I.- Ðại Cương và thời điểm tiểu thuyết ra đời : Tiểu thuyết miền Nam tuy sinh sau đẻ muộn hơn báo chí, thơ, truyện Tàu, nhưng nó đã mang lại cho văn học miền Nam thêm một bước tiến trong quá trình của chữ quốc ngữ.
Tiểu thuyết miền Nam khai sinh từ lúc nào ? Ấy là một điểm quan trọng cần được tìm hiểu.
Theo các nhà văn hay các nhà khảo cứu thì tiểu thuyết sơ khai được in trong các tập sách quảng bá của các nhà thuốc Tây (Pharmacie) hay nhà thuốc Nhị Thiên Ðường thời bấy giờ, những quyển sách ấy cũng chỉ còn lại trong ký ức của họ, sách xuất hiện vào khoảng những năm 1910.
Khi nghiên cứu về Hồ Biểu Chánh, chúng ta biết rằng quyển tiểu thuyết đầu tay của ông là quyển Ai Làm Ðược khởi thảo từ năm 1911, là thời gian ông làm việc tại Cà Mau và bối cảnh chuyện cũng được ông chọn nơi đó, theo sự tiết lộ của gia đình thì quyển tiểu thuyết nầy ông khởi hứng viết sau khi đọc chuyện Hoàng Tố Oanh Hàm Oan của Gilbert Trần Chánh Chiếu. Như vậy Trần Chánh Chiếu còn viết tiểu thuyết sớm hơn Hồ Biểu Chánh. Nhưng sau nầy người ta lại còn tìm thấy Truyện Thầy LAZAZO Phiền của Nguyễn Trọng Quản đã được ấn hành năm 1887.
Như vậy có thể nói rằng tiểu thuyết trong văn học Quốc ngữ miền Nam có từ năm 1887, nhưng nó không gây được ảnh hưởng gì cho người sáng tác và giới thưởng ngoạn, nó bị chìm trong lãng quên, mãi cho tới khoảng 25 năm sau, tiểu thuyết mới gây được phong trào sáng tác và thưởng ngoạn.
Không kể Nguyễn Trọng Quản, những nhà văn tiền phong viết tiểu thuyết như Trần Chánh Chiếu, Lê Hoàng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt là những tiểu thuyết gia truyền thống miền Nam, tiếp nối có Hồ Biểu Chánh, Phú Ðức, Tân Dân Tử, Hồ Hữu Tường, Phi Vân, sau nầy còn có Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam.
Cho họ là tiểu thuyết gia truyền thống miền Nam, bởi vì văn chương của họ có những nét đặc thù miền Nam, nó không mang tính chất diễm lệ qua lối hành văn, không tiểu thuyết hóa những câu đối thoại. Một vài nhà văn như Hồ Biểu Chánh chẳng hạn, chúng ta thấy văn chương của ông là thứ văn ‘‘ ròng miền Nam ‘’, có lẽ vì đặc tính ấy mà trước đây những nhà khảo cứu đã bỏ quên hay xem nhẹ tiểu thuyết miền Nam.
Trong phần nầy, mặc dù chúng tôi cố gắng trình bày những hiểu biết của mình để làm rõ nét vai trò tiểu thuyết miền Nam trong văn học chữ quốc ngữ, nhưng cũng là để đặt lại đúng vị trí tiểu thuyết miền Nam trong nền văn học nước nhà.
Công việc tập trung các tài liệu thật là khó khăn, bởi vì những quyển tiểu thuyết ban đầu không còn nữa, báo chí buổi sơ khai càng quí hiếm, các bài khảo cứu trong thập niên 70 cũng chỉ trưng ra được một số ít chi tiết nhờ vào ký ức các bậc lão thành, nhà văn tiền bối, nhờ vậy, chúng ta mới có cơ sở để khảo cứu.
II.- Các tiểu thuyết gia đầu tiên : Trong tiết nầy, chúng tôi thiết nghĩ phải đành cho Nguyễn Trọng Quản nhà văn tiên phong một chỗ xứng đáng là tiểu thuyết gia đầu tiên của miền Nam, tiếc rằng tiểu thuyết của ông không gây được ảnh hưởng cho nền văn học tiểu thuyết, có lẻ vì chưa có nhịp cầu nối liền từ nền văn học cũ sang nền văn học mới. Kế đó Gilbert Trần Chánh Chiếu, vì ông chẳng những là nhà văn viết tiểu thuyết gây được ảnh hưởng cho phong trào viết tiểu thuyết, mà còn là nhà cách mạng có tâm huyết với nước nhà.
1.- P.J.B. Nguyễn Trọng Quản : Cho đến nay chưa có tài liệu tra cứu rõ ràng về ông, chỉ biết ông là học trò Trương Vĩnh Ký, bạn đồng học với ông Diệp Văn Cương, từng du học tại Lycée d’Alger, có làm Hiệu Trưởng Trường Sơ Học tại Sàigòn. Ngoài Truyện Thầy LAZAZO Phiền, có lẽ ông còn có những bài viết đăng trên Gia Ðịnh Báo, tiếc rằng chúng ta chưa có tài liệu tra cứu thêm.
Truyện Thầy Lazazo Phiền được Nguyễn Trọng Quản sáng tác năm 1886, ông viết tựa đề ngày 1 tháng 12 năm 1886, và được nhà in J. Limage, Librairie - Editeur, đường Catinat (1) Sàigòn, ấn hành năm 1887 (2)
Về tiểu thuyết Truyện Thầy Lazazo Phiền thuộc loại thuật sự, cốt truyện như sau : Ðêm 12-1-1884, tác giả xuống tàu tại bến Sàigòn đi Bà rịa, lúc lên pont (sàn) tàu, tác giả gặp một thầy tu Lazazo Phiền, thầy Phiền có tâm sự buồn đi Vũng Tàu nghỉ dưỡng bệnh. Thầy Phiền tâm sự năm 1850 Thầy được 13 tuổi thì mẹ mất, sống với cha là Trùm họ đạo ở Ðất Ðỏ Bà rịa. Năm 1860, Pháp đánh Biên Hòa các người có đạo bị bắt cầm tù, khắc trên mép tai 4 chữ ‘’ Biên Hòa tả đạo ‘’. Năm 1862 Pháp đến Bà rịa thì nhà tù bị quan Annam đốt thiêu ba trăm tù nhân, số còn sống chạy thoát chừng 10 người trong ấy có thầy. Hai chân bị phỏng, thầy té xỉu bên bụi cây, được quan ba Pháp cứu sống và nuôi dưỡng sau đó quan ba Pháp về nước gửi thầy cho đức cha Lefèvre, Thầy được học chữ Quốc ngữ đến năm 1864 vào học trường chữ La tinh. Ở trong trường Thầy kết nghĩa với người bạn là Vero Liễu, Liễu có người em bạn dì, sau cha mẹ Liễu gả cho Thầy. Thầy xuất thân trường College d’Adran nên đi làm thông ngôn tại Bà rịa. Khi làm thông ngôn Thầy có quen quan Pháp nên hay vào đồn ăn cơm, có vợ viên quan ba Pháp là người Việt sanh tâm yêu Thầy, Thầy trốn tránh.
Trong khi đó Liễu thôi làm việc ở Sàigòn, xuống Bà rịa buôn ngựa hay ở nhà Thầy, Thầy được thơ nặc danh tố cáo bạn và vợ xằng bậy, nên Thầy lập tâm dẫn lính phục kích bắn chết Liễu, rồi nữa tháng sau Thầy lại dùng thuốc độc của người Thượng dạy bỏ vào siêu thuốc của vợ Thầy, vợ Thầy uống lầm bệnh ngày càng trầm trọng hơn 11 ngày thì mất. Trước khi vợ Thầy mất, có lẽ hiểu được mưu độc của Thầy, nhưng người đàn bà ấy đã nói : ‘‘ Tôi biết vì làm sao mà tôi phải chết, song tôi cũng xin chúa thứ tha cho Thầy.’’
Sau khi chôn cất vợ xong, Thầy Phiền xin thôi việc về Sàigòn xin vào nhà dòng Tân Ðịnh tu và chuyến tàu ấy Thầy đi dưỡng bệnh.
Khi tác giả về đến Sàigòn ngày 27-1-1884 thì được thơ của Thầy Phiền viết từ Bà rịa ngày 25-1-1884 thuật lại là khi Thầy về đến nơi, người vợ của quan ba Pháp kia hối hận nên có được thư của cô ta viết cho Thầy thuật lại là chính cô ta đã cáo gian cho vợ Thầy và Vero Liễu Và Thầy Lazazo Phiền chết ngày 27-1-1884.
Truyện nầy tác giả viết in ra 28 trang khổ 12 x 19 cm
Trích văn :
Ai xuống Bà rịa mà có đi ngang qua đất thánh ở trong cát tại làng Phước Lễ thì tôi xin bước vô đất thánh ấy, kiếm cái mồ có cây thánh giá bằng ván, sơn nửa đen nửa trắng gần một bên nhà thờ những kẻ Tử đạo mà thăm mồ ấy kẻo tội nghiệp Vì đã hai năm nay không ai thăm viếng, không ai màng ngó tới.
Mồ đó là mồ một Thầy đã chịu lương tâm mình cắn rứt đã mười năm, bây giờ mới đặng nằm yên nơi ấy.
...................
Ðồng hồ nhà thờ nhà nước (3) vừa đánh 8 giờ; đồ tôi đã đem xuống tàu mà đi Bà rịa rồi.
Chiếc Jean Depuis định 10 giờ mới chạy, nên còn 2 giờ chẳng biết làm đi gì. Lên đến sân thấy trăng thanh gió mát ( Rằm tháng chạp Annam là 12 Janvier 1884), thì tôi lại đứng nơi be tàu mà hóng gió.
Ðứng đó lòng buồn một ít vì phải xa cách cửa nhà vợ con hơn tám bửa cho nên dẫu mà trên bờ đèn sáng như ngày, kẻ qua người lại xe ngựa rầm rầm, nhà hàng dẫy đầy những kẻ vui chơi, tôi cũng chẳng đem trí mà xem các sự ấy, cứ một xem phía bên sông Thủ Thiêm mà thôi; vì phía đó chẳng chơi sự sang trọng vui chơi, chẳng tỏ bày sự phàm xác thịt. Nơi ấy là nơi nghèo khổ làm ăn ban ngày, thong thả mà nghỉ ngơi ban đêm, nên còn một hai chỗ còn đèn leo lét mà chỉ vài nhà chưa ngủ mà thôi.
Còn dưới sông mặt trăng dọi xuống làm cho nước giọng ra như tấm lụa vàng có kim sa.
Ðọc đoạn văn trích trên đây, chúng ta sẽ có dịp so sánh với các nhà văn sau nầy như Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt viết sau ông trên dưới 30 năm, Nguyễn Trọng Quản đã hành văn trong sáng.
Lời tựa đề tặng Diệp Văn Cương và các bạn người Việt cùng học ở Lycée d’Alger; ngoài ước muốn cho Miền Nam có tương lai rực rở, tiến bộ và văn minh, ông còn viết :
‘’ ...Tôi một có dụng ý lấy tiếng thường mọi người hàng ngày nói mà làm ra một truyện hầu cho kẻ sau coi mà bày đặt cùng in ra ít nhiều truyện hay; trước là làm cho con trẻ ham vui mà tập đọc, sau là làm cho dân các xứ biết rằng : người Annam sánh trí sánh tài thì cũng chẳng thua ai ‘’.
Qua lời tựa nầy, chúng ta xác định được, trước ông chưa có ai viết tiểu thuyết, cũng như Trương Vĩnh Ký, trước ông chưa có ai viết ‘’ Chuyện đời xưa ‘’ vậy, thứ nữa là dùng tiếng thường nói sao viết vậy : Ðó chính là truyền thống của văn chương miền Nam.
2.- Trần Chánh Chiếu (1868-1919):
Trần Chánh Chiếu (1867-1919)
Trần Chánh Chiếu tự Gilbert Chiếu, bút hiệu Tố Hộ và Trần Nhựt Thăng, ông sinh tại làng Vân Tập, sau đổi là Vĩnh Thanh Tân, tỉnh Rạch Giá, cha là Trần Thọ Cửu, hương chức trong làng.
Gia đình ông khá giả, sau khi học xong trường tỉnh, ông lên Sàigòn học trường College d’Adran và khi thành tài, ông làm giáo học rồi làm thông ngôn cho Tham biện Chủ tỉnh Rạch giá (4).
Ông có khẩn đất vùng Tràm Vẹt, có phố xá tại chợ Rạch giá, nên sau đó ông thôi làm công chức, trở về làng làm Xã trưởng (5) một thời gian, ông được phong chức Phủ hàm và gia nhập Pháp tịch.
Khoảng năm 1906, ông lên Sàigòn hoạt động trong phong trào Minh Tân - Danh từ nầy có lẽ lấy chữ trong sách Ðại Học. ‘’ Ðại học chi đạo, tại minh minh đức. tại tân dân tại chí ư thiện ‘’, phong trào Minh Tân là một bộ phận trong phong trào Duy Tân.
Năm 1906 và 1907, ông làm Chủ bút tờ Nông Cổ Mín Ðàm và năm 1907 tờ Lục Tỉnh Tân Văn ra đời, ông Làm Chủ bút tờ nầy dưới bút hiệu Trần Nhựt Thăng. Ông có hoạt động bí mật với Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể, ở Sàigòn ông lập Minh Tân Công Nghệ Xã, Nam Trung khách Sạn, ở Mỹ Tho có Minh Tân khách sạn là những nơi mà ông muốn người Việt Nam kinh doanh, để đương đầu với người nước ngoài, và cũng là nơi gặp gỡ của những người trong phong trào.
Vì hoạt động bí mật và cạnh tranh thương mại, nên ông bị người Pháp theo dõi, đến tháng 10 năm 1908 ông bị bắt cho đến tháng 4 năm 1909 ông mới được thả ra, sau đó ông vẫn hoạt động bí mật trong phong trào Ðông du, và ông mất tại Sàigòn năm 1919.
Ngoài việc làm báo, hoạt động cách mạng ra, ông dịch và viết một số tác phẩm sau :
- Tiền căn hậu báo (dịch le Comte de Monte-Cristo của Alexandre Dumas), trước đăng trong Lục Tỉnh Tân Văn. Năm 1914, nhà in Imprimerie de l’Union ấn hành sách.
- Hoàng Tố Oanh hàm oan.
- Văn ngôn tập giải.
- Gia phổ (1917)
Trích văn :
Thương hải tang điền
Trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Theo luật lệ tạo hóa, hễ hữu hình thì hữu hoại. Vật chi hễ có hình, hoặc chẳng lâu thì mau cũng phải hư nát. Còn trong đám trần ai hễ hữu sanh thì hữu tử, có sanh sản thì có tử táng, có sống thì có chết.
