LTS : Kể từ tháng 8.1945, tức là từ khi Đảng cộng sản Việt Nam nắm chính quyền, rất nhiều vụ án oan khuất đã xảy ra trên đất nước dưới chế độ cực quyền và toàn trị. Có thể nói "Nhân Văn - Giai Phẩm" là một vụ án điển hình. Điển hình vì nó đánh thẳng vào tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ đã từng tận tụy đi theo đảng cộng sản và đã có công lao to lớn trong cuộc kháng Pháp giành dộc lập dân tộc. Điển hình vì hậu quả của nó ngay lập tức lan tỏa ra toàn xã hội, tạo tiền đề cho "vụ án xét lại - chống Đảng" và suốt hơn 30 năm qua nó gây nên nỗi ám ảnh khủng khiếp trong đời sống văn hóa - nghệ thuật - giáo dục nước nhà. Trong nhiều năm gần đây, từ khi có việc "cởi trói" văn nghệ sĩ hồi tháng 10.1987, người ta đã được biết nhiều hơn, chính xác hơn về những sự việc, những con người trong vụ án này.
Bạn đọc "Hy Vọng" ở số báo trước đã có dịp làm quen với ông Nguyễn Minh Cần như là một nạn nhân của "vụ án xét lại - chống Đảng". Hôm nay chúng tôi trân trọng đưa đến bạn đọc những tâm sự, những hồi tưởng.. của ông với tư cách một nhân chứng của vụ án "Nhân Văn - Giai Phẩm". Cũng xin giới thiệu lại rằng trong thời gian xảy ra vụ án này, ông Nguyễn Minh Cần là phó chủ tịch U±y ban hành chính Hà Nội, ủy viên Thường vụ Thành ủy, trưởng ban tuyên huấn Thành ủy Hà Nội kiêm chủ nhiệm báo "Thủ đô Hà Nội".
Bài viết dưới đây do Trần Tuấn Thanh, Đỗ Quang Nghĩa và Đỗ Quyên nhuận sắc từ băng ghi âm cuộc hỏi chuyện thân mật ông Nguyễn Minh Cần mà chúng tôi đã tham dự tại tòa soạn báo "Thiện Chí" dạo đầu tháng Tư vừa rồi.
Cuối cùng, báo "Hy Vọng" xin được dùng bài viết này để kính viếng 100 ngày mất của nhạc sĩ Văn Cao, một nạn nhân đau thương trong vụ án "Nhân Văn - Giai Phẩm".
I
..." Dạo đó tôi là phó chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội, đặc trách về công tác tuyên huấn, văn hóa, giáo dục và ngoại thành... Dưới đây, tôi sẽ kể thêm một vài điều mà bài tổng quan của tôi về vụ "Nhân Văn - Giai Phẩm" (2) chưa có điều kiện nói kỹ.
Sau khi đảng cộng sản Việt Nam chịu ảnh hưởng rất mạnh của đường lối Stalinit, Maoit, và nhất là từ khi Trung Quốc giành được chính quyền trên toàn lục địa, thì cách thức cai trị của ĐCSVN rất độc tài, có tính chất phong kiến, trung cổ. Chữ "trung cổ" ở đây tôi nói không có gì oan uổng cả! Nó đúng với cái thực tế hồi đó! Việc kiểm soát về tư tưởng rất ngặt nghèo, từ khi bắt đầu cải cách ruộng đất thì không khí chính trị - xã hội ở miền Bắc rất ngột ngạt. Không ai được có một ý kiến hơi sai, hơi khác. "Chủ nghĩa đồng phục" tư tưởng Stalinit, Maoit đấy mà!
Thế mà... từ các vùng chiến khu trở về Hà Nội, anh em trí thức, văn nghệ sĩ có nhu cầu rất lớn về tự do, vì có tự do mới có thể sáng tác, nghiên cứu, sáng tạo được. Hồi trước, do yêu cầu của kháng chiến, họ phải chịu im, phải nhất nhất theo lãnh đạo. Nay một phần đất nước được giải phóng rồi, thì trí thức, văn nghệ sĩ cũng đòi hỏi được giải phóng, hoặc chí ít được nới lỏng một chút, theo kiểu "đường lối lãnh đạo là của các anh, nhưng phương pháp sáng tác là của chúng tôi, xin các anh đừng can thiệp vào". Tôi cho rằng đấy là nhu cầu tự nhiên. Dạo đó, các sáng tác văn nghệ đều bị kiểm duyệt tới từng câu chữ, chi tiết. Đề tài lịch sử là cái người ta rất cẩn thận khi xem xét, vì cho rằng dễ bị ám chỉ: nói chuyện thời phong kiến xa xưa đấy mà lại là chuyện đương thời.
