PHAN KHÔI (1887-1959)
I ● Sự chôn vùi Phan Khôi
Sau Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, từ thập
niên 1930 Phan Khôi tiếp tục xây dựng nền móng mới cho Việt học, bằng phương
pháp độc đáo: phân tích, phê bình và phản biện, cổ võ phải viết lịch
sử cho đúng, kể cả các chi tiết nhỏ. Phải viết tiếng Việt cho đúng từng câu, từng
chữ, từng chữ cái, từng chấm, phẩy. Phải dùng từ Việt và từ Hán Việt cho thích
hợp. Phải hiểu Khổng học cho đúng. Sự tìm hiểu nguồn gốc ngôn ngữ và triết học
Tây phương đi từ Thánh Kinh. Nữ quyền bắt đầu với Võ Tắc Thiên. Phan Khôi luôn
luôn tìm đến nguồn cội để giải thích vấn đề. Là một nhà báo, nhưng không phải
nhà báo bình thường. Là một học giả, nhưng không phải học giả cổ điển chỉ biết
nghiên cứu. Phan Khôi là khuôn mặt học giả phản biện duy nhất của Việt
Nam trong thế kỷ XX. Nhưng sự nghiệp văn học của Phan Khôi bị chôn vùi trong gần
nửa thế kỷ[1].
♦ Tạ Trọng Hiệp: Phan Khôi, người xa lạ
Tạ Trọng Hiệp là người đầu tiên ở hải ngoại, đặt vấn đề nghiên cứu
lại Phan Khôi trong buổi trả lời phỏng vấn RFI năm 1996[2]:
"Tôi gọi Phan Khôi là Người xa lạ, vì từ những
năm 56, 57 trở đi, qua hiện tượng đấu tranh của nhóm NVGP, thì sau đó có một
cuộc đàn áp ghê gớm của nhà cầm quyền Hà Nội. Và từ đó đến nay, đã có rất nhiều
thay đổi về tình hình trong nước (...) đã gần như không còn chỉ thị cấm kỵ gì nữa.
Nhưng hình như với riêng một số người -chứ không phải toàn bộ- cứng đầu nhất
trong NVGP, trong đó có Phan Khôi, thì những cấm kỵ ấy vẫn còn, còn dưới nhiều
hình thức lắm. Thứ nhất là không nói đến Phan Khôi. Không nói đến Phan Khôi,
làm như là không có hiện tượng Phan Khôi. Phan Khôi không xuất hiện ở trên trái
đất này.
Nhưng tìm nhiều thì thấy có một vài trường hợp không thể tránh
khỏi, nên miễn cưỡng, họ phải làm ra một tiểu sử về Phan Khôi. Trong một cuốn
sách ra cũng lâu lắm rồi, từ năm 1972, tập 2 bộ Lược Truyện Các Tác Gia Việt
Nam, ở mục số 50, có một trang rưỡi dành cho Phan Khôi. Nội dung bài viết và
phong cách câu văn làm ta sống lại những năm chung quanh vụ đàn áp NVGP, mà đỉnh
cao là về sau, xuất hiện dưới hình thức một cuốn gọi là "Bọn Nhân Văn Giai
Phẩm trước toà án dư luận", in năm 1959 (...) Người nào có cuốn ấy thì thấy
trong đó có ba, bốn bài gì đó, tập trung nện cụ Phan Khôi bằng đủ mọi cách, bằng
những bịa đặt rất là bẩn thỉu, để chứng minh rằng ngay từ khi còn thiếu niên,
Phan Khôi đã là người không ra gì. Và người viết không phải là người lơ tơ mơ
đâu, đây là những người nổi tiếng có cá tính bướng bỉnh và có tinh thần phê
phán rất ghê gớm như Nguyễn Công Hoan. Nếu tôi là con cháu Nguyễn Công Hoan,
thì có lẽ lúc này tôi sẽ tìm những nơi nào có cuốn sách đó, đốt đi, để xóa một
giai đoạn không tốt cho Nguyễn Công Hoan[3].
Còn riêng cá nhân tôi, Tạ Trọng Hiệp, thì tôi lại chủ trương ngược
lại: Nhân dịp ta ra 1 hay 2 đặc san về Phan Khôi, thì cũng nên in lại vài bài,
kiểu bài của Nguyễn Công Hoan hay là của một vài người khác đã viết về Phan
Khôi, để ta nhớ lại, nhất là để giáo dục thanh niên ngày hôm nay, là đã có những
thời gian mà trình độ văn hóa và đạo đức trong nước nó sa đọa đến một cái mức
thấp mà không ai có thể ngờ được. Đây có tính cách giáo dục, mở đường cho tương
lai. Ngày hôm nay thì những cấm kỵ, phần lớn đã được bỏ rồi. Nhưng mà người ta
vừa bỏ cấm kỵ, vừa muốn cho chúng mình nghĩ rằng trong quá khứ có một vài sự hiểu
lầm chứ chẳng bao giờ sa đọa đến nỗi bẩn thỉu như thế. Đấy là chuyện nó cắt
nghĩa tại sao tôi muốn gọi cụ Phan Khôi là người xa lạ. (...) Tôi tiếp tục cái
ý Phan Khôi, người xa lạ là người ta hình như cố tình xóa dấu vết về Phan
Khôi".
Tạ Trọng Hiệp đưa ra bằng chứng về luận điểm này:
1/ Sự cố tình xoá tên Phan Khôi
"Một bằng chứng rất gần đây là Phan Khôi trong những năm 30
có một số bài tranh biện với cụ Trần Trọng Kim (...) Những bài của cụ Kim đáp lại
Phan Khôi được nhà xuất bản Tân Việt, khi in cuốn Nho Giáo lần thứ 3, cho vào
phần Phụ Lục.(...) Bây giờ, muốn xóa dấu vết Phan Khôi cho tốt, là ta bỏ
phắt cái Phụ Lục đi. Và quả nhiên, năm 1991, khi tái bản Nho Giáo ở Sài Gòn,
người ta bỏ hẳn phần Phụ Lục ấy. Ta có thể đọc hết cuốn Nho Giáo mà vẫn không
biết là Phan Khôi đã giới thiệu, đã có công rất lớn để giúp cho cuốn Nho Giáo của
Trần Trọng Kim được giới có học, tạm gọi là trí thức hồi đó, tìm đọc. Và nhờ những
biện luận của Phan Khôi mà có một số điểm sai lầm trong Nho Giáo được sửa lại.
Như vậy là riêng về một tác phẩm mà Phan Khôi có công, và cái công đó đã hoàn
toàn bị xoá bỏ, khi người ta tước cái phần phụ lục ấy đi".
2/ Về nhà văn Sở Cuồng Lê Dư, em rể Phan Khôi
"Ông Vũ Ngọc Phan, tác giả bất hủ của bộ Nhà Văn Hiện Đại
mà tôi cũng như mọi người mang ơn rất nhiều trong thời còn trẻ (...) Những năm
cuối đời, có đủ thì giờ, ông viết hồi ký rất tường tận. Đặc biệt ông dành riêng
gần 100 trang để tả lại cái buổi ban đầu lưu luyến ấy, ông được gặp người yêu của
ông và sau ông cưới làm vợ. Đó là cô Hằng Phương, người có quan hệ gia đình với
Phan Khôi.
Tại sao tôi nhớ đến Vũ Ngọc Phan khi nói về Phan Khôi? Tôi muốn
đưa ra một minh họa, đố ai chối cãi, rằng người ta cố ý, hay là quá sợ, người
ta không dám nói đến Phan Khôi: Ông Vũ Ngọc Phan, nhà anh hùng văn hóa này, ông
anh hùng đến nỗi kể về cô gái đẹp như tiên, ông tả Hằng Phương tóc dài mượt.
Cái gì cũng đẹp cả. Thế thì bố cô Hằng Phương là ai? Đọc hết cả tập hồi ký của
Vũ Ngọc Phan nhan đề Những Năm Tháng Ấy (...) cả thẩy 423 trang (...) vẫn không
biết ông ấy tên là gì! Ông bố của Hằng Phương là nhà văn Sở Cuồng, tên thật là
Lê Dư!
Lê Dư, hồi trẻ, có một giai đoạn bồng bột, nghe theo tiếng gọi của
nhiệt huyết yêu nước, xuất ngoại Đông Du.(...) Vì đói quá, ông chuồn về Việt
Nam. Và lại gặp lúc mật thám Pháp đang tìm cách dụ những người trí thức chống đối,
về làm việc với nó, vì nó đang muốn mở ra một lối thoát cho trí thức nho học
duy tân: Các anh đi con đường chống chúng tôi thì chết; nhưng nếu các anh đừng
chống chúng tôi, mà lại có một hoạt động văn hóa, có lợi cho cả các anh lẫn
chúng tôi, thì các anh sống được. Tức là bằng sự mở tờ Nam Phong. Một người có
tư tưởng ôn hòa như Phạm Quỳnh đứng chủ trương. Cụ Lê Dư về được bổ nhiệm làm
chủ bút, giữ phần Hán văn của Nam Phong[4]. Thì chỉ vì những năm đó mà về sau Lê Dư bị
mang một nhãn hiệu -sau khi Cộng Sản lên cầm quyền- gần như là một người phản
cách mạng. Cho nên Lê Dư cũng bị một số phận -tuy không nặng bằng Phan Khôi,
nhưng cũng gần như thế.(...)- là trong bộ sách quý báu mà tôi hay dùng, Lược
Truyện Các Tác Gia Việt Nam, tập II, ở mục số 19, có một tiểu sử Lê Dư, mà
người cán bộ viết sách đó, lúc đó đang sống ở Hà Nội, có con gái cụ Lê Dư là bà
Hằng Phương, con rể cụ Lê Dư là ông Vũ Ngọc Phan, con gái út cụ Lê Dư là vợ tướng
Nguyễn Sơn, còn đang sống lúc bấy giờ ở giữa Hà Nội, mà họ dám viết tiểu sử Lê
Dư bằng hai câu đầu như thế này: Không biết năm sinh và năm mất ở đâu. Lúc
đó, cụ Lê Dư đang sống phây phây ở giữa Hà Nội (...) Vợ ông Lê Dư là em ruột
Phan Khôi (...) tôi rất bất mãn khi ghi chép tiểu sử người ta, mà cứ giấu cái
này, giấu cái kia. Nhất là cuốn hồi ký của Vũ Ngọc Phan, là người tôi mến trọng
ngày xưa bao nhiêu, thì sau khi đọc cuốn hồi ký, tôi mất đi nhiều thiện cảm với
ông ấy, chỉ vì cái chuyện hèn nhát của ông ấy: Tên bố vợ không dám nói, chỉ nói
ông cụ làm ở Bác Cổ (...) Suốt mấy chục trang nói về ông bố của người mà mình sắp
đến xin cưới con gái, không dám nói đến tên ông cụ là Lê Dư!
3/ Về cụ Phan Trân, cha Phan Khôi
"Điểm thứ ba, khi nói về tên ông ngoại của vợ mình là cụ
Phan Trân. Trong suốt cả cuốn hồi ký, mỗi lần nhắc đến cụ thì cứ gọi cụ là cụ
Phan Trần.(...) Ai có cuốn sách Những Năm Tháng Ấy của Vũ Ngọc Phan: Tên cụ
là Phan TRÂN chứ không phải Phan TRẦN. Và qua sự chắp nối với
một vài điều đọc ở chỗ khác, thì dần dần tôi thử phác họa Phan Khôi là con cái
nhà ai, sinh năm nào? Ở đâu? Đấy, cái này đã bắt tôi bỏ ra nhiều thời gian tìm
kiếm, nó là khía cạnh khiến tôi đi đến một quyết định là nếu viết bài, thì tôi
đề tựa: Phan Khôi Người xa lạ? Với một dấu hỏi rất lớn vì quả thật là
gốc gác, lý lịch và dấu vết về đời cụ Phan Khôi ngày nay gần như bị xoá hết cả
rồi"[5].
Tạ Trọng Hiệp qua đời ba tháng sau khi nói những lời "thịnh
nộ" này. Đó là năm 1996.
Năm 2010, Lê Hoài Nguyên[6] cho biết tình trạng chung như
sau: "Tại miền Bắc cuốn "Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước toà án dư
luận" là tài liệu duy nhất tập hợp các bài tổng kết phê phán chính thống về
NVGP. Một số người nghiên cứu do không có tư liệu, thường dựa viết theo cuốn
này khi phải nói về giai đoạn 1954-1960 (...) Hầu như toàn bộ các thế hệ sau
không biết mặt mũi các ấn phẩm NVGP là thế nào, người ta chỉ lặp lại các luận
điệu chính thống mỗi khi nói về nó. (...) Ở một số cuốn hồi kí khi đến giai đoạn
này người ta chỉ lướt qua một vài dòng, kể cả hồi kí của Đào Duy Anh, Vũ Đình
Hoè, Gia đình Phan Khôi, Vũ Ngọc Phan, Tố Hữu... Nghĩa là việc nói lại một cách
rành mạch về NVGP vẫn còn là một việc cấm kỵ hoặc ít ra là khó nói!"
Và ông kết luận: "Trong một xã hội đã kéo dài hơn nửa thế kỷ
về sự mê muội dân trí, về sự độc tài về chính trị, sự lừa dối, sự đầu độc để có
sự đồng thuận về vụ NVGP và các nhân vật của nó thật khó như đáy bể mò kim…
Nhưng trong đêm tối không phải không có những người đã nhìn thấy ánh sáng của
chân lý. Sẽ có nhiều người phản đối tôi. Nhưng chẳng lẽ cứ im lặng mãi. Mỗi người
chỉ là một góc của thế giới, và người ta bị thôi miên nữa, người ta cả tin. Tôi
nghĩ đau khổ nhất của con người là đánh mất lý trí, là không hiểu, không thấy
được thế giới thật đang ở bên mình. Họ đã sống và tàn sát đồng loại và tự biện
minh bằng một cái mục đích hão huyền vô nhân tính. Vào những năm đầu đổi mới,
tôi đã viết trong bài thơ Thế giới đang tồn tại: "Bi kịch thay
cho những dân tộc chỉ tin vào những thần tượng, những tín điều""[7].
Đây là bài viết công khai đầu tiên của một người trong ngành
công an, đã từng có trách nhiệm trong hơn 20 năm về hồ sơ NVGP. Một bài viết
can đảm. Không những có những thông tin đúng đắn, những nhận định ngay thẳng,
mà còn đòi hỏi sự sòng phẳng với quá khứ về mặt văn học và lịch sử.
Hoạ sĩ Trần Duy, trong bài Tưởng niệm về Phan Khôi,
viết nhân dịp kỷ niệm 120 năm sinh Phan Khôi 6/10/1887-6/10/2007[8] viết: "Ông Phan Khôi không
còn nữa, nỗi oan khuất của đời ông vẫn chưa có người giải!(...) nỗi oan của
Phan Khôi, cái mà ông quý nhất, gìn giữ nhất là phẩm giá, thì đã bị bôi nhọ, bị
chà đạp. Ai là người minh giải?"[9].
♦ Đánh Phan Khôi, các văn bản ô nhục
1/ Rồng Nam phun bạc
Trong cuốn Lược truyện các tác gia Việt nam, quyển II,
in năm 1972, của Trần Văn Giáp, Nguyễn Tường Phượng, Nguyễn Văn Phú, Tạ Phong
Châu, mục từ số 50, có đoạn như sau: "Phan Khôi đã được Mác-ty
(Marty) gọi ra làm việc cạnh nó và viết báo Nam Phong. Trong phòng kín, Phan đã
bí mật tố giác một số nhân sĩ yêu nước và bí mật hiến mưu dập tắt phong trào
cách mạng"... Trong tạp chí Nam Phong, Phan đã viết những bài văn và bài
thơ lừa dối, kêu gọi "dân An Nam" dốc túi ra lấy tiền để đánh đổ
"Đức tặc" giúp đỡ nước "bảo hộ" Pha-lang-xa đã không quản
trùng dương muôn dặm đem "văn minh" sang gieo rắc ở cái đất An-nam
"hèn yếu hủ lậu này"... Phan đã tuyên truyền rầm rộ cho giặc dưới cái
nhãn hiệu phỉnh nịnh là "Rồng Nam phun bạc".
Những việc làm của Phan Khôi "đã đẹp lòng bọn mật thám
Mác-ty nhưng chỉ đem lại cho sĩ phu hồi đó sự căm giận khinh bỉ. Phan Khôi là một
nhà Nho không những không có sĩ khí văn phong gì, mà đã tụt xuống bại vong quốc
nô vô sỉ" (Xem bài Một nhà nho "tiết tháo": Phan Khôi của Phùng
Bảo Thạch, đăng trong tập "Bọn Nhân Văn - Giai Phẩm trước toà án dư luận"
Nhà xuất bản Sự Thật, 1969, trang 76, 78). (...) Nhóm phá hoại Nhân Văn - Giai
Phẩm đã bị vạch mặt và bị dư luận phê phán nghiêm khắc. Cuộc đời nhơ nhớp, phản
bội cách mạng của Phan Khôi lần này được phơi bày ra ánh sáng. Hai năm sau,
1960, Phan Khôi chết ở Hà Nội"[10].
Đó là Phan Khôi, trong Lược truyện các tác gia Việt
Nam, 1972, hoàn toàn trích dẫn bài viết của Phùng Bảo Thạch. Ngày
nay, Từ điển Bách khoa, mục từPháp Việt đề huề, cũng vẫn chép lại câu
của Phùng Bảo Thạch: Báo Nam Phong của Phạm Quỳnh đưa ra khẩu hiệu "Rồng
Nam phun bạc đánh đổ Đức tặc".
Trong số những bài đánh Phan Khôi, bài của Phùng Bảo Thạch tồi tệ
nhất, nhưng lại có ảnh hưởng sâu rộng và dài lâu nhất, tại sao? Vì bài này được
in trong cuốn "Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước toà án dư luận" và
đến 2010, theo Lê Hoài Nguyên, người ta vẫn còn dựa vào cuốn này khi phải viết
về giai đoạn 1954-1960. Phùng Bảo Thạch là một trong ba người sáng lập
báo Đông Tây (1929-1932)[11]mà Phan Khôi cộng tác năm 1930-1931,
tức là "bạn đồng hành" của Phan Khôi thời trẻ, cho nên là
người "có thầm quyền hơn cả" khi viết về Phan Khôi.
Chúng tôi tìm đọc Nam Phong, thấy bìa sau phần chữ Hán có hình một
con rồng phun lên hai chữ Nam Phong; còn trong những bài tiếng Việt mà
Phan Khôi viết trên Nam Phong, thì tuyệt nhiên không thấy khẩu hiệu "Rồng
Nam phun bạc" và cũng không thấy bài văn, bài thơ nào kêu gọi
"dân An Nam" dốc túi ra lấy tiền để đánh đổ "Đức tặc". Tìm
đọc những bài Phan Khôi viết trên báo khác, thì thấy một bài hài đàm có
tên Rồng Nam, viết năm 1929 trên báo Thần Chung, trong đó Phan Khôi nói
phiếm đại ý: cái tên nào có chữ Nam, hay bị xui. Không biết tay Lang-Sa nào xỏ
lá, Siam thì nó gọi là Siamois; Cambodge là Cambodgien, chỉ có Annam
thành Annamite. Vần ite sau chót chỉ dân bán khai. Vậy mà cũng
không hẳn xui đâu, vì Phan nhớ lại hồi thế chiến "chánh phủ mở cuộc
quốc trái ở nơi mấy cái cáo thị dán cùng đường, thì có con rồng, dưới lại đề chữ:
"Rồng Nam phun bạc đánh đổ Đức tặc". Đức bị đánh đổ không chưa biết,
chớ rồng Nam lúc đó phun bạc thiệt nhiều!"[12]
Thì ra người ta đã lấy "cái cáo thị dán cùng đường, có con
rồng, dưới lại đề chữ: "Rồng Nam phun bạc đánh đổ Đức tặc", đổ
cho Phan Khôi và nhóm Nam Phong, để có cớ lôi Phan Khôi xuống bùn. Trong cuốn Lược
truyện các tác gia Việt Nam, có ba học giả bị kết án nặng nhất, nhưng Nguyễn
Văn Vĩnh -mục từ 24- chỉ bị coi là thân Pháp. Phạm Quỳnh -mục từ 48- dù bị thủ
tiêu, cũng chỉ bị coi là"tay sai đắc lực của đế quốc Pháp trong lãnh vực
văn hoá và một tên Việt gian lợi hại chống cách mạng".
Phan Khôi bị bôi nhọ một cách bỉ ổi hơn cả.
Như vậy, sự bôi nhọ Phan Khôi được chuẩn bị một cách hệ thống,
chắc chắn phải do lệnh từ trên cao nhất của lãnh đạo. Hồ Chí Minh lúc ấy là chủ
tịch kiêm tổng bí thư. Trường Chinh đã từ chức từ tháng 10/1956 và Tố Hữu không
đủ thẩm quyền để đánh Phan Khôi. Chiến dịch này dùng những học giả, nhà văn,
nhà báo lão thành như Hồng Quảng, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Công Hoan, Phùng Bảo
Thạch, Trần Văn Giáp...
