn Ái Quốc: "Chúng tôi đã đọc bản thảo "Indochine" hay
"Máu của mỗi người" nhưng Hội không thể nhận xuất bản được vì đã cam
kết với nhiều nơi rồi. Nhưng chúng tôi sẵn sàng mời ông đến trao đổi về bản thảo
đó" Dezeve ghi thêm: "Mặc dù Nguyễn Ái Quốc khẩn thiết
nhưng báo L'Humanité cho rằng không thể đưa vào khuôn khổ tờ báo"[25].
Một cuốn sách, mang tên Đông dương (1923-1924) được dịch
và đưa vào Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, phải chăng đây chính là tác phẩm Indochine hay Máu
của mỗi người mà Dezeve nói đến? Trần Dân Tiên viết: "Ông Nguyễn chỉ
viết cuốn sách duy nhất là Bản Án Chế Độ Thực Dân", vậy ông Hồ không
biết đến cuốn Đông Dương ký tên Nguyễn Ái Quốc.
Đông dương (1923-1924), dịch in trong Hồ Chí Minh toàn
tập có cùng bố cục như Bản Án Chế Độ Thực Dân Pháp, nhưng lời
văn điềm đạm hơn, gần với lối viết của Nguyễn An Ninh và Phan Văn Trường. Điểm
chung của hai tác phẩm là cùng dùng những mẩu chuyện, những nhân chứng đã có
trong các bài ký tên Nguyễn Ái Quốc. Đông Dương nói đến tình trạng ở
nước ta, còn Bản Án Chế Độ Thực Dân Pháp viết chung cho nhiều
dân tộc.
● Le Procès de la Colonisation Française
Bản Án Chế Độ Thực Dân Pháp
Cuốn Le Procès de la colonisation française đề tên tác
giả Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn Thế Truyền viết tựa. Nhưng thực ra ai viết? Sách
in năm 1925, sau khi Nguyễn Tất Thành đi Nga hai năm. 1946, in lại lần đầu ở Hà
Nội.
1/ Ngô Văn viết: "Sau khi Phan Châu Trinh khởi
hành về Sàigòn, vào tháng 5 năm 1925 một luận văn châm biếm nẩy lửa do Thư điếm
Lao động (Librairie du Travail) phát hành và lập tức bị cấm ở Đông Dương. Đó là
tập Bản án chế độ thực dân Pháp (Procès de la colonisation française) ký tên
Nguyễn Ái Quốc, nhưng có thể là do Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền viết"[26].
2/ Đặng Hữu Thụ kể lại giai thoại sau đây: Ông Bửi Nghi, một người
bạn kể cho ông rằng Nguyễn Thế Truyền có đưa bản thảo cuốn Bản án chế độ
thực dâncho ông Bửu Nghi đọc, nhờ chữa lỗi chính tả, và nói là của Nguyễn Ái Quốc
viết[27].
Điều này cũng chẳng nói lên được gì, vì Nguyễn Thế Truyền và nhóm Ngũ Long đã đồng
ý với nhau về việc lấy Nguyễn Ái Quốc làm bút hiệu chung. Khi Nguyễn Tất Thành
đã đi Nga, Nguyễn Thế Truyền vẫn còn ký tên Nguyễn Ái Quốc trên báo và trong bản
quảng cáo sẽ ra báo Việt Nam Hồn. Vậy đó là chiến lược của cả nhóm.
3/ Trần Dân Tiên chỉ viết một câu ngắn gọn về văn bản này: "Ông
Nguyễn chỉ viết một quyển sách duy nhất là quyển "Bản án chế độ thực dân
Pháp"; quyển này gồm những tài liệu chống thực dân Pháp, trích trong những
sách của người Pháp viết để ở thư viện quốc gia. Đầy hăng hái, ông Nguyễn viết
cả vở kịch "Rồng tre"[28].
Sự quá vắn tắt của Trần Dân Tiên rất khả nghi, tại sao ông không
nói rõ là ông Nguyễn đã viết cuốn Le Procès trong hoàn cảnh nào? Nhất
là cuốn sách ấy lại in sau khi ông đi Nga hai năm. Lý do dễ hiểu: có lẽ ông Hồ chưa
đọc Le Procèskhi viết những dòng này năm 1948, cho nên mới có câu: "quyển
này gồm những tài liệu chống thực dân Pháp, trích trong những sách của người
Pháp viết để ở thư viện quốc gia". Bởi vì những nhân chứng kể tội ác thực
dân, mô tả rõ ràng, trần trụi việc hãm hiếp, tra tấn, giết người, ở những làng
mạc có tên rõ như thế, lại được in lại thành sách để trong thư viện Pháp, cho
ông Hồ chép lại, thì quả là lạ. Báo chí đối lập của Pháp có thể đưa tin này
khác về tội ác chiến tranh, nhưng chắc chắn những vụ giết người kinh hoàng như
vậy đã bị quân đội và chính quyền thực dân giấu nhẹm, chỉ có các nạn nhân và những
người lính Việt Nam đã chứng kiến tại chỗ mới có thể biết được.
4/ Chúng tôi tạm đưa ra giả thuyết: Nguyễn Tất Thành không
có khả năng tiếng Pháp và không có đủ tài liệu sống để viết tác phẩm này. Có thể
ngoài tài liệu của nhóm Yêu Nước, Nguyễn Thế Truyền còn tập hợp thêm những bài
báo, những chứng nhân khác ở các thuộc địa, xuất hiện trên báo Le Paria, sửa đổi
đôi chút rồi viết tựa. Tài liệu phong phú và cực kỳ chi tiết về sự tàn ác của
chế độ thực dân trên các nước nhược tiểu, Bản Án Chế Độ Thực Dân Pháp có
thể được coi là một sáng tác tập thể mà Nguyễn Thế Truyền làm "chủ
biên" và viết lời giới thiệu.
Phần nhân chứng về Việt Nam do lính thợ cung cấp, họ kể lại những
tội ác của quân đội viễn chinh mà họ đã mục kích, những lời chứng này có thể đã
được Phan Văn Trường thu lượm trong thời kỳ làm việc tại Công Binh Xưởng
Toulouse.
Bản Án Chế Độ Thực Dân Pháp, được viết hay soạn từ những thông
tin, những đoạn, những ý tưởng đã có trong các bài ký tên Nguyễn Ái Quốc và những
thông tin khác đến từ các thuộc địa châu Phi. Tác phẩm không chỉ đưa ra bộ mặt
lầm than, thống khổ của một dân tộc Việt Nam mà còn của tất cả những người dân
da màu khác đang bị đô hộ. Vì vậy nó có tính chất nhân loại. Khó có thể xác định
ai là tác giả, vì nội dung cho thấy bàn tay của nhiều người: Nguyễn Thế Truyền,
trước tiên, vì ông đã có công soạn thảo, chỉnh đốn, viết tựa. Phan Văn Trường
và Nguyễn An Ninh, viết về luật pháp. Phan Văn Trường viết về công binh. Nguyễn
An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường đều có thể khắc họa những chân dung
toàn quyền và viết về các chính sách dã man của thực dân Pháp trên đất nước ta.
Nhưng còn có những đóng góp khác của các nhà văn châu Phi, và thư từ độc giả từ
các nơi gửi về... do đó Nguyễn Thế Truyền đã giữ tên tác giả chung là Nguyễn Ái
Quốc.
