Sunday, January 6, 2013

CÁC CÔNG TRÌNH QUỐC NGỮ MIỀN NAM: DỊCH TRUYỆN TÀU

DỊCH TRUYỆN TÀU
I.- Ðại Cương : Truyện Tàu cũng đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc truyền bá chữ Quốc Ngữ ở Miền Nam. Bởi vì đầu thế kỷ XX, sau một phần tư thế kỷ bị đô hộ, ở miền Nam chữ Hán đã ít người biết, chữ Nôm lại càng ít người biết hơn, còn chữ Quốc ngữ vừa mới có, tuy dễ học nhưng cũng còn ít người biết, chưa được phổ biến rộng rãi đến mọi người, hơn nữa bị sự chống đối của những người yêu nước, từ giới bình dân cho đến kẻ sĩ thời bấy giờ.

Chữ Hán thuở đó vẫn còn ưu thời mẫn thế trong văn chương Việt Nam, người ta vẫn còn quan niệm cho rằng ‘’ Nôm na là cha mách qué ‘’ , giai cấp Nho sĩ như Huỳnh Mẫn Ðạt, Tôn Thọ Tường đang thời kỳ xuống dốc, Tôn Thọ Tường còn phải học chữ Quốc Ngữ. Thái độ nhà nho chân chính thời bấy giờ chắc chắn là phải miệt thị chữ Quốc ngữ bởi vì chẳng những nó sinh sau đẻ muộn, mà còn là phương tiện để phản quốc cầu vinh. Dù cho Trương Vĩnh Ký hay nhiều người khác hô hào học chữ Quốc ngữ, và cả nghị định của nhà cầm quyền Pháp ghi rõ về quyền lợi cho người học chữ Quốc ngữ, nó vẫn cứ bị đối kháng.


Thuở xưa có nhiều nơi, nhà cầm quyền Pháp bắt buộc phải có người đi học chữ Quốc ngữ, người trong làng, trong Tổng phải mướn con nhà nghèo đi học, trớ trêu thay về sau những người nghèo đi học mướn ấy thành đạt, làm thầy Thông, Thầy giáo, Cai Tổng, Tri Huyện. Nhờ chữ Quốc ngữ con em của người nghèo khó, tá điền tay lấm chân bùn đã trở nên những người ăn trên ngồi trước, có địa vị trong làng, trong tổng. Chữ Quốc ngữ ít nhiều làm thay đổi xã hội, nhờ đó nó có cơ hội phát triển.
Từ báo chí, từ truyện cổ tích, thơ là bước dọ dẫm, vì những nhà văn tiền phong cũng dịch những tinh túy Hán văn sang chữ Quốc ngữ để giới thiệu cho những người tân học biết được giá trị của cổ văn. Trương Vĩnh Ký dịch Luận ngữ, Mạnh Tử... Trương Minh Ký với Cổ Văn Chơn Bửu, nên những nhà văn lớp mới sau nầy không có nền tảng vững chắc về cổ văn, họ chọn lựa dịch tác phẩm bình dân của Trung quốc, đó là dịch truyện Tàu.

Cũng như chữ Nôm trước kia, ban sơ người ta dùng nó để ghi các địa danh, nhân vật từ thời Sĩ Nhiếp, trải qua hàng mấy trăm năm điển chế, đến khi Nguyễn Thuyên dùng văn tế cá sấu ở sông Phú Lương năm 1282, nó trở thành một biến cố văn học, vậy mà mãi cho đến năm 1373-1376, mới có một tác phẩm văn chương đầu tiên của chữ Nôm ra đời, đó là Truyện Trinh Thử. Chữ Nôm đã phải trải qua một thời kỳ hấp thụ, tôi luyện gần một thế kỷ mới có thể mang chứa tác phẩm văn chương, chữ Quốc ngữ cũng theo vết mòn ấy.

Như vậy thì nền văn học mới, phải trải qua giai đoạn tất yếu hấp thụ, trong giai đoạn nầy nó sẽ gan lọc, để sau đó sinh hóa thành sắc thái riêng.

II.- Thời điểm dịch truyện TàTrước tiên cần phải minh định thời điểm Truyện Tàu đã được dịch, nhất là ảnh hưởng của nó gây thành phong trào, gây tác động độc giả, trở nên yếu tố trong văn học miền Nam.

Sơn Nam viết trong quyển Cá Tính Miền Nam, ông có cho biết truyện Tam Quốc Chí được dịch đăng trên báo Nông Cổ Mín Ðàm năm 1904, ký tên dịch giả Canavaggio, nhưng theo Vương Hồng Sễn, người dịch chính là Lương Khắc Ninh. Như vậy truyện Tam Quốc Chí do Lương Khắc Ninh dịch đăng đầu tiên trong Nông Cổ Mín Ðàm năm 1904.

Ðến ba năm sau, năm 1907, quyển Ðại Hồng Bào Hải Thoại do Trần Phong Sắc dịch, được nhà in Imprimerie Saigonnaire ấn hành, bìa sau có kê ra 27 truyện đã được dịch ra Quốc ngữ và do nhà in nầy phát hành. Theo lối in truyện thời bấy giờ cũng như Thơ, mỗi truyện in thành nhiều quyển, mỗi quyển từ 10 đến 50 trang, một bộ truyện dài như Phong Thần, Tây Du, Thủy Hử in thành hàng chục quyển, điều nầy có nguyên nhân do dịch giả dịch đến đâu, nhà in in đến đấy hơn nữa mỗi quyển giá bán ra hợp với túi tiền của những người bình dân. Mỗi quyển thời đó giá là 40 xu, tương đương với nửa giạ (1) lúa.

Truyện thời bấy giờ in bằng giấy báo, bìa in giấy màu, tựa in cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ, ngoài ra còn có vài hàng chữ Pháp như Traduit par Trần Phong Sắc Professeur à l’ecole de Tân-an. Tous droits reservés.
Ðến năm 1920, truyện Tàu có chút ít thay đổi về hình thức như bìa dùng giấy trắng có trình bày hình in ba hay bốn màu.

III.- Những nhà dịch truyện Tàu. Sau Lương Khắc Ninh, nhiều người khác có vốn Hán học và biết chữ Quốc ngữ cũng góp phần vào việc dịch truyện Tàu như Nguyễn Chánh Sắt, Trần Phong Sắc, Nguyễn An Khương, Nguyễn An Cư họ đều là chủ bút hay phụ bút cho các tờ báo Như Nông Cổ Mín Ðàm, Lục Tỉnh Tân Văn. Truyện của họ dịch được in báo hay in thành tập.Dưới hình thức tập truyện, nó dễ dàng phổ cập đến giới bình dân, nhờ vậy mà chữ quốc ngữ có thêm phương tiện truyền bá.

Báo chí quốc ngữ vào đầu thế kỷ XX được giới bình dân xem như là một thứ hàng ngoại nhập để trưng bày trong gia đình các ông Hội đồng, Cai tổng hay các đại điền chủ như chiếc xe đạp, cái đồng hồ treo tường... Bởi vìnó mới lạ từ hình thức cho đến nội dung, nó có nhiều mục, nhiều chuyện, từ chuyện xưa cho đến chuyện đời nay, từ chuyện Phú lang sa (2), chuyện nhà Hán, nhà Ðường cho tới Việt Nam. Ở tỉnh muốn có báo đọc, người ta phải đặt mua dài hạn, báo gửi tới qua đường bưu điện, như nhà văn Sơn Nam ghi lại qua chuyện ngắn Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư, trong tập truyện Hương Rừng Cà Mau

Còn truyện thì cũng thứ chữ mới lạ : Quốc ngữ, nhưng nó thống nhất câu chuyện, nó nói về Tề Thiên Ðại Thánh, Phong thần, Tam Quốc đều là những chuyện gần gũi với tâm hồn người bình dân, bởi vì họ cũng đã từng nghe những người trong gia đình hay hàng xóm, lúc trà dư tửu hậu, họ đã đàm luận với nhau về những nhân vật ấy, những gương trung hiếu tiết nghĩa ấy, cho nên được đọc hay nghe đọc truyện, nó có từng chương từng hồi, tình tiết rõ ràng, do đó truyện được hoan nghênh và vô hình chung chữ Quốc ngữ được người ta ưa chuộng theo.

