LỜI
GIỚI THIỆU
Kỳ xuất bản cuốn
sách này lần thứ nhất, phát hành năm 1885 trên trang đề tựa được miêu
tả như sau: “Một luận văn dành riêng cho những ai chưa hiểu biết về
Minh Triết Ðông Phương và muốn hấp thụ ảnh hưởng của nó [1]”.
Nhưng chính cuốn sách này lại mở đầu như sau : “Những qui luật này
được viết ra để cho tất cả các hàng đệ tử”. Dĩ nhiên lời miêu tả
sau cùng thì rõ ràng và đúng hơn, trong đoạn lược sử của sách. Bản
nguyên tác của sách hiện nay là do Chơn Sư Hilarion đọc cho bà Mabel
Collins viết, khi bà ở trong một trạng thái thụ động như một đồng
tử. Bà là một mệnh phụ rất quen thuộc trong giới Thông Thiên Học; bà
đã một lần cộng tác với bà Blavatsky trong việc làm chủ bút tờ báo
Lucifer. Chơn Sư Hilarion nhận được bản nội dung sách này chính tự tay
Sư Phụ của Ngài, tức là Đấng Cao Cả mà các sinh viên Thông Thiên Học
một đôi khi gọi Ngài là Ðức Vénetian, nhưng Ðức Vénetian cũng chỉ
soạn thảo một phần của sách mà thôi. Sách này đã trải qua ba giai
đoạn mà chúng ta hãy lần lượt ghi như sau:
Mãi cho đến bây
giờ, tác phẩm này chỉ là một cuốn sách nhỏ, nhưng khi chúng tôi
thấy nó lần đầu tiên thì nó còn nhỏ hơn bây giờ. Ðó là một cuốn
sách viết tay trên những tờ lá gồi, cũ xưa đến đỗi ta không đoán tuổi
nó được, sách này cũ đến nỗi ngay trước Thiên Chúa Giáng Sanh, người
ta đã quên tên tác giả và ngày phát hành sách, nguồn gốc sách đã
bị quên lãng trong những đám mây mờ của thời tiền sử xa xôi. Sách
gồm mười tờ lá gồi và trên mỗi tờ chỉ có ba hàng chữ viết. Vì
trong một cuốn sách viết tay, trên lá gồi như thế, chữ được viết theo
dọc tờ giấy, từ trên xuống dưới (như chữ nho), chứ không viết xuyên
ngang trang giấy, từ trái sang phải như ta thường viết bây giờ. Mỗi
hàng chữ là một câu châm ngôn ngắn đầy đủ ý nghĩa.
Ðể cho ba mươi hàng
chữ này được trình bày rõ ràng minh bạch, trong bổn in này mà quí
bạn đang đọc đây, chúng được in bằng chữ sậm. Trong nguyên bản, có
những câu châm ngôn được viết theo một lối chữ Bắc Phạn cổ xưa.
Chơn Sư Vénetian đã
dịch sách này từ tiếng Bắc Phạn ra tiếng Hy Lạp để các môn đệ của
Ngài thuộc môn phái Alexandria đọc. Trong một kiếp, Chơn Sư Hilarion đã
là một môn đệ đó, mang tên là Iamblichus. Không những Ðức Vénetian
dịch các câu châm ngôn, Ngài còn thêm vào đó những lời giảng nghĩa
cần được đọc cùng với bản nguyên tác.
Thí dụ, nếu nhận
xét về 3 câu châm ngôn đầu tiên, ta thấy đoạn văn đầu số 4 (kế tiếp)
rõ ràng là dụng ý làm lời bình luận cho 3 câu trên, vì vậy, ta phải
đọc như sau:
“Ngươi hãy tiêu
diệt lòng tham vọng, nhưng hãy làm việc như những kẻ lòng đầy tham
vọng.
“Ngươi hãy tiêu
diệt lòng ham sống, nhưng hãy tôn trọng sự sống.
“Ngươi hãy tiêu
diệt lòng ham muốn sự tiện nghi, nhưng hãy sung sướng như những kẻ
chỉ sống để hưởng lạc thú”.
Tất cả những lời
giảng giải và bàn rộng của Chơn Sư Vénetian được in bằng chữ thường,
những lời này (cùng với bản nguyên tác của các câu châm ngôn) làm
thành cuốn sách đã được phát hành lần đầu năm l885, vì Chơn Sư
Hilarion dịch sách từ tiếng Hy lạp ra tiếng Anh nên mới có bản dịch
như ngày nay. Khi sách vừa được in xong, Ngài lại thêm vào đó những
câu chú giải riêng của Ngài rất có giá trị. Trong kỳ xuất bản thứ
nhứt, những lời chú giải này được in trên những trang giấy rời phía
sau phết keo để dán lên đoạn đầu hay đoạn cuối sách vừa được in xong.
Trong bổn in mà quí bạn đang đọc đây, những lời chú giải được xếp
đặt vào chỗ thích hợp, nhưng chữ được xếp nhỏ hơn và có in chữ
“Chú giải” ở phía trước mỗi lời chú giải.
Trong mỗi kỳ tái
bản về sau, người ta thêm vào đó những chương với lời đề tựa “Bình
Luận” và theo như tôi hiểu thì bà M.C. đã nghĩ rằng chính Chơn Sư
Hilarion đã cảm hứng bà, giống như khi bà viết nội dung sách đó. Tuy
nhiên, không phải đúng vậy đâu, vì bất cứ ai chịu khó đọc những lời
bình luận ấy cũng sẽ nhận thấy rõ ràng tác giả thuộc về một môn
phái Huyền bí học hoàn toàn khác biệt với môn phái các Chơn Sư
chúng ta [2].
Bài luận văn ngắn
và viết rất hay về “Nhân Quả” cũng do Chơn Sư Vénetian viết và được
thêm vào kỳ xuất bản đầu tiên của cuốn sách này [3].
Cuốn Ánh Sáng
Trên Đường Đạo là bài thứ nhất trong số ba bài luận văn hằng
giữ một vị trí độc đáo trong văn chương Thông Thiên Học, đó là những
lời chỉ đạo mà những vị đã đi trên Ðường Ðạo ban ra cho những kẻ muốn
noi theo Ðường đó. Tôi nhớ ông Subba Row, đã quá cố, có một lần nói
với chúng tôi rằng những qui luật này có nhiều mức độ ý nghĩa khác
nhau. Ông nói ta có thể học đi học lại những qui luật ấy như những
lời chỉ đạo thích hợp với mọi trình độ cao thấp.