Hồng Quảng là tên giả của một trong những học giả hàng
đầu, là người chủ chốt. Bài Tính chất Phan Khôi hay ngựa quen đường
cũ ký tên Hồng Quảng đăng trên Văn Nghệ số 11 tháng 4/1958, là bài chỉ đạo:
Trầm tĩnh, lịch sự tối thiểu, không mày tao, chi tớ, có lúc còn gọi Phan Khôi
là tiên sinh, dù trong nghiã mỉa mai, nhưng dần dần tiệm tiến "chứng
minh" Phan Khôi là kẻ "phản quốc". Lập luận
chính: "Phan Khôi chỉ học mót của Hồ Thích chứ không có tư tưởng gì cả". Hồng
Quảng là "thủ trưởng" vụ đánh Phan Khôi, nhưng viết bài mà
không dám ký tên thật luôn luôn là một hành động phức tạp: ở những kẻ
có "tên tuổi", đây là hành động "kẻ cả", tỏ
mình là "bề trên", không nhúng tay vào những việc bẩn.
Nhưng đồng thời cũng chứng tỏ tác giả không tin vào điều mình viết, thậm chí
còn xấu hổ nữa, nên không dám ký tên thật. Là ai chăng nữa, thì việc ký tên giả
luôn luôn chứng tỏ người viết là kẻ tráo trở hai mặt, ném đá giấu tay. Tên giả
thường chỉ xuất hiện trong một "vụ việc" nào đó, rồi hết.
Khác với việc nhà văn dùng nhiều bút hiệu để phân biệt lối viết và cách trình
bày tư tưởng khác nhau của mình trên mặt báo.
Sự chỉ đạo của Hồng Quảng được Nguyễn Đổng Chi gián tiếp nói
ra: "Khi viết bài này, bạn Hồng Quảng ở tạp chí Văn nghệ (số
11) đã vạch cho ta thấy Phan Khôi “không phải độc lập sáng tạo” mà chỉ học mót lại
những cái Hồ Thích đã nói từ lâu. Đúng thế. Phan Khôi là một tên học trò vụng về
của Hồ Thích, mà Hồ Thích thì là một tên lính xung phong của thực nghiệm chủ
nghĩa hay thực dụng chủ nghĩa của giai cấp tư sản phản động của đế quốc Mỹ do bọn
Đi-uy (Dewey), Ram (James) và Mát (Mach) v.v… sáng tạo"[13]
Một chi tiết nhỏ trong lời của Nguyễn Đổng Chi: Hồng Quảng
đã "vạch cho ta"chứng nhận tính cách chỉ đạo của Hồng Quảng và
bài của Nguyễn Đổng Chi chỉ lập lại hai ý chính của Hồng Quảng: "Phan
Khôi học mót của Hồ Thích" và "Phan Khôi có bộ óc dương
nô" -nô lệ Tây Phương- của Hồng Quảng, để buộc Phan vào tội "vong
bản, phản dân tộc". Ngày nay, nếu có phương tiện, cũng nên xác định
xem Hồng Quảng, kẻ chỉ đạo việc đánh Phan Khôi trong giới học giả là ai, để
hoàn lại cho người viết, cái trách nhiệm văn bản của mình. Bởi người cầm bút
luôn luôn phải chịu trách nhiệm về những điều mình viết.
2/ Phan Khôi có "học mót" của Hồ Thích không?
Theo các "học giả" nói trên, thì những chủ đề
Phan Khôi đưa ra trên báo, từ thời Phụ Nữ Tân Văn (1929) đến Sông Hương (1936)
đều là "học mót" của Hồ Thích cả. Vậy chúng ta thử xem Phan
Khôi viết gì về người thày quý hoá này?
1/ Trong bài "Lý với thế: Hồ Thích với Quốc dân đảng", năm
1929, Phan Khôi viết: "Trong thời cuộc nước Tàu độ mười lăm năm trở lại
đây, phải kể Hồ Thích là một người quan hệ lắm, quan hệ cả về mặt văn hóa và về
mặt chánh trị. Thế mà mới ba năm gần đây, Hồ trở nên một người không hợp với thời
cuộc, trái với dư luận, ấy là tại va gặp cái thế của Quốc Dân Đảng.
Độ Dân Quốc gây dựng được năm bảy năm chi đó, Hồ Thích bắt đầu
xướng ra cái thuyết dùng bạch thoại thế cho văn ngôn, làm cho văn thể nước Tàu
biến đổi ngay và từ đó tư tưởng người Tàu cũng phát đạt mau. Hồ là một tay Hán
học uyên thâm mà lại đậu Tấn sĩ văn khoa nước Mỹ, bấy giờ va chỉ viết
báo mà cổ động sự cải cách văn thể chớ đích thân va thì còn ở bên nước
Mỹ chưa về. Lúc đó bọn thanh niên nước Tàu trông va về lắm,
trông va về để làm người lãnh tụ dìu dắt bọn thanh niên lên trong đường
cải cách.
Khi va về, trường Đại học Bắc Kinh liền rước làm thầy
giáo (professeur) dạy khoa triết học. Ở đó vài năm, va làm được một
cuốn "Trung Quốc triết học sử đại cương" là sách rất có giá trị trong
học giới Tàu ngày nay"[14].
Phan Khôi gọi Hồ Thích bằng va. Trích đoạn này có 7 chữ va. Va là
có ý coi thường. Không ai gọi thầy mình là va cả. Phan Khôi gọi Trần
Quý Cáp là thầy tôi;Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của là đại sư; gọi
Lương Khải Siêu, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh (kém
Phan 5 tuổi), là tiên sanh.
Bài viết có giọng của một người đàn anh (Phan hơn Hồ 4 tuổi)
khen người đàn em, tuy trẻ tuổi mà đã nổi đình đám lắm, nhưng cũng chê Hồ không
ít. Phan viết về một bữa tiệc ở Thượng Hải: "Hồ, chừng như cho mình
là nhà triết học ngôn luận phải khác chúng mới được, bèn đứng lên nói một cách
sỗ sàng. Đại lược va nói rằng thành phố phải độc lập về đường chánh trị (...)
Va nói như vậy có gì lạ đâu, chẳng qua theo cái phép đô thị tự trị thì phải như
vậy. Mới rồi các ông hội đồng quản hạt ta nói về việc tự trị của thành phố Vũng
Tàu cũng nói như vậy mà có ai cãi? Cho nên khi Hồ nói xong thì có ý tự đắc".
Không ai "nhận định" về "người
thầy tư tưởng" của mình bằng một bài viết như thế.
2/ Tóm lại, việc Phan Khôi viết văn tự nhiên và rành mạch, không
phải do ônghọc mót của Hồ Thích việc dùng bạch thoại. Trong bài trả lời
phỏng vấn Phan Thị Nga[15], Phan Khôi cho biết: nhờ nghiên cứu
cái logique trong tiếng Pháp, nên từ khi viết cho Đông Pháp thời
báo, tức là từ 1925 trở đi, ông viết theo lối này.
Ngoài ra, từ 1922 trở đi, Phan giao du và chịu ảnh hưởng của
nhóm trẻ Nguyễn An Ninh kém Phan 13 tuổi, Dejean de la Bâtie dạy Phan tiếng
Pháp, Bùi Thế Mỹ cùng quê... là những người bạn làm báo, học trường Tây. Nhưng
nguyên nhân sâu xa, có thể là Phan đã học lối viết hài đàm của Nguyễn
Văn Vĩnh trênĐăng Cổ Tùng Báo, và ông đã áp dụng lối văn trong sáng này trong bản
dịch Kinh Thánh từ năm 1920-1925 - chúng tôi sẽ phân tích văn bản Kinh
Thánh ở phần dưới.
3/ Tại sao người ta lại chọn Hồ Thích để gán cho Phan Khôi? Vì
lý do chính trị: Hồ Thích (1891-1962) được đào tạo ở Mỹ. 1910, đi du
học rồi đậu tiến sĩ Ph.D. 1918, về nước. 1938, làm đại sứ cho Tưởng Giới Thạch
tại Mỹ.
Gán cho Phan Khôi "học mót" Hồ Thích,
để đi đến kết luận: Phan Khôi phản quốc, trước làm bồi Tây, sau bồi Mỹ.
Việc triệt hạ Phan Khôi ở các học giả, nếu dùng chữ của Phan
Khôi, thì đó là cách hạ độc thủ của "các bạn đồng chí, những người
quân tử".
Năm 1928, khi nói đến việc Hồ Thích bị bọn đồng chí trong
Quốc Dân Đảng hạ thủ, Phan Khôi viết: "Thà chịu cái độc thủ của
kẻ cường quyền, của bọn tiểu nhân; không thà chịu cái chó má của bạn đồng chí,
của người quân tử!"
Ba mươi năm sau, 1958, Phan Khôi bị rơi vào đúng trường hợp của
Hồ Thích.
3/ Đặt tên con là Phan Lang Sa
Chiến dịch đánh Phan Khôi được tổ chức khá quy mô, sử dụng những
người có tiếng hiền lành như Nguyễn Đổng Chi, Tế Hanh, vừa dễ sai bảo, vừa được
quần chúng tin cậy. Tế Hanh là người được chọn đi cùng với Phan Khôi sang Trung
Quốc nhân dịp kỷ niệm 100 năm Lỗ Tấn, 1956.
Tế Hanh đã làm những câu thơ như sau:
Chống Pháp lại đi ôm đít Pháp
Chửi vua rút cuộc liếm giầy vua
Há mồm lại nói nền dân chủ
Đạo đức ba que quả trái mùa[16]
Trong bài "tường trình" về chuyến đi Trung
quốc, Tế Hanh kể rặt tội Phan Khôi trong suốt chuyến đi: lúc nào cũng tìm
cách nói xấu đảng. Nhưng còn một việc tệ hơn nữa: Phan Khôi đặt tên con trai út
là Phan Lang Sa, vì mong Pháp trở lại. Trong bài tự trào, gửi cho gia đình từ
Việt Bắc, năm 1949, Phan viết:
Hai nhà cộng lại có mười con
Năm gái năm trai nhắm cũng giòn.
Gả cưới tạm yên nguyền một nửa
Sữa măng riêng mũi máu ba hòn
Tư trào thôi hẳn đành chia rẽ
Nhân cách còn mong được vẹn tròn
Bé nhất Lang Sa mới ba tuổi
Tên mầy ghi cái nhục sông non[17]
Bài này nói lên gia cảnh và ý chí của Phan Khôi: Hai vợ, mười
con. Một nửa đã lập gia đình. Ba con vợ hai còn nhỏ. Vì theo tư trào -chỉ cách
mạng- mà phải chia lìa. Mong giữ vẹn toàn nhân cách. Con bé nhất ba tuổi, đặt
tên là Lang Sa - Pháp để ghi "cái nhục sông núi" (mất nước).
Tinh thần bài thơ đi đôi với lời Phan thường chỉ trích những hạng người "vong
bổn", mới đi Tây vài năm mà đã khoe là quên hết tiếng Việt; hoặc không
biết tiếng Tây mà cũng đặt tên con là Trần thị Tờ roi, Trần văn Xết[18].
Nhưng Tế Hanh đã "thuật" lại rằng nhân dịp
ghé Nam Ninh thăm người con học ở đây tên là Phan Lang Sa, Phan
Khôi "nói" với ông như sau:
"Thằng này sinh ngày 9 tháng 3 năm 1945. Ngày Nhật đảo
chính Pháp. Tôi đặt tên nó để cho những người nào vui mừng việc Nhật lật Pháp
biết là Pháp sẽ trở lại cho coi".
Và Tế Hanh kết tội: "Phan Khôi đã đáp lại
lòng thù ghét của nhân dân ta đối với thực dân Pháp như thế. (...) Chỉ có một
tâm hồn vong bản loại Phan Khôi mới mong Pháp trở lại mà thôi"[19].
Như vậy đủ biết sự xuyên tạc và vu khống, từ những ngòi bút có
tiếng hiền lành, chân thực có tác động nguy hiểm như thế nào. Bao nhiêu kẻ khác
đã chép lại giai thoại bịa ấy mà buộc Phan vào tội "phản quốc". Đến
con ông cũng phải đổi tên mình thành Phan An Sa.
Nguyễn Công Hoan làm thơ:
Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi
Thọ mi mi chúc chớ hòng ai
Văn chương! Đù mẹ thằng cha bạc
Tiết tháo! Tiên sư cái mẽ ngoài
Lô-gích, trước cam làm kiếp chó
Nhân văn, nay lại hít gì voi
Sống dai thêm tuổi cho thêm nhục
Thêm nhục cơm trời chẳng biết gai[20].
Những lời "thơ" lỗ mãng luôn luôn là thứ gậy
ông đập lưng ông. Nhưng đặc biệt thâm hiểm là bài Hành động và tư tưởng phản
động của Phan Khôi, đăng trên Văn Nghệ số 12, tháng 5/1958, bản điện tử trên
Talawas, mà Tạ Trọng Hiệp đã nói đến ở trên: Nguyễn Công Hoan là người biết nhiều
về Phan Khôi hơn cả. Bài viết của ông có những chi tiết về ngày tháng khá rõ,
có thể dùng được trong tiểu sử Phan Khôi. Dựa vào những sự kiện mình biết, Nguyễn
Công Hoan thêm thắt, xuyên tạc, để "chứng minh" Phan Khôi là người
bán nước, đã làm "chỉ điểm" cho Pháp trong suốt cuộc đời. Bài này với
bài Phùng Bảo Thạch là hai "kiệt tác" về sự ô nhục của trí
thức.
II ● Tìm lại cuộc đời đích thực của Phan Khôi
Hiện nay, một phần tác phẩm Phan Khôi đã được in lại, nhưng cuộc
đời thực của ông vẫn chưa được soi tỏ. Hệ thống xuyên tạc và bôi nhọ Phan Khôi
trong hơn nửa thế kỷ trong từ điển và học đường đã "giáo dục" quần
chúng không nhắc đến tên ông hoặc coi ông như một người phản quốc.
Chúng tôi cố gắng tìm lại cuộc đời đích thực của Phan
Khôi, ưu tiên qua những điều do chính ông viết ra, lượm lặt trong các bài
ký, truyện ngắn như: Lịch sử tóc ngắn, Chuyện bà cố tôi, Bạch
Thái công ty thơ ký viên, Đi học đi thi, Ông Bình Vôi, Ông Năm Chuột và
bài ông trả lời phỏng vấn Lối tự học của những bậc đàn anh nước ta do
bà Phan Thị Nga viết lại năm 1936[21]. Những tài liệu gia đình như Phan
Khôi niên biểu của Phan Cừ, Phan An[22], Nhớ cha tôi[23] của Phan Thị Mỹ Khanh, về niên biểu,
cũng chỉ phỏng chừng, nhiều sự kiện trước sau lẫn lộn, có chỗ viết sai. Những
bài đánh Phan Khôi của Nguyễn Công Hoan, Đào Vũ... dù nhơ bẩn, nhưng có một số
chi tiết dùng được, bởi những người này đã có dịp gần Phan Khôi trong 9 năm
kháng chiến nghe ông kể chuyện rồi xuyên tạc đi, để buộc tội ông phản quốc.
♦ Tiểu sử Phan Khôi
Sinh ngày 6/10/1887 tức ngày 20/8 năm Đinh Hợi tại làng Bảo An,
huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mất ngày 16/1/1959 tại Hà Nội. Ông nội: Phan
Nhu. Cha: Phan Trân. Mẹ: Hoàng Thị Lệ, con gái tổng đốc Hoàng Diệu. Phan
Khôi chỉ có một người em gái - gia đình gọi là cô Ba, bà là vợ nhà văn Sở Cuồng
Lê Dư và là mẹ của Hằng Phương, vợ Vũ Ngọc Phan, Hằng Phân, vợ Hoàng Văn Chí và
Hằng Huân, vợ tướng Nguyễn Sơn. Phan Khôi có người chú ruột là Phan Định, cha của
Phan Thanh và Phan Bôi tức Hoàng Hữu Nam.
Bút hiệu: Chương Dân, Khải Minh Tử, Tân Việt chung với Diệp Văn
Kỳ, Nguyễn Văn Bá; Thông Reo chung với Nguyễn An Ninh; Tú Sơn, phiên âm chữTout
Seul - Một Mình, để nhại Tú Mỡ... Riêng trên báo Sông Hương 1936-1937, có
hơn 10 tên khác nhau: Phan Khôi, Sông Hương, Ngự Sử, Phan Nhưng, Tú Vườn, Bê
Ca, K, PK, TV, ... chắc chắn là Phan Khôi; còn TT, TM, PTT... có thể cũng là
Phan Khôi. Vì vậy, việc xác định văn bản Phan Khôi không dễ dàng.
1906, đỗ tú tài Hán học[24].
1906-1907: Bỏ khoa cử, học quốc ngữ và chữ Pháp với Lê Thành
Tài. Hoạt động trong phong trào Duy Tân. Theo Phan Châu Trinh cắt tóc ngắn, làm
bài Vè cúp tóc.
16/2/1908 ra Hà Nội học tiếng Pháp ở Đông Kinh Nghiã Thục, nhưng
tới nơi, trường đã bị đóng cửa. Về Nam Định, học với Nguyễn Bá Học được 3 tháng
thì bị bắt giải về Quảng Nam. Bị tù 3 năm. Trong tù, làm bài Dân quạ đình
công, tự học tiếng Pháp, với thầy Ưng Điển[25]. 1911, ra tù, vẫn tiếp tục hoạt động bí mật
với nhóm Duy Tân và Đông Du Nam Ngãi. 1912, vào học trường Dòng Pellerin ở Huế
được vài tháng, bà nội mất, trở về làng chịu tang, rồi ở lại quê.
Năm 1913 kết hôn với Lương Thị Tuệ, quê huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng
Nam, con nhà cách mạng Lương Thúc Kỳ[26]. Năm 1908, Lương Thúc Kỳ bị bắt, bị tù
Côn Đảo tới 1917. Bà Lương Thị Tuệ có 8 con: Phan Thao, Phan Cừ, Phan Thị Hựu
Khanh, Phan Thị Bang Khanh[27], một con trai chết năm 1935, lúc 10 tuổi,
Phan Thị Mỹ Khanh, Phan Thị Tiểu Khanh, Phan Trản. Bà Nguyễn Thị Huệ, vợ thứ
nhì, gặp tại Hà Nội, chung sống từ 1935, có ba con: Phan Nam Sinh, Phan Thị
Thái, Phan Lang Sa, sau tự đổi tên thành Phan An Sa.
1913-1916, Phan Khôi mở lớp dậy học tại quê nhà.
1916, triều đình và chính quyền thuộc địa bỏ thi lối cũ[28]. Phan Khôi nghỉ dậy, trở lại trường học
tiếng Pháp với thầy Lê Hiển[29] cùng với học trò. Được Thái Phiên rủ
tham gia kháng chiến vua Duy Tân, nhưng Phan không nhận. Lý do: Một mặt, không
tin tưởng vào cách mạng bạo động[30], chọn con đường hoạt động văn hoá. Một mặt,
cha hết sức ngăn cản bởi ông là con trai duy nhất. Nguyễn Công Hoan đã vin vào
cớ ông không theo Thái Phiên để đổ tội ông làm mật thám cho Pháp ngay từ 1916.
Từ 2/1918 - 5/1919, được Nguyễn Bá Trác giới thiệu vào Nam
Phong, ông viết bài báo quốc ngữ đầu tiên đăng trên Nam Phong số 8, ra
tháng 2/1918, khai trương mục Nam Âm thi thoại, diễn đàn phê bình thơ
sớm nhất ở Việt Nam. Đi Huế với Phạm Quỳnh dự tế Nam Giao từ 19/3/1918 đến 3/4/1918.
Theo Phan Khôi, ông làm việc chưa đầy một năm với Nam Phong thì
thấy"không thể đi cùng đường với hai vị chủ bút" -tức là Phạm Quỳnh
và Nguyễn Bá Trác- nên ông xin nghỉ trở về quê. Đầu năm 1919, ông Bùi Quang
Chiêu từ Sài Gòn ra Hà Nội tìm trợ bút cho báo Quốc Dân Diễn Đàn của ông, Phạm
Quỳnh giới thiệu Phan Khôi và đánh điện cho Phan Khôi ra Đà Nẵng xuống tàu gặp
Bùi Quang Chiêu, nhờ vậy ông lại có dịp được đi ra khỏi làng.
Tháng 6/1919, vào Sài Gòn viết cho Quốc Dân Diễn Đàn. Vẫn theo
Phan Khôi, được độ một tháng, không biết Marty nói với Bùi Quang Chiêu thế nào,
mà Bùi Quang Chiêu đổi ông sang làm báo Lục Tỉnh Tân Văn do Marty điều khiển.
Làm được vài tháng, vì một chuyện gì đó, dường như ông viết một bài báo công
kích một viên chức cao cấp Pháp sắp lên làm toàn quyền, ông bị sa thải.
Những sự kiện trên đây cho thấy Phan Khôi dù ra khỏi Nam Phong
nhưng vẫn giữ mối liên lạc khá chặt chẽ với Phạm Quỳnh và Marty.
Tháng 9/1919, trở về quê Quảng Nam.
Tháng 3/1920 ra Hải Phòng, làm thư ký cho Bạch Thái Bưởi từ
1/5/1920 đến 31/12/1920.
Cuối 1920: Nhận việc dịch Kinh Thánh - dịch toàn bộ
Tân Ước và 1/3 Cựu Ước trong 5 năm, từ 1920 đến 1925, từ bản Hán văn và Pháp
văn ra quốc ngữ.
1921-1922, viết Thực Nghiệp Dân Báo và Hữu Thanh ở Hà Nội.
1922 vào Nam, có thể đã liên lạc và hoạt động với nhóm
Nguyễn An Ninh, Dejean de la Bâtie, khi Nguyễn An Ninh từ Pháp về lập báo La
Cloche fêlée năm 1923.
1922-1925: Xuống Cà Mau ẩn náu. Học tiếng Pháp qua thư từ với
Dejean de la Bâtie. Tiếp tục dịch Kinh Thánh.