Thế là cuối 1954 - đầu năm 1955, một số văn nghệ sĩ trong quân đội, đứng đầu là nhà văn Trần Dần, đã họp để chuẩn bị các đề nghị cụ thể xin đảng cải tiến công tác quản lý văn nghệ trong quân đội, với tinh thần là để cho họ được tự do sáng tác. Sau này người ta hay nhắc lại các đề nghị đó được gói gọn trong một câu mà Trần Dần phát biểu với Nguyễn Chí Thanh, ủy viên Bộ chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị: "Trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ". Mở đầu tư trào "Nhân Văn - Giai Phẩm" là như thế! Thật ra, văn nghệ sĩ sau kháng chiến chống Pháp có đòi hỏi nội tâm rất lớn. Anh em chấp nhận sự lãnh đạo của đảng cộng sản, phải nói rằng hồi đó họ còn tin ở đảng, nhưng họ muốn rằng đảng phải coi văn nghệ là công việc của văn nghệ sĩ, đừng can thiệp thô bạo vào việc sáng tác của họ. Mà hồi đó quả là có lắm chuyện can thiệp thô bạo đã xảy ra thật, vì các ông lãnh đạo nhà ta cứ luôn luôn viện dẫn câu nói đầu lưỡi của Mao: "chính trị là thống soái", nên cán bộ đảng coi mình phải "chỉ huy" văn nghệ sĩ về đường lối, về đề tài, về cốt chuyện, về xây dựng nhân vật, ai là "chính diện", ai là "phản diện", và thậm chí cả... về "văn phong" nữa. Lắm chuyện lố bịch khó tưởng tượng nổi! Thế nhưng, giới lãnh đạo đảng đã buộc tội Trần Dần và nhóm văn nghệ sĩ nói trên là "có quan điểm tự do, tư sản và phản động", "phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng", v.v... Các anh bây giờ khó mà hình dung nổi cái quan niệm của thời đó: người ta cho rằng đã là trí thức thì có tư tưởng tư sản, dù có theo kháng chiến, dù có là đảng viên cộng sản. Người ta không chịu tin người trí thức, kể cả những người trí thức đã hầu như suốt đời đi theo cách mạng. Ví dụ như ông Trương Tửu. Ông đi kháng chiến, đến khi ông có ý kiến hơi kháclãnh đạo thì bị đặt vấn đề là ông có thực tâm theo kháng chiến hay không. Trường hợp ông Phan Khôi cũng vậy. Ông mà chạy vào Nam thì hẳn sẽ có cương vị khác, nhưng ông đã theo kháng chiến, thế mà người ta có tin đâu. Tố Hữu đã trắng trợn chửi bới ông là "bọn Phan Khôi, mật thám cũ của thực dân Pháp", chắc các anh biết chứ? Hoặc với Trần Dần... Anh đã viết những cuốn sách ca ngợi kháng chiến, như tiểu thuyết "Người người lớp lớp" nói về chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến khi anh có ý kiến khác thì Tố Hữu gọi anh là "tên phản đảng, đứa con hư của Hà Nội cũ", rồi đời tư bị moi móc ra. Tất nhiên, vì đã học ở trường Tây ra, anh thích trường phái này, học thuyết nọ, thì có sao mà cứ bới ra bêu diếu, trong lúc đó thì lờ đi chuyện anh đã tham gia suốt cuộc kháng chiến chống Pháp. Cả chuyện anh yêu một cô gái giáo dân "trong vùng địch tạm chiếm" cũng bị coi là "mất lập trường"! Chắc các anh ở đây có đọc một bài mới đăng của Nguyễn Khải có tên là "Người vợ". Cách viết bài đó thì tôi không thích lắm, nhưng phải nói đúng là kể khách quan về gia đình Trần Dần, về người vợ đảm đang, đáng thương của anh ấy. Rồi Trần Dần bị theo dõi, bị bắt lần một, lần hai... Anh tự tử mà không chết. Thế là mai một cả một đời văn, một đời thơ... Tất nhiên, văn thơ của anh có người thích, có người không, nhưng thực tâm anh muốn sáng tạo, muốn được tự do sáng tạo... Ơ± đây, tôi muốn nói qua về hoàn cảnh, về không khí của sự mở màn ước mơ tự do sáng tác dạo đó"(thở dài)...
II
... "Tư trào này có tên "Nhân Văn - Giai Phẩm", vì các quan điểm về văn nghệ, cũng như về kinh tế, chính trị của nó được thể hiện trên tờ báo "Nhân Văn" và trên các tập "Giai Phẩm". Tập "Giai Phẩm 1956" (sau gọi là "Giai Phẩm mùa Xuân) do nhiều người nổi tiếng chủ trương như nhà thơ Hoàng Cầm, nhà thơ Lê Đạt, nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Sỹ Ngọc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, và được ra mắt vào đầu năm 1956 với các bài đáng chú ý là bài thơ "Ông bình vôi" của Lê Đạt, bài thơ "Nhất định thắng" của Trần Dần. Còn tờ "Nhân Văn" do Phan Khôi là chủ nhiệm, số 1 ra ngày 20.9.1956. Lúc đó tôi biết các việc như vậy vì phải chịu trách nhiệm về các công tác tuyên huấn, văn hóa, giáo dục của Hà Nội... Một hôm, trên Trung ương chỉ thị xuống bảo phải triệu tập hội nghị Thường vụ Thành ủy. Chúng tôi đến họp đông đủ. Người thay mặt Trung ương đến hội nghị là ông Tố Hữu. Vừa đến một cái là ông nói luôn: "Nhân Văn, Giai Phẩm nó ra như thế mà các anh không có thái độ gì rõ rệt cả". Tất nhiên là tôi phải phát biểu tự bênh vực mình và các anh em khác: "Nhưng mà những gì được trình bày trên "Nhân Văn" số 1, số 2 là quan điểm của giới trí thức... chứ chưa có gì thể hiện sự chống đối mình rõ rệt. Theo tôi, cứ để xem tư tưởng họ ra sao đã..." Ông Trần Danh Tuyên, hồi đó là bí thư Thành ủy, ngồi cạnh tôi cứ bấm bấm vào người tôi ra hiệu để tôi đừng nói nữa. Từ lúc ấy hội nghị Thường vụ Thành ủy trở thành cuộc độc thoại của ông Tố Hữu... "Các anh mất cảnh giác chính trị trước một trào lưu tư tưởng tư sản đang chống đối chế độ", "Hà Nội các anh chưa nhận thức đầy đủ tình hình hiện nay!", "Các anh không thấy ở Hungarie tình hình bắt đầu như thế nào à? Nó bắt đầu từ "Câu lạc bộ Petofi"...", v.v... và v.v... Sau đó, Tố Hữu đề ra những việc phải làm "để chống lại những luồng tư tưởng có hại cho sự nghiệp thống nhất đất nước". Ông giải thích rõ là "phải đánh vào tâm lý yêu nước, mong thống nhất Tổ quốc của nhân dân để tìm sự đồng cảm của họ khi chúng ta bài bác các tờ báo đó". Tất nhiên là đến lúc ấy mọi người dự hội nghị chả ai có ý kiến gì nữa. Tôi thì tôi cũng im... (Tất cả cùng cười).
