Sunday, January 6, 2013

CÁC CÔNG TRÌNH QUỐC NGỮ MIỀN NAM: KHẢO CỨU PHÊ BÌNH VĂN HỌC

KHẢO CỨU PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Khảo cứu, phê bình văn chương cũng là một mảng trong Văn học Miền Nam. Công việc sưu tập những áng văn hay thời nào cũng có, từ Mạc Thiên Tích với Chiêu Anh Các, đến Trịnh Hoài Đức với Gia Định tam gia thi rồi Trương Vĩnh Ký cho đến sau này những nhà khảo cứu phê bình văn học được người ta biết đến như Khuông Việt, Thuần Phong, Ca Văn Thỉnh, Lê Ngọc Trụ, Thiếu Sơn là những người khảo cứu, phê bình văn chương ở Miền Nam.
Những nhà văn thuở trước, chúng tôi đã đề cập rồi, chương này sẽ nói tới những nhà khảo cứu, phê bình sau Trương Vĩnh Ký, trước tiên chúng tôi đề cập đến nhà giáo Ca Văn Thỉnh.


1.- Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh (1902-1987)

Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh

Ca Văn Thỉnh sanh ngày 21-3-1902 tại xã Tân Thành Bình, huyện Mõ Cày, tỉnh Bến Tre. Thuở nhỏ ông học ở trường tỉnh, Sàigòn. Sau khi đỗ Tú Tài được học bổng vào Trường Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông được bổ nhiệm vào ngạch giáo sư Trung học, rồi làm Hiệu trưởng trường Bến Tre.
Trong thời gian này, ông để tâm nghiên cứu về văn học viết các bài khảo cứu, đăng trên các báo Đồng Nai, Tri Tân, Đại Việt tạp chí. Ông dùng bút hiệu Ngạc Xuyên hay Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh.
Năm 1945, cũng như những nhà trí thức yêu nước khác, ông tham gia chánh quyền tỉnh Bến Tre, sau đó làm Ủy viên của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ. Năm 1946, ông tham gia phái đoàn Nam bộ ra Bắc nhận lãnh quyền Bộ trưởng Bộ giáo dục. Năm 1952, trở về Nam đến năm 1954, tập kết ra Bắc chuyển sang công tác ngoại giao. Năm 1959, làm Giám Đốc Thư viện Khoa học Xã hội Trung ương.
Sau 1975, ông trở về Nam làm Giám đốc Thư viện Khoa học Xã hội Miền Nam tại thành phố Hồ Chí Minh một thời gian rồi nghỉ hưu. Ông mất ngày 5-10-1987, tại thành phố Hồ Chí Minh, thọ 85 tuổi.
Văn nghiệp của ông gồm có:
- Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa cuối thế kỷ XIX, viết chung với Bảo Định Giang (1962)
- Nguyễn Thông – Con người và tác phẩm, viết chung với Bảo Định Giang (1984)
- Hào khí Đồng Nai (1985)
- Một số các bài viết khảo cứu và dịch.

Trích văn:
Khách Cao Miên quốc ký hoài Diệp Minh Phụng Kỳ sơn.
Tân Châu giải lãm hệ phiên thành,
Việt khách tương tư xúc xứ sinh.
Đế thích tự tiền Hồ kệ điệu,
Nam Vinh giang thượng mạch ca thinh.
Đồng ngâm nhan sắc cô bông nguyệt,
Cố quốc âm thư vạn lý trình.
Cực mục phong đào hành bất đắc,
Liên nhân thôi phục giá cô minh.
Trịnh Hoài Đức
Bản dịch của Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh:
Làm khách nước Cao Miên nhớ gửi bạn Kỳ Sơn Diệp Minh Phụng
Tân Châu mở đỏi đậu Phiên thành,
Khách Việt tương tư khúc cảnh sinh.
Câu kệ rợ hồ chùa Đế Thích,
Tiếng hò khách mạch đất Nam Vinh.
Thuyền côi, trăng đội dung quang bạn,
Nước cũ âm tin mấy dặm trình.
Mút mắt ba đào đi chẳng được,
Giá cô kêu gọi gợi thâm tình.
    
Ký hoài Hoàng Ngọc Uẩn Hối Sơn Chân Lạp hành.
Viên mai biên bạch cúc su hoàng,
Phồn thép trần sinh thảo mộng mang.
Đắc lộ côn bằng nam tỉ hải
Ly quần hồng nhạn dạ minh sương
Thạch thành tuý phỏng chung mai tích
Kim tháp thành bình bố hệ phương
Lao ngã Võ lầu tằng ỷ vọng
Thê mê lãnh thọ thủy thương mang
Trịnh Hoài Đức
Ngạc Xuyên dịch:
Ký gởi Hoàng Ngọc Uẩn tự Hối Sơn, đi Chân Lạp
Vườn mai phơi bạc, cúc khoe vàng,
Bụi đóng vạc trần (1) giấc mộng hoang.
Rời biển côn bằng nam gặp hội,
Kêu sương hồng nhạn tới chia đàn.
Thạch thành hỏi tích chôn chuông cổ,
Kim tháp bàn phương buộc vải mành.
Tớ nhọc hằng trông lầu Võ lượng (2),
Tích mù non núi, nước mênh mang.

2.- Lê Thọ Xuân (1904-1978)

Lê Thọ Xuân tên thật là Lê Văn Phúc sinh năm 1904, tại làng Hương Điểm, quận Ba Tri, Tỉnh Bến Tre, tổ tiên gốc huyện Phù Cát, Bình Định vào Nam lập nghiệp đã lâu.
Thuở nhỏ, ông theo học chữ Hán ở Vĩnh Long, sau lên Sàigòn theo Tây học. Tốt nghiệp Trường Sư Phạm, ông được bổ đi dạy học nhiều nơi ở miền Tây, sau cách mạng tháng tám, ông chọn cư trú ở Sàigòn.
Ông kết bạn với Đông Hồ, Thiếu Sơn, Khuông Việt … chuyên nghiên cứu văn học, sử học. Bài của ông viết rất nhiều, đăng trên các tạp chí trong Nam, ngoài Bắc như Tri Tân, Đồng Nai, Đại Việt, Nam kỳ, Văn Lang,Văn hóa, Bách khoa, Sử Địa, Tân văn…
Nhờ sự phát hiện của ông Lê Thọ Xuân, nhiều tài liệu quý báu về Phan Thanh Giản được bảo tồn qua các bản sao chép, hình chụp dù các tài liệu chính bị thiêu hủy trong những năm kháng chiến chống Pháp, nên sau này có đủ dữ kiện viết về Phan Thanh Giản.
Ông Lê Thọ Xuân mất ngày 20-3-1978 tại thanh phố Hồ Chí Minh, thọ 74 tuổi.
Văn nghiệp:
Mặc dù ông viết nhiều bài đăng báo, nhưng tác phẩm của ông chỉ để lại:
- Phan Thanh Gian et sa famille viết chung với P. Daudin, NXB Nguyễn Văn Của, Sàigòn (1941)
- Long Vân hầu Trương Tấn Bửu, Nhà in An Ninh, Sàigòn (1959).