1925 Phan Châu Trinh từ Pháp về, giao cho Phan Khôi việc viết lại
lịch sử đời ông.
24/3/1926 Phan Châu Trinh mất: Phan Khôi soạn bản Hiệu triệu
quốc dân đi dự đám tang Phan Châu Trinh và viết cuốn Phan Châu
Trinh.
1926-1928: Phan Khôi viết các báo Thần Chung, Đông Pháp Thời
Báo, Văn Học ở Sài Gòn và Đông Tây ở Hà Nội. Tháng 5/1928, phê bình Trần Huy Liệu,
đặt vấn đề Viết sử cho đúng trên Đông Pháp Thời Báo.
1929-1932: Thời kỳ hoạt động mạnh nhất, viết các báo Thần Chung,
Phụ Nữ Tân Văn, Trung Lập, ở Sài Gòn; Đông Tây, Phổ Thông, ở Hà Nội, đặt những
vấn đề:
- 1929, Phê bình Khổng giáo trên Thần Chung. Nữ
quyền và Viết tiếng Việt cho đúng trên PNTV.
- 1930, khai sinh thể loại bút chiến văn học với Phạm Quỳnh và
Trần Trọng Kim trên PNTV.
- 1931, viết bài Cái cười của con rồng cháu tiên trên
PNTV, phê bình cuốnCay đắng mùi đời của Hồ Biểu Chánh: đây là bài phê
bình văn học đầu tiên viết theo lối hiện đại.
- Đầu 1932, công bố bài Một lối "thơ mới" trình
chánh giữa làng thơ và bài thơ Tình già, cả hai được coi
là bản tuyên ngôn của Thơ Mới trên Tập Văn Mùa Xuân, báo Đông Tây, rồi
PNTV.
1933 ra Hà Nội viết Thực Nghiệp và Phụ Nữ Thời Đàm.
1934 về Huế viết cho Phụ Nữ Tân Văn tái bản, rồi làm chủ bút báo
Tràng An. Phan Trân từ trần.
1936-1937: Lập báo Sông Hương tại Huế từ 1/8/1936 đến 27/3/1937.
Viết cho Hà Nội báo. Tập hợp những bài viết trong mục Nam Âm thi thoại in
thành sáchChương Dân thi thoại, Đắc Lập, Huế, 1936.
1937-1941: Vào Sài Gòn dậy trường Chấn Thanh. Viết tiểu thuyết.
In cuốnTrở vỏ lửa ra, Phổ Thông Bán Nguyệt San số 41, ra ngày 16/8/1939 tại
Hà Nội.
Viết báo Tao Đàn từ tháng 3/1939.
1940, viết cho Dân Báo.
1941, Chấn Thanh đóng cửa. Phan Khôi về Quảng Nam ở đến 1946.
19/8/1945:Việt Minh cướp chính quyền.
Ngày 2/3/46: Thành lập chính phủ liên hiệp.
Ngày 6/3/1946: Hồ Chí Minh ký hiệp định sơ bộ với Pháp. Theo
Nguyễn Công Hoan, tháng 6/1946, trong một buổi mít tinh ở Quảng Nam, Phan Khôi
lên diễn đàn đả phá hiệp định sơ bộ. Phan Khôi được bầu làm chủ nhiệm chi bộ Quảng
Ngãi của Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Theo Hoàng Văn Chí, cán bộ địa phương định phá hủy nhà thờ Hoàng
Diệu, Phan Khôi cực lực phản đối, họ toan bắt Phan Khôi, nhưng nể Phan Thao,
con trai ông, là cán bộ cao cấp. Phan Khôi viết thư cho Huỳnh Thúc Kháng[31] nhờ can thiệp. Hồ Chí Minh giải quyết
khéo léo: viết thư mời Phan Khôi ra Hà Nội, giao cho Phan Bôi[32] phụ trách việc quản thúc. Phan Khôi
ra Hà Nội, nhưng không chịu ở nhà Phan Bôi, lên 80 Quan Thánh ở với Khái Hưng.
Theo Nguyễn Công Hoan, đêm 12/7/1946, công an bao vây nhà
Khái Hưng,Phan Khôi bị bắt tại đây:
"Ở Quảng Nam ít lâu, hắn bèn ra Hà Nội, họp với Trung Ương
Đảng Bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng của hắn để đề nghị một chương trình chống chính
phủ. Chương trình của hắn là gây một cuộc rắc rối về ngoại giao giữa chính phủ
Pháp, để dồn chính phủ đến một nước cờ bí, phải đi đến chỗ tự lật đổ, hoặc bị
thực dân Pháp đánh bại.
Vừa lúc đó, Phan Khôi tiếp được giấy của Bộ Nội Vụ tập hợp Hội
Nghị Văn Hoá. Sau khi họp với bọn "đồng chí" ở Quảng Nam, đặt kế hoạch
hoạt động trong thời gian hắn vắng mặt, hắn tạm rời tỉnh Quảng Nam. Đến thủ đô
hắn xin vào yết kiến cụ Huỳnh Thúc Kháng khi ấy là bộ trưởng Bộ Nội Vụ. Nhưng cụ
Huỳnh đã rõ bộ mặt nhơ bẩn của hắn không thèm tiếp.
Đêm 12/7, trong khi hắn đương họp bàn với bọn đầu sỏ Quốc Dân Đảng
ở 80 đường Quan Thánh, thì xẩy ra việc công an ta đến khám tòa báo Việt Nam của
đảng ấy tại trụ sở ấy. Bọn phản động trong nhà nổ súng ra để chống cự. Tức thì
công an buộc lòng phải bắt bớ người. Trong số những người bị bắt có Phan Khôi.
Song Phan Khôi lại một lần nữa được chính phủ tha cho về suy nghĩ tội lỗi mà hối
cải. Trong thời gian Phan Khôi ở Hà Nội, thì chi bộ Quốc Dân Đảng ở Quảng Nam
tiếp tục thực hiện chương trình hắn đã vạch ra (...) Thấy việc bán nước mỗi
ngày một khó khăn hơn, Phan Khôi phải ở lại Hà Nội để bàn việc củng cố đảng hắn.
Nhưng tối ngày 19 tháng 12 toàn quốc đứng dậy làm cuộc kháng chiến Phan Khôi giật
nẩy mình, muốn về Quảng Nam thì nghẽn đường, không đi được. Lại có một người em
họ ở trong chính phủ bảo đảm cho, nên hắn được- hoặc bắt buộc- đi theo kháng
chiến" [33].
Theo Phan Khôi, ngày 6/7/1946 ông ra đến Hà Nội, nhưng được người
bạn thân báo tin cụ Huỳnh Thúc Kháng khuyên đừng gặp cụ. Ông quanh quẩn ở lại
Hà Nội xem tình hình, ngày 12/7/46, ông dự buổi họp của Trung Ương Quốc Dân Đảng
ở toà báo Việt Nam.
Theo Hoàng Văn Chí, sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946,
Phan Bôi được lệnh đưa Phan Khôi lên Việt Bắc. Phan dịch sách và làm biên khảo.
Tổng kết các thông tin của Phan Khôi, Hoàng Văn Chí, Nguyễn Công
Hoan, xin tạm hình dung bối cảnh này như sau:
Phan Khôi thấy có thể bị Việt Minh bắt ở Quảng Nam, nên ông viết
thư cho Huỳnh Thúc Kháng, tìm cách chính thức ra Hà Nội. Cụ Huỳnh viết thư mời
ông ra dự Hội Nghị Văn Hoá, nhưng ngại không tiếp ông sợ bị liên lụy, chắc bản
thân cụ cũng không vững. Ở Hà Nội, Phan Khôi hội họp với Quốc Dân Đảng, trụ sở
90 Quan Thánh, nhà Khái Hưng. Ông bị bắt tại đây, nhưng lại được thả ngay, vì lẽ
gì? Vì em họ Phan Bôi làm bộ trưởng Nội Vụ và con trai Phan Thao làm chủ nhiệm
báo Nhân Dân chăng? Chưa chắc. Rất có thể vì Hồ Chí Minh không dám thẳng tay với
Phan Khôi. Sau khi được tha, ông vẫn tiếp tục hội họp với Quốc Dân Đảng, mặc dù
ông đã chán nản vì thấy tổ chức này lỏng lẻo, chẳng có chính sách gì rõ ràng,
có lúc ông muốn tìm đường ra ngoại quốc.
Theo Đào Vũ, nhà cửa, ruộng đất của gia đình Phan Khôi ở
Điện Bàn bị tịch thu trong Cải Cách Ruộng Đất.
1954-55: Về Hà Nội, gặp lại vợ con từ Quảng Nam ra. Ở số 51 Trần
Hưng Đạo. In Việt ngữ nghiên cứu[34].
1956: Lãnh đạo tinh thần phong trào NVGP. Làm chủ nhiệm
báo Nhân Văn.
1957: Được cử đi Bắc Kinh dự lễ kỷ niệm 100 năm sinh Lỗ Tấn, có
Tế Hanh đi cùng.
1958: NVGP bị thanh trừng. Phan Khôi bị đuổi khỏi 51 Trần Hưng Đạo,
dọn về 10 Nguyễn Thượng Hiền, rồi 73 phố Thuốc Bắc.
Phan Khôi mất ngày 16/1/1959. Chôn ở nghĩa trang Hợp Thiện, phía
đông Hà Nội. Trên mộ đề Chương Dân. Mộ phần bị "thất lạc" trong chiến
tranh - theo gia đình.
Lại Nguyên Ân cho biết từ giữa năm 2000, ông bắt đầu sưu tầm tác
phẩm Phan Khôi. Đến nay đã ra được 5 tập Phan Khôi, Tác phẩm đăng
báo, từ 1928 đến 1932 và cuốn Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn, do
các nxb Đà Nẵng, Hội Nhà Văn và Tri Thức in; riêng sưu tập 1932, khổ 16x24. Các
sách này đã đưa lên website Lại Nguyên Ân: lainguyenan.free.fr[35]. Tổng cộng: 4706 trang. Công
trình này dành cho giới nghiên cứu, và là bước đầu tiến tới một tuyển tập Phan
Khôi, ngắn gọn hơn, cho mọi từng lớp độc giả.
Năm 2009, Phạm Hồng Toàn in sưu tập Sông Hương, tuần báo ra
ngày thứ bẩy (1/8/1936-27/3/1937), Lao Động và Đông Tây, 2009, gồm 2
tập, khổ 19x26.
Hiện nay, chỉ còn những bài báo của Phan Khôi trong khoảng
1918-1928 và 1933-1942, chưa được in thành sách. Sưu tập của Thanh Lãng trước
1975 tại Sài Gòn, được xuất bản dưới tiêu đề 13 năm tranh luận văn học
1932-1945, gồm 3 tập, Văn Học, TP.HCM, 1995, trong đó có một số bài của Phan
Khôi.
Bộ sách này so với bản ronéo của Thanh Lãng có chỗ bị cắt, không
hoàn toàn trung thành với bản chính như việc làm của Lại Nguyên Ân.
♦ Bà cố (1791- 1864)[36] dựng nghiệp họ Phan ở Điện Bàn
Năm 1791, trước khi Gia Long lên ngôi 11 năm, tại làng Hoá Quê gần
cửa Hàn, một người con gái ra đời. Đó là bà cố của Phan Khôi, người dựng
nghiệp họ Phan ở Điện Bàn. Phan Khôi viết: "Họ Phan chúng tôi, ông thỉ
tổ nguyên ở Nghệ An vào lập làng tại Quảng Nam, kêu là Bảo An"[37]. Làng Bảo An do ba họ Nguyễn, Ngô và Phan
lập ra. Họ Phan từ khởi thủy đến đời ông cố, vốn "nghèo hèn, dốt
nát".
1809, ông lấy bà cố, chung sống 15 năm, được 7 con, ông mất, người
con út, Phan Nhu, ông nội Phan Khôi, mới 2 tuổi. Bà cố buôn gánh ở Hội An, nuôi
con trong 6 năm. Rồi bà tái giá, làm kế một ông Đội khá giả ở làng Hội Vực,
nhưng bà ra điều kiện: phải để cho bà về nhà chồng trước trông nom con cái.
Theo lời những người già trong làng, bà thường cưỡi ngựa đi từ làng Hội Vực
về Bảo An hay ngược lại, đồ vật chất đầy trên cổ ngựa, nhờ vậy mà các con
bà được ăn học. Sáu năm sau, ông Đội mất, bà đem 2 con với ông Đội về nuôi cùng
7 con đời chồng trước.
Nhờ có vốn của chồng để lại, bà mở đại lý buôn đường với
tàu buôn của người Hoa ở Hội An, trở thành người phụ nữ đầu tiên có hãng
xuất cảng đường và thành "cự phú". Hai con trai bà, Hương Đạo
và Bá Đức cũng giàu có tiếng trong vùng. Người con út, Phan Nhu, đậu cử nhân
khoa Đinh Tị 1847, làm đến chức Án Sát tỉnh Khánh Hoà thì bị cách chức.
Dù có công lớn với gia đình, nhưng vì tội tái giá, nên sau
khi mất, ở tuổi 73, bà không được chôn ở đất công của làng. Vì vậy, Phan Khôi
đòi kiện cái luật cổ hủcủa xã hội thời ấy[38]. Từ bà cố, người phụ nữ độc lập, cưỡi ngựa
nhảy qua hàng rào lễ giáo cổ hủ đầu thế kỷ XIX để xác định nữ quyền, nuôi chín
con, lập sự nghiệp "tỷ phú". Đến người cháu, học giả
phản biện, lãnh đạo tinh thần phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, là một dòng
máu dân chủ và tự chủ nối dài.
Phan Khôi đấu tranh cho quyền làm người của phụ nữ, ngay từ thập
niên 30 của thế kỷ trước, khi Simone de Beauvoir, mẹ đẻ nữ quyền thế giới, chưa
xuất hiện trên văn đàn. Đó là đặc điểm của Phan Khôi: tiên
phong và phản biện trong nhiều lãnh vực tư tưởng.
● Phan Nhu và Phan Trân
Ông nội Phan Khôi là Phan Nhu, đỗ cử nhân khoa Đinh Tị, 1847,
làm đến chức Án Sát tỉnh Khánh Hoà thì bị cách chức. Cha là Phan Trân
(1862-1934), đậu phó bảng, làm tri phủ Diên Khánh, có lần cãi nhau kịch liệt với
viên công sứ[39]. Năm 37 tuổi, 1899, ông cáo bệnh từ quan,
lúc đó Phan Khôi 12 tuổi.
Nhờ loạt bài Đi học đi thi[40] mà chúng ta biết thêm về Phan Nhu,
Phan Trân và Trần Quý Cáp. Trong bài ký này, Phan Khôi tức Tú Vườn dùng nhân vật
lão Nho, ra đời khoảng 1875 thay thế cho mình, để mô tả lại bối cảnh gia đình họ
Phan trước khi Phan ra đời năm 1887, đồng thời vẽ chân dung người thầy Trần Quý
Cáp và trình bầy hoàn cảnh u uất của giới sĩ phu khi nước mất và sự bất đồng tư
tưởng trong gia đình họ Phan, từ đời ông, đời cha đến đời con, ba thế hệ.
Năm 1885, kinh thành thất thủ[41], vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, phong
trào Cần Vương ở Quảng Nam nổi lên rầm rộ trong ba năm từ khi vua xuất bôn đến
khi vua bị bắt, năm 1988[42]. Phan Nhu cũng muốn theo phong trào,
nhưng Phan Trân khuyên cha không nên vì biết không thể chống nổi
Tây: "ông tôi ban đầu còn chưa chịu nghe, sau thầy tôi can mãi, nhiều
khi đến nói mà vừa lạy vừa khóc, ông tôi mới thôi". Nhưng thời ấy,
không theo nghiã quân, nghiã đoàn, thì có thể bị hại, nên hai cha con phải đem
nhau đi trốn: "Có một lần, chúng tôi ở trong một chiếc ghe, đậu bên
gành núi. Đương đêm, vừa mưa vừa gió, trời tối đen như mực, ông tôi thức dậy, đốt
đèn ngồi một mình rồi không biết vì nghĩ thế nào mà ông tôi khóc oà lên, trong
lúc khóc, ông tôi kể lể nhiều lắm: Chốc lại kêu Hoàng Thượng, chốc lại kêu Phu
Tử (...) Về sau, tôi mới đoán ra rằng lúc đó ông tôi kêu Hoàng Thượng là chỉ đức
Hàm Nghi, còn Phu Tử là đức Khổng Tử"[43].
Phan Nhu, tuy bị cách chức nhưng vẫn một mực thờ vua và Khổng Tử,
vẫn tiếp tục bắt con cháu phải học để ra làm quan trị dân giúp nước, theo đúng
truyền thống sĩ phu dấn thân thời phong kiến. Phan Trân muốn theo con đường duy
tân, nhưng không dám trái ý cha. "Sau khi loạn yên, thầy tôi
"thưa đơn tòng chánh" và ra làm quan là cũng bởi cực chẳng đã mà phải
vâng lời ông tôi, nếu không thì ông tôi giận". Ra làm quan, tất phải
đụng chạm với Pháp: "Lúc ở Hải Phòng, gặp Lê Bá Cử, ông ấy có kể cho
tôi nghe khi ông làm phán sự toà sứ Nha Trang, thầy tôi làm Tri phủ, có lần cãi
nhau kịch liệt với viên công sứ, chính ông đứng làm thông ngôn"[44].
Và sau cùng Phan Trân đã phải từ chức.
Sau này, trong khoảng từ 1911 đến 1917 -sau khi đi tù về- Phan
Khôi cũng muốn bỏ nhà đi theo chí hướng của mình, nhưng cũng lại bị cha cản trở,
và ông cũng phải vâng lời. Vì vậy, Phan viết: "Làm con khác với làm
người. Nhiều khi làm con không phải làm người! Thành thử trước mặt những người
cha có học thức, chẳng cứ cái học thức ấy thế nào, thường thường cái tư cách
làm người của những người con phải bị chôn đi. Thương hại cho thầy tôi, suốt đời
ở vào cái hoàn cảnh đó!"[45].
Nếu Phan Trân phải chiều lòng cha, thì Phan Khôi cuối cùng, tìm
cách thoát được, ông đã sống một cách tự do bằng ngòi bút, trong đời làm báo.
Phải chăng vì bi kịch cha con trong gia đình Khổng Mạnh, mà sau này, Phan Khôi
quyết liệt chống Tống Nho và ông để các con Phan Thao, Phan Cừ "tự
do" theo Cộng Sản, đi con đường trái ngược với tư tưởng của mình? Sự bất đồng
tư tưởng trong gia đình họ Phan kéo dài thêm một thế hệ nữa: ông, cha, con,
cháu.
♦ Tinh thần bất khuất từ nhỏ
Thuở nhỏ Phan học chữ nho và chịu ảnh hưởng ông nội nhiều
hơn cha. Năm lên bảy, mẹ qua đời. Khi cha phải đi nhậm chức tri phủ Diên Khánh,
gửi Phan về bên ngoại cho người cậu làm tri phủ, là con cả tổng đốc Hoàng Diệu
trông nom. Ông phủ mướn thày dạy học con trai và Phan Khôi, nhưng ít lâu sau,
Phan xin cha cho đi học nơi khác. Tại sao? Phan không nói rõ. Nhưng sau này qua
lời Ông Năm Chuột, Phan gián tiếp cho biết: Ông ngoại hết sức thanh liêm,
làm tổng đốc mà không có tiền lợp lại mái nhà đã tróc ngói. Người cậu làm tri
phủ ba năm đã mua được mươi mẫu ruộng. Ông ngoại đánh Pháp, tuẫn tiết mà chết.
Người cậu theo Pháp đàn áp nghiã quân. Điều này chứng tỏ: từ lúc 8 tuổi, Phan
đã nhìn rõ hành động của người cậu tri phủ, và đó chính là lý do khiến Phan xin
cha cho học chỗ khác.
Phan Trân gửi con cho Trần Quý Cáp. Phan Khôi học Trần Quý Cáp
10 năm, từ 9 tuổi đến 19 tuổi. Phan Khôi viết: "Tôi từ nhỏ có tư bẩm
thông minh lạ. Lên 13 tuổi đã "cụ thể tam trương": Nghiã là về lối
văn khoa cử, kinh nghiã ở trường nhất, thi phú trường nhì, văn sách trường ba
tôi đều làm được cả trong tuổi ấy. Ông nội tôi và ông thân tôi đều để hy vọng
vào tôi nhiều lắm. Ông nội tôi sống đến năm tôi 16 tuổi, đi thi khoa đầu, hỏng
trường nhất, rồi người mới mất"[46].
- 16 tuổi, Phan Khôi đi thi lần đầu, khoa 1903, hỏng trường nhất.
- 19 tuổi, 1906, thi lần thứ nhì, chỉ đậu tú tài. Phan Khôi tức
giận lắm
Bởi từ khoa Giáp Ngọ, 1894, trở đi, các học quan bắt đầu ăn đút
lót, chấm gian, và đến khoa Bính Ngọ, 1906, thì bị kiện. Phan Khôi viết: "Tôi
là một kẻ đứng đơn với bọn Dương Thưởng kiện sự "thủ sĩ bất công" hồi
khoa Ngọ, tôi đã làm cho mấy ông quan trường bị giáng bị cách thì tôi còn sợ gì
mà chối?" Vì vụ kiện này mà những kỳ thi sau, chính phủ bảo hộ phái
người đến kiểm soát. Đó cũng là một trong những lý do tại sao Phan Khôi bỏ lối
học khoa cử. Ngoài ra Phan còn cho biết: Nguyễn Bá Trác (1881-1945) đi thi năm
Bính Ngọ 1906 không phải để đỗ, mà để làm bài thuê, kiếm tiền cho phong
trào Đông Du, rút cục lại đỗ cử nhân. Chính Nguyễn Bá Trác đã rủ Phan Khôi bỏ học.