Cha mẹ khuyến khích con em đi học, nhà giàu có muốn được hiển vinh, nhà nghèo cũng chỉ muốn biết đọc, biết viết để đọc truyện Tàu cho cha mẹ nghe những khi mùa màng rãnh rỗi. Những nhà văn lão thành như Hồ Hữu Tường hay Vương Hồng Sễn còn ghi trong tác phẩm của họ, là đêm đêm đọc truyện Tàu cho người khác nghe, được trả công đọc bằng một tô cháo đêm.

Cho nên truyện Tàu đã góp phần vào việc truyền bá chữ Quốc ngữ, cũng như đã đóng góp cho nền văn học ở miền NamTrước tiên chúng tôi đề cập đến những nhà dịch truyện.

1. Lương Khắc Ninh tự Dũ Thúc (1862-1943): Lương Khắc Ninh sinh tại làng An Hội tổng Bảo Trị tỉnh Bến Tre là con ông Lương Khắc Huệ và bà Võ Thị Bường. Ông Huệ người gốc Quảng Nam vừa giỏi Hán văn, vừa am tường nghề thuốc.
Lúc nhỏ, Lương Khắc Ninh học chữ Hán, năm 14 tuổi bị cưỡng bách, ông vào trường tỉnh học, thuở đó trường dạy chữ Pháp và Quốc ngữ, sau khi ra trường ông được tuyển dụng vào Sở Thương Chánh Bến Tre, sau đó từ năm 1889 ông được bổ làm thông ngôn tại tòa án tỉnh.

Ông được cử vào Hội Ðồng quản hạt tỉnh Bến Tre. và sau đó được cử vào Hội Ðồng Tư Vấn Nam Kỳ. Ông làm chủ bút đầu tiên tờ Nông Cổ Mín Ðàm do Canawaggio sáng lập, ông dùng bút hiệu là Dũ Thúc.

Năm 1906, Trần Chánh Chiếu thay ông làm chủ bút Nông Cổ Mín Ðàm, tháng 10 năm 1908 ông lại thay Trần Chánh Chiếu làm chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn. Ông cũng có lập một gánh hát bội ở Sàigòn, ông cũng thường diễn thuyết ở Bến Tre và Sàigòn. Ðêm 23-3-1917, ông có diễn thuyết tại trụ sở Hội Khuyến Học Nam Kỳ về đề tài cải lương nghề hát.

Có lẽ việc dịch truyện Tàu của Dũ Thúc Lương Khắc Ninh, khởi đầu trên tờ Nông Cổ Mín Ðàm, chẳng qua là để mở một mục mới lạ, để có bài vở đăng đủ khuôn khổ tờ báo, không ngờ nó mở đầu cho phong trào dịch truyện Tàu để đăng báo, in thành sách, đáp ứng cho nhu cầu người đọc, cho nên mới có những nhà dịch truyện khác.

Vì không có tài liệu về bản dịch Tam Quốc Chí, chúng tôi trích một đoạn của bài của Lương Khắc Ninh, để thấy cách hành văn của ông thời bấy giờ.
Thương Cổ Thiệt Luận

Cách lập thế đặng đua chen về sự hùn hiệp cho kịp người Khách, thì phải làm như vầy: lập một hùn của người bổn quốc chừng 1 triệu, trong 1 triệu chia ra làm năm ngàn phần hùn, mỗi phần là hai trăm ngươn bạc (3), rồi hiệp với người langsa hoặc 1 triệu hoặc 2 triệu. Nhà hùn lập tại Mỹ Tho, lựa chỗ nào có thế rộng đặng ngày sau mở thành thị cho trù mật. Hãng ấy để cho bạc lúa, mua lúa của mấy tỉnh trong chở ra. Mấy tỉnh trong là Rạch Giá, Long Xuyên, Biên Hòa, Bảy Xàu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Sa Ðéc, Vĩnh Long, Trà Vinh...Hãng cất vựa cho lớn rộng, sắm ghe chài cho nhiều, tàu kéo ghe hai ba chiếc thì mấy tay bán lúa đi không dài ngày, ghé Mỹ Tho chẳng gần đàng hơn là lên Chợ Lớn. Người bán đặng bớt sở phí, cho người mua y giá thường, mua để sẳn rồi bán lại cho nhà máy xay tại Chợ Lớn. Hãng mình cứ tính vốn lời phân phân phải mà bán lại cho nhà máy, chẳng phải chấp đoạn thăng giá làm chi, cứ có lợi thì là đủ. Mua bán như vậy thì mình đặng gồm mối chánh. Nhiều lúa hơn ăt là bán không khi nào lỗ, vì bởi đủ giá mới bán, nếu không thì để đó. Xem coi có vững bền mạnh mẻ không? Làm đặng như vậy thì số lúa nội Nam Kỳ về hãng mình trữ, có ít lắm cũng đặng phân nữa hay là hai phần là ít.

Anh em lớn nhỏ hãy xét một điều nầy: vì cớ chi mà tại Chợ Lớn , kinh hẹp, rạch cạn, ở xa mấy tỉnh trong mà ai ai đều phải chở lúa đến đó mà bán ? Nhiều khi ghe chài bị cạn một đôi ngày mới ra khỏi, tại nước kém ghe đông, chật ra không khỏi. Ấy đó thất lợi nhiều mà con nhà buôn phải tùy theo chổ đô hội mà đến. Xem ra chịu thiệt hại cũng nhiều mà phải đến đó; vì sao mà phải vậỷ Thứ nhứt chỗ đó mới bán đặng, bởi có đông người mua. Thứ hai là các sắc hóa hạng vật cần dùng cho bổn quốc, thì tại Chợ Lớn trữ, nên phải đến đó, trước là bán đặng lúa, sau là bổ đặng hàng hóa. Dầu cồn cạn muốn ngăn trở, bối, ăn cướp làm hại, cũng ráng mà đến đó. Xét cho kỷ thiệt cũng khổ và chịu thiệt hại cũng nhiều. Nhưng vậy mà người bổn quốc cứ chuyên một nghề làm lúa, bán lúa mà mua đồ vật khác mà xài, ấy là đều chỗ huyết mạch của nhơn dân. Mạch máu mình mà mình không cần đến, không ngó đến, để cho người Khách nắm, thì khổ cho mình dường nào Người Khách nếu nắm riết lại, thì mình ắt khốn nạn; vì sao Mạch máu lại bị ngăn thì người khó sống.
Vậy hãng lớn của bổn quốc lập để mua bán lúa, thì phải giúp cho người bổn quốc. Người thông đạt, kẻ lịch lãm, lãnh bạc trước lập tào khậu trữ hàng hóa cho lớn, cho đủ, cho đông tại Mỹ Tho, như tại Chợ lớn vậy. Ấy đó mới có chỗ mà đua chen cuộc buôn so sánh với kẻ Khách đặng, chớ như để làm theo thành thị sẵn như chỗ Chợ lớn thì là chỗ người thành khoảnh đã lâu, mình chen bàn tay đã chẳng lọt, thế chi mà sánh kịp.
Lương Dũ Thúc
Bến Tre

Trong văn học Miền Nam Dũ Thúc Lương Khắc Ninh ít được người ta nhắc tới vì ông làm báo và chánh trị, ông không có để lại tác phẩm văn chương nào khác ngoài truyện dịch Tam Quốc đăng trên Nông Cổ Mín Ðàm, nhưng lại ký tên của người chủ nhiệm Canawaggio, cũng vì lẽ đó mà từ trước tên tuổi ông không được nhắc đến, nhưng chính ông mới là người dịch truyện Tàu đầu tiên.

