Sunday, January 6, 2013

CÁC CÔNG TRÌNH QUỐC NGỮ MIỀN NAM: HÁT BỘI

HÁT BỘI

Nói chung, Hát Bội hay Cải lương là hát tuồng, nguồn gốc Hát bội có ở nước ta từ lâu, phát triển ở miền Trung rồi lần vào Nam. Riêng Cải lương phát xuất từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tức là miền Nam sau này.
Theo sách Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ (1768-1830), vào đời Lý có một đạo sĩ người Tàu, đến nước ta dạy múa hát làm trò, ấy là lối hát tuồng khởi điểm từ đó. Theo Đại Việt sử ký toàn thưcủa Ngô Sĩ Liên đề tựa năm 1479 hay Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập của vua Tự Đức (1829-1883), in năm 1877, đều ghi chép khi quân nhà Trần đánh giặc Nguyên (1284-1288), có bắt được một người Tàu tên là Lý Nguyên Cát, người này giỏi về nghề hát tuồng, lối hát rất thịnh ở đời Nguyên, Nguyên Cát đem nghề hát truyền cho người Việt Nam, hát tuồng của Việt Nam bắt đầu từ đó.
Đến nhà Lê, Đào Duy Từ (1572-1634), người xã Hoa Trai, Ngọc Sơn tỉnh Thanh Hóa, vì là con nhà xướng ca nên thi hương bị đánh hỏng, ông phẩn chí vào Đàng Trong tìm đường lập công danh. Trước tiên ông chăn trâu cho một người ở Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, sau nhờ có quan khan lý Trần Đức Hòa tiến cử với chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, ngài phong cho làm Nội tán, ông đã đắp lũy Trường Dục ở Quảng Bình và lũy Nhật Lệ ở Đồng Hới, thường gọi là Lũy Thầy, ông có sáng tác bộ sách quân sự Hố trướng khu cơ, về văn chương có Ngọa Long Cương ngâm, ông soạn thảo các vở tuồng, luyện tập nhiều điệu hát, khúc múa trong cung, ông đem một số thân thuộc, con nhà hát xướng vào làng Tùng Châu, Hoài Nhơn, Bình Định lập gánh hát, chính ông là người soạn thảo vở Hát bội San Hậu, do những thành quả quân sự, văn hóa Đào Duy Từ đã đóng góp, ông được chúa Nguyễn phong tước Lộc Khê hầu, giới nghệ nhân tuồng và cổ nhạc ở Huế tôn ông là Tổ sư.
Tả quân Lê Văn Duyệt trấn nhậm Tổng trấn Gia định thành, trông coi các trấn: Phiên an, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Vĩnh Tường và Hà Tiên. Ông là người ưa thích Hát bội, ông có một đoàn hát bội chuyên để trình diễn cho ông xem, vì không thích nữ phái, nên trong ban hát này toàn là nam phái, những vai nữ trong tuồng đều do phái nam đóng, do đó chính ông đã đem Hát bội vào đất miền Nam, ông cũng có hiệu chỉnh tuồng San hậu là một tuồng rất nổi tiếng, sau này có chuyển thể sáng cải lương. Quan lại xưa ưa thích Hát bội vì nó là bộ môn giải trí thanh tao, giáo dục con người. Trong khuôn viên lăng mộ Thoại Ngọc hầu ở núi Sam, Châu Đốc (bên kia đường, phía trước miếu bà Chúa Xứ, bên tay trái là chùa Tây An, bên tay phải là lăng mộ Thoại Ngọc hầu, từ cổng nhìn vào, bên tay trái có trên mười ngôi mộ, trong đó có hai ngôi mộ trẻ con, các vị bô lão xưa kể rằng đó là mộ gồm đào, kép và con nhỏ của gánh hát. Gánh hát này thường xuyên diễn tuồng cho gia đình Thoại Ngọc hầu xem, khi ông chết, họ đã bị đầu độc chết theo, nên được chôn cất tại đó). Thời kỳ Văn học Nôm, văn nhân miền Nam có Bùi Hữu Nghĩa sáng tác tuồng Hát bội Kim Thạch Kỳ duyên.
Nguyên nghĩa của Hát Bội, như trong Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Của định nghĩa: : (chữ Nôm) Cất tiếng ngân nga, làm ra giọng cao thấp, 倍: (chữ Nho) Hơn, bằng hai, gia số, tiếng trợ từ.Hát bội: Con hát, kẻ làm nghề ca hát. Như vậy chúng ta có thể hiểu Hát bội nghĩa là lối hát gia tăng thêm qua cử chỉ, giọng hát, trang điểm. Từ phong trào “Ca ra bộ” Lê Hoằng Mưu hô hào dùng danh từ Hát bộ thay cho Hát bội, xét ra dùng danh từ Hát bộ để chỉ cho bộ môn Hát bội là không đúng như nguyên ngữ đã định nghĩa ở trên.