Vã lại, sông biển núi non cũng hay đổi dời, ruộng dâu hóa ra biển, biển cạn bày đất thành ruộng dâu. Núi cao sập lỡ thành ao hồ, non nhỏ có ngày cao lớn. Mỗi người đều thấy, hễ chiêm nghiệm thì đều hiểu.
Nói sang qua phong tục thì lại thấy nó mỏng manh hơn bánh tráng. Xưa vẽ mình, ở dã, ở bãi, nhờ ba con cá nuôi lỗ miệng, đầu trọc, mình đóng khố. Sau lần lần bắt chước lân bang, Sắm áo quần ngày càng tao nhã thanh lịch. Nay lại muốn bỏ đồ xưa, đổi áo thay xiêm, đổ dài thay vắn, cúp tóc cho gọn. Xưa đi giày hàm ếch lượt bượt. Nay đi giày đính gót gọn gàng. Xưa bịt khăn, nay đội nón. Muôn việc cũng đều bắt chước các nước, còn việc cơ xão, việc thông minh, bày vẽ cho cận tiện thì mình thua sút xa thăm thẳm.
Nghĩ lại sự bắt chước cũng không mau được, ban đầu thì xài quần tây, đến sau cúp tóc, đội nóm, bây giờ muốn đổi áo. Mấy ông tưởng vậy là đủ cuộc trí thời thức thế sao ?
Tôi tưởng chưa, là vì việc hủ lậu còn đầy, sự nghi nan còn nặng. Việc đọc sách, đọc nhựt trình còn sơ, việc cơ xão công nghệ còn hẹp. Nay lo chuyện sua se là dọn quần đánh áo. Hà tất duy tân. Ấy là có vỏ nõ có ruột. Phải ráng mà bươn chải với đời, lo cho con nhà nước Nam thông nghề buôn, giỏi nghiệp nghệ, tiện tặn chắt lót, thủ quyền lợi vì hễ có hằng sản mới có hằng tâm; bằng tay không chân rồi, dầu có mặc áo gấm cũng chẳng làm chi, bất quá thì hơn con công một thí mà thôi.
Xin tri túc thường túc. Có 10$ ăn 5$ dành để 5$. Ðến khi có gặp điều phải mà thi ân được. Chớ ‘’ đồng rằng trong túi vắng hoe, thì ắt là kiến nghĩa nan vi, lâm nguy nan cứu ‘’.
Tố Hộ
Bài nầy in ra chắc có các vị Minh Tâm công luận. Phận tôi làm chủ bút sẽ cầm cân.
Chủ Bút
Số 2, ngày 21-11-1907
3.- Trương Duy Toản (1885-1957)
Trương Duy Toản
Trương Duy Toản tự Mạnh Tự, bút hiệu Đổng Hổ, sinh năm 1885, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Thuở nhỏ học ở tỉnh rồi lên học trường lớn ở Sàigòn, năm 1905 ra trường làm Kinh lịch tại tòa Khâm sứ Pháp ở Nam Vang. Năm 1907 đổi về Sàigòn, ông tham gia vào hội Minh Tân của Trần Chánh Chiếu, ông có sang Nhật làm thông ngôn cho Phan Bội Châu và Cường Để ở Nhật và Pháp. Năm 1908, Nhật trục xuất du học sinh, ông theo Cường Để sáng Âu Châu. Có lẽ trong thời gian này, ông viết tiểu thuyết Tiết phụ gian truân do F.H. Scheneider – Imprimerie, editeur 1910 – Saìgòn xuất bản.
Năm 1914, ở Âu châu ông trở về Thượng Hải, Singapore rồi lại sang Pháp, tại Paris ông liên lạc với Phan Chu Trinh rồi bị Pháp bắt dẫn độ về Sàigòn, ông bị giam cầm một thời gian rồi được trả tự do. Sau đó ông sống bằng nghề cầm bút. viết tuồng cải lương.
Năm 1924-1933, ông làm chủ báo Trung Lập, Sài Thành nhựt báo. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông sống ở Sàigòn với nghề làm báo, năm 1955, ông còn viết hồi ký về Phong trào cách mạng trong Nam đăng trên tuần báo Tiến Thủ với bút hiệu Đổng Hổ và tiểu Thuyết Phan Yên Ngoại sử tức Tiết Phụ gian truân đã in năm 1910.
Ông mất năm 1957 tại Sàgòn, thọ 72 tuổi, an táng tại quận Tam Bình tỉnh Vĩnh Long.
Tác phẩm của ông gồm có:
- Phan Yên ngoại sử (1910)
- Truyện Đơn Hùng Tín An Nam tục kêu Ba Tính (1925)
- Phong trào cách mạng trong Nam (1956)
- Truyện Đơn Hùng Tín An Nam tục kêu Ba Tính (1925)
- Phong trào cách mạng trong Nam (1956)
Các tuồng hát:
- Kim Vân Kiều
- Lục Vân Tiên
- Hạnh Nguyên cống Hồ
- Trang Tử cổ bồn ca
- Trang Châu mộng hồ điệp
- Lưu Yến Ngọc cứu cha đại hiếu.
- Lục Vân Tiên
- Hạnh Nguyên cống Hồ
- Trang Tử cổ bồn ca
- Trang Châu mộng hồ điệp
- Lưu Yến Ngọc cứu cha đại hiếu.
4. Nguyễn Chánh Sắt (1869-1947) :
Nguyễn Chánh Sắt (1869-1947)
Ông từng làm chủ bút Nông Cổ Mín Ðàm, là một nhà dịch truyện Tàu, cũng là một trong những nhà viết tiểu thuyết buổi sơ khai. Lần thứ hai làm chủ bút Nông Cổ Mín Ðàm, truyện Tàu đã được dịch nhiều rồi, và tiểu thuyết bắt đầu ló dạng buổi bình minh, nên ông chuyển sang viết tiểu thuyết đăng trong Nông Cổ Mín Ðàm. Tiểu thuyết Nghĩa Hiệp Kỳ Duyên làm cho ông nổi tiếng hơn cả, người ta gọi ông với biệt danh là Monsieur Chăn Cà Mun, đó là tên của nhân vật chính trong chuyện.
Muốn hiểu rõ hơn về cuộc đời của ông, xin xem lại tiểu sử ông ở Tiết 4, mục III, tiểu mục 2.
Về tiểu thuyết của ông sáng tác gồm có :
- Gái trả thù cha (trinh thám tiểu thuyết, 4 quyển 220 trang, năm 1920)
- Tài mạng tương đố (tâm lý tiểu thuyết, 2 quyển)- Lòng người nham hiểm (xã hội tiểu thuyết, 1 quyển)
- Nghĩa hiệp kỳ duyên (năm 1920) ( 6 )
- Trinh hiệp lưỡng mỹ
- Lê Thái Tổ (4 quyển, năm 1931)
Trích văn :- Tài mạng tương đố (tâm lý tiểu thuyết, 2 quyển)- Lòng người nham hiểm (xã hội tiểu thuyết, 1 quyển)
- Nghĩa hiệp kỳ duyên (năm 1920) ( 6 )
- Trinh hiệp lưỡng mỹ
- Lê Thái Tổ (4 quyển, năm 1931)
Vậy sao? Cơ khổ dữ chưa, vậy mà tôi không biết, chớ anh nhà cửa ở đâu? Sao mà biết con hai ở đây? Trịnh-thế-Xương chưa kịp trả lời, Lâm-thế-Viễn liền rước mà nói rằng: ‘’ Ông bác đây là người giàu có lớn bên chợ Tân Châu ‘’. Rồi đó Lâm-trí-Viễn mới thuật hết đầu đuôi sự tích lại cho Dì Tư bán cá nghe. Dì tư bán cá miệng nhai trầu tích hoát, tay xỉa thuốc ba ngoai mà nói rằng: ‘’ Trời đất ơi! Ðây với đó có bao xa mà không biết, phải tôi dè vậy thì tôi nhắn cho ông anh hay đã lâu rồi chớ đâu mà để cho tới ngày nay. Từ ngày tôi gặp con hai nó đi lơ thơ ngoài chợ, tôi thấy vậy tôi thương nên tôi đem nó về mà ở với tôi đây đã mấy tháng nay. Dì cháu hẩm hút với nhau thiệt tôi thấy tánh nết nó thiệt thà tôi thương nó quá. Lúc đêm hôm rảnh rang tôi cũng hỏi thăm gốc gát cha mẹ nó thì nó không biết chi hết, vì lúc họ chở nó đi thì nó còn nhỏ quá ‘’. Trịnh thế Xương bèn thò tay vào túi lấy ra (100 đồng) một trăm đồng bạc, trao cho Dì tư bán cá mà nói rằng: ‘‘ Con gái tôi nó đùm đậu ở đây trong mấy tháng thiệt cũng nhờ cái lòng tốt của chị, mà bởi tôi đi thình lình nên không có bạc đem theo nhiều, vậy thì xin chị nhận đỡ lấy một trăm đồng bạc nầy, gọi là của tôi đền đáp ơn dày của chị, vui lòng đặng tôi đem con gái tôi về, kẻo để tắt tưởi cái tấm thân nó tội nghiệp’’.
Trích Nghĩa Hiệp Kỳ Duyên
Từ bài trích Mộ Tào Tháo ở Tiết Báo Chí, đến phần trích trên đây, chúng ta thấy Nguyễn Chánh Sắt hành văn nhẹ nhàng, nhưng vẫn thể hiện nét đặc thù của truyền thống văn chương miền Nam.
5. Lê Hoằng Mưu (1879-1941): Sinh tại Cái Cối tỉnh lỵ Bến Tre, ông có bút hiệu Mộng Huê Lầu, ông bắt đầu sáng tác vào khoảng năm 1917-1918, đến năm 1921 ông làm chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn cho đến năm 1930, sau đó ông là chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo Long Giang, tờ báo này đình bản năm 1943. Ông mất tại Sàigòn thọ 62 tuổi.
Tác phẩm của ông gồm có :- Hà Hương phong nguyệt. (7)
Ba gái cầu chồng (1915) - Oán hồng quần tức Phùng Kim Huê ngoại sử (1920)
- Tô Huệ Nhi ngoại sử (1920)
- Oan kia theo mãi tức Ba mươi hai đêm Hồ Cảnh Tiên tự thuật (1922)
- Ðêm rốt của người tử tội ( 1930 ?)
- Người bán ngọc (1931)
- Ðầu tóc mượn
Oán Hồng Quần
... Trên chữ đề Tân Hiệp nhà ga, dưới chạo rạo người ta lên xuống.
Huê khát nước thấy dừa muốn uống, tính xuống mua mà xuống lại e, may đâu con bán dừa đem lại gần xe, cho hành khách tiện bề mua lấy. Huê mừng dạ mau chân bước lại, kêu hỏi thăm một trái mấy đồng. Xãy đâu gần bên nàng có một thầy thông, chợt thấy khách má hồng bủn rũn. Trơ đôi mắt hỏi thầm trong bụng: ‘’ Có phải Túy Kiều xưa, nay sống lại chăng ? Thầy mới lần tay toan mở túi gió trăng, kiếm lời ghẹo ả Hằng cung nguyệt ‘’.
Lê Hoằng Mưu hành văn theo lối biền ngẫu, đó là ảnh hưởng của cổ văn Trung Hoa, dùng trong thi phú từ chương.Một đoạn văn xuôi của ông, chúng tôi thử xuống dòng ở các chấm câu, nó gần trở thành một bài phú.
‘’...Chung thờ thần mày trắng, mười mấy năm mới bỏ ra đi.
Trốn mà đi Nam Vang, ngỡ cải nghiệp điếm đàng sửa sang tánh hạnh.
Có dè đâu lên Nam Vang cũng chẳng tiếc phấn son một mảnh; không thẹn điều lá gió chim cành; hết Tống Ngọc tới Trường Khanh, vui theo cuộc lầu xanh ang ná (9)...’’
So với văn của Nguyễn Chánh Sắt, rồi lần tới Hồ Biểu Chánh, chúng ta sẽ thấy rõ sự chuyển thể từ thi ca sang văn xuôi, cần phải có một nhịp cầu, ấy là truyện Tàu.Ðọc lại đoạn văn trên chúng ta thấy ông hành văn từng câu ngắn, có người cho đó là văn nhát gừng. Nhưng trong buổi giao thời ấy, ông là một nhà văn sáng giá, theo như bài viết của Lãng Tử đăng trong tuần báo Mai số 68 phát hành ngày 6-1-1939, viết về Lê Hoằng Mưu như sau :
Sánh truyện hồi đó ông viết ra thật nhiều và đều bán chạy như tôm tươi giữa buổi sớm, ông nổi danh quá lắm, làm cho ông Nguyễn Văn C (10) trong một lúc vui sướng vì đã có người giúp việc quí giá đã hứa với ông rằng sẽ giữ ông lại trong tờ báo trọn đời. (11).
III. Ðặc tính của tiểu thuyết sơ khai: Chúng ta chưa biết nhiều về Lê Hoằng Mưu, Trần Phong Sắc nhưng Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt, và Nguyễn Trọng Quản thì họ đều là những người có học Quốc Ngữ và Pháp Văn, do đó ít nhiều họ cũng bị ảnh hưởng văn chương Tây Phương, nhưng cổ văn, Thơ, truyện Tàu vẫn có ảnh hưởng đến họ, chính vì vậy mà tiểu thuyết thuở ban đầu ấy, đã chịu một số ảnh hưởng sau đây :
1.- Chịu ảnh hưởng chương hồi của tiểu thuyết Trung Quốc: Về chương hồi của truyện Tàu, chúng tôi đã nói qua ở Tiết 4, mục V. Tưởng cũng cần nhắc lại, mỗi truyện Tàu chia thành nhiều chương, hồi. Trước mỗi hồi đều có một hay hai câu thơ giới thiệu tổng quát nội dung của hồi đó.
Tiểu thuyết miền Nam buổi sơ khai cũng vậy, có chương hồi. Bản Nghĩa Hiệp Kỳ Duyên do nhà văn Sơn Nam sưu tầm và cho in lại trong tạp san Nhân Loại (12), không thấy có phân chia thành hồi, nhưng từng đoạn có ghi :
Lâm trí Viễn dụng mưu.
Một chước rất mầu.
Còn tiểu thuyết Nhơn Tình Ấm Lạnh của Hồ Biểu Chánh, do Tín Ðức Thư Xã in năm 1928 có phân chia thành hồi như :
Hồi thứ II
Phi Phụng tỏ tình buồn dạ khách,
Duy Linh tức trí kiếm đường vinh.
hoặc Hồi thứ XVI
Từng cay đắng mới biết thế tình gian dối,
Lắm thảm sầu nên nhìn người ngọc quặn đau.
