Wednesday, January 9, 2013

NÔ LỆ TỰ NGUYỆN VÀ NÔ LỆ CƯỠNG BỨC

ảnh minh họa. Nguồn: VAOL

Hoàng Đức Doanh

Mấy tháng nay tôi thường xuyên vào mạng Vàng anh online (VAOL), mạng thông tin đa chiều, thường xuyên gặp những bài viết đối lập. Sắp hết đời, bây giờ mới được hưởng thành quả của “Tự do ngôn luận”. Điều này ở Việt nam là mới lạ, còn trên thế giới người ta đã mặc định và quốc tế hóa trong tuyên ngôn nhân quyền từ năm 1948.

Khi gặp một tiêu đề hấp dẫn, chỉ cần một nháy chuột là biết ngay tên tác giả kèm theo là học hàm, học vị, danh nhân,chức vị, công huân…toàn những thứ cứ nhìn vào tự nhiên thấy mình nhỏ bé, tưởng như những thứ này chỉ dành riêng cho những ông to, bà nhớn. Nhưng sau khi đọc hết bài , té ra chỉ là giọng điệu của một người nô lệ tự nguyện. Tôi không cố ý làm mất đi hay cường điệu danh từ Nô lệ mà chắc rằng thời kỳ chiếm hữu nô lệ được nhân loại đào sâu chôn chặt từ lâu rồi nhưng tên gọi nó thì không hề mất. Bây giờ người ta sử dụng nó mang tính chất, ý nghĩa đối lập với tự do, mất tự do coi như là nô lệ, mà tự do cũng được nhân loại quy ước trong công ước nhân quyền năm 1964, tôi muốn luận bàn trong khuôn khổ đó.


Nhiều người chắc cũng như tôi chưa có điều kiện tới Bắc hàn (Triều tiên) mà chỉ hiểu biết qua các thông tin, được nghe kể qua những người đã đến, hoăc trực tiếp chứng kiến những gì đang xảy ra trên đất Bắc hàn. Và tôi cũng chắc, nhiều người như tôi hiểu rõ như là mình đã tới, bởi vì Bắc hàn hôm nay là Việt nam hôm qua.

Gần đây nghe ông phó Giáo sư, tiến sỹ, đại tá Trần Đăng Thanh có ca ngợi người dân Bắc hàn rằng :Cái ăn, cái mặc còn thiếu nhưng có thừa lòng yêu nước. Đọc bài giảng của ông ở mạng Ba sàm, mà ông từng đứng trên bục , giảng cho hàng trăm vị cũng có học hàm, học vị ngang ngửa như ông trong một khán phòng lộng lẫy, cảm giác của tôi từ ngạc nhiên biến thành sợ hãi, sao lại có thứ lý luận điên khùng như vậy. Cảm giác sợ hãi thoáng qua, tôi tự giải thích: Nô lệ tự nguyện , không lạ gì !
Xã hội ta hiện nay có 2 dạng nô lệ : Nô lệ tự nguyện và nô lệ cưỡng bức, tuy nhiên cũng có người tự do, chỉ tiếc rằng những người tự do đang ở trong tù. Tự do tư tưởng -- vào tù, tự do ngôn luận – vào tù, tự do buôn bán hàng cấm – vào tù, tự do trộm, cướp – vào tù, tự do bạo hành – vào tù và tự do mại dâm cũng không thoát.

Chưa thấy ai tự đánh giá về mình mà tránh được chủ quan, cho nên nhìn sang anh Bắc hàn là thấy chân dung Việt nam trong đó, và ông đại tá Thanh ca ngợi Bắc hàn cũng là đang ca ngợi Việt nam, chỉ có điều lòng yêu nước của ta không thừa như họ, cho nên Trung quốc đang xâm lấn Hoàng xa và Trường xa của Việt nam.mà chưa biết biểu hiện lòng yêu nước thế nào?.

Trước đây, có một thời chúng ta tranh luận khá gay gắt về thế nào là Trí thức . Giáo sư Ngô Bảo Châu dễ dãi mang từ điển ra trả lời phỏng vấn, thế là giáo sư gặp họa. Người nói ngược, người nói xuôi xem ra đều đúng cả, không khác gì câu chuyện thày bói xem voi ! Mỗi người, mỗi phách mà không có ai sai .
Sau đó ít lâu xảy ra hiện tượng Thánh thi Hoàng Quang Thuận . Vụ việc này hơi khác, khi tranh luận phân biệt thành 2 phe rõ rệt. Một phe thi nhau ném đá, một phe ra công đỡ đòn. Một phe là nô lệ tự nguyện và phe kia là nô lệ cưỡng bức, không có phe nào khác vì phe tự do đang ở trong tù và nếu còn sót ai bên ngoài cũng không dám khẳng định mình là con người tự do ?