Tuồng Chung Vô Diệm đại hội Kỳ Bàn


Hát bội có nhiều điệu hát: Nói lối, hát nam, hát khách, xướng, bạch, ngâm, than, oán…
Nói lối (còn gọi là Viết): Nói lối theo hát bội là xướng một lúc, tán một bài trong truyện, nói hay, nói giỏi. Có nhiều cách nói lối:
Nói lối xuân: Nói giọng vui, khi xưng tên họ mình với khán giả, khi cùng nhau nâng chén rượu mừng, lúc vợ chồng bắt tay giao mặt, trong lòng vui tươi thanh thản, nhạc đệm bản bài hạ):
TIẾT CỮU CÔNG giáo đầu:
Phơi mật ngải mây dốc tạc,
Thình long trung phụng cát lâm biêu.
Chức Nguyên nhung trấn thủ Tây liêu
Quyền tướng soái chớp lòa như sấm nổ.
Tiết Cữu công danh mỗ,
Tác già đã tri thiên.
Ra oai làm quân nghịch đều kiên,
Nghe tiếng lão kẻ thù phục cả.
(Tuồng Tứ Linh - Nguyễn Thành Long)
hay
Hàn Giang Quan quê ngụ,
Thiếp mỹ hiệu Lê Huê.
Cùng mẫu nương hôm sớm an bề,
Mùi phú quí long đành gát bỏ.
(Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê - Nguyễn Bá Thời)
Nói lối ai (lối rịn): Buồn một mình than thở, lời tha thiết khi chia tay cách biệt, giọng hát buồn bi ai (nhạc đệm bản xuân nữ):
Tức tối miệng không mở miệng,
Nghẹn ngào lời chẳng ra lời.
Trách ai xui khiến vận thời,
Giòng Ngũ thị tàn gia tru lục rồi.
(Vợ Ngũ Viên Thiệu bị tên - Nguyễn Bá Thời)
Nói lối giả: nói bằng văn xuôi, xen vào giữa các câu lối, tùy vui buồn mà đổi giọng. Lối này còn gọi là hường, nói giậm, lời hằng … như:
GIÃ THỊ viết: Thưa phu quân! Xin phu quân ráng gượng gạo làm khuây đặng mà lo báo cái thù này, mới đặng cho, đừng buồn rầu lắm không nên a phu quân
Lời em xin phu tướng,
Lo hà cớ báo hờn
Có phải là
Chữ phụ thù nặng tợ Thái sơn
Câu cốt nhục sánh bằng Nam hải.
(Vợ Ngũ Viên Thiệu bị tên - Nguyễn Bá Thời)
Nói lối xốc (nói mau): giọng xuân, do người hiếu thắng, nóng tánh nói. (nhạc đệm bản bài hạ xốc cung nhanh lên):
Nữ binh viết: Đi cho mau
Còn đứng đó chẳng chịu ra,
Thì gươm vàng tới cổ. đa!
(Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê - Nguyễn Bá Thời)
Nói lối đo: Nói giọng xuân, chậm rãi, người có tánh cương trực nghiêm trang (nhạc đệm bản bài hạ chậm, hay bản xàng xê).
Nói lối bóp: Khi ra trận nói với địch quân, gọi là lối chiến; lúc bị thường gần chết gọi là lối tử.
Nói lối hồn: Thường nói giọng ai, kéo dài hơi, khi hồn ma hiện về báo mộng (có tiếng kèn đưa hơi, giọng thảm).
Nói lối điểm trống: Nói dõng vạc từng câu một, cuối câu có điểm trống
Văn nói lối phải viết văn vần và có đối (nôm đối nôm, chữ đối chữ).
Lối giả, lối giậm hay lời hằng viết bằng văn xuôi thông thường.
Văn vần có thể viết mỗi câu hai chữ cho đến nhiều chữ, đặc biệt chú trọng đến đối và vần (văn biền ngẫu)
Thường viết bốn câu như sau :
Về vần: Câu một vần trắc câu hai vần bằng câu ba vần bằng và câu bốn vần trắc
Về đối: Câu một đối với câu hai, câu ba đối với câu bốn.
Chẳng hạn như:
Trong đặt an xã tắc,
Ngoài chống vững biên cương.
Nối ngôi trời gầy dựng nghiệp Đường,
Trẫm bão tự Thế Dân Hoàng đế
(Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê - Nguyễn Bá Thời)
Hát Nam (còn gọi là Vãn viết): Điệu hát nam là những câu thơ lục bát hay song thất, hát giọng vui hay buồn, tùy hoàn cảnh người ta hát.
Nam xuân: Người sĩ tử đi thi, khách anh hùng gặp hoạn nạn nhưng không vì thế mà rơi lụy, người thiếu nữ đi lễ chùa … giọng hát thâm trầm mà hùng tráng (nhạc đệm bản Nam xuân).
Nam ai: Chia tay nhau, kẻ đi người ở, nổi đau xót không nguôi, người trượng phu tới hồi thất chí … giọng hát cao vút mà buồn thảm (nhạc đệm bản Nam ai)
Nam tẩu: Bị giặc đuổi theo, chân chạy miệng hát, giọng hát buồn và nhanh (nhạc đệm bản Nam xuân hoặc Nam ai chậm hay nhanh tùy tâm trạng).
Nam thoàn: Giọng hát của kẻ tu hành, xuất gia, không còn bị rang buộc thế cuộc, giọng hát chậm rãi, có vẽ nhàn nhã (nhạc đệm bản Nam xuân chậm).