● Vở kịch Rồng tre - Le dragon de bambou
Không biết Nguyễn Thế Truyền hay Nguyễn An Ninh viết, nhưng chắc
chắn không phải Nguyễn Tất Thành, vì chữ Rồng ở đây có ý tự trào, ngạo nghễ ám
chỉ đám Ngũ Long, tuy là đồ chơi mà... là Rồng, tức là chơi lối... Rồng - Đế
vương. Lại vừa có ý nhạo vua Khải Định là Rồng mà... Rồng tre - đồ chơi. Ý
nghĩa thâm thúy như thế, nhưng chắc ông Hồ không hiểu rõ, nên mới nhận là mình
viết. Bởi nếu ông viết thì không thể viết như thế, khác nào lậy ông tôi ở bụi
này: đã tự coi mình là Nguyễn Ái Quốc duy nhất, thì làm sao lại chấp nhận có
các con Rồng khác?
Le dragon de bambou cái tựa của vở kịch, chúng tôi xin nhấn
mạnh, nguyên tên tiếng Pháp là Le dragon de bambou - Rồng tre chứ
không phải Le dragon en bambou -Rồng bằng tre, như có người đã cố ý sửa
lại, bởi vì người sửa không hiểu được sắc thái (nuance) khác nhau giữa le
dragon de bambou và le dragon enbambou.
Kịch bản đã mất, nhưng cái tựa Le dragon de bambou- Rồng
tre đã chứng minh sự tinh tế về Pháp ngữ của tác giả. Léo Poldès, người được Nguyễn
Ái Quốc/Nguyễn Tất Thành đưa đọc để giúp việc trình diễn, viết: "Như
cái tựa của vở kịch, Rồng tre là một vị nguyên thủ quốc gia Á châu bất lực, bất
tài, ngu dốt, bị tác giả mắng nhiếc thậm tệ trong ba màn" ("Le
dragon de bambou, titre de la pièce, était un chef d'Etat asiatique
impuissant, incapable, ignorant, et dont l'auteur fustigeait sans pitié,
pendant trois actes")[29].
Ngòi bút Nguyễn Ái Quốc xuất hiện đều đặn trên các báo từ tháng
8/1919 đến đầu 1920: thời gian này chủ yếu là Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh
viết.
Trong năm 1920, có ít bài, vì Phan Văn Trường bận việc toà án,
đi về giữa Paris và Mayence, Nguyễn An Ninh về Sài Gòn hè 1920 và Nguyễn Thế
Truyền về Bắc một năm từ 8/1920 đến 8/1921.
Thời điểm tung hoành mạnh mẽ nhất là khoảng 1921-1922, khi Nguyễn
Thế Truyền chính thức bước vào "nghề báo" và Nguyễn An Ninh còn ở
Paris: bút hiệu Nguyễn Ái Quốc xuất hiện trên nhiều tờ báo một lúc, vậy hai người
viết chính trong thời kỳ này là Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn An Ninh. Phan Văn
Trường bận việc ở Mayence, ít tham dự.
Tháng 10/1922, Nguyễn An Ninh về Sài Gòn. Cuối năm 1923,
Phan Văn Trường về nước. Còn lại Nguyễn Thế Truyền, một mình, ký cả Nguyễn Ái
Quốc và tên thật Nguyễn Thế Truyền.
Những bài ký tên Nguyễn Ái Quốc sau khi Nguyễn Tất Thành
đi Nga, từ 1923 đến 1927, trên Le Paria và trên Inprekorr, báo Nga ấn bản Pháp
ngữ, là của Nguyễn Thế Truyền.
● Xác định một số văn bản
Sự xác định một số văn bản mà chúng tôi nêu tên sau đây, dựa vào
văn phong và tư tưởng khác nhau của mỗi tác giả; nhưng có khi, chỉ dựa vào một
vài chi tiết rất nhỏ.
• Phan Văn Trường: Tâm địa thực dân, Vấn đề dân bản xứ (L'Humanité
2/8/1919), Những kẻ bại trận ở Đông dương (La vie ouvrière số 101,
ngày 8/4/1921), Quyền của những người lính (La vie ouvrière số 105,
ngày 7/5/1921),Phong trào cộng sản quốc tế Đông dương (La revue
communiste, số 15, tháng 5/1921), Vụ âm mưu ở Đông Dương (17/8/1921)...
• Nguyễn An Ninh: Đông Dương và Triều Tiên (Le
populaire, 4/9/1919),Thư gửi ông Outrey (Le populaire, 14/10/1919), Phong
trào cách mạng ở Ấn Độ(La revue communiste, số 18-19 tháng 8-9/1921). Nền
văn minh thượng đẳng (Le Libertaire, 23/9/1921), Tội ác của chủ nghiã
thực dân (La vie ouvrière, số 126, ngày 30/9/1921), Sự quái đản của
công cuộc khai hoá (Le Libertaire, ngày 30/9 và 7/10/1921). Hãy yêu
Pháp, nước bảo hộ bạn (Le Libertaire, ngày 14/10/1921)...
• Nguyễn Thế Truyền: Thú vật học (Le Paria số 2,
ngày 1/5/1922), Mấy ý nghĩ về vấn đề thuộc địa (L'humanité ngày
25/5/1922), Paris (L'humanité, 30 -31/5/1922), Lời than của bà
Trưng Trắc (L'humanité, 24/6/1922), Những kẻ khai hoá (Le Paria
số 4, ngày 1/7/1922), Hận thù chủng tộc (Le paria số 4, ngày
1/7/1922), Thư ngỏ gửi ông Albert Sarraut (Le journal du peuple,
25/7/1922),Khai hoá giết người (Le Paria số 5, 1/8/1922), Phụ nữ An
Nam và sự đô hộ của Pháp (Le Paria số 5 ngày 1/8/1922), Nhân đạo thực
dân (Le paria, số 6-7 (tháng 9 và 10/1922), Amdouni và Ben Belkhir chịu
nhục hình (Le Paria, số 8, 11/1922),Về vụ Siki (Le Paria, số 9,
12/1922), Người bản xứ theo mốt (Le Paria số 10, 15/1/1922)...
[1] Đăng từng kỳ trên La Cloche Fêlée từ 30/11/1925 đến
15/3/1926. 1928, nxb Gia Định, Sài Gòn, xuất bản và 2003 Ngô Văn tái bản,
L'Insomniaque, Paris.
[5] Cuốn hồi ký này, viết xong tại Paris, tháng 10/1923.
Tháng 12/1923, Phan Văn Trường xuống tàu về nước, tới Sài Gòn cuối tháng giêng
1924. Sau đó ông ra Bắc khoảng một năm, thăm gia đình, đến tháng 2/1925, ông mới
trở lại Sài Gòn và lo việc lập văn phòng luật sư và làm báo. Vì vậy, hồi ký chỉ
bắt đầu đăng trên báo Chuông Rè từ ngày 30/11/1925.