Vâng, đó là hội nghị lần thứ nhất của Thành ủy Hà Nội bàn về vụ này. Rồi đến hội nghị lần thứ hai, cũng trong năm 1956, lần này là vào giữa tháng 12. Lúc đó, ông Tố Hữu nói rằng: "Tờ "Nhân Văn" số 6 đã kích động quần chúng biểu tình nhân dịp Quốc hội sắp họp". Thú thực với các anh là chúng tôi ở Thành ủy Hà Nội không hề biết mô tê gì về nội dung của "Nhân Văn" số 6. Tôi không biết ông Tố Hữu đã đọc số báo này chưa và cũng không biết ở đó có bài mang nội dung kích động biểu tình hay không. Theo tôi, điều đó không có! Lúc Tố Hữu la ó như vậy thì số 6 mới lên khuông, đã được in ra đâu cơ chứ! Thế rồi Vũ Định, là người phụ trách công đoàn Hà Nội, phải chịu trách nhiệm giải thích cho công nhân nhà in Xuân Thu để hãm việc in báo số 6. Dù đó là việc kiếm ăn của anh em công nhân, nhưng việc "thuyết phục" để không in báo số 6 cũng không có gì khó khăn. Nói thêm là nhiều anh em công nhân trực tiếp in "Nhân Văn" rất thích đọc báo này, thế mà trên báo chí chính thức của đảng về sau lại bịa rằng: "Chính anh em công nhân đã có ý thức phát hiện ra vấn đề trong "Nhân Văn" và yêu cầu Đảng đóng cửa tờ báo"! Trước đó thì báo chí của đảng đã kết tội "Nhân Văn" là "từ số 4 và số 5 đã chuyển sang vấn đề chính trị"! Thật là chung chung và rất nguy hiểm, các anh ạ! Bước này là để dọn đường cho bước sau đó mà! Tôi theo dõi năm số báo đó, tôi biết... A°, còn việc thứ hai trong hội nghị mà Tố Hữu giao cho Hà Nội, đó là cùng chuẩn bị một chiến dịch chống (thực chất là diệt) "Nhân Văn - Giai Phẩm".
I|I
..."Việc đánh phá, đấu tố, hay nói gọn là đàn áp tư trào "Nhân Văn - Giai Phẩm" thì tôi đã nêu khá chi tiết trong bài viết trước đây. Ơ± đây chỉ xin nói vài điều thôi. Cần nhắc lại ở đây là trong cùng một ngày 15.12.1956 đã xảy ra các sự kiện sau một cách rất ăn khớp: chủ tịch U±y ban hành chính thành phố Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng, ra quyết định đóng cửa báo "Nhân Văn"; Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh ra sắc lệnh báo chí, chấm dứt tình trạng báo chí xuất bản "tự do"; các báo chính thức trong nước đăng tuyên bố của 180 nhà báo (mà không có danh sách) lên án báo "Nhân Văn"; báo "Nhân Dân" đăng tuyên bố của các nhà văn Nam Bộ tố cáo "Nhân Văn" là phương tiện của địch gây chia rẽ Bắc Nam.
Tôi muốn nói thêm là sau khi tiếp quản Hà Nội, vẫn còn vài tờ báo tư nhân, như tờ "Thời Mới" của ông Hiền Nhân. Đảng cộng sản luôn luôn chủ trương không nên có tờ báo nào ngoài các tờ của đảng, nhưng với tờ "Thời Mới" đã chịu ở lại, không vào Nam, mà đóng cửa báo đó thì họ sợ sẽ ảnh hương đến miền Nam. Chính vì vậy mà sau 1954 có vài tờ báo tư nhân được phát hành. Ngoài "Nhân Văn" và "Giai Phẩm", còn có tờ "Trăm Hoa", "Đất Mới" (tờ này vừa ra thì bị bóp chết ngay). Song số lượng in của các báo tư nhân nằm trong tay nhà nước, vì nhà nước quản lý số lượng giấy in. Sở báo chí "quản" các báo rất chặt. Trong sắc lệnh ra hồi có vụ "Nhân Văn - Giai Phẩm" viết mập mờ, dường như là... có vẻ tư nhân được ra báo, nên bây giờ nhiều người cứ tưởng là hình như dưới thời ông Hồ Chí Minh, luật báo chí rộng hơn cái luật báo chí mới ra gần đây! Tôi cho là không có cái nào hơn cái nào cả! Thời ông Hồ Chí Minh, chỉ vì miền Nam chưa nằm trong tầm tay của đảng phải viết mập mờ, còn nay cả nước chịu sự thống trị chung rồi thì họ nói thẳng thừng là tư nhân không được ra báo. Tất cả chỉ là chiến thuật mà thôi.