Phan học tiếng Pháp với Phan Thành Tài tại trường Diên Phong là trường đầu tiên
của phong trào Duy Tân ở Quảng Nam. Sau Phan Thành Tài tham gia cuộc chính biến
vua Duy Tân, 1916, bị xử tử.
Năm 1906, đánh dấu ngõ quặt quan trọng trong cuộc cách mạng duy
tân và cuộc đời Phan Khôi: bỏ nho học, theo Phan Châu Trinh cắt tóc ngắn, cổ động
cắt tóc và làm bài Vè cúp tóc.
♦ 1906-1908: Phong trào cắt tóc
Lập Hội buôn - Trung Kỳ dân biến
Việc cắt tóc và mặc âu phục do Phan Châu Trinh phát động cuối
năm 1906, và kéo dài suốt năm 1907, là một hành động duy
tân và phản kháng: chống cổ hủ[47].
Hơn một năm sau, khi vụ biểu tình chống thuế Trung Kỳ
dân biến xẩy ra, chính quyền bèn kết hợp việc cúp tóc với việc biểu tình
chống thuế, thành hành động nổi loạn, chống lại nhà cầm quyền.
Tuy Phan Khôi theo và cổ động phong trào hớt tóc ngắn, làm
bài Vè cúp tócnổi tiếng, nhưng không tham dự vào cuộc nổi dậy chống thuế ở
Quảng Nam 1908, vì lúc đó ông đã lên đường ra Hà Nội. Sau này trong hai bài viết
trên Sông Hương:Địa vị của Thái Phiên và Trần Cao Vân trong cuộc biến ở Huế năm
1916[48] vàMấy cuộc vận động quần chúng ở nước
ta[49], Phan Khôi nhắc lại sự thành công của đấu
tranh bất bạo động trong đám tang Phan Châu Trinh năm 1926, trong Nam, và phê
bình gay gắt sự thất bại của những cuộc bạo động ở miền Trung: Khởi nghiã Văn
Thân 1883 ở Huế; Trung Kỳ dân biến 1908 ở Quảng Nam và Phong trào Xô Viết Nghệ
Tĩnh 1930-1931.
Phong trào Duy Tân phát triển mạnh từ cuối năm 1906, sau khi
Phan Châu Trinh ở Nhật về, phát động phong trào Cắt tóc ngắn, kết hợp với
Tiểu La Nguyễn Hàm -chủ trì khuynh hướng Phan Bội Châu- với nhóm Ngô Đức Kế, Đặng
Nguyên Cẩn ở Nghệ An, Hà Tĩnh chủ trương việc lập Hội buôn và với
Nguyễn Văn Vĩnh trong Đông Dương tạp chí, lập thành một lực lượng phản
kháng đáng ngại. Công sứ Quảng Nam, Charles[50] viết:
"Hội buôn Quảng Nam mà các thành viên thường tự xưng là
"những người cắt tóc" theo cách họ nhận biết nhau. Hội này tập hợp tất
cả những phần tử đối lập với ảnh hưởng của Pháp, những viên quan trong đảng
"Cần Vương" An Nam cũ, các nhà yêu nước khuynh hướng quốc gia kiểu
Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu. Lúc này Hội ấy hoạt động ráo riết. Các thành
viên đi khắp các làng, đề nghị dân chúng cắt tóc, mặc âu phục (!) và khuyên họ
tự giải quyết mọi mâu thuẫn, không cần đến cửa quan hoặc các toà công sứ. Họ hoạt
động cho sự tiến triển về tư tưởng mà tác giả của bài xã luận quan trọng đã
đăng trong số ngày 15/10 của tạp chí bán công Đông Dương tạp chí (...) Hoạt động
của Hội này thực hiện nhiều nhất ở hai phủ Thăng Bình và Tam Kỳ và đặc biệt ở
vùng giáp giới giữa hai phủ này (...) Phan Châu Trinh đã đi ra Bắc Kỳ từ đầu
tháng[51], theo người ta nói có đem theo các khoản
đóng góp của hội viên (...)
Hội kín ở Quảng Nam tiếp tục công cuộc tuyên truyền chống Pháp
và tư tưởng quốc gia. Trong hai phủ Thăng Bình và Tam Kỳ họ nắm các trường học
và điều hành việc dạy học. Họ trao cho học sinh những tài liệu kích thích tinh
thần yêu nước, hận thù quân xâm lược, xem thường cái chết. Mỗi người phải sẳn
sàng hy sinh cho tổ quốc. Thật là những bài học tuyệt vời về chí khí, chỉ tiếc
là chúng ta một ngày kia phải trả giá cho sự giáo dục ấy mà thôi"[52].
Viên công sứ Charles đã nhận định đúng vai trò của giáo dục. Mà
Trần Quý Cáp lúc đó là giáo thọ[53] phủ Tăng Bình giữ trách nhiệm hàng đầu.
Điều này giải thích việc khâm sứ Trung Kỳ Lévecque đổi Trần Quý Cáp vào Ninh
Hoà, để phân tán lực lượng Duy Tân và giết Trần Quý Cáp. Bị đổi vào Ninh Hoà,
Trần Quý Cáp vẫn tiếp tục công việc, Charles viết: "Trần Quý Cáp đã thận
trọng bổ dụng một số người hoàn toàn tin cẩn của y. Những người tích cực nhất
trong việc xây dựng các trường học sẽ được thưởng bằng một chức quan: như thế
là đủ để cho giáo thọ có trách nhiệm trông nom các trường này có trong tay một
công cụ tuyên truyền ghê gớm. May thay ngôi trường của chính giáo thọ đã bị
cháy, không còn nơi dạy nữa. Trần Quý Cáp đang ở nhà tri huyện Hồ Sĩ Tạo cũng
là tiến sĩ như y, nhưng Hồ Sĩ Tạo có mẹ qua đời đã xin nghỉ về quê[54]cư tang. Trần Quý Cáp lợi dụng cơ hội đó
chiếm hẳn nhà Hồ Sĩ Tạo và tại ngôi nhà này y tiến hành tuyên truyền mạnh mẽ"[55].
Việc Phan Khôi ra Hà Nội năm 1908, được Phan Trân cho phép, nằm
trong chương trình hành động của nhóm Duy Tân Quảng Nam, gửi 11 học
trò: Lê Dư, Mai Dị, Nguyễn Bá Trác, Phan Khôi, Đặng Huyên, Lê Vỹ, Mai Luyện,
Nguyễn Nhự, Võ Kiền, Lê Lượng và Lê Cơ, ra Bắc học tiếng Pháp ở trường
Đông Kinh Nghiã Thục và có thể tìm đường sang Nhật du học. Phan Châu Trinh đã
ra Bắc từ tháng 7/1907, mang theo tiền đóng góp thu được ở Quảng Nam. Trần Quý
Cáp, tháng 2/1908, khi bị đổi đi Ninh Hoà đã cảm thấy nguy cơ sắp đến và cũng
chuẩn bị ra Bắc. Ngày 16/2/1908, Phan Khôi đi Hà Nội. Hai thầy trò đã gặp nhau
bàn bạc trước khi lên đường.
Trong bản hỏi cung, Trần Quý Cáp khai: "Sau lúc
ông ta (Phan Châu Trinh) đi, tôi có đến Tourane (Đà Nẵng) để xuống tầu Thủy.
Lúc đó tôi đã gặp một học trò cũ tên là Phan Khôi đỗ tú tài, đang ở đó định sẽ
đi tầu thủy ra Hà Nội và ở lại đó để học tiếng Pháp. Tôi đã nói vói anh ta là
tôi nhiều lần nghe nói các năm trước tại Hà Nội, Nhà Nước bảo hộ có mở những
văn phòng để sửa sách gọi là tu thư, và lại có văn phòng của "Đại Việt tân
báo"[56], tôi nhờ anh ta hỏi giúp tôi xem các văn
phòng trên có nơi nào nhận tôi thì tôi sẽ xin từ chức giáo thọ để xin làm việc ở
đó nhằm có thể đủ tiền ăn tiêu hơn và có điều kiện mở rộng kiến văn"[57].
Trong bản hỏi cung số 24, phiên xử ngày 12/7/1908, Phan
Khôi khai: "Ngày 15 tháng 1 năm nay (16/2/1908), khi tôi xuống Đà Nẵng
để ra Hà Nội học, tôi đã gặp thày giáo cũ của tôi là ông Trần Quý Cáp (giáo thọ)
đang đi đến nhận nhiệm sở mới. Ông nhờ tôi nếu tôi gặp ông Phan Châu Trinh thì
nói với ông ấy xem có thể tìm giúp cho ông một chỗ làm trong thư viện hay trong
một toà báo và viết thư báo cho ông ấy biết. Đến Hà Nội, tôi có gặp Phan Châu
Trinh và tôi nhắc lại điều ông Trần Quý Cáp đã dặn. Sau đó, tôi nhờ ông nếu có
viết thư cho ông Trần Quý Cáp thì xin ông ghi ở cuối thư rằng tôi đã tới Hà Nội
an toàn. Sau đó, tôi đi Nam Định để học tiếng Pháp. Tôi không hề viết thư cho
thày giáo cũ của tôi, ông Trần Quý Cáp. Đoạn thư có liên quan tới tôi mà người
ta thấy trong bức thư đó chắc hẳn là do ông Phan Châu Trinh viết. Vả chăng, từ
khi tôi từ biệt ông để đi Nam Định, tôi không còn gặp ông nữa. Do đó, tôi không
biết chính xác là ông có viết thư cho ông Trần Quý Cáp hay không"[58].
Khi Phan Khôi và các bạn ra đến Hà Nội thì Đông Kinh Nghiã Thục
đã bị rút giấy phép.
Xin nhắc lại: Đông Kinh Nghiã Thục khai giảng tháng 3/1907.
Tháng 5/1907 mới chính thức được phép. Tháng 1/1908, giấy phép bị thu hồi. Ban
giám đốc phải thủ tiêu hết sách vở chứng từ. Pháp bắt những người cầm đầu; bổ một
số người ôn hoà vào ty giáo huấn, chức huấn đạo[59] hoặc đi tri huyện, có người không nhận[60].
Việc đổi Trần Quý Cáp vào Khánh Hoà nằm trong chủ trương khủng bố
của nhà cầm quyền cùng với việc đóng cửa Đông Kinh Nghĩa Thục và Đăng Cổ Tùng
Báo để phân tán lực lượng của tất cả những phong trào cách mạng và trừng trị những
người chủ xướng.
Tháng 3/1908[61] mới bùng nổ vụ Trung Kỳ dân biến:
Cuộc biểu tình chống thuế bắt đầu ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam rồi lan rộng
khắp miền Trung, hình thức bạo động, ảnh hưởng Phan Bội Châu nhiều hơn Phan
Châu Trinh.
Huỳnh Thúc Kháng bị bắt ở Quảng Nam. Phan Châu Trinh bị bắt ngày
2/3/1908 tại Hà Nội. Ngô Đức Kế bị bắt từ 1907, đến 1908 bị đày Côn Đảo cùng với
những người khác.
Trần Quý Cáp bị bắt ngày 16 hay 17/4/1908[62] tại Khánh Hoà, bị xử tử
ngày15/6/1908 tức là ngày 17/5/Mậu Thân[63]. Khâm sứ Trung Kỳ Lévecque không đưa Trần
Quý Cáp về Kinh để xử, theo thông lệ đối với các Tiến sĩ, tại sao? Phải chăng
vì sợ Phủ Phụ Chính, đặc biệt các quan Lê Trinh và Cao Xuân Dục sẽ chống lại bản
án tử hình như trường hợp Phan Châu Trinh, cho nên Lévecque đã cho lệnh giết Trần
Quý Cáp tại chỗ?[64]
♦ Số phận Phan Khôi
và những học trò đi trốn hoặc bị bắt
Các thanh niên Quảng Nam được gửi ra Hà Nội học Đông Kinh Nghiã
Thục tới nơi thì trường đã bị đóng cửa, bèn chạy về Nam Định, học tiếng Pháp
với Nguyễn Bá Học. Phan Khôi bị bắt giải về Quảng Nam. Nguyễn Bá Trác trốn ở
trong Nam một năm rồi chạy qua Thái Lan, Nhật và Tàu. Sở Cuồng Lê Dư có lẽ đã
đi Nhật từ trước, sau sang Tàu...
1/ Bản án số 9, ngày 3/8 năm Duy Tân thứ hai, tức là ngày
29/8/1908, có đoạn như sau: "Trương Huy, Lê Dư càn quấy diễn thuyết mỗi
nơi chỉ trích, phỉ báng quan lại; Mai Dị, Nguyễn Bá Trác và Phan Khôi không xin
phép, tự tiện đi Bắc Kỳ, dịch phục cải trang (mặc âu phục) (...) Xét
tình đó, thì tự Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng xướng xuất, mà bọn này là
phụ họa đấy thôi. (...) Lê Dư, Mai Dị, Nguyễn Bá Trác, Phan Khôi, Đặng Huyên,
Lê Vỹ, Mai Luyện, Nguyễn Nhự, Võ Kiền, Lê Lượng và Lê Cơ, xin đều xử trượng
100, đồ 3 năm. Tựu trung Nguyễn Bá Trác tại đào, xin nên gia đẳng xử trượng
100, đày 2000 dặm, chờ bắt được, chiếu án thi hành"[65].
2/ Phan Châu Trinh viết: "Ông cử nhân Nguyễn Bá Trác
và Phan Khôi, Nguyễn Mai, cùng bạn học hơn 10 người ra Hà Nội học tập Pháp văn;
sau vụ dân biến, đều đánh điện sức về hết. Bạn đồng học năm, sáu người tuân lệnh
về làng; tức thì bị bắt làm án. Ông cử nhân ấy sợ trốn ra ngoại quốc, nghe nói
cha ông ta bị bắt giam, bức bách đủ cách, nhà ông trước cũng khá giàu, nay thì
đã nghèo xơ xác, mà cái lệnh bắt bớ đến nay (1911) cũng chưa đình,
như vậy thì không khác gì đẩy người ta ra ngoại quốc vậy.
Bà con của thân sĩ Quảng Nam và những người vô tội bị bắt giam
đánh khảo, nhiều không kể siết, án tù khổ sai từ 2 tháng đến 3 năm ước hơn
trăm"[66].
3/ Về việc chạy trốn, Nguyễn Bá Trác viết:
"Ngày tháng giêng năm 1908, tôi cùng mấy người bạn ra chơi
Bắc Kỳ, định ở lại Nam Định mà học. Đến tháng 3 nhân việc ngăn trở[67] phải đáp tàu về Đà Nẵng (Tourane).
Khi về đến nơi không tiện lên bờ, bèn chạy thẳng vào Quy Nhơn. Đến đấy đổ bộ đi
xuyên sơn vào Phú Yên, lẩn lút trong chừng 8, 9 tháng. Ngày 24 tháng chạp năm ấy,
mới đáp mành vào Nam Kỳ. Từ cửa bể Xuân Đài mà ra khơi. Đến ngày 7 tháng giêng
năm 1909, tới Mỹ Tho, lần vào Bến Tre, đến làng Tân Hướng tìm chỗ ngồi bảo trẻ.
Ngày tháng tư năm ấy, nhân theo bạn lên Sài Gòn mua sách vở. Đêm nằm nhà trọ
nghe người một bên nói chuyện đi Xiêm, nghe lỏm được kỳ tầu và cách đi, bèn xuống
tầu mà châm chước với một người thủy thủ. Được người ấy chịu lời rồi đêm mồng
ba tháng tư xuống tầu mà làm khách xuất dương từ đấy"[68].
Hạn mạn du ký là một áng văn hay, một tư liệu quý về số phận
những thanh niên theo Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, như Lê Dư, Nguyễn Bá
Trác, trong vụ khủng bố 1908 phải chạy trốn: sang Nhật. Nhật đuổi. Sang Tàu.
Cuối cùng, nhớ nước, phải quay về đầu thú.
4/ Kết toán các sự kiện về Phan Khôi: Phan Khôi ra Hà Nội giữa
tháng 2, tháng 3 bùng nổ vụ Trung Kỳ dân biến, Phan Khôi cùng các bạn theo thầy
Nguyễn Bá Học về Nam Định. Học được ba tháng thì bị bắt, khoảng tháng 6/1908 ở
Nam Định. Theo bản án triều Duy Tân ngày 29/8/1908, Phan Khôi bị đánh 100 gậy
và bị tù 3 năm, vì tội "tự tiện đi Bắc Kỳ không xin phép, và mặc đồ
Tây". Sau khi ra tù Phan Khôi còn bị quản thúc khá lâu: "Ra
tù từ năm 1911, cho đến năm 1917, chẳng có cơ hội nào cho mình vượt khỏi cổng
làng. Điều ấy, tự tôi lấy làm uất ức đã đành, mà tiên quân tôi, người lại còn
lo cho tôi hơn nữa. Muốn ra đi, cái chí của tôi ở chỗ khác; nhưng thầy tôi thì
chỉ mong làm sao cho tôi có đường xoay xở hầu mau thoát cái lốt tù"[69].
Về sự kiện này, Nguyễn Công Hoan đã xuyên tạc Phan Khôi bằng những
dòng như sau: "Trong những người bị bắt, người thì bị tử hình, người
thì bị chung thân khổ sai, hoặc hai mươi năm, mười năm, không rõ Phan Khôi đã
khai báo như thế nào, hắn chỉ bị giam một thời gian ngắn"[70].
Ở tù ra, Phan Khôi vẫn tiếp tục bí mật hoạt động cách mạng một
thời gian nữa. Nhưng lần này Phan Trân đổi ý, khuyên răn con, thậm chí van lơn
con đừng làm cách mạng nữa, vì nhà con một. Đó cũng là một trong những lý do
khiến Phan Khôi không tham gia khởi nghiã Duy Tân, 1916, nên không bị bắt.
♦ Nguời thầy đầu tiên Trần Quý Cáp
Phan Khôi học Trần Quý Cáp 10 năm, từ 1896 đến 1906. Trần
Quý Cáp (1870-1908), tiến sĩ khoa Giáp Thìn, 1904, Huỳnh Thúc Kháng đậu hoàng
giáp cùng khoa, và Phan Châu Trinh đậu phó bảng, 1901, là ba nhà lãnh đạo Duy
Tân. Trong ba người, Trần Quý Cáp hay chữ và nguy hiểm hơn cả, bởi ông trực tiếp
dậy học, hướng dẫn tư tưởng thanh thiếu niên. Học trò Trần Quý Cáp có đến nhiều
ngàn người. Phan Khôi, sau khi mẹ mất, được cha gửi đi trọ học trường Trần Quý
Cáp, thôn Thái La, làng Bất Nhị, trong 10 năm, từ 9 đến 19 tuổi. Phan tả lại cảnh
trường như sau: "Ở trong một xóm cuối làng, dân cư lơ thơ, nhà ở xen
với những đám ruộng thổ, một nếp nhà tranh đôi khi ở trong rừng mía rậm, ấy là
nhà của thầy tôi và cũng là trường học đó. (...) Thầy tôi là trang quân tử
thanh bần, thiên hạ đều biết, quân trộm cướp cũng đã thấy mà chê rồi, nên dù ở
đó cũng chẳng ngại chi. Còn một lẽ nữa là cái cảnh tĩnh mịch đìu hiu lại rất lợi
cho sự học. Cái nhà ba gian hai chái, sườn bằng gỗ, rộng lòng căn. Trong nhà trừ
ba gian bàn thờ và một cái buồng ở góc, còn thì liệt ván cả. Một bộ ván cao ở
giữa là chỗ thầy ngồi; còn bao nhiêu ván thấp, cho học trò"[71].
Khoảng 1889-1896, học trò đông nhất, hàng ngày đến "nghe
sách" có đến trăm rưởi, hai trăm. Người không đến nghe, chỉ nộp bài,
cũng tám chục, một trăm. Mỗi kỳ khảo hạch, thầy phải chấm ba trăm quyển. Học
trò đến từ các nơi, có khi cả Phú Yên, Bình Định nghe tiếng trường lớn cũng ra
học. Phan Khôi viết:
"Thầy bước lên thì ngồi đó[72] quay mặt ra phía ghế xuân ý [73] coi rất nghiêm, vì bao giờ cũng khăn
đen áo rộng.
Sách giảng hàng ngày là kinh, truyện, sử, mà cứ ngày chẵn ngày lẻ
đổi khác nhau. Như ngày chẵn: Kinh thi, truyện Luận ngữ, sử Hán, thì ngày lẻ:
Kinh dịch, truyện Mạnh tử, sử Đường. Rồi theo đó cứ luân lưu mà giảng tiếp.
Thầy ngồi yên rồi, dưới nầy một trò nào chẳng hạn, chiếu theo
ngay mà mở ba cuốn sách, nhằm chỗ tiếp với hôm trước, theo thứ tự đè chồng lên
nhau và đem đặt lên ghế xuân ý, trước mặt thầy.
Đọc đi! Thầy truyền. (...) Rồi một người tốt giọng bắt đầu
đọc. Đọc chậm rãi mà ngân ngợi. Được vài ba tờ, tới chỗ thầy bảo dứt thì dứt. Đến
phiên thầy cắt nghiã."
Về "lương bổng" của thầy: "Thầy đối với
chúng tôi như chẳng thèm kể đến công dậy dỗ. Mỗi một năm hai lễ tết, đoan dương[74] và chánh đán[75] trò nào đi bao nhiêu thì đi, thầy chẳng
hề nói ít nhiều (...) Vì vậy nên một trường lớn như trường thầy tôi mà mỗi lễ tết,
thầy thâu vào không đầy trăm bạc"[76].