[6] Sau khi Phan Văn Trường mất ngày 21/4/1933, bà Phạm Vân
Anh có viết loạt bài tựa đề Cái đời gian truân lưu lạc của Phan Văn
Trường, ký VA (Phụ Nữ Tân Văn từ số 211 (10/8/1933) đến số 218
(28/9/1933), đăng lại trong cuốn Phụ Nữ Tân Văn Phấn son tô điểm sơn hà của
Thiện Mộc Lan, Văn Hoá Sài Gòn, 2010). Loạt bài này phỏng theo hồi ký của Phan
Văn Trường nhưng đã lược bỏ tất cả những chi tiết liên quan đến chính trị trong
bản tiếng Pháp, có lẽ vì thời ấy, báo tiếng Việt không tự do bằng báo tiếng
Pháp.
[9] Hoàng Xuân Hãn, Tựa cuốn Những hoạt động của Phan
Châu Trinh tại Pháp của Thu Trang, Đông Nam Á, Paris, 1983, trang 8.
[10]Lê Thị Kinh viết: "Khâm sứ Trung Kỳ Lévecque đã theo
dõi phong trào sớm, đích thân chỉ đạo cuộc đàn áp, trước tiên nhằm vào hai người
được đánh giá là chủ chốt: Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp. Rất quỷ quyệt, y chủ
động mọi việc nhưng lại đẩy Phủ Phụ Chính của Triều đình Huế ra gánh trách nhiệm
về các quyết định bắt và xử án các lãnh tụ Duy tân. Từ Huế vào Hội An, y điện
thẳng ra cho Thống sứ Bắc kỳ Morel, nhờ bắt Phan Châu Trinh nhưng điện lại viết
"Phủ Phụ chính nhờ bắt...".
Trong quá trình xét
xử tại Huế, y cố gò Phủ Phụ Chính vào quyết định "trảm quyết" nhưng
nhờ lương tri và dũng khí của các thượng thư, nổi bật nhất là hai cụ Cao Xuân Dục
và Lê Trinh, đã dám lên tiếng cãi lại Lévêque với sự đồng tình của toàn Phủ Phụ
Chính. Nhờ vậy mà Phan Châu Trinh đã thoát án chém tức thì, lãnh án "trảm
nhưng giam lại", đầy Lao Bảo. Lévecque và toàn quyền đã đổi thành "đầy
Côn Đảo". Thế nhưng sau đó nhà cầm quyền thực dân đã đổi trắng thay đen,
lu loa rằng: "Do thù về việc đả kích quan lại nên Nam triều đã xử tử hình,
may nhờ quan Pháp kịp thời can thiệp nên Phan Châu Trinh thoát chết". Lập
luận này đã được ngay cả những đại biểu của cánh tả trong Hạ Viện Pháp tiếp thu
trong phát biểu bảo vệ Phan Châu Trinh.
Ở Việt Nam thì lại
loan truyền lập luận: "nhờ có Liên Minh Nhân Quyền can thiệp nên án tử
hình được đổi thành khổ sai chung thân". Thực ra với tốc độ bắt và xử án tại
Huế (ngày 31/3 bắt, ngày 10/4 đã xử án tại Huế) thì Liên Minh sẽ không kịp ngăn
chặn việc thi hành án trảm quyết ông Trinh tại Huế. (...)
Phải chăng vì sợ Phủ
Phụ Chính sẽ nương tay với các bậc đại khoa nên sau đó, khi bắt Trần Quý Cáp
(17/4/1908). Lévecque đã cho giữ ông tại Nha Trang, không cho giải ông về Huế
giao cho triều đình xử theo thông lệ đối với các bậc đại khoa như đã làm với ông
Trinh, và y đã cùng công sứ Khánh Hoà gây sức ép với các quan tỉnh để làm án
"trảm quyết không xét xử", giết Trần Quý Cáp một tháng sau khi bắt
(17/5/1908). (Lê Thị Kinh, sđd, tập1, quyển 2, trang 8-9).
[12] Hồ Hữu Tường gặp Phan Văn Trường tại Paris khoảng tháng
2/1930, sau khi Phan ra tù lần thứ nhì, trước khi ông về xứ và ba năm sau ông mất.
[13] Hồ Hữu Tường nhớ lầm, có lẽ là luận văn cử nhân, luận án
tiến sĩ của Phan Văn Trường về Luật Gia Long.
[17] Tài liệu Vidéo của INA (Institut National Audiovisuel - Viện
Quốc Gia lưu trữ Âm thanh và Hình ảnh của Pháp) được đưa lên Youtube, và
ông Nguyễn Ngọc Quỳ ở Paris ghi lại trên mạng diendantheky ngày
16/4/2011.
[26] Ngô Văn, Việt Nam 1920-1945 Cách mạng và phản cách mạng
thời đô hộ thực dân, Chuông rè, L'Insomniaque, Paris, 2000, trang 42.
[29] Trích bài của Léo Poldès, trên báo Ici Paris Hebdo ngày
11/6/1946, in lại trong Hồ Chí Minh Le procès de la colonisation française,
L'Harmattan, 2007, trang 194.
CHƯƠNG 20
VÌ SAO
PHAN CHÂU TRINH
PHÓ
THÁC "ĐẠI SỰ" CHO PHAN KHÔI?
Năm 1922 là năm bản lề, đánh dấu ngõ quặt của nhóm Ngũ Long: Bắt
đầu về nước tranh đấu. Người đầu tiên là Nguyễn An Ninh. Nhưng cũng bắt đầu sự
phân hoá.
Về bối cảnh chung, 1922 có một số sự kiện xẩy ra:
Hội Chợ đấu xảo Marseille mở cửa ngày 16/4/1922.
Đầu năm1922, Phan Châu Trinh xuống Marseille để làm việc tại hội
chợ. Pháp cử 7 phái viên Bắc Kỳ đi dự đấu xảo gồm:
- Tuần phủ Cao Bằng Vi Văn Định và quan huyện Phong Doanh Trần
Lưu Vị đại diện quan trường.
- Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Duy Tốn đại diện Tư vấn nghị viện.
- Hoàng Kim Bảng đại diện thương mại.
- Nguyễn Hữu Tiệp đại diện canh nông.
- Phạm Quỳnh đại diện Khai Trí Tiến Đức[1].
Tháng 2/1922, Phan Châu Trinh gửi thư ngỏ cho Nguyễn Ái Quốc.
Tháng 5/1922, Phan Châu Trinh gặp gỡ các nhà trí thức sang Pháp
dự hội chợ.
Tháng 6/1922, Vua Khải Định tới Pháp. Một phong trào bài kích
nhà vua nổi lên với Thất Điều Thư của Phan Châu Trinh kể bảy tội của
vua Khải Định, với các bài báo đả kích và vở kịch Dragon de bambou - Rồng
Tre ký Nguyễn Ái Quốc. Nhóm Ngũ Long chống vua Khải Định là tất nhiên, tuy
lời lẽ hơi quá đáng vì sự thực thì nhà vua không còn quyền hành gì cả. Nhưng
hai sự kiện đáng chú ý hơn là việc:
1/ Phan Châu Trinh viết bức thư ngỏ gửi Nguyễn Ái Quốc đề ngày
18/2/1922.
2/ Phan Châu Trinh gặp Nguyễn Văn Vĩnh Phạm Quỳnh
● Lá thư ngỏ của Phan Châu Trinh gửi Nguyễn Ái Quốc
Trước hết, tại sao Phan Châu Trinh lại gửi cho Nguyễn Ái Quốc,
mà không gửi cho Nguyễn Tất Thành, mặc dù ông thừa biết Nguyễn Tất Thành không
phải là tác giả những bài báo ký tên Nguyễn Ái Quốc?