... Nói thật để các anh hiểu là lúc đó tôi chán lắm...Tôi bắt đầu thấy chán từ dạo đó. Tôi tham gia cách mạng từ nhỏ, dạo còn đi học vẫn ước ao thực hiện lý tưởng cách mạng dân chủ, như cuộc cách mạng dân chủ Pháp. Thế mà bây giờ thì thấy chế độ không có gì là dân chủ, tự do cả. Cũng như nhiều người khác, tôi cũng phải trải qua đấu tranh để chuyển hóa mình, để tự lột xác mình. Và dạo đó tôi thấy mình bất lực, dù rằng kể từ khi được Trung ương điều ra Hà Nội vào năm 1951, tôi được giao cho trọng trách bí thư Ngoại thành Hà Nội, rồi thời kỳ xảy ra vụ "Nhân Văn - Giai Phẩm", tôi làm trưởng ban tuyên huấn Thành ủy. Do đó, khi có các cuộc họp bàn về "Nhân Văn - Giai Phẩm", trừ những lần phải đi, còn thì tôi cử hai người đi thay mình: bên Tuyên huấn tôi cử anh Nguyễn Đình Hiệp, bên báo "Thủ Đô Hà Nội" thì anh Bùi Hạnh Cẩn hoặc anh Đinh Nho Khôi. Nói chung, đi họp về, các anh cứ theo lệnh của cấp trên mà thi hành. Tôi ít để ý tham gia vào các việc đó... Một lần nữa, tôi nói rõ rằng tôi có chân trong đảng, đảng chịu trách nhiệm về vụ án này, do vậy bản thân tôi cũng phải chịu trách nhiệm. Vâng, có anh vừa hỏi rằng ở cương vị trưởng ban tuyên huấn và lại là chủ nhiệm báo đảng của Hà Nội, thì tôi có viết gì để chống các tờ "Nhân Văn", "Giai Phẩm" không? Đúng là dạo đó anh em có đặt viết bài nhưng tôi không viết. Tôi có thể nói với các anh ở đây là không có một bài báo nào của tôi trong vụ này. Dạo đó tôi có lý do chính đáng là rất bận việc và hay phải đi ngoại thành. Giờ mới thấy đó là cái may cho tôi (cười vui vẻ). Vâng, đó là sự thật đấy! Cần nói rõ để các anh biết thế này: các bài "đánh" anh em "Nhân Văn - Giai Phẩm" đều do Ban tuyên huấn trung ương đặt người viết, kể cả các bài đăng ở các báo địa phương như Hà Nội, Hải Phòng... Đảng làm việc này chặt chẽ lắm! Có kế hoạch chuẩn bị từ trước của Trung ương là bài nào đăng ở báo nào, ai viết, viết gì... Các Thành ủy, các địa phương không phải bàn cãi, cứ thế mà làm.
...Công việc quan trọng nhất mà Trung ương đảng đặt ra trong vụ này là phải làm trong sạch đội ngũ đảng viên trong giới trí thức, văn nghệ sĩ. Kiểu đấu tố, như chỉnh huấn, chỉnh phong trước đó lại được sử dụng. Các "vị" nhà văn, nghệ sĩ... cần phải đấu tranh đều bị lập hồ sơ trước và trong các cuộc họp, tất cả các văn nghệ sĩ, trí thức có liên quan đều phải đến để "đấu", để "tố" các "vị" ấy. Đầu năm 1958, đã có hai lớp "học tập" cho gần 500 văn nghệ sĩ, trí thức theo tinh thần nghị quyết của Bộ chính trị về văn nghệ. Nói chung, nhắc lại các lần "đấu tố" văn chương này thì thấy thật dã man và đáng xấu hổ, người ta "tặng" cho nhau các từ ngữ, các danh xưng không "văn chương" một chút nào, như tôi đã kể trong các bài báo tôi đã viết trước đây. Đại để những việc đó do Ban tuyên huấn trung ương và bên Công an lo cả, phía Hà Nội chỉ có nhiệm vụ giản đơn là giải thích để giới trí thức và sinh viên được thông hiểu (hồi đó gọi là đả thông tư tưởng!). Cần nhớ là sinh viên ta dạo đó rất tha thiết tự do và cởi mở. Có nơi anh em liều mạng lắm nhé! Mặc dù đã bị "làm công tác tư tưởng" rồi, mà họ vẫn ủng hộ báo "Nhân Văn", "Giai Phẩm". Có những sinh viên còn viết bài đăng trên báo "Nhân Văn" bênh vực báo này. Những người đó bị vào "sổ đen" cả.
... Ơ± nông thôn người ta ít biết đến hai tờ "Nhân Văn" và "Giai Phẩm". Còn lưu hành ở các thành phố thì chủ yếu là ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Tôi nhớ là tờ "Nhân Văn" số 1 rất hiền lành với lời tuyên bố rằng tờ báo "đứng dưới sự lãnh đạo của Đảng lao động Việt Nam, theo chủ nghĩa Marx-Lenin với tinh thần thực tiễn" và hứa ra sức làm theo các nhiệm vụ Đảng đề ra. Có một số bài có tính chất mới lạ, thu hút sự chú ý và cảm tình của sinh viên và trí thức, là bài của luật sư Nguyễn Mạnh Tường và giáo sư Đào Duy Anh, trong đó nói đến việc mở rộng tự do, dân chủ, và những bài khác phê bình sự lãnh đạo gò bó và độc đoán trong văn nghệ. Trong các cơ quan nhà nước, người ta tranh luận nhiều về "Nhân Văn" số 1. Ngay cả chúng tôi ở cương vị lãnh đạo trong thành phố cũng không phản đối. Tất nhiên, quan điểm của tôi lúc đó chưa được rộng rãi như bây giờ, nhưng ngay lúc đó tôi cũng thấy không có gì đáng phải bóp mồm, bóp miệng họ lại, như đảng đã làm. "Nhân Văn" ra số đầu tiên mà đã được dư luận bạn đọc chú ý đến ngay lập tức, theo tôi, một phần nữa cũng do sự phản ứng của đảng. Làm như thế chính đảng đã tuyên truyền cho tờ báo ấy! Vì các ông lãnh đạo đã vội vàng võ đoán "chụp mũ" đấy là lực lượng chống đối, là "phản động", "phản cách mạng"... Họ dùng dao mổ bò để hạ sát chú chim sẻ! Ngay sau khi số 1 "Nhân Văn" ra mắt được năm ngày thì báo "Nhân Dân" của đảng đã tung ra một bài dài của Nguyễn Chương, phó ban tuyên huấn trung ương, lu loa vu khống và ghép tội chính trị cho tờ "Nhân Văn". Bài này dù ký tên Nguyễn Chương nhưng thực ra là bài của Ban tuyên huấn trung ưong đảng. Rồi sau đó là các bài của Quang Đạm, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi... "đánh" tơi bời tờ "Nhân Văn". Thế là đến số 2, số 3, "Nhân Văn" càng có bạn đọc đông đảo hơn nhờ những bài công kích vô cớ của đảng. Các ông lãnh đạo lúc đó đã ngây thơ... A°, không! Các ông ấy không bao giờ ngây thơ cả, mà sâu sắc lắm. Nói đúng ra là lúc đó họ vụng về trong vụ này nên mới làm như vậy. Không kể các cuộc đấu tố giữa các nhà văn, các nghệ sĩ với nhau, riêng ở Hà Nội còn có các "buổi học" để ổn định tư tưởng cho dân chúng cũng như để đàn áp tư tưởng những sinh viên trí thức ủng hộ các báo đó.