Sau nầy Hồ Biểu Chánh cho in lại, ông đã bỏ bớt các câu thơ giới thiệu các hồi.Giọt Máu Chung Tình của Tân Dân Tử do nhà Phạm Văn Thìn in năm 1954 vẫn còn in chương hồi theo cũ :
Hồi thứ nhất
Thành Bình-Ðịnh thuật sơ sự tích,
Võ-đông-Sơ lướt dặm quan hà.
Như vậy cho thấy, ban sơ tiểu thuyết chịu ảnh hưởng truyện Tàu về hình thức cũng phân chia thành chương hồi.
2. Chịu ảnh hưởng văn chương Trung quốc : Chúng ta ai cũng biết rằng miền Nam không phảo là mảnh đất chịu ảnh hưởng lâu đời về văn chương Trung Quốc, miền Nam chỉ có năm ba ông Cử, vài ông tiến sĩ, rồi Pháp chiếm lấy miền Nam, nền văn học Quốc ngữ được phát sinh. Quốc ngữ chỉ là phương tiện cai trị của người Pháp, còn con đường quan lại nhất thiết phải học chữ Pháp, bởi vì các Nghị Ðịnh, công văn đều viết bằng Pháp văn, chữ Quốc ngữ chỉ dùng ở báo chí, văn chương. Những người làm báo, sáng tác tiểu thuyết đều biết Pháp văn, Hán Văn và Quốc ngữ.
Mặc dù học Hán văn không nhằm mục đích thi cử, nhưng mà học để biết nghĩa lý thánh hiền, học cho hiểu để đàm luận văn chương, cho nên nhà văn thời đó còn chịu ảnh hưởng rơi rớt lại văn chương biền ngẫu của Trung Hoa.
Ðây là đoạn mở đầu bộ Giọt Máu Chung Tình của Tân Dân Tử :
Lửa hạ vừa tàn, gió thu đổ lá, kèn xe hơi rỉ rả, tiếng ngâm sầu nhặt nhặt khoan khoan. Nội cỏ bóng le the, trang vẻ cảnh vàng vàng dợt dợt, kìa xóng róng một đám rừng thông cụm liễu cây đứng xơ rơ, trợn mắt trơ trơ, dường như giận cái phong cảnh tiêu điều, mà phai màu xủ lá. Nọ một giãi trường sơn vọi vọi, nằm dọc theo mé biển Ðông dương, dơ sống phơi sườn, thiêm thiếp yêm liềm ở dưới trời Nam, dường như buồn thảm cái thời tiết đổi dời nên không động dạng...
Còn đoạn mở đầu Nghĩa Hiệp Kỳ Duyên của Tân Châu Nguyễn Chánh Sắt :
Vừa cuối tiết thu, trời chiều mát mẻ, trên nhành chim kêu chiu chít, dưới sông cá lội vởn vơ; Lâm trí Viễn tay cầm nhựt báo, tay xách ba-ton (baton), rảo bước thung dung, thơ thẩn lối cầu đường núi Sam là chỗ hẹn hò với tình nhân mà trao lời tâm sự. Gần trót giờ lâu, chẳng thấy dạn nàng, anh ta buồn ý, liền dở tờ nhựt báo xem chơi cho tiêu khiển...
3. Chịu ảnh hưởng về nền luân lý của Trung Hoa: Mặc dù chịu ảnh hưởng phần nào của Tây phương nhưng ảnh hưởng về luân lý của Trung Hoa vẫn nặng nề, nhưng đó cũng là nền nếp, phong hóa của Việt Nam ta từ lâu đời.
Những tam cang, ngũ thường, tam tòng, tứ đức đã ăn sâu vào đời sống người Việt Nam, khi người ta nói đến lễ nghĩa, đối xử với nhau trong xã thôn và làng nước. Nó là chuẩn mực cho tác giả xây dựng nhân vật, hoàn cảnh. Thậm chí đến nhân vật của Nguyễn Chánh Sắt, ông đặt tên biểu trưng cho từng cá tánh nhân vật.
Kẻ mưu sâu hiểm độc thì tên là Lâm-trí-Viễn, người giả mạo, sau nầy phải chạy trốn tên là Ðào-phi-Ðáng, kẻ hết lòng hết dạ cứu giúp người tên là Trần-trọng-Nghĩa, kẻ có lòng thương người tên là Trịnh-thế-Xương, kẻ phải chịu phiêu bạt tên là Trịnh Phương Lang, còn tên cờ bạc ăn cắp vặt tên là Trịnh-bất-Thanh.
Hồ Biểu Chánh cũng vậy, người con gái trinh trắng ông đặt tên là Bạch Tuyết, kẻ có chí ông đặt cho tên Chí Ðại ...
4. Hành văn trơn tuột như lời nói : Có một đặc tính cho văn chương miền Nam, nó đã tạo thành truyền thống, khởi đầu từ Trương Vĩnh Ký, đặc tính ấy là hành văn trơn tuột, nói sao viết vậy, Chẳng hạn như đoạn trích trong Nghĩa Hiệp Kỳ Duyên ở trước:
...‘’ Trời đất ơi! Ðây với đó có bao xa mà không biết, phải tôi dè vậy thì tôi nhắn cho ông anh hay đã lâu rồi chớ đâu mà để cho tới ngày nay. Từ ngày tôi gặp con hai nó đi lơ thơ ngoài chợ, tôi thấy vậy tôi thương nên tôi đem nó về mà ở với tôi đây đã mấy tháng nay. Dì cháu hẩm hút với nhau thiệt tôi thấy tánh nết nó thiệt thà tôi thương nó quá. Lúc đêm hôm rảnh rang tôi cũng hỏi thăm gốc gát cha mẹ nó thì nó không biết chi hết, vì lúc họ chở nó đi thì nó còn nhỏ quá ‘’...
Một đoạn trích trong Ai Làm Ðược của Hồ Biểu Chánh, sáng tác năm 1912, nhuận sắc in năm 1922, để chúng ta thấy rõ đặc tính văn chương miền Nam.... Quan Phủ đã nổi giận mà bà còn châm chích thêm, chẳng khác nào lửa cháy mà bà còn chế thêm dầu, bởi vậy quan Phủ lấy roi biểu Bạch Tuyết nằm xuống ông đánh hơn một chục roi, cắn răn trợn mắt không cho Bạch Tuyết khóc.
Ông vừa đánh vừa nói rằng :- Mầy lấy thằng Chí Ðại làm nhục nhã tao, tội ấy tao chưa nói, bây giờ tao định gã mầy cho mầy khỏi mang tiếng xấu, mầy lại làm hơi khôn lanh, muốn chống cự với tao nữa à.Bạch Tuyết nghe mấy lời ấy thì chưng hửng, không biết lấy chi mà đối nại được, kêu oan rằng :
- Oan ức con lắm cha ôi Mẹ ôi Mẹ ở dưới cửu tuyền xin mẹ chứng dùm con, kẻo tội nghiệp thân con lắm, mẹ ôi !...IV. Các nhà văn tiếp nối:
Mặc dù Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam đều có tham gia vào văn chương, báo chí trước năm 1954, nhưng chúng tôi không xếp các ông vào trong các nhà văn tiếp nối ở miền Nam vì Bình Nguyên Lộc chỉ nổi tiếng với tác phẩm Ðò Dọc, sau khi ông được giải thưởng Văn Chương toàn quốc năm 1958-1959, còn Sơn Nam thì nổi tiếng sau khi xuất bản quyển Hương Rừng Cà Mau năm 1962. Mặc dù Bình Nguyên Lộc với chuyện Rừng Mắm, còn Sơn Nam với quyển Hương Rừng Cà Mau, đều là những truyện có giá trị mang chứa tình yêu quê hương đậm đà, nhưng vì giới hạn văn chương miền Nam từ cuộc Nam tiến cho đến năm 1954, cuộc di cư vĩ đại ấy đã pha trộn văn chương, làm cho văn chương miền Nam có sắc thái khác, thành ra một thời kỳ trong Văn học Việt Nam.
Phần nầy chúng tôi đề cập đến các nhà văn Hồ Biểu Chánh, Tân Dân Tử, Phú Ðức, Phi Vân và Hồ Hữu Tường. Người được đề cập đến trước tiên là nhà văn Hồ Biểu Chánh.
1. Hồ Biểu Chánh (1885-1958):
Hồ Biểu Chánh (1885-1958)
Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Trung, sinh ngày 1 tháng 10 năm 1885, tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công, trong một gia đình nghèo.
Năm lên 8, Hồ Biểu Chánh học chữ Nho, năm lên 12 ông bắt đầu học Quốc ngữ và chữ Pháp tại trường tổng Vĩnh Lợi, rồi sau học trường tỉnh Gò Công. Nơi đây ông được cấp học bổng để theo học tại trường Chasseloup-Laubart ở Sàigòn. Cuối năm 1905 ông thi đậu bằng Thành Chung.
Năm 1906, ông thi đổ làm Ký lục tại Soái phủ Nam Kỳ (Sàigòn), tòng sự tại Dinh Hiệp Lý, năm 1912,1913 tòng sự tại toà bố tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau. Năm 1914, tòng sự tại tòa bố tỉnh Long Xuyên. Năm 1917, Hội Khuyến Học Long Xuyên xuất bản Ðại Việt tạp chí, ông có cộng tác với tạp chí nầy, viết về khoa học, kinh tế, lý tài.
Năm 1919, đổi về làm việc tại tòa bố Gia Ðịnh. Năm 1920, làm việc tại văn phòng Thống Ðốc Nam Kỳ. Cuối năm 1921 thi đậu Tri Huyện.
Năm 1927 thăng tri phủ, đổi đi làm Quận Trưởng quận Càn Long, tỉnh Trà Vinh. Năm 1932, đổi đi làm Quận Trưởng quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Năm 1934, đổi đi làm Quận Trưởng quận Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ.
Năm 1935, đổi về Sàigòn làm Phó Chủ Sự phòng 3, kiểm soát ngân sách tỉnh và thành phố. Năm 1936, thăng Ðốc Phủ Sứ, trong năm nầy ông làm đơn xin hưu trí, nghị định cho về hưu tháng Giêng năm 1937, nhưng mãi đến năm 1941, ông mới được về hưu.
Ngày 4-8-1941, ông được cử làm Nghị Viên Hội Ðồng Liên Bang Ðông Dương, đến ngày 26-8-1941, ông được cử làm Nghị viên kiêm Phó Ðốc Lý thành phố Sàigòn. Cuối năm 1941, thành phố Sàigòn - Chợ Lớn sáp nhập làm một, ông làm Nghị viên trong Ban Quản Trị thành phố Sàigòn cho đến năm 1945.
Năm 1946, ông làm Chánh Văn phòng cho Chánh phủ Nam kỳ của Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh. Sau khi Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh quyên sinh. Hồ Biểu Chánh mới từ bỏ hẳn cuộc đời công chức.
Sau khi về hưu, ông ở Gò Công một thời gian, rồi trở lại Sàigòn, ông vẫn tiếp tục sáng tác cho đến khi nhắm mắt lìa đời ngày 4 tháng 11 năm 1958, tại biệt thự Biểu Chánh, đường Hồ Biểu Chánh (gần ngã tư Ngô Ðình Khôi và Trần Quang Diệu). Phú Nhuận, tỉnh Gia Ðịnh.
Khi ông mất, thi sĩ Ðông Hồ lấy tên các tác phẩm của ông, làm câu đối đi viếng tang ông như sau :
- Cay đắng mùi đời, Con nhà nghèo, Con nhà giàu, tác phẩm viết trăm lẻ năm thiên, Vì nghĩa vì tình, Ngọn cỏ cứng gió đùa, Tỉnh mộng, mấy Ai làm được.
- Cang thường nặng gánh, cơn Khóc thầm, cơn Cười gượng, thanh cần trải bảy mươi bốn tuổi, Thiệt giả giả thiệt, Vườn văn xưa Ghé mắt, Ðoạn tình còn Ở theo thời. (14)
Trong đời công chức, ông có những huy chương sau :
- 28-12-1920: Khuê bài danh dự bằng bạc
- 06-04-1921: Kim Tiền
- 26-08-1924: Monisaraphon
- 25-03-1927: Ordre Royal du Dragon de l’Annam
- 02-09-1937: Ordre Royal du Cambodge
- 09-08-1941: Chevalier de la Légion d’Honneur
Về văn nghiệp, ngoài tiểu thuyết ra, ông còn viết nhiều thể tài khác như khảo cứu về tôn giáo, chánh trị, tiểu thuyết. Viết tuồng cải lương, hát bội...
Năm 1942 và 1943, Hồ Biểu Chánh làm chủ nhiệm Bán nguyện san Ðại Việt Tạp Chí (13) và Nam Kỳ Tuần Báo xuất bản tại Sàigòn.
Về tiểu thuyết, ông đã sáng tác những tác phẩm sau đây :
1. Ai làm được sáng tác năm 1912,
nhuận sắc năm 1922
2. Chúa tàu Kim Qui 1922
3. Cay đắng mùi đời 1923
4. Tỉnh mộng 1923
5. Một chữ tình 1923
6. Nam cực tinh huy 1924
7. Nhơn tình ấm lạnh 1925
8. Tiền bạc, bạc tiền 1925
9. Thầy thông ngôn 1926
10. Ngọn cỏ gió đùa 1926
11. Chút phận linh đinh 1928
12. Kẻ làm người chịu 1928
13. Vì nghĩa vì tình 1929
14. Cha con nghĩa nặng 1929
15. Khóc thầm 1929
16 Nặng gánh cang thường 1930
17. Con nhà nghèo 1930
18. Con nhà giàu 1931
19. Ở theo thời 1935
20. Ông Cử 1935
21 Một đời tài sắc 1935
22. Cười gượng 1935
23. Dây oan 1935
24. Thiệt giả, giả thiệt 1935
25. Nợ đời 1936
26. Ðóa hoa tàn 1936
27. Lạc đường 1937
28. Từ hôn 1937
29. Tân phong nữ sĩ 1937
30. Lời thề trước miễu 1938
31. Tại tôi 1938
32. Bỏ chồng 1938
33. Ý và tình 1938
34. Bỏ vợ 1938
35. Người thất chí 1938
36. Tìm đường 1939
37. Hai khối tình 1939
38. Ðoạn tình 193939. Ái tình miếu 1941
40. Cư kỉnh 1941
41. Mẹ ghẻ, con ghẻ 1943
42. Thầy Chung trúng số 1944
43. Hai Thà cưới vợ 194444. Một đóa hoa rừng 1944
45. Ngập ngừng 1944
46. Chị Hai tôi 1944
47. Bức thư hối hận 1953
48. Trọn nghĩa vẹn tình 1953
49. Nặng bầu ân óan 1954
50. Ðỗ nương nương báo oán 1954
51. Lá rụng hoa rơi 1954-1955
52. Tơ hồng vương vấn 1955
53. Hai chồng 1955
54. Hai vợ 1955
55. Ðại nghĩa diệt thân 1955
56. Trả nợ cho cha 195557. Những điều nghe thấy 1955-195658. Ông Cả Bình Lạc 1955-1956
59. Một duyên hai nợ 195660. Trong đám cỏ hoang 1956-1957
61. Vợ già chồng trẻ 1956
62. Hạnh phúc lối nào 1957
63. Sống thác với tình 1957
64. Nợ tình 1957
65. Ðón gió mát, nhắc chuyện xưa 1957
66. Chị Ðào, chị Lý 1957
67. Nợ trái oan 1957
68. Tắt lửa lòng 1957
69. Lẫy lừng hào khí 1957-195870. Lần qua đời mới 1958-?71. Hy sinh 1958--?
Ðáng lẽ chúng tôi đặt nhà văn Hồ Biểu Chánh vào hàng các tiểu thuyết gia đầu tiên, nhưng chúng tôi nghĩ từ năm 1912, ông sáng tác Ai Làm Ðược, nhưng phải đợi 10 năm sau, ông mới sửa chữa và cho in ra, thời gian 10 năm ấy vật đổi sao dời, tiểu thuyết đã đi được những bước vững chắc rồi.