Lý do nằm trong nội dung lá thư: Phan Châu Trinh viết thư chung
cho các tác giả ký tên Nguyễn Ái Quốc, nhưng có đoạn viết riêng cho Nguyễn Tất
Thành.
Khi nhắn chung các tác giả ký tên Nguyễn Ái Quốc, ông viết: "Thực
trạng dân tình thế thái bên nhà, bọn mình biết rõ, bấy lâu nay, bọn mình ở bên
này có đăng báo chương, hô hào các hạng người Pháp có lương tâm ngõ hầu giúp
người An Nam đánh đổ cường quyền áp chế, nhưng kết quả chẳng được là bao. Cái
khát vọng bình đẳng, tự do, bác ái mà ông Mạnh Đức Tư Cưu và ông Lư Thoa[2] khởi xướng chẳng nhỏ được giọt nào
trên đất An Nam mình"[3].
Trong một đoạn khác, nhắn riêng Nguyễn Tất Thành, ông viết: "Bấy
lâu nay, tôi cùng anh và Phan đàm đạo nhiều việc, mãi tới bây giờ anh cũng
không ưa cái phương pháp khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của tôi. Còn
tôi thời lại không thích cái phương pháp ngọa ngọa chiêu hiền, đãi thời đột nội (ngồi
ngoài đợi thời) của anh và cả cái dụng lý thuyết thâu nhân tâm của Phan. Bởi
phương pháp bất hoà mà anh đã nói với anh Phan là tôi là hạng hủ nho, thủ cựu.
Cái điều anh gán cho tôi đó, tôi chẳng giận tý nào cả, bởi vì suy ra thì tôi đã
thấy rằng: Tôi đọc chữ Pháp bập bẹ, nên không am tường hết sách vở ở cái đất
văn minh này. Cái đó tôi đã thua anh xa lắm, đừng nói gì đọ với anh Phan."
Tây Hồ nói dù Tất Thành (và bọn trẻ) coi ông là hủ nho, thủ cựu,
nhưng ông không chấp, ông cũng chẳng thích gì lối ngồi ở nước ngoài đợi thời của
Tất Thành và nhất là câu: Tôi đọc chữ Pháp bập bẹ, nên không am tường hết
sách vở ở cái đất văn minh này. Cái đó tôi đã thua anh xa lắm, đừng nói gì đọ với
anh Phan",có ý mỉa mai: tiếng Pháp anh giỏi hơn tôi nhưng đã giỏi đến đâu
mà dám chê tôi.
Rồi ông tiếp tục mắng mỏ lối viết báo tiếng Tây của Nguyễn Ái Quốc
- Trường, Truyền, Ninh: "Tôi coi lối ấy phí công mà thôi. Bởi vì, quốc
dân đồng bào mấy ai biết chữ Tây, chữ quốc ngữ, cầm tờ báo mà đọc nổi".
Và ông kiên quyết trở về chủ trương của mình: "Theo ý
tôi thì mình mà học hỏi lý thuyết hay, phương pháp tốt, tóm thâu được chủ
nghiã, có chí mưu cầu lợi quyền cho quốc dân, đồng bào thì đừng có dùng cái lối
nương náu ngoại bang để rung chuông gõ trống, mà phải trở về ẩn náu trong thôn
dã, hô hào quốc dân đồng bào, đồng tâm hiệp lực đánh đổ cường quyền áp chế, ắt
là thành công. Anh không nghe lời tôi nói, anh ở hoài bên này, cứ cái lối đó
thì tài năng của anh khác gì công dã tràng".
Để nhắn riêng Nguyễn Tất Thành, ông nhấn mạnh thêm những điểm
sau đây:"Tôi biết anh hấp thụ được cái chủ nghiã của ông Mã Khắc Tư, ông
Lý Ninh[4]nên tôi cũng đem chuyện hai ông ấy mà giảng
dẫn cho anh rõ". Rồi ông kể lại việc cả Karl Marx lẫn Lénine đều
có một thời bị đuổi ra nước ngoài, nhưng sau đó họ đều tìm cách trở về nước để
tranh đấu và ông kết luận: "Cứ xem hai ông Mã, Lý mà anh tôn thờ chủ
nghĩa, có ông nào dùng cái lối nương náu đất người mà làm quốc sự cho mình, như
anh đâu? Bởi vậy, quả như anh tôn thờ lý thuyết hai ông ấy thì anh nghe tôi mà
về quảng cáo cho quốc dân đồng bào".
Ông nói về những hình phạt dành cho đường lối bạo động: "Ông
Đề Thám bị bêu đầu giữa chợ, Ông Phan Đình Phùng bị đào mả ném xuống sông, ông
Hàm Nghi, Duy Tân, Thủ Khoa Huân bị đầy biệt xứ và nhiều không kể xiết sự đầu
rơi máu chảy". Cuối cùng ông khuyên Tất Thành nên về nước để "mưu
đồ đại sự".
Lá thư ngỏ này, chắc Phan Châu Trinh đã đưa cho Nguyễn Văn Vĩnh
một bản để dịch sang tiếng Pháp vì chúng tôi thấy bản tiếng Pháp và bản dịch ra
quốc ngữ, từ bản tiếng Pháp trong tập tài liệu Kỷ niệm 115 ngày sinh ông
Nguyễn Văn Vĩnh, do gia đình in năm 1997.
Bản dịch mà chúng tôi trích dẫn trên đây là bản Hoàng Xuân Hãn,
dịch từ bản Thu Trang tìm thấy trong hồ sơ mật thám, và theo Hoàng Xuân Hãn thì
đây cũng chỉ là một bản chép lại. Lá thư này rất quan trọng, vì nó xác định những
điểm khác biệt tư tưởng trong nhóm Ngũ Long do chính ngòi bút Phan Châu Trinh
viết ra:
1/ Phan Châu Trinh không đồng ý với đường lối tranh đấu của nhóm
Tây học: theo ông, viết các bài đả kích thực dân trên báo Pháp là vô ích. Tư tưởng
Rousseau và Montesquieu không thể đến được với dân Việt Nam.
2/ Ông xác định một lần nữa phương pháp tranh đấu của ông:
Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh.
3/ Ông chống lại cách mạng bạo động và kêu gọi về nước tranh đấu
bất bạo động.
Xin nhắc lại: Con đường đấu tranh chung của nhóm Yêu Nước là đuổi
Pháp, giành độc lập và dân chủ hoá đất nước, nhưng họ khác nhau ở tư tưởng và
cách thực hiện mục đích:
- Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền chủ
trương dùng ngòi bút để đấu tranh trên đất Pháp và tiếp theo, trên đất Việt, vạch
tội ác của chính quyền thực dân, đánh động người Pháp dân chủ, để họ bãi bỏ chế
độ thuộc địa.
- Phan Châu Trinh viết nhiều kiến nghị gửi toàn quyền và bộ trưởng
Albert Sarraut, yêu cầu thay đổi chính sách cai trị.
- Nguyễn Tất Thành chủ trương cách mạng bạo động theo con đường
cộng sản.