... Thời kỳ cuối vụ án, Tố Hữu ít xuất hiện ở Thành ủy Hà Nội. Hồi đó Hà Nội được giao chuẩn bị để xử án nhằm trừng trị những người lãnh đạo "Nhân Văn - Giai Phẩm". Vì thế, ở các hội nghị Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Tố Hữu không đến nữa, mà lại là ông Hoàng Quốc Việt, lúc đó làm viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Sau 3, 4 năm, với các cuộc đàn áp tàn bạo, có hệ thống, dân chúng thì sợ, trí thức thì co lại. Rồi báo đảng liên tiếp đăng các bài "thú tội" của Trần Dần, Văn Cao, Lê Đạt, Trần Đức Thảo, Hoàng Cầm và của những người bị coi là "bị ảnh hưởng tư tưởng "Nhân Văn - Giai Phẩm", như Tế Hanh, Nguyên Hồng... Sang năm 1960, đảng đã dựng vấn đề thành vụ án để đè bẹp đến cùng giới trí thức, văn nghệ sĩ miền Bắc. Nhưng đảng đã tránh tiếng "vụ án văn chương" khi chỉ thị cho tòa án xử thành "vụ án gián điệp". Các giấy mời người đến dự phiên tòa này đều do Sở công an Hà Nội phát ra. Đương nhiên, không có khách mời nào là người nước ngoài! Thành ủy Hà Nội chúng tôi phải lo chuẩn bị một hệ thống truyền thanh trên khắp nội thành Hà Nội để buổi xử án có vẻ "công khai", "dân chủ", toàn dân được nghe mà! Chúng tôi biết "thân phận" của mình, tức là không được cho bàn chuyện xét xử, mà chỉ được lo các việc phụ. Cùng lắm là tìm luật sư bào chữa, lập bồi thẩm đoàn... cho có hình thức. Thế là vào ngày 21.1.1960, tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án "các tên gián điệp" Lưu Thị Yên (tức Thụy An) và Nguyễn Hữu Đang mỗi người 15 năm tù,Trần Thiếu Bảo (chủ nhà xuất bản Minh Đức) 10 năm tù, và hai tòng phạm khác 5 năm tù. Hôm đó, chúng tôi trong Thường vụ Thành ủy đều đến dự cả, nhưng ngồi sau hậu trường. Ông Hoàng Quốc Việt cũng ngồi dự cùng chúng tôi. Đại để phiên tòa xử theo kiểu gần như đấu địa chủ. Thụy An cũng có nói vài điều thanh minh. Người bào chữa cho Thụy An là một anh do Thành đoàn thanh niên cử ra. Dù làm theo chỉ thị đảng, nhưng, tất nhiên, khi bảo vệ cho "thân chủ" thì anh ta cũng phải nói thế này, thế kia. Tôi nhớ là Hoàng Quốc Việt bực tức lắm, ông đã kích tay Trần Danh Tuyên và hỏi: "Thằng này có phải là đảng viên không đấy? Nó mà nói thế thì làm sao tiện cho án quyết"...
Cả thành phố Hà Nội bàng hoàng và nín lặng sau vụ án xử chớp nhoáng! Nhưng thực ra, "vụ án gián điệp" đem xử công khai chỉ là "phần nổi"; "phần chìm" của vụ "Nhân Văn - Giai Phẩm" còn to lớn và dữ dội hơn. Hàng chục văn nghệ sĩ, trí thức, giáo sư đại học, nhà báo... bị bỏ tù nhiều năm mà không hề xét xử công khai, như Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Trần Đức Thảo... Nhiều người bị trấn áp, truy bức đến lâm bệnh và chết trong uất hận, như Phan Khôi, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Bính... Hàng ngàn người có cảm tình với "Nhân Văn - Giai Phẩm" bị mất việc, bị xét hỏi, bị ghi lý lịch, gia đình bị trù dập... Thảm kịch đó kéo dài suốt trên 30 năm qua ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Cả một lớp trí thức, văn nghệ sĩ tài ba, uyên bác bị vùi dập oan uổng! Cả một thời gian gần một phần ba thế kỷ, nền văn học, nghệ thuật và giáo dục của đất nước bị thui chột!