Trước hết, chúng
thích hợp với kẻ chí nguyện – đang đi trên con Ðường Nhập Môn,
rồi kẻ nào đã thật sự bước vào con Ðường Thánh Ðạo lần thứ nhất,
cũng học lại những qui luật này một lần nữa, nhưng ở một trình độ
cao hơn. Người ta nói rằng sau khi đắc quả Chơn Tiên và đang tiến đến
những quả vị cao hơn, hành giả vẫn có thể học lại những qui luật
trên thêm một lần nữa, các qui luật này vẫn được coi như là những
lời chỉ đạo với một ý nghĩa cao hơn. Theo cách đó, đối với những ai
đã hiểu được trọn vẹn cái ý nghĩa thần bí của cuốn sách này, thì
sách sẽ đưa họ đi xa hơn là bất cứ cuốn sách nào khác.
Rồi đến cuốn “Tiếng
Nói Vô Thinh” do chính bà Blavatsky ghi chép lại cho chúng ta;
thực ra sách này ghi chép ba bài thuyết pháp của Ðức Aryasanga, Vị
Ðại Giáo Chủ (mà hiện nay chúng ta được biết là Chơn Sư Djwal Kul);
sau này, ba bài thuyết pháp đó được đệ tử của Ngài là Alcyone nhớ
và chép lại trên giấy. Sách ấy ghi những lời chỉ đạo khiến ta tiến
đến quả vị một vị La Hán. Trên nhiều phương diện, sách được soạn
thảo hoàn toàn khác với quan điểm của Chơn Sư Hilarion, thật vậy nếu
người sinh viên cần mẫn so sánh những điểm giống nhau và khác nhau
trong hai cuốn sách thì chắc đó phải là một công việc rất hứng thú.
Cuốn thứ ba trong
loại sách hướng dẫn ta trên Ðường Ðạo mới vừa được Alcyone đưa ra;
Alcyone chính là vị đã ghi chép dùm chúng ta các bài thuyết pháp
của Ðức Aryasanga. Trong cuốn “Dưới Chơn Thầy”, Alcyone nhắc lại
cho ta nghe những lời giáo huấn mà Chơn Sư Kuthumi mang ra dạy Alcyone
– với mục đích chuẩn bị cho ông được Ðiểm Ðạo lần thứ nhất.
Vì vậy, phạm vi cuốn sách thứ ba này nhỏ hẹp hơn các cuốn khác,
nhưng nó lại có ưu điểm là vô cùng rõ ràng và giản dị, vì những
lời giáo huấn trong sách phải làm sao cho một trí óc hồng trần rất
non nớt có thể thông hiểu được.
Cuốn sách viết tay
bằng tiếng Bắc Phạn tối cổ, là nguồn cội xuất xứ của cuốn “Ánh
Sáng Trên Đường Đạo” cũng được dịch ra tiếng Ai Cập, và nhiều
lời giải nghĩa của Chơn Sư Vénetian có các âm thanh giáo lý của Ai Cập
hơn là âm thanh giáo lý Ấn Ðộ. Dù Ai Cập hay Ấn Ðộ, thật là không
còn có một viên ngọc báu nào quý giá hơn tác phẩm này trong văn
chương Thông Thiên Học của chúng ta – không còn cuốn sách nào
khác có thể đền bù xứng đáng cái công phu học hỏi tỉ mỉ và cần
mẫn nhất của chúng ta. Nhưng xin hãy đọc đoạn văn trích trong lời nói
đầu của cuốn “Dưới Chơn Thầy”.
“Thật là chưa đủ
chút nào nếu ta chỉ nói suông rằng những lời dạy bảo này thật đúng
chơn lý và tốt đẹp: ai muốn thành công thì phải thi hành và tuân theo
đúng những lời chỉ dạy. Một người sắp chết đói mà chỉ nhìn ngó
đồ ăn và nói suông rằng: Ðồ ăn ngon quá ! Thì hắn có no bụng được
đâu ? Hắn phải thò tay gắp lấy ăn. Cũng giống như thế, thật là chưa
đủ chút nào nếu quí bạn chỉ nghe thấy lời Chơn Sư dạy thôi; quí bạn
phải thực hành điều Ngài dạy, phải theo dõi từng tiếng nói, phải
nhận xét từng dấu hiệu bóng gió xa xôi. Nếu quí bạn bỏ qua một dấu
hiệu hay một tiếng nói, thì dấu hiệu hay tiếng nói này sẽ mất đi
mãi mãi, vì Chơn Sư không bao giờ nói hai lần.”
Ðược soạn thảo
với mục đích rõ rệt là thúc đẩy sự tiến hóa của những kẻ đang đi
trên đường Ðạo, các cuốn sách này đưa ra những lý tưởng mà người
thế gian ít khi được chuẩn bị để có thể chấp nhận chúng. Con người
chỉ thực sự hiểu các lời giáo huấn nếu y áp dụng chúng trong đời
sống. Nếu y không thực hành những lời giáo huấn thì y không sao hiểu
được cuốn sách này, và sẽ nghĩ rằng đây là một cuốn sách vô ích
và không thực tế. Nhưng nếu quí bạn thành thực cố gắng sống theo
sách này thì ánh sáng sẽ chiếu rọi vào sách ngay. Chúng ta chỉ có
thể thưởng thức viên ngọc báu vô giá này theo cách đó mà thôi.
C.W.
LEADBEATER
Phần I: Nguyên tác: LIGHT ON THE PATH
Mấy qui tắc nầy viết cho tất cả các đệ tử: Con hãy
tuân theo.
Trước khi được thấy được, mắt phải ráo lệ.
Trước khi được nghe, tai phải thản nhiên.
Trước khi được nói trước các Chơn Sư, lưỡi phải hết năng lực
làm làm tổn thương kẻ khác.
Trước khi được đứng trước các Chơn Sư, Linh Hồn phải rửa
chân trong máu của trái tim.
1.- Hãy diệt lòng tham vọng. (Kill out ambition)
Chú giải: Lòng tham vọng là mối hại đầu, là tay cám dỗ mạnh
nhất khi con người vượt lên trên đồng loại. Hình thức đơn giản nhất của
lòng tham vọng là muốn được thưởng công : vì lòng tham vọng mà người có
trí, có tài luôn luôn xa lìa những mục đích cao siêu. Tuy nhiên, lòng tham
vọng là một ông thầy cần thiết. Sở vọng khi đã đắc thành thì vẻ đáng yêu
không còn nữa (biến thành tro bụi) giống như sự tử vong, ly biệt, chung qui
chỉ cho con người thấy rõ : lo cho mình là đi đến thất vọng.