Lối hành văn của ông vượt hẳn các nhà văn lớp trước, tuy những quyển tiểu thuyết của những năm đầu, thỉnh thoảng ông cũng dùng lối biền ngẫu, như đoạn sau đây trong Nhơn Tình Ấm Lạnh :
‘‘... Ðêm đã khuya nên trên đường chẳng còn ai đi nữa, trăng thật tỏ mà mấy nhà ở dọc theo đường lại kín cửa ngủ hết. Duy Linh ra khỏi cửa ngỏ của ông Huyện hàm rồi, thì thủng thẳng huởn bước mà về. Ði vài chục bước ngó ngoái lại một lần, thì thấy vách tường trắng toác, nóc lầu hồng hồng, trước cửa lầu ngọn đèn chiếu sáng trưng, sau nhà bếp dạng người còn náo nức. Bóng trăng vì nhanh áng nên chỗ mờ chỗ tỏ, cây cỏ bị ngọn gío đàng nên lắc lại lắc quạ Dọng ngâm nga nghe tiếng dế khóc bên chân, bay sập sận thấy cánh chim quơ trước mặt ...’’
Tuy nhiên tiểu thuyết của ông đã có ranh giới phân biệt rõ ràng thời kỳ sơ khai đã chấm dứt, cho nên chúng tôi đưa ông vào các nhà văn tiếp nối.
Nghiên cứu tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, chúng tôi thấy những nét đặc biệt bằng bạc trong hầu hết các tác phẩm của ông.
Về luân lý, ông vẫn theo luân lý Khổng Mạnh, nhưng luôn muốn có cải cách, uyển chuyển cho phù hợp với hoàn cảnh chớ không quá câu nệ, chẳng hạn như trong Vì Nghĩa Vì Tình :
‘‘... Tối lại cô ngủ không được, cô nằm suy tới tính lui, làm thân đàn bà con gái, nếu tỏ với đàn ông con trai một lời không đoan chánh, thì thẹn thùa xấu hổ có chi bằng, mà nếu mình vì danh tiết, không đành khêu tình, đặng mà cứu cái sanh mạng của người ta thì té ra mình trọng chữ ‘‘ trinh ‘’ hơn là chữ ‘‘ nhơn ‘’, làm người dường ấy chưa phải là người đứng đắn. Cô cân phân từ chút, cô xét nét từ hồi, nếu cô giữ vẹn tiết trinh thì Chánh Tâm phải chết, rồi Trọng Quí phải mang cái quả báo. Cô là người có lòng nhân từ, cô không nở vì phận cô mà cô để cho kẻ khác bị hại, thà là cô mang tiếng thất tiết mà cô cứu người ta, chớ cô cố chấp danh tiết của cô thì cái lỗi bất nhơn nó còn nặng hơn cái lỗi thất tiết nhiều lắm. Mà tại sao lại gọi rằng thất tiết? Phận gái phải gìn giữ nết na, mình liếc mắt trêu hoa, mình tỏ lời ghẹo nguyệt, mình làm giả dối đặng cho khách buồn rầu động tình mà quên nổi vợ con vậy thôi, chớ mình dại gì mà để rơm gần cho lửa bắt, thọc tay vào cho chàm dính, mà sợ xủ tiết ô danh ‘’.
Nhân vật của Hồ Biểu Chánh phần nhiều đều có khuynh hướng phiêu lưu, từ Chí Ðại trong Ai Làm Ðược, Phan Văn Quí trong Mẹ Ghẻ Con Ghẻ, Duy Linh trong Nhân Tình Ấm Lạnh, Châu Tất Ðắc trong Từ Hôn, Lân trong Lời Thề Trước Miễu, cho đến thằng Hồi, thằng Quì trong Vì Nghĩa Vì Tình, thằng Ðược, thằng Bỉ trong Cay Ðắng Mùi Ðời, thằng Hiệp, thằng Cao trong Lạc Ðường là những nhân vật phiêu bạt, lang thang để :‘‘ đi một ngày đàng, học một sàng khôn ‘’. Những nhân vật phiêu lưu ấy thường chọn con đường thương mại để nên người. Chắc chắn ông muốn thay đổi tạp quán, khuyến khích người ta nên rời khỏi con trâu, cái cày, mảnh vườn, đám ruộng để đi đó đi đây, dùng con đường thương mãi tiến thân.
Xã hội tiểu thuyết của ông phần lớn là xã hội của những điền chủ, Hội đồng ở thôn quê, của ông Phủ, ông Phán, thầy Thông, cô Ký ở thành thị, bên cạnh những Ba Có bán chè trong Nợ Ðời, Tư Cu trong Vì Nghĩa Vì Tình, Lý Trường Mậu trong Lạc Ðường... lớp trưởng giả đầy rẩy những lường lọc, bất công, xa hoa, còn trong khuê phòng các con ông Hội đồng, điền chủ chịu nhiều nổi gian truân, nào là Cẩm Vân trong Vì Nghĩa Vì Tình, Phi Phụng trong Nhân Tình Ấm Lạnh, Thu Hà trong Khóc Thầm, Bạch Tuyết trong Ai Làm Ðược..., còn những người nghèo khó rất đáng thương tâm như Trần Văn Sửu trong Cha Con Nghĩa Nặng, hương Hào Ðiều trong Khóc Thầm.
Ông cũng đã phá về quan niệm hôn nhân của người xưa như môn đăng hộ đối...Nhưng không phải đổi mới hoàn toàn như Ðoạn Tuyệt của Nhất Linh, hay ngược lại một sự cảm hóa như Cô Giáo Minh của Nguyễn Công Hoan, ông muốn kêu gọi sự thức tỉnh về quan niệm hôn nhân như trong Tại Tôi, một tiếng kêu trầm thống cho bà cả Kim, đại diện cho lớp trưởng giả miền Nam thời bấy giờ, không phải một sự phản kháng, không phải do may rủi tình cờ, mà là trường hợp điển hình gây ra nổi thương tâm ray rức cho bậc cha mẹ.
Từ năm 1927, ông là bậc ‘’ Dân chi phụ mẫu ‘’, vậy mà tiểu thuyết ông tả những chuyện loạn luân, giết người như Lý Trường Mậu giết Mái Chín Cúng giựt tiền cho vợ con, sau vợ con sa đọa, mãn tù anh ta trở về lại giết vợ là Ba Trâm và con là Cô Ba Hào, rồi anh ta tự tử trong Lạc Ðường (1937), Trinh giết bà Lợi để cướp tiền trong Người Thất Chí (1938), Hương Hào Ðiều giết Vĩnh Thái và Thị Sen là đôi gian phu dâm phụ trongKhóc Thầm (1929).
Tiểu thuyết của ông có hậu, quả báo nhãn tiền, mọi việc đều để răn dạy, phải chăng nó phản ánh cái xã hội ngang tàng thời đó ? của thứ anh hùng ‘‘ thế thiên hành đạo ‘’; nếu tiểu thuyết để giáo hóa con người thì nó cũng có khả năng làm cho người ta bắt chước, nghĩa là nó có ảnh hưởng tốt và xấu tuỳ theo trình độ và trường hợp của mỗi người. Nhưng phải công nhận đây là sự táo bạo của nhà văn lớp trước.
Nhiều tiểu thuyết của ông đã phóng tác theo tiểu thuyết Tây phương rất tài tình, như quyển Ai Làm Ðược, ông mô phỏng theo quyển André Cornelis của P. Bourget, Chúa Tàu Kim Qui phỏng theo Le Comte de Monte-Cristo của Alexandre Dumas, Ngọn Cỏ Gió Ðùa phỏng theo Les Miserables của Victor Hugo, Cay Ðắng Mùi Ðời phỏng theo San Famille của Hecto Mailot, Người Thất Chí phỏng theo Tội Ác Và Hình Phạt của Destoievski...
Trong Tội Ác Và Hình Phạt của Dostoievski ám chỉ ý tưởng hình phạt do luật định, không làm tội nhơn sợ hải nhiều như những nhà làm luật tưởng, trừ khi chính hắn đòi hỏi hình phạt đó trong tinh thần, nhưng cuối cùng rồi Dostoievski cũng đưa Raskôlnikốp trở về nhà giam của xã hội con người ở Tây Bá Lợi Á với bản án tám năm tù khổ sai, còn Hồ Biểu Chánh đẩy Trinh tự phạt mình hơn mười năm xa lánh con người trong dãi Thất Sơn, vì chàng ta tự đòi hỏi cái hình phạt ấy cho mình, ông đã vượt quá Dostoievski.
Văn chương của Hồ Biểu Chánh cũng giản dị như những nhà văn lớp trước, nhiều khi ông kể chuyện hơn là tả chuyện, ông cũng dành lấy quyền nói cho mình quá nhiều mà không để cho những tình tiết tạo thành câu chuyện. Chẳng hạn một đoạn trong Nhân Tình Ấm Lạnh, ông sử dụng lối ấy: ... Ở đời có nhiều cái vận hội lạ lùng có khi việc nên đã thấy trước mà rồi lại hóa ra hư, việc quấy đã tỏ tường mà ai cũng cho là phải. Mà việc quấy thiên hạ cho là phải, ấy là tại bụng người dua bợ nên chẳng luận làm gì, chí như việc gần nên mà hóa ra hư, nghĩ thiệt không biết sao mà liệu trước ...
Bối cảnh tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh phần nhiều ở Lục Tỉnh, Sàigòn và Gia Ðịnh, đó là những nơi ông đã sống, làm việc có nhận xét, có nhiều ấn tượng để viết, nên khi tả cảnh ông ghi được những nét tinh tế, do đó ông tả cảnh thôn quê, chúng ta thấy như một bức tranh đẹp có nhiều màu sắc linh động. Một cảnh ông tả Xóm Tre ở Gò Công.
‘ ‘ Ðến nữa tháng năm, trời mưa dầm dề ngày nào cũng như ngày nấy. Chiều bửa nọ, trận mưa mới tạnh, bóng mặt trời chói chói phía bến đò; trong xóm nhà nhúm lửa nấu cơm chiều khói lên ngui-ngút; tre níu nhau mừng trời mát lá giũ phất phơ. Ngoài đồng náo nức nông phu, bạn cầy thá ví tiếng vang vầy, công cấy hát hò hơi lảnh lót. Dưới sông bao ngược ghe chài chở lúa trương buồm rồi thả trôi theo giòng nước, chiếc nào chở cũng khẳm lừ. Trên lộ Cây Dương xe ngựa đưa người núc nít chạy chậm xì, tiếng lục lạc nhỏ khua xa xa nghe như tiếng nhái.’’
Về tả người, chúng ta xem qua kỹ thuật của ông, tả Huỳnh Phi Phụng trong Nhân Tình Ấm Lạnh : ‘‘... Cô tuổi vừa mới 17, nước da trắng đỏ, đầu tóc đen huyền, hàm trăng trắng mà đều như hột bầu, ngón tay dài mà lại non như da giấy, mình mặc áo lãnh màu bông phấn quần lụa bom-bay mới tinh, chơn đi giày thêu cườm, bông tay cà rá, dây chuyền đều nhận hột xoàn sáng ánh.’’
Tả Ba Trâm, vợ cập rằng Mậu trong Lạc Ðường :
‘’... Ba Trâm tóc tai dã dượi ở trong buồn bước ra. Tuy cô hẩm hút trong cái chòi lá, tuy cô mặc cái áo cụt vải trắng với mộyt cái quần lãnh đen củ xì, nhưng mà nước da trắng trong, mái tóc dợn sóng, tay chân dịu nhiễu, môi má ửng hồng, tuổi đã quá ba mươi mà sắc vẫn còn xinh đẹp. Nhan sắc nầy lẽ thì phải ở nhà lầu, ngồi xe hơi mới xứng đáng.’’
Ðến khi Ba Trâm lấy chồng khác, đã ở nhà lầu, đi xe hơi rồi, ông tả lại cô ta :
‘’ ... Cô bận một bộ đồ mát bằng lụa mỏng, màu bông hường; nước da của cô đã trắng; mà nhờ màu áo giọi thêm, làm cho nhan sắc của cô pha vẻ lả lơi với vẻ nghiêm nghị, nên coi đẹp đẻ vô cùng...’’
Cái lối viết trơn tuột của ông, tưởng chỉ cần nghe thằng Ðược nói với Ba Thời :
‘’- Sướng a ! Tía tôi vìa đây tôi biểu tía tôi mua thép uốn lưỡi câu rồi tôi đi câu với tía tôi chơi. Nầy má, hôm trước thằng Phát đi câu với tía nó, nó câu được một con cá trê lớn quá, mà à...’’
Còn nếu cần nữa, chung ta đọc luôn bức thư của tên Hữu, gửi cho Ba Thời cũng trong Cay Ðắng Mùi Ðời.
Xà-No, le 16 Decembre 19..
Tao gửi lời về thăm mầy được mạnh giỏi. Tao ở dưới nầy bình an như thường. Năm nay tao làm ăn cũng khá khá. Như mầy có nghèo lắm thì bán cái nhà lấy bạc đi qua Mỹ Tho rồi ngồi tàu mà xuống đây.
Mà nếu mầy đã có nơi nào khác rồi thì phải gửi thơ cho tao biết. Nói dùm tao gửi lời thăm anh Hai chị Hai và bà con lối xóm hết thảy.
Hữu ký
Nói chung, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh rấp hấp dẫn lớp độc giả trung lưu và bình dân thời bấy giờ, do cốt truyện đều đáng thương tâm vì những hoàn cảnh éo le ngang trái. Nhân vật đồng quê có, thành thị có phô bày xã hội đương thời thích hợp với nhiều tầng lớp. Truyện của ông đều nhằm mục đích hướng thượng, ông luôn luôn để cho những nhân vật thiện của ông nhắc nhở hành động của mình để đi tới con đường lương thiện.