Cũng còn một chi tiết éo le cần nói đến là ảnh hưởng của vụ án ấy đến miền Nam. Chế độ miền Nam, tất nhiên là làm rầm rộ lên nhân vụ án này để tuyên truyền mặt trái của chế độ miền Bắc. Nhưng sau này, khi hỏi chuyện anh em miền Nam thì được biết là họ không tin, họ tưởng là sự việc bị bịa đặt ra, chứ làm gì đảng có thể đối xử với trí thức miền Bắc tàn tệ đến mức như thế. Trong lúc đó thì giới lãnh đạo miền Bắc lại bảo: đấy, đài báo trong Nam đã nói vậy thì chắc hẳn bọn "Nhân Văn - Giai Phẩm" chính đã cấu kết với bè lũ phản động ở miền Nam! Họ coi đó là cái cớ để khép tội nặng hơn.
... Cá nhân tôi, trước vụ án, cũng không biết nhiều về Thụy An và Nguyễn Hữu Đang. Thụy An thì trước đó tham gia trong một đội kịch nói. Bà viết kịch bản. Người ta "bới" trong lý lịch cũ của bà một chi tiết là có quen biết một người Pháp là Maurice Durand, một nhà Việt học, và chi tiết này được dùng làm "bằng chứng" để buộc tội gián điệp. Người ta cho là Nguyễn Hữu Đang cùng (?) Thụy An làm "Nhân Văn", cho là Thụy An đứng đằng sau lưng báo này, nên chắc chắn Đang cũng là "gián điệp"! Chúng ta đều biết là ông Nguyễn Hữu Đang trước đó đã từng làm thứ trưởng trong chính phủ Hồ Chí Minh, rồi bị đưa ra khỏi chính phủ, có tin hình như có bất mãn gì đó. Nhưng dù thế đi nữa thì đã sao, người ta có thể bất mãn với người này, việc nọ... chứ làm sao lại coi bất mãn như một tội chính trị được! Nguyễn Hữu Đang từng là người lãnh đạo đầu tiên của "Hội truyền bá chữ quốc ngữ" và việc này là tự ông tham gia chứ không phải do đảng cộng sản phân công. Ông có uy tín trong giới trí thức, văn nghệ sĩ thời xảy ra Cách mạng tháng Tám 1945. Còn khi ông làm "Hội văn hóa cứu quốc" thì đó là sự phân công của đảng.
IV
... Vài điểm nữa cần nhấn mạnh khi nói đến vụ án "Nhân Văn - Giai Phẩm". Trước hết "Nhân Văn - Giai Phẩm" không phải là một phong trào (nghĩa là chưa có tính chất quần chúng đông đảo đáng gọi là phong trào) mà chỉ là một "tư trào", tức là trào lưu tư tưởng, như tôi đã viết trong các bài trước đây. Nó càng không phải là một vụ án chính trị! Càng không phải là một vụ án gián điệp! Anh chị em văn nghệ sĩ chỉ muốn bày tỏ khát vọng tự do sáng tác, tự do tư tưởng trong văn nghệ mà thôi. Đó không phải là sự chống đối chế độ cộng sản thật rõ ràng, mà mới chỉ là bước đầu chống đối một số chính sách và tác phong lãnh đạo của đảng cộng sản trong văn học, nghệ thuật. Mà bước đầu chống đối đó còn ở mức rất thấp, rất ôn hòa, dè dặt và nhẹ nhàng. Nói chung thì những gì "Nhân Văn - Giai Phẩm" đã làm không đáng phải bị đàn áp tàn bạo như vậy!
Thứ nữa, trong bối cảnh thế giới hồi đó, ngoài các sự kiện đấu tranh tư tưởng, học thuật cũng như vài cuộc lộn xộn ở Ba Lan, ở Hungarie và phong trào "Trăm hoa đua nở" ở Trung Quốc, thì phải đặc biệt nhấn mạnh đến Đại hội Đảng cộng sản Liên Xô lần XX hồi tháng 2.1956 đã có tác động đến tư trào "Nhân Văn - Giai Phẩm". Ơ± đây, tôi không nói đến "báo cáo bí mật" của Khruschov về Stalin, vì "báo cáo" này ở Việt Nam bị giấu rất kín, cả đến bây giờ vẫn còn giấu. Ngay cả ở Liên Xô trước đây cũng chỉ có một số cán bộ đảng và trí thức được biết. Nói thêm là văn bản chính thức của "báo cáo bí mật" đó bị "lọt" ra ngoài là do một người trong đảng cộng sản (hồi đó gọi là đảng công nhân thống nhất) Ba Lan cung cấp cho các nhà báo Mỹ. Sau Đại hội XX đó, không khí chung của việc chống sùng bái cá nhân, của việc mở rộng dân chủ ở tận Liên Xô xa xôi đã phần nào đến được với một số trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ có trình độ và có ý thức quan tâm đến thời cuộc... qua những nguồn tin tức đã bị cắt xén. Chính tạp chí lý luận của đảng, tờ "Học Tập" ở thời kỳ Trường Chinh, đã tán thành một phần nào đó tinh thần của Đại hội XX và đã đăng toàn văn báo cáo của Khruschov tại Đại hội. Đây là cú đẩy tư tưởng dân chủ đi đến xu hướng muốn được nới rộng cả trong đảng lẫn trong xã hội. Trước đó, nó bị thít quá chặt, lại thêm nỗi bất bình của dân chúng trong vụ cải cách ruộng đất, nỗi bất bình lớn quá dẫn đến kết quả là hồi tháng 9.1956, Đảng phải chịu thừa nhận những sai lầm trong vụ này và phải "sửa sai".
