Phạm Trần - Trần Thanh Hiệp (Danlambao) - Sáng ngày
28/11/2013, sau hai năm tiêu phí không biết bao nhiều tiền bạc của dân để thực
hiện các cuộc thảo luận và lấy ý kiến giả hiệu dân chủ, 486/488 Đại biểu Quốc
hội Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã thực hiện cuộc bỏ phiếu “ấn nút” để chấp
thuận Hiến pháp sửa đổi, hay còn được gọi là Hiến pháp 2013, đạt tỷ số gần
100%.
Có 2 Đại biểu không bỏ phiếu, nhưng danh tính không được tiết lộ.
Có 2 Đại biểu không bỏ phiếu, nhưng danh tính không được tiết lộ.
Không có phiếu nào chống Hiến pháp mới cũng là
điều dễ hiểu vì hầu hết người bỏ phiếu là đảng viên Cộng sản.
Hiến pháp mới có 11 Chương, 120 Điều, giảm 1
Chương và 27 Điều so với Hiến pháp 1992, nhưng vì Hiến pháp làm ra chỉ để thi
hành Cương lĩnh của đảng Cộng sản nên quyền quyết định Hiến pháp của người dân
đã không được tôn trọng.
Nội dung bài Phỏng vấn của chúng tôi (Phạm
Trần) với Luật sư Trần Thanh Hiệp, một chuyên gia Pháp luật và Hiến pháp thời
Việt Nam Cộng hòa là nhằm đưa ra ánh sáng những âm mưu tăm tối ghi trong Hiến
pháp mới của đảng CSVN.
Cuộc phỏng vấn được phổ biến trong Chương
trình “Những Vấn Đề Việt Nam” của Đài Truyền hình SBTN ngày 29/11/2013, vào lúc
8:00 PM giờ miền Tây Hoa Kỳ, hay 11:00 PM giờ Đông bộ nước Mỹ.
Phạm Trần
Nhà báo Phạm Trần (Phải) và Ls. Trần Thanh Hiệp Trái
Sau
đây là toàn văn cuộc phỏng vấn:
H: Một cách tổng quát, xin ông cho biết sự
khác biệt quan trọng nhất giữa Hiến pháp cũ 1992 và Hiến pháp mới
2013?
TTH: Theo tôi, cái gọi là Hiến pháp cũ 1992 với cái
gọi là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới 2013 vừa rất giống nhau lại vừa rất khác
nhau. Tại sao rất giống nhau? Tại vì cả hai văn bản này đều là hai tài liệu
xuất phát từ một nguồn gốc chung, đó là “Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa (sửa đổi và bổ sung năm 2011)”. Và
cả hai đều được dung để áp dụng cương lĩnh ấy. Thế tại sao lại còn khác nhau?
Tại vì cái gọi là bản dự thảo mới, năm 2013 đã sửa lại rất nhiều tài liệu cũ,
đến mức tổng cộng đã sửa trên 100 điều cũ và còn thêm vào 12 điều mới nữa. Điều
rất ngộ nghĩnh là tuy sửa và thêm quá nhiều như vậy mà rút lại cũng chỉ để thực
hiện đường lối cai trị cũ là bản Cương lĩnh toàn trị nói trên của đảng. Tôi rất
tiếc đã phai trả lời một cách không bình thường có vẻ như chọc cười như thế,
nhưng có nói như vậy mới đúng với cách nói và cách làm “vẫn như cũ” của những
người cầm quyền cộng sản ở trong nước.
H: Tại sao Hiến pháp mới
phải dựa vào “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ
nghĩa” (bổ sung và phát triển năm 2011) để viết hầu bảo vệ cho bằng được quyến
lãnh đạo độc tôn cho đảng như quy định trong Điều 4 trong khi Hiến pháp mới là
bộ “luật cơ bản” và “có hiệu lực pháp lý cao nhất” của nhà nước Việt Nam?