Cùng thời với bài giảng của đại tá Thanh , nhà báo Huy Đức công khai tác phẩm “Bên thắng cuộc”. Như thường lệ lại có một loạt bài khen, chê. Lần này với tôi rất dễ dàng phân biệt đâu là bài của phe nô lệ tự nguyện . Đọc một bài có nhận xét : Bên thắng cuộc đầy ắp những sự thật lịch sử. Ngay lập tức có bài : Nhìn lịch sử qua lỗ đồng xu, chỉ cần nhìn tiêu đề đã thấy ngay cái giọng nô lệ tự nguyện.

Tôi tin rằng Huy Đức chưa có ý định viết sử, thế mà đã có người luận bàn về viết sử, định nghĩa lịch sử, nào là lịch sử là những sự kiện có thật, nào là viết sử phải biêt chọn lọc không thể bê tất cả sự thật vào lịch sử…Huy Đức đã viết sử đâu mà đã dạy, có tài sao không lôi những cái giả đối đã in trong Lịch sử Việt nam ? Bàn luận về Bên thắng cuộc thử soi tìm những thứ giả dối xem có không ?

Tôi là một người trong Bên thắng cuộc, là người lính cùng với những đoàn quân Nam tiến giải phóng miền nam và chính tôi cảm thấy tôi được giải phóng, tôi và các đồng đội bị cầm tù trong mấy chữ C.N. X. H, bị những băng rôn khẩu hiệu bịt mắt. Thời gian sau ngày 30/4/1975 chúng tôi được giải phóng, chúng tôi nhìn rõ chủ nghĩa tư bản, nhưng chúng tôi chưa được sông trong xã hội tư bản cho nên chúng tôi đang là những người nô lệ cưỡng bức. Hàng ngày có thể vẫn ăn cùng bàn, đi cùng xe với người bạn nối khố Nô lệ tự nguyện , để rồi chúng tôi thường xuyên cãi nhau trên Inter net .

Các bạn Việt kiều hàng ngày xem Mạng, nghe chúng tôi tranh luận dù có buồn cười cũng cố mà xem. Có xem sẽ hiểu về Tổ quốc, thông cảm với đồng bào mình. Các bạn thấy đấy, có 2 từ Trí và thức mà cũng tranh luận, mang cả từ điển ra đối chiếu vẫn chưa thỏa đáng. Vậy còn bao nhiêu từ khác,bao nhiêu vấn đề khác thì tranh luận đến bao giờ? Chúng tôi những người nô lệ cưỡng bức muốn bứt phá để trở thành con người tự do phải đối mặt biết bao rào cản, ngay anh bạn nối khố là nô lệ tự nguyện cũng kéo níu , không muốn chúng tôi trở thành người tự do cho nên chúng tôi cứ tranh luận hoài !

Tôi chưa rõ, có phải ở Việt nam đang khao khát tự do nên cứ ám thị mình bị nô lệ để rồi tự thán hoặc sỉ vả lẫn nhau – cứu tôi với, tôi đang bị nô lệ tình dục – cái đồ nô lệ đông tiền…

Hai phe nô lệ chúng tôi hàng ngày thường tranh luận kịch liệt không những ở trên Mạng mà ngay trong bàn trà, trên mâm cỗ, đôi khi còn xảy ra ẩu đả, vậy mà chúng tôi lại có chung một chủ thể nô lệ, chỉ khác nhau người thì bị cưỡng bức, người thì tự nguyện. Chủ thể của chúng tôi là thứ vô hình , không có thật, khó diễn đạt bằng lời, có diễn đạt thi lại phải dối quanh vì nó không có thật, chúng tôi dài dòng tranh luận cũng vi nguyên nhân từ đó. Chính vì thế mà người ta dùng ký hiệu : C.N X H. để cho mọi người hướng đến và phe tự nguyện tha hồ mà nói, tha hồ mà biện luận, áp dụng phương châm nói mãi sẽ thành thật, giống như ông đại tá Trần Đăng Thanh rao giảng !

Hà Nội, 8/1/2013

© Hoàng Đức Doanh 

No comments:

Post a Comment