Saturday, November 16, 2013

CÁC VẤN ĐỀ CỦA XÃ HỘI HÔM NAY - HUMAN LIFE AND PROBLEMS - Phần 1


LỜI NGƯỜI DỊCH
Thế Kỷ thứ 20 sắp kết thúc với những tiến bộ vật chất ngoài sức mơ tưởng của con người. Tuy đạt được thành quả vật chất đáng kể, nhưng con người vẫn không hạnh phúc, vẫn sống trong bất an, lo âu, phiền não và đang đứng trước hàng loạt thử thách cam go nhất, những căn bệnh thế kỷ gây nên những tệ nạn xã hội ngày càng bành trướng khắp nơi. Nguyên nhân của những tệ nạn xã hội này là do tâm con người không được huấn luyện, không loại bỏ được những ô trược cố hữu tham, sân si. Nếu nhân loại không thức tỉnh, cá nhân, gia đình và xã hội chúng ta ngày càng phải đối phó với những khó khăn hết sức nghiêm trọng.

Tác Phẩm Human Life and Problems của Đại-Lão Hòa-Thượng Tiến-Sĩ K. Sri Dhammananda, Tăng Thống Mã Lai- Tân Gia Ba, là một công trình khảo cứu rất công phu về những tệ nạn xã hội hiện đại, với cách trình bày, phân tích khéo léo cùng các giải pháp thực tiễn khoa học đầy tính thuyết phục và chan chứa tinh thần nhân đạo, giúp cho người đọc hiểu nguyên nhân của những tệ nạn ấy, đồng thời đáp ứng nhu cầu giáo dục, biện pháp cần phải có để giải quyết vấn đề.
Nhận thấy đây là một tác phẩm hết sức hữu ích và cần thiết cho mọi người, mọi gia đình, biết trách nhiệm và bổn phẩn của cha mẹ, vợ chồng, con cái, của mỗi công dân trước mối nguy cơ của những tệ nạn đang lan tràn trong xã hội, người dịch không ngại tài hèn trí thiển, lại một lần nữa, mạo muội đem tất cả lòng thành ra dịch, chỉ với tâm nguyện phục vụ Dân Tộc và Đạo Pháp.
Chúng tôi xin chân thành cảm tạ Chư Tôn Thiền Đức đã khích lệ, Quý Đạo Hữu Châu Kỳ-Diệu Thức, Trần Quốc Cường, Trần Minh Thư, đã tích cực bỏ nhiều thì giờ để sửa chữa và hiệu đính cùng các Đạo Hữu Nguyễn Thị Nhãn, Phan Thị Thu Hồng, Lê Thị Huệ, Phan Thị Yến Nhi, Phan Thị Yến Thu, Nguyễn Nam Hải, Minh Đắc Liêu Thành Hiệp, Lê Văn Phụng-Đặng Kim Sa, Nguyễn Thị Mai Hương, Nguyễn Hữu Tuấn, Nguyễn Thế Nhiệm-Phương Thị Tính, Nguyễn Nguyệt Ánh, Tâm Hoa Lê Nguyên Long-Tâm Bích, Quảng Đường Lê Thị Bính, Nguyễn Văn Lượng, Hình Văn Nghĩa-Diệu Châu, Phúc Hiền Ngô Trọng Vinh, Diệu Thuận, Đạt Lượng, Nguyễn Phổ, Minh Hỷ Phan Duyệt-Diệu Tâm, Trần Phụ, Nguyễn Phú, Trần Holly, Nguyễn Yêm, Nguyễn Cường, Ngô Hảo, Phan Thị Phượng, Huỳnh Thị Tuyết, Trần Minh Triết, Mai Huỳnh, Bùi Sáu, Ngô Thị Cháu, Tâm Hảo, Hàn Anh, Trần Quang Mùi, Phan Thị Cúc, Hồ Chẩn, Tâm Thanh, Hồ Tâm, Trần Hoi, Bùi Văn Hui, Nguyễn Vui, Nguyễn Thị Huệ, Trần Ngọc Thiêu, Nguyễn Quý Đường, Diệu Hiền, Quảng Lâm-Quảng Bình, Nguyên Giác-Quảng Duyên, Phạm Đình Khoát, Diệu Minh Trần Tố Nữ, Phùng Trí Quang, Nguyễn Thị Tuyền, Tommy Fong, Hi Ho Ho, Mây Cafe. Hong Kong Restaurant, Xiu Di Tan, Nguyễn Ngọc Hải, Tamara Logan, Kim's Restaurant, Golden Star Restaurant, China Palace, Shirley Tang, Lu Diem, Lu Lệ Bình, đã góp phần vào việc phát hành dịch phẩm này.
Chúng tôi xin hồi hướng công đức hoằng pháp này lên Ngôi Tam Bảo và cầu nguyện Hồng Ân Tam Bảo thùy từ gia hộ Quý Đạo Hữu cùng Bửu Quyến, thân tâm thường an lạc, hạnh phúc và các hương linh Châu Nguyệt Vân Thu, Nguyễn Thị Mỹ Linh, Lu Muội vãng sanh Cực Lạc Quốc.
Cũng như các lần trước, do giới hạn của loại sách song ngữ nên chắc chắn có nhiều thiếu sót, kính mong Chư Tôn Thiền Đức, các bậc thức giả cao minh, các bậc thiện trí thức, các bạn đạo ân nhân hoan hỉ bổ chính những sai lầm thiếu sót để cuốn sách đuợc hoàn chỉnh hơn trong kỳ tái bản.
Loài người chúng ta đã đạt được một mức tiến bộ quan trọng trên phương diện vật chất mà ở thế kỷ trước tiến bộ này chỉ là điều mơ ước. Những kỳ diệu của kỹ thuật tân tiến đã cho chúng ta sức mạnh to lớn vượt qua sức mạnh của thiên nhiên. Tuy đã thắng được nhiều thảm họa nhưng câu hỏi chủ yếu vẫn là: 'Chúng ta có hạnh phúc nhiều hơn ông cha ta trong quá khứ không?' Câu trả lời là'Không'.
Ngược đãi phụ nữ, trẻ em, kỳ thị chủng tộc, tôn giáo và tầng lớp xã hội thấp, ngăn cách mầu da và phân biệt đẳng cấp vẫn gia tăng không giảm sút.
Nhiều người vui hưởng tiện nghi vật chất lại đau khổ hơn những người 'nghèo' đồng loại. Bệnh tâm thần, tinh thần căng thẳng, cô đơn, là những vấn đề nghiêm trọng mà chúng ta phải đối phó trong xã hội hiện đại. Câu hỏi quan trọng là: 'Ai là người chịu trách nhiệm về những tội lỗi đang hoành hành thế giới hiện nay?'
Có nhiều người đã vội vã khen ngợi tiến bộ mà nhân loại đã đạt được. Những nhà tôn giáo, khoa học gia, chính trị gia, và kinh tế gia - tất cả tuyên bố cho rằng nhân loại mắc nợ họ về sự tiến bộ này. Vậy ai là người đáng bị khiển trách? Chúng tôi nghĩ tất cả mọi người đồng đều chịu trách nhiệm. Hãy phản quang tự chiếu ngay nơi chúng ta và tự hỏi hết sức thành khẩn là phải chăng chính chúng ta chịu trách nhiệm về sự thất bại không mang hòa bình và hạnh phúc cho đồng loại.
Tất cả mọi người đều chịu trách nhiệm về những sự kiện khủng khiếp đang diễn ra ngày nay vì quá sợ hãi không dám nói lên sự thật. Chúng ta hãy lấy ví dụ về sự khai thác ham muốn thỏa mãn dục vọng của con người. Tham tiền, tham quyền thế đã khiến những người vô lương tâm khuếch trương ngành kinh doanh trị giá nhiều triệu đô la để cung cấp ý thích nhục dục dưới mọi hình thức, và nhũng trẻ thơ vô tội đã bị vương bẫy và là nạn nhân của tệ hại này.
Lịch sử thế giới chưa bao giờ lại cấp thiết như ngày nay làm sao thoát khỏi xung đột, ác cảm, ích kỷ, lừa đảo và tranh giành. Nói cho đúng chúng ta cần hòa bình không những chỉ cho cuộc sống cá nhân chúng ta ở nhà, nơi làm việc mà còn ở trên qui mô toàn cầu. Căng thẳng, lo âu và sợ hãi phát sinh từ mâu thuẫn không những phá vỡ mà còn không ngưng làm kiệt quệ cả hạnh phúc tinh thần lẫn vật chất. Ham muốn ngự trị mọi sự chung quanh mình, con người đã trở thành chúng sinh tàn bạo nhất trên thế giới này. Con người đã thành công ở một mức độ nào đó, nhưng đã phải trả một giá rất đắt. Con người đã phải hy sinh cả an lạc nội tâm để đổi lấy tiện nghi vật chất và uy quyền.
Vấn đề căn bản mà chúng ta phải đối đầu ngày nay là sự suy đồi của luân lý và sự lạm dụng trí thông minh. Bất chấp tất cả những tiến bộ đạt được do khoa học và kỹ thuật, thế giới vẫn không yên ổn và hòa bình. Quả thực khoa học và kỹ thuật đã làm đời sống của con người bất an hơn trước đây. Theo cách chúng ta làm, nếu không có sự cải thiện tinh thần thì rồi đây chính nhân loại sẽ lâm vào tình trạng nguy hiểm có thể bị tiêu diệt.
Các tôn giáo trên thế giới luôn luôn khẳng định hạnh phúc của con người không chỉ tùy thuộc vào việc thỏa mãn ham muốn và đam mê vật chất hoặc đạt được của cải vật chất và quyền thế. Cả đến khi chúng ta có được tất cả lạc thú trần gian, chúng ta vẫn không hạnh phúc và an lạc nếu tâm chúng ta luôn luôn bị ám ảnh bởi lo âu và sân hận phát sanh do ngu muội không nhìn thấy bản chất thực sự của cuộc sống.
Hạnh phúc đích thực không thể xác định đơn phương về phương diện của cải, uy quyền, con cái, danh tiếng hay sáng tạo. Những thứ này chắc chắn có mang lại một vài tiện nghi vật chất và tinh thần tạm bợ nhưng chúng không tạo được hạnh phúc lâu dài theo nghĩa rốt ráo. Điều này rất đúng khi của cải tạo dành được bằng phi nghĩa hoặc có được do tham nhũng. Chúng trở thành ngưồn gốc của khổ đau, tội lỗi và phiền não hơn là đem hạnh phúc cho sở hữu chủ.
Rất thông thuờng chúng ta cứ tưởng rằng thỏa mãn năm giác quan là có thể bảo đảm hạnh phúc. Cảnh say mê quyến rũ, âm nhạc du dương, mùi thơm ngào ngạt, vị giác ngon ngọt, và sự tiếp xúc với thân hình cám dỗ khiến chúng ta đi lầm đường và lừa dối chúng ta làm chúng ta lệ thuộc vào những lạc thú thế gian. Trong khi không ai là không công nhận đúng là có những niềm hạnh phúc ngắn ngủi khi mong chờ lạc thú cũng như trong khi hưởng lạc thú thì lạc thú ấy rất phù du. Khi một người nhìn những lạc thú một cách khách quan, người đó thực sự hiểu được cái phù du và bản chất bất toại nguyện của những lạc thú ấy. Người đó sẽ thông suốt được sự thật: Cuộc sống này thực sự có ý nghĩa gì và làm sao đạt được chân hạnh phúc. Chúng ta có thể phát triển và duy trì an lạc nội tâm bằng cách hướng các tư tưởng của chúng ta vào tuệ giác bên trong thay vì bên ngoài. Chúng ta phải nhận thức những nguy hiểm và những cạm bẫy của sức mạnh phá hoại do tham, sân si. Chúng ta phải học hỏi, trau dồi và giữ vững sức mạnh nhân từ của lòng hảo tâm, tình thương và hòa hợp. Chiến địa ở trong tâm ta, chiến đấu không phải bằng võ khí hay bất cứ bằng nguồn nào khác mà chính bằng sự tỉnh thức về tất cả sức mạnh tiêu cực và tích cực trong tâm của chúng ta.