2. Nguyễn Chánh Sắt (1869-1947):
Nguyễn Chánh Sắt (1869-1947)

Nguyễn Chánh Sắt tự Tân Châu, là con ông bà Nguyễn Văn Tài, người làng Long Phú, quận Tân Châu Tỉnh Châu Ðốc, gia đình ông nghèo, cùng xóm có gia đình ông Nguyễn Văn Bửu hiếm con, nên xin ông về làm con nuôi. Lúc nhỏ ông được học Hán văn với Tú Tài Trần Văn Thường, rồi sau đó sang tỉnh lỵ Châu đốc, học tại Trường Tiểu Học tỉnh Châu Ðốc.

Sau khi đậu bằng Sơ Học, ông đã đến tuổi trưởng thành, được dưỡng phụ lập gia đình cho ông với bà Văng Thị Yên. Khi cha mẹ nuôi qua đời, gia đình ông có một con gái.

Lúc bấy giờ có ông De Colbert, người Pháp đến Tân Châu lập Sở Kén (nuôi tầm để lấy tơ) (4), hai ông có đi lại chơi thân với nhau, về sau việc làm ăn thất bại, De Colbert được nhà cầm quyền Pháp đề cử giữ chức Quản đốc đề lao Côn Nôn. Dịp nầy De Colbert tiến cử Nguyễn Chánh Sắt theo ông ra Côn Nôn làm Thông ngôn.

Trong thời gian ở Côn đảo, Nguyễn Chánh Sắt được De Colbert đối đải như tình bạn bè, vì vậy ông mượn lý do học chữ Hán, ông xin cho vài nhà cách mạng được ra ở nhà ngoài với ông.

Bốn năm sau, De Colbert bị bệnh kiết lỵ phải đưa về Sàigòn chữa trị, không khỏi rồi qua đời tại đây, do đó Nguyễn Chánh Sắt xin nghỉ việc ở Côn Nôn. Về Sàigòn ông làm việc qua các sở Canh Nông, Công Chánh, Ðịa chánh... Sau cùng thôi làm việc, đi dạy chữ Hán ở vài trường trong đó có trường Tabert, trong thời gian nầy ông có quen biết với Canavaggio.

Canavaggio có ruộng muối ở Bạc Liêu, nên đưa Nguyễn Chánh Sắt xuống Bạc Liêu trông nom ruộng muối cho ông ta. Ở đây được 4 năm, Nguyễn Chánh Sắt trở về Sàigòn, bắt đầu dịch truyện Tàu. Ðầu tiên ông dịch truyện Tây Hớn, giao bản quyền cho nhà in J. Viết Lộc et Cie. Nhà in nầy sau khi phát hành quyển 1, được độc giả ưa chuộng nên quyển 2 và 3 được in cấp tốc phát hành cho kịp thời. Sau đó, ông tự xuất bản lấy quyển Ðông Hớn.

Trong thời gian nầy, phong trào Ðông Du lan tràn khắp nước, tại Sàigòn có y sĩ Nguyễn An Khương ( thân sinh nhà ái quốc Nguyễn An Ninh), lập Chiêu Nam Lầu ở đường Nguyễn Huệ, tầng trên là khách sạn, tầng dưới là hiệu may do cô của Nguyễn An Ninh đứng trông nom.
Gilbert Trần Chánh Chiếu, chủ bút Nông Cổ Mín Ðàm, lập Nam Kỳ Kỷ Nghệ Công Ty, có làm xà phòng hiệu con Rết và vài món hàng khác. Còn Nguyễn Chánh Sắt được phong trào đề cử xuống Mỹ Tho lập khách sạn Nguyễn Chánh Sắt, Mỹ Tho lúc ấy là trục giao lưu chính, xe lửa chạy từ Sàigòn xuống Mỹ Tho, từ Mỹ Tho có tàu chạy đường Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long Xuyên, Rạch Giá, Sađéc, Châu Ðốc, Nam Vang... và ngược lại.

Các công ty, khách sạn là những cơ sở kinh tài, cũng là nơi giao thiệp, hội họp của phong trào. Nguyễn Chánh Sắt ở Mỹ Tho được vài năm thì phong trào Ðông Du đổ bể, ông trở về Sàigòn làm chủ bút Nông Cổ Mín Ðàm của Canawaggio và do Hội Ðồng Lê Văn Trung giúp vốn. Thời gian làm báo, ông dùng ba bút hiệu là Bá Nghiêm, Du Nhiến Tử và Vĩnh An Hà.
Năm 1906, ông có đi dự triển lãm ở Marseille, được chánh phủ Pháp tặng Diplôme de mérite avec mention honorable. Trở về nước với số kinh nghiệm thu thập được ở Pháp, ông lo chỉnh đốn lại tờ báo và dịch thêm các truyện Chung Vô Diệm, Tam Quốc...

Năm 1912, việc khai thác tờ báo không được như ý, ông trả tờ báo lại cho Canawaggio rồi đi xuống Giá Rai (Bạc Liêu) làm ruộng. Ông bị thất mùa liên tiếp mấy năm, nên năm 1915 hay 1916 lại trở về Sàigòn tiếp tục điều hành tờ Nông Cổ Mín Ðàm, lần nầy ông Nguyễn Văn Của chủ nhà in Imprimerie de l’Union giúp vốn, Trong thời gian ấy ông sáng tác tiểu thuyết, lôi cuốn rất đông độc giả, người ta lấy tên một nhân vật nổi tiếng trong tiểu thuyết của ông, để đặt cho ông biệt danh ‘’ Monsieur Chăn Cà Mum ‘’, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề nầy trong phần tiểu thuyết.

Ông và ông Nguyễn Văn Của có lập Nam Kỳ Nhựt Báo Ái Hữu Hội. Năm 1921, ông làm Hội Thẩm toà Ðại Hình Sàigòn. Khoảng năm 1940, ông lui về quê an hưởng tuổi già và mất tại Tân Châu ngày 6 tháng 6 năm 1947.

Ngoài các bài văn đăng báo, tác phẩm của ông có :

  1. Truyện và sách dịch :


Tam tự kinh
Huấn tử cách ngôn
Tây Hớn 1908 (5)
Ðông Hớn
Tam Quốc Chí
Chung Vô Diệm
Ngũ Hổ Bình Tây (1906-1908)
Càn Long Du Giang Nam
Anh hùng náo tam môn giai
Hậu anh hùng (1908) (6)
Mạnh Lệ Quân
Nhạc Phi diễn Nghĩa (năm 1928 in lần thứ ba)Thập nhị quả phụ chinh tây
Vạn huê lầu.

b) Tiểu thuyết (sẽ nói tới ở chương sau).
Trích văn : Xin đọc chuyện Mộ Tào Tháo ở phần Báo Chí.