Phan Châu Trinh viết thư ngỏ gửi Nguyễn Ái Quốc, là một cách
công khai nói lên sự khác biệt giữa ông và nhóm Tây học: Họ chủ trương vạch tội
ác của thực dân trên báo, tìm sự hưởng ứng của người Pháp dân chủ, để nước Pháp
bãi bỏ chế độ thực dân; nhưng Phan Châu Trinh lại cho rằng cách ấy vô ích. Ngược
lại Phan Văn Trường cho rằng việc Phan Châu Trinh viết những thư yêu cầu
Sarraut và chính quyền Pháp thay đổi chính sách là vô ích.
Sự khác biệt cơ bản đó được Nguyễn Văn Vĩnh đặt câu hỏi và trả lời: "Ông
Trường có phải là một nhà yêu nước cùng loại với ông Phan Chu Trinh, hoặc là một
người cộng sản cùng loại như ông Nguyễn Ái Quốc hay không?
Tôi biết rằng ông rất gắn bó với hai người, ông luôn ở cùng hai
người ở Paris nhưng không bao giờ tán thành lý thuyết của hai người và cũng
không bao giờ tỏ ra có một chút đồng tình nào với cả hai người"[5].
Phan Châu Trinh công bố lá thư ngỏ gửi Nguyễn Ái Quốc, tháng
2/1922.
Nguyễn An Ninh về nước đầu tiên: tháng 10/1922.
Rồi Ninh ần lượt sang Pháp đón các vị đàn anh trở về: Tháng
12/1923, Phan Văn Trường về nước. Tháng 6/1925, Phan Châu Trinh về nước và
tháng 12/1927, Nguyễn Thế Truyền về nước. Ngoài ra, ông Khánh Ký cũng đã về nước
từ tháng 7/1921.
Vậy chương trình "Ngũ Long tề khởi" mà Phan
Châu Trinh đề xướng, trong một khía cạnh nào đó, đã được nhóm Tây học thực hiện.
Dĩ nhiên họ không làm theo cách của Tây Hồ mà làm theo cách của họ: Đem tư tưởng
tự do dân chủ của Pháp về truyền bá tại Việt Nam và chống thực dân bằng báo tiếng
Pháp trên đất Việt. Nguyễn An Ninh là người "theo sát" nguyện
ước về nước tranh đấu trong lòng dân tộc của Phan Châu Trinh. Nguyễn Thế
Truyền khi bỏ báo Le Paria để làm báo Việt Nam Hồn, tiếng Việt, có thể đã nghe
lời Tây Hồ.
Sự kiện này được Hồ Hữu Tường ghi lại trong hồi ký theo lối "Tam
Quốc Chí"như sau: "Theo lời cụ Phan Văn Trường thuật lại, thì
năm 1922, khi Nguyễn An Ninh sắp sửa về nhà mà sáng lập tờ báo La Cloche fêlée,
thì cụ Phan Châu Trinh có đưa ra một phân công, gọi là "ngũ long tề khởi".
Tại quê nhà, bầu không khí thực dân và phong kiến còn quá nặng, Ninh lãnh sứ mạng
đem tư tưởng dân quyền của Pháp ra mà "dĩ di diệt di". Nên chi báo của
Ninh nêu lên đường lối là Cơ quan tuyên truyền cho tư tưởng Pháp (Organe de
propagande des idées françaises) (...) Còn hai cụ Phan thì chờ Ninh xung
phong, dọn dẹp chông gai bên nhà, hai cụ sẽ về góp sức mà tiến lên gây một
phong trào dân chủ. Nhưng mà theo kế hoạch nầy, phân ra thì có, mà tụ lại thì
chưa. Năm 1925, quả Ninh có rước hai cụ Phan về xứ. Nhưng sang năm 1926, cụ Tây
Hồ lìa trần, Ninh lo tổ chức quần chúng, giao cho cụ Trường đứng mũi chịu sào tờ
L'Annam. Rồi Ninh vào tù, cụ Trường ba chìm bẩy nổi, bị án tù, sang Paris chịu
vào khám. Còn Tất Thành mang tên chung là Nguyễn Ái Quốc, theo cộng sản
luôn, một đi không trở lại.
Nguyễn Thế Truyền vào đảng cộng sản Pháp, mượn phương tiện mà
thành lập Việt Nam Hồn, sau đổi lại là Hồn Việt Nam, rồi Phục Quốc..."[6]
Sự đổ vỡ có lẽ đã bắt đầu từ khi Phan Châu Trinh xuống
Marseille, đầu năm 1922: Nhân Hội Chợ Đấu Xảo Marseille, Phan Châu Trinh nhờ
Babut xin Pierre Guesde cho ông xuống Marseille làm việc. Guesde bằng lòng.
Nhưng Outrey phản đối dữ dội. Guesde viết thư trả lời trình bầy lý do, như sau: "Tôi
nghĩ việc nhận cho y làm việc sẽ có lợi về chính trị nên đã đưa tên An Nam này
vào làm ở Ban Tổng Quản Lý Triển Lãm và cũng xin nói thêm là ở đó y đã làm việc
rất tốt.
Như vậy, tôi đã tranh thủ được cơ hội đương sự yêu cầu để kéo về
phía chúng ta một tên An Nam thông minh và kiên trì, tuy có đôi chút ấm ức vì
những đắng cay của một cuộc sống đầy xáo trộn, nhưng tư tưởng tình cảm không hề
có gì đáng ngại cho sự cai trị của chúng ta. Đến nay tôi vẫn tin chắc đây là một
biện pháp tốt, dung hòa được cả hai mặt nhân đạo và chính trị"[7].
Theo các tài liệu sau đó[8] ông Phan xuống Marseille chỉ có mục
đích đợi gặp bộ trưởng Thuộc Địa Albert Sarraut để xin một số yêu cầu - chắc là
xin vào quốc tịch Pháp và xin về Việt Nam, vì vậy ông không làm việc tích cực
và đã bị "xếp" khiển trách thô bạo nên ông bỏ việc. Dù sự tình xẩy ra
như thế nào, thì lá thư của Guesde, một lần nữa cho thấy bộ mặt thực của chính
quyền thuộc địa, cả những người giúp đỡ Phan như Roux, Babut, cũng nằm trong
cái guồng máy ấy. Sự ngây thơ về chính trị của Phan Châu Trinh dĩ nhiên bị Phan
Văn Trường "lên lớp" và hai người giận nhau. Các thư ông
Trinh "mắng lại" ông Trường, ông Truyền tỏ rõ điều ấy.
● Phan Châu Trinh gặp Nguyễn Văn Vĩnh
và Phạm Quỳnh tại Pháp năm 1922
Phan Châu Trinh xuống Marseille để đợi gặp Sarraut[9] và có lẽ cũng để tiếp xúc với những
người Việt sang Pháp dự đấu xảo. Quan trọng nhất là những buổi gặp gỡ giữa Phan
Châu Trinh và Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh.