Luôn luôn tỉnh thức làm con người hoàn thiện. Người hoàn thiện ứng xử với tâm vô ngại. Tựa như cái dù, tâm hành hoạt tốt dù hoàn toàn mở hết. Sự tỉnh thức này là bí quyết để thoát khỏi mâu thuẫn và xung đột cũng như để cho tư tưởng thiện xuất hiện.
Tâm là cội nguồn của tất cả hạnh phúc và đau khổ. Muốn hạnh phúc trên thế giới này, tâm của một cá nhân trước nhất phải an lạc và hạnh phúc. Hạnh phúc của một cá nhân dẫn đến hạnh phúc xã hội, hạnh phúc xã hội có nghĩa là hạnh phúc của quốc gia. Chính trên hạnh phúc của các quốc gia mà hạnh phúc của thế giới được tạo dựng. Nơi đây chúng ta phải dùng hình ảnh của một tấm lưới. Hãy tưởng tượng, toàn thể vũ trụ là một màng lưới mênh mông và mỗi chúng sinh là một mắt lưới trên tấm lưới ấy. Nếu chúng ta làm hư một mắt lưới, cả tấm lưới sẽ bị lung lay. Cho nên mỗi cá nhân phải hạnh phúc để giữ toàn thế giới hạnh phúc.
Từ những bài học của cuộc đời, rõ ràng ta thấy chiến thắng thực sự không bao giờ đạt được do xung đột. Thành quả không bao giờ đạt được do mâu thuẫn. Hạnh phúc không bao giờ có được qua hận thù. Hòa bình chẳng bao giờ đạt được bằng tích lũy nhiều của cải hơn hay đạt được do sức mạnh vật chất. Hòa bình chỉ có thể có được khi chúng ta không vị kỷ và giúp đỡ thế giới bằng hành động của tình thương. Hòa bình trong tâm chiến thắng tất cả lực lượng chống đối và cũng giúp chúng ta duy trì tâm lành mạnh, sống một cuộc sống sung túc đầy đủ hạnh phúc và toại nguyện. 'Vì từ nơi tâm con người, chiến tranh phát khởi, thì cũng từ nơi tâm con người, thành trì hòa bình có thể kiến tạo được'.
Ngày nay, đặc biệt tại nhiều nơi được gọi là xã hội giàu có, người dân lại đối đầu với nhiều khó khăn hơn, bất toại nguyện, và tinh thần xáo trộn hơn những xã hội chậm tiến. Đó là do con người đã trở thành nô lệ cho lạc thú tình dục và khao khát thú vui trần tục mà không có sự phát triển đức hạnh và trí tuệ. Tinh thần căng thẳng, sợ hãi, lo âu, và bất an xáo trộn tâm họ. Tình trạng của những vấn đề này trở nên thành điều khó khăn lớn nhất tại nhiều quốc gia. Vì người dân trong các nước phát triển không biết cách sống tri túc trong đời sống nên đương nhiên họ cảm thấy bất toại nguyện.
Có bốn lãnh vực mà con người cố gắng tìm trong đó mục đích của cuộc đời.
- Mức độ vật chất;
- Yêu và ghét hay cảm nghĩ thích và không thích;
- Nghiên cứu và lý luận
- Hiểu biết thông cảm căn cứ trên sự phán xét thuần túy và thái độ thẳng thắn.
Lãnh vực cuối cùng rất thực tế và là một phương pháp bền vững không bao giờ tạo thất bại. Ngày nay, người dân cần nhiều của cải hơn, không những vì đời sống cá nhân và làm tròn nhiệm vụ, mà vì tham dục tăng lên tích lũy cho thật nhiều. Do đó, tranh giành đã xuất hiện.
Muốn có lạc thú trần gian phải có một vật thể bên ngoài hay một bạn đường nhưng muốn đạt hạnh phúc tinh thần, không cần thiết phải có đối tượng bên ngoài.
Nhiều thanh niên đã mất lòng tự tin và phải đương đầu với khó khăn trong việc quyết định phải làm gì cho vừa lòng với với cuộc sống của họ. Nguyên nhân chính của thái độ tinh thần này là lòng tham vọng và lo âu quá đáng gây nên bởi sự tranh đua, ganh ghét và bất an. Những khó khăn như vậy đương nhiên tạo không khí rất xấu cho những người khác muốn sống bình an. Thật sự là khi một cá nhân gây chuyện, cách cư xử của cá nhân ấy đã ảnh hưởng đến phúc lợi của người khác.
Con vật chẳng bao giờ hưởng hạnh phúc nhưng chúng có lạc thú. Hạnh phúc không thể căn cứ vào sự thỏa mãn độc đoán của cái ta (ngã) của một cá nhân mà là trong việc hy sinh lạc thú của mình cho phúc lợi của người khác.
Đối với đa số, một người, một cộng đồng hay một quốc gia giàu có có nghĩa là 'giàu có' trong ý nghĩa có nhiều tài sản hay tiền bạc do sự đạt được từ vật chất. Nghĩa chữ của cải nguyên thủy là trạng thái hạnh phúc. Khối cộng đồng thịnh vượng mang ý nghĩa ấy. Nhưng bây giờ người ta sử dụng danh từ này vào ý nghĩa tài sản thường để khuyếch trương phúc lợi vật chất hơn là mở mang trạng thái tinh thần .
Đương nhiên chúng ta không thể không công nhận lòng ham muốn của cải là yếu tố phụ quan trọng để thành công nếu được gìn giữ trong phạm vi thích đáng. Ham muốn, chính nó không phải là một tội lỗi. Tuy nhiên không kiềm chế nó sẽ dẫn đến sự bất mãn không ngừng, thèm muốn, tham, sợ hãi và tàn ác với đồng loại. Tích lũy tiền bạc có thể mang đến một thứ hạnh phúc ở một mức độ nào đó, nhưng không thể tự nó mang lại sự thoả mãn hoàn toàn.
Hầu hết những người có nhiều của cải lại thất bại vì họ không hiểu phương tiện với cứu cánh. Họ không hiểu bản chất, ý nghĩa và chức năng đúng của của cải, của cải chỉ là một phuơng tiện mà người ta có thể đạt được cứu cánh của hạnh phúc tối thượng. Nhưng ta có thể hạnh phúc mà không cần phải giàu có. Một câu chuyện cổ Trung Hoa làm sáng tỏ việc này .
Có một ông vua muốn biết làm sao có được hạnh phúc thực sự. Một vị đại thần tâu với vị vua này muốn có hạnh phúc thực sự là phải mặc áo của một người thực sự hạnh phúc. Sau một thời gian dài, nhà vua đã tìm được một người hạnh phúc thực sự, nhưng người sung sướng hoàn toàn này lại không có áo cho nhà vua. Không có cả đến cái áo mà lại là người hạnh phúc!
Của cải phải được sử dụng hợp lý và khôn ngoan. Của cải phải được sử dụng cho hạnh phúc chính mình và cho người khác. Nếu một người bỏ hết thì giờ bám víu vào tài sản của mình không chu toàn nhiệm vụ với xứ sở, dân tộc và đạo giáo, kẻ đó sống một cuộc sống trống trải đầy phiền muộn. Có quá nhiều người bị ám ảnh với sự đạt được vật chất đến mức mà họ quên cả trách nhiệm với gia đình và người đồng loại. Hạnh phúc là một điều lạ. Bạn càng chia sẻ hạnh phúc bao nhiêu thì bạn lại càng toại nguyện bấy nhiêu.
Nếu ta ích kỷ, đến khi phải từ giã thế giới này, thì đã quá trễ để tận dụng của cải của ta. Không một ai, kể cả người giàu có, được thực sự lợi lạc từ những người giàu có chuyên tích lũy của cải.
Một số người nghĩ rằng càng tích lũy được nhiều của cải thì có thể vượt qua được các khó khăn. Cho nên họ nỗ lực làm việc để trở nên giàu có, nhưng khi trở thành tỷ phú họ lại phải đương đầu với rất nhiều khó khăn bất ngờ - bất an, lo âu, thù địch và nỗi khó khăn giữ được của cải. Điều này cho thấy rõ ràng việc tích lũy của cải không thôi không phải là giải pháp cho các khó khăn của con người. Của cải chắc chắn có thể giúp vượt qua một số khó khăn nhưng không phải hạnh phúc trên thế giới này lại có thể đạt được bằng tiền bạc. Tiền bạc không thể nhổ hết gốc rễ tất cả mọi khó khăn.
Các triết gia, các nhà tư tưởng lớn và người duy lý đã vạch rõ bản chất trong nhược điểm của con người và cách vượt qua. Tuy nhiên một số đông coi đó chỉ là lý thuyết suông mà không phải là giải pháp cho vấn đề. Đôi khi trí tuệ lại gây nhiều khó khăn hơn vì quan niệm ích kỷ về mình lại tăng trưởng.
Trái với một số quan niệm sai lầm ở vài nơi cho rằng Phật Giáo với tinh thần bao dung, và đặc biệt trong việc tu tập thiền định, đã khuyên các đệ tử không nên hăng say mà phải cần cù làm việc. Đức Phật, trong nhiều lần thuyết giảng, thực ra khuyến khích các đệ tử không nên ăn không ngồi rồi và biếng nhác mà phải tích cực làm việc và chuyên cần, tạo dựng của cải bằng phuơng tiện chính đáng để duy trì sự ổn định kinh tế. Đức Phật khuyến khích các đệ tử trong khi tạo dựng của cải phải tôn trọng nguyên tắc đạo lý. Ngài cũng dặn dò con người không nên trở thành nô lệ cho việc tích lũy của cải chỉ vì lợi ích riêng tư mà nên bảo vệ của cải bằng cách không cẩu thả và phí phạm. Ngài khuyên của cải phải được sử dụng làm phương tiện cho đời sống gia đình bằng những hành động nhân từ để giúp đỡ thân quyến và bạn bè khi cần thiết, giúp đỡ người nghèo, người cùng khổ.
Trong những bài thuyết giảng của Ngài về nhiều loại hạnh phúc liên quan đến của cải, Đức Phật phân định bốn loại hạnh phúc như sau:
- Hạnh phúc trong việc tạo dựng của cải bằng những phương tiện chính đáng và hợp pháp.
- Hạnh phúc trong việc sử dụng thích đáng và chính xác của cải tích lũy.
- Hạnh phúc không mắc nợ ai
- Hạnh phúc không áp dụng phuơng tiện nào bất hợp pháp hay trái phép trong việc tích lũy của cải và cũng không gây cho một ai bị hại hay bị thương trong lúc tạo dựng của cải.
Theo quan điểm của Phật Giáo, con người khác biệt con vật vì chỉ có con người phát triển trí tuệ, hiểu biết và phản ảnh được lý luận của mình. Con người có nghĩa là ' kẻ có một tâm trí để suy nghĩ'. Mục đích của tôn giáo là giúp con người suy nghĩ đúng, nâng con người trên tầm mức con vật, giúp con người hiểu biết sự tương quan với vũ trụ và sống hòa hợp để con người có thể tiến tới mục tiêu tối hậu của hạnh phúc tối thượng và làm tròn nhiệm vụ của mình.
Suốt từ khi có thể thỏa mãn ba nhu cầu cần thiết để sinh tồn là thực phẩm, chổ ở và sinh sản thì ba câu hỏi đã từng làm trở ngại con người là ' Tôi là ai? Tôi đang làm gì đây? Tôi cần gì? Qua lịch sử loài người, nhiều hệ thống tư tưởng đứng đầu là tôn giáo, đã tiến hóa để có câu trả lời cho ba câu hỏi ấy. Đương nhiên, vì con người hỏi mình đầu tiên, câu trả lời được bầy tỏ từ quan điểm của chính con người.
Từ lâu con người coi mình là trung tâm vũ trụ, là cư dân quan trọng. Theo quan điểm này, thế giới được tạo ra cho con người, dành cho con người nên con người muốn lấy gì thì lấy vì con người là sinh vật được biệt đãi nhất và mọi thứ hiện hữu trên hành tinh này dành riêng độc nhất cho ý thích của con người.