Còn về câu hỏi mà một anh ở đây vừa có dịp về Việt Nam hỏi chuyện Lê Đạt, đã đặt ra: "Ai là người có vai trò xuất phát cho "Nhân Văn - Giai Phẩm", Lê Đạt hay Trần Dần?" Tôi có ý kiến như thế này... A°, anh có nói rằng chính nhà sử học Pháp G. Boudarel cũng mới cho hay là ông sẽ sửa lại điều đã viết trong cuốn sách nổi tiếng của ông về "Nhân Văn - Giai Phẩm" khi đã cho rằng tư trào này xuất phát tư Trần Dần với ảnh hưởng của vụ án Hồ Phong, người đã viết thư cho Đảng cộng sản Trung Quốc và Mao Trạch Đông phê phán đường lối văn học của đảng. Tôi nghĩ rằng Boudarel hơi suy diễn khi viết về ảnh hưởng của Hồ Phong đến Trần Dần, nhưng ông trình bày đúng diễn tiến của các sự kiện. Tôi không có ý xác định vai tró của từng người trong tư trào "Nhân Văn - Giai Phẩm". Thú thật, một mình tôi không có điều kiện làm việc đó. Có lẽ các nhà văn học sử sau này sẽ làm. Ơ± vấn đề này, tôi nhìn theo thứ tự thời gian và trình bày với tính khách quan lịch sử của mỗi sự kiện, trước tiên từ việc nhóm Trần Dần đề nghị "trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ"... Thời đó mà dám nói một câu như thế là to gan lắm!.. Anh Lê Đạt có thể có cách nhìn của anh, khi cho rằng "Nhân Văn - Giai Phẩm" đã xuất phát từ việc anh cùng Trần Dần và Hoàng Cầm phê bình thơ Tố Hữu. Trong bài viết của tôi trước đây, tôi cũng đã nói kỹ về sự kiện vào giữa tháng 8.1955 có cuộc phê bình tập thơ "Việt Bắc" của Tố Hữu, nhưng tôi xếp nó sau sự kiện Trần Dần đòi "trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ". Và tôi không có nói đến việc tư tưởng dân chủ của Hồ Phong bên Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến Trần Dần. Xét về thứ tự thời gian, chính lời đề nghị nổi tiếng "trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ" là cú đẩy đầu tiên, mà tôi gọi đùa là "dâng sớ thiên tào", của tư trào "Nhân Văn - Giai Phẩm". Theo tôi là vậy! Dù muốn hay không, về mặt lịch sử mà nói, thì xuất phát điểm phải là cuộc họp của một số văn nghệ sĩ trong quân đội với các đề nghị của họ mà đại diện là Trần Dần (trong nhóm đó có cả nhạc sĩ Đỗ Nhuận, về sau Đỗ Nhuận quay ra tố cáo anh em!). Rồi mới đến vụ phê bình thơ Tố Hữu, tiếp nữa là việc ra "Giai Phẩm", rồi đến "Nhân Văn", v.v...
Tờ "Trăm Hoa" của Nguyễn Bính có lẽ là độc lập, tôi không rõ lắm. Điểm nữa phải nói thêm vì có anh đặt ra. Nếu như Tố Hữu không phải là một nhà lãnh đạo của đảng thì việc phê bình tập "Việt Bắc" đã chẳng gây ra chuyện gì. Đằng này Tố Hữu là như thế thì việc chê thơ Tố Hữu bị trở thành vấn đề chính trị. Tôi không biết chính xác ông Hồ có nói câu "Tố Hữu là nhà thơ lớn của dân tộc nên không ai được động đến" (!) hay không, nhưng thời đó trong các bài trên báo chí người ta hay dùng câu: "Kẻ địch lúc này không mong gì hơn là chúng ta chê thơ Tố Hữu". Thật là một câu nói rất "độc"! Nói như thế khác gì bịt mồm tất cả lại, vì thực ra trên quan điểm văn học - nghệ thuật, thơ Tố Hữu hay thơ Trường Chinh, rồi cả thơ Hồ Chí Minh nữa, thì ta cũng có quyền phê bình chứ.
Tôi còn giữ bài của Hoàng Cầm viết về con người Trần Dần đăng trên "Nhân Văn" số 1, trong đó có trích những lời phê bình của Trần Dần đối với thơ Tố Hữu. Chẳng hạn, "thơ Tố Hữu nhỏ bé, nhạt nhẽo trước cuộc sống vĩ đại", "Tố Hữu mắc sai lầm thần thánh hóa lãnh tụ", "không phản ánh đúng, phản ánh hết tầm cao lớn của cuộc sống", v.v... Cái đó "chạm nọc" quá! Và vấn đề là ở chỗ đó... Thời ấy có lẽ Trần Dần là người bị đấu nhiều nhất! Bài "Nhất định thắng" của anh bị đấu riêng một đêm. Còn Lê Đạt thì "phạm tội rất lớn" với bài thơ "Ông bình vôi" có những câu ai cũng thuộc: "Những kiếp người sống lâu trăm tuổi/ Y như một cái bình vôi/ Càng sống càng tồi/ Càng sống càng bé lại". Dù bị nghi là ám chỉ lãnh tụ, nhưng bài này lại không bị lôi ra đấu. Người ta rất "khôn", để tránh đụng chạm vào các điều phạm húy, nên đã "đánh" Lê Đạt ở các bài khác, như bài thơ "Nhân câu chuyện những người tự tử".