Khóc Con (7)
Xốn xang bức rứt mấy canh gà,
Thương nhớ vong nhi lụy nhỏ sa.
Một giấc nghỉ ngơi an phận trẻ,
Ngàn nă
m đau đớn tủi thân già.Bơ vơ hai cháu đành không mẹ.
Hủ hỉ mình con nở bỏ cha,
Tạo hóa bất nhơn theo khuấy mãi.
Khiến người cắt ruột tệ chi


*
Chi mà đau đớn lắm trời ôi !
Cái nghĩa cha con đã
 phủi rồi.
Tức nổi trẻ thơ sao vắn vỏi,
Thương bầy cháu ngoại chịu mồ côi.
Chim đà mất mẹ buồn ngơ ngác,Tre phải khóc măng thảm dập dồi.Thắt thẻo ruột tầm vò chín khúc,
Chi mà đ
au đớn lắm trời ôi !

*
Trời ơi bao nỡ hại người lành,Cái nghĩa cha con há dứt đành.Hăm tám tuổi xanh sao vắng số,
Bảy mươi đầu bạc ngẫn ngơ
 hình.Gia đình những tưởng già nương trẻ,
Thơ xã hết trông trẻ giúp mình.
Sách vở mấy trương còn đ
ể đó.
Từ đây khuê
 các phải buồn tanh.
*
Buồn tanh thổn thức mấy năm canh,Vắng dạng tai nghe tiếng trống thành.
Trước cửa vật vờ hòn núi giả,
Bên tường thỏ thẻ giọng chim oanh.
Ép mình ngâm vịnh làm khuây dạ,
Tiếng cháu ngây thơ phút động tình.Bé tí chắt chiu đau đớn nhẻ,
Bao đành độc địa hởi cao xanh.
*
Ông xanh bao nỡ chẳng thương mình,
Hiếu nghĩa sao mà lại ghét ganh.
Phải biết ấu xuân phần vắn số,
Ðã tầm Hậu Nghệ thuốc tràng sinh.
Bồi hồi sáu khắc sầu khôn xiết,
Thốn thức năm canh nhắc chẳng đành.Nhớ trẻ biết đâu tìm được thấy,Chỉ mình quanh quẩn mấy khuôn hình.
*
Mấy khuôn hình trẻ vẻ trong nhà,
Nhìn tới di dung giọt đượm sa.
Nét đứng dạng ngồi còn phất phưởng,Lời ăn tiếng nói đã phôi pha.
Trông vào tủ sắt lòng chua xót,
Ðoái lại phòng văn dạ thiết tha.
Thương nhớ ái nhi buồn khó tả,
Sụt sùi chan chứa tấm lòng ta.
*
Lòng ta khắc khoải trót đêm tròn,Thổn thức năm canh mãn nhớ con.
Thảm thiết lòng già nằm chẳng tiện,
Mơ màng dạng trẻ ngủ sao ngon.
Xưa còn tin tức trông lom lỏm,
Nay vắng dạng hình khóc nỉ non.
Ước gặp Nam Tào ta hỏi thử,
Cớ sao mạng số lại thon von.
*
Thon don phận trẻ dễ an nào,
Cực nổi cha già thảm xiết bao.
Mẹ yếu một thân sầu ủ rũ,
Co
n thơ hai đứa khóc nghêu ngao.
Cửa nhà thiếu kẻ lo săn sóc,
Vườn tược không người giữ trước sau.
Uất ức bên lòng nằm chẳng tiện,
Một mình trằn trọc trót canh thâu.
*
Trót canh thâu chẳng thấy con mình,
Một giấc ngàn thu đã biệt hình.
Sao nở chia phôi tình cốt nhục,
Bao đành phân rẽ mối thâm tình.
Ngẫn ngơ tuổi cháu còn suy ấu,
Ngao ngán thân già nổi tử sinh.
Cội cũ một mai mà xế bóng,
Bơ thờ hai mục nổi linh đinh.
*
Linh đinh phận trẻ biết đâu mà,Nỗi trước sau đây dạ xót xa.Ngày tháng bơ vơ không bố mẹ,
Sớm khuya bận bịu có ông bà.
Não nồng tiếng dế lòng ngao ngán,
Vắng vỏi hơi ve dạ thiết tha.
Ðoái lại cảnh tình thêm bát ngát,
Xốn xang bứt rứt mấy canh gà.
Văn tế (8)
Hởi ôi !
Cọng tháp sơn phai
Ðồng chu keo rã
Ðầu đ
ương trăng xế, xốn xang trong đám mây chiều,
Trước án hương tàn đ
au đớn thấy muôn lằn khói tỏa !
|Nhớ linh xưa !
Tánh hạnh khiêm hòa.
Phong tứ thanh nhã.
Văn chương lổi lạc ít kẻ hơn Ngài
Bút toán tinh thông không ai bằng cả
Việc xử thế, vô kiêu vô lẫn, tánh ái nhân biết trọng kẻ hiền tài.
Phép tề gia, khắc niệm khắc cần, lòng thế chúng hay thương người cô quả.
Tới lui cùng bạn tác, lòng chẳng chút đơn sai.
Ăn ở với bà con, dạ không hề dối trá.Tưởng những lúc đàm văn luận phú, sớm tới trưa ý chẳng biết nhàm,
Nhớ những khi chén rượu chung trà, ngày chí tối tình còn chưa thỏa.
Cuộc thăng thưởng của tôi vừa được đó, tưởng cùng nhau vui hợp một trường,Thơ chúc mừng của bạn mới đây, nay lại đã vật phân hai ngã.
Ôi !
Tạo hóa khéo trớ trêu,
Vô thường hay khuấy khỏa.
Ðoái thấy linh sàng khói tỏa, ch
ín chiều ruột thắt đòi cơn.Xa trông cô trũng mưa tuôn, mấy đoạn lòng đau như sả.Nhà Hàn uyên mình vàng vóc ngọc, bao nở đành nắm đất lấp vùi.Cửa Lan đài tuyết trắng gương trong, Cớ sao gặp trời chiều hối hả.Nghe tin điển tay run lập cập, chưa kịp xem mà lòng đã phập phòng.
Nhớ dạng hình dạ luống ngậm ngùi, trông chẳng thấy giọt lụy tuôn lả chả
Ðã biết đường sanh tử nay tay tạo hóa, nhưng mà người thác yên kẻ sống khó nguôi lòng,
Cho hay nẽo tồn vong tự máy thiên công, ngặt nỗi đây còn thảm đó sao yên dạ.
Nay phút đã tới tuần bá nhựt, dĩa muối dưa để tỏ tấm chơn thành.Mai đây rồi cách biệt thiên niên, cuộc thơ rượu khó cùng nhau xướng họa.
Sống cũng vậy, thác rồi cũng vậy, tình cố giao đã có non sông.
Còn làm sao, mất làm sao ? Lời cựu ước khôn phai vàng
 đá.Lòng thương tưởng lấy chi bày tỏ, trước linh từ ba tiếng ô hô !
Dạ ai hoài luống những sụt sùi, trong văn tế vài lời bái tạ


Hởi ôi thương thay !
Có linh xin chứng.
Từ những nhà văn tiền phong đến Nguyễn Chánh Sắt, cách hành văn đã có nhiều thay đổi, văn chương của Nguyễn Chánh Sắt có trao chuốc, cho nên chẳng những ông dịch truyện Tàu, mà còn là một trong những nhà văn viết tiểu thuyết sau nầy.