Qui tắc thứ nhứt nầy xem qua dường đơn giản và dễ dàng,
nhưng con đừng vội bỏ qua. Bởi vì những tính xấu của hạng người thường
biến hình một cách tế nhị và thể hiện trở lại dưới một hình thức khác
nơi tâm người đệ tử. Ai cũng có thể nói: “Tôi không tham vọng”, nhưng
không dễ gì mà nói được: “Khi Đức Thầy xem rõ lòng tôi, Ngài sẽ thấy
lòng tôi hoàn toàn trong sạch”. Người nghệ sĩ chân chính vì yêu nghệ
thuật mà làm việc, đôi khi còn đi đúng con đường chính hơn nhà huyền bí
học tưởng mình là người siêu thoát, đã rời bỏ bản ngã, nhưng thực sự họ chỉ
mở rộng biên giới của kinh nghiệm, của dục vọng và chú ý đến những điều
khác của đời sống mình rộng lớn hơn. Nguyên tắc nầy cũng áp dụng cho hai qui
tắc có vẻ đơn giản dưới đây. Hãy suy gẫm để hiểu sâu xa và chớ để cho lòng
mình dối mình một cách dễ dàng. Vì hiện nay nơi ngưỡng cửa, một sự lầm lỗi
còn có thể sửa đổi. Nhưng nếu con dung dưỡng nó trong lòng thì nó sẽ một
ngày một lớn, đơm bông, kết trái, chừng đó con phải vô cùng đau đớn mới
diệt nó được.
2.- Hãy diệt lòng tham sống. (Kill out desire of life)
3.- Hãy diệt lòng tham sung sướng. (Kill out desire of comfort.)
4.- Hãy làm việc như những kẻ còn đầy tham vọng. Hãy kính trọng
sự sống như những người đầy lòng tham sống. Hãy vui sướng như những kẻ sống như
để hưởng vui sướng.
Hãy tìm trong tâm nguồn gốc của tội lỗi và diệt nó đi. Tội lỗi sống,
đâm chồi mọc nhánh trong tâm kẻ đệ tử chân thành cũng như trong tâm người tham
vọng. Chỉ có kẻ cương quyết mới diệt nó được. Còn kẻ yếu đuối thì chờ đợi cho
nó tăng trưởng, cho nó xum xuê, cho nó chết; nó là một loại cây cứ sống và lớn
dần kiếp nầy sang kiếp khác. Nó tạo quả khi con người đã sống chồng chất trong
vô số kiếp. Kẻ muốn để chân vào đường đạo pháp phải nhổ hết gốc rễ nó trong tâm
mình. Như thế tâm can sẽ đổ máu và trọn sự sống của con người dường như tiêu
tan hết. Đó là cuộc thử lòng phải chịu; nó có thể xảy ra ở nấc đầu trên cái
thang nguy hiểm đưa đến con đàng sống; nó có thể để trễ lại nấc thang chót.
Nhưng hỡi đệ tử, con hãy nhớ là con cần phải chịu cuộc thử lòng đó, và con hãy
tập trung tất cả mãnh lực của tâm hồn vào công việc đó. Con chớ sống trong hiện
tại, cũng đừng sống trong tương lai mà hãy sống trong Vĩnh cửu. Thứ cỏ hoang to
lớn đó không thể trổ bông nơi đây; chỉ có bầu không khí của tư tưởng vô thủy vô
chung mới tẩy sạch được vết nhơ bẩn của sự sanh tồn.
5.- Hãy diệt mọi ý thức chia rẽ. (Kill out all sense of
separateness)
Chú giải : Con chớ tưởng là con có thể sống riêng biệt với
những kẻ hung dữ, hạng người điên dại. Họ chính là con đó, mặc dầu họ ở
trình độ kém hơn người bạn hoặc Đức Thầy của con. Nhưng nếu con để nảy
sinh cái ý nghĩ con không liên đới với một điều nào hoặc một tội lỗi nào
tức là con tạo ra một nghiệp quả, nó sẽ buộc con vào điều đó hoặc người
đó, cho đến ngày nào tâm hồn con nhận thấy rằng nó không thể sống
riêng rẽ được. Con hãy nhớ rằng tội lỗi và nhục nhã của đời là tội
lỗi và nhục nhã của con, bởi vì con là một phần tử của thế gian;
nghiệp quả của con dệt chung và không thể tách rời Đại Nghiệp Quả được.
Trước khi con được giác ngộ, con phải trải qua mọi chỗ dơ cũng như chỗ sạch.
Như thế con hãy nhớ rằng cái áo dơ mà bây giờ con nhờm gớm có thể là cái áo của
con bữa qua hoặc bữa mai. Nếu con tỏ vẻ ghê sợ, thì khi nó đặt lên vai con, nó
sẽ càng bó chặt lấy con hơn. Kẻ nào có lòng tự kiêu về đức hạnh của mình tức là
dọn cho mình một chỗ trong vũng bùn nhơ. Con tránh, vì đó là điều nên tránh chớ
chẳng phải để giữ cho con được trong sạch.
6.- Hãy diệt ý muốn cảm giác. (Kill out desire for
sensation)
7.- Hãy diệt lòng khao khát tăng trưởng. (Kill out hunger for
growth.)
Tuy nhiên con hãy sống một mình cô đơn, bởi vì không sắc tướng
nào hay thứ gì ở ngoài Đấng Thượng Đế có thể giúp con được. Con hãy xem xét cảm
giác để hiểu biết nó, bởi vì chỉ có làm như thế con mới có thể bắt đầu khoa học
tự tri, và đặt chân lên nấc thang đầu. Con hãy tăng trưởng như đóa hoa, nó nảy
nở một cách vô tâm, nhưng tha thiết mở hồn ra với không khí. Con phải
làm cho tâm hồn con mở ra với Ðấng Vô Cùng như thế đó. Nhưng con phải vì
lòng ngưỡng mộ Đấng Vô Cùng mà phát triển năng lực và nét xinh tươi, chớ chẳng
phải vì ý muốn được tăng trưởng. Bởi vì, trong trường hợp thứ nhứt con
phát triển với một tấm lòng thanh khiết tốt tươi; còn trong trường hợp
thứ nhì, con chỉ làm cho kiên cố và làm tăng thêm lòng vị kỷ.