Điều trên đây gọi là quan điểm 'nhân văn' này chịu trách nhiệm trực tiếp về sự cưỡng đoạt khủng khiếp hành tinh của chúng ta và không mảy may đếm xỉa gì đến quyền lợi của những sinh vật khác đang cùng tồn tại với chúng ta. Chẳng hạn, có những trường hợp bi thảm như một số loại thú đã tuyệt chủng do sự giết chóc không cần thiết bởi những con người không chút tình cảm để thỏa mãn thú vui thể thao hoặc mục đích thương mại. Thậm chí ngày nay sự chinh phục thiên nhiên bởi khoa học và kỹ thuật đang được tán thưởng. Chúng ta phải vận động số người nhận thức được sự phá hoại to lớn do con người gây ra nhân danh sự "tiến bộ" ngày một tăng lên. Cho đến ngay nay, thiên nhiên đã hết sức tha thứ và đã để cho con người tiếp tục nghĩ rằng hành tinh này tạo ra cho con người cho nên con người tha hồ muốn cưỡng đoạt, cướp bóc để thỏa mãn lòng tham vô độ hầu có của cải vật chất và nhục dục. Ngày nay đã có rất nhiều dấu hiệu cảnh báo cho thấy sắp hết thời làm mưa làm gió rồi. Hy vọng nếu từ bi và chánh kiến không cứu được thế giới này thì ít nhất cũng tính ích kỷ ấy và lòng ham muốn gìn giữ và thỏa mãn cá nhân sẽ buộc con người phải có suy nghĩ khôn ngoan, hợp lý về môi sinh đã bị kiệt quệ và về sự đau khổ của các sinh vật đồng loại trên trái đất này.
Muốn hiểu vị thế của con người trong Vũ Trụ này từ quan điểm Phật Giáo, chúng ta trước nhất hãy nhìn vào quan điểm của Đức Phật về vũ trụ. Theo Ngài vũ trụ là khoảng không gian có trật tự rộng lớn. Giáo lý của Ngài sắp toàn thể vũ trụ thành ba nhóm: hành tinh có sinh vật, hành tinh với nhiều thành phần cấu tạo, và không gian.
Chúng ta có thể thấy con người là một sinh vật đặc biệt được ưu đãi xuất hiện để vui sống trên một hành tinh đã hình thành giữa trung tâm vũ trụ. Phật Giáo xem con người là một chúng sinh nhỏ xíu không chỉ về sức mạnh mà còn về tuổi thọ. Con người cũng không hơn gì sinh vật khác ngoại trừ khả năng hiểu biết.
Theo sinh vật học, con người lại yếu hơn những sinh vật khác dù to hay nhỏ hơn. Thú vật sinh ra được trang bị một loại vũ khí nào đó để tự bảo vệ và sinh tồn. Trái lại con người có trí tuệ để làm mọi chuyện, nhưng không phải là vũ khí. Con người được coi như một sinh vật có văn hóa biết hòa hợp với sinh vật khác mà không phá hoại chúng. Tôn giáo được khám phá ra bởi con người với mục đích ấy. Mọi thể sống đều chia sẻ cùng lực sống truyền cho con người. Chúng là một phần của sinh lực vũ trụ mang nhiều dạng thức khác nhau trong những kiếp tái sanh vô tận, chuyển từ người thành vật tới thành những hình thái siêu phàm và rồi lại trở lại, thúc đẩy bởi sự ham muốn sự sống ( bản năng sinh tồn) đi từ sinh đến tử và lại tái sanh trong một cái vòng bất tận được gọi là luân hồi. Ba nguồn phương hại cho con người khiến phải luân hồi là Tham, Sân và Si. Cái vòng này chỉ bị phá vỡ duy nhất do sự phát triển Trí Tuệ, nó hủy diệt những gông cùm ấy và chấm dứt tham dục. Định mệnh chung của chúng ta với tư cách là một sinh vật sống trên hành tinh này là tất cả đều muốn sống.
'Ai cũng run sợ trước gậy gộc
Ai cũng sợ chết
Nếu biết như vậy
Ta chẳng nên đánh đập
Mà cũng chẳng nên gây đánh đập'
 -- (Kinh Pháp Cú)
Tất cả mọi sự vật đều tùy thuộc lẫn nhau để sinh tồn. Con người không thể coi mình khác hơn (cao hơn) các sinh vật khác vì thân xác phải tùy thuộc vào cây cối, nước, dưỡng khí vân vân để sống, đồng thời tâm trí cũng tùy thuộc sự hiện hũu của tư tưởng mà tư tưởng lại dựa vào dữ kiện cảm giác bắt nguồn từ đối tượng hay người từ thế giới bên ngoài. Toàn thể vũ trụ phải đưọc coi như một tấm lưới mênh mông: nếu một mắt lưới bị lung lay, tất cả tấm lưới cũng chấn động. Con người có bổn phận với thế giới vì con người tùy thuộc vào thế giới để sống cả về tinh thần lẫn vật chất. Cho nên thái độ của con người đối với thế giới không thể cao ngạo như một đứa con một được nuông chiều mà là khiêm tốn: thế giới tạo ra không phải chỉ để cho con người hay cũng chẳng phải thế giới được tạo ra mãi mãi ưu tiên cho con người. Không có sự thiên vị trong các điều kiện vật chất. Chúng cũng chẳng hiền lương mà cũng chẳng dữ mà trung lập. Con người sống được là vì phần còn lại của thế giới cho phép con người làm như vậy.
Cho nên con người không nên bóp nặn mọi thứ trên thế giới chỉ vì lợi ích riêng tư. Con người phải duy trì cảm giác sợ hãi và tôn trọng thiên nhiên và tất cả sinh vật. Con người là kẻ mới đến so với hành tinh trái đất này. Con người phải học để kính mến đồng bào, học hỏi cách cư xử của một người khách hơn là một người chơi bài muốn thắng tất cả.
Nhận định sự phụ thuộc lẫn nhau nên Đức Phật đã khuyên tín đồ phải thực hành hạnh từ ái với tất cả, trải tình thương đến tất cả sinh vật. Không có nghĩa là Ngài dạy chỉ đem tình thương đến những con người đồng loại thôi (Cũng không có nghĩa là Ngài căn dặn phải có một sự đối xử đặc biệt với người Phật Tử). Khi Ngài nói đến tình thương, Ngài lúc nào cũng nói đến tình thương cho tất cả sinh vật (sabbe satta) cả đến những hình thức không ở dạng vật chất, thức và siêu thức.
Ba loại sinh: sinh vật sinh ra do ẩm ướt, do noãn sinh, do thai sinh và loại sinh ra ở những cảnh giới khác của cuộc sống. Rõ ràng Đức Phật dạy nếu con người sống tại hành tinh này, con người phải phát triển thái độ từ ái đến không những người đồng loại mà đến tất cả những sinh vật sống trên hành tinh này và tất cả sinh vật ở các cảnh giới khác của cuộc sống. Chỉ khi đó con người mới có thể đánh bại được tư tưởng vị kỷ luôn đặt nhu cầu thiết yếu và sự sinh tồn của mình trên nhu cầu của tất cả sinh vật khác.
Trong vũ trụ Phật giáo, con người đơn giản chỉ là cư dân trên một trong những cảnh giới hiện hữu mà con người có thể sẽ đến sau khi chết. Những cảnh giới này có từ mức độ siêu thức qua tham dục cao độ xuống đến bốn trạng thái bất hạnh. Con người đứng ở vị trí trung bình trong những cảnh giới ấy. Cái mà được gọi là cảnh giới thần thánh siêu phàm là ở trong trạng thái hạnh phúc, nhưng cảnh giới này cũng không trường cửu. Mặc dù có những dấu hiệu cho ta tin tuởng có một số chúng sinh thông minh hiện hữu trên những hành tinh khác trong vũ trụ nhưng không thể xác minh có những chúng sinh giống con người hay không. Trong phạm vi rộng lớn của vũ trụ, Phật Giáo cố gắng tìm hiểu vị trí của con nguời trong vũ trụ. Trong phạm vi này, con người hình như rất nhỏ nhoi. Chúng ta phải thêm vào xu hướng về tàn ác của con người, về khả năng làm đau đớn người khác khiến con người ở một lúc nào đó không hơn gì con vật. Con vật chỉ tấn công để thỏa mãn nhu cầu căn bản như vì thực phẩm, chổ ở, hay xác thịt.
Ta có thể tranh luận rằng đó là quan điểm tiêu cực về con nguời vì chuyển con người xuống một địa vị thấp và không lưu ý đến những thành quả rực rỡ về triết lý, tôn giáo, tâm lý, khoa học, mỹ thuật, kiến trúc, văn chuơng, phát triển văn hóa và những thứ tương tự như vậy. Ngược lại trong phạm vi vũ trụ con người mang một vị trí độc đáo vì con người có đặc quyền hiếm có nhất là dễ dàng đi đến giải thoát. Đó là vì ba lý do.
Thế giới loài người là sự pha trộn vừa phải, quân bình giữa sung sướng và khổ đau. Khi lạc thú gia tăng (cảnh trời) và khổ đau chiếm ưu thế (thế giới hạ đẳng) tâm không quay về với tinh thần. Người Phật Tử khẳng định là khắc khổ đến cực đoan hay tự nuông chiều đến cực đoan không dẫn đến sự phát triển trí tuệ và hiểu biết. Con Đường Trung Đạo giữa hai cực đoan lạc thú và khắc khổ được tán thành và thế giới loài người cho con người cơ hội bước lên con đường Trung Đạo. Lý do thứ hai là cuộc đời tương đối ngắn ngủi của kiếp người và cái chết đến không tiên đoán được. Đối đầu v?i cái chết tất nhiên ta thuờng ngả về tinh thần. Lý do thứ ba là trong khi trong các cảnh giới khác, dân cư là những người chịu hậu quả của các nghiệp quá khứ, con người ở trong một vị trí thuận lợi để tạo nghiệp mới, và như vậy con người có thể uốn nắn định mệnh của chính mình.
Tất cả những điều này đem lại cho con người trách nhiệm tìm cách giải thoát trong cảnh giới loài người. Con người thực quả là người Sáng Tạo và là Cứu Tinh của chính mình. Nhiều người tin rằng tôn giáo là từ thiên đường xuống nhưng người Phật Tử biết Phật Giáo khởi thủy từ trái đất và tiến đến thiên đường.
Điều này ngụ ý là mỗi người đều có nơi mình Phật Tính (khả năng viên mãn) mà con người có thể phát triển không cần đến sự giúp đỡ bên ngoài. Ta có thể trở thành Phật do sự sanh ra trong cảnh giới loài người, vì chính tại nơi đây, con người có thể đạt được một cuộc sống trong trạng thái toàn vẹn. Người Phật Tử đồng ý với quan điểm của Thi Sĩ Shakespeare về cái nghịch lý của loài người:
Con người, một công trình
cao thượng trong lẽ phải,
khả năng vô tận trong hình thái và chuyển động;
hoạt động diễn đạt đáng ngưỡng mộ làm sao,
giống như một thiên thần trong hiểu biết,
giống như một thượng đế: cái huy hoàng của thế giới,
viên kim cương tuyệt đẹp của động vật, và nhưng với tôi cái tinh hoa của đất bụi đó?

-- (Hamlet 2:2)
Trong nhiều phương diện, con người ngu muội, nhưng con người có hạt giống để trở nên tối thượng trên tất cả sinh vật: bậc toàn giác. Một số nói rằng cuộc sống loài người ở giữa thiên đàng và địa ngục vì tâm con nguời có thể phát triển dễ dàng để đạt hạnh phúc trên thiên đuờng, và khi tâm lạm dụng thì cũng dễ dàng xuống địa ngục để chịu đau khổ.
Con người xứng đáng là con người chỉ nếu con người quan tâm đến nhân loại hay thương nhân loại.