Nam biệt: Kẻ ra đi vừa khuất dạng, người ở lại gọi vói theo, đầy nước mắt bi thương, giọng hát vừa tha thiết vừa đau thương trong nổi thất vọng chán chường (nhạc đệm bản Nam ai nhanh).
Nam dựng: Hát trong lúc tế lễ, hay hát chúc lúc vãn tuồng, giọng hát nghiêm trang, cất cao lên có vẽ hung tráng (nhạc đệm bản Nam xuân chậm).
Nam bán xuân, bán ai: Lúc người có tâm trạng thay đổi, đang vui bỗng buồn, đang buồn bỗng vui.
Dưới đây là vài điệu hát nam chính:
Địch Thanh trốn vợ đi bình Liêu (Vở Địch Thanh ly Thợn):
Nói lối: Đã quyết long vị quốc,
             Phải cam chữ vô tình.
             Mang sao đội nguyệt cũng đành,
             Lặn suối trèo non nào nại.
Nam xuân: Nào nại tấm lòng trung hiếu,
                  Gánh cang thường nặng trĩu trên vai.
                   Làm trai cho phải trọn ngay,
                  Gan rung nắng dãi guió day chi sờn.
                  Gặp ghềnh một bước giang sơn,
(tôi mà đi dây) … kẻ vui nở mặt, …. (còn công chúa ở lại)
qua Nam ai:    …. người buồn chia tay!
Hồ Nguyệt Cô lúc mất ngọc, đau đớn trở về dinh (tuồng Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, bản trong Nam)
Nói lối ai:     Hấp tận vạn nhân cốt huyết,
Cho nên …  Thiên công báo ứng phân minh.
                       Góp hơi tàn trở lại bổn dinh,
                      Dù may rủi cũng đành dạ thiếp.
Nam ai:  May rủi cũng đành dạ thiếp,
              Phải lâm đền oan nghiệt cho xong.
              Hay rằng sả chết vì lông,
             Người sa vì sắc, hổ vong tại bì.
             Nợ tình chưa trả cho ai,
             Hận tình mang xuống tuyền đài chưa tan.
Tô Võ đi chăn dê bên xứ Hung Nô, bỗng nhớ đến vua Hán mà buồn (Soạn giả Kỉnh Chi):
Nói lối xuân: Luống mỏi mắt ngồi trông tin nhạn,
                     Những ôm lòng vui với bầy dê.
(chừ trời cũng đã trưa rồi, ta phải thả dê đi ăn mới được)
                     Bước lần theo ngọn tiểu khê,
                    Chơn nhẹ nhẹ qua theo miền đại lãnh.
Nam xuân:  Nhẹ nhẹ qua miền đại lãnh,
Ôi, ngô quân ôi! (gạt nước mắt qua Nam ai)
                  Lụy cô thần giữa cảnh thâm thu.
                  Gió chiều như giục cơn sầu,
                  Lá ngô xao xác, hoa lau rã rời!
                 Hớn Hồ mấy dặm xa khơi,
Như ta là …(trở lại Nam xuân)
                 Dẫu phơi tóc trắng, chẳng dời lòng son.
Hát khách (cũng gọi là loạn viết): Nhạc điệu hát khách nhịp điều đặn, như nhạc Tây phương, giọng trầm bổng xen lẫn nhau, hùng tráng uy nghi như gịuc bước người chiến sĩ. Câu hát thường viết bằng từ Hán Việt (khi diễn viên hát khách, dàn nhạc có kèn đưa hơi). Có hai cách viết bài hát khách: Khách thi và khách phú.
Khách thi: Gồm hai câu thơ bảy chữ, đối hặc không đối, thường người ta viết một bài thất ngôn tứ tuyệt.
LÂU LA loạn viết: Biệt trừ sơn trại khứ mang mang,
                               Bất nại khu trừ vạn lý tràng.
                              Yên hùng tự hữu lăn văn chí,
                              Thệ chuyển thần oai đệ nhứt danh.
Hay
TIÊU PHAN loạn viết: Vậy ngài hãy ở lại đây nghe, như tôi đi mầng ri nay là:
                                      Sơn cách thủy cách, tình nan cách,
                                     Tinh di nguyệt di, chí bất di.
(Vợ Ngũ Viên Thiệu bị tên - Nguyễn Bá Thời)
Khách phú: Gồm là hai câu đối  nhiều chữ, thường là mười một chữ.
          Sự đảo sự điên, sự điên đảo nhân tình giai thác đảo,
          Nguyệt viên nguyệt khuyết, nguyệt khuyết viên ngã ý bất đoàn viên.
Trường hợp hát khách:
Khách nhàn du: Lúc đi chơi, ngoạn cảnh.
Khách tẩu mã: Cỡi ngựa chạy nhanh.
Khách chiến: Ra trận đấu khẩu nhau.
Khách hồn: Hồn ma hiện về báo mộng người sống.
Khách tử: Lúc lâm nguy gần chết.
Khách giáo tử: Hát dạy con.
Khách thằng Bột: Do các cậu công tử dốt nát, con nhà quan hát, giọng trọ trẹ bắt chước người Huế.
Khách Quan Công: Vai Quan Công, hát kéo dài nhịp chậm.
Khách Phi Hổ: Vai Hoàng Phi Hổ hát chậm.