Trong chuyến đi Pháp 1922 Phạm Quỳnh gặp nhóm Yêu Nước ít nhất
năm lần. Và luôn luôn bị mật thám theo dõi:
1/ Ngày 11/4/1922: Gặp Phan Châu Trinh, Phạm Quỳnh ghi lại như
sau: "Hôm nay gặp cụ Phan Tây Hồ, là một nhà chí sĩ nước ta, nay biệt
xứ bên quý quốc. Hồi cụ khởi nghiệp, tôi còn nhỏ tuổi, nên chỉ biết tiếng mà
không được biết người. Nay sang đến đây mới được gặp cụ, trong lòng ngổn ngang
nhiều nỗi, không sao nói xiết. Cùng nhau đàm luận trong mấy giờ. Viêc cụ làm
chánh đáng hay không chánh đáng, tôi đây không muốn phẩm bình, nhưng xét cái
thân thế cụ, dẫu ai có chút lương tâm cũng phải ngậm ngùi. Ừ, làm người ai chẳng
muốn vợ đẹp, con nhiều, cửa cao, nhà rộng, bạc đầy tủ, thóc đầy kho; thế mà có
người không muốn như thế, thời con người ấy, dẫu hay dở thế nào, tưởng làm kẻ
quốc dân cũng không nên a dua nhẹ miệng mà gia tiếng thị phi vậy"[10].
2/ Theo mật báo của an ninh Marseille ngày 11/5/1922, có cuộc gặp
gỡ giữa ba người: Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh. Trong cuộc họp
này, Phan Châu Trinh ngỏ ý muốn lật đổ Nam triều, lập Quốc Hội An Nam với các
dân biểu để cai trị cùng với chính phủ Pháp. Nhưng Nguyễn Văn Vĩnh khuyên không
nên, vì người trí thức và người dân vẫn còn gắn bó với nền quân chủ. Vả lại vua
nước Nam không giống như vua Louis XIV hay XVI của Pháp đã áp bức làm khổ dân;
và người dân An Nam cũng chưa đủ trình độ để sử dụng quyền Quốc Hội. Phải chờ.
Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh nói sẽ suy nghĩ xem có thể đóng góp gì cho chương
trình hành động của Phan Châu Trinh[11].
3/ Ngày 27/6/1922, các ông Lê Thanh Cảnh và Trần Đức mời Phạm
Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Cao Văn Sến dùng cơm ở
một khách sạn khu Montparnasse, Paris. Đã có cuộc tranh luận gắt gao giữa Nguyễn
Ái Quốc và Phan Châu Trinh - sẽ nói rõ thêm ở dưới.
4/ Ngày 13/7/1922, Phạm Quỳnh ghi trong sổ tay: "Juillet/13/Jeudi:
Ăn cơm An Nam với Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc ở nhà Trường (6 rue des
Gobelins)"[12].
5/ Ngày 16/7/1922, Phạm Quỳnh ghi: "Dimanche
16/7: ở nhà, Trường, Ái Quốc và Chuyền (Truyền) đến chơi"[13]. Như vậy, khi Phạm Quỳnh Nguyễn Văn
Vĩnh đến Marseille và Paris, họ đã gặp nhóm Yêu Nước năm lần, nhưng ông Trinh
và ông Trường không gặp nhau.
Trong năm lần họp mặt, chỉ có buổi ở Montparnasse Paris được Lê
Thanh Cảnh ghi lại trong tập Ký Ức Về Trường Quốc Học[14] và được gia đình Nguyễn Văn Vĩnh lữu
trữ. Rất tiếc người biên tập đã không ghi rõ nguồn của bài viết, năm, tháng...
Tuy nhiên, nếu dựa vào mấy chữ "câu chuyện năm mươi năm trước" mà
Lê Thanh Cảnh ghi trong "Lời người viết", thì có thể đoán
bài này viết khoảng 1970-1975 ở trong Nam, vì tác giả dùng hai chữ "anh
Quốc" rất tự nhiên.
Dưới tựa đề "Thử đi tìm một lập trường tranh đấu
cho dân tộc Việt nam",trước hết ông Lê Thanh Cảnh thuật lại bối cảnh cuộc
họp mặt: Nhân dịp phái đoàn Nam triều đi dự cuộc triển lãm do Pháp Quốc Sử Địa
tổ chức tại Ba Lê "Ô. Trần Đức nói khẽ vào tai tôi, bảo hai anh em
chúng mình mời bốn cụ Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Ngọc Thiện, Cao Văn Sến
đến chiều hôm ấy dùng cơm tại khách sạn Montparnasse. Chúng tôi nhân mời thêm cụ
Phan Tây Hồ, anh Quốc, vợ chồng Trần Hữu Thường và ông Hồ Đắc Ứng".
Đáng chú ý nhất là đoạn tác giả ghi lại cuộc tranh luận giữa năm
nhân vật: Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Cao Văn Sến, Phạm Quỳnh và Nguyễn
Văn Vĩnh. Chúng tôi trích lại những đoạn chính, lướt qua ý kiến Phan Châu Trinh
vì cũng giống như những điều ông đã viết trong thư gửi NAQ ở trên mà chú trọng
vào ý kiến những người khác:
"Cụ Tây Hồ bắt đầu nói: Tôi đã gặp Nguyễn Ái Quốc từ 10 năm
trước đây mà tôi thấy anh chủ trương cách mệnh triệt để quá táo bạo nên tôi
không thể theo anh được, và anh cũng không chấp nhận đường lối của tôi. (...)
Anh Quốc tiếp lời: Mấy hôm nay anh Cảnh qua đây có tiếp xúc nhiều
với tôi và có nói cho tôi một câu ước mơ của cụ Trần (Cao) Vân: Nếu
cuộc khởi nghiã của vua Duy Tân thành công thì sau này việc đầu tiên của chúng
ta sẽ làm là viết chữ Việt Nam không phải chữ "Tuất" một bên, mà phải
viết chữ Việt là Phủ Việt, "Rìu Búa", mới kiện toàn được sự nghiệp
cách mệnh. Sở dĩ tôi chủ trương cách mệnh triệt để là xưa nay muốn giành độc lập
cho tổ quốc và dân tộc thì không thể nào ngã tay xin ai được mà phải dùng sức mạnh
như cụ Trần Cao Vân đã nói là phải dùng BÚA RÌU.
Ô. Nguyễn Văn Vĩnh cướp lời ngay, đã bênh vực chủ trương của
mình và cũng để giác ngộ anh Quốc - Tôi đã từng đứng trong hàng ngũ Đông Kinh
Nghiã Thục cùng các bậc tiền bối và rất đau đớn thấy hàng ngũ lần lượt tan rã
và hầu hết phần tử ưu tú chiến sĩ quốc gia bị tiêu diệt: Hết phong trào Đông
Kinh Nghiã Thục, đến chiến khu Yên Thế của Đề Thám ở Bắc, rồi đến vụ xin thuế ở
miền Trung... (...) Bao nhiêu chiến sĩ đều gục ngã hoặc còn vất vưởng sống ở
Côn Đảo, Thái Nguyên, Lao Bảo hay Banmêthuột. Bạo động như anh Quốc nói là thậm
nguy! (...) Sở dĩ tôi theo lập trường TRỰC TRỊ (administration directe) là kinh
nghiệm cho tôi thấy Nam Kỳ trực trị tiến bộ quá xa hơn Trung Bắc. Mà Bắc Kỳ nhờ
chế độ mập mờ, nửa Bảo Hộ nửa Trực Trị (không công khai) mà còn hơn Trung Kỳ
quá xa. (...). Cứ trực trị cái đã rồi sau khi được khai hoá theo đà tiến bộ thì
tức khắc dân chúng tự có sức mạnh mà trồi đầu lên. Nói Trực Trị tôi chẳng khi
nào chịu giao nước Nam cho Tây đâu. Quá khứ đường lối tranh đấu của tôi, cuộc đời
thiếu thốn của tôi đã hùng hồn bảo đảm cho lời nói của tôi hôm nay.