3.- Thiếu Sơn (1907-1977)

Thiếu Sơn


Thiếu Sơn tên thật là Lê Sỹ Quý sinh tại Hà Nội năm 1907 trong một gia đình có truyền thống học vấn. Năm 1927, sau khi tốt nghiệp Thành chung, ông vào làm công chức ở Sở Bưu điện Gia Định.
Ông bắt đầu viết cho tạp chí Nam Phong 1931, Phụ nữ tân văn 1935, Tiểu thuyết thứ bảy 1943, Đuốc nhà nam, Nam kỳ tuần báo, Đại Việt tạp chí …
Ông đã cùng Hoài Thanh và Phan Khôi tham gia cuộc tranh luận văn học “Nghệ thuật vị nghệ thuật – Nghệ thuật vị nhân sinh” với Hải Triều vào thập niên 1930. Thoạt đầu ông nghiêng về Nghệ thuật vị nghệ thuật, sau ông im lặng rút lui chấp nhận nghệ thuật vị nhân sinh.
Sau Cách mạng tháng tám, ông chuyển sang các đề tài chính trị, tham gia Đảng Xã hội Pháp SFIO. Năm 1947 đến 1949, Thiếu Sơn làm chủ bút báo Justice (Công lý), tích cực đấu tranh kháng Pháp đến nổi có lần bị bắt giam.
Năm 1949, ông cùng với Vũ tùng, Dương Tử Giang vào mật khu tham gia kháng chiến. Sau Hiệp định Genève, ông trở lại Sàigòn, rồi cùng với Vũ Tùng, Dương Tử Giang, Lý Văn Sâm, sử dụng các báo Công Lý, Điện Báo, Thần Chung đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm. Vì vậy, ông bị chính quyền bắt giam cho đến năm 1960.
Năm 1968, ông tham gia Liên minh “Dân tộc, Dân chủ, Hòa bình”, năm 1972 bị chính quyền Sàigòn bắt đi tù ngoài Côn Đảo.
Năm 1973, ông được “trao trả tù binh” tại Lộc Ninh. Thiếu Sơn ra Bắc rồi sang Pháp cho đến cuối năm 1975, ông trở về nước, sống ở Sàigòn tiếp tục sự nghiệp viết văn. Bài viết cuối cùng của ông: "Trí thức với cách mạng, cách mạng với trí thức" đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 27/12/1977.  Ông bị tai biến mạch máu não mất ngày 5-1-1978, tại thanh phố Hồ Chí Minh, thọ 70 tuổi.
Sự nghiệp văn chương của Thiếu Sơn ngoài một số bài viết, tác phẩm đã xuất bản gồm có:
Phê bình và Cảo Luận NXB Nam Ký  (1933)
Người bạn gái -tiểu thuyết- NXB Cộng Lực (1941)
Câu chuyện văn học NXB Cộng Lực (1943)
Đời sống tinh thần NXB Đời Mới (1945)
Giữa hai cuộc cách mạng 1789 và 1945 (1947)
Trích văn:
Tựa (3)
Một buổi sáng chủ nhật, hai anh Thọ Xuân và Khuông Việt mướn xe ngựa bảo tôi cùng đi Phú Nhuận với các anh.
Các anh giao cho tôi giữ một thoi mực Tàu và một cây bút lông, rồi kẻ mang cập da, người xách máy ảnh, hai anh cùng lên xe với tôi.
Tôi hỏi:
“Hai anh rũ tôi đi Phú Nhuận làm gì ?”
Thọ Xuân đáp:
“Lên viếng mả ông Tôn Thọ Tường”.
Tôi nghe nói ông Tôn Thọ Tường một viên đốc phủ sứ đầu tiên của xứ Nam Kì, nho học xuất thân, thi tài lỗi lạc, có nhiều bài thơ còn truyền tụng tới ngày nay. Tôi lại nghe nói anh Khuông Việt đương khổ công khảo cứu để viết một cuốn tiểu sử về ông ta.
Nay hai anh bạn đến mộ ông ta cốt để chụp hình ngôi mộ đó đặng in vào sách.
Tôi theo các anh một cách nhàn hạ vì tôi không có việc gì phải làm và cũng bởi tôi không quan tâm tới công chuyện của các anh.
Một anh mài mực, một anh tô phết lên những chữ nho đã lu mờ ở trước mộ. Các anh hè hụi ở dưới ánh nắng gay gắt từ 9 giờ sáng tới 12 giờ trưa mới rồi. Các anh muốn rằng những hàng chữ nho đó sẽ phải lộ ra ở trong tấm hình chụp ngôi mộ của quan đốc phủ họ Tôn.
Tôi đứng với các anh một lúc rồi vì nắng quá phải bỏ đó lên nhà thờ, nằm nghỉ lưng trên chiếc trường kỉ, hưởng cơn gió mát, ngắm đám mây bay mà lấy làm khoan khoái lắm.
Sau khi hai bạn làm xong công việc ra về với tôi, tôi bèn nói đùa các anh rằng:
“Trong khi các anh cực khổ thì tôi rất mực phong lưu. Các anh đi tìm kiếm người chết. Các anh chơi với ma. Tôi chẳng phải tìm kiếm đâu xa, tôi vẫn cảm thấy cái sanh khí của người sống nó làm ấm áp lòng tôi.
Trong khi tôi đang vui ngắm bức tranh vân cẩu ở không trung thì lanh lảnh đưa ra tiếng hát ru em của một người thiếu phụ:
Má ơi đừng đánh con hoài,
Để con câu cá [nấu] canh xoài má ăn.
Tôi thấy cả cái hình ảnh của gia đình Việt Nam. Tôi cảm thấy cái ái lực linh thiêng giữa những thế hệ liên tiếp. Tôi sống ở hiện tại mà để cả hi vọng vào tương lai. Các anh khơi đống tro tàn của kí vãng để rồi các anh sẽ thấy gì ?”
Anh Khuông Việt cười nói:
“Thấy gì rồi anh sẽ thấy. “Tôn Thọ Tường” của tôi để anh đề tựa”.
Tôi chưa nhận lời đề tựa nhưng nay anh đã đưa nguyên cảo đến thì tôi cũng phải xem. Tôi đã bỏ ra ba ngày sống với ông Tôn Thọ Tường của anh và sau đó tôi cảm thấy hứng tâm viết mấy hàng nàỵ
… (4)
Ông đốc phủ Tôn Thọ Tường … (5) là quan lại, xuất thân ở nho học, sao lại có được cái tâm hồn khả ái?
Có nên so sánh cái giá trị giáo dục của hai nền văn hóa đó không?
Hay chỉ nên tự phụ rằng cái văn hóa cố hữu của ta đã nặn ra được những nhân vật xứng đáng. Những người đó chỉ riêng chỉ đứng ở hàng ngũ của những người như ông Huỳnh Mẫn Đạt, tác giả mấy câu thơ này:
Sự đời thấy vậy thì hay vậy,
Thà ẩn non cao chẳng biết nghe.
Đã cam bít mặt cùng trời đất,
Đâu dám nghiêng mày vói ngựa xe.
…. (6)
“Ông đốc phủ Tường là một công chức trung thanh mà không ti tiện”, ấy là bình phẩm của một quan thầy người Pháp, ông Luro.
Ông Tôn khác chúng ta bây giờ ở chỗ đó nên anh Khuông Việt viết tiểu truyện của ông chẳng những đã làm nên một công trình có giá trị về lịch sử mà còn nêu được một tấm gương tiết tháo để soi chung.
Lòng này dầu hỏi mà không hổ,
Lặng xét thẩm soi cũng biết cho.
Bao giờ chúng ta ngâm tới hai câu thơ đó mà không thẹn ở thân tâm thì ta mới có quyền không cần phải soi gương người cũ mà chỉ sống với hiện tại để hi vọng ở tương lai.