Năm 1906, Trần Quý Cáp được bổ chức giáo thọ phủ Thăng Bình. Ban
đầu ông không nhận, nhưng vì cảnh mẹ già, nghèo túng, và các bạn khuyên, ông nhận.
Việc làm của ông tại phủ Thăng Bình đã đưa đến kết luận của Charles trong bản
báo cáo đã trích dẫn ở trên. Huỳnh Thúc Kháng viết: "Khi tới trường,
tiên sinh mời thầy chữ Tây về dậy chữ quốc ngữ và chữ Tây, làm cho phong khí tỉnh
nhà được mở mới, như Diên Phong, Phú Lâm, Phước Bình. (...). Vì thế Tiên sinh
thành ra tấm bia cho phái cựu học nhắm vào"[77]. Rồi Trần Quý Cáp viết bài Sĩ
phu tự trị luận công kích đám "trung đẳng sĩ phu".
Tháng 3/1908, bùng nổ vụ Trung Kỳ dân biến. "Tiên sinh
tuy đã vào miền Nam, nhưng vì cớ lãnh tụ phái tân học, lại đề xướng dân quyền tự
do, cũng như cụ Tây Hồ vậy, làm cho nhà đương đạo Khánh Hoà chú mục, kiểm soát
thư từ ra vào thấy có đôi câu cho là chủ động, kết án "Mạc tu hữu"[78]. Tiên sinh lên đoạn đầu đài, thật là thê
thảm! Trong lịch sử huyết lệ, Tiên sinh là người thứ nhất!"
Huỳnh Thúc Kháng ghi rõ ngày 17/5 Mậu Thân, tức ngày
15/6/1908, Trần Quý Cáp bị xử tử tại Nha Trang.
Trần Quý Cáp là người hay chữ nhất trong ba vị lãnh tụ Duy Tân.
Về văn bản, Huỳnh Thúc Kháng cho biết: "Về thi văn của Tiên sinh
không lưu bản cảo, chỉ có đồng nhân cùng tôi còn nhớ đôi bài lượm lặt chép
thành tập, gửi nơi Tiêu Đẩu Nguyễn Bá Trác".
Phan Bội Châu viết: "Nhớ khi ông ra tới trường
chém, dao đã kề cổ, còn thung dung xin với quan giám trảm, cho đặt án đốt
hương, áo mão nghiêm trang, bái tạ quốc dân ngũ bái, rồi khảng khái tựu hình, sắc
mặt in như khi nhóm trò giảng sách."[79]
Trần Quý Cáp bị xử chém. Cái chết thảm khốc của người thầy đã in
dấu sâu đậm trong đời Phan Khôi và ảnh hưởng sâu xa đến đường lối văn hoá và sự
tranh đấu bất bạo động của Phan Khôi sau này.
III ● Con đường văn hoá
♦ Ảnh hưởng Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh
Người đầu tiên Phan Khôi chịu ảnh hưởng trong nghề báo là Nguyễn
Văn Vĩnh. Bởi lối viết vừa đàm vừa luận của Nguyễn Văn Vĩnh
trên Đăng Cổ Tùng Bá(1908) sau này thấy sống lại trong lối hài
đàm của Phan Khôi.
Nhưng Nam Phong là nơi khởi sinh nghiệp bút, với mục bình
thơ Nam Âm thi thoại. Bài đầu ít nhiều chịu ảnh hưởng bài Thơ Ta
thơ Tây (có lẽ là bài lý thuyết thơ sớm nhất của Việt Nam) của
Phạm Quỳnh viết năm 1917. Nam Âm thi thoạibình thơ theo lối Tầu, nhưng đã
có những nhận thức mới về ngữ học, đặc cách Phan Khôi: trực bút, cô đọng, dùng
chữ độc sáng, bất ngờ. Khi Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến viết thay, mục này không
còn thú vị nữa.
Từ 1917, Phạm Quỳnh đã viết phê bình văn học, nhưng cách phê
bình của ông -tóm lược tác phẩm, nói qua cái hay và cái dở- nay đã lỗi thời;
ngược lại, tiểu luận, triết học, ngữ học, biên khảo và dịch thuật của Phạm Quỳnh
có giá trị bất biến.
Phan Khôi viết phê bình văn học sau Phạm Quỳnh.
Bài Cái cười của con rồng cháu tiên trên PNTV số 84 ra
ngày 28/5/1931, là một sáng tạo độc đáo: Đọc Cay đắng mùi đời của Hồ
Biểu Chánh, ông chú ý đến ý nghiã trong cái cười của người Việt: tự nhận mình
là con Rồng cháu Tiên, nhưng vô ý thức, gì cũng cười, cười cả sự tật nguyền của
người khác, "cái cười vô nghiã lý, vô ý thức, cái cười vừa ngu dại, vừa
độc ác" ấy "đã thấm vào máu dân tộc nầy".Đây là bài
phê bình văn học theo lối xã hội học sớm nhất của văn chương Việt Nam. Bài này
đã làm Tản Đà nổi giận, viết loạt bài Bài trừ cái nạn Phan Khôi ở Nam Kỳ[80], buộc tội Phan phỉ báng dân tộc và
đòi "giết" Phan Khôi trên văn đàn.
Dù Phan Khôi chỉ cộng tác với Nam Phong trong hơn một năm, có
bài in trên báo từ tháng 2/1918 đến tháng 5/1919, nhưng chịu ảnh hưởng Phạm Quỳnh
khá rõ. Phan tiếc đã bỏ Nam Phong - có lẽ ngoài những lý do khác, còn có vấn đề
hai cá tính độc đáo không thể ngồi chung, Phạm Quỳnh nhỏ hơn Phan Khôi năm tuổi,
mà làm xếp, không dễ. Sau này, dù hai người có tranh luận, nhưng vẫn tương kính
nhau. Thời kỳ Nam Phong, Phan Khôi đã học được tinh thần phê bình, óc lý luận của
Phạm Quỳnh.
♦ Một đời tự học
Phan Khôi học chữ Hán với ông nội, cha và 10 năm với Trần
Quý Cáp, rồi tự học quốc ngữ và tiếng Pháp từ 1906; dịch Kinh Thánh trong 5 năm
1920-1925: những "trường rèn luyện" ấy đã tạo nên nhà báo và học
giả uyên thâm hai nền văn hoá Đông Tây. Phan Thị Nga, dưới dạng phỏng vấn Phan
Khôi và viết lại, ghi trên Hà Nội Báo về việc ông học tiếng Pháp như sau:
- "Ông xuống Nam Định học với ông Nguyễn Bá Học, gặp
thầy hay, ông thấy sức học mình tấn tới, nhưng rủi mới học được ba tháng ông lại
bị bắt giải về Quảng. Người ta kết án ông (ông Phan Thành Tài người Quảng Nam
(Bảo An tây) trước làm phán toà sau về dạy học can vào việc vua Duy Tân, bị xử
tử). Ba năm trong lao, ông tìm cách đưa sách vào học như Lecture courante,
Manuel v.v... Đọc sách chỗ nào không hiểu ông lại lật tự vị ra tra. Hồi ấy, ông
nghe nói có thày Ưng Điển dạy giỏi, ông viết thư nhờ thày Điển ra bài cho. Làm
đâu được vài bài vừa bị ông án Trần Văn Thống khám xét thâu hết sách Tây ta,
bút, giấy và nói một câu nghe rất ý vị: "Các anh còn học làm gì nữa vì có
ai cho các anh thi nữa mà học!"
Mãn tù ông ra Huế xin học trường dòng (...) ông vô học đứng chót
đội sổ trong hai tháng, qua tháng thứ ba đến kỳ hạch ông trở nên đứng đầu. Gặp
đại tang, ông thôi học, về quê mở lớp dạy chữ Nho và quốc ngữ. Hai năm sau có
nghị định bỏ thi, ông thôi dạy, bảo học trò: "Dạy các anh cho giỏi chữ Nho
tôi vẫn dạy được, nhưng bây giờ các anh học giỏi ra chẳng làm gì được hãy học
chữ Tây đi".
Thôi dạy, ông lại cắp sách đến trường học thầy Lê Hiển, ông cùng
học với học trò của ông. Qua năm sau, ông Nguyễn Bá Trác giới thiệu ông vào làm
Nam Phong. Ông bước vào nghề báo từ lúc ấy (1918) viết được một năm, ông xuống
Hải Phòng làm thơ ký cho Bạch Thái Bưởi. Đơn từ bằng chữ Tây ngăn ngắn ông có
thể xem được và viết được.
Thôi làm thơ ký, ông lại vào Nam viết cho Lục Tỉnh Tân Văn. Làm
được ít lâu, ông viết một bài kịch liệt quá, người ta buộc ông thôi, ông lại ra
Bắc làm cho hội Tin Lành. Ông chuyên dịch Kinh Thánh chữ Nho ra quốc ngữ.
(...). Ông sóng Kinh thánh Tây với Kinh thánh Tàu rồi dịch, chấm câu rất rành mạch.
Làm được một năm ông lại thôi, vào Nam kiếm việc"[81].
Từ 1911 đến 1917, Phan Khôi tìm cách thoát ly khỏi cảnh bị quản
thúc ở làng: "Ra tù từ năm 1911, cho đến năm 1917, chẳng có cơ hội
nào cho mình vượt khỏi cổng làng. Điều ấy, tôi tự lấy làm uất ức đã đành, mà
tiên quân tôi, người lại còn lo cho tôi hơn nữa. Muốn ra đi, cái chí của
tôi ở chỗ khác; nhưng thầy tôi thì chỉ mong làm sao cho tôi có đường xoay xở hầu
mau thoát khỏi cái lốt tù. Vậy mà năm 1918 ra Hà Nội làm Nam Phong tạp chí nửa
chừng lại bỏ mà về"[82].
Trong thời gian này, Phan Khôi vẫn liên lạc với những hoạt động yêu
nước. Phan Thành Tài, thầy dậy Pháp văn của ông tham dự vào cuộc khởi nghiã Duy
Tân năm 1916, bị tử hình. Phan Khôi cũng được Thái Phiên rủ vào, nhưng ông từ
chối. Vì cái chết của Trần Quý Cáp, nên Phan Khôi lựa chọn con đường văn hoá?
Vì ông không tin ở khả năng những người cầm đầu? Hay vì sự cấm đoán nghiêm ngặt
của cha? Nguyễn Công Hoan sẽ vin vào cớ Phan Khôi từ chối Thái Phiên để xuyên tạc
ông làm chỉ điểm cho Tây từ năm 1916.
Năm 1918, được Nguyễn Bá Trác mời vào Nam Phong. Đó là cơ hội tốt
để vào nghề cầm bút. Nhưng chỉ được một năm, Phan Khôi bỏ Nam Phong vào Nam và
tại Sài Gòn, ông lại gặp khó khăn với tờ Lục Tỉnh Tân Văn:
"Năm 1919 vào Sàigòn, trước làm cho Quốc Dân Diễn
Đàn, sau làm cho Lục Tỉnh Tân Văn, không bao lâu bị giải chức. Những lúc ấy, về
ở nhà, tôi đôi khi cũng nghĩ đến sự mình mà ân hận: Té ta tôi chẳng những là thằng
người không biết chiều đời mà còn là thằng con không biết chiều cha.
Ở Sàigòn về nhà đầu mùa thu năm 1919, nằm khoèo cho đến mùa xuân
năm sau, tôi thấy chán sự đeo đuổi theo đời, nhưng còn thấy chán hơn nữa là cái
cảnh phẳng lỳ với vợ với con. Ấy thế mà mỗi khi bẩm mạng cùng thầy tôi xin lại
đi nữa, thì người một hai ngăn trở không cho, lấy cớ rằng vận hạn của tôi còn xấu
lắm, dẫu có đi cũng chưa làm gì được. Tôi biết làm sao có được tự do như (...)
đây. Xin phép mà không được là phải chịu. Suốt một mùa đông tôi ngày nào cũng
phải nốc rượu và thường thường ban đêm trốn đi đánh cờ đánh kiệu ở nhà hàng
xóm"[83].
Những dòng tâm sự trên đây nói rõ nỗi khổ tâm của ông, trên đường
lập thân. Tháng 3/1920, một cơ hội nữa giúp Phan Khôi thoát ly gia đình lần thứ
nhì: Người em họ là Phan Hạnh chết tại Thanh Hoá, Phan được người chú ủy thác
ra Thanh lo mọi việc. Phan đưa hành lý của người đã khuất ra Hà Nội, định xuống
Hải Phòng lấy tàu về Trung. Nhưng tại Hải Phòng, tình cờ kiếm được việc làm thư
ký cho Bạch Thái Bưởi, lương tháng 50 đồng. Được 8 tháng, 1/5/1920- 31/12/1920,
Phan Khôi xin nghỉ vì điều kiện làm việc quá vất vả. Trong bài Bạch Thái
Công Ty thơ ký viên, ông có những lời chỉ trích sự bóc lột và khôn khéo của Bạch
Thái Bưởi, nhưng vẫn ngụ ý khâm phục. Sau này trong một bài viết khác, ông xác
định Bạch Thái Bưởi và Nguyễn Văn Vĩnh là hai nhân vật kỳ tài.
♦ 1921- 1925, dịch Kinh Thánh
Sở dĩ Phan Khôi xin nghỉ việc, vì ông đã tìm được việc mới ở Hà
Nội: dịch sách cho Hội Tin Lành của Mỹ, việc này vừa cao lương hơn vừa phù hợp
với chí hướng của ông: trau dồi tiếng Pháp và tìm hiểu tư tưởng Tây Phương -
Sau NVGP, người ta sẽ vin vào cớ này để buộc tội Phan Khôi làm việc cho Mỹ.
Phan Khôi nghỉ việc với Bạch Thái Bưởi ngày 31/12/1920, và có viết thư bảo đảm
báo trước một tháng. Như vậy có thể xác định: Phan Khôi đã nhận dịch Kinh Thánh
vào khoảng tháng 11/1920.
Phan Khôi viết: "Tôi đã từng dịch kinh điển đạo Cơ Đốc
từ tiếng Pháp và tiếng Tàu ra tiếng Việt Nam. Hồi đó tôi làm việc ấy dưới quyền
hai ông bà mục sư W. Cadman. Tuy họ coi tôi là người trọng yếu lắm trong việc dịch,
nhưng dầu đến một câu trong đó họ cũng không để toàn quyền về tôi. Gặp câu nào
nghĩa hơi khó một chút thì bà Cadman đem nhiều bổn sách ra mà đối chiếu -vì bà
biết đến 13 thứ tiếng- để chọn lấy nghiã nào đúng nhứt. Phần chúng tôi dịch chỉ
có bộ Tân ước và một phần ba Cựu ước thôi, song mất đến 5 năm mới thành"[84].
Bà Phan Thị Nga ghi lại việc ông dịch kinh Thánh như
sau: "Ông chuyên dịch Kinh Thánh chữ Nho ra chữ quốc ngữ, cứ theo
nguyên văn bên chữ Hán mà dịch thì người mình xem Kinh không thể hiểu được, vì
lối chấm câu chữ Hán không minh, ông sánh Kinh Thánh Tây với Kinh Thánh Tàu rồi
dịch, chấm câu rất rành mạch."[85]
Trong bài "Giới thiệu và phê bình Thánh Kinh
Báo", có một câu Phan Khôi xác định thời gian dịch Kinh
Thánh: "Sau hết, tôi xin có lời cảm ơn ông bà Mục sư Cadman đã gởi tặng
tập báo nầy cho tôi. Vì tôi làm chung việc dịch Kinh Thánh với ông trong 5 năm
(1920-1925), biết ông là người yêu lẽ thật, nên thấy trái thì nói, tôi chẳng lấy
làm ngại chút nào"[86].
Phước Nguyên, trong bài viết Quá trình phiên dịch Kinh
Thánh sang tiếng Việt[87], cho biết: Hội Công Giáo bắt đầu từ
dịch Kinh Thánh từ 1872 và Hội Tin Lành dịch từ 1916. Ông tìm lại lịch sử những
bản dịch xuất hiện từ 1892 đến 1919, và trong giai đoạn này, Kinh Thánh chỉ mới
được dịch từng phần. Với sự đóng góp của Phan Khôi, bộ Kinh Thánh mới hoàn tất
và được Hội Tin Lành in năm 1926. Phước Nguyên viết: "1923, Thánh
Kinh Hội Anh Quốc xuất bản Kinh Thánh Tân Ước tại Hà Nội. Toàn bộ Kinh Thánh được
thực hiện xong vào năm 1925, và xuất bản năm 1926 tại Thượng Hải.
Bản dịch này do một nhóm học giả gồm có cụ Phan Khôi, ông bà
giáo sĩ William C. Cadman, giáo sĩ John D. Olsen thực hiện với sự giúp đỡ của một
số thành viên khác trong đó có cụ: Trần Văn Dõng, sinh viên trường Cao Đẳng
Đông Dương, cụ Tú Phúc và vài học giả khác. Tuy nhiên người phiên dịch chính là
cụ Phan Khôi.
Trong suốt 70 năm qua, bản Kinh Thánh nầy được tục bản nhiều lần
tại Anh Quốc, Hong Kong, Hoa Kỳ, Đức, Đại Hàn và Việt Nam. Đây là bản Kinh
Thánh được ấn hành và sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Mặc dù chúng ta không có
số liệu thống kê chính thức nhưng ước tính mỗi lần tái bản Kinh Thánh từ 5000 đến
10.000 cuốn; trong suốt 70 năm qua, số Kinh Thánh phát hành đã được vài trăm
ngàn cuốn. Có lẽ đây là cuốn sách Việt Ngữ được phát hành nhiều nhất từ trước đến
nay".
Sau đó Phước Nguyên liệt kê việc dịch, hiệu đính và in kinh
thánh từ 1925 đến ngày nay ra chữ quốc ngữ và chữ nôm, và ông cho biết:
"Năm 1995, toàn bộ Kinh Thánh của Giáo Hội Tin Lành đã được
tái bản tại Đà Nẵng (Việt Nam). Bộ Kinh Thánh tái bản lần này là bản Kinh Thánh
1926. Việc tái bản này do Hội Thánh Tin Lành Việt Nam thực hiện với sự hổ trợ của
Thánh Kinh Hội Liên Hiệp (UBS). Đây là bản Kinh Thánh đầu tiên được phép in và
phát hành dưới chế độ cộng sản Việt Nam"[88].
Bây giờ, thử so sánh đoạn Chúa giáng sinh, trong kinh Tân Ước
qua hai bản Tin Lành và bản Công Giáo, để thấy cách dịch của Phan Khôi.
Phúc âm Matthieu - L'Évangile selon Saint Matthieu, bản Tin Lành
dịch:
Phúc âm Mã-Thi
Chúa giáng sinh
Sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu diễn tiến như sau: Cô
Ma-ri đã đính hôn với Giô-sép, nhưng khi còn là trinh nữ, nàng chịu thai do
Thánh Linh. "Giô-sép, vị hôn phu của Ma-ri là người ngay thẳng, quyết định
kín đáo từ hôn, vì không nỡ để nàng bị sỉ nhục công khai.
Đang suy tính việc ấy, Giô-sép bỗng thấy một thiên sứ đến báo mộng:
"Giô-sép, con cháu Đa-vít! Đừng ngại cưới Ma-ri làm vợ! Vì cô ấy chịu thai
do Thánh Linh. Ma-ri sẽ sinh con trai, hãy đặt tên là Giê-xu vì Ngài sẽ cứu dân
Ngài khỏi xiềng xích tội lỗi"[89].
Bản Công giáo dịch:
Tin mừng theo thánh Mát-Thêu
Truyền tin cho ông Giu-se
Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã
thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có
thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công
chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang
toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng:
"Này ông Giu-se, là con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về,
vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai
và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi
tội lỗi của họ"[90].
So sánh hai đoạn văn này, chúng ta thấy ngay tài dịch của Phan
Khôi: đoạn trên ngắn hơn đoạn dưới hơn một dòng, lại rõ nghiã và hay hơn. Ví dụ Évangiledịch
là Phúc âm, Hán Việt, hay hơn Tin mừng, thuần Việt. Không kể
sự vô lý ở đoạn dưới: chưa chung sống thì sao gọi là vợ chồng? Bản tiếng Pháp
phổ thông cũng ghi: "Marie, sa mère, était fiancée à Joseph - Bà
Marie, mẹ người, là vợ chưa cưới của Josep. Tóm lại: Bản Kinh Thánh phổ biến
hiện nay của Hội Tinh Lành, là do Phan Khôi, dịch giả chính đã dịch Tân ước và 1/3 Cựu
Ước. Ông đã làm trong 5 năm, 1921-1925.
Thời kỳ dịch Kinh Thánh là thời kỳ chủ chốt, đã rèn luyện ngòi
bút Phan Khôi. Nhờ sự tiếp xúc sâu sắc với Kinh Thánh, ông hiểu văn minh Tây
phương, từ nguồn cội. Ngoài ra, dịch là trường dạy ngôn ngữ, khiến sau này ở địa
vị "ngự sử văn đàn", không những Phan Khôi viết tiếng Việt đúng mà
ông còn đòi hỏi những nhà văn khác phải viết tiếng Việt cho đúng.
