Trong cải lương có những bài bản cổ nhạc. Những bài bản này chắc chắn là được lưu truyền từ kinh đô Huế bằng chứng trong thi ca còn ghi lại:
Lớp sau Thanh Giản tiếng đồn,
Là Phan Hiển Đạo với Tôn Thọ Tường
Ông thời nho nhã văn chương,
Ông thời thi phú tốt đường diệu công.
Ông về thác Vĩnh Kim Đông,( 1 )
Ông ra giúp nước bụng đồng tương tri.
Một còn một mất trọn nghì,
Ngàn thu gương tạc Nam kỳ danh nho.
Thi rằng:
Nối dấu văn tinh rạng vẻ son,
Rủi ro thời thế tiếng không tròn;
Cõi bờ chủ mới lăm vun quén,
Cờ biển ân vua nghĩ héo don.
Tri kỷ mấy lời ghi bụng nhớ,
Dạ đài một giấc nín hơi ngon.
Khúc đờn lưu thủy trôi dòng bích,
Mà giọng kìm tranh điệu Huế còn.
(Trích Điếu Cổ Hạ Kim thi tập - Nguyễn Liêng Phong)
Khi thụ nghiệp ở Huế, cả Phan Hiển Đạo và Tôn Thọ Tường đều có học đàn, về Nam truyền lại cho người khác, ngoài ra còn có nhạc lễ đó là những nguồn gốc âm nhạc truyền bá trong Nam, để từ đó lúc trà dư, tửu hậu, sau những ngày nhọc mệt ở đồng áng, những tay đờn đã họp lại hòa đờn và những người biết ca, cũng góp giọng ca của mình, để làm cho buổi hòa đờn thêm đậm nét văn nghệ. Những nhà giàu có, khi có tiệc tùng gã cưới, mừng thăng quan tiến chức, mừng nhà mới, mừng con cháu thôi nôi, đầy tháng, họ tổ chức tại nhà những buổi hòa đờn có ca hát vô hình trung hình thành nhóm ca tài tử, rồi lần lần đi đến ca có bộ tịch sau cùng hình thành một đoàn hát như Hát bội đã có, trình diễn trên sân khấu có tuồng tích, lớp lang trở thành Cải lương.
II.- Nguồn gốc: Xin trích một tài liệu được ghi chép rõ và chính xác về nguồn gốc Cải lương sau đây trong Nghệ Thuật Sân Khấu của ông Trần Văn Khải:
"I.- Lịch sử cải lương.- Trước kia ở rải rác trong các tỉnh Nam Phần có những ban tài tử đờn ca trong các cuộc lễ tại tư gia như tân hôn, thăng quan, giỗ quải, v.v…. Nhưng không bao giờ có đờn ca trên sân khấu hay trước công chúng.
Qua lối năm 1910, ở Mỹ Tho có ban tài tử Nguyễn Tống Triều, người Cái Thia (2) tục gọi là Tư Triều (đờn kìm), chin Quán (đờn độc huyền), Mười Lý (thổi tiêu), Bảy Vô (đờn cò), cô Hai Nhiễu (đờn tranh), cô Ba đắc (ca). Phần nhiều tài tử này được chọn đi trình bày cổ nhạc Việt Nam tại cuộc triển lãm ở Pháp. Khi về, họ cho biết rằng Ban tổ chức có cho họ đờn ca trên sân khấu được công chúng đến nghe đông đảo.
Cái ý kiến đờn ca trên sân khấu đã phát sinh từ đó. Thầy Hộ, chủ rạp hát bóng Casino, ở sau chợ Mỹ Tho, muốn cho rạp hát mình được đông khách, bèn mời Ban tài tử Tư Triều đến trình diễn mỗi tối thứ bảy và thứ tư trên sân khấu, trước khi hát bóng. Lối đờn ca trên sân khấu này được công chúng hoan nghinh nhiệt liệt.
Lúc bấy giờ, lối năm 1912, chúng tôi tòng học tại tỉnh lỵ Mỹ Tho, có đến xem. Cách chưng dọn sân khấu còn đơn sơ. Cái màn bạc dùng làm tấm phong (fond), kế đó có lót một bộ ván, trước bộ ván có để một cái bàn chưng cheo. Hai bên sân khấu có để cây kiểng xem rậm đám và khán giả có cảm giác đứng trước một cái phòng khách hạng trung lưu. Các tài tử ngồi trên bộ ván và mặc quốc phục xem nghiêm trang. Cô Ba đắc ca rất hay và biết đủ các bài cổ điển. Nhất là cô ca bản Tứ Đại oán "Bùi Kiệm Nguyệt Nga" rất duyên dáng.
Bản Tứ Đại lớp đầu:
Kiệm từ khi thi rớt trở về,
Bùi ông mắng nhiếc nhún trề,
Cũng tại mầy ham bề vui chơi,
Kiệm thưa: Tài bất thắng thời,
Con dễ nào không lo bề công danh.
Tuổi con còn xuân xanh.
Cái ơn mẹ cha, con chưa đáp đền đó cha ôi !
Đây là một bài ca đối thoại giữa Bùi Ông, Bùi Kiệm và Nguyệt Nga. Nó khơi nguồn cho các soạn giả đặt những bài ca có đối đáp cho điệu Cải lương sau này.