Tôi chỉ trách anh Khuông Việt hơi bề bộn cho đến như tham lam trong sự trưng bày những tài liệu về lịch sử. Nhưng tôi cũng biết được nỗi đoạn trường của anh khi anh phải hi sinh bớt những cái mà anh đã khổ công lăn lộn để kiếm được mang về.
Anh là một người trong tiểu ban văn học của hội Trí Đức. Tôi cũng có chân trong tiểu ban đó.
Tôi không làm được một việc gì xứng đáng.
Xin để cả tấm lòng cảm phục mà viết lời tự này.
Gia Định, ngày 3-8-1941
Thiếu Sơn
Trong tập Phê bình và cảo luận, ông có nhận xét về vai trò của báo chí:
 "Trong những nước văn minh, văn học ra đời trước báo chí, nhưng ở Việt , chính báo chí đã tạo nên nền văn học hiện đại".
Trong phần Cảo luận của tập sách này, Thiếu Sơn có nhận xét, đề cao vai trò và tương lai của nền văn học quốc ngữ. Ông viết:
"Tiếng nước mình, chữ nước mình nó vẫn hòa theo tinh thần của người mình. Dùng nó mà thâu nạp cái tư tưởng của người ngoài, nó không thể nào thâu nạp được hẳn mà vẫn có chỗ khác của nó ở trong. Cái chỗ khác đó chính là tiềm tàng giúp cho bước nhân đồng của mình có chỗ nghịch dị với người. Dùng nó mà tư tưởng, mà diễn thuật, thì các công dụng của chỗ cách dị lại thêm lên nhiều lắm, quốc học khả dĩ nhờ ở đấy mà phôi thai, rồi sẽ cũng ở đấy mà tấn hóa nữa...Càng bàn đến quốc học ta càng rõ cái giá trị của quốc văn, mà càng nghĩ đến quốc học ta càng thấy nó có quan hệ đến sự tồn vong của Tổ quốc".
Thiếu Sơn người ta biết đến ông như là một nhà phê bình đầu tiên của Việt Nam, người ta nói đến ông là nói đến những bài phê bình, ít nhắc đến tiểu thuyết ông đã viết, nó không đem lại cho ông tiếng tăm của một tiểu thuyết gia, bởi vì ông chỉ sáng tác có mỗi một quyển Người Bạn Gái do nhà xuất bản Cộng Lực phát hành vào ngày 21-11-1941.
Nội dung Người Bạn Gái: Hoài Nam Lâm Quang Nhã đang học ở Hà Nội thì bị bệnh nên nghỉ học, theo cha đang làm công chức ở Hải Ninh để tịnh dưỡng và trị bệnh, nơi đây gặp lại bạn cũ là Kỳ Tâm, Kỳ Tâm được lệnh bổ dụng đi làm ở Trung châu. Hoài Nam đưa tiễn, nên gặp ông Phán là thân phụ và Lệ Châu là chị Kỳ Tâm, ông Phán mời Hoài Nam ghé nhà chơi, thế là Lệ Châu và Hoài Nam kết bạn tâm giao. Lệ Châu là cô giáo, vì bệnh nên xin nghỉ dạy học để tịnh dưỡng.
Năm đó 1926, Hoài Nam viết nhật ký, ghi lại những tâm đắc về tình bạn văn chương, khi thì Hoài Nam viết thơ cho Lệ Châu giảng giải thơ văn, triết học của Pháp, khi thì Lệ Châu viết thư giảng giải cho chàng biết thi, văn tinh túy Trung Hoa.
Có những lúc họ thưởng trăng trong sân nhà Lệ Châu, có khi họ đi vãng cảnh chùa, có lúc họ sánh vai nhau di dạo bên bờ sông Mang, tình càng thắm thiết, đôi lúc Hoài Nam hé lòng nhưng Lệ Châu  luôn an ủi chàng, hướng tâm hồn, ý chí Hoài Nam học thêm, để thành người hữu dụng cho đất nước.
Mẹ Hoài Nam bệnh nặng, chàng phải từ giả bạn đáp tàu về Hải Phòng, qua Ha nội rồi về Hà Đông chăm sóc mẹ, nhờ thuốc của Lệ Châu gửi trong uống ngoài thoa, mẹ chàng lần lần nói chuyện cử động được, mẹ chàng rất cảm tình với bạn gái của con mình.
Mẹ gần bình phục, Hoài Nam phải trở lại Hải Ninh để trị bệnh, chàng bắt đầu viết báo ký tên là Hoài Nam Lâm Quang Nhã, người ta biết chàng là nhà báo, nhiều người ghét chàng vì cho rằng những người làm báo  chuyên bới móc đời tư người khác. Một người bạn cũ, ghét Hoài Tâm đem những câu viết của chàng kẻ vạch cho nhà đương cuộc, nhà cầm quyền muốn tống Hoài Nam đi khỏi liền đề nghị thuyên chuyển cha chàng đi làm việc ở Thượng du. Cha chàng biết tin ngã bệnh
Quan ba bác sĩ Pháp, điều trị cho Hoài nam biết thế liền giúp chàng bằng cách kéo dài thời gian trị bệnh cho cha chàng, đồng thời hứa giúp chuyển cha chàng về Hà nội trị tiếp.
Thế là Hoài nam và Lệ Châu phải xa nhau, nhưng thư từ vẫn đi lại, nàng luôn khuyên chàng cố gắng học thêm. Cha chàng trị dứt bệnh, có lệnh bổ dụng làm ngay tại Hà nội, chàng xin học thêm trau dồi Pháp văn.
Thời gian sau cha Hoài Nam bị về hưu, chàng phải nghỉ học thêm, xin đi làm ở một tờ báo hàng ngày, chàng viết bài đăng báo, dần dần có tên tuổi.
Một hôm chàng được tin Lệ Châu và chị là Lệ Bích đến Hà nội, chàng ra ga đón hai người, họ gặp nhau chuyện trò ở khách sạn, đi phố mua quà, chỉ trong mấy giờ đồng hồ rồi Lệ Châu và chị phải về quê ở Hưng Yên để thu xếp chỗ ăn ở cho ông Phán sắp vê hưu.
Sau đó, Hoài Nam được một tờ báo ở Sàigòn mời vào làm việc, cũng như nhận được thơ của một nữ độc giả Nguyễn Thị Thanh Tâm ở Bến Tre gửi tặng.
Hoài Nam vào Hưng Yên thăm Lệ Châu, hỏi ý kiến về việc vào Nam, Lệ Châu khuyến khích thế là chàng đi vào Nam làm báo. Họ vẫn thường thư từ gửi cho nhau.
Một thời gian sau, chàng viết thư cho Lệ Châu, Lệ Bích và cả Kỳ Tâm không thấy ai trả lời, chàng đoán chừng Lệ Châu đã lấy chồng.
Thời gian sau, năm 1930 chàng làm lễ thanh hôn với Thanh Tâm mà hai người phù dâu chính là Lệ Châu và Lệ Bích. Lệ Châu vẫn ở vậy làm một người cư sĩ tại gia, quà cưới nàng tặng cho chàng là quyển “Phật giáo đại quan”.
Xin trích một đoạn trong Người bạn gái:
Ngày 10-2. - Thể theo ý bạn độ này tôi đã viết bài gửi đăng vào Nam-Thanh tạp-chí ở Hanoi.
Bài đầu là một bài đoản-thiên nhan đề “Tâm-lý một kẻ bệnh nhân”. Tôi gửi bài không cho bạn tôi hay trước, tới khi tạp chí gửi ra, bạn tôi đọc rồi liền viết mấy lời phê-bình nhưa sau này:
“Tâm-lý một kẻ bệnh nhân” xin phục bạn tài trước tác, lại riêng phục bạn xa hẳn được những thông bệnh của các bậc thiếu-niên ngày nay. Cái thông bệnh ấy, hẳn bạn đã biết là bệnh viết những ái tình tiểu thuyết. Ôi! Một vũng sóng tình chìm đắm biết bao người tài tuấn; đương tuổi thanh xuan, không phải hàng thái thượng thì ắt cũng như ai, lấy ai người bán câu thế-sự, luận nhân-tình ? Cuộc cờ đời chưa đi được mấy bước, mà nước đời bạn đã khéo tả ra những nỗi chếch-lệch éo-le. Mới đọc mấy chữ “tâm-lý một kẻ bệnh-nhân” ai chẳng tưởng tác-giả tả nỗi khổ-thống của mình, tả cái căn bệnh của mình, tả cái căn bệnh của đời. Biết đời là bể khổ, lại biết nhân đấy sai khiến cái khổ, làm một vị chủ-nhân ông trong trường khổ-não. Kiên tâm thay bạn ta …”
Ngày 12-2 – Hôm nay xuống chơi, bạn tôi lại đem “Tâm-lý một kẻ bệnh-nhân” ra nói nữa.
Bạn nói:
- Nhà văn nào cũng khởi-điểm một cách khiêm-tốn, nghĩa là bắt đầu viết những cái vụn-vặt tầm-thường, vừa để làm quen với cây bút lại vừa để làm quen với độc-giả. Rồi càng ngày văn-tài càng nảy-nở, chẳng sợ gì, không có sự nghiệp với núi sông.
Tuy nhiên nhà văn cần phải có hai đức tánh: Phải biết quý-trọng cây bút của mình, và phải biết hy sinh vì nó.
Cái cây bút ấy có khi nó đưa mình tới cảnh cùng cực phong-lưu, mà cũng có lúc nó đem mình vào nơi trần-ai khổ-hạnh. Bỏ nó mà được sung-sướng ta cũng không chịu. Xa nó mà khỏi lầm-than ta cũng không nghe. Bởi thế cho nên nhà văn cần phải có khí-phách, có lương-tâm, và cần phải chuyên-nhất. Hoài Nam tất phải là nhà văn lý-tưởng của tôi, vì tôi biết bạn tôi có đủ những đức tính đó.
…..
- Nếu thế còn một điều tôi muốn bạn chiều ý tôi.
- Điều gì ?
- Bạn sẽ chỉ ký biệt hiệu, mà đừng thèm để cả tên thật sau mỗi bài lai cảo. Đã đành để rõ cả danh-tính của mình là một cách biết kính-trọng độc-giả. Nhưng lúc đầu mình đã khiêm-tốn thì cùng nên khiêm-tốn luôn thể. Mình chưa biết độc-giả thưởng thức mình ra sao, thì cũng cũng chưa cần cho họ biết mình là ai. Rồi những người tri-âm không quen biết sẽ bình-phẩm văn-chương của Hoài-Nam trước mặt ông Lâm-quang-Nhã, thì mới là thú vị biết bao nhiêu ?
Những lời nói của bạn tôi làm tôi phải suy-nghĩ, càng lấy làm khâm phục bạn hiền.
Và ở đoạn gần kết:
Tôi không thể dắt Hoài-Nam đi theo con đường đó với tôi. Tôi phải chờ cho Hoài-Nam công thanh, danh toại rồi, mới dám theo đuổi chí hướng của mình.
Lúc gặp nhau lần chót ở Hưng-yên, Hoài-nam hẳn cũng còn nhớ những lời tôi nói ra với bạn. Trong lúc bạn quá nặng lòng thương yêu tôi, bạn có thể nào tin tôi được. Nay bạn tin tôi, thì cũng có người thay tôi, mà yêu bạn, yêu một cách đầy đủ, hoàn-toàn, yêu một cách nhân-đạo hơn….
Trong Phụ lục của quyển tiểu thuyết này là bài “Nhà văn đứng trước thời cuộc hay là Chiến Tranh với Hòa-Bình”, ông viết:
Sau những năm “nhàn cư vi bất thiện” mà tôi đã sống một cuộc đời phong ba gây nên bởi những dục-vọng điên cuồng, những bản năng hạ-tiện, tôi đã cảm thấy cả cái xấu-xa hèn-kém của một con người phàm-tục.
Tôi phản động lại. Tôi muốn đời tôi được bình-tĩnh và thanh-cao hơn. Tôi đóng cửa ngồi nhà trong ba tháng. Viết hết được bộ tiểu-thuyết 200 trang và lấy làm khoan-khoái lắm.
Trong cái thời gian đó, tôi quên ăn, quên ngủ, quên chi, quên cả những công-nợ gây nên bởi cờ bạc, quên cả những sự túng-thiếu ở gia-đình.
Tôi sống với những nhân-vật của tôi. Tôi truyền cái sanh-khí của tôi cho họ, tôi kết bạn với họ, tôi thương yêu họ quá đến nỗi cho tới đoạn kết-thúc mà tôi cũng không nỡ giết chết một mạng nào.
Có lẽ tôi không rành nghệ thuật tiểu-thuyết. Có lẽ tiểu-thuyết tôi sẽ chẳng được hoan-nghênh. Nhưng tôi vẫn vui lòng rằng có nó mà tôi đã như gái giang-hồ sớm biết tòng lương. Tôi được sống trong những giờ phút say sưa ở giữa những đợt sóng mát-mẻ của tình-cảm thanh-cao. Tôi được sống một cách đầy đủ trong những lúc đã tiêu-dao ở những cảnh thần-tiên lý-tưởng.
Những ngày đó tôi đâu có them đọc tới những tin tức chiến tranh ở mặtr trận Âu-Châu. Tôi cũng chẳng cần biết có sự căng thẳng ngoại giao dưới trời Đông-Á.
Tôi sống trong cảnh thái-bình, tội gì tôi phải bận lòng đến những khổ-cảnh của nạn binh-đao mà loài người gây ra một cách vô ý-thức.
Gần đây, tiểu-thuyết của tôi đã viết xong, tôi còn đang muốn lưu luyến ở trong cảnh đời thái bình riêng biệt đó thì đột nhiên cái sự-thật tàn nhẫn nó đến làm tan cái giấc mộng thân ái của tôi.
Tôi đương nằm trên chiếc ghế dài, hút điếu thuốc, phà khói bay, cùng một tâm-trạng cũng nhẹ-nhàng như mây khói thì ở ngay trên đầu có đàn chim sắt bay qua làm náo-động cả vầng không-trung bình-tĩnh.
Thiên-hạ đổ xô ra coi, rồi mạnh ai nấy phê-bình, bàn tán.
Người khen chung nó to lớn. Người phục chung nó bay mau. Riêng tôi lấy làm bất-mãn rằng hungg nó đã làm náo-động cõi long yên lặng của tôi.
Tôi tự nghĩ: nếu chung nó đem ít chục trái bom rồi thả ngay xuống cái đám người đứng đó thì lúc ấy họ sẽ hành-động ra sao? Tất nhiên mạnh ai nấy chạy và tất nhiên không còn long dạ nào mà khen phục chúng nó như bây-giờ.
Chính tôi đây, tôi đã từng có tâm-hồn của người hiếu-chiến. Những lúc thấy nước mạnh an hiếp nước yếu, thấy công-lý bị lấn bởi cường-quyền, long tôi cũng tức-bực muốn thiên hạ dem gươm, giáo, súng đạn mà nói chuyện với nhau.
Nhưng từ ngày tôi thấy rõ cái tai hại của chiến tranh thì tôi lại thất vọng vô-cùng mà không hoan nghênh nó nữa ……
Đọc qua những đoạn trên, chúng ta thấy quan điểm về người cầm bút, cách hành văn và con đường lý tưởng của Thiếu Sơn.

