Saturday, January 5, 2013

Vè là loại văn, số tiếng trong câu có khi ba, bốn, năm nhưng thông dụng hơn cả là bốn tiếng.
Có khi mở đầu như :
               Bà con cô bác
               Lẳng lặng mà nghe
               Tôi nói cái vè
               Là vè..........
Nhưng thông dụng hơn hết người ta hay dùng lối mở đầu sau đây :
               Nghe vẻ nghe ve
               Nghe vè.........
Về kỹ thuật của vè thì không gò bó, thường chữ thứ hai và chữ thứ tư một Bằng, một Trắc, còn vần thì thường là vần đuôi nhưng cũng có vần lưng, nếu vần đuôi thì sau một cập câu lại đổi vần như :
               .............................

               Bánh Thuẩn sẵn SÀNG
Các thứ bánh BÀN
               Kỉnh chư chấm BÚT
               Ai năng thông PHÚC
................................
Còn vần lưng thì chữ thứ tư trên gieo vần vào chữ thứ hai câu dưới, và như vậy thì mỗi câu có hai vần như :
.............................
               Hai chữ hiếu TỪ
               Sự TƯ trường CỮU
               Huynh HỮU đệ CUNG
               Phụ TÙNG phu HÓA
................................
Tóm lại về vần trong Vè, nếu vần đuôi thì cứ hai câu vần bằng lại tiếp theo hai câu kế là vần trắc hay ngược lại. Còn nếu vần lưng thì mỗi câu mỗi đổi vần, số câu trong bài không hạn định.
Vè rất thông dụng trong giới bình dân, vì kỹ thuật không quá khắc khe, câu văn không cần gọt dủa, không có điển tích khó hiểu. Vè dùng để kể hay tả một sự việc, nếu Ca dao có công dụng điễn tả tình cảm thì Vè lại có công dụng châm biếm. Nó là lợi khí sắc bén để giới cần lao dễ châm biếm hạng chủ nhân và tất cả giai cấp trong xã hội nếu cá nhân nào ỷ quyền, cậy thế hà hiếp họ, kẻ thế yếu sức cô không dám kình chống ở bề ngoài, thì họ dùng Vè để châm biếm vì họ tin tưởng :
               Trăm năm bia đá cũng mòn,
               Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.
Thí dụ như vè Xã Cẩn do ông Diên Hương ghi lại trong “Phép làm thơ” :
               Nghe vẻ nghe ve
               Nghe vè Xã Cẩn
               Xuống thời thơ thẩn
               Ở chốn thanh lâu
               Chúng bạn không cầu
               Cứ theo xóm điếm
                                       (Thầy giáo Tân)
Sau đây là một bài vè về các thứ cá :
               Nghe vẻ nghe ve,
               Nghe vè loại cá.
               No lòng phỉ dạ,
               Là con cá Cơm.
               Không ướp mà thơm,
               Là con cá Ngát.
               Liệng bay thoăn thoắt,
               Là con cá Chim.
               Hụt cẳng chết chìm,
               Là con cá Đuối.
               Lớn năm nhiều tuổi,
               Là cá Bạc Đầu.
               Đủ chữ xướng câu,
               Là con cá Đối.
               Nở mai tàn tối,
               Là cá Vá Hai.
               Trăng nuốt béo dai,
               Là cá Út Thịt.
               Dài lưng hẹp kích,
               Là cá Lòng Tong.
               Ốm yếu hình dong,
               Là con cá Nhái.
Thiệt như lời vái,
Là con cá Linh.
*
Cá Kình cá Ngạc,
Cá Nác, cá Dưa,
Cá Voi, cá Ngựa,
Cá Rựa, cá Đao,