9.- Chỉ nên muốn thứ gì ở nơi con. (Desire only that which is
within you)
10.- Chỉ nên muốn thứ gì ở ngoài con. (Desire only that
which is beyond you)
11.- Chỉ nên muốn thứ gì không thể đạt được. (Desire only
that which is unattainable).
12.- Bởi vì ở nơi con có ánh sáng của thế giới, cái
ánh sáng duy nhất có thể chiếu rải trên Ðường Ðạo. Nếu con không đủ sức
nhận thấy ánh sáng đó nơi con, thì đừng tầm kiếm nó ở đâu vô ích. Nó
ở ngoài con bởi vì khi con đến được tới nó thì con đã mất bản ngã
của con rồi. Nó không thể đạt được bởi vì nó cứ lùi xa mãi. Con sẽ
bước vào trong ánh sáng, nhưng con không bao giờ rờ được Ngọn Lửa
Thiêng.
13.- Hãy muốn quyền năng một cách hăng hái. (Desir power
ardently).
14.- Hãy muốn an tịnh một cách chân thành. (Desir peace
fervently).
15.- Hãy muốn chiếm hữu trên tất cả mọi vật. (Desir
possessions above all).
16.- Nhưng mà những sở hữu đó phải hoàn toàn là sở hữu của
Linh Hồn trong sạch, và do đó, tất cả những Linh Hồn trong sạch đồng
hưởng như nhau, và chỉ khi nào tất cả đã hợp nhất thì những sở hữu đó mới
là sở hữu của tất cả. Hãy khao khát những sở hữu mà Linh Hồn trong
sạch có thể gìn giữ được, như thế con có thể xúc tích của quí báu cho
tinh thần hợp nhất của sự sống, đó thật là Chơn Ngã của con. Sự an tĩnh
mà con nên ao ước là sự an tĩnh thiêng liêng không thứ gì làm rối loạn được, và
trong sự an tĩnh đó Linh Hồn tăng trưởng như đóa hoa thiêng mọc trong đầm phẳng
lặng. Quyền năng mà con nên ao ước là quyền năng làm cho thiên hạ xem con chẳng
ra chi.
17.- Hãy tìm Ðạo. (Seek out the way).
Chú giải : Ba chữ nầy xem dường không mấy quan trọng để đứng
riêng thành một qui tắc. Người Ðệ Tử có thể nói: “Nếu tôi không tìm
Ðạo, thì tôi đâu có phí công nghiền ngẫm những tư tưởng đó ?” Tuy
nhiên, con chớ vội sang qua qui tắc khác. Con hãy dừng lại và suy nghĩ
trong giây lát. Có thật con hết lòng mộ đạo chăng ? Hay là con mơ màng
những nấc thang cao vót mà con sẽ leo đến, hay một tương lai sáng lạn mà con
sẽ thực hiện ? Con hãy coi chừng. Con phải vì Ðạo mà tìm Ðạo chớ chẳng
phải vì những bước đường tiến hóa mà con sẽ để chân tới.
Có một sự liên quan giữa qui tắc này và qui tắc 17 của
phần thứ nhì. Sau khi trải qua nhiều thế kỷ chiến đấu và nhiều trận
chiến thắng, con thắng được trận cuối cùng và đòi hỏi bí quyết cuối
cùng, thì bấy giờ con hãy tiến xa hơn nữa. Khi bí quyết cuối cùng của
bài học cao siêu nầy được tiết lộ, thì đệ tử sẽ tìm thấy trong đó bí
quyết của con đường mới - con đường dắt đến trạng huống ở ngoài mọi
sự kinh nghiệm của loài người và hoàn toàn ở ngoài tất cả sự tri giác
và tưởng tượng của loài người. Ở mỗi đoạn đường cần phải dừng lại
thật lâu và suy nghĩ thật kỹ. Ở mỗi đoạn đường cần phải hỏi mình xem
có chắc chắn là vì Ðạo mà tìm Ðạo chăng ? Con đường và sự thật hiện
ra trước, kế đó đến sự sống.
18.- Hãy tìm đạo bằng cách hướng vào nội tâm. (Seek the
way by retreating within).
19.- Hãy tìm đạo bằng cách can đảm tiến ra ngoài. (Seek the way
by advancing boldly without).
20.- Con chớ nên tìm đạo bằng một con đường thôi. Mỗi người,
mỗi khí chất và đối với mỗi khí chất dường như có một con đường thích ý nhất.
Nhưng con không thể đạt đạo chỉ bằng một sự chuyên tâm sùng bái, hoặc
bằng một sự chuyên tâm thiền định hoặc bằng tấm lòng hăng hái quyết
tiến, hoặc bằng xả kỷ hy sinh làm việc hoặc bằng quan sát sự đời. Mỗi con
đường chỉ có thể giúp cho kẻ đệ tử vượt qua một nấc thang mà thôi;
tất cả các nấc thang đều cần thiết để tạo thành một cái thang.
Những tính xấu của con người biến thành từng những nấc thang mỗi khi con
người vượt qua được chúng nó. Những tính tốt của con người cũng là
những nấc thang cần thiết không thể không có. Tuy nhiên, dù tính tốt tạo
ra một không khí thuận lợi và một tương lai tốt đẹp, nếu chỉ có tính
tốt không thì không ích gì. Kẻ nào muốn bước vào đường đạo phải biết
lợi dụng trọn cả bản tính con người của mình một cách khôn ngoan. Đối với
mỗi người tìm đạo thì chính mình là con đường, là sự thật, là sự
sống, nhưng muốn được thế con phải thấu triệt trọn cả cá tính của con và
nhờ đạo tâm tỏ ngộ, con nhận thấy cá tánh không phải là con mà là một
vật do con khó nhọc tạo ra để xử dụng, và nhờ nó để đạt đến sự sống
ở ngoài cá tính, khi con dần dần phát triển trí thông minh. Khi con
biết được vì lẽ đó mới có sự sống riêng tư, lạ lùng và phức tạp, - thì
bây giờ và chỉ lúc đó con mới thật sự bước vào đường Đạo. Hãy tìm Đạo
bằng cách đi sâu vào chốn uyên thâm huyền bí và vinh quang của chính con
người mình. Hãy tìm Đạo bằng cách phân tích mọi kinh nghiệm, xử dụng các
giác quan để hiểu biết sự tăng trưởng và ý nghĩa của cá tính, hiểu biết
vẻ tốt đẹp và sự tối tăm của những Điểm Linh Quang đương phấn đấu khó
nhọc bên cạnh con, cùng một nòi giống với con. Hãy tìm Đạo bằng cách
nghiên cứu những định luật sinh tồn, những định luật Thiên Nhiên và
những định luật siêu nhiên. Hãy tìm Đạo bằng cách kính cẩn phục tòng
ngôi sao lập lòe phát hiện trong tâm. Dần dần khi con càng để ý ngóng
trông, ngưỡng mộ thì ánh sáng ngôi sao càng tỏ rạng hơn. Bấy giờ thì
con có thể biết là con đã tìm được con đường Đạo, và khi con đi tới mút
con đường thì ánh sáng bỗng nhiên biến thành ánh sáng vô lượng vô biên.