Kỹ thuật xây dựng truyện của ông khá cao, ông dồn đẩy những nhân vật chính vào các trạng huống thương tâm, những tình tiết dồn dập dễ gây cảm xúc cho độc giả.
Gần 50 năm sống và viết, viết cho đến hơi thở cuối cùng, ông đã để lại cho văn học miền Nam 71 quyển tiểu thuyết, văn nghiệp thật hiếm có đối với một nhà văn. Trong văn học sử, người ta lãng quên nhiều nhà văn lớp trước của miền Nam, nhưng người ta không thể quên được tên tuổi, văn nghiệp của Hồ Biểu Chánh. Ðộc giả trộng tuổi vẫn còn ưa chuộng tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh vì cốt chuyện, và vì người ta còn tìm thấy dĩ vãng xã hội mình một thời đã sống an.
2. Tân Dân Tử ( 1875-1955 ):
Tân Dân Tử tên thật là Nguyễn Hữu Ngỡi, sinh năm Ất Hợi 1875, tại Thủ Đức tỉnh Gia Định, ông thông Hán văn và Pháp văn, làm Kinh lịch (là một chức quan: Theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Của) ở Chợ Lớn, được thăng thưởng Huyện hàm, ông có viết bài, làm thơ đăng trên Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn ..., lúc về già ông bị á khẩu, nằm một chỗ trên hai năm rồi mất năm Ất Mùi 1955, thọ 80 tuổi.
Nói về tiểu thuyết miền Nam, không thể bỏ qua Tân Dân Tử, ông chuyên viết về lịch sử tiểu thuyết, nó giống y như truyện Tàu. Cũng là một thứ tiểu thuyết có chương hồi, cũng dựa vào sự kiện lịch sử. Tiểu thuyết ông sáng tác khoảng 1920-1924, gồm những bộ truyện rất nổi tiếng, riêng bộ Giọi Máu Chung Tình năm 1954, in đến lần thứ 8 và lần nầy in 5.000 quyển.
Văn nghiệp của ông gồm có :
- Giọt máu chung tình (1926)
- Hoàng tử Cảnh như Tây (1926)
- Gia Long tẩu quốc (1928)
- Gia long phục quốc (1928)
Chúng tôi trích một đoạn trong Giọt Máu Chung Tình :
Hồi Thứ Hai Mươi Bảy
Ðền nợ nước, anh hùng ra tử trận
Trọn ân tình, liệt nữ quyết liều thân.
Vừng ô thấm thoát phúc lặng đài tây, gương nguyệt lấp lòa đã treo bóng thỏ, đoạn Võ đông Sơ cùng Thu Hà đương ngồi trước hoa viên đàm đạo, bỗng thấy mọt tên Ngự lâm quân ngoài cửa, vội vả bước vô, cúi đầu chào Ðông Sơ và nói: Bẩm Ðô húy, thánh chỉ dạy đòi về việc binh tình cấp cấp.
Ðông Sơ nghe nói liền bước lại tiếp lấy thánh chỉ đọc coi, thì thấy nói như vầy:
‘‘ Nay nhơn Thanh triều ỷ thế, nước mạnh binh nhiều, muốn xâm phạt lấn nước ta, vì vậy trẫm phải ngự giá thân chinh, quyết đánh cùng quân Tàu một trận .
Vậy truyền cho Ðông Sơ Ðô húy lập tức đến tỉnh Lạng Sơn quảng xuất các đạo võ tam quân, và theo trẫm mà lãnh chức ngự tiền Hộ giá ‘’.
Ðông Sơ đọc rồi thì nét mặt có sắc buồn dào dào, đứng ngó Thu Hà một cách sửng sờ và nói : Ái khanh ôi ! Cũng tưởng hai ta đã hết cơn ly biệt, đến lúc trùng phùng, đặng cùng nhau vui cuộc lương duyên, cho toại chí lúc bình sanh sở nguyện, chẳng dè cái thời điên vận đảo, nó cứ theo đuổi buộc ràng, hờn thay cuộc thế đa đoan, khiến cho gặp buổi nước nhà hữu sự, vì vậy cho nên triều đình hạ chỉ đòui tôi ra hộ giá Thánh hoàng, làm cho đôi ta phải rẻ phụng lìa loan, thì biết chừng nào mới đặng vầy vui giai ngẫu.
Thu Hà nghe nói thì động lòng ly biệt, càng thêm xót dạ ân tình, rồi nghĩ cho nhà nước đương gặp buổi hoạn nạn truân chuyên, thì gượng gạo lấy lời hơn thua mà tỏ bày khuyến nhủ, rồi nói :
Lang quân ôi Hai ta vẫn đương lúc tình nồng nghĩa mặn, mà thình lình khiến cho én lạc nhạn xa, thì dẫu ai gan sắt dạ đồng gặp lúc nầy cũng phải đau lòng đứt ruột, nhưng mà tôi khuyên mình phải lấy chữ ân làm trước, rồi sau sẽ nói đến chuyện tình, ân là ân quốc gia thủy thổ, tình là tình ân ái vợ chồng, nay nước nhà đương gặp lúc hữu sự phân vân, và mấy vạn đồng bào ta đương đâu cật đâu lưng trong cõi chiến trường, mà xông pha giữa chốn lằn tên mũi đạn. Vậy thì lang quân là một đấng nam nhi phận sự, lại thọ ơn phước lộc triều đình, thế phải ra mà đỡ vạt nâng thành, lấy một gan đởm mà bồi đắp cho quê hương trong cơn nước lửa, tôi cũng ngày đêm khấn vái mà cầu chúc cho lang quân đặng bình an vô dạng trong chốn mũi đạn lằng tên. Ngõ mau mau trở bước khải hoàng, chừng ấy đôi ta sẽ hiệp mặt phòng lang, và vui tình nệm gối, thì cũng chẳng muộn...’’ (15)
Các bộ tiểu thuyết của Tân Dân Tử, ông viết chẳng khác gì truyện Tàu từ hình thức đến nội dung, văn chương của ông nhẹ nhàng hơn Lê Hoằng Mưu, những đọc giả đã quen đọc truyện Tàu, khi đọc tới tiểu thuyết lịch sử của Tân Dân Tử, người ta rất ưa chuộng, mặc dù tiểu thuyết của Gilbert Chiếu, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt đang trên đà tiến triển tốt đẹp, cho nên quyển Giọt Máu Chung Tình được in đến lần thứ 8, trong khi toàn bộ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, chỉ có những bộ sau đây được in đến 8 hay 9 lần:
- Tỉnh mộng in lần thứ 8
- Ngọn cỏ gió đùa in lần thứ 8
- Cay đắng mùi đơì in lần thứ 9 (16)
Những bộ còn lại cũng chỉ in từ 1 đến 3 lần, một số chỉ đăng trên báo, và một số chưa xuất bản lần nào (17).
Tiểu thuyết của Tự Lực Văn Ðoàn, chưa chắc đã có quyển nào tái bản nhiều như thế, cho nên mặc dù là văn biền ngẫu, nhưng cốt truyện đề cao trung, hiếu, tiết, nghĩa lại lồng trong một chuyện tình bi thương, vì Võ Ðông Sơ và Bạch Thu Hà đều chết sớm, kẻ hy sinh cho tổ quốc để bảo vệ non sông, người chết cho thủy chung với tình yêu của mình.
Như thế chuyện hóa ra không có hậu, nên cuối chuyện tác giả có thêm phần nhà vua ngự phê tác hợp lương duyên cho hai linh hồn, nhưng người đọc, sau khi khép sách lại vẫn còn ray rức tiếc thương.
Ảnh hưởng của tiểu thuyết Tân Dân Tử đối với lớp thanh niên ở thôn quê thời bấy giờ không phải là không có, một là nó gieo vào tâm hồn giới thanh niên một mẫu người lý tưởng của thanh niên như Võ Ðông Sơ, một trang anh hùng phò vua giúp nước, hai là mối tình chung thủy của Bạch Thu Hà, mối tình của trai tài gái sắc, làm cho biết bao thanh niên ấp ủ hoài bão trở thành người anh hùng như Võ Ðông Sơ, nó chính là động cơ thúc đẩy biết bao nhiêu thanh niên đồng quê miền Nam, gia nhập vào đội ngũ thanh niên tiền phong, rồi các lực lượng võ trang ở miền Nam sau đó.
3. Phú Ðức (1901-1970): Nói tới Hồ Biểu Chánh là nói tới tiểu thuyết tình cảm, xã hội, còn nói tới tiểu thuyết kiếm hiệp phải nói tới Phú Ðức, đó là đặc trưng của hai nhà viết tiểu thuyết danh tiếng ở miền Nam.
Phú Đức (1901-1970)
Nhà văn Phú Ðức tên thật là Nguyễn Ðức Nhuận ( 18 ), sinh ngày 24-9-1901 tại xã Bình Hòa tỉnh Gia Ðịnh, tên bổn mạng là Joseph, ông từ trần ngày 4-3-1970 tại Gia Ðịnh, hưởng thọ 70 tuổi. Thân phụ ông là Nguyễn Ðức Tuấn từng làm Ðốc học trường Sơ học tỉnh lỵ Gia Ðịnh và Cai tổng Tổng Bình Trị Thượng tỉnh Gia Ðịnh.
Trước khi trở thành nhà văn, Phú Ðức là một nhà giáo, dạy tại trường Gia Ðịnh do thân phụ ông làm Hiệu trưởng. Năm 1925 nhà giáo Nguyễn Ðức Nhuận viết một truyện ngắn Câu Chuyện Canh Trường, gửi đăng trên nhật báo Trung Lập. Lúc đó tờ Trung Lập do Trương Duy Toản và Phi Vân đang phát động phong trào tẩy chay hàng Bombay ở Sàigòn rất có hiệu quả, do ngược lại chủ trương của thực dân Pháp, họ thúc ép tờ Trung Lập phải ngưng phong trào nầy, nên chủ bút Mạnh Tự Trương Duy Toản phải nghĩ cách thu hút độc giả, do nhận thấy tờ Ðông Pháp Thời Báo nhờ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh được nhiều độc giả, nên cụ Mạnh Tự đãmời tác giả Câu Chuyện Canh Trường, cộng tác viết tiểu thuyết cho tờ Trung Lập.
Phú Ðức bắt đầu viết ‘‘ Cái Nhà Bí Mật ‘’ rồi sau đó viết tiếp Châu Về Hiệp Phố, một quyển tiểu thuyết đã đưa tên tuổi Phú Ðức lên cao. Năm 1926, ông rời bỏ nghề dạy học và bắt đầu làm chủ bút tờ Công Luận, sau nầy khoảng thập niên 50, ông cộng tác với các Nhật báo Thần Chung, Tiếng Chuông, rồi làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tuần báo Bình Dân và chủ nhiệm nhật báo Dân Thanh.
Ông hâm mộ thể thao, chơi quần vợt, bóng tròn, ông cũng có luyện tập võ nghệ, nhờ đó ông viết đúng các thế võ thuật, ông thích xem chiếu bóng và đọc truyện trinh thám của Pháp nhứt là tác giả Michel Zevaco. Những sở thích ấy, giúp cho ông viết thành những chi tiết được độc giả thích thú và hâm mộ.
Như đã nói, tiểu thuyết Châu Về Hiệp Phố làm cho Phú Ðức nổi tiếng nhứt, lần đầu đăng trên báo Trung Lập, Công Luận, său đó nhà xuất bản Xưa Nay in thành sách rồi sau nầy các nhật báo Thần Chung, Tiếng Chuông, Ðuốc Nhà Nam đăng lại vẫn được độc giả ưa chuộng.
Theo như ông trả lời cuộc phỏng vấn của báo Ngày Mới năm 1959, ông đã sáng tác trên 70 bộ tiểu thuyết trong vòng 35 năm và những tiểu thuyết của ông ngày nay người ta còn biết được:
- Cái nhà bí mật.
- Châu về hiệp phố.
- Tiểu anh hùng Võ Kiết.
- Lửa lòng.
- Một mặt hai lòng.
- Non tình biển bạc.
- Tình trường huyết lệ.
- Một thanh bửu kiếm.
- Chẳng vì tình.
- Mít Si Ma...
Trong làng báo, nhiều ký giả viết về Phú Ðức, họ có quan điểm như nhau, Phú Ðức là một hiện tượng lạ trong làng báo :
- Chỉ có viết tiểu thuyết mà làm chủ bút một tờ báo ( làm chủ bút mà không cần nắm chủ trương, đường lối, không viết xã luận, mỗi ngày chỉ viết tiểu thuyết mà thôi )
- Một tuần báo Bình Dân chỉ đăng toàn tiểu thuyết của ông, nó bán rất chạy và đủ nuôi tờ nhật báo Dân Thanh (thật ra tuần báo Bình Dân còn có đăng về các kỳ đua ngựa, những người mê đánh cá ngựa có thể vừa theo dõi các trận đua, vừa đọc tiểu thuyết giải trí).
- Chỉ có bổn cũ Châu Về Hiệp Phố soạn lại, mà ông tạo ra xe hơi, nhà lầu.
Ðúng ra ông là tiểu thuyết gia đẻ bọc điều, trong làng báo miền Nam, ông viết tiểu thuyết không chú trọng về văn chương, những cảnh ông tả chỉ để xác định không và thời gian, trong bối cảnh phải có mà thôi, chẳng hạn như đoạn Hiệp Liệt cứu Hiếu Liêm trong Châu Về Hiệp Phố.
...’‘ Ðêm hôm sau vào lúc 9 giờ, tại nhà Hoàn Ngọc Ẩn, Năm Mạnh và Lục Tặc đang trò chuyện, thì bên ngoài một trận mưa to, gió lớn đang đổ nước xuốn ào ào ...’’
Ông thường hành văn hí ngôn, trong câu đối thoại, dù thực tế hiếm có xảy ra như đoạn sau đây giữa thám tử Ðỗ Hiếu Liêm và Ðội Tài :
- Thầy Ðội hôm nay có chuyện gì mà thầy đi vào đây có gương mặt buồn teo như thế ?
Ðội Tài thở dài:
- Rua xếp ! Thật vậy ông xếp thấy cái mặt tôi hôm nay nhăn nhó như cái xíu mại khó thương làm sao.
- Có thím Ðội lẽ nào ngâm câu : ‘’ Anh đi đàng anh, em đi đàng em ‘’ chớ gì ?
Ðội Tài mĩm cười :
- Phải như thế thì tôi ‘’ măng phú ‘’ xếp à, đàn bà như trấu xay tôi kể gì. Hôm nay tôi đến thăm xếp đặng báo một cái tin đặc biệt.
- Tin chi vậy hở thầy Ðội ?