TTH: Tại vì đối với những người cầm quyền
cộng sản thì chỉ có “Cương Lĩnh” mà thôi, không có Hiến pháp. Cái mà họ gọi tên
là Hiến pháp là chỉ để cho người dân trong nước cũng như dư luận quốc tế lầm
tưởng rằng ở Việt Nam đã có những bản Hiến pháp theo đúng nghĩa của Luật Hiến
Pháp phương Tây. Kỳ thực chưa hề bao giờ có loại Hiến pháp “đồ ngoại” này, chỉ
có những văn bản mang tên Hiến pháp nhưng, như Stalin, Mao Trạch Đông đã nói,
là để thể chế hóa đường lối cầm quyền của đảng cộng sản, không khác gì ngày xưa
vua chúa ban hành Hiến Chương để tuyên bố cho dân biết dân được cai trị theo
luật lệ nào. Chứ không phải là để cam kết tôn trọng, thực hiện và bảo vệ nguyện
vọng, ý chí của dân, như tại các nước dân chủ hiện nay trên thế giới. Nói cách
khác và nói một cách dễ hiểu thì chuyện ban hành, sửa đổi Hiến pháp dưới nhưng
chế độ cộng sản là những màn ảo thuật để biến hóa độc tài thành dân chủ. Không
phải chỉ ở trên sân khấu tuồng kịch mà ở trong xã hội. Ngày xưa thì nhờ vào
bưng bít, khủng bố tập đoàn cộng sản đã lừa được dân. Nhưng này nay dân đã
trưởng thành nên các chế độ độc tài đảng trị cộng sản đã lần lượt nối tiếp nhau
sụp đổ như những lâu đài trên bãi cát. Chỉ còn lại dăm ba chế độ tàn dư còn hấp
hối trên giường bệnh chờ đợi giây phút lìa đời.
Những
mâu thuẫn và hạn chế
H: Theo ông, có hay không
có sự “mẫu thuẫn” trong Điều 53 mới, viết rằng: “Đất đai, tài nguyên nước, tài
nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời, tài nguyên
thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản
công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản
lý.”?
TTH: Đương nhiên là có mâu thuẫn vì nếu toàn dân là
chủ sở hữu thì không thể đồng thời lại còn thuộc quyền sở hữu của bất cứ người
chủ nào khác nữa. Ở đây, những người cầm quyền cộng sản ở Hà Nội lập luận rằng
Nhà nước do họ thiết lập và áp đặt bằng luật pháp đảng tri, tòa án, công an,
nhà tù đã “đại diện” dân để “quản lý”. Nhưng thử hỏi dân đã ủy cho họ quyền
“đại diện” hồi nào? Nếu bảo là do bầu cử thì chỉ có bầu cử gian lận kiểu “đảng
cử dân bầu” nghĩa là tập đoàn cầm quyền cộng sản ở Hà Nội đã tự phong cho mình
quyền “đại diện” dân để lấy công làm tư, tự quyền hưởng dụng tài nguyên, tài
sản của quốc gia thậm chí còn đem bán và cầm cố cho nước ngoài để thỏa mãn nhu
cầu cá nhân và phe đảng. Cho nên họ đã đặt ra điều 53 trong Hiến pháp 2013 là
để hợp pháp hóa việc họ đã trắng trợn tiếm quyền, đúng ra là tước đoạt quyền sở
hữu riêng và chung của dân
H: Trong Chương quy định
về “Quyền con người”, tôi thấy có rất nhiều “mâu thuẫn” và “suy thoái” hơn Hiến
pháp 1992 chẳng hạn như họ viết trong Điều 14 mới rằng: “Quyền con
người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường
hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội,
đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”
Hay trong Điều 15 ghi rằng: “Việc thực
hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi
ích dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.”
Là một Nhà Luật học và đấu tranh cho quyền con
người Việt Nam trong nhiều năm, ông giải thích như thế nào về những “hạn chế”
này?
TTH: Như ở trên tôi đã trình bày, đối với những
người cộng sản cầm quyền ở Hà Nội thì không có Hiến Pháp của dân mà chỉ có
Cương Lĩnh của đảng. Vậy thì tất nhiên là đảng phải hạn chế tối đa quyền của
dân để độc tài. Tôi không coi việc tôi phát biểu về một số điều khoản trong bản
Hiến pháp sửa đổi năm 2013 là những trao đổi về Luật Hiến Pháp mà là những nhận
định về đường lối cầm quyền của đảng Cộng sản ở Việt Nam. Từ góc độ nhìn này,
tôi có mấy nhận xét sau đây: Một, khi họ nói “chỉ có thể bị hạn chế
theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh
quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.” họ
đã lập luân một cách rất vụng về để hạn chế quyền của dân. Vì họ đã đưa ra một
loạt những lý do rất mơ hồ như lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật
tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng là những lý
do vu vơ, không có tiêu chuẩn, để giới hạn, hay đúng hơn, tước đoạt một cách
thô bạo quyền làm người của dân. Tức là một cách để tùy tiện cấm đoán. Rồi lại
còn nói đãi bôi rằng: Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân
không được xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền và lợi ích hợp
pháp của người khác. Họ quên rằng khi họ tìm cách hạn chế một cách độc đoán
như đã được ghi trong các điều 14, 15 kể trên là họ đã xâm phạm lợi ích
quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Mập mờ - Khuất tất
H: Cũng trong Chương này
tôi thấy Quốc hội đã “lạm dụng” và “chủ tâm” sử dụng Pháp luật để “điều chỉnh”
những Quy định trong Hiến pháp theo ý muốn của Nhà nước, bằng chứng như họ viết
trong 2 Điều quan trọng:
Điều 23: “Công dân có quyền. Việc thực hiện
các quyền này do pháp luật quy định.”
Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận,
tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện
các quyền này do pháp luật quy định.”
Ông có thấy như thế không?
TTH: Theo chỗ tôi biết, các chuyên gia của
nhả cầm quyền cộng sản ở Hà Nội đã phải đổi nhóm chữ “theo luật định” trước
đây vẫn đọc thấy trong các bản Hiến pháp cũ của họ bằng nhóm chữ mới “do
pháp luật quy định:” như nhà báo Phạm Trần vừa nêu lên qua các điều 23
và 25. Ý hẳn họ muốn người dân cũng như dư luận quốc tế hiểu lầm rằng nếu phải
có hạn chế thì đó sẽ chỉ có thể là những hạn chế của “pháp luật” (tiếng pháp là
droit) chứ không phải của những đạo luật (loi) do họ đặt ra. Nhưng phải hỏi
rằng “pháp luật” mà họ muốn qui chiếu là “pháp luật” nào? Đương nhiên là sẽ
không phải là thứ pháp luật dân chủ, văn minh, tiến bộ của nhân loại mà là thứ
pháp luật riêng do những người cộng sản Việt Nam sáng chế ra, với quyền hạn phi
nhân quyền mà họ gọi là “pháp quyền”. Tức là trước sau cũng vẫn chỉ
là những hạn chế phi pháp, phi nhân quyền, nếu nhìn dưới ánh sáng của luật quốc
tế và phổ biến về nhân quyền, dân quyền. Tức là người dân trong tương lai gần
nhất, vẫn chưa có các quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền
ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp
cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Đúng là những người cầm
quyền cộng sản ở Hà Nội đã mượn cách nói khéo để che đậy vụng về chủ ý của họ
là tước đoạt quyền làm người của dân.
H: Câu hỏi cuối cùng của tôi trong Cuộc phỏng
vấn này là: Ông có bi quan về tương lai Chính trị của nhân dân Việt Nam khi Bản
Hiến pháp mới mới chỉ do Quốc hội chấp thuận mà không do dân biểu quyết?
TTH: Tôi sẽ có hai câu trả lời và một câu hỏi trước
câu hỏi của nhà báo Phạm Trần. Trước hết, tôi không bi quan hay lạc qua mà chỉ
kinh ngạc và phẫn nộ. Kinh ngạc vì những người cầm quyền cộng sản ở Hà Nội vẫn
không chịu tìm học những bài học lịch sử của Liên Xô, Đông Âu cũ và nhất là của
Trung Đông, Bắc Phi hiện nay để kịp thời thay đổi đường lối cầm quyền đảng trị
đã lỗi thời. Phẫn nộ vì họ vì quyền lợi riêng của mình, của đảng mà giam hãm
mãi gần trăm triệu đồng bào trong áp bức nghèo đói, tụt hậu. Họ còn muốn hy
sinh bao nhiêu thế hệ người dân nữa?
Ngoài ra, nói chung, bất cứ một Hiến Pháp nào
cũng phải do dân biểu quyết dưới hình thức này hay hình thức khác. Lại còn có
trường hợp cũng không cần đến cả Hiến Pháp nữa như tại Anh Quốc. Nhưng ở Việt
Nam thì dân phải được quyền biểu quyết Hiến pháp vì nếu dân không được quyền
làm Hiến Pháp thì đảng Cộng Sản sẽ chỉ đặt ra “Cương Lĩnh” thay vì Hiến Pháp để
cầm quyền. Trên nguyên tắc là như vậy nhưng cũng cần phải hỏi là đến bao giờ và
bằng cách nào dân mới được làm Hiến Pháp?
(11/013)
Phạm Trần - Trần Thanh Hiệp
No comments:
Post a Comment