4.- Thuần Phong Ngô Văn Phát (1910-1983)

Thuần Phong Ngô Văn Phát

Ông Ngô Văn Phát sanh ngày 6-10-1910 tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Thuở nhỏ học ở Bạc Liêu, rồi lên học ở Sàigòn. Sau khi đậu bằng Thành chung (Brevet d'etudes du premier cycle - BEPC) đi làm công chức ngành họa đồ, làm việc lâu năm tại Tòa Đô Chánh Sàigòn.
Ông thích văn chương, từng có thơ đăng trên Phụ nữ tân văn họa mười hai bài thập thủ liên hoàn của Thượng Tân Thị. Có lúc ông dạy Việt văn ở Trung học Pétrus Ký. Viết văn ngoài bút hiệu Thần Phong, ông còn có bút hiệu Tố Phang và Đồ Mơ.
Năm 1957, ông có bài đăng trong bộ Tự điển Encyclopedia-Britanico ở Luân Đôn. Đó là bài viết chuyên đề Khảo cứu về thành phố Sàigòn.
Năm 1964 ông có viết chuyên đề Ca dao giảng luận in trong tạp chí Trường Viễn Đông Bác cổ ở Paris. Cùng năm này ông viết chuyên đề Nguyen Du et la métrique populaire (Nguyễn Du với thể dân ca) trong bộ sách nhan đề Mélanges sur Nguyen Du (Tạp luận về Nguyễn Du) của Trường Sorbonne ở Paris.
Những năm 1970, ông được mời giảng dạy môn Văn học dân gian ở Đại Học Văn Khoa Sàigòn, Vạn Hạnh, Sư Phạm Huế và Cần Thơ.
Ông mất năm 1983 tại thành phố Hồ Chí Minh, thọ 73 tuổi.
Văn nghiệp của ông gồm có:
- Ngụ ngôn I, II
- Bức Tranh Vân Cẩu
- Bóng người qua (1928)
- Giữa Đồng Tháp Mười
- Giọt lệ phòng đào (1929)
- Dượng giáo
- Thông lệ Hỏi Ngã NXB Đoàn Văn (1957) cùng viết với Thọ Văn
- Chinh phụ ngâm khúc giảng luận NXB Á Châu
- Ca dao giảng luận NXB Á Châu 1958
- Tôn Thọ Tường NXB Đoàn Văn 1959
Ông còn sáng tác một số kịch, tuồng cải lương, tiếc rằng bản cảo đã bị thất lạc trong những năm tản cư của cuộc cách mạng mùa thu năm 1945.
Trích văn:
  1. TỔNG QUAN (7)
Văn-học nước ta gồm hai thứ: một thứ văn-học thanh-văn là tất-cả những tác-phẩm của văn-nhân thi-sĩ lưu truyền trong sách-vở bằng chữ nho và chữ nôm, và một thứ văn-học bất-thành văn là tất cả những sang-tác vô-danh khẩu truyền, thuần bằng tiếng mẹ đẻ. Văn-học thành-văn mà người ta thích gọi là văn-học bác-học, là một nền văn-học có căn-bản vững vàng, xây dựng trên nền tảng Hoa-văn có một thắng-lợi vật-chất hiển-nhiên là được phổ-cập bằng văn-tự, tuy nhiên văn-học ấy không được phổ-biến sâu rộng và mạnh-mẽ, bằng văn-học bất-thành-văn, tức là văn-học truyền khẩu, mà người ta quen gọi là văn-học bình-dân. Duyên cớ là điều kiện sáng-tác, của hai nền văn-học khác nhau, cũng như đối tượng, bản-chất và mục đích.
Điều-kiện lịch-sử và kinh tế trong nước từ xưa đào-tạo một hoàn-cảnh đặc-biệt thích-hợp cho nền văn-học truyền-khẩu dựng lên, trung thanh với bản chất và nguyện vọng của dân-tộc. Nền văn-học truyền-khẩu này, dẫu cho thiếu món lợi khí cần thiết là văn tự, song vẫn cứ lưu-truyền trải qua không gian và thời-gian, cứ phát triển vượt mọi khó khăn trở ngại, luôn luôn sống cùng một nhựa sống với dân-tộc, luôn luôn phản chiếu hình-ảnh chơn thật của dân-sanh.
Song song với các bộ môn văn-học truyền-khẩu như tục-ngữ, vè, tiếu lâm, cổ tích, câu đố, nói riêng thì ca-dao sanh-hoạt gần-gũi nhứt với dân-tộc, thăng trầm theo vận mạng của dân-tộc, ca-dao là tiếng nói chơn-thành nhứt-hạng của dân-tộc trải qua bao nhiêu bãi biển nương dâu.
Đã thừa nhận giá trị quí-báu của ca-dao bên nước láng-giềng sưu-tập trong bộ Kinh-Thi, dân-tộc ta há đi phủ-nhận hằng ngàn hằng muôn câu ca-dao của ta, không kém tài tình, đạo-đức? Ca-dao của ta tuy chưa hề chánh-thức được suy-tôn lên địa-vị một bộ Kinh thánh, nhưng trong thực-tế ca-dao thường được dinh liền với cuộc sống hàng ngày, dầu là đời sống vật-chất hay tinh-thần của dân-tộc bằng cách hát lên cái tâm trạng hồn-nhiên phong-phú, kích-thích trong những hoàn-cảnh lịch-sử và kinh-tế không ngừng đổi thay.
Sau những bốn ngàn năm tranh đấu với thiên nhiên và xâm lược, ngày nay văn-học đã tỉnh-ngộ trở về với dân tộc, theo một khuynh-hướng chính-đáng nên tăng-cường, đã bắt đầu trả lại giá-trị cố-hữu cho văn-học truyền-khẩu, đặc-biệt là ca-dao; đồng-thời ca-dao được phát-huy mọi mặt với nhiều triển-vọng lạ thường.

5.- Khuông Việt (1912-1978)