- Một vụ cướp táo bạo nhà máy Huỳnh Long ở Bình Tây bị bọn cướp khoét tủ sắt không còn một xu con.
- Bọn cướp thật hung ác, chúng đâm anh Chà ban cà lì đổ ruột chết lòi cà ri không kịp ngáp.
Tiểu thuyết của Phú Ðức được nhiều độc giả ưa chuộng vì có nhiều nguyên nhân :
- Ông lợi dụng phong trào võ ta và quyền anh có sự thách thức giữa võ sĩ Tạ Ánh Xém và Amadou vào khoảng năm 1924.
- Tiểu thuyết kiếm hiệp có pha lẫn loại trinh thám, một thể tài mới lạ và cũng có phần gần gủi với truyện Tàu.
- Thể tài nầy không kén lựa độc giả như loại tiểu thuyết tình cảm hay luận đề.
Nghiên cứu về tiểu thuyết miền Nam, không thể bỏ qua nhà văn Phú Ðức, nói đến tiểu thuyết tình cảm xã hội phải nói đến Hồ Biểu Chánh, nói đến tiểu thuyết trinh thám võ hiệp phải nói đến Phú Ðức, bởi vì ông là một hiện tượng đặc biệt trong làng báo miền Nam.
4. Phi Vân (1917-1977)
Phi Vân (1917-1957)
Phi Vân tên thật là Lâm Thế Nhơn sanh năm 1917 trong một gia đình trung lưu ở Cà Mau, ông chuyên viết chuyện ngắn và phóng sự. Năm 1943, quyển Ðông Quê của ông đoạt giải nhất trong cuộc thi văn chương do Hội Khuyến Học Cần Thơ tổ chức, từ đó cho tới năm 1970, quyển nầy đã được in 5 lần. Ngoài ra ông còn những tác phẩm :
- Dân quê
- Cô gái quê
- Hồn quê ( truyện dài chưa xuất bản )
- Nhà quê trong khói lửa ( hồi ký chưa xuất bản )
Ông còn là một nhà báo, từng cộng tác với nhiều nhật báo và tuần báo, ông cũng từng điều khiển ban biên tập các nhật báo Tiếng Chuông, Dân Chúng, Tiếng Dân, Dân Quí, Thủ Ðô, Cấp Tiến, cũng đã giữ chức Tổng Thư Ký Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt trong Liên đoàn ký giả quốc tế (I. F. J)
Ông mất tại Sàigòn vào đầu thập niên 70.
Như đã nói, quyển Ðồng Quê của ông được nhiều người ưa chuộng vì tác giả đã tả lại xã hội thôn quê miền Nam vào tiền bán thế kỷ 20, nào là phong tục đám cưới, thầy pháp, thầy bùa, hò đối đáp, đi câu trộm...
Mỗi một truyện của ông vẽ lại góc nhỏ của xã hội đồng quê, cho ta thấy vài khía cạnh của phong tục tạp quán, những bọn cường hào ác bá, đầu trộm đuôi cướp làm cho đời sống dân quê chịu nhiều nổi áp bức. Nhưng dân quê vẫn sống với đồng ruộng, tình nghĩa hàng xóm bên chung rượu chén trà, giải trí với những gánh hát bội, giọng hò câu hát trên sông trong những đêm trăng thanh gió mát hữu tình, hay những lúc ngày mùa nhộn nhịp. Muốn hiểu phong tục tạp quán miền Nam không thể không đọc qua tác phẩm của ông.
Bối cảnh tác phẩm Ðồng Quê của Phi Vân là vùng đất Cà Mau, thôn quê là đề tài phong phú cho nhà văn, hơn nữa nơi đó rừng sâu nước độc, là chân trời mới, có sức hấp dẫn lạ lùng cho độc giả ở thành thị, phần khác một số độc giả gốc ở thôn quê nay đến sinh sống nơi thành thị, nhớ cảnh nhớ quê, nhớ mái nhà xưa, nhớ tiếng dế nỉ non canh trường, nhớ tiếng ếch nhái trong những đêm mưa rỉ rã, họ nhớ mùa lúa chín, nhớ cộng rơm, gốc rạ, cho nên họ đọc Ðồng Quê để tìm hiểu, để nhớ kỷ niệm xưa.
Cà Mau, còn những nhà văn khai thác những đề tài hấp dẫn lạ lùng, như Sơn Nam dựng chuyện ở vùng Rạch Giá Cà Mau trong Hương Rừng Cà Mau, Bình Nguyên Lộc với Rừng Mấm chứa đầy triết thuyết về xã hội miền Nam.
Chuyện Phi Vân viết có tánh cách trào lộng, dí dỏm, thử đọc một đoạn của truyện ngắn Ðạo:
‘’ Riêng ông giáo Xệ chủ nhà, đã yếu rượu mà ráng theo mấy ông khách gần hụt hơi.
Bỗng Phó Xã Việt cười khè :
- Xin lỗi Chủ , Sư Muôn giải nghĩa chữ Ðạo trật lất còn Chủ chiết tự ra còn... sái nát hơn nữa!
Ông Chủ giật mình, mặt đang đỏ gay, gần như tái lại. Ông trợn mắt :
- Thằng Phó Xã mầy nói sao? Tao giải trật à ? Tao mà trật ? Ừ chữ nghĩa mầy già hơn, giảng thế nào cho trúng nghe thử ?
- Bẩm Chủ, tự nhiên, chê được là giải được. Chủ đừng quá nóng. Tôi đã nói ‘’ nghĩa lý không tư vị ‘’ kia mà! Ðây về chữ Ðạo, thì tự tôi thích ra như vầy :
Hai chấm phết là âm dương, gạch ngang là hiệp nhất, dưới chữ tự, bên chữ chi phảy, là ‘’ Tự mình chi đó ‘’ !
Tự mình thông tri âm dương, biết phân phải trái, biết lẽ chánh tà, mới phải là Ðạo hoàn toàn chớ Ấy là tôi chiết tự sơ sơ như thế, chớ nếu phải giải cho rành thì phải cắt nghĩa tại sao chữ Ðạo có liên tiếp đến 12 nét, mười hai hội của khí vận tuần hườn, từ ‘’ chí, sửu ‘’ chí ư ‘’ tuất, hợi ‘’...
Phó xã Việt như hừng chí, hăng tiết cắm đầu nói, nói mãi quên dòm sau trước, chừng trực nhìn lại, mấy ông khách và chủ nhà, anh ta trợn tròng, dứt ngay : Kẻ gục qua, người gục lại, riêng Ðình Uýnh đã ngoẻo đầu ngáy khò khò ...
Ðêm đã về khuya. Người nhà đều ngủ mất, xa xa có tiếng chó sủa ở đầu làng.
Ông Chủ đang ngửa mình sau thành ghế vùng ụa ra một tiếng rất lớn, rồi chúi nhủi xuống bàn, cố gượng :
- Ðạo! Hay... hay ... ! Bọt phe thằng Phó Xã ! Bọt phe thằng Phó Xã....’’
Chuyện của Phi Vân, người ta có thể đọc đi đọc lại, nó vẫn có sự hấp dẫn, lôi cuốn y như mới đọc lần đầu. Ngoài những chuyện tình cảm, Phi Vân dùng ngọn bút của mình để đả phá những chuyện mê tín dị đoan của người dân quê như chuyện Sanh nghề tử nghiệp, Mét Văn Quang, một ông thầy tướng số nửa quê, nửa chợ đã bị một tên điền chủ cho một trận đòn nên thân.
Chuyện Ông tướng thầy Ba hay Châu Xương cử thanh long đao, cũng là những chấm phá đậm nét trong bức tranh tả chân của ông, qua đó chúng ta thấy dưới ngòi bút dí dỏm, Phi Vân đã vạch rõ những điều mê tín dị đoan ấy, và cho thấy người ta đã lợi dụng lòng mê tín của dân quê, để lừa dối một cách trắng trợn.
Dựng lên câu chuyện tình trong Phóng sự tiểu thuyết, Phi Vân cũng không bỏ qua sự đã phá mê tín dị đoan, nhưng sự áp bức của nạn cường hào ác bá, lợi dụng những cơ hội người ta sa cơ thất thế, hay những người hiền lành để dở hết những mánh lới lợi dụng và bóc lột, chuyện ấy ai cũng biết và thường thấy xãy ra, nhưng Phi Vân cho ta thấy khía cạnh của cuộc đời, đau thương, nhục nhã đè nặng lên đời sống hàng ngày của người dân chất phác, nghèo nàn.
Bút pháp Phi Vân ngắn gọn. Ông sử dụng chấm, phẩy gẩy gọn làm cho văn của ông rõ ràng, động tác nhanh như đoạn sau đây trong Phóng sự tiểu thuyết:
- Hay là thừa lúc nầy mình thử bùa?... _y bậy nà ! Con của Thầy mình ! Thầy thì Thầy chớ, ‘‘ thử’’ chớ phải ‘‘ thiệt ‘’ sao ?... Cha, rủi Thầy mình biết?...Biết làm sao được, chỉ có hai đứa ở nhà...Rủi Thầy mình về bất tử ?
Tôi phập phòng hỏi :
- Cô hai ơi, Thầy thím sao chưa về ?
- Em cũng không biết nữa. Hồi đi nói về sớm mà tới bây giờ ...
Tôi nhóng :
- Thôi thì tôi về vậy, khuya rồi !
- Ý ở lại với em chút nữa anh Sáu à !
Trong giọng nói có chút một chút gì như van lơn quyến luyến.
Bốn bề lặng lẽ như tờ. Phía sau lửa cháy lách tách. Tôi quả quyết, cắn môi : Thây kệ, thử càn...
Toàn thân tôi bỗng run lên, trống ngực tôi đánh rầm rầm. Hai hàm răng tôi cắn khít lại, rồi ... ‘ ‘ Ôm mà xơ rốp... ‘’
Cô hai ơi, lại tôi chỉ cái nầy !
Thì lạ lùng thay, linh nghiệm thay, tôi gọi vừa dứt lời, cô Yến vươn mình bước xuống đất, ngoan ngoản như con mèo sau bếp...
Thình lình có tiếng chó sủa, rồi chó mừng. Tôi giựt mình đứng dậỵ
- Ba má về...!
Ðang đi lại tôi, cô Yến trở mình ‘‘ cái vụt ‘’ mừng reo, chạy ồ ra mở cửa.
Từ ông dùng rất gợi hình : ‘‘ lúa đã trổ đuôi chín. Cả đồng vun một màu vàng mơ .’’ hay ‘‘ Vào một đêm không trăng, trời chuyển mịt mù tối đen, rồi mưa rỉ rả. ‘’
Những đoạn trích trên, phần nào chứng tỏ được Phi Vân là một nhà văn truyền thống miền Nam, nhưng cái đặc thù của ông là bút pháp dí dỏm, trào lộng, thậm chí cho đến cái chết của Mét Văn Quang, ông cũng dùng bút pháp ấy, và nhờ vậy nó làm rỏ nét đặc thù của ông.
Hai hôm sau, ‘’ Mét Văn Quang ‘’ đoán số mình không còn sống nổi nữa, nên đã trút linh hồn tại xứ Năm Căn: cái xứ mà ‘’ Mét ‘’đã phụ vào một chút công làm trôi mất chất quê mùa!
Tưởng cần trích thêm đoạn kết trong Phóng sự tiểu thuyết, để thấy rõ tâm hồn và quan niệm sống của Phi Vân.
Năm năm tù và mười năm biệt xứ không dài bao nhiêu, nhưng nó thay trọn cuộc đời tôi. Tôi muốn người ta cho tôi ngồi trong khám mãi để quên đi, quên biệt, còn hơn cho tôi trở về với người đời.
Năm năm trong tù tôi học rành chữ Quốc ngữ và mon men được chút đỉnh chữ Tây.
Mười năm biệt xứ khiến tôi có dịp dạn dày với cuộc đời và nới rộng tầm con mắt.
Tù hạn trả xong, tôi lần về làng cũ. Cảnh vật không còn như xưa nữa. Ông và bà thầy pháp đã vào cảnh Tiên, Phật; thằng Út đã đi theo cải lương; đất chủ Nghĩa bán cho người khác; con tám Én đã có chồng với một dọc con dài, chồng nó là thằng tư Bồ.
Tôi cất tạm một căn nhà trên hòn Ðá Bạc. Ở đó, ngày ngày nghe tiếng gió thét, sóng gầm. Chỉ có gió thét sóng gầm mới an ủi được lòng tôi.
Và chiều chiều, khi vừng thái dương sắp chìm vào nước biển, tôi leo lên một mỏm đá cao chót vót đứng nhìn về phía đất liền.
Sau rặng cây xanh bên ấy, chạy dài đồng nầy sang đồng kia, ruộng nầy sang ruộng khác. Trong những đồng ruộng mênh mông, hiền lành đó, ẩn trú biết bao nhiêu là tá điền và chủ điền..
Mà thôi, dĩ vãng đã chết, còn nhắc lại làm gì nữa ! ...
Họ không phải là người gây nên tội ác, họ chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh xã hội và của một thời kỳ...
5. Hồ Hữu Tường (1910-1980)
Hồ Hữu Tường (1910-1980)
Ông sanh tại làng Trường Thạnh, quận Châu thành tỉnh Cần Thơ ngày 8-5-1910 trong một gia đình nông dân tá điền. Học trường làng rồi trường tỉnh. Năm 1926 tham gia vào cuộc tranh đấu với thực dân Pháp nhân dịp tang lễ Phan Chu Trinh, và lãnh đạo cuộc bãi khóa tại trường Cần Thơ để chống bản án Nguyễn An Ninh, nên bị đuổi học. Sau nhờ bà con cho tiền sang Pháp học ( 19). Năm 1930, chuẩn bị thi thạc sĩ Toán thì phong trào cách mạng ở Việt Nam bùng nổ, được kiều bào đưa ra lãnh đạo cuộc chống đối bản án tử hình 13 liệt sĩ ở Yên Bái. Ðầu năm 1931 về Việt Nam, da,y học, viết báo, tham gia vào phong trào cách mạng cùng những bạn học cũ bị trục xuất trước khi ông về nước. Sáng lập tả phái đối lập ở Ðông dương, và làm lý thuyết gia cho tổ chức ấy. Năm 1932, bị bắt và bị kết án ba năm tù treo.
Năm 1933, cùng với Phan Văn Hùm chủ trương tạp chí Ðồng Nai. Năm 1934, cùng với nhiều nhà cách mạng như Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm ... sáng lập nhóm La Lutte. Năm 1936 chủ trương Phong Trào Ðông Dương Ðại Hội. Năm 1938, tách ra khỏi nhóm La Lutte, thành lập tờ báo Militant, tạp chí Tháng Mười và chủ trương tuần báo Tia Sáng (sau thành nhật báo). Giữa năm 1939 ly khai Ðệ tứ Quốc tế Cộng Sản và rời bỏ chủ nghĩ Marx. Tháng 9 năm ấy bị bắt và bị án tù 4 năm, bị đày ra Côn đảo, đến năm 1944 mới được thả về.