2. Trần Phong Sắc
Hiện nay vẫn chưa rõ ông sanh năm nào và mất năm nào, nhưng phỏng chừng ông sanh khoảng năm 1870 và mất khoảng năm 1930 (hình như có tài liệu cho rằng ông mất do một vụ hỏa họan tại căn nhà của ông), ông  tên thật là Trần Đình Diệm tự Phong Sắc, bút hiệu Đằng Huy, thuở nhỏ ông học chữ Hán và chữ Quốc ngữ, ông làm thầy giáo dạy chữ Hán tại trường tỉnh Tân An, khoảng 1898-1900 ông cộng tác với Nông Cổ Mín Đàm (trong mục Chén trà bàn chuyện nông thương), Lục Tỉnh Tân Văn của Trần Chánh Chiếu, Lương Khắc Ninh, ông có một số bài viết và dịch cổ văn đăng trên các báo vừa kể. Tác phẩm đầu tay của ông cùng Phụng Hoàng Sang dịch là  truyện Nhạc Phi, in năm 1905
Trần Phong Sắc bước đầu sự nghiệp văn chương là dịch truyện Tàu theo phong trào đương thời, sau đó ông sáng tác tuồng hát bội và cải lương gồm 13 vở, những tuồng này lấy cốt chuyện từ Truyện Tàu ra như tuồng hát bội Tiết Đinh San Chinh Tây (1913) hay tuồng cải lương Nguyệt Kiểu xuất gia (1925). Ông là một trong ba thầy tuồng nổi tiếng thời trước, đó là Trương Duy Toản, Nguyễn Trọng Quyền và ông.
Ông cũng có các tác phẩm văn xuôi như Tân soạn cổ tích (Cổ tích soạn mới, 1910), Chuyện khôi hài (1913), Kim Vân Kiều án (Nghi án về Kim Vân Kiều 1914).
Ông cũng dịch, soạn Phật pháp như Lão nhơn đắc ngộ (Prière bouddhique, 1926), có lẽ ông Trần Phong Sắc là một cư sĩ Phật giáo đã soạn, dịch Phật pháp đầu tiên ở miền Nam vì cho đến 5 năm sau Đoàn Trung Còn mới in quyển sách Phật đầu tiên năm 1931.
Trần Phong Sắc là một nhà văn đa dạng, theo ông Nguyễn Quyết Thắng sưu tập được, văn nghiệp của Trần Phong Sắc có 55 tác phẩm gồm 11 tác phẩm đồng tác giả, còn lại 44 tác phẩm khác do chính ông dịch hay sáng tác.
1.- Truyện Nhạc Phi (1905)
2.- Tam hạ Nam Đường diễn nghĩa (1906)
3.- Phong Thần diễn nghĩa (1906)
4.- La Thông tảo Bắc (1906)
5.- Đại Hồng bào hải thoại Saigon, Imprimerie Saigonnaise (1907)
6.- Tiết Đinh San Chinh Tây (1907)
7.- Du Long hí Phụng Chánh Đức du Giang Nam (1907)
8.- Anh hùng náo tam môn giai (1907)
9.- Đại Minh Hồng Võ (1907)
10.- Lục mẫu đơn (1908)
11.- Thuận Trị quá giang (1908)
12.- Hậu anh hùng (1908)
13.- Bắc du Chơn Võ truyện (1909)
14.- Tây du diễn nghĩa (1909)
15.- Yên Sơn phú (1910)
16.- Tùy Đường truyện (1910)
17.- Vĩnh Khánh thăng bình (1910)
18.- Nam Du Huê Quang truyện (1910)
19.- Ngũ hổ bình Nam hí văn (1911)
20.- Nhị thập tứ hiếu (1911)
21.- Huấn nữ Quốc âm ca (1911)
22.- Nữ tú tài (1911)
23.- Tiền, Hậu Vân Tiên (1911)
24.- Vần Quốc ngữ có phụ Tiếu lâm và Khuyến hiếu ca - Huấn sĩ ca (1911)
25.- Chuyện khôi hài (1912)
26.- Tuồng Đinh San chinh Tây (1913)
27.- Kim Vân Kiều án (1914)
28.- Nữ trung bá hạnh (1922)
29.- Mạch Quốc thoại et TPS Minh thánh kinh (1925)
30.- Quan Đế Minh thánh kinh (1935)
31.- Thập nhị quả phụ chinh Tây (1923)
32.- Thơ Phạm Công (1923)
33.- Binh Sơn Lãnh yếu toàn ca (1924)
34.- Chủng Tử tu tri (1924)
35.- Ấu viên tất độc (1924 – Sách được Thống đốc Nam Kì và Toàn quyền Đông Dương cho phép làm sách giáo khoa bậc Tiểu học)
36.- Sĩ hữu bá hạnh (1925)
37.- Hậu Vân Tiên diễn ca (1925)
38.- Đầu người ta bay xuống nữa đêm - du Centre (1925)
       Bán dạ phi đầu – Sa Đéc: Imp. Duy Xuân (1926)
              Imp. de l'Union, (1926)
39.- Nguyệt Hà tầm phu, Xưa Nay (1925)
40.- Nguyệt Kiểu xuất gia – Théâtre, J. Viết (1925)
41.- Sát thê cầu tướng – Théâtre, J. Viết (1925)
42.- Tam Tạng xuất thế - Théâtre, du Centre (1925)
43.- Hậu phi, Hoàng tử extrait du "Đại Nam chánh biên liệt truyện" (Histoire d'Annam). Xưa Nay
44.- Cầm ca tân điệu (Musique et chants modernes) Par LÊ VĂN TIẾNG et TPS (1925)
45.- Lão nhơn đắc ngộ (Prière bouddhique) Saigon Imp. de l'Union (1926)
       Lão nhơn đắc ngộ dịch theo ba hiệu: Tịnh độ pháp văn, Quảng trường thiệt, Tinh nghiệp chỉ nam Huỳnh Kim Danh (1932)
              J. Viết (1937)
46.- Tịnh độ yếu ngôn (Morale bouddhiques) de l'Union (1926)
47.- Tây qui trực chỉ (Prières bouddhiques) de l'Union (1927)
              Xưa Nay (1929)
48.- Đắc Kỷ nhập cung Xưa Nay (1927)
49.- Khương Hậu thọ oan S. Imp. Xưa Nay (1927)
50.- Hạng Võ biệt Ngu Cơ Xưa Nay (1927)
              Xưa Nay (1928)
              Phạm Văn Thìn, Imp. Xưa Nay (1930)
51.- Trảm Trịnh Ân Xưa Nay (1928)
              Phạm Văn Thìn Đức Lưu Phương (1930)
52.- Vệ sinh thực trị Đức Lưu Phương (1928)
53.- Cao thượng ngọc hoàng bản hành Đức Lưu Phương (1928)
54.- Quan Công thất thủ Hạ Bì Xưa Nay (1929)
55.- Bạch xà, Thanh xà diễn nghĩa S. ED. C. Nguyễn Văn Tài, Bảo Tồn (1930)

Xin trích một đoạn của truyện ‘’ Ðại Hồng Bào Hãi Thoại ‘’ của ông dịch, in năm 1908.