Trong thời kỳ ấy, Mỹ Tho là đầu mối xe lửa đi Sàigòn. Các du khách ở Miền Tây, Nam Phần như Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ, Bạc Liêu, Rạch Giá, v.v… muốn đi Sàigòn đều phải ghé trạm Mỹ Tho nghỉ một đêm rồi sáng đáp xe lửa.
Trong số du khách có ông Phó Mười Hai ở Vĩnh Long là người ham mộ cầm ca. Khi ghé Mỹ ông nghe cô Ba Đắc ca bài tứ đại với một giọng gần như có đối đáp, nhưng cô không ra bộ. Sau về nhà ông nảy ra ý kiến cho người ca đứng trên ván có ra bộ. Điệu ca ra bộ phát sinh từ đó, lối năm 1915-1916.
Qua năm 1917, ông André Thận ( 3 ) ở Sa Đéc lập gánh hát xiệc, có thêm ít màn ca có ra bộ. Kép có Bảy Thông, Táng Cang, đào có cô hai Cúc.
Kế Năm 1918, ông Năm Tú ( 4 ) ở Mỹ Tho sang lại gánh hát thuộc ban ca kịch của ông Thận và sắm thêm tranh cảnh, y phục, có ông Trương Duy Toản soạn tuồng. Điệu hát cải lương chánh thức hình thành từ đó. Mỗi tuần gánh ông Năm Tú hát tại Mỹ Tho ba đêm rồi lên rạp Eden Chợ Lớn ba đêm. Trong ít lâu gánh Đồng bào Nam của cô Tư Sự và gánh Nam đồng Ban của ông Hai Cu ở Mỹ Tho ra đời. Trong đó có nhiều đào kép trứ danh xuất hiện như cô Năm Phỉ, cô Bảy Phùng Há, cô Tư Sạng, kép Hai Giỏi và Năm Châu, v.v…
Từ đó điệu cải lương càng phát triển và nhiều ban được thành lập:
Văn Hí Ban ở Chợ Lớn, Tân Phước Nam ở Sốc Trăng và Sĩ Đồng Ban ở Long Xuyên v.v. Lần lần điệu cải lương đem trình diễn ở Trung Phần và Bắc Phần và được đồng bào các nơi ái mộ. "
Danh từ Cải lương theo soạn giả Nguyễn Phương thì đến năm 1920, gánh Tân Thinh của ông Trương Văn Thông khai trương, soạn giả Lâm Hoài Nghĩa có làm hai câu đối treo bai bên bảng hiệu:
Cải cách hát ca theo tiến bộ,
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh.
Từ đó, danh từ Cải lương ghép vào cho các đoàn hát khác với Hát bội.
Về tuồng cải lương được đưa lên Sân khấu đầu tiên là tuồng "Pháp Việt nhứt gia" cũng gọi là "Gia Long tẩu quốc" trình diễn đêm 16-11-1918 tại sân khấu Nhà Hát Tây Sàigòn, nay là Nhà Hát Thành phố. Đoàn hay Ban hát ấy có thể có tên là Khuyến Quyên Kịch Xã do ông Huyện Của, Bùi Quang Chiêu, Lê Quang Liêm còn gọi là Đốc phủ Bảy, Biểu Chánh Hồ Văn Trung, Nguyễn Viên Kiều, Đặng Thúc Liêng, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Tử Thức, Nguyễn Thành Phương, Nguyễn Văn Hoài … là những chức sắc làm việc ở Soái phủ Nam kỳ, các nhà văn, nhà báo, điền chủ, ký lục .. đã được Thống soái Nam Kỳ Albert Sarraut cho phép và khuyến khích họ tổ chức để quyên góp tài chánh, giúp cho chánh phủ Pháp sau trận Đệ Nhất Thế Chiến 1914-1918, tài chánh nước Pháp đã kiệt quệ.
Đoàn này, xiêm y áo giáp thì mượn theo xưa, hát thì nói lối cho rõ ràng dễ nghe chớ không có hát Nam, hát khách hình thức trình diễn nửa kịch nửa hát bội, cho nên có người gọi đoàn này là Đoàn Hát Bộ cho nó có sự khác biệt với Hát Bội.
Khởi diễn từ Sàigòn, đoàn này đi lần đến các tỉnh, gieo ảnh hưởng và thúc đẩy phong trào trình diễn trên sân khấu với tuồng tích và cải lương hình thành từ đó.
Tròn một năm sau, đêm 16-11-1919 Đặng Thúc Liêng có dịp đi ngang qua Nhà Hát Tây, nhớ tới năm trước, cảm tác một bài thơ:
Quá Sàigòn Hí Viện Cảm Tác ( 5 )
Năm ngoái đêm nầy hát rạp Tây,
Năm nay hiu quạnh nghĩ buồn thay.
Bổn tuồng Pháp Việt còn roi dấu,
Bạn kép cầm ca đã lạc bầy.
Dịp tốt khiến nên nhiều sự lạ,
Lòng thành vẫn có mấy ai hay.
Xin đừng bỡn trợn chào Nhưng cũ,
Mở mắt ngàn thu cuộc hát nầy.