Khi bị an trí tại Cần thơ, có gặp giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, bàn luận về tiền đồ dân tộc, Sau đó ra Hà nội, Việt minh cướp chính quyền, bị kẹt ở đó đến cuối năm 1947, mới trốn đượvc về Sàigòn, trong thời gian ở Hà nội, ông có sáng tác một loạt tác phẩm, sau mang về xuất bản ở miền Nam. Trong đó có Tương lai văn hóa Việt Nam, Tương lai kinh tế Việt Nam, Muốn hiểu chánh trị, Phi lạc sang Tàu (Ngàn năm một thuở, tựa in lần đầu năm 1949). Năm 1948 gia nhập vào làng báo Việt Nam, sát cánh với thi sĩ Ðông Hồ, viết cho nhiều tờ báo ở Sàigòn, cộng tác với nhóm Sống Chung, gồm có Sơn Khanh Nguyễn Văn Lộc, Lý Văn Sâm... xuất bản Thu Hương, Chị Tập, Ngàn Năm Một Thuở.
Năm 1949 sang Pháp, ra tờ Cảo thơm, mở lớp làm báo hàm thụ, xuất bản tạp chí song ngữ Anh, Pháp Pacific theo chủ trương thuyết đã gẫm trong tù ‘‘ Ðường lối thứ ba ‘’. Năm 1954, nhơn có hội nghị Genève, đứng ra chủ trương nhật báo Phương Ðông ở Sàigòn để phổ biến ‘‘ Trung lập chế ‘’.
Năm 1955 muốn ngăn sự Nam Bắc tương tranh sang Bình Xuyên ( 20 ) giải hòa giữa Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia gồm : Cao Ðài, Hòa Hảo và Bình Xuyên với Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm, bị mắc kẹt trong binh lửa giữa mặt trận Quốc Gia với Bình Xuyên, rồi bị bắt. Năm 1957 bị kết án tử hình, án chưa thi hành nên bị giam ở Côn Ðảo. Cuộc Cách Mạng 1-11-1963 lật đổ chế độ Ngô Ðình Diệm, ông và một số tù chánh trị được Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng đưa về Sàigòn, đến năm 1964, án tử hình giảm xuống còn án tù 13 năm.
Năm 1965, giữ chức Phó Viện Trưởng Viện Ðại Học Vạn Hạnh, dạy môn Xã hội học tại Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, nơi đây ông cũng chủ trương phổ biến khoa EOMIR.
Thời gian nầy ông cho tái bản một số tiểu thuyết cũ như Phi Lạc Sang Tàu và cho xuất bản một số tác phẩm mới viết như Nói Chuyện uân, Thằng Thuộc Con Nhà Nông, Trầm Tư Của Một Tên Tội Tử Hình, Kế Thế, Hồi Ký 41 Năm Làm Báo ...
Năm 1967, án tử hình của ông được ân xá. Ðắc cử Dân Biểu tại Sàigòn, năm 1970, xuống tóc tu tại gia theo phái Bửu Sơn Kỳ Hương của đức Phật Thầy Tây An, từ năm nầy trở đi, ông chuyên hoạt động về văn hóa, đề tài ông thường diễn thuyết để đề cao nền Văn hóa Dân tộc. Ông có trí nhớ, hiểu biết sâu rộng về nhiều lãnh vực, do đó ông được nhiều người tôn trọng là một học giả.
Sau ngày 30-4-1975, ông bị Học Tập Cải Tạo, được thả ra rồi mất tại Sàigòn năm 1980.
Cuộc đời của ông lúc còn nhỏ con nhà nghèo, học giỏi, được giúp đỡ sang Pháp du học, ông có bằng Cao Học Toán, suốt đời hoạt động chánh trị và văn hóa, ông dùng văn chương chỉ là phương tiện để hổ trợ cho hoạt động chánh trị và văn hóa của, ông chủ trương dùng văn hóa để dành chiến thắng trong chiến tranh Quốc Cộng.
Một loạt tiểu thuyết Ngàn Năm Một Thuở, Phi Lạc Sang Tàu, Phi Lạc Ðại Náo Hoa Kỳ, Phi Lạc Bởn Nga nói lên những suy tư chánh trị của ông.
Ông cũng muốn làm sáng tỏ huyết thống của mình, dòng dõi của Hồ Thơm Nguyễn Huệ, con cháu của Hồ Quí Ly của Ðế Thuấn. Chỉ cần đọc lại đoạn cuối của Phi Lạc Sang Tàu chúng ta cũng thấy rõ điểm nầy.
Số là mấy tháng trước đây, khi bom nguyên tử chưa nổ làm cho Nhật đầu hàng, thì có một người quê quán ở Nam bộ, đi ra Bắc, định vượt biên giới sang Nam kinh, Trùng Khánh mà du thuyết. Ðến Hà Nội thì bị Nhật bắt, vì Nhật biết người ấy là tay lợi hại. Người ấy chạy trốn nơi làng Phù Ninh, nhờ tôi cứu và giấu dùm trong làng. Vì muốn trả ơn cho tôi và thấy tôi ưa nói khoác, người ấy mới bày ra chuyện trào phúng, du thuyết mà nói cho tôi nghe chơi cách du thuyết bên Tàu, phải làm gì, nói gì cho các nhân vật bên Tàu phục. Ðến đây, tôi chỉ nhai lại tràng lý luận trào phúng ấy chơi, chớ tôi nào có phải là tay du thuyết gì đâu ?
Còn như tôi lỡ làm cho chú, ủa quên ... làm cho ngài lầm mà nhìn bà con, thì tôi xin nhận lỗị Mà nghĩ cho kỳ cùng lý đã, dầu tôi có thiệt là họ Hồ hay chăng điều đó có quan hệ chi?
Giả danh họ Hồ, mà làm cho rạng danh họ Hồ thì là một điều đáng cho Ngài mang ơn vậy ... Cũng như ai họ Nguyễn, phải mang ơn người Tây Sơn áo vải là Hồ Thơm đã làm rạng danh họ mình với cái tên Nguyễn Huệ.
Ðoạn chót của truyện ngắn Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp, Hồ Hữu Tường cho chúng ta thấy phần nào lý thuyết văn nghệ ông chủ trương :
- Chúng tôi đây là bọn chơi văn giỡn chữ, quanh năm chỉ lấy việc đem ý hay lời đẹp mà làm cho vui lòng kẻ đọc mình, rồi lấy sự vui của người làm sự sung sướng của mình, cho đó là sự ‘đắc đạo’ của mình. Nếu phải mong muốn điều gì, thì cố gắng trình bày cho bóng bẩy, văn hoa: được thời tốt; bằng không thì thôi, chớ chẳng hề khi nào phạm đến tự do của người...
Nghe đến đó, thì một điểm linh quang bắt đầu hiện trong trí con thằn lằn. Người khách thứ hai nói tiếp:
- Xưa nay, trong bọn chúng tôi cũng được một vài tay lỗi lạc, kể một chuyện lý thú, hát một bài thơ hay, chuyện ấy thơ nầy được truyền ở hàng triệu miệng. Vậy, nếu ngươi có lòng muốn độ hằng hà sa số chúng sanh, thì cố gắng trau dồi văn tài cho tương xứng, văn ngươi tung ra là có thể cảm hóa triệu triệu người... Rồi, cũng phải luyện văn tâm, để cho văn ngươi có thể nhen nhúm được trong lòng mỗi người một điểm lửa thiêng. Lửa bắt cháy, văn của ngươi như dầu rót thêm vào, làm cho ngọn lửa sáng lên...
Văn nghiệp của ông gồm có :
- Thu Hương,
- Chị Tập.
- Phi Lạc Sang Tàu (còn có tên là Ngàn Năm Một Thuở, in lần đầu tiên năm 1949)
- Phi Lạc Ðại Náo Hoa Kỳ.
- Phi Lạc Bởn Nga.
- Thằng Thuộc Con Nhà Nông.
- Hồn Bướm Mơ Hoa.
- Kế Thế.
- Trầm Tư Của Một Tên Tội Tử Hình.
- Hồi Ký 41 Năm Làm Báo.
- Nói Chuyện Tại Phú Xuân.
Trích văn : Truyện ngắn
Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp
Giữa một con đường truông thăm thẳm, vắng vẻ âm u, không một xóm nhà, ít người qua lại, có một cái am nhỏ. Am ấy mới cất, độ non ba năm thôi. Trong am chỉ có một sư cụ già, thui thủi một mình quanh năm chẳng được ai thăm viếng. Trước am, nơi giữa sân, chất sẵn một đống củi, vừa lớn, vừa cao ngất; củi xếp rất vuông vắn, thẳng thắn, dường như được săn sóc chẳng khác một vườn kiểng do một vị lao trưởng giả chăm nom.
Một hôm trời đa tối rồi, nhà sư vừa lên đèn được một chặp, thì có hai người khách đến trước ngưỡng cửa, vái mà thưa rằng:
- Bạch sư cụ, nhờ ngọn đèn dắt dẫn, chúng tôi mới doi đến đây. Mong nhờ sư cụ cho tá túc một đêm, sáng mai chúng tôi sẽ lên đường.
Nhà sư ung dung, chắp tay đáp:
- Mô Phật. Cửa thiền bao giờ cũng mở rộng cho người lỡ bước.
Rồi dừng một phút, dường như để trấn tĩnh nỗi vui đương sôi nổi trong lòng, nhà sư tiếp:
- Ngót ba năm nay, tôi mở am nơi nầy, không được một ai đến viếng. Ngày nay là ngày ước nguyện may được hai ngài quá bước, ghé ngh` chân. Âu cũng là duyên trước...
Nói xong, nhà sư dọn cơm chay cho khách dùng, và câu chuyện không đề, vô tình dẫn khách đến câu hỏi:
- Bạch sư cụ, chẳng hay sư cụ thích tụng kinh nào?
Vui sướng, ví như gặp bạn tri âm, nhà sư đáp:
- Tôi quy y Phật pháp từ thuở bé, rừng thiền có thể nói rằng đã viếng khắp nơi. Cách ba năm nay, lòng huệ được mở ra... Và từ ấy tôi chỉ tụng kinh Di Lặc.
Một người khách hỏi:
- Sư cụ có thể cho tôi biết duyên cớ vì sao chăng?
- Mô Phật. Chỉ có lời nói, mà độ được người, tôi sao dám tiếc lời! Vậy tôi xin vui lòng mà nói cho hai ngài rõ. Bởi tôi đọc qua các kinh sách, thấy rằng Phật Thích Ca khi đắc đạo, có dạy: Hai nghìn năm trăm năm về sau, Phật pháp sẽ đến chỗ chi li: Ấy là hồi mạt pháp. Di Lặc sẽ xuống trần, cứu độ chúng sanh và chỉnh đạo lại. Nay kể cũng gần đến kỳ hạn. Chắc là Phật Di Lặc đã xuống trần mà độ kẻ thành tâm tu hành. Bởi lẽ ấy cho nên tôi có nguyện tụng đủ một nghìn lần kinh Di Lặc. Nếu lời nguyện được y, ấy là tôi sẽ đắc đạo.
Người khách thứ hai hỏi:
- Sư cụ đã tụng được bao nhiêu lần rồi?
- Ðã được chín trăm chín mươi chín lần rồi. Bây giờ, chỉ cần lần thứ một nghìn, lần tụng của đêm nay. Chắc hai ngài trước có duyên lành, đêm nay đến mà chứng kiến tôi tụng lần thứ một nghìn ấy.
Ðến đây, bữa cơm chay đã mãn, khách mệt mỏi, xin ngả lưng. Nhà sư dọn dẹp trong am cho thanh khiết, rồi bước lại trước bàn Phật, khêu bấc đèn dầu, mở kinh ra mà khởi sự tụng. Tiếng tụng kinh chậm rãi, như nện vào không gian. Thỉnh thoảng một tiếng chuông ngân lên đánh dấu chuỗi tiếng mõ dài đằng đẵng...
Trước khi nhắm mắt ngủ, hai người khách còn trao đỗi vài câu:
- Tội nghiệp thay cho sư cụ già, quá mê tín, mất sáng suốt, mà không giác ngộ. Phật pháp lập ra đã hai nghìn năm trăm năm về trước, tránh sao cho chẳng có chỗ lỗi thời. Nhận thấy chỗ lỗi thời, các môn đệ ắt phải lo tài bồi, phát xiển mối đạo. Thế là có tư tưởng này, học thuyết nọ; rồi sinh ra môn, ra phái, ấy là nguồn gốc của sự chi li. Nay rừng thiền có hơn tám mươi bốn nghìn cội khác nhau, ấy là lẽ dĩ nhiên vậy.
- Tôi cũng đồng ý với anh về chỗ đó, và nghĩ thêm rằng: nếu bây giờ có một vị Di Lặc xuống trần, thì vị ấy có trọng trách cất nhắc Phật pháp cho cao kịp với sự tiến hóa của mọi sự việc từ hơn hai nghìn năm nay. Và trách nhiệm của mỗi tín đồ của Phật là dọn mình cho sẵn, để đón rước cái pháp mới sắp ra đời. Chớ mê mải trong việc gõ mõ tụng kinh, há chẳng phải là phụ lòng mong mỏi của Thích Ca chăng?
Lời nói của hai người khách, giữa một cái am vắng vẻ, không dè có kẻ trộm nghe. Kẻ nghe trộm nầy là một con thằn lằn, đến ở am, khi am vừa mới dựng lên, và đã từng nghe chín trăm chín mươi chín lần kinh, nên có linh giác, nghe được tiếng người, biết suy nghĩ và phán đoán. Câu phê bình của hai người khách đa giúp cho con thằn lằn giác ngộ. Nó vốn biết nguyện vọng của nhà sư: là hễ tụng xong lần thứ một nghìn, thì nhà sư sẽ lên dàn hỏa mà tự thiêu... Rồi nó nghĩ: nhà sư lòng còn mê tín, chưa được giác, phỏng có thiêu thân thì làm sao nhập được Niết Bàn. Hay là ta tìm thế ngăn người, đừng để cho người thiêu thân, đợi chừng nào người giác, rồi sẽ hay.
Rồi con thằn lằn quyết định: phải ngăn ngừa, đừng để cho nhà sư tụng xong lần thứ một nghìn. Nó nghĩ được một kế: ấy là bò lên bàn Phật, đến đĩa đèn dầu, rán mà uống cạn đĩa dầu. Bấc sẽ lụn, đèn tắt, nhà sư không thấy chữ mà tụng nữa.