Sau đây là vài câu hát khách:
Tiết Đinh San vận lương thảo về hát (tuồng Thần Nữ dâng Ngũ linh kỳ)
(nói lối) - Võ kỵ quân!
               Binh tùy tại hậu
              Lương vận tại tiền.
             Lịch vãng sơn xuyên,
             Đồng Quan tấn bộ. a!
(hát khách) Nhơn khứ đa lao hồi đạt sự,
                   Mã hành thiên lý đáo thành công.
Địch Thanh trốn công chúa Thoại Ba hát khách tẩu:
(nói lối)  Mang mang bội đạo, Cấop cấp kim hành.
               Dượt mã khinh khinh, Gia tiên khoái khoái,
(khách tẩu) Mã túc am trình, tẩu tận thiên trùng lý lộ,
                  Hồng mao ngộ thuận phi cùng vạn lý vân tiêu.
Sau này, hát khách thi hay phú được sang tác bằng tiếng Việt cho dễ nghe, dễ hiểu.
Thánh Thiên công chúa trong tuồng Trưng Vương kkhởi nghĩa của soạn giả Thân Văn, hát câu khách phú:
     Thế nước đang nguy, gương nhi nữ phá gông nô lệ,
     Lòng dân còn hận, kiếp hồng nhan giải tỏa xâm lăng.
Các cô đào van (tiểu thư, công chúa) đi dạo xem phong cảnh, hát câu khách thi:
     Phưởng phất gió xuân chào mặc khách,
     Líu lo oanh yến ghẹo tao nhân.
Đỗ Thành Nhân trong tuồng Chất ngọc không tan của soạn giả Trường huyền – Đinh Bằng Phi, trước khi chết có lời oán trách chúa Nguyễn bằng câu hát khách tử:
     Sự nghiệp chưa thành, bao nỡ trung thần đem xử tệ,
     Cơ đồ mới dựng, tránh sao thế sự chẳng gièm pha.
Bạch: Là bày tỏ, nói ra cái hay, cái giỏi, tài ba, chí khí của mình
Các vai tướng và đào võ thường bạch rồi mới nói lối xưng tên.
Bài bạch thường là bài thất ngôn tứ tuyệt.
Tam Hữu đời Tam Quốc bạch:
LƯU BỊ: Tam phân đảnh túc liệt can qua,
               Cái thế công danh độc ngã kỳ.
QUAN CÔNG: Vạn cổ trung can huyền nhật nguyệt,
                          Nhất xoang nghĩa khí quán càn khôn.
TRƯƠNG PHI: Thinh nhược cự lôi khu hổ báo,
                           Oai như điển xiết tẩu long xà.
Xướng : Nghĩa là cất tiếng, hô lên, hát lên (ca xướng)
Kẻ sĩ nhàn lạc làm thi chơi gọi là xướng thi, cho tao nhân mặc khách họa làm vui. VCác vị tiên, thánh, thần, học trò tiên nói lên cái thú thanh nhàn của mình bằng bài xướng. Cũng như điệu bạch, điệu xướng hát chậm rãi hơn, ra vẽ thanh nhàn, cũng như thi sĩ ngâm thơ.
Văn bài xướng thường là tứ tuyệt hay bát cú.
CHUẨN ĐỀ ĐẠO NHÂN (tuồng Ngọc Kính Đăng) xướng:
Trang nghiêm sắc tướng địa thiên thong,
Tọa kỵ thanh sư pháp lực hung.
Nhứt thiết chúng sanh quy Bát Nhã
Tam thiên thế giới mãn hư không.
Thán: Thán là than thở, khi xa người thân thương nhớ mà than thở. Người phụ nữ vọng chiến trường, nhớ cha, nhớ chồng hoặc buồn duyên tủi phận, hay người bạch diện lỡ bước công danh mà than thở, đều dùng điệu thán. Bài thán là bài tứ tuyệt.
TRƯNG TRẮC (nhớ chồng trong tuồng Trưng Nữ Vương của Thân Văn)
Nói: Nơi trướng gấm sầu tình đoạn đoạn,
       Chốn màn loan thảm lụy liên liên.
       Giọng sầu quyên thêm gợi lửa phiền,
       Ánh mờ nguyệt càng thêm dạ thảm, hồ!
Thán: Vầng trăng ai khéo xẻ làm đôỉ
          Nửa dạng mờ trong, nửa biếng soi.
         Mỏi ngóng ngày về tin nhạn vắng,
         Hương khuê chích bong dạ bồi hồi.
Oán: Nghĩa là hờn giận, phiền trách số mạng, trời đất, khi có người thân chết. Điệu oán Hát bội là để vưa thương tiếc, vừa oán hờn, có kèn đưa hời để tăng nét u uất, thảm sầu. Thể văn điệu oán là phú, chú trọng ở đối và vần. Có thể nói là bài văn tế thâu gọn trong bốn hoặc tám câu, không hạn vận số chữ, thường không quá mười ba chữ. Cũng có khi người ta viết oán bằng bài thơ tứ tuyệt. Phàn Diệm khóc cha trong tuồng San Hậu:
Nói lối: Nan đoản thán, nan đoản thán,
            Khổ trường ta, khổ trường ta.
            Đầu thân nhi đại khốc
           Thiên địa hại ngô thân. (hà)!