♦ Ba năm ở ẩn Cà Mau 1922-1925
Một dấu hỏi: Tại sao khoảng 1921-1922, Phan Khôi ở Hà Nội, có việc
làm: dịch Kinh Thánh và viết báo Hữu Thanh[91] và Thực Nghiệp Dân Báo, lại bỏ vào
Sài Gòn? Vậy Phan Khôi vào Sài Gòn là có "nhiệm vụ" gì, hay
chỉ tình cờ? Nhất là vào Sài Gòn rồi phải trốn xuống Cà Mau. Về việc này, Phan
Thị Nga viết: "Gặp hồi chưa có việc ông dùng thì giờ rỗi để học, ông ở
tại đồn điền của một bạn ở Cà Mau, đồn điền ấy hẻo lánh quá, không có ai nói
chuyện cho vui, ông vụt cầm bút viết bức thư thứ nhất, bức thư chữ Tây cho ông
Dejean. Rất ngạc nhiên và khen bức thư của ông viết trôi chảy, ông Dejean bảo
ông có thể dạy ông Phan trong 6 tháng, ông ta có thể viết được báo chữ Tây. Từ
đó về sau ông Phan thường dịch các bài của ông Dejean viết ở các báo Tây.
Lối học của ông Phan hồi ấy là gặp chữ chi khó là hỏi, hỏi rồi
tra tự vị lại cho chắc chắn và biên vào sổ con, gặp bài gì thích thì dịch"[92].
Phan An, Phan Cừ viết:"Do một sự việc gì đó, ông bị Pháp
tình nghi và đe doạ, nên phải chạy về Cà Mau ẩn náu nơi nhà người bạn làm chủ đồn
điền"[93].
Phan Thị Mỹ Khanh viết: "Rồi nhân có một vụ việc gì đó
xẩy ra ở thành phố, ông bị mật thám tình nghi, đe dọa, phải chạy xuống Cà Mau tạm
trú tại nhà một người quen thân làm chủ đồn điền tại đây. Thời gian ở ẩn ăn
không ngồi rồi khá lâu, mất đến gần 3 năm, nhưng cha tôi biết tận dụng nó để
làm một việc có ích là tiếp tục học tiếng Pháp bằng cách trao đổi thư từ, bài tập
qua đường bưu điện với một nhà báo người Pháp ở Saigòn, tên là Dejean..."[94].
Những thông tin trên đây đưa đến một số câu hỏi:
1- Nếu không có nhiệm vụ gì, tại sao đang có việc ở Hà Nội, Phan
Khôi lại vào Sài Gòn?
2- Phan làm gì mà bị Pháp tình nghi, phải chạy xuống Cà Mau ở ẩn
trong ba năm?
3- Phan vào Nam, phải chăng vì đã nhận được thông điệp của Phan
Châu Trinh từ Pháp? Vào Nam để bắt liên lạc với Nguyễn An Ninh? Người đầu tiên
trong nhóm Ngũ Long vừa từ Paris về nước năm 1922, đang sửa soạn phát hành báo
La Cloche fêlée? Việc ở ẩn ba năm tại Cà Mau, trong bài chỉnh huấn ông sẽ giấu
chính quyền cộng sản.
4- Việc Phan Khôi học tiếng Pháp với Dejean de La Bâtie, chứng tỏ
ông có liên lạc với nhóm Chuông Rè[95].
Trong thời gian ở ẩn tại Cà Mau 1922-1925, không những Phan Khôi
học tiếng Pháp hàm thụ với Dejean de la Bâtie mà còn tiếp tục việc dịch Kinh
Thánh. Sau này, có thể người ta đã chắp nối hai sự kiện: quen với Tây (Dejean
de la Bâtie) và làm việc cho Mỹ (dịch Kinh Thánh cho Hội Tin Lành) để xuyên tạc
Phan Khôi làm bồi Tây, bồi Mỹ.
♦ 1925, viết sách về Phan Châu Trinh
Tài liệu 241 của sở mật thám Nam Kỳ, mật báo của P. Arnoux ngày
1/6/1926, gửi thống đốc Nam Kỳ và Phủ toàn quyền Hà Nội, ghi:
"Tú tài Phan Khôi mà tôi đã báo Ngài cách đây mấy tháng như
là một đồ đệ của Phan Châu Trinh, đã viết một tác phẩm mang tên đơn giản là
"Phan Châu Trinh" tôi đã có trong tay tập sách đó với 94 trang đánh
máy (...) Kèm theo tiểu sử của Phan Châu Trinh, tác phẩm này chứa đựng các bình
luận về đời sống chính trị, tư tưởng, các dự án và công việc tuyên truyền ở
Đông Dương, ở Pháp và ở nước ngoài, những quan điểm chính trị của con người được
dân An Nam coi là nhà đại ái quốc. Nếu được in ra, chắc chắn sách này sẽ được
hoan nghênh và kích động những người An Nam đọc chống đối chính phủ bảo hộ
(...)
Phan Châu Trinh đã cho gọi tú tài Phan Khôi vào Nam Kỳ với ý đồ
cho y viết tác phẩm này và nhiều tác phẩm chính trị khác. Nhưng tình hình sức
khoẻ không cho ông ta thực hiện hoàn toàn ý đồ đó. Phan Khôi đang soạn thảo ra
một tác phẩm theo dạng đó với những thông tin do các bạn cũ thân cận của Phan
Châu Trinh cung cấp, trong đó có Huỳnh Thúc Kháng. Phan Khôi tính dựa vào nhà
in "Bảo Tồn thư xã" đang chuẩn bị ra đời để xuất bản tác phẩm của y
(...) Phan Khôi ở nhà họa sĩ Ky đường Martin des Pallières. Y quan hệ thường
xuyên với Nguyễn Pho và Dejean de la Bâtie"[96].
Theo mật báo này, ý đồ tiếp tục sự nghiệp của Phan Châu Trinh
khá rõ. Từ 1925 đến 1928, Phan Khôi viết cho Thần Chung, Đông Pháp, Văn Học ở
Sài Gòn và gởi bài cho Đông Tây ở Hà Nội. Hiện nay chưa in sưu tập các bài Phan
Khôi viết trong thời gian này. Đây là giai đoạn Pháp đã bình định nền cai trị,
với những yếu tố quan trọng:
- Đám tang vĩ đại của Phan Châu Trinh, mà Phan Khôi đã tham gia
tổ chức và viết bài Hiệu triệu quốc dân.
- Phan Bội Châu bị bắt, nhưng Pháp không áp dụng án tử hình, xử
vắng mặt trước đó, chỉ đem về quản thúc tại Huế: về việc này, Nguyễn Thế Truyền
đã góp phần quan trọng, cổ động trên báo La Paria và vận động Hội Nhân Quyền tại
Pháp.
- Sự tung hoành của ngòi bút Nguyễn An Ninh và Phan Văn Trường
trên các báo La cloche fêlée và L'Annam, tại Nam Kỳ.
- Sự vận động của Phạm Quỳnh qua các bài diễn thuyết tại các trường
lớn, trong chuyến đi Pháp 1922 dẫn đến việc Pháp cải cách giáo dục: bỏ ý định
Pháp hoá người Việt (thay chữ Hán bằng chữ Pháp). Lần đầu tiên mở cấp sơ học ở
Trung và Bắc, năm 1924, dậy tiếng Việt cho học trò từ nhỏ - Sẽ nói rõ hơn
trong chương Vụ án Nam Phong.
Dường như những yếu tố quan trọng này đã khiến Phan Khôi thấy sức
mạnh của ngòi bút, ông chuẩn bị bước vào giai đoạn nòng cốt: Phụ Nữ Tân Văn.
♦ 1928-1932: Thời kỳ Phụ Nữ Tân Văn.
Từ năm 1928 đến 1932, ngòi bút Phan Khôi tả xung hữu đột trong tất
cả các"mặt trận" tranh đấu xã hội và văn hoá. Hầu như ông chỉ ở
trong Nam, thỉnh thoảng có viết bài cho báo Bắc, nhưng Nam Kỳ vẫn là đất chính.
Lập luận đấu tranh dựa trên khí giới: phê bình.
1928: Phê bình Trần Huy Liệu trên báo Đông Pháp. Đặt vấn đề: Phải
viết sử cho đúng.
1929: Phê bình Khổng Giáo ở Thần Chung. Tranh đấu nữ quyền và
Đòi hỏiphải viết tiếng Việt cho đúng trên Phụ Nữ Tân Văn.
1930: Tranh luận với Phạm Quỳnh và Trần Trọng Kim trên
Phụ Nữ Tân Văn.
1931: Phê bình cuốn Cay đắng mùi đời của Hồ Biểu Chánh
trong bài Cái cười của con rồng cháu tiên trên PNTV. Đây là bài
phê bình văn học đầu tiên viết theo lối hiện đại.
1932: Công bố Một lối "thơ mới" trình chánh giữa
làng thơ và bài Tình già,cả hai được coi là bản tuyên ngôn
của Thơ Mới, trên Tập văn mùa xuân, báo Đông Tây, rồi PNTV.
Tư tưởng và phong cách Phan Khôi được xác định trong thời kỳ Phụ
Nữ Tân Văn, vừa cùng dòng chẩy với Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, trong việc dịch
thuật, giới thiệu tư tưởng Tây phương và đặt nền móng quốc ngữ bằng cách phát
triển từ vựng, nghiên cứu tiếng Việt. Lại vừa đối lập với hai vị học giả này,
trong cách đưa tinh thần phản biện vào triết học, sử học, văn học và xã hội học.
♦ Phan Khôi và cộng sản
Khi lên án Phan Khôi, người ta thường dẫn chứng rằng ông đã nói
hoặc viết câu này câu kia chống Đảng, chống Bác, là sai cả. Thực ra Phan Khôi
chẳng coi cộng sản ra cái gì, ông chống cái dốt, cái độc tài, cái thần tượng
hoá, và cái ngu dân, từ trước khi có Bác và Đảng viết hoa. Ngay từ năm 1930,
khi cộng sản mới nhen nhúm ở Việt Nam, ông đã viết mấy bài về cái ngu và cái dốt
của họ: như bàiQuân cách mạng đời nay[97] nói về việc ông tướng cách mạng Trần
Đại Lộc, dơ tay lên trán đỡ đạn; bài Quốc ngữ của bọn cọng sản[98] nói về việc cộng sản muốn sửa chữ: Pháp viết
là Fáp, gì viết là zì, đ viết là d. Ý ông: Nếu
chỉ muốn thay đổi quốc ngữ thì cũng chẳng sao, nhưng họ lại chủ trương đấu
tranh giai cấp mới bậy.
Bình sinh, ngòi bút Phan Khôi không sợ ai bao giờ: Năm 1906, ông
viết đơn kiện triều đình vì thi cử gian lận. Năm 1928, ông viết bài Cái dốt
của triều đình Huế[99] đại ý nói: Làm Hán Việt từ điển, mà
không biết từ điển với tự điển khác nhau như thế nào[100].
Năm 1928, bàn về việc cấm sách, ông viết: Ở
thế kỷ hai mươi, đâu đâu người ta cũng hô lớn nào tự do, nào tôn trọng quyền
ngôn luận, quyền xuất bản, mà lại có cái chuyện cấm sách mới lạ. "Vậy
thì chúng tôi viết đây để làm chi? (...) Một cuốn sách không cấm thì người ta
coi như thường, không chú ý. Đến cấm đi một cái, thì hết thẩy ai nấy đều chú ý
vào nó. Cấm đi, là muốn cho người ta đừng đọc, mà không ngờ lại làm cho người
ta càng đọc! (...) có nhiều cuốn sách hiển thánh rồi. Việt nam vong quốc sử và
Hải ngoại huyết thư đã hiển thánh hai mươi năm nay (...) Không có cái thú gì bằng
cái thú trong lúc trời mưa, đóng cửa cho chặt lại, rồi... đọc sách cấm! Cái thế
lực của sách cấm là như vậy, còn cấm sách nữa thôi?...[101].
Những lời này mà viết ngày nay thì bị coi là nói xấu Đảng, là phản
động, chẳng tờ báo nào dám in. Nhưng sự thần tình của một tác giả lớn là tuy
Phan nói phiếm về những việc dưới thời Pháp thuộc, cách đây 90 năm, mà lại rất
trúng với việc thời nay. Trong thuật ngữ văn học, người ta gọi đó là một nhà
văn có tính hiện đại.
Về chuyện cấm in, cấm sách, có một số bài của Phan Khôi, đăng
trên báo Trung Lập, Sài Gòn, 1930, được Lại Nguyên Ân sưu tầm. Nhưng khi in
thành sách, gia đình tự kiểm duyệt bỏ đi. Bản trên mạng lainguyenan.free.fr đầy
đủ hơn.
Trong số những bài bị bỏ, có bài Khoái cho ông Mussolini[102] vì nội dung khen Mussolini nên bị
loại, oan. Việc khen Mussolini, năm 1930, chẳng đáng xấu hổ, mà phải cắt,
vì lúc ấy, bộ mặt trái của đảng Phát-xít chưa được thế giới biết đến. Phan khen
cái gì? Phan khen Mussolini đã cấm tiệt thói ăn mày: khi nước Ý có nơi bị động
đất, gần 2000 người chết, vậy mà Mussolini cấm không được lập hội này hội kia
xin tiền. Gần đây nước Nhật vừa động đất, vừa sóng thần, vừa bể lò nguyên tử,
mà họ có ngửa tay xin tiền ai đâu? Mussolini chẳng được cái nết gì, nhưng ít ra
cũng được cái nết dạy dân không đi ăn mày. Mà cái nết ấy, dân ta, hiện nay đến
cả lãnh tụ, cũng còn đang cần phải dạy. Phan Khôi hiện đại là ở chỗ
đó.
Bài "Hơn hai trăm năm còn thúi" cũng bị cắt, vì ông kể
chuyện ngày 11/5/1930, "có một nhà nọ đào móng đặng xây nhà, trong
khi đào, phát lộ ra một cái quan tài xưa coi bề ngoài còn chắc. Người ta bèn mở
ra xem thấy thi thể đã nát rồi, chỉ còn có bộ xương và quần áo. Quần áo cái
dáng vẫn tươi tốt, nhưng khi động tới liền hoá ra tro. (...) Thế nhưng lạ một
điều là lúc dỡ ra, hơi hám xông lên vẫn còn thú nực thúi nồng (...) Vậy mới biết
giống người ta là giống thúi hơn hết thẩy mọi loài (...) Cái thúi hai trăm năm
còn chưa mấy chút; có cái thúi đến muôn năm, là kẻ "di xú vạn niên"
kia"[103].
Bài này chẳng hề nói động đến ai, chỉ nói chuyện... đào mả, tuyệt
không chạm huý, mà người ta cũng sợ "nhạy cảm" phải cắt đi.
Ý Phan Khôi: những kẻ nhất thời"vàng ngọc dát đầy, tiền hô hậu ủng" nhưng
chả biết mai sau thế nào, có "di xú vạn niên" chăng? Ví như
Tần Thủy Hoàng đốt sách? Thời ấy có mấy ai đọc sách, mấy ai biết chuyện? Nhưng
bọn nhà văn thường nhớ dai và bênh nhau xuyên thế kỷ. Đụng đến sách vở, thì hậu
quả khó lường.
Còn bài Thúi thây bị cắt là đúng lắm, vì Phan dám đụng
tới thây ông Lê Ninh. Từ 1930, Phan đã chẳng coi ông thánh này ra
gì: "An Nam ta hay mắng những người biết ăn mà không biết làm là
"đồ thúi thây". Kỳ thiệt An Nam ta thuở nay có mấy ai mà thây bị thúi
bao giờ. Duy thấy bây giờ cái thây ông Lê Ninh nước Nga bị thúi đó thôi. Việc đời
hay tréo nhau là vậy, ông Lê Ninh lại là người ăn ít mà làm nhiều!
Không biết hồi họ ướp xác ông thế nào mà ngày nay đến nỗi thúi
ra. Cứ theo tin mới đây thì xác ấy không thể để được nữa mà phải thiêu ra tro.
Nếu vậy thì ra khoa học ngày nay lại dở hơn ngày xưa.
Ai có tri thức khá một chút, há không biết bên Ai Cập đời xưa có
cái thuật ướp xác để lâu kêu là "momie" hay sao? (...) Xứ Nga lạnh
hơn Ai Cập, sao xác ông Lê Ninh lại thúi? (...) Đến như xứ An Nam mình, thuộc về
ôn đới, khí hậu điều hòa, có lẽ giữ xác được lâu mà không thúi chăng? Song ngặt
vì An Nam ta lại không có cái xác nào đáng ướp hết; cái thây nào cũng đáng để
cho thúi quách hết thẩy"[104].
Bạn đọc ngày nay phải phục Phan Khôi là tiên tri!
Những việc ông viết cách đây hơn 80 năm mà cứ như bây giờ. Văn học
gọi đó là tính hiện đại.
♦ Phê Bình Lãnh đạo văn nghệ và Nắng Chiều
Thời kỳ NVGP, Bài Phê bình lãnh đạo Văn Nghệ là tác phẩm
tiêu biểu. Phan Khôi vẫn "ngựa quen đường cũ", xử sự như dưới
thời phong kiến, nghĩa là nghĩ sao viết vậy. Ông kê khai toạc hết những nét
chính trong đời sống văn nghệ: kiểm duyệt lời nói, chữ viết, cấm phê bình, chỉ
đạo sáng tác, đàn áp nhà văn, thánh hóa lãnh tụ, bè phái văn nghệ.
1- "Tôi muốn nói sự thực"- Nhưng người ta bảo: "có
những sự thực không nên nói".
2- "Tôi muốn phê bình"- Nhưng người ta bảo, "phê
bình nội bộ thì được, không nên viết lên báo, bên địch chúng thấy chúng sẽ
xuyên tạc"
3- Về việc "giáo dục sáng tác": "Nhược bằng
bắt hết mọi người viết, phải viết theo lối với mình thì rồi đến một ngày kia,
hàng trăm thứ hoa cúc đều phải nở ra cúc vạn thọ hết".
"Đảng giáo dục Xuân Diệu làm cách mạng chứ có giáo dục Xuân
Diệu làm thơ đâu!"
4- Về sự đàn áp nhà văn: "Hỏi độc tội một Trần Dần
thôi là cái ngón chính trị tài tình lắm đấy, để cô lập Trần Dần và phân hóa những
người trong Giai Phẩm, cái ngón ấy đã thành công".
5- Về việc tôn sùng lãnh tụ: "Tôi còn nhớ có vị bắt lỗi
trong bài thơ Trần Dần có chữ Người viết hoa, lấy lẽ rằng chữ Người viết hoa chỉ
để xưng Hồ chủ tịch, thế mà Trần Dần lại viết hoa chữ Người không phải để xưng
Hồ chủ tịch. Tôi ngồi nghe mà tưởng như ở trong chiêm bao, chiêm bao thấy mình
đứng ở một sân rồng nọ, ông Lê mỗ tố cáo ông Nguyễn mỗ trước ngai vàng:
"Trong phép viết chỉ có chữ nào thuộc về Hoàng thượng mới phải đai, thế mà
tên Nguyễn mỗ viết thư cho bạn dám xài những chữ không phải thuộc về Hoàng thượng.
Nhân may cho tôi, tôi tỉnh ngay ra là mình đang ngồi ở trong phòng họp hội Văn
nghệ".
6- Về tính gian lận trong việc chấm giải thưởng văn học
54-55: "Cả ba ông Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Hoài Thanh đều có tác
phẩm dự thi mà đều ở trong ban chung khảo. Nếu ở trong ban chung khảo mà thôi
còn khá, thử điều tra lại hồ sơ, thì ba ông còn ở ban sơ khảo nữa, sao lại có
thể như thế? Trường thi phong kiến xưa, tuy có ám muội gì bên trong, chứ bên
ngoài họ vẫn sạch tiếng. Một người nào có con em đi thi thì người ấy có được cắt
cử cũng phải hồi tỵ, không được chấm trường. Bây giờ đến cả chính mình đi thi
mà cũng không hồi tỵ, một lẽ là ở thời đại Hồ Chí Minh, con người đã đổi mới,
đã liêm chính cả rồi, một lẽ trắng trợn vì thấy mọi cái miệng đã bị vú lấp".
Phê bình lãnh đạo văn nghệ trở thành kim chỉ nam cho các
nhà văn trên con đường đòi tự do tư tưởng. Dưới cái tựa: Phê bình lãnh đạo
văn nghệ, Phan Khôi phê bình cả lãnh tụ tối cao Hồ Chí Minh, điều không thể chấp
nhận được trong xã hội cộng sản.
Còn một tác phẩm nữa, hầu như không ai biết, đã bị chôn vùi, đó
là tập truyện ngắn Nắng chiều. Vào lúc "dầu sôi lửa bỏng", toàn
bộ NVGP đã bị đóng cửa được một năm, đang chờ lệnh của Đảng, Phan Khôi đem tập Nắng
chiều đến Hội Nhà Văn để in. Trong bài Tư tưởng phản động trong sáng
tác của Phan Khôi, Đoàn Giỏi viết:
"Tháng 12/1957, Phan Khôi đưa đến nhà xuất bản Hội Nhà Văn
một xấp bản thảo dầy, bên ngoài đề hai chữ "Nắng chiều"[105]. Mượn giọng đả kích, để công bố cho
hậu thế biết nội dung tác phẩm cuối cùng của Phan Khôi, Đoàn Giỏi đã bị trừng
phạt như một thành viên NVGP.
Nắng chiều, gồm những bài bút ký và tạp văn viết trong kháng chiến,
và mấy bài viết sau 1954: Cầm vịt, Tiếng Chim, Cây Cộng sản, Thái văn Thu,
Chuyện ba ông vua Càn Long, Quang Trung và Chiêu Thống, Giới thiệu Nguyễn Trường
Tộ.