Kẻ kiêu ngạo không thiên đường
Người tham lam không lân bang
Kẻ sân si không có cả chính mình -- 
(Triết Lý Trung Hoa)
'Cá nhân tự mình không tự lực được. Vậy nên đời sống xã hội của con người cần đến sức mạnh của sự hợp tác. Con người không phải là con người nếu không có xã hội. Con người với thiên nhiên là một'. -- (Một Nhà Triết Lý Hy Lạp)
Trong giáo lý của Đức Phật có ghi rõ con người đạt hạnh phúc thiên đường khi những đối tượng tác động năm giác quan thuận lợi và dễ chịu.
Mặt khác con người cũng có thể bị đau khổ như trong địa ngục nếu các đối tượng khó chịu và nhiễu loạn.
Phật Giáo đòi hỏi gì nơi con người? Một học giả Trung Quốc hỏi một nhà sư cốt tủy của Đạo Phật là gì và đã được bậc thức giả trả lời:
Làm điều thiện,
không làm điều ác
Thanh lọc tâm ý
Đó là lời Phật dạy
Đương nhiên, học giả này đang chờ đợi câu trả lời 'thâm sâu' hơn, thâm thúy hơn, nên đã nhận định đứa trẻ lên ba cũng hiểu được như vậy. Nhưng bậc thức giả trả lời đứa trẻ lên ba có thể hiểu được câu đó nhưng ông già tám mươi chưa chắc đã thực hành được!
Tương tự Đức Phật đã quở Ngài A Nan, đệ tử thị giả của Ngài, đừng nên coi thường giáo lý đơn giản là điều dễ dàng để thực hành.
Cốt tủy của Đạo Phật đòi hỏi con người giữ gìn giới luật 'đơn giản' trong sự việc đi tìm giải thoát, nhưng việc thực hành các điều này hết sức khó khăn. Bắt đầu bằng những giới sau đây:
- Không được lấy đi đời sống của bất cứ sinh vật nào
- Không được lấy bất cứ gì nếu không được cho
- Không được nói dối và phải thận trọng trong lời nói
- Không được tà dâm
- Không được dùng các chất độc (như ma túy và rượu), có thể làm mất sự lưu tâm.
Trên đây là những nguyên tắc căn bản phải theo.
Những nguyên tắc này không phải chỉ để diễn tả mà đơn giản là đem thực hành với sự hiểu biết. Vấn đề chính yếu của đời sống tinh thần là áp dụng thực tiễn, tích cực, không phải vấn đế của kiến thức .
Mục đích chủ yếu của con người trong Đạo Phật là phá vỡ gông cùm trói buộc con người triền miên trong vòng sanh tử luân hồi. Con người phải chịu trôi lăn trong vòng tái sanh vô tận vì vô minh, con người mường tượng một thực thể vĩnh viễn gọi là cái 'ngã' hay cái 'ta'.
Cho ảo ảnh cái ta là thật, con người phát triển lòng ham muốn ích kỷ. Con người tranh đấu không ngừng để thoả mãn lòng tham dục nhưng không bao giờ được thỏa mãn. Giống như gãi một chỗ đau để đỡ đau, nhưng làm như vậy, ngứa lại càng tăng, vết đau lại càng thêm nặng.
Hôn nhân là một sự chung hợp trong đó hai người khác giới bình đẳng đồng ý cùng nhau chung sống. Một hôn nhân hạnh phúc lâu dài đòi hỏi sự làm việc tích cực, cam kết để tình yêu được duy trì, cùng nhau chia sẻ lúc vui cũng như lúc buồn.
Hôn nhân là đỉnh điểm của tình yêu bởi hai cá nhân cùng nhau cam kết bằng một cam kết chung.
"Làm sao anh (em) yêu em (anh)? Hãy để cho anh tìm phương cách ràng buộc bởi một sợi dây quan hệ chung. Anh (Em) yêu em (anh) tận đáy lòng, đến hơi thở cuối cùng .... ' (Robert Browning) Chúng ta tin cũng như Browning tin, tình yêu là thực chất của chính đời sống, không biên giới, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt tín ngưỡng. Thời nay hôn nhân vẫn không làm đúng mục đích của chính nó vì người ta không công nhận sự quan trọng về bình đẳng, tôn trọng phụ nữ. Nhiều phụ nữ được hưởng những đặc quyền ấy trong nhiều lãnh vực hoạt động của con người. Nhưng lạ thay, khi trở về với hôn nhân, phụ nữ vẫn bị ngược đãi. Tầm quan trọng trong vai trò của người phụ nữ chắc chắn đã được mở rộng sau khi Phật Giáo phát khởi tại Ấn Độ, đã cho người phụ nữ một tầm mức rộng lớn để dấn thân vào những nghề nghiệp ngoài việc nội trợ. Mặc dù như vậy, đa số phụ nữ vẫn giữ nguyên sự lựa chọn: lấy chồng rồi nuôi con. Nhưng có điều khác biệt: đời sống chồng vợ đã được chính Đức Phật nâng lên hàng cao quý như trọng trách gánh vác. Ngài đã nâng người phụ nữ có chồng từ địa vị một người hầu hạ lên hàng địa vị trách nhiệm quan trọng. Chứng minh về sự quan tâm của Đức Phật trong vấn đề duy trì hạnh phúc hôn nhân, Ngài đã vạch ra các huấn thị đặc biệt để hướng dẫn người chồng và người vợ.
Đức Phật nhiệt liệt tán thán các cặp vợ chồng hạnh phúc. Trong hàng cư sĩ cặp vợ chồng Nakulamata và Nakulapita được coi như nổi tiếng đã chung sống thuận hòa hạnh phúc trong một thời gian dài. Đức Phật đã tán duơng cặp vợ chồng này, dạy các đệ tử làm sao cuộc sống lứa đôi hạnh phúc. Những lời dạy của Ngài từ hơn 2500 năm qua vẫn có giá trị ngày nay. Nam nữ trong thời đại tân tiến ngày nay nếm trải nhiều đau khổ trong đời sống vợ chồng vì họ lạc hướng trước những lời dạy này. Thể chế hôn nhân trong thời cổ tại Ấn ngự trị bởi quan niệm đẳng cấp, vị thế của phụ nữ, quyền hành của phái nam, và bốn giai đoạn trong đời sống cá nhân. Đức Phật bác bỏ hệ thống đẳng cấp, có nghĩa là thể chế hôn nhân Phật Giáo giải thoát khỏi các luật lệ cùng những nghi thúc khắt khe, không thích hợp đã là một trở ngại lớn lao cho cách cư xử tự do, không thành kiến của con người trong xã hội kể cả nam lẫn nữ.
Những bài giảng về nền tảng Đạo Đức Phật Giáo trong xã hội (Kinh Sigalovada), phác họa mẫu mực căn bản trong mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ và con cái, nêu những bổn phận ràng buộc với nhau, nhấn mạnh đến những khía cạnh thiết yếu của cuộc sống chung.
Sự nghiên cứu toàn diện thể chế hôn nhân Phật Giáo đề cập bởi Đức Phật trong giáo lý của Ngài rõ ràng cho thấy giáo lý này nhằm mang lại an vui, khuyến khích, luân lý về nhu cầu tình dục, thỏa mãn tâm lý, và phúc lợi vật chất cho cả chồng lẫn vợ bất kể gì đến tục lệ đặc biệt, lời thề nguyền hay lý tưởng, tôn giáo hay loại gì khác.
Theo Đức Phật, văn hóa tương hợp giữa chồng và vợ là một trong những yếu tố đem thành công trong hạnh phúc lứa đôi. Nhiều vấn đề về hôn nhân ngày nay phát xuất từ sự thiếu khả năng của người hôn phối trong việc nhận thức những hy sinh trong hôn nhân. Hôn nhân không đơn giản chỉ là nhục dục và lãng mạn. Lãng mạn chính nó không phải là điều xấu, nhưng nó là cảm xúc và cần phải giới hạn.
Vỡ mộng và đau buồn sẽ ít đi trong hôn nhân nếu chúng ta hiểu từ những ảo tưởng của lãng mạn, một tình yêu sâu xa và không thay đổi sẽ phát khởi. Tình yêu là một niềm đam mê say đắm lâu bền giữa hai người, tạo ra những điều kiện mà trong đó mỗi người có thể bộc lộ mình và cùng xây dựng một mái ấm tình yêu và trí thức. Nhờ đó cả hai có thể phát triển cao hơn và xa hơn nhiều những gì họ có thể đạt được nếu không có tình yêu.
Trong quá khứ chúng ta nghe nói những cặp vợ chồng hạnh phúc trường cửu, họ cùng nhau chia sẻ dịu ngọt của tình yêu, qua năm tháng dài cùng nhau chia sẻ vui buồn. Nhất là các cặp vợ chồng cùng nhau chung sống lâu năm, hạnh phúc lâu bền không tự nhiên đến. Những cặp vợ chồng hạnh phúc lâu dài này ghi nhận thực tế cuộc sống khi được hỏi họ làm thế nào để giữ đưọc hạnh phúc lâu bền. " Câu trả lời: "Chúng tôi giữ gìn tình yêu. Với những dị biệt chúng tôi học hỏi từ nhũng dị biệt này".
"Chúng tôi nói thẳng những điều bất mãn và tìm cách giải quyết ngay thay vì để chúng thành mây giông bão tố". Ở mức độ nào đó, điều mà các cặp vợ chồng thành công trong hôn nhân đều phản ảnh trong nhận xét này: 'Cả đến trước sự việc thật là tồi tệ, cả hai chúng tôi đều cương quyết không đầu hàng'. Có lẽ điều nổi bật với các cặp vợ chồng tân tiến ngày nay là trước các khó khăn, họ muốn giải quyết dễ dàng mau lẹ như chuyện xẩy ra trên máy truyền hình. Không, không thể được, muốn gặt hái được điều tốt phải làm việc tích cực.
Đối với nhiều người, con đường dẫn tới cuộc sống hôn nhân bền vững lâu dài không trơn chu. Những gập ghềnh gồm có nhiều sự việc: không con, con chết, con tật nguyền, tài chính khó khăn và tinh thần căng thẳng vì sự thay đổi nghề nghiệp.
Được hỏi về hôn nhân, không cặp vợ chồng nào cho biết có điều đặc biệt ngoài hai yếu tố thành công trong hôn nhân. Yếu tố thứ nhất, mặc dù một số cặp vợ chồng phải đương đầu với những dị biệt đáng kể về tính cách, và đôi khi mang nặng vấn đề tình cảm, họ lúc nào cũng duy trì sự tương kính, và không nghĩ tới chuyện tìm bạn đời mới. Một người vợ có lần hỏi người chồng:' Có phải Anh cưới tôi vì tôi là như vậy phải không?' Người chồng đối đáp:' Không, tôi cưới em hy vọng em trở thành người tôi ước muốn'. Bây giờ đương nhiên cả hai phía chồng và vợ đều nhầm lẫn vì những điều mong mỏi đều khác hẳn và họ đều không thiện chí để thỏa hiệp. Yếu tố thứ hai là không một cặp hôn nhân nào bị đổ vỡ bởi những sự xáo trộn tâm lý nghiêm trọng đến nỗi loại trừ người hôn phối. Có một bà vợ luôn luôn xúc phạm chồng dù là một lỗi nhỏ với câu:' Anh là người ngu dại'. Người chồng trái lại là một người khoan dung. Tuy nhiên, một ngày nọ, khi anh ta bị người vợ gắt gỏng bằng câu trên đây, Anh ta đã đốp lại:' Tôi nghĩ rằng em nói phải. Nếu tôi không phải là người ngu dại, thì em nghĩ rằng tôi lại đi lấy một người như em?' Từ ngày đó trở về sau, người vợ đã không bao giờ dám mắng mỏ người chồng bằng câu đó nữa.
Muốn đạt kết quả trong hôn nhân, vợ chồng cần thiết phải hiểu và chấp nhận những dị biệt giữa hai giới. Đôi khi vợ chồng chán nhau, muốn người hôn phối phải giống mình. Hiểu biết và tha thứ các dị biệt giữa người đàn ông và người đàn bà sẽ giúp đỡ rất nhiều trong hôn nhân.