Đặng Thúc Liêng
(VHS ghi Trích quyển "Việt Trung tiểu lục" của Nguyễn Thành Phương soạn, nhà in Nguyễn Văn Của xuất bản năm 1920, tr. 53)
Ông Nguyễn Thành Phương, thi gia, ký giả, nghiệp chủ lớn ở Nguyệt Lãng, Trà Vinh có sáng tác bài thi:
Tùng Khuyến Quyên Kịch Xã Qui Lai Thuật
Trót tháng trời đeo cửa hí trường,
Nước non lặn lội khắp quê hương.
Bày trò bán dạng người thiên cổ,
Góp của mua vui khách tứ phương.
Tấm mẳn chung đền ơn Đại Pháp,
Bùn than riêng chạnh buổi Tiêu Vương.
Ai ai có biết cho chăng ẻ ?
Trầu lộn cùng tiêu chịu tiếng thường.
(Nguyễn Thành Phường - Việt Trung tiểu lục 1920, tr. 54)
Từ Anh, Năm Châu, Tư Út, Phùng Há, Ba Liên
Tuồng Khúc Oan Vô Lượng, gánh Trần Đắc (Cần Thơ) diễn trên sân khấu khoảng năm 1931
III.- Các điệu ca: Cải lương sử dụng cổ nhạc là chính, có ba điệu, mỗi điệu có tính cách riêng biệt và có một số bài căn bản như:
Điệu Bắc: Nghe vui tai, có vẻ liến xáo, đờn nhanh, nhịp lẹ, ngân ít, sáu bài Bắc căn bản là Bình bán, Phú Lục, Tây Thi, Cổ bản, Lưu Thủy, Hành Vân. Còn những bản Bắc khác nữa như Kim tiền, Khổng Minh tọa lầu, Xàng xê, Tây thi …
Điệu Nam: Đàn thong thả hơn, ngân vừa, nhịp khi nhặt khi thưa, và phải gây ra cảm tưởng trầm ngâm, bình thản, nghiêm trang. Ba bài căn bản là Đảo ngũ cung, Nam Xuân và Nam ai.
Điệu Oán: Đàn thong thả hơn nữa, ngân nhiều, nhịp thưa, và phải gây cảm tưởng buồn rầu, oán hận, thở than. Ba bài oán căn bản là Tứ đại oán, Văn thiên tường và Trường tương tư cũng còn bài oán cổ điển rất hay nữa là Bình sa lạc nhạn.
Ngoài ra còn các điệu:
Nói lối: Thường dùng bốn câu văn vần, có đối hay không đối. Về vần chữ cuối câu một và câu bốn Trắc, câu hai và ba Bằng, ăn vận với nhau.
Điệu lý: Như Lý giao duyên, Lý ngựa ô, Lý con sáo … là điệu đặc biệt của dân ca Miền Nam.
Lý giao duyên: Thường để cho vai đào sử dụng khi trông chồng, nhớ con đi lâu chưa về.
Lý con sáo: Cũng gọi là Lý Tam Thất, có hơi Nam.
Bình: Đọc phân minh từng câu, từng điệu như bình Kiều câu văn Lục bát, thường dung để tả gia cảnh của nhân vật.
Ngâm: Để ngâm các điệu Tứ tuyệt, Bát cú, Lục bát hay Song thất lục bát.
Hò: Hò theo lối cấy lúa, chèo ghe, đưa đò của điệu hò miền Nam.
Nói thơ: Theo giọng nói thơ Vân Tiên của Miền Nam.
Thán: Dùng thể Thất ngôn tứ tuyệt, để than khóc người quá vãng, có đàn phụ họa.
Tân nhạc: Ca theo nhạc Tây phương.
Vọng cổ: Có thể ca trong những hoàn cảnh khác nhau như lúc vui, khi buồn nhưng thường dùng để ca trong hoàn cảnh oán than là đắc dụng hơn hết.
Bài ca Vọng cổ do nhạc sĩ Sáu Lầu ( 6 ) sáng tác vào năm 1919, trước tiên nó có tên là Dạ Cổ Hoài Lang, tức là đêm nghe tiếng trống nhớ chồng, đó là hoàn cảnh của nghệ sĩ Sáu Lầu, sau khi cưới vợ khoảng mười năm, vợ ông không có con nên cha mẹ bắt ông phải bỏ vợ, để cưới vợ khác hầu sanh con nối dõi tông đường, ông phải đem vợ gửi ở nhà người quen, đêm nằm trằn trọc nhớ đến người vợ đã cùng mình chung sống bấu lâu, nay phải chịu cảnh quạnh hiu, nên ông sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang, là bài ca có 20 câu, nhịp hai, sau người ta tăng lên nhịp bốn, nhịp tám, nhịp mười sáu cứ vậy tăng dần đến 128, rồi ngày nay trở lại nhịp sáu mươi tư. Bản Dạ Cổ Hoài Lang như sau:
1. Từ là từ phu tướng,
2. Bửu kiếm sắc phong lên đàng,
3. Vào ra luống trông tin chàng,
4. Đêm năm canh mơ màng,
5. Trông ngóng trông tin nhàn.
6. Gan vàng thêm đau,
7. Lòng dầu xa ong bướm.
8. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang,
9. Trông luống trông tin bạn,
10. Ngày mỏi mòn như đá vọng phu.
11. Vọng phu vọng luống trông tin chàng.
12. Năm canh mơ màng.
13. Chàng là chàng có hay?
14. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây,
15. Bao thuở đó đây sum vầy,
16. Duyên sắc cầm tình nhưng ý y.
17. Là nguyện cho chàng!
18. Đặng chữ bình an,
19. Mau trở lại gia đàng,
20. Cho thiếp cùng chàng hiệp nhau.”
Từ bài Dạ Cổ Hoài Lang này, nhiều nhạc sĩ miền Nam đã góp công cải tiến dần dần biến thành bài ca Vọng Cổ, một bài ca rất truyền cảm, đóng vai trò chủ yếu không thể thiếu trong một vở tuồng cải lương. Đào, kép chánh của một gánh hát cải lương chẳng những phải khả ái, có tài diễn xuất, mà còn phải ca vọng cổ thật "mùi". Trước kia bản vọng cổ có đến 20 câu, sau này thường sử dụng có sáu câu, cho nên người ta hay nói "sáu câu vọng cổ", người ca danh tiếng nhất là Út Trà Ôn.
Danh Ca Út Trà Ôn
IV.- Những nghệ sĩ tiền phong: Thuở trước có những soạn giả sau đây : Mạnh Tự Trương Duy Toản, Nguyễn Hữu Hậu, Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, Quốc Biểu, Mộng Vân Nguyễn Văn Trung, Hồ Biểu Chánh, Năm Châu Nguyễn Thành Châu, Tư Chơi Huỳnh Thủ Trung, Tư Trang Trần Hữu Trang, Năm Nở, Duy Lân, Bảy Nhiêu …Có lẽ Mạnh Tự Trương Duy Toản là soạn giả đầu tiên của Cải lương, nhưng Nguyễn Trọng Quyền là soạn giả soạn trên 85 tuồng hát cải lương, có công đào tạo các diễn viên lừng danh một thời như : Phùng Há, Năm Phỉ, Năm Châu … và ông cũng truyền nghề soạn tuồng cải lương cho các soạn giả danh tiếng như Năm Châu, Trần Hữu Trang … Trong số truyền nhân này, cô Bảy Phùng Há và Năm Châu là nổi tiếng hơn cả.
Nghệ sĩ danh tiếng thuở trước có những cô đào: Phùng Há, Năm Phỉ, Ba Liên, Sáu Ngọc Sương, Tư Soạn, Ba Bến Tre, Ba Trà Vinh, Kim Thoa, Bảy Nam, Bảy Ngọc … và những kép: Bảy Nhiêu, Năm Châu, Từ Anh, Tư Út, Ba Vân, Duy Lân, Năm Nghĩa, Bảy Cao, Thanh Tao, Út Trà Ôn …
Danh ca Tư Út
Nữ nghệ sĩ Phùng Há
V.- Trích một số bài ca:
Bài ca Bùi Kiệm Thi Rớt, điệu Tứ Đại Oán
Lớp đầu.-
Kiệm từ khi thi rớt trở về,
Bùi ông mắng nhiếc nhún trề
Trách Kiệm rằng ham bề ăn chơi
Kiệm thưa: - Tài bất thắng thời
Con dám nào không lo bề công danh
Tuổi con còn xuân xanh
Ơn mẹ cha chưa đền
Bùi ông nghe
Tiếng nỉ non vuốt ve khuyên Kiệm
Thôi con ở nhà đặng khuya sớm với cha.
Lớp xang dài I.-
Nửa đêm vừa lúc canh ba
Nghe trên lầu kìa ai than thở
Kiệm muốn tường trong duyên cớ
Bước lên bèn thấy
Một trang má đào, … xụ mày.
Tóc bỏ rối chẳng cài,
Kiệm khen nhan sắc ai tày ?
Kiệm giả màu cất tiếng ho
Nguyệt Nga đương bàn luận so đo
Nghe tiếng họ giả vui đứng dậy
Chấp tay chào thầy
Chẳng hay đến chi đây ?
Lớp xang dài II.-
Kiệm phân lỡ bước thang mây
Về ở nhà nghe cha nói lại
Rằng sẳn lòng có nuôi một cô gái
Sắc khuynh tài lại thêm biết phải
Lòng đây sở mộ
Hôm nay mới tường
Kiều Khóc Từ Hải, điệu Hành Vân
Lụy đôi tròng,
Lụy đôi tròng,
Khóc bạn Từ công,
Bởi nghe lời thiếp,
Giữa đám quân nhung,
Chôn chân hào kiệt.
Năm năm bách chiến,
Bây giờ đây phủi sạch tay không,
Vì hiếu trung dâng kế phục tòng.
Bá vương sự nghiệp
Như bọt ngoài sông.
Thân thể anh hùng,
Phút thành tro bụi,
Cố nhân ôi ! Từ công !
Muôn chung ngàn tứ,
Tưởng với nhau cùng
Hay nổi phụ lòng
Cuộc trăm năm thành không !
Phận bọt bèo trôi chẳng còn mong
Mặt nào trông thấy,
Thà thôi một thác cho xong.