Oán: Hồn quy Bắc Lý,
        Phách quá Nam Kha.
       Chi đền ba thảo,
       Chi báo mười ân.
       Cha nở bỏ con,
       No nao thấy mặt ?
Ngâm: Là ngân dài ra, có giọng cao thất nhặt khoan, cũng như tiếng ca, cũng gọi là xướng thi ngâm vịnh.
Trong những khi cao hứng, an nhàn, hoặc một mình, hoặc cùng bạn tri âm, hoặc cùng người tương ứng, hoặc cùng khách tương cầu, chén trà ly rượu, ngắm cảnh xem trăng, thề non hẹn biển, ngâm một bài thơ tỏ tình tơ trúc, bày nghĩa yến oanh, suy luận anh hung, tâm tư thế cuộc.
Gọng ngâm chan chứa mùi xuân để lộ màu sắc nhàn hứng của vai tuồng. Thường bài ngâm là bài thơ tứ tuyệt.
LƯU KHÁNH (trong tuồng Ngũ Hổ bình Tây vào quán uống rượu rồi ngâm thơ):
Nói lối: Vạn hộc tình hoài nhược khát,
            Tam  canh hạo nguyệt đương đầu.
Chi cho bằng: Mượn ba chung mà giải thành sầu,
                      Vầy một tiệc ngõ khuây bụng tưởng, hồ!
Ngâm: Não khách lương phong kỷ trận thôi,
           Hương phù nồng đạm tửu dinh bôi.
          Vạn sơn mộng tưởng tâm nam bắc,
          Tái ngoại hà niên chích nhạn hồi.
Các loại hát bài: Các điệu hát trên là các giọng hát chính trong hát bội, ngoài ra còn các điệu hát bài do các diễn viên sáng tạo nên có nhiều giọng, điệu khó hát, muốn hát được những điệu này, người ta phải chịu khó bỏ công học thuộc và sang tạo thêm tùy vai trò trên sân khấu. Người ta còn gọi điệu hát bài là điệu hát nồi niêu, vì ngày xưa để thưởng những người hát hay, xuất thần, người ta thường đặt cái nồi cạnh chỗ người cầm chầu, để đựng tiền thưởng, khuyến khích đào kép đã thi tố tài năng.
Hát bội có nhiều điệu bộ như khi chạy ngựa, vuốt râu, xòe quạt, khi ngồi, khi đứng, khi đi … mỗi mỗi đều diễn tả theo qui củ của Hát bội.
Vẽ mặt cũng vậy, có người mặt trắng, có người mặt đen, có người mặt đỏ, có người mặt vằn vện, đều là biểu tượng cho người chánh khí, người trung, kẻ nịnh… thông thường vẽ mặt hát bội theo ước lệ sau đây:
Màu đỏ: Tượng trưng tánh thẳng thắn, trung hậu, cốt cách thần linh hay huyền diệu.

Màu trắng (mốc như vôi): Chỉ cho người tánh tình phản trắc, a du, nịnh bợ, tráo trở, …
Màu đen: Tượng trưng tánh người chất phác, ngay thẳng, có khi thiếu học và nóng nảy.
Màu xanh da trời: Tánh người mưu mô, kiêu hãnh.
Màu lục: Tánh hay dời đổi, thiếu thủy chung.
Màu vàng và bạc: Những bậc tu hành, thần thánh,…
Quan văn trung: Mặt trắng hồng (mặt thiệt), nếu lão thì vẽ mày trắng.
Quan võ trung: Mặt đỏ, có khi vẽ thêm tròng táo (quanh mắt có viền đen, như Nhạc Phi, Phàn Định Công…)
Tướng võ: Mặt đen lằn trắng, tròng mắt khi trẻ thì tròng xéo, khi đứng tuổi thì tròng táo, khi về già thì vẽ tròng lõa.

Tướng Phiên: Mặt rằn rện.
Nịnh thần: Mặt xám, hoặc màu vỏ cua, đỏ lợt, hoặc mặt mốc (Tào Tháo, Bàng Hồng)
Thầy rùa: Tức thú vật tu lâu năm thành hình người như Dư Hồng, Dư Triệu … thường gọi là Bàng môn tả đạo, mặt rằn rện, đeo mắt thau (mắt của thú vật) và độn bụng to (bụng phép).
Đào: Làm mặt thiệt cho đẹp, vẽ mày liễu, tô son, dồi phấn, đánh má hồng.