Một người bạn đời sæn sàng vượt qua những lúc khó khăn và điều chỉnh cho thích hợp khi có con cái, thay đổi công việc làm, tài chính khó khăn hay đơn giản tìm hiểu hơn nữa về người hôn phối mà mình kết bạn là sự bí quyết thực sự đưa đến thành công trong hôn nhân.
Môt câu phương ngôn nói về đời sống lứa đôi như sau: "Người vợ trở thành người có chủ quyền lúc người đàn ông trẻ, là người bạn đường lúc trung niên và người trợ y lúc tuổi già".
Nhiều cặp vợ chồng quyết định sống chung với con cái ít nhất cho đến khi con cái trưởng thành. Với một chút cố gắng, những năm đó là những năm làm tròn nhiệm vụ nhất trong một hôn nhân.
Hôn nhân là một phước lành nhưng nhiều người đã biến đời sống lứa đôi của họ thành lầm than và tai họa. Nghèo khổ không phải là một lý do chính của môt đời sống lứa đôi không hạnh phúc. Cả hai vợ lẫn chồng phải chia sẻ lúc vui cũng như lúc buồn về mọi sự trong đời sống. Hiểu biết lẫn nhau là một bí mật cho đời sống gia đình hạnh phúc.
Trong hôn nhân đích thực, người này thường nghĩ tới người kia hơn là nghĩ tới chính mình. Hôn nhân ví như một cái xe đạp làm cho hai người sử dụng. Cảm giác an ổn và thoải mái đến từ sự cùng nhau nỗ lực.
Người vợ không phải là người đầy tớ của chồng, người vợ đáng được kính trọng ngang hàng. Tuy người chồng là người đi kiếm tiền nuôi gia đình, nhưng người chồng vẫn giúp đỡ gia đình trong những công việc lặt vặt, không có nghĩa là hạ thấp nam tính của đấng trượng phu. Đồng thời một người vợ luôn luôn than phiền và gắt gỏng cũng không thể bù đắp những thiếu thốn trong gia đình. Khi người vợ nghi ngờ chồng thì cũng không thể xây dựng được hạnh phúc. Nếu người chồng có nhược điểm chỉ có lòng khoan dung và những lời ngọt ngào mới có thể làm cho người chồng nhìn thấy ánh sáng. Rất quan trọng là phải giữ lòng khoan dung trong suốt cuộc đời lứa đôi. Những điều tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn. Hiểu biết đứng đắn và có tư cách đạo đức là những khía cạnh thực tiễn của kiến thức.
Từ thuở xa xưa, những đóa hoa được coi như tiếng nói của tình yêu. Hoa không tốn bao nhiêu tiền. Những người vợ, về vấn đề này, tất cả phụ nữ chú trọng rất nhiều đến ngày sinh nhật và ngày kỷ niệm hôn nhân của họ, nên người chồng quan tâm không bao giờ vì quá bận mà không giữ tình yêu sống động với chút ít đồ tặng và ân cần chăm sóc. Tính chất tầm thường như vậy mà là căn bản của hầu hết hạnh phúc lứa đôi. Người vợ cảm kích trước sự đối xử ân cần nho nhỏ như vậy của người chồng lịch sự và chính cái thiện chí bền bỉ này giữ cho ngọn lửa ấm cúng trong căn nhà cháy mãi.
Tình cảm gia đình được nuôi dưỡng cẩn thận là một công thức đơn giản cho cả hai việc bảo vệ gia đình và nuôi nấng con cái thành những đứa trẻ tính nết tốt. Tình yêu đích thực có nghĩa là xác nhận giá trị của người hôn phối và không làm mất thể diện của người vợ hay người chồng trước mặt người khác. Sự tự nguyện này phải nẩy nở từ con tim. Sự khác biệt chính giữa những hôn nhân thành công và những hôn nhân thất bại là do mức độ quý trọng lẫn nhau của cặp vợ chồng đó. Chỉ trích, hạ thấp hay coi thường người hôn phối nhất là trước mặt người khác, xói mòn tình vợ chồng. Kể cả như vậy vẫn chưa đủ, vì người này phải trân trọng giá trị của người kia như viên ngọc quý.
Đôi khi những lời nói không cần thiết nếu đã có sự hiểu biết. Một người cha già có lần đã thổ lộ với con cái là ông hết sức yêu thương bà vợ tức mẹ chúng và bảo các con phải lúc nào cũng săn sóc bà cả đến khi ông không còn nữa. ông tâm sự với các con là bà là người phụ nữ tốt nhất trên thế giới và gia đình hết sức may mắn có bà. Người vợ, nay vào khoảng 60 tuổi, có bẩy người con đã trưởng thành, và một lũ cháu. Bà tỏ lộ rằng bà chưa bao giờ nghe thấy lời nói trìu mến như " Anh yêu em" thốt ra hay thì thầm bên tai bà - hay những câu đại loại như vậy. Bà vợ này, thuộc trường phái cổ của nền triết lý Trung Hoa, thỏa mãn với lối cư xử và săn sóc của người chồng về hạnh phúc của bà trong đời sống lứa đôi sung sướng. Trực giác của người nữ phái nói cho bà biết người chồng yêu bà thực sự tận trong thâm tâm và bà thấy bà không cần đến lá bài nào tốt hơn nữa. Bản tính của một số người không hay bộc lộ cảm nghĩ của mình nhưng họ là những người rất quan tâm. Chúng ta phải nhìn vào hành động của họ. Cái chìa khóa tiếp theo cho một hôn nhân hòa hợp là cùng làm việc để đi đến một mục tiêu. Đó là luật tự nhiên, chẳng hạn nếu không nỗ lực bỏ hạt giống trong vườn thì cỏ dại sẽ mọc thay vì những đóa hoa đẹp. Trong hôn nhân cũng như vậy.
Trong ý nghĩa tôn giáo, đức tin này không phải là cần thiết (tuy nhiên nó giúp đỡ rất nhiều nếu hai vợ chồng cùng một tín ngưỡng) là chất liệu quan trọng giữ mối quan hệ bền vững.
Nhục dục quan trọng trong hôn nhân như thế nào? Nhục dục là bản năng tự nhiên nếu chúng ta vui hưởng trong giới hạn thích hợp sẽ mang nhiều hạnh phúc. Nhục dục giúp cho hôn nhân nồng cháy, và là một lãnh vực quan trọng và quan yếu để bảo vệ hôn nhân. Nó tạo sự mật thiết, một chút nếm trải giữa hai người, không can dự đến người nào khác. Nó làm cho giây thân ái quý giá và riêng tư.
Điều quan trọng phải nhận thức nơi đây thật sự là nam giới và nữ giới nhìn vào vấn đề tình dục một cách khác nhau. Trong khi đàn ông coi đó là hoạt động thể xác mạnh mẽ, thì người đàn bà lại không coi là như thế. Với người đàn bà, nó cần sự tác động với người chồng mình thương yêu đó là sự dịu dàng, sự săn sóc và ân cần của người chồng. Với hiểu biết đó, người phụ nữ cần sự thân mật và gần gũi làm cho hoạt động nhục dục có nhiều ý nghĩ và trọn vẹn hơn.
Tình dục khác hẳn với cảm giác ngon miệng. Nó là cơ sở cho mối giây liên hệ lâu dài mật thiết, và là phương tiện sanh con cho thế giới, những đứa con chúng ta thương yêu ấp ủ khi chúng ta còn sống.
Do tuổi tác, chúng ta biết được tình thương yêu và tôn trọng lẫn nhau là cơ sở cho sự mật thiết gần gũi của hai người. Tình dục, giống như bất cứ khuynh hướng khác trong con người, phải được điều hành bằng lý trí. Con người, bản năng không bị chế ngự thì không bằng con vật, có khuynh hướng trở nên man dại khi không điều chỉnh khuynh hướng này bằng lý trí.
Môt câu phương ngôn: "Giống như lửa, tình dục là một người đầy tớ tốt nhưng cũng là một ông chủ xấu".
Xã hội ngày càng phát triển thành một mạng lưới, các mối quan hệ đan quện mật thiết và phụ thuộc lẫn nhau. Mỗi quan hệ là một lời cam kết nhiệt thành để yểm trợ và bảo vệ những người khác trong một nhóm hay cộng đồng. Hôn nhân đóng một phần rất quan trọng trong mạng lưới vững chắc các mối quan hệ để bảo vệ và che chở. Một cuộc hôn nhân tốt đẹp phát triển và dần lớn mạnh từ sự hiểu biết chứ không phải từ sự thôi thúc, do lòng chung thủy thực sự chứ không phải do buông thả hoàn toàn. Thể chế hôn nhân cung cấp một nền tảng tốt đẹp cho sự phát triển văn hóa, và sự liên kết vui vẻ giữa hai cá nhân cùng chung sống để hết cô đơn, bàn cùng và sợ hãi. Trong hôn nhân, vợ chồng bổ sung sức mạnh tinh thần và can đảm cho nhau, và mỗi người nên hiểu biết và công nhận tài năng của nhau.
Chồng hay vợ không ai trên ai - người này bổ sung, bù đắp cho người kia vì hôn nhân là một sự hợp tác bình đẳng, biểu lộ sự hòa nhã, rộng lượng, bình tĩnh và hiến dâng, và quan trọng hơn hết là sự tự hy sinh.

Khuyên bảo phụ nữ về vai trò của họ trong đời sống lứa đôi, Đức Phật cho biết sự thật là an lạc và hòa thuận trong gia đình phần lớn là ở nơi người phụ nữ. Lời khuyên của Ngài rất thực tế và khả thi khi Ngài giải thích một số các điểm đặc biệt mà người phụ nữ nên làm hay không nên làm. Vào nhiều dịp Đức Phật khuyên rằng một người vợ nên:
- Không nuôi dưỡng tư tưởng tội lỗi đối với người chồng
- không độc ác, thô bạo hay lấn áp
- không hoang phí, phải cần kiệm và sống trong khả năng kinh tế của mình
- giữ gìn tài sản và tiết kiệm tiền bạc do người chồng nhọc nhằn kiếm được
- luôn luôn có ý tứ và đoan trang
- chung thủy và không có tư tưởng ngoại tình
- thận trọng trong lời nói và lễ độ trong hành động
- tử tế, cần cù và siêng năng
- quan tâm và thương chồng
- phải nhũn nhặn và tỏ vẻ tôn kính
- điềm tĩnh, dịu dàng và hiểu biết
- không những phục vụ chồng như một người vợ mà là một người bạn, một người cố vấn lúc cần thiết.
Theo lời Phật dạy, trong hôn nhân, người chồng mong ước người vợ có những Đức tính sau:
- Tình yêu: Một tình yêu sâu sắc, chân thành, chung thủy là tỏ bày cảm xúc tự nhiên về mong ước và tự làm bổn phận mà người chồng mong mỏi nơi người vợ. Thực vậy, đó là cơ sở của mối quan hệ qua lại mật thiết lâu dài và là những phương tiện sanh con đẻ cái mà vợ chồng thương yêu, trìu mến chúng khi còn sống. Nơi đây tình yêu không chỉ giới hạn vào sự gắn bó do luyến chấp (prema) mà đó là đức tính mong muốn hạnh phúc cho người chồng..
- Ân Cần: Bao giờ cũng chăm chú, lưu tâm, chuyên cần cũng như quan tâm không ngăn ngại tới nhu cầu của người chồng.
- Bổn phận trong gia đình: Ngoài bổn phận chu toàn nhiệm vụ và trách nhiệm trong gia đình, người vợ cũng phải trân trọng gia đình thân quyến bên chồng, coi gia đình bên chồng cũng như gia đình của chính cha mẹ mình.
- Chung thủy: Trung thành và quyết tâm kết hợp với sự trong trắng của người vợ. Điều nay cũng bao hàm lòng tin cẩn và người vợ luôn luôn tận tâm với người chồng.