Quốc biểu (Nhựt tân báo, 6-9-1923)
Tôn Tẩn Giả Điên, bài ca Vọng cổ
1.- Úy trời đất ơi ! Nổi đoạn trường … cũng vì tôi quá tin thằng Bàng Quyên là bạn thiết của tôi, cho nên ngày hôm nay thân tôi phải ra đến nông nổi …
2.- Còn như công cuộc ngày hôm nay đây, cũng bởi tôi không cẩn thận cho nên bạn tôi nó mới đành nhẫn tâm mà chặt đứt lấy một bàn chơn tôi.
3.- Khi mà tôi còn ở trên non thì tôi quyết đi ẩn thân tu tâm dưỡng tánh, luyện thuốc trường sanh mong thành chánh quả đặng có tọa hưởng Bồ đoàn.
4.- Nào hay đâu thằng Bàng Quyên nó lên năn nỉ, ỷ ôi, lời ngon tiếng ngọt nó nói rằng: chúa của nó là một đấng minh quân chơn mạng. Bởi vậy cho nên nó bảo tôi một một, hai hai cũng phải xuống mà đầu hàng.
5.- Cho nên khi ấy tôi mới hạ san, thì thầy tôi mới cho tôi một bức cẩm nang, lại dặn tôi rằng: " Hễ khi nào lâm nạn thì giở ra xem rồi liệu chước biến quyền".
6.- Khai thơ cứu mạng, cớ sao tôi chẳng thấy điều chi lạ, chỉ thấy trong thơ sao chỉ có một chữ "cuồng". Ờ ! Ờ … phải rồi, đây là thầy tôi bảo tôi phải giả điên đặng có thoát thân.
VI.- Các soạn giả tên tuổi:
1.- Trương Duy Toản tự Mạnh Tự, bút hiệu Đổng Hổ, sinh năm 1885, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Thuở nhỏ học ở tỉnh rồi lên học trường lớn ở Sàigòn, năm 1905 ra trường làm Kinh lịch tại tòa Khâm sứ Pháp ở Nam Vang. Năm 1907 đổi về Sàigòn, ông tham gia vào hội Minh Tân của Trần Chánh Chiếu, ông có sang Nhật làm thông ngôn cho Phan Bội Châu và Cường Để ở Nhật và Pháp. Năm 1908, Nhật trục xuất du học sinh, ông theo Cường Để sáng Âu Châu. Có lẽ trong thời gian này, ông viết tiểu thuyết Tiết phụ gian truân do F.H. Scheneider – Imprimerie, editeur 1910 – Saìgòn xuất bản.
Trương Duy Toản
Năm 1914, ở Âu châu ông trở về Thượng Hải, Singapore rồi lại sang Pháp, tại Paris ông liên lạc với Phan Chu Trinh rồi bị Pháp bắt dẫn độ về Sàigòn, ông bị giam cầm một thời gian rồi được trả tự do. Sau đó ông sống bằng nghề cầm bút. viết tuồng cải lương.
Năm 1924-1933, ông làm chủ báo Trung Lập, Sài Thành nhựt báo. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông sống ở Sàigòn với nghề làm báo, năm 1955, ông còn viết hồi ký về Phong trào cách mạng trong Nam đăng trên tuần báo Tiến Thủ với bút hiệu Đổng Hổ và tiểu Thuyết Phan Yên Ngoại sử tức Tiết Phụ gian truân đã in năm 1910.
Ông mất năm 1957 tại Sàgòn, thọ 72 tuổi, an táng tại quận Tam Bình tỉnh Vĩnh Long.
Tác phẩm của ông gồm có:
- Phan Yên ngoại sử (1910)
- Truyện Đơn Hùng Tín An Nam tục kêu Ba Tính (1925)
- Phong trào cách mạng trong Nam (1956)
Các tuồng hát:
- Kim Vân Kiều
- Lục Vân Tiên
- Hạnh Nguyên cống Hồ
- Trang Tử cổ bồn ca
- Trang Châu mộng hồ điệp
- Lưu Yến Ngọc cứu cha đại hiếu.
2.- Nguyễn Trọng Quyền có bút hiệu là Mộc Quán do chiết tự chữ Quyền ( 權=木觀), ông sanh năm 1876 tại làng Thạnh Hòa, xã Trung Nhứt quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên, con ông Nguyễn Văn Tường và bà Trương Thị Thạnh
Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền
Thuở nhỏ ông học ở Thốt Nốt rồi Cần Thơ, sau ông làm thư ký cho hãng rượu Phước Hiệp do ông Vương Thiệu làm chủ, ông Vương Thiệu người Tiều, giàu có nhất nhì tại Thốt Nốt, nguyên là kép hát Tiều giải nghệ kinh doanh rượu, mỗi khi có liên hoan, ông mời gánh hát Tiều về hãng hát giúp vui, do đó ông Quyền làm quen với nghệ sĩ đoàn hát Tiều, ông học đờn cò và học hát tiếng Tiều, nhận thấy gánh hát Thầy Năm Tú, gánh hát của ông Tư Cu thu hút khán giả, nên con ông Vương Thiệu là Vương Có lập gánh hát Tập Ích Ban và mời ông Nguyễn Trọng Quyền làm thầy tuồng.