Đoàn Giỏi đã giới thiệu từng văn bản một: Truyện Thái văn
Thu chống lại bạo lực cách mạng và sự đàn áp NVGP. Chuyện ba ông
vua... đả kích chế độ phong kiến ngày nay. Bài Nguyễn Trường Tộ so
sánh chế độ hiện hành với những triều đại phong kiến trước. Riêng hai
bài Cầm vịt và Tiếng chim, Phan Khôi "đánh vào vấn đề
căn bản của chủ nghiã Mác-Lê Nin", để xác định: Xã hội không có đấu
tranh giai cấp. Của ai người nấy ăn. Vấn đề đấu tranh giai cấp chỉ là kiểu rình
phần ăn của kẻ khác. Đoàn Giỏi trích một đoạn trong bài Tiếng chim của
Phan Khôi: "Một lần ở Cẩn Nhân, tôi ngồi nơi nhà sàn, thấy hai con quạ
rình bắt con gà con, một con bắt được bay ra đứng ở bờ ruộng, xé con gà ra ăn;
còn con kia bị gà mẹ chống cự, bắt không được, cũng bay ra đứng cạnh con quạ thứ
nhất, nó nhìn sững và đi đi lại lại, rồi cũng bay đi tuốt, nó không hề nói:
"Mầy phải cho tao với!"
Đoàn Giỏi giải thích như sau: "Vấn đề thứ nhất
Phan Khôi đặt ra là không có người bóc lột người. Vấn đề thứ hai là của ai người
ấy ăn. Cho đến thứ quạ kia còn biết giành giật cái miếng không phải của nó là
không ổn, và không hề nói: Mầy phải chia cho tao với"
Bài thứ nhì Cây Cộng sản được giới thiệu khá kỹ, Đoàn
Giỏi viết: "... Cây Cộng sản, ngay câu đầu, Phan Khôi đã chỉ ngay vào
Việt Bắc, quê hương cách mạng:
"Có một thứ thực vật nữa cũng như sen nhật bản, ở xứ ta trước
kia không có mà bây giờ có rất nhiều. Đâu thì tôi chưa thấy chỉ thấy trong mấy
tỉnh Việt Bắc không chỗ nào là không có". Đầu tiên Phan Khôi thấy nó rải
rác mấy nơi ở tỉnh Phú Thọ, và nhiều nhất là ở Thái Nguyên và Tuyên Quang. Nó mọc
trên thị trấn bị ta phá hoại "như rừng, ken kít nhau". Nơi gọi là Cỏ
Bù-xít vì nó có mùi hôi như con bọ xít, nơi gọi là Cây Cứt lợn, nơi gọi là Cây
chó đẻ. "Tên đều không nhã tí nào hết" thứ cây ấy những người có học
không gọi bằng Cây Cứt lợn dại, mà gọi bằng Cây Cộng sản".[106].
Rồi Đoàn Giỏi kể tiếp về gốc gác cái tên này: Phan Khôi bịa ra
là trước kia xứ ta không có cây này, người Pháp đem đến giồng ở các đồn điền cà
phê, cao su, rồi chẳng bao lâu nó lan ra, không diệt được, tình trạng này bắt đầu
từ những năm 1930-31, cùng lúc Đông Dương Cộng Sản Đảng bắt đầu hoạt động, "phong
trào Cộng sản cũng lan tràn nhanh chóng như thứ cây ấy, cũng không trừ khử được
như thứ cây ấy cho nên bọn Tây đồn điền đặt tên nó là "herbe
communiste", đáng lẽ dịch là cỏ Cộng sản, nhưng nhiều người gọi là Cây Cộng
sản. Nó còn một tên nữa rất lạ..."
Tên này là gì? Thì Phan Khôi lại bịa lời một ông già Thổ: "ông
nói tên nó là "Cỏ cụ Hồ". Thứ cỏ này trước kia ở đây không có, từ
ngày cụ Hồ về đây lãnh đạo cách mạng, thì thứ cỏ ấy mọc lên, không mấy lúc mà đầy
cả đường xá đồi đống, người ta không biết tên nó là gì, thấy nó cùng một lúc với
cụ Hồ về thì gọi nó như vậy".
Tại sao Phan Khôi đem Cây Cứt lợn, cũng gọi là Chó đẻ, là Bọ xít
"toàn những tên không nhã tý nào nào hết" để gọi nó là Cây Cộng sản
và Cỏ cụ Hồ?"[107]
Câu hỏi "ngây thơ" của Đoàn Giỏi chứng tỏ sự "đồng
loã" của ông với tác giảNắng Chiều. Và Đoàn Giỏi đã phải trả giá. Đây
là lần cuối cùng Phan Khôi dùng ngòi bút châm biếm của mình để chống lại sự độc
tài và dốt nát, mà ông đã mục kích và đả kích từ năm 1930.
Cũng về tập bản thảo Nắng chiều, Chế Lan Viên lại một lần nữa
hiện ra như một hung thần của trí thức và chữ nghiã qua sự mô tả của Đào Vũ:
"Đồng chí Chế Lan Viên lúc ấy có đọc bản thảo kia", "Đồng
chí Chế Lan Viên lúc ấy có phân tích nhiều mặt về những ám ý xấu xa, phản động
trong những “tìm tòi” ấy của Phan Khôi; và tỏ ý rất công phẫn. Chúng tôi cũng đồng
tình". Vẫn theo Đào Vũ, khi "Phan Khôi nói với chị Chế Lan Viên
nên về khuyên bảo anh ấy đừng đi theo lãnh đạo", thì Đồng chí Chế Lan
Viên "lên tận phòng của y cho một bữa nên thân. Những nào: Đừng cậy
già mà nói láo, đây ba mươi năm nữa cũng già, đồ đốn mạt đồ hèn v.v…"[108].
♦ Những ngày tháng cuối
Gia đình Phan Khôi nhận hậu quả cuộc "đấu tranh giai cấp" khi
ông đang ở Việt Bắc. Đào Vũ kể:
"Đồng chí cùng quê với Phan Khôi ôn lại chuyện nhân dân địa
phương căm thù định đến tàn phá nhà Phan Khôi từ phong trào bình
dân (1936) và cho biết, ý định ấy mãi đến sau cách mạng (sau
1945) mới thực hiện được: Những nương dâu phì nhiêu kia của Phan Khôi bà
con nông dân đã giành lấy về tay chia nhau trồng trọt, tre nhà Phan Khôi, vì
căm thù, bà con đốn không còn một gốc, nhà của Phan Khôi, bà con đập lấy gạch về
xây bao nhiêu hầm khắp làng để che chở cho dân làng kháng chiến trường kỳ. - Giữa
Phan Khôi và nông dân địa phương từ bao lâu, đã diễn ra một cuộc đấu tranh giai
cấp gay gắt"[109].
Sau Nhân Văn, Phan Khôi bị đuổi khỏi 51 Trần Hưng Đạo, Trần Duy
viết:"Cũng từ dạo ấy, tôi thấy sức khoẻ của ông Phan Khôi sa sút. Có lúc
thấy ông đi không vững. Có lúc thấy ông khó thở. Ông nói với tôi ông bị sốt thường
xuyên, xin được đi khám bệnh nhưng không ai ký giấy giới thiệu.
Một buổi chiều tôi đến 51 Trần Hưng Đạo thì gặp cảnh: Một quan
chức có quyền lực quát đuổi vợ chồng ông ra khỏi số nhà 51 Trần Hưng Đạo.
Người này quát lớn:
"Tống cổ thằng già khốn nạn này ra khỏi đây!"
Vợ ông, bà Huệ ôm chăn màn, sách vở; ông Phan Khôi lảo đảo theo
sau. Ra cổng gặp tôi, ông chào và nói:
"Thôi, anh về đi… Buồn không cần thiết!"[110]
Bị đuổi khỏi 51 Trần Hưng Đạo, Phan Khôi dọn về số 10 Nguyễn Thượng
Hiền rồi 73 Phố Thuốc Bắc. Lâm Bích Thủy, con gái nhà thơ Yến Lan, viết về căn
nhà cuối cùng này:
"Gia đình tôi ở phía dưới, giữa 5 gia đình khác, kề vách là
gia đình cụ Khôi. Phía ngoài căn nhà cụ là chân cầu thang của hộ bà Cán, đến bể
nước công cộng. Căn dành cho gia đình cụ là một cái buồng khép kín, rộng chừng
9 m2, bằng 3/4 gian nhà tôi, có thể đấy là nơi thờ cúng của chủ trước. Giữa nhà
tôi và nhà cụ là một cửa sổ nhỏ, to bằng bàn cớ tướng. Tôi thường ngồi cạnh cửa
sổ nhà cụ giặt giũ.
Ban đầu mới dọn về, tôi thấy ba tôi và các chú nhà thơ hay vào
phòng cụ Khôi uống trà, bàn chuyện thời sự, bình luận những bài thơ vừa đăng
báo; bọn trẻ chúng tôi chạy vô chạy ra nhà cụ để chơi với các anh các chị con cụ,
mọi người đều thân thiện, cởi mở. Thế rồi, dần dần tôi thấy có một điều gì đó,
lung lắm. Các cô các chú không xởi lởi như trước nữa. Trong cư xử tỏ ra dè dặt,
dò xét. Nhà cụ Khôi cứ vắng dần bóng người lớn, vắng dần tiếng trẻ. Không khí
trong ngôi nhà nặng nề, xét nét, xa lạ. Tôi hỏi má tôi "tại sao vậy?".
Bà nói nhỏ sợ người khác nghe: " Ông Khôi đang bị
coi là người cầm đầu nhóm Nhân văn - Giai phẩm, con không nên vào nhà
cụ, có người đang theo dõi nhà mình đấy…".Tôi không hiểu Nhân văn -
Giai phẩm là tội gì, nặng đến mức nào mà ai cũng sợ liên lụy đến như thế.
Tuy không nói ra nhưng ai cũng muốn chứng minh rằng mình không hề có quan hệ
thân mật với gia đình cụ Khôi. Họ tránh nhà cụ như thể nhà có bệnh dịch lây
lan. (...) Dường như gia đình cụ hiểu được điều băn khoăn của mọi người nên tế
nhị lấy báo dán kín cửa sổ lại. Lâu lâu tôi thấy cụ ngang qua nhà, vẫn dáng người
cao, nhưng gầy yếu hơn trong bộ đồ tây màu vàng nhạt, tóc còn lơ thơ vài cọng bạc
trắng, ẩn sau chiếc mũ phớt màu nâu. Trên tay cụ giờ có thêm chiếc ba-toong, gặp
ai cụ không nhìn, mắt hướng thẳng phía trước như chưa hề biết họ.
Như trước đây, tôi vẫn ngồi giặt bên bể nước, cạnh cửa sổ nhà cụ.
Tôi liếc nhìn cụ qua cửa sổ. Cụ ngồi trên giường, giờ cụ trầm ngâm, buồn buồn,
mắt nhìn đâu đâu, tôi thương cụ quá chừng. Có lần tôi nghe cụ ngâm bằng giọng
Quảng Nam: "Làm chi cũng chẳng làm chi / Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao
/ Làm sao cũng chẳng làm sao / Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi…"[111]
♦ Cái chết của Phan Khôi
Phan Cừ, Phan An viết: "Ông nằm quay mặt vào tường lặng
lẽ trút hơi thở cuối cùng, trong sự túc trực chăm sóc của bà vợ Nguyễn Thị Huệ
(...) Cỗ xe song mã màu đen quàn thi hài ông, đi sau là vợ con, cháu cùng một
vài bạn hữu tiễn ông lần cuối đến nghiã trang Hợp Thiện ở phía đông thành phố
Hà Nội. Trong chiến tranh, phần mộ của ông bị thất lạc"[112].
Phan Thị Thái viết: "Mộ cha tôi được ghi dấu bằng tấm
bia nhỏ mang tên: Chương Dân (...) Khoảng một năm trước khi mất, thầy tôi rất
buồn. Mỗi dịp nghỉ hè về thăm thầy, tôi thường thấy người ngồi bàn viết lách hoặc
đọc sách.
Có khi nằm đọc rồi ngủ quên nhưng hai tay vẫn giữ chặt quyển
sách dày cộm, hầu hết là sách chữ Hán. Hầu như thầy tôi không có thì giờ rảnh.
Sáng sáng đi vài ba đường quyền, ăn uống điểm tâm rồi ngồi vào bàn làm việc cho
đến tối. Chỉ có một tuần trước khi mất, vì quá đuối sức, người đành phải lìa
chiếc bàn và quyển sách. Gia tài lớn mà thầy tôi để lại cho chúng tôi là sách
và tất nhiều các bài viết, các bài nghiên cứu về tiếng Việt và chữ Hán. Chúng
tôi đã gìn giữ tất cả trước tác của thầy tôi trong nhiều năm và sau đó đã chuyển
giao cho Viện Hán Nôm để các đồng nghiệp của ông tiếp tục công việc nghiên cứu,
dịch thuật"[113].
Lâm Bích Thủy viết: "Chở linh cữu cụ là một chiếc xe
có hai con ngựa kéo bị che hai bên mắt, khoảng bảy hoặc tám người, kể cả người
đánh xe ngựa và ba tôi − nhà thơ Yến Lan. Nhưng điều để lại sau đám tang là sự
dè bỉu và mỉa mai đối với ba tôi mà người thời bấy giờ gọi là "thằng". Sáng
hôm sau, ngoài phố, họ kháo nhau bằng những câu: "Nghe nói ngoài gia
đình còn có thằng cha nhà thơ nào đó cả gan đưa đám lão Phan
Khôi". Giải thích điều này ba tôi nói: "Đó là đạo lý của
người Việt Nam − Nghĩa tử là nghĩa tận"[114].
Theo Lại Nguyên Ân, nghiã trang Hợp Thiện bị chiếm đất dần để
xây nhà. Năm 1970, nghiã trang này được chuyển lên Bất Bạt. Những ngôi mộ bị dời
đi, có đánh số, nhưng sau gia đình không tìm lại được. Tất yếu của định mệnh?
Hay là vẫn cố tình xoá dấu Phan Khôi?
Được biết những năm gần đây đã có ngôi mộ của Phan Khôi ở Điện
Bàn, chúng tôi hỏi nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân về việc này, qua điện thư ngày
27/7/2012, ông cho biết:
"Chuyện mộ Phan Khôi, thì con trai ông là Phan An Sa kể cho
tôi: Năm 1959 ông mất, được chôn cất tại nghiã trang Hợp Thiện, Hà Nội. Theo
anh Sa thì mộ ở phía đông khu nghiã trang. Khu nghiã trang này, từ những năm
1960 bị lấn từng phần làm một số cơ quan, xí nghiệp như nhà máy mỳ kẹo Hải
Châu, kho của mấy công ty thương mại quốc doanh, rồi phần giữa nghiã trang cũng
sớm bị dùng làm bãi chiếu bóng Mai Động, vv... Đến đầu những năm 1970 chính quyền
Tp. Hà Nội cho chuyển toàn bộ các ngôi mộ còn lại ở Nghiã trang Hợp Thiện lên
nghiã trang Yên Kỳ ở huyện Ba Vì (khi đó thuộc tỉnh Hà Tây), lấy đất xây thêm một
nhà máy dệt.
Theo tôi hỏi một số viên chức làm ở Cty quản lý nghiã trang Hà Nội,
thì các ngôi mộ chuyển lên chỉ được đánh số chứ không gắn bia mộ họ tên, phần họ
tên ở bia mộ cũ được ghi vào sổ lưu lại Cty quản lý nghiã trang, gia đình nào cần
tìm phải tới xem sổ lưu ấy để xác nhận lại vị trí mộ ở nơi mới Yên Kỳ.
Tuy vậy, các con ông PK tìm đến vị trí mộ ở Hợp Thiện theo trí
nhớ thì không thấy, đào cũng không thấy, hình như cũng không có hồi âm gì từ
thông tin về số mộ đưa lên Yên Kỳ, cuối cùng đành bốc một ít đất ở nơi mà họ nhớ
là nơi chôn lần đầu, đem về trong quê ở Quảng Nam chôn vào trong ngôi mộ trống,
tất nhiên có khắc bia họ tên lên đấy".
Điều mà Phan Khôi làm cho bà Cố cách đây hơn nửa thế kỷ,
tức là kiện cái chế độ phong kiến, để mộ của bà cố được trở về chôn ở mảnh đất
gia tiên, hiện chưa ai làm cho ông. Phan Khôi có mười con, bao nhiêu cháu? Nếu
ngày nay có một sự xám hối nào đó về phía chính quyền, hẳn không phải là những
lễ kỷ niệm, với những bài ca tụng vô bổ, mà là việc tìm lại hài cốt Phan Khôi
trong đám mộ ở Yên Kỳ, xác định ADN, để dựng lại ngôi mộ Phan Khôi, cho xứng
đáng với địa vị của một trong những nhà văn, nhà trí thức và tư tưởng hàng đầu
của Việt Nam trong thế kỷ XX.
[1] Phan Khôi bị cấm ở miền Bắc từ 1958 đến
1975 và sau 75, trên toàn thể đất nước. Khi chúng tôi đến gặp ông tại nhà, Tạ
Trong Hiệp chỉ vào tập ronéo cao vài thước, và nói: "Tôi đã xin được
của Thanh Lãng, lúc đó còn là giáo sư đại học văn khoa Sài Gòn đã sưu tầm những
bài viết trên báo xưa, bỏ tiền thuê người đánh máy, cho sinh viên học, trong đó
có khoảng 5, 6 trăm trang của Phan Khôi viết trên Phụ Nữ Tân Văn. Thế nào chúng
ta cũng phải đọc và giới thiệu Phan Khôi với giới trẻ ngày nay trong nước, vì họ
chẳng biết gì về ông này cả! (...) Nếu tôi có can đảm viết, có thì giờ,
và tôi không đau ốm quá, thì tôi sẽ viết về Phan Khôi, và sẽ đặt nhan đề là
Phan Khôi: Người Xa Lạ". Năm 1995, sưu tập của Thanh Lãng được in lại
dưới tiêu đề 13 năm tranh luận văn học (Văn Học, tp Hồ Chí Minh).
1996, cuốn Chương Dân thi thoại. 2001, cuốn Nhớ cha tôi của Phan
Thị Mỹ Khanh; và 2003 Lại Nguyên Ân bắt đầu xuất bản loạt Phan Khôi tác phẩm
đăng báo 1928, tất cả do cố gắng của nxb Đà Nẵng.
[2] Thu thanh 10/7/1996, phát trên RFI
tháng 12/96 sau khi ông qua đời về bệnh ung thư ngày 25/10/1996 tại Paris.
[3] Bài của Nguyễn Công Hoan không đưa
vào Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước toà án dư luận, Tạ Trọng Hiệp nhầm với
bàiMột nhà nho "tiết tháo": Phan Khôi của Phùng Bảo Thạch, được
đưa vào, trang 75-81.
[4] Lúc đầu Nguyễn Bá Trác làm chủ
bút phần Hán Văn. Lê Dư cộng tác sau.
[5] Tạ Trọng Hiệp trả lời phỏng vấn RFI,
phát thanh những ngày 15, 22 và 29/12/1996.
[6] Nhà thơ Lê Hoài Nguyên tên thật là
Thái Kế Toại, nguyên Đại Tá công an, trực thuộc A 25, đặc trách NVGP.
[7] Lê Hoài Nguyên, Vụ Nhân Văn-
Giai Phẩm từ góc nhìn một trào lưu tư tưởng dân chủ, một cuộc cách mạng văn học
không thành, mạng nguyentrongtao tháng 8/2010.
[8] Bài của Trần Duy không được đọc
trong buổi lễ.
[9] Trần Duy, Tưởng niệm về Phan
Khôi đăng trên Talawas ngày 18/6/2008.
[10] Lược truyện các tác gia Việt
nam, quyển II, của Trần Văn Giáp, Nguyễn Tường Phượng, Nguyễn Văn Phú, Tạ
Phong Châu, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1972, mục từ Phan
Khôi, số 50, trang 141.
[11] Cùng với Hoàng Tích Chu và Tạ Đình
Bính, cha của Tạ Trọng Hiệp.
[12] Phan Khôi, Rồng Nam, Thần Chung
số 38 (2/3/1929), sưu tập Lại Nguyên Ân.
[13] Nguyễn Đổng Chi, Quan điểm phản
động, phản khoa học của Phan Khôi phải chăng là học mót của Hồ Thích? Tập san
nghiên cứu Văn Sử Địa, Hà Nội, số 41, tháng 6/1958, tài liệu Talawas.
[14] Lý với thế: Hồ Thích với Quốc dân đảng, Đông
Pháp thời báo, Sài Gòn, số 807 (18/12/1928), Phan Khôi tác phẩm đăng báo 1928,
sưu tập Lại Nguyên Ân, trang 123-124.
[15] Phan Thị Nga (vợ Hoài Thanh), Lối
tự học của những bậc đàn anh nước ta, Hà Nội Báo, số 10 (11/3/1936). In lại
trong13 năm tranh luận văn học, tập I, Văn Học tp Hồ Chí Minh, 1995, trang
255-159.
[16] Thơ họa "Con rùa đá” của Tế
Hanh - 1957.
[17] Phan Thị Mỹ Khanh, Nhớ cha tôi,
nxb Đà Nẵng, 2001, trang 161.
[18] Phan Khôi, Cái thói nói tiếng
Lang Sa, Đông Pháp thời báo, số 733 (19/6/1928).
[19] Báo Độc Lập số 357 (1/5/1958), in lại
trong Bọn NVGP trước toà án dư luận, trang 138-139.
[20] Thơ họa của Nguyễn Công Hoan - 1957.