- Săn sóc con cái: Tình mẫu tử là nền móng của tất cả tình yêu trên thế giới. Là một người mẹ tận tâm, người vợ do bản năng làm mẹ, không nề nguy hiểm để bảo vệ đứa con duy nhất c?a mình.
- Cần Kiệm: Được giao trọng trách quản lý gia đình, người vợ phải xem việc tiêu pha trong gia đình để bảo vệ ngân quỹ gia đình do người chồng kiếm được. Để làm tròn nhiệm vụ này, người vợ phải tiết kiệm chi tiêu và thực hành cần kiệm, thậm chí đến mức tần tiện.
- Chuẩn bị bữa ăn: Là người chủ trong gia đình, bổn phận người vợ là phải sửa soạn thức ăn bổ dưỡng cho gia đình. Bữa cơm hàng ngày trong gia đình rất quan trọng vì nó phát triển thiện chí và tình đoàn kết.
- Làm cho người chồng bình tĩnh khi nóng giận: Khi người chồng trở về gia đình trong tình trạng bị khích động, người vợ phải biết tỏ ra dịu dàng để đem an lạc, an ủi cho người chồng. Điều này sẽ làm dịu tình thế.
- Ngọt ngào trong mọi thứ: Ngoài việc chứng tỏ cảm nghĩ thân ái, dịu dàng của mình, người vợ nên có một tính tình duyên dáng, lúc nào cũng vui tươi, hớn hở và dễ thương.
Để trả lời môt bà nội trợ là người chồng phải chăm sóc vợ như thế nào, Đức Phật dạy là người chồng bao giờ cũng phải quý mến và tôn trọng người vợ, phải chung thủy, cho vợ đủ quyền hành để lo việc nhà, sắm cho vợ đồ nữ trang ưa thích. Lời dạy của Đức Phật đã trên 25 thế kỷ vẫn đứng vững và có giá trị đến ngày nay.
Qua nhiều thế kỷ, người đàn ông chi phối xã hội, đã làm sống mãi huyền thoại phái nam cao hơn phái nữ, nhưng Đức Phật đã làm một sự thay đổi khác thường và đã nâng cao địa vị phụ nữ bằng một đề nghị đơn giản là người chồng phải quý mến và kính trọng người vợ. Điều nhận xét trên đây có thể là bình thường ngày nay, nhưng chúng ta xét lời dạy này nói đến tại Ấn Độ 2500 năm qua, thì quả là cách mạng! Người chồng phải chung thủy với người vợ có nghĩa là người chồng phải làm tròn bổn phận đối với vợ để giữ gìn tín nhiệm cho đúng với tình nghĩa vợ chồng. .
Người chồng phải đi kiếm tiền nên thường phải xa nhà, vì vậy người chồng phải giao việc nội trợ cho người vợ, người vợ được coi như người quản gia, quản lý tài sản như một nhà hành chánh-kinh tế của gia đình.
Tặng các đồ nữ trang thích hợp cho người vợ tượng trưng tình yêu, sự chăm sóc và sự cảm kích của người chồng đối với vợ. Việc tượng trưng này đã thực hành từ hồi xa xưa trong các cộng đồng Phật Giáo. Bất hạnh thay, điều tốt đẹp này đang tàn lụi vì ảnh hưởng của lối sống hiện đại.
Người vợ mong mỏi nơi người chồng:
- Dịu dàng: Lịch thiệp và tôn trọng vợ trong vấn đề khi chăm lo những nhu cầu cần thiết của người vợ.
- Lịch sự: Lễ dộ, sốt sắng, lịch sự và nhũn nhặn trong những cuộc bàn luận và tham khảo với vợ.
- Thân mật: Luôn luôn vui vẻ, thân mật, cởi mở, hòa nhã với vợ trước mặt các bè bạn và khách đến thăm.
- An toàn: Mục đích chính của người vợ tìm trong hôn nhân là sự an ninh do người chồng đem lại.
Trong phương diện này, người chồng được mong mỏi là một tháp canh kiên cố có thể đứng vững trước bất cứ hình thái đe dọa từ bên ngoài vào gia đình, luôn luôn cung cấp cho gia đình đầy đủ sự che chở và an ninh bất cứ lúc nào.
- Công Bằng: Là người chồng có trách nhiệm phải biết tha thứ, từ bi và khoan dung cũng như phải nhân từ với những nguyên nhân chính đáng cần được sự giúp đỡ của mình. Là người cha, phải công bằng và biết suy xét về những đòi hỏi của đứa con khôn lớn.
- Chung Thủy: Là người chồng hiểu biết, phải chung thủy tuyệt đối với vợ, và bênh vực vợ dù khó khăn đến mấy trong bất cứ hoàn cảnh trái ngược mà gia đình gặp phải.
Người chồng luôn giữ vững nguyên tắc, là người mà người vợ tin tưởng hoàn toàn, nương tựa để đối phó với bất cứ biến chuyển gì xẩy ra cho gia đình.
- Thành Thật: Là người chồng trách nhiệm tính nết phải ngay thẳng,thành thật với vợ trong tất cả mọi vấn đề ảnh hưởng con cái. Người chồng không nên che đậy bất cứ bí mật nào đối với vợ vì việc này cuối cùng sẽ xói mòn lòng tín nhiệm và tin tưởng của người vợ vào chồng.
- Người Bạn Đường Tốt: Người chồng nên có một cá tính nhã nhặn để có thể hòa đồng với mọi tầng lớp xã hội. Người chồng nên có kiến thức để có thể đàm luận ở mọi trình độ xã hội, có thể giúp đỡ bất cứ ai cần đến mình giúp. Người chồng cũng nên có tính khôi hài để làm vui người nghe khi những người này muốn có bạn; và
- Sự ủng hộ tinh thần: Là người chồng trách nhiệm, phải vững vàng đứng bên cạnh vợ cho đến lúc cuối cùng để đối phó với bất cứ tình huống nào xẩy ra cho người vợ, ủng hộ tinh thần người vợ cần đến sự can đảm để vượt qua tình trạng khó khăn
Người chồng được thừa nhận là người đứng đầu gia đình trừ phi người đó không đủ khả năng để thi hành những nhiệm vụ trên. Cả hai theo luật thông thường và dưới pháp chế hiện đại, người chồng chịu trách nhiệm nuôi nấng vợ và gia đình,dù trên thực tế người vợ có tài sản hay lợi tức đủ khả năng để tự nuôi mình.
Ngay cả bây giờ có nhiều bà vợ đi làm, sự nuôi nấng gia đình phải được cùng nhau chia sẻ. Người chồng không có lý do trốn tránh việc nhà giúp đỡ người vợ và dạy con cái, nhất là khi không có người làm để làm công việc ấy.
Ngoài phương diện xúc cảm và khoái cảm, vợ chồng phải lo lắng sinh kế hàng ngày, ngân quỹ gia đình và bổn phận xã hội.
Như vậy, sự tham khảo ý kiến lẫn nhau giữa người chồng và vợ trong tất cả mọi vấn đề trong gia đình sẽ tạo được bầu không khí tin tưởng, hiểu biết để giải quyết bất cứ vấn đề gì có thể xẩy ra.
Theo Đức Phật cha mẹ có năm nhiệm vụ đối với con cái:
- Nhiệm vụ thứ Nhất: Ngăn cản các con gây tội lỗi.
Nhà là trường học đầu tiên, cha mẹ là các thầy giáo đầu tiên. Trẻ con thường học những bài học vỡ lòng tốt và xấu nơi cha mẹ. Các bậc cha mẹ thiếu thận trọng trực tiếp hay gián tiếp tiêm nhiễm vào đầu các con cái những điều nói dối, gian lận, bất lương vu oan, báo thù, không xấu hổ, không sợ hãi các tội lỗi, và các hành động vô luân trong thời thơ ấu của chúng. Hãy nhớ đến thói quen bắt chước. Cho nên cha mẹ phải làm gương, không nên tiêm nhiễm những tật xấu vào đầu óc ngây thơ của con cái.
- Nhiêm vụ thứ Hai: Thuyết phục trẻ làm điều lành:
Cha mẹ là những thầy giáo ở nhà, và thầy giáo là cha mẹ ở trường. Cả hai cha mẹ lẫn thầy giáo đều chịu trách nhiệm về tương lai và hạnh phúc của con cái. Chúng trở nên người tốt hay xấu do cha mẹ và thầy giáo hun đúc. Chúng trở thành, hay sẽ trở thành tốt xấu do người lớn trong tuổi dễ ấn tượng của chúng. Chúng bắt chước làm y như người lớn trong tuổi thơ ngây của chúng.
Chúng hấp thụ điều truyền đạt. Chúng theo dấu chân người lớn. chúng bị ảnh hưởng về tư tưởng, lời nói và hành động của người lớn. Do vậy, nhiệm vụ của cha mẹ là tạo bầu không khí thích hợp cả tại nhà lẫn trường học.
Giản dị, vâng lời, hợp tác, đoàn kết hy sinh, chân thật, thẳng thắn, giúp đỡ tự tin, bằng lòng, cử chỉ tốt, nhiệt thành mộ đạo, những đức hạnh khác phải được in sâu vào tâm trí thanh xuân của chúng. Những hạt giống như vậy được đem trồng sẽ lớn lên thành cây nhiều trái.
-Nhiệm vụ thứ Ba: Cho con cái một nền giáo dục tốt -
Một nền giáo dục đứng đắn là một di sản tốt nhất mà bậc cha mẹ để cho con cái. Một kho tàng quý báu cũng không bằng. Giáo dục là phước báu tốt nhất mà cha mẹ để cho con cái.
Giáo dục phải được truyền dạy cho con cái ngay từ tuổi ấu thơ trong bầu không khí đạo giáo bằng cách huấn luyện chúng duy trì kỷ luật cao thượng và tính tốt của con người. Việc đó sẽ ảnh hưởng sâu xa đến đời sống của chúng.
-Nhiệm vụ thứ Tư: Lo cho con cái thành lập gia đình vói người xứng đáng.
Hôn nhân là một hành động trọng đại của một đời người; sự kết hôn không thể hủy bỏ dễ dàng. Cho nên hôn nhân cần được xét kỹ từ mỗi khía cạnh, tất cả mọi góc độ để hai họ vui lòng trước khi cưới. Việc cha mẹ quan tâm đến người hôn phối của con cái rất quan trọng cho đời sống lứa đôi tương lai của chúng. Bậc cha mẹ phải chấp nhận những lệ thường thời hiện đại như hẹn hò vân vân..., con cái phải hiểu rõ ràng là cha mẹ có quyền giám sát hoạt động của chúng, biết bạn của chúng là ai. Nhưng con cái cũng có quyền riêng tư và tự trọng.
Theo tu dưỡng Phật Giáo, nhiệm vụ thay thế quyền lợi. Cả đôi bên không nên cứng rắn, nhưng phải trân trọng, khôn ngoan để đi đến giải pháp thân hữu. Nếu không hai bên sẽ nguyền rủa lẫn nhau và các hậu quả xấu khác sẽ xẩy đến. Hơn thế nữa, mối bất hòa này sẽ ảnh hưởng đến đời con cháu. Trong hầu hết các trường hợp, những ai ngược đãi người khác thì chính họ sẽ là nạn nhân của sự ngược đãi.
-Nhiệm vụ cuối cùng: Là nên giao lại tài sản cho con cái lúc thích hợp.
Cha mẹ không những chỉ thương yêu và săn sóc con cái khi còn sống trong sự nuôi dưỡng, che chở của mình mà con phải lo liệu tương lai và hạnh phúc cho chúng. Cha mẹ đã phải khó nhọc tạo nên của cải nhưng không nuối tiếc khi cho các con cái thừa hưởng gia tài.
Cha mẹ để lại của cái cho con cái không muốn chúng hoang phí nhưng muốn chúng dùng của cải này để nâng cao mức sống. Trong tất cả các việc này, điểm chủ yếu là tôn trọng lẫn nhau, và quan tâm đến hạnh phúc của cả cha mẹ lẫn con cái.