Úc sào, Bánh Lái,
Lăn hải, cá Sơn,
Lờn Hơn, Thác Lác,
Cá Ngác, Dày Tho,
Cá Rô, cá Sặt,
Cá Sát, cá Tra,
Mề Gà, Dãi Áo,
Cá Cháo, cá Cơm,
Cá Mờn, cá Mớn,
Sặt Bướm, Chốt Hoa.
Cá Xà, cá Mập,
Cá Tấp, cá Sòng,
Cá Hồng, Chim Điệp,
Cá Ép, cá Hoa,
Bóng Dừa, Bóng Xệ,
Cá Bẹ, Học Trò,
Cá Vồ, cá Đục,
Cá Mục, Lù Đù,
Cá Thu, Trèn Lá,
Bạc Má, Bạc Đầu,
Lưỡi Trâu, Hồng Chó,
Là cá Lành Canh,
Chim sành, cá biết,
Cá Giết, cá Mè,
Cá Trê, cá Lóc,
Cá Nóc, Thòi Lòi,
Chìa Voi, Cơm Lạt,
Bóng Các, Bóng Kèo,
Chim Heo, cá Chét,
Cá Éc, cá Chuồng,
Cá Duồng, cá Chẻm,
Vồ Đém, Sặc Rằng,
Mòi Đường, Bóng Hú,
Trà Mú, Trà Vinh,
Cá Hình, cá Gộc,
Cá Cóc, cá Chày,
Cá Dày, cá Duối,
Cá Đối, cá Kìm,
Cá Chim, Bon Dược,
Cá Nược, cá Người,
Cá Bui, cá Cúi,
Cá Nhái, Bả Trầu,
Cá Nàu, cá Dảnh,
Hủng Hỉnh, Tơi Bời,
Cá Khoai, Óc Mít,
Cá Tích, Nàng Hai,
Cá Cầy, cá Cháy,
Cá Gáy, cá Ngàn,
Trà Bân, cá Nái,
Nóc Nói, cá Hô,
Cá Ngừ, Mang Rổ,
Cá Sủ, cá Cam,
Cá Còm, cá Dứa,
Cá Hố, cá Lăng,
Cá Căn, cá Viễn,
Rô Biển, Lẹp Xơ,
Cá Bò, chim Rắn,
Cá Phướng, Ròng Ròng,
Trên Bông, Trao Tráo,
Cá Sọ, cá Nhồng,
Lòng Tong, Mộc Tích,
Úc phịch, Trê Bầu,
Bông Sao, Bông Trắng,
Càn Trảng, xanh kỳ,
Cá He, cá Mại,
Mặt Quỷ, cá Linh,
Cá Chình, Ốc Gạo,
Thu Áo, Cá Kè,
Cá Ve, Lẹp Mấu,
Từ Mẫu, Thia Thia,
Cá Bè, Trên Mễ,
Đuôi Ó, Bè Chan,
Nóc Vàng, cá Rói,
Cá Lủi, Con Cù,
Rô Lờ, Tra Đấu,
Trạch Lấu, Nhám Cào,
Tra Dầu, cá Nhám,
Úc Núm, cá Leo,
Ca Thiều, cá Suốt,
Cá Chốt, cá Phèn,
Cá Diềng, cá Lúc,
Cá Mực, cá Mau,
Chim Câu, cá Huột,
Sọc Sọc, cá Lầm,
Cá Rầm, cá Thiểu,
Nhám Quéo, Chim Gian,
Cá Ong, cá Quýt,
Cá Kết, Thiền Nôi,
Bông Voi, Út Hoát,
Cá Chạch, cá Mòi,
Với 118 câu trong bài vè này, kể được chừng 190 loại cá đồng và cá biển ở Việt Nam.
Theo thể vè có bài CHƠI QUẤC trong THÔNG LOẠI KHÓA TRÌNH số 2 năm 1888 của Trương Vĩnh Ký như sau :
               Muốn chơi với Quấc,
Thì Quấc cho giò.
Muốn chơi với Bò,
Thì Bò cho nhau.
Muốn chơi với Cau,
Thì Cau cho trái.
Muốn chơi với lái,
Thì lái cho buôn.
Muốn chơi với mun,
Thì mun cho đọc.
Muốn chơi với tóc,
Thì tóc cho đầu.
Muốn chơi với cầu,
Thì cầu cho đi.
Muốn chơi với khỉ,
Thì khỉ cho liến.
Muốn chơi với liềng,
Thì liềng cho thơm.
Muốn chơi với nơm,
Thì nơm cho cá.
Muốn chơi với ná,
Thì ná cho chim.
Muốn chơi với ghim,
Thì ghim cho đệm.
Muốn chơi với nệm,
Thì nệm cho nằm.
Muốn chơi với rằm,
Thì rằm cho trăng.
Muốn chơi với khăn,
Thì khăn cho bịt.
Muốn chơi với mít,
Thì mít cho xơ.
Muốn chơi với tơ,
Thì tơ cho lụa.
Muốn chơi với đủa,
Thì đủa cho cơm.
Muốn chơi với thơm,
Thì thơm cho chỉ.
Muốn chơi với khỉ,
Thì khỉ cho bần.
Muốn chơi với thần,
Thì thần cho xôi.
Đến khi thần ngồi,
Đến khi thần nói,
Đến khi thần đói,
Trả xôi cho thần.
Trả bần cho khỉ.
Trả chỉ cho thơm.
Trả cơm cho đủa.
Trả lụa cho tơ.
Trả xơ cho mít.
Trả bịt cho khăn.
Trả  trăng cho rằm.
Trả nằm cho nệm.
Trả đệm cho ghim.
Trả chim cho ná.
Trả cá cho nơm.
Trả thơm cho liềng.
Trả liến cho khỉ.
Trả đi cho cầu.
Trả đầu cho tóc.
Trả đọc cho mun.
Trả buôn cho lái.
Trả trái cho cau.
Trả nhau cho bò.
Trả giò cho quấc.

No comments:

Post a Comment