Truyện nầy nói từ vua Chánh Ðức, triều Minh, nối qua vua Gia tịnh, truyền tới vua Long Khánh thì hết, bởi vì người dọn truyện có ý tỏ tới Hãi Thoại mất, và Nghiêm Tung là nịnh thần chết mà thôi. Nội các thứ truyện Hồng Bào, đều nói sai ngoa hết thảy, duy có thứ truyện nầy gọi là ÐẠi hỒng bÀo thuật rõ ràng hơn hết, nên tôi diễn ra kẻo e có người dịch nhầm thứ khác mà lưu truyền, thì sai tích Hãi Thoại; vì Hãi Thoại công chánh trong trào Minh, cũng như Bao Công trung trực trong trào Tống.
Song có kẻ hỏi rằng: ‘‘ Hãi Thoại làm quan tới chức Văn Minh Ðiện Ðại Học Sĩ. Sao chẳng lấy chức ngài mà đặt hiệu truyện ? Hoặc là dùng chức Thiếu bảo là chức của vua phong thêm cho Hãi Thoại khi ngài đã mất. Lại lấy chữ Hồng bào là áo đỏ của bá quan, ông nào cũng có. Nếu lấy tên áo mà làm sách e nhẹ thể ngài chăng ?’’. Thì ông làm truyện ấy đáp rằng: ‘‘ Bởi Hãi Thoại thanh liêm giữ cái áo rồng đỏ từ khi mới làm quan cho đến khi thác, thác rồi cũng liệm ngài bằng áo ấy, nên để hiệu tên áo, cho tỏ đức thanh liêm của ngài, và cho rõ truyện nầy nói trọn đời ngài mà dứt.
Trong truyện nầy cứ việc thiệt mà nói, chẳng có phép thần thông biến hóa như chuyện chiến chinh, nên không trùng ý với nhau, cũng đáng xem cho rỏ, tập giống như Hãi Thoại vài phân thì cũng gọi là chánh trực, tuy vận lao khổ mà tiếng thơm để lại muôn đời; chẳng nên bắt chước cha con Nghiêm Tung, vinh hiển một hồi, bị tru lục mà ô danh ngàn thuở.
Còn như Lưu đồng Hùng vi phú bất nhơn, sau trời phạt cũng lâm nạn cả, Nghiêm Nhị cậy thế quan mà hiếp chúng sau cũng mắc họa theo Nghiêm Tung; Trương hoàng hậu con nhà hèn mà có đức, nên đặng hiển vinh, vậy chớ thấy kẻ thất thời mà khi dể.
Nội truyện nầy phân làm 6 tập, xem hết mới rỏ ràng.
Thơ rằng :

Trần tình cho rỏ truyện Hồng Bào,Phong hóa nhờ đây sữa đặng cao.
Sắc tặng đại thần khen Hã
i Thoại
Ðề danh Trung giới đáng hiền hào.
Tân An Trần Phong Sắc tự Ðằng Huy kỉnh khái.

............
HỒI THỨ NHÌ
ÔN PHU NHƠN KÉN RỂ ÐỀN ƠN
Nói về Hãi Thoại đi với các Tú Tài, đến miễu Thổ Ðịa, thấy miễu ấy dựa bên đường, ba thước bề cao, hai thước bề rộng, hương tàn khói lạnh, bốn phía nhện giăng ! Cốt Thổ Ðịa ngồi trong, bàn án cao hơn một thước. Không thấy vật chi cúng quải, có bụi đóng đầy bàn Các tú tài tức cười đồng nói rằng : ‘‘ Ngài túng thiếu như vầy, không ăn lo sao đặng ? Nếu giữ thanh liêm công chính, mười năm không có một cây hương ‘’.
Còn Hãi Thoại giận lắm, chỉ cốt mà mắng rằng: ‘‘ Làm ông thần gì, lại xúi quỉ phá hại dân chúng ? Nay ta đến đây cắt nghĩa, cho rõ phải chăng: Hể làm vị Thần, thời phải công bằng chánh trực, cứu dân độ thế, trị quỉ phạt tà; trên chẳng hổ cùng đất trời, dưới có công với lê thứ; sao lại làm trái lẽ, dùng vật hối lộ của ma, chẳng cứu dân thời thôi, lại nhập đảng với quỉ mà khuấy chúng. Hiếp đáp đàn bà góa, làm bịnh gái mồ côi, mà thâu vàng bạc giấy tiền, kiếm đầu heo chén rượu. Tội ấy trên trời cũng không để, lỗi nầy trong thế cũng chẳng dung. Ta dạ thẳng lòng ngay, chẳng thẹn cùng trời, không hổ với đất; thấy quỉ thần không công chánh, lấy làm mắt cở mười phần.’’ Nói rồi hét lớn rằng : ‘’ Chưa biết quấy hay sao hãy còn ngồi đó ?’’ Hãi Thoại nói chưa dứt tiếng, cốt đất liền nhào xuống bể tan. Các tú tài thấy sự kỳ dị, đồng vổ tay cười ngất.
Chúng ta thấy Trần Phong Sắc hành văn gảy gọn, nhưng vẫn còn sử dụng lối biền ngẫu, những đoạn trích văn nầy, cho chúng ta so sánh cách hành văn của những nhà văn thuở trước, cho đến ông dần dần trong sáng hơn, nhưng truyền thống văn miền Nam vẫn ‘’ Nói sao viết vậy ‘’.

3.- Nguyễn An Khương tự Tân An : Ông là người Hốc Môn tỉnh Gia Ðịnh, một danh y, có tham gia phong trào Ðông du và là thân sinh của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, ông cũng là một trong số những dịch giả dịch truyện Tàu thời bấy giờ.

Tác phẩm của ông gồm có :
Vạn Huê Lầu diễn nghĩa.
Ngũ Hổ Bình Tầy (1907) ( 9 )
Trích văn :
Kim Cổ Kỳ Quan
Kim Ngọc Nô đánh chồng bạc ngãi.
Ðời nhà Tống, năm Thiệu Hưng, kinh đô là đất Lâm An. Tuy chỗ ấy là chỗ giàu có, nam thanh nữ tú mặc lòng, nhưng mà cũng có ăn mày nhiều lắm. Trong bọn ăn mày nầy có một người làm đầu gọi là chủ phồn đặng mà quản suất các ăn mày kia. Hể các ăn mày đi xin được đem về thì chủ phồn cứ lấy tiền đầu mỗi ngày. Như qua đến mùa đông, không còn đi xin đặng nữa thì chủ phồn phải nuôi cơm cho cả bọn ăn mày ấy ăn. Còn rách áo rách quần, thì chủ phồn phải lo sắm cho chúng. Cho nên bọn ăn mày phải chìu lòn đầu lụy người chủ phồn, ở theo cách tôi tớ vậy, không dám điều chi xúc phạm đến.

Người chủ phồn ấy ngồi không, cứ việc thâu như vậy mỗi ngày rồi lại lấy của đó mà cho vay lại mà lấy lời. Như làm chủ phồn mà không cờ bạc phá tán gì, thì chắc là làm nên sự nghiệp lớn. Bởi có phương làm ăn khá như vậy cho nên mấy người chủ phồn ấy dẫu mà giàu có cho lắm nó cũng không chịu bỏ nghề cũ. Nhưng mà cái hiệu chủ phồn thì không tốt; dẫu mà có ruộng đất cò bay thẳng cánh truyền tử lưu tôn cách mấy đời đi nữa, thì người ta cũng gọi là của đi xin. Mãn đời mấy người chủ phồn thì ra đâu không ai coi ra gì, không bì kịp mấy người dân giả tầm thường. Nếu muốn làm lớn, thì đóng cửa mà làm lớn với tôi tớ trong nhà mà thôi.