Sau chót, nói về trách nhiệm trong vụ án "Nhân Văn - Giai Phẩm", nhân một anh vừa hỏi xem tôi nghĩ sao về cá nhân ông Tố Hữu trong vụ này, có sự tính toán cá nhân gì không. Tố Hữu, lúc đó là ủy viên Trung ương đảng, trưởng ban tuyên huấn trung ương, ông đã lập kế hoạch và đích thân chỉ huy "trận giao phong tư tưởng" (những chữ mà ông thích dùng) này. Ông hò hét chống lại một trào lưu tư tưởng không có nguy hại gì lắm đến sự lãnh đạo của đảng (mà rất có thể có tác dụng xây dựng, tích cực nếu biết sử dụng). Nên tôi cho là trong việc này không thể loại trừ các tính toán cá nhân của ông. Yếu tố thứ nhất, lúc đó báo chí ca ngợi Tố Hữu như người có công khai phá cho một nền thơ ca cách mạng Việt Nam hiện đại. Đùng một cái, tập thơ "Việt Bắc" của ông bị phê bình. Như mọi người bình thường khi bị phê bình thẳng ai mà chẳng khó chịu, Tố Hữu cũng vậy thôi. Yếu tố thứ hai, cũng như mọi người bình thường ai chẳng ước mơ địa vị cao hơn. Một ủy viên Trung ương mà được vào Bộ chính trị, hay ít nhất được vào Ban bí thư, thì cả là một chuyện ghê gớm, là một sự đổi đời. Khó mà đo được lòng người, các anh ạ! Tôi không có bằng chứng cụ thể, song về "hình thức bề ngoài" thì thấy sau vụ "Nhân Văn - Giai Phẩm", Tố Hữu được đưa vào Ban bí thư, rồi về sau, vào Bộ chính trị. Hiện tôi vẫn còn giữ một tuyển tập bài nói của Tố Hữu dạo đó, mà nhiều khi tôi muốn vất nó đi. Đọc nó mới thấy lúc đó Tố Hữu lúc đó rất chủ quan và thay đổi rất nhanh từ lời ăn tiếng nói, coi mình như là cái gì đấy hoàn thiện. Này, dạo đó, Tố Hữu en jeu (ăn ý) với Nguyễn Chí Thanh lắm! Đại để là như thế... Cho nên sau này mới có chuyện "nhà thơ đi làm kinh tế", rồi sinh ra vấn đề "giá - lương - tiền", gây tác hại biết bao cho đất nước, cho nhân dân, cuối cùng dẫn đến sự hạ bệ Tố Hữu. A°, còn chuyện Tố Hữu mới được nhà nước trao tặng huân chương Sao Vàng, các anh hỏi tôi có "cảm giác" gì à? Tôi cho đó là một chuyện bình thường, vì họ thì phải tặng cho họ thôi! Nếu gắn huân chương cho Trần Dần hay cho Nguyễn Hữu Đang thì chuyện mới đáng nói. Đừng quên là sau khi hạ bệ rồi, Tố Hữu vẫn còn được ngấm ngầm làm trong "Ban nghiên cứu chiến lược" của đảng. Tức là như bao trường hợp khác: ai gây tai họa cho dân thì chỉ bị đảng cách chức, hạ tằng công tác bề ngoài, còn bên trong vẫn còn vai trò cố vấn!
Trở lại câu chuyện chính của chúng ta... Toàn đảng cộng sản cầm quyền phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và đất nước về vụ án "Nhân Văn - Giai Phẩm". Trách nhiệm chính là Trung ương đảng, nhất là Bộ chính trị, đứng đầu là Hồ Chí Minh (Chủ tịch đảng kiêm Tổng bí thư từ tháng 9.1956 đến tháng 9.1960), Trường Chinh (Tổng bí thư đến tháng 9.1956), Lê Duẩn (Tổng bí thư từ tháng 9.1960 cho đến khi mất). Trên thực tế, Bộ chính trị độc quyền quyết định mọi việc. Còn trách nhiệm trực tiếp, đó là của hai ông: Trường Chinh, ủy viên Bộ chính trị, phụ trách công tác tư tưởng, văn hóa, văn nghệ và giáo dục, và Tố Hữu. Đấy là nói về phía lãnh đạo đảng. Cũng không thể nào không kể đến trách nhiệm của chính những "ông quan văn nghệ", những "cai tù văn nghệ", như Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Chương, Hồng Chương, Hà Xuân Trường, Như Phong, Hoàng Xuân Nhị, Chính Hữu, v.v... Ngoài số này còn có nhiều bồi bút và công an văn hóa đã đàn áp, đấu tố văn nghệ sĩ. Cũng cần phải nói rõ rằng chính đại đa số văn nghệ sĩ... đã khiếp sợ mà đành phải đứng vào trận tuyến chống "Nhân Văn - Giai Phẩm". Còn một số kẻ đầu cơ, nịnh bợ, a dua, theo đóm ăn tàn, "tố đại hội", "đánh hội đồng" các đồng nghiệp của mình. Nhà thơ Hữu Loan đã từng vạch mặt bọn này trong bài "Cũng những thằng nịnh hót"... Chúng ta nhắc lại những điều này, không phải để khêu gợi hận thù và kêu gọi báo thù, mà chỉ để làm cho lịch sử cần phải được rõ ràng. Cần phải có sự sám hối của từng người, của cả giới lãnh đạo. Chỉ có thế mới bảo đảm là sẽ không còn tái diễn những thảm kịch đau khổ của dân tộc mà "Nhân Văn - Giai Phẩm" chỉ là một. Chỉ có thế mới xóa bỏ được chế độ cực quyền cộng sản, mới hy vọng xây dựng nên xã hội tự do, dân chủ đích thực, xây dựng tương lai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam, cho văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam.
Các anh hỏi... tôi nghĩ sao về các sai lầm của đảng cộng sản: sai lầm do tư tưởng muốn thành công theo quan niệm chủ quan, hay sai lầm do muốn giữ địa vị, quyền lợi? Chà, câu hỏi của các anh to quá, có lẽ ta phải cùng ngồi nói chuyện hàng tháng với nhau mới xong (cười). Xin nói gọn: khi đảng độc tôn cầm quyền thì các biểu hiện tính toán cá nhân, vị lợi, càng bộc lộ rõ, vì quyền lực làm hỏng con người ghê gớm lắm".
No comments:
Post a Comment