[21] Phan Thị Nga, Lối tự học của những
bậc đàn anh nước ta, 13 năm tranh luận văn học, tập I, trang 255-159.
[22] Bài in trong cuốn Chương Dân
thi thoại, nxb Đà Nẵng, 1996.
[23] Nxb Đà Nẵng, 2001.
[24] Nhiều chỗ ghi 1905, là sai, vì 1905
không có kỳ thi hương.
[25] Chúng tôi dùng bản Phan Thị Nga, năm
1936. Các con Phan Khôi sau này ghi là Ưng Diễn.
[26] Lương Thúc Kỳ, đỗ cử nhân 1900, làm
quan tại Huế, theo phong trào Duy Tân, sau có dạy trường Dục Thanh, trường đầu
tiên của phong trào Duy Tân, mở năm 1905 ở Phan Thiết, được ít lâu thị bị bắt.
Lương Thúc Kỳ mất năm 1947.
[27] Còn có tên là Phan Thị Yến, cùng chồng
và con chết vì bom tháng 9/1952.
[28] Khoa thi hương cuối, ở Bắc: 1915 và ở
Trung: 1918.
[29] Theo bản Phan Thị Nga. Các con
ông ghi là Lê Hiên.
[30] Trong hai bài: Địa vị của Thái
Phiên và Trần Cao Vân trong cuộc biến ở Huế năm 1916 (Sông Hương số 7-8-9
ra ngày 12/9-19/9 và 26/9/1936) và Mấy cuộc vận động quần chúng ở nước
ta (Sông Hương số 29-30-31 ra ngày 27/2- 13/3 và 20/3/1937), sưu tập Sông
Hương của Phạm Hồng Toàn; Phan Khôi nói rất rõ bối cảnh những cuộc cách mạng bạo
lực và phân tích sự thất bại của những phong trào này.
[31] Là bộ trưởng Nội Vụ trong chính phủ
liên hiệp lúc bấy giờ.
[32] Là em họ Phan Khôi. Phan Bôi tức
Hoàng Hữu Nam là Ủy viên Trung Ương Đảng, thứ trưởng Bộ Nội Vụ.
[33] Nguyễn Công Hoan, Hành động và
tư tưởng phản động của Phan Khôi cho đến thời ký toàn quốc kháng chiến, Văn
Nghệ số 12, tháng 5/1958.
[34] Do nhà xuất bản Văn Nghệ, Hoàng
Cầm trách nhiệm, in tại Hà Nội, 1955.
[35] Bản điện tử có vài chỗ sửa lại chữ của
Phan Khôi, ví dụ tấn sĩ thành tiến sĩ, có lẽ không nên.
[36] Theo Chuyện bà cố tôi của
Phan Khôi, Phụ Nữ Tân Văn, số 25, 17/10/1929, in lại trong Phan Khôi tác
phẩm đăng báo 1929, Lại Nguyên Ân, trang 228-234.
[37] Phan Khôi, Chuyện bà cố tôi,
bđd.
[38] Theo Chuyện bà cố tôi, bđd.
[39] Theo truyện ngắn Ông Năm Chuột, Văn
số 36 (10/1/1958), in lại trong Trăm Hoa đua nở trên đất Bắc của
Hoàng Văn Chí.
[40] Bài Đi học đi thi có tiểu
tựa: Ký ức lục của một vị lão Nho, ký tên Tú Vườn, in trên Sông Hương từ số
23 (7/1) đến 30 (13/3/1937), sưu tập Phạm Hồng Toàn.
[41] Ngày 23/4 Ất Dậu, tức ngày 5/6/1885.
[42] Ngày 26/9 Mậu Tý tức ngày
30/10/1888.
[43] Đi học đi thi, bđd.
[44] Ông Năm Chuột, bđd.
[45] Đi học đi thi, bđd.
[46] Đi học đi thi, bđd.
[47] Trong bài tự truyện Lịch sử tóc
ngắn đăng trên báo Ngày Nay năm 1939, Phan Khôi kể lại đầy đủ các chi tiết:
Từ 1906 trở về trước, đàn ông Việt Nam vẫn để tóc dài rồi búi lại đằng sau ót
thành một cái đùm. Ngoài Bắc thì đàn bà vấn tóc, còn từ Huế trở vào, đàn bà
cũng búi tóc, thành thử nhìn sau lưng có thể lẫn lộn đàn bà với đàn ông. Giữa
lúc toàn dân đang còn để tóc dài, thì vua Thành Thái đã cắt tóc ngắn, mặc đồ
Tây và ông bắt cận thần phải cắt tóc. Năm 1905, vua ngự giá vào Quảng Nam, bị
dân chúng chế nhạo. Năm sau, phong trào cắt tóc được Phan Châu Trinh phát động.
Phan Khôi viết:
"Mùa đông năm 1906, thình lình ông Phan Châu Trinh đi với
ông Nguyễn Bá Trác đến nhà tôi. Đã biết tin ông Phan mới ở Nhật về, tiên quân
tôi chào mừng một cách thân mật với câu bông đùa này:“Cửu bất kiến quân, quân
dĩ trọc!” Bấy giờ tôi có mặt ở đó, câu ấy khiến tôi phải chú ý xem ngay đầu ông
Phan. Thấy không đến trọc, nhưng là một mớ tóc ngắn bờm xờm trong vành khăn nhiễu
quấn.
Ở chơi nhà tôi ba hôm, lúc đi, ông Phan rủ tôi cùng đi sang làng
Phong Thử, nơi hiệu buôn Diên Phong, là một cơ quan của các đồng chí chúng tôi
lúc bấy giờ mới lập được mấy tháng. Tại đó, gặp thêm ông cử Mai Dị nữa, rồi bốn
người chúng tôi cùng đi thuyền lên Gia Cốc, thăm ông Học Tổn (...) Giữa bữa cơm
sáng đầu tiên, khi ai nấy đã có chén hoặc ít hoặc nhiều, ông Phan mở đầu câu
chuyện, nói:
− Người đời, nhất là bọn nhà nho chúng ta, hay có tánh rụt rè,
không dám làm việc. Mỗi khi có việc đáng làm, họ thường tìm cớ trách trút, có
khi họ nói: Việc nhỏ, không xứng đáng. Trong ý họ, đợi đến việc lớn kia. Nhưng
nếu họ đã có ý không muốn làm thì đối với họ việc nào cũng sẽ là nhỏ cả, thành
thử cả đời họ không có việc mà làm!...
Ông Phan lúc đó gặp ai cũng hay diễn thuyết. Những câu chuyện
luân lý khô khan như thế, mấy hôm nay ông đem nói với bọn tôi hoài, thành thử
khi nghe mấy lời trên đó của ông, không ai để ý cho lắm, cứ tưởng là ông phiếm
luận. Thong thả, ông nói tiếp:
− Nếu lấy bề ngoài mà đoán một người là khai thống hay hủ lậu
thì trong đám chúng ta ngồi đây duy có ba anh − vừa nói ông vừa chỉ ông Trác,
ông Dị và tôi − là hủ lậu hơn hết, vì ba anh còn có cái đùm tóc như đàn bà.
Cả mâm đều cười hé môi. Ba chúng tôi bẽn lẽn. Ông Phan lại nói:
− Nào! Thử “cúp” đi có được không? Đừng nói là việc nhỏ; việc
này mà các anh không làm được, tôi đố các anh còn làm được việc gì! Câu sau đó,
ông nói với giọng rất nghiêm, như muốn gây với chúng tôi vậy. Ông Mai Dị đỏ mặt
tía tai:
− Ừ thì cúp chứ sợ chi!
− Thì sợ chi!
− Thì sợ chi!
Ông Trác rồi đến tôi lần lượt phù họa theo (...) Ông Mai Dị được
hớt trước rồi đến hai chúng tôi. Mỗi người đều đầy ý quả quyết và tin nhau lắm,
chẳng hề sợ ai nửa chừng thoái thác (...) Ở Gia Cốc về, chúng tôi chưa về nhà vội,
còn định trú lại Diên Phong mấy ngày. Ở đó, chúng tôi yêu cầu các ông Phan Thúc
Duyện, Phan Thành Tài, Lê Dư cũng làm như chúng tôi; luôn với năm, sáu mươi vừa
người làm công, vừa học trò, đều cúp trong một ngày. Rồi hễ có vị thân sĩ nào đến
chơi là chúng tôi cao hứng lên diễn thuyết, cổ động, khuyến họ cúp thảy cả.
Trong số đó có ông tiến sĩ Trần Quý Cáp, thầy chúng tôi và các ông tú Hữu, tú
Bân, tú Nhự, còn nhiều không kể hết. Ít hôm sau, ông Huỳnh Thúc Kháng ở Hà Đông
ra, cũng cúp tại đó, chính tay ông Lê Dư cầm kéo hớt cho ông Huỳnh dù ông Lê
chưa hề biết qua nghề hớt là gì.
Hôm ở Diên Phong về nhà, tôi phải viện ông Lê Dư đi về với. Thấy
hai chúng tôi, cả nhà ai nấy dửng dưng. - Trước tôi mảng tưởng về nhà chắc bị
quở dữ lắm, nhưng không, thầy tôi tảng lờ đi, bà tôi càng lạnh lùng hơn nữa, chỉ
ba chặp lại nhìn cái đầu tôi mà chặc lưỡi. Dò xem ý bà tôi, hẳn cho rằng tôi đã
ra như thế là quá lắm, không còn chỗ nói! (...) Qua đầu năm 1907 giở đi, thôi
thì cả tỉnh nơi nào cũng có những bạn đồng chí về việc ấy (...) Lúc này không
còn phải cổ động nữa, mà hàng ngày có những người ở đâu không biết, mang cái
búi tóc to tướng đến xin hớt cho mình. Bởi một ý đùa, tôi đặt một bài ca dao
cho Đoan để mỗi khi hớt cho ai thì ca theo nhịp đó:
“Tay trái cầm lược,
Tay mặt cầm kéo,
Cúp hè! Cúp hè!
Thẳng thẳng cho khéo!
Bỏ cái hèn mầy,
Bỏ cái dại mầy,
Cho khôn, cho mạnh,
Ở với ông Tây!” v.v…
"Giữa lúc đó có lời phao đồn ở Diên Phong, chúng tôi hay cưỡng
bách người ta hớt tóc, đến nỗi khuyên không nghe mà rồi đè xuống cắt đi, thì thật
là thất thực, không hề có thế bao giờ. Sự cưỡng bách ấy nếu là có trong vụ
“xin xâu” năm 1908, do những kẻ cầm đầu đoàn dân thi hành. Tôi vắng mặt
trong vụ ấy, nhưng sau nghe nói lại rằng mỗi một đoàn dân kéo đi, giữa đường nếu
có ai xin gia nhập thì đều buộc phải hớt tóc; hoặc khi đoàn dân nghỉ ở một cái
chợ thì người cầm đầu đứng ra diễn thuyết, bắt đàn ông trong chợ đều phải hớt
tóc rồi mới cho nhập bọn đi theo mình. Cũng nhờ vậy mà sau vụ này, thấy số người
tóc ngắn tăng giá lên rất nhiều. Hớt tóc cũng là một cớ buộc tội trong vụ án
năm 1908 ở mấy tỉnh Trung Kỳ. Làm người không có việc gì cả, chỉ đã hớt tóc mà
cũng bị ghép vào mặt luật bất ưng vi trọng, phải 18 tháng tù. Lại, cuộc phiến
loạn năm 1908 ấy, trong các ký tài của người Pháp cũng gọi là “cuộc phiến loạn
của đảng hớt tóc” (Révolte des cheveux tondus). Xem đó đủ thấy hớt tóc ở thời đại
ấy bị coi là nghiêm trọng dường nào. (Trích Lịch sử tóc ngắn, Tự
truyện của Phan Khôi, Ngày Nay số 149, 15/2/1939), in lại trong 13 năm
tranh luận văn học, tập III, trang 535-543).
[48] Sông Hương số 7-8-9 ra ngày
12/9-19/9 và 26/9/1936.
[49] Sông Hương số 29-30-31 ra ngày 27/2-
13/3 và 20/3/1937.
[50] Là người sẽ đuợc trao nhiệm vụ cha
nuôi Hoàng tử Vĩnh Thụy, tại Pháp.
[51] Theo mạch văn của bài này thì
Charles muốn nói: đầu tháng 11/1907, nhưng theo tài liệu của Lê Thị Kinh thì
Phan ra Bắc từ tháng 7/1907.
[52] Trích báo cáo của công sứ Quảng Nam
Charles từ 9/1906 đến 3/1908 về Phan Châu Trinh và phong trào Duy Tân, Lê
Thị Kinh, Phan Châu Trinh trong những tài liệu mới, Tập I, quyển I, trang
47-52.
[53] Quan coi việc học của một Phủ.
[54] Ở Bình Định, chú thích Lê Thị Kinh.
[55] Charles, bài đã dẫn.
[56] Là báo của Ernest Babut và Đào
Nguyên Phổ, Phan Châu Trinh có cộng tác.
[57] Trích hồ sơ thẩm vấn Trần Quý Cáp, số
79, Lê Thị Kinh, Phan Châu Trinh qua... Tập I, quyển 1, trang 118)
[58] Lê Thị Kinh, Phan Châu Trinh qua...
Tập I, quyển 1, trang 120.
[59] Quan coi việc dạy học một huyện.
[60] Theo Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh
Nghiã Thục, chương XI.
[61] Nhiều nơi ghi tháng 2, vì không đổi
ngày ta sang ngày Tây. Nguyễn Bá Trác ghi rõ tháng 3/1908.
[62] Theo lời khai của Đoàn Thoại, Lê Thị
Kinh, Phan Châu Trinh qua... Tập I, quyển 1, trang 53.
[63] Hầu hết các tài liệu đều ghi ngày xử
Trần Quý Cáp là 17/5/1908. Chỉ có Huỳnh Thúc Kháng ghi rõ: ngày 17 tháng 5 năm
Mậu Thân. Vậy người ta đã chép ngày ta của Huỳnh Thúc Kháng, và thêm năm Tây
vào.
[64] Lê Thị Kinh cũng đưa ra giả thiết
này, Phan Châu Trinh qua... Tập I, quyển 1, trang 39.
[65] Trích châu bản số 9, triều Duy Tân,
Nguyễn Thế Anh, Cuộc kháng thuế miền Trung năm 1908 qua các châu bản triều
Duy Tân, Văn Vĩ dịch, Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên xb tại Sài gòn 1973, in
lại trong Phong trào Duy Tân, Nguyễn Q. Thắng, Văn Hoá Thông Tin, 2006,
trang 671-674.
[66] PCT, Trung kỳ dân biến thỉ mạt
ký, bản dịch Nguyễn Q. Thắng và Lê Ấm, in trong PCT cuộc đời và tác phẩm,
Văn Học, 1992, trang 321-322.
[67] Ý nói vụ Trung Kỳ dân biến.
[68] Trích Hạn mạn du ký - Bài ký của
người đi chơi phiếm của Nguyễn Bá Trác, nguyên tác chữ Hán, bản dịch in
trên Nam Phong, số 19 tháng 11/1919.
[69] Bạch Thái Công Ty thơ ký viên, Dân
báo, Sàigòn, số 201, số Tết 1940, tài liệu Lại Nguyên Ân.
[70] Nguyễn Công Hoan, Hành động và
tư tưởng phản động của Phan Khôi cho đến thời kỳ toàn quốc kháng chiến, Văn Nghệ
số đặc biệt thứ hai chống NVGP, số 12, tháng 5/1958, trang 14.
[71] Đi học đi thi, bđd.
[72] Tức là thày ngồi trên ván cao
kê giữa nhà.
[73] Ghế để nghiên son bút son.
[74] Đoan ngọ.
[75] Nguyên đán.
[76] Đi học đi thi, bđd.
[77] Trích theo Tiểu sử Trần Quý
Cáp của Huỳnh Thúc Kháng, tiểu sử này ghi viết ngày 20/2/Mậu Dần
(21/3/1938), bản dịch của báo Minh Tân số 63, in năm 1959, in lại trong Trần
Quý Cáp của Lam Giang, Đông A, Sài Gòn, 1971, trang 10-16.
[78] Xử tội chẳng cần án.
[79] Phan Bội Châu, Văn khóc cụ nghè
Trần Quý Cáp, in trong Thi văn quốc cấm, Thái Bạch soạn, Sài Gòn, 1968,
trang 390.
[80] An Nam tạp chí, Hà Nội từ số 26
(1/1932)
[81] Phan Thị Nga, Lối tự học của những
bậc đàn anh nước ta, Hà Nội báo, số 10, 11/3/1936, trích đoạn này dùng bản
Thanh Lãng soạn, tài liệu đánh máy, của Tạ Trọng Hiệp. Bản in
trong 13 tranh luận văn học bị cắt mấy câu.
[82] Bạch Thái Công ty thơ ký
viên- một tự truyện của Phan Khôi, Dân báo, Sài Gòn, số 201, số Tết, 1940,
tài liệu của Lại Nguyên Ân.
[83] Bạch Thái Công ty thơ ký viên, bđd.
[84] Bàn về việc dịch kinh Phật, Trung Lập
5/9/1931, Phan Khôi 1931, Lại Nguyên Ân sưu tầm, trang 352.
[85] Phan Thị Nga, bđd.
[86] PNTV, số 74 (16/10/1930), Phan Khôi
1930, LNA, trang 568.
[87] Phước Nguyên, Quá trình phiên dịch
Kinh Thánh sang tiếng Việt, Báo Linh Lực, 1/1996, baolinhluc.org
[88] Phước Nguyên, bđd.
[89] Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước do
Thánh Kinh Hội quốc tế xuất bản, Văn Phẩm Nguồn Sống phát hành, 1994, trích
Kinh Tân Ước, sách Phúc âm Mã-Thi, Chúa giáng sinh, trang 1.
[90] Kinh Thánh Tân Ước, nxb Thành Phố Hồ
Chí Minh, 2000, trang 68.
[91] Hữu Thanh là báo của Ngô Đức Kế, một
trong những người lãnh đạo phong trong trào Đông Du và Duy Tân, vừa từ Côn Đảo
trở về.
[92] Phan Thị Nga, bđd.
[93] Phan Khôi niên biểu, Chương dân thi
thoại, Đà Nẵng, 1996, trang 157.
[94] Nhớ cha tôi, Đà Nẵng, 2001, trang
39.
[95] Xin nhắc lại: Dejean de La Bâtie,
người Pháp lai, là đồng chí của Nguyễn An Ninh, từng làm chủ nhiệm báo La
Cloche fêlée (Chuông rè). Phan Văn Hùm trong Ngồi tù khám lớn (Bảo Tồn,
Sài Gòn, 1929. Phan Tùng Mai (con Phan Văn Hùm) tái bản, Sài Gòn, 1957) cho biết:
lần vào tù năm 1928, Dejean được giam cùng với người Pháp, còn Nguyễn An Ninh,
thì các cai tù Pháp rất nể trọng, gọi là Monsieur.
[96] Tài liệu của Lê Thị Kinh, in lại
trong Nhớ cha tôi, trang 279-280.
[97] Trung Lập số 6151 (20/5/1930).
[98] Trung Lập, số 6235 (1/9/1930). Phan
Khôi thường viết: cọng sản. Cả hai chữ cộng và cọng đều
dùng được.
[99] Đông Pháp, số 717 (8/5/1928).
[100] Phan Khôi giải thích: Tự là chữ,
mà từ là lời. Trong tự điển mỗi mục từ chỉ có một
chữ. Trong từ điển mỗi mục từ có thể có nhiều chữ ghép lại.
Nhưng không phải chữ ghép nào cũng được coi là từ để đem vào từ điển
được. Ví dụ, thiên mã thì gọi là từ được, vì đó là một cách nói đặc
biệt (expression), gần như một điển cố, chỉ việc vua Võ Đế nhà Hán có con ngựa
hay lắm, vua đặt tên là thiên mã, tức là ngựa nhà trời. Còn tẫn
mã (ngựa cái) hay dịch mã (ngựa trạm) thì không thể đem
vào từ điểnđược, vì nếu cứ lấy những chữ ghép tràn như vậy, thì phải bao
nhiêu từ điển cho đủ!
[101] Phan Khôi, Cấm sách, sách cấm,
Đông Pháp thời báo, số 763 (1/9/1928).
[102] Khoái cho ông Mussolini, Trung
Lập, số 6207 (28/7/1930).
[103] Hơn hai trăm năm còn
thúi, Trung Lập, số 6152 (21/5/1930).
[104] Thúi thây, Trung Lập, số 6216
(7/8/1930).
[105] Đoàn Giỏi, Tư tưởng phản động
trong sáng tác của Phan Khôi, Văn Nghệ số 15, tháng 8/1958, in lại
trong Trăm hoa đua nở trên đất Bắc của Hoàng Văn Chí.
[106] Đoàn Giỏi, bđd.
[107] Đoàn Giỏi, bđd.
[108] Đào Vũ, Tính cách vô lại và bộ
mặt chính trị nhơ nhớp của Phan Khôi ngày nay, Văn nghệ, số 12, tháng 5/1958 –
Số đặc biệt thứ hai chống NVGP.
[109] Đào Vũ, bđd.
[110] Trần Duy, Tưởng niệm về Phan
Khôi, Talawas 18/6/2008.
[111] Lâm Bích Thuỷ, Thủy chung tình
bạn sau linh cữu, tài liệu Talawas.
[112] Phan Cừ, Phan An, bđd.
[113] Phan Thị Thái, Nhớ cha tôi, học
giả Phan Khôi. 19/12/1996, Kiến Thức Ngày Nay.
[114] Lâm Bích Thuỷ, bđd.
No comments:
Post a Comment