Thuở ấy tại thành Cang Châu, có một chủ phồn tên là Kim Lão Ðại, ông bà xưa đã làm nghề bảy đời rồi ...’’
Tân An Nguyễn An Khương
Chuyết dịch
4.- Nguyễn An Cư : Ông là em ruột của Nguyễn An Khương, cũng là một trong những nhà dịch truyện Tàu thời bấy giờ, truyện của ông dịch có :
  • Phấn Trang Lầu
  • Tam Quốc Chí.
Thiết nghĩ cũng cần nhắc lại, những nhà xuất bản truyện Tàu gồm có :
  • J. Viết Lộc et Cie.
  • Nhà in Saigonaise
  • Nhà in Phạm Văn Thình.
  • Tín Ðức Thư Xã
Có thể nói Tín Ðức Thư xã là nhà phát hành nhiều truyện Tàu và lâu đời nhất ở miền Nam. (10)

IV. Nguồn gốc và nội dung truyện Tàu: Truyện Tàu bắt nguồn từ thần thoại, rồi truyền kỳ Trung Quốc, cho đến đời Tống mới có những nhà kể chuyện, họ kể chuyện ở ngoài đường phố, ở nơi đình đám, người kể chuyện ban sơ là những người làm nghề thủ công, có chút ít chữ nghĩa, đọc được sách vở, dùng trí nhớ của mình kể lại cho vài người khác nghe, để giải buồn trong lúc làm việc. Từ hình thức ấy, dần dần tiến tới lối giải trí và nảy sinh ra một hạng người krể truyện, họ chuyên sống nghề nầy trên khắp xứ Trung Hoa, dĩ nhiên ngoài việc kể ra, họ còn phải lắng tai nghe những lời bình phẩm hoặc những sai sót tên tuổi nhân vật, địa danh từ người bình dân cho đến giới quan lại, những lời bình phẩm, bổ túc những sai sót ấy, giúp cho họ thêm, bớt và hiệu đính lại, do đó cốt chuyện, tình tiết, nhân vật được họ đẽo gọt tròn méo một cách nghệ thuật, nó cũng nói lên sự đóng góp chung của mọi người để sáng tác nên chuyện thời ấy. Nhưng đến khi quân Nguyên tràn vào Trung Quốc thì quân Nguyên mang theo tuồng hát để giải trí, nghệ thuật giải trí nầy đã là cho lối giải trí kể chuyện lần lần lui vào quá khứ.

Ðến đời Minh, vì tình hình chánh trị thời bấy giờ, sĩ phu bị tập trung nơi kinh đô, câu thúc tư tưởng họ, cho nên văn học nghệ thuật không phát triển, ngược lại truyện Tàu được phát triển nhanh chóng, vì người ta sáng tác truyện Tàu dựa theo các chuyện kể từ đời Tống, hình thức nầy không bị câu thúc tư tưởng, vì sĩ phu chỉ ghi chép lại chuyện kể, hơn nữa nó đã đề cao Trung, hiếu, tiết, nghĩa, nhhư vậy cũng nằm trong mục đích củng cố chế độ phong kiến cho vững mạnh. Nhưng các nhà viết truyện cũng cố gắng ký thác những phản kháng của họ về chế độ, nhà vua, quan lại ...

Những chủ đề chính trong truyện như Trung, hiếu, tiết, nghĩa, khử bạo trừ gian, thế thiên hành đạo, trung thắng nịnh, chánh thắng tà.

Một điểm cũng cần nói tới ấy là bùa phép trong truyện, khởi từ thần thoại nó đã mang sẵn ý niệm hoang đường, lại được khai sinh trước thời đại khoa học, do đó truyện mang nhiều chi tiết thần tiên, ma quái, bùa phép.

V.- Văn Chương truyện Tàu : Truyện Tàu là tiểu thuyết của Trung Quốc, đương nhiên nó là bộ môn văn chương. Ðối với văn chương Trung Quốc, về thi phú thì cô động nội cái tên Tứ Tuyệt chúng ta cũng đủ thấy nó cô động biết chừng nào. Một bài thơ tứ tuyệt chỉ có 28 chữ, tạo thành áng văn chương xúc tích, mô tả tình cảm, tâm sự. Ví dụ như bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế, mà nhiều người chúng ta đã biết :

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hỏ
a đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Nhà thơ Tản Ðà đã dịch :
Trăng tà tiếng quạ kêu sương,
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ,
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nữa đê
m nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
hay bài Tiết Phụ Ngâm của Trương Tịch

Quân tư thiếp hữu phu,
Tặng thiếp song minh châu.
Cảm quân triền miên ý,
Hệ tại hồng la nhu.
Thiếp giá cao lâu liên uyển khởi,
Lương nhân chấp kích Quang Minh lý.
Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt,
Sự phu thệ nghĩ đồng sanh tử.Hoàn quân minh châu song lệ thùy,
Hận bất tương phùng vị giá thú.


Ngô Tất Tố dịch :
Chàng hay em có chồng rồi,
Yêu em chàng tặng một đôi ngọc lành.
Vấn vương những cảm mối tình,
Em đeo trong áo lót mình màu sen.
Nhà em vườn ngọc kề bên,
Chồng em cầm kích
 tại đền Minh Quang.Như gương vâng biết lòng chàng,
Thờ chồng há dám phủ phàng thề xưa.
Giả ngọc chàng giọt lệ như mưa,
Hận không gặp gỡ khi chưa có chồng.


Thi phú cô động, xúc tích như vậy, ngược lại tiểu thuyết thì lại trường thiên, truyền thống ấy dẫn đến những chuyện kiếm hiệp của Kim Dung và phim bộ của Hồng Kông sau nầy, nói chung là nó kéo dài lê thê. Truyện Tàu, một truyện chia thành nhiều Hồi, mỗi Hồi mở đầu có một câu chữ hay hai câu thơ giới thiệu tổng quát nội dung của Hồi ấy.

Ví dụ như truyện Ðại Hồng Bào Hãi Thoại, Hồi thứ nhất có một câu giới thiệu :
Diệu Tiết phụ dạy con học chữ .
Hoặc trong Thủy Hử, Hồi thứ bảy mươi (kết cuộc)
Trung nghĩa đường, hào kiệt nhận bảng trời,
Lương Sơn Bạc anh hùng kinh ác mộng.
Cuối hồi thì có cả một bài hay hai câu thơ. Cũng trong truyện Ðại Hồng Bào Hãi Thoại, cuối Hồi thứ nhất, có một bài thơ
Trời già đã định nợ ba sinh,
Bèo nước gặp nhau há tại mình ?
Rõ thiệt Hằng Nga đành ý trước,
Nhành hoa cung Quảng khéo đem tin.
Cuối Hồi sáu mươi chín của truyện Thủy Hử, có hai câu thơ :
Băm sáu thiên cang hợp số định
Bảy hai địa sát đủ cơ mầu

Còn cuối Hồi bảy mươi, tác giả dùng bốn chữ ’‘ Thiên Hạ Thái Bình ’’để kết thúc, nó bao trùm cả truyện, bao hàm cả ước nguyện của mọi người, nên chẳng có hai câu thơ.

Trong mỗi Hồi, cứ mở đầu bằng : ‘‘ Nói về ... ‘’ hoặc ‘‘ Khi ấy ...’’, còn chấm dứt mỗi Hồi thì : ‘‘ Muốn biết việc thế nào, xin xem hồi sau phân giải ‘’. Người ta thường hay nói : ‘’ Hạ hồi phân giải ‘’, ấy là bắt chước nói theo cách hành văn của truyện Tàu.

Trong khi đối thoại thì luôn luôn dùng : ‘’ Hỏi rằng, Thưa rằng, Nói rằng, Bảo rằng...’’, còn đọc thơ hay bảng ghi chép chi thì : ‘‘ Thơ như vầy ...’’.