Một sức mầu nhiệm đa giúp con thằn lằn đạt được ý nguyện: chỉ trong một hơi mà đĩa dầu đa cạn; bộ kinh chỉ mới tụng quá nửa mà thôi. Ðèn tắt, nhà sư ngạc nhiên nhưng nghĩ: hay là hai người khách là kẻ phàm tục, không được duyên lành chứng giám việc đắc đạo của mình? Âu là xếp kinh, nghỉ, chờ ngày mai khách lên đường, sẽ tụng lần thứ một nghìn ấy.
Nhưng sau đó, đêm nào cũng vậy, buổi kinh đọc chưa xong mà đèn lại tắt đi. Nhà sư có lúc tính tụng kinh lần nầy vào khoảng ban ngày, nhưng nhớ lại rằng khi xưa đa có lời nguyện tụng kinh vào khuya, tĩnh mịch, nên không dám đổi.
Và một đêm kia, dằn lòng không được, tuy tụng kinh mà mắt chốc chốc nhìn đĩa dầu để xem sự thể do đâu, nhà sư bắt gặp con thằn lằn kê mỏ mà uống dầu. Nổi giận xung lên, nhà sư dừng gõ mõ, mà mắng rằng:
- Loài nghiệt súc! Té ra mi ngăn ngừa không cho ta được đắc đạo!
Rồi tay cầm dùi mõ, nhà sư nhắm ngay đầu con thằn lằn mà đập mạnh. Con thằn lằn bị đánh vỡ đầu, chết ngay. Hôm ấy, nhà sư tụng xong lần kinh, bước lên dàn hỏa, tự châm lửa mà thiêu mình.
Và cũng đêm ấy, hai cái linh hồn được đưa đến trước tòa sen của Phật. Uy nghiêm, ngài gọi nhà sư mà dạy:
- Nhà ngươi theo cửa thiền từ thuở bé, mà chẳng hiểu bài học vở lòng của Pháp ta là thế nào! Pháp ta đa dạy phải trừ hết dục vọng thì mới đắc đạo, mà ngươi dục vọng lại quá nhiều: bởi việc muốn đắc đạo, để được thành Phật kia cũng là một cái dục vọng. Có dục vọng ấy là THAM; bởi tham nên giận mắng con thằn lằn ấy là SÂN; bởi sân nên tưởng rằng trừ được con thằn lằn thì tha hồ tụng kinh, rồi đắc đạo, ấy là SI. Có đủ THAM, SÂN, SI, tất phải phạm tội sát sanh, thì dầu ăn chay trường trọn đời cũng chưa bù được.
‘Tội của ngươi lớn lắm, phải tu luyện rất nhiều mới mong chuộc được. Vậy ta truyền cho Kim Cang, La Hán hốt hết đống tro ấy tung khắp bốn phương trời. Mỗi hột tro đó sẽ hóa sanh làm một người. Chừng nào mọi người ấy đắc đạo, đám chúng sanh ấy sẽ được qui nguyên, trở lại hiệp thành một, thì nhà ngươi sẽ đến đây mà thành chánh quả’
Rồi Phật cho gọi hồn con thằn lằn mà dạy:
- Nhà sư chưa được giác mà làm tội, tội ấy đáng giá là một mà thôi. Còn nhà ngươi, được nghe lời hai người khách, được giác một phần rồi, mà làm tội, tội ấy đáng kể là mười.
Hồn con thằn lằn lạy mà thưa rằng:
- Bạch Phật tổ, lòng của đệ tử vốn là muốn độ nhà sư, dầu nát thân cũng không tiếc. Chẳng hay đệ tử có tội chi?
Phật phán:
- Muốn độ người, kể thiếu chi cách, sao ngươi ngăn đón việc tụng kinh của người? Ðã đành rằng tụng kinh như nhà sư là một việc mê tín, song vẫn là một tín ngưỡng. Coi Phật vốn là coi tự tại, nếu phạm đến tự do tín ngưỡng, gọi để dắt người vào, thì làm sao cho được? Bởi ngươi không dùng phương pháp tự do, người là kẻ mất tự do, thì cả hai làm sao được vào coi tự tại?
Một lần nữa, con thằn lằn được giác, quì lạy mà xin tội:
- Xin Phật Tổ mở lòng từ bi, cho đệ tử hóa sanh một kiếp nữa, để dùng phương pháp tự do mà độ vô số chúng sanh do những hột tro, mà các vị Kim Cang, La Hán vừa tung ra đó.
Phật đáp:
- Ta cho ngươi được toại nguyện.
Hồn con thằn lằn vừa muốn lạy Phật mà đi đầu thai, thì sực nhớ lại, nên bạch rằng:
- Xin Phật Tổ dạy đệ tử phải hóa sanh làm kiếp chi?
Phật đáp:
- Nhà ngươi đã gần bến giác, phải tự mình chọn hình thể mà hóa sanh. Tự do chọn lựa mới có thể luyện mình để bước vào coi tự tại.
Hồn con thằn lằn từ ấy trôi theo mây gió, không biết trụ vào đâu, để có thể vừa dùng phương pháp tự do mà độ người, vừa có thể độ được đông người, số người đông như số hột tro do một cái xác thiêu ra. Thật chưa hề lúc nào có một linh hồn bị trừng phạt phải đau khổ đến thế.
Một hôm, trong hồi xiêu bạt, nó trông thấy bóng của hai ông khách khi xưa đã đến ngủ ở am. Vội va, nó bay theo, vái chào và kể nỗi niềm đau đớn:
- Hai ngài đã giúp cho tôi giác ngộ được một ít, có hay đâu tôi phải mang cái nghiệp vô định này. Ðã trót làm ơn, xin độ cho tôi đến bờ bến.
Hai ông khách đáp:
- Chúng tôi đâu dám lên mặt thầy đời mà dạy người, huống chi lại dám đèo bòng mang lại một giải pháp cho một vấn đề nan giải. Nhưng đã lỡ gieo trong trí ngươi một ý nghĩ làm cho ngươi phải khổ như bây giờ, thì phải góp ý kiến để cho ngươi suy xét mà gỡ rối. Ấy gọi là chuộc lỗi.
Hồn con thằn lằn gật đầu, cảm ơn trước. Một người khách nói:
- Chúng tôi đây là bọn chơi văn giỡn chữ, quanh năm chỉ lấy việc đem ý hay lời đẹp mà làm cho vui lòng kẻ đọc mình, rồi lấy sự vui của người làm sự sung sướng của mình, cho đó là sự ‘đắc đạo’ của mình. Nếu phải mong muốn điều gì, thì cố gắng trình bày cho bóng bẩy, văn hoa: được thời tốt; bằng không thì thôi, chớ chẳng hề khi nào phạm đến tự do của người...
Nghe đến đó, thì một điểm linh quang bắt đầu hiện trong trí con thằn lằn. Người khách thứ hai nói tiếp:
- Xưa nay, trong bọn chúng tôi cũng được một vài tay lỗi lạc, kể một chuyện lý thú, hát một bài thơ hay, chuyện ấy thơ nầy được truyền ở hàng triệu miệng. Vậy, nếu ngươi có lòng muốn độ hằng hà sa số chúng sanh, thì cố gắng trau dồi văn tài cho tương xứng, văn ngươi tung ra là có thể cảm hóa triệu triệu người... Rồi, cũng phải luyện văn tâm, để cho văn ngươi có thể nhen nhúm được trong lòng mỗi người một điểm lửa thiêng. Lửa bắt cháy, văn của ngươi như dầu rót thêm vào, làm cho ngọn lửa sáng lên...
Hồn con thằn lằn gật đầu ba cái để tạ ơn và nói rằng:
- Con đường ấy khó đi cho đến hết được, song chắc chắn là đi cùng đường, ắt có thể đến trước tòa sen mà chầu Phật Tổ. Vậy tôi xin cố gắng.
III .- Kết luận : Những nhà viết tiểu thuyết miền Nam còn có Lý Văn Sâm với Kòn-Trô, Vita với Mây Ngàn, Phan Văn Hùm với Ngồi Tù Khám Lớn, Việt Tha với Tôi Bị Ðày Ði Bà Rá, Sơn Khanh Nguyễn Văn Lộc với Tàn Binh, văn nghiệp của họ không đáng kể so với những nhà văn đã trình bày trong chương nầy, sau nầy còn có Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, văn nghiệp của hai nhà văn nầy rất đáng kể, tuy nhiên tác phẩm của họ xuất bản hầu hết sau 1954, vì vậy chúng tôi không đưa vào phần những nhà viết tiểu thuyết miền Nam, theo như mục đích trình bày của quyển sách nầy.
Nhìn lại tiểu thuyết miền Nam, chúng ta thấy rõ, trước tiên chịu ảnh hưởng truyện Tàu, sau ảnh hưởng tiểu thuyết của các nhà văn Pháp, dần dần mới có hướng đi trở về với đồng quê, đất nước và phong tục tạp quán của người Việt chúng ta. Nhờ đó mang lại cho người thưởng ngoạn thích thú vì nội dung gần gủi với chúng ta hơn. Ðó là bước tiến trên con đường dài hơn nữa thế kỷ tiểu thuyết miền Nam.
Ghi chú :( 1 ) Ðường Catinat : Ðường Tự Do sau 1975 đổi ra Ðồng Khởi.( 2) Trích theo Bùi Ðức Tịnh Phần Ðóng Góp của văn học miền Nam.
( 3 ) Nhà thờ nhà nước : Là nhà thờ Ðức Bà hay Vương Cung Thánh Ðường Sàigòn
( 4 ) Thời Pháp, toà tỉnh trưởng gọi là Tòa Bố, quan đứng đầu tỉnh gọi là Chánh Tham Biện hay Ông Chánh.
( 5 ) Thời Pháp thuộc, tổ chức hành chánh trong Nam Kỳ có chứcThống Ðốc, đứng đầu Nam Kỳ, dưới có Chánh Tham Biện, đứng đầu một tỉnh, dưới có quận truởng, đứng đầu một quận, dưới có Chánh Tổng đứng đầu một số làng, dưới có Ban Hội Tề của làng, gồm có : Hương Cả hay Ðại Hương Cả, Hương Chủ, Hương Sư, Hương Trưởng, Hương Chánh, Hương Thân, Xã Trưởng, Hương Quản, Hương Hào, Hương Thôn, Chánh Lục Bộ. Ban Hội Tề thì Hương Cả là chức vị lớn nhất trong làng khi hội họp, nhưng Xã Trưởng là người thừa hành, có nhiều quyền hạn, kế đó hương Quản là người trông nom về an ninh trật tự, có quyền bắt bớ, giam cầm điều tra. Những người giúp việc ghi chép gọi là Biện (Thư ký), không có chân trong Ban Hội Tề.
( 6 ) Tín Ðức Thư Xã in quyển nầy vào năm 1927 hay 1928, Sơn Nam có sưu tầm và cho in lại trong Nhân Loại Tạp San bộ mới năm 1960( 7 ) Có thể ông sáng tác năm 1917 hay 1918
( 8 ) Phần đóng góp của văn học miền Nam của Bùi Ðức Tịnh
( 9 ) Danh từ người Cam pu chia gọi người Việt Nam.( 10 ) Nguyễn Văn Của chủ nhà in Imprimerie de l’Union và chủ báo Lục Tỉnh Tân Văn.( 11 ) Tờ báo Lục Tỉnh Tân Văn.( 12 ) Nhân Loại, Bộ mới, số 4, phát hành ngày 22 tháng 8 năm 1958
( 13 ) Trong Lịch Sử Báo Chí Việt Nam, Huỳnh Văn Tòng cho là Hồ Biểu Chánh làm Chủ bút Ðại Việt Tạp Chí của Hội Khuyến Học Long Xuyên, thật ra Ðốc Phủ Liêm làm chủ bút, Phạm Quỳnh có viết bài hồi ký Một Tháng Ở Nam Kỳ, có đăng cả ảnh trong Nam Phong Tạp Chí năm 1918-1919, trong đó có ghi lại chuyến đi thăm Tạp Chí Ðại Việt ở Long Xuyên.
( 14 ) Chữ nghiêng là tên tác phẩm của Hồ Biểu Chánh.
( 15 ) Chép nguyên văn bản in năm 1954
( 16 ) Tính đến năm 1975( 17 ) Thập niên 90, nhiều nhà xuất bản ở Việt Nam, như Thanh Niên, Ðồng Nai, Ðồng Tháp ... cho in lại nhiều tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, và có in những tác phẩm đã đăng báo hay chưa in trước kia.( 18 ) Trong làng báo Sàigòn, có hai ông Nguyễn Ðức Nhuận : Phúc Ðức Nguyễn Ðức Nhuận, và ông Nguyễn Ðức Nhuận chồng bà Bút Trà chủ nhiệm Nhật báo Sàigòn Mới.( 19 ) Theo lời ông thuật lại, trong thời gian ở Pháp, ông có gia nhập đảng Cộng sản và cùng với Hồ Chí Minh, Nguyễn Thế Truyền ... viết trên tờ Le Paria lấy chung bút hiệu những bài báo là Nguyễn Ái Quốc.
( 20 ) Lực lượng quân sự do Bảy Viễn lãnh đạo, Tổng hành dinh đặt ở bên kia cầu chữ Y, Sàigòn.
Tài liệu tham khảo:
Hồ Biểu Chánh, Nhân Tình Ấm Lạnh, Trí Ðức thư xã, Sàigòn, 1928
Nhân Loại Tạp San Bộ mới, Sàigòn, 1958
Vương Hồng Sễn, Saigòn Năm Xưa, Khai Trí, Sàigòn, 1960
Phi Vân, Ðồng Quê, Lửa Thiêng xuất bản lần IV, Sàigòn, 1970
Bùi Ðức TỊnh, Phần Ðóng Góp Của Văn Học Miền Nam, Lửa Thiêng, 1975
Tập Truyện Ảo Tưởng, Lá Bối, Sàigòn, 1966
Hồ Hữu Tường, Phi Lạc Sang Tàu, Trí Ðăng, Sàigòn, 1972Huỳnh Văn Tòng, Lịch Sử Báo Chí Việt Nam, Trí Ðăng, Sàigòn. 1973
Nhân Loại Tạp San Bộ mới, Sàigòn, 1958
Vương Hồng Sễn, Saigòn Năm Xưa, Khai Trí, Sàigòn, 1960
Phi Vân, Ðồng Quê, Lửa Thiêng xuất bản lần IV, Sàigòn, 1970
Bùi Ðức TỊnh, Phần Ðóng Góp Của Văn Học Miền Nam, Lửa Thiêng, 1975
Tập Truyện Ảo Tưởng, Lá Bối, Sàigòn, 1966
Hồ Hữu Tường, Phi Lạc Sang Tàu, Trí Ðăng, Sàigòn, 1972Huỳnh Văn Tòng, Lịch Sử Báo Chí Việt Nam, Trí Ðăng, Sàigòn. 1973
Bình Nguyên Lộc (1914-1988)
Sơn Nam (1926- 2008 )
No comments:
Post a Comment