Chú giải : Hãy đi tìm Đạo, bằng cách phân tách tất cả các
kinh nghiệm và con nên nhớ rằng, khi nói như thế, ta không bảo con: “Hãy
nghe theo sự cám dỗ của giác quan hầu hiểu biết nó như thế nào”. Con
có thể làm như vậy trước khi học đạo, nhưng bây giờ thì không. Khi con
đã có chí để chân vào đường đạo, con không thể sa ngã mà không hổ thẹn.
Tuy nhiên, con có thể càm thấy bị cám dỗ mà không kinh sợ; con có thể cân
nhắc quan sát, phân tách nó và tự tin nhẫn nại, chờ đợi tới khi nó
không còn ảnh hưởng được con nữa. Nhưng con chớ lên án những ai sa ngã,
con hãy đưa tay cho họ nắm lấy như đối với một người anh em đồng hành
chân còn vương nặng bùn nhơ. Hỡi đệ tử ! con hãy nhớ rằng cái hố giữa
người đức hạnh và kẻ tội lỗi tuy lớn, nhưng giữa kẻ đức hạnh và
người đã đến bờ giác sự phân cách lại còn rộng lớn hơn nhiều, và
giữa người đức hạnh và người sắp lên địa vị thần minh sự phân cách
thật không bờ bến. Vì thế con nên thận trọng, nếu không con tưởng là con đã
vượt lên khỏi quần chúng. Khi con bắt đầu tìm thấy con đường Đạo thì ngôi
sao của linh hồn sẽ chói sáng lên và nhờ ánh sáng đó, con sẽ nhận
thấy sự dày đặc lớn lao của cảnh tối tăm xung quanh. Lý trí, tâm tình,
đầu óc, tất cả đều tối tăm mù mịt cho đến khi con thắng được trận
đại chiến đầu tiên. Con chớ kinh khủng sợ hãi trước cảnh đó, mắt con cứ
chăm chăm nhìn vào ánh sáng nhỏ nhen và nó sẽ lớn dần. Nhưng nhờ thấy
cảnh tối tăm nơi con, con mới hiểu cảnh khốn khổ của những kẻ không
thấy một chút ánh sáng nào và linh hồn họ chìm trong bóng tối. Con chớ
trách họ. Con chớ nên ngoảnh mặt làm ngơ, mà hãy gắng sức nâng đỡ cái
nghiệp quả nặng nề của cõi đời đôi chút, con hãy phụ lực với vài bàn
tay mạnh mẽ đương ngăn cản không cho những thế lực hắc ám được hoàn toàn
thắng thế. Bây giờ con gia nhập một đoàn thể vui vẻ, nơi đó hiển nhiên
là con phải gánh vác một công việc nặng nề ghê gớm và buồn thảm vô
ngần, nhưng cũng đem lại hạnh phúc tuyệt trần luôn luôn tăng trưởng.
21.- Con hãy xem hoa nở trong cảnh êm lặng sau cơn giông
tố, mà trước đó không khi nào có được. Thân hoa sẽ mọc, sẽ lớn, sẽ
sanh cành, sanh lá, và nẩy mầm giữa cơn giông tố trọn cả thời kỳ chiến
đấu. Nhưng hoa không khi nào nở trước lúc bản ngã tiêu tan và tận
diệt; hoặc trước khi điểm Chơn linh đã tạo ra nó, coi nó như cuộc thử sức
và kinh nghiệm nghiêm trọng, trước khi trọn cả tâm phàm qui phục Chơn Ngã
cao siêu. Bây giờ sẽ hiện ra một cảnh yên tịnh, mường tượng như cảnh
sau cơn mưa lớn ở miền nhiệt đới, mưa tạnh gió tan, cảnh vật đổi thay trong chốc
lát. Tinh Thần sau cơn tả tơi với mưa sa, gió táp, bỗng nhiên yên tịnh và
trong chốn yên lặng tuyệt vời một cảnh nhiệm mầu phát hiện, khiến cho
linh hồn biết rằng mình đã tìm ra mối đạo. Con muốn gọi nó là gì tùy
ý, đó là tiếng nói cất lên ở nơi không có người nào cả, đó là một
sứ giả giáng lâm, vị sứ giả không hình không bóng, hay đó là đóa hoa
linh hồn đã nở. Không có cách nói bóng dáng nào miêu tả được điều
này. Nhưng người ta có thể cảm biết được sau khi tìm kiếm nó, mong
ước nó mặc dầu đang sống giữa cảnh ba đào khủng khiếp. Cảnh yên
lặng có thể phát hiện trong giây lát hay có thể kéo dài đến cả ngàn
năm. Nhưng rồi nó sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, con còn giữ được mãnh lực
của nó nơi lòng. Con còn phải bao phen chiến đấu và chiến thắng.
Thiên nhiên chỉ có thể tạm yên trong một khoảnh thời gian thôi.
Chú giải : Hoa nở tức là cái phút huy hoàng giác ngộ, đem
đến cho đệ tử đức tự tin, hiểu biết xác tín. Linh hồn trong giây lát
sững sờ, lạ lùng, sau đó là niềm hoan hỉ, đó là cảnh yên tịnh.
Hỡi đệ tử, con nên biết rằng những ai đã trải qua cảnh
yên tĩnh, đã nếm được sự an vui, và gìn giữ được mãnh lực của nó, những
kẻ đó mong ước cho con cũng được sống qua cảnh đó. Bởi thế khi đệ tử
đã đủ sức bước vào Ðền Minh Triết thì luôn luôn sẽ gặp Ðức Thầy ở
đó.