Những điểm vừa trình bày làm cho người đọc thường nhàm chán, nhưng chúng ta nhớ lưu ý truyện Tàu là chuyện kể, cho nên phải giới thiệu từng hồi, cho người nghe biết được Hồi ấy sẽ nói gì, cuối Hồi có bài thơ để bình phẩm tình tiết khen chê nhân vật. Còn : ‘‘Hỏi rằng, thưa rằng, bảo rằng, trả lời rằng...’’ có như vậy mới phân biệt tình tiết mô tả và câu văn đối đáp.

Một trăm lẽ tám anh hùng Lương Sơn Bạc, người ta đã dựng cho mỗi nha6n vật một cá tính đặc thù, ngoài ra những truyện khác, người ta cực tả thành những nhân vật điển hình, như nói đến gian nịnh phải kể Tần Cối, đa nghi như Tào Tháo, nóng tính như Trương Phi, chính trực như Quan Công, công minh như Bao Công, tài giỏi như Khổng Minh.

Hiểu được cốt lõi của truyện Tàu vốn là chuyện kể, viết ra thành văn để đọc cho người khác nghe, sở trường của nó là mô tả nhân vật và thuật chuyện, cho nên nha6n vật được mô tả đậm nét sắc sảo và tình tiết câu chuyện thật rõ ràng, có đầu có đuôi.

Trong truyện hiếm tả cảnh, nhưng thi ca thì có khá nhiều, chứng tỏ ảnh hưởng rơi rớt của thời Ðường truyền sang Tống.
V.- Ảnh hưởng của truyện Tàu : Truyện Tàu rất có ảnh hưởng đối với người miền Nam. Hai ảnh hưởng lớn nhất ấy là cá tính và văn chương. Ðất miền Nam hay nói rõ hơn là Lục tỉnh được các chúa Nguyễn khai mở từ năm 1623 đến năm 1759, Nếu kể từ năm khởi đầu 1623 cho đến năm 1954 thì người Việt Nam đã sống trên ba thế kỷ ở dãi đất nầy.

Qua ba thế kỷ đó, người miền Nam gồm có 2 thành phần chính; một là di dân, mà những người di dân là những người nghèo khó, trừ một thiểu số là tôn thất nhà Nguyễn, khi giao tranh với Tây Sơn, lúc chúa Nguyễn bôn tẩu, họ bị thất lạc nên ẩn cư ở vài nơi (Như Long Xuyên có chi phái Nguyễn Phước) và một số người Trung Hoa theo phong trào phản Thanh phục Minh đã đến miền Nam giúp chúa Nguyễn và lập nghiệp ở Cù Lao Phố Biên Hòa, Mỹ Tho vùng Chợ Mới Long Xuyên, Hà Tiên dần dần từ đời nọ sang đời kia họ đã bị Việt hóa.

Người di dân đến miền Nam vì Miền Nam trù phú, đất rộng người thưa, xa cách xã hội phong kiến, không bị kiềm tỏa bởi triều đình và quan lại.

Thiên nhiên và hoàn cảnh đã là những nhân tố tác động cho người miền Nam có cá tính như họ thích sống đời bình dị, tự do, ưa chuộng công bằng, sẵn sàn giúp đỡ kẻ thế cô.

Cá tính đó, người miền Nam đã sẵn có, lại được truyện Tàu un đúc về Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa, cho nên cá tính của người miền Nam là rất trung trực, nhân nghĩa và bình dị, do đó chúng ta hiểu tại sao người miền Nam tận tâm với chúa Nguyễn. Câu văn nhẹ nhàng, giản dị đã nói lên nghĩa khí của người miền Nam, đó là 2 câu trong Lục Vân Tiên của Nguyễn Ðình Chiểu :

Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời tiết hạnh là câu trao mình
Nếu không chịu ảnh hưởng của truyện Tàu, thì những năm 1945 cho đến năm 1954 làm gì miền Nam có những người như các Tướng giáo phái Hòa Hảo là Tướng Tướng Năm Lửa vợ biệt danh là Phàn Lê Huê, Tướng Lâm Thành Nguyên (biệt danh cậu Hai Ngoán), Tướng Nguyễn Thành Vinh (biệt danh Ba Cụt), Tướng Nguyễn Giác Ngộ (biệt danh ông Nguyễn), Tướng Cao Ðài Trình Minh Thế, Tướng Bình Xuyên Lê Văn Viễn (biệt danh Bảy Viễn).

Nhưng về văn chương miền Nam, truyện Tàu ảnh hưởng rõ nét và làm nhịp cầu cho giai đoạn tiểu thuyết sau nầy.

Chú thích :
  1. Giạ: là đơn vị đong đếm lúa gạo, 1 giạ bằng 40 lít, nữa giạ là 1 táo.
  2. Phú lang sa : Phiên âm chữ Francaise
  3. Hai trăm ngươn bạc, là hai trăm đồng bạc. Vào thời Pháp thuộc, Pháp phát hành cho Ðông Dương (Việt, Miên, Lào) một đơn vị tiền tệ đúc bằng bạc, hình tròn, đường kính chừng 5 cm, cân nặng 37.5 grame, một mặt có hình con cò, gọi là đồng bạc trắng, hay đồng bạc con cò, sau thay vì đúc đồng bạc bằng bạc, người Pháp in tiền giấy chữ Hán ghi Nhứt Nguyên cũng đọc Nhất Ngươn, chữ Quốc ngữ ghi Một Ðồng Bạc, nghĩa là tờ giấy ấy có giá trị là 37.5 gờ ram bạc. Về sau đồng bạc giấy không còn được bảo chứng giá trị như thế nữa.
  4. Ở Tân Châu có nghề dệt lụa gia truyền, nổi tiếng vải Mỹ A, nó là lụa nhuộm trái Mạt Nưa, mặt vải láng bóng, quần mới may mấy bà đi nghe có tiếng sột sạt.
  5. Quyển Tây Hớn có ghi người xuất bản. Publié par Huỳnh Hữu Phú, Néogicent Mỹ Tho, Imprimerie J. Viết Lộc et Cie.
  6. Quyển nầy có ghi Publié par Huỳnh Khắc Thuận Secrétaire du Secretariat du Gouvernement - Saigon - Imprimerie F.H.Schneider 1908
  7. Con gái ông, Bà Nguyễn Thị Nguyệt tự Minh Nghĩa, giáo học, từ trần năm 1929.
  8. Bài văn tế ông Dương Minh Chí (1862-1836) người xã Long Phú, quận Tân Châu tỉnh Châu Ðốc, ông là bậc thâm nho, giỏi Nôm và Quốc ngữ. Thường xướng họa với Trần Kim Phụng, Nguyễn Quang Chiêu, Cao Nhật Tân, Trần Thới Hanh, Nguyễn Chánh Sắt. Bài nầy đăng trên Lục Tỉnh Tân Văn ngày 31-12-1936.
  9. Bộ nầy có 9 cuốn, cuốn 1 Nguyễn Chánh Sắt dịch năm 1906, cuốn 2 không rõ ai dịch, từ cuốn 3 đến cuốn 8 Nguyễn An Khương dịch năm 1907, và cuốn 9 dịch năm 1908.
  10. Tín Ðức Thư xã ở đường Tạ Thu Thâu, bên hông chợ Sàigòn.

Sách tham khảo :
Trần Phong Sắc Ðại Hồng Bào Hải Thoại, Imprimerie Saigonnaise, Sàigòn, 1907
Nguyễn Huy Khánh Khảo Luận Tiểu Thuyết Trung Hoa, Khai Trí, Sàigòn, 1955

No comments:

Post a Comment