Ông đã soạn các vở tuồng cải lương cho đoàn hát này như :
- Châu Trần kết nghĩa
- Tây Sương ký
- Thố Nhuận oan ương
Từ năm 1923 đến năm 1953, Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền làm soạn giả cho các đoàn hát: Huỳnh Kỳ của bầu Phước Georges, gánh Tái Đồng Ban của ông Hai Cu, gánh Hữu Thành của ông bầu Nguyễn Bá Phương ở Thốt Nốt, gánh Phụng Hảo của ông bàu Nguyễn Bửu, gánh Kỳ Quan của ông bầu Năm Hỷ, gánh Thái Bình của ông bầu Tư Thới và gánh Phụng Hảo 4 của ông bầu Châu Văn Sáu. Gần 50 năm, ông đã sáng tác được 85 vở tuồng cải lương và 3 tập truyện thơ.
Ông có công đào tạo các nam nữ diễn diên lừng danh như Năm Châu, Phùng Há, Năm Phỉ, Ba Vân, Từ Anh, Bảy Nhiêu, Tư Út, Sáu Trâm, Ngọc Hải, Sáu Ngọc Sương, Tường Vi, Tư Thới, Thanh Tao… Ông cũng đào tạo một số soạn giả nổi tiếng như Năm Châu, Tư Chơi, Tư Trang, Năm Nở, Duy Lân.
Nguyễn Trọng Quyền mất tại nhà thương Châu Đốc ngày 21-9-1953.
3.- Năm Châu tên thật là Nguyễn Thành Châu sinh ngày 1-1 năm 1906, tại làng Điều Hòa, tổng Thạnh Trị, quận Châu thành, tỉnh Mỹ Tho, cha là công chức Tòa Bố Mỹ Tho (Tòa Hành chánh tỉnh), vì làm mích lòng ông Tỉnh Trưởng người Pháp, nên bị đổi ra làm việc ở đảo Phú Quốc. Năm Châu học năm thứ hai trường Collège de My Tho (lớp đệ lục Phổ Thông Cơ Sở), khi bãi trường ra Phú Quốc thăm cha, vì bị bão tố nên không thể đáp tàu về kịp ngày tựu trường, ông đã bị cắt học bổng và cho thôi học. Gia đình có ý dịnh cho ông theo học trường trung học tư thục Tabert ở Sàigòn, nhưng ông quyết tự lập, theo nghiệp cầm ca, gia nhập gánh hát Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho năm 1922. Ông gia nhập gánh Trần Đắc năm 1923 và sáng tác vở cải lương đầu tiên là Nghĩa Bộc Thủ Phần, kế đó là vở Tiễn Biệt Phu.
Năm Châu
Trên 50 năm theo nghiệp cầm ca. Năm Châu vừa là diễn viên, soạn giả, đạo diễn xuất sắc, ông đã sáng tác các vở tuồng:
- Nghĩa bộc thủ phần
- Tiển biệt phu
- Tái sanh duyên
- Mổ tim Tỷ can
- Thôi Tử thí Tề quân
- Võ Tòng sát tẩu
- Anh hùng náo tam môn nhai
- Mộc quế anh dâng cây
- Bằng hữu binh nhung
- Áo người quân tử
- Men rượu hương tình
- Chiếc áo thiên nga
- Nợ dâu
- Ngọn cờ đầu hay Bình Tây đại tướng quân
- Sân khấu về khuya
- Nghêu Sò Óc Hến.
…………
4.- Bảy Nhiêu tên thật là Huỳnh Năng Nhiêu sanh năm 1903 tại ấp Trung Nhứt, làng Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên, là con thứ bảy cũng là con út của ông Huỳnh Văn Dung (người Hoa - Phúc Kiến) và bà Nguyễn Thị Gấm (Việt), thuở nhỏ ông học ở Thốt Nốt, sau học nội trú trường tư Võ Văn ở Cần Thơ. Năm 1919, hai lần bỏ học trốn theo gánh Ca ra bộ của Thầy Thận và gánh Đồng Bào Nam, nên gia đình bắt ông về cưới vợ.
Bảy Nhiêu
Sau khi lập gia đình, Vương Có lập gánh Tập Ích Ban, Nguyễn Trọng Quyền làm thầy tuồng, ông đã tham gia vào gánh này từ đầu, sau bốn tháng tập dượt, Tập Ích Ban chính thức khai trương đêm 18-10-1920 với tuồng "Tình duyên phấn lạt", được khán giả Long Xuyên - Thốt Nốt hết sức ưa chuộng, do học được điệu Tứ đại oán pha xuân của nghệ sĩ Hai Giỏi, Bảy Nhiêu được khán giả rất ái mộ.
Năm 1922, khi hát ở Bạc Liêu, nghe được bản Dạ Cổ Hoài Lang của nhạc sĩ Sáu Lầu, ông đã học ca rồi cùng Nguyễn Trọng Quyền đưa điệu ca này vào tuồng hát, được khán giả nhiệt liệt tán thưởng, từ đó bản Vọng cổ không ngừng cải tiến và sân khấu cải lương nhờ bản vọng cổ càng ngày càng được khán giả ưa chuộng.