Làm cha mẹ không giống như làm bất kỳ công việc thông thường nào. Công việc này không có giờ giấc, không bao giờ chấm dứt và không bao giờ đủ thì giờ để làm mọi thứ. Dù cho con của bạn bao nhiêu tuổi, mới sinh hay chập chững biết đi, không bao giờ quá muộn để đặt đứa con lên trên hết và thích thú được làm mẹ hay cha.
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng chỉ mình mới biết rõ điều gì tốt nhất cho con cái nên đặt nhiều kỳ vọng vào chúng. Họ bắt con cái vào các lớp học tư cả đến khi chúng không thể theo nổi các lớp ấy. Đồng thời họ bắt các con theo học các vũ điệu cổ điển (cho con gái), tài quan đô (cho con trai), lớp học nhạc, những lớp điện toán vân vân....Hơn thế nữa họ buộc các con phải được điểm cao nhất A trong các kỳ thi và phải đạt hạng ưu trong mọi môn học khác. Trong cuộc chạy đua này, họ biến các con họ thành các đồ trưng bày mà họ là sở hữu chủ để được hãnh diện với bè bạn và thân quyến, để khoe khoang với các người khác.
Trong những ngày đẹp đẽ của tuổi hoa niên thời xưa, một em nhỏ hay một thiếu niên không bao giờ tinh thần phải bị căng thẳng vì quá nhiều mong ước mà em phải chu toàn. Nhưng những trẻ em ngày nay, nhất là tại các thành thị, có quá nhiều việc phải làm, phải tranh đua, như vậy các em đã bị tước đi tuổi thơ của một đứa trẻ bình thường. Nhiều người không nhận thức được rằng là cha mẹ, họ có một số quyền hành và cũng có một số trách nhiệm. Con cái cũng có quyền hành và trách nhiệm. Cái mà ngày nay chúng ta có là những người muốn trở thành các bậc siêu cha mẹ, nhưng trong nhiều trường hợp con cái đâu có thể thành siêu được. Cho nên cha mẹ phải nên thực tế và biết điều. Cha mẹ không nên đặt các mục tiêu mà họ biết rõ con cái họ không thể hoàn thành, như vậy sẽ tránh được sự căng thẳng không cần thiết và thất vọng trong gia đình. Xây dựng một gia đình hạnh phúc là một tiến trình không ngưng nghỉ.
Vậy nên cha mẹ không những phải nhận thức hoàn toàn vai trò, trách nhiệm của mình, mà còn phải áp dụng kỹ thuật hiện đại làm cha mẹ cho thích hợp. Hãy nhớ câu nói của nhà Triết học Đạo Lão, Trang Tử: "Nếu bạn có 6 ngón tay, chớ nên cố gắng làm thành 5 ngón, nếu bạn có 5 ngón, chớ cố gắng làm thành 6 ngón. Không nên làm trái luật thiên nhiên".
Là cha mẹ bạn chịu trách nhiệm luôn lo lắng đến hạnh phúc và nuôi dưỡng con cái. Nếu đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh, cường tráng và là người công dân hữu dụng, đó là kết quả nỗ lực của bạn. Nếu đứa trẻ lớn lên hư hỏng, chính cha mẹ là người chịu trách nhiệm. Đừng đổ lỗi cho người khác. Bổn phận c?a cha mẹ là phải hướng dẫn con cái vào con đường ngay thẳng. Mặc dù có một số ít trường hợp hầu như không sửa chữa được cho những trẻ con phạm pháp, tuy nhiên là cha mẹ, bạn vẫn trách nhiệm tinh thần về tư cách đạo đức của con cái.
Về sự giúp đỡ và kiểm soát con cái, cha mẹ phải điều chỉnh khi chúng lớn khôn. Mục tiêu tối hậu làm cha mẹ là trở thành người bạn con mình và tùy theo khả năng chấp nhận trách nhiệm. Một lỗi lầm của một số cha mẹ là muốn thành người bạn của con mình lúc nó mới có 6 tuổi. Chúng ta hết sức cẩn thận về cái mà chúng ta định nghĩa là bạn. Chúng ta hiểu bạn đây không có nghĩa là chúng ta đối xử với con cái ngang hàng trong tuổi tác mà là phải có tình thương, tin cậy và kính trọng. Ở tuổi nhỏ, đứa con cần cha mẹ chứ không phải người bạn. Trong lúc xây dựng mối quan hệ tình cảm và hỗ trợ cho con cái, cha mẹ cũng giúp chúng phát triển tinh thần. Trên hết bạn phải có thì giờ dành cho con cái. Có thì giờ để trả lời các câu hỏi của chúng, giúp đỡ chúng hiểu sự kỳ diệu của đời sống. Bạn đừng quên là bạn dập tắt óc sáng tạo của đứa con khi bạn không trả lời những câu hỏi nó nêu lên. Khi đứa trẻ đặt câu hỏi lẽ dĩ nhiên nó muốn chia sẻ, cho nên sự thử thách lớn nhất mà bạn phải đương đầu là phải sæn sàng trả lời ngay với tình thương yêu, mọi thứ mà bạn làm nên phù hợp với bản tính tò mò tự nhiên của đứa trẻ.
Tự động tham gia cũng quan trọng khi để con cái tham gia vào mọi việc, những khoa học gia vĩ đại thành công cũng là do tinh thần tự ý phục vụ của họ. Nếu cha mẹ không biết câu trả lời, cha mẹ phải tìm cách giải quyết cho chúng thay vì bỏ qua hay nói rằng vì bận quá, hoặc cho là không quan trọng để làm chúng im đi, hạn chế tính tò mò của chúng. Bạn sẽ cảm thấy tội lỗi khi trả lời con cái khi chúng còn đang trong tuổi non nớt tọc mạch nhất của chúng bằng câu: "Đừng hỏi quá nhiều ". Là những ông bố bà mẹ ân cần và có trách nhiệm, thực ra bạn phải trả lời ngay câu hỏi do bản tính tò mò tự nhiên của con cái.
Đường lối khoa học để giải quyết vấn đề là nhìn vào câu hỏi phải trả lời, tìm tất cả các dữ kiện có được, sắp xếp lời giải đáp ở mức độ dễ hiểu. Như vậy, tính tò mò của chúng được thỏa mãn, câu trả lời sẽ giúp cho đứa trẻ học hỏi, nghĩ và hành động một cách khoa học cũng như giúp cho nó có óc sáng tạo có thể sử dụng sau này khi trưởng thành.
Chẳng hạn khi bạn cho con đồ chơi, bạn nên cho nó với một tình thương yêu dịu dàng và vui vẻ. Trái lại có một số cha mẹ khi đưa đồ chơi cho con thì lại quát tháo: "Đừng mở như thế này? Đừng làm hỏng đồ chơi, đồ chơi đó đắt lắm đấy. Con có biết con may mắn đến dường nào mà có được đồ chơi như thế này? Thì đã sao nếu nó làm hư cái đồ chơi đó? Nếu bạn có thể mua cho con đồ chơi, cũng hợp lý nó nghĩ là nó có thể làm hư đồ chơi đó.
Thay vì như trên, bạn cũng là một phần trong sự khám phá bạn nên nói với nó " Lại đây con thân yêu, chúng ta cùng mở ra xem coi" và nên sử dụng các yếu tố vui vẻ thay vì yếu tố tiêu cực. Hãy cho con món quà với niềm vui và tình thương yêu. Việc này có thể làm được nếu tinh thần bạn không căng thẳng và dù tự thấy không vui. Bạn phải vui vẻ vì chỉ trong trạng thái hạnh phúc ta mới cảm thấy thoải mái và khoan dung.
Cha mẹ đôi khi bị quy trách nhiệm vì con cái có những thói quen tiêu cực, bị tiêm nhiễm một cách vô ý thức trong xã hội. Chẳng hạn, như khi cha mẹ bảo con trả lời điện thoại nói là không có nhà nhưng thực ra mình có nhà (hành động coi như không tội lỗi) nhưng vô tình trồng hạt giống nói dối đầu tiên vào đầu óc non nớt của đứa trẻ. Việc làm này ảnh hưởng đến môi trường giáo dục không có lợi cho việc học hỏi giá trị nhân bản, mà đứa trẻ, có thể trong tương lai, trở thành yếu tố phá hoại hòa bình, hạnh phúc, phúc lợi của gia đình và xã hội, và nhất là phá hoại chính nó.
Nhiều bậc cha mẹ và người già ngày nay chịu trách nhiệm về việc trồng các hạt giống nói dối vào con trẻ bằng nhiều con đường khác nhau. Họ khuyến khích dối trá trực tiếp, hành động hoặc nói năng dối trá, dẫn đến sự phát triển những tính xấu của con người làm suy thoái giá trị nhân bản. Số phận của con cái tùy thuộc vào bậc cha mẹ, các bậc trưởng thượng phát triển một thái độ đứng đắn trong đạo đức nuôi dưỡng sự thật và cuộc sống chân thật.
Con trẻ lặp lại tiếng nói của cha mẹ. Để tránh việc sử dụng những lời cục cằn và thô lỗ, các bậc cha mẹ hữu trách nên dùng những câu nói vui vẻ vì con trẻ thường có khuynh hướng bắt chước cha mẹ.
Đứa trẻ trong tuổi ngây thơ dễ bị ảnh hưởng cần có tình thương, chăm sóc, trìu mến, và sự quan tâm của cha mẹ. Thiếu tình thương yêu và sự hướng dẫn của cha mẹ, đứa trẻ sẽ bị tổn thương tình cảm và nó sẽ thấy thế giới là một nơi khó sống. Mặt khác cho con cái tình thương yêu không có nghĩa là thõa mãn cho nó tất cả những gì nó đời hỏi hợp lý hay không hợp lý. Quá nuông chiều con cái sẽ làm chúng hư hỏng. Người mẹ dành cho con cái tình thương và chăm sóc cũng phải nghiêm khắc và cứng rắn nhưng không cay nghiệt trong lúc chúng trong độ tuổi hình thành nhân cách. Tỏ tình thương trong kỷ luật- đứa trẻ rồi ra sẽ hiểu được.
Cha mẹ nên dành nhiều thì giờ cho con cái, nhất là trong lúc chúng mới lớn. Cha mẹ nên ý thức cho con cái món quà tình thương của mình chứ không phải món quà vật chất. Món quà tinh thần này bao gồm bồi đắp lòng tự trọng cho con cái, cố gắng tạo ra không khí chuyện trò cha mẹ-con cái tích cực, tình thương yêu vô điều kiện và loại bỏ những khía cạnh cản trở sự phát triển tâm lý của đứa trẻ. Đó là những món quà thiết thực và có nghĩa lý sâu xa. Bậc cha mẹ hiểu biết đó là món quá lớn nhất mà đứa con có thể nhận được và cha mẹ có thể cho được.
Bất hạnh thay, trong số các bậc cha mẹ ngày nay, tình thương yêu con cái thiếu thốn một cách thảm hại. Đổ xô vào sự tiến lên về vật chất, và phong trào đòi hỏi nam nữ bình quyền đưa đến kết quả là nhiều bà mẹ đã theo chồng làm việc tại các văn phòng và cửa hàng thay vì ở nhà để trông nom con cái. Những đứa con được giao cho thân quyến, trung tâm giữ trẻ hay những người làm, bị ngỡ ngàng vì thiếu tình thương yêu và chăm sóc của người mẹ.
Cung cấp cho con trẻ những loại đồ chơi tối tân hiện đại (là một hình thức để an ủi bù đắp) như xe tăng, súng máy, súng lục, thanh kiếm, rất tai hại đến việc huân tập tính nết đứa trẻ về mặt tâm lý. Cho con cái những đồ chơi trên đây không thể thay thế được tình thương yêu và trìu mến của người mẹ. Kết quả những đứa trẻ vô tình được dạy thích gây hấn và phá hoại thay vì được dạy dỗ là phải tử tế, từ bi và hảo tâm. Những đứa trẻ như vậy sẽ phát triển khuynh hướng tàn bạo khi chúng lớn. Không có tình thương và hướng dẫn của cha mẹ, thì không có gì ngạc nhiên gì thấy khi lớn nó trở thành kẻ phạm pháp. Rồi ta trách cứ ai đây đã nuôi dưỡng những đứa con bướng bỉnh như vậy? Cha mẹ chứ còn ai nữa!