Kẻ nào hỏi, tất sẽ được. Nhưng kẻ phàm nhân hỏi mãi
cũng chẳng ai nghe. Vì họ chỉ hỏi bằng lý trí và tiếng của lý trí
tác động ở cõi trí mà thôi. Bởi thế ta chờ đến khi 21 qui tắc đầu
qua, rồi mới nói rằng kẻ nào hỏi tất sẽ được.
Đọc theo nghĩa huyền bí, là đọc với con mắt tinh thần.
Hỏi, tức là cảm thấy khao khát trong thâm tâm, thiết tha với nguyện
vọng tinh thần. Có sức đọc được tức là đã có năng lực để thoả mãn
sự khao khát đó một đôi phần. Khi đệ tử đã sẵn sàng để học, thì lúc
đó đệ tử được Đức Thầy thu nhận, tiếp rước và thừa nhận. Ðó là việc
dĩ nhiên, bởi vì người đệ tử đã thắp sáng ngọn đèn của mình và
không thứ gì có thể che án ngọn đèn đó. Nhưng trước khi thắng được
trận đại chiến đầu tiên thì không thể nào học được. Lý trí có thể
nhìn nhận sự thật, nhưng tinh thần chưa tiếp nhận được. Một khi đã
trải qua cơn giông tố và tìm được sự an tịnh, thì từ đó, lúc nào
người đệ tử cũng có thể học, mặc dù còn phân vân, ngập ngừng và ra
khỏi con đường chánh. Tiếng Nhiệm Mầu vẫn ở nơi tâm đệ tử, và dù
đệ tử bỏ hẳn Ðường Ðạo đi nữa, thì rồi một ngày kia tiếng đó sẽ
trổi lên, cắn rứt tâm hồn, chia đôi tình dục với thiên lương. Bây giờ
mặc cho phàm nhân kêu la tuyệt vọng, đệ tử sẽ về với Ðạo.
Vì thế ta nói: “Ước mong con được an vui”. Câu “Ta ban cho
con sự an vui của Ta”, chỉ để cho Đức Thầy dùng nói với những đệ tử
yêu quí đã giống như Thầy. Câu trên đây cũng có thể nói đi nói lại
hàng ngày một cách đầy đủ hơn với những kẻ chưa từng biết sự Minh
Triết Ðông Phương.
Con hãy xem xét ba Chơn lý [4]. Tất cả đều bằng nhau.
Phần II: Nguyên tác : LIGHT ON THE PATH - 1966
Trong chốn yên lặng của sự an tĩnh, một tiếng nói sẽ
vang lên. Tiếng đó sẽ nói: “Bao nhiêu đó chưa đủ, ngươi đã gặt, bây
giờ ngươi phải gieo”. Con sẽ vâng lời vì biết tiếng đó chính là sự
yên lặng.
Bây giờ con là một đệ tử, đủ sức đứng vững, đủ sức
nghe, đủ sức thấy, đủ sức nói, con đã thắng lòng tham vọng và đạt
được sự tự tri. Con đã thấy hoa tâm hồn bừng nở và đã nhận biết
nó, con đã nghe Tiếng Nhiệm Mầu – Con hãy đi đến Ðền Minh Triết và
đọc nơi đó những điều đã ghi dành để cho con.
Chú giải : Đủ sức đứng vững tức là có đức tự tin; đủ
sức nghe tức là đã mở cửa linh hồn, đủ sức thấy tức là có quan
năng nhận thức, đủ sức nói tức là có đủ năng lực giúp đỡ kẻ khác;
đã thắng được lòng tham dục tức là đã làm chủ và đã biết xử dụng
phàm ngã; đã đạt được sự tự tri tức là rút vào trong để xét đoán
bản ngã một cách vô tư; thấy được hoa linh hồn bừng nở tức là đã
thấy được nơi con trong chốc lát sự biến dạng của tâm hồn, nhờ đó
một ngày kia con sẽ trở nên bậc siêu phàm; nhận biết tức là đã hoàn
thành công việc lớn lao là ngó ngay ánh sáng chói lọi mà không nhắm
mắt và không hoảng sợ như đứng trước yêu ma ghê gớm. Ðiều đó đã xảy
ra cho một đời người và vì thế sự chiến thắng phải tan vỡ trong lúc
sắp được thành công.
Nghe Tiếng Nhiệm Mầu tức là hiểu rằng sự hướng dẫn
chính đáng duy nhất do nơi nội tâm mà ra, bước vào Ðền Minh Triết tức
là đạt đến một trạng thái trong đó có thể học biết được. Bấy giờ
con sẽ thấy những chữ viết bằng nét lửa và con sẽ đọc được dễ
dàng; bởi vì khi đệ tử sẵn sàng thì Thầy cũng sẵn sàng.
1.- Con hãy đứng bên ngoài cuộc chiến đấu sắp diễn, và
dù con chiến đấu, con không làm chiến sĩ. (Stand aside in the coming
battle, and though thou fightest be not thou the warrior).
2.- Con hãy tìm người chiến sĩ để người chiến đấu nơi con. (Look
for the warrior and let him fight in thee).
3.- Con hãy xin mệnh lệnh của người và tuân theo. (Take
his orders for battle and obey them).
4.- Hãy tuân lệnh người không phải như tuân lệnh một vị
chủ tướng, mà coi người chính là con, và xem lời nói của người như
là ý muốn sâu kín của con, bởi vì người là con đó, mặc dầu người
mạnh mẽ và sáng suốt hơn con vô cùng. Hãy tìm người, bằng không trong
cuộc chiến đấu sôi nổi, rộn ràng, con có thể đi qua mặt người mà
không nhận biết người và người cũng không biết con. Nếu tiếng kêu của
con thấu đến tai người được, thì lúc đó người sẽ chiến đấu nơi con
và lấp bằng sự trống rỗng buồn tẻ nơi lòng con. Nếu được như thế,
con có thể đi qua rừng tên mũi đạn mà không mệt mỏi, và luôn luôn
bình tĩnh đứng riêng qua một bên để người chiến đấu cho con. Bấy giờ
con sẽ không khi nào sai thất, đánh đỡ vô lối. Nhưng nếu con không tìm
người, nếu con đi qua mặt người, thì con sẽ không có ai bảo vệ cả.
Ðầu óc con sẽ rối loạn, tâm con sẽ bối rối và giữa cảnh mù mịt
của chiến trường, con sẽ hoa mắt không còn nhận biết đâu là thù, đâu
là bạn.