Năm 1925, ông Nguyễn Ngọc Cương (thân phụ của kịch tác gia Kim Cương) thành lập gánh Phước Cương với đào, kép: Năm Phỉ, Tám Danh, Bảy Nhiêu, Ba Du, Sáu Chương, Bảy Lựu, Tư Huệ … gánh này hát tuồng Tàu như Phụng nghi đình, Xử án Bàng quí phi …rất thành công, Năm 1931, chánh phủ đưa gánh này sang Paris trình diễn nhơn dịp hội chợ tại đây, sau đó diễn ở đất Pháp và Hà Lan trong một năm.
Năm 1934, Bảy Nhiêu cùng Tám Danh có lập gánh Tiếng Chung nhưng chỉ sống có khoảng một năm rồi ngưng hoạt động, ông đi hát lại cho đoàn Phước Cương.
Năm 1936, Đoàn Đại Phước Cương (đoàn Phước Cương đổi tên), được mời ra hát ở cung An Định diễn tuồng Quan Âm Thị Kính để mừng thọ hoàng thái hậu Từ Cung, nhân dịp này cô Năm Phỉ và Bảy Nhiêu được ban thưởng huy chương.
Năm 1937, Đại Phước Cương xuống dốc, nghệ sĩ lần lượt ra đi, Bảy Nhiêu ở lại, quyết tâm giữ vững sân khấu này, ông bắt đầu sáng tác, tuồng đầu tiên của ông là "Thất vọng", cuối năm này, đoàn được mời sang Thái Lan nhân lễ mừng Hiến pháp Thái Lan, đã trình diễn ở sân khấu hoàng gia với các vở Xử án Bàng quí phi, Tơ vương đến thác, Điên vì tình, về nước một thời gian, đoàn này giải tán.
Ông có tham gia đóng phim Người đẹp Bình Dương, Ngậm ngùi, Quan Âm Thị Kính …
Từ năm 1954, ông rời khỏi sân khấu cải lương, chuyển sang làng báo chuyên viết về kịch trường sân khấu và Hồi ký về sân khấu cải lương của mình. Bài viết của ông trở thành những tài liệu xác thực, giá trị về sân khấu cải lương. Ông mở quán cà phê ở đình Phú Hòa (Tân Định – Sàigòn), là nơi giao du của nghệ sĩ, phóng viên báo chí cho đến khi ông nhắm mắt lìa đời ngày 27 -6-1976 (một, tháng sáu Bính Thìn), thọ 73 tuổi.
Là một nghệ sĩ tiền phong của cải lương, ông đã đem chuông đi đánh xứ người, viết tuồng, đóng phim, đưa vọng cổ vào cải lương, ông góp công không nhỏ cho sân khấu một thời oanh liệt ở miền Nam, con ông nghệ sĩ Kim Lan và Kim Cúc cũng một thời tên tuổi được khán giả ái mộ.
5.- Trần Hữu Trang còn được gọi là Tư Trang, sanh năm 1906 tại Phú Kiết, quận Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho, thuở nhỏ học hết bậc tiểu học, có học thêm chữ Nho, thời trai trẻ làm thợ hớt tóc. Năm 1930, theo gánh hát, làm thư ký chép các vở tuồng, ông được Đặng Công Danh tức Mười Giảng hướng dẫn, sau đó gia nhập nghiệp cầm ca làm diễn viên sân khấu, bước đầu theo gánh Trần Đắc rồi chuyển sang Phụng Hảo, Năm Phỉ, Năm Châu.
Trần Hữu Trang
Cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập năm 1945, ông được bầu làm Chủ Tịch Ủy ban hành chánh xã Phú Kiết. Năm 1947 ông lên Sàigòn tham gia sinh hoạt văn nghệ, nhưng vẫn hoạt động cách mạng.
Trần Hữu Trang được Đặng Công Danh rồi Nguyễn Trọng Quyền hướng dẫn trở thành soạn giả, sáng tác những tuồng cải lương rất nổi tiếng sau đây:
- Lan và Điệp
- Mộng hoa vương
- Tô Ánh Nguyệt
- Đời cô Lựu
- Hồn chinh phu
- Tình hạnh phúc
- Hậu chiến trường
……………
Xin mời xem trực tuyến trích đoạn
của soạn giả Trần Hữu Trang do Nhà hát Trần Hữu Trang trình diễn
Năm 1960, ông ra vùng giải phóng, làm Chủ Tịch Hội Văn Nghệ Giải phóng, ông mất trong chiến khu ngày 1-10-1966 thọ 60 tuổi.
VI.- Kết luận: Những vở tuồng trên sân khấu cải lương của các soạn giả trước kia như Tô Ánh Nguyệt, Đời Cô Lựu … đến nay vẫn còn được khán giả tán thưởng về giá trị của nội dung, lời ca.
Cải lương là một loại hình nghệ thuật trình diễn trên sân khấu, phát sanh ở miền Nam, được người miền Nam rất ưa chuộng thưởng thức, đặc biệt nhất là bài ca Vọng cổ, làm cho cải lương có một sắc thái truyền cảm sâu sắc.
Cải lương diễn theo truyện Tàu, kiếm hiệp, xã hội khán giả thưởng thức dễ dàng vì dễ hiểu. Tuồng xã hội, dĩ nhiên chịu ảnh hưởng của một thời kỳ lãng mạn trong thi ca. Do đó, về phương diện giải trí cải lương rất đắc dụng vì điệu ca Vọng cổ nhẹ nhàng, truyền cảm, nhưng đứng về phương diện giáo dục thì kém hiệu quả hơn hát bội.