Khuông Việt

Ông Khuông Việt tên thật là Lý Vĩnh Khuông sanh năm 1912 tại Bãi Xàu, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
Lúc còn nhỏ, Vĩnh Khuông học ở quê nhà, sau đó lên Sàigòn học trường Pétrus Ký. Năm 1930, ông đậu bằng Thành chung được bổ dụng làm nhân viên thư viện của Phủ Thống Đốc Nam Kỳ. Có thời gian ông chuyển ra làm việc ở Côn Đảo rồi lại đổi về làm việc tại Thư viện Quốc gia ở đường Lagradière (sau đổi tên là Gia Long nay là Lý Tự Trọng) tiền thân của Thư Viện Khoa học Xã Hội đường Lý Tự Trọng ngày nay.
Ông có chân trong Ủy ban Văn học Phan Thanh Giản của Hội Đức Trí Thể Dục Nam Kỳ. Ông là một cây bút chuyên viết các bài khảo cứu sử, văn học đăng trên Tri Tân, Thanh Nghị ở Hà nội, Nam kỳ tuần báo và Đại Việt Tạp chí trong Nam. 
Năm 1942, ông đoạt giải thưởng của tạp chí Tri Tân về ký sự lịch sử “Một nhà ngoại giao Việt Nam, lãnh sự Nguyễn Thành Ý” đăng trên tạp chí Tri Tân số 44, tháng 4/1942 bút danh Phong Vũ. Ông cũng được Hội Khuyến Học Nam Kỳ trao tặng giải thưởng cho tác phẩm nghiên cứu văn học Tôn Thọ Tường do nhà xuất bản Tân Việt ấn hành.
Ông cũng tham gia các hoạt động xã hội, năm 1944, ông được bầu làm Tổng Thư Ký Hội truyền bá quốc ngữ Nam kỳ. Năm 1945, được bầu làm Tổng Thư ký Ủy Ban cứu trợ miền Bắc.
Khoảng năm 1948, Đảng xã hội Pháp lập một Đảng bộ ở Sàigòn gọi tắt là SFIO, xuất bản tờ báo Justice (Công lý), ông tham gia Đảng này, được Đảng bộ Sàigòn cử sang Pháp với tư cách đại biểu để dự đại hội lần thứ 40 của Đảng Xã hội Pháp.
Trước khi dự đại hội Đảng Xã hội, ông Khuông Việt được cấp Thẻ Ký giả của báo Công Chúng do Trần Tấn Quốc làm Chủ Nhiệm và Nam Quốc Cang làm Chủ bút. Ngày 18-9-1948, Khuông Việt được tổ chức Liên Hiệp Quốc cấp Thẻ Ký giả để săn tin khi Đại Hội Đồng Liên Quốc khai mạc tại Paris vào ngày 21-9-1948.
Sau khi tham dự Đại hội Đảng Xã  hội Pháp, Đại hội đồng LHQ, Đại hội bất thường Đảng Xã hội Pháp vào tháng 12/1948. Tại Đại hội Đảng xã hội, ông mạnh dạn lên án chủ nghĩa thực dân, gây xung đột với cánh hữu trong Đảng, ông bị hâm dọa nên không dám về nước, phải sống lưu vong tại Pháp cho đến sau khi Hiệp định Geneve 1954 ra đời, ông mới trở về Sàigòn.
Ông lại bị chánh quyền bắt giam cho đến năm 1956, ông mới được trả tự do. Sau đó ông cộng tác với nhà xuất bản Vĩnh Bảo, đồng thời viết hồi ký Người Nhật với Đông dương. Ông mất vào ngay 26-10-1978 tại nhà riêng ở Phú Nhuận, thọ 66 tuổi.
Ông có nhiều bài nghiên cứu về sử học, văn học đăng trên các tạp chí Thanh Nghị, Tri Tân, Nam Kỳ tuần báo, Đại Việt tạp chí, cộng tác với nhiều nhật báo xuất bản tại Sàigòn.
Văn nghiệp ông gồm có:
- Lãnh sự Việt Nam ở Sàigòn (1941)
- Tôn Thọ Tường NXB Tân Việt (1942)
- Người Nhật với Đông dương.
Trích văn:
Vài lời nói đầu (8)
Đây không phải là một tiểu sử hoàn toàn, hay là một thi tập đầy đủ của Tôn Thọ Tường.
Những nỗi khó khăn trong việc sưu tầm tài liệu về dật sử, văn thơ của Tôn Thọ Tường còn lưu truyền lại một cách mơ hồ và rời rạc, dạy chung tôi nên muôn vàn thận trọng.
Viết về Tôn Thọ Tường một nhân vật của đất Đồng Nai, không tên tuổi ở chốn thần kinh cũng như mở nơi “ngàn năm văn vật”, không để lại cho đời một tập thi, một quyển văn nào, nhứt là không còn con cháu trực hệ, chung tôi chỉ muốn phác họa lại cuộc đời một danh sĩ trong số đông đã sống vào thời kì di chuyển mà văn minh Đông Á bắt đầu tiếp xúc với văn minh Tây Âu, chúng tôi chỉ muốn do một vài tài liệu chắc chắn, sót lại và các văn phẩm lưu truyền, rán tìm hiểu tình cảnh và tâm trí của Tôn Thọ Tường, một sĩ phu của đất Nam kỳ khi vừa Pháp thuộc.
Kẻ hậu sanh mà muốn hiểu rõ nỗi lòng của tiền nhân, là muốn làm một việc khó khăn và táo bạo. Nhưng trong khi chính ta còn nhiều lúc cần hiểu lấy ta, sao ta lại không rán tìm hiểu người xưa! Tìm hiểu người xưa là cốt mong đặng một vài ánh sang dầu không giúp ích cho ta, có lẽ cũng an ủi ta được đôi phần trong những khi tâm hồn lưng lưng man mác trước một di tích bất hủ của thời xưa, hay một cảnh đẹp thần tiên của đất nước.
Tìm hiểu người xưa, ắt hẳn chúng tôi không khỏi khơi lên đống tro tàn của cuộc đời dĩ vãng. Tuy nhiên biết đâu trong đống tro tàn đó lại chẳng còn một vài đóm lửa, dầu không nung nấu đặng tâm trí người sau, cũng làm ấm áp đạng đôi phần những tâm hồn hoài cựu?
Nỗi khó khăn là muốn hiểu rõ tiền nhơn hoặc muốn xét đoán hành động của người để tìm ánh sang, kẻ hậu sanh chẳng những cần phải biết rõ hoàn cảnh gia đình, than thế cùng trí đức của người, mà lại còn cần phải thấu đáo tình trạng xã hội thời bấy giờ và các trào lưu của những nguồn tư tưởng đương xung đột nhau thuở ấy. Có thế, mới mong ra tránh được những sự lầm lạc khó tha cùng những lời bình phẩm nông nổi.
Điều táo bạo chung tôi vẫn băng khoăn về nó là khảo cứu về Tôn Thọ Tường thì không thể nào không nói đến khoảng lịch sử cận đại của nước nhà, nhứt là lịch sử của sáu tỉnh miền Nam vì buổi đó đời sống của Tôn chẳng những có ảnh hưởng ít nhiều đến nền văn học, mà lại còn liên lạc mật thiết với nhiều thay đổi …(9) về chánh trị trong xứ nữa.
Đã biết khó mà lại gắng làm, đã không trông sử mà lại dám nói đến sử, chúng tôi tránh sao khỏi nhiều nỗi vụng về, sơ sót.
Bởi thế, chúng tôi xin các bạn hãy đọc quyển sách nhỏ này với một tấm lòng khoan dung rộng rãi, và chúng tôi hết sức mong mỏi đặng nghe những lời chỉ bảo quý báu của các bậc cao minh.
Sài Gòn, ngày 20 Février 1941
(KV)

6.- Lê Ngọc Trụ (1909-1979)