Người là con đó, tuy nhiên con vốn bị hạn chế và hay
lầm lạc. Người thì vững vàng vĩnh cửu; Người là chân lý trường
tồn. Một khi người đã vào trong tâm con và làm Chiến Sĩ của con thì
không bao giờ bỏ rơi con hẳn, và đến ngày đại thái bình người sẽ
nhập một với con.
5.- Hãy lắng nghe tiếng hát của sự sống. (Listen to the
song of life).
Chú giải : Trước hết hãy tìm nó và nghe nó ngay trong
lòng con. Ban đầu con có thể nói: “Nó không ở đó; khi tìm, tôi chỉ
thấy bất hòa thôi”. Con hãy tìm sâu hơn nữa. Nếu con thấy thất vọng
thì hãy dừng lại, rồi lại tìm sâu hơn nữa. Có một âm điệu êm đềm
tự nhiên, một nguồn bí ẩn trong lòng mọi người. Nó có thể bị che
án, hoàn toàn chôn lấp và chận nghẹt, nhưng nó vẫn ở đó. Con sẽ
tìm thấy đức tin, hy vọng và tình thương trong chốn sâu thẳm của tâm
con. Kẻ chọn con đường quấy là kẻ không chịu nhìn lại bản tâm và
bưng tai không nghe âm điệu du dương của tâm hồn cũng như y bịt mắt để
không nhìn ánh sáng của linh hồn. Họ làm vậy, vì họ cho rằng sống
theo dục vọng dễ dàng hơn. Nhưng bên trong của mọi sự sống có một sự
sống mãnh liệt không sao ngăn lại được; nguồn nước vĩ đại vốn ở đó.
Con hãy tìm nó, và con sẽ nhận thấy tất cả đều là một phần tử
của nó, cả đến những kẻ khốn nạn nhất, dù kẻ đó không nhìn nhận
điều này và mang lớp quỉ yêu ghê gớm. Chính vì thế mà ta nói với con
rằng, giữa đám chúng sinh mà con đang chiến đấu, tất cả đều là
những Điểm Linh Quang của Ðức Thượng Ðế. Cái ảo ảnh mà con đang sống
quá giả dối, cho đến đỗi khó biết được bắt đầu từ đâu, con sẽ nghe
được âm điệu dịu dàng trong tâm kẻ khác; nhưng con nên biết rằng nó
vốn ở ngay trong tâm con. Con hãy tìm nó nơi tâm con, và một khi con đã
nghe được nó rồi, thì con sẽ dễ dàng nhận biết nó ở xung quanh con.
6.- Hãy ghi sâu vào ký ức âm điệu con đã nghe được.
(Store in your memory the melody you hear).
7.- Hãy học bài học điều hòa nơi hòa điệu ấy. (Learn
from it the lesson of harmony).
8.- Bây giờ con có thể đứng vững như ngọn núi giữa trận
ba đào, vâng theo mệnh lệnh của người Chiến Sĩ, người chính thật là
con, và là vị chúa tể của con. Không nghĩ đến trận chiến đấu mà
chỉ nghĩ đến vâng theo lời người; không nghĩ đến kết cuộc của chiến
tranh, mà chỉ có một điều quan trọng là người Chiến Sĩ phải thắng,
và con biết rằng không bao giờ bại. Con vững vàng như thế, bình tĩnh
sáng suốt, xử dụng trí minh mẫn mà con đã hoạch đắc được trong đau
khổ, và trong sự diệt trừ sự đau khổ. Trong lúc con còn là người thường,
con chỉ nghe được từng đoạn của cuộc đại hòa tấu. Nhưng khi con đã
nghe được, con hãy ghi nhớ cho kỹ, đừng để mất một chút nào, và hãy
gắng sức học cho biết ý nghĩa của sự huyền bí bao xung quanh con.
Với thời gian, con sẽ không cần Thầy dạy nữa. Bởi vì mỗi cá nhân có
một cách nói, do đó mà cá nhân hiện tồn, sự sống có năng lực phát
biểu và không khi nào yên lặng, chỉ vì con điếc nên mới lầm tưởng là
không có. Sự sống là một bản nhạc. Con hãy học với nó để biết rằng
chính con là một thành phần trong cuộc hòa thanh, con hãy do nơi đó mà
học biết cách tuân theo mệnh lệnh của luật điều hòa.
9.- Hãy xem xét kỹ lưỡng mọi sự sống xung quanh con.
(Regard earnestly all the life that surrounds you).
10.- Hãy học xem tâm hồn mọi người một cách sáng suốt.
(Learn to look intelligently into the hearts of men).
Chú giải : Con hãy đứng trên quan điểm vô ngã tuyệt đối,
nếu không, sự thấy của con sẽ sai lạc, do đó trước hết phải hiểu
biết về vô ngã. Trí tuệ vốn vô tư, không ai là thù, không ai là bạn.
Tất cả đều là Thầy của con cả. Kẻ thù của con đều là một sự bí
ẩn cần phải giải quyết, dù phải bao nhiêu thế kỷ, bởi lẽ con cần
hiểu người. Bạn con là một thành phần của con, một sự nới rộng của
con người con, một câu đố khó hiểu. Có một vật khó hiểu hơn nữa
chính là lòng con. Khi nào những xiềng xích của cá tánh nới lỏng, con
mới có thể bắt đầu hiểu được sự bí mật sâu kín của bản ngã. Khi
nào con đứng ngoài bản ngã, con mới có thể hiểu được nó. Chừng đó
và chỉ chừng đó con mới có thể hiểu rõ và điều khiển nó được.
Chừng đó và chỉ chừng đó, con mới có thể xử dụng tất cả mãnh lực
của nó vào công việc phụng sự xứng đáng.
11.- Hãy hết sức chăm chú quan sát lòng con. (Regard most
earnestly your own heart).
12.- Bởi vì trong lòng con có ánh sáng độc nhất, nó soi
sáng cuộc đời dưới mắt của con. Con hãy nghiên cứu nhân tâm để hiểu
biết cái thế giới trong đó con đang sống và con là một phần tử của
nó. Hãy quan sát cuộc đời luôn luôn biến chuyển và thay đổi xung quanh
con, vì cuộc đời vốn cấu thành bởi tâm linh của thế nhân, và khi con
học để hiểu biết được cách cấu tạo và ý nghĩa của nhân tâm, thì
lần lần con sẽ có thể hiểu đời sống một cách rộng rãi hơn.