Ô. Phạm Quỳnh tiếp: Có lẽ ngay trong tiệc này tôi đã thấy có rất
nhiều lập trường tranh đấu chống lại chủ thuyết mà tôi hoài bão: "QUÂN CHỦ
LẬP HIẾN". Nói đến quân chủ thì phần đông tỏ vẻ lo sợ chế độ chuyên chế.
Nhưng xin đồng bào trương mắt nhìn hai nước Anh và Nhật. Với nền Quân Chủ họ đã
văn minh tột mức và dân chủ còn hơn các nền dân chủ cộng hoà khác nhiều lắm.
(...) Vua chỉ là người đứng lên "thừa hành" bản hiến pháp mà chính
nhân dân toàn quốc được triệu tập dự thảo và quyết định (...)".
Sau lời Phạm Quỳnh biện hộ cho chế độ quân chủ lập hiến, đến lượt
Cao Văn Sến biện hộ cho việc dùng văn minh Tây phương để tiến hành dân chủ và
nhìn nhận rằng ở Nam Kỳ đồng bào tiến bộ hơn nên thực dân không dám ăn hiếp như
ở Trung và Bắc. Lê Thanh Cảnh viết tiếp:
"Tôi khẩn khoản xin quý cụ là bậc tiền bối nên thảo
luận ngay một kế hoạch hay hệ thống nào để làm việc cho có hiệu quả về sau. Anh
Quốc nóng nẩy bảo ngay: "Thì xin chú nói ngay ý kiến của chú ra". Tôi
tiếp lời: "Cũng như anh đã trả lời cho cụ Phan mấy hôm trước đây, tôi muốn
nghe ngóng tất cả để sau này áp dụng một chủ nghiã thực tiễn, lấy văn hóa Việt
Nam làm gốc. Có thế mới hợp với tính tình dân tộc Việt Nam: Hành động gì bây giờ
là thất bại ngay, mà cũng như cụ Phan Tây Hồ đã trịnh trọng cảnh cáo hai anh em
chúng tôi mấy kỳ gặp gỡ trước đây, mà tôi rất bái phục: "Vô bạo động, bạo
động tắc tử, vô vọng ngoại, vọng ngoại tắc ngu. Dư hữu nhất ngôn dĩ cáo ngộ đồng
bào. Viết: Bất như "Học".
Anh Quốc quát to tiếng: "Nầy cụ Tây Hồ, nếu Cụ qua làm Toàn
Quyền Đông Dương thay mặt thực dân cũng chỉ nói như thế thôi. Bó tay mà chịu lầm
than sao? Không được!"
Tôi sợ anh Quốc đi quá trớn, đứng lên thưa, ôn hoà: "Tôi
xin anh suy nghĩ thêm về lời khuyên của Cụ Tây Hồ. Nếu chúng ta khôn khéo thì
"bất chiến tự nhiên thành".
Anh Quốc lại quát lớn: "Lại thêm chú này nữa kìa!"
Tôi được dịp kịch liệt bác bỏ luận điệu anh Quốc và bênh vực chủ
thuyết của cụ Tây Hồ".
Lời lẽ trong cuộc tranh luận này được ông Cảnh ghi lại theo trí
nhớ, có thể không đúng nguyên văn, nhưng phản ảnh được không khí buổi họp và
xác định một số thông tin sau:
- Chủ trương trực trị của Nguyễn Văn Vĩnh dựa trên sự quan sát
tình hình dân trí trong Nam cao hơn Bắc và Trung. Việc này được chứng minh qua
tình hình báo chí mở rộng tại Nam Kỳ và những phong trào chống Pháp rất mạnh
trên báo ở trong Nam do Nguyễn An Ninh, tiếp đến Phan Văn Trường, rồi nhóm Trốt-kít
viết.
- Nguyễn Tất Thành phản đối Phan Châu Trinh bằng lời lẽ nặng nề,
khác hẳn cung cách "chú cháu" ngày trước, nhưng lại không
có phản ứng gì đối với quan điểm của Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Cao Văn Sến.
- Để bảo vệ quan niệm bạo lực cách mạng, Nguyễn Tất Thành đưa ra
biểu tượng Búa Rìu, của đảng cộng sản, nhưng lại giải thích bằng Hán
tự và dùng ý nghiã Búa Rìu của Trần Cao Vân. Sau này Trần Huy Liệu cũng đề cao
vai trò Trần Cao Vân nhưng bị Phan Khôi phản bác, Phan Khôi cho rằng Thái Phiên
mới là người chủ chốt trong vụ vua Duy Tân, Trần Cao Vân chỉ là "nửa
là nhà nho gàn, nửa là thầy bói kiêm thầy pháp"[15].
Những sự kiện này, mới xem qua, gần như không đáng lưu ý, nhưng
sự thực nó có tầm quan trọng: Việc đề cao Trần Cao Vân là để nâng cao biểu tượng
Búa Rìu của đảng cộng sản, gắn liền Búa Rìu với hình ảnh cách mạng của vua Duy
Tân. Có lẽ Phan Khôi đã thấy chủ đích ấy trái ngược với sự thật lịch sử nên ông
phản bác lại bằng loạt bài trên báo Sông Hương năm 1936.
Hai buổi họp mặt ở Marseille và Paris năm 1922, chứng tỏ Phan
Châu Trinh muốn chia sẻ quan điểm đấu tranh của mình và tìm sự hợp tác với Nguyễn
Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh khi về nước. Sự phản bác kịch liệt Tây Hồ của Nguyễn Tất
Thành ở Montparnasse, chứng tỏ có sự đoạn tuyệt giữa Phan Châu Trinh và Nguyễn
Tất Thành, từ 1922. Trong đám Ngũ Long, Ninh và Truyền là người "rộng
tình" với Phan Tây Hồ hơn cả, có thể trong thâm tâm Ninh cũng chê
Phan cổ lỗ, quá đát: "trọn mười mấy năm ở Pháp cứ ôm bộ Ẩm Băng Lương Khải
Siêu cho đến ngày về nước cũng còn đem theo tàu để lót đầu nằm"[16]. Nhưng Ninh vẫn một lòng quý mến ông
Phan, sang Pháp đón Phan về nước và chăm sóc Phan đến khi Ninh bị bắt. Cả Nguyễn
Thế Truyền dù bị Phan "xỉ vả" cũng vẫn tôn kính ông Phan. Năm 1925,
Phan Châu Trinh về nước tìm người thừa kế. Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao Tây
Hồ không chọn Nguyễn An Ninh? Bởi vì Nguyễn An Ninh Tây quá, sôi động quá. Phan
Châu Trinh muốn một người nho học, điềm tĩnh, gần gụi với tư tưởng của ông hơn,
và ông đã tìm thấy trong nhà nho Phan Khôi.
● Đám tang Phan Châu Trinh
Sự xuất hiện của Phan Khôi
Phan Châu Trinh chủ trương "Ngũ Long tề khởi" từ
1922, nhưng đến tháng 6/1925 mới về được nước, và đến tháng 3/1926 ông mất. Lê
Văn Thử viết: "Cụ Phan Châu Trinh về Sàigòn một lượt với Ninh, đương ở
nhà Ninh tại Quán Tre, kẻ thăm, người viếng rần rần rộ rộ"[17].