Lê Ngọc Trụ
 Ông Lê Ngọc Trụ bút hiệu Ngọc Toàn, sinh ngày 25-3-1909, tại Cây Gõ, Châu thành, tỉnh Chợ Lớn. Thuở nhỏ học trường Phú Lâm (Chợ lớn), sau học trường Sư Phạm Sàigòn (École Normal – Sau này là Nha Học chánh, Trường Trưng Vương). Ông tham dự cuộc bãi khóa ngày 17-51929, bỏ thi, nên không có bằng tốt nghiệp.
Từ năm 1932-1945, ông đứng trông nom tiệm vàng Lê Văn Ngữ (cha vợ) ở Chợ Lớn, trong thời gian này ông cũng như nhiều nhà văn khác tự nghiên cứu, học hỏi tiếng Việt và do giao thiệp với Hoa kiều - gốc Quảng Đông – có những điểm dị biệt và tương đồng với cách phái âm tiếng Việt, ông để tâm suy tư và có những kiến giải mới mẻ trên nền tảng khoa học, để từ đó áp dụng viết đúng chánh tả cho chữ Việt.
Ông viết bài đăng báo Tự do năm 1939, Bàn góp về luật tứ thanh – Báo Đông Dương số 43 năm 1940. Luật tứ thanh và luật hỏi ngã - Tập kỷ yếu Hội khuyến học Nam Kỳ, tháng 1 năm 1943…và rất nhiều bài viết đăng trên các nhật báo, tạp chí.
Ông cùng với ông Phạm Văn Luật soạn sách Nguyễn Cư Trinh và quyển Sãi Vãi do NXB Tân Việt, Sàigòn ấn hành năm 1951.
Ông cùng với ông Trần Văn Hương giới thiệu chú thích tuồng Kim Vân Kiều của Nguỵ Khắc Đản và tuồng Kim Thạch kỳ duyên của Bùi Hữu Nghĩa.
Từ năm 1946, ông làm Phó thủ thư rồi Chủ sự Phòng sưu tầm của Thư viện Quốc gia, ông có chân trong Hội Khuyến học Nam kỳ, Sau năm 1954, làm Giám đốc Viện khảo cổ Sàigòn, Quản thủ Thư viện Quốc gia, giáo sư Đại Học Văn khoa Sàigòn. Năm 1968, ông được phong giáo sư diễn giảng rồi thực thụ, thuộc Viện Đại học Sàigòn.
Ông nghỉ hưu năm 1977, mất ngày 11-8-1979 tại thanh phố Hồ Chí Minh, thọ 70 tuổi.
Văn nghiệp của ông gồm có:
Nguyễn Cư Trinh và quyển Sài Vãi, NXB Tân Việt, Sàigòn 1951
Chánh tả Việt ngữ NXB Nam Việt, sàigòn, 1954
Kim Vân Kiều Trần Văn Hương & Lê Ngọc Trụ, Nhà sách Khai Trí, 1962
Kim Thạch kỳ duyên Trần Văn Hương & Lê Ngọc Trụ, Nhà sách Khai Trí, 1964
Tầm nguyên tự điển NXB TP. HCM, 1993
Trích văn:
Tựa (10)
“Tiếng Việt, theo thông lệ chung, đã mượn lẫn tiếng của các nước láng diềng (thường viết giềng) có quan hệ về địa dư và lịch sử với ta. Ông Henry Maspéro đã kết luận hợp lí rằng tiếng Việt Nam là kết quả trại lẫn của nhiều thứ tiếng. Nhưng đặc điểm của tiếng Việt là đã mượn tiếng nước ngoài rôi Việt Nam hóa nó đi, biến đổi các tiếng mượn theo âm hưởng Việt Nam. Các học giả Pháp, như Léopold Cadière, Henry Maspéro, E. Souvignet đã đồng ý là tiếng Việt mượn rất nhiều bên tiếng Hán Việt.
Thâu thập tài liệu của các học giả nói trên, cùng với sự khảo cứu của học giả Đào Trọng Đủ, giáo sư Nguyễn Bạt Tụy, chung tôi biên soạn nên quyển tự điển này, lấy tên hiệu là VIỆT NAM NGỮ NGUYÊN TỰ VỊ, nay được Nhà Xuất Bản sửa lại là TẦM NGUYÊN TỰ ĐIỂN VIỆT NAM (Tiếng Việt gốc Hán Việt là phần chủ yếu).
Quyển tự điển này chia làm ba phần:
Phần thứ nhất, là phần tiếng Việt có âm, nghĩa tương đồng với tiếng các dân tộc láng giềng. Phần này, theo chúng tôi không xác định được tiếng nào mượn của tiếng nào, nên sắp chung về loại “Tương đồng ngôn ngữ” (correspondances lexicologiques).
Phần thứ hai, cũng là phần chủ yếu, gồm những tiếng Việt mượn bên tiếng Hán Việt, hoặc vẫn giữ nguyên âm, thinh với ý nghĩa, hoặc đã biến đổi các tiếng ấy theo luật biến âm biến thinh theo luật của tinh thần tiếng Việt.
Để tiện việc tìm thấy, phần này được chia làm hai chương:
a)      Tiếng Hán Việt chuyển qua tiếng Việt.
b)      Tiếng Việt chuyển gốc Hán Việt.
Phần thứ ba, là phần cần được cập nhật hóa theo nhịp tiến triển của sự giao lưu giữa dân tộc ta và các dân tộc trên thế giới. Nó gồm những tiếng đã được du nhập do dân ta trực tiếp mượn ngay của các dân tộc khác rồi Việt hóa nó đi, uốn sửa nó cho có âm hưởng Việt Nam. [Và sau này chung tôi ủy khác cho con gái lớn tôi là Lê Kim Ngọc Tuyết, và cháu kêu tôi bằng cậu ruột là Trần Thượng Thủ, lần hồi bổ túc phần này để kịp cập nhật hóa theo đà giao lưu văn hóa với nước ngoài.]
Hoàn thành cuốn sách này, chung tôi trước hết nhờ sự gợi ý và dôn đốc của anh em trong Hội Khuyến học Nam Kì (1944), rồi sau đó nhờ sự khuyến khích, góp ý và chỉ giáo của các văn hữu gần xa, đặc biệt của anh em trong Ủy ban Điển chế Văn tự. Xin quí vị nhận nơi đây sự cảm ơn nồng nhiệt và chân thành của chúng tôi.
Trong quá trình sưu tầm, biên khảo, không làm sao tránh được sự thiếu sót sai lầm, mong quí vị học giả, vì tiền đồ văn hóa nước nhà, vui long chỉ giáo cho, chung tôi muôn vàn ghi ơn.
Mùa Giáng sinh 1974
Lê Ngọc Trụ
Chú thích:
1.     Xem chú thích 2 về Trịnh Hoài Đức
2.     Xem chú thích 3 về Trịnh Hoài Đức
3.     Sách Tôn Thọ Tường, Khuông Việt, NXB Tân Việt.
4.     Kiểm duyệt thời Pháp bỏ 4 giòng.
5.     Kiểm duyệt thời Pháp bỏ 1chữ.
6.     Kiểm duyệt thời Pháp bỏ 4 giòng.
7.     Phần thứ nhất- Khái quát, sách Ca dao giảng luận.
8.     Sách Tôn Thọ Tường, Khuông Việt, NXB Tân Việt.
9.     Kiểm duyệt thời Pháp bỏ 1 giòng.
10.  Sách Tầm Nguyên tự điển.