13. – Có hiểu biết rồi mới nói được. Con hãy đạt sự
hiểu biết rồi con sẽ có đủ lời.
Chú giải: Con không thể nào giúp đỡ kẻ khác được nếu con
chưa có sự hiểu biết chắc chắn về chính mình con. Khi con học xong 21
qui tắc đầu và đã bước vào Ðền Minh Triết, phát triển được quyền
năng, mở được tri giác, thì con sẽ tìm thấy nơi con một nguồn phát
sanh ngôn ngữ.
Sau qui tắc thứ 13 này, ta không thể thêm được lời gì
nữa vào những điều đã viết rồi. Những lời chú giải của ta, ta chỉ
viết riêng cho những người được ta ban sự an vui của ta, những người
có thể đọc được những điều ta viết với nghĩa sâu cũng như với nghĩa
cạn.
14.– Con đã xử dụng được giác quan bên trong, đã chiến
thắng được dục vọng của giác quan bên ngoài, đã chiến thắng được
dục vọng của linh hồn cá nhân và đạt được sự hiểu biết; giờ đây, hỡi
đệ tử con hãy chuẩn bị để bước vào đường Đạo một cách thực sự.
Con đường đã tìm thấy, con hãy sẵn sàng để tiến bước lên con đường
đã tìm thấy.
15.– Hãy hỏi đất, không khí và nước những bí mật mà
chúng giữ gìn cho con. (Inquire of the earth, the air and the water, of the
secrets they hold for you).
Nhờ mở được giác quan bên trong, con có thể hỏi được.
16.- Hãy hỏi các Thánh Thần của địa cầu những bí mật
mà các Ngài giữ cho con. (Inquire of the Holy Ones of the earth of the
secrets they holdfor you).
Nhờ chiến thắng được các dục vọng của giác quan bên ngoài con được
phép hỏi.
17.- Hãy hỏi bản thể sâu kín của con, Đấng Duy Nhất, cái bí quyết
cuối cùng mà người gìn giữ cho con qua các thời đại. (Inquire of the inmost the
One, of its final secret, which it holds for you through the ages).
Cuộc thắng trận to tát, khó nhọc, sự chiến thắng cái
dục vọng của cá tính là một công việc nghìn đời; vì thế con chớ
mong hưởng công lao trước khi trải qua nhiều đời kinh nghiệm. Khi ngày
giờ học qui tắc thứ 17 đã đến tức là con người sắp trở nên bậc siêu
phàm.
18.- Trí-huệ mà bây giờ con có được là vì linh hồn con
đã hòa đồng với tất cả những linh hồn trong sạch, và với bản thể
sâu kín nơi con. Ðó là một bảo vật của Thượng Ðế ký thác cho con.
Nếu con phụ lòng tin của Ngài, nếu con dùng trí huệ đó một cách sai
lạc hoặc bơ thờ, thì con vẫn có thể ngã xuống từ một địa vị cao
quí mà con đã đạt được. Có những bậc cao cả dù đã bước đến ngưỡng
cửa vẫn còn lui bước, vì lẽ không đương nổi trọng trách, không vượt
qua được. Vì thế con hãy luôn luôn để ý lo sợ khi nghĩ đến phút
nghiêm trọng đó và hãy chuẩn bị để chiến đấu.
19.- Có ghi rằng: Ðối với những bậc đã đến ngưỡng cửa
thần minh thì không còn qui luật nào mà dạy nữa, không còn ai dắt
dẫn nữa. Tuy nhiên để hướng dẫn đệ tử, cuộc chiến đấu cuối cùng có
thể diễn tả như thế này:
Hãy chú tâm vào cái gì không có thể chất cũng không có
sự tồn tại. (Hold fast to that which has neither substance nor existence).
20.- Hãy nghe theo tiếng nói vô thinh. (Listen only to the
voice which is soundless).
21.- Hãy chăm chú nhìn vào cái vô sắc đối với giác quan
bên trong và bên ngoài. (Look only on that which is invisible alike to the
inner and the outer sence).
Ước mong con được an vui.
HẾT
__________________
CHÚ THÍCH:
[1] Trong một kỳ tái bản về sau (1894) tác phẩm này
được gọi là “Một đoạn văn trích trong cuốn sách của “Những Giới
Luật Vàng Ngọc”. (Ary-Asanga).
[2] Trong những ‘ Bài diễn thuyết” về trước (1903) nói
đến “Ánh Sáng Trên Ðường Ðạo” được phát hành năm 1926 trong cuốn thứ
ba của bộ sách “Những bài diễn thuyết về con đường Huyền Bí Học”
xuất bản toàn bộ năm 1931, trang 619, bà Annie Besant nói những “Lời
Bình Luận” đó là do bà Mabel Collins viết ra theo sự cảm hứng của
Chơn Sư và thật là có giá trị, đáng cho ta đọc và nghiên cứu. Vậy
người sinh viên hãy tự mình xét đoán lấy. Trong bổn in này, những
lời Bình Luận” lại được xếp vào chỗ cũ; trong các kỳ xuất bản trước,
chúng không được in.
[3] Kỳ xuất bản chữ Việt đầu tiên nầy chúng không được in ra.
[4] Ba chơn lý Đức Chơn Sư nói đây có kể ở chương thứ
tám, của quyển “Mối tình của bông sen trắng”, một cuốn sách cũng do
Ngài truyền lại : có ba chơn lý tuyệt đối, không thể nào để mất
được. Tuy nhiên vì không có lời diễn tả ra nên bị chìm trong yên lặng.
a- Linh hồn con người vốn bất tử và tương lai của nó
phát triển huy hoàng không biên giới.
b- Nguyên lý sanh ra sự sống ở nơi chúng ta và ở ngoài
chúng ta, nguyên lý đó không khi nào chết, đời đời ban phước; nó không
sao thấy được, nghe được, cảm giác được nhưng kẻ nào muốn nhận thức
nó sẽ nhận thức được.
c- Mỗi người đều là người lập luật lệ cho chính mình
một cách tuyệt đối, vừa là người ban phát sự vinh quang hay sự tối
tăm cho mình, vừa là người cầm vận mạng mình, thưởng, phạt mình.
Ba Chơn lý nầy lớn lao như sự sống mà cũng giản dị như
một tâm hồn giản dị nhất. Hãy dùng nó làm món ăn cho kẻ đói.
No comments:
Post a Comment