Phàn Lê Huê
Trên là những ước lệ về vẽ mặt, nhưng có những nhân vật có mặt đăc biệt nữ nhân như Chung Vô Diệm mặt dữ dằn, có hai cái nanh hiện ra ngoài, trên đầu có ba cái sừng, cho nên người ta thường nói mặt mày xấu xí như Chung Vô Diệm. Bên nam Quan Công mặt đỏ tươi, Đơn Hùng Tín mặt xanh như chàm, vua Triệu Khuôn Dẫn mặt đỏ có đôi mày trắng liền nhau, trên có bảy nốt ruồi, Bao Công mặt đen, mày trắng có ba nốt ruồi trên tráng có vầng nhật nguyệt. ( 1 )

              
       Chung Vô Diệm                                      Quan Công                                             Bao Công
Cảnh trí trên sân khấu rất đơn giản, dù ở cung đình, ở dinh cơ, ở sơn trại, chỉ cần cái bàn, vài cái ghế hay sân khấu trống trơn đó là bãi chiến trường, là núi non trùng trùng điệp điệp hay sông rộng núi cao …
Xưa kia, vào lệ Cầu An ở Đình, Ban Hội Tề của làng thường rước gánh Hát Bội về hát, để cầu cho đất nước thái bình, làng xã an vui, sau để cho dân làng được xem hát, giải trí sau những ngày làm mùa ở đồng áng nhọc mệt. Như thế người ta sẽ xây chầu, có một vị Chấp sự của làng được cử ra để cử hành nghi thức khai trống trên sân khấu, sau đó giá và trống chầu được đoàn hát khiêng xuống để ở trước hàng ghế đầu về phía tay trái của khán giả, trống chầu là loại trống lớn, tiếng trống tượng trưng cho vua của âm thanh.
Vị chấp sự hay người cầm chầu là người có danh phận, đạo đức, am tường về hát bội, thông hiểu chữ Hán, thay mặt cho toàn thể khán giả để thẩm định tài nghệ của đào kép, lớp lang của vở tuồng, vị này ngồi vào ghế trước cái trống chầu, mặt nhìn về sân khấu để theo dõi tuồng hát.
Khi nào đào kép hát hay người cầm chầu sẽ đánh một tiếng trống, hay hơn hai tiếng trống, hay hơn nữa ba tiếng trống, nếu thật xuất sắc sẽ đánh liên hồi, còn nếu hát dỡ, vị cầm chầu sẽ gõ vào tang trống. Vị này được trang bị một ống đựng thẻ, ai hát hay, diễn giỏi vị cầm chầu sẽ liệng thẻ lên sân khấu để thưởng, thẻ này sẽ được đổi ra tiền.
Qua hình thức trống chầu, người nghệ sĩ Hát bội biết được tài nghệ của mình đã được khan giả thẩm định như thế nào, do đó họ luôn luôn trao dồi nghề nghiệp để tài năng mình ngày càng nâng cao.
Cùng thời điểm Thơ, có rất nhiều tuồng Hát bội được sáng tác trong thời gian này như:
Tam Quốc
Tứ linh (long, lân, qui, phụng) tác giả Nguyễn Thành Long
Vợ Ngũ Viên Thiệu bị tên tác giả Nguyễn Bá Thời
Tiết Đinh San Cầu Phàn Lê Huê tác giả Thanh Tâm Nguyễn Bá Thời
Tiên Bửu tác giả Bà Huỳnh Kim Danh.
Ngoài ra còn có những soạn giả khác như: Nguyễn Đình Chiêm tác giả Phấn Trang Lầu (1915), Cao Hữu Dực tác giả Phong Ba Đình (1917), Hồ Biểu Chánh tác giả Thanh Lệ Kỳ Duyên (1921), Công Chúa kén chồng (1945), Xả sanh thủ nghĩa (1945), Trương Công Định Quy thần (1945) … Đoàn Quang Tấn tác giả Huê Dung Đạo .
Chữ quốc ngữ đã góp phần trong tuồng tích Hát bội, một ngành trong nghệ thuật trình diễn. Nhờ chữ quốc ngữ nên có nhiều tác giả sáng tác tuồng Hát bội, đặc biệt có cả tác giả nữ là bà Huỳnh Kim Danh.
Hát bội có tác dụng rất lớn về giải trí, bởi vì ngày xưa chỉ có Hát bội đem lại sự giải trí cho người miền Nam từ trẻ con cho đến người già nua, từ người giàu cho đến kẻ nghèo, trong đời người ta, có thể xem một tuồng hát vài chục lần từ thuở thơ ấu cho đến lúc về già, do đó những câu văn, lời hát Hán Việt dần dần ăn sâu vào trí não người ta, nhờ vậy người ta nhớ, người ta hiểu nghĩa của tiếng Hán Việt.
Hát bội đóng vai trò giáo dục con người rất hiệu quả, bởi vì hát bội đã đề cao Tam cang  và Ngũ thường.Nó dạy cho người ta yêu mến những bậc anh hùng, ghét những kẻ dua nịnh. Vào đầu thế kỷ 20, chừng 10 phần trăm ngời Việt biết chữ là nhiều, vậy mà nhờ Hát bội hầu hết người ta đều biết Trung với Vua, hiếu với cha mẹ, kính nhường người trên, gia đình thuận thảo, giúp kẻ thế cô, giữ cho trọn đạo làm người: Nhân, Nghĩa, Lễ Trí Tín.
Tiếc rằng sau đó, Cải lương đã thay thế cho hát bội về phương diện giải trí, đồng thời cũng là nhân tố làm cho Hát bội sớm suy tàn.
Trích :
Tuồng hát bộ ( 2 )
Đinh San Cầu Lê Huê
Tác giả: Thanh Tâm
Lê Huê viết: Như tôi nay, Hàng giang Quang quê ngụ, thiếp mỹ hiệu Lê Huê, cùng mẫu nơng hôm sớm an bề, mồi phú quí lòng đành gát bỏ.