Nguyễn An Ninh bị bắt đêm 20/3/1926, bốn hôm sau Phan Châu Trinh
mất, 24/3/1926[18]. Phương Lan Bùi Thế Mỹ thuật
lại: "Chính Đặng Văn Ký, theo sự uỷ thác của Ninh, vào tù, lo săn sóc
bịnh tình cụ Phan Châu Trinh. Khi cụ Phan bịnh nặng, Ký cùng với các bạn đem dời
cụ Phan lên nhà cụ Nguyễn An Cư; chú ruột của Ninh trị bịnh rồi cụ Phan mất tại
đấy. Đặng Văn Ký hợp với Huỳnh Đình Điển, Phan Khôi đem cụ Phan về khách sạn Bá
Huê Lầu, đường Pellerin giờ là Pasteur do Huỳnh Đình Điển là chủ nhơn khách sạn,
thành lập ủy ban làm quốc táng, Phan Khôi đảm nhận viết lời hiệu triệu quốc
dân. Đặng Văn Ký nhóm Jeune Annam lo liên lạc tìm đất chôn"[19].
"Lễ quốc táng của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh được tổ chức
châu đáo vĩ đại. Quàn xác gần một tuần, tại Bá Huê Lầu của Huỳnh Đình Điển, người
chen chúc vô dâng hương nhà chí sĩ không biết bao nhiêu mà đếm. Nườm nượp ra vô
cả ngày lẫn đêm. Ngày đưa đám thiên hạ trùng trùng điệp điệp từ bốn phương xa gần
tụ họp tới. Sấp hàng từ đầu cầu Mống, cái cầu ở tận trên đường Thống Nhất. Câu
đối, tràng hoa tiễn đưa vô số kể."[20]
Sự thành công trong việc tổ chức đám tang vĩ đại của Phan Châu
Trinh là do nhiều yếu tố hợp lại, chúng tôi sẽ bàn đến trong một dịp khác. Ở
đây chỉ xin nhắc đến sự đóng góp của một người, ở hậu trường, đã nổi trội, có "công" hơn:
Nhiều dấu hiệu cho thấy từ khi về nước, Phan Châu Trinh đã tìm Phan Khôi để gửi
gấm"đại sự". Về việc này, Nguyễn Q. Thắng viết: "...năm
1925 khi về nước, Phan Châu Trinh đã cho vời Phan Khôi vào Sàigòn để viết một
quyển sách về đời hoạt động và sách lược cứu nước của Tây Hồ. Phan Khôi đã viết
xong bản thảo có tên "Phan Châu Trinh" nhưng bị phủ toàn quyền Đông
Dương cấm in. Bản thảo đã thất lạc (theo "mật báo về tác phẩm Phan Châu
Trinh của Phan Khôi" của sở mật thám Nam Kỳ, gởi thống đốc Nam Kỳ ký ngày
1/6/1926). Sách "Phan Châu Trinh" dày 94 trang đánh máy, do nhà in
Xưa Nay của Nguyễn Háo Vĩnh xuất bản nhưng không phát hành được"[21].
Vậy Phan Khôi là ai?
Năm 1925, Phan Khôi chưa phải là một tên tuổi nổi trội trong giới
báo chí tranh đấu như Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường. Nhưng Phan Khôi đã bắt đầu
sự nghiệp làm báo với hai nhà báo lừng danh Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh, những
người đã gặp Phan Châu Trinh và nhóm Yêu Nước năm 1922 ở Pháp. Phan Khôi được
Phan Châu Trinh giao cho việc viết lại lịch sử đời mình.
Từ trọng trách ấy, Phan Khôi đảm nhiệm viết lời Hiệu triệu
quốc dân dự đám tang Phan Châu Trinh.
[1] Phạm Quỳnh, Hành trình nhật ký,
Ý Việt, Paris, 1997, trang 208.
[2] Montesquieu và Rousseau.
[3] Thư Phan Châu Trinh viết chữ Hán,
chúng tôi trích bản dịch của Hoàng Xuân Hãn, in trong cuốn Những hoạt động
của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911/1925 của Thu Trang, Đông Nam Á 1983
trang 135-140.
[4] Karl Marx và Lénine.
[5] Nguyễn Văn Vĩnh, Trạng sư Phan
Văn Trường từ trần, L'Annam Nouveau số 231 ngày 24/4/1933.
[6] Hồ Hữu Tường, 41 năm làm báo,
Đông Nam Á, Paris, 1984, trang 24-25.
[7] Lê Thị Kinh, sđd, tập 2, quyển 1,
trang 211- 214.
[8] Lê Thị Kinh, sđd, tập 2, quyển 1,
trang 219-228.
[9] Nhưng không gặp được vì Sarraut chỉ đến
Hội Chợ có một buổi.
[10] Phạm Quỳnh, Pháp du hành trình
nhật ký, Nam Phong số 58 (4/1922) đến số 100 (10-11/1925), in lại trong Hành
trình nhật ký, Ý Việt, Pháp, 1997, trg 252.
[11] Thu Trang, Những hoạt động của
Phan Châu Trinh tại Pháp 1911/1925, Đông Nam Á 1983, trang 160.
[12] Phạm Tôn, Người nặng lòng với
nước, tài liệu gia đình, Blog Phạm Tôn.
[13] Phạm Tôn, Người nặng lòng với
nước, tài liệu gia đình, Blog Phạm Tôn.
[14] Đăng trong đặc san của Hội Ái Hữu Cựu
Học Sinh Quốc Học, in lại trong tập tài liệu Kỷ niệm 115 ngày sinh ông
Nguyễn Văn Vĩnh, do gia đình ấn hành năm 1997, tập III, trang 21.
[15] Phan Khôi, Địa vị của Thái
Phiên và Trần Cao Vân trong cuộc biến ở Huế năm 1916, Sông Hương số 7, 1936.
[16] Nguyễn An Ninh, Vài lời nhắc nhở-
Điếu văn khóc Phan Văn Trường, Trung Lập 27/4/1933, in lại trong Nguyễn An
Ninh tác phẩm, Văn Học, 2009, trg 1037.
[17] Lê Văn Thử, Hội kín Nguyễn An
Ninh, trang 25.
[18] Xin nhắc lại: nhiều chỗ (kể cả cuốn
Nguyễn An Ninh do gia đình in) ghi sai: Ngyễn An Ninh bị bắt hôm ông Phan mất.
Thực ra Ninh bị bắt ngày 20/3/1926 vì tội tổ chức mít tinh tại Xóm Lách,
Vườn Xoài ngày 21/3/1926 (tổ chức chứ không tham dự, vì bị bắt từ hôm trước), ở
nhà bà Đốc Phủ Tài, dì ruột Ninh, buổi mít tinh đưa ra bản quyết nghị có
ba ngàn người biểu quyết, Quyết nghị đòi Tám điểm, tương tự như Bản Thỉnh
Nguyện Thư của Phan Văn Trường 1919. Bốn ngày sau, 24/3/1926, Phan Châu Trinh mới
mất.
[19] Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, Phương
Lan Bùi Thế Mỹ, trang 130.
[20] Phương Lan Bùi Thế Mỹ, trang 164.
[21] Nguyễn Q. Thắng, Phong Trào Duy
Tân, những khuôn mặt tiêu biểu, Văn Hoá Thông Tin, 2006, trang 478.
No comments:
Post a Comment