Những nghệ sĩ như Bảy Nhiêu, Năm Châu nhất là Phùng Há đã thấy cải lương từ lúc manh nha cho đến khi lụn tàn, gần như chưa quá một đời người, mặc dù người miền Nam hết sức ưa chuộng.
Ghi chú:
( 1 ) Vương Hồng Sễn có ghi : Tôi có nghe thuật lại nhưng không nhớ tài liệu do ai thuật, rằng ông Phan Hiển Đạo vì mắc cở bởi một câu nói của ông Phan Thanh Giản. Nguyên Tường và Đạo lúc ấy có lòng ra giúp Tây và có vẻ đắc ý lắm. Trước đó Đạo ngồi ghe đi dự lễ của Pháp tổ chức, trước mũi thuyền có treo cờ tam tài. Ông Phan Thanh Giản nghe được, trách: "Tường muốn làm gì thì làm vì chưa ăn lộc triều đình. Đạo không nên làm theo vì Đạo là tấn sĩ, có từng hưởng lộc của vua." Đạo về suy nghĩ lại, hổ thầm nên tự tử. (Hồi ký Năm Mươi Năm Mê Hát – Vương Hồng Sễn).
( 2 ) Ông Diệp Văn Cương lúc sanh tiền, thường nói: "Khi tôi nghe Tư Triều đờn Kìm và Cậu Năm Diệm đờn tỳ rồi, tôi không muốn nghe ai đờn nữa cả." Trần Văn Khải.
( 3 ) André Lê Văn Thận, công tử quê ở Sa Đéc, sau khi ra trường Chasseloup Laubart, làm "cò tàu", coi sóc chiếc tàu Messageries Fluviales của chủ Tây, chạy từ Hậu Giang lên Mỹ Tho, sau nghỉ làm giao du với các thầy đờn và danh ca, đi từ nhà các điền chủ ở tỉnh này qua tỉnh nọ tổ chức đàn ca, nhờ đó có kinh nghiệm nên mới nhảy ra lập gánh hát.
( 4 ) Pièrre Châu Văn Tú, chủ rạp hát Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho.
( 5 ) Mặc dù theo soạn giả Duy Lân, giáo sư Phân Khoa Kịch Nghệ Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn năm 1967, có thuyết trình đề tài "Lịch sử 50 năm của sân khấu cải lương 1917-1967" tại Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế, trụ sở số 133 đường Cô Bắc, Quận Nhì, Sàigòn. Cho biết năm 1916, André Thận lập gánh xiếc có phụ diễn "Ca ra bộ". Năm 1917, Pièrre Châu Văn Tú sang lại gánh hát của André Thận, có mời Mạnh Tự Trương Duy Toản về viết tuồng cho gánh hát, tức Cải lương có từ năm này.
Ngày 18-12-1966, học giả Hồ Hữu Tường diễn thuyết tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn với đề tài "Kỷ niệm 50 cải lương". Nhưng chúng tôi nghĩ, bài thơ của Đặng Thúc Liêng, người trong cuộc, nói chính xác nhất thời điểm đã khai sinh ra Cải lương năm 1918.
( 6 ) Nhạc sĩ Sáu Lầu tên thật là Cao Văn Lầu sinh ngày 22-12-1892 tại xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, sau nhập với làng Thuận Mỹ thành xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An, năm 1901, ông theo gia đình đến lập nghiệp tại Bạc Liêu. Thuở nhỏ có học chữ Nho rồi học lớp Nhì năm thứ hai (Cours moyen 2è année), tức lớp Bốn ngày nay, sau đó quy y đầu Phật tại chùa Vĩnh Phước, Bạc Liêu. Sau rời cửa Phật trở về nhà, lập gia đình. Ông có học nhạc với nhạc sư Lê Tài Khị (Nhạc Khị), ông sử dụng rành đàn tranh, cò, kìm và trống lễ. Năm 1919, hoàn cảnh gia đình gây cho ông xúc cảm sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang.
Nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Bảng chép theo Hương Lan ca
Từ là từ phu tướng
Bảo kiếm sắc phong lên đàng
Vào ra luống trông tin chàng
Năm canh mơ màng
Em luống trông tin chàng
Ôi gan vàng quặn đau í a
Đường dù xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
Em luống trông tin bạn
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
Vọng phu vọng luống trong tin chàng
Sao nỡ phủ phàng
Chàng là chàng có hay
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
Bao thuở đó đây sum vầy
Duyên sắc cầm lạt phai
Là nguyện cho chàng
Hai chữ an bình an
Trở lại gia đàng
Cho én nhạn hiệp đôi í a
Sách tham khảo:
Vương Hồng Sễn Hồi Ký Năm 50 Năm Mê Hát Tủ Sách Nam Chi CSXB Phạm Quang Khai, Sàigòn, 1968
Trần Văn Chi Tìm Hiểu Cải Lương Tâm Tình Người Lục Tỉnh Văn Mới, California, USẠ 2005
Nguyễn Quyết Thắng Từ Điển Tác Gia Văn Hóa Việt Nam, NXB Văn Hóa, Việt Nam. 1999
No comments:
Post a Comment