Hựu viết: Thì tôi nghĩ lại, Đoạn trường thay má đỏ, thương hại bấy màu xanh, ai đi, chữ tơ duyên Tiết thị vội quên đành, câu ân ái Đinh San đà bội bạc. Có phải là: Trăng già sao độc ác, bà Nguyệt khéo trớ trêu, bấy lâu, cũng tưởng đà chặc mối chỉ điều, hay đâu, xuôi chi nổi ngăn dòng lá thắm. Đinh San chàng ôi ! Mấy nhiêu lúc lời vàng kia gởi gắm, câu chuyện thề thái thậm vẫn ghi, nhọc công trình nào có xá chi, sao chàng nỡ đem chì đổi bạc. Than ôi ! Nghe tiếng dế tấm lòng xuôi bát ngát, giọng oang kêu dạ luống ủ ê. Để cho em nát nhụy úa huê, chua xót bấy trăm bề thân thiếp.
Phu nhơn viết: Hão a ! Lóng tai nghe đã rõ, rày ấu nữ buồn tình, nầy con, đã không nên duyên nợ ba sinh, thôi thì, khá an mình nương cùng mẹ cho xong, hơi sức đâu mà con buồn thảm a con ! Có phải là: Tiết Đinh San thay dạ đổi lòng, con người ấy ai phòng hoài ái. Thôi thôi chớ ưu sầu than gái, hơi sức đâu mà lượng dạ trai. Cũng bởi trời chưa định duyên hài, nên khiến nổi phân tay cách mặt chớ.
Lê Huê viết: Thưa mẹ, Lời mẹ phân rất ngặt, đạo vợ chồng sao lại chẳng thương, con đánh tay biết rõ mọi đường, duyên phối hiệp gần đương tái ngộ. Tai vẫn nghe tỏ rõ, chàng Đinh San sát phụ thọ hình, hang văn quan võ tướng trào đình, đều trái dạ bất bình lẻ ấy. Thưa mẹ, con đánh tay biết rằng: Ngày mai đây Hoàng thượng sẽ than chinh ngự giá đi ngang chốn nầy. Có vậy, bổn chương kia một bức, dưng Hoàng thượng xem tường, kể đầu đuôi tỏ rõ mọi đường, điều oan khúc Đường vương liệu định. Mẹ nghĩ đó coi: Đã ba phen xua đuổi, nghĩ đến càng sầu tuổi trăm đàng, biết mấy phen con cứu mạng chàng, Lòng phi nghĩa không màng ân ái. Bây giờ con tính như vầy: Dưng cáo trạng con liều đón giá, phòng kể qua tội gã Đinh San, họa may, nếu hồi tâm hối hận lòng chàng, chừng đó, duyên chồng vợ nhứt đoàn sum hiệp.
Đường vương viết: Trong đặt an xã tắc, ngoài chống vững biên cương, nối ngôi trời gầy dựng nghiệp Đường, trẫm bảo tự Thế Dân hoàng đế.
Hựu viết: Có phải là: Quân giặc dám hung hăng chẳng nễ, ta phải toan dứt rể chặt cồi, phải thân chinh ngự giá đến nơi, ra oai sấm trừ loài cẩu tặc. Có vậy Trình vương huynh nghe dặn nghé! Tam quân lo sắp sẵn, xe giá kiếp trang hoàng, việc thảo lương đâu đó cho an, tua khí giái vẹn bề xuất trận.
Trình Giảo Kim viết: Dạ phụng mạng, Ngàn ngày ăn lộc chúa, một thuở báo công tôi, quyết rat ay bẻ nhánh dứt cồi, phòng nợ nước đền bồi muôn một. Tam quân tướng sĩ nghe dặn à: Đứng làm trai lương đống, rang thành tâm trả nợ quân vương, lấy oai danh lướt chốn chiến trường, ở quân lịnh nhứt đường tấn phát.
Đường vương viết: Tới ! Trình vương huynh tới, Lòng nguyền quét sạch bầy ong, cho an mối nước khỏi vòng họa tai. Tới ! Rần rần, cờ phất trống lay, ngàn binh xao xuyến, ra oai dẹp loàn.
Trình Giảo Kim vãn viết: Tới ! Nợ quân vương xem dường thể núi, trọn lòng thành trong buổi truân chuyên. Lo sao cho phận vẹn tuyền, khỏi mang tiếng hổ, chí nguyền trừ an.
Quân nhơn vãn viết: Tới ! Tôi con cho trọn tôi con, ơn vua ngãi chúa, vẫn còn nặng thay, dầu cho da ngựa bọc thây, cũng vui mà được có ngày rạng danh.
Lê Huê viết: Dạ ! Hạ thần cam thất lễ, xin đình giá hoàng gia, hữu bổn chương lịnh thánh xem qua, cho thần thiếp gần xa bẩm bạch.
Đường vương viết: Ủa lạ ! Binh đang ra oai gió, sao ngừng giá giữa nầy, mau trần tấu gian ngay, cho trẫm tàng trong đục.
Giảo Kim viết: Dạ ! Lời tâu qua thánh thượng, hữu cáo trạng Phàn nương, xin đìng giá giữa dường, cầu chí tôn thẩm xét.