Người mẹ đi làm, nhất là sau một ngày việc cực nhọc trong sở, tiếp đến những công việc lặt vặt trong nhà, khó có thì giờ dành cho con cái để làm bổn phận thương yêu và chăm sóc chúng. Những cha mẹ không có thì giờ cho con cái bây giờ chẳng nên phàn nàn gì sau này những đứa con lớn lên không có thì giờ cho mình. Những cha mẹ nói rằng mình đã tiêu rất nhiều tiền cho con cái nhưng lại quá bận cũng chẳng nên phàn nàn gì sau này khi chúng lớn cũng quá bận nên phải để cha mẹ vào những nhà Dưỡng Lão!
Hầu hết các phụ nữ đi làm việc ngày nay để gia đình có thể vui huỏng nhiều lợi lạc vật chất. Những phụ nữ này nên nhớ lời khuyên của (Thánh) Gandhi là con người tìm cách thoát khỏi tham lam hơn là nhu cầu. Đương nhiên vì nền kinh tế ngày nay, chúng ta không thể chối cãi là một số phụ nữ cần phải đi làm. Trong trường hợp này, cha và mẹ phải hy sinh thêm nhiều thời gian để bù đắp vào điều mà đứa trẻ thiếu thốn khi họ vắng nhà. Nếu cha và mẹ dành thì giờ không phải đi làm cho con cái, cha mẹ và con cái sẽ hòa thuận và hiểu nhau nhiều hơn. Chúng ta gọi thì giờ này là "thì giờ quý báu" cho gia đình.
Con cái để cho các thân nhân, trung tâm giữ trẻ hay những người làm được trả tiền công chăm sóc hoặc đứa trẻ bị khóa trong nhà tự do nghịch ngợm, thường thiếu tình thương và chăm sóc của người mẹ. Người mẹ, cảm thấy có tội vì thiếu săn sóc, cố gắng xoa dịu đứa trẻ bằng cách thỏa mãn cho nó tất cả những gì chúng đòi hỏi. Hành động như vậy chỉ làm hư đứa trẻ mà thôi.
Hầu hết con người đem hết năng lực và sức sáng tạo của mình vào công việc cho nên năng lực dành cho gia đình chẳng qua chỉ là chút ít dư thừa còn lại. Đây là chỗ mà họ lập luận về thì giờ quý báu dành cho gia đình của những người cha mẹ tội lỗi muốn bào chữa về thời giờ dành cho con cái. Một trong những sai lầm về quan niệm thời gian quý báu dành cho con cái nằm trong thực tế là nhu cầu của đứa trẻ và lúc rảnh việc của cha mẹ thường không trùng nhau. Khi con cái cần đến cha mẹ thì cha mẹ lại không có mặt.
Cha mẹ thường bị đặt vào tình trạng khó xử Vội vàng về nhà sau một ngày mệt lử vẫn có những công việc lặt vặt trong nhà phải làm. Xong công việc hàng ngày là đến bữa cơm chiều, sau đó là truyền hình thì còn đâu đủ thì giờ để làm bổn phận thương yêu và chăm sóc con cái. Quan trọng hơn nữa là cha mẹ không có mặt để truyền đạt cho con cái các giá trị văn hóa, xã hội và tôn giáo lúc đứa trẻ ở vào tuổi tốt nhất để lãnh hội. Việc này không thể làm được trong thời gian quý báu dành cho con cái!
Một số cha mẹ còn mang công việc của sở về nhà làm, thậm chí mang cả áp lực và căng thẳng từ sở làm về. Kết quả, họ không còn giữ được bình tĩnh với con cái.
Là vợ chồng họ không có đủ thì giờ cho nhau và đó là nguyên nhân đã đưa đến sự tan vỡ gia đình. Cần ý thức rằng mối giây liên lạc chặt chẽ trong gia đình có thể đóng góp vào việc làm đứa trẻ phát triển tốt.
Có thể nói sự khác biệt nam nữ ảnh hưởng đến mối quan hệ cha mẹ - con cái. Người ta nói mẹ và con gái lớn thường chuyện trò với nhau nhiều cả đến khi đứa con gái đã lấy chồng và không còn ở cùng nhà.
Mặt khác, mối quan hệ cha-con trai trưởng thành lại không như vậy. Cha và con trai lớn chỉ nói chuyện khi thật cần thiết và thường chỉ nói về các vấn đề không mấy quan trọng. Sự trao đổi với nhau chỉ là câu hỏi và trả lời như trong một buổi họp.
Có lẽ người cha nghĩ rằng đứa con nay đã lớn và nó phải biết vai trò và nhiệm vụ của nó tại nhà, đối với cha mẹ và xã hội. Nhưng đối với người mẹ lại khác hẳn- đứa con gái bao giờ cũng là "con gái bé bỏng của tôi" Dù sao đi nữa cha mẹ đóng một vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng con cái và làm tốt điều đó nếu họ muốn làm giảm thiểu những tội lỗi đang gây tai hại cho xã hội của chúng ta ngày nay. Những tiêu chuẩn đạo đức không thể dạy bằng các lời nói mà bằng hành động.
Bậc cha mẹ phải tự mình làm gương. Thái độ cũ của bậc cha mẹ là " hãy làm những gì cha mẹ bảo mình làm chứ không phải những gì cha mẹ làm" không còn đứng vững nữa. Tính nết tốt phải chính nơi cha mẹ. Nếu chúng ta muốn con cái chúng ta có tiêu chuẩn đạo đức thích hợp, chúng ta phải bắt đầu ngay tại gia đình. Nếu có điều gì không phải giữa con trai và người cha, thì người cha phải tự mình bắt đầu tìm câu giải đáp.
Cha lẫn mẹ cần phải hy sinh. Cha mẹ nên dành đủ thì giờ và cố gắng làm cho mọi người trong gia đình tham gia vào tất cả các hoạt động trong việc xây dựng gia đình và định hướng các hoạt động.
Điều thiết yếu là phải sắp xếp cho đúng các việc ưu tiên phải làm chẳng hạn như ưu tiên hướng về gia đình và hôn nhân, tạo mối tương quan gia đình khăng khít cho một môi trường hòa hợp.
Quả đúng trong mọi xã hội, gia đình là một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội. Nếu mọi gia đình trong một nước hạnh phúc thì cả quốc gia ấy đều hạnh phúc. Cái gì tạo cho gia đình hạnh phúc? Một gia đình hạnh phúc được định nghĩa là một gia đình ổn định về mặt xã hội, kinh tế tâm lý, và các khía cạnh vật chất và tinh thần của đời sống ; và là nơi có tình thương yêu ấm áp và hòa hợp giữa những người trong gia đình. Một gia đình có thể cân bằng giữa những yếu tố trên quả thực là một gia đình hạnh phúc.
Nhưng khi chúng ta nhìn chung quanh chúng ta và nhìn vào tình hình khắp nơi trên thế giới, chúng ta thấy gì? Trẻ con lang thang ngoài phố và trong các tiệm truyền hình. Chúng trốn học. Trẻ con bị ngược đãi, vợ bị đánh đập và các người già thì bị đưa vào các nhà dưỡng lão không đếm xỉa gì đến cảm nghĩ của họ ra sao. Tất cả là những dấu hiệu biểu lộ chân tướng những gì không tốt ở mức độ căn bản nhất của xã hội: đó là những dấu hiệu của xã hội suy đồi.
Đó là một tình trạng đáng buồn khi những giá trị và truyền thống tốt đẹp không còn được thực hiện. Có rất ít tác động qua lại giữa người trong gia đình và bè bạn, ý thức trách nhiệm đối với người trong gia đình ngày càng bị suy yếu. Gia đình không hạnh phúc có thể do đói nghèo, nhưng có tài sản vật chất cũng không bảo đảm là có hạnh phúc, mà đơn giản là do sự phát sinh lòng vị kỷ, độc ác và tham lam.
Đứa trẻ học hỏi lòng trìu mến yêu thương nơi cha mẹ, và cùng nhau, cha mẹ và con cái tạo thành đơn vị gia đình hạnh phúc. Qua cái thế giới vi mô (nhỏ) của xã hội, chúng ta học sự quan tâm, chia sẻ, lòng thương người, và lo lắng cho những người khác. Qua nhiều thời đại, tôn giáo là một lực lượng quan trọng để cấu tạo những giá trị này thành một hệ thống dễ dàng được công nhận và đem giảng dạy. Bởi vậy, gia đình và tôn giáo là những thành phần nòng cốt trong việc truyền đạt và nuôi dưỡng các giá trị này.
Gia đình đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển hội viên trong một gia đình. Tinh hoa trong văn hóa Á Châu và Tây Phương dạy kính trọng người già, thương xót người đau yếu, người thiếu thốn, chăm sóc cha mẹ già và quan tâm đến người trẻ.
Đứa trẻ lớn lên trong những giá trị này sẽ noi gương họ và hành động thích hợp vói những người khác. Tuy có được những tiến bộ kỹ thuật rộng lớn trong nền văn minh hiện đại, chúng ta lại đang mất nhanh những giá trị này. Điều cần thiết là phải làm gì để hợp nhất gia đình lại và cứu xã hội.
Chúng ta phải bảo vệ và ủng hộ sự phát triển gia đình như một thể chế dưới ánh sáng của sự thay đổi rộng lớn nhanh chóng về nhân khẩu và xã hội-kinh tế. Gia đình mở rộng (gồm cả họ hàng) đang nhường chỗ cho gia đình hạt nhân (chỉ gồm cha mẹ, con cái). Chúng ta chỉ có thể làm được rất ít trong việc ngăn chặn trào lưu này nhưng những giá trị về sự kính trọng, quan tâm, tình thương phải được gìn giữ. Những giá trị tốt ở Đông Phuơng hay Tây Phương, phải được gìn giữ mặc dù những sự thay đổi về lối sống mang đến do sự hiện đại hóa, kỹ nghệ hóa và thành thị hóa.
Người mẹ là nhân vật quan trọng trong việc phát triển gia đình. Vì chăm sóc, thương yêu, trìu mến và lòng từ bi là những đức tính bẩm sinh, người vợ truyền đạt những chân giá trị này cho con cái mình nuôi dưỡng. Người mẹ do lòng thương yêu, lo lắng, từ bi, kiên nhẫn và khoan dung gắn bó người thân trong gia đình lại với nhau. Sự thực hành những giá trị này có thể truyền thừa cho con cái vì chúng là những người bắt chước rất hay và là những người học hỏi theo gương mẫu của cha mẹ. Chúng ta phải nhóm họp lại để phục hồi chức năng truyền thống của người mẹ, và đương nhiên việc làm này phải phù hợp với nhu cầu và áp lực hiện đại.
Tôn giáo cũng phát triển giá trị nhân bản tốt. Những gia đình sùng đạo và viêc tu tập rất cần thiết trong cuộc vận động phát triển gia đình. Có thể nói một gia đình hạnh phúc là một nhóm người sống thân ái và an lạc cùng nhau đặt tầm quan trọng vào kỷ luật tôn giáo và tư cách cha mẹ để tạo bầu không khí gia đình hạnh phúc. Những giá trị như vậy cần phải gìn giữ và bảo vệ theo tinh thần tôn giáo để gia đình khỏi bị ảnh hưởng bởi những giá trị phản xã hội không thể chấp nhận được.
Những cha mẹ thực tế và hiểu biết đem hạnh phúc cho gia đình. Con đường duy nhất mà cha mẹ có thể xây dựng được một gia đình hạnh phúc là do thể chế hôn nhân. Thể chế này rất tốt trong quá khứ và có thể thực hiện trong hiện tại, chúng ta có thể làm đó thích hợp thích hợp trước nhu cầu cuộc sống hiện nay.

No comments:

Post a Comment