Tổng Kết
*
Nhiều yếu tố góp phần, tạo cho văn học của một nước, một khu vực có những nét đặc thù. Văn Học Miền Nam cũng được xây dựng như thế. Theo quan niệm của người xưa, chúng ta có thể xem xét Văn Học Miền Nam qua Tam tài: Thiên, địa, nhân.
Người Pháp đã xâm chiếm miền Nam từ khoảng giữa thế kỷ 19, họ đã dùng chữ Quốc ngữ để phục vụ cho công cuộc cai trị, chữ Quốc ngữ dần dần được định chế hoàn chỉnh về mặt ngữ pháp, về mặt truyền bá, về mặt sử dụng chính thức ở công đường, trường học.
Từ cơ sở sử dụng chữ Quốc ngữ làm phương tiện cai trị, để phổ biến ngày càng sâu rộng, nó được sử dụng trước tiên qua phương tiện truyền thông của báo chí, thứ đến là cung cấp các món ăn tinh thần, đó là dịch truyện Tàu, sáng tác tiểu thuyết, thi ca.
Chữ Quốc ngữ đã được cơ hội phát triễn, hay nói khác hơn là Văn Học Miền Nam đã được thiên thời để phát triển nền văn học Quốc ngữ.
Về mặt địa lợi thì Miền Nam không có sông sâu, núi cao, nhưng đất rộng, người thưa tài nguyên thiên nhiên phong phú, sông Cửu Long cho nhiều phù sa trên cánh đồng bằng. Rừng U Minh, Đồng Tháp Mười vài chục năm trước, nhiều nơi vẫn còn chưa khai phá.
Có thể nói người miền Nam đã được thiên nhiên ưu đãi, người ta không phải lo toan về cái ăn, cái mặc. Muốn cất nhà, người ta cần phải có cột kèo để làm sườn. Cột đã có cây tre cây tràm, tre trồng ở sau vườn, cây tràm ở vùng rừng U minh hay phụ cận. Lợp mái hay che vách đã có lá dừa nước, mọc hoang ở vùng nước lợ.
Về cái ăn, nói về lúa thì người ta phải trồng, vào khoảng tháng 5 hay tháng 6 người ta cày, bừa rồi xạ lúa, nghĩa là nắm lúa thảy lên đất, rồi dùng cái bừa khỏa lấp lại, không cho chim ăn hột lúa giống, sau đó trời mưa lúa non sẽ mọc lên, người ta không cần vô phân, tưới nước. Nhờ nước mưa, nhờ mùa nước nổi, cây lúa tự sinh sôi nảy nở, đơm bông kết hạt, đến tháng 11 hay chạp lúa chin, người ta gặt lúa đem hạt về  nhà, một năm tính trung bình, nhà nông miền Nam chỉ làm gom lại, tổng cộng chừng hơn một tháng, đủ lúa gạo ăn cả năm.
Người nghèo, không có đất làm ruộng, vài chục năm trước, tôi còn nhỏ nhưng đã biết, vào khoảng cuối tháng 10, họ bơi xuồng vào Đồng Tháp Mười, thu hoạch “lúa ma” đem về ăn. Người ta gọi là “lúa ma” vì không ai trồng cả. Trong Đồng Tháp Mười có những cái “trấp” là những đám cỏ hay lục bình kết lại thành một vùng nổi lên mặt nước mênh mông, trên đó có những đám lúa do chim tha về ăn, bị rơi rụng rồi nó lên cây lúa, lưu niên từ năm nọ qua năm kia, thành ra những đám lúa không ai trồng, nên gọi là “lúa ma” đến khi nó chin, người ta đem xuồng vào đó, lấy cây dầm gạt cho bông lúa chạm be xuồng, hạt sẽ rụng vào xuồng, cho đến khi đầy thì chở về, mỗi xuồng chừng 20 đến 30 giạ lúa, khoảng nửa tấn gạo, nhưng gạo toàn là màu đỏ.
 Về cá, tôm, tép, cua không thể nói hết được, nhiều vô số cho đến trẻ con 5, 6 tuổi ra đồng cũng có thể bắt cá, tôm, tép bằng cách câu, đặt lọp, dùng cái rổ để xúc tép, giăng lưới, người lớn thì đi chài, chất chà dưới sông, trong đồng người ta làm đìa, mỗi năm bắt cá một lần, người ta cũng làm cái bò ở dưới bến sông, mỗi ngày kéo lên vài lần.
Có những lúc cá nhiều, cá ít tùy mùa sinh sản, cá nhiều người ta ăn không hết, nên phải làm mắm, làm khô để dành ăn những tháng ít cá, tôm. Cá nhiều nhất vào mùa nước nổi, những thứ như cá cơm, cá linh, vì là cá nhỏ nên người ta dùng để làm nước mắm, thậm chí người ta phơi khô ngoài lộ cái đến vài chục thước dài, cá khô này chỉ để làm phân bón.
Thiên nhiên ưu đãi như vậy, cho nên người ta không lo về cái ăn, chỗ ở. Xem tiểu thuyết, cải lương, chúng ta thấy nhiều nông dân bị điền chủ cướp đất, mất đất chỗ này, người ta bỏ đi khai khẩn đất khác, đọc Rừng Mấm của Bình Nguyên Lộc để thấy cảnh người ta di dân đi khai khẩn đất mới.
Còn chuyện điền chủ cướp đất của nông dân như thế này, người nông dân đến chỗ hoang hóa, khai khẩn làm nên miếng ruộng, mảnh vườn, rồi người khác tới cũng khai khẩn tiếp, nhiều người ở tự nhiên thành xóm, thành khu, đất là của họ, nhưng họ không biết lập thủ tục xin cấp chủ quyền, những thầy thông, thầy ký, ông Hội đồng biết pháp luật, có tiền của, họ xem địa bộ thấy những nơi đất đã canh tác nhưng không ai có chủ quyền, họ đứng ra làm đơn xin khai khẩn, đóng thuế trước bạ về chủ quyền, thế là đất ấy thuộc về của họ, xem tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh có nói về vấn đề này. Đây là vấn đề xã hội nó không hợp về mặt đạo lý nhưng hợp pháp, vì bất công nên nhà văn mới dựng nên những tác phẩm để phê phán xã hội, chánh quyền thuộc địa, gán cho địa chủ là cường quyền, ác bá tạo ra giai cấp đấu tranh .
Nhưng đa số người trong cuộc, người nông dân thuở trước thấy rằng người ta “ỷ mạnh hiếp yếu” hay “cậy thế hiếp cô” nên họ bỏ miếng đất này, đi khai khẩn miếng đất khác, họ muốn đi xa, ra ngoài vòng kiềm tỏa của chánh quyền, như ông bà của họ đã làm thuở trước, hoặc họ yên phận làm tá điền.
Về con người, thuở ban đầu những người di dân đầu tiên là những tội nhân bị lưu đày, những người nghèo khó, không có miếng đất, mảnh vườn để sinh sống ở Bắc hay Trung mới vào Nam.
Người miền Nam không có anh cả, chị cả, người ta truyền tụng rằng người con cả, nhất là con trai, là người nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên. Tổ tiên ở đất Bắc, đất Trung nên con trai cả phải về đó để giữ Từ đường, thờ phụng tổ tiên. Người vào Nam lập nghiệp, không muốn mất con, nên con trai đầu lòng không là con cả, mà là con thứ hai, dù là con gái cũng là con thứ hai. Từ đó người miền Nam chỉ có từ thứ hai trở đi mà thôi.
 Còn một đặc điểm nữa là người vào Nam lập nghiệp một đi không trở lại. Chúng ta biết rằng bất cứ người miền Nam nào trong tâm tư cũng nghĩ rằng tổ tiên mình ở đất Bắc ấy, nhưng không ai biết cụ thể là ở đâu hết vì sao vậy ?
Vì một là số người bị lưu đày, chuyện ấy không vẻ vang gì cho dòng họ tông môn, nên họ không muốn trở lại quê nhà, tránh tiếng xấu cho họ hàng, hai là những người nghèo khó họ cũng không muốn trở về đất Bắc vì ở đó họ không có miếng đất “cắm dùi”, cho nên cũng không có chỗ trở lại. Chính những người đi tha phương cầu thực đầu tiên ấy không dẫn con, dẫn cháu trở lại nơi “chôn nhau cắt rún” của mình, thì con cháu sau này làm sao biết nguồn, biết gốc mình ở đâu.
Sống ở miền Nam, miền đất mới sông nước mênh mông hiền hòa, con người không phải chống chỏi với thiên nhiên về thiên tai lũ lụt, không phải đấu tranh giữa con người với con người về miếng ăn, chỗ ở từ đời nọ sang đời kia tạo cho người miền Nam tính tình chân chất, hiền hòa và bộc trực.
Tam tài mà Nhân hòa, thiên thời, địa lợi đó phát sinh ra một nền văn học, đương nhiên nó thể hiện triết lý sống của người miền Nam, tạo cho Văn Học Miền Nam bình dị, nhân hậu và là một nền Văn học Quốc ngữ tiên phong trong cả nước.

No comments:

Post a Comment