Lê Huê viết: Tôi Phàn thị mong nhờ thánh chúa, xét nổi oan đôi đứa bấy lâu, bội vong tình Tiết thị chẳng nghĩ câu, xin lượng cả đuôi đầu phân xử. Có phải là: Đinh San vốn bất trung bất hiếu, tội giết cha xin chiếu luật hình, lời thành thật phân minh, Thánh thượng xem thì rõ.
Đường vương viết: Hão a ! Xem cáo trạng giận thay Tiết thị, cảnh bi oan thảm bấy Phàn nương, có vậy, khá an long trở lại gia đường, hồi trào nội liệu phương phân xử, cho mà nhờ nghé !
Phàn Lê Huê viết: Dạ ! Rộng lượng cúi nhờ ơn thánh chúa, giải oan thỏa bấy lòng tôi, đầu bái yết phản hồi, mặt giã từ trở gót. Dạ, nhờ ân đức cửu trùng, chúc thánh thượng muôn muôn tuổi.
Đường vương viết: Chư tướng ! Truyền chư tướng tấn binh, Bạch hổ quan tấn phát.
Vãn viết: Bạch hổ quan trông chừng tách dậm, oán thù nầy thái thậm mà thôi. Cho an bá tánh nơi nơi, Ra oai dẹp giặc binh trời trừ an.
Giảo Kim vãn viết: Hết lòng trả nợ Thánh hoàng, ơn vua là trọng đâu màng tử sanh.
Quân vãn viết: Dầu tử sanh cũng nguyền một dạ, trãi gan nầy cho thỏa chí tôi.
Đương vương viết: Nầy Trình vương huynh ôi ! Như Tiết thị đây là: Quả thị phi ân bạc nghĩa, chẳng màng lòng chút đạo tình duyên, thãm Phàn nương ăn tủi nuốt phiền, tội tình ấy thuyền quyên bạc phận.
Giảo Kim viết: Dạ muôn tâu lịnh Bệ hạ, đã ba phen xua đuổi, Đinh San thật vô tình, chẳng nghĩ câu duyên nợ ba sinh, tội ấy đáng điện hình hành phạt, mới là vừa cho.
Đường vương viết: Nầy các chư khanh, Xét mọi lẽ Đinh San phạm luật, án giết cha gẫm chẳng ức oan, vã lại, đứa phi ân bội nghĩa tào khang, nầy ngự lâm quân, mau y thữa lịnh tràng, tróc Đinh San kiến giá.
Hựu viết: Nầy Đinh San, Nỡ học thói đặng chim bẻ ná, ới mần răng mà, có lẽ đâu đặng cá quên nôm, phụ vợ hiền đó chẳng lòng khôn, sát thân phụ tội kia quá nặng, ngươi có biết.
Đinh San viết: Dạ muôn tâu cùng lịnh Bệ hạ, oan cho kẻ hạ thần không cùng, Trót lỡ tay xạ tiển, lòng đâu muốn giết cha, xin chí tôn mở lượng hải hà, mong ơn đức hoàng gia thẩm xét.
Hựu viết: Nghĩa cha con nghĩa nặng, ân phụ tử ân sâu, nếu quyết lòng thì chẳng lẽ đâu, tay trót lỡ mang câu sát phụ, tội cam đành muôn tử, nhờ lượng thánh thứ dung, từ đây về sau, nguyện một lòng trọn hiếu trọn trung, phòng đền đáp cửu trùng chi đức. Tôi cũng đứa nho gia học thức, việc giết cha oan ức thấu trời, được thứ tha ân huệ muôn đời, nguyền kết cỏ ngậm vành bồi đáp. Lỡ lầm lần thứ nhứt, quyết chẳng để hai phen, trót lỡ tay vì đã nhuộm máu đen, cũng khó nổi rữa cho sạch trắng.
Đường vương viết: Chớ thở than chối cãi, đừng lẽo lự già hàm, chiếu luật hình tội nọ đành cam,. Đã làm ác phải đền tội ác. Rất đáng thay muôn thác, nào oan ức nổi chi, võ đao, đem hạ sát tức thì, truyền võ đao thính lịnh, giết cho rồi để làm chi đứa vô nghì.

Chú thích:
( 1 ) Từ các điệu hát cho đến vẽ mặt viết theo tài liệu Nhìn Về Sân Khấu Hát Bội Nam Bộ của Đinh Bằng Phi.
( 2 ) Trình bày y theo sách Tiết Đinh San Cầu Phàn Lê Huê

Sách tham khảo:
Trần Trọng Kim Việt Nam Sử Lược, Quyển I, CSXB Đại Nam, California, USA
Dương Quảng Hàm Việt Nam Văn Học Sử Yếu, BGD TTHL XB, Sàigòn, Việt Nam. 1968
Đinh Bằng Phi Nhìn về Sân Khấu Hát Bội Nam Bộ, NXB Văn Nghệ, TP HCM, Việt Nam. 2005
Nguyễn Bá Thời Vợ Ngũ Vân Thiệu Bị Tên, NXB Phạm Văn Cường, Sàigòn, Việt Nam. 1958
Thanh Tâm Nguyễn Bá Thời Tiết Đinh San Cầu Phàn Lê Huê, NXB Phạm Văn Cường, Sàigòn, Việt Nam. 1958

